Thứ Năm, 21 tháng 6, 2018

Chứng điên và thơ điên của Bùi Giáng

Chứng điên và thơ điên của Bùi Giáng
MỞ ĐẦU
Như chúng ta đã biết, các hiện tượng như hoang tưởng, ảo giác, ảo thanh, rối loạn tâm thần, những hành vi nảy sinh do cuồng nhiệt quá độ; những cách nói năng loạn ngôn, ngộ chữ, lảm nhảm tràn lan các từ, diễn đạt chắp nối phi lý, kỳ quặc; những ý nghĩ, lời nói phá bỏ những thỏa thuận về mặt xã hội, những ‘lẽ phải’, ‘cấm kỵ’ được chấp nhận chung đều bị cộng đồng tỉnh táo xem là điên rồ, loạn trí. Nói cách khác, người bị xem là điên rồ là người có những hành vi, lời nói, suy nghĩ bất thường không theo chuẩn tắc chung về tri thức và xã hội đã được cộng đồng thừa nhận. Sự điên rồ tồn tại như một đối chứng với sự tỉnh táo, điên không tách rời với tỉnh. Chúng song tồn trong mỗi người/cộng đồng như hình với bóng, như tính trạng trội hay lặn của một mã di truyền. Tuy nhiên, người điên luôn bị cộng đồng tỉnh táo khôn ngoan ‘khoanh vùng’, đẩy sang bên lề. Bởi vì, điên chính là một yếu tố có khả năng uy hiếp, gây rối loạn những thỏa ước xã hội, những quy ước truyền thống tạo nên tính ổn định của cộng đồng.
Trong công trình Rừng, đàn bà, điên loạn, Jacques Dournes đã làm rõ những hành vi bị coi là điên theo quan niệm của người Giarai. Cuộc sống của người Giarai dựa trên hai yếu tố là rừng và đàn bàn. Rừng là môi trường tự nhiên, đối lập với buôn rẫy là môi trường văn hóa. Người đàn bà ở trong buôn làng chính là phần tự nhiên hoang dã đã được thuần hóa, là ‘cái tự nhiên đã trở thành văn hóa’. Khi người Giarai bỏ làng vào rừng, sống cuộc sống của người rừng, hoàn toàn tự nhiên, họ bị coi là điên. Khi người điên ấy bỏ rừng về với buôn làng, nhưng trần trụi, không mặc quần áo, nghĩa là thiên nhiên theo một kiểu khác, họ cũng bị coi là điên. Hoặc có khi ở trong buôn làng cùng mọi người nhưng từ chối tất cả những gì thuộc về văn hóa, thuộc về các quan niệm và cung cách ứng xử chung của buôn làng (như là đàn ông mà ăn vận giống đàn bà, làm những việc của đàn bà), họ cũng bị coi là điên. Khi bị coi là điên, những người này có thể bị cách ly, thậm chí bị bắt buộc phải sống ở rìa làng, bìa rừng. Làm thế, cộng đồng muốn chứng minh họ đang bảo vệ các chuẩn mực xã hội của cộng đồng [1, tr 409-428]. Trong thơ Việt Nam đương đại, sự đối lập tỉnh/điên dễ thấy nhất qua hình ảnh người đàn ông điên trần truồng đi trên phố trước người đàn bà tỉnh trong Mười một khúc cảm của Nguyễn Quang Thiều:
Người đàn ông điên không quần áo đang đi trên đương phố
Thứ tự do này làm hoảng sợ mọi thứ tự do
Một triệu năm về trước nhảy và hú
Một triệu năm về sau nhảy và hú
Đói không phải là đói
Khát không phải là khát
Đau không phải là đau
Trong sự hổ nhục của người đàn bà đi qua mặt người đàn ông điên
Trong sự không hổ nhục của người đàn ông điên trước chúng sinh và mặt trời
Ta vẽ mắt nhân loại hình lục giác. (Khúc V)
Trong văn xuôi, Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương có lẽ là tiểu thuyết ngắn tiêu biểu nhất trong văn học Việt Nam đương đại có nhân vật chính là những kẻ điên mà điên nhất là Tính. Y nói năng điên rồ, mê sảng, hành động phi lý, kì quặc, sống trong hoang tưởng, lẫn lộn đời thực và mộng mị [6]. Người hùng trường làng của Tạ Nguyên Thọ là truyện ngắn tiêu biểu nhất khai thác sâu cấu trúc đối lập tỉnh/điên, cá nhân/cộng đồng từ góc độ văn hóa, là minh chứng rõ nhất khẳng định rằng sự tỉnh/điên ở đời chỉ là một kiến tạo mang bản chất ý thức hệ. Những phác họa về người điên của Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương, Tạ Nguyên Thọ…chính là ý thức hệ của diễn ngôn tập thể về người điên và chứng điên của cộng đồng Việt hiện đại. Điên rồ ngộ dại, do đó, có thể chỉ là quy ước nhằm gọi tên trạng thái một người xa rời, khước từ các chuẩn mực tri thức, văn hóa và văn minh của một cộng đồng nhất định.
