Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017

Một thoáng Đà Lạt

Một thoáng Đà Lạt
Một sớm tinh mơ tôi chợt thấy mình đang ở đây, giữa lòng thành phố của ngàn hoa này. Đà Lạt, người tình đầu ban sơ, trinh trắng và chung thủy, dẫu có ít nhiều đổi thay bề mặt, nhưng vẫn nguyên cái cảm giác thuở nào khi tôi vừa chập chững biết yêu. Tôi trở về đây, thân đã nhiều gầy guộc, thể đã nhiều hư hao, phách đã nhiều phiêu phưởng, và hồn thì đã nhàu nát hơn xưa. Thật kỳ lạ là nhiều người bảo Đà Lạt mộng mơ chỉ dành cho những cặp tình nhân đang trong thời kỳ yêu nhau say đắm Thế mà dường như chưa bao giờ tôi thực sự khoác vai người tình bước đi trên con đường cao thấp nghiêng dài những hàng thông.  
Luôn luôn là những bước chân ngập ngừng của một kẻ cô độc, mỗi bước đi dè dặt sợ vang lên trong lòng phố những thinh âm của tiếng thở dài lẻ loi, trơ trọi.
Đà Lạt, người vẫn bao dung ôm trọn lấy tôi trong một niềm ủi an nồng hậu, người vẫn yêu thương tôi cuồng nhiệt trong một nỗi hân hoan hội ngộ, người vẫn cùng tôi đếm những bước dài ngắn trên đường đời trong một sự quan tâm sâu sắc, tôi về đây, mong tìm lại cho mình một chút gì để có thể tiếp tục sống những ngày tháng hanh hao sắp tới. Dường như đời tôi chỉ là một chuỗi những sự sai lầm, và nếu như có thể quay lại bước khởi đầu, có lẽ tôi sẽ không bao giờ dự phần trong bữa tiệc đời này. Điều đó, liệu có đứng đắn lắm không hỡi em, người yêu dấu?
Tôi có hẹn sẽ cùng em thắp nến giữa đồi đêm mù sương mà khóc một trận cho thỏa lòng. Nhưng cũng như những thời khắc nào khác khi tôi cần có em bên cạnh, tôi chỉ thấy bóng mình. Và tôi thì cũng không thể nào khóc được nữa. Trong cái đêm thinh lặng đó, tôi chỉ ngồi yên bất động nhìn những hàng lệ nến đang rỏ xuống chiếc thân gầy liêu xiêu, mà ngỡ như những giọt bỏng rát của đớn đau, của tủi cực, của niềm ẩn ức đang nhỏ xuống hồn mình. 
Trong cái chập chờn của lửa, đôi mắt em hiện lên sâu thẳm thẳm, nhìn tôi, nhìn ánh sáng bập bùng, hay nhìn vào tận bên trong cái định mệnh đang mặc khải qua những làn sóng sánh sắc hồng phản chiếu trong tia mắt, tôi không rõ. Ngọn khói phiêu linh vẽ vào không gian những đường kỷ hà mờ ảo, huyền hoặc, chợt hiện chợt biến, tạc vào tâm khảm tôi nét phác chân phương nhất của khuôn mặt em, khuôn mặt mà tôi đã cố công lục lọi trong trí nhớ mình, cũng không thể nào gọi tên được. Khuôn mặt đó, nửa như thân thuộc lắm, nửa như hoàn toàn xa lạ, lại như khuôn mặt tôi khi nhìn xiên qua làn nước trong một đêm trăng sáng huyền hồ. Có lẽ nào em đã buồn đến vậy? Tôi đã muốn khóc thật to cho khuây khỏa nỗi nhớ thương da diết, nỗi cô đơn cực độ, nỗi đau khổ muôn trùng, bàn tay chấp chới buông lơi ngọn khói, những mong quấn riết lấy em trong một cái ghì chặt thiên thu, để vĩnh viễn đôi ta không bao giờ xa cách.
