Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019

Nhất Linh, người chiến sĩ, người nghệ sĩ

Nhất Linh, người chiến sĩ, người nghệ sĩ
Trương Bảo Sơn
Những kỷ niệm riêng với Nhất Linh Nguyễn Tường Tam
Ðể tưởng niệm Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, tôi không có ý nói về sự nghiệp văn chương hay chính trị của ông, việc này đã được nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu viết. Tôi chỉ xin kể những kỷ niệm riêng mà tôi và gia đình tôi còn nhớ được về ông.
Những kỷ niệm của tôi về cố văn hào rất nhiều, vì ngoài gia đình của ông, có lẽ, có thể nói gia đình tôi đã có cái hân hạnh được thân cận, làm việc với ông nhiều nhất, khi ở Trung Hoa, Hong Kong, khi ở Sài Gòn, Ðà Lạt.
Khi ở Hong Kong, ông đã sống với gia đình tôi, về nước, ở Sài Gòn gần như hàng ngày ông đến với chúng tôi cùng làm việc, ăn nhậu, hoặc đi chơi đây đó. Khi ông ở Ðà Lạt, trong gia đình một ông bạn thân là Lê Ðình Gioãn, những ngày cuối tuần hoặc nghỉ lễ, chúng tôi thường lên thăm ông.
Cơ duyên nào đã khiến tôi được gặp gỡ để rồi trở nên một đồng chí thân tín của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, người tôi hâm mộ từ thập niên 1930, khi mới 14-15 tuổi, mê đọc những báo Phong Hóa, báo Ngày Nay, và những tác phẩm của Tự Lực Văn Ðoàn?
Lần đầu tiên tôi được gặp ông, tiếp xúc với ông là ở Chiến Khu của Việt Nam Quốc Dân Ðảng (VNQDÐ), trong tỉnh Vĩnh Yên, sau khi ông từ chức Bộ trưởng Bộ ngoại giao trong chính phủ Liên Hiệp kháng chiến, trên đường ông đi sang Trung Hoa, ở Côn Minh, Trùng Khánh, rồi Thượng Hải, nơi đây tôi gặp ông lần thứ hai vào cuối năm 1946.
Nhất Linh Nguyễn Tường Tam người dong dỏng cao gần 1m80, trán cao, mắt sáng với đôi lông mày rậm, mũi cao, thẳng, đầu mũi thường hoe đỏ khi ông uống nhiều rượu. Ông để ria mép trông như người Âu. Hồi đó ông thường mặc một bộ quân phục Mỹ bằng gabardine màu kaki, ngoài khoác áo da, đi giày botte, trông như một quân nhân hơn là một văn gia chính khách. Ngoài bộ quần áo ấy, ông chỉ mang theo một bộ nữa để thay đổi xếp trong một cặp da, chung với những giấy tờ cần thiết, thế thôi.
Ở Thượng Hải, chúng tôi ở chung với các ông Trần Văn Tuyên, Phan Quang Ðán, Nguyễn Văn Hợi và Nguyễn Gia Trí. Trời mùa đông lạnh dưới không độ, có ngày tuyết rơi lất phất, căn nhà chúng tôi ở không có sưởi, chúng tôi ngủ trên những ghế bố, không chăn, không nệm, Nguyễn Tường Tam mặc nguyên bộ áo nói trên nằm ngủ, trong khi tôi phải lót giấy bằng giấy báo và mặc cả pardessus dầy cộm mà vẫn rét cóng, đủ biết ông có sức khỏe chịu đựng nhiều hơn tôi.
Khoảng một tháng sau, có cụ Nguyễn Hải Thần, các ông Nguyễn Bảo Toàn, Lưu Ðức Trung, Tạ Nguyên Hải, người từ trong nước ra, người từ Quảng Châu tới, hội họp và tổ chức thành một mặt trận mang tên là Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Việt Nam, mục đích ủng hộ cựu hoàng Bảo Ðại đương đầu với Việt Minh và Pháp. (Mặt Trận có chụp một bức hình làm kỷ niệm, trong hình có ông Trịnh Hưng Ngẫu tình cờ tới chơi chứ không phải là thành viên của Mặt Trận).
Nhất Linh Nguyễn Tường Tam thường ít nói, nhưng những đề nghị, lời bàn của ông phần nhiều được mọi người tán thành. Ông hút nhiều thuốc lá hạng nặng, hai ngón tay trỏ và giữa cáu nhựa thuốc. Người ta đồn ông nghiện thuốc phiện, hoàn toàn sai lầm, vì trong nhiều năm sống chung với ông, tôi không hề thấy ông hút bao giờ. Ngay tôi cũng bị người ta đồn bậy là nghiện thuốc phiện, suýt hụt lấy vợ. Trái lại ma túy là thứ tôi ghét thậm tệ, thực dân Pháp với sự tiếp tay của một số người Trung Hoa đã nhập cảng vào Việt Nam để đầu độc từ quan lại, tổng lý tới dân lành, hại không biết bao nhiêu là đồng bào của chúng ta.
Khi được tin cựu hoàng Bảo Ðại tới Hong Kong, các thành viên Mặt Trận kéo nhau xuống đó, nhưng đã không thâu được kết quả mong muốn.
Các chính khách Việt Nam lưu vong chụp hình chung 
với cựu hoàng Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu 
tại Hồng Kông 1947. Nhất Linh Nguyễn Tường Tam 
là người thứ tư, hàng thứ ba từ trái sang. Hoàng Đạo 
Nguyễn Tường Long là người ở góc bên trái, hàng sau cùng.
Ông Bảo Ðại đã không giữ lời cam kết với Mặt Trận là khi quyết định một việc quan trọng về Việt Nam, đôi bên phải tham khảo ý kiến của nhau và lấy quyết định chung, nhất là trong việc điều đình với Pháp phải đòi cho được Việt Nam tự trị, có quân đội riêng, tài chánh riêng trừ ngoại giao đi chung với Pháp. Mặt Trận đã tuyên bố rút lui sự ủng hộ Bảo Ðại. Sau đó ông cựu hoàng này đã tự ý ra vịnh Hạ Long ký kết với Pháp, để được trở về làm quốc trưởng một nước Việt Nam tái hồi thuộc địa Pháp và sau chia đôi với Việt Minh bằng con sông Bến Hải, như chúng ta đã thấy.
Ông Nguyễn Gia Trí và tôi từ Thượng Hải xuống Hong Kong vào khoảng tháng 9-1947, được hai anh em ông Võ Văn Hải (sau là bí thư của ông Diệm) và Võ Văn Lăng mướn cho một gian lều vách ván, lợp giấy bồi sơn hắc ín, không điện không nước ở lưng chừng một ngọn núi đá, trông sang trường đua ngựa Happy Valley. Hàng ngày hai ông này còn đem cơm cho chúng tôi, cho tới khi chúng tôi kiếm được sinh kế. Ông Trí lo vẽ tranh, tôi đi kiếm việc làm và đã được tuyển vào một công ty hàng hải của Hòa Lan. 1948, vợ và con tôi, lúc đó mới ba tuổi đã bắt được liên lạc với tôi và từ Hànội đã sang ở với chúng tôi.
Sau khi hội nghị Hong Kong tan rã, căn lều lại có thêm ông Ðỗ Ðình Ðạo, nguyên tư lệnh Chiến khu Ba của VNQDÐ, và Nhất Linh Nguyễn Tường Tam tới ở chung. Ngay sau lều, có một hốc đá, rộng mỗi bề khoảng năm mét, ông Tam đã thu dọn ngủ trong đó. Chúng tôi gọi nó là động tiên, bước sâu vào độ ba thước đã phải khom lưng, tuy nhiên ông Tam cũng kê được một cái giường nhỏ, một cái giường cùng vài chiếc ghế thấp. Ông lấy ba hòn đá xếp thành một cái bếp, thỉnh thoảng trổ tài nấu cơm tây cho chúng tôi ăn. Phải nói ông có tài làm vài món rất ngon, nhất là biftek Châteaubriand và món bouillabaisse, ông trình bày món ăn cũng rất đẹp mắt với những lá rau, lá hành xanh hoặc củ cải đỏ cắt thành bông hoa.
Cạnh trường đua ngựa Happy Valley, có một bãi đất rộng, cứ tối đến, người đứng từ đằng xa thấy hàng trăm ánh sáng nhỏ lập lòe như đom đóm và những bóng người "mờ mờ nhân ảnh" di động như bóng ma trơi một nghĩa địa. Thực ra đó là một thứ chợ trời, người ta ngoài trò coi bói bài, bói chim, bầy bán nhiều món nhậu hải sản, như ngao, hến, sò ốc, cá mực v.v... trên những chiếc trõng, những chiếc bàn đóng thô sơ hẹp và thấp như một kiểu bàn salon ở Canada. Bàn nào cũng có một ngọn đèn dầu, gió bãi thổi chập chờn. Rất đông khách nhậu nhẹt, ngồi trên những chiếc ghế thấp lè tè. Nhất Linh Nguyễn Tường Tam thích rủ anh em xuống núi đến đó thưởng thức mấy món nhậu bình dân này. Nhất Linh nói ông thích ăn quà rong, như ăn phở gánh ở Hà Nội. Phở gánh là phở người ta gánh đi bán rong trên những vỉa hè. Những chiều đông, ông đứng cạnh nồi nước lèo nghi ngút hơi thịt bò thơm ngon, dùng đũa và lùa hoặc húp xì xụp cái món đặc biệt của Hà Nội băm sáu phố phường này. Ông nói mua đem về nhà, ngồi bàn ăn "tử tế đường hoàng" không thể thưởng thức hết cái thơm ngon của phở bằng cách bưng bát phở lên miệng ăn, trong khi mùi nước lèo bốc vào mũi.
Nhất Linh Nguyễn Tường Tam và Ðỗ Ðình Ðạo hàng ngày họa clarinette với nhau ở cửa động. Ông Ðạo cũng là một cây clarinette trong một ban nhạc chơi ở mấy tiệm khiêu vũ.
Cũng ở cái động và căn lều này, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam ngồi viết văn và khuyến khích Nguyễn Thị Vinh viết cuốn Thương Yêu và Linh Bảo viết cuốn Gió Bấc.
Lại cũng ở đây xảy ra mấy việc đáng ghi nhớ:
Việc thứ nhất là cái chết của em ông Tam, tức Hoàng Ðạo Nguyễn Tường Long. Năm 1948, bà Long đã từ Hà Nội sang thăm chồng. Sau khi bà về nước, ông Long đến ở với chúng tôi, đợi hôm sau đáp xe lửa về Quảng Châu nơi ông thường trú với người em là ông Nguyễn Tường Bách và vài đồng chí khác. Nhưng rồi chúng tôi đã được tin sét đánh ngang tai: ông Long đã chết bất ngờ trên xe lửa khi đến trấn Thạch Long và đã được thân nhân chôn ở trấn này! Không biết tên ông Nguyễn Tường Long có sự ứng hợp huyền bí gì với cái tên địa phương Thạch Long này không? Ông mất đi là một cái tang chung cho VNQDÐ, cho nền văn học của nước nhà, nhưng còn là một nỗi đau thương lớn cho Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. Ông Tam mất đi một người không những là em ruột, mà còn là một đồng chí thân tín, đắc lực nhất.
Việc thứ hai là sự thay đổi lý tưởng của ông Nguyễn Tường Bách, người em út của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. Một hôm ông Bách từ Quảng Châu sang Hong Kong đề nghị với chúng tôi bỏ chủ nghĩa Tam Dân. Sau đó, ông Bách lại ở lại Quảng Châu tiếp tục làm việc trong một bệnh viện dưới chế độ Trung Cộng.
Phải chăng hai việc mất hai người em thân yêu như mất hai cánh tay đắc lực, đã làm cho Nhất Linh Nguyễn Tường Tam xót xa đau lòng khiến nhiều đêm ông đã âm thầm khóc một mình và chán nản, ngưng làm chính trị mất ba, bốn năm trời, ẩn cư ở núi rừng Ðà Lạt?
Việc thứ ba nói ra thật buồn cho tôi. Căn lều vách ván, chơi vơi giữa ngọn núi ở Happy Valley cũng là nơi chi bộ Hong Kong của VNQDÐ tổ chức cuộc họp mặt giữa hai ông Nguyễn Tường Tam và Vũ Hồng Khanh, người tôi vẫn coi như thần tượng cách mạng của tôi với hy vọng dàn hòa hai đại lãnh tụ này của mình, nhưng đã thất bại vì sự ngoan cố của một người đặt vấn đề tiên quyết là "có chấp nhận ông ta là bí thư trưởng tức tổng thư ký - của Ðảng" mới bàn sang vấn đề khác. Ðiều tiên quyết này không thể chấp nhận được vì toàn ban chấp hành trung ương Ðảng ở trong và ngoài nước trong số có cả ông Vũ Hồng Khanh đã chấp thuận và ký biểu quyết cử ông Phan Trâm tức bác sĩ Nguyễn Tiến Hỷ làm Tổng thư ký. Một mình ông Tam không thể tự ý chấp nhận ông Vũ giữ chức vụ bí thư trưởng được. Thế là từ đó sinh xuất ra hai phe, phe ông Vũ và phe ông Tam trong VNQDÐ. Chi bộ Hong Kong cũng chia thành hai phe, mỗi phe theo một ông, bất cộng tác cho tới ngày hai ông hóa người thiên cổ.
Ở Hong Kong, chúng tôi có giai thoại này, xin kể để quý vị đọc cho vui. Chả là con gái tôi hồi đó mới hơn bốn tuổi, được gởi ăn học nội trú ở trường công giáo ở Macao, một hòn đảo cách Hong Kong vài giờ tầu thủy. Một hôm vợ chồng tôi cùng ông Tam sang thăm cháu, khi trở về bất ngờ bị cảnh sát an ninh xét hỏi, và chỉ cho những người Trung Hoa biết nói tiếng Quảng Ðông lên bờ, còn những người nói không sõi, hoặc không hiểu biết tiếng Quảng Ðông đều bị đuổi trở lại Macao. Mục đích của chính quyền Hong Kong ngăn chận những người Bắc phương như Tiên Sinh, Thượng Hải v.v... di cư vào Hong Kong tỵ nạn cộng sản. Ông Tam bị họ không cho lên bờ, phải trở lại Macao. Nhưng trưa hôm sau, chúng tôi thấy ông lững thững về, đầu từ xưa bao giờ cũng để trần, nay đội xùm xụp một chiếc mũ và nét mặt có cái gì là lạ. Chúng tôi nhìn kỹ và cười bò ra: bộ ria mép của ông đã bị cạo nhẵn. Ông cười và giải thích ông phải hóa trang để bọn cảnh sát an ninh khỏi nhớ mặt và đuổi về Macao lần nữa.
Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Việt Nam thành lập ở Thượng Hải giải tán. Thành viên mỗi người đi một nơi. Nhất Linh Nguyễn Tường Tam năm 1950 về Hà Nội, năm sau vào Sài Gòn, sống với gia đình người anh là ông Nguyễn Tường Thụy. Sau ông Trí, gia đình tôi mãi tới 1952 mới về nước, ở Hà Nội ba tháng, rồi theo lời ông Tam, kéo nhau vào Sài Gòn.
Ở đây ông Tam đã mướn sẵn cho gia đình một căn nhà vách ván, nằm sâu trong một cái hẻm đường Hai Bà Trưng (hồi đó còn mang tên tây mà tôi đã quên mất; số nhà thì dài thòng, tôi phải đặt thành vè để bà con, bạn bè và chính tôi dễ nhớ. Câu vè là: "Ba trăm hai tám, tám hai A (328/82/A), bác đến thăm tôi nhớ số nhà."
Ông Tam còn tặng chúng tôi tiền nhà tháng đầu và hai cái giường cùng một bộ bàn ghế bằng tre, tôi rất thích, giữ gìn và dùng mãi đến ngày tôi bị chế độ Ngô Ðình Diệm bắt giam và đày Côn Ðảo.
Từ ngày vào Sài Gòn, ông Tam ở nhà ông Thụy, giám đốc Bưu điện. Ông ở trong một gian phòng nhỏ với con trai út là Nguyễn Tường Thiết. Ông cho tái bản một số tác phẩm cũ và xuất bản những tác phẩm mới của ông và vài ba văn hữu, in tại nhà Nguyễn Ðình Vượng và giao nhà Nam Cường phát hành.
Tuy làm việc đấy, nhưng ông xuống tinh thần, như người thất chí, chán đời, mệt mỏi chỉ tiếp một số bè bạn thân. Ông tuyên bố không làm chính trị nữa và đưa con lên ở Ðà Lạt, lấy thú đi rừng kiếm lan chơi lan để giải buồn.
Ông tìm được nhiều loại lan. Trừ những loại đã có tên nhiều người biết, ông đặt tên cho những loại bông lạ theo hình dáng, màu sắc của nó. Những ngày nghỉ, gia đình tôi thường lên Ðà Lạt thăm ông, thấy trong nhà, nền vách la liệt các loại lan. Chúng tôi theo ông đi tìm lan, mới thấy ông đi bộ rất nhanh và dai sức. Mắt ông lại tinh nên thường trông thấy lan trên những cây cao trước chúng tôi.
Ông yêu lan, mê lan đến độ bưng cả chậu lan Thanh Ngọc lên giường ngủ chung và tặng lan hai câu thơ:

