Đã rút đủ liều lượng thuốc theo lời chỉ dẫn của người cán bộ thú y,
nhưng lão cứ mãi lăng xăng cầm cái ống chích đi lại trước sân. Lão quên
khuấy đi chuyện không có người tiếp lão. Con chó nặng đến ngoài hai chục
ký lô thì biết làm sao đây? Trời đã sắp tối mà thằng út vẫn chưa về.
Thôi thì đánh liều vậy, lão nghĩ không lẽ con Tuất lại nỡ nào quay ra
cắn lão; thường ngày lão đã âu yếm, chăm sóc nó, nó thì ngoan ngoãn,
trìu mến lão như một người thân. Làm theo lời dặn của người thầy thuốc;
lão chậm rãi tiến lại gần, nó đang nằm thiêm thiếp bên xó hiên. Thấy lão
đến, nó cựa mình nép sát vào vách, ve vẩy đuôi mấy cái ra vẻ mừng rỡ.
Nhưng khác với mọi khi; nó cố giương đôi mắt lờ đờ nhìn lão ra dáng dò
xét. Lão vội giấu cái ống chích ra sau lưng, tay kia lão nhẹ nhàng xoa
lên đầu nó. Nó kêu lên mấy tiếng the thé rồi duỗi người ra để lão vuốt
ve. Lão nhẹ nhàng kéo miếng da vế sau lên. Thu hết can đảm, lão chìa tay
ghim nhẹ mũi kim vào, nhưng không thủng được vì da nó quá dày; con chó
vẫn nằm yên. Lão lại mạnh tay ghim thêm lần nữa; lần này nó cũng chỉ khẽ
cựa mình. Mũi kim đã xuyên vào da, lão từ từ bơm thuốc. Nó vẫn nằm yên,
lão thở phào nhẹ nhõm và tiếp tục mũi chích cuối cùng, thế là thành
công ngoài suy nghĩ của lão. Hưng phấn, lão vào nhà pha một ly sữa nóng,
mang ra nó uống một hơi ngon lành. Giờ đây lão đã yên chí chờ đợi điều
ước muốn mà lão không nói ra. Đó là mong sao ra ngoài ngày rồi thì nó
chết cũng được; chớ ngộ mà nó ra đi trong mấy ngày tết thì khó lòng quá.
Nhà ở phố không có được một hố đất đủ để chôn một khối thịt mà bỏ vào
bao bố vẫn còn có chỗ thừa ra.
Ngày mới xin về, nó là một cún con ngộ nghĩnh, đáng yêu. Thuộc dòng bẹc giê, lai chắc cũng đến hai, ba đời rồi mà bộ lông hầu như nguyên thủy. Toàn thân vàng hực, cái mõm đen tuyền, sống lưng chạy dài một vệt lông đen cho đến tận mút đuôi. Có điều trùng hợp lý thú là nó về nhà lão đúng năm Tuất cũng là năm tuổi của lão - năm ấy lão vừa tròn năm vòng con giáp. Bởi vậy mà lão mới đặt cho nó tên Tuất. Riêng vợ và thằng con út thì cứ nhất quyết gọi nó là con Bean! Nó giải thích: “Bean là hạt đậu chứ có gì là sang trọng đâu ba”. Thì cũng được, mạnh ai nấy kêu. Riết rồi nó cũng quen với hai cái tên tây ta lẫn lộn. Ngày hai vợ chồng mới về hưu, cảnh nhà xem ra trống vắng. Cún con là niềm vui của hai vợ chồng. Nó được chăm như một đứa con cưng. Nào tắm gội, chải chuốt, bà giáo lại còn tỉ mẩn mang soi lục lọi tìm bắt từng con chấy ranh mãnh bám sâu vào đám lông dày cộm. Bà lại còn xưng mẹ, gọi con với nó. Thấy bà quá đỗi chăm sóc chiều chuộng con chó, có lần vui miệng lão lại đùa với vợ: “Có lẽ kiếp trước bà đã mang nợ nó”. Bà trả lời cộc lốc: “Thì đã sao!”