Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2022

Chất trữ tình tuổi già trong thơ Xuân Sách

Chất trữ tình
tuổi già trong thơ Xuân Sách

Sáng nay tôi tình cờ đọc được mấy bài thơ của Xuân Sách đăng trên trang web Văn chương Việt.
Tôi sững sờ: chất trữ tình đằm thắm và trong trẻo long lanh trong những bài thơ này, tự nhiên và hoàn hảo như thể khi nắng ban mai thức dậy, tất yếu mang cho ta cảnh tượng những hạt sương trong vắt đọng lại trên cỏ 
Và có lẽ điều đặc biệt nhất: đây là cái trữ tình của tuổi già. 
Đúng thế, ông già Xuân Sách làm thơ, những bài thơ khiến tôi kinh ngạc - sao đẹp thế, âu yếm thế và lắng đọng tình yêu thương đến thế.
Tuổi già, có lẽ là bí ẩn cuối cùng con người cần khám phá trước khi  trở lại điểm xuất phát đầu tiên của kiếp người. Sự bí ẩn này dường như số đông im lặng mang xuống mộ, bởi con người ở quãng đường cuối cùng này hiểu ra nhiều điều tất yếu và giản dị đến mức, có thể họ nghĩ rằng không cần phát biểu nhiều hơn về nó. 
May sao, Chữ - cũng như nhiều loại hình nghệ thuật khác - đã giúp nhân gian giải mã bí ẩn của tâm hồn con người ở bất kỳ độ tuổi nào, một khi cảm hứng sáng tác chợt đến với những người sáng tác.
Trong hình dung của tôi, tuổi già chỉ là sự dàn trải ngày càng chín muồi hơn với những gì đời người đã được kiểm nghiệm, nói cho đúng, tuổi của tâm hồn chính là chất cá tính của một cá nhân ngày mỗi phát triển và hoàn thiện vẹn toàn và sắc nét hơn.
Đọc những bài thơ của Xuân Sách, tôi mường tượng ra một người già có vẻ bên ngoài hiền lành và độ lượng, nhưng tâm thức bên trong là lối suy nghĩ trầm ngâm sâu sắc, ông quan sát để liên tưởng và viết ra những điều giản dị nhưng sao làm xúc động lòng người, có lẽ vì mỗi câu thơ của ông là một xúc cảm chân thành và đẹp đẽ. 
Bài Rau má là một bài thơ quá đẹp - con người đi qua mọi khổ đau của cuộc đời riêng, để hiểu ra sự đau khổ chung của nhân loại - và quay lại thương xót, chân trọng chính cái riêng của mình: 
Tôi lại về xứ Thanh
để được ăn rau má
là thứ cây “nông nghiệp hàng đầu”
là thứ rau có vị bùi vị đắng
có vị đời thấm đẫm tuổi thơ tôi 
Tôi ngồi ăn
trong quán cơm bình dân phố núi
hết rổ rau này rổ khác lại bưng ra
chị chủ quán nhìn tôi như muốn nói:
kỳ quặc thay là cái ông già! 
Tôi đã ăn như năm 45 chết đói
với cả lòng thương nhớ quê tôi
với cả nỗi đau suốt đời nhức nhối
với nỗi buồn thầm gọi:
Mẹ ơi.
(Rau má) 
Dường như trong con người Xuân Sách luôn luôn có một nỗi buồn tỉnh táo, đấy là nỗi buồn của một đời người Việt đi qua chiến tranh, một từ đồng nghĩa với đói nghèo mất mát và khổ đau, nhưng nỗi buồn này luôn dội trở lại tâm thức ông qua những kỷ niệm thơ ấu. 
Có lẽ đây cũng là một đặc thù tuổi già, nhưng ở Xuân Sách, chắc là một tuổi già cân bằng  nhận ra cái đầu tiên và cái cuối cùng khác nhau chẳng là bao, có chăng chỉ là sự thật nhận ra nó: 
Ở làng tôi có nhiều người, tôi biết
chưa bao giờ ra khỏi lũy tre
sinh ở đấy và chết cùng ở đấy
suốt cuộc đời chỉ có một lần đi 
phải vì thế mà trái tim nguyên vẹn
rất đơn sơ không đau đớn nhọc nhằn
cũng vì thế mà ít ai chọn lựa
phải đau nhiều thì vui mới lớn chăng? 
Ai cũng phải đi xa một chuyến
Chuyện chia tay chẳng đáng bận lòng
Cái đáng sợ là mọi người quên biến
Đi hay về có cũng bằng không.
(Những chuyến đi) 
Tuổi già bùi ngùi nhận ra cái khác của thời đại mình xưa, với ngày sống hôm nay, qua lăng kính hồi ức:
Và mỗi khi tàu dừng lại sân ga
Những em bé bây giờ, tôi để ý
Không chạy đến với con tàu như thể
Lũ chúng tôi bé nhỏ ngày xưa 
Chật sân ga người đến đón đưa
Người buôn bán ồn ào tấp nập
Cái khung cảnh rất đời, rất thực
Chút mộng mơ còn lại: khói con tàu.
(Ga làng tôi) 
Cái khác này làm nên một sức sống khác của thời đại. Đọc một loạt các bài thơ của Xuân Sách, ta có thể thấy ông đã hiểu ra điều này.
