Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

Những phận người trên bến cảng

Những phận người trên bến cảng
Ngay từ khi còn ở dạng bản thảo, tác phẩm “7200 góc luân hồi” của Nguyễn Quốc Hùng đã đoạt Giải nhì Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài Công nhân và Công đoàn giai đoạn 2010 - 2014. Theo đánh giá của Ban tổ chức, đây là một trong những tác phẩm đại diện cho khuynh hướng tìm tòi cách biểu hiện mới trong số những tác phẩm dự thi.
Vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ Hoài Khánh về cuốn tiểu thuyết này.
Nói đến luân hồi là nói đến kiếp người, đến những thân phận. Tiểu thuyết “7200 góc luân hồi” (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn - 2015) của nhà văn Nguyễn Quốc Hùng có cái tên khiến người đọc tò mò, muốn tìm lời giải đáp.
Là một công nhân thực thụ nhiều năm làm việc ở Cảng Hải Phòng, nhà văn Nguyễn Quốc Hùng luôn bắt gặp hình ảnh những con người nhọc nhằn mưu sinh dọc theo cầu cảng, từ người công nhân bốc xếp, nhân viên giao nhận, đến cả những thành phần mà anh gọi là “không thuộc biên chế nhà nước”. Những nhân vật ấy đã có mặt trong tiểu thuyết “Chuyến hàng mưa” (Nhà xuất bản Hải Phòng - 2005), trong tập truyện ngắn “Mặt trời dưới lòng sông” (Nhà xuất bản Lao Động - 2008), trong tiểu thuyết “Thủy sinh” (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn - 2011), và nhiều tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Quốc Hùng. Với anh, viết là để trả nợ những con người ấy, vì họ đã làm nên chân dung cuộc đời và chân dung nghệ thuật của anh. Đến tiểu thuyết “7200 góc luân hồi” một lần nữa thân phận của những người lao động trên bến cảng lại được tái hiện  dưới góc nhìn mới hơn cả về hình ảnh thực lẫn tư duy nghệ thuật của tác giả. Chính lẽ đó mà ngay từ khi còn ở dạng bản thảo, tác phẩm “7200 góc luân hồi” đã đoạt Giải nhì Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài Công nhân và Công đoàn giai đoạn 2010-2014. Theo đánh giá của Ban tổ chức, đây là một trong những tác phẩm đại diện cho khuynh hướng tìm tòi cách biểu hiện mới trong số những tác phẩm dự thi.
Nhân vật chính là ông Diễn. Từ một công nhân bốc xếp phấn đấu trở thành chủ tịch công đoàn đội sản xuất, ông là một công nhân tận tâm, có trách nhiệm với công việc và có lối sống giản dị, chân thành, được đồng nghiệp tín nhiệm. “Phải uy tín lắm trong công việc, trong lối sống cho nên nhiệm kỳ nào ông cũng được bầu với số phiếu tuyệt đối. Những lá phiếu minh bạch và tâm huyết của người lao động.”. Có chút lãng mạn “muốn ngắm nhìn những tia nắng đầu tiên trong ngày hắt lên bầu trời từ phía cửa sông. Những tia nắng óng ánh đỏ. Hùng vĩ. Rạo rực.”, ông mong ước, cuộc sống luôn bình lặng như dòng nước êm trôi từ thượng nguồn ra tới biển cả mà không gặp phải ghềnh thác, “không muốn cuộc sống lại vương phải những  khúc mắc trong tâm trạng bất an như thế này.” Nhưng cuộc sống không ban cho ông điều mong ước này, bởi guồng quay của nó đang quay với tốc độ chóng mặt mà ông không thể theo kịp, luôn thấy bất an với những gì đang diễn ra. Người đầu tiên khiến ông thấy bất an là Quynh với“Khuôn mặt nó nhọn hình tam giác ngược với đỉnh là cằm. Đôi môi mỏng chỉ thấy hai vệt đỏ lúc nào cũng mím chặt”. Quynh bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được mục đích cá nhân. Từ một công nhân có trình độ văn hóa thấp, chỉ giỏi về cờ bạc bịp, côn đồ, nhưng Quynh lại biết cách làm vừalòng cấp trên. Quynh thuê người học hộ để có tấm bằng đại học tại chức làm vật lót đường thăng tiến, biến sáng kiến của người khác thành của mình để lấy thành tích, thậm chí dám đổ tội oan cho mẹ đẻ để đạt mục đích riêng.
