Thứ Tư, 20 tháng 6, 2018

“Cô liêu” của Hàn Mặc Tử và trạng thái tột đỉnh của cảm xúc

“Cô liêu” của Hàn Mặc Tử 
và trạng thái tột đỉnh của cảm xúc 
Cô liêu là một tính từ miêu tả sự lẻ loi và hoang vắng. Hãy hình dung một người đơn độc đứng giữa một khu vực hoang sơ, không có dấu hiệu của con người. Đó chính là tình trạng cô liêu. Cô đơn chưa chắc đã là cô liêu. Con người hiện đại cô đơn ngay trong cuộc sống đô thị, đông đúc dân cư. 
Cô liêu cho phép bạn thoát khỏi sự ảnh hưởng của mọi thứ liên quan tới con người. Bạn không phải nói chuyện, không phải suy nghĩ về ca sĩ này, diễn viên kia, không phải lo lắng về công việc, sức khoẻ hay gia đình. Bạn được một mình với chính bạn. Và nếu bạn thực sự vô ý và vô niệm thì bạn sẽ chỉ cảm nhận mọi thứ xung quanh bạn ở thời khắc hiện tại. Cơ thể bạn trở thành một chiếc ăng-ten thu được mọi tín hiệu tiếp xúc với cơ thể bạn.
Cô liêu cho phép bạn nhập làm một với thiên nhiên. Nhà thơ lãng mạn Anh của thế kỷ 18 William Wordsworth đã viết trong bài Ta độc hành tựa mây  như sau:
I wandered lonely as a cloud
That floats on high o’er vales and hills,
When all at once I saw a crow
A host, of golden daffodils;
Beside the lake, beneath the trees,
Fluttering and dancing in the breeze. 
Bản dịch của Hà Thủy Nguyên:
Ta độc hành tựa mây
Phiêu bồng trên hẻm núi cao tới những ngọn đồi,
Trong phút chốc ta thấy một chùm
Một khóm. Hoa thủy tiên ánh vàng
Cạnh hồ nước, ngay dưới gốc cây
Vẫy gọi và nhảy nhót trong làn gió
Nhà thơ đã đồng nhất bản thân với áng mây - đại diện cho thiên nhiên và cùng hoà nhịp với thiên nhiên. Triết gia Hamvas Béla đã viết như sau về William Wordsworth: “William Wordsworth là một người cô đơn. Nỗi cô đơn này không do số phận gây ra. Ông không gặp những cú sốc, không bị hiểu nhầm, không bị đầy đọa, không bị xua đuổi. Ông sinh ra để cô đơn, và sự cô đơn này con người, đàn bà, bạn bè, cộng đồng không giải tỏa được.
Chưa bao giờ ông biết đồng cảm với các mối quan hệ cũng như mối liên hệ họ hàng với thực thể người, sự hòa hợp làm một trong thiện cảm, trong tình yêu, tình bạn với con người có nghĩa là gì, ông không biết. Cảm xúc tập thể không chạm vào trái tim ông.
Chỉ khi đi vào rừng, ngồi lên mỏm đá trên vách núi, khi dạo chơi bên dòng sông, hay ngắm bầu trời sao, lúc đó ông mới thư thái- và chỉ nhận ra sự cô đơn đồng cảnh của mình trong cây lá, núi đồi, sông nước và mây trời. Sự ngây ngất trước thiên nhiên là khả năng duy nhất dành cho ông, để ông có thể hòa mình với một loại cộng đồng nào đấy, để cuộc sống của ông tiếp xúc với một cuộc sống nào đấy.”
Có lẽ nhà thơ Hàn Mặc Tử cũng có nhiều điểm chung với nhà thơ Anh William Wordsworth khi ta đặt bài “Cô liêu” với “Ta độc hành tựa mây”:
Gió lùa ánh sáng vô trong bãi
Trăng ngậm đầy sông, chảy láng lai
Buồm trắng phất phơ như cuống lá
Lòng tôi bát ngát rộng bằng hai.
Tôi ngồi dưới bến đợi nường Mơ,
Tiếng rú ban đêm rạn bóng mờ,
Tiếng rú hồn tôi xô vỡ sóng,
Rung tầng không khí bạt vi lô.
Ai đi lẳng lặng trên làn nước,
Với lại ai ngồi khít cạnh tôi?