Em, có lẽ nào tôi đã trơ trọi đến vậy, trong tình yêu vĩnh hằng dành cho em? Có lẽ nào tôi đã lạnh lùng vô cảm đến vậy, trước nỗi buồn mênh mông khôn cùng của em? Tôi muốn khóc, nhưng những giọt nước mắt chảy ra sợ bị xem là đóng kịch. Tôi muốn cười, nhưng tiếng cười thoát ra từ con tim sợ bị xem là lạnh lùng, tàn nhẫn. Tôi muốn nói, nhưng lời nói ra từ tâm tưởng sợ hãi bị xem là dối trá. Vậy thì tôi biết làm sao để em bớt nỗi xanh xao muộn phiền? Thôi đành cười khóc như điên, tôi từ đó nói liên miên một lời. Nói một lời là một lời rồi. Một lời là lời kinh thôi. Lời mang thật thà dối trá, lời gần gũi hay xa xôi. Dẫu lời thật thà dối trá, lời gần gũi hay xa xôi cũng là lời tâm tình của những khoảnh khắc cô đơn nhất, mà tôi đã dành cho riêng em, trong cái đêm lành lạnh này.
Đóng kịch? Thì tôi cũng đã từng được mệnh danh, hay đơn giản hơn, là được gán cho cái mỹ từ kịch sĩ, hay về sau, cao hơn nữa, là nhà biên kịch đại tài. Từ kịch sĩ đã được thốt ra với tất cả nhờm tởm kinh khiếp và khinh thị đối với sự giả trá. Quả thật không ai chịu nổi sự giả trá, và họ đã gán cho nó bất kỳ cái cảm xúc nào mang dáng dấp của những điều tội lỗi nhất và đen tối nhất mà họ có thể thu nhặt được từ trong những giấc mơ sâu lắng và hoang vu về cõi địa ngục thâm u. Mỗi một kịch sĩ khi bước lên sân khấu, họ đã không còn là họ, không còn mặc lấy thân phận họ, không còn hình thể họ, mà họ đã thực sự hóa thân vào nhân vật, thực sự sống và cảm xúc trong bối cảnh của câu chuyện, thực sự mang lấy cái kiếp đời của nhân vật. Và thay vì buồn vui hờn giận căm thù yêu thương cái kiếp đời chìm nổi đó theo nhân vật, người ta đã khen sự diễn xuất của kịch sĩ, như tát thẳng vào mặt người một cú trời giáng, như hắt một gáo nước lạnh vào người một cách vô cảm, cho sự diễn xuất, hay đúng hơn, cho sự khâm phục và coi khinh cái giả trá điêu luyện của người kịch sĩ. Đời là một vở kịch, và mỗi chúng ta đều là những kịch sĩ trong vở tuồng của mình.
Chúng ta đã nhìn nhau, không phải bằng sự cảm thông, không phải bằng lòng bao dung và yêu thương, mà bằng những thứ vũ khí của đức hạnh, của luân lý, của lẽ phải, của lý trí, để khen chê vở kịch đời nhau, để bàng quan đứng bên ngoài và gọi nhau bằng hai tiếng kịch sĩ đầy khinh rẻ và tàn nhẫn. Chúng ta, những con người trong cùng một vở bi hài kịch cuộc đời, đã lại vừa đóng vai trò khán giả để thưởng ngoạn cuộc đời nhau rồi buông ra hai tiếng tàn khốc : kịch sĩ. Tôi đã từng được gián tiếp hay trực tiếp phán rằng tôi là một nhà kịch sĩ tài ba. Ấy có phải vì tất cả những thống khoái và thống khổ đã cùng lúc đồng hiện trong tôi? Ấy có phải vì tất cả những yêu thương hờn giận hối hận tha thứ và căm thù đã cùng lúc cuồn cuộn trong tôi, đã cùng lúc nổi lên như bão táp giật phăng tất cả trên con đường tàn phá của nó, đã cùng lúc như những làn xanh xám khói sầu quấn quít quyện chặt vào nhau không thể tách rời, không thể biện biệt, không thể lý giải hay tỏ bày? Ấy có phải vì trong tôi có đầy đủ tất cả những cảm xúc mà người đời từng có trong từng gian đoạn, vì trong tôi tích chứa toàn bộ cái thời gian của dòng sinh diệt liên miên, vì trong tôi vô vàn những trái ngang mâu thuẫn đã sống chung, đã dung nạp, đã nương nhau mà tồn tại cùng lúc? Đã nhiều lúc tôi cũng không còn có thể nào hiểu nổi tại sao mà từ hai thái dương, những đường gân thớ thịt vẫn còn chịu đựng nổi, mà chưa bùng nổ, chưa thoát ra, chưa xé toạc cái lớp vỏ ngoài để từ đó vươn lên đôi sừng thép xoắn lại như vị thần tạo sinh và hủy diệt, Shiva, vị thần mà theo truyền thuyết Ấn Độ, đã mang vác trong người cái trọng trách của một đấng sáng tạo và một đấng tàn phá, một Thượng Đế khoan dung - nhân từ - yêu thương và một Quỷ Vương độc ác - ích kỷ - thù hận.
