Thứ Ba, 15 tháng 5, 2018

Con gà trong nghệ thuật tạo hình dân gian Việt Nam

Con gà trong nghệ thuật 
tạo hình dân gian Việt Nam 
Con gà vốn gắn bó và lợi ích cho con người về nhiều mặt, từ lâu nó đã thoát khỏi những giá trị kinh tế đơn thuần để trở thành một sản phẩm văn hoá nghệ thuật. Con gà xuất hiện trên các tượng đá, đất nung, đồ gốm, đồ sứ và được khắc chạm trên gỗ, trên thạp đồng.
Từ thời Hùng Vương, khi con người biết đúc đồng, các nghệ nhân đã đúc được con gà bằng đồng mà các nhà khảo cổ học đã tìm thấy ở xã Vinh Quang (Hà Tây), hiện đang trưng bày ở Viện Bảo tàng lịch sử Hà Nội. Con gà cất tiếng gáy với thân hình vươn lên, đuôi xòe ra, có ba cái lông như ba mũi tên đồng cắm xuống đất. Đó là con gà của thời dựng nước đầy oai phong. Đến đời Trần, người ta tìm thấy một đàn gà trên chiếc thạp gốm, đang nhảy múa, vui chơi thảnh thơi sau những ngày gian khổ chống xâm lược. Thời Lê Sơ, hình ảnh con người với gà đã tìm thấy ở các đình làng Hà Tây, như đình Hoàng Xá, đình Liên Hiệp. Bức chạm gỗ “Gà chọi” ở đình Hoàng Xá cho thấy con gà quá to lớn hơn con người đang ôm vuốt ve nó. Con gà ở đình Liên Hiệp thì nhỏ hơn. Tuy cùng một đề tài, nhưng hai bức chạm không hoàn toàn giống nhau, chứng tỏ các nghệ nhân không phụ thuộc vào những mẫu mực ước lệ có sẵn. Ngoài ra, người ta còn tìm thấy cảnh chọi gà ở một bức chạm trổ khác thế kỷ 17: Cảnh hai người đang ôm hai con gà chọi chuẩn bị cho một trò chơi đầy vui vẻ, phấn khích trong các ngày Tết dân tộc. Nghệ thuật tạo hình vào giữa và cuối thế kỷ 17, đề tài về con người gắn liền với các hoạt cảnh của cộng đồng, với những sinh hoạt văn hóa, vui chơi.
1. TRANH ĐẠI CÁT: Chia làm hai phần: Phần trên với hai chữ Hán “Đại Cát”, có nghĩa là nhiều điều tốt đẹp, nhiều vận may lớn. Phần dưới vẽ con gà trống, chân co chân duỗi, cánh xòe ra, lông đua tua lên như múa, miệng hé ra…toàn thân gà như đang nhảy múa, hát lên lời chúc tụng đẹp nhất gởi đến mọi nhà đầu dịp năm mới.
2. TRANH GÀ THƯ HÙNG: gồm con trống, con mái và đàn gà con, bên cạnh bài thơ Nôm: “Đông con nhiều cháu/ Giống cánh giống lông/ No vợ đủ chồng/ Có đầu có mỏ”, đó là gia đình sum họp đông vui, ấm no, hạnh phúc, sung túc… và đó cũng là ước mơ ngàn đời của dân tộc ta. Bức tranh thật phù hợp với lời chúc tụng, ước mơ đầu năm.
3. TRANH ĐÀN GÀ: vẽ gà mái mẹ với đàn con quấn quýt xung quanh. Bức tranh gợi lên những tình cảm và đức tính cao quý của người phụ nữ Việt nam, người mẹ hiền suốt đời tần tảo nuôi con. Hình tượng gà mẹ đầy đặn, vững vàng, mắt nhìn bình thản, đượm vẻ âu yếm, mỏ cứng ngậm chắc một con sâu. Bầy gà con ríu rít quanh mẹ, có con muốn nhảy lên đớp mồi, con thì tinh nghịch nhảy lên lưng mẹ, có con sợ sệt núp dưới cánh mẹ, có con đứng vặn mình rỉa lông, con lại chạy tung tăng… nhưng có một điều là toàn bầy gà con như được mẹ gọi, tất cả đều nhìn về phía con mồi ở miệng mẹ. Bố cục chặt chẽ, giàu tình tiết, diễn tả thật sinh động.
4. TRANH VINH HOA: vẽ đứa bé trai đang ôm con gà trống. Em bé được vẽ thật khoẻ mạnh, bụ bẫm, đẹp đẽ. Đó là hình tượng về sự phát triển của cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc. Bức tranh là lời cầu chúc cho mọi người sinh con trai khoẻ đẹp, lớn lên sẽ có cuộc đời vinh hiển, đầy đủ năm đức tính người xưa mà nam giới cần có: văn, vũ, dũng, nhân, tín.
Năm đức tính của gà trống được thể hiện rõ nét trong tranh Gà Trống ở làng Kim Hoàn. Bộ tranh có hai tờ, mỗi tờ có một bài thơ tứ tuyệt bằng chữ Hán. Tờ thứ nhất ghi:
“Thần kê ngũ đức, thái phượng hình
Cảnh thượng côn lôn đẩu hoán thanh
Quỹ khốc thần kinh tà tẩu tán
Trấn chi môn hộ thọ trường sinh”
Có nghĩa gà có năm đức, hình dáng như chim phượng, khi gáy lên vang động đến tận núi, làm cho ma quỷ kinh động, chạy xa tán loạn, giữ gìn gia đình khỏe mạnh sống lâu.
Tờ thứ hai ghi:
“Đông phương di hiệu thực tà thần
Kim cự hoa khôi ngũ thái văn
Bộ hộ khả linh quần quỷ tỵ
Môn môn trùng khánh vạn niên thanh”
Có nghĩa là tiếng gà gáy được ví như mặt trời mọc ở phương Đông, nuốt trọn đêm tối ảm đạm, bằng cựa vàng, mào hoa, năm móng sắc, làm ma quỷ tránh xa, phù hộ cho gia đình có nhiều may mắn, tốt tươi, vui vẻ quanh năm.
Như thế tranh Gà, về mặt tín ngưỡng như một lá bùa, làm cho ma quỷ phải sợ mà xa lánh. Đề cập đến tín ngưỡng này, trong bài thơ “Tứ thời khúc vịnh” của Hoàng Sĩ Khải (Tiến sĩ khoa Giáp Thìn 1544, đời Mạc Phúc Hải), vịnh Tháng Giêng có câu: “Tranh vẽ gà, cửa treo thiếp yễm”. Nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Hãn có chú: “Tranh vẽ gà- Văn Lâm quảng ký chép: Tháng Giêng là tháng Gà cho nên ngày Nguyên Đán vẽ tranh gà làm bùa, dán ở trên cửa để quỷ sợ. Thiếp yễm: Thiếp là giấy viết chữ. Yễm, nguyên âm là áp, nghĩa là dùng pháp thuật chôn hay giấu một vật gì để đè, để giữ, để trị… Đây là giấy vẽ hình con gà, dùng để trị quỷ” (Thi văn Việt Nam, Sông Nhị, Hà Nội, trang 144 ).
Con gà cũng được các nghệ sĩ dân gian đưa vào các tranh vẽ về thiên nhiên diễn tả bốn mùa trong năm, gọi là tranh Tứ bình. Vẽ cảnh mùa thu, họ thường dùng hoa cúc để tượng trưng, bên cạnh là con gà trống. Hoa cúc tượng trưng cho mùa thu, còn có ý nghĩa thanh cao, vì người xưa có câu “Cúc nguyên hàn sương”, người thanh cao giữ tiết tháo không ngại phong sương, gian khổ. Con gà bên cạnh hoa cúc cũng nói lên đức tính đó. Về mùa đông, tiết trời giá lạnh, cây cỏ khô héo, nhưng hoa mẫu đơn vẫn khoe sắc. Bức tranh mùa đông đó các nghệ sĩ đã đưa con gà trống với tư thế hiên ngang, không ngại giá lại, bên cạnh những bông hoa mẫu đơn khoe sắc.
Cuối cùng ngày xuân năm Dậu, xúc động khi xem tranh Gà làng Hồ, cố nhà thơ Trinh Đường đã làm bài thơ XEM TRANH GÀ LÀNG HỒ (1980), có đoạn:
“... Cảm ơn nghệ sĩ làng Hồ
 Nhắc ai nhớ về truyền thống
Ngọn bút tung hoành như sóng
Bao giờ truyền đến bây giờ”
NGUYỄN VĂN LONG
Theo http://dothiphattrien.vn/


1 nhận xét:

  1. Nội dung cho ta thấy về hình ảnh con gà được thực hiện với giá trị cao về mọi mặt như trong hình ảnh gốm sứ. Bên mình đang thực hiện các giá trị của con gà tại 12bet

    Trả lờiXóa

Trần Hoài Dương: Tiếng hạc giữa miền xanh thẳm

Trần Hoài Dương: Tiếng hạc giữa miền xanh thẳm Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Văn chương của ông chân th...