Con người trong tiểu thuyết còn thủ đoạn, còn khiến mọi người bất an tới đâu khi ông Chiến “rồng” biết Sơn “mít” được lên chức đã “Tôi bảo, thằng Sơn “mít” vừa lên trưởng ca điều độ. Ông bật dậy, xô đổ cả bàn ghế của quán. Ông lao ra ngoài. Tôi hoảng. Ông đi đâu thế? Tôi lao đầu vào ô tô, chết thì mới hết tức.”
Còn một người bắt ông Diễn phải bất an nữa đó là Hồng bí thư đảng ủy. Cùng vào xí nghiệp, cùng là công nhân một tổ sản xuất với ông, nhưng Hồng biết rõ “con đường thăng tiến tỉ lệ thuận với số lượng những bao, kiện hàng hoá vác trên vai.” do vậy, “nghe thấy được tiếng lòng của lãnh đạo bay trong mưa trong gió mà thấy mình cần phải có trách nhiệm với xí nghiệp nên quay lại ra sức cuốc. Chiếc cuốc chim nẩy bần bật như quả bóng nẩy trên mặt bàn. Có lúc mất đà Hồng ngã chúi theo chiều văng của chiếc cuốc. Không biết có phải Hồng đóng kịch?”. Con đường thăng tiến của Hồng khởi nguồn từ những nhát cuốc chim vô định lên nền bãi bằng bê tông ấy.
Cơ hội được kết nạp Đảng của Năng - con ông Diễn - tưởng chừng dễ dàng, bởi anh có trình độ đại học, là công nhân gương mẫu, có động cơ phấn đấu, lại có bố là cán bộ công đoàn,… nhưng trở nên khó khăn vì vấp phải tính ích kỉ, thù vặt của bí thư Hồng.
Những nhân tố tích cực trong tiểu thuyết thường bị lép vế trước mọi hành vi tiêu cực,bị dồn vào góc khuất Đen là một thanh niên nông thôn hiền lành, nhu mì, phải học đại học tại chức thuê để kiến tiền bù vào khoản chi chạy việc. Ông Giá, - đội trưởng sản xuất, là người chất phác, tận tâm với công việc, nóng tính vậy mà nhiều lúc phải thỏa hiệp với hững hành vi tiêu cực.
Còn một nhân vật quan trọng khác làm nên thành công của tiểu thuyết, đó là những con chuột, xuất hiện khắp bến bãi, cầu cảng, trong văn phòng, trong quán ăn... Mỗi con chuột cũng có số phận riêng, có tên cụ thể như chuột văn phòng, chuột chĩnh gạo, chuột cảnh. Những con “chuột thời nay nằm một chỗ có thức ăn đổ sẵn vào mồm, hiền như lợn ỉ, chỉ mê mải làm tình, rung rúc suốt đêm… chụm mõm vào nhau, những sợi râu rung rung, bốn con mắt bắt ánh đèn đỏ rực, sóng sánh như hai giọt máu tươi… Chủ đề chuột thể nào cũng được dùng làm món gia vị chính trong đĩa mực khô nướng, trong từng thớ gân dai nhách của món sách bò, lầy nhầy trong đám bọt bia”. Người với chuột bây giờ sống chung với nhau mà không thấy kinh. Những con chuột ám ảnh ông Diễn. Người đọc thấy được những ma trận biến ảo giữa người với chuột. Cái tốt và cái xấu đan xen, hỗn loạn tới mức mới có một ngày và đêm, tức 720 độ góc quay của kim giờ đồng hồ, đã khiến con người ta hoàn toàn thay đổi, khó có thể nhận ra giá trị thực của cuộc đời. Trong tiểu thuyết, tác giả có đề cập tới Ám thị, “Tất cả tại ám thị. Cuộc sống phức tạp quá, quay vòng trước mắt ông đến như chiếc chong chóng. Chiếc chong chóng cuộc sống đã thôi miên, biến ông thành người tự kỷ ám thị.”Vậy, tính bị ám thị của con người tăng lên khi người ta hoang mang dao động, đang trông chờ, đang đi tìm lối thoát, khi họ đang bị chi phối bởi một nhu cầu mãnh liệt nào đó. Dù muốn hay không chúng ta vẫn phải sống chung với “chuột”. Sống chung như thế liệu ta có bị thôi miên? Ai cũng có những khát khao, ngay cả những con chuột cũng có khát khao “nhảy về phía mặt trời”. Mọi khát khao đều vươn tới điều tốt đẹp, chỉ có khác con đường dẫn tới và cái cách hành xử cho niềm khát khao ấy như thế nào mà thôi.
Cách giải quyết của tác giả, đừng dùng lí trí, đừng để cái bản ngã của mình dẫn dắt, cái đẹp đến tự nhiên cho ta đón nhận, những điều xấu sẽ tự dời xa. Câu chuyện trong “7200 góc luân hồi” khiến người đọc liên tưởng tới phép nhân quả trong giáo lý nhà Phật và niềm tin vào những điều tốt đẹp luôn chờ đợi mọi người ở phía trước.
Trong “7200 góc luân hồi”, ngay từ những trang đầu, mâu thuẫn giữa các nhân vật đã nảy sinh và ngày càng liên tục, càng đẩy lên cao mà không được giải quyết trong gần như toàn bộ tiểu thuyết. Khung cảnh thiên nhiên cũng dữ dội và càng về cuối càng dữ dội hơn. Mâu thuẫn được giải quyết chỉ vẻn vẹn trong mươi dòng cuối và cũng đầy ngỡ ngàng: “Bão tan lúc nào nhỉ. Tiếc quá, không được xem cơn bão tan dần thế nào”
Viết tiểu thuyết về đề tài công nhân và công đoàn, nhà văn Nguyễn Quốc Hùng đã đi sâu vào mô tả nội tâm nhân vật Diễn - một cán bộ công đoàn cấp cơ sở. Đó là người sống nội tâm và có diễn biến tâm lý hết sức phức tạp. Gần ba mươi năm ông Diễn làm công tác công đoàn, biết việc sai trái đấy nhưng không dám đấu tranh, biết giám đốc thu chi sai quy định nhưng không dám đưa ra một ý kiến nhỏ nhoi nào, đành phải “thủ dâm trên giấy”. Tiểu thuyết “7200 góc luân hồi” cho thấy còn không ít những điều nhức nhối trong công tác công đoàn hiện nay. Những tình tiết quá khứ hiện tại, thực hư đan xen liên tục tạo cho người đọc cảm nhận về vòng quay luân hồi của cuộc đời đầy trúc trắc, bất ngờ. Thế mạnh trong văn chương của Nguyễn Quốc Hùng là vốn sống. Trong các sáng tác của anh bao giờ cũng đầy ắp những tình tiết. Tuy nhiên, những chi tiết chưa chọn lọc kỹ nên có khi trở thành sự rườm rà không cần thiết.
Khai thác đề tài công nhân và người lao động là một việc khó. Tin rằng, những con người hàng ngày phải vắt mồ hôi đổi lấy đồng tiền bát gạo sẽ lại được nhà văn Nguyễn Quốc Hùng thể hiện nhiều hơn, sâu sắc hơn trong những sáng tác mới của anh.
Hoài Khánh 
Theo https://vanhaiphong.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  NSND Lê Huy Quang: Phải biết thua người khác! 24 Tháng Tám, 2023 Thiết kế mỹ thuật sân khấu có vai trò quan trọng góp phần làm nên thà...