Những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỉ XX, nhà thơ Tú Xương tự trào: Vị Xuyên có Tú Xương/Dở dở lại ương ương/Cao lâu thường ăn quỵt/Thổ đĩ lại chơi lường. Dở dở ương ương, khác đời là thế, nhưng nếu kẻ nào bảo ông điên dĩ nhiên ông bác lại: Người bảo ông điên, ông chẳng điên/ Ông thương, ông tiếc hóa ông phiền/Kẻ yêu người ghét hay gì chữ/ Đứa trọng đứa khinh chỉ vì tiền/ Ở bể ngậm ngùi con tói lạch/Ðược voi tấp tểnh lại đòi tiên/Khi cười khi khóc khi than thở/ Muốn bỏ văn chương học võ biền (Thói đời). Phản bác lại là bởi, Tú Xương biết rằng, cái danh xưng điên mà người ta trỏ nhà thơ, chẳng qua là do thi sĩ không chịu thỏa ước với phần còn lại của cộng đồng, không xu thời, dửng dưng như đám đông. Hàn Mặc Tử có một tập thơ được chính tác giả đặt tên là Thơ điên với những câu thơ như lời tự bạch: Bây giờ tôi dại tôi điên/Chắp tay tôi lạy cả miền không gian. Gọi là thơ điên, vì người và thơ quá đỗi dị thường, độc đáo. Vì tập thơ ấy, trừ một số ít thi phẩm tuyệt tác cực trong sáng thì nhiều bài có những ý lời thật kì dị, rùng rợn như khởi từ kịch phát đau thương, từ bạo bệnh hoặc từ cơn mơ ác. Bình về Hàn Mặc Tử, Bùi Giáng như hóa thân nhập vai, như viết về chính mình: ‘Tôi sống trong cơn dại cơn điên. Tôi làm thơ trong cơn điên cơn dại’ [2, tr 340]. Tuy nhiên, đến tận bây giờ, nếu có ai cho rằng thơ Hàn Mặc Tử là thơ điên, ắt khó tránh khỏi nhiều tiếng la ó [3]. Người ta la ó vì vẫn nghĩ rằng, điên là một chứng bệnh tâm thần, là nỗi tủi hổ của gia đình, cộng đồng. Bởi thế, việc Bùi Giáng điên hay tỉnh vẫn ở vào tình thế trù trừ, bất quyết đối với đa số người. Bài viết này là câu trả lời cho tình thế nêu trên, xác định rõ các phương diện điên trong thơ điên Bùi Giáng, từ đó thêm hiểu một diễn ngôn thơ đặc trưng cho kiểu diễn ngôn tâm thần phân lập của thời hiện đại.
PHẦN NỘI DUNG
1. Bùi Giáng ‘điên rực rỡ’
Người bảo Bùi Giáng điên sẽ chẳng thiếu sở cứ. Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy đã vẽ phác chân dung Bùi Giáng mà ‘phe’ cho Bùi Giáng điên hẳn sẽ gật gù: ‘Bùi Giáng ăn mặc lôi thôi lếch thếch, cổ đeo đầy ống bơ, giày dép, đứng ở ngã tư đường phố Sài Gòn, chỉ lối cho con người và xe cộ qua lại’, ‘Bùi Giáng ‘nuôi’ rất nhiều lợn đất, gà nhựa ở nhà và đi đâu ông cũng nhớ về cho chúng ăn. Và mỗi khi cho rằng loại gà lợn này đi chơi đâu xa, Bùi Giáng thường rải gạo dọc đường để cho chúng nhớ lối mà về nhà [7].
Người cho Bùi Giáng không điên ắt rất thích thái độ quả quyết của Thanh Tâm Tuyền hay Trần Đới: ‘Bùi Giáng chưa bao giờ điên. Cũng như anh chẳng bao giờ giả điên. Càng chưa bao giờ Bùi Giáng bất mãn trước bất cứ thời thế nào. Bởi lẽ dễ hiểu là Bùi Giáng chẳng sống theo thời thế, mà chỉ biết sống từ cõi văn nghệ lúy túy càn khôn của anh. Thời kỳ của Bùi Giáng bộc phát ra bên ngoài mà chúng ta gọi là điên, ấy là thời kỳ tĩnh tại và hưng phấn cùng độ của người nghệ sĩ. Tất cả lẽ chân thiện mỹ của nghệ thuật thi ca từ nhiều đời nhiều kiếp đều dồn về lúc đó… Bây giờ người thi sĩ này chỉ còn một cách duy nhất để sáng tác nguồn cảm hứng kia là sống. Sống dạt dào -  sống nóng hổi tươi mới. Sống và sống là thi ca tràn đầy trong thiên nhiên, trong tình cảm và giữa vạn loài’ [4]. Theo Trần Đới, Bùi Giáng không điên cũng không giả điên, ông khác người và khác đời chỉ bởi ông là một thi sĩ đích thực đang ở cái đỉnh hưng phấn rực rỡ của sáng tạo thi ca. Yên Cơ cũng khẳng định Bùi Giáng không điên, cái mà nhiều người tưởng ông điên chẳng qua là do Bùi Giáng ‘đẩy đến tận cùng trạng thái hiện sinh, chứng nghiệm ý thức trần trụi về bản thể’ và, ‘trong những đệ tử hiện sinh thời ấy, Bùi Giáng là người đi xa nhất trong hành động tự hủy và