Biểu tượng giấc mơ trong
thơ
Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử
Cấu trúc văn bản nghệ thuật
được kiến tạo một phần từ những chiêm bao, mộng mơ - tồn tại như một sự mã hóa
các giao tiếp nghệ thuật, một nguyên tắc cắt nghĩa hiện thực. Tiếp cận
thơ Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử từ biểu tượng giấc mơ, chỉ ra chúng dưới những cất
giấu tài tình của người nghệ sĩ như một trung tâm sáng tạo nghệ thuật, là một lối
tiếp cận nhằm cắt nghĩa, lý giải sâu hơn thế giới nghệ thuật thơ, khắc họa một
nét phong cách, bản chất sáng tạo của thi nhân.
1 - Thực tiễn của việc sáng
tạo văn chương nói chung, Thơ mới nói riêng là sự xâm nhập, đào sâu vào thế giới
nội tâm, vô thức, tiềm thức, khám phá những bí ẩn thẳm sâu trong bản chất đời sống
tâm linh của con người. Nếu thơ ca trung đại được giải mã trong các hệ hình
sáng tạo truyền thống như: sùng cổ, ước lệ, phi ngã, cách điệu hóa... thì Thơ mới
xuất hiện trong một sáng tạo hoàn toàn mới mẻ, những ký hiệu mưu toan cất giấu
những phản hiện thực, siêu thực... đầy lạ lẫm so với loại hình thơ truyền thống.
Hiện thực đời sống và bản chất con người được đào sâu, tìm tòi, truy vấn và trở
nên lấp lửng, mờ nhòe, mỗi sự sáng tạo trở thành một trốn thoát vào các mơ mộng
nghệ thuật.
Thơ mới với sự bừng nở các
cá tính sáng tạo và các hệ giá trị, đã được tìm hiểu và tiếp cận, lý giải, soi
chiếu từ nhiều phương diện khác nhau. Trong đó một phương thức tiếp cận khả giải
xem xét Thơ mới trong sự níu kéo giăng mắc từ huyền thoại dân tộc, từ những
năng lượng đặc biệt nương mình trong vô thức người nghệ sĩ, là một cách tiếp cận
thể hiện nhiều ưu trội. Những giá trị hằng hữu lặn sâu vào vô thức tập thể
- nơi cư trú của tồn tại nhân loại, của nguồn cơn sáng tạo nghệ thuật, luôn ám ảnh
và vẫy gọi dò tìm về cõi hư huyền, giải mã các giấc mơ nghệ thuật trong Thơ mới.
Thông qua những chiêm mộng,
mơ tưởng... của người nghệ sĩ, có thể phát hiện những tầng sâu của vô thức, những
bí ẩn của các biểu tượng, nơi lưu giữ cất giấu những kinh nghiệm dân tộc qua
không gian và thời gian. Ngược lại, những chiêm bao, mộng mơ nghệ thuật cũng
góp phần kiến tạo cấu trúc văn bản, một sự mã hóa nghệ thuật - tồn tại như một
sự giao tiếp nghệ thuật, một nguyên tắc cắt nghĩa hiện thực. Chính vì vậy, nhìn
nhận tiếp cận Thơ mới nói chung, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử nói riêng từ biểu tượng
giấc mơ, chỉ ra chúng dưới những cất giấu tài tình của người nghệ sĩ như một
trung tâm sáng tạo nghệ thuật là một lối tiếp cận nhằm cắt nghĩa, lý giải có
chiều sâu về sáng tác của Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, khắc họa một nét phong cách,
bản chất sáng tạo của thi nhân. “ Đi tới tận cùng của cái vô thức, cùng với nhà
thơ, hãy tìm thấy lại những giấc mơ nguyên thủy” (G. Bachelard).
Giấc mơ được hiểu là chiêm mộng
– theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới: “ biểu tượng của cuộc phiêu
lưu cá thể được cất sâu vào trong tâm khảm đến nỗi nó vượt khỏi vòng cương tỏa
của nguồn sáng tạo ra nó, chiêm mộng hiện ra với chúng ta như là biểu hiện bí mật
nhất và trơ trẽn nhất của chính chúng ta” ([1]). Biểu tượng giấc mơ ở đây được
quan tâm với tư cách một biểu tượng của văn học như là kết tinh của vô thức, tiềm
thức, thể hiện bằng hành động tiềm thức và siêu nghiệm của con người trong ngôn
ngữ đa nghĩa, là chất liệu đặc biệt chất chứa nhiều năng lực huyền dụ, vẫy gọi
những tiếp cận, giải mã riêng.
Có nhiều quan điểm lý giải về
giấc mơ. Theo S. Freud, tác phẩm văn học là một giấc mơ, một trò chơi, người
nghệ sĩ kiến tạo một thế giới trong tưởng tượng, khác với hiện thực, mang tính ảo,
người đọc tác phẩm tức đã tham gia vào cuộc chơi do người nghệ sĩ tạo ra, chấp
nhận tính ảo của nó. Giấc mơ, theo Freud, là “niềm khao khát bị kẹt cứng trong
cơ thể... chằng chịt với nhau và tụ lại trong vô thức... phải chăng tâm hồn đã
nở bung nếu giấc mơ ban đêm không tạo một lối ra cho những dục vọng, ẩn ức” ([2]).
