Thứ Tư, 14 tháng 2, 2018

Nơi những cánh chim trở về

Nơi những cánh chim trở về
Cảm xúc vỡ òa như con nước lũ… Minh Phú đỗ tốt nghiệp 100%!. Trồng cây cuối cùng cũng đến ngày hái quả. Sau bao vất vả, thì trái ngọt cũng đã chín rồi! Thầy cô vui, học trò mừng rỡ. Minh Phú sáng bừng lên trong màu nắng sớm mai.
Nơi những cánh chim trở về
“Thời gian trôi qua  mau chỉ còn lại những kỷ niệm. Kỷ niệm thân yêu ơi sẽ còn nhớ mãi tiếng thầy cô…”. Thầy cô,  mái trường - Những từ quá đỗi thân thuộc, yêu thương. Tim tôi như chựng lại, để những yêu thương kỷ niệm, như những thước phim quay chậm cứ thế ùa về… Tôi nhớ thầy cô tôi, nhớ bạn bè tôi, nhớ trường THPT Minh Phú thân yêu …
Những ngày đầu tháng 8 năm 2006, tôi bước đi trên con đường đến trường vừa lạ vừa quen với một chút mặc cảm tự ti, lo sợ trước thách thức mới đang đón chờ phía trước. Từ nay tôi sẽ chia tay với mái trường cấp 2 một thời mực tím để đến một chân trời mới, đến với những con người mới. Hồi hộp, lo lắng ngập tràn trong tôi. Nhưng nghĩ về tương lai với bao hoài bão, bàn chân thúc giục bước đi.

