Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

Campuchia - Đường về biên giới Lào

Campuchia - Đường về biên giới Lào
Đây là bài viết cuối cùng về thời gian đạp khám phá đất nước Campuchia.
Tiến vào trung tâm thành phố, hai đứa dừng lại ngay bên bờ sông ăn sáng. Sau đó chúng tôi men theo còn đường mòn nhỏ để rời Siêm Riệp. Campuchia đẹp lên trông thấy với những cánh đồng rộng mênh mông, nước lênh loáng và hàng thốt nốt tươi xanh. Simon dẫn tôi đi theo hướng sẽ ghé thăm đền Chaw Srei Vibol. Nhưng khi tới nơi thì người trông nom đền lại nói phải mua vé mới được vào. Chúng tôi quyết định chỉ ngắm bên ngoài chứ không vào trong xem có gì hay ho không. Chán chê với Angkor rồi nên không muốn tốn thêm tiền cho nơi bé xíu này. Vậy là hai đứa dừng trước quán nhỏ sát trường học ăn chè xôi nếp và đậu, mua thêm ít trái cây, ngắm lũ nhóc đang đá bóng trên sân cỏ.
Những hàng thốt nốt trên cánh đồng héo úa
Những ngày tiếp theo, vẫn còn đó bầu trời trong xanh nhưng thay vì sự mượt mà trù phú thì con đường trở nên tiêu điều xơ xác.  Những đám cỏ khô cháy rụi ven đường do người địa phương đang đốt cỏ khô lẫn cây rừng. Lũ chim nháo nhào bay lượn ngợp trời không thôi cất vang tiếng kêu thét.
Thị trấn Chhaeb có một khách sạn duy nhất hét giá $10. Thông thường chỉ có 5-8$ thôi nên chúng tôi bỏ đi tìm nơi dựng lều. Tránh xa nơi có rắn, sợ bom mìn nên tôi muốn ngủ qua đêm nơi nào có phụ nữ và trẻ em. Bóng tối đang ùa về khiến hai đứa vội vã đảo mắt tìm kiếm nơi an toàn có thể dừng chân. Cách Chhaeb khoảng 10 cây số, tôi nhìn thấy một ngôi nhà sàn nghèo nàn có người đàn ông trẻ đứng bên cạnh vợ và đứa con nhỏ, tôi dừng lại chạy xuống dùng ngôn ngữ cơ thể xin ngủ nhờ. Sau một hồi anh hiểu ra rồi dắt chúng tôi tới căn nhà sàn bên cạnh khang trang hơn nhưng khóa cửa nên chúng tôi dựng lều dưới sàn nhà.
Các em nhỏ được bố đưa đến trường
Lát sau ba cậu nhóc dưới 10 tuổi gần đó chạy lại. Ban đầu chúng khá rụt rè nhưng sau khi tôi cho kẹo và một bịch tôm khô thì chúng tôi đã trở thành bạn. Ba mẹ chúng đi từ rừng ra, họ đi cưa gỗ chở về trên chiếc xe cup cũ không thể tả nổi. Tôi có cảm giác chiếc xe này như một con ngựa già mà mỗi bước đi có thể nghe tiếng xương kêu rốp rốp. Khá nhiều người ở thị trấn này sử dụng loại xe mà bánh như thể sắp rơi ra khỏi khung sườn. Chị từng làm bên Malaysia nên vẫn còn nhớ một chút tiếng Anh. Vậy là chúng tôi giao tiếp được với nhau đủ để hiểu những điều mình muốn. Hóa ra 5 ngôi nhà sàn gần kề nhau là của anh chị em họ. Chủ nhân ngôi nhà sàn trông có vẻ khang trang nhất mà tôi dựng lều bên dưới đã đi ăn đám cưới nên vắng nhà. Chị ngại ngùng muốn mời chúng tôi ghé qua nhà mình để đi tắm – nơi mà tôi không dám gọi đó là căn nhà, mọi thứ trống hoác và không biết khi nào căn nhà sàn đó mới dựng xong. Tôi mỉm cười cảm ơn ra hiệu mùi hôi của chúng tôi vẫn thơm để từ chối lời mời đi tắm. Để có nước dùng ở khu vực này thật là một kỳ tích nên tôi thà chịu hôi còn hơn dùng nước của họ.
