Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

Những người dệt mùa xuân bằng âm nhạc

Những người dệt mùa xuân bằng âm nhạc

“Nửa đêm nghe xuân về, nghe đời lên rất trẻ, gọi tên anh thầm nhớ, lời ru em ngọt ngào...”. Đông qua, xuân đến khi cây lá đâm chồi nảy lộc, từng đợt gió heo may chợt đến chợt đi thì điệp khúc mừng xuân cũng vang lên trên từng góc phố, thôn xóm, điểm tô cho mùa xuân thêm phần khởi sắc. 
Mùa xuân là nguồn cảm hứng bất tận của các nhạc sĩ. Mỗi người cảm nhận một cách khác nhau. Từ màu nắng xuân lung linh trên ánh mắt người đến hương xuân tỏa lan khắp mọi miền đất nước. Có lẽ không có người nhạc sĩ nào không mong muốn tự mình dệt nên một giai điệu mùa xuân thật đẹp... 
Thấm thoát hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi ca khúc Đảng đã cho ta mùa xuân của nhạc sĩ Phạm Tuyên ra đời. Sẽ không quá lời nếu nói đây là ca khúc đã thấm sâu vào lòng công chúng, là một trong những tác phẩm vượt thời gian. Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh đúng vào mùa xuân năm 1930, cũng là năm Đảng ra đời, ca khúc được ông sáng tác khi tuổi đời đang độ hừng hực sức xuân. Với giai điệu mượt mà, du dương, Đảng đã cho ta mùa xuân hầu như “thường trực” trong các buổi hội diễn hay các chương trình đặc biệt phát trên sóng truyền hình với nhiều tiết mục được dàn dựng nghiêm túc, công phu. Hồi tôi còn học cấp II, vào ngày hội diễn cuối năm của trường, nhiều lớp đã dự thi trùng bài hát này. Tính tới tính lui, cuối cùng lớp tôi được chọn vì theo lời ban giám khảo thì “có múa minh họa, dàn diễn viên nữ bắt mắt, hát bè, có sáng tạo...”. Cho đến tận bây giờ, mỗi độ xuân về, khi lời ca khúc này vang lên, lòng tôi lại trào dâng một hoài niệm khó tả về “Một mùa xuân mới tràn ánh sáng khắp nơi nơi...”.
Chiều một mình dạo phố, ngang qua nhà sách Nguyễn Huệ, bước chân tôi bỗng ngập ngừng nơi ngưỡng cửa, tâm hồn chợt lắng đọng hòa cùng điệu Valse dặt dìu sâu lắng bài Mùa xuân đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao vẳng ra. Đó là mùa xuân mà Văn Cao thấy mình như trẻ lại, rạo rực trước mùa xuân đầu tiên khi đất nước hoàn toàn thống nhất - một bản Valse cho ngày toàn thắng, một ca khúc với giai điệu du dương, sâu lắng, bâng khuâng:

Mùa Xuân Đầu Tiên - Văn Cao - Thanh Thúy 

“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về. Mùa bình thường mùa vui nay đã về. Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên, với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông...”. Cái mơ ước đầu tiên ấy hẳn không phải của riêng ông mà của biết bao người cha, người mẹ, người con, những người lính từng sát vai nhau trong cuộc kháng chiến trường kỳ... Tất cả đều mong muốn đến quay quắt một mùa xuân đất nước trọn niềm vui độc lập, được hưởng niềm hạnh phúc đón chào mùa xuân thanh bình, một sự đoàn tụ không phải của từng gia đình mà của cả dân tộc Việt Nam.

Mùa xuân năm 1963, trong khung cảnh nên thơ của rừng miền Đông Nam bộ, bài Xuân chiến khu của nhạc sĩ Xuân Hồng đã ra đời trong tâm trạng lạc quan của người nhạc sĩ cho dù đang trong giai đoạn khó khăn, khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến: “Mùa xuân về trong chiến khu, tiếng chim rừng vang hót khắp nơi. Mùa xuân về trong chiến khu, gió đưa cây rừng cành lá vi vu...”. Tác phẩm âm nhạc đoạt giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Hội văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1965 này đã tạo niềm lạc quan, yêu đời xung trận không chỉ cho các chiến sĩ nơi mặt trận mà còn lay động cả những người ở hậu phương. Để rồi hơn 10 năm sau, trong không khí tưng bừng của ngày toàn thắng, ông lại thổi bùng lên hơi thở mùa xuân chiến thắng qua ca khúc nổi tiếng Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh. 
Âm hưởng chủ đạo vẫn là những lời ca ngợi quê hương, đất nước nhưng Tình ca mùa xuân của nhạc sĩ Trần Hoàn lại vô cùng tinh tế trong từng nhịp điệu lắng sâu với ca từ dung dị, mộc mạc nhưng nghe thật thiêng liêng: “Em ơi em mùa xuân đã về trên cành lá. Tiếng chim kêu ngọt quá cho trời xanh xanh thẳm...”. 

Tình ca mùa xuân - Nhạc: Trần Hoàn, Thơ: Nguyễn Loan



 Tuấn Anh & Tân Nhàn

Người nhạc sĩ nổi tiếng ấy đã khiến tôi bất ngờ vì được anh hẹn gặp tại một nơi “tréo cẳng ngỗng”: Bệnh viện Răng-hàm-mặt Trung ương trên đường Nguyễn Chí Thanh. Bất ngờ hơn khi biết anh là thầy thuốc ưu tú đồng thời là một trưởng khoa của bệnh viện. Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: “Tôi là bác sĩ thẩm mỹ về răng, đem lại cái đẹp hình thể, còn âm nhạc là thể hiện tâm hồn. Hai cái kết hợp lại sẽ mang đến sự hài hòa”... Bài Mùa xuân ơi được anh sáng tác năm 1994, mỗi độ xuân về lại vang lên rộn rã: “Xuân xuân ơi xuân đến rồi, có nỗi vui nào hơn ngày xuân đến...”. Anh kể lại một kỷ niệm vui: “Trước đây mình viết là Tiếng pháo giao thừa chào đón mùa xuân... nhưng lúc đó Nhà nước đang có chủ trương cấm đốt pháo nên mình đã sửa lại “tiếng pháo” thành “tiếng chúc” cho phù hợp”. 
Tôi gặp nhạc sĩ Quốc Dũng vào một chiều cuối năm, khi mà “Bướm vẫn tung tăng bay la đà, mặt trời mây buồn nhẹ trôi thiết tha...”

Điệp khúc mùa xuân - Quốc Dũng 

 Diễm Quyên & Ngọc Linh

Ngôi nhà nhỏ nhưng ấm cúng của anh tràn ngập tiếng đàn piano cùng tiếng hòa âm, phối khí vẳng ra từ căn phòng thu âm. Năm 1970, anh sáng tác Điệp khúc mùa xuân và ca khúc này được rất nhiều ca sĩ thể hiện. Hơn 40 năm trôi qua với biết bao thăng trầm nhưng bài hát của anh vẫn như một điệp khúc quen thuộc vang lên rộn rã mỗi độ xuân về: “Rừng xuân ơi xin lặng gió heo may. Để chim muông quay về với muôn cây... Tình xuân ơi xin dệt mối yêu thương...”.
Một mùa xuân nữa lại cận kề với bao ước mơ, hoài bão ấp ủ trong mỗi tâm hồn. Xin cảm ơn những nhạc sĩ đã mang đến cho đời những bài tình ca, những khúc nhạc xuân ấm áp tình người, tình đời, những giai điệu vượt thời gian xua tan nỗi âu lo phiền muộn của năm cũ để hướng tới một năm mới đầy ắp tình yêu thương: “Xuân đến khắp mọi nhà, hát mừng bao tin lạ. Mùa xuân mùa yêu thương. Tình xuân tình quê hương...”.
Lê Trang

Tình Ca Mùa Xuân - Nhạc Tôn Thất Lập 

Ca sĩ  Cẩm Ly & Quốc Đại


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lê Lựu - Người quê và nhà ngoại giao văn hóa

Lê Lựu - Người quê và nhà ngoại giao văn hóa Lê Lựu là nhà văn quân đội có nhiều tác phẩm xuất sắc viết về đề tài bộ đội, đề tài chiến đấu...