Thứ Năm, 21 tháng 6, 2018

Làm trai cho đáng nên trai

Làm trai cho đáng nên trai 
Chia tay làng nồi đất chúng tôi tìm đến người đàn ông là hậu duệ của bậc tiền nhân mở cõi. Cư dân sinh sống lâu đời ở đây ít ai không biết đến ông Mười Cao. Ông đã là một người Biên Hòa gốc.  Còn nhớ có lần cùng ông uống cà phê bên sông Đồng Nai ông hỏi tôi:
"Chú có biết vì sao người miền Nam gọi con đầu là anh Hai chứ không phải anh Cả như miền Bắc? Rồi ông giải thích: "Thứ nhất vì Chúa Nguyễn Hoàng là em thứ hai vì di dân vào miền Nam đa số là người con thứ 2 vì người con cả phải ở lại miền Bắc để giữ từ đường. Nhưng quan trọng hơn cha ông mình gọi người tàu là thứ ba - Mấy chú Ba Tàu!- Một thông điệp tuyệt vời của tiền nhân"Chưa biết điều ông nói đúng sai nhưng nghe có lý và tôi nhớ mãi.
Nay đã gần 70 tuổi nhưng ông thường lang thang nơi này nơi kia để tìm về cội nguồn cha ông xưa. Và nhờ thế ông đã thu thập được nhiều tư liệu quý giá. Ông Mười Cao sẵn lòng cung cấp cho chúng tôi những tư liệu về mảnh đất nằm ven con sông Đồng Nai này. Những câu chuyện về dòng sông như máu thịt của cuộc đời ông. Dù là dòng họ Lê nhưng ông Mười Cao luôn chịu khó tìm hiểu thêm về các dòng họ khác. Đó là dòng họ Nguyễn của Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh và dòng họ Trần của Đức ông Trần Thượng Xuyên. Trở lại Cù Lao Phố để thăm đền thờ Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh cùng ông Mười Cao chúng tôi bồi hồi như được chạm tay vào lịch sử. Bằng giọng hiền hòa của người Nam bộ ông kể:
Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh sinh năm 1650 mất năm 1700 là khai quốc công thần của triều đình nhà Nguyễn. Ông sinh tại huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình con thứ ba của danh tướng Nguyễn Hữu Dật. Mẹ ông là bà Nguyễn Thị Thiện. Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu ông được xem là người xác lập chủ quyền cho người Việt tại vùng đất phương Nam vào năm 1698. Kể từ thời điểm đó Biên Hòa - Gia Định chính thức trở thành một đơn vị hành chính thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Năm Mậu Dần 1698 ông được chúa Nguyễn Phúc Chu cử vào kinh lược phía Nam. Ông đã lập Gia Định phủ huyện Phước Long dựng dinh Phiên Trấn và đặt các chức vị quản trị. Do công lao này ông được coi là người đặt nền móng cho công cuộc mở đất phương Nam: chiêu dân lập ấp thiết lập nền hành chánh cai trị và gìn giữ biên cương.
Theo Quốc sử quán triều Nguyễn thì vào năm Mậu Dần (1698) chúa Hiến Tông Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) sai Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất mà chúa đã chỉ định cho bọn Dương Ngạn Địch Hoàng Tiến Trần Thượng Xuyên và Trần An Bình vốn là các di thần nhà Minh trước đó không chịu thần phục tân triều nhà Thanh nên đã đem 3.000 hàng quân cùng gia quyến và 50 chiến thuyền đến cư trú xin làm dân Đại Việt. Vùng đất ấy bao gồm từ khu vực Cù Lao Phố (Biên Hòa) đến Mỹ Tho. Giữa vùng này có các đồn binh trấn giữ làm luôn nhiệm vụ thu thuế thương chánh cho cả vùng. Lúc bấy giờ nơi này đã được khoảng 40.000 hộ bao gồm cả người bản địa và lưu dân.
