Thứ Ba, 26 tháng 4, 2022

Khế Iêm và tân hình thức

Khế Iêm và tân hình thức

* Khế Iêm sinh năm 1946 (khai sinh 1947) tại Lê Xá, Vụ Bản, Nam Định. Học Luật tại Sài Gòn. Sống tại Mỹ. Sáng lập và chủ biên Tạp chí Thơ tại California 1994-2004. Hiện nay anh chủ trương tờ báo giấy thơ tân hình thức Việt được nhiều người tìm đọc.
* Tác phẩm: Hột huyết (kịch, Sàigòn 1972), Thanh xuân (Thơ, California 1992), Lời của quá khứ (Truyện, California 1996), Dấu quê (Thơ, California 1996), Tân hình thức, Tứ khúc và những tiểu luận khác (Tiểu luận, California 2003), đồng tác giả và chủ biên tập Thơ Kể, Poetry Narrates (Tan hinh thuc publishing, 2009).
* Khế Iêm nổi tiếng như người khởi xướng và, đến nay vẫn tiếp tục, như cây viết lý luận chính yếu của phong trào thơ Tân hình thức Việt. Về sáng tác, anh cũng là một trong vài nhà thơ quan trọng nhất của phong trào này. Trước đó, thời kỳ cổ điển và thơ tự do, thơ Khế Iêm ít được biết tới hơn nhưng không phải là anh không có những bài thơ được yêu mến. Chúng phần nào là tiền đề để anh bước vào con đường thi pháp mới. Như một người sáng tác, anh có những thuận lợi của nhà thơ có kinh nghiệm lâu năm, viết nhiều thể thơ, đọc nhiều, nhưng vì thế anh cũng có những gánh nặng khác trên vai: toàn bộ lý luận về thơ Tân hình thức, sự triển khai và sự áp đặt của nó đối với một nhà lý thuyết.
Những người đọc kỹ thơ Khế Iêm trước đây sẽ ngạc nhiên thấy rằng trong thời kỳ đầu anh vốn không phải là người nặng về tự sự và mô tả, với khuynh hướng đi sâu vào chi tiết và khuynh hướng yêu thích tính chính xác vốn phổ biến trong các truyền thống phương Tây. Như vậy, có thể xem Tân hình thức là một bước ngoặt trước hết với thẩm mỹ của nhà thơ. Có lẽ nhiều người đã từng gặp những khúc quanh như thế, nhưng chỉ một số người trong số họ, những tài năng có lẽ, mới kịp đột ngột rẽ đường vào khúc quanh ấy. Thơ Khế Iêm đầy rẫy những chi tiết thời thơ ấu, thời mới lớn, ký ức chiến tranh, chiêm nghiệm lẽ đời và tuổi già. Những yếu tố chính trị trong thơ anh chỉ thấp thoáng hiện diện nhưng sẽ trở đi trở lại. Những đề tài được ưa thích của Khế Iêm như quan hệ giữa người và người, thân phận, quê hương, không phải là những đề tài khác thường. Vì vậy, khi trở thành chất liệu của thơ Tân hình thức, cố gắng cần thiết của nhà thơ trở nên rất lớn để có thể biến chúng thành các phương tiện hữu dụng.
Thơ Tân hình thức, như nhiều lần được anh và các nhà thơ đồng hành định nghĩa, bao gồm những đặc tính như: tính truyện, tính lập lại, ngôn ngữ đời thường, tính vắt dòng, vần điệu. Có lẽ cần thêm rằng tính chất vui chơi và tính chất huyền bí cũng tạo nên những phẩm chất cốt lõi khác. Là một phong trào nặng về hình thức nghệ thuật, cho đến nay thơ Tân hình thức nói chung, của nhiều tác giả, và thơ của riêng Khế Iêm, đang cho thấy những khả năng tiềm tàng và những giới hạn dễ thấy của nó. Đó là vì sao trong dư luận phê bình có hai khuynh hướng, khen và chê, đối với Tân hình thức.
Năm 2014, một hội thảo khoa học về thơ Tân hình thức được dự định, bởi tạp chí Sông Hương ở Huế và tổng biên tập Hồ Đăng Thanh Ngọc, cũng là một nhà thơ Tân hình thức, chứng tỏ sức lan tỏa của phong trào này ở hải ngoại và trong nước. Hội thảo không thực hiện được, nhưng đã trở thành, một cách đầy ấn tượng, việc ra mắt một tuyển tập song ngữ dày dặn, công phu, mỹ thuật (*), chứng tỏ sự hiện diện của cả hai khuynh hướng ủng hộ và nghi ngại này, và cả hai đều mạnh mẽ.