Mà sao ngậm kín thơ đầy miệng
Không nói không rằng nín cả hơi?
Chao ôi! Ghê quá trong tư tưởng,
Một vũng cô liêu cũ vạn đời!
Chao ôi ghê quá! Chao ghê quá!
Cảm thấy hồn tôi ớn lạnh rồi!
Có ánh sáng trăng soi, có gió và tưởng chừng hai thực thể này tách bạch khỏi nhau thì đối với Hàn Mặc Tử, gió đã xua ánh trăng vào bãi. Cảm nhận này có được là nhờ nhà thơ đã cảm nhận không chỉ bằng mắt mà con bằng toàn bộ cơ thể của mình. Nhà thơ cảm thấy trăng và gió đang song hành, có trăng thì ắt phải có gió và có gió thì ắt sẽ có trăng. Ánh trắng lan toả rộng khắp trên mặt sông, chảy lai láng. Ở câu thơ thứ hai, Hàn Mặc Tử đã sử dụng biện pháp đảo từ vừa để tạo nhịp điệu, vừa khiến cho mức độ được tăng thêm đôi phần. Ngoài ra, nhà thơ viết “trăng ngậm đầy sông” thay vì phải viết là “sông ngậm đầy trăng” như logic thông thường, đây cũng là một biện pháp nghệ thuật được sử dụng một cách tự nhiên khi nhà thơ đang bị ánh trăng thu hút. Tác giả tiếp diễn chuỗi cảm nhận qua thị giác của mình ở câu thơ thứ ba “buồm trắng phất phơ như cuống lá”. Việc mô tả cánh buồm xa xa như cánh lá khiến cho người đọc cảm thấy tác giả đã phóng được tầm mắt đi rất xa, đồng thời hút mọi vật ở xa lại gần với mình, liên tưởng cánh buồm như một chiếc lá trên cây phất phơ thật gần. Tất cả những cảm nhận qua con mắt này đã đủ khiến tâm hồn nhà thơ như bao trùm một không gian rộng hơn bình thường, và điều này khiến nhà thơ phải thốt lên “Lòng tôi bát ngát rộng bằng hai”.
Ngôi trên bến sông, với một tâm hồn bát ngát như vậy, không khỏi khiến nhà thơ cảm thấy rất cần một sự sẻ chia. Như một cách tự nhiên, các nhà thơ thường mặc định nghĩ tới một nàng thơ, hay đối với Hàn Mặc Tử ở đây là nàng Mơ. Mơ là vì cõi thực không đủ đố với nhà thơ. Hàn Mặc Tử không thể tìm thấy sự đồng cảm nào đối với các nàng Thực, vậy nên nhà thơ mong mỏi một nàng Mơ. Như một con sói đang đi tìm kiếm bạn, nhà thơ rú lên để cầu vọng một sự đồng điệu. Mỗi khi mong muốn này trỗi dậy là một lần cái mờ ảo trở nên thực hơn bao giờ hết.
Cái bóng mờ mờ bị rạn, sóng bị đánh vỡ và những cây lau bị gió thổi bạt xuống hết. Tâm trạng của nhà thơ đã đồng bộ với thực tại hay nói một cách khác nhà thơ có thể tác động vào thực tại bằng suy nghĩ của mình. Đây chính là giai đoạn sau của những gì có ở khổ 1. Từ cảm nhận xung quanh đơn thuần bằng thị giác và cơ thể đến kết nối với thực tại và tác động làm thay đổi nó.
Ai đi lẳng lặng trên làn nước,
Với lại ai ngồi khít cạnh tôi?
Mà sao ngậm kín thơ đầy miệng
Không nói không rằng nín cả hơi?
Đáp lại vọng cầu của nhà thơ, hình như những linh hồn của tự nhiên quanh đó đã xuất hiện. Từ một hình bóng mờ ảo bước đi trên làn nước, tới một cảm giác mơ hồ như có ai ngồi bên cạnh. Tất cả những cảm nhận này khiến nhà thơ không thể thốt ra thành lời, dù cho cảm xúc dâng trào mãnh liệt, ý thơ và vần thơ lai láng trong đầu. Những dấu chấm hỏi ở đây biểu hiện cho việc nhà thơ không chắc chắn vào những gì mình cảm nhận. Dù cho những cảm giác là thật, nhưng giữa thực và ảo, mơ và tỉnh, nhà thơ chẳng thể tin hoàn toàn vào các giác quan của mình nữa rồi.
Cảm xúc trào dâng đến tột cùng của sự chịu đựng khiến nhà thơ phải thốt lên nhiều lần.
Chao ôi! Chao ôi ghê quá! Chao ghê quá!
Một vũng cô liêu cũ vạn đời.
Tứ thơ này khá tương đồng với một câu thơ của nhà thơ Huy Cận “mang mang thiên cổ sầu” (Ê chề). Thiên cổ sầu là một hình ảnh thơ thường xuất hiện trong thơ để mô tả một nỗi buồn về một quá khứ xa xôi. Hàn Mặc Tử đã tái hiện “thiên cổ sầu” bằng một hình ảnh khá mới lạ trong thơ Việt Nam đó là “vũng cô liêu cũ vạn đời”. Vũng thường tạo cảm giác nhỏ, eo hẹp, tù túng. Phải chăng khi Hàn Mặc Tử cảm nhận được thiên nhiên, chạm được vào linh hồn của thiên nhiên, nhà thơ đã cảm nhận được sự miên viễn của thời gian, của ngàn vạn đời trôi qua trong sự cô độc, không lối thoát?
Toàn bộ bài thơ Cô liêu là một tiến trình cảm xúc dâng lên tột cùng tới khôn kham. Bài thơ được đưa vào tập “Máu cuồng và Hồn điên”, được sáng tác trong những ngày Hàn Mặc Tử bị bệnh phong hành hạ bằng nỗi đau đớn khôn tả của thể xác. Mặc dù cơn đau thể xác dữ dội vô cùng, nhưng ý thơ của Hàn Mặc Tử vẫn thật phóng khoáng, điềm tĩnh, không gợi lên bất kỳ một oán thán hay than thở nào. Cả bài thơ thực sự là một ví dụ điển hình cho sự thoát ra khỏi thân xác, giới hạn của kiếp người để hướng tới một trải nghiệm thanh khiết và siêu việt của linh hồn bất tử.
Lê Duy Nam
Theo http://bookhunterclub.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Trang văn đồng hành số phận 27 Tháng Tư, 2023 Tác giả Lê Xuân (tên thật là Lê Xuân Bột) là một gương mặt hiếm hoi trong giới cầm bút ở...