Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2024

Lê Đạt nhà thơ hành trình về phía Mới

Lê Đạt nhà thơ
hành trình về phía Mới

Nhà thơ Lê Đạt đang vào tuổi 80, nhưng gặp ông lúc nào cũng trẻ trung lắm. Cái bắt tay rất chặt. Tiếng cười luôn nổ ran. Ông nói mọi chuyện, từ nghiêm túc đến đùa cợt đều “nhẹ như không”. Có lẽ thế nên cuộc ra đi của ông vô cùng nhẹ nhõm…
Ông vừa đi một cuộc Tây Nguyên cùng nhà văn Nguyên Ngọc và mấy người bạn ở tạp chí Tia Sáng, ghé Hội An thăm Đại học Phan Châu Trinh rồi bay về Hà Nội tối 20, còn khỏe re. Vậy mà 3h15’ sáng hôm sau 21.4.2008 ông đã từ giã mọi người đi vào cõi thiên thu. Ông ngã cầu thang lúc 10h đêm, đến và “đi” tại bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, nơi mà nhà thơ Việt Phương đã có lời gửi gắm.
Theo nhà thơ Hoàng Cầm thì sau vụ Nhân văn giai phẩm, các “nhân vật” đều gặp cả khó khăn về vật chất. Hoàng Cầm phải đi tô màu ảnh để sống, Trần Dần, Lê Đạt cặm cụi dịch sách kiếm tiền. Nhưng Lê Đạt sống phóng túng hơn nhờ bà cụ có cửa hàng nên thỉnh thoảng cho tiền. Mà phóng túng có lẽ là bản chất của Lê Đạt, đặc biệt ông rất phóng túng tiếng cười, vì thế mà trẻ lâu chăng? Chính ông cũng tự nhận “không biết lối về già”:
Tuổi lú lẫn ngược nhầm ga trẻ dại
Hay ngây ngô không biết lối về già
Thơ thẩn chữ ngã ba…
Tôi đọc thơ ông đã lâu, đọc cả thơ thời Nhân văn giai phẩm, rồi sau này đọc những tập thơ được xuất bản trong thời kỳ Đổi Mới, thấy ông là người có Tư tưởng Mới. Ông luôn kêu gọi cho cái mới. Xã hội mới. Thơ mới. Chữ mới… Tôi thích ông ở cái sự Mới ấy mà đâm ra quý trọng, vị nể.
Có thời nhà thơ TMH phê phán tập Bóng Chữ của ông, tôi có viết bài “luận chiến” trong đó bênh vực Lê Đạt và các trường phái thơ mới lạ. Mà quả thực, Lê Đạt đã tìm ra một cách nói cho riêng ông, nếu mới tiếp cận dễ cho là cầu kỳ, nhưng đọc kỹ lại hóa ra là một cách thơ riêng. Tôi cứ nhớ mãi bài Át cơ của ông:
Anh tìm về địa chỉ tuổi thơ
Nhà số lẻ
phố trò chơi bỏ dở
Mộng anh hường
tim môi em bói đỏ
Giàn trầu già
khua
những át cơ rơi…
Ta thấy ông rất nhiều chữ mới.
Thế rồi ông cho ra đời liên tục mấy tập thơ và văn. Tôi thấy ông suy nghĩ rất sâu sắc về văn chương, đặc biệt là luận bàn về thơ như một bậc thầy. Ông gọi nhà thơ là “phu chữ”. Ông tìm “vân chữ” của mỗi nhà thơ. Cuộc hành trình thơ của ông là cuộc hành trình về phía cái mới. Nhờ thế mà ông có lối nhìn bao dung độ lượng với thế hệ nhà thơ trẻ.
Ông nói: “Văn chương trẻ cũng có nhiều người nhí nhố nhưng tuổi trẻ có quyền như vậy, họ cần có mầu sắc khác nhau. Khi người trẻ mới bước vào đời, họ có quyền ồn ào sau đó lắng lại, như vậy may ra mới có cái gì mới. Chứ vừa bước vào đời đã mực thước ngay thì… vất đi! Nên phải chấp nhận sự nhí nhố của giới trẻ. Hơn nữa, văn chương trẻ náo động tức họ không bằng lòng với cái cũ, họ tìm cách chống lại cái cũ”.
Có lẽ vì thế mà ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên với ông, tôi có cảm giác khá thoải mái. Lúc ấy Lê Đạt đang ngồi uống nước chè chén vỉa hè 51 Trần Hưng Đạo với mấy anh nhà thơ trẻ. Khi nghe Trịnh Thanh Sơn giới thiệu tôi, ông cười thành tiếng: “À, té ra là thằng vua thơ xứ Huế đây”. Tôi bảo 13 đời vua Huế hết lâu rồi, giờ chỉ toàn là dân đen thôi. Và ông bảo tôi: “Thế thì cậu uống cuốc lủi, tớ uống trà”. Thế là người trà kẻ rượu cứ ríu rít chuyện thơ phú.
Ông dễ gần là vậy. Thậm chí thấy ông còn hơi dễ dãi với lớp trẻ nữa. Nhưng bàn về thơ thì nói chuẩn không chịu được. Ông hay trích dẫn các bậc tiền bối phương Tây, và cho rằng, ta phải học tư tưởng tự do của phương Tây. Nhưng trong cái cách thơ của ông tôi lại thấy những câu thơ đầy nhịp điệu phương Đông:
Em về trắng đầy cong khung nhớ
… Chiều Âu Lâu
bóng chữ động chân cầu.
Tôi phục nể ông về cái sự kiếm tìm đằng đẵng và thủy chung về phía Mới của thơ. Chính vì thế mà ông đã làm nên tên tuổi của mình bằng những “chữ thơ” để lại cho đời. Sự kiện ông được tặng Giải thưởng Nhà Nước về Văn học Nghệ thuật “một cử chỉ đẹp” và xứng đáng đối với thơ và con người Lê Đạt.
Giờ thì thi huynh Lê Đạt đã ra đi, nhưng tôi biết Anh vẫn đi về phía Mới. Những dòng cảm xúc của đứa em này xin thay nén tâm nhang vĩnh biệt Anh.
2/12/2017
Nguyễn Trọng Tạo
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi… Nói đến làng quê Việt Nam là chúng ta nhắc đến những dòng sông, bến nước, con đò đã gắn bó từ xa xưa...