Sắc trong Thanh Ngọc, hương thơm mộng
Một thoáng mơ tiên, thoảng xuống trần
Nhất Linh Nguyễn Tường Tam chơi lan đến độ vô tình đã gây thành phong trào chơi lan ở Ðà Lạt cùng vài tỉnh lân cận.
Khoảng 1955, nhân ông cậu bà Tam và bác sĩ Nguyễn Sĩ Dinh, một bạn thân khác của ông, tậu được một miếng đất ở làng Fin Nôm cách Ðà Lạt độ 30 cây số, ông Tam đã đến đây, tự vẽ kiểu và dựng một ngôi nhà gỗ lợp lá theo kiểu "Nhà ánh sáng" bên cạnh suối Ða Mê. Ông thường mắc võng giữa hai thân cây, để nằm hoặc ngồi viết, hoặc thổi hắc tiêu. Có lần chúng tôi lâu không lên thăm ông, đã nhận được hai câu:
Người đi lâu chửa thấy về
Nhớ người lòng suối Ða Mê gợn sầu...
Rồi một hôm đến thăm ông, chúng tôi thấy ngôi nhà lá của ông nằm tả tơi, cột kèo lăn lốc khắp mặt đất. Nó đã không đứng vững trong một trận mưa to gió lớn.
Ngay sau khi tới Sài Gòn, tôi và một số đồng chí đã tổ chức một chi bộ lấy tên là Chấn Hưng QDÐ, nhưng không phát triển được ở miền Nam, vì đồng bào hồi đó tin tưởng ở Việt Minh. Có người nói Việt Minh đã lấy lại được độc lập cho nước nhà rồi, các anh còn chống đối cái gì! Nước đã độc lập rồi, sao các anh không ở ngoài đó, vào đây làm gì? Hay: các anh QDÐ bị thua rồi phản tuyên truyền làm gì có chuyện con tố cha mẹ, vợ tố chồng vô lý như vậy! Tuy nhiên chúng tôi lại được anh em miền Trung hưởng ứng, có người đã mở trường đặt tên là Chấn Hưng. Do đó mỗi lần gặp ông Tam, tôi vẫn báo cáo công tác của chúng tôi. Nhân vụ nhà Fin Nôm sập đổ, tôi nói đùa là Trời không muốn ông ở Ðà Lạt và đề nghị ông trở lại Sài Gòn lãnh đạo chúng tôi.
Tới 1957, một phần có lẽ vì sức khỏe đã bình phục, một phần những chuyện buồn theo thời gian đã nguôi ngoai, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã hạ sơn, từ giã Ðà Lạt, trở lại Sài Gòn, hoạt động cả về chính trị lẫn văn hóa, để không còn bao giờ có dịp trở lại Ðà Lạt nữa.
Về chính trị, Nguyễn Tường Tam cùng chúng tôi cải thiện chi bộ cốt cán Chấn Hưng, trao những nhiệm vụ quan trọng cho các đồng chí trẻ tuổi. Ông giữ công tác liên lạc với các nhân sĩ, chính khách, các lãnh tụ đảng phái và tôn giáo (như các cụ Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Trần Văn Văn, các bác sĩ Phan Huy Quát, Nguyễn Xuân Chữ, Nguyễn Hữu Phiếm, linh mục Hoàng Quỳnh, v.v...)
Ðối với cố T.T Ngô Ðình Diệm, thoạt tiên chúng tôi rất kính trọng thái độ của ông ở Hong Kong, khi từ chối chức vụ Thủ tướng cựu hoàng Bảo Ðại và Pháp muốn trao cho ông, vì ông cũng đòi hỏi Pháp chấp nhận quy chế tự trị của Việt Nam, với điều kiện Việt Nam có tài chính và quân đội riêng, chỉ có ngoại giao cùng chung với Pháp; nhưng Pháp không chịu, tức thì ông Diệm đã rũ áo đi ngay khỏi Hong Kong.
1954, ông Diệm về nước làm thủ tướng, chúng tôi rất mừng và nhiệt tâm ủng hộ, nhưng chỉ sau khoảng nửa năm, chế độ của ông càng ngày càng lộ ra là độc tài độc đoán, nhất là sau khi ông truất phế Bảo Ðại. Do đó chúng tôi vừa chống cộng sản, vừa chống chế độ Ngô Ðình Diệm và tham gia cuộc nổi dậy năm 1960 của nhóm quân nhân Thi Ðông.
Ở đây tôi xin mở dấu ngoặc để nói về việc làm truyền đơn trong vụ biến cố này. Khi thảo truyền đơn, trong danh sách những người ký tên, chúng tôi đã để tên Nguyễn Tường Tam lên đầu, rồi mới tới tên các cụ Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Trần Văn Văn, Nguyễn Xuân Chữ v.v... ông Tam đã sửa lại để tên ông sau tên ông Chữ. Trước sự ngạc nhiên của tôi, ông giải thích: "Anh đừng quên người ta vẫn nói miền Nam của người Nam, mình là người Bắc di cư, phải lưu tâm và tôn trọng điều đó."
Cuộc đảo chánh thất bại, các đồng chí của ông Tam bị bắt gần hết. Ngoài ra ông Diệm còn cho bắt giam hết các nhân sĩ và lãnh tụ đảng phái và giáo phái khác, không trừ một ai, nhưng... trừ Nguyễn Tường Tam!
Sao có sự lạ lùng như vậy?
Phải chăng vì Ngô Ðình Diệm kính nể Nguyễn Tường Tam?
Phải chăng Ngô Ðình Diệm cho rằng đã chặt hết tay chân của ông Tam đi rồi thì ông Tam không còn làm gì được nữa?
Không bị bắt giam, nhưng Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã bị đòi ra trước tòa án quân sự để xét xử, ngày 7-7-63. Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã không chịu để cái chế độ độc tài thối nát xét xử ông. Ðúng ngày đó, ông đã dùng độc dược tự sát, để lại di chúc như sau:
Ðời tôi để lịch sử xử, tôi không chịu để ai xử cả. 
Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử đối lập 
là một tội nặng, sẽ làm mất nước vào tay cộng sản.
Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình như Hòa thượng 
Thích Quảng Ðức tự thiêu để cảnh cáo những người 
chà đạp mọi thứ tự do. Ngày 7-7-63, Nguyễn Tường Tam.
Cùng chiều hôm đó, một luật sư vào khám Chí Hòa báo tin cho luật sư Lê Ngọc Chấn, cùng bị giam chung với bọn đảng phái chính trị và quân nhân bị bắt sau cuộc đảo chính hụt 1960, chúng tôi vô cùng đau khổ và thương tiếc Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã bàn nhau để tang ông ngày hôm sau khi bị đưa ra trước tòa án quân sự. Một anh em đã hy sinh một chiếc áo đen, cắt thành băng đeo ở cánh tay trái. Vừa trông thấy chúng tôi, ủy viên chính phủ Lê Nguyên Phu nói ngay: "Bọn Quốc Dân Ðảng để tang Nguyễn Tường Tam." Nhưng không phải chỉ có "bọn QDÐ" mà tất cả các chính trị phạm khoảng ba chục người hôm đó đã đeo băng đen, trừ một người là ông Phan Quang Ðán!
Sau khi chúng tôi đứng nghiêm chỉnh trước mặt "ba tòa quan lớn" cụ Phan Khắc Sửu đã giơ tay nói: "Xin phép cho chúng tôi mặc niệm Nguyễn Tường Tam." Chánh án Lê Xuân Khoa (nếu tôi nhớ đúng tên) và Ủy viên Lê Nguyên Phu đều không có phản ứng, sau khi buộc tội đã kết án chúng tôi mỗi người năm năm đày Côn Ðảo.
Chiều ngày Nhất Linh Nguyễn Tường Tam được đưa vào nhà xác, vợ con tôi đã tới nhìn mặt ông lần cuối. Con gái tôi đã đem theo một chiếc sáo, đứng bên cạnh xác "Bác Tam của nó" thổi một bài vĩnh biệt Bác.
Về văn hóa, sự nghiệp của Nhất Linh, thiên tài của văn hào như thế nào, quý vị đã đọc tác phẩm của ông tất đã biết nhiều, sách báo cũng đã đề cập tới, tôi xin phép chỉ kể hầu quý vị những chuyện ở bên lề.
Nhất Linh chủ trương tìm nhân tài và gây dựng nhân tài, khuyến khích những người ông biết là có khả năng viết văn hay làm thơ. Ngoài những Linh Bảo, Nguyễn Thị Vinh, Bình Nguyên Lộc, đã có những bạn trẻ như Nhật Tiến, Tường Hùng, Phương Khanh, và những bạn khoảng 20 tuổi trở lại như Trần Dạ Từ, Lê Tất Ðiều, Trần Tuấn Kiệt và một số bạn khác tôi đã quên mất tên, ngày nay đều là những văn gia, thi sĩ nổi tiếng.
Trong ban biên tập Văn Hóa Ngày Nay, Nguyễn Thị Vinh, Tường Hùng và tôi được Nhất Linh trao lại cho việc đọc và tuyển lựa những bản thảo văn thơ đưa ông duyệt lại trước khi in. Tường Hùng và Tô Hoàng giữ việc trình bày bài vở. Nhất Linh tự vẽ bìa.
Nhất Linh ăn mặc rất giản dị và khiêm tốn như bản tính của ông. Không bao giờ mặc sơ mi cộc tay, tay áo dài thường sắn cao lên, quần rộng, thắt lưng da lỏng lẻo.
Ông đi đâu cũng xách một cái cặp lớn đựng giấy tờ, bản thảo, vài gói thuốc lá Bastos, với một bộ đồ ngủ để tiện đâu ngủ đấy. Ông không dùng máy quẹt lửa, chỉ ưa dùng diêm que. Cây viết của ông hiệu Parker 51, màu xanh, chữ ông viết nhỏ ly ty như đàn kiến bò rất ngay ngắn nhưng khó đọc trên những trang giấy trắng không kẻ dòng mà ông đặt thợ đóng thành những tập 200 trang, bìa dầy. Túng lắm ông mới dùng vở 200 trang có dòng kẻ, bán sẵn ở các tiệm sách.
Nhất Linh làm việc rất mê say, bất kể ngày đêm, không kêu mệt. Ông tôn trọng văn của người khác, không tự ý sửa văn của người khác mà không có ý kiến của tác giả. Ông thường đề nghị và để tùy tác giả sửa hoặc không sửa.
Tiền nhuận bút ông trả cao hơn các nhà xuất bản khác 20 hoặc 50%. Thơ cũng được hưởng nhuận bút, ông giải thích làm một bài hay chỉ có bốn hoặc tám câu không khác gì viết một truyện ngắn, có khi còn khó hơn vì tư tưởng phải xúc tích, cô đọng, trong một phạm vi quá hẹp và quy tắc gò bó.
Văn Hóa Ngày Nay ra được 11 số thì đình bản, mặc dầu được độc giả khắp nơi hoan nghênh. Ôi, chỉ vì nó được hoan nghênh quá xá mà chết non. Nguyên do như thế này:
Trước hết tập Văn Hóa Ngày Nay không được chế độ Ngô Ðình Diệm cho phép xuất bản như một tạp chí mà chỉ là một giai phẩm phát hành không có định kỳ. Vì không có định kỳ nên Bộ Thông Tin kiểm duyệt cố tình để lâu mới trả bản thảo để in. Ông Hoàng Nguyên, chủ sự phòng kiểm duyệt đã nói với tôi rằng ông tuy có nhiều cảm tình với chúng tôi, nhưng không thể làm trái lệnh cấp trên là cản trở tờ Văn Hóa Ngày Nay ra đúng hạn kỳ (tỷ dụ như đúng ngày mồng một mỗi tháng) để độc giả nhớ ngày mua báo. Hơn nữa bài vở phải kiểm duyệt kỹ, nhất là bài của Nhất Linh và Bảo Sơn.
Sau nữa, ngoài chế độ kiểm duyệt, phản quyền tự do ngôn luận này ra, chế độ Ngô Ðình Diệm còn có một thủ đoạn hiểm độc nữa là nhà nước giữ độc quyền phát hành báo chí, kể cả giai phẩm. Ngô Ðình Diệm đã có sáng kiến đặt ra Nhà Phát Hành Thống Nhất, bắt tất cả mọi báo chí phải đưa cho công sở này phân phối. Tập Văn Hóa Ngày Nay bán chạy như tôm tươi mấy số đầu, đã bị ế dần đi. Nhà Phát Hành độc quyền của chính phủ đã thi hành độc kế không gởi đủ số báo cho các tiệm sách đã đặt mua. Chúng tôi khi buộc báo thành từng bó đã cố ý đánh dấu riêng, khi nhận báo từ Nhà Phát Hành trả về, thấy những dấu ấy vẫn còn y nguyên, tức là Nhà Phát Hành đã không làm đúng nhiệm vụ, đã giữ báo của chúng tôi trong kho, không phân phối đi. Có những tiệm sách đến điều đình mua thẳng báo với chúng tôi để có đủ báo bán, nhưng chúng tôi phải từ chối, sợ bị chính quyền gài bẫy. Ðã nghèo lại bị thua lỗ, chúng tôi đành đình bản tờ Văn Hóa Ngày Nay.

Mấy tháng sau, tôi đứng tên xin ra tờ Tân Phong, cũng chỉ được phép xuất bản như một giai phẩm không định kỳ, cuối cùng cũng chịu chung số phận như tờ Văn Hóa Ngày Nay.
Nhờ được thường xuyên ở gần Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, nên tôi hiểu biết rõ con người ông. Ở ông có hai con người, không phải hai con người như nhà văn Võ Phiến đã nhận định là một con người Nhất Linh khi còn trẻ viết tiểu thuyết có chủ đề, theo nghệ thuật vị nhân sinh và một con người khi về già chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật.
Tôi muốn nói ở Nhất Linh Nguyễn Tường Tam có một con người Nhất Linh làm văn hóa và một con người Nguyễn Tường Tam làm chính trị cách mệnh. Mỗi con người ấy đã làm việc một cách cần cù, mê say theo một triết lý tôi gọi là triết lý tuyệt hảo.
Tại sao lại gọi là tuyệt hảo?
Vì con người Nhất Linh khi làm văn hóa đã để hết tâm trí thời giờ và tiền bạc làm công việc cho thật hay, thật đẹp, thật tuyệt hảo.
Và khi con người Nguyễn Tường Tam làm cách mệnh và chính trị, cố đem hết khả năng ra làm việc một cách nghiêm chỉnh cho thật hoàn hảo.
Tôi cần nói rõ ngay rằng ông chỉ làm tuyệt hảo riêng từng việc một, không thể cùng một lúc cả hai việc văn hóa và chính trị. Làm một lúc cả hai việc như vậy kết quả không thể như ý ông, không thể tuyệt hảo được. Khi nghỉ làm văn hóa và chính trị, ông cũng đã chơi lan một cách tuyệt hảo.
Trong thập niên 1930, Nhất Linh đã ra báo Phong Hóa và báo Ngày Nay tuyệt hảo, đã tổ chức Tự Lực Văn Ðoàn một cách tuyệt hảo, và đã viết trên mười cuốn tiểu thuyết tuyệt hảo, vì ông chỉ làm một công việc là văn hóa thôi.
Trong thập niên 1940, Nguyễn Tường Tam không làm văn hóa, đã tổ chức đảng Dân Chính, rồi đứng ra thống hợp bốn đảng: Dân Chính, Duy Dân, Ðại Việt và VNQDÐ một cách tuyệt hảo để chống thực dân và cộng sản. Ở đây tôi phải nói thêm rằng từ khi sát nhập Dân Chính đảng vào VNQDÐ, Nguyễn Tường Tam không bao giờ nhắc tới Dân Chính Ðảng, không bao giờ rời bỏ hàng ngũ VNQDÐ. Ông hoàn toàn hoạt động, phục vụ dưới ngọn cờ Sao Trắng, tuân thủ chính cương, chính sách của VNQDÐ, cũng như không bao giờ đòi hỏi chức vụ này hay chức vụ khác. Trước sau, ông chỉ giữ mỗi chức vụ ngoại giao do Ban Chấp Hành Trung Ương ủy nhiệm cho ông. Ông cũng không bao giờ cậy quyền thế, uy hiếp người khác, ông tôn trọng đường lối dân chủ, tập đoàn lãnh đạo, cá nhân phụ trách của Ðảng, cho nên được mọi người kính mến, tòng phục. Nguyễn Tường Tam đã làm cách mệnh và chính trị một cách tuyệt hảo.
Nhưng... từ giữa thập niên 1950 đến 1963, con người Nhất Linh và con người Nguyễn Tường Tam đã cùng làm việc một lúc, vừa làm chính trị, vừa làm văn hóa. Tuy Nhất Linh Nguyễn Tường Tam cũng đem hết tâm trí, đem hết khả năng ra làm, những mong kết quả cũng tuyệt hảo như hai giai đoạn trước, nhưng có phải sức người có hạn, sự thế vần xoay, hay mệnh trời đã định, cho nên ông đã thất bại về chính trị, đến nỗi phải tự hủy mình chăng?
Dẫu sao cái chết của ông cũng tuyệt hảo như cuộc đời của ông vậy.
Trong phần trên, quý vị chỉ thấy tôi khen Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, kể ra những đức tính tốt của ông, triết lý tuyệt hảo của ông, chắc có vị cũng muốn biết ông có những thói hư tật xấu gì. Tôi xin kể một vài điều.
Trước hết Nhất Linh Nguyễn Tường Tam nghiện thuốc lá hạng nặng và nghiện rượu nhất là la-de. Chính ông "xui" tôi hút thuốc lá. Ông nói làm chính trị cần hút thuốc lá, có cái lợi là mỗi khi gặp vấn đề gì khó trả lời ngay mình có thể rít vài hơi thuốc, rồi từ từ nhả khói ra, để có thời giờ suy nghĩ kỹ. Tôi đã "nghe dại," không những hút thuốc lá mà hút pipe và cigar. Còn rượu thì nói đáng của đáng tội, tôi cũng thích nhậu với bè bạn - thích thôi chứ không nghiện và biết tự hạn chế- nên trong nhà thường trữ sẵn dăm ba chai vang và la-de. Tôi thích nhất rượu Bénédictine và Cointreau, nhưng mắc quá nên ít mua. Một sáng, ngồi uống cà phê với Nhất Linh, tôi đem chai Cointreau mới mua hôm trước ra khoe. Ông đã mở chai rượu ra rót vào ly cà phê của ông. Uống một hai ngụm, ông lại rót thêm rượu, như thế hết hơn một phần ba chai rượu nặng 40 độ. Tôi nói: "Thế này thì anh uống rượu chứ có uống cà phê đâu." Ông đáp: "Ðúng thế. Cointreau pha chút ít cà phê ngon thật, chẳng kém gì cà phê rhum của chị Long." Bà Long tức vợ Hoàng Ðạo, là em dâu ông, nhưng ông quen gọi là chị Long, anh Long.

Viết đến đây, tôi lại nhớ có lần Tường Hùng hỏi ông, trong lúc hội họp, như họp Văn Bút, thì có nên xưng chú cháu với nhau không. Ông đáp nên gọi anh em như mọi người, cũng như trong Ðảng ông vẫn gọi anh Long, anh Bách, hai người em ruột của ông.
Quần áo ông chỉ có vài bộ đủ mặc, không bao giờ ủi, tôi thấy ông có vẻ ngượng mặc quần áo mới hay là ủi thẳng tắp.
Ông không chịu học lái xe, chỉ đi tắc xi và nhất là xe của mấy người bạn thân khi đi chơi xa. Nhiều hôm, ăn cơm tối xong, thấy trời sáng trăng đẹp, chúng tôi rủ nhau đi Vũng Tàu, ngồi chơi bãi biển đến một hai giờ sáng mới về. Có đi khỏi Sài Gòn, ông và bạn bè mới có hứng làm thơ.
Nhất Linh Nguyễn Tường Tam còn thói xấu này, có thể coi là xấu lắm, chính ông và bà Tam đã kể ra vợ chồng tôi mới biết mà chẳng biết con cái ông có biết không? Ấy là ông ít sống với gia đình; người không ưa có thể bảo là ông bỏ bê gia đình vợ con. Ông hết đi Tây du học, đi Pháp chữa bệnh, lại đi Tầu làm cách mệnh, đi Ðà Lạt dưỡng sức chơi lan, một hai năm, ba bốn năm mới về nhà. Và mỗi lần về là dính một bé trai hay một bé gái, dính tất cả đến 13 lần. Việc nuôi nấng săn sóc con cái, gần như ông phó mặc cho bà, thường ví bà như bà Phan Bội Châu. Bà Tam đã buôn bán cau khô, nuôi những bảy con với một chồng. (Tuy sinh 13 lần, nhưng chỉ nuôi được có bảy con, 5 trai và 2 gái). Ông bà cho biết khi kết hôn đã ký "thỏa ước" với nhau bà lo việc trong nhà, ông lo việc xã hội, người nọ không được can thiệp vào công việc của người kia. Thỏa ước này đã được cả hai ông bà tôn trọng đến đầu bạc răng long, sang tận bên kia thế giới.