Xét thuần túy về mặt nghệ thuật, các phản hồi khen chê có thể được các nhà thơ đồng hành với Khế Iêm sử dụng để điều chỉnh. Gần đây một số nhà thơ đã có khuynh hướng mở rộng các ranh giới của nó, tiếp cận những đề tài xã hội và chính trị, mới, đi sâu vào các khuynh hướng tâm linh, làm phong phú thêm ưu điểm ngôn ngữ của Tân hình thức.
Nhà thơ Đỗ Quyên, một trong những người theo dõi khách quan và sát sao phong trào Tân hình thức, cũng như theo dõi nhiều vận động thơ ca khác, đã nhận xét như sau:
“Đây cũng là lần đầu tiên trong sự phát triển văn học Việt Nam, một trào lưu thi ca – có lý thuyết bài bản, có tranh luận sôi nổi, có thời gian thử thách, có ảnh hưởng dư luận và nhất là có thực hành sáng tác rộng khắp trong và ngoài lãnh thổ quốc gia – đã được cộng đồng văn học chấp nhận về học thuật. Trong môi trường lý luận, phê bình và sáng tác văn nghệ Việt Nam lâu nay chưa có tập quán trường/ phái/ nhóm, đây nên được xem là bước chuyển đổi lớn…
Một cách tương đối, nếu xem hành trình sáng tác theo 4 bậc thang – Cách mạng (Cải cách) thơ: cần văn hóa, thời đại mới, thông qua chủ nghĩa, triết thuyết mới; Cách tân (mở đường) thơ: cần thi pháp mới, tạo khuynh hướng mới; Đổi mới thơ: bằng bút pháp mới tạo lối viết mới; Sáng tạo thơ: qua phong cách mới với thủ pháp mới - thì Thơ Tân hình thức Việt ở bậc thang Cách tân”.
Phong trào Tân hình thức Hoa Kỳ có lẽ đã chọn được người đại diện xứng đáng của mình trong ngôn ngữ Việt, không những đại diện mà thậm chí còn nâng lên, ở một nhà thơ với sự xẻ đôi giữa một bên là khuynh hướng cách tân về phong cách và ngôn ngữ, một bên là khuynh hướng trữ tình và vần điệu cổ điển.
Nguyễn Đức Tùng
TỰ CA
Mở mắt
Nhấp nháy nghi, hồn nhiên
Rơi trên thềm, ruộng đồng chảy mật
Chưa bao giờ nước và đất thành bùn
Chưa bao giờ điêu linh là mộng
Ta khởi từ đời thật có
Chạy đi rồi về gió tất tưởi
Chiều xa chôn hờ thây ngoài non
Đợi nhau từng giờ bướm thổn thức
Dừng lại con quay quẻ may rủi
Dắt tay bước qua cầu nước mắt
Thở dài
Cười
Tiếng hùng hổ
Nhè nhẹ rừng lời buông bông lơn
Nhát cuốc
Cỏ, hẳn nhiên chết
Cho nhanh ngày mầm héo xơ xác
Vay trả ngàn kiếp muôn biến đổi
Ta ca thiêm thiếp quê mùa thơm.
XUÂN TÙ
Gửi TPK
Lửa mắt, hôn tóc sao
Chảy và khóc
Lời kinh mưa
Như trái tim kịch, lòng co quắp
Như bất ưng chiều run phiêu linh
Như chim bay qua rừng hát huyên náo
Ta, sâm thương nguồn gió đau đớn
Bên quán xưa men rượu còn chờ
Thây man di có tiếng hờn oán
Sông cuối sông về, hoa tinh mơ
Ngăn ngắt quanh ngực núi càn rỡ
Khuya liếp tranh hồn quê siêu sinh
Ta cắn răng cùng đá gầm rú
Trong nước trôi ngoài trăng lân tinh
Soi, bỗng nhiên dòng nỗi lam lũ
Đang cuốn đi từng cơn phiếm du
Thiêm thiếp hơi gặm miếng tình cũ
Bao phế hưng ta mùa xuân tù.
DẤU QUÊ
phà vào lũ mục
tử bằng đất nung
với tay nhón cái phôi
pha với khói
tí tách
con mắt góc xếch
mé trong thế giới hai mặt một lời
(ai ở ngoài lời)
vẽ lại hình dạng đã thành quen
thói
phẩy con đường làm đôi
không biết lối nào có dấu quê

CON MÈO ĐEN
Con mèo đen có linh hồn và chiếc
xương sườn của tôi, mỗi buổi sáng thức
dậy không bao giờ rửa mặt, mỗi buổi
sáng thức dậy không bao giờ đánh răng;
con mèo đen có đôi mắt bằng đất
sét, mở ra và nhắm lại, hay cứ
mở ra và không bao giờ nhắm lại,
trong lúc lên thang xuống thang, mang theo
linh hồn và chiếc xương sườn của tôi,
mà quên rằng, tôi đã sống những ngày
hôn ám biết bao, tự thuở nào và
tại sao thì tôi đành chôn kín, trong
cái túi đựng đầy những đoạn chú thích,
được lượm lặt từ rất nhiều mẫu chuyện,
để cấu thành câu chuyện về con mèo
đen, mang linh hồn và chiếc xương sườn
của tôi; dĩ nhiên, đó là con mèo
đen có đôi mắt bằng đất sét, chứ
không phải bất cứ đôi mắt nào khác;
mù đặc, trong lúc lên thang xuống thang. 
NGƯỜI ĐÀN BÀ SAU 40 NĂM 
Người đàn bà 40 tuổi trở
về sau 40 năm cuộc chiến
tàn nơi một đất nước xa lạ
xa lạ như đứa trẻ sinh ra
 
không biết mình là ai trong cuộc
đời 40 năm mập mờ ký
ức bà đi tìm bà hay bà
đi tìm ai ôi chao bà đi 
tìm câu chuyện về người đàn bà
đã sinh ra bà và ném bà
vào một thế giới không phải của
bà nhưng bà chỉ gặp một Sơ 
già từng cưu mang những đứa trẻ
mồ côi và cho họ một cuộc
đời khác khác với cuộc đời họ
đã sinh ra Sơ ngỡ ngàng Sơ 
không nhận ra bà bà không nhận
ra Sơ đã 40 năm qua
rồi Sơ kể kể đi kể lại
những hoài niệm cất giấu sau cuộc 
chiến tàn bà là đứa trẻ được
đưa tới trại trẻ mồ côi từ
bệnh viện bệnh viện nơi trú ẩn
của sự sống và cái chết cuộc 
đời của người đàn bà đã sinh
ra bà và cứ thế huyễn hoặc
này vùi vào huyễn hoặc khác cuộc
đời này vùi vào cuộc đời khác 
những dấu tích phôi pha đủ để
Sơ già già hơn qua năm tháng
nhưng vẫn chồng chất những mảnh đời
bất hạnh của những đứa trẻ mồ
côi rồi Sơ lại kể kể đi
kể lại như thể sợ mất đi
đứa con thất lạc nay đã về
nhà trong cuộc hành trình 40
năm sau cuộc chiến tàn bà trở
về nơi bà đã ra đi nay
bà lại ra đi đến nơi đã
trở về bà là ai là ai 
là câu hỏi mãi đeo đẳng nơi
bà dù cho là có 40
năm sau nữa.
*Theo bản tin “Ngày về của đứa trẻ trong Chiến dịch Không vận Trẻ em 1975”, nguồn Khampha.vn, câu chuyện sơ tán của Julie Davis từ Sài Gòn tới Seattle, Mỹ, vào năm 1975.
NẮNG VÀNG
Tôi đứng ở bãi đậu
xe nhìn bâng khuâng một
vùng nắng vàng (và trong
lúc này) tôi không biết 
tôi là nắng hay nắng
là tôi con đường phía
trước một hướng ra biển
còn hướng kia lên đồi 
cả hai nơi đều có
những ngôi nhà đắt tiền
nhưng những ngôi nhà đắt
tiền thì có liên hệ 
gì tới tôi có lẽ
là do sự liên tưởng
từ con đường con đường
dẫn tới những ngôi nhà 
đắt tiền bây giờ nắng
đã xóa đi ký ức
và cái nghĩ của tôi
cũng đã rời xa tôi 
lờ mờ tôi không còn
biết tôi đang ở đâu
và đi đâu bởi tôi
là nắng chỉ khi nào 
nắng rời xa tôi lúc
đó ký ức và cái
nghĩ trở lại thì may
ra tôi mới trở lại 
tôi nhận ra nơi tôi
đến và đi (chẳng mấy
chốc) bóng tối tiễn đưa
ánh sáng và bãi đậu 
xe sẽ lấp lánh lấp
lánh đủ sắc màu nên
tôi không muốn lãng phí
giây phút nào ở với 
nắng lúc này tôi không
làm gì ngoài ngó quanh
lác đác bóng người len
lỏi qua những hàng xe. 