Nếu Freud gắn giấc mơ với bản năng vô thức con người, mỗi ký tự nhà văn dùng là
một ký hiệu của ham muốn, thì Jung coi giấc mơ là biểu hiện của trí tuệ tiềm thức.
Tiềm thức chất chứa những năng lực quan sát siêu việt hơn ý thức bởi vì nhiều
khủng hoảng đã qua không nằm trong ý thức của con người, tiềm thức sẽ thông báo
cho chúng ta bằng giấc mơ, những điều mà ý thức không chạm tới được. Theo Jung
giữa biểu tượng giấc mơ và vô thức tập thể có những quan hệ mật thiết. Những
phát hiện về vô thức tập thể và những nguyên sơ tượng (archétype) của Jung đã
lý giải khởi nguồn cho mọi xuất phát điểm của động cơ sáng tạo nghệ thuật đích
thực.
Riêng Erich Fromm lại xác
quyết rằng giấc mơ không phải là nơi hội tụ những phóng chiếu vô thức mang tính
bản năng của con người như quan niệm của Freud, cũng không phải là sự hình tượng
hóa những năng lượng tinh thần chủng tộc như Jung. Theo ông, giấc mơ là sản phẩm
của hành vi con người “là hoạt động tâm lý trong trạng thái ngủ, là biểu hiện
tâm linh ở mức độ thấp nhất nhưng cũng là biểu hiện chức năng (công năng) phong
phú nhất và có giá trị nhất của nó (tâm linh)”([3]) Những phát hiện,
thành quả nghiên cứu của y học, tâm lý học chuyên sâu đã mở ra cho nghiên cứu,
phê bình văn học những tín niệm mới, mở lối vào các miền mơ tưởng nghệ thuật, lần
dỡ các cấu trúc của tưởng tượng, sáng tạo của người nghệ sĩ, thậm chí phát hiện
những ẩn số biểu tượng trong quá trình tiếp nhận, nằm ngoài ý đồ sáng tạo của
người nghệ sĩ.
Thơ mới xuất hiện những năm
1930 của thế kỷ XX với một dáng vóc, diện mạo tân kỳ trong vầng sáng chói lòa của
cuộc cách mạng thi ca. Thơ mới trong tiến trình thơ ca dân tộc tồn tại như một
hằng hữu: giá trị văn học và tâm thức văn hóa. Vậy nên, thời đại Thơ mới
đã lùi vào quá khứ nhưng hệ thống biểu tượng – như một chất liệu nghệ thuật
mới để kiến tạo hiện thực – vẫn sống động trong tác phẩm với nhiều mối quan hệ,
luôn phát triển và vẫy gọi trí tưởng tượng và khả năng đồng sáng tạo của độc giả.
2- Với Nguyễn Bính, chất
liệu sáng tạo của thi nhân được dung hợp từ chất liệu văn hóa dân gian, hiện ra
trong bóng dáng vừa truyền thống vừa hiện đại, được nhà thơ tháo dỡ, lắp ghép
và cấu trúc lại nó, những môtíp có thể bị đánh tráo, đảo ngược, một số yếu tố
có thể bị thay đổi, làm mới...vv. Trong phẩm tính đa đoan và ôm đồm của một nghệ
sĩ, Nguyễn Bính cứ bày lên văn bản tất cả những hay, dở, tốt, xấu của tâm hồn
mình “ta bày ta lên trình loài người”( Trần Minh Hải) với giọng trầm chân quê
trong giàn giao hưởng đa thanh điệu của các nhà Thơ mới 1932- 1945.
Có thế thấy rằng từ khi ra
khỏi bụng mẹ để bắt đầu cuộc hành trình - đời người nhiều gian nan, con người
đã ý thức về chính mình như một thực thể tồn tại độc lập, khác biệt và cô đơn.
Tiếng khóc chào đời là dấu hiệu của sự tự ý thức của con người trước thế giới đầy
bất an mà nó sắp phải tự đối mặt. Đồng thời với sự tự ý thức về chính mình con
người còn nhận thức được sự hữu hạn của kiếp người, sự bất lực của bản thân trước
sự sống và cái chết, những nghịch lý giữa hiện thực và ước mơ… Sự thức tỉnh về
nỗi cô đơn, sự khác biệt của mình nảy sinh cùng lúc với khát vọng về cái đẹp, về
tình yêu và tự do. Để lấp đầy khoảng trống sâu thẳm trong tâm hồn, con người
tìm cách xóa nhòa ranh giới giữa cá nhân với cộng đồng, giữa con người với
thiên nhiên và thế giới bên ngoài bằng sự hợp nhất: Hợp nhất bằng tình yêu và sự
sáng tạo, là thời điểm “tác giả và đối tượng trở thành một, con người hợp
nhất mình với thế giới trong tiến trình của sáng tạo” ([4]).