Hàng năm cứ tới ngày "song thất" tôi lại nhớ tới Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, một lãnh tụ tôi kính trọng, một bạn đồng tâm đồng chí thân mến của tôi và của cả gia đình tôi. Hôm nay tôi hân hạnh kể hầu quý vị những kỷ niệm riêng của tôi với ông, gọi là đốt nén hương lòng tưởng niệm ông.
Võ Phiến
Ðọc bản thảo của Nhất Linh
Tên bài như trên chẳng qua là đặt cho gọn thôi. Nó mơ hồ, thiếu sót, có thể gây ngộ nhận. Tôi không từng "nghiên cứu," cũng chưa đọc được bao nhiêu bản thảo của Nhất Linh, để phát giác ra điều nào đáng kể trong sự nghiệp trước tác của ông.
Sự thực Nhất Linh đã viết nhiều sách, bản thảo những tác phẩm xuất bản trước 1954 không nghe nói có lưu giữ được không? Nhiều hay ít? Hiện tàng trữ ở đâu? Còn lại là cái phần được in ở Sài Gòn sau đó. Trong phần bản thảo ấy tôi cũng chỉ có dịp đọc qua một số ít - rất ít - mà thôi.
Dù vậy sự tiếp xúc với những trang chữ của bậc tiền bối lỗi lạc từng sống một đời đầy dông bão và kết thúc đau thương, sự tiếp xúc ấy gây xúc động và nghĩ ngợi. Ở đây chỉ là dăm ba ý nghĩ căn cứ vào một số trang bản thảo may mắn được xem qua thôi.
Niềm vui
Thoạt tiên người đọc để ý đến điều này: là Nhất Linh thường ghi thời điểm bắt đầu viết mỗi tác phẩm, thậm chí có khi mỗi phần trong tác phẩm:
Ở trang đầu bản thảo Giòng sông Thanh Thủy, có dòng chữ: "Khai bút ngày 26 tháng 11 năm 1960." Dưới đó, bằng nét chữ nhỏ hơn, màu mực khác hẳn, lại có câu: "Bắt đầu viết 28-11-60. Viết xong 28-1-61."
Ở bản thảo cuốn Viết và đọc tiểu thuyết, nơi trang ghi phác sơ lược thứ tự dàn dựng toàn tác phẩm - từ "mấy lời nói đầu" đến "kết luận" - ông đề ngày 21-4-52. Nơi trang 1 (Mấy lời nói đầu) ông đề ngày 10-5-52. [1]. Nơi trang 21 (nói về Các nhân vật) đề ngày 26-6 v.v...
Ghi ngày ghi tháng: Chưa đủ. Có những trường hợp Nhất Linh còn ghi kỹ cả giờ, cả phút nữa!
Ở trang đầu cuốn Xóm Cầu Mới (Bèo giạt) có hàng chữ: "Trên Núi, ngày 16 tháng 10 năm 1949, 1g 30 trưa."
Ở trang phác họa bìa cuốn truyện dài Hai con mắt có dòng chữ: "Vụt nghĩ ra 26-4-1961 - 11 giờ (12 tháng 3 năm Tân Sửu)."
"Trên Núi" là một chỗ ở Hương Cảng. "Trên Núi," hai chữ ấy đưa ra thêm một chuyện nữa: là, ngoài thời điểm, lắm khi Nhất Linh còn ghi địa điểm sáng tác:
Ở trang phác họa bìa cuốn truyện dài Vui buồn (trong bộ Xóm Cầu Mới) bản thảo viết lại lần thứ ba, có lời ghi: "Hàng Bè. 1951." Rồi ở trang đầu tiên cũng bản thảo này, bấy giờ lại mang tên Xóm Cầu Mới, có lời ghi: "Saigon - 1951. Viết lại lần thứ 4." Thì ra cùng trong một năm tác giả đã hăm hở viết lại đoạn sách này hai lần, ở hai nơi, và đã quyết định đổi cả nhan sách.
Bao nhiêu ghi chép ấy trên các bản thảo có ích lợi như thế nào? Ngày tháng, giờ giấc viết, nơi chốn đích xác mình từng ngồi viết ra câu nọ chuyện kia, những cái ấy một khi ghi nhớ rõ sẽ có đóng góp nào cho giá trị tác phẩm, cho công việc sáng tác? Tất nhiên những ký chú về hoàn cảnh biên soạn có ích lợi cho việc nghiên cứu văn học về sau; nhưng đối với chính tác giả thì tôi không có cơ hội nhận thức được cái ích lợi. Họa chăng có nhận thấy cái gì như thể một sự hài lòng, hứng chí, của tác giả khi bắt đầu và khi hoàn tất một tác phẩm.
Dù sao, những dòng chữ nói trên của Nhất Linh đã đưa tôi đến sự liên tưởng tới mấy sự kiện trong đời ông. Chẳng hạn:
Trước 1945 cứ mỗi lần Nhất Linh in xong một cuốn truyện mới, dù bà có bận rộn công việc đến mấy ông cũng yêu cầu bà bỏ hết mọi việc để cùng ông đi bãi biển Sầm Sơn, cùng sống với nhau riêng biệt một thời gian; trong cảnh sống của những ngày vui thú ấy ông tập cho bà hút thuốc, uống rượu, uống trà Tàu. [2]
Một bức ảnh Nhất Linh nằm võng giữa rừng, chụp để "kỷ niệm ngày khai bút Xóm Cầu Mới bên giòng suối Ða Mê, ngày 13-10-57." [3]
Hôm 7-7-1963 ông tự tử. Việc làm đầu tiên trong cái ngày cuối cùng của mình là đích thân mang gói bản thảo tác phẩm chót đến nhà in Trường Sơn (do một người bạn văn chủ trương) để lo việc xuất bản v.v... [4]
Ðọc những dòng chữ li ti ghi trên bản thảo của ông, rồi nghĩ lan man về chuyện nọ chuyện kia đã xảy đến trong đời ông, tôi mường tượng ra hình ảnh ông Nhất Linh cầm bút: Một Nhất Linh hớn hở thấy rõ.
Việc vừa xuất bản được cuốn sách liền mang vợ (hay người yêu) đi Sầm Sơn, đi Ðà Lạt, Vũng Tàu v.v... mấy hôm, việc ấy hồi còn trẻ chúng ta phần đông cũng có thể đã làm. Việc long trọng đề ngày "khai thần bút" viết tác phẩm đầu tay cũng vậy. Nhưng cái sôi nổi của tuổi trẻ qua rồi, công việc viết lách dần dần thành thói quen, có khi là thói quen nhạt nhẽo, buồn chán, có khi (tệ hơn) là lao tác nhọc nhằn (như mấy trang bắt buộc mỗi ngày phải nộp cho nhật báo); bấy giờ chắc không mấy ai còn hứng thú ghi nhớ đoạn văn này viết tại đâu, vào giờ nào phút nào. Chắc thế.
Nhất Linh khi phải rời tòa báo ở 80 đường Quan Thánh Hà Nội ra đi, thì đã có hàng tá nhan sách ra đời, đã có hẳn một sự nghiệp văn học lẫy lừng. Thế mà gần như mỗi lần cầm cây bút lên ông đều hăm hở, đều lấy làm quan trọng. Ý này nẩy sinh trong đầu ông lúc mấy giờ, ngày nào, đoạn văn nọ viết ra vào hôm nào..., ông đều ghi nhớ. Ông mừng dòng chữ đầu tiên, ông mừng dòng chữ cuối cùng của mỗi tác phẩm. Trong xây dựng công trình kiến trúc thì đặt viên đá đầu tiên là chuyện long trọng, rồi vui mừng khánh thành càng long trọng. Trong xây dựng tác phẩm văn nghệ ở Nhất Linh, mỗi bước mỗi như thế.
Vừa rồi có nói đến những người thấy viết lách lâu ngày thành thói quen nhàm chán. Ðó chẳng qua là một phương diện của thái độ tiêu cực. Lại có phương diện khác, ngược lại. Của các vị nhận thấy viết văn là việc cực quan trọng: là nhiệm vụ, là sứ mệnh, là cái nghiệp, là nghiệp vụ, nghiệp dĩ, nghiệp... chướng [5] v.v... Một số các vị khác thấy trước tác là cái lớn lao, thiêng liêng, nhưng là việc cực nhọc, nguy hiểm (!), đòi hỏi sự hi sinh: trong văn có lửa trong thơ có thép có máu, cầm bút cũng như cầm gươm cầm súng...
Trước các bản thảo của Nhất Linh, không thể hình dung ra một con người uể oải chán ngán vì thói quen, cũng không thể nghĩ đến vẻ thê thảm của kẻ mang nghiệp chướng, và cũng không thấy ra hình ảnh một chiến sĩ lừ lừ... Tôi lại tưởng tượng ra một người đang khoái chí.
Khoái chí, tiếng ấy nghe có chỗ hỗn láo? Nó gợi một ý hồn nhiên của trẻ thơ, ít ra cũng một vẻ mừng rỡ trẻ trung. Ðàng này, Nhất Linh bấy giờ đã thuộc lớp tuổi cao niên, trên đường văn nghiệp ông đã đến cái đỉnh của danh vọng. Thế nhưng mỗi lần viết ông còn náo nức. Ông viết mà sung sướng thấy rõ. Cảnh tượng ấy thật cảm động.
Vả lại trẻ trung hay trẻ thơ, náo nức hay sung sướng, thì có gì ngại phô bày? Ông Thánh Thán hể hả la lối om sòm khi gặp bất cứ niềm vui cỏn con nào, sao ta lại dè dặt vì niềm vui sáng tác? Năm 1950, ngày 13 tháng 3, Nhất Linh viết xong chương XII của bộ Xóm Cầu Mới. Bốn mươi hôm sau, ông ghi lên bản thảo mấy chữ: "Sáng 23-4 đọc lại: I am satisfied with me." Câu Anh văn ấy, nếu dịch ra giọng Thánh Thán thì là: "Bất diệc lạc hồ?" Cùng câu ấy nếu đem ra diễn nôm theo giọng bình dân Nam bộ sẽ thành ra: "Tôi khoái tôi quá chời!" chứ còn gì nữa? Tự nhiên thôi.
Nhất Linh nhiều lần nói đến cái sung sướng ở kẻ khác. Cô Mùi là một trong mấy "cục cưng" của Nhất Linh. Ông thấu hiểu hết ruột gan của cô gái ấy. Lúc cô ta bắt gặp mấy chữ trong bức thư của Siêu bộc lộ tình yêu, Mùi bị một "cái sung sướng đột ngột nó như từ ở một nơi xa nào ùa vào tràn ngập cả tâm hồn." Nỗi sung sướng còn phát ra... mùi thơm! "Trong gió thoảng mùi lúa chín thơm và nỗi sung sướng của nàng, Mùi thấy cũng thơm như mùi lúa." [6]
Tôi tưởng tượng ngày 12 tháng 3 năm Tân Sửu lúc 11 giờ, khi cái ý về cuốn truyện Hai con mắt vụt thoáng qua trí Nhất Linh và ông cũng "vụt" ghi ngay lên giấy sự việc ấy; lại tưởng tượng lúc 1 giờ 30 phút trưa ngày 16 tháng 10 năm 1949 ở chỗ "trên núi" tại Hương Cảng khi ông ghi mấy lời vào trang đầu bản thảo Xóm Cầu Mới, thì hẳn là nỗi sung sướng trong lòng ông cũng đột ngột thơm lên chăng?
Ở đời lắm kẻ bảo mình có duyên tiền định đối với chữ nghĩa, không sao rời được văn thơ; tuy vậy gặp được một chứng cứ viết lách hào hứng mê say như Nhất Linh không dễ đâu.
Trong trường hợp ông, chứng cứ là bộ Xóm Cầu Mới. Khi bắt đầu đăng báo, tác giả viết "Mấy lời nói đầu," cho biết bộ trường giang tiểu thuyết ấy dài gần vạn trang, hiện đã thảo sáu cuốn, mong sẽ viết độ hai chục cuốn nữa, trong đó có truyện dày tới nghìn trang, có truyện hai ba trăm trang. [7] Dự định một vạn trang sách rồi không thực hiện được. Mười năm sau khi tác giả qua đời, bộ Xóm Cầu Mới được ấn hành làm hai cuốn, dày 713 trang.
Chừng ấy trang sách đâu phải thảo ra một hơi là xong. Xóm Cầu Mới lần đầu viết năm 1940 tại Hà Nội; lần thứ hai năm 1943 tại Quảng Châu (Trung Hoa), lần thứ ba năm 1949 tại Hương Cảng (Trung Hoa), lần thứ tư năm 1951 tại Hà Nội, lần thứ năm năm 1957 tại Fin Nôm (Ðà Lạt). [8]
Trong lịch sử văn học ở nước ta có được bao nhiêu câu chuyện viết văn làm thơ mà năm lần bảy lượt như vậy? Ðến lần thứ năm, cái viết vẫn còn đầy hứng thú. Cứ trông tấm hình kỷ niệm và dòng chữ bên dưới thì biết.
Ðến đây có lẽ nên dừng lại chút xíu trước một chi tiết: Từ 1940 đến 1957 là 17 năm. Chừng ấy thời gian cho một pho truyện: lâu quá. Thật ra Xóm Cầu Mới là một chứng cứ mê say của Nhất Linh, không phải một chứng cứ viết chậm.
Chúng ta đã biết tác giả có ghi trên bản thảo Giòng sông Thanh Thủy rằng bộ truyện này bắt đầu ngày 28-11-60, viết xong ngày 28-1-61: Hai tháng. Bộ truyện gồm ba cuốn: cuốn đầu (Ba người bộ hành) dày 192 trang, cuốn sau (Chi bộ hai người) 135 trang, cuốn chót (Vọng quốc) 147 trang. Non năm trăm trang sách ấy viết trong một hoàn cảnh đặc biệt: Trước khi Nhất Linh bắt đầu bộ sách 17 hôm là ngày xảy ra chính biến 11-11-60. Truyền đơn Mặt trận Quốc Dân Ðoàn Kết do ba nhân vật đứng tên: Phan Khắc Sửu, Nguyễn Xuân Chữ, Nguyễn Tường Tam. Mặt trận thất bại, Nhất Linh bỏ nhà trốn lánh, hơn một năm trời nay đây mai đó, gia đình không rõ tung tích.
Xóm Cầu Mới là sách viết chạy, Giòng sông Thanh Thủy là sách viết chui. Tình cảnh cùng gian truân cả. Cuốn sách viết nhanh lại là cuốn được tác giả thích ý. Ông ước mong sách được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp. Trên trang đầu của bản thảo, ngoài bốn chữ Giòng sông Thanh Thủy ông còn tự mình dịch sẵn nhan sách ấy ra ba thứ tiếng khác: Thanh Thủy hà (chữ Hán), La rivière claire (Pháp) và Limpid water river hay Clear water river, hay Clear river (Anh).
Eudora Welty là một tiểu thuyết gia Hoa Kỳ đồng thời với Nhất Linh; bà vừa mới qua đời. Ngày nhỏ, bé Eudora chưa viết được truyện (dĩ nhiên!), chỉ ham nghe kể truyện, nghe mê mẩn. Lớn lên, khi được bảo cho biết rằng truyện là do có kẻ viết ra chứ không phải tự nhiên sinh ra như cỏ dại, bà kinh hãi và thất vọng quá chừng.
Bà Welty ấy nếu được biết luôn đến trường hợp viết truyện của Nhất Linh - viết đi viết lại, viết chụp giựt trong cảnh trốn lén - thì bà còn hồn vía còn bụng dạ nào dám viết tiểu thuyết nữa!.

Nỗi khổ
Nhất Linh, hễ cứ viết là ông thấy vui sướng. Như vậy ông phải là kẻ sung sướng nhất đời, sung sướng không ai can nổi.
Ðòi có nhà lầu xe hơi tiền muôn bạc triệu mới thấy sướng, đòi có quyền cao chức trọng mới thấy vui thì khó. Chứ đối với người chỉ cần một gian nhà nhỏ bên suối, với cơm ba bữa mỗi ngày, một cái võng, một ống tiêu, với một cây bút, thì họa chăng có ông Tần Thủy Hoàng sống dậy mới bắt người ấy khổ được thôi. Ngoài ra, ai bắt được?
Ấy vậy mà Nhất Linh rất khổ. Trong văn giới xưa nay hiếm ai khổ bằng ông.
Hoàng Xuân Hãn lần đầu biết Nguyễn Tường Tam vào dịp hai vị cùng tham dự vào phái đoàn Việt Nam trong cuộc họp với Pháp ở hội nghị Ðà Lạt. Bấy giờ - năm 1946 - Nguyễn Tường Tam là bộ trưởng bộ Ngoại Giao, chủ tịch phái đoàn Việt Nam (Võ Nguyên Giáp là phó trưởng đoàn). Nhận xét về phong độ Nguyễn Tường Tam, ông Hoàng Xuân Hãn viết: "Cử chỉ lễ độ, ăn nói chững chàng, trong buổi xã giao hội họp với kẻ chức trách, hoặc phái viên Pháp, ảnh đã có thái độ cử chỉ đoan nghiêm và đúng mức, không làm thẹn chức vụ bộ trưởng Ngoại Giao và chủ tịch phái đoàn Việt Nam." [9] Về ngoại dạng, ông chú ý đến "đôi mắt to nhưng ra vẻ mệt nhọc hay chán chường."
Trong năm 1946 Nguyễn Tường Tam rời Việt Nam sang Trung Hoa ở cho đến 1951. Tình trạng tệ hơn. Ông Nguyễn Tường Bách nhận xét: "Anh Tam hồi ấy có lẽ vì mệt mỏi nên mắc bệnh suy nhược thần kinh. Mọi người chủ trương anh phải tịnh dưỡng một thời gian, không nên tham gia những hoạt động có thể đưa lại những kích thích quá mạnh." [10]
Năm 1954, Nguyễn Ngu Í đến gặp Nhất Linh để thực hiện một cuộc phỏng vấn, ở Sài Gòn. Nhớ lại bức ảnh in trong một cuốn sách Ðời Nay trước kia, so với ông Nhất Linh bây giờ trước mặt mình, Ngu Í "bùi ngùi vô hạn." "Anh dường như yếu nhiều, và chẳng những tay anh hơi run, mà phía dưới hai gò má anh cũng giựt lia, giọng anh liu líu, hơi nói chẳng được dài. Và cả người anh một cái gì mệt mỏi, chán chường." [11] Run rẩy, giựt lia, liu líu v.v...: bùi ngùi vô hạn là phải.
Các vị trên đây dẫu sao chỉ ghi nhận cảm tưởng qua các cuộc gặp gỡ. Người con trai út của Nhất Linh - anh Nguyễn Tường Thiết - từng sống bên cạnh cha một thời gian dài sau 1951 đã biết thêm những điều thầm kín đau đớn. Tháng 4-1951, Nhất Linh với anh là Nguyễn Tường Thụy vào ở Sài Gòn. Anh em cùng ở một nhà. Nguyễn Tường Thiết kể: "Nhất Linh thường viết trong đêm khuya khoắt. Những khi giật mình thức giấc nửa đêm tôi thường thấy, qua khe cửa, đèn trong phòng ông còn bật sáng. Có đêm lũ chúng tôi lồm cồm bò dậy vì có tiếng khóc trong phòng cha tôi. Tiếng khóc lúc đầu còn nhỏ sau lớn dần không kìm hãm được. Lũ chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau (...). Sau này tôi biết ông đã khóc âm thầm nhiều đêm vào những dịp khác. Không ai có thể đoán biết ông khóc cái gì, ngay cả mẹ tôi cũng không thể nào biết được. Nhưng sự khám phá này đã gieo vào tuổi thơ của tôi một ấn tượng mạnh mẽ, rằng cha tôi là một người cô đơn và đau khổ. Ngoài ra những giấc mơ kỳ lạ và kinh hãi cũng được tôi hình dung thấy qua giấc ngủ của ông, qua cách ông trằn trọc ú ớ trong đêm." [12]
Năm 1954 Nhất Linh sang Pháp chữa bệnh. Từ Pháp về, sống ở khu phố chợ An Ðông ít lâu, rồi ông lên Ðà Lạt ở luôn mấy năm. Vẫn theo lời Nguyễn Tường Thiết thì dạo này ông khỏe mạnh.
Tuy vậy cái khóc của Nhất Linh thì vẫn còn.
Sau 1975, cùng sống với nhau ở tiểu bang Minnesota (Hoa Kỳ) vài năm, tôi được nghe ông Vũ Khắc Khoan nhắc đến một kỷ niệm về Nhất Linh: Một buổi chiều ở Sài Gòn ông Vũ có dịp ngồi nói chuyện với Nhất Linh, trong phòng chỉ có hai người. Bấy giờ là đầu thập niên 1960, Sài Gòn xôn xao không khí chính biến. Ông Vũ tỏ ý lo ngại tới sự an toàn của Nguyễn Tường Tam. Ông Nguyễn bảo rằng thực ra lúc này ông không trực tiếp hoạt động chính trị, chẳng qua bạn bè và đồng chí cũ có điều gì hỏi đến thì ông góp ý thôi. Ông Vũ nói mình biết có những người hoặc bị tù tội hoặc đã hi sinh tính mạng vì sự tin tưởng vào ông (Nguyễn) đấy. Không nghe đáp lại. Lát sau, ông Vũ quay nhìn, thấy ông Nguyễn đang khóc lặng lẽ.
Niềm đau khổ âm thầm của Nhất Linh, trước kia người thân trong gia đình không thấu hiểu nguyên do. Về sau, nguyên do tự hé lộ: gốc nguồn là từ những hoạt động chính trị.
Năm 1946 tại hội nghị Ðà Lạt, một hôm Nhất Linh ốm, nằm trong phòng, Hoàng Xuân Hãn đến thăm, trò chuyện. Nhất Linh bảo: "Những việc chính trị, thôi để các anh làm. Còn tôi thì về với văn hóa mà thôi." [13] Ðộ mười năm sau, khi sống tại Ðà Lạt, có hôm bỗng nhiên ông buột miệng nói ra và Nguyễn Tường Thiết ghi nhớ: "Có một lần hiếm hoi ông đã tiết lộ với chúng tôi là thời gian khổ sở nhất trong cuộc đời của ông là lúc ông đảm nhận chức vụ bộ trưởng bộ Ngoại Giao trong chính phủ Liên Hiệp." [14]
Với Hoàng Xuân Hãn, Nhất Linh bảo anh làm chính trị tôi làm văn hóa thôi. Sau đó, chính Hoàng Xuân Hãn về với văn hóa mà Nhất Linh lại dây dưa dính mãi vào chính trị. Với con, Nhất Linh bảo ông khổ nhất là lúc làm bộ trưởng. Sau đó cái khổ nhất lại đến với ông lúc ông đứng ngoài chính quyền, không còn giữ một chức vụ gì cả. Khổ nhất hẳn là việc tự hủy mình.
Văn nghệ với chính trị là hai yếu tố chính trong đời Nhất Linh. Ngày 7-7-1963, vào khoảng 4 giờ chiều ông uống thuốc độc thì 11 giờ trưa trong lúc cha con trò chuyện lần sau cùng, Nguyễn Tường Thiết (không biết đến ý định quyết liệt của cha) đã gợi ý ông viết hồi ký; ông bảo chuyện ấy ông có nghĩ tới hồi 1958 ở Ðà Lạt: "Cậu dự tính viết ba quyển: cuộc đời làm báo và viết văn của Nhất Linh, cuộc đời làm cách mạng của Nguyễn Tường Tam và quyển thứ ba cậu viết về hoa phong lan. Nhưng về đây cậu bận vì tờ Văn Hóa Ngày Nay nên chỉ viết được cuốn Viết và đọc tiểu thuyết, sau đó lại dính vào những rắc rối chính trị, không có tâm đâu mà viết (...) Chuyện chính trị nhiều khi cái không khí nó bắt buộc mình phải tham gia, như cái tình trạng hồi Pháp thuộc, lúc đó, nếu cậu không đứng ra làm việc nước thì trong lòng áy náy chẳng làm được chuyện gì khác. Nhiều khi người ta bị đẩy tới guồng máy hoạt động một cách rất giản dị không ngờ, rồi như những bánh xe ăn khớp nhau, họ bị đẩy dần vào vòng trách nhiệm. Ngay cả hồi chơi hoa phong lan ở Ðà Lạt, cậu vẫn thấy mình không thể đứng ngoài vòng trách nhiệm ấy, nên phải về hoạt động lại ở Sài Gòn. Chính vì thế làm chính trị lúc tiến thì dễ lúc rút thì khó." [15]

