Thứ Ba, 19 tháng 6, 2018

Nhớ… tóc gió thôi bay

Nhớ… tóc gió thôi bay
Cứ mỗi lần về thăm quê ngoại, hình ảnh mẹ tôi ngồi gội đầu chải tóc bên hiên nhà chợt sống lại trong tâm trí tôi. Ngày ấy mẹ để tóc dài, mái tóc mẹ dày và óng mượt tự nhiên nhờ gội đầu bằng nước Bồ kết hay hoa Bưởi… Ngoại nói: gội đầu với Bồ kết giúp cho tóc đen mượt, không rụng. Còn gội bằng hương Bưởi cho tóc thơm, một mùi thơm thoang thoảng rất mộc mạc của hương hoa đồng nội.
Thời ấy con gái làng quê ai chẳng đề tóc dài đến ngang lưng. Ngoại dạy mẹ phải giữ mái tóc dài vì con gái phải thế và mẹ đã giữ gìn mái tóc. Thời con gái tóc của mẹ đen huyền, dài mượt, nhiều người khen tóc mẹ dày đẹp, nét đẹp của cô gái chân quê. Ngày đó, mẹ dưỡng tóc nhờ nước Bồ kết. Mỗi lần gội đầu mẹ đi hái, đi lượm trái bồ kết đem về bỏ hạt rồi nướng thật thơm, sau đó bỏ vào nồi nước nấu sôi. Nước bồ kết có màu nâu sẫm, khi gội hương bồ kết trên tóc mẹ lan tỏa và thơm ngát cả một thời thơ ấu.
Có lần con giành múc nước cho mẹ gội đầu để được hít hà hương bồ kết thoang thoảng trên tóc mẹ... Thế rồi, tuổi xuân của mẹ đi qua, nhìn dáng mẹ gầy hơn trước, có lẽ nắng mưa cuộc đời đã làm mái tóc dày của mẹ thưa dần vì rụng nhiều, con thương mẹ và thương mái tóc dài quá đỗi. Thời gian thật khắc nghiệt khi cứ trôi nhanh… khi tuổi mẹ đã già nua.
Vậy mà, hình ảnh Mẹ già ngồi im bóng, mái tóc sương ru con bạc lòng… vẫn không bao giờ phôi pha trong nỗi nhớ của con. Sau này, khi con lớn lên, con sẽ đi tìm mái tóc ngày xưa của mẹ qua bóng hình một người con gái nào đó, có mái tóc đen, dài giống mẹ.
Người con gái tóc ngang bờ vai, trong cơn gió chiều như có chút ngại ngùng, tôi theo sau tà áo dài trắng, theo sau bước chân em cùng sợi tóc tung bay trong gió. Ôi! Cô em bạn cùng trường. tôi yêu ngày xưa lắm… nhưng giờ thì Tóc gió đã thôi bay, em ra đi về nơi chốn xa để tôi lạc mất dấu chân em. Giờ chỉ còn lại một sân ga vắng vẻ, buồn hiu hắt.
Lòng tôi có đôi lần khép lại, rồi bên vết thương tôi quỳ. Vì em đã mang lời khấn nhỏ, bỏ tôi đứng bên đời kia…
Tóc thề
Không phải ngẫu nhiên mà người ta trân trọng, yêu quý mái tóc của người phụ nữ. Mái tóc là cả một huyền thoại, Nó chất chứa những tình cảm, yêu thương mặn nồng và ẩn dấu.
Những câu chuyện tình rất đỗi thủy chung. Chẳng vậy mà trong cõi riêng Âm nhạc nhiều tác giả đã hóa thân cho tóc thành suối mây ngàn, thành dòng nước hiền, hay con sông dài, và đâu đó vẫn còn lãng đãng chút nhớ nhung thuở nào…