Trong môi trường lịch sử,
văn hóa xã hội 32- 45, Nguyễn Bính cũng như các nhà Thơ Mới lãng mạn là những
cá nhân cô đơn mang “khát vọng được thành thực’’([5]). Ý thức cá nhân với nhu cầu
tự khẳng định mình nảy sinh đồng thời với nỗi cô đơn - cội nguồn của những
nỗi niềm trong thơ Nguyễn Bính. Nhà thơ yêu nhiều nhưng “nhận chẳng bao nhiêu”,
vì thế trong thơ ông, ta luôn cảm nhận được một nỗi thất tình tiềm ẩn. Đối với
thi sĩ, tình yêu được xem như là một cứu cánh để vượt lên đau khổ, để hợp nhất
và hóa giải nỗi cô đơn, sự bất lực, vô vọng của mình trước những điều muốn với
thực tế không thể đáp ứng. Vì thế mộng bướm – giấc điệp trong thơ ông có khi là
ảnh phản của những khao khát hợp nhất trong thực tại. Qua dậu tầm xuân thấy
bướm nhiều/ Bướm vàng vàng quá, bướm yêu yêu…/ … Đêm qua mơ thấy hai
con bướm/ Khép cánh tình chung ở giữa trời. (Hết bướm vàng).
Theo Nguyệt Hồ và Hoàng Tấn,
bạn của Nguyễn Bính,‘‘nhà thơ là người dễ yêu’’, gặp người con gái nào “mắt
sáng môi tươi” là yêu, là tương tư. Thậm chí tưởng tượng rằng họ yêu mình để
làm thơ. Với Nguyễn Bính tình yêu có thể là những cảm nghiệm để tự khám phá bản
thân, bởi con người là một bí ẩn đối với chính mình. Chỉ có tình yêu với khao
khát khám phá thế giới tâm tưởng của nhau trong yêu thương, hiến dâng, cho, nhận
đối với một người khác, con người mới tự tìm thấy mình, khám phá ra chính mình: Em
ạ ! Ngày xưa vua nước bướm/ Kén nhân tài mở Điệp lang khoa/ Vua không
lấy trạng vua thề thế/ Con bướm vàng tuyền đậu Thám hoa (Truyện cổ
tích). Hành trình khám phá đó đã đưa thi sĩ về với truyện cổ tích với thế giới
thần tiên. Giấc mơ đỗ trạng (đậu Thám hoa) lấy vợ là công chúa (Vua liền gọi gả
con gái yêu) với một đám cưới xênh xang áo mão, hạnh phúc tràn đầy của thi sĩ
đã được thỏa mãn. Những điều thực tế không thể có thì trong thơ có cả! Thế giới
thơ của Nguyễn Bính là thế giới của cảm thức hoài vãng nên nó vừa nên thơ, bình
lặng, yên ả, vừa mong manh bất ổn, rạn nứt… bởi bao giá trị đang lụi tàn dần
trước bể dâu của cuộc đời. Ngôi trường huyện ngày xưa sẽ mất vẻ mộng mơ, hư ảo
nếu thiếu vắng hình bóng của anh và em, thiếu sự quấn quít của cánh bướm: Lá
sen vương vấn hương sen ngát/ Ấp ủ đôi ta chút nhụy hờ/ Lũ bướm tưởng
hoa cài mái tóc/ Theo về tận cửa mới tan mơ… (Trường huyện).
Cái sự “tưởng” kia của lũ bướm cũng chính là sự tự mê hoặc, tự ấp ủ chính mình
của Nguyễn Bính trong khát vọng hòa hợp của tình yêu - khát vọng lấp đầy sự cô
đơn, trống rỗng trong mỗi bản thân con người. Mùi phấn vương trên lá sen
cùng với hương sen cứ quấn quýt mãi bước chân của cô cậu học trò nhỏ, vương vấn
mãi trong tâm hồn chàng thi sĩ vì chính hương sen ấy đã “ấp ủ đôi ta chút nhụy
hờ”, ấp ủ những tình cảm e ấp thiêng liêng buổi ban đầu.
Khung trời học trò trở nên đẹp
đẽ hơn, lung linh hơn, đường về cũng thơ mộng hơn vì những thoáng rung động mỏng
manh tha thiết đầu đời ấy. Không gian, thời gian cõi ngày xưa ấy được cách ly
khỏi thực tại bằng sương khói của cõi mơ. Tất cả trở nên trong trẻo tinh khiết
vì khung cảnh được tái hiện trong tâm tưởng nhà thơ, thuộc về “miền quá khứ”-
miền của những điều đã mất, vĩnh viễn không bao giờ tìm lại được. Nó còn đẹp
hơn bởi được điểm xuyết bằng những cánh bướm “Lũ bướm tưởng hoa cài mái tóc”. Sự
“tưởng” ấy là của lũ bướm hay của chính thi nhân? Vì “tưởng” nên vừa
là thực vừa là không thực, là một kiểu giấc mơ tỉnh – thức, và cũng “tưởng” nên
cõi thật thành cõi mơ, cõi của những khao khát được thăng hoa từ những điều
không thể đạt được trong thực tại. Những tháng ngày nhiều nhớ nhung tha thiết ấy
có bóng dáng của “anh” và “em”, có hương sen vương phấn, có cánh
bướm chấp chới và có cả những ngập ngừng không nói hết trong trái tim chàng thi
sĩ đa tình. Cánh bướm cứ chập chờn từ cõi thực vào cõi mơ, chập chờn mãi cho đến
khi buộc phải đối diện với sự thật, giấc mơ đã tan vỡ: “theo về tận cửa mới
tan mơ”. Cánh bướm đã “tan mơ”, đã mất hút vào hư không, giờ chỉ còn
anh với thực tại: Em đi phố huyện tiêu điều quá và một sự thật dù
không muốn cũng đành phải chấp nhận là: Trường huyện giờ xây kiểu khác rồi.