. Lão lặng thinh, tủm tỉm cười rồi lảng sang chuyện khác. Thấm thoát mà đã gần mười năm, con Tuất được đối xử như một thành viên của gia đình. Cho đến ngày thằng con út nên bề gia thất và năm sau đứa cháu nội chào đời. Cuộc sống của vợ lão đã rẽ sang lối khác. Kể từ đây mối bất hòa bắt đầu nảy sinh giữa hai vợ chồng lão; khi ngấm ngầm, lúc thì công khai. Tất cả cũng vì bà cưng thằng cháu nội; sợ nó bị lây bệnh sán chó, một bệnh nan y có thể dẫn đến chết người, hiện đang hoành hành nhưng ít người biết đến. Phần thì bận chăm sóc cho đứa nhỏ, phần thì bị ám ảnh bởi mầm bệnh nguy hiểm; nên ngày bà càng xa rời lạnh nhạt với con Tuất. Đã bốn ngày liền, ông giáo đã chích cho con Tuất đều đặn một ngày hai ống thuốc theo chỉ dẫn của cán bộ thú y, nhưng xem ra bệnh tình không thuyên giảm. Nó vẫn biếng ăn, đi ngoài phân vẫn còn lẫn máu, lại có màu như phân người. Người cán bộ thú y nói nửa đùa nửa thật: “Chó phải đi ngoài ra phân chó, chứ chó mà đi ra phân người thì không ổn rồi bác ơi. Nó đã quá già rồi, không còn đủ sức đề kháng. Vả lại con vật khi đã chích 4 ngày thuốc kháng sinh mà không khỏi thì đành chịu thua vậy”. Nghe rồi lão thở dài thất vọng. Thôi thì đành chuẩn bị lo “hậu sự” cho nó chứ biết làm sao bây giờ. Ngặt một nỗi là nó đâu chịu chết liền. Lão nghĩ ngay đến những phiền toái sẽ xảy ra trong những ngày cuối năm và đôi khi lại trong ba ngày tết. Nhớ đến câu chuyện của lão quản gia nông trại trong tác phẩm Của chuột và người (Of Men and Mice) của nhà văn người Mỹ John Steinbeck. Vì chịu không nỗi sự quấy rầy dai dẳng bởi con chó thân yêu của mình bệnh hoạn lúc về già; lão phải đành lòng giải quyết theo gợi ý của một người làm công; mặc dầu lúc đầu lão phản đối quyết liệt lời đề nghị độc ác này. Đào một cái hố sâu sau vườn, đặt con chó già ghẻ chốc kề bên miệng hố, cầm cây súng trường nhắm ngay vào đỉnh trán. Lẩy cò! Lấp đất. Thế là xong! Biết đâu lão quản gia đã ban cho nó một cái chết ngọt ngào, một cách chấm dứt nỗi đau tuyệt vọng của một sinh linh. Nhưng với lão thì không bao giờ như thế cả. Đó là câu chuyện bên nước Mỹ vào thời nội chiến. Nhưng càng cố xua đuổi nỗi ám ảnh kinh hoàng ấy thì lão lại càng bối rối, suy nghĩ mông lung. Ngày xin được Cún con kháu khỉnh vợ chồng lão rối rít cám ơn người cho. Ngày con Tuất còn sung mãn, một tiếng sủa của nó khiến người lạ phải giật mình hú vía, nó uy nghi lẫm liệt trấn giữ cả một giang sơn của đồng loại trong cái xóm chợ này. Thế mà bây giờ thân xác nó gầy gò, èo uột, bước chân liêu xiêu chừng như muốn ngã bất cứ lúc nào. Thật tình lão chưa bao giờ hình dung đến cái cảnh ảm đạm như ngày hôm nay. Đúng là “Đoạn đường ai có qua cầu mới hay”. Nhớ lại những ngày sắp về hưu, lão ngồi buồn và cảm thấy tủi thân vì không được phân công tác. Lúc bận rộn thì mong ước được nghỉ ngơi, lúc được nghỉ ngơi lại mong được bận rộn. Ôi cái triết lý nhân sinh sao mà nó rắc rối đến thế? Cách đây hơn mười năm, lão còn đi dạy học. Trong chuyến du lịch với nhà trường ở Suối Tiên; lão đã bồi hồi nhìn cảnh những con gà đãy già nua, cái đầu hói lông bóng nhẵn, chỉ còn lưa thưa mấy cọng lông bạc nhược, chúng đang lầm lũi dò từng bước đi vào “Cảnh giới địa ngục”. Lão vui miệng nói với người bạn đồng nghiệp: Đến lúc về già, tôi và ông cũng như thế cả đó, rồi cả hai cùng cất tiếng cười vang cả hang động. Giờ này lão lại đang chứng kiến cảnh con vật thân yêu đang chết dần mòn trong tuổi già và bệnh hoạn. Suy cho cùng thì nỗi khổ của con người nào có khác chi đâu. Còn nước còn tát. Lão liền gọi điện cho người bạn hiện đang hành nghề thú y, nhà ở cách lão cũng đến ba bốn chục cây số. Sau khi nghe lão trình bày bệnh tình và những thứ thuốc mà lão đã chữa cho con chó. Người bạn cười xòa và lên giọng thầy đời: Bởi vậy mà mấy chú Ba Tàu mới nói ngạo dân mình “Người Nam ngồi trên thuốc mà chết”. Có gì đâu, nó bị lãi hành đó. Ông đi kiếm độ năm, sáu trái cau kiểng già, mang về bổ ra lấy cái hạt, rồi đun cho thật keo, pha mỗi lần một muỗng canh với sữa bò cho nó uống, mỗi ngày một lần: chỉ ba ngày sau lãi sẽ bị tống ra hết là nó khỏi bệnh. Nghe người bạn nói chắc nịch, lại tin tưởng vào khả năng người đã từng làm trưởng ty mục súc hồi đó; lão hy vọng tràn trề. Qua ba ngày sau, làm đúng như lời chỉ dẫn của người bạn; con Tuất đã thải ra ngoài mấy nùi lãi mẹ lãi con, trông phát khiếp. Trước đây lão rất khó chịu vì những lời càu nhàu của vợ: - Đã rửa tay bằng xà phòng chưa? Đừng ẵm cháu lại gần. Coi chừng đôi dép của ông lại mang trứng lãi vào nhà đấy… Bây giờ nghĩ lại, lão thấy vợ mình có lý. Quá đỗi mừng vui, lão gọi điện cám ơn người bạn già rối rít. Sáng nay, đang ẵm đứa cháu đứng ngắm những nụ hoa xanh rờn vừa lú nhú trên những cành mai khẳng khiu trụi lá; thì vừa lúc con Tuất lại xuất hiện, nó ve vẩy đôi tai, quấn quít bên lão. Bỗng dưng thằng bé khom mình xuống, tinh nghịch chìa bàn tay mũm mĩm vuốt nhẹ lên đầu con chó rồi cất tiếng cười ngặt nghẽo, xong nó lại thụt tay vào và ôm chầm lấy lão mà khúc khích cười…
Ngày mới xin về, nó là một cún con ngộ nghĩnh, đáng yêu. Thuộc dòng bẹc giê, lai chắc cũng đến hai, ba đời rồi mà bộ lông hầu như nguyên thủy. Toàn thân vàng hực, cái mõm đen tuyền, sống lưng chạy dài một vệt lông đen cho đến tận mút đuôi. Có điều trùng hợp lý thú là nó về nhà lão đúng năm Tuất cũng là năm tuổi của lão - năm ấy lão vừa tròn năm vòng con giáp. Bởi vậy mà lão mới đặt cho nó tên Tuất. Riêng vợ và thằng con út thì cứ nhất quyết gọi nó là con Bean! Nó giải thích: “Bean là hạt đậu chứ có gì là sang trọng đâu ba”. Thì cũng được, mạnh ai nấy kêu. Riết rồi nó cũng quen với hai