Có lẽ những người nghệ sĩ chẳng bao giờ chịu bỏ qua bất cứ cơ hội nào có thể ca ngợi nét đẹp của người phụ nữ. Từng sợi tóc mai cũng mãi là những vấn vương trong tình thơ ý nhạc làm đắm say lòng người.
Người từ trăm năm về phai tóc nhuộm, ta chạy mù đời ta chạy mù khơi, quỵ té trên đường đời, sợi tóc vương chân người… rồi như thể nuối tiếc. Còn đâu em ngoan tóc rối ngổn ngang, tuổi em đôi mươi xuân mới vừa sang… hoặc Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn, mà mùa thu dài lắm ở chung quanh…
Trong tận cùng của Dư âm vẫn còn đó Mái tóc nhẹ rung, trăng vờn làn gió… cho nên Có yêu nhau xin yêu ngày thơ ngây, lúc mắt chưa nhạt phai, lúc tóc chưa đổi thay... để mãi mãi Má em màu ngà tóc thề nhẹ vương…
Khi nghe nhạc Trịnh ta thường bắt gặp hình ảnh mái tóc của những cô gái Huế, bởi chỉ tiếng Huế mới có hai chữ tóc thề song vì sao gọi là tóc thề thì cho đến nay cũng chưa ai giải thích một cách rõ ràng!
Qua tìm hiểu những người dân xứ Huế thì được họ giải thích như sau: Tóc thề, ngụ ý nói con gái Huế còn ngây thơ, tóc để xõa bờ vai.
Thi ca và âm nhạc là một cuộc hôn phối, là sự kết hợp tuyệt vời, và là cách thể hiện chân thành nhất nỗi lòng của con người trong cuộc sống. Cuộc tình giữa âm nhạc và văn học đã thức tỉnh và chạm đến cõi tâm linh của đời sống con người, giúp con người thăng hoa thoát ra khỏi kiếp trầm luân, để cứ mãi Thương nụ cười và mái tóc buông lơi…
Hình ảnh mây và tóc em bay trong chiều gió lộng là hình ảnh rất dễ thương, và đáng yêu vô cùng như Thuyền và Biển dù thuyền vẫn chưa ghé bến. Thế nhưng, nhân gian kể rằng, ngày xưa con gái Huế thường để tóc dài tự nhiên, khi có một biến động về tinh thần, thường cắt mái tóc để làm chứng cho lời thề của mình, do đó mới gọi là Tóc thề.
Khi đính hôn, người con gái phải kẹp tóc, ra đường người khác nhìn vào mái tóc đã kẹp, thì hiểu ngay đó là biểu hiện đã được đính hôn nên không ai còn tơ vương, dòm ngó. Khi đã có chồng hoặc lớn tuổi thì phụ nữ thường búi tóc, cuộn thành từng lọn ở phía sau. Do đó ca dao Huế có câu:
Ghét thay con gái Phong Chương
Đầu thì kẹp tóc ra đường ghẹo trai
Câu này có ý trách mắng cô gái, đã kẹp tóc cũng đồng nghĩa như đã có chồng, không còn tuổi nào lang thang thành phố tóc mây cài… vậy mà ra đường ghẹo trai, như thế là vi phạm tiết hạnh, cho nên thiên hạ mới ghét thay!
Có đôi khi gió heo may đã về… và gió hôn tóc thề, hình ảnh tóc em gầy trong gió ấy đôi khi giúp nhận ra chút niềm vui ở chỗ gió sẽ mừng vì tóc em bay... Tóc còn bay tức là tóc chưa kẹp, chưa kẹp nghĩa là chưa đính hôn, chưa có chồng, nhờ vậy mà những tâm hồn lãng mạn, đa tình như chúng ta mới có thể mở lời yêu thương bằng cách gọi nắng cho tóc em cài loài hoa trắng rơi hay như đóa hoa hồng cài lên tóc mây.
Nhưng rồi hình tượng cho mây hờn ngủ quên trên vai cũng làm ta lúng túng, bâng khuâng, thế nên phải vội vã gọi em cho nắng chết trên sông dài Sông dài ở đây chính là hình ảnh mái tóc thề sợi tóc em bồng, trôi nhanh trôi nhanh như dòng nước hiền.
Vậy mà có đôi khi chúng ta phải thốt lên Ôi! tóc em dài đêm thần thoại, rồi khắc họa ra chân dung tay măng trôi trên vùng tóc dài để sau đó bàn tay đưa anh đến quê hương vàng son, vào thời lãng quên, tóc em như trời, xưa đã đi qua ngàn năm nhưng rồi cũng có lúc phải lùa nắng cho buồn vào mắt em và ru mãi ngàn năm, dòng tóc em buồn bởi ca dao có câu:
Tóc mai sợi vắn sợi dài
Lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm
Khi phụ nữ kẹp tóc hoặc búi tóc cũng có nghĩa là họ đã có gia đình, nhưng còn tóc mai thì sợi ngắn sợi dài nên không thể kẹp được, nó thoát khỏi vòng cương tỏa của cái kẹp. Điều đó hàm ý rằng người phụ nữ vì vô duyên, phận mỏng nên không lấy được người mình yêu mà phải lấy người không yêu, cho dù vì vâng lệnh song thân hay phải theo luân thường đạo lý xuất giá tòng phu, nhưng làm sao có thể ngăn cấm được một trái tim thổn thức, một tâm hồn nặng trĩu cứ mãi… ngàn năm thương hoài một bóng hình thôi… Vì Từ lúc đưa em về, là biết xa nghìn trùng…
Có đôi lần người nghệ sĩ phải tự ru ta ngậm ngùi bằng câu hỏi dỗ dành có sợi tóc nào bay, trong trí nhớ nhỏ nhoi hoặc như tóc nào hãy còn xanh, cho ta chút hồn nhiên, môi nào có còn thơm, cho ta phơi cuộc tình. Người yêu thì đã ra đi nhưng trong tận cùng tâm hồn người nghệ sĩ thì vẫn còn đấy nỗi thương cảm vô hạn đôi khi nhớ trong tóc em mùi cây trái thơm tho thế nên ru mãi ngàn năm ru em bạc lòng rồi cứ buồn mãi một màu nuối tiếc trong lời ru ngủ đi em tóc gió thôi bay, tóc có kẹp thì tóc gió mới thôi bay, nên đành ừ thôi em về! để kết thúc một chuyện tình, một cuộc chia tay êm đềm Cuối cùng cho một tình yêu.
Làm sao? Xin hãy chỉ cho tôi biết phải làm sao để không còn vương vấn ngay cả khi mùa xanh lá, loài sâu ngủ quên trong tóc chiều.