Cách cái chết năm tiếng đồng hồ, Nhất Linh tóm tắt đời mình vào ba việc, trong đó phong lan là cái chơi, hai việc kia là cái làm: văn chương và chính trị. Một bên là niềm vui, một bên là nỗi khổ. Một bên muốn tiếp tục mà không được, một bên muốn rút lui lại không khỏi. Một bên đưa tới bộ Xóm Cầu Mới, một bên đưa tới bộ Giòng sông Thanh Thủy, hai tác phẩm cuối cùng của ông.
Xin trở lại mấy trang bản thảo.
Năm 1958, khi cho đăng Xóm Cầu Mới trên báo, tác giả viết "Mấy lời nói đầu," trong đó có câu: "Cứ đọc những truyện dài trên kia, các bạn cũng đã lĩnh hội được phần nào cái ý chính của toàn bộ, nghĩa là không có ý chính gì cả ngoài cái ý tả cuộc đời về đủ mọi mặt." [16]
Sau đó, viết Giòng sông Thanh Thủy, Nhất Linh lại lấy làm quan trọng về cái ý truyện. "Sau đó," tức ba năm sau: ngày 10 tháng 1 năm 1961. Hôm ấy ông đắn đo suy đi nghĩ lại, ông viết "ý truyện" một lần thứ nhất, rồi không vừa ý, ông gạch bỏ đi, lại viết "ý truyện" một lần thứ hai. Lúc ấy là 5 giờ sáng. Lần trước gạch bỏ bằng bút mực đen, xong lại gạch nữa bằng bút chì đỏ. Lần sau chỉ có nét gạch bằng bút chì đỏ thôi. Ðến khi sách xuất bản, cả hai đoạn ý đều không được in ra.
"Ý truyện," viết đi viết lại nội dung gần như nhau. Xin lấy bản viết sau: "Mỗi người đều có một ‘kiếp’ (karma); mọi hành động đều do những sức ngấm ngầm trong bản thân thúc đẩy. Cuộc đời mình đi vào con đường nào đều do sức thúc đẩy mà mình không tự biết ấy tuy mình vẫn tưởng là chính mình tự chọn. Khi đã đi vào con đường ấy, mình bị một ‘guồng máy vô hình’ lôi cuốn, khó lòng thoát khỏi, chỉ việc noi theo, không nhận định được đâu là xấu đâu là tốt, đâu là sự thực đâu là sai lầm."
Mặc dù "ý truyện" không được in vào sách, ý truyện vẫn hiển lộ rõ ràng trong Giòng sông Thanh Thủy (Có lẽ chính vì sự hiển lộ quá rõ, quá đầy đủ trong truyện mà nó không cần được tách ra nêu ở đầu sách). Những ý tưởng (và cả từ ngữ) như kiếp, karma, xấu tốt đúng sai khó phân, guồng máy... đều có mặt trong truyện nhiều lần. Chữ "guồng máy" được nhắc đến khoảng ba chục lần. Ở "ý truyện," guồng máy chỉ lôi cuốn thôi, trong pho truyện guồng máy còn hung tợn hơn: nó là guồng máy khốc liệt (trang 55, cuốn III), nó kẹp nát nhừ (trang 145, cuốn I), nó nghiền nát (trang 12, cuốn II)...
Người đọc có cảm tưởng sau Xóm Cầu Mới Nhất Linh bị họa chính trị ám ảnh nặng. Nó uy hiếp cái viết của ông.
Sau vài chục năm viết truyện, Nhất Linh dần dần tìm ra, dựng nên, một lý thuyết về tiểu thuyết. Bướm trắng (1939) được viết theo một quan niệm mới, khác các cuốn trước. Ðến năm 1942 ông bắt đầu viết hẳn ra một cuốn sách về các nguyên tắc hướng dẫn cách đọc và viết tiểu thuyết. Công trình sáng tác quy mô mà ông dự định bấy giờ được căn cứ trên những nguyên tắc ấy: Xóm Cầu Mới sẽ không có ý chính gì cả: trong hàng vạn trang sách sẽ chỉ có cuộc đời với nhân vật được mô tả cặn kẽ, thật đúng, thật sống động.
Dự định Xóm Cầu Mới vừa thực hiện non một phần mười thì ý truyện Giòng sông Thanh Thủy tràn tới, choán hết tâm tư đầu óc ông. Ở đây có hẳn một ý chính, một quan niệm nhân sinh: mỗi người một kiếp, sức ngầm thúc đẩy, guồng máy lôi cuốn không thoát nổi, xấu tốt đúng sai không nhận định được...
Tư tưởng chỉ đạo ấy ám ảnh tác giả, khống chế tác phẩm. Giòng sông Thanh Thủy ba cuốn (Ba người bộ hành, Chi bộ hai người, Vọng quốc) vừa xong, ý truyện Hai con mắt lại vụt đến. Cuốn sau này chưa viết được bao nhiêu, nhưng ở mấy trang bản thảo đầu đã thấy Thanh và Ngọc: câu chuyện của các nhân vật Giòng sông Thanh Thủy được tiếp tục.
Cuốn Viết và đọc tiểu thuyết viết từ 1952 đến 1960, bộ Xóm Cầu Mới viết lại rồi cho in lên báo năm 1958. Ðến giai đoạn này Nhất Linh vẫn giữ một quan niệm. Theo quan niệm ấy, tiểu thuyết muốn viết về gì cũng được: xã hội, luận đề, trinh thám, ái tình, luân lý, tình cảm, triết lý... Ðược tất. Nhưng trước hết phải lo viết cho hay. Viết hay là tả đúng các trạng thái phức tạp của cuộc đời, đi thật sâu vào sự sống, tìm cho nhiều chi tiết về người và việc để tạo được những nhân vật sống động.
Sau giai đoạn nói trên, ở những tác phẩm viết sau 1960 người đọc có cảm tưởng luận đề nó xông vào ám ảnh tác giả, làm chủ tác phẩm. Người viết luôn nghĩ tới cái nghiệp của nhân vật này nhân vật nọ, cái guồng máy nó lôi cuốn anh này chị kia. Luận đề lại đóng vai trò lớn; biện giải, chứng minh, thành mối bận tâm lớn. Người làm chính trị khổ sở quay ra quấy phá người làm văn nghệ, quấy mạnh.
Nhất Linh gọi tên thủ phạm là cái guồng máy, tôi ngờ không hẳn vậy. Không chừng thủ phạm chính thị là... nạn nhân thôi. Ông vui sướng do tài năng, ông vừa viết vừa vui: đó là một phương diện của Nhất Linh. Về một phương diện khác, ông vừa làm vừa khổ, càng làm càng khổ: làm đây là làm chính trị, cái làm không thoát ra nổi.
Sự thực máy nó cuốn ông cách nào? Tôi nghĩ những lời ông thốt ra với con sát kề cái chết của mình là những lời tâm can, rất mực chân thành: "như cái tình trạng hồi Pháp thuộc, lúc đó, nếu cậu không đứng ra làm việc nước thì trong lòng áy náy chẳng làm được chuyện gì khác." Rồi máy nó cuốn vào, vì sao mà ông không rút mình ra được? "Ngay cả hồi chơi hoa phong lan ở Ðà Lạt, cậu vẫn thấy mình không thể đứng ngoài vòng trách nhiệm ấy, nên phải về hoạt động lại..." Nói cách khác, ấy cũng tại vì lòng ông lại "áy náy."
Trong đời Nhất Linh đã xảy ra nhiều chuyện phù hợp với những lời thốt ra cuối đời ấy. Chẳng hạn chuyện ông thi vào trường Mỹ Thuật, đậu đầu, mà học chẳng bao lâu lại bỏ học vẽ. Ba chục năm sau, Nguyễn Ngu Í hỏi lý do, Nhất Linh cho biết vì khi mang giá, cọ, màu về quê, thấy đời sống thôn quê khổ quá, tối tăm quá, cần phải làm gì giúp họ. Giá, cọ, màu không giúp kiến hiệu bằng báo chí. Ấy là áy náy chứ còn gì nữa. [17]
Lại chẳng hạn những tiếng khóc đêm đêm trong phòng riêng tại nhà người anh, tiếng khóc một chiều trước mặt Vũ Khắc Khoan... Ấy cũng do áy náy thôi. Còn vượt xa hơn sự áy náy.

Nhất Linh không thể không làm cái này, không thể rút lui khỏi việc kia, là do lòng ông cả, do cái tâm của ông cả. E không vì máy móc nào. Trong hoàn cảnh Pháp thuộc ông không đành lòng vui với cái vẽ cái viết; nhưng đâu phải xung quanh ông ai nấy đều bị máy nó hút cả? Hoạt động đã suy nhược người ra, đã lâm bệnh, mà ông không thể tự tách ra ngoài vòng trách nhiệm; nhưng đâu phải bấy giờ thiếu kẻ trùm chăn kín mít "cao thượng" quá trời, hay lánh ra nước ngoài thần trí thảnh thơi quá cỡ.
Ở Nhất Linh, chẳng qua cái tâm nó gây lụy cho cái tài. Chính ông hại ông, gỡ sao cho khỏi.
Một lần nọ tôi có dịp biết câu chuyện đã xảy ra cho anh Nguyễn Tường Thiết cách đây khoảng bốn mươi năm. Anh thi tú tài, vào khẩu vấn, môn Việt văn. Ông giáo sư xem thẻ học sinh, cho anh thí sinh họ Nguyễn Tường được chọn nói về tiểu sử một trong các nhà văn của Tự Lực Văn Ðoàn. Bạn tôi chọn ngay Nhất Linh. Rồi anh tịt luôn, không nói được câu nào. Nói theo sách? Thì anh có học tiểu sử Nhất Linh trong sách giáo khoa bao giờ đâu? Còn kể lể về những kỷ niệm của đời sống gia đình thân mật giữa không khí cuộc vấn đáp ở trường thi thì kỳ cục quá.
Giả sử có cuộc khẩu vấn về tiểu sử mỗi người trước cửa thiên đình, chắc Nhất Linh - chính ông - lẫn lộn trong đám nhân vật lao nhao của mình, sẽ ấp úng than thở về nỗi bị kẹt vào máy liên miên, đến tàn đời. Các phán quan nhà Trời không thể không có cảm tình đối với một phát biểu khiêm tốn như thế. Nhưng chuyện ấy rối rắm, các ngài hẳn lấy làm khó tin.
Còn như bảo Nhất Linh chính bị mắc kẹt ngay vào cái tâm của mình, thì éo le quá. Nói vậy được sao?
Nói về Nhất Linh, bất giác nghĩ tới một tiểu thuyết gia khác, của Tây phương, hồi thế kỷ trước.
Mùa hè năm 1836 cậu bé Gustave Flaubert, bấy giờ 15 tuổi, tình cờ gặp bà Schlésinger. Hình ảnh người thiếu phụ ấy ám ảnh cậu ta mãi. Bà Arnoux - một nhân vật chính trong Giáo dục tình cảm (L’éducation sentimentale) - là biến dạng của bà Schlésinger. Năm 1843 Flaubert bắt đầu viết cuốn Giáo dục tình cảm, bản thứ nhất. Năm 1845, truyện viết xong, cất đấy. Nhưng G. Flaubert thì chưa thoát khỏi sự ám ảnh của đề tài này. Ông tiếp tục đào sâu, thu thập tài liệu, đọc sách dữ dội, tích tụ những quan sát, ghi chép hàng ngày. Tháng 9-1864 ông khởi công viết một cuốn Giáo dục tình cảm khác. Ngày 15 tháng 5 năm 1869, lúc 8 giờ sáng, ông ngồi vào bàn, viết luôn một mạch tới 5 giờ kém 4 phút sáng hôm sau, tức ngày 16-5-1869, thì xong tác phẩm. Sách được xuất bản ngay cuối năm ấy: kể từ ngày bắt đầu viết nó là năm năm, kể từ khi bắt đầu viết cuốn Giáo dục tình cảm thứ nhất (1843) là hăm sáu năm, kể từ ngày gặp Schlésinger phu nhân (1836) tức ngày đề tài được "thai nghén," ôm ấp, là ba mươi ba năm. (Bản viết xong năm 1845, tác giả bỏ qua luôn; mãi ba chục năm sau khi ông qua đời mới có người cho in). Cuốn Giáo dục tình cảm bản chính thức được ấn hành trong lúc sinh thời thì mỗi lần tái bản đều có sửa chữa thêm bớt liên miên. Ngay ở ấn bản cuối cùng trước khi G. Flaubert từ trần vẫn còn thấy nhiều ghi chú tu chỉnh của ông, chuẩn bị dành cho kỳ in tới: những chuẩn bị dở dang.
Từ nhân vật này nghĩ sang nhân vật nọ, không phải do một so sánh nào. Giả sử có thấy kẻ này xem ra say mê hơn người kia, tận tụy hơn, làm việc hết mình hơn v.v..., thì cũng không thể kết luận giản dị và dứt khoát. Hoàn cảnh mỗi nơi mỗi khác, mỗi thời mỗi khác, tình hình xứ sở mỗi nước mỗi khác, người cầm bút đâu có thể cùng một cách thế như nhau được. Muốn so sánh, họa chăng chỉ có thể nhặt nhạnh nêu lên một số sự kiện cụ thể thôi.
Chẳng hạn về việc sửa chữa của G. Flaubert. Hồi truyện viết xong, tác giả có đưa bản thảo cho Maxime Du Camp xem. Ông bạn này nêu ra 251 chỗ góp ý. Ðối chiếu với bản in, thấy có chỗ Flaubert nghe theo, có chỗ ông bỏ qua. Theo dõi từng phản ứng có thể nhận ra lắm điều lý thú trong thái độ, trong quan niệm viết của ông.
Ba mươi năm sau khi G. Flaubert qua đời, D. L. Dumorest kiểm điểm và thấy qua các bản in cuốn Giáo dục tình cảm có cả thảy 495 chỗ sửa chữa. Có người cho rằng con số ấy còn thiếu sót. Dầu sao cái quan trọng không ở số lượng sửa chữa mà ở nơi xu hướng sửa chữa: Flaubert thêm vào 11 chỗ, lại bớt đi 420 chỗ; ông bỏ đi 125 chữ mais (nhưng mà), 39 chữ alors (bấy giờ), 32 chữ et (và), 31 chữ puis (rồi thì) v.v... Suy nghĩ về những chỗ con con như thế, có thể nhận ra đặc điểm của một văn phong; rồi không chừng phân tích những thêm bớt, chọn lựa nọ có thể thấy chúng hàm chứa một xu hướng đưa tới các diễn biến mới trong quan niệm tiểu thuyết v.v. và v.v... Ðây đó không phải có kẻ từng cho rằng G. Flaubert đã báo hiệu phong trào tiểu thuyết mới sao?
Nhất Linh ra đi đã bốn mươi năm.
Ở đây không có ý so sánh người này với người nọ, nhưng tránh sao khỏi sự nghĩ ngợi về thái độ của mỗi tập thể văn giới đối với mỗi văn nhân, về thái độ mỗi thể chế chính trị đối với văn nghệ. Sau bốn mươi năm, sách của Nhất Linh có lúc bị cấm đoán chê bai, có lúc được cho phép xuất hiện. Nhưng xuất hiện giới hạn, từng phần. (Hiện nay ở trong nước phần được in sau 1945 vẫn bị chôn).
Còn khối bản thảo của Nhất Linh mà bảo rằng đã được đọc, được nhận xét thì... Tôi thấy việc làm của mình chỉ là khều vào, chứ đã xem xét suy cứu gì đâu. Thật nhảm nhí, hài hước. Cho nên ở đầu bài viết đã có lời phân bua, đến cuối bài vẫn còn "áy náy," lại kè nhè. Tôi mơ ước: Giá có ai đọc kỹ, đọc thực sự...
Tháng 8/2001
Nhất Linh
Nói chuyện cũ
Trước ngày 22 Septembre 1932
Ðầu tiên muốn chống lại cái vẻ đạo mạo, già khụ của các tờ tuần báo quốc ngữ, chúng tôi định cho ra một số báo lấy tên là Tiếng cười; tờ Tiếng cười đó đã được giấy phép xuất bản của chính phủ, nhưng không thể ra đời được, vì một lẽ rất giản dị là không kịp thu xếp xong trước ngày hết hạn giấy phép. Tiếng Cười vì thế đổi thành Tiếng Khóc.
Mới bắt đầu vào nghề làm báo đã gặp ngay một sự thất vọng, một sự thất bại.
Một sự lạ chưa từng thấy