TÂN HÌNH THỨC VÀ CÂU CHUYỆN KỂ
Khi tôi ngồi uống cà phê ngoài lề
đường và kể lại câu chuyện đã được
kể lại, từ nhiều đời mà đời nào
cũng giống đời nào, mà lời nào cũng
giống lời nào, về người đàn bà và
đàn con nheo nhóc (nơi góc phố được
gọi là chỗ chết, nơi góc phố được
gọi là chỗ sống), kẻ những đường kẻ
bằng than đen; gãy góc, xấu xí như
cái bóng trong tấm hình cũ, như dĩ
nhiên hôm nay ngày mai ngày mốt, như
thế thôi thì thế thôi, biết đâu chừng
nhưng người đàn bà và đàn con nheo
nhóc, vẫn kể lại câu chuyện đã được
kể lại, như người khác đã từng kể
lại, dù chẳng để lại gì ngoài câu
chuyện đã kể, bởi câu chuyện đang tự
kể lại, và không ai, ngay cả người
đàn bà và đàn con nheo nhóc, bước
ra ngoài câu chuyện đã được kể lại.
NGƯỜI ĐÀN BÀ
Người đàn bà ngủ với người đàn ông
không phải chồng của mình, trong căn phòng
không phải căn phòng của mình, với cái
tôi không phải cái tôi của mình, vào
buổi tối không giống buổi tối nào (vào
buổi tối không khác buổi tối nào), giữa
nhà ga đầy muỗi mòng và nước đái
ngựa, nhai lại bất cứ thứ gì có
thể nhai lại, bôi xóa bất cứ thứ
gì có thể bôi xóa, ném vào đống
đồ đạc cũ, mảnh báo cũ, kể về
nỗi nhọc nhằn đồi trụy; xỏ chân vào
đôi guốc mộc, và bước qua ngưỡng cửa,
để đi tìm người chồng nơi những người
đàn ông không phải chồng của mình. Biết
thế thì. Thôi thế thì. Người đàn bà
đánh mất quá khứ, hay quá khứ đã
tàn phai, thất thiệt, từ hàng trăm năm
trước, rằng đã có một thời, đã có,
“một thời áo trắng xa xôi”. Người đàn
bà quay gót, trở về căn phòng không
phải căn phòng của mình, với cái tôi
không phải cái tôi của mình, dửng dưng,
như sự thật chẳng bao giờ có thật.
Chú thích:
* “Một thời áo trắng…”: Lời nhạc của Trầm Tử Thiêng 
TẾT Ở NEW YORK
Năm cũ không bước qua
năm mới vì năm mới
vốn thông thương với năm
cũ trong lúc lũ tết
và lũ tuyết ập xuống
mái nhà ôm lấy nhau
không chịu tan ra chẳng
khác nào năm cũ nằm
ôm lấy năm mới nhì
nhằng không thể bước qua
nhau mãi cho đến lúc
giật mình thức giấc bởi
tiếng động của cái lạnh
làm se da thay cho
tiếng pháo nhắc tới tết. 