cái tên tây ta lẫn lộn. Ngày hai vợ chồng mới về hưu, cảnh nhà xem ra trống vắng. Cún con là niềm vui của hai vợ chồng. Nó được chăm như một đứa con cưng. Nào tắm gội, chải chuốt, bà giáo lại còn tỉ mẩn mang soi lục lọi tìm bắt từng con chấy ranh mãnh bám sâu vào đám lông dày cộm. Bà lại còn xưng mẹ, gọi con với nó. Thấy bà quá đỗi chăm sóc chiều chuộng con chó, có lần vui miệng lão lại đùa với vợ: “Có lẽ kiếp trước bà đã mang nợ nó”. Bà trả lời cộc lốc: “Thì đã sao!”. Lão lặng thinh, tủm tỉm cười rồi lảng sang chuyện khác. Thấm thoát mà đã gần mười năm, con Tuất được đối xử như một thành viên của gia đình. Cho đến ngày thằng con út nên bề gia thất và năm sau đứa cháu nội chào đời. Cuộc sống của vợ lão đã rẽ sang lối khác. Kể từ đây mối bất hòa bắt đầu nảy sinh giữa hai vợ chồng lão; khi ngấm ngầm, lúc thì công khai. Tất cả cũng vì bà cưng thằng cháu nội; sợ nó bị lây bệnh sán chó, một bệnh nan y có thể dẫn đến chết người, hiện đang hoành hành nhưng ít người biết đến. Phần thì bận chăm sóc cho đứa nhỏ, phần thì bị ám ảnh bởi mầm bệnh nguy hiểm; nên ngày bà càng xa rời lạnh nhạt với con Tuất. Đã bốn ngày liền, ông giáo đã chích cho con Tuất đều đặn một ngày hai ống thuốc theo chỉ dẫn của cán bộ thú y, nhưng xem ra bệnh tình không thuyên giảm. Nó vẫn biếng ăn, đi ngoài phân vẫn còn lẫn máu, lại có màu như phân người. Người cán bộ thú y nói nửa đùa nửa thật: “Chó phải đi ngoài ra phân chó, chứ chó mà đi ra phân người thì không ổn rồi bác ơi. Nó đã quá già rồi, không còn đủ sức đề kháng. Vả lại con vật khi đã chích 4 ngày thuốc kháng sinh mà không khỏi thì đành chịu thua vậy”. Nghe rồi lão thở dài thất vọng. Thôi thì đành chuẩn bị lo “hậu sự” cho nó chứ biết làm sao bây giờ. Ngặt một nỗi là nó đâu chịu chết liền. Lão nghĩ ngay đến những phiền toái sẽ xảy ra trong những ngày cuối năm và đôi khi lại trong ba ngày tết. Nhớ đến câu chuyện của lão quản gia nông trại trong tác phẩm Của chuột và người (Of Men and Mice) của nhà văn người Mỹ John Steinbeck. Vì chịu không nỗi sự quấy rầy dai dẳng bởi con chó thân yêu của mình bệnh hoạn lúc về già; lão phải đành lòng giải quyết theo gợi ý của một người làm công; mặc dầu lúc đầu lão phản đối quyết liệt lời đề nghị độc ác này. Đào một cái hố sâu sau vườn, đặt con chó già ghẻ chốc kề bên miệng hố, cầm cây súng trường nhắm ngay vào đỉnh trán. Lẩy cò! Lấp đất. Thế là xong! Biết đâu lão quản gia đã ban cho nó một cái chết ngọt ngào, một cách chấm dứt nỗi đau tuyệt vọng của một sinh linh. Nhưng với lão thì không bao giờ như thế cả. Đó là câu chuyện bên nước Mỹ vào thời nội chiến. Nhưng càng cố xua đuổi nỗi ám ảnh kinh hoàng ấy thì lão lại càng bối rối, suy nghĩ mông lung. Ngày xin được Cún con kháu khỉnh vợ chồng lão rối rít cám ơn người cho. Ngày