Lúc chúng tôi sắp nhận làm báo Phong Hóa thì các tuần báo không có vẻ thịnh vượng; ít tờ xuất bản được tới hai nghìn số. Chúng tôi lúc đó mong bán được ba nghìn số và đã tự cho là "tham lam vô độ".
Muốn được như thế, chúng tôi dự định làm một cuộc quảng cáo to lớn, không tiền khoáng hậu. Nghĩa là chúng tôi cho đi mua một ít giấy Ðáp Cầu mầu tím và mầu trắng, rồi đóng cửa nhà báo lại cẩn thận, đem kéo ra cắt giấy trắng thành một cái mặt trăng trắng và đem dán cái mặt trăng đó lên một tờ giấy tím, giả làm nền trời. Chúng tôi tấm tắc khen là nổi lắm. Trên quảng cáo chúng tôi viết mấy câu rất nhũn nhặn: "Một sự lạ chưa từng thấy trong làng báo: 7 xu". Rồi muốn cho ai cũng phải để ý đến cái mặt trăng của mình, chúng tôi liền cắt một cái mũi tên dán xuyên qua cái mặt trăng đó, như có ý bảo những người qua đường: "Nhìn đi!". Mấy hôm sau, khi đem dán mấy chục tờ quảng cáo ấy lên các mặt tường thành phố, không ai thèm nhìn cả, vì nó vừa bẩn, vừa gai mắt. Khách qua đường đối với cái quảng cáo "mặt trăng" của chúng tôi cũng thờ ơ như người mù đối với mặt trăng trên trời vậy (nói thế không phải là bảo người qua đường mù đâu, đây chỉ là một câu ví von).
Lâu lâu cái "mặt trăng" dán không kỹ cứ long dần, chỉ còn trơ lại cái nền trời tím và mấy chữ "Một sự lạ: 7 xu." Lúc đó, khách qua đường mới thèm nhìn cho, nhưng họ không hiểu quảng cáo gì mà kỳ khôi vậy, quảng cáo một sự lạ mà không nói là sự lạ gì, chỉ bảo giá có 7 xu. Có người đoán sự lạ 7 xu đó là một thứ nước chấm mới, ngon hơn sì-dầu và ma-gi.
Hai sự lạ
Cái nhà in in báo Phong Hóa lúc đó cũng là "một sự lạ chưa từng thấy" trên hoàn cầu. Nó có cái tên nhũn nhặn là Imprimerie Moderne, dịch nôm ra là "nhà in tân thời." Cái nhà in tân thời đó nói cho đúng ra nó là cái bếp hay cũng na ná như cái bếp. Những lúc chúng tôi xuống chữa bài, luôn luôn có hơi khói màu lam đưa thoảng qua: nhà in trông mờ ảo giống như bức tranh thủy mặc Tầu. Nhiều khi mùi thịt bò sào, mùi chả trứng, cũng theo gió bay vào thơm nức cả. Những mùi thơm quí hóa đó chỉ vào quãng mười, mười một giờ mới có. Lúc đói bụng vừa chữa bài vừa ngửi những hơi thơm đó, có phần cũng dễ chịu. 1
Mùa rét đến thì cái bếp đó biến thành Bắc băng cực. Gió lùa vào các cửa sổ đã vỡ hết mặt kính làm cho chúng tôi không thể chữa bài một cách cẩn thận. Chúng tôi không thể nào quên được cái đêm trước ngày số báo Tết năm 1933 xuất bản. Lúc đó vào quãng mười hai giờ đêm. Chúng tôi ở nhà báo sắp sửa về đi ngủ, thì có giây nói gọi báo tin máy không thể in được nữa. Xuống nhà in mới biết vì trời rét quá, mực đỏ in bìa báo số Tết đóng cục lại.
Chúng tôi thấy giá cả chân tay, và trông cái máy in mà thương hại. Mỗi lần người cai cho máy chạy thử, là nó cứ rung rung như người rét run cầm cập. Sau cùng ông chủ nhà in bảo lấy ra một cái hỏa lò đầy than hồng đặt xuống gần máy để sưởi nó. Quả nhiên máy lại chạy được. Chúng tôi lấy làm lạ rằng máy cũng biết ấm như người; trông cái buồng máy lúc ấy y như hệt cái buồng đàn bà đẻ.
Ba sự lạ
Ngửi mùi thịt bò sào và chịu rét mãi cũng chán, chúng tôi mới định thuê một người chữa bài. Có một ông đến xin chân đó, nói hãy làm tạm ít lâu để thử tài. Ông đó được cái tài chịu rét quen và ngửi khói giỏi, chỉ phiền một nỗi là hễ cứ vào nhà in lúc nào là ông ấy ngủ gật lúc đó. Nhiều khi chúng tôi phải xuống đánh thức mãi ông ta mới chịu dậy cho.
Chúng tôi nhìn nhau cười: trên báo khuyên người ta hoạt động lại vớ ngay ông chỉ ưa tĩnh: ông ưa tĩnh đó ngày nào cũng đọc những bài khuyến khích hoạt động của mình mà vẫn ngủ như thường, trông thấy thế mà chán nản. Ðược cái ông ta tinh ý, nên một hôm ông tự nhiên xin thôi việc để đi ngủ gật nơi khác vậy.
Bốn sự lạ
Tôi chưa nói đủ, nếu tôi không thêm vào rằng: ở trước cửa nhà in tân thời đó, có dán một cái bùa trừ tà. Có lẽ vì thế nên coi báo bẩn như vẽ bùa ma.
Không biết có trừ được tà ma gì không? Có một điều chắc chắn là đã trừ được một bạn hàng: bạn hàng ấy là báo Phong Hóa.
Ngay bây giờ, mỗi lần chúng tôi nhắc lại chuyện cũ, vẫn còn văng vẳng bên tai tiếng máy in, chạy rầm rầm như xe lửa chạy qua cầu và thoang thoảng trước mũi mùi thịt bò sào và mùi trứng áp chảo thơm tho. Thật là một kỷ niệm có hương vị không bao giờ phai trong đời làm báo của chúng tôi.
(Trích lại từ báo Văn Hóa Ngày Nay, tập 5, do Nhất Linh chủ trương, vào cuối thập niên 50.)
Ghi chú:
1.
Nhà in Nguyễn Ðình Vượng in Văn Hóa Ngày Nay bây giờ "mô đéc" hơn nhiều nhưng tôi vẫn được cái may hưởng những mùi sào nấu thơm tho khi sửa bài khiến nhiều khi tôi tưởng như mình sống lại hồi 26 năm trước.
Tú Mỡ
Trong bếp núc của Tự lực văn đoàn
Hồi ký (trích)
Từ trái sang phải: Xuân Diệu, Thế Lữ, 
Nhất Linh, Khái Hưng thời Tự Lực Văn Đoàn
Tập thơ Giòng nước ngược, tác phẩm đầu tay của tôi, có bốn câu thơ đề tặng:
Ít lời lẽ ngang phè,
Mấy vần thơ lỗ mỗ,
Tặng anh Nguyễn Tường Tam
Ðáp tấm ơn tri ngộ.
Bốn câu thơ đó ghi lại mối tình chí thiết của tôi đối với anh bạn văn chương, người sáng lập ra Tự lực văn đoàn, trong đó tôi đã hoạt động hơn 13 năm, từ 1932 đến 1945, thời kỳ mới vào nghề, thuở đương thì tuổi trẻ lâng lâng làm việc, hào hứng nhất.
Ở đời, thường có sự gặp gỡ ảnh hưởng đến cả một tương lai. Tôi là một trong những trường hợp đó. Sự gặp gỡ không hẹn mà nên giữa tôi với anh Nguyễn Tường Tam đánh dấu bước đầu trong sự nghiệp văn thơ của tôi, từ một thư sinh chỉ làm thơ phiếm sau trở thành nhà thơ trào phúng thực thụ.
Tôi đã gặp anh Tam trong trường hợp nào? Năm 1920, khi tôi đang làm thư ký Sở Tài chính được vài năm, thì một "lính mới" đến nhập ngũ: một chàng trai ra dáng lanh lợi, đôi mắt trong sáng lộ vẻ thông minh, nói năng hòa nhã, mới gặp đã dễ cảm mến, đó là anh Tam. Anh vào làm cùng phòng Ba Kế toán với tôi.
Bởi gặp nhau lần đầu, chúng tôi đã thân nhau ngay, biểu lộ rất tự nhiên sự đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu của đôi tri kỷ mà cuộc đời đã tình cờ đưa đến với nhau. Sau buổi làm việc chiều hôm đó, tôi cùng anh đi dạo mát trên bờ hồ Hoàn Kiếm, nói chuyện tâm sự, thành thực, cởi mở, với sự bồng bột của tuổi đôi mươi.
Tôi hỏi anh tại sao không xin vào Cao đẳng học nữa như số đông thanh niên hồi bấy giờ, theo con đường tiến thân đang mở rộng thênh thênh, mà lại đi làm cái nghề "gãi giấy" không tương lai này? Thời "oanh liệt" của thầy thông, thầy phán nay còn đâu! Như hiểu thấu tâm lý bất mãn của tôi toát ra trong câu hỏi, anh Tam mỉm cười trả lời: "Tôi không có ý muốn trở thành ông tham, ông đốc... như ai. Nguyện vọng tha thiết của tôi là viết văn, làm báo, sống bằng ngòi bút của mình, sống bằng nghề tự do, ngoài vòng kiểm tỏa. Tôi vừa đỗ ‘đíp-lôm’ năm nay; trong khi chờ đợi chuẩn bị công việc lâu dài, tôi hãy đi làm cho đỡ buồn, kiếm ít tiền tiêu, chỉ là tạm bợ ít lâu thôi."
Anh hỏi lại tôi: "Thế anh, anh đỗ từ năm nào? Xem ý anh cũng không thích gì cái nghề ông phán, sao anh không đi học nữa?"
Với nụ cười héo hắt trên môi, tôi đáp: "Tôi không được sung sướng như anh... Vì cảnh nhà sa sút, tôi phải đi làm ‘chạy gạo’ ngay sau khi ở trường Bưởi ra với mảnh bằng "đíp-lôm" như anh, từ tháng 7-1918. Tôi nặng gánh gia đình lắm: một bà nội, một mẹ, một cô, bốn em nhỏ còn đi học..."
Anh Tam rất thông cảm, ái ngại, an ủi tôi: "Nếu vậy anh có thể vừa đi làm, vừa tự học thêm để thi tham tá nâng cao địa vị lên..."
Tôi cười chua chát: "Ðịa vì gì ở thời buổi nô lệ này hở anh! Tôi có làm chơi đôi câu đối tức cảnh, đọc anh nghe:
"Học rồi thi, thi đã đỗ, đỗ phải đi làm, thời buổi văn minh vòng sỹ hoạn;
Thông với phán, phán lên tham, tham dù nhảy sếp, con nhà sai phải giống vong nô."
Lương càng cao càng như cái nút dây thắt chặt thêm, cột mình vào cái nghề làm thuê viết mướn. Tôi vào đời, cực chẳng đã mà phải làm cái nghề này, thôi thì miễn là đủ sống. Bà mẹ tôi rồi cũng phải xoay xở buôn bán thêm vào. Tôi chán ngấy học gạo rồi, chỉ muốn cho tâm hồn được thảnh thơi đôi chút. Ngoài hai buổi ‘sáng xách ô đi, tối xách về,’ thì nghỉ ngơi, xem sách, đánh đàn, làm thơ để di dưỡng tính tình, chứ cứ chạy đuổi cái bả vinh hoa, cái mồi phú quý, thì biết thế nào là cùng... Có người bảo tôi tư tưởng thế là gàn. Nhưng thôi, gàn cũng được, chứ vùi đầu vào sách kinh tế tài chính để lại ra đương đầu với hai kỳ thi văn hóa và chuyên nghiệp thì tôi xin vái cả nón!"
Anh Tam tỏ ra vẻ tán thành cái gàn của tôi. Nghe tôi nói thích làm thơ, anh hỏi tôi đã tiến tới trình độ khá chưa và ngỏ ý muốn xem sáng tác của tôi. Tôi đáp: "Tôi muốn học đòi thơ Tản Ðà mà tôi rất mê, nhưng trong bước chập chững thơ tôi còn non lắm. Tôi lấy câu thơ của Tản Ðà ‘cuộc nhân thế câu cười tiếng khóc’ làm hướng sáng tác, nhưng xin thú thực chưa đạt, câu cười chưa được sảng khoái, tiếng khóc chưa được lâm li."
Tôi hỏi anh Tam về việc viết văn của anh, mới biết anh đang viết dở tiểu thuyết Nho Phong và dự định viết một truyện dài nữa, Người quay tơ.

Cuộc trao đổi tâm sự buổi đầu giữa anh Tam với tôi có chiều tâm đắc, và từ đó chúng tôi thành đôi bạn tâm giao, động viên và khuyến khích lẫn nhau. Anh Tam tuy mới ra trường nhưng xem ra học rộng, đọc nhiều, nhớ kỹ. Có khi, trong buồng giấy, anh ngừng việc cộng sổ, làm "năng-đa" tán chuyện triết lý. Một hôm, không hiểu câu chuyện gì, anh nói đến vấn đề "gạn đục khơi trong" của học thuyết Mạc - Ðịch. Dĩ nhiên, các bạn đồng sự của tôi không thích thú lắm câu chuyện triết lý mệt óc đó. Ðể anh Tam khỏi bị ngượng như người thuyết minh giữa sa mạc, tôi làm ra bộ lắng tai nghe... Khi anh dẫn diễn đến câu "Nước trong ta giặt giải mũ, nước đục ta rửa chân...," tôi bất thình lình, ra vẻ bắt chuyện, nói tiếp luôn "nước đá ta cho vào rượu bia ta uống!" Câu khôi hài ấy khiến cả buồng giấy cười ồ... Câu phá quấy của tôi không làm anh Tam giận, anh cười to hơn mọi người và bảo tôi: "Khá đấy! Anh nên làm thơ hài hước đi, anh có khiếu về trào phúng đấy." Một lời đã biết đến nhau... Câu nói của anh thế mà thấm vào tâm trí tôi. (...)
Hai năm sau, anh Tam xin thôi việc, để sang Pháp du học. Ở Pháp độ hai năm, anh về nước với mảnh bằng cử nhân khoa học. Tôi lấy làm lạ: anh muốn trở thành văn sĩ sao lại đi lấy bằng cách trí? Hỏi anh, anh nói rằng: anh sang Pháp chủ yếu là nghiên cứu nghề làm báo để khi về sẽ mở một tờ báo thể tài mới, khác hẳn các báo. Còn cái bằng cử nhân khoa học? Chỉ là cái cứu cánh để phòng xa, nếu làm báo thất bại sẽ ra làm giáo sư cũng tốt. Thế là "tiên vi báo, cáo vi sư," anh muốn bắt cá hai tay. Chu đáo thật!
Ít lâu sau, anh tính chuyện mở một tờ báo trào phúng lấy tên là Tiếng cười. Anh thấy báo chí của ta bấy giờ chán ngắt, nếu không là báo thông tin "chó chết" thì là báo lý luận suông. Nước ta chưa có một tờ báo nào chuyên môn về trào phúng. Tiếng cười ra đời chắc sẽ được hoan nghênh như một cuộc cách mạng trong làng báo quốc ngữ. Hiện anh đang đi tìm bạn cùng chí hướng để tổ chức tòa soạn, và xin tôi nhận một chân trợ bút về mục thơ trào phúng, ngón sở trường của tôi mà anh đã khám phá ra. Yêu cầu đó thật là hợp với sở thích, với ước mong của tôi. (...)
Mãi đến khi anh Tam rủ tôi vào tòa báo Tiếng cười thì cá mới thực gặp nước; tôi mến phục anh Tam có con mắt tinh đời, biết người, biết của, nên vui sướng nhận lời cộng tác với anh. 
(...)
Chúng tôi đã sáng tác được khá nhiều cho báo Tiếng cười. Nhưng vẫn chưa được giấy phép ra báo. Anh Tam có đi thăm dò tin tức, thì ở sở Báo chí của Phủ Thống sứ người ta bảo rằng: "còn xét!" Một tháng, hai tháng, ba tháng, vẫn cứ "còn xét." Chúng tôi bảo nhau: cái kiểu kéo dài "còn xét" này, có nghĩa là nó không muốn cho phép. Nhưng nó xỏ lá không muốn công khai từ chối vì không có lý do chính đáng. Chẳng qua nó sợ tờ báo trào phúng, nó sợ người chủ trương tờ báo đó là tay đã sang Pháp về mà phàm những người chân chính ở Pháp về đều có tư tưởng bài Pháp thực dân; nó sợ tờ báo cười tung trời sẽ làm đảo lộn cả trật tự của cái xã hội thối nát mà chúng nó muốn duy trì để dễ cai trị.
Anh Tam đâu có chịu bó tay. Anh xoay và đã xoay rất cừ. Bấy giờ, nhân dịp có tờ Phong Hóa của anh Phạm Hữu Ninh quản trị, anh Nguyễn Xuân Mai, giám đốc, chính trị, loại báo vô thưởng vô phạt, đang sống dở chết dở vì không ai buồn đọc, sắp sửa phải đình bản. Anh Tam đề nghị với hai anh nhượng lại tờ báo cho mình làm chủ bút, hai anh vẫn đứng tên quản trị và giám đốc chính trị làm vì, mỗi tháng lĩnh mấy chục bạc lương (tức là tiền cho thuê báo). Tất cả đều hỉ hả: anh Ninh và anh Mai trút được gánh nặng mà báo khỏi đình bản; anh Tam sẵn có tờ báo thay cho tờ Tiếng cười chắc là không được phép xuất bản.
Thế là tờ Phong Hóa nọ được tổ chức lại hoàn toàn từ hình thức đến nội dung, thay da đổi thịt, biến thành tờ báo trào phúng đầu tiên của làng báo ta. Tất cả những dự định cho báo Tiếng cười, anh Tam dồn cả cho báo Phong Hóa mới, ra đời vào khoảng đầu tháng 7-1932, đánh dấu một cuộc cách mạng báo chí ở nước ta. (...)
Từ một tờ báo không ai biết đến, nó trở thành một tờ báo được mọi tầng lớp quần chúng hoan nghênh nhiệt liệt ngay từ số đầu, và nổi tiếng khắp ba kỳ, là vì nó đáp ứng đúng nhu cầu của trí thức, của bình dân, nó đem lại niềm vui sống khi người ta đang buồn chết vì khổ sở; nó vạch mặt làm bia chế giễu những kẻ tai to mặt lớn, sống trên áp bức bóc lột dưới cúi luồn xu nịnh mà người bình dân căm ghét; nó bàn đến và tìm cách thực hiện một cuộc đời tươi sáng thay vào cuộc sống tối tăm, bùn lầy nước đọng; nó phát huy một lối văn quốc ngữ trong sáng, đánh rấp các thứ văn lai căng hoặc đặc sệt những danh từ Hán học. Nó không làm cách mạng nhưng nó làm công việc khai phá, dọn đất cho cách mạng, gieo hạt sau này. Ðiều đó có lẽ bọn thống trị chưa biết, vì Phong Hóa không đập thẳng vào Tây mà chỉ đả kích bọn quan lại cường hào tay sai của Tây, thì Tây cứ để cho làm xì hơi tức khí của dân chúng vào bọn này. Một mặt công chúng bị đánh lạc hướng, quên kẻ thù chính; một mặt bị ru ngủ bởi tiểu thuyết lãng mạn tiểu tư sản đều có lợi cho Tây cả, Phong Hóa không bị cấm vì thế.
Phong Hóa có những mục hấp dẫn, hợp với "khẩu vị" quần chúng.
"Từ cao đến thấp" nói về người; "Từ nhỏ đến nhớn" nói về việc; "Bàn ngang" nói ngược mà hiểu ra xuôi; (ba mục này Tứ Ly tức Nguyễn Tường Long phụ trách).
"Vui cười," mẩu truyện khôi hài, có duyên và phong phú (cả tòa soạn phụ trách và quần chúng đóng góp).
"Những hạt đậu dọn" vạch làm trò cười những câu văn viết sai, viết ẩu, ngớ ngẩn, lố lăng, nhặt ở các sách báo (Nhát Dao Cạo tức Trần Khánh Giư phụ trách).
"Cuộc điểm báo" bên những điều sai trái, lố bịch nhặt trong các báo (Nhị Linh tức Trần Khánh Giư phụ trách).
"Giòng nước ngược" thơ trào phúng (Tú Mỡ phụ trách).
Những mục trên đây nhằm cười đời một cách hóm hỉnh, thanh nhã mà chua cay, với trí tuệ trào lộng đặc biệt Việt Nam.
Ngoài ra, về văn chương có:
Những phóng sự về mặt trái xã hội;những truyện dài, truyện ngắn về tình yêu lãng mạn mà trong trắng, về xung đột giữa cái mới và cái cũ (của Khái Hưng tức Trần Khánh Giư, Nhất Linh tức Nguyễn Tường Tam, Thạch Lam tức Nguyễn Tường Lân, Thế Lữ v.v...).