Đó là quy luật chung của cuộc đời, mọi cái đã khác xưa, đã thay đổi theo thời
gian. Phố huyện không còn em nên hoang vu heo hút, tiêu điều. Ngôi trường
ngày xưa giờ cũng đổi khác. Bóng dáng của những điều ấp ủ thưở còn là học trò lớp
tuổi thơ giờ không còn cơ sở để tồn tại. Thi nhân nói về sự thay đổi của ngoại
cảnh nhưng ngầm ẩn một điều khác, một sự kéo theo khác, đó là sự thay đổi trong
tình cảm của con người. “Anh” và “em” giờ cũng đã khác xưa bao nhiêu, khác từ
ngày “em đi” hay khác từ khi “trường huyện giờ xây kiểu khác rồi”? Chỉ biết
rằng tất cả đã đổi thay dù tháng năm xưa còn đó, dù “đến hôm nay anh mới biết”.
Cái biết ở đây không chỉ là biết bãi biển xưa giờ thành nương dâu (thương hải
biến vi tang điền), mà còn là một sự thức nhận khác từ thẳm sâu trong tâm hồn,
một sự “ sát na đốn ngộ” trong ngậm ngùi tiếc nuối rằng: Tình ta như
chuyện bướm xưa thôi.
Thi nhân phó thác mình cho
tình yêu mà không cần đảm bảo với hy vọng rằng tình yêu mình cho đi sẽ tạo ra
tình yêu trong người được yêu. Nỗi khắc khoải, tuyệt vọng trước những phù du hư
ảo của cuộc đời, trước những khát vọng chưa bao giờ cùng tận: khát vọng về cái
đẹp, tự do và tình yêu, tồn tại cùng với nỗi thất tình tiềm thức được Nguyễn
Bính gởi cả vào trong giấc mộng bướm. Để rồi cứ thế những cánh bướm với đủ màu
sắc trắng, vàng cứ chập chờn từ cuộc đời vào thơ Nguyễn Bính, từ luống cải vàng
sang luống cải xanh: Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng/ Có con bướm trắng
thường sang bên này (Người hàng xóm). Cánh bướm từ vô thức của giấc mơ
sang ý thức: Bao giờ bến mới gặp đò/ Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp
nhau? (Tương tư)
Ngày xưa vì chán cuộc đời nhỏ
nhen ti tiện, chán con người phụ bạc vô tình, vô nghĩa, Trang Chu đã hóa bướm để
ngao du sơn thủy. Đó là một cách lựa chọn. Nguyễn Bính cũng đã hóa thân
mình vào cánh bướm mặc sức rong chơi, hút hết hồn hoa và trả lại cho đời phấn mỏng.
Trong những đôi cánh mỏng manh dính nắng kia có cái đẹp của cuộc đời, nó chập
chờn trong mộng như hóa thân của những mớ bảy mớ ba xanh đỏ tím vàng của áo tứ
thân. Mặt khác cánh bướm lại mang vẻ sắc sắc không không của kiếp con người phù
sinh hư ảo: một ngày thoát xác, tất cả đều nhẹ tênh và hồn phiêu du vào chốn
mênh mông của cuộc đời :Hồn trinh còn ở trần gian/ Nhập vào bướm trắng mà
sang bên này . Phải chăng tất cả những điều đó phù hợp với cốt cách nghệ
sĩ “tang bồng hồ thỉ” của Nguyễn Bính? Cái con người lãng du “đa đoan vó
ngựa chung tình bánh xe” ấy suốt một đời lúc nào cũng khư khư giữ bên mình
những lá thư tình nhòe nhoẹt nỗi buồn, nhưng chẳng khi nào có nổi một đêm tân
hôn thật sự, cứ lang thang phiêu bạt, và cứ nhớ, cứ thương: Cành dâu cao,
lá dâu cao/Lênh đênh bóng bướm trôi vào mắt em. Cao, cao… Câu thơ gợi hình
ảnh cô gái hái dâu vươn tay như hình bóng người vũ nữ trong điệu múa Ápxara. Bầu
trời kia có xanh lắm không, có mênh mông lắm không mà đôi mắt người con gái
xanh đen mênh mông đến thế. Cả bầu trời soi vào trong đó, và đôi mắt kia chắc
phải thăm thẳm đến dường nào bóng bướm mới lênh đênh vào rồi lênh đênh mãi
trong đó không tìm được lối ra. Đọc câu thơ chợt thấy lòng chùng lại, chợt thấy
mình một chiều gió bụi kinh kỳ hóa thành cánh bướm mơ vườn dâu xưa… Có đôi khi
cánh bướm lại là hình ảnh do Nguyễn Bính nhập thân vào để sang tình tự bên vườn
người hàng xóm: Hết mưa bươm bướm có còn sang chơi... Có lúc lại là một
hình bóng “Bướm hẹn về rồi bướm nói điêu”...