con Tuất còn sung mãn, một tiếng sủa của nó khiến người lạ phải giật mình hú vía, nó uy nghi lẫm liệt trấn giữ cả một giang sơn của đồng loại trong cái xóm chợ này. Thế mà bây giờ thân xác nó gầy gò, èo uột, bước chân liêu xiêu chừng như muốn ngã bất cứ lúc nào. Thật tình lão chưa bao giờ hình dung đến cái cảnh ảm đạm như ngày hôm nay. Đúng là “Đoạn đường ai có qua cầu mới hay”. Nhớ lại những ngày sắp về hưu, lão ngồi buồn và cảm thấy tủi thân vì không được phân công tác. Lúc bận rộn thì mong ước được nghỉ ngơi, lúc được nghỉ ngơi lại mong được bận rộn. Ôi cái triết lý nhân sinh sao mà nó rắc rối đến thế? Cách đây hơn mười năm, lão còn đi dạy học. Trong chuyến du lịch với nhà trường ở Suối Tiên; lão đã bồi hồi nhìn cảnh những con gà đãy già nua, cái đầu hói lông bóng nhẵn, chỉ còn lưa thưa mấy cọng lông bạc nhược, chúng đang lầm lũi dò từng bước đi vào “Cảnh giới địa ngục”. Lão vui miệng nói với người bạn đồng nghiệp: Đến lúc về già, tôi và ông cũng như thế cả đó, rồi cả hai cùng cất tiếng cười vang cả hang động. Giờ này lão lại đang chứng kiến cảnh con vật thân yêu đang chết dần mòn trong tuổi già và bệnh hoạn. Suy cho cùng thì nỗi khổ của con người nào có khác chi đâu. Còn nước còn tát. Lão liền gọi điện cho người bạn hiện đang hành nghề thú y, nhà ở cách lão cũng đến ba bốn chục cây số. Sau khi nghe lão trình bày bệnh tình và những thứ thuốc mà lão đã chữa cho con chó. Người bạn cười xòa và lên giọng thầy đời: Bởi vậy mà mấy chú Ba Tàu mới nói ngạo dân mình “Người Nam ngồi trên thuốc mà chết”. Có gì đâu, nó bị lãi hành đó. Ông đi kiếm độ năm, sáu trái cau kiểng già, mang về bổ ra lấy cái hạt, rồi đun cho thật keo, pha mỗi lần một muỗng canh với sữa bò cho nó uống, mỗi ngày một lần: chỉ ba ngày sau lãi sẽ bị tống ra hết là nó khỏi bệnh. Nghe người bạn nói chắc nịch, lại tin tưởng vào khả năng người đã từng làm trưởng ty mục súc hồi đó; lão hy vọng tràn trề. Qua ba ngày sau, làm đúng như lời chỉ dẫn của người bạn; con Tuất đã thải ra ngoài mấy nùi lãi mẹ lãi con, trông phát khiếp. Trước đây lão rất khó chịu vì những lời càu nhàu của vợ: - Đã rửa tay bằng xà phòng chưa? Đừng ẵm cháu lại gần. Coi chừng đôi dép của ông lại mang trứng lãi vào nhà đấy… Bây giờ nghĩ lại, lão thấy vợ mình có lý. Quá đỗi mừng vui, lão gọi điện cám ơn người bạn già rối rít. Sáng nay, đang ẵm đứa cháu đứng ngắm những nụ hoa xanh rờn vừa lú nhú trên những cành mai khẳng khiu trụi lá; thì vừa lúc con Tuất lại xuất hiện, nó ve vẩy đôi tai, quấn quít bên lão. Bỗng dưng thằng bé khom mình xuống, tinh nghịch chìa bàn tay mũm mĩm vuốt nhẹ lên đầu con chó rồi cất tiếng cười ngặt nghẽo, xong nó lại thụt tay vào và ôm chầm lấy lão mà khúc khích cười…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét