Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018

Vài cảm nhận khi đọc “Xôn xao hoàng hôn” của Hoàng An

Vài cảm nhận khi đọc 
“Xôn xao hoàng hôn” của Hoàng An
Đọc tập thơ “Xôn xao hoàng hôn” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2012) của tác giả Hoàng An, mỗi bài thơ trong tập thơ vừa có chút lãng mạn đời thường, vừa ẩn chứa những triết lý sống sâu sắc. Thành công của tập thơ là đưa người đọc đến với tương lai, rồi từ đó quay lại thực tại và cả quá khứ, để suy ngẫm, sống có trách nhiệm và nhân ái hơn.
Nói về tình cảm của người em trong gia đình nhớ về người anh đi bộ đội đã hy sinh, giờ đây vẫn chưa tìm được hài cốt, đồng thời, cũng nói lên trách nhiệm của những người đang sống, tác giả bộc bạch:... Đất nước đã khải hoàn/ Hồn anh thành sông núi/ Hài cốt chưa tìm về/ Em biết mình nặng lỗi/ Anh ở đâu? Anh ơi!... (Anh ơi!)
Thơ Hoàng An có một cái gì đó như tiềm ẩn, chứa đựng một nỗi niềm day dứt mà anh vẫn chưa làm được trọn vẹn:... Trăng tà khẳm khắc gọi tìm ai/ Bến vắng đò xưa nỗi nhớ hoài/ Thổn thức đêm dài hồn vạn nẻo/ Đời sao mười hẹn chín đơn sai... (Sao)    
Là một người con sống xa quê, ở Hoàng An có một tình yêu da diết với quê hương, nơi có dòng sông Quây Sơn, có tiếng sli, tiếng lượn thâu đêm, có ký ức mối tình đầu trong trắng:... Anh bảo em bước lại gần chút nữa/ Em cúi mặt, chỉ khẽ nói “Anh”/ Nghe tiếng em như tiếng của chim/ Rạo rực, sướng vui… tràn ngập trái tim khao khát.../ Hăm hở vậy mà sao rụt rè vậy/ Chưa dám ngỏ lời yêu nhau/ Dù sâu thẳm hai đứa đều đã hiểu... (Dưới bóng cây hạt dẻ). Tình yêu và lẽ sống là hành trình trong suốt tập thơ của anh. Từng bài thơ tình của anh được chắt chiu, trải nghiệm, gom nhặt từ trong ký ức với cả tấm lòng biết yêu thương và trân trọng quá khứ, vì thế, thơ anh chứa đựng nhiều triết lý sống và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Với tác giả, tất cả những khía cạnh tình cảm đều bắt nguồn từ tình yêu quê hương:... Sông ơi chảy về đâu/ Dòng đời trôi mải miết/ Nhớ sông quê da diết/ Day dứt mãi muôn sau... (Dòng sông quê). Trong bài “Quê mẹ xưa”, tác giả đã nói hộ nỗi lòng của những người con xa quê: Nhớ nơi quê mẹ trong thung/ Mờ mờ lam khói, lưng chừng núi xa/ Giấu mình bên suối mấy nhà/ Vẳng nghe cối giã ụp xòa thâu đêm/ Sớm chiều lảnh lót tiếng chim/ Gò hoang ngoài ngõ, ổi sim trĩu cành/ Ngày dài cặm cụi đồi xanh/ Tối về mẹ cõng theo lưng lúa vàng/ Nay con nương chốn thị thành/ Vẫn nghe hương núi ngọt lành trong tim... (Quê mẹ xưa).
Thơ của anh ẩn chứa một nỗi niềm, là lời tự sự, chia sẻ của tiếng lòng, đồng vọng thiết tha. Những vần thơ da diết như thế mà hình như từng câu, từng chữ vẫn không trải hết được tấm lòng đa cảm của tác giả:... Vẳng bên tai điệu nàng ới, giọng lượn slương/ Nồng nàn. Thiết tha. Da diết/ Bài thơ xuân tôi đang viết tiếp/ Mà ngập chìm trong tiếng vọng quê hương/ Đêm mêng mông/ Tình quê thôi thúc/ Gà gáy dồn. Bừng thức. Rạng đông... (Tiếng vọng).
Đọc thơ Hoàng An, ta cảm nhận được cái gì đó xót thương trước sự tác động của con người đối với những biến đổi của thiên nhiên, có một chút hoài niệm về ký ức. Ở tuổi bát thập, anh đã cống hiến nhiều cho quê hương, đất nước, nhưng dường như anh vẫn cảm thấy chưa đủ, vẫn muốn níu kéo với thời gian để truyền lại cho thế hệ sau những bài học mà anh đã trải nghiệm:… Bến đò đã vắng/ Chiều nắng đã tàn/ Chợ phiên đã vãn/ Đĩa dầu đã cạn/ Đất trời mênh mang/ Cuộc đời tấc gang/ Đinh ninh ngày rộng tháng dài/ Ngồi chờ sung rụng phí hoài tuổi xanh... (Muộn).
Tác giả không giấu tâm trạng của mình, lòng anh xôn xao, trăn trở, trước mắt vẫn còn nhiều việc phải làm mà chỉ sợ thời gian vụt mất, anh cảm nhận rõ rằng bản thân đang sống trong bóng hoàng hôn của cuộc đời:... Hoàng hôn sao buông vội/ Cho chim chiều gắng gỏi/ Thoi thót giữa trời mây... (Cánh chim chiều).
Hoàng An quan niệm một đời người nhìn lại cũng giống như một ngày, có cái đẹp của ánh bình minh đang lên và lúc hoàng hôn đang dần buông. Chắc chắn tác giả đã cân nhắc, băn khoăn lắm mới quyết định đặt tên cho tập thơ của mình là “Xôn xao hoàng hôn”: ... Lao xao chiều gió thổi/ Lá úa xào xạc rơi/ Chim dáo dác tìm nơi tổ ấm/ Nai rừng thảng thốt gọi bầy/ Gà con rúc vào bụng mẹ/ Bên cửa sổ/ Cụ già cặm cụi viết/ Ký ức một cuộc đời/ Nuối tiếc/ Bâng khuâng... (Xôn xao hoàng hôn). Mỗi khi đọc những câu thơ trên và suy ngẫm, có lẽ sẽ cảm nhận được “hoàng hôn” tác giả nói đến không phải chỉ là thời khắc cuối yên tĩnh nhất của một ngày mà nó còn “xôn xao” bởi khát khao được cống hiến.
Có thể nói “Xôn xao hoàng hôn” là tập thơ của một con người từng trải, có đầy đủ ý thức về mình, về người, về cái thiện, cái ác. Một con người có tâm hồn mãnh liệt, đang lắng sâu để suy tư về tình yêu, về quê hương, đất nước, về cuộc đời đã qua và cả mai sau. Chính vì lẽ đó mà các bài thơ của Hoàng An dù ở trạng thái vui hay buồn đều trong sáng, nhân hậu và tinh tế.        
Nguyễn Hoán
Theo http://baocaobang.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thơ có cần thiết cho đời sống? 10 Tháng Ba, 2023 Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát nh...