Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2018

Đọc lại Nam Phong Phạm Quỳnh

Đọc lại Nam Phong Phạm Quỳnh
Gần đây, trên các báo: Hồn Việt, Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh có đăng một số bài viết về trường hợp Phạm Quỳnh, sau khi có một tổ chức trao giải Phan Châu Trinh cho Phạm Quỳnh và tôn vinh ông là “một nhà văn hóa lớn, một người yêu nước”, tung hô ông “danh nhân văn hóa Việt Nam của thời hiện đại”. Xin trích dẫn các sách báo trước đây nói gì về trường hợp Phạm Quỳnh để bạn đọc tham khảo:
Trong cuốn “Chủ đích Nam Phong” của GS. Nguyễn Văn Trung, trong tủ sách “Tìm về dân tộc”, Trí Đăng xuất bản ngày 20/2/1975. Trong lời tựa, Giáo sư viết: “Nếu chỉ là Nam Phong hay Phạm Quỳnh, chúng tôi đã không tốn công và thời giờ để viết hẳn một bộ sách, vì tự bản thân Nam Phong không đáng cho chúng tôi bận tâm đến thế”. Nhưng từ câu chuyện Nam Phong trong trường hợp Phạm Quỳnh, Giáo sư nhấn mạnh vào đòi hỏi phải có một quan điểm chính trị khi viết văn học sử, phê bình văn học thời kỳ cận đại, hiện đại (thời Pháp thuộc), nếu không có ý thức chính trị rõ rệt, dứt khoát về sự lựa chọn, quan điểm sẽ rơi vào thái độ “nhập nhằng” đưa tới một hiểu biết lệch lạc giữa văn học và chính trị trong lịch sử văn học thời kỳ cận đại, hiện đại”. Giáo sư viết tiếp: “Xa hơn nữa, chúng tôi cũng nhằm hóa giải những hậu quả nhiễm độc về tinh thần của cái mà người Pháp trước đây gọi là “chính sách thực dân bằng sách báo”; trong lĩnh vực văn học và giáo dục vì thực ra chỉ trong giới nhà văn, nhà giáo mới có và mới còn tiếp tục hiểu lệch lạc về Nam Phong, Phạm Quỳnh”. Giáo sư cho biết “tuổi trẻ trí thức hiện nay đã giác ngộ, đã trưởng thành về nhận thức chính trị, về liên hệ giữa chính trị và văn học. Hồi cuối năm 1970, dự một cuộc tranh luận do những sinh viên Sư phạm – Đại học Sư phạm Sài Gòn tổ chức mà họ gọi là “Làm án Phạm Quỳnh” (do nhóm sinh viên Đặng Thành Thân, Phan Đức Thịnh, Nguyên Cần, Hoàng Văn Kai, Nguyễn Quang Huynh, Đỗ Hữu Sơn soạn và ấn hành ngày 16/7/1970). Trong một tài liệu soạn tập thể và quay roneo, chúng tôi đọc trang đầu sự xác nhận “chúng tôi hoàn toàn không cần những dè dặt, khôn ngoan; dè dặt, khôn ngoan không có trong tim người trẻ… để có thể tố cáo thẳng tay “Phạm Quỳnh chỉ là một tên bồi bút, một tên mang một văn hóa đang đu bay trên sợi dây Louis Marty và là một tên đánh đĩ dân tộc, nhập hồn xác trong hình nộm sơn phết để múa may theo sợi dây giật một cách tài tình của thực dân” và trang cuối cũng kết luận “Vậy để định rõ một thái độ dĩ nhiên là của chúng ta, những người dạy Việt văn trong chương trình các lớp trung học, chúng tôi xin góp lửa để soi sáng lại những sai lầm của những người đã qua, để các tâm hồn son trẻ sẽ nhìn vào Phạm Quỳnh và Nam Phong tạp chí với một cái nhìn thẳng vào thực chất. Ghi nhận ở Nam Phong như một ghi nhận uất hờn về một giai đoạn lịch sử vong quốc: Phạm Quỳnh chỉ là một tên phản động và “công trình” của Nam Phong chỉ được coi như chứng tích nô lệ đáng làm gương xấu trên bước đường tương lai các em…”.