Làm sao để chấm dứt một đam mê, một hình ảnh lãng mạn trong lòng người nghệ sĩ khi nói về cái đẹp kỳ diệu của mái tóc thề. Làm sao cho những nhớ nhung, cho nỗi niềm trăn trở không còn quay quắt khi tóc em từng sợi nhỏ, rớt xuống đời làm sóng lênh đênh.
Mái tóc là điểm nhấn quan trọng trên gương mặt của mỗi người, nhất là phụ nữ nên không quá khi nói rằng: Mái tóc dễ gây ấn tượng và sự quyền rũ, mùi hương tóc chính là sự mê hoặc ghê gớm với cánh mày râu.
Cho tôi đi lại từ đầu, xin chưa đi vội về sau...
Ừ! Thôi em về...
Trong âm nhạc Việt, có lẽ chỉ mình Trịnh công Sơn có mở đầu bằng tiếng Ừ! Vậy mà sao Nghe như hiền hòa, tha thiết mà cam chịu. Không hề gượng gạo, rất dân dã, mộc mạc đời thường. Quan niệm sống của ông quả cũng đơn giản và độ lượng, không hề hờn giận hay oán trách ngay cả khi người yêu bỏ ra đi… Ừ! Thôi em về - chiều mưa giông tới… chẳng ai biết Trịnh Công Sơn có bao nhiêu cuộc tình vì họ đến rồi lại ra đi, cứ âm thầm lặng lẽ, nhưng có lẽ ông yêu nhiều lắm. Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ - Ối! những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa…
Tôi yêu nhạc Trịnh nhưng không phải tất cả, tôi mến cách sống, cách nghĩ của ông trong lãnh vực thơ ca âm nhạc, chỉ thế thôi. Những ca từ của ông thoạt nghe tưởng như mơ hồ, nhưng thực ra rất sâu lắng, chứa chan tình ý và trải dài như sông như biển. Nhanh mà chậm. vội vã mà chờ đợi. sôi nổi mà chìm sâu. Mong manh mà vĩnh cửu. hạnh phúc mà khổ đau. Khát khao mà tuyệt vọng… Những ý niệm đó luôn song hành trong đời sống con người.
Tôi không biết ông sáng tác Tình Xa lúc bao nhiêu tuổi nhưng chừng ấy năm góp mặt với trần gian cũng đủ cho ông giật mình nhìn lại mình đời đã rong rêu để rồi vội vã thu xếp để trở về. Trở về để tìm lại chính mình trong bộn bề cuộc sống. Tôi là ai mà còn trần gian thế - Tôi là ai, là ai, là ai…
Trịnh công Sơn sinh ra và lớn lên ở Huế nên ông yêu Huế và những gì thuộc về Huế, cứ 6 tháng sống với Sài Gòn thì 6 tháng còn lại là dành cho Huế. Dù đi đâu ông cũng nhớ Huế, Đường phượng bay mù không lối vào - Hàng cây lá xanh gần với nhau… trong nỗi nhớ của ông bao giờ cũng có mái tóc thề của những cô gái… nữ sinh Đồng Khánh.
Rất nhiều người trong đó có Trịnh công Sơn đều tin rằng, con người được sinh ra từ cát bụi rồi cũng sẽ trở về với cát bụi, trở về nơi xuất phát, điểm khởi đầu như một định luật.

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi
Ôi! Cát bụi mệt nhoài
Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi

Chính vì coi cuộc đời là cõi tạm, kiếp người là một cuộc rong chơi, nên ông đã sống rất vội vàng vì sợ không có nhiều thời gian, ông muốn sống cùng một lúc ở nhiều nơi, sống ở Sài Gòn nhưng luôn nhớ về Huế. 
Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa
Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ
Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà

Sau những ngày tháng rong chơi với bạn bè, người tình… trên trần gian cõi tạm này. Ông đã đón nhận ngày trở về của mình một cách bình thản Thôi về đi, đường trần đâu có gì… tóc xanh mấy mùa… Không thắc mắc, không nuối tiếc sau một cuộc viễn xứ, chuyện đi về với ông xem ra rất nhẹ nhàng như có lần đến trong cuộc đời. Hồn ta gió cát phù du bay về…
Con người tồn tại chính vì biết yêu thương, tha thứ, biết tìm đến nhau và cùng chia sẻ cho nhau. Hiểu theo một cách nào đó, trần gian này quá hạn hẹp, nhỏ bé so với không gian của một tâm hồn bao la, vô hạn…
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không?...
Xin hãy yêu quý từng giây từng phút của cuộc sống này. Bạn nghĩ sao!!!.
Phan Văn Thanh
Theo http://www.truongvanduc.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cuộc hội ngộ sau nửa thế kỷ – Bút ký của Nguyễn Đại Duẫn 29 Tháng Tư, 2023 Cầm điện thoại trên tay, số đã bấm rồi, chỉ cần OK nữa là x...