hành xác’ [2, tr 488]. Phải chăng, điên là một chứng nghiệm kiểu nghệ sĩ về cuộc đời? Và nghệ sĩ đích thực tất phải được nuôi dưỡng bằng sự điên rồ? Quả thực, ít hay nhiều, nhà thơ nói riêng và nghệ sĩ nói chung trong mắt đồng loại đều ‘điên rồ’ theo một nghĩa nào đó. Họ ngông cuồng sánh mình với ‘ông Trời’, mơ mộng ôm ấp Hằng Nga cùng tiên nữ, kỹ nữ và muôn sao (Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên). Họ cũng thường có ảo tưởng khóc mướn, thương vay, xót xa nhặt cánh hoa tàn (Lí Bạch, Nguyễn Du). Họ lao động cật lực, nguyện làm ‘phu chữ’, đánh vật đổ mồ hôi với chữ nghĩa (Lê Đạt). Những hành vi, lời nói và ý nghĩ của họ thường phù du, ‘li kỳ’, xa lạ với hành vi, ham muốn và tri thức/ngôn từ ‘hợp lẽ phải’ của cái cộng đồng mà họ thuộc về (Bùi Giáng: Chiến tranh nghĩ cũng ly kỳ/Những thằng thi sĩ còn kỳ li hơn). Trong con mắt cộng đồng, nghệ sĩ là những kẻ ‘không bình thường’, ‘bệnh hoạn’ và ‘đồi bại’ về mặt xã hội. Tự nhận mình ‘điên rực rỡ’ trong bản lí lịch tự khai cũng như gián tiếp qua cái tôi trữ tình trong thơ, phải chăng Bùi Giáng chính là ‘một nhà thơ sáng suốt cực kì’ (Thanh Tâm Tuyền), người ý thức sâu sắc về mình nói riêng và nghệ sĩ nói chung: nhà thơ đích thực tất phải ‘điên rực rỡ’ trong cả thực hành sống và thực hành thơ?
Có thể khẳng định ở Bùi Giáng, điên là một ý thức: ý thức về bản ngã nghệ sĩ của mình bất chấp các chuẩn mực và cấm kị xã hội. Từ ý thức đó, Bùi Giáng thực hành sống và thực hành thơ bằng cả sự tự trào và tự hào. Rất nhiều lần trong thơ ông, Bùi Giáng tự nhận mình điên và cho thơ mình là thơ điên: Người điên ngôn ngữ điệp trùng/Dở chừng như mộng dở chừng như mê/Thưa em ngôn ngữ quặt què/Làm sao nói hết nghiệp nghề người điên (Người điên), Đi về trong cõi người ta/Người là người lạ ta là ta điên(Rủi ro). Bùi Giáng làm thơ như điên và làm điên như thơ: Điên cuồng mà tưởng nên thơ/Cuồng điên mà tưởng làm thơ như thần (Tặng bạn điên). Ông tưởng mình điên và người đời tưởng ông điên: Ở đời ông tưởng ông điên/Về sau ông thấy em thương ông nhiều (Thương em), Gọi thằng bùi giáng bước ra tao chào/Mày điên dại mấy chiêm bao/Bây giờ điên nữa lúc nào sẽ thôi (Thơ điên), Thằng con rất mực thánh thần/Điên như đờ đẫn dại gần như điên (Thơ điên tái điệp). Trong thơ Bùi Giáng, điên cùng với lộn là một trong các ngữ vựng tiêu biểu của ông: Rằng so đại thánh tề thiên/Ngàn xưa âu cũng chỉ điên ngần này (Tuy nhiên), Con võ vàng phế lụi trận mê điên (Phố Thu dịch chuyển), Từng cơn điên dại khôn đền cho con (Mẹ phùng thăng), Những đóa hồng đào điên rật rật (Đi vào cõi thơ), Cuộc điên đã chấm dứt rồi/Bây giờ điên nữa cho đời điên thêm (Nỗi buồn)...
Thậm chí, chính Bùi Giáng còn cho Lá Hoa Cồn (tên một tập thơ của ông) ‘mười điên vẹn mười’ (Quà nguyên đán). Cho Bùi Giáng điên, với nhiều người yêu quý ông, gần như là một sự hiểu sai và xúc phạm thi nhân. Họ không muốn thừa nhận rằng điên thực ra là một kiến tạo văn hóa, là phần bên kia chìm khuất của tỉnh táo mà cá nhân/cộng đồng nào cũng mang theo như một kẻ đồng hành. Với riêng Bùi Giáng (và kiểu thi sĩ Bùi Giáng), dường như ‘điên rực rỡ’ là một phẩm tính cùng độ của nghệ thuật và nghệ sĩ. Trung niên thi sĩ yêu thích hơn ai hết sự điên rực rỡ của nhiều người như Nietzsche, Hoederlin, Nerval, Hàn Mặc Tử hoặc có thể gồm cả Đôn Kihôtê, Raxcolnicov - những kẻ điên rồ trong mắt đồng loại nhưng lúc nào cũng đau đáu vì hạnh phúc của đồng loại, vun góp cho thi ca và tư tưởng nhân loại những đỉnh cao. Trong ngôn ngữ và hành vi ‘điên ngộ’ của họ, xen lẫn những hoang tưởng rối bời, loạn ngôn, ngộ chữ, ngông cuồng,…ẩn chứa những suy tư minh triết, những tra vấn chân thiện trong suốt đầy tính thơ.