20/2/2015
MẸ KHỔ
Mẹ già đã già ngồi
còng lưng bên gánh hàng
rong nơi góc phố bụi
mờ những bước chân qua
mẹ chờ gì và mẹ
chờ ai không mẹ không
chờ gì và mẹ không
chờ ai ngoài nỗi buồn
canh cánh từ thuở khai
sinh mẹ còn gì và
mẹ còn ai không mẹ
không còn gì mẹ không
còn ai ngoài lũ con
đứa lang bạt kỳ hồ
đầu đường xó chợ đứa
vợ bỏ đi hoang lặn
lội tìm trầm nơi rừng
sâu núi thẳm một sớm
tin về xảy chân đã
thành thiên cổ không ai
nuôi mẹ vậy mẹ nuôi
ai mẹ nuôi lũ cháu
còn thơ mồ côi mồ
cút bữa đói bữa no
trong vòng tay mẹ bà
ơi bà ơi mẹ như
chiếc lá đổi màu năm
cùng tháng tận ngồi đây
kẻ qua người lại không
ai thấy mẹ mẹ không
thấy ai rồi một hôm
mẹ nghe lũ chim non
quang quác đầu nhà kêu
trong hoang sơ mẹ
không kịp về cơn đau
ập đến mang xác mẹ
đi đi đâu về đâu
bà ơi bà ơi ngày
đi vào đêm mẹ không
kịp về mẹ ngồi bên
đường mẹ ngồi chết khô
bên gánh hàng rong người
đi kẻ ở phố vẫn
như xưa chỉ không còn
cuộc đời mẹ khổ bà
ơi bà ơi bà ơi
bà ơi đi đâu về đi.
KẺ VIẾT
Những kẻ viết - như tôi -
sống với những nhân vật
của họ mà nhân vật
của họ thì vốn dĩ 
là những mẫu người thật
đủ mọi dạng hình được
bỏ vào những tình huống
do họ tạo ra theo 
kiểu cách của họ những
nhân vật của họ trở
thành những con rối dần
dần những con rối lại
biến chính kẻ viết thành
những con rối con rối
trong những con rối ô
hay thế giới của những
con rối cứ thế và
cứ thế phiêu bạt phiêu
bạt những con rối chữ
nghĩa lộn xộn với những 
con rối cuộc đời và
trong cái mớ bong bong
của hoài nghi kẻ viết
đi đâu về đâu cuối 
cùng rồi cũng chỉ là
kẻ viết có khác gì
những con người khác luẩn
quẩn trong những thế giới 
khác nhiễu nhương và nhiễu
nhương nhưng nhiễu nhương thì
nhiễu nhương những kẻ viết -
như tôi - làm sao có 
thể thoát ra khỏi cái
viết và chỉ có thể
mãi mãi là kẻ viết
vất vưởng trong cái viết.
NHỮNG CÁI TÔI BUỒN 
Nếu sự thực chỉ là ảo tưởng
và thực tại trùng trùng lớp sóng
phế hưng trong tình huống như vậy
tôi bị đẩy ra ngoài lề tôi
là con chữ những bản văn không
thể khác và không thể khác và
thế là tôi có thể cắt dán
tôi tải lên lấy xuống nén lại
gửi đi tách lìa giữa tôi và
tôi những cái tôi được tạo ra
từ tâm trí tôi những cái tôi
ký hiệu những cái tôi viết lời 
tuyên ngôn những cái tôi viết lời
cổ động những cổ động rỗng không
những cái tôi dị dạng méo mó
những cái tôi nổi trôi trên mạng 
lưới trời những cái tôi phẳng những
cái tôi bị tâm trí dày xéo
những cái tôi bị tâm trí xâm
lăng dựng thành kịch bản kịch bản 
ở ngoài mọi kịch bản tôi là
tù nhân của tâm trí tôi và
những người khác là tù nhân của
tâm trí khác y như tôi vậy 
đẩy con người tới bờ vực lãng
quên và bây giờ tôi đang ngồi
bên song cửa ngó ra ngoài thấy
le lói ánh trăng soi và ngẫm 
lại nếu con người chỉ là hư
cấu những bản văn thì tôi cũng
chỉ là bản sao của vô số
những bản sao tôi những chiếc bóng 
nói nói và nói chi nhiều (vì
sự thật chẳng bao nhiêu). 
Chú thích: 
(*) Kỷ Yếu Hội Thảo Tuyển Tập Tiểu Tuận “Thơ Tân Hình Thức Việt: Tiếp Nhận Và Sáng Tạo”/ Sông Hương Magazine Workshop Summary “Vietnamese New Formalism Poetry: Reception And Creativity”, Tạp Chí Sông Hương, Huế, 2014.
2/12/2019
Nguyễn Đức Tùng
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tác phẩm mới, cái nhìn riêng của Huỳnh Như Phương

Tác phẩm mới, cái nhìn riêng của Huỳnh Như Phương Có một “gia tài” gồm nhiều tác phẩm (giáo trình, chuyên khảo, bài báo khoa học, tản văn…...