Khi vào đến nơi Nguyễn Hữu Cảnh đã ra sức ổn định dân tình hoạch định cương giới xóm làng "lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ lập xứ Đồng Nai là huyện Phước Long dựng dinh Trấn Biên lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình dựng dinh Phiên Trấn".
Ông tâu chúa Nguyễn điều thêm dân từ miền Trung vào khai hoang người Việt kéo vào rất đông. Bởi vậy Đàng Trong truyền tụng những câu:
Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định Đồng Nai thì về
hay:
Làm trai cho đáng nên trai
Phú Xuân đã trải Đồng Nai cũng từng
Năm 1699 rộ lên nhiều vụ đánh cướp người Việt tại nhiều nơi hẻo lánh dọc theo sông Cửu Long Nguyễn Hữu Cảnh nhận lệnh đem quân dẹp loạn. Gần cuối tháng 4 năm 1700 tình hình tạm yên Nguyễn Hữu Cảnh kéo quân về đóng ở cồn Cây Sao (sách gọi cù lao Sao Mộc hay Tiêu Mộc hoặc châu Sao Mộc - sau này dân địa phương gọi cù lao Ông Chưởng thuộc huyện Chợ Mới tỉnh An Giang) báo tin thắng trận về kinh.
Theo Gia Định thành thông chí ở đây một thời gian ông bị "nhiễm bệnh hai chân tê bại ăn uống không được. Gặp ngày Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 Âm lịch) ông miễn cưỡng ra dự tiệc để khuyến lạo tướng sĩ rồi bị trúng phong và thổ huyết bịnh tình lần lần trầm trọng. Ngày 14 ông kéo binh về ngày 16 đến Sầm Giang (Rạch Gầm Mỹ Tho) thì mất. Khi ấy chở quan tài về tạm trí ở dinh Trấn Biên rồi đem việc tâu lên chúa Nguyễn Phúc Chu rất thương tiếc sắc tặng là Hiệp tán Công thần thụy là Trung Cần hưởng 51 tuổi. Người Cao Miên lập miếu thờ ông ở đầu châu Nam Vang. Nơi cù lao ông nghỉ bệnh nhân dân cũng lập đền thờ được mạng danh là cù lao Ông Lễ. Còn chỗ đình quan tài ở dinh Trấn Biên cũng lập miếu thờ".
Trong các sách Hoàn vũ ký Nhất thống dư địa chí Đại Nam nhất thống chí Đại Nam dư địa chí ước biên Nam Kỳ địa chí... đều có ghi rõ những nơi lập đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh như Biên Hòa Long Xuyên Châu Đốc Sài Gòn Nam Vang... Trong đó đền thờ lớn nhất tại Cù Lao Phố là nơi ông dừng chân khi đến phương Nam và cũng là nơi dừng linh cữu ông trước khi đưa về cố hương. 
Sau khi Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh mất những nông dân vùng Ngũ Quảng xưa kia theo chân Đức ông đến Cù Lao Phố đã ngược dòng Đồng Nai đến một cù lao khác là cù lao Tân Triều để lập làng lập ấp và đặt tên làng Tân Bình lấy tên một huyện của quê hương Đức ông ở Quảng Bình. Nhớ Nguyễn Hữu Cảnh nhưng thật bất công khi  chúng ta quên các đời chúa Nguyễn bởi không có vua hiền thì không thể có tôi sáng và nếu không có người nhìn xa trông rộng như Chúa Nguyễn Phúc Chu thì liệu công lao của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh có được nhắc đến như hôm nay?
Trên con đường đi tìm lại dấu vết xưa chúng tôi đã bao lần bồi hồi xúc động khi lần giở lại từng trang lịch sử.  
Hoàng hôn buông xuống trên Cù Lao Phố. Ngàn vạn buổi hoàng hôn êm đềm như thế này đã đi qua đây. Hồn tiền nhân nay ở đâu? Chỉ thấy gió ngàn xưa lay động trong bóng dừa.
Nguyễn Một
Theo http://nguyenmot.vnweblogs.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cổ tích mới thời thế giới phẳng

   Cổ tích mới thời thế giới phẳng Truyện ngắn hiện đại đang trên con đường khám phá, vén mở thi pháp mới. Mỗi nhà văn đều tìm kiếm, khai ...