Bởi cuộc đời của ông, của  thế hệ ông, là bề dày khói lửa của một đất nước Việt nam chiến tranh, kỷ niệm cuộc đời toàn bồi đắp bằng những năm tháng chinh chiến, cái cá nhân nằm luôn trong tập thể, vậy mà cuối cùng, cái cá nhân vẫn tách ra và hiểu ra vị trí của nó trong cái toàn bộ: 
Tôi đi qua tuổi thơ cỏ dại
Mắt trẻ con đăm đắm phía chân trời
Tôi đi cùng trùng trùng đồng đội
Tôi lẫn vào người, người lẫn vào tôi 
Ngày cũng vội, bữa cơm ăn cũng vội
Đêm hành quân hun hút  gió bên đồi 
Tôi đi qua phố phường xủng xoảng
Thời thị trường lẫn lộn trắng đen
Tôi quên mất mái đầu đã bạc
Và những đêm thức với ngọn đèn
Tôi đi qua bão giông dữ dội
Ngụp lặn trong mưa gió tơi bời
Cho đến khi mưa ngừng mây tạnh
Tôi nhận ra người, và người nhận ra tôi
(Tôi đã đi qua)
Chính việc nhận ra bản thân mình từ đám đông, trong đám đông, đã giúp Xuân Sách giữ được chất cá tính riêng của mình, ít nhất ta có thể nhận biết trong thơ của ông: chất trữ tình sâu sắc.
Chất trữ tình ấy chỉ thấm đượm và nổi bật ở những tâm hồn yêu, quyến luyến thiên nhiên, tìm thấy mình trong vẻ đẹp của thiên nhiên, vũ trụ, như một giá trị truyền thống, để giúp con người trong sáng và thánh thiện đúng với ý nghĩa nguyên thủy về con người. 
Tôi đã bật cười vui cùng ông khi đọc bài thơ Nụ tầm xuân. 
Không thể duyên dáng hơn, ý vị hơn một tâm tình hóm hỉnh đến như thế, phát biểu về cuộc đời đúng là cái nhìn của một người già, nhưng sao trẻ trung và có duyên như một chàng trai trẻ.
Bản chất của cuộc đời là sự tươi trẻ vĩnh cửu mà - Xuân Sách đã nhìn ra điều đó: 
Nụ tầm xuân nở ra xanh biết
Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay
(Ca dao) 
làm gì có hoa nở ra xanh biếc
cái nụ tầm xuân trong câu ca dao
ấy là bởi lòng người hối tiếc
nên nhìn hoa cũng thay đổi sắc màu 
em lấy chồng rồi thì anh lấy vợ
điều đơn giản thế mà nghĩ không ra
nhưng khốn nổi tình đời rắc rối
và trái tim vẫn cứ mù lòa
nếu trời cứ xanh và hoa cứ đỏ
anh yêu em thì nên vợ nên chồng
không có buồn thì vui không có nữa
các nhà thơ gác bút chạy lông bông 
nụ tầm xuân cứ nở ra xanh biếc
cho chúng ta môt chút ngậm ngùi
em có chồng rồi thì anh vẫn tiếc
như biếc bao luyến tiếc có trong đời
(Nụ tầm xuân) 
Bởi vậy, tuổi già của Xuân Sách, tôi hình dung nó êm đềm và nhẹ nhàng như những ngày thường bình dị giữa đất trời thư thả, khi một người đã nhận ra vị trí của mọi sự vật: 
đến đây dù ở lại đây
khác chi cơn gió thoảng bay ngoài vườn
(Đến đây thì ở lại đây) 
Không hiểu Xuân Sách có phải người mê thuyết sống của Trang Tử như tôi hay không, nhưng rõ ràng tôi đọc và tìm ra rất nhiều đồng cảm trong thơ của ông. 
Nhưng có lẽ bài thơ Bến quê của Xuân Sách là bài thơ tôi thích nhất, yêu mến nhất. 
Một người già thật hiền hậu, thật thanh bình, mà tình cảm quá đỗi sâu sắc vấn vương với đời, biết rằng mình cũng chỉ là một nỗi đau nho nhỏ duy nhất, góp thêm vào sự sinh thành vũ trụ này thôi( hai câu cuối của bài thơ), nhưng thiếu nỗi đau cá nhân duy nhất này, vũ trụ cũng sẽ thiếu đi một nét sống, một giăng tơ tình nghĩa và một ý đồ đẹp đẽ nhất cho sự trường tồn vĩnh viễn của sự sống.
Và bởi vậy, trong Chữ - hình ảnh về thi sĩ Xuân sách - cũng sẽ lắng đọng mãi như một đám mây trôi nhẹ nhõm trên bầu trời, chừng nào đôi chân ta bước đi trên mặt đất, mà mắt vẫn ngước lên bầu trời xanh thẳm, nơi chất chứa những hy vọng  hoàn thiện NGƯỜI. 
Tôi về tới bến sông xưa
Hút tàn điếu thuốc mà chưa gọi đò 
Nhìn theo ngọn khói vu vơ
Nhớ thương thì có đợi chờ thì không
Buồn ai thả lại giữa dòng
Cho tôi mang lấy nặng lòng chiều nay
Hư hao một thoáng heo may
Sương nhòa mặt đất mây bay cuối trời
Cất lên một tiếng đò ơi
Nhỏ nhoi như giọt mưa rơi giữa đồng.
(Bến quê) 
7/8/2009
Nguyễn Hồng Nhung
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thanh Thảo – Thơ ngoài thơ 12 Tháng Sáu, 2022 Lững thững tuổi già, Thanh Thảo chầm chậm kéo thơ ra ngoài thơ trong thi phẩm “Hát giữa ...