Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2018

Có một cây lê nở đầy hoa trắng

Có một cây lê nở đầy hoa trắng
Khi tôi còn nhỏ, trước sân nhà có một cây lê. Không nhớ là ba tôi đã trồng hạt hay bứng nó từ đâu về. Nó không cao quá, tôi chỉ cần kiễng chân là với được cành rồi. Đến mùa, hoa lê trắng muốt, tôi ngâm nga: “Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”. Và quả quyết cây lê này chính là cây lê trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn.
Cây lê ra rất nhiều trái, cũng màu trắng. Tôi vặt ăn đến no kềnh bụng mà vẫn không ngán. Trái lê có vị rất lạ, ngọt đằm, hơi chan chát, gần giống với mận nhưng không ngọt bằng những trái mận ngọt, không chua bằng loại mận chua. Hình dáng bên ngoài của nó cũng gần giống trái mận, nhưng ngắn hơn, và có vẻ xốp hơn, không mọng nước bằng.
Cây lê ấy, bị sâu ăn thân hay bị chết vì rễ đâm phải lớp đá khi nào, tôi không còn nhớ rõ. Đã quá lâu rồi, mà vườn nhà tôi cây nào trước sau gì rồi cũng chết vì một trong hai hoặc cả hai lý do trên. Nhưng cứ mỗi khi thấy nắng đã rang giòn phố xá, mắt nở hoa khi chạy xe ngoài đường thì tôi lại hay mơ thấy tôi của ngày nít nhỏ, luẩn quẩn bên gốc lê với một cuốn sách nào đó vừa bắc ghế lấy từ kệ sách chật ních của ba.
Tôi mê sách, giống ba. Nhưng không được như ba luôn giữ sách phẳng phiu, tôi đọc cuốn nào cuốn đó quăn góc, tệ hơn nữa là rách bìa. Tôi lấy từ kệ sách tập thơ Trần Đăng Khoa có tranh minh họa rất ngộ nghĩnh, như bài “Sao không về Vàng ơi!” bên cạnh vẽ một chú cún với cái đuôi ngoáy tít, ra ngồi dưới gốc lê, vừa đọc sách vừa nhai chóp chép. Bữa trước về thăm nhà, cùng mẹ dọn lại cái kệ sách đã quá cũ, tôi gặp lại tập thơ đó, giấy đã ố màu. Tôi nghe tim mình thổn thức, tập thơ giấy đã ố màu, tôi chẳng còn thơ ấu, nhưng những nét vẽ ngộ nghĩnh kia vẫn như dành cho riêng tôi, cho những ký ức của tôi với cây lê nở đầy hoa trắng.
Ba tôi, luôn khuyến khích tôi đọc sách khoa học, bên cạnh sách văn học là thứ tôi tự đắm chìm vào. Chẳng biết với đồng lương giáo viên ba cọc ba đồng và một ít tiền kiếm thêm từ nghề thuốc bắc tự học vừa bán vừa cho bà con chòm xóm, ba lấy đâu ra tiền mà mua được nhiều sách đến thế. Sách lịch sử, văn chương, sách trồng cây, nuôi gà, sách “khám phá khoa học” và cả những sách đố vui dành cho mấy anh em tôi. Mà dạo đó, chẳng dễ gì mua được cuốn sách. Mỗi lần đi Đà Nẵng lấy thuốc, ba lại mang về vài ba cuốn, để trong một bao thuốc bắc. Ba đạp xe từ bến xe đò cách nhà hai chục cây số về, bao giờ cùng với sách cũng là một miếng đường phổi rõ to. Mấy anh em tôi, vì vậy, mỗi lần nghe ba đi Đà Nẵng lấy thuốc, lại khấp khởi đợi chờ.
Trở lại với cây lê hoa trắng. Tôi vốn ghiền trái cây nên đã ăn gần hết các loại trái của đất nước mình, tất nhiên là những thứ người ta có bán. Nhưng quả thực tôi chưa bao giờ gặp lại một quả lê trắng nào như của cây lê trước nhà đã biến mất theo tuổi thơ êm đềm của tôi. Chả nhẽ nào nó là duy nhất, hay chỉ một giấc mơ? Tôi đem câu hỏi này nhờ bạn Google giải đáp, thì với từ khóa “cây lê”, tuyệt nhiên không tìm thấy cây lê nào của tôi trong số hàng ngàn kết quả tìm kiếm.
Có thể, tên của nó không phải là lê, mà chỉ là một giống mận trắng nào đó. Nhưng vì quá yêu vẻ đẹp trong bức tranh mùa xuân của cụ Nguyễn, ba tôi đã đặt lại tên cho nó. Cũng có thể, tên ấy là do tôi tự đặt, trong lần đầu tiên thấy những bông hoa trắng muốt của nó xen giữa lá cành xanh non.
Và cây lê ấy, tôi không thể nào nhớ rõ là nó ở cùng tôi được bao mùa nắng mưa. Nhưng có một điều chắc chắn, dưới bóng mát của nó, tôi đã say mê đọc rất nhiều cuốn sách. Dù cho, tính tình hời hợt, tôi không học được nhiều từ những cuốn sách mình đã đọc, thì chỉ riêng việc đọc chúng cũng đã là một niềm vui.
Và, dù cho cây lê chỉ là một cây mận trắng, tôi vẫn muốn kể về nó với tất cả niềm bâng khuâng, như về người tình đầu tiên gieo vào lòng tôi nỗi thổn thức ban sơ.
Có một cây lê, nở đầy hoa trắng…
Ngô Thị Thục Trang
Nguồn: Tuần Báo Văn Nghệ TP. HCM số 403
Theo http://tuanbaovannghetphcm.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cổ tích mới thời thế giới phẳng

   Cổ tích mới thời thế giới phẳng Truyện ngắn hiện đại đang trên con đường khám phá, vén mở thi pháp mới. Mỗi nhà văn đều tìm kiếm, khai ...