Đọc qua những đoạn văn trên, Giáo sư nhận định: “Chúng tôi có cảm tưởng rằng những giáo sinh trẻ tuổi trên đã vượt qua rất xa những vị thầy “khả kính” của họ. Ông Nguyễn Trần Huân, trong bộ văn học sử bằng tiếng Pháp của ông cho rằng “bàn về con người chính trị của Phạm Quỳnh, về Nam Phong, công cụ chính trị của Pháp là lỗi thời vì chỉ có điều chắc chắn là sự nghiệp “lớn lao” về văn học của Nam Phong, Phạm Quỳnh. Nhưng chính ông Huân và những người còn nghĩ như ông đối với các thế hệ trẻ, mới là lỗi thời”. Giáo sư trình bày quan điểm của nhiều nhà biên khảo văn học sử từ trước nay vẫn coi “Nam Phong là một tạp chí văn học do Phạm Quỳnh chủ trương nhằm phục vụ những mục đích văn học”, như phổ biến tư tưởng khoa học Tây phương, bồi bổ quốc văn và vì thế đề cao công lao của Nam Phong, Phạm Quỳnh”. Giáo sư chia các nhà biên khảo thành hai bên:
Trước năm 1945, như: Thiếu Sơn trong “Phê bình và cảo luận”, xuất bản năm 1933 ở Hà Nội, đã đề cao Nam Phong, Phạm Quỳnh trong việc truyền bá văn hóa Đông Tây bằng những công trình biên khảo dịch thuật. Ông viết “có lắm ông đồ chỉ coi Nam Phong mà cũng hiểu qua được cái tinh thần văn hóa Á Đông”. Ở Hà Tiên, có một đoàn thể học vấn kêu là “Trí Đức học xá” chỉ chuyên học quốc văn do Đông Hồ Lâm Tấn Phát chủ trương, lấy Nam Phong làm cơ quan để đăng những luận văn của mình (trang 19-20). Ông Thiếu Sơn thú nhận hồi đó cảm phục Phạm Quỳnh, nhưng từ sau 1945, ông đã giác ngộ và thay đổi ý kiến, tuy nhiên một số người hiện nay dựa vào ý kiến trước đây của ông để tiếp tục đề cao Nam Phong, Phạm Quỳnh”.
Phạm Quỳnh và tạp chí Nam Phong.
Dương Quảng Hàm trong “Việt Nam văn học sử yếu”, không đả động gì đến nguồn gốc, bối cảnh lịch sử Nam Phong; điều đó cũng dễ hiểu, bộ văn học sử xuất bản năm 1941 theo chương trình do Pháp ấn định nên dù có biết những chủ đích chính trị của Pháp ông cũng không nói ra được. Do đó, ông trình bày Nam Phong như một tạp chí xuất bản được 17 năm và ra được 210 số nhằm hai mục đích “đem tư tưởng học thuật Âu - Á diễn ra tiếng ta cho những người không biết tiếng Pháp hoặc chữ Hán có thể lĩnh hội được, tài bồi luyện tập quốc văn”.
“Vào thời kỳ 1941, Vũ Ngọc Phan viết bộ “Nhà văn hiện đại” chủ trương một thái độ thuần túy văn chương, cho rằng phê bình không cần xét đến thân thế, cuộc đời tác giả, bối cảnh lịch sử, mà chỉ chú ý đến tác phẩm với một thái độ phi chính trị như thế nên bàn về Nam Phong, Phạm Quỳnh ông ca tụng: một giọng văn đúng mực, già dặn, nghị luận thì chải chuốt, mạch lạc, so sánh Phạm Quỳnh hơn hẳn Nguyễn Văn Vĩnh. Vũ Ngọc Phan kết luận: “Cái công Phạm Quỳnh khai thái lúc đầu cho nền Quốc văn có ngày nay thật là một công không nhỏ”. Từ 1957 trở đi, lớp người trẻ thế hệ sau tiếp tục biên soạn văn học sử khi bàn đến Nam Phong, Phạm Quỳnh, thường chỉ lặp lại hoặc tán rộng ra những nhận định đánh giá của Thái Sơn, Dương Quảng Hàm, Vũ Ngọc Phan”.
Phạm Văn Diêu trong “Việt Nam văn học giảng bình” (NXB Tân Việt – Sài Gòn, 1961) đã nói “về phương diện văn học, Phạm Quỳnh là một tay cự phách đã có công lớn trong việc xây dựng quốc văn mới thành một nền văn chương có bề thế vậy”.
Trong “Việt văn độc bản” lớp Đệ nhị do Bộ Giáo dục xuất bản năm 1961, Đàm Xuân Thiều và Trần Trọng San khi nói đến Nam Phong tạp chí đã giới thiệu bối cảnh lịch sử của tạp chí và chủ đích của Pháp khi thành lập tờ báo. Hai tác giả nói đến sự chuyển hướng chính trị, quân sự sang lĩnh vực văn hóa sau thất bại của phong trào Cần Vương, Văn Thân của các sĩ phu, đó là phong trào Đông Du, Duy Tân, Đông Kinh nghĩa thục; những cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân, của Đội Cấn ở Thái Nguyên (1917) trong tình thế chiều hướng tranh đấu trên xuất hiện Nam Phong do một viên quan cai trị Pháp và Marty sáng lập với sự hợp tác của Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá Trác. Theo người đương thời, dụng ý của Pháp là cung cấp cho giới trí thức và thanh niên bản xứ một món ăn nguy hiểm hướng tinh thần ái quốc của họ về dĩ vãng, ru ngủ họ bằng những học thuyết cổ hủ, lỗi thời, khoa trương văn hóa Tây phương, nhất là văn hóa Pháp để gây một sự tự ty mặc cảm hầu làm tê liệt ý chí đấu tranh của họ”.
Nhưng thật lạ, vừa khẳng định chủ đích chính trị của Pháp như trên, đến khi nói tới nội dung và hậu quả của Nam Phong, hai tác giả không thèm xét cái chủ đích chính trị được thể hiện thế nào trong các bài đăng ở Nam Phong và có đạt được những hậu quả như thực dân mong muốn không, mà chỉ xét chủ ý của Phạm Quỳnh khi chủ trương của Nam Phong là luyện cho quốc ngữ thành một nền quốc văn An Nam và ở điểm này nhóm Nam Phong đã thành công rực rỡ.
Phạm Thế Ngũ trong tập 3 “Việt Nam văn học sử giản ước tân biên” (Quốc học Tùng thư Sài Gòn - 1965). Về giai đoạn 1907 - 1932, những năm từ đầu thế kỷ XX chấm dứt thời kỳ đối kháng bằng quân sự và các sĩ phu nhận ra muốn chống Pháp phải duy tân theo gương Nhật Bản, Trung Hoa, đó là ý nghĩa việc thành lập Đông Kinh nghĩa thục. Nhưng phong trào bị Tây cấm, những nhà nho chủ trương bị đày đi Côn Đảo, bó đuốc duy tân được nhóm Tây học tiếp tay. Đó là việc ra đời Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí. Phạm Quỳnh đã tìm được đất đứng cho mọi người, các nhà nho cựu học mạt vận, bơ vơ và cả những nhà nho tham gia phong trào Duy Tân (1907): Dương Bá Trạc, Nguyễn Bá Học, Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Đôn Phục, Nguyễn Bá Tiến đều xếp hàng sau lưng Phạm Quỳnh - Nam Phong. Từ 1919, trở thành cơ quan của Hội Khai Trí Tiến Đức. Tác giả chú ý nhắc tới bài phỏng vấn Phạm Quỳnh của Đào Hùng trong “Phụ nữ Tân văn - 18/6/1932” để ghi chú về xuất xứ của Nam Phong do chính Phạm Quỳnh thú nhận, phù hợp với những điều tìm thấy trong hồ sơ của Phủ Toàn quyền về nguồn gốc và mục đích của tạp chí: “Tạp chí Nam Phong ra đời năm 1917, nhưng thật ra đã có lâu và không phải tôi đứng lên sáng lập. Lúc trước nó là một bộ “Âu châu chiến sử” xuất bản giữa hồi Âu chiến viết bằng chữ Hán, chủ tâm chỉ viết cho người Trung Hoa đọc thôi. Nguyên hồi đó Chính phủ Đông Pháp thấy ở Thanh Đảo, người Đức làm báo chữ Tàu in phát không cho dân chúng, nói về chiến tranh và tán dương nước Đức, Chính phủ Đông Pháp lo cái thế lực của người Đức ở bên Tàu mỗi ngày lớn mạnh bèn mời tôi lên Phủ Toàn quyền cùng ông Nguyễn Bá Trác làm một tờ báo chữ nho lấy các tin tức ở sở điện tín Arip nói rộng chuyện chiến tranh, tuyên bố nguyên nhân gốc rễ cuộc Âu chiến tố cáo việc tàn khốc dã man của người Đức. Các bài ký tên người Tàu, phát hành đem sang Trung Quốc, phát không để chống lại cuộc tuyên truyền và đánh đổ thế lực của Đức ở Viễn Đông. Vậy trong mấy năm tờ “Âu châu chiến sử” chỉ là một tờ báo chữ Hán không lưu hành trong xứ Đông Dương. Đến năm 1917, Phủ Toàn quyền bàn sẵn có tin tức và bài vở đó thì nên mở ra một bản quốc văn để tuyên truyền trong xứ. Từ đó Nam Phong xuất hiện cùng với bạn đồng nghiệp Đông Dương tạp chí là hai tờ báo quốc văn ở đất Bắc”.
Sau khi trích dẫn đoạn phỏng vấn trên, tác giả nhận định “những lời thuật trên coi như đã nói lên tất cả sự thật về mầm mống tờ Nam Phong, nay ta thêm vào vai trò cốt yếu của một nhân vật, tên trùm tình báo, mật vụ chuyên về những vấn đề chính trị bản xứ, đồng thời cũng là một tay trí thức đọc và nói tiếng Tàu như một nhà Nho, rất giỏi tiếng Việt lại có tài tổ chức, óc quỷ quyệt, đã sáng lập ra bộ “Âu châu chiến sử”, báo Nam Phong, Hội Khai Trí Tiến Đức. Đó là tên Louis Marty, trùm mật thám - Trưởng phòng Chính trị Phủ Toàn quyền”.
“Trong “Bảng lược đồ văn học Việt Nam”, tập hạ (trình bày Sài Gòn - 1967), Thanh Lãng cũng chia văn học thời kỳ này làm 3 thế hệ: thế hệ đối kháng (1862 - 1913), thế hệ liên hiệp (1913 - 1932), thế hệ đoạn tuyệt (1932 - 1945). Từ trang 165 đến trang 597 nói về thế hệ liên hiệp với Pháp. Trong phần này, Thanh Lãng không nêu xuất xứ nguồn gốc ra đời Nam Phong, mà chỉ dùng những lời to lớn đề cao Phạm Quỳnh, coi Nam Phong như một bộ bách khoa, một hàn lâm viện, kết nạp tất cả mọi ngành khoa học đương thời”. Và để kết luận về văn học thế hệ (1913 – 1932), Thanh Lãng đã quả quyết: “Nếu muốn hiểu xã hội Việt Nam thì nhìn vào triều đình Huế, muốn hiểu văn học Việt Nam hồi này không gì tốt cho bằng nhìn vào Nam Phong, Nam Phong là linh hồn, là tất cả văn học thế hệ 1913 – 1932”.
Đọc mấy dòng cuối này của Thanh Lãng, xưng tụng Nam Phong không thể không nhớ lại Phạm Quỳnh xưng tụng truyện Kiều hồi 1924: Truyện Kiều là quốc hồn, quốc túy, là kinh, truyện, thánh thư, phúc âm; truyện Kiều là tất cả, tất cả ở trong truyện Kiều; cũng như Nam Phong là hồn thế hệ, là kinh, là thư, pháp, sử, là bách khoa, hàn lâm viện; là tất cả và tất cả ở trong Nam Phong”.
Những trang văn trên đây được trích dẫn từ cuốn sách của GS. Nguyễn Văn Trung viết cách đây gần nửa thế kỷ; chúng ta cùng đọc lại và suy nghĩ về trường hợp của Nam Phong - Phạm Quỳnh. Và ngày hôm nay, những người bóp méo, xuyên tạc lịch sử, đứng ra trao giải thưởng cho ông, có nhận xét một cách trung thực về những việc làm của Phạm Quỳnh hay không, hay có những mục đích chính trị nào khác?.
15-5-2018
Châu Kỵ
Nguồn: Tuần Báo Văn Nghệ TP. HCM số 501
Theo http://tuanbaovannghetphcm.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cổ tích mới thời thế giới phẳng – Bài của Võ Tấn Cường 7 Tháng Năm, 2023 Truyện ngắn hiện đại đang trên con đường khám phá, vén mở t...