Biểu tượng giấc mơ có khi được
sử dụng làm nhan đề cho tác phẩm, có khi tham gia vào cấu trúc tác phẩm, kiến tạo
nhân vật trữ tình, diễn biến câu chuyện... Biểu tượng giấc mơ tồn tại như sự bù
đắp cho những thiếu vắng, hẫng hụt của thực tại - đã từng xuất hiện nhiều trong
thơ trung đại “ Lâm tuyền hữu ước na kham phụ/ Trần thổ đê đầu chỉ tự
liên/ Hương lý tài qua như mộng đáo/ Can qua vị tức hạnh thân tuyền. (Suối rừng
lỡ hẹn, phụ tình/ Cúi đầu đất bụi chỉ mình ta đau/ Làng quê trở gót chiêm bao/
Còn nguyên thân thế mặc dầu lửa binh..) (Nguyễn Trãi). Môtip giấc điệp
cũng thường được sử dụng trong văn chương cổ, bướm biểu trưng cho
khát vọng hòa hợp, quấn luyến vợ chồng. Trong Duyên lạ hoa quốc, cuộc nhân
duyên của Chu Sinh và Mộng Trang là sự hòa hợp của hai con người có tiền kiếp
là loài bướm, tên của hai nhân vật cũng gợi giấc mộng Trang Chu, Trang Chu mơ
mình hóa bướm, bướm thành Trang Chu, thực - ảo lẫn lộn. Hành trình vào mơ là
hành trình ngược về tiền kiếp, khám phá, giải mã thân phận. Bướm biểu
trưng cho khát vọng hợp nhất nhưng cũng là minh chứng sinh động nhất cho sự
mong manh hư ảo của cuộc đời.
Với Nguyễn Bính, mơ là một cứu
cánh nhằm “rút khỏi thực tế không thõa mãn để đi vào thế giới tưởng tượng... những
tác phẩm, những trải nghiệm nghệ thuật của ông là sự thõa mãn, tưởng tượng cái
ham muốn vô thức giống như mộng, cũng như mộng, chúng có chung một tính cách là
một thỏa hiệp, bởi chúng cũng phải tranh đấu, xung đột không che đậy với sức mạnh
dồn nén” ([6]). Sự xuất hiện của giấc mơ hóa bướm trong thơ Nguyễn Bính có
thể nói là một minh chứng cụ thể cho những ám ảnh vô thức về kiếp nghệ sĩ, về cảm
thức con người trong tâm thức thi nhân. Cánh bướm cứ chập chờn mãi trong tâm
trí của người đọc, chập chờn qua miền khói sương, để ngoái nhìn lại chỉ còn
thăm thẳm, sắc sắc hương hương…
3 - Nếu Nguyễn Bính khởi nguồn
cho những sáng tác lãng mạn thời kỳ đầu của Thơ mới thì Hàn Mặc Tử đã đặt chân
lên địa hạt siêu thực. Với sự hội tụ nhiều yếu tố mới, nhiều luồng tư duy trong
sự cất giấu khéo léo các biểu tượng qua các ký hiệu đứt gãy, mơ hồ, sáng tác của
Hàn Mặc Tử là sự thừa nhận mặc nhiên đầy mê hoặc và khiêu khích của yếu tố văn
hóa tâm linh, biểu tượng, không gian phi thực, hiện thực tượng trưng, sự tham dự
của các yếu tố vô thức, tiềm thức, mặc cảm, phức cảm...vv.
Đến Hàn Mặc Tử, biểu tượng
giấc mơ vừa thực hiện sứ mệnh là thi liệu tham gia vào kiến tạo nội dung – là
hiện thân của ý nghĩa tác phẩm, đồng thời là những viên gạch dựng xây nên hình
thức của tác phẩm, con đường dẫn đến ý nghĩa thẳm sâu của tác phẩm văn học – tồn
tại như một thủ pháp nghệ thuật thể hiện cái tôi bản ngã khát khao, ám ảnh của
vô thức, tiềm thức. Nó tồn tại trong một mã lấp lửng của ngôn ngữ, các diễn
ngôn về giấc mơ, người mơ... đều là một kiểu khám phá mới nào đó ở tính hữu hạn
và khó có thể định danh, định tính. Bởi ở cấp độ định danh, biểu tượng giấc mơ
có khi được dùng đặt tên cho một bài thơ : Mơ, Mơ hoa, Anh điên, Em điên,
Hồn lìa khỏi xác, Hãy nhập hồn em... nhưng có khi dùng gọi tên một trạng
thái: Ta thích ngồi mơ dưới bóng cây (Mơ); Trời mơ trong cảnh thực
huyền mơ (Đau thương); Dám ôm hồn cúc ở trong sương (Mơ hoa), trong
đó: giấc mơ, hồn cúc, trời mơ, cảnh mơ... đều là những sợi dây neo mong manh
vào hiện thực. Ở cấp độ cái biểu đạt và cái được biểu đạt, mọi cái đều mang
tính võ đoán, vì vậy tạo nên sự bất tín, lưỡng nan giữa thực - ảo, mộng mơ. Đó
là sự nhập nhằng nước đôi của ngôn ngữ vô thức, chạm đến tận cùng của sự thật
hiện hữu- khao khát vượt thoát khỏi hiện thực từ đọng, ngột ngạt: “Huyền ảo
khởi sự... những phút giây sáng láng như hôm nay, soi sáng linh hồn tôi và giải
thoát cái “ta” của tôi ra khỏi sự giam cầm của xác thịt” (Chơi giữa mùa
trăng).