Người mẹ hiền Thu Hương của chúng tôi
Mặc quần xanh, áo trắng bỏ vô “thùng” tôi tự thấy mình lớn hơn một bậc khi nhìn đám đàn em mà chúng tôi phải “ăn nhờ ở đậu”, mượn tạm mấy lớp học trong khi chờ xây cất ngôi trường riêng của chính mình mang tên trường THPT Minh Phú. Nơi cổng trường kia không còn xa lạ, nhưng với tôi khi ấy, lớp học lạ, và người người… đều lạ. Rồi bỗng mọi thứ cũng thân thương, lớp học lạ cũng bảng đen phấn trắng, cũng bàn ghế thẳng hàng, cũng những gương mặt bỡ ngỡ như mình nở nụ cười tươi. Thấy thầy lạ nhưng giọng nói thật hiền, chẳng vương chút xa xôi. Cảm giác ngổn ngang… Đong đầy… Minh Phú trong tôi là những buổi ôn tập hè ríu ra ríu rít, học thì ít mà làm quen thì nhiều. Chuyện này nối tiếp chuyện kia, như “ Nghìn lẻ một đêm” vậy. Bởi dường như mọi thứ còn quá mới mẻ, chỉ cho đến khi thầy cô mắng cho cả lũ một trận thì mới nhìn nhau im bặt rồi lén lút tủm tỉm cười. Một tháng ôn tập trôi qua, cái ngày chúng tôi mong mỏi rồi cũng đến. Ngày khai trường đầu tiên - ngày chính thức khai sinh ra trường THPT Minh Phú. Tiếng trống trường vang lên rộn rã, len lỏi vào nhịp tim dồn dập của từng đứa học trò chúng tôi - thế hệ tiên phong của trường. Giây phút ấy thiêng liêng lắm. Bởi mình là lứa học trò đầu tiên cơ mà, là đứa con đầu lòng mang nhiều kỳ vọng. Đứa con đầu lòng bao giờ mà chẳng được nâng niu, chăm bẵm đặc biệt hơn… Lòng đầy hãnh diện khi mang trên mình trọng trách “người tiên phong”.
Minh Phú thân yêu của tôi là những bước đi đầu tiên với bao khó khăn vất vả. Những môn học tưởng không khó mà lại khó không tưởng. Tâm hồn bay bổng chẳng được bao lâu đã rụng cái “rụp”. Nhưng cũng thật may, những kiến thức loằng ngoằng rối tung mù mịt ấy được sự chỉ dạy tận tình của thầy cô. Bao nhiêu tâm huyết, thầy cô dồn hết cho chúng  tôi - thế hệ đầu tiên của ngôi trường với tuổi đời còn mới. Tôi biết thêm nhiều về lịch sử, văn hóa, xã hội và thậm chí là cả những kiến thức cuộc sống đời thường mà chẳng biết phải liệt kê vào mục nào cho phải. Thầy cô đã truyền cho chúng tôi cả kho kiến thức của cha ông thật háo hức và thú vị. Bạn bè tôi trầm ấm, giản dị, thậm chí mắt kính đeo dày cộp trông như mọt sách, nhưng lại có trái tim dạt dào yêu thương.
Rồi trường mới cũng xây xong. Niềm vui hiện rõ trên tường khuôn mặt. Qua bao con đường làng, ngôi trường đã hiện ra trước mắt, lưng tựa vào núi, xung quanh là những cánh đồng lúa bát ngát xanh tươi như vẫy gọi chúng tôi về. Cảm giác đầu tiên là gì nhỉ? Choáng ngợp, đúng rồi, là choáng ngợp! Những con người nhỏ bé dường như lọt thỏm vào cái không gian rộng lớn ấy. Một dãy phòng học với bốn tầng, dãy nhà Hội đồng và nhà thể chất tạo thành một khối chữ U hiên ngang, vững chắc. Ngôi trường quá to, quá rộng, thật sự là nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi. Chúng tôi vui sướng, chúng tôi hò reo… Rồi nhắm mắt lại, tôi muốn dang đôi tay ôm trọn Minh Phú vào lòng. Nhưng chỉ là tưởng tượng thôi, vì tôi thì nhỏ bé, mà Minh Phú của tôi thì rộng lớn biết chừng nào. Cùng với những hân hoan về một ngôi nhà mới khang trang, rộng rãi là vô vàn khó khăn dàn trải ra trước mắt chúng tôi. Lớp học vẫn còn vương mùi sơn mới. Bàn ghế phủ những lớp bụi dày. Những dãy hàng lang rộng thênh thang. Những bãi cỏ trải dài ngút mắt và lại rất gồ ghề… Tất cả dường như còn bộn bề. Vì vậy mà chúng tôi phải vừa học, vừa lao động. Bỏ lại bút giấy, sách vở sau mỗi buổi học, cả thầy cả trò cùng chung tay dọn dẹp. Thầy hiệu trưởng, cô hiệu phó, các thầy cô chủ nhiệm, và cả đám học trò, tất cả đều xắn tay vào làm, không quản nắng mưa. Lúc ấy, lại càng thêm yêu thầy cô biết nhường nào. Thấy sao mà gần gũi, mà thân thương đến thế… Cắt cỏ, trồng cây, đào rãnh, kéo, san, lấp đất… Công việc ấy cứ đều đều mỗi tháng, và kéo dài cả năm. Mồ hôi rơi, nước mắt rơi, thấm đẫm vùng đất mới, những tiếng nói cười vang vang… Minh Phú thân yêu của tôi là những con người chịu thương chịu khó như thế. Và trong những bóng người cũ hiện lên, tôi thấy thầy tôi, thầy hiệu trưởng tôi hằng tôn kính: thầy Nguyễn Đức Doanh. Giọng nói thầy ấm áp, con người thầy điềm đạm, bao dung, còn đôi mắt lúc nào cũng ánh lên đầy kỳ vọng vào thế hệ học trò đầu tiên của thầy, của trường THPT Minh Phú. Tôi còn nhớ như in hình ảnh người thầy lội chân đất, tay cầm cuốc trồng hoa, làm cỏ trong những bồn hoa nhỏ trước cửa phòng Hội đồng. Thầy nói: “Các con học tập vất vả rồi, để thầy giúp một chút. Không sao!”.