Hay chính bởi vì cái cặp sừng trong tâm tưởng đó đã không xuất hiện ở cái thể xác bé nhỏ hèn mọn này, mà theo dòng sầu tuôn trào trong từng con chữ, trong từng luồng cảm xúc, trong từng trang viết đẫm những ưu tư và sầu muộn, thương yêu và hằn học, hân hoan và cô lẻ lạ lùng. Những cảm xúc trái ngược luôn luôn xuất hiện và được thăng hoa cực độ, để rồi không biết phải thoát đi như thế nào, đành như những âm ba gào thét vang dội trong thế giới ngút ngàn, thăm thẳm, và trầm mặc của những niềm riêng u uẩn. Những thinh âm đó, tôi không mong nhận được hồi đáp, cũng không hy vọng nhận được sẻ chia, bởi đó là một định mệnh mà mỗi một kẻ lạc loài bị đánh dấu nào cũng phải mang lấy, đó là cây thập giá mà bất kỳ một kẻ tội lỗi nào cũng phải gánh lấy, tự một mình mình, không được giúp đỡ, không được thông cảm, không được ủi an hay khuyến khích động viên. Đó là chén đắng mà tôi phải uống lấy cho đến giọt cuối cùng, cho đến khi bức màn nhung đời tôi hạ xuống khép lại một vai kịch trong tấn trò đời.
Một đêm nào đó tôi lạc bước đến Cung Tơ Chiều. Trời lạnh căm. Trăng tròn vành vạnh trên đầu, vàng và lạnh, lạnh thê thiết như những niềm tâm sự không biết phải gửi vào đâu, không biết phải tỏ cùng ai, đành ngước nhìn lên trăng mà buông một tiếng thở dài, trong tâm tưởng. Phải chăng vì thế mà mỗi độ trăng rằm, sắc vàng kia lại thêm trầm sầu và băng giá. Đường lên quán không thênh thang rộng mở, chẳng rõ ràng phân minh, mà mờ tỏ ngoằn ngoèo một vệt như sương về trong những ngày nắng đẹp, như ngọn khói xanh xao lúc nửa khuya, như liêu xiêu lối nhỏ dẫn vào khung cửa hẹp. Ngự trên một đỉnh đồi thoai thoải nhìn xuống thung, quán nằm khuất sau những hàng cây cao sừng sững, e ấp như nàng con gái đương thao thiết nằm chờ đấng trượng phu. Và đơn sơ như lòng người cô phụ, mỗi đêm về mong ấm chút hương yêu. Bước vào quán, tôi có cảm giác như bước vào một không gian khác hẳn, một cõi riêng khác hẳn, một nỗi niềm u uẩn khác hẳn, khác hẳn so với bên ngoài.