2. Thơ điên của Bùi Giáng
Có thể khẳng định, tiếng nói của người điên là tiếng nói vô tư thuần túy bất vụ lợi và bản năng phi lý tính nhất, nơi mà ý thức của kẻ khác không thể can dự, do đó nó đáng tin cậy hơn thứ ngôn ngữ mặt nạ rào đón đầy cân nhắc của lý trí tỉnh táo, nơi mà mọi lời nói đều đi qua những bộ lọc lý trí, nơi tính hợp thức bao giờ cũng là sự lựa chọn đầu tiên, ở đó chứa chất thói xu thời, thực dụng, đạo đức giả được ngụy trang tinh vi. Xét từ góc độ này, thơ Bùi Giáng xứng đáng là thơ điên hơn ai hết.
Thơ điên của Bùi Giáng thể hiện trước hết ở chỗ, ông bất chấp những rào cản húy kỵ để hoàn toàn tự do viết thỏa thích về ‘cái ấy’ của người nữ, biến nó thành một thi ảnh nổi trội. Có thể nói, không nhà thơ Việt Nam hiện đại nào lại chơi với vần ồn dày đặc như Bùi Giáng, và không nhà thơ nào có thể có một ngữ vựng về lộn như Trung niên thi sĩ [2, tr 16]. Độc giả sẽ thấy trong thơ Bùi Giáng, đồng hành cùng vần ồn nhất định thế nào cũng xuất hiện phụ âm ‘l’ và hình ảnh người nữ. Chẳng hạn: Lấm cồn lầm cát lầy thôn/ Xuống hang xứ sở xương dồn dập da/ Một hai ba bốn năm và/Trời ơi có nhớ hẻm nhà hồng nhan? (Trời không có nhớ). Người đọc thường gặp trong thơ ông các kiểu nói lái đa dạng như: tồn lưu, lưu tồn, tồn liên, liên tồn, lộn mồng, lộn bèo, lộn tờ và nhiều biến thể kèm theo: Lọt cồn tận gió đi hoang/ Tồn liên ở lại xin làm dồn ra (Mưa nguồn), Dấu sương dấu cỏ dấu bèo/Dấu liên thồn dựng thu vèo sang đông (Tờ điên tiên nương ngủ),Um tùm tơ cỏ khe mương liên tồn (Cô giáo bước đi). Có một số bài thơ, chẳng hạn bài Thằn lằn địa phương, do sử dụng vần ồn một cách dày đặc kết hợp với các luyến láy có phụ âm ‘l’, người đọc không khỏi mỉm cười trước trò chơi thơ của Bùi Giáng. Ông gợi liên tưởng, tổ hợp, kết hợp, luyến láy, nói lái, đùa giỡn với cặp ồn/l trên đối tượng thi ca là các nàng thơ như Em mọi, gái núi, Công chúa trên rừng, thôn nữ Vĩnh Trinh, gái Quảng Nam, Duồng Mô Din, Marilyn Monroe, Brigitte Bardot, Nam Phương Hoàng hậu, nường Kỹ nữ… Đây là hiện tượng phổ biến và là đặc sắc riêng trong thơ Trung niên thi sĩ. Tuy ám gợi ‘cái ấy’ của người nữ nhưng thơ Bùi Giáng không khêu gợi ‘căn tính dâm của loài người’. Vì thơ ông thấm đẫm tính chất ‘rỡn chơi’. Và trò rỡn này ban sơ, trong trắng, như lọc qua trái tim và khối óc trẻ thơ vậy.
Ngoài những bài thơ luyến láy với vần ồn kiểu trên đây, Bùi Giáng còn thể hiện một cách vui tươi ‘cái ấy’ của người nữ qua hình tượng lá và cỏ. Tất nhiên, lá và cỏ trong thơ Bùi thi sĩ thường cặp đôi với khe, mép, môi, hang, hẻm, nước, bờ, ruộng, mương và... vần ồn. Ông miêu tả lá và cỏ không như một cái gì vốn có, tĩnh tại, bất động mà như sự phát tiết sinh động gắn với ham muốn tính dục của người nam: Cỏ mọc khe rêu dấu ngọc ngà/ Cỏ xanh như nguyệt lục hằng nga/ Cỏ miền Cấm Địa vô ngần cỏ/ Cỏ mở hai hàng mọc suốt qua/ Hai hàng cỏ mọc cứ lân la/ Rất mực như nhung rất mực là/ Cấm Địa trời ơi Trẫm nhớ quá/ Một hang lõa xõa mép lòa xòa (Trẫm nhớ em); Em mở hai hàng/Cỏ mọc ra/Trẫm nhìn thơ mộng/Cỏ chan hòa/Um tùm một cõi/Hương lồng lộng/Phơ phất tà xiêm/Phe phẩy hoa(Trẫm ghé thăm). Mở hai hàng cỏ long đong/Úp môi vào thút thít trong một vùng (Mở cỏ vào môi), Một hai hai một bồn chồn/Trời hôn cái lá trên cồn của em (Lần thứ tư trời hôn cái lá). Trời hay Trẫm tất nhiên thoát khỏi những quy phạm đạo đức, vì vậy cũng thoát khỏi cái án ‘dâm tục’. Nhưng Trời = Trẫm = Tôi, tất thảy đều là cái tôi trữ tình của Bùi thi sĩ. Ông chẳng ngần ngại mà toạc móng heo: Tôi vốn xưa kia là/Hít màu hồ của gái/Tôi vốn xưa kia là/Thở cồn cái của em  (Vốn xưa kia là). Khe, mép, môi, hang, hẻm, nước, bờ, ruộng, mương trong thơ Bùi Giáng cũng cặp đôi cặp ba cặp tư kiểu liều lĩnh hang (Cồn cũng có), ruộng em như thể sương hoàng hậu hoa (Trời không có nhớ), trời ơi có nhớ hẻm nhà hồng nhan (Lần thứ tư trời hôn cái lá), khép hang hố thẳm sau tà hồng xiêm (Ngủ yên bên lá), Hang thăm thẳm sợ xuân tràn ngập mây (Thời gian), Trăng đầu sóng loạn lộn là lạ mương (Lộn rừng), Ruộng em như thể ải đồn loạn quân (Ruộng em như thể), Mồng ba khe lộn ra mồng (Cõi Tô Châu), Ngõ ra thục nữ hẻm vào hồng nhan (Hái lộn hàng), Mắt thôn nữ ngó khe mương trong mình (Siêu thực tuy nhiên màu đen gái núi), Em đi bên ấy trăng tròn khép/Hai ống mơ hồ mỏi một hang (Lý cũng như đào)…Tất cả những kết hợp lạ hóa trên đây trong thơ Bùi Giáng, xét cho cùng đều ám gợi ‘cái ấy’ của người nữ một cách vui vẻ.