Trong thơ Hàn Mặc Tử, biểu
tượng giấc mơ xuất hiện như một cách trộn lẫn hiện thực, tạo ra một kiểu không
gian trùng phức, nhằm bao hàm trong nó nhiều vật chứa của hiện hữu và tồn tại.
Như trò chơi của mộng và thực trong tư duy tiểu thuyết mới đương đại - một cách
phóng bút vung vãi các mảng màu trong tranh trừu tượng của các họa sĩ (Thoạt kỳ
thủy-Nguyễn Bình Phương, Người sông mê – Châu Diên...). Giấc mơ mở ra một cõi
mơ mộng: Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu/ Trời mơ trong cảnh thực huyền
mơ/ Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt... (Đau thương). Hiện thực khải thị chỉ
là tầng hiện thực thứ nhất, duy lý, là cánh cửa mở vào thế giới tâm linh với những
đắp đổi của cái hư ảo - siêu thực: Anh đứng cách xa hàng thế giới/ Lặng
nhìn trong mộng miệng em cười. (Lưu luyến). Tôi vẫn còn đây hay
ở đâu/ Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu/ Sao bông phượng nở trong màu huyết... (Những
giọt lệ). Ngoài kia xuân đã thắm duyên chưa/ Trời ở trong đây chẳng
có mùa (Nhớ thương), Ở đây sương khói mờ nhân ảnh (Đây thôn Vỹ Dạ). Cách
xa hàng thế giới, ở trong đây, trời sâu, ở đây..., là cõi riêng của thi nhân,
nơi đó chỉ có mình nhà thơ với thế giới riêng của mình, nơi mà chính Hàn Mặc Tử
bảo “càng đi xa càng thấy lạnh”. Với giấc mơ, thi nhân đã tạo ra một kiểu
không gian chỉ tuân theo logic nội tại của nó, không thể cắt nghĩa, lý giải hay
chứng thực được mà tồn tại như một kiểu trùng phức, lấp lửng. Mơ và thực luôn đồng
hiện tạo nên một vùng tâm thức riêng biệt trong sự tương hợp với cấu trúc bề
sâu của ngôn ngữ và biểu tượng. Không gian tâm thức đó lặp đi lặp lại trong thi
phẩm Hàn Mặc Tử như một mã đặc biệt đánh dấu một kiểu tư duy thơ mới mẻ, lấp lửng
lưỡng nan, chạm đến bờ siêu thực. Giấc mơ trong thơ Hàn Mặc Tử là một kiểu
thoát xác từ môtíp giấc mơ trong văn chương phương Đông. Đó là điển tích về mộng
điệp, mộng yến, giấc đài dương, giấc hòe, giấc tiên, giấc xuân..., hoặc dòng
văn học mộng ảo ở Trung Quốc như Liêu trai chí dị, Chẩm trung ký, Truyện
Ghenjy (Nhật Bản). Tuy nhiên, khác với văn chương cổ dùng giấc mộng để phản
ánh hiện thực hay mượn mộng mơ nghệ thuật để hóa giải thực tại và thân phận phũ
phàng như trong thơ Nguyễn Bính, giấc mơ trong thơ Hàn Mặc Tử là chính hiện thực,
là lối vào vũ trụ nội tâm sâu thẳm của thi nhân: Nhớ khi xưa ta là chim
phượng hoàng/ Vỗ cánh bay chín tầng trời cao ngất/... Sao tan tành rơi xuống
vũng chiêm bao. (Phan Thiết! Phan Thiết!). Chính vì vậy, không gian vũ trụ, không
gian tâm thức xuất hiện dày đặc trong thơ Hàn Mặc Tử, tạo nên kiểu kết cấu Thực
– Mơ – Thực và kiểu kết cấu lồng ghép các giấc mơ – bản thân thi phẩm là giấc
mơ, là thế giới trong mơ, trong đó nhân vật trữ tình cũng đang trong trạng thái
mơ. Từ cõi mơ ước đó thi nhân gởi gắm đến cuộc đời những thao thiết của chính
mình. Mùa xuân chín, Đây thôn Vỹ Dạ... tiêu biểu cho kết cấu đó, vì vậy kiến
giải giấc mơ là kiến giải hành trình thân phận từ những nghiệm suy về cuộc đời
đến những đau đớn về phận người và khắc khoải bi kịch thể xác không
đồng hành cùng tinh thần. Bài thơ mở đầu bằng khung cảnh thôn Vỹ được khúc xạ
qua miền mơ mộng, nuối tiếc của thi nhân nên đẹp một cách lung linh, kỳ ảo. Vừa
chớm khát khao, mong ước trở về chốn cũ vườn xưa đã phải đối diện với thực tại
chia lìa phiêu tán. Không gian mộng mơ hư thực ở khổ thơ thứ hai thấm đẫm nỗi
buồn, những câu hỏi: thuyền ai, có chở trăng về kịp tối nay?...hoang vu ngơ
ngác, như một kiểu phóng chiếu nội giới lên đối tượng. Không gian mơ bị áp đặt
bởi tâm trạng và ước vọng, đồng nhất với thế giới, mở ra một hiện thực khác, thực
hơn thực tại được tri nhận: Mơ khách đường xa, khách đường xa/ Áo em trắng
quá nhìn không ra... là hiện thực của tâm trạng, của vô thức. Sắc trắng
cùng sương khói của nỗi buồn tạo nên một thế giới khác lạ, như thực như hư.