"Thơ mới" khởi đầu bằng bài Tình già của Phan Khôi và mấy bài của Lưu Trọng Lư. Sau Thế Lữ nổi bật trong một bài giới thiệu của Nhất Linh, rồi Xuân Diệu, Huy Cận, Huy Thông làm nổi đình đám phong trào thơ mới ngày càng lên như diều gặp gió.
Trước đây, lúc chuẩn bị ra báo, tôi đã thấy các anh làm việc không biết mệt. Nay báo Phong Hóa ra hằng tuần với nội dung súc tích như vậy, tôi lại càng thấy các anh có một sức làm việc ghê gớm, đáng phục: làm ngày, làm đêm, nhất là làm đêm, tốn khá nhiều cà phê, thuốc lá, làm việc đến rạc người, hom hem, xanh xám như Khái Hưng ai không biết cứ tưởng là "dân làng bẹp" (nghiện thuốc phiện).
Riêng tôi, công chức viết báo nghiệp dư, ngày hai buổi tốt nhất đã cống hiến cho công sở, tôi cũng noi gương các anh hết sức tranh thủ thời gian để viết: đi đường từ nhà đến sở, từ sở về nhà, óc phải suy nghĩ, cấu tứ, tìm vần; về nhà, cơm nước xong buông đũa bát, lại ngồi vào bàn, viết cả buổi trưa, buổi tối. Có khi nhuận trí, viết một mạch, có khi tắc đành gác bút đi nằm, nhưng đầu óc vẫn thao thức, có đêm chưa ngủ - vần thơ bật ra, liền nhỏm dậy, bật đèn viết cho đến khuya. Cái lối làm việc như thế, cố nhiên "bà Tú nhà tôi" không bằng lòng, lo tôi ốm, khuyên can chẳng được thì gắt, dọa sẽ tìm đến "bác Tam" để phản đối. Nhưng tôi không thể làm khác được, đành cứ cười trừ; lắm khi làm xong một bài thơ, bài phú, mệt phờ, nhưng được cái đang sức trai, không quỵ... Tôi rất muốn được như các anh sống để mà viết, viết để mà sống, nhưng ngẫm xưa nay thơ không nuôi nổi người phụng sự nó, huống chi tôi lại nặng gánh gia đình, nên chưa dám bỏ mồi bắt bóng, bỏ nghề "thầy phán fi-năng" theo hẳn nghề viết báo.
Ðối với tòa soạn, tôi tiếng là chân trong nhưng vẫn làm việc ở nhà. Tối thứ bảy, tôi đến họp với anh em. Cuộc họp rất "gia đình." Trên căn gác ấm cúng nhà số 80 đường Quan Thánh, chúng tôi quây quần, thân mật như hồi ở Ấp Thái Hà: ăn phở, phở của bác phở rong phố Quan Thánh rất ngon, đã khiến tôi làm bài thơ thú vị Phở đức tụng; uống cà phê của chị Khái Hưng pha tuyệt khéo; đốt thuốc lá khói um cả căn gác, mùa rét đốt lò sưởi, củi nổ lách tách, anh em ngồi chầu ngọn lửa ấm áp, tán chuyện thời sự, nảy ra đề tài viết bài cho số báo tới.
Dạo Khái Hưng và Nhất Linh viết chung truyện dài Ðời mưa gió, trong buổi họp tối thứ bảy, hai anh bàn nhau kỳ này nên cho hai nhân vật chính (Tuyết và Chương) đi đâu, làm việc gì đột nhiên trái chứng trái khoáy, rồi mỗi kỳ mỗi anh thay phiên nhau chấp bút. Công việc sáng tác tập thể của các anh là như vậy. (...)
Anh Khái Hưng đi thăm chùa Tiêu, nhìn những bệ thờ xây cuốn, nhìn dưới ngôi tháp mộ có vẻ huyền bí, nảy ra tưởng tượng dưới đấy có thể là những hầm bí mật xưa che giấu hoạt động bí mật của một cuộc khởi nghĩa nào đó. Tiểu thuyết lịch sử Tiêu Sơn tráng sĩ của anh đã xuất bản từ ý nghĩ đó.
Một lần đi chơi Trung Hà (Sơn Tây) chúng tôi rẽ vào thăm Tản Ðà ở làng Khê Thượng, nhưng không may hôm ấy nhà thơ đi Hà Nội vắng:
Tiểu đồng nói: bác vừa xuôi
Ði chơi Hà Nội chừng đôi ba ngày
Ra đường gặp gái không may
Hay là Hiếu ấy Hiếu này vô duyên?
Chúng tôi bèn đem rượu và đồ nhắm lên một sườn đồi chén:
Ngồi trông núi Tản, sông Ðà
Tưởng chừng bác Ấm như là có đây,
Rót đầy cốc rượu nâng tay,
Vắng ai mời vọng đưa cay cũng tình...
Bài thơ Thăm Tản Ðà vui, đầy tính tứ mà tôi trích mấy câu trên đây, được nhà thơ thích thú, và từ đó hai Hiếu gắn bó với nhau, có một đôi lần xướng họa.
Ðối với Tản Ðà, báo Phong Hóa hay có những bài thơ châm chọc, bức tranh biếm họa, câu văn bông lơn, những cái không hợp thời của nhà thơ, nhất là cái nết nghiện rượu. Nhưng Tản Ðà là người biết đùa, không giận. Một hôm, sau khi đọc bài thơ Giời đầy Nguyễn Khắc Hiếu nhà thơ thân đến tòa soạn, cười ngất phê bình: "Bài thơ thú lắm, nhưng mà xược!" Anh Khái Hưng hỏi: "Thực tình anh có giận chúng tôi không?" Tản Ðà cười khà đáp: "Chúng ta ví như những vai hề trên sân khấu, có khi giễu xỏ nhau ở rạp hát để thiên hạ mua vui. Nhưng diễn xong trò, ta vẫn là ta, bạn đồng nghiệp cả, việc quái gì mà giận nhau!"
Từ đó, chúng tôi lại càng quý mến Tản Ðà và đi lại cùng nhau thân mật hơn. Ðến thời Ngày Nay khi Tản Ðà đã qua nhiều lần thất bại trong nghề làm báo, thể theo lời mời của anh Tam, nhà thơ cộng tác với báo trong mục làm thơ Ðường. Ở đây lại rõ cái tài của anh Tam biết thích dụng nhân tài. (...)
Báo Phong Hóa ngày càng được bạn đọc tin yêu, số in tăng vọt lên đến 1 vạn, con số kỷ lục. Sách của "Tự lực văn đoàn" ra nghìn nào hết nghìn ấy, có quyển in lại đến lần thứ tám. "Tự lực văn đoàn" thực hiện được hai giải thưởng về văn, hai giải thưởng về thơ, đặc biệt là có một giải khuyến khích về thơ tặng một phụ nữ, cô Anh Thơ, trong nhóm "Sông Hương" (tỉnh Bắc Giang), tác giả tập Bức tranh quê, một tập thơ mới có màu sắc, có hồn thơ riêng biệt: chỉ tả cảnh với những nét thơ mộc mạc nhưng trong sáng, không nói ra sự đối cảnh sinh tình của tác giả, dành phần kết luận cho người đọc.
Buổi phát giải thưởng tại Tòa báo thân mật mà không kém phần long trọng: bàn kê hình chữ T.L. Tiệc trà có một điểm cầu kỳ là những chiếc bánh kem thửa riêng cho khách quý được giải thưởng, tên khách, viết bằng đường màu, nổi bật trên chiếc bánh.
Tôi nhớ nhất là Tú Mỡ đã được hân hạnh trao giải thưởng cho nữ thi sĩ Anh Thơ, hôm ấy mặc áo lụa tím, cổ đeo kiềng vàng, duyên dáng rất... anh thơ.
Và tôi còn nhớ mãi: sau khi tiệc tan, khách đã về hết, chỉ còn mấy anh em nhà, anh Tam nói một câu rất tình tứ: "Chúng ta chiếu cố đến chị em phụ nữ mà tặng giải khuyến khích cho cô Anh Thơ, nay mới biết thật là đích đáng, về thơ cô đẹp và đôi mắt cô cũng đẹp (nguyên văn nói bằng tiếng Pháp "pour les beaux yeux de mademoiselle")."

Sau cuộc tặng thưởng văn chương đó "Tự lực văn đoàn" càng được tín nhiệm trong giới văn học. (...)
Báo Phong Hóa ngày càng được cảm tình của công chúng bình dân, họ coi đó là tờ báo của mình, độc giả ngày càng nhiều và gửi bì đến đóng góp ngày càng lắm. Ðược sự hỗ trợ của quần chúng, bộ biên tập càng hăng hái, càng viết mạnh bạo hơn, đi đúng vào tâm lý quần chúng, yêu cái gì quần chúng yêu, ghét cái gì quần chúng ghét. Quần chúng càng có cảm tình thì bọn thống trị càng để ý như cú dòm nhà bệnh, nhưng vẫn không tóm được cái gì sơ hở để đóng cửa báo, vì tòa soạn luôn luôn đề cao cảnh giác và có đủ mưu kế để "chơi nhau" với "mụ đầm kiểm duyệt."
Tuy vậy anh Tam hiểu biết tình thế bất trắc và đề phòng một ngày xấu kia, báo có thể đột nhiên bị đóng cửa, nên xoay xở cho ra một tờ báo nữa làm "bánh xe sơ cua," tờ Ngày Nay, một tờ báo hiền lành, với nội dung văn chương, khoa học, xã hội, mỹ thuật, chính trị thường thức v.v... Số đầu tiên ra ngày 27 Janv. 1935.
Hai tờ báo của "Tự lực văn đoàn" đi song song với nhau một thời gian không dài lắm. Vào khoảng 1936, cái tai nạn bất ngờ mà anh Tam phòng trước xảy đến: Phong Hóa bị đóng cửa, nghe đâu chỉ vì đã đăng truyện "thần thoại tân thời" Hậu Tây du, truyện thực ra chẳng có gì quái ác, chỉ là một thứ truyện khôi hài nhạo nhại truyện Tây du của Tầu, với những nhân vật mới trong triều đình Huế như Phạm Quỳnh, Nguyễn Tiến Lãng v.v... phò hoàng đế Bảo Ðại và hoàng hậu Nam Phương sang Tây. (...)
Có thể nói Ngày Nay là hình ảnh chân thực của tâm trí mọi tầng lớp bình dân trong nước, là người bạn tri kỷ, vui vẻ khuyên nhủ mọi người, mách bảo những sáng kiến hay, cần thiết cho cuộc đời mới. Việc biên soạn do những cây bút cũ của Phong Hóa cùng nhiều nhà văn mới hợp thành một đội ngũ hài hòa. (...)
Mỗi năm số báo Tết là cả một sự nhộp nhịp phi thường; làm việc chúi mũi, chúi tai, nhưng vui thực là vui, vui quên cả mệt. Có một lần, tôi cùng với Thế Lữ làm chung phần thơ ca cho số Tết 1939, tại nhà riêng anh ở phố Thái Hà, làm hì hục suốt cả một đêm cho kịp ngày mai báo lên khuôn, làm xong mới thấy phờ người... Nhưng bao nhiêu công khó nhọc được đền bù bằng sự vui sướng, thấy cảnh tấp nập của ngày báo phát hành. Tòa báo bận rộn như một nhà có việc vui mừng, các trẻ em bán báo đến lĩnh báo vui tíu tít như một bầy chim sẻ, rồi tản vù đi các phố, tiếng rao lanh lảnh "Ngày Nay số mùa Xuân ơ...!" Các bạn đọc săn đón món quà Tết hằng năm không thể thiếu... (...)
Thời kỳ trước Phong Hóa, tôi mới học nghề, thời Phong Hóa tôi vào nghề, và thời kỳ Ngày Nay tôi đã tương đối lành nghề. Ðược học hỏi anh em trong thực hành, cầm cán bút vững chắc hơn, ngoài thơ trào phúng, tôi còn muốn làm cả món trữ tình nữa. Nhưng sau khi viết thử vài đoạn đầu một bài trường thiên nhan đề Tháng ngày qua (nói về lòng người thay đổi với thời gian), thấy không được đăng, tôi hỏi, thì anh Tam nói thực ngay, không cần úp mở. "Dở quá! Anh cứ nên chuyên về thơ, trào phúng, tốt hơn." Tôi còn thử viết cả phóng sự nữa, viết những bài tường thuật trào lộng theo kiểu Nhất, Nhị Linh, Lê Ta... Thế mà viết được mới cừ chớ! Mấy bài: Ði xem hội chợ Yên Bái, Chợ Phiên Việt Nam, Ông X. nói chuyện Thơ Mới bằng tiếng Tây ở Hội Trí tri, Cuộc đá bóng của phụ nữ ở bãi Bắc Qua được đăng báo và các anh khen "chơi được!" khiến Tú Mỡ thỉnh thoảng lại cao hứng khoác áo "Lỏng phóng viên" viết đổi tay. (...)
"Tự lực văn đoàn" khi ra đời chỉ có chủ định làm việc văn chương. Nhưng hoàn cảnh thúc đẩy, thời kỳ này một số anh em bước vào đường làm chính trị, dù muốn hay không muốn. Một buổi tối họp mặt, anh Tam bảo tôi: "Ðã đến lúc chúng ta phải hoạt động chính trị để giành lấy chính quyền. Cái chính phủ Trần Trọng Kim này không làm nên trò trống gì đâu. Nhật không nuốt nước ta được, vì Mỹ không để cho nó chiếm cái cửa ngõ Á Ðông. Chúng ta cần phải vào một tổ chức cách mạng để khi thời cơ đến, sẽ đứng ra giành chính quyền. Hiện giờ anh em trong đoàn đã vào đảng Việt Cách hoạt động bí mật, anh cũng nên vào..."
Tôi thú thực: "Tôi không biết làm chính trị. Trước đây anh Sắc đã rủ tôi vào Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Tôi chỉ xin đứng ngoài ủng hộ; khi cần đến việc gì tôi có thể giúp được, tôi sẵn lòng làm ngay. Bây giờ cũng vậy thôi." Anh Tam cuõng không nài ép. Tôi hỏi lại anh: "Sao anh không vào Việt Minh?" Anh trả lời: "Việt Minh là cộng sản. Họ chủ trương giành chính quyền bằng súng, sẽ gây ra chiến tranh chết chóc và tàn phá. Vả lại Mỹ sẽ chống cộng, Mỹ vừa giàu vừa mạnh. Ta đi với một đảng thân Mỹ rất có lợi, ta sẽ đấu bằng chính trị, không phải bằng đổ máu ít ra cũng giành được quyền tự trị. Mỹ nó chả cần cướp nước để cai trị như Tây. Ta đi với Mỹ để cho nó buôn bán với ta, đem tiền của mở mang kỹ nghệ, nó có lợi mà ta cũng có lợi..." (...)
Ðến khi Cách mạng tháng tám thành công, làm xong Tổng tuyển cử, thành lập chính phủ Liên hiệp, trong đó anh Tam được ghế Bộ trưởng ngoại giao, anh Long Bộ trưởng kinh tế, tôi khấp khởi mừng "Tự lực văn đoàn" có cơ hồi phục, tan rồi lại hợp. Nhưng tôi đã mừng hụt. Thế lực nước ngoài chi phối các đảng phái phản động, khiến những kẻ cơ hội xông ra tranh quyền cướp vị, đi tới phản nước hại dân. (...)
Ô hô! Người bạn tri ngộ cũ của tôi! Trí tuệ thông minh như thế, ưa hoạt động như thế, yêu đời như thế, có chí lớn như thế, yêu nước như thế, chỉ vì lầm đường mà đến nỗi tai hại như thế, chết thê thảm như thế!
Viết bài hồi ký này đến đây, tôi không khỏi bùi ngùi tiếc nuối! "Tự lực văn đoàn" có những ước mơ tốt đẹp. (...)
Ôi! "Tự lực văn đoàn" nay đã thuộc về dĩ vãng. Nhiều anh đã là người thiên cổ, chỉ còn sót lại ba chúng tôi, Tú Mỡ, Thế Lữ và Xuân Diệu. Kể về công, anh em đã thực hiện được mục đích của đoàn, điều chính là làm giàu thêm văn sản trong nước, đã có một đóng góp đáng kể vào văn học Việt Nam, tạo cho đoàn một tiếng tăm vang dội một thời, một thành tích mà các văn đoàn khác ra đời sau không đạt được, một chân giá trị riêng trong một giai đoạn nhất định mà giới văn học ngày nay và ngày mai phải công nhận. Ðường lối "Dân tộc, khoa học, đại chúng" mà Ðảng ta nêu lên trong Ðề cương văn hóa, "Tự lực văn đoàn" đã thực hành từ trước. Quan điểm "Nghệ thuật vị dân sinh," tuy trên giấy trắng mực đen đoàn không nêu, trong tôn chỉ, nhưng trong thực tế, anh em đã hành động theo quan điểm đó (...).

Láng, 12 tháng 8 năm 1969
Nguyễn Tường Thiết
Truyện dài Xóm Cầu Mới của Nhất Linh
(Viết nhân lần tái bản năm 2002)
Cuốn truyện dài Xóm Cầu Mới của Nhất Linh, thân phụ tôi, đã được ấn hành lần đầu tiên ở Sài Gòn năm 1973 bởi nhà xuất bản Phượng Giang do tôi chủ trương.
Sau biến cố tháng Tư năm 1975, khi ở trong nước sách của Nhất Linh không được phép lưu hành thì ở hải ngoại hầu hết các tác phẩm của ông đã được một số các nhà xuất bản cho in lại ở Hoa Kỳ.
Những năm gần đây, sách của Nhất Linh cũng như của các nhà văn khác thuộc nhóm Tự Lực Văn Ðoàn lại thấy dần dà xuất hiện ở trong nước. Tuy nhiên, chỉ những sáng tác của Nhất Linh ra đời trước năm 1945 mới được ấn hành; còn những tác phẩm về sau của ông thì không những không thấy in lại mà ngay cả trong các sách bình luận văn học xuất bản ở trong nước cũng không thấy đề cập tới.
Ðó là lý do tôi dự định cho tái bản hai tác phẩm cuối đời của ông, hai tác phẩm mà tôi may mắn còn giữ nguyên được bản thảo. Ðó là hai cuốn Xóm Cầu Mới và Giòng Sông Thanh Thủy.
Ðể cho quyển sách này được trung thực với nguyên tác, không phạm những lầm lỗi về ấn loát như trong lần xuất bản trước, tôi không tái bản bằng cách cho sao in lại từ ấn phẩm cũ, mà là khởi công đánh máy lại từ đầu dựa hoàn toàn vào nguyên gốc bản thảo.
Ðánh máy non năm sáu trăm trang sách với khả năng đánh "mổ cò" của tôi, việc này vừa chậm vừa tốn công. Nhưng tôi thấy việc tự tay mình đánh máy lấy là cần thiết, vả lại cũng vui thích nữa.
Thứ nhất là rất khó tìm được một chuyên viên đánh máy nào có thể vừa đọc vừa đoán những hàng chữ nhỏ li ti trong bản thảo mà không sai ý tác giả. Tôi nói nhiều chữ phải đoán ý vì bản thảo được viết cách đây đã trên một nửa thế kỷ, nhiều nét mực đã mờ đi theo với thời gian. 1.
Thứ hai là trong suốt mấy tháng cặm cụi trước bàn máy vi tính, cận kề với những trang chữ bản thảo, gõ cọc cạch từng chữ từng chữ, tôi thực sự đã sống với ông nhiều nhất kể từ ngày ông ra đi cách đây đã non bốn mươi năm. Nhìn những hàng chữ viết tay của ông, những hàng chữ gẫy vụn, nhỏ nhí, vùi dập, những kí chú bên lề riêng tây, thân mật, tôi thấy rõ là khi đọc từ bản thảo tôi gần gũi tiếp cận với tác giả nhiều hơn là đọc qua ấn phẩm. Vừa đọc, vừa đánh máy vừa thưởng ngoạn tác phẩm này, khi thì tôi tách ra bình tâm đọc văn ông như một độc giả, khi thì tôi nhập vào bồi hồi nhớ tới hình dáng một người cha thân yêu và tưởng tượng ông ra sao khi ông viết tác phẩm này, ông vui ông buồn nổi trôi theo những nhân vật và tôi vui tôi buồn theo ông qua những hàng chữ.
Tôi hình dung một Nhất Linh vui. Hay ít ra cũng nhiều vui hơn buồn khi ông viết cái tác phẩm mà đã có lần ông định đặt tên là Vui Buồn này. Các nhân vật cứ đua nhau mà mỉm cười (tôi tẩn mẩn đếm được cả thảy 269 chữ "mỉm cười" trong toàn tác phẩm). Và tác giả mỉm cười cũng nhiều lần không kém. Hẳn thế.
Rồi tôi cũng mỉm cười liên tưởng tới một sự kiện trớ trêu: 52 năm trước ông ngồi viết những hàng chữ bản thảo này ở Hồng Kông (Trung Hoa), 52 năm sau tôi đọc những hàng chữ đó ở Seattle (Hoa Kỳ). Ðều là hoàn cảnh lưu lạc cả. Nhưng tâm trí của cả người viết lẫn người đọc đều qui về một cái huyện nhỏ ở quê nhà nằm bên con đường sắt Hà Nội - Hải Phòng thuộc tỉnh Hải Dương. Huyện Cẩm Giàng. Nơi ông đã tiểu thuyết hóa thành Xóm Cầu Mới. 2. Nơi tôi đã sống những ngày ấu thơ. 3.
Về hình thức trình bày cuốn sách tôi cũng tận dụng bản thảo. Trước hết là cái bìa sách. Tôi để nguyên không sửa đổi nguyên trang đầu của bản thảo mà Nhất Linh đã tự phác cái bìa cho cuốn truyện tương lai của mình. Sau đó các hình vẽ của Nhất Linh trong bản thảo tôi cũng cho in đầy đủ.
Sau cùng, để cho cuốn sách thêm phần phong phú, tôi có nhờ hai nhà văn Nguyễn Thị Vinh và Võ Phiến viết bài đặc biệt để đăng trong lần tái bản cuốn Xóm Cầu Mới này. Nhân đây xin nhị vị nhận cho lòng biết ơn của chúng tôi.
Ghi chú:
1.
Trưa ngày 29 tháng 4 năm 1975, tôi có đúng 15 phút để trở về lần sau cùng căn phố lầu chợ An-Ðông Sài Gòn, nơi thân phụ tôi đã sống những tháng ngày cuối, tính quơ hết những gì có thể mang theo được nhưng chỉ kịp gói hai tập bản thảo Xóm Cầu Mới và Giòng Sông Thanh Thủy vào một bao nylon đem đi. Ðến đảo Guam, soát lại tôi gần muốn khóc vì sau gần tháng trời trên biển, hơi nước mặn đã làm phai thêm nhiều nét mực.
2.
Tháng 5 năm 2001, nhân chuyến về nước để mang di cốt song thân chúng tôi về chôn cất nơi nguyên quán ở Hội An, chúng tôi có dịp đi thăm lại huyện Cẩm Giàng. Tôi có mang theo Sơ đồ Xóm Cầu Mới do Nhất Linh phác họa trong bản thảo ra đối chiếu thì thấy chỉ con đường sắt, nhà ga, một dẫy phố Phủ là giống huyện Cẩm Giàng hiện tại, phần còn lại của sơ đồ có thể là hư cấu.
3.
Trong ký ức xa thẳm nhất của tôi về trại Cẩm Giàng là cái hàng hiên rộng và dài có rặng hoa ti-gôn rủ xuống và tiếng còi xe lửa rúc lên trong đêm khuya. Hai đoạn văn tả anh chàng Siêu thích sống ở căn nhà có hàng hiên và tiếng còi tàu ở Lăng Cụ Quận khiến tôi như sống lại những ngày rất xưa cũ.
Phạm Phú Minh
Nắm cỏ đưa về tấc đất xưa
Mộ của nhà văn Nhất Linh hiện nay ở đâu? Ngoài việc ai cũng biết là ông đã qua đời năm 1963 và được an táng tại chùa Giác Minh ở Gò Vấp, thời gian sau đó đất nước có nhiều biến đổi, nhất là sau 1975 đã xảy ra nhiều vụ di dời mồ mả, quả thật ít ai để ý mộ của nhà văn hào nổi tiếng vào bậc nhất của Việt Nam thật sự hiện có còn ở chỗ cũ không, hay đã bị thời cuộc xô giạt đi một nơi nào.
Quả là với sự xáo trộn chung của cả miền Nam sau chiến thắng của phe cộng sản, mộ của nhà văn Nhất Linh cũng đã không còn yên vị như trước. Theo anh Nguyễn Tường Thiết, con trai út của nhà văn cho biết thì ít năm sau 1975, chính quyền cộng sản giải tỏa nghĩa trang chùa Giác Minh ở Thông Tây Hội (Gia Ðịnh), anh Nguyễn Tường Thạch là con trai Nhất Linh đã hỏa thiêu di cốt của cha và gửi bình tro tại chùa Kim Cương đường Trần Quang Diệu quận Ba Sài Gòn. Trong khi đó, năm 1982 bà Nguyễn Tường Tam sang Pháp đoàn tụ với con, nhưng cũng trong năm này bà qua đời, được an táng tại một nghĩa trang ở Paris.

Năm ngoái, 2001, các người con của ông bà Nhất Linh đã quyết định dời mộ ông bà và của người con gái lớn là chị Thư về Quảng Nam, nguyên quán của gia tộc Nguyễn Tường. Hài cốt của bà đã được hỏa thiêu tại Orsay (Pháp), sau đó được hai người con là anh Việt và chị Thoa đưa về Sài Gòn vào tháng Tư 2001. Anh Nguyễn Tường Thiết từ Mỹ đã về Sài Gòn trước, đón di cốt bà đưa về chùa Kim Cương, nơi này di cốt của ông đã được gửi thờ từ khoảng hai chục năm nay. Ngày 27-4-2001 nhà chùa đã làm lễ cầu siêu trọng thể với sự có mặt của tất cả thân thích trong họ có mặt ở Sài Gòn. Ngay sau lễ, di cốt của ông bà Nguyễn Tường Tam và của chị Thư được đưa lên tàu hỏa đi Quảng Nam, miền Trung Việt Nam.
Ngày 28-4-01 cử hành lễ chôn cất các di cốt tại nghĩa trang riêng của họ Nguyễn Tường ở Hội An. Mộ của ông bà Nguyễn Tường Tam nằm gần mộ cụ tổ Nguyễn Tường Phổ, người đầu tiên của họ Nguyễn Tường ra làm quan và lập nghiệp ngoài Bắc, nhưng khi mất đã được mang về an táng tại quê nhà.
Theo quy định của giòng họ, hình thức bia mộ phải theo một mẫu chung là lai lịch người trong mộ được viết bằng chữ Nho và chỉ đề tên hiệu. Ðối với người không biết chữ Nho thì ngôi mộ được nhận ra là do tên tuổi của con cháu lập mộ được viết bằng chữ quốc ngữ. Ngoài ra mộ ông mộ bà phân biệt do mộ ông bên trái mộ bà bên phải - nam tả nữ hữu. Nội dung chữ Nho trên bia mộ của nhà văn Nhất Linh như sau:
Hàng trên cùng (đọc ngang, từ phải sang trái): CẨM GIÀNG (địa danh ngoài Bắc).
Hàng thứ hai (đọc ngang, từ phải sang trái): NGUYỄN TƯỜNG MÔN ÐỆ THẬP THẾ (nghĩa: Họ Nguyễn Tường, đời thứ 10).
Hàng dọc (đọc từ trên xuống): HIỂN KHẢO HIỆU NHẤT LINH NGUYỄN PHỦ QUÂN CHI GIAI VỰC (nghĩa: "hiển khảo" là tiếng chỉ người cha đã khuất; "phủ quân" tiếng tôn xưng một người đàn ông có danh vị; "giai vực" là khu vực đẹp, một mỹ từ để chỉ ngôi mộ. Hiểu một cách nôm na: Mộ của thân phụ chúng tôi hiệu là Nhất Linh).
Riêng chữ thứ chín từ trên xuống, có lẽ do thợ khắc sai, không có nghĩa, được đoán là chữ CHI.
Từ đường của họ Nguyễn Tường nằm trên đường Phan Ðình Phùng, Hội An, ngay bên cạnh Khổng Miếu, và nghĩa trang của giòng họ cách Từ đường khoảng một cây số.
Ðây có lẽ là lần đầu tiên những người con của giòng họ Nguyễn Tường ra lập nghiệp ngoài Bắc được an táng tại mảnh đất của tổ tiên đã bao đời ở miền Trung.
Nhánh của giòng họ Nguyễn Tường từ Quảng Nam ra lập nghiệp ngoài Bắc từ bao giờ, trong trường hợp nào? Trong cuốn Hồi Ký Về Gia Ðình Nguyễn Tường, bà Nguyễn Thị Thế, em gái của nhà văn Nhất Linh, đã viết: "...Nói là quê hương thì cũng không đúng, Cẩm Giàng chỉ là nơi sinh thời ông nội làm tri huyện. Còn chính quê ở làng Cẩm Phô, phủ Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam (Hội An). Thời vua Tự Ðức cụ tổ phải đổi ra làm quan ngoài Bắc, lúc mất nhà vua cho đưa linh cữu về chôn ở quê nhà. Ông ngoại người Huế làm quan võ nhưng lúc mất chôn ngay ở Bắc (Cẩm Giàng) vì ra đây đã ba đời rồi. Chính vì thế không ai ngờ chúng tôi là người Quảng Nam."
Ðúng là không ai ngờ gia đình Nguyễn Tường ở ngoài Bắc có gốc Quảng Nam, ngay cả người trong gia đình cũng có khi không nhận ra điều ấy, như trường hợp Hoàng Ðạo Nguyễn Tường Long mà tác giả Nguyễn Thị Thế kể lại trong quyển sách nói trên: "Sinh trưởng từ nhỏ ở Bắc nên từ giọng nói đến lối sống phong tục, nhất nhất đều theo Bắc hoàn toàn. Viết tới đây tôi lại nhớ hồi anh Tư (tức Hoàng Ðạo - PPM) chưa lấy vợ, làm lục sự tòa án ở Ðà Nẵng có người bạn cùng sở cũng tên là Long làm mối cho anh một cô gái Huế, con ông Hồng Lô tự Khanh chi đó. Cô ta cũng khá xinh đẹp, anh Tư lại không chịu, biên thơ về cho mẹ tôi nói là con không thích lấy vợ Huế đâu, thôi ta về tắm ao ta cho rồi.
Ðọc xong thơ, tôi và mẹ tôi nghĩ đến câu thơ cùng đều cười lăn. Mẹ tôi bảo họ mình, nội thì Quảng Nam, ngoại thì Huế chứ có tí gì là Bắc đâu mà đòi ta về ta tắm ao ta."
Trong gia đình còn vậy, huống hồ người ngoài.Thời còn đi học ở quê Quảng Nam, đọc văn chương của Nhất Linh, Hoàng Ðạo, Thạch Lam tôi hoàn toàn không thấy một chút xíu tính chất Quảng Nam nào trong đó, mặc dù thời đó ở Hội An, ai mà chẳng biết các tác giả này là gốc người làng Cẩm Phô ngay bên kia sông, và nhà thờ họ Nguyễn Tường thì ở trong địa phận thành phố này. Ngược lại chính họ là những người mang miền Bắc đến cho tôi, một miền Bắc tinh tế trong ăn uống với Hà Nội Băm Sáu Phố Phường, miền Bắc với mùa thu mênh mông mà Nhất Linh đã tả trong Ðôi Bạn, hoặc cảnh nghèo nàn, lạc hậu của người dân nơi thôn quê vùng châu thổ sông Hồng trong các tác phẩm của Hoàng Ðạo, Thạch Lam. Cả cái văn đàn mà họ chủ xướng là sản phẩm của văn hóa Bắc Hà, không còn dấu vết nào của vùng quê hơi thô, hơi cứng là đất Quảng Nam từ đó người của giòng họ Nguyễn Tường đã ra đi.
Người "ra đi" đầu tiên phải kể ông Nguyễn Tường Vân (1774-1822) đã theo phò Nguyễn Ánh ở Ðàng Trong, sau khi đất nước thống nhất đã làm đến chức Binh bộ Thượng thư dưới triều Gia Long. Trước kia họ của ông là Nguyễn Văn, chính vua Gia Long đã ban chữ lót Tường thay thế chữ Văn, từ đó thành họ Nguyễn Tường. Con ông Nguyễn Tường Vân là Nguyễn Tường Phổ đậu tiến sĩ, chắc đây là người mà tác giả Nguyễn Thị Thế đã đề cập "Thời vua Tự Ðức cụ tổ phải đổi ra làm quan ngoài Bắc, lúc mất nhà vua cho đưa linh cữu về chôn ở quê nhà" mà bây giờ mộ Nhất Linh được chôn ngay bên cạnh. Ông nội của Nhất Linh là Nguyễn Tường Trấp (hay Tiếp) là con ông Nguyễn Tường Phổ, cũng đậu tiến sĩ và làm quan ở miền Bắc. Năm 2001, mộ thân phụ của Nhất Linh là Nguyễn Tường Nhu đã được con cháu tìm thấy lại ở Cẩm Giàng, sau đó đã được dựng bia và xây lại. Như vậy ta thấy việc định cư tại miền Bắc của một chi nhánh họ Nguyễn Tường xảy ra chưa lâu lắm, và cũng chưa bén rễ sâu, mồ mả các lớp người trước nằm lại trên đất Bắc không bao nhiêu, và đến thế hệ của Nhất Linh thì coi như cả gia đình ông, gồm mẹ và các anh chị em, trừ thân phụ mất sớm, đều rời đất Bắc mà đi về lại miền Nam. Việc ông bà Nhất Linh và người con lớn cuối cùng đều về an nghỉ tại Hội An là một việc rất tự nhiên và hợp tình hợp cảnh, nhất là trong hoàn cảnh hiện tại.

Thời tôi còn trẻ tuổi, ngoài việc đọc hết những tác phẩm của Nhất Linh, Hoàng Ðạo, Thạch Lam, tôi còn được biết một liên hệ trong gia tộc khiến tôi thấy những tác giả tài hoa của họ Nguyễn Tường một phần nào gần gụi với mình về phương diện quê hương bản quán. Ngày nhỏ, mỗi lần về thăm nhà thờ của họ tôi - họ Phạm Phú ở làng Ðông Bàn, phủ Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam - tôi thường được các bậc chú bác đọc và dịch cho nghe những câu liễn, câu đối, hoành phi trong nhà thờ. Tôi nhớ có một đôi liễn rất dài, bằng gỗ màu nâu chữ mạ vàng, nói là của ông Nguyễn Tường Tiếp tặng ông Phạm Phú Thứ, nguyên văn như sau:
Huệ chánh kỳ huân, Lục đầu giang Ðông hạ văn thiên lý
Hùng văn đại bút, Ngũ hành sơn Nam trung đệ nhất phong
[Công nghiệp cai trị đầy ơn huệ, từ sông Lục đầu xuôi về Ðông còn nghe ngàn dặm (câu này chỉ thời gian Phạm Phú Thứ làm tổng đốc Hải Dương đã khai khẩn nhiều vùng đất hoang cho dân định cư trồng trọt; ông Nguyễn Tường Tiếp người đồng hương với Phạm Phú Thứ, cũng làm quan ngoài Bắc, hẳn biết rõ sự việc này).
Văn tài lớn lao, phong cách số một trong vùng Ngũ hành sơn cõi Nam (Ngũ Hành Sơn là cụm núi có tiếng của Quảng Nam, ở gần Ðà Nẵng).]
Ðôi câu liễn này vẫn còn trong nhà thờ họ của tôi cho đến năm 1969, khi cả vùng Gò Nổi trong đó có làng tôi bị hủy diệt vì bom B52, không một dấu tích nào của quá khứ và của sự sống con người còn tồn tại.
Ông Nguyễn Tường Tiếp cùng làm quan triều Tự Ðức với ông cố của tôi, và sự giao du của các vị khiến cho tôi cảm thấy như có một liên hệ tinh thần với họ Nguyễn Tường, mặc dù cho đến gần đây tôi chẳng mấy khi được có dịp giao du mật thiết giống như người xưa. Sự kiện di cốt của ông bà Nguyễn Tường Tam và trưởng nữ được đem về an táng tại nghĩa trang của họ Nguyễn Tường trên đất Quảng Nam tôi cho là một sự kiện văn hóa lớn, có khả năng nối liền quá khứ với hiện tại. Quyết định này thể hiện một tinh thần gia tộc rất mạnh. Tinh hoa của một gia đình, của một dòng họ đột nhiên nổi bật lên một cách độc đáo khi đi ngược ra định cư trở lại trên đất Bắc là nơi mọi dòng họ Việt Nam xuất phát trong cuộc Nam tiến, cho thấy hình như yếu tố cội nguồn đã đóng vai trò như một dưỡng chất cần thiết để làm nảy nở những bông hoa tài năng. Bia mộ Nhất Linh cho biết ông là đời thứ mười kể từ khi người của họ Nguyễn Tường đến định cư tại làng Cẩm Phô, nếu tính một thế hệ là 30 năm thì họ này đã sinh sống tại Quảng Nam khoảng ba trăm năm rồi. Thường những gia tộc miền Trung ít khi biết gốc gác ông bà mình thuộc địa phương nào của miền Bắc trước khi vào Nam, mà chỉ biết từ người đầu tiên đến định cư, coi như ông thủy tổ của dòng họ tại đất mới. Trường hợp di cư ngược ra phía Bắc tương đối hiếm, và như gia đình Nguyễn Tường thì chỉ mới ba đời lại Nam tiến, các liên hệ với gốc gác xưa ở miền Trung vẫn còn giữ nên sự "hội nhập" (dù chỉ là sau khi chết) trở lại với quê cũ cũng khá tự nhiên.
Riêng bà Nguyễn Tường Tam trước đây đã có nhiều liên hệ với Quảng Nam. Do công việc buôn bán cau của bà, từ đầu thập niên 1940 từ Hà Nội bà thường ra vào Hội An để giao dịch mua bán với các hiệu Phước Xuân (37 đường Cantonnais [Quảng Ðông, sau đổi Nguyễn Thái Học]), Phước Hiên (10 Cantonnais) và vài nơi khác nữa. Sang thập niên 50, trước và sau hiệp định Genève bà vẫn còn tiếp tục giao dịch mua bán tuy là ít khi có dịp về tận Hội An như trước. Theo lời anh Nguyễn Ánh Anh, con của ông bà Phước Hiên, thì vào đầu thập niên 40 khi anh còn là chú bé khoảng mười tuổi, mỗi lần bà Nguyễn Tường Tam đến Hội An bà ngụ tại hiệu Phước Xuân (bà Phước Xuân là cô ruột của anh), và thường gọi anh đi với bà biếu quà các nhà quen và bà con cùng thăm từ đường Nguyễn Tường ở phía trên Chùa Cầu. Bà là người nhỏ nhẹ ai cũng mến, chơi thân với hai gia đình Phước Xuân và Phước Hiên và muốn gia đình bà có liên hệ với Quảng Nam nhiều hơn. Sau này lớn lên đi học ở Sài Gòn, anh Nguyễn Ánh Anh vẫn thường lui tới thăm bà và gia đình ở hiệu Cẩm Lợi gần chợ An Ðông. Cẩm Lợi là tên hiệu buôn của bà từ hồi còn ở Hà Nội, và một món hàng buôn chính của bà là cau khô.
Cau là một thổ sản của tỉnh Quảng Nam, thôn quê nhà nào cũng trồng cau để ăn trầu, nhưng càng về miền núi thì càng nhiều, người ta trồng những vườn cau bát ngát, đến mùa hái trái bán đi xa như một loại sản phẩm công nông nghiệp. Hái cau là một cảnh tượng rất thú vị. Một vườn cau rộng với hàng mấy trăm cây cao vút, nếu leo lên cây này hái xong lại tụt xuống leo lên cây khác thì rất tốn thì giờ, người ta không làm như vậy. Người hái cau chuyên nghiệp dùng một sợi dây thừng rất dài, cột một đầu quanh bụng, còn đầu kia thả xuống đất, bắt đầu dùng nài (một vòng dây tròn lồng hai bàn chân vào) leo lên một cây ở đầu vườn. Lên tới ngọn anh ta dùng một con dao nhọn cắt rời buồng cau ra khỏi thân cây, rồi thả cho buồng cau chạy dài theo sợi dây thừng có một người cầm đầu bên kia kéo ra chênh chếch và sẵn sàng đón bắt để buồng cau được nguyên vẹn, trái khỏi rụng rơi tung tóe. Hái xong một cây, vẫn bám trên ngọn, anh ta bắt đầu ôm thân cây mà lắc qua lắc lại, cây cau hết uốn bên này lại ngả qua bên kia cho đến khi có trớn tối đa nghiêng gần vào một cây khác thì người hái cau nhoài người ôm lấy cây ấy, thả cho cây trước tung về vị trí cũ. Lại hái, lại thả xuống đất theo đường dây thừng, rồi lại lắc để chuyền sang một cây khác, cho tới khi hết cả vườn cau. Cứ giống như trò đu bay trong gánh xiếc, trông rất hồi hộp. Cau hái xong phải róc hết vỏ, bổ ra từng miếng và sấy khô trước khi bán cho các nhà buôn. Ở Quảng Nam hột cau khô thường được dân miền biển mua để nhuộm lưới cá, giúp cho sợi nhợ được bền bỉ (thời xưa chưa dùng lưới ny-lông). Còn trường hợp bà Cẩm Lợi mua cau khô thì tôi không được biết giới tiêu thụ của bà là ai, dùng cau làm gì, nhưng số lượng bà mua lớn như thế ắt có một thị trường rất vững chắc.
Trong gia đình Nguyễn Tường ngoài Bắc, bà Nguyễn Tường Tam là người có liên hệ với dòng họ của chồng tại quê Quảng Nam nhiều nhất. Các giao dịch làm ăn và bạn bè của bà tại Hội An cũng nhiều và khá lâu năm, và xem ra bà có nhiều cảm tình với vùng đất này. Ðiều này dường như chuẩn bị cho chuyến "về quê" cuối cùng của ông và bà. Nằm ở đây ông bà đều không cảm thấy xa lạ. Sinh ra và trưởng thành ở miền Bắc, ông Nguyễn Tường Tam đã có một cuộc đời lừng lẫy, cuối cùng vào đầu thế kỷ 21, di cốt của ông bà đã tìm về mảnh đất xưa, như một kết thúc có hậu cho bao cuộc sóng gió của thế kỷ thứ 20 mà đời ông cũng như bao người Việt Nam khác đã trải qua. Cách đây ba bốn thế hệ, chuyến ra đi của một người con dòng họ Nguyễn Tường về phía Bắc có kết quả là con cháu đã đem lại một làn gió mới cho nền văn học cũng như cách mạng Việt Nam, thì nay chuyến "về lại" đầy ý nghĩa này biết đâu cũng mở ra một chân trời khác, cho dòng họ cũng như cho quê hương cũ?.
Thái Kim Lan
Ðưa tiễn Nhất Linh
(Ðoạn hồi ký trích từ "Phượng trên trời, Hải đường dưới đất")
Ðôi lời: 1963 đã đánh dấu một chặng đường tuổi trẻ làm nền cho thao thức dấn thân của cả đời người, cho nên 1963 khó quên... hay không thể quên! Những ngày tháng ấy từ đó là hành trang giấu trong "túi áo bên tim" mang theo trên đường đi 40 năm. Phong ba đã lắm, gian truân cũng nhiều cho tất cả những ai thời ấy. "Mày ngài chìm đắm trong cát bụi" dặm trường, bạn bè kẻ còn người mất. Rốt cùng chỉ còn lại hai chữ "vô thường"...
Thái Kim Lan
Tháng bảy trời nóng sôi trên các nẻo đường ở Huế. Hoa phượng say nắng ngất lịm trên cành. Tiếng ve âm vang mê mải trong các vườn cây thúc giục mọi người hãy kéo nhau vể bãi Thuận An hay lên Ngự Bình tìm nơi mát mẻ - nhà Huế nhà nào cũng có vườn hay sân trong bóng rợp, mấy chú ve thường kéo đến trong các tùm cây nhãn, cây vải, cây chôm chôm suốt ngày ca hát đàn đúm hầu như không biết mệt, ra rả sáng trưa chiều trong khoảng không gian khật khừ của thành phố mọi năm tháng bảy vắng hoe bóng học trò. Nhưng năm ấy thành phố rộn rực khác thường với những đoàn xe đạp hàng loạt lên chùa, bến xe đò ở chợ Ðông Ba tấp nập sinh viên lên xuống Ðông Ba Từ Ðàm, Ðông Ba Diệu Ðế. Tiểu thương chợ Ðông Ba, nỗi tiếng là hậu cần trung thành và đắc lực trong phong trào đòi bình đẳng Phật giáo tại Huế - vì họ toàn là đệ tử của các ôn trên núi, nên luôn luôn sẵn lòng bỏ hết của cải ủng hộ chùa mà họ cho đó là làm việc thiện để tích đức cho công việc doanh thương. - cũng hăng hái không kém sinh viên, trên bến xe họ gửi gắm hoa quả, thực phẩm, hương đèn lên cúng chùa, một người làm là mười người làm theo, rồi hai ba bốn chục người… đến nỗi xe đò lắm khi đầy nhóc lương thực cúng chùa, bác lơ xe và anh tài không la rầy mà lại cuời toe bấm còi inh ỏi. Mỗi lần xuống chợ Kha, Ðông, Tùng, Bính, Côn, Hiệp bao giờ cũng thấy vui hơn Tết, vì không cần mở miệng là đã được ký gửi tới tấp các phẩm vật của các chị các o lăng xăng bỏ hết thứ này thứ nọ nào bún nào đường, nào gạo nào mì trong lúc các mệ cười ngỏn nghoẻn sau quầy hàng ủng hộ, và dĩ nhiên là bánh trái đủ thứ được giúi vào túi đãy với những nụ cười rất xinh. Sau này anh em hay tình nguyện xuống chợ là vì thế và lắm khi phải rút thăm để xem ai được đi trước. Và bến xe Ðông ba bỗng nhiên náo nhiệt hơn hẳn một thời.
Tháng bảy năm ấy chúng tôi không ai bảo ai mà chẳng có đứa nào nghĩ đến chuyện đi nghỉ hè, chỉ có một vài người bố mẹ bắt lánh mặt nên được vé máy bay đi vào Sài Gòn, Nha Trang, Ðà Lạt. Bửu Tôn, Ðoàn Duy vào Sài Gòn sau khi chùa Từ Ðàm được giải phong tỏa (11. 06. 63), nhưng "chạy trời không khỏi nắng", vào Sài Gòn chỗ tới lui vẫn là các chùa Xá Lợi, Ấn Quang, lại gia nhập vào Ðoàn Sinh viên Phật tử Sài Gòn đi biểu tình, tuyệt thực. Riêng đoàn sinh viên Phật tử Huế lại càng bận rộn sau khi bản thông cáo chung được ký kết giữa Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật giáo và Ủy ban Liên Bộ của chính phủ (ngày 14. 06. 63). Cuộc thương lượng được kết thúc nhanh chóng không ngờ, không nói ai cũng biết "ngọn lửa Thích Quảng Ðức" đã tác động mạnh mẽ dường nào lên phía chính quyền từ đầu "nay lần mai lữa" chỉ hứa hẹn suông. Sau hai tuần bản thông cáo chung được công bố, Phật tử kiên nhẫn chờ đợi chính quyền thực thi những lời cam kết, nhưng mọi người dần dần thất vọng và nghi ngờ thiện chí của chính quyền. Khắp nơi nổi lên những hiện tượng giả phản hồi cuộc vận động Phật giáo được các cấp chính quyền khuyến khích mạo danh tổ chức, nhóm Cổ Sơn Môn được ông Nhu khuyến khích lên tiếng bôi nhọ Ủy Ban Liên Phái Phật giáo để gây chia rẽ, phụ nữ liên đới thanh niên thanh nữ cộng hòa đến các chùa tìm cách nhục mạ quí Thầy. Bà Nhu tuyên bố ngài Quảng Ðức tự thiêu là "thầy tu tự nướng" và tuyên bố tiếp sẽ "cho xăng mà nướng thêm" và sẽ "vỗ tay mà cười"… đến nỗi thân phụ bà ông đại sứ Trần Văn Chương… phải lên tiếng từ con.
Chúng tôi được giao phó cho công việc đối nội và đối ngoại từ sau buổi cầu siêu Hòa Thượng Thích Quảng Ðức tại chùa Từ Ðàm ngày 2.7.1963, cũng là ngày của cuộc vận động Phật giáo bước sang đợt 2: Ðòi thực thi bản thông cáo chung. Chúng tôi có bổn phận giải thích bản thông cáo cho các tầng lớp Phật tử và phải tiếp các phóng viên báo ngoại quốc đến Huế. báo chí khắp nơi, BBC, đài VOA, đài Úc, báo chí Pháp Le Monde v.v… càng lúc càng chú ý đến phong trào Phật giáo tại miền Nam và họ đã chứng kiến những "cuộc biểu tình huyền diệu" của học sinh, sinh viên Phật tử. Không khí Huế sục sôi với những cuộc biểu tình, tuyệt thực bất bạo động bất cứ nơi nào, trước chợ, nơi bến xe, trước tỉnh đường, trên dốc Nam Giao, trước văn phòng Viện Trưởng viện Ðại học do Linh mục Cao Văn Luận làm viện trưởng. Phong trào sinh viên học sinh càng ngày càng sôi nổi với những buổi hội thảo phân tích bản thông cáo và phê bình thái độ khinh thị bản thông cáo của chính quyền.
Chính trong bầu không khí ấy, tin Nhất Linh tự vẫn đã đến với tôi khi vừa dựng xe sau nhà bếp chùa Từ Ðàm để vào phòng họp Ðoàn. Hôm ấy là ngày 7.7.1963. Người báo tin cho tôi là anh Vĩnh Kha đang ngồi trên xe Vespa chạy trờ tới. Anh Vĩnh Kha nói giọng thất thanh: "Này, Kim Lan, Nhất Linh tự vẫn sáng nay rồi!" Nghe giọng anh như lạc đi một chút trong cơn nghẹn. Tôi hỏi lại bằng câu cố hữu kiểu Huế của tôi: "Thiệt không?". Anh Kha lần này không bắt bẻ câu hỏi ngớ ngẩn như mọi lần mà chỉ lắc đầu, hình như anh rất xúc động - anh Kha không thuộc vào một đảng phái nào từ trước đến giờ nhưng tin Nhất Linh tự vẫn làm anh xúc động đến lặng người khác hẳn ngày thường khi gặp tôi anh hay nói huyên thuyên - tôi lếch thếch đi theo anh vào phòng họp. Từ bếp chùa lên đến phòng họp Ðoàn SVPT bên phía sân trái của chùa không dài, tiếng guốc của tôi khua lóc cóc trên nền xi măng đơn độc, tôi chưa thể định hình một cảm giác nào rõ rệt, mơ hồ nghe trong âm vang tiếng guốc giọng học bài năm nào thoáng lên lởn vởn:
"Thằng Bò, cái Nhớn cái Bé… không, anh phải sống" 1.

Hồi còn trung học chúng tôi đã học Nhất Linh trong giờ "văn chương". Trích đoạn truyện ngắn này đã nằm sâu trong ký ức khó mà gột rửa, nhưng cũng khó mà gợi nhớ, nếu chúng không tự bật ra. Trong giờ phút nghe tin nhà văn Nhất Linh mất, bỗng nhiên "Anh phải sống" lại hiện về. Một dẫn chứng phi lý trong giờ phút nghe Nhất Linh mất, nhưng hãy để nó phi lý như thế trong đầu óc bé nhỏ của tôi.
Anh em đã đến đông đủ trong phòng họp. Anh G. đoàn trưởng của chúng tôi đã đến từ sáng sớm, anh cầm viết trong tay hí hoáy thảo mấy giòng trên giấy, ngẩng đầu lên anh bảo: "Nhất Linh tự vẫn!" Anh em im lặng một giây như để mặc niệm hay để ý thức rõ cái chết của một nhà văn Việt Nam lừng lẫy quen thuộc nhất thời ấy. Sau đó chúng tôi thảo luận và đồng ý với nhau: "Chúng ta nên gợi ý tổ chức lễ truy điệu nhà văn Nhất Linh tại chùa Từ Ðàm, đề nghị mời khoáng đại, nhất là trong giáo giới, sinh viên, học sinh, trí thức, giới đại học. Ai muốn đến tụng kinh thì đến. Chúng ta thường trực suốt ngày ở chánh điện Từ Ðàm. Phật tử chỉ truy điệu văn hào Nhất Linh mà thôi!"
Ðến lúc đó chúng tôi chưa được đọc di chúc của Nhất Linh, mãi đến chiều, chúng tôi mới được đọc nguyên văn:
"Ðời tôi để lịch sử xử, tôi không chịu để ai xử cả. Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử đối lập là một tội nặng, sẽ làm mất nước vào tay cộng sản. Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình như Hòa thượng Thích Quảng Ðức tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do.
Ngày 7-7-63, Nguyễn Tường Tam."
Tin Nhất Linh tự vẫn đã làm chấn động không ít toàn thể giới trí thức và văn nghệ sĩ miền Nam. Tôi không muốn nhắc đến vai trò chính trị của ông. Có phải tôi là người duy nhất không nghĩ đến vai trò của Nguyễn Tường Tam trong Quốc Dân Ðảng? Phải nói dạo ấy tôi mù mờ về các chính đảng là như thế, bù vào sự mù mờ này là trực giác về việc phải làm trong giây phút hiện tại. Tôi đã sững sờ nghe tin Thích Quảng Ðức tự thiêu, hôm nay lại bàng hoàng nghe Nhất Linh tự vẫn trong lòng cuộc vận động Phật giáo cho công bằng. Hình như những tin đó làm cho tôi không còn nghĩ đến sợ hãi và suy tính nào khác hơn là… tham dự, là trong cuộc với mọi người. Cho nên đi đưa đám Nhất Linh tôi đã đi đưa với tâm trạng của một kẻ đọc và học văn Nhất Linh và nhóm Tự Lực Văn Ðoàn từ những thập niên 51/63, khi tôi bắt đầu mê say đọc tiểu thuyết. Cuộc vận động Phật giáo và phong trào 63 là thế, mọi việc hình như đến từ trái tim…
Ðám tang đưa tiễn Nhất Linh ở Huế thật lớn. Các giới trí thức đều đi đưa tiễn, họ không ngại ngần bị chụp mũ theo Quốc Dân Ðảng chống chính quyền nữa. Cái chết của Thích Quảng Ðức và của Nhất Linh đã phá vỡ tất cả những e ngại thường có trong giới trí thức đắn đo. Ở trong phong trào cuộc vận động, tôi cảm nhận được sự rúng động của ngày 7.7.63 này đã lan đến tầng lớp trí thức như thế nào. Sự bất bình của mọi tầng lớp, lần này không những của Phật tử mà còn các giới trí thức già và trẻ đối với chính quyền đến thời điểm ấy đã lên cao độ. Ngày đưa tiễn Nhất Linh cùng một lúc với đám tang của Nhất Linh ở Sài Gòn.
Chúng tôi tuần hành trong im lặng qua các đường phố, ban đầu một nhóm khoảng chừng trăm người, nhưng càng đi, bỗng thấy từ đâu, một số người đi xe đạp xuống xe cùng bước, bộ hành đang đi bỗng xen vào hàng ngũ, khách bàng quan lảng vảng bên ngoài cũng cất bước theo và cứ thế chúng tôi đi qua các đường phố từ chùa Diệu Ðế qua phố chợ Trần Hưng Ðạo, qua cầu Trường Tiền, người đi càng lúc càng đông, học sinh, giáo chức, sinh viên, thanh niên, nghệ sĩ bỗng như được một phép mầu thúc đẩy từ mọi ngả tụ về. Qua chợ Ðông Ba, đã thấy những vòng hoa đột nhiên trong tay những người đi trước, hương, đèn tự nhiên không chân mà đến nằm trong tay của mỗi người. Chúng tôi truy điệu Nhất Linh bằng những hương hoa của các nhà hảo tâm vô danh, bằng tiếng chuông chùa Từ Ðàm của những người tự nguyện gióng lên và bằng lời cầu nguyện thành tâm của đoàn người diễn hành vừa đi vừa niệm "Nam mô thiếp dẫn đạo sư A di đà Phật" vang vọng trên khắp các nẻo đường, bằng những bước đi lang thang bất định, vu vơ góp nhặt từng tình cảm mà người qua đường - khi nghe tuần hành tiễn nhà văn Nhất Linh - đã dừng lại và gửi theo, như một cuộc "nhặt lá bàng" trong một đêm lộng gió - chỉ khác cuộc tuần hành hôm ấy nóng cháy cơn lửa hạ nồng. Chúng tôi đi như thế, chân bước như không muốn dừng lại nữa.
Riêng tôi, trên đường đi tôi cảm nhận hơn một lần, hình như đưa tiễn Nhất Linh tôi đang đưa tôi, đang đưa một chặng đường văn học của quãng đời thanh xuân của mình. Trong tất cả những phê bình nhóm Tự Lực Văn Đoàn vào những thập niên sau của nhóm tả khuynh, một điều đã không được nêu ra hay nếu có nêu ra thì cũng xen lẫn với một nụ cười hoài nghi hay bẽn lẽn không chịu thừa nhận: trong giai đoạn văn chương chuyển tiếp chính Tự Lực Văn Đoàn đã cho thế hệ 40/50/60 và có lẽ nửa thập niên 70 thấm nhuần một văn phong nhẹ nhàng, trong sáng, chững chạc và chuẩn mực của ngôn ngữ Việt đang dần dà chấn hưng, một công trình hiếm có trên văn đàn Việt ngữ. Lướt qua những khía cạnh tư tưởng nhuốm màu tiểu tư sản và lắm khi có chút vọng ngoại thời thượng (mà có lẽ ngày hôm nay lại được xem như là một mốt "trở về" lắm khi còn kệch cỡm hơn) văn học Nhất Linh và Tự Lực Văn Đoàn đã đưa người đọc "trở về" với thiên nhiên Việt Nam, đánh động sự nhạy cảm sáng tạo qua từng cảm xúc với thiên nhiên và thế giới bên ngoài. Hình như tôi nhớ không lầm, những đêm trăng ở Huế, những buổi sáng mai trong khu vườn cây xanh, giọt mưa đầu mùa, hoa cau thơm trong vưòn, hoa bưởi về khuya, hoa khế lấp lánh trong nắng, màu quả na xanh như ngọc... tất cả những ấn tượng này tôi đã thâm nhập không ít thì nhiều qua Nhất Linh. Phần nhiều chỉ là những ngón tay chỉ tín hiệu đường đi trong những năm tập viết… Có nhiều đoạn văn của nhóm TLVÐ tôi đã thuộc nằm lòng:
"Duy nhìn lên, giàn đậu ván in lên nền trời xanh những chiếc lá xanh lục, những bông hoa màu tím nhạt… bỗng nhiên cả một quãng đời thơ ấu hiện ra, đầy ý tưởng trong sạch và đầy ý muốn làm việc thiện" (Hoàng Ðạo, Con đường sáng).
Chừng đó cũng đủ gợi cho tâm thức một thứ ánh sáng thúc giục lên đường… để tự giác ngộ. Rất nhiều góp nhặt thu lượm vô thức trong lúc mê mải ngấu nghiến món ăn tinh thần hầu như duy nhất của thời xa, với thành tâm trong văn chương và không chút ngụy tín trong ngôn ngữ, hình như đó là con người Nhất Linh: "Ðối với tôi, những cơn gió tôi chờ đón đã nổi lên, khiến tôi đêm qua lạnh cả tâm hồn, nhưng lá bàng nhặt được không là bao. Lại không biết có ấm được lòng ai ở xa không?" (Nhất Linh, Ðôi bạn)
Tôi đã đưa tiễn Nhất Linh trên đường lên chùa Từ Ðàm với một chút "lòng sao lạnh" xen lẫn tri ân…
Ghi chú:
1.
"Anh phải sống", truyện ngắn, Nhất Linh - Khái Hưng.
Nhất Linh - Tú Mỡ
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với các trọng trách từ thời bưng biề...