Sự trùng điệp và biến hóa đa dạng của vần ‘ồn’, sự trở đi trở lại của cách nói lái và ám gợi ‘cái ấy’ người nữ qua những hình ảnh biểu trưng như lá, cỏ, khe, mép, môi, hang, nước, ruộng, mương…gắn với ám gợi ‘chuyện ấy’ của người nam trong thơ Bùi Giáng cho thấy một đặc điểm của thơ điên: khước từ những cách nói ‘văn hoa’ hợp chuẩn nhưng tự động hóa và tập thể hóa để hướng đến một ngôn ngữ lạ hóa thể hiện rõ bản chất sự sống hồn nhiên nhi nhiên bất diệt của con người. Hiện tượng này không phải là độc sáng, lần đầu tiên có trong diễn ngôn văn chương và diễn ngôn xã hội nếu ta liên hệ với truyện cười, thơ ca dân gian và nhất là thơ Hồ Xuân Hương (Hồ Xuân Hương: Xiên ngang mặt đất rêu từng đám/Đâm toạc chân mây đá mấy hòn, Sáng banh không kẻ khua tang mít/Trưa trật nào ai móc kẻ rêu, Cửa hang đỏ loét tùm hum nóc/Hòn đá xanh rì lún phún rêu, Kẽ hầm rêu mốc trơ toen hoẻn/Luồng gió thông reo vỗ phập phòm…). Tuy nhiên, các biểu tượng sinh thực khí và các ám chỉ hành vi tính giao trong thơ Hồ Xuân Hương là hiện thân của ‘hoài niệm phồn thực’ mang tính vô thức và phần nào mang ý thức phái tính và nữ quyền của nữ sĩ, thì ở Bùi Giáng, ‘cái ấy’ của người nữ với bao biến thể lấp lóa, lồ lộ, ứ tràn là biểu tượng cho khát khao thành thực, cường tráng, lành mạnh của thi sĩ. Nếu trong diễn ngôn quyền lực thống trị của giới tinh hoa, việc nói về ‘cái ấy’ của người nữ và ‘chuyện ấy’ của người nam như một kỵ húy hoặc ít nhất cũng có quy phạm (Thơ Bút Tre: Làm thơ nên tránh vần ồn…) thì Bùi Giáng biến nó thành tự nhiên, vui tươi và lành mạnh trong thơ mình. Bằng cách này, Bùi Giáng muốn khẳng định một kiểu giá trị đạo đức xã hội và thẩm mỹ riêng: Dù là gái đốt than/Cũng đẹp như suối ngàn/Chảy từ trên núi xuống/Xin loài người hãy uống/Nước từ hở hang khe/Trong bóng tối đêm khuya/(Hoặc trong ánh sáng ban ngày cũng được) (Ôi một người con gái)
Thơ Bùi Giáng có không ít bài viết về ‘sự trần trụi’ của người nữ. Dĩ nhiên, kẻ nào không biết che đậy cơ thể, nhất là chỗ kín trước mắt người khác, kẻ ấy sẽ bị coi là điên rồ (trừ trẻ con và những hành vi có thỏa ước như tắm tiên ở các bãi biển…). Bùi Giáng không viết về người điên trần trụi không mặc quần áo, nhưng thơ ông thể hiện một ham muốn được tước bỏ xiêm áo, được trần truồng. Có những bài thơ chỉ nhẹ nhàng ‘hở chân’ (Bỏ hai chân, Bàn chân với nước), ngồi vén xiêm (Làm thân con gái). Có bài thơ ám gợi sự ‘hở hang’: ‘cồn hở hang’ (Thúy), ‘hang hầm hở hang’ (Nam Đình nghe động). Nhiều bài viết về chuyện có/không/chưa mặc quần (Nam Đình nghe động, Lẫn lộn lung tung, Hoàng hoa siêu thực, Tuy nhiên), mặc quần mới (Mảnh quần), quần rách (Sa mạc phát tiết, Gửi thôn nữ Vĩnh Trinh),giũ áo trút quần (Ta về)…Mặc hay không mặc quần, quần lành hay rách, cũ hay mới thì điểm đến vẫn là cái trong quần, một ‘ẩn ngữ dịu dàng’ của Bùi Giáng vì Cái không thấy mới thật kỳ/Còn hơn cái thấy ù lì rõ ra (Tái bút).Các bài thơ về sự khỏa thân trần truồng của Bùi Giáng cũng thật lắm lối: ‘cởi áo quần ra tắm khe nước’ (Ở trong rừng), ‘vắt quần phơi khóm trúc’ (Gái lội qua khe), ‘gái truồng thân ra’ (Duồng mô din), ‘Nhớ con gái núi thân truồng’ (Nhớ con gái núi), ‘ở truồng suốt năm’ (Nai cao nguyên). Nếu nhân vật ông Diểu trong truyện Muối của rừng của Nguyễn Huy Thiệp trần truồng trong rừng, nồng nỗng ra khỏi rừng, gặp rừng kết muối bạt ngàn hoa tử huyền thì nhân vật trữ tình trong thơ Bùi Giáng cũng trần truồng ở nơi rừng rú, khe nước, hang động. Rừng rú là một ham muốn của Bùi Giáng. Những bài thơ như Gái buồn, Tóc bạc thưa rằng, Câu chuyện ở trong núi, Lộn rừng, Em Mọi nằm ngủ ở trong rừng, Lời gái núi, Em mọi là em, Ở trong rừng,…thể hiện nỗi niềm hoài nhớ hang núi, hang rừng, rừng rú dại, rừng xanh, beo cọp gấu voi vượn, gió núi lộn rừng. Từ khước những bộ quần áo xã hội, trở về rừng tức về với bản nguyên sơ khai, hồng hoang, thiên nhiên, tự do là một ham muốn không bao giờ vơi cạn của thi sĩ Bùi Giáng.
Đối với những kẻ ‘bình thường không điên’, thơ Bùi Giáng dồn ứ những hoang tưởng kiểu Nhìn nàng tưởng tượng bông hoa/Nhìn hoa tưởng thấy thiết tha một nường (Nàng Tiên). Chiếu theo con mắt nghề nghiệp của bác sĩ tâm thần, thơ Bùi Giáng còn đầy những hoang tưởng như hoang tưởng bị hại, hoang tưởng tự cao và hoang tưởng được yêu. Bùi Giáng tưởng tượng rằng mình sẽ bị Thần Chết bắt về thế giới bên kia. Ông nói chuyện, tâm tình cùng Tử thần (Kính tặng Thần Chết, Tái tặng Tử Thần, Tái bút cho Tử Thần). Chỉ ở những tâm hồn thi sĩ mới có ‘hội chứng được yêu’ rất thơ thế này: Chiêm bao anh thấy Hoàng Hậu/Nam Phương dắt tay Marilyn/Kim Cương Nương Tử tới gõ cửa/ xin vào thăm viếng anh, thì anh/bảo rằng anh đang bận viết/lá thư cho em nên không thể/nào đón tiếp Hoàng Hậu được thì/cảm phiền Hoàng Hậu hãy lui gót/chờ qua ngày mai anh sẽ ân cần chiếu cố (Em Mọi ôi). Tình yêu của vô số nàng thơ rất sống động, sống động của chất đời đương diễn ra: đó là tình yêu trần tục của nàng Kim Cương:Thương yêu thật sự phì nhiêu/ Tự do rờ rẫm yêu kiều của em(Thương em). Đó còn là tình yêu chân thành của người con gái trên núi hay chính là Em Mọi nhỏ: Thương anh, em nói thật thà/ Thương anh rất mực mà ra phụ lòng/ Nếu anh có thật thương em/ Thì xin anh hãy về rừng với em(Lời gái núi). Trong những bài thơ này, một mình Bùi Giáng diễn hai vai, hóa thân thành các ‘nàng’, theo đuổi, rủ rê, tỏ bày tình cảm với thi sĩ. Quả là thi sĩ đã ‘viết Mộng ra Thơ’ và ở riêng lĩnh vực yêu đương Bùi Giáng có thể sánh với ông hoàng thơ tình Xuân Diệu ở độ nồng nàn nhưng siêu thoát hơn, vì cái khung biểu đạt của ông thoáng rộng vô cùng, vì thơ của ông là ‘thơ điên’!