Năm ấy cỏ cây xanh mướt, hoa lá rực rỡ sắc màu
Thầy dạy chúng tôi nhiều lắm, cách học, cách chơi, và cả cách làm người. “Xuất thân của một con người không phải là điều quá quan trọng, vì không ai có thể chọn xuất thân cho chính mình. Những nỗ lực, cố gắng của bản thân mới là điều quan trọng. Quê nghèo, trường nghèo, trò nghèo, nhưng những ước mơ phải được chắp cánh bay cao”. Từng lời dạy ấy, tôi chưa bao giờ quên dù là một phút.
Minh Phú thân yêu của tôi là lớp học thân thương vô cùng đặc biệt, với hình ảnh của hai cô chủ nhiệm cũng rất đỗi thân thương: Cô Lực nghiêm khắc, cô Hương hóm hỉnh, vui tươi. Cô Lực gắn liền với những bước đi chập chững vào lớp 10. Bao bỡ ngỡ, cô dẫn chúng tôi qua. Bao nhọc nhằn, cô trò cùng san sẻ. Rồi cô lên nhận chức Hiệu phó, để lại cái lũ quỷ sứ chúng tôi cho cô Hương tiếp quản.
Ngày 1/4 năm ấy…
“Cả lớp lấy giấy bút, gấp sách vở lại để làm bài kiểm tra 15’!”
“Cô ơi, kiểm tra mà sao không báo trước ạ?” Cả lớp bán tín bán nghi nhưng với sắc mặt nghiêm khắc hằng ngày của cô chúng tôi lục đục giở giấy rồi ngoan ngoãn ngồi làm bài. 15 phút trôi qua…
“Giá mà bọn quỷ ngày nào cũng ngoan ngoãn như đàn cừu non thế này có phải tốt hơn không!!!”  (giọng cô đắc thắng)
Cô là thế, lúc nào cũng hóm hỉnh giúp chúng tôi vượt qua những tiết học lý khô khan, cô còn trẻ nên cả lớp coi cô như người chị, người bạn vậy, lúc nào cũng nô đùa, tếu táo. Nhớ những giờ sinh hoạt lớp ngồi nghe cô giảng triết lý cuộc đời. Tuổi cô thì còn trẻ nhưng suy nghĩ thì vô cùng chín chắn, y như  “bà cụ non”. Những bài học chẳng có trong sách vở, được cô tích cóp rồi truyền lại, để chúng tôi học cách trưởng thành.

Ô kìa, thầy Quyết, thầy Tuân, cô Hạnh, cô Mai, thầy Nghĩa, thầy Thành, cô Như Anh, cô Tình… và còn nhiều thầy cô khác nữa, những bóng dáng ấy cứ hiện lên trong đầu tôi với biết bao bài học hay. Những con người ấy luôn theo sát bước chân chúng tôi, từng ngày, từng tháng mặc mưa nắng ở ngoài kia. Tôi mang theo hành trang thầy cô dạy, để vững bước vào đời. Tình cảm dành cho thầy cô dưới ngôi trường ấy không bao giờ thay đổi, và trong sâu thẳm lòng tôi muốn nói: “ Con cám ơn thầy, cám ơn cô nhiều lắm!”. Minh Phú trong tôi là đám bạn nhắng nhít nhưng chăm chỉ học hành, là những tháng ngày vui buồn cùng sát cánh. Lớp Toán đấy, nhưng nam thì ít mà nữ lại nhiều. Ngày 8/3/2007, lớp tôi nhận được thông báo xuống phòng Hội đồng nhận thư từ bưu điện gửi về. Hai mươi chín phong thư có gắn tem, số lượng bằng với sĩ số lớp lúc bấy giờ. Cứ nghĩ là thư hồi âm của những chiến sĩ ngoài đảo xa ( vì trước đó có đợt phát động viết thư gửi chiến sĩ ngoài hải đảo). Nhưng không! Khi bóc ra thì đứa nào cũng mắt tròn mắt dẹt. Là thiệp chúc mừng ngày 8/3 của đám con trai mà. Bọn con trai thì cười ha ha, còn bọn con gái được phen xúc động, nước mắt dưng dưng nhưng vì sĩ diện nên không cho phép mình được khóc, nhe răng cười khờ khạo…
Nhớ những buổi trưa ở lại trường để chiều tiếp tục chiến đấu với những môn thi đại học. Hồi đấy trường nghèo lắm, làm gì có căng tin, nên chúng tôi toàn mang theo cơm chuẩn bị từ nhà. Để từ sáng đến trưa cơm nguội ngắt, ấy vậy mà vẫn san sẻ cho nhau từng chút thức ăn. Ừ thì cơm nguội đấy, nhưng trái tim luôn ấm…
Rồi có những ngày lôi nhau ra phía sau trường để vạch lá bắt bọ ngựa, cào cào, nghịch ngợm hơn nữa là chơi trò “câu sâu” ở những cái lỗ nhỏ dưới nền đất. Trò này bất hủ, chắc chẳng có thế hệ học trò nào chơi lần thứ hai. Các cụ nói: “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Nhưng tôi lại thấy nên xếp học trò vào hàng số một!
Tích tắc… Tích tắc… Lớp 12. Lớp 12 rồi sao???
Khi ấy trong tôi, Minh Phú là những ngày chạy đua với thời gian, là những lo toan vất vả của năm cuối cấp. Mình là thế hệ đầu tiên mà, làm sao để tạo được niềm tin và sự tự hào cho các thế hệ đi sau, để mang lại tiếng tăm cho ngôi trường từng bước cùng với mình trưởng thành khôn lớn??? Gánh nặng đè lên những đôi vai gầy, bắt buộc cả thầy và trò phải cùng cố gắng, gấp đôi, gấp ba, hay gấp nhiều lần hơn nữa. Băn khoăn, trăn trở… Giục lòng cố gắng học hành…
Mùa hạ - mùa thi, mùa chia ly
Mùa hạ - mùa nắng, mùa xa vắng...
Khoảng thời gian này thật ngột ngạt làm sao. Trái tim dường như có ai bóp nghẹn, chỉ một phút ngẩn ngơ nhìn ra cành phượng vĩ đỏ rực ngoài kia, nước mắt cũng trực trào…
Ngày thi bồi hồi, lo lắng… Cảm xúc vỡ òa như con nước lũ… Minh Phú đỗ tốt nghiệp 100%! Trồng cây cuối cùng cũng đến ngày hái quả. Sau bao vất vả, thì trái ngọt cũng đã chín rồi! Thầy cô vui, học trò mừng rỡ. Minh Phú sáng bừng lên trong màu nắng sớm mai.

Lễ bế giảng năm học
Nhưng đấy chỉ là thành công bước đầu thôi, cánh cổng tương lai đang chờ phía trước, buộc tất cả phải bỏ lại niềm hân hoan ấy để nỗ lực bước đi. Và cứ thế, những con người ấy phải lựa chọn con đường riêng cho chính mình. Mỗi người mỗi ngả. Nhưng ngã rẽ nào, con đường nào rồi cũng bước qua con đường mang tên “ rời xa Minh Phú”… Ngày chia ly, nét buồn hiện lên trên từng khuôn mặt. Từ sâu trong những đôi mắt ngày nào đầy hy vọng, thì nay, nước mắt lưng tròng. Xa rồi thầy cô, bạn bè, xa rồi ngôi trường ấy… Ngày chia ly,  Minh Phú vẫn sáng bừng rực rỡ, tiễn chân người ra đi với những thành công, hoan hỷ và chuẩn bị chào đón những thế hệ sau sẵn sàng bước đến… Thời gian trôi qua, lũ học trò năm ấy giờ đã trưởng thành. Ai cũng mang trong mình những ước mơ, hoài bão riêng, nhưng tâm hồn luôn hướng về nơi ấy, nơi lưu giữ kỉ niệm học trò, là THPT Minh Phú.
Trở lại thăm trường nhân lễ kỷ niệm 5 năm thành lập trường
“10 năm qua, một chặng đường
Từ trong gian khó kiên cường đứng lên
Minh Phú - nhớ mãi không quên
Ước mơ, hoài bão dày thêm tháng ngày”

10 năm đã qua rồi! Trường xưa giờ đã biết lớn, chúng ta giờ cũng biết khôn. Tháng 9 yêu thương đã đến, mùa yêu thương đã đến - mùa những cánh chim trở về! Minh Phú ơi, thầy cô ơi, đợi nhé! Chúng con nhất định trở về! Bởi vì Minh Phú:
Là quãng đường đời con biết lớn, biết khôn
Là nước mắt, niềm vui của một phần cuộc đời đã theo con ở đó
Là tất cả những gì con có
Là tất cả những gì con thương…
Gửi Minh Phú thân yêu! Nơi tuổi thơ ở lại…
Dương Hiền 
Nguồn: Trường THPT Minh Phú
Theo http://c3minhphu.edu.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...