Ở đây, ba mặt là kính, tôi có thể nhìn thấy rõ từng bụi cây, từng ngọn cỏ, từng dấu giày soi tỏ dưới trăng. Mọi thứ cứ bày ra trước mắt, gần gũi, nhưng dường như lại thật xa cách, thật huyễn hoặc, như không thể nào với tới, như không thể nào chạm được, như đó chỉ là những ảo ảnh về một chốn trần gian nào khác, khác với cái hiện tại nơi này. Không phải chỉ bởi cái lớp kính đang ngăn cách các chiều không gian, mà dường như còn có một lớp kính nào khác nữa, ở nơi đây, trong lòng người, đang dựng lên, đang bao phủ, đang che chở, đang bọc lấy một khối cô liêu quạnh quẽ linh hồn, một khối mẫn cảm, tinh tế và trầm lắng thương yêu. Tôi dường như đã tan biến vào cái không gian này, lắng nghe nó, thâm nhập và thăm dò nó trong một sự cẩn trọng sâu xa. 
Tôi bắt đầu trở thành không khí, trở thành khói, trở thành bóng dáng huyền hồ mờ ảo của những ký ức cổ xưa nhất, đang lang thang ngược về từ quá khứ. Cái ma lực đó, ma lực của những linh thông, những cảm ứng, những giao kết và hòa hợp đến lạ lùng đang từ từ pha trộn tôi trong từng hơi thở của những người có mặt nơi đây. Rồi tôi đã đánh động đến cái khối thanh khí mà tôi đang nhắm tới, bằng một sự thinh lặng tuyệt đối, bằng một sự tịch mịch tuyệt đối, bằng một sự thu hút tuyệt đối của những ẩn ức tàng trữ trong lòng nhân sinh. Chị xuất hiện như một người bình thường, một cô chủ quán nhỏ nhắn, mái tóc dài, đôi mắt sâu và đen láy. Gương mặt chập chờn trong ánh nến khiến tôi không nhìn rõ, nhưng có cần chi, gương mặt đó chỉ là lớp mặt nạ bên ngoài, rồi sẽ rơi rụng theo thời gian, cái quan trọng nhất, là cái khuôn mặt ở đằng sau, ở bên trong, thấp thoáng sau những hàng rào kiên cố của ngôn ngữ, của cử chỉ, của tính cách, của tình cảm, cái khuôn mặt chưa từng được sinh ra và cũng không từng được mất đi, khuôn mặt của sự bất diệt, của cái bản ngã phi thường đang hóa hiện trong cõi, khuôn mặt đó, là cái duy nhất tôi nhìn thấy. Bị lôi kéo bởi chính cái điều chị không thể giải thích được bên trong, mọi cử động của chị dường như đều đang hướng về tôi, thăm dò, quan sát, tìm cơ hội để đến gần và tìm hiểu. Tôi đã kiên nhẫn ngồi yên để chị xem xét cho thỏa, để chị được yên tâm trước sự lạ lẫm này đang dâng trào trong tâm hồn.
Chị hát. Hồn tôi rung lên dữ dội khi tiếng hát chị vừa cất lên. Giọng hát trầm khàn nhưng mãnh liệt, đôi lúc vùng vẫy như muốn thoát khỏi không gian, như muốn vươn lên phủ trùm lấy không gian, lấy thời gian, như muốn ngưng kết tất cả trong một làn âm ba tối thượng. Giọng hát buông ra chới với như muốn xé toạc không gian chung quanh, như muốn níu bóng người khách lãng du đang lay lắt đổ dài theo ánh nến, như muốn kéo lại gần niềm tâm sự của những tâm hồn cô đơn, lạc lõng giữa trần đời. Giọng hát đó, đi thẳng vào tim tôi không ngần ngại, không rào đón, không nghi hoặc, không e dè.
Tôi nghe tiếng mình hát trong chị. Cũng như những buổi nào đó trong thuở sơ khai tôi đã nghe tiếng mình khóc trong tiếng người, tôi đã nghe tim mình đau trong tim người, tôi đã nghe nhiều nỗi lạc loài quạnh quẽ trong phận người, hồn tôi vỡ vụn thành nhiều giọt nhỏ, rơi đều xuống cung đàn, hòa vào đôi bàn tay đang lướt đi trên những cung bậc định mệnh đời nhau. Giọng hát đó, tiếng đàn đó, khiến tôi như nhìn thấy khuôn mặt em, cũng đang ảm về gục đầu xuống phím tơ, tay nhấn từng gam cảm xúc, khe khẽ hát ru tôi trong những đêm dài lạnh lẽo. Rồi chị ngừng hát, nhìn tôi như muốn hỏi gì, rồi buông ra vài câu bâng quơ dò tìm. Tôi im lặng và mỉm cười. Thế, tôi đã luôn luôn thế.
Chỉ biết im lặng và mỉm cười. Cái nụ cười ngơ ngác và lặng lẽ, từ đó tỏa ra biết bao nhiêu là ý tình muốn gửi gắm, muốn trao đổi, muốn bộc bạch, muốn được cùng ai đó sẻ chia. Nụ cười không thành tiếng, không thành hình, không thành ý niệm, cũng chẳng thành bất kỳ điều gì có thể diễn giải trong lòng người, buông ra như một làn hơi thu hiu hiu buồn, như một tiếng sương rơi khẽ khàng, heo hắt. Mãi cho đến tận lúc phải ra về, ra về trong một sự nuối tiếc muốn được cùng ngồi lại, trong một nỗi luyến lưu muốn được cùng lặng thinh, tôi mới khó khăn cất giọng nói được vài lời xã giao nhạt nhẽo, vô vị, lạnh lùng và vô cảm, đọc cho chị nghe một câu thơ như một cách lấy lại cân bằng trước khi rời khỏi nơi này.
Rời khỏi, nghĩa là sẽ ra đi. Ra đi, nghĩa là sẽ không quay lại. Không quay lại, nghĩa là sẽ mãi mãi không còn có phút giây này nữa. Có biết bao nhiêu lần trong đời tôi đã phải ra đi, ôm vào lòng tất cả những khát khao, những ước muốn, những hy vọng và đớn đau về một tình yêu trường cửu, về một khoảnh khắc thiêng liêng, về một niềm tin bất diệt. Người bên khung cửa tương tư. Ngoài chân mây khách lãng du ôm sầu. Hỏi ai đi giữa lòng nhau, có nghe một tiếng ca sầu thiên thu.
Thành phố của ngàn hoa. Gọi Đà Lạt là thành phố của ngàn hoa quả không sai. Ở đây, dù đi lên hay đi xuống, đi qua hay đi lại, đi tới hay đi lui, ở bất kỳ chiều không gian nào, bất kỳ ngóc ngách nào, bất kỳ ngõ phố hay thung đồi nào, bạn cũng không thể không nhìn thấy hoa. Có đủ mọi loại hoa, đủ mọi sắc hoa, đủ mọi dáng hoa cứ thi nhau phô diễn nét đẹp kiều mỵ, kiêu sa, nhu thuận hay sắc sảo của mình dưới ánh nắng dịu dàng, trong làn gió lành lạnh cao nguyên. Thành thực mà nói, tôi không tài nào có thể nhớ ra một cái tên nào của chúng cho tử tế. Cũng như những miền đất tôi đã từng đi qua, chưa bao giờ tôi có thể gọi chính xác một địa danh nào.Tôi đến để thấy, để cảm nhận, để hóa thân, để trở thành một phần của đất, của nước, của không khí, của cái mạch sống đang dâng trào trong từng phiến núi, từng ngọn cỏ, nhành cây. Đôi khi tôi tự hỏi liệu khi tôi gọi đúng tên cái bông hoa tôi đã gặp có làm cho mọi người cảm nhận được sự ngất ngây của tôi khi đứng lặng người chiêm bái nó hay không, hoặc có làm cho mọi người thấu thị được những câu chuyện giữa hai chúng tôi không, tôi và bông hoa đó, câu chuyện diễn ra trong một thế giới hoàn toàn riêng biệt, bằng một thứ ngôn ngữ hoàn toàn riêng biệt, hoặc như mọi người có thể nào cảm thông cho cái tình cảm chúng tôi đã dành cho nhau không trong cái khoảnh khắc sát na vô thường hạnh ngộ đó, mà mãi về sau vẫn còn lưu lại trong dòng thời gian này, những triều xúc cảm vô tận vỗ miệt mài xuống từng sinh linh, để rồi cúi đầu ra đi, mỗi linh hồn sẽ tiếp tục cái con đường riêng tây của mình hướng về phía diệt vong, bằng tất cả những niềm hoan hỉ được phục sinh, sống động, và trìu mến lạ thường. Gom tất cả những sinh linh độc đáo ấy mà tạo hóa đã chắt chiu từng đường nét, đã cân nhắc từng dải màu, đã trút cả đức hiếu sinh trong từng nhát đẽo gọt tâm linh, vào một cái tên duy nhất, liệu có đau lòng lắm chăng, liệu có bất công lắm chăng, liệu có ngùi ngậm nghe ngóng ngô nghê trong thinh lặng lắm chăng?
Vì sao chúng ta cứ đi qua nhau với những đôi mắt không nhìn thấy, những đôi tai không nghe thấy, những tấm lòng không cảm thấy, mỗi một chúng ta cứ cắm cúi đi và mong sao cuối con đường là một thế giới hoàn hảo, chân phúc, xứng đáng với sự nghiêm cách, xứng đáng với sự khổ nhọc, sự chịu đựng, sự hiến dâng, sự lao lực kiếm tìm của mình? Câu trả lời nằm ngay trong từng bước đi, từng lời nói, từng đối đãi miên man, từng vẩn vơ tư tưởng, từng hội ngộ tưng bừng trong buổi ban sơ ban đầu ban mai vĩnh tuyệt. Trăng thượng tuần rồi sẽ thành trăng khuyết, trong lòng tôi cũng khuyết một vầng trăng. Con tim đau hỏi biết phải mần răng, tình dang dở từ trăng thôi là nguyệt. Là trăng, là nguyệt, là hoa, là bông, là sương sớm hay chiều tà, liệu một cái tên, một khái niệm, một từ ngữ thốt ra có làm chúng ta nhìn thấy rõ, có làm chúng ta thấu hiểu và linh thông được với nhau, với cái trời đất chan hòa tình yêu này, dẫu có trong lơi lả đầu mây cuối gió, dẫu có đưa đẩy bướm hoa ong nguyệt, thì cái lời thầm thỉ thiên thu bất diệt về cái tình son sắt thủy chung chắc khó được nghe ra, cũng như khó được gọi lên, cũng như khó được hân hoan chào đón. Thì một cái tên, có nghĩa gì không, người yêu dấu?
Người tìm về với thác nguồn, ngang trời mây trắng chợt hồn thảnh thơi. Thảnh thơi dù lòng không vui, cũng không buồn. Bước chân gieo vào lòng cái tiết tấu trầm phù mê ly kỳ ảo của dòng lục bát như nhiên. Con đường uốn lượn dẫn về miền sâu thăm thẳm, miền xa diệu vợi, miền bát ngát mênh mông của nỗi sầu xanh ngắt, xanh như hàng thông đang chen nhau đứng hát vi vu với gió ngàn, và cũng cô độc như thông vươn lên trong quần thể, tay xíết tay, lá đan lá, mà sao vẫn trơ trọi một mình giữa bốn mặt núi non, vẫn hằng ngày lẻ loi cúi mình chiêm niệm cái cuộc hiện sinh ảo diệu, hoang đường, nhưng chân thật này. Những buổi chiều như thế, lang thang một mình để được trọn vẹn chiêm bái những niềm thân mật xung quanh, lòng tôi luôn luôn cảm thấy yên bình, hạnh phúc. Có lần nào đó, khi đôi chân đã rã rời, khi buổi chiều cũng rụng rơi hết về bên kia đồi, sương lạnh tràn xuống, màn đêm phủ trùm lên tôi một nỗi xa vắng, buồn tê tái buồn. Bất chợt ngẩng đầu lên, hình như mình đang đứng trước một địa chỉ khá quen thuộc trong trí nhớ. Cà phê Tùng. Không phải của tôi, đó là ký ức của hàng bao nhiêu lớp người đã từng qua lại miền đất này, chợt trong khoảng khắc ùa về trong tôi như một kẻ lữ hành hôm kia bỗng ngước nhìn lên thấy lại miền cố quận. Có gì hạnh phúc hơn một chiếc ghế đỡ cho đôi chân đang rã rời sau đoạn hành trình dằng dặc. Có gì vui sướng hơn một nếp nhà sau bao ngày sương gió bôn ba. Có hàng bao nhiêu quán hàng trên con đường tôi đã đi qua, nhưng ngay lúc này đây, thì đối với tôi dường như chỉ có một.
(Một là một hay một là hai, là vô cùng hay không là gì cả, là tất cả hay chỉ là một thôi, thì cái tình tự nhiên giữa hoa rung lá rẩy sương sa mây phủ, giữa thực hư trên dòng, nào có ai hiểu cho thấu, hiểu cho đúng, hiểu cho tận, hiểu cho ra cái lẽ mà chính tôi đang đứng đây trong lòng thấu hiểu, mà chính tôi tự nhiên ở cái khoảnh khắc nào khác đã cũng chẳng làm sao hiểu cho trọn vẹn, cho viên mãn, cho thủy chung như một. Vậy nên còn lan man bày vẽ ngược xuôi giảng giải làm gì, phải không, người yêu dấu?)
Bày trí như một sảnh phòng nhỏ, ghế salon nối nhau san sát dọc tường, đèn trần hắt lên không gian một thứ ánh sáng đỏ dìu dịu. Tự nhiên khách cảm thấy ấm lòng. Có phải vì không có bất kỳ sự chia cắt nào trong không gian được bố trí quyện nhau như nhất, khiến cho dường như người lạnh lẽo đi trong sương đêm mồ côi một mình bước vào như bước vào ngôi nhà ấm cúng nhỏ bé mà đầy nồng ấm yêu thương của chính mình, nơi mà người vợ hiền vẫn hàng ngày chăm chút từng đường nét, từng góc nhỏ, từng sợi óng ánh tơ tình vương trong tổ, để chào đón người chồng quay về trong một niềm tưng bừng hạnh ngộ, trong một nỗi sướng vui gặp gỡ, trong một sự ngỡ ngàng tìm thấy, trong một cảm giác ngất ngây trọn vẹn, trong một sự tái sinh để yêu thương tiếp nối không bao giờ ngừng, không bao giờ gián đoạn, không bao giờ chấm dứt, không bao giờ phôi phai cho đến tận thiên thu vô chung vô thủy. Mặc lòng, tôi vẫn chọn cho mình một vị trí cách xa mọi người, xa đám đông, như một thói quen của kẻ sống xa bầy đoàn, thói quen của kẻ đi giữa lòng nhân thế vẫn hát lên khúc ca đồng nội hoang vu u tịch trầm sầu cô lẻ, kẻ đi giữa mênh mang từ bi bác ái yêu thương đoàn kết vẫn thấy bơ vơ hiu quạnh vì vắng tiếng tơ đồng để cung đàn thôi lỡ nhịp. Tôi đã là người khách của lớp người thứ bao nhiêu không rõ, khi nhìn thấy cụ chủ quán tóc bạc phơ đang loay hoay đi lại điều khiển.
Tôi đã là hiện thân thứ bao nhiêu không rõ, của cái dòng sầu đang triền miên chảy mãi giữa mấy miền u uyên biến ảo, giữa suối nguồn hư huyễn huyền không, hốt nhiên ảm về ngồi đây tình tự một mình, ngâm nga mấy câu người như có ta như không, đời như một giấc mơ lồng giấc mơ. Đã là giấc mơ lồng giấc mơ, thì còn mất công tìm kiếm nguỵ chân, thật giả, họa phúc để mà làm gì, mà làm sao tìm cho ra lối về giữa trùng trùng ngôn ý, chi bằng cứ ngồi câm lặng như bóng hắt bờ tường, vô ngôn như khói hằn đêm sương, để ngắm từng khuôn mặt đang dần hiện trong làn khói, đang về tâm tình cùng người ngoài cõi bằng tiếng thầm thì thiên cổ, để lắng nghe từng âm ba sóng dậy triều dâng cuồng phong im ắng của mấy ngàn kiếp lận đận lao đao ngược xuôi bôn ba đang về cười khóc giữa tim người. Thiên hà ngôn tai? Địa hà ngôn tai? Người ngồi trong cõi sầu lai rai sầu. Có bao nhiêu đêm như thế tôi đã ngồi tự tình cùng thiên thu tuế nguyệt, cùng cả nhân gian trút niềm tâm sự vào dòng tâm tưởng chảy liên miên không dứt. Ôi, trời sinh chi cái giống đa tình, ngồi trong cõi sắc mà hình như không. Cùng trong một tiếng tơ đồng, người ngoài cười nụ người trong khóc thầm.