Trong cõi riêng, trong trạng thái mơ nên mọi thứ mờ nhòe, áo em trắng đến nỗi
không thể khải thị tức không còn thực nữa rồi. Mọi cái đã ngoài tầm tay, xa
ngái, vụt mất... như lá khô rời cành, như mùa đi.... Chính vì ngoài tầm níu kéo
nên chới với, tuyệt vọng và hoài nghi: Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/Ai biết
tình ai có đậm đà? Ngoài kia là thôn Vỹ, là vườn trần, nơi cuộc sống đang
mơn mởn, trong trẻo, thanh khiết, tinh khôi, còn "ở đây" là thế
giới của Hàn Mặc Tử. Thế giới trong cái vòng tròn mà tác giả tự vạch ra để đứng
vào trong đó. Vòng tròn của những giới hạn, giới hạn của kiếp người mong manh,
của tật bệnh, của bi kịch thể xác không đồng hành cùng tinh thần... Ở nơi
đó thi nhân tự khách quan hóa mình thành một khách thể "Ai" đứng
ngoài mình để nhìn nhận lại mình. Cô đơn, lạc lõng, kỳ oan như Tiểu Thanh, như
Nguyễn Du... để chất vấn, để hoài vọng về một chút tình chân thực của người đời
"Ai biết tình ai có đậm đà". Đại từ phiếm chỉ "ai" vừa
rất chung nhưng cũng rất riêng, vừa gần gũi lại quá đỗi xa xôi, có thể là một
Hoàng Cúc cụ thể nhưng cũng là muôn vạn con người trong cuộc đời này, là "thiên
hạ hà nhân". Nguyễn Du ngày xưa cả một đời dành nước mắt khóc cho những
người bạc mệnh - "Tố Như ơi lệ chảy quanh thân Kiều" (Tố Hữu) để
rồi hoài vọng băn khoăn về một giọt lệ chân thực của người đời: Bất tri
tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ?(Độc Tiểu Thanh ký- Nguyễn
Du). Chàng thi sĩ họ Hàn cũng nỗi niềm ấy, mong ước ấy. Niềm khắc khoải rung
lên trong câm lặng để rồi khép lại thành câu hỏi cho muôn đời, cho muôn người,
cho những ai khao khát đồng cảm, đồng điệu.
Mùa xuân chín cũng có kết
cấu mộng lồng mộng như vậy. Mơ mộng ở khổ đầu bài thơ là hiện thực khải thị,
tri giác được, nhưng đến ngày mai… có kẻ…(Sóng cỏ xanh tươi rợn tới trời…/
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy/ Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi) thì hiện
thực được đẩy xa hơn, mờ mịt nỗi buồn hơn, là hiện thực của tâm tưởng - Khách
xa gặp lúc mùa xuân chín/ Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng/ Chị ấy năm nay còn
gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang? (Mùa xuân chín). Màu trắng
thường xuất hiện trong thơ Hàn Mặc Tử và được dùng ở sắc độ cao nhất “trắng như
tinh” (Chết rồi xiêm áo trắng như tinh) “trắng quá'' ,''sông trắng”. Ở
“sông trắng nắng chang chang” thì cách kết hợp giữa ngữ nghĩa của từ và vần “ang” đã
tạo sự âm vang mở ra một không gian rộng, tất cả nhòa đi trong màu chói chang của
nắng, hình bóng người chị gánh thóc như gánh cả số phận mình nặng trĩu đi từ thực
tế cuộc đời lẫn vào sắc trắng của thế giới u hoài trong tâm tưởng tác giả. Những
u hoài về số phận con người, về cuộc đời... Không gian đã chuyển dịch vào
tầng sâu của vô thức, bao cô thôn nữ/ kẻ/ khách xa/ chị ấy... không thể
phân biệt chủ thể và đối tượng, sự tráo ngôi, mờ nhòe, đồng nhất về không gian
(huyền ảo và vô thức – tức thế giới khác, hiện thực khác và không gian tri nhận,
khải thị của thi nhân), mở ra trong diễn ngôn những ký hiệu mở, tự thân mang
nghĩa và sáng tạo nghĩa.
Cánh cửa giấc mơ đã mở ra
nhiều không gian mới trong thơ Hàn Mặc Tử, thoát khỏi không gian hiện thực chật
chội, tù đọng, mở ra cho nhân vật trữ tình nhiều chiều kích, tạo nên màu sắc mới
mẻ, lạ lẫm cho ngôn từ và kết cấu thơ: Lời nguyện gẫm xanh như màu huyền
diệu/ Não nề lòng viễn khách giữa trời mơ (Hãy nhập hồn em), Mơ
trăng ta lượm tơ trăng rơi (Say trăng). Không gian đó mang khí hậu riêng,
lãnh thổ riêng, có logic nội tại riêng do tư duy mộng mơ độc đáo của thi nhân.