Bùi Giáng không phải là một nhà thơ nghèo nàn về mặt ngôn ngữ, bởi Cung Tích Biền đã từng đánh giá về Bùi Giáng là ‘Tề Thiên ngôn ngữ’… ‘Ông làm giàu nghìn lần tiếng Việt’ và với Bùi Giáng thơ lục bát Việt Nam đã được nâng lên một tầm cao mới. Nhưng với một trạng thái tinh thần đặc biệt và là một ‘thiên tài tự hủy ghê gớm nhất của thi ca Việt Nam hiện đại’ (Thanh Tâm Tuyền), tự hủy về bản thể cũng như tự hủy trong chính văn chương của mình, ngôn ngữ trong thơ ông chứa đựng sự nhiễu loạn ngôn ngữ với các triệu chứng như ‘nghèo nàn ngôn ngữ’(poverty of speech) và ‘ngôn ngữ vô tổ chức’ (disorganized speech). Đây là những biểu hiện âm tính của bệnh tâm thần phân liệt. Ông có xu hướng lặp đi lặp lại liên hồi kỳ trận những từ ngữ, những câu thơ mà ông yêu thích và đắc ý. Một số nhà phê bình tiếc cho thơ ông quá tạp, vàng thau lẫn lộn, thơ hay chen lẫn vô số thơ không hay, dở dang. Biết đâu đấy lại chẳng phải là thi pháp ‘điên rực rỡ’ của thi nhân họ Bùi: những câu thơ hay nhất, xuất thần nhất, độc đáo nhất cũng tương tự như những lời minh triết, sáng suốt thường lẫn vào trong mớ rơm rác đáng vứt đi trong lảm nhảm liên miên của kẻ điên khùng? Phải chăng Bùi Giáng ‘điên’ và ‘thơ điên’ của Bùi Giáng là một tự giác nhằm đối lập với toàn bộ diễn ngôn duy lí, thực dụng, vụ lợi, bị công thức hóa và hàng hóa hóa nhan nhản trong thời đại văn minh của chúng ta?
KẾT LUẬN
Là một nhà thơ ‘điên rực rỡ’, ý thức rõ về tài năng và phẩm giá của người nghệ sĩ trong xã hội hiện đại, Bùi Giáng thuộc về một ‘nền văn học thiểu số’, diễn ngôn thơ (*) của ông là biểu hiện của kiểu ‘diễn ngôn tâm thần phân lập’ (discours schizophrénique). Đây là thuật ngữ do hai triết gia và nhà nghiên cứu văn học người Pháp là G.Deleuze và F.Guattari đề xuất trong công trình viết năm 1972, Chủ nghĩa tư bản và bệnh tâm thần phân lập: Chống Oedipe (Capitalisme et Schizophrénie I. L’Anti-Œdipe). Hai ông cho rằng nghệ sĩ ‘đích thực’ tất phải là một ‘cá nhân bị tâm thần phân lập’. Ngôn ngữ của những nghệ sĩ ‘đích thực’, những ‘cá nhân bị tâm thần phân lập’ là ‘thứ ngôn ngữ của phi lý và nghịch lý,… hướng tới thứ ngôn ngữ nghi vấn cái lẽ phải của ngôn ngữ logic và liên hệ nhân quả được chấp nhận chung’ [5, tr 159]. Nói cách khác, đây là diễn ngôn của chủ thể tâm thần phân lập, bị diễn ngôn/quyền lực thống trị tự cho là chân lý, lý tính, chuẩn mực ‘hắt hủi’ và đẩy ra bên lề.
Thuật ngữ được đề xuất bởi G.Deleuze và F.Guattari vốn chịu ảnh hưởng bởi các tư tưởng của M.Foucault. Phân tích mối quan hệ giữa chứng điên và nền văn minh trong công trình Chứng điên và Nền văn minh(Madness and Civilisation - 1967), Foucaul chỉ ra rằng, chứng điên là một sản phẩm được kiến tạo bởi xã hội chứ không phải là sản phẩm tự nhiên. Trước thế kỉ XVI, sự thác loạn tinh thần không bị coi là đồi bại về mặt xã hội, và người điên được tự do đi lại, không bị quản thúc. Sau thời điểm này, người điên bị quản thúc trong các nhà thương điên, bị ‘nhốt nơi gác mái’, bị giam giữ bằng nhiều hình thức khác nhau, bị ‘nhìn’ bằng một con mắt khác, bị ‘xã hội hắt hủi’. Bởi vì, nền văn minh hiện đại đề xuất các quy chuẩn chung về mặt tri thức và xã hội làm cơ sở để hình thành các cộng đồng. Người điên, người già, người bệnh, phạm nhân, nghệ sĩ…thường bị tách khỏi các chuẩn tắc này, tồn tại đồng thời và song song với phần còn lại, bị xã hội ‘lành mạnh’, ‘lý trí’, ‘tỉnh táo’ quản chế và ‘hắt hủi’. Thái độ và cơ chế ứng xử thiên lệch, bất công này dần dần biến thành ‘vô thức tập thể’, trở thành quan điểm chung được thừa nhận rộng rãi đến mức xem đây là biểu hiện của trình độ văn minh. Foucault và tiếp đó, Deleuze và Guattari coi đây là biểu hiện rõ ràng nhất tình trạng ‘bệnh hoạn’ của nền văn minh tư sản.
Cũng theo M.Foucault, diễn ngôn phản ánh và kiến tạo tri thức, đạt hiệu lực tác động làm đổi thay xã hội, vì vậy, nó đồng nhất với quyền lực. Sức mạnh tác động và sự nguy hiểm của diễn ngôn/quyền lực khiến nó phải được/bị kiểm soát và điều khiển. Một trong những cơ chế kiểm soát và điều khiển đó là đối lập giữa điên rồ và lí tính, xác lập cơ chế bất bình đẳng, theo đó diễn ngôn của người điên bị diễn ngôn/quyền lực thống trị loại trừ nhằm đạt mục tiêu ổn định trật tự xã hội [8, tr 45-57]. Cũng như các loại diễn ngôn bị trị/loại trừ khác như diễn ngôn nữ quyền, diễn ngôn hậu thực dân, diễn ngôn tính dục đồng giới,…diễn ngôn tâm thần phân lập là đối tượng nhận được sự quan tâm phân tích từ nhiều phía. Bởi vì, theo quan niệm của G.Deleuze và F.Guattari, diễn ngôn tâm thần phân lập là nhân tố cách mạng, vừa đối lập với sự thống trị của diễn ngôn văn hóa được chấp nhận chung, vừa giải phóng cá nhân nghệ sĩ khỏi sự áp chế của diễn ngôn duy lý và trật tự thông thường.
Bài viết này, ở một góc độ nào đó, muốn khẳng định rằng, Bùi Giáng và kiểu thơ Bùi Giáng chính là biểu hiện thú vị nhất của diễn ngôn tâm thần phân lập. Chứng điên và thơ điên của ông, không nghi ngờ gì nữa, dĩ nhiên thuộc về phía cách mạng: cách mạng ngôn ngữ thi ca. Đến đây, xin mượn thơ Bùi Giáng kết thúc bài viết này, với hi vọng thơ ông sẽ tiếp tục được đọc từ những góc độ khác: Doáng booao diêu tuổi Doáng giòa/Điêng booao diêu tuổi gọi lòa điêng non/Người còn thì của hãy còn/Còn thèng Bùi Doáng hãy còon cái điêng!
Tóm tắt: Điên là một kiến tạo văn hóa gắn với từng cộng đồng và từng thời kỳ lịch sử nhất định. Trong thực hành sống và thực hành thơ, Bùi Giáng là một nhà thơ điên rực rỡ. Thơ điên của ông là trò rỡn kì khu khúc khích với ngôn từ chữ nghĩa xoay quanh đối tượng thi ca là ‘cái ấy’ của người nữ. Những hình ảnh và biểu trưng như lá, cỏ, khe, mép, môi, hang, hẻm, nước, bờ, ruộng, mương gắn với vần ‘ồn’ trong thơ ông sống động và vui vẻ. Thơ điên Bùi Giáng còn là khát khao được trút quần, vén xiêm, cởi áo, ở truồng; là được về rừng về hang cùng em mọi và gấu beo voi hổ, là ngao du trên sa mạc hồng hoang phát tiết với châu chấu chuồn chuồn. Ham muốn trút bỏ cái xã hội để trở về với tự nhiên, diễn tả điều ấy qua hội chứng rối loạn ngôn ngữ và ngôn ngữ ban sơ, kì quái, Bùi Giáng thuộc về kiểu nghệ sĩ bên lề và diễn ngôn thơ ông là diễn ngôn tâm thần phân lập. Từ những góc độ này, Bùi Giáng đã làm nên một cuộc cách mạng ngôn từ trong thi ca Việt Nam hiện đại.
Chú thích:
(*) Diễn ngôn (discourse) là một thuật ngữ được hiểu theo những cách khác nhau tùy thuộc vào các ngữ cảnh và chuyên môn cụ thể. Trên đại thể, diễn ngôn được xem là thực tiễn nói/viết của chủ thể ngôn từ cá thể hóa, hành chức và đạt hiệu lực trong những bối cảnh xã hội xác định, luôn phản ánh những mã, những sức ép, những mong đợi, những chuẩn tắc và những tiền giả định mang tính ý thức hệ cụ thể với tư cách là điều kiện và cơ chế mà từ đó diễn ngôn sản sinh, vận hành và tác động (Xem Graham Allen, (2000), Intertextuality, Routledge, London, p 206-210)
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Jacques Dournes (2007), Trần trụi điên, in trong Phân tâm học và tính cách dân tộc (Đỗ Lai thúy biên soạn và giới thiệu), NXB Tri thức, Hà Nội.
2. Bùi Giáng (2011), Bùi Giáng đười ươi chân kinh, thơ văn tinh tuyển(Thiên Hải Đoạn Trường Nhân tuyển chọn và giới thiệu), NXB Hội nhà văn, Hà Nội.  
3. Trần Mạnh Hảo, Đây thôn Vĩ Dạ cũng là thơ điên - một phát minh mới của ông Chu Văn Sơn, http://giaitri.vnexpress.net/
4. Giao Hưởng, Chuyện đời Bùi Giáng: Ai đưa Bùi Giáng vào nhà thương điên, http://www.thanhnien.com.vn/
5. Ilin và Tzurganova (2003), Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỉ XX, (Đào Tuấn Ảnh, Trần Hồng Vân, Lại Nguyên Ân dịch), NXB ĐHQG, Hà Nội.
6. Đoàn Cầm Thi, Sáng tạo văn học giữa mơ và điên (Đọc ‘Thoạt kỳ thủy’ của Nguyễn Bình Phương), http://giaitri.vnexpress.net/
7. Đỗ Lai Thúy, Bùi Giáng, nhà thơ của các nhà thơ, http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/
8. Trần Văn Toàn (2015), Dẫn nhập lý thuyết diễn ngôn của M.Foucault và nghiên cứu văn học, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 5 (519), tr 45-57.
Huế, mùa thu 2015
 Nguyễn Văn Thuấn
Nguồn: Tạp chí Khoa học Đại học Sài Gòn 
số 10 (35), 12/2015, tr 41-49.
Theo  http://www.khoanguvandhsphue.org/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cổ tích mới thời thế giới phẳng – Bài của Võ Tấn Cường 7 Tháng Năm, 2023 Truyện ngắn hiện đại đang trên con đường khám phá, vén mở t...