Hai đứa ăn mì tôm ngắm trăng đang thắp dần lên nền trời. Không có gì đáng sợ bằng lũ muỗi khi đêm về như quái vật chầu chực hút máu. Chúng tôi chui vội vào lều. Căn lều nóng hầm hập khiến mồ hôi túa ra. Một lát sau trời trở mưa. Tiếng mưa rơi lộp độp. Ai nấy đọc sách rồi tự chìm vào giấc ngủ.
Sáng sớm tinh mơ, rừng còn ngái ngủ sau lưng. Chúng tôi vội vã dậy thu xếp lều, ăn vội miếng bánh mì. Ông bố chở lũ con trên chiếc xe cup cà tàng trở lại thị trấn học. Tôi vẫy tay tạm biệt chúng, những đứa trẻ sinh ra trong nghèo khó, liệu chúng có nhớ về hai người nước ngoài từng gặp, để khi lớn lên hỏi mình làm sao để thoát nghèo?
Dòng Sekong
Stung Treng là thành phố cuối cùng trước khi chúng tôi qua Lào. Cây cầu hữu nghị Cam-Trung sừng sững hiện ra trên dòng Mekong. Chọn một khách sạn gần sông do người Hoa làm chủ, hai đứa ra bờ sông Sekong uống nước dừa, bia ngắm dòng sông thanh bình. Tối hôm đó cả hai cuốc bộ tìm nơi ăn, bèn bước vào một quán Việt làm hai tô phở với cái giá ở trên trời.
Tiến về biên giới Lào, đất đỏ tung bụi, cây cối xơ xác. Hai đứa gặp  4 người nước ngoài đang tiến về Siêm Riệp. Trong đó có một bác râu tóc bạc phơ, tôi đoán chừng phải từ 65 tuổi trở lên.
Mang tâm trạng chán nản khi đạp qua vùng đất buồn tẻ, tôi tự hỏi vì sao Campuchia lại nghèo đến thế. Xuyên suốt từ biên giới Việt-Cam tiến về Siêm Riệp rồi lại ra đến cửa khẩu Lào mà tôi chỉ thấy đúng có ba ngôi nhà là trồng được mảnh vườn rau nho nhỏ. Chiến tranh với sự bóc lột tàn nhẫn của thực dân Pháp?  Có phải nạn diệt chủng Pol Pot đã gây ra cái chết cho khoảng 1,7 triệu người Campuchia? Hay đại lộ mang tên tổng thổng Pháp Charles de Gaulle- một kẻ từng xâm lược chính đất nước mình? Đối với tôi cái nghèo của người Campuchia một phần chính vì họ không có lòng tự tôn dân tộc khi để Gaulle hiện diện trên đại lộ ở thủ đô Phnom Penh? Đây là lần thứ 3 tôi đặt chân lên đất nước này, nhưng chưa có khi nào tâm trạng tôi lại buồn bã khi nhìn thấy cảnh nghèo khổ của người Campuchia. Ngay trên bức tường ở một trường học trên đường rời Siêm Riệp có hẳn dòng chữ “Education is the most powerful weapon which you can use to change the world- Giáo dục là vũ khí mạnh mẽ nhất mà bạn có thể dùng để thay đổi thế giới” của cố tổng thống Nam Phi Nelson Mandela. Có lẽ, đó chính là sức mạnh duy nhất có thể giúp quốc gia này thoát nghèo.
Nhưng tôi nghi ngờ điều đó, vì một kẻ xâm lược lại được đặt tên trên đại lộ ở thủ đô, thử hỏi lòng tự tôn dân tộc của người Campuchia  có hay không? Nếu các hoàng đế của triều đại Angkor mà sống dậy chắc họ phải than khóc cho thế hệ con cháu ngày nay của mình. Nếu Charles de Gaulle hay Nixon mà được đặt tên đường ở Việt Nam, tôi tin chắc không chỉ bản thân mình mà còn vô số người Việt Nam khác sẽ cảm thấy bị xúc phạm đến lòng tự tôn dân tộc, chắc chúng tôi sẽ bỏ xứ mà đi vì cảm thấy tủi nhục. Nhưng dân Campuchia có cảm thấy như vậy không? Nếu không…thì tôi chẳng còn biết cách nào có thể thay đổi đất nước hay dân tộc này.
Buổi sáng hôm ấy chúng tôi đạp ra biên giới Lào. Tinh thần tôi tụt dốc ghê gớm vì cảnh buồn tẻ và y chang ở Tây Nguyên Việt Nam. Nghĩ bụng ngu chi mà cực vầy, đạp è cổ qua đây ngắm mọi thứ y chang ở quê. May sao tôi vớ được miếng chuối chiên bán ven đường khiến tinh thần lên cao như diều no gió. Đang phấn chấn gặm nhấm miếng chuối nóng giòn giòn thì một anh Tây lái BMW khủng làm cái vèo qua trước mặt. Anh khiến tinh thần tôi chao đảo. Simon nói đạp lẹ lên anh ta đang chờ e ở biên giới đó. Huhu BMW….
Bên dòng Mekong
Đạp. Đạp. Đạp hết hơi, mệt bơ phờ nên chúng tôi thường ít khi trò chuyện cùng nhau và cũng không đạp ngang hàng sợ tai nạn. Thấy tôi im lặng nên thi thoảng Simon quay lại hỏi Em ổn chứ? Trời ạ, anh không biết là em đang bận sao. Tôi đáp, vì trong đầu tôi đang mải tán gẫu với Jack Ma- ông chủ của Alibaba.
J: Ê N, thôi vứt cái xe đạp ở cửa khẩu Cam- Lào đi, a cho máy báy trực thăng qua đón e tới Hàng Châu đánh cờ tướng với a.
N: E k dám, sao a k rủ người khác mà rủ e?
J: Tại a muốn biết sao e rỗi hơi đạp xe thế?
N: nghèo đó a chứ giàu như a chắc e đang lên Tung Sơn học Thái Cực Quyền, đánh cờ tướng nghe Mozart rồi.
J: Xạo bà cố.
N: cho e hỏi ngu tí. Sao hồi đó Havard 7 lần từ chối a thế? Sao a k xin thêm lần thứ 8, 7 là thất trong chữ thất bại còn 8 là con số may mắn của người Hoa mà. A viết cho họ nói 8 là lần cuối nha, k nhận tui thì có ngày Havard hối hận đó.
J: may mà họ từ chối a đó để giờ có cái đem ra bêu riếu họ miết haha. Mà nói cho a biết, sao ngày xưa e đi xin làm người phát tờ rơi mà còn bị từ chối thế?
N: Dạ trực thăng đến rùi a, e có hẹn với Bill Gates đi câu cá rùi. Ngày 1/4 a e mình hẹn nhau đấu cờ tướng ở Thiên An Môn nhé.
Trực thăng k thấy chỉ thấy tôi è cổ đạp trong cái đám cát bụi đỏ lè mịt mù nắng chói xơ xác tiêu điều miền biên cương…

Hành trình hai người cùng đi với nhau nhưng thật ra đó là con đường của riêng mỗi người. Chúng tôi chỉ cách nhau 1-2m nhưng nội tâm bên trong thì đang cách nhau cả ngàn dặm. Đối với Simon, việc đạp xe là một thú vui nên anh đang tận hưởng cảm giác được cưỡi chiếc xe yêu quý mà hưởng thụ cuộc đời này. Trong khi đó, tôi đang phải tìm đủ cách để cho cái đầu bận rộn nhằm quên đi thực tại- cái nắng chói chang, bụi mù và con xe đạp đáng ghét. Do đó, tôi luôn tự đối thoại với chính mình, như câu chuyện vừa rồi tôi tưởng tượng nếu có thể gặp Jack Ma thì hai người sẽ nói gì, và bên cạnh tôi là nhà văn người Nhật mà yêu thích Haruki Murakami. Ông có đam mê chạy bộ và không ưa xe đạp. Tôi thích đi bộ và không thích xe đạp. Nên tôi tưởng tượng ra ông đang chạy bên cạnh mình, cả hai chuyện trò cùng nhau và trong đầu tôi sẽ nảy sinh ý tưởng viết lách nào đó. Nhờ vậy mà hành trình về biên giới trở nên ngắn lại và thời gian trôi nhanh hơn.
Dừng chân ngay cửa khẩu ăn trưa. Simon lục túi kiếm tiền Riel mua bánh ngọt nhằm tiêu hết số tiền này. Một gói bánh quy của Việt Nam. Quá nhiều thứ của Việt Nam trên đất Campuchia mà chúng tôi đã gặp, nhìn và ăn. Lại tốn 2$ cho mấy anh hải quan làm thủ tục để rời Campuchia. Trông cửa khẩu thật hoàng tráng nếu so với cửa khẩu ở biên giới giáp Xa Mát nơi tôi đặt chân vào. Tôi liếc thấy dòng chữ trên máy tính do chính phủ Úc hỗ trợ. Thảo nào, trông giàu có thế.
Nguyễn Kim Ngân
Theo https://kimngannguyen.com/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...