Em từ buổi đó trầm ngâm, mượn nét khói vạch bóng tâm giữa sầu. Cái khối sầu lặng thinh đó, cái giọt nước mắt khóc thầm đó, nếu chẳng phải kẻ cùng trong một cõi nhâm nhi giọt sầu lai rai sầu, thì làm sao ngồi chung bàn, ăn chung chiếu, uống chung bầu, ngủ chung trời đất cho đặng. Ta nói đông người nghe tây, làm sao thưa thốt cho đầy tình chung? Đành ngồi im ở vô cùng, sầu vô tận xứ về lung linh cười! Lung linh cười là cười trách móc, cười than thở, cười khổ sở, cười bao dung, cười hạnh phúc, cười si mê, cười cuồng nộ, cười đau khổ, cười ghen tuông hay đơn thuần là cười vô vi, hỡi em, người yêu dấu!
Trong mớ ký ức hỗn loạn của nhân gian và phi thực của thời gian, đã từng có một đêm như thế. Vầng trăng lồng lộng đỏ ối như màu của cái thuở ban đầu chớm hiện. Đỉnh núi cao chót vót, trơ trọi giữa vùng sương khói hanh hao. Trời dưới thấp người trên cao, với tay chạm giấc chiêm bao nhẹ nhàng. Người đứng đó, sừng sững giữa trùng trùng trăng – sao – sương phủ. Người đứng đó, nhỏ nhoi giữa lớp lớp trời - đất - sầu giăng. Cái lạnh lẽo của đêm từ người thoát ra trĩu nặng cả trời tâm tưởng. Cái u tịch của đêm từ người dậy lên chất ngất cả cõi phù hoa. Từ trong đó bỗng thoát ra một tiếng gầm nhọn hoắt, lê thê kéo dài suốt dọc chiều tâm thức. Tiếng gầm cuồn cuộn như sóng dậy triều dâng, trầm sầu như ráng chiều bên đèo, hắt hiu như gợn trăng đáy nước, liêu xiêu như bóng đổ dưới đèn, và cũng uất nghẹn như niềm riêng của nhiều kiếp phôi pha đã thất thoát từ lâu bỗng vọng về cào cấu tâm tư, mà lại như tiếng côn trùng nỉ non rền rĩ từ mười phương đồng vọng, lay động cả mấy cõi ta bà. Tiếng gầm đó, đã một lần thoát ra, âm ba còn vương vất mãi đến ngàn sau, hay chưa từng được khởi phát, bởi đã cùng ngàn xưa lẫn giữa dòng sầu, thì trong cái đêm này, cũng đã một lần hội tụ trong chỉ một tiếng thở dài, tiếng thở dài của bóng tối trong bóng tối, của thâm u trong thâm u, của thinh lặng trong thinh lặng, của một nốt sầu trong bản đại hòa tấu sầu ca. Một trăm năm, đời người nhẹ như nét khói. Một trăm năm chỉ còn lại một tiếng thở dài trong ký ức nhân gian. Một trăm năm ký ức huyền hồ như mây trắng ngang trời, phù du như gió cuốn qua song. Người như có ta như không. Đời như một giấc mơ lồng giấc mơ.
Tú Anh
Theo http://www.thongtindalat24h.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ruộng lầy – Truyện ngắn của Nguyên Trọng Luân 15 Tháng Ba, 2023 Bà Tần về quê ăn tết sau mấy chục năm trời kể từ ngày bà đi lấy chồng và...