Nhân vật trữ tình hiện diện trong khát vọng hợp nhất tinh thần: Tôi đi
trong ánh sương mờ/ Tìm con trăng lạc ngoài bờ bên kia (Chơi trên trăng). Hẹn
tôi tảng sáng đi tìm mộng/ Mộng còn lưởng vưởng bến xa mơ (Một miệng
trăng). Làm sao giết được người trong mộng (Lang thang). Anh nằm
ngoài sự thực/ Em ngồi trong chiêm bao (Anh điên). Thế giới thơ Hàn MặcTử
đầy ắp cõi mơ và sự thật khải lộ ở đây là: mơ mộng không chỉ là một trạng thái
mà còn là một tượng trưng sâu thẳm về bản thể người trong khát vọng hợp nhất.
Đó không chỉ là những đuổi bắt mộng mơ tình ái thông thường mà khẩn thiết hơn còn
là vấn đề về bản thể con người. Một truy vấn bức thiết trong tinh thần bất tín
nhận thức của con người hiện đại: tại sao càng đầy đủ tiện nghi, con người càng
cô đơn, càng rơi vào mặc cảm bị tước đoạt... Vì vậy biểu tượng giấc mơ trong
thơ Hàn Mặc Tử vừa hướng tới sự hợp nhất của tinh thần tối thượng, vừa tồn tại
như một biểu tượng mà cùng với nó, sau nó mở ra một tư duy mới về thơ, về ngôn
ngữ, mở ra một cảm thức mới về thế giới như là sự đồng vọng khát vọng sống của
con người.
4- Với một thế giới thơ mộng
mơ hư ảo, những mô típ, những ám ảnh…Nguyễn Bính và Hàn Mặc Tử đã góp phần
không nhỏ trong dựng xây và khám phá thế giới tâm hồn bí ẩn của con người- khát
vọng muôn đời của văn chương và nhân loại. Các nhà Thơ mới đã chuyển tải kết quả
của cuộc sống tình cảm cộng đồng thông qua cảm xúc cá nhân. N. Frye cho rằng
thơ trữ tình bằng mô hình riêng của mình, dung chứa những yếu tố tiên tri hiển
linh, rốt cuộc là chính những giấc mơ. Jean Bellemin – Noel cũng cho rằng khám
phá, lý giải biểu tượng trong đọc tác phẩm văn học cho phép “đồng thời vừa tặng
cho văn bản một chiều kích khác, vừa quan sát được cách viết trong sự sinh
thành và trong sự vận hành của nó”([7]). Điều đó khẳng định quan hệ chặt chẽ giữa
giấc mơ và sáng tạo thi ca - là lĩnh vực trong đó sức mạnh toàn năng của các ý
tưởng được thể hiện. Chính vì vậy biểu tượng giấc mơ gắn với quá trình thăng
hoa sáng tạo của người nghệ sĩ, nhân vật mơ và nhân vật trong giấc mơ là những
hóa thân của chủ thể sáng tạo, ở đó những năng lượng tinh thần vô thức chuyển từ
mục tiêu thõa mãn bản năng sang mục tiêu thẩm mỹ, gởi vào đó sự đồng nhất giữa
mơ mộng và cuộc sống, khẳng định một tố chất trong cá tính sáng tạo của mình ở
tư duy mộng mơ và lý tưởng thẩm mỹ.
Những mộng mơ nghệ thuật
trong thơ Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử nói riêng, trong Thơ mới nói chung đã mở ra
những chiều kích khám phá mới về đời sống, về bản thể con người, như một cách
tìm câu trả lời cho những truy vấn khẩn thiết muôn đời của nhân loại. Người nghệ
sĩ trong sáng tạo nghệ thuật - quá trình giải mã những truy vấn đó, thay vì tìm
những câu trả lời cuối cùng lại mở ra muôn vàn ẩn số khác, mở rộng về phía chân
trời những khám phá, những cánh cửa mở vào thế giới nghệ thuật của người nghệ
sĩ. Những giấc mộng với khát vọng hợp nhất mãnh liệt là một cứu cánh nghệ thuật
đưa thi phẩm của thi nhân đến cõi vĩnh cửu của cái đẹp và nghệ thuật. Thế giới
mơ trong tỉnh thức của thi nhân luôn lấp lánh những khía cạnh ngữ nghĩa mới, vẫy
gọi nhiều giải đáp trong tầm đón nhận hiện đại.
Chú thích:
([1]) Jean Chevalier - Alain
Gheerbrant (2002), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, NXB Đà Nẵng;
tr 164
([2])
Stephan Zweig (1999) - Tiểu luận và bút ký chân dung - Dấu ấn những nền
văn minh, những giờ rực sáng của nhân loại. NXB Văn hóa thông tin; tr 562
([3]) Erich
Fromm, (2003), Ngôn ngữ bị lãng quên; NXB VHTT H; tr 75
([4])
Erich Fromm, (2003) - Phân tâm học và tình yêu-NXB Văn hóa thông tin H,
tr 205, Đỗ Lai Thúy (Biên soạn)
([5])
Hoài Thanh-Hoài Chân (1994) - Thi nhân Việt Nam - NXB Văn học H, tr
223.
([6])
Đỗ Lai Thúy (Biên soạn) (2004) - Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật -
NXB Văn hóa thông tin H; tr27
([7])
Jean Bellemin – Noel, Phân tâm học và văn học, tr196 (Đỗ Lai Thúy (Biên soạn)(2004) - Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật - NXB Văn hóa
thông tin H.)
Huế, 4/2012
Hoàng Thị Huế
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét