Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019

Giòng sông Thanh Thủy 2

Giòng sông Thanh Thủy 2
Phần thứ hai
Chi bộ hai người
Chương mười bốn
Ngày hôm sau, Ngọc về Mông Tự. Việc đầu tiên khi chàng xuống xe là đến ngay hàng cà-phê của Thanh. Tới nơi, cửa hiệu còn mở nhưng các bàn đều trống, không có một người khách nào. Thanh đương xếp dọn các thứ ở trong cùng cửa hiệu. Dưới ánh đèn dầu lạc lờ mờ, nàng chưa nhận được là ai, hỏi vọng ra:
"Ông xơi cà phê phin hay cà phê đen?"
Ngọc đến một cái bàn sáng nhất, ngiêng vai tháo dây quàng rồi đặt túi vải xuống bàn:
"Chị cho tôi một cốc cà phê phin."
Thanh thốt lên:
"Tiếng ai như tiếng..."
Nàng chạy vội ra; khi biết là Ngọc nàng đứng dừng lại. Ngọc nói vui vẻ:
"Tôi đây mà, tôi vừa mới về."
"A, anh Ngọc, anh mới về."
Nàng nói nhưng không nhìn Ngọc vẻ mặt lạnh lùng vội quay trở vào để sửa soạn. Ngọc thấy tức ứ lên tận cổ, định tìm cách thoái thác rồi bỏ đi ngay, nhưng chàng vẫn ngồi yên đợi. Thanh nhìn cái túi vải để trên bàn biết là Ngọc mới về mà lại đến ngay nhà nàng, một nỗi vui nở dần trong lòng, nhưng khi bưng cốc cà phê ra vẻ mặt nàng lầm lỳ; nàng chưa chịu làm lành trước với Ngọc, tuy biết rằng ngoài chuyện Phương ra, Ngọc không có lỗi gì với nàng cả.
Ngọc kéo cốc cà-phê lại gần phía mình rồi mở nắp cái phin xem nhiều hay ít nước. Chàng hỏi Thanh:
"Hiệu chị độ này có đắt hàng không? Tôi vừa đi đúng hai mươi hôm rồi đấy."
"Cám ơn anh, cũng khá."
Ngọc giơ hai bàn tay ôm lấy cái cốc nóng. Gió lạnh từ ngoài cửa thổi vào làm lung lay ngọn đèn.
"Chị làm ơn khép giùm tôi cái cửa, tôi đi xe gió quá, lạnh giá cả chân tay. May nhờ có cái áo len đàn bà..."
Thanh ra đóng cửa, cài cả then trên then dưới, rồi hỏi Ngọc:
"Đêm nay chắc anh lại ngủ đây?"
Ngọc ngửng lên, lúc đó hai người mới nhìn nhau yên lặng một lúc lâu. Ngọc mỉm cười hỏi:
"Chắc chị giận tôi về việc ăn ruốc mười hôm xót ruột."
Thanh ngồi xuống cùng bàn với Ngọc:
"Tôi đâu có quyền giận anh. Mà tôi cũng chẳng xót ruột. Bao nhiêu lựu chín ngoài vườn tôi đều ăn hết, không còn một quả nào."
"Thế còn quả chị để dành tôi."
Đôi lông mày hơi cau lại, Thanh nói:
"Quả ấy ngon nhất cây. Hột to vừa mọng nước vừa thơm vừa ngọt."
Ngọc nói:
"Tiếc quá nhỉ. Tôi mong về cho chóng, chỉ cốt được ăn quả lựu chị đã chọn. Vả lại, đã năm sáu hôm nay chị muốn ăn thức gì thì ăn, việc gì mà xót ruột. Xót ruột nói đúng ra là sốt ruột hoạ chăng chỉ có tôi. Tôi biết vừa chẵn mười hôm chị đã khỏi cả sốt lẫn thương hàn, tha hồ lượn phố; ăn ‘cô sèo mi siển’, chẳng trách mà người đẫy hẳn ra, da dẻ hồng hào tươi tốt thế kia."
Thanh giục:
"Anh uống cà-phê đi không nguội. Dọc đường chắc chẳng có cà-phê ngon thượng hạng như ở hiệu tôi. Mà chắc cũng không có cà-phê mà uống nữa."
Ngọc mỉm cười:
"Có chứ. Tôi được uống thứ cà-phê đặc biệt. Tôi đã nốc cả một bi-đông mà không việc gì. Hai anh em bạn đồng hành với tôi cứ nằng nặc đòi uống cho kỳ được. À quên, chị pha cho chị một cốc cà-phê, rồi đem lên trên gác ngồi để cho khách khỏi thấy ánh đèn lại gõ cửa."
Lúc hai người lên trên gác và ngồi vào hai cái ghế vẫn ngồi, Thanh nói mắt có vẻ tinh nghịch:
"Ý hẳn anh lại muốn đến canh gác tôi và ngủ đêm ở đây như lần trước."
Ngọc nói:
"Ý kiến ấy hay đấy. Hay là tôi lại ngủ một đêm nữa ở đây. Nhà có hai chăn hay chỉ có một. Có một thì tôi xin đi, còn màn thì không cần, trời lạnh không có muỗi đâu mà sợ."
Thanh chỉ vào góc gian gác:
"Nhà có đến ba cái chăn. Nhưng lần này thì anh cần gì canh gác tôi nữa."
"Vẫn cần lắm chứ."
Ngọc vừa nói vừa rút hai khẩu súng đặt lên bàn.
"Lần này mà chị trốn thì tôi bắn."
Thanh nói:
"Tôi đợi anh ngủ tôi sẽ bắn anh trước. À, nhưng mà cả đời tôi không rờ đến cái súng lục. Cách cho đạn ra sao? Hôm nào anh dạy tôi bắn nhé."
"Chị tập bắn làm gì? Chị định bắn lựu rơi để đỡ công trèo chắc."
Thanh cười:
"Cần gì súng. Bao nhiêu quả tôi bắn hết từ lâu rồi. Tôi thích tập bắn súng để khi nào có dịp thì..."
Ngọc cũng cười theo.
"Để khi nào thong thả, tôi sẽ đưa chị về cánh đồng phía Cô Cầu để chị tha hồ mà tập; hay là đợi khi nào về Ma-Lì-Pố hay về biên giới. Bây giờ tôi bảo qua chị cách thức lắp đạn. Có hai thứ súng..."
Ngọc cầm hai khẩu súng của Tứ và Nghệ rồi giảng giải:
"Đây là thứ Colt bốn mươi lăm, bắn một phát vỏ đạn sẽ bật ra và có một viên đạn mới sẽ tự động lên thay. Còn đây là súng quay, có sáu lỗ, cứ bắn một phát thì cái lỗ có đạn lại quay lên đúng vào chỗ mổ cò."
Thanh nói:
"Hay nhỉ? Sao anh phải đem hai súng đi. Ý hẳn mỗi súng bắn một người. A, tôi nghĩ ra rồi, anh bắn được cả hai tay như những cao bồi trong xi-nê."
"Không chị ạ, đây là súng của Tứ và Nghệ, còn tôi, tôi đi tay không."
Rồi Ngọc kể cho Thanh nghe những chuyện dọc đường và cách thức hạ được hai người có súng. Nói đến Tứ, vẻ mặt Ngọc hơi buồn. Chàng uống cạn cốc cà-phê:
"Chẳng qua số phận anh Tứ cũng đã bị lôi cuốn vào cái ‘guồng máy’ của chị và bị guồng máy nó nghiến nát. Thế chị kể cho tôi nghe tình hình của chị trong hai mươi hôm nay."
Thanh đứng lên:
"Để tôi trải chiếu, lấy chăn. Nằm trong chăn - cố nhiên là nằm riêng mỗi người một chăn - nói chuyện thú vị hơn. Tôi cũng thấy lạnh giá cả người. Mà chỉ nói chuyện suông, không ai được nghĩ lôi thôi đấy."
"Cái đó chị đừng lo. Tôi rất kính trọng chị."
Thanh kể lại việc anh em canh gác đến việc được trả tự do. Trong mười ngày không có anh nào đòi đến ngủ chung, không ai uống cà-phê quỵt; rau của nàng bị nắng lại thiếu nước nên héo khô cả, nàng phải ăn lựu cho đỡ xót ruột.
"Nhưng cũng còn một quả hơi chín, để sáng mai tôi biếu anh."
"Cám ơn chị. Thế rồi sau ra làm sao?"
Thanh nói có đến thăm Xuân nhưng giấu việc đến thăm Phương.
"Anh Lăng có đến luôn, anh ấy tử tế lắm. Anh ấy cùng tôi đi chợ và mang giúp cả làn đựng các thức ăn. Tôi có mời anh ấy ăn một bữa cơm."
Thanh chúi đầu vào trong chăn nói với Ngọc:
"Buồn cười nhất là hôm anh đi, anh Lăng đến uống cà-phê và có lẽ định ngủ đêm ở nhà tôi, nhưng tôi nằm trong chăn nói to bảo anh ấy rằng tôi ốm nặng, đúng mười lăm hôm mới khỏi. Mười hôm sau anh ấy đến, vờ vĩnh bảo tôi gầy tọp hẳn người. Thôi anh đi ngủ đi, kẻo đi đường mệt. Hỏi khéo chị Xuân tôi mới biết ở Văn Sơn lụt to. Có lẽ vì thế mà chậm sáu bẩy hôm anh mới về được Mông Tự. Để đèn hay tắt đèn hở anh?"
"Thôi chị cứ để đèn."
Tuy giục Ngọc đi ngủ nhưng Thanh vẫn nói hết chuyện này đến chuyện kia. Tiếng Thanh lẫn với tiếng gió thổi lọt qua các khe ván; nàng kể chuyện rất có duyên. Nằm ấm cúng trong chăn, Ngọc mải nghe Thanh nói chuyện nên quên cả mệt và buồn ngủ.
"À này chị, hay tối mai tôi thết chị một bữa phở cừu ở Cổng Tây, ngồi ở các hàng rong bên vệ đường ăn phở cừu trong gió lạnh như thế mới ngon."
"Thôi tôi chịu phở cừu, ăn không quen. Ở đấy họ có bán ‘cô sèo mi siển’ không?

"Có chị Thanh ạ."
"Thế thì tôi nhận lời nhưng tôi thết cơ. Thết bằng tiền của anh gửi tôi. Tiền hãy còn nguyên vẹn tôi chỉ trừ đi tám cốc cà-phê, năm cốc hôm ấy với ba cốc hôm anh đến canh gác tôi; hôm nay hai cốc nữa vị chi là mười cốc tất cả. À sáng mai thế nào chẳng một hai cốc nữa. Hàng cà-phê tôi bán tháng này lời to, lời nhất vì anh; trong mười hôm liền mặc dầu tôi đóng cửa hiệu, các đồng chí của anh thay phiên đến ngồi uống kể cũng được đến ba bốn chục cốc. Lắm anh hà tiện hay không tiền cứ đứng ở đầu phố rình, nắng, rét cũng đứng, trông thật thảm thương."
Thanh cười to tiếp theo:
"Có lần tôi ra cửa gác thấy một anh đứng rình ở dưới, tôi đổ cả một chậu thau rửa mặt lên đầu anh ta. Tôi báo thù chơi bọn đồng chí của anh đấy. Anh sợ tôi chưa?"
Ngọc cũng cười theo:
"Nước ăn chị còn phải dè sẻn; tôi chắc chị rửa mặt bằng một cốc nước lã đổ vào khăn cho ướt rồi lau qua. Tôi đoán có đúng không?"
Thanh lại tiếp tục nói chuyện. Hỏi luôn mấy câu, Ngọc không đáp lại vì lúc đó đã một hai giờ đêm, chàng thấy thiu thiu buồn ngủ. Bỗng chàng chú ý: hình như Thanh rón rén cho chân vào dép, yên lặng một lúc, Ngọc nghe tiếng bước rất nhẹ trên sàn gác rồi tiếng chân xuống cầu thang. Một lúc sau Thanh lại lên, chân bước rất nhẹ; đi ngang qua chỗ chàng nằm rồi rón rén về phía giường của nàng. Ngọc nghe tiếng Thanh đặt mình lên giường và cả tiếng kéo chăn sột soạt. Chàng hiểu Thanh xuống gác về việc gì và tự nhiên mỉm cười. Cả Thanh lẫn Ngọc đêm hôm ấy không ai có một ý nghĩ gì vẩn đục.
Chương mười lăm
Sáng hôm sau lúc Ngọc thức dậy thì cửa sổ vườn sau đã hé mở. Trên bàn để hai cốc cà-phê phin và Thanh ngồi ở ghế đợi chàng.
"Chị dậy sớm thế. Bây giờ mấy giờ rồi?"
Thanh nói:
"Tôi không biết mấy giờ nhưng trời đã tảng sáng. Mời anh dậy uống cà-phê phin, ăn sáng rồi ngắm hoa lựu còn ướt sương. Tôi đã đem nước lên anh rửa mặt. Phải cái anh chịu khó rửa khăn tôi vậy. Tôi đã giặt sạch rồi. Bây giờ thì tha hồ nhiều nước. Tôi đã thuê người gánh đầy hai chum lớn. Đêm qua anh ngủ yên chứ."
Nàng có ý nói dằn vào chữ "yên", Ngọc nói:
"Tôi đã có sẵn khăn ở trong túi."
Lúc ra chỗ thau nước, Ngọc hỏi có gì ăn sáng không:
"Tôi đói lắm vì tối qua không ăn cơm, tám giờ xe mới tới; tôi đến thẳng ngay đây."
"Có trứng lập là, sữa, lạp sường và cả... ruốc nữa."
Ngọc làm như mải nói chuyện nên lấy chiếc khăn mặt của Thanh ở cạnh thau rửa mặt. Nước lạnh và khăn có một mùi thơm rất nhẹ gần như không phải mùi thơm của xà-phòng. Chàng rửa mặt thật kỹ rồi thốt nhiên nói với Thanh:
"Chết chửa tôi lại quên không lấy khăn của tôi ở túi. Hôm qua đi xe suốt một ngày, bụi bậm làm bẩn cả khăn chị."
"Không sao. Tôi đã bảo bây giờ nhà nhiều nước lắm. Các anh làm cách mệnh có bẩn cũng không ai chê, đói cũng không ai cười. Họ chỉ cười các anh khi các anh sang quá. Họ đấy tức là tôi. Mời anh xơi cà-phê cho nóng người."
Thanh đẩy hai cánh cửa sổ mở rộng rồi nhìn Ngọc uống cà-phê và ăn sáng ngon lành.
"Anh mải ăn quên cả ngắm hoa lựu? Thi sĩ gì anh. Thi sĩ ăn thì đúng hơn."
Ngọc ngẩng nhìn ra chỗ cây lựu thấy quả đầy chi chít, quả nào cũng lớn và chín cây.
"Thế ra chị nhịn để phần tôi cả sao. Tôi thèm lựu Mông Tự quá, chị ra chảy cho tôi một quả ăn tráng miệng."
"Không, đây là lứa sau."
Thanh lấy ở ngăn dưới bàn ra một đĩa có để hai quả lựu rất lớn. Ngọc hỏi:
"Sao lại những hai quả?"
Thanh bĩu môi:
"Thế còn tôi?"
"Tôi tưởng cô đã chán lựu. Cô chỉ thích ruốc thôi. Thích đến nỗi ăn hơn mười hôm không chán."
"Giống cách mệnh các anh ích kỷ lắm. Tối hôm qua tôi chỉ ăn có lưng cơm, tối định ăn thêm cốc sữa nhưng thấy anh sống sót về quên phắt đi mất, chỉ có mình các anh biết đói và biết ăn sáng thôi."
Thanh xuống nhà dưới làm cho mình một đĩa trứng lập là. Lên đến nơi, Ngọc đã bửa cả hai quả lựu, bóc màng rồi tỉa hạt vào đĩa. Những hạt lựu to lớn trông tựa như những hạt thủy soan.
Trời lại trong như hôm nào, nhưng gió thổi mạnh và trời giá rét. Một mảng nắng rải màu vàng nhạt trên con đường ra giếng nước. Nắng mỗi lúc một to óng ánh trên những cánh lựu trắng, còn đọng sương đêm; gió thổi xôn xao trong lá cây làm rung động những chấm tròn ánh sáng trên bức tường nhà hàng xóm. Ngọc lại nhớ đến người chị thân yêu ở quê nhà, giờ này chắc ra sân sưởi nắng, và phơi những miếng cau, lòng cau màu hồng thắm hơn cả đôi gò má của Thanh. Một tia nắng tình cờ rọi trúng ngay vào hạt lựu trong, Thanh đương ngậm nhẹ giữa hai chiếc răng cửa nhỏ và trắng mát.
Ngọc đứng dậy:
"Thôi tôi phải về qua nhà, tối nay bẩy giờ tôi đợi chị ở Cổng Tây."
"Anh về bây giờ không tiện."
Có tiếng người gọi Thanh ở dưới đường. Thanh chạy vội xuống mở cửa:
"À anh Lăng, hôm nay tôi dậy muộn thành thử mở cửa hàng chậm. Anh xơi cà-phê đen hay cà-phê sữa."
Lăng nhìn Thanh rồi nói:
"Hôm nay tôi có việc nhân đi qua đây nên tới hàng chị khá sớm. Chị cho cốc cà-phê sữa. - mà trông chị độ này da dẻ hồng hào, mới có mươi hôm không đến mà chị đã khác hẳn. Hay là chị còn sốt nên mặt đỏ như vậy?"
Thanh nói:
"Cám ơn anh. Tôi đã khỏe hẳn rồi. Bách bệnh tiêu tán. Sốt rét ngã nước cũng hết; Pờ-lát-mô-đi-om 1. đi-đim chuồn đâu mất. Thương hàn cũng khỏi; chắc tôi chỉ bị Para 2. thôi. Ba-si Đê-be 3. Đê-bét cũng tử cả. Duy chỉ còn tôi sống để pha cà-phê ngon các anh xơi."
"Cô thông thạo về các bệnh nhỉ."
Thanh nói cao giọng:
"Tôi tưởng anh biết rồi. Cựu học sinh trường Đồng Khánh và trường thuốc là tôi đây. Nhưng học xong PCB 4. gần hết năm thứ hai vì gia biến phải bỏ học. Tôi lại học cả đỡ đẻ nữa."
Thanh mỉm cười; tuy là sự thực nhưng nàng nói bằng một giọng đùa nghịch và chỉ cốt để Ngọc ở trên gác nghe thấy.
Biết là có Lăng đến, Ngọc phải ngồi yên không động đậy. Nghe đến chỗ Thanh nói là cựu sinh viên trường thuốc, Ngọc ngạc nhiên ngẫm nghĩ:
"Thế mà mình mới học hết năm thứ nhất. 5 Phải đấy, để mình nhờ Thanh dậy về các môn khoa học thường thức, cũng là một cớ để mình được gần Thanh luôn."
Chàng mỉm cười:
"Và cũng để dò xét Thanh nữa."
Lăng đi rồi, Thanh lên gác. Thấy Ngọc đứng lẩn sau cái tủ áo, nàng bật cười buồn:
"Tôi đây mà. Đấy anh xem bây giờ anh về nhà thì ai cũng hỏi đêm qua anh ngủ đâu. Không lẽ anh nói thực là ngủ ở nhà cô Thanh. Để lát nữa tôi nhờ bà Su bên hàng xóm ra chợ mua thức ăn trưa; tối ăn ở Cổng Tây xong anh về nhà thì vừa đúng giờ xe ở Khai Viễn về. Vả lại anh đi hơn nửa tháng ròng vất vả, anh nằm khểnh ở trên gác coi truyện Đông Chu liệt quốc có phải thú vị không. Còn tôi, tôi phải xuống hàng, khách sắp đến."

Bẩy giờ trời đã tối, Ngọc đứng ở Cổng Tây đợi Thanh. Người đi lại đông, các đèn dầu lờ mờ nên Ngọc phải chú ý nhìn từng người một. Thanh tìm thấy Ngọc trước; đêm ấy nàng mặc áo kiểu Vân Nam mầu xanh thẫm và cố ý quay mặt đi nên Ngọc không nhận ra. Thanh đứng đằng sau lưng Ngọc một lúc lâu; thấy Ngọc ngả lưng dựa cái túi vào bờ thành nhớn nhác tìm kiếm, nàng bật lên cười to. Ngọc giật mình quay lại.
Thanh nói:
"Anh làm cách mệnh mà tôi đi qua mặt không biết. Việc Ma-Lì-Pố chỉ là việc ngáp phải ruồi."
Ngọc cũng bật cười:
"Nhưng lúc này tôi đi ăn chứ có phải làm cách mệnh đâu."
Hai người rẽ vào một cái ngõ con rồi cùng ngồi xuống cạnh cái bàn thấp của một hàng rong đặt dưới gốc một cây đề lớn. Thanh hỏi:
"Hôm bán áo anh cũng ăn ở đây."
Ngọc gật đầu:
"Hàng này ngon nhất mà lại rẻ tiền."
Ngõ ấy khuất gió nên trời vừa đủ lạnh, chỉ có ngọn cây đề vươn cao khỏi các nhà chung quanh là bị gió thổi lá rạt về một phía. Nghe tiếng rào rào ở trên đầu, Thanh ngửng lên; Ngọc cũng ngửng lên theo. Thanh nói:
"Trông gió lạnh rung lá đề vui quá nhỉ."
Nàng loay hoay tìm một câu thơ, để Ngọc nghĩ tiếp cho thành một bài tứ tuyệt, làm kỷ niệm về sau. Nghĩ mãi nhưng nhất định không ra một tứ nào; bỗng nàng chợt nhớ lại mấy câu thơ được coi từ khi còn ở trong nước, rồi dựa vào đấy đổi đi vài chữ và khẽ ngâm:
"Đêm tối, trời trong, cảnh hữu tình
Xôn xao ngọn lá khẽ rung mình."
Ngọc không biết câu thơ chính, tưởng Thanh nghĩ ra:
"Thơ hay quá nhỉ? Chị cũng biết cả làm thơ à?"
"Nghe nói thơ anh hay lắm, anh thử làm tiếp theo cho thành bốn câu, đủ bài."
Ngọc loay hoay nghĩ nhưng không ra:
"Thế kia mà chị bảo khẽ rung, rung mạnh là đằng khác. Thôi, thơ để đấy ăn đã. Chị trông bát phở cừu của tôi với bát ‘cô sèo mi siển’ của chị kia, đó mới thực là cảnh hữu tình."
Ăn xong Thanh trả tiền. Tới một chỗ phố vắng, Thanh nói:
"Thôi bây giờ anh về thì vừa đúng giờ xe Khai Viễn tới Mông Tự. Mai mời anh lại đằng hàng xơi cà-phê."
Ngọc mỉm cười:
"A, nếu rỗi tôi sẽ đến ban ngày vào những giờ chị vắng khách để học chị."
"Anh học gì tôi? Học cách thức pha cà-phê rồi tranh khách của tôi à?"
"Không, những lời buổi sáng chị nói với anh Lăng tôi đều nghe rõ cả. Thú thực với chị, tôi học mới hết năm thứ nhất."
Thanh không đáp, lặng nhìn Ngọc một lúc, vẻ mặt nghiêm trang và thâm trầm rồi cúi chào Ngọc. Thấy Thanh chào mình rất lễ phép, không như mọi lần, Ngọc hơi ngạc nhiên không hiểu vì lẽ gì; chàng toan giơ tay lên vẫy từ biệt, phải ngừng lại và cũng cúi đầu chào Thanh.
"Vì lẽ gì?"
Ngọc vừa đi về nhà vừa ngẫm nghĩ điều đó nhưng không tìm được nguyên do.
Tới nhà, Xuân reo lên gọi chồng:
"Anh Việt, chú Ngọc đã về. Chú ăn cơm gì chưa?"
Ngọc bỏ túi xuống giường, đáp:
"Em đã ăn rồi, chị ạ."
Việt ở dưới bếp chạy lên:
"A, chú đã về. Chú này, anh Ninh có nói khi chú về thì lại ngay tìm anh ấy. Anh ấy ở đằng anh Hồng."
"Vâng để em đi ngay. Anh chị vẫn mạnh chứ?"
Xuân ra chỗ để túi vải, hỏi Ngọc:
"Chú có quần áo bẩn để tối nay chị ngâm."
"Em ấy à, em chỉ có một bộ này thôi. Mặc hai mươi hôm nay rồi. Thôi, chị để mai em giặt lấy. Phải ra ngoài sông mới đủ nước để giũ cho sạch; quần áo em bẩn, người em không cũng bẩn, tay em cũng bẩn và..."
Ngọc ra đến cửa nói lẩm bẩm rất khẽ, không cốt để Xuân nghe:
"... Hồn em cũng bẩn lắm."
Tới nhà Hồng, Ninh bảo Ngọc:
"Chú ngồi xuống đây. Xin lỗi chú, chú đã đoán đúng về Thanh, còn tôi, tôi đã nghĩ lầm. Mai sớm tôi khai hội rồi tôi phải đi Khai Viễn có việc cần. Chú nói rõ đầu đuôi cho tôi nghe."
Ngọc thong thả kể lại, không bỏ một chi tiết; chàng thú thực cả việc định cứu Tứ, việc để nguyên túi quàng vai và quần áo tại chỗ.
"Em đã làm trái lời anh dặn."
"Không, chú làm thế đúng hơn việc tôi dự tính. Lên Côn Minh tôi sẽ báo cáo để Hải ngoại Bộ biết về tài ứng biến và công tác hoàn hảo của chú."
Bỗng nhiên Ngọc lặng người đi một lúc: tự thâm tâm chàng một nỗi vui hiện dần lên nhưng không phải chàng vui vì lời khen của Ninh. Chàng vừa nghĩ ra là Thanh đã yêu chàng, mà bắt đầu yêu từ lúc cúi chào chàng; vẻ mặt nàng nghiêm trang, không bông đùa, dáng điệu nàng cũng không còn vẻ hồn nhiên như những lần nói chuyện và ngủ chung một nhà.
Ngọc rút ra hai khẩu súng lục trao trả Ninh và đưa ví của Nghệ và Tứ để Ninh coi xét. Chàng định tháo chiếc đồng hồ đeo tay nhưng Ninh cản lại.
"Thôi tôi tặng chú làm kỷ niệm."
Sáng hôm sau, Ninh triệu tập một cuộc hội họp bất thường của Khu Đảng bộ Mông Tự; ý chính của Ninh là chỉ cốt báo cho anh em Khu Đảng bộ biết rằng hai đồng chí đã về nước được yên ổn.
Lúc đi Khai Viễn, Ninh có ân cần dặn Ngọc:
"Chú cần phải đến hiệu cà-phê luôn làm thân và liên lạc chặt chẽ với Thanh. Sau sẽ có cơ hội cần đến."
Ngẫm nghĩ một lát rồi Ninh tiếp:
"Chuyện này tôi đã nói với anh Hoạt."
Nói xong Ninh bắt tay Ngọc một cái mạnh rồi mỉm cười, hai con mắt thoáng vui.
Ngọc quay trở về ngẫm nghĩ:
"Có lẽ Ninh đã biết rõ rằng mình yêu Thanh. Ninh biết cả truyện Phương với mình nữa, nếu không vì cớ gì Ninh cần phải nói chuyện với Hoạt. Ninh tinh ý lắm, thoáng một cái hiểu ngay, không những về công việc mà cả về ý nghĩ thầm kín của mình."
Chú thích:
1.
Plasmodium: Vi trùng sốt rét.
2.
Para-typhoide: Một chứng nhẹ của thương hàn.
3.
Bacille d’Eberth: Vi trùng bệnh thương hàn.
4.
Lý Hóa Nhiên: Ba môn khoa học cần phải biết trước khi học thuốc.
5.
Năm thứ nhất hồi đó tức là lớp đệ thất bây giờ.
Chương mười sáu
Ngọc theo lời dặn của Ninh nên ngày nào cũng đến hàng cà-phê Thanh Hương vừa để uống cà-phê ngon vừa để học Thanh các khoa học thường thức, trau dồi thêm tiếng Pháp, Anh và nhất là để nói chuyện với Thanh, biết rõ Thanh hơn.
Thỉnh thoảng Ngọc cũng rẽ qua nhà Hoạt để gặp Phương. Buổi đến lần đầu tiên, cách ngày về Mông Tự năm hôm, chàng đương nói chuyện với Phương và Hoạt thì Phương khác hẳn mọi lần đi sang phòng bên. Lúc mới đến, nhìn Phương sau gần một tháng Ngọc nhận thấy trong hai mắt nàng một thoáng mừng vui nhưng vụt tắt ngay. Ngọc ngồi rốn lại nói chuyện với Hoạt về việc Ninh dặn cần phải gặp Thanh luôn: khi nói đến chuyện ấy chàng nói lớn tiếng cốt để Phương nghe rõ. Một lát sau Phương lại ra phòng khách; Ngọc thấy mắt Phương hơi đỏ như vừa mới khóc xong nhưng nét mặt Phương đã tươi hẳn lên. Nàng rót nước thêm vào chén Ngọc:
"Anh xơi thêm cho nóng. Năm nay ở Mông Tự rét đặc biệt hơn mọi năm. Cái áo len của anh đã cũ thế kia mà anh không thấy rét à."
Ngọc biết là Phương nhắc đến chiếc áo nàng đan xong và ngầm bảo chàng đến chơi luôn để nàng có dịp biếu áo. Hoạt không biết gì về chuyện giữa em gái mình với Ngọc nhưng nếu Khuê vợ chàng có nhà thì nàng chắc hiểu, tuy Phương đan áo trong phòng riêng hay trong lúc Hoạt và Khuê đi vắng nhưng cùng bọn phụ nữ với nhau Phương tránh sao khỏi để lộ cho Khuê biết là mình đan áo len đàn ông. Phương cũng đã nghĩ đến chỗ Ngọc đem len lại nhờ nàng đan, nhưng Ngọc nghèo ai cũng biết, lấy tiền đâu mua len, còn nói hẳn ra với Khuê là muốn biếu Ngọc chiếc áo len thì nàng ngượng không dám nói.
Thấy Ngọc sắp về, Phương ra đứng ở cổng ngoài đợi. Khi Ngọc đi ra, Phương nói:
"Hôm nào anh lại lấy áo, em đã đan xong từ lâu rồi. Đợi anh mãi không thấy về."
"Vâng, để sáng mai chín giờ."
Cả hai người đều biết rằng buổi sáng Hoạt vào trông coi công việc thầu ở sân bay Mỹ còn Khuê nếu không đi chợ thì cũng theo đi phụ giúp chồng.
Dưới ánh nắng, Ngọc nhận thấy nước da Phương rất tươi mịn; hai con mắt nàng trong sáng và chàng không thể không tự thú rằng Phương đẹp hơn Thanh.
Sáng hôm sau, Ngọc đến thì Phương đã ra ngồi đợi chàng, cầm sẵn một gói tròn bọc giấy. Chàng nhận lấy gói rồi đặt cạnh người mình:
"Cảm ơn cô."
Phương bảo người nhà pha nước chè rồi hỏi về việc chàng đi vắng, Ngọc đáp:
"Tôi có việc riêng, với lại cô không nên hỏi về những việc ấy. Cô cũng đã thừa biết rằng..."
Phương ngắt lời:
"Anh làm việc gì, đi đâu cũng không ai hay. Cả những người quen thuộc, ngay cả anh Hoạt, chị Hoạt em cũng không rõ nữa."
Phương nói rất nhiều về đời sống của nàng và tình hình ở Mông Tự trong khi Ngọc đi vắng. Ngọc chỉ yên lặng ngồi nghe. Uống xong chén nước, Ngọc đứng lên từ kiếu:
"Thôi chào cô và cám ơn cô. Tôi bận phải đi đằng này."
Lúc tiễn Ngọc ra cổng, đi qua khu vườn nhỏ, Phương nói giọng hờn trách:
"Em biết anh về từ sáu bẩy hôm nay."
Ngọc đáp:
"Ấy tại mới về cứ bận tíu tít hết công kia lại đến việc nọ. Thành thử cứ phải bận áo len cũ mãi. Kể cũng hơi lạnh."
Từ biệt Phương rồi Ngọc đi về phía hàng cà-phê Thanh. Qua một quán nước chè vắng, Ngọc rẽ vào lấy thuốc lá hút rồi nhìn theo làn khói suy nghĩ về việc Phương và Thanh.
Linh cảm báo cho chàng biết nếu chàng yêu Thanh chàng sẽ khổ nhưng chàng không thể tự mình dối mình rằng không yêu Thanh. Tuy chưa dám chắc hẳn là Thanh yêu lại mình nhưng tình yêu đó quyến rũ chàng như sức lôi cuốn của một guồng máy; rất có thể chàng sẽ bị nghiến nát nhừ nhưng chàng không sao tránh khỏi và cũng không muốn tránh.
Còn Phương? Chàng chắc Phương yêu chàng rồi nhưng ngồi nhìn Phương chàng chỉ thấy Phương đẹp và chỉ có thế thôi. Chàng đau khổ nghĩ đến sự thất vọng của Phương một ngày không xa. Chàng sẽ yên lặng không bao giờ tỏ ý với Phương nhưng trong tâm hồn chàng vẫn bứt rứt rằng đó là một sự yên lặng đánh lừa Phương. Còn nói hẳn ra? Chàng đã có đủ lý lẽ để nói với Phương vì công việc cách mệnh chàng không thể nghĩ tới những chuyện yêu đương, nhưng nói làm sao được khi Phương chưa ngỏ lời yêu chàng mà chắc Phương cũng không bao giờ ngỏ lòng mình ra cho chàng biết. Ngọc đứng dậy:
"Tốt hơn hết là xa dần Phương ra."
Lúc lên trên gác nhà Thanh, Ngọc cố ý làm ra bộ giấu diếm cái gói áo len. Chàng nghĩ nếu mở hẳn gói ra đưa cho Thanh xem chiếc áo và nói thẳng đấy là áo của Phương thì Thanh biết rõ chàng không yêu gì Phương và chàng không dò được tình ý Thanh đối với mình ra sao. Lúc ngồi ở quán nước chè, Ngọc đã bóp mạnh cái gói cho giấy bọc rách để lộ hẳn một mảng áo.
Nói chuyện với Thanh một lúc, chàng lấy cớ xuống gác để tự pha một cốc cà-phê. Khi lên, chàng thấy Thanh ngồi tựa vào thành cửa sổ, mắt nhìn ra vườn; chàng hỏi mấy câu Thanh cũng không đáp lại rồi Thanh đứng lên nói:
"Xin lỗi anh hôm nay tôi nhức đầu quá, trong người khó chịu sợ bị bệnh cúm mất... đợi tôi khỏi anh hãy lại vì bệnh cúm hay lây lắm."
Ngọc nói giọng đùa:
"Tôi cũng muốn bị cúm, như thế đỡ phải đi họp."
Thanh không đáp; nàng cau mày rồi ra nằm ở giường quay mặt vào vách. Ngọc vui sướng trong lòng nhưng ngồi lâu lắm vẫn không thấy Thanh nhúc nhích, chàng đứng dậy nói:
"Thôi tôi đi về đây."
Thanh quay mặt lại lấy tay bóp trán, lạnh lùng đáp:
"Anh về."
Ra đến ngoài cửa hiệu, Ngọc vừa sung sướng lại vừa tức Thanh. Chàng cất tiếng hát:
"Ăn cháo hoa, hay là... là ăn súp."
Chàng biết mình đã làm Thanh khổ nhưng chàng vẫn cứ hát và hát thật to như có điều gì vui sướng lắm để cho Thanh khổ hơn và báo thù Thanh.
Khi Ngọc đã đi lâu rồi, Thanh vùng đứng dậy. Thấy cái gói của Ngọc vẫn để ghế, nàng vội chạy đến mở gói giơ ra cửa sổ coi. Quả nhiên đúng như nàng đoán, đó là một cái áo len còn mới nguyên chưa mặc lần nào.
"Đích thị là áo của Phương tặng Ngọc."
Mặt tái lại, hai má mất hẳn sắc hồng. Thanh quăng mạnh chiếc áo qua cửa sổ. Bỗng chợt nghĩ ra điều gì Thanh lại xuống gác chạy vội ra vườn nhặt áo, đem lên gói lại cẩn thận và đặt vào chỗ cũ. Nàng vừa nghĩ ra là nếu Ngọc yêu Phương thì không bao giờ lại bỏ quên chiếc áo của người yêu mới tặng.
"Hay là Ngọc hát vui vẻ và chỉ nghĩ đến tình yêu của Phương thôi nên quên áo."
Những ý nghĩ trái ngược nhau luẩn quẩn trong óc, Thanh không thể biết rõ đâu là sự thực.
Sau đó ít lâu, Ngọc nhận được lệnh của Hải ngoại Bộ phải lên ngay Côn Minh. Ninh có kèm thêm bức thư báo cho Ngọc biết là quân Nhật đã chiếm Liễu Châu, sắp tiến tới Độc Sơn, bóc lấy đường sắt, làm thiết lộ Liễu Châu - Nam Kinh mong nối liền con đường từ Mãn Châu tới Thái Lan để tiếp tế cho Đông Nam Á vì đường thủy bị Mỹ chặn. Một số anh em Việt Quốc và có thể một số anh em quân nhân Phục Quốc sẽ sang Côn Minh.
Ngọc bảo cho Thanh biết là chàng sẽ phải đi Côn Minh.
Cùng lúc đó Quân, người đứng đầu Việt Minh ở Vân Nam phái người xuống báo cho Thanh biết là Tứ và Nghệ từ khi về nước không thấy tăm tích đâu nữa. Thanh nói với đặc phái viên rằng nàng sẽ lên Côn Minh, cửa hàng ở đây tạm giao cho bà Su bên hàng xóm trông nom giúp vì nàng cần phải theo sát hành động của Ngọc. Đặc phái viên tán thành việc đó và dặn khi lên Côn Minh phải liên lạc chặt chẽ với Ngọc để xem vì cớ gì tự nhiên Ngọc lên Côn Minh và sẽ làm những gì trên đó.
Thanh nghĩ thầm, đôi mắt như cười:
"Ừ thì mình sẽ liên lạc với Ngọc, liên lạc thật chặt chẽ nữa là khác."
Thế là tự nhiên Việt Quốc bảo Ngọc phải liên lạc chặt chẽ với Thanh còn Việt Minh thì ra lệnh bắt Thanh cũng phải liên lạc chặt chẽ với Ngọc.

Khi đặc phái viên đi khỏi, Thanh gục mặt xuống bàn để giấu một nụ cười:
"Bà Su mà pha thì có ma uống nổi. Còn Nghệ và Tứ? Bây giờ chỉ là hai bộ xương khô."
Nàng lại nghĩ đến những lời Ngọc nói về Tứ và thương hại cho Tứ.
"Còn mình nữa chưa biết chừng mình không chết vì Việt Cộng thì cũng chết vì Việt Quốc."
Trước khi đi, ngày nào Ngọc cũng lại nhà Thanh, có khi đến hai ba lần. Thanh hỏi:
"Anh đã đến từ biệt cô Phương chưa?"
"Đến rồi."
"Cô ấy có buồn lắm không?"
"Buồn gì, đây với Côn Minh đi như cơm bữa, thỉnh thoảng tôi lại quay về Mông Tự. Có anh em làm Xếp tanh 1 đi lại có bao giờ mất tiền."
"Thế bao giờ anh đi?"
"Ngày mai."
Thanh chạy sang bên hàng xóm độ nửa giờ rồi trở về:
"Xong cả rồi."
"Xong cái gì chị Thanh?"
"Mai tôi cùng đi với anh."
Thanh nhìn Ngọc dò xét. Tuy trong lòng mừng lắm nhưng Ngọc cũng nhìn lại Thanh tỏ vẻ ngạc nhiên.
"Chị cùng đi với tôi. E không tiện."
Thanh rất vui sướng khi nghe Ngọc nói "e không tiện" nhưng nàng làm như hiểu theo một nghĩa khác.
"Vì công việc có gì mà không tiện. Tôi đã nhận lời vào chi bộ mà anh làm chi bộ trưởng hôm nọ rồi; tuy anh chưa chính thức giới thiệu tôi với các anh em khác vì anh còn để tôi trong thời kỳ... thời kỳ gì nhỉ? À, thời kỳ thử thách. Cùng đi là một cơ hội rất tốt để anh thử thách tôi, tha hồ mà thử. Bây giờ tôi lại xuống pha một cốc cà-phê thật ngon. Ngay mai, bà Su pha thì có ma uống nổi."
"À, thế ra lúc nãy chị sang bà Su để nhờ bà ta trông nom dùm cửa hàng cho chị. Chị chưa được chi bộ trưởng chấp thuận mà chị đã tự ý rời bỏ đi. Chị làm việc vô kỷ luật như vậy, tôi e thời kỳ thử thách của chị sẽ bị kéo dài thêm."
"Cái đó tùy anh. Càng kéo dài thử thách càng hay."
Một lúc sau Thanh đem một cốc cà-phê phin lên, vẻ mặt hớn hở:
"Mời anh xơi, kẻo ngày mai đến lượt bà..."
Ngọc cười tiếp theo:
"Bà Su pha thì có ma uống nổi."
Thanh cũng bật cười theo:
"Thành thử tự nhiên tôi đặt ra một câu cách ngôn mới. À, này anh Ngọc, tôi còn nhớ hơn hai tháng trước anh có hứa sẽ đưa tôi theo khi anh đi công tác ở biên giới. Về biên giới vắng vẻ đi một mình với anh còn không tiện cho anh và nhất là cho tôi gấp mấy lần đi Côn Minh. Không về biên giới được thì ta đi công tác ở Côn Minh vậy. Khí hậu tốt hơn. Tôi cũng cần lên đấy nghỉ ngơi vì sau khi ốm thương hàn nặng, thần kinh suy nhược; hiện giờ tôi cũng chưa lại người hẳn. Vả lại tội gì anh phải đi boóng tầu hoả, lẩn lút khổ sở. Tôi sẽ lấy hai vé hạng ba ngồi thoải mái hơn. Anh nghĩ sao?"
Ngọc gật đầu:
"Chị thì bao giờ cũng có lý. Vậy ngày mai chị sửa soạn cho kịp chuyến từ Cơ Cầu về Pi-Tsi-Chai đón xe đi Khai Viễn. Ở Pi-Tsi-Chai có hàng bán phở chua ngon lắm."
"Anh thì lúc nào cũng chỉ nghĩ đến ăn phở. Hết phở cừu đến phở chua. Anh có biết ở Pi-Tsi-Chai có thứ gì ăn đặc biệt không? Có một thứ chắc anh chưa nếm qua: con rận, chấy rận ấy mà. Pi-Tsi-Chai chữ Nho có hai nghĩa một là trại Bích Sắc tức là hòn ngọc sắc đỏ thắm, hai là chấy rận vì ở đấy nhiều chấy rận lắm. Anh tha hồ ăn."
Chú thích:
1.
Chef de train: Xa trưởng
Chương mười bảy
Thanh và Ngọc chọn hai chỗ ngồi đối diện nhau về phía tay trái. Thanh mặc chiếc áo Tàu xanh lam thẫm đã mặc hôm đi ăn ở Cổng Tây với Ngọc. Tuy đã nhiều lần qua lại con đường xe lửa men sườn núi rất đẹp ấy, nhưng lần này Thanh mới để ý đến phong cảnh. Tới một chỗ đường vòng, xe nghiêng hẳn đi, Thanh cho đầu ra ngoài cửa sổ, nhìn xuống vực sâu thăm thẳm tưởng như ở ngay dưới người mình. Gió thổi mạnh, tóc nàng bay tung xõa ra. Ngọc cũng nghiêng người nhìn xuống vực. Con đường xuống dốc nên xe chạy rất mau, Ngọc nghĩ đến một tai nạn đã xẩy ra trên cái dốc trước mặt Mông Tự quá ga Fai Si Long vì đường trơn xe bị trôi, hãm không được nữa. Chàng rùng mình một cái, lè lưỡi nhìn Thanh. Thanh hỏi:
"Anh mà cũng biết sợ chết à?"
"Tôi sợ là sợ người khác chết."
"Anh sợ ai chết?"
Ngọc định nói sợ xe đổ Thanh chết nhưng chàng nói trạnh đi:
"Tôi sợ cho những người như anh Tứ."
Thanh cau mày:
"Anh bị ám ảnh hay sao mà cứ nhắc mãi chuyện ấy. Thôi bây giờ ta ngắm cảnh. Anh có trông thấy dòng suối chảy ở tít dưới khe kia không? Ở sân cái nhà cạnh suối có hai người đi nhưng tôi chỉ nhìn thấy bóng không rõ người."
Tuy mắt để ý tới phong cảnh ở dưới nhưng Thanh cũng biết là Ngọc đương nhìn mình. Ngọc ngắm nghía hàng lông mi cong và dài của Thanh hơi rung rung trước gió, đôi môi Thanh để lộ mấy chiếc răng trắng; mắt nàng mở to và ánh nắng từ phía bên kia xiên ngang qua, Ngọc tưởng như ánh sáng tự ở lòng con ngươi chiếu ra, khiến mắt nàng trông đẹp, sắc sảo nhưng lẩn ở trong ngầm có một vẻ dữ tợn gần như độc ác. Ngọc quay mắt đi và hơi có vẻ rờn rợn sợ.
Tới Bích Sắc Trại, trong lúc đợi chuyến xe lửa Khai Viễn chạy, Ngọc rủ Thanh vào một hàng quen thuộc cạnh ga và gọi hai bát phở chua. Thanh bất đắc dĩ phải ăn nhưng ăn mấy miếng nàng cũng thấy ngon. Ăn xong Ngọc định gọi cà-phê thì Thanh cản lại:
"Anh muốn tôi chết à? Cà-phê bà Su còn ngon hơn."
Ngọc nói:
"Gần đây có đồng chí Vĩnh hay ta vào đấy uống cà-phê. Nhân tiện tôi giới thiệu chị."
Thanh nghĩ đến chỗ cần biết nhiều nhà và tên các cán bộ của Việt Quốc, khi lên Côn Minh nói chuyện, Việt Cộng dễ tin hơn, nên nàng nhận lời ngay.
Đồng chí Vĩnh ở một con đường hẻm, cạnh ga, nhà chỉ có hai vợ chồng già; Vĩnh sang Vân Nam làm ở sở xe lửa có đến ba chục năm. Bà Vĩnh đương đứng ở cửa thấy Ngọc thì chạy ra đon đả:
"Lâu lắm mới gặp cậu. Xe lửa còn lâu mới chạy để tôi đi mổ con gà."
Bà ta nhìn Thanh đi phía sau hỏi Ngọc:
"Cô Tàu nào đây? Xạ-Phang 1. mà trông người lịch sự nhỉ?"
"Không đồng chí đấy."
Thanh vừa tới nơi cúi chào bà Vĩnh. Bà Vĩnh ngắm nghía Thanh một lúc rồi nói:
"Thế thì phải mổ gà."
Thanh đặt tay lên vai bà Vĩnh ân cần hỏi vài câu. Thấy một bà hiền lành tính hơi lẩm cẩm mà cũng dự vào cách mệnh nàng không khỏi lấy làm lạ, mỉm cười tự nhủ: xe gần chạy còn nghĩ đến việc mổ gà, vặt lông, nấu nướng, nhanh cũng mất một tiếng đồng hồ.
Dẫu sao nàng cũng cảm động nói với bà Vĩnh:
"Nghe anh Ngọc nói bác pha cà-phê ngon lắm. Bác cho chúng cháu xin mỗi người một cốc là đủ rồi."
Bà Vĩnh nói:
"Cậu Ngọc nói vậy thôi. Mời cô vào trong nhà."

Thanh thấy căn nhà tuy nhỏ hẹp nhưng xếp đặt rất ngăn nắp và sạch sẽ ngoài sự tưởng tượng của nàng. Thanh hỏi:
"Bác trai đâu?"
"Nhà tôi phải đi làm ở nhà máy. Để tôi chạy đi gọi về."
"Thôi, bác ạ, để lần khác, chúng cháu còn qua lại luôn. Cà-phê đâu, bác để cháu đun nước pha lấy cũng được. Bác thử chạy qua ga hỏi dùm xem đúng mấy giờ tàu chạy."
Bà Vĩnh ra ga hỏi giờ tàu chưa về, Thanh đã bưng hai cốc cà-phê mời Ngọc uống. Ngọc lấy làm ngạc nhiên vì Thanh không hỏi bà Vĩnh về chỗ để các thứ. Nàng như đã vào nhà này nhiều lần biết ngay chỗ nào để củi, để nước, ấm đường, cái lọc cà-phê. Ngọc nhìn Thanh thoăn thoắt làm những việc đó, nghĩ thầm:
"Cán bộ như Thanh thật là hiếm."
Lúc từ biệt để ra xe lửa, Thanh với bà Vĩnh đã trở thành hai người rất thân. Bà Vĩnh cứ đứng tựa cửa nhìn theo hai người rồi lẩm bẩm:
"Thật là tốt đôi."
Bà không lẩm cẩm như Thanh tưởng.
Vì nghẽn đường nên chín giờ đêm xe mới tới Khai Viễn; Ngọc cho đó là một sự may vì ở Khai Viễn có Việt Minh chứ không như ở Mông Tự. Hai người đi sau trước cách nhau một quãng. Ngọc đưa Thanh đến nhà một nữ đồng chí, giới thiệu Thanh rồi từ biệt để đến trình diện và báo cáo với Hải ngoại Bộ lúc đó đặt trụ sở ở phố Hán Vũ.
Sáng hôm sau hai người ra xe sớm và cũng đi riêng. Ngọc sau khi đi hết toa nọ đến toa kia xem xét cẩn thận rồi mới đến ngồi gần Thanh. Dọc đường tới ga Pô Si lúc xe ngừng lại để hành khách ăn cơm, Thanh thấy năm sáu người lên xe kéo đến vây quanh lấy Ngọc. Ngọc nói:
"Lâu lắm mới gặp lại các anh."
Một đồng chí già, má hóp, giữ về bưu điện và ở ngay trong ga chạy đi một lát rồi bưng lên cái khay có để trứng lập là, cà-phê sữa và một đĩa xôi với cái tỏi gà. Mọi người quây quần lại hỏi chuyện về sức khỏe của Ngọc và nhắc tới những chuyện vui buồn đã xẩy ra ở Pô-Si từ khi Ngọc đi đã sáu tháng nay. Thanh mua một cái bát cơm lạp xường của những người được phép vào ga bán. Nàng nhìn vào khúc lạp xường và mỉm cười. Ngọc cũng nhìn vào bát cơm, lấy tay che miệng. Hai người đưa mắt nhìn nhau rồi cùng mím môi để khỏi bật lên cười to.
Xe chạy, mọi người đứng nhìn theo Ngọc giơ tay vẫy. Xe đã ra khỏi ghi, Thanh cũng thò đầu ra và giơ tay vẫy những đồng chí chưa quen biết của nàng. Thanh trong lòng vui vẻ nhận thấy mọi người đều mến Ngọc, mến một cách thành thực như mến một người bạn rất thân. Không có gì tỏ ra trong sự vồn vã săn sóc ấy có một ẩn ý khác vì thực ra Ngọc chỉ là một liên lạc viên, cấp bậc nhỏ bé trong đoàn thể. Nàng không thể nào quên được cử chỉ của đồng chí già má hóp khi bưng khay đồ ăn lên và đứng nhìn Ngọc ăn, mắt đầy vẻ trìu mến như một người mẹ hiền nhìn đứa con yêu sau một hồi xa cách.
Thanh bĩu môi nhìn Ngọc thầm nhủ:
"Người thế kia mà giết người."
Nàng hỏi Ngọc:
"Ở đây anh có nữ đồng chí nào không? Sao không thấy ra."
Ngọc yên lặng không đáp rồi mỉm cười hỏi Thanh:
"Thế nào cô Xạ-Phang? Lạp xường có ngon không?"
Thanh cau mày, nói giọng nũng nịu:
"Cơm cũng tồi, lạp xường cũng tôi. Không ngon bằng ruốc. Tôi trông đĩa trứng và cốc cà-phê sữa của anh tôi thèm rỏ rãi nhưng đợi mãi không thấy anh giới thiệu. Mà sao anh ăn khỏe thế; xôi với tỏi gà anh không nghĩ đến gói lại để phần tôi. Anh chỉ nghĩ đến anh thôi và đến ăn thôi. Tôi xin rút lui ra khỏi chi bộ ích kỷ của anh."
Ngọc đáp:
"Tôi quên hẳn chị. Tại đói quá. Ai lại hơn một giờ chiều mới ăn cơm. Mà phải đấy, chi bộ của tôi từ giờ trở đi gọi là chi bộ ích kỷ. Như thế kín đáo hơn. Chi bộ ích kỷ thì đến trời cũng không biết nó là chi bộ gì."
"Trong lúc còn thử thách, anh với tôi hãy tạm lập một chi bộ lấy tên là chi bộ ích kỷ mà chi bộ chỉ có hai người thôi. Như vậy việc vẫn làm được mà chưa phải tuyên thệ gì cả. Nói thực với anh công việc giải phóng dân tộc thì tôi cũng hơi muốn làm nhưng tôi không thích đâm đầu vào cái ‘guồng máy’."
Tuy chỉ là một lời nói đùa nhưng Ngọc cũng cảm thấy Thanh có một ẩn ý, không nói thẳng ra cho chàng biết; chàng thấy Thanh bí hiểm và phải thành thật thú nhận rằng giữa Thanh với chàng vẫn có một cái gì ngăn cách như xui giục chàng tìm hiểu Thanh hơn. Tự nhiên chàng nghĩ đến Phương một cô gái ngây thơ hiền hậu; tuy Phương có những sự ngập ngừng vì e dè nhưng chàng đều nhận thấy rõ ràng lắm. Phương như một hòn bi thủy tinh trong suốt còn Thanh thì như một viên kim cương chưa thành khí; dưới lớp quặng, trong sáng hơn thủy tinh nhưng chưa lộ hẳn mà chàng cũng không dám chắc rằng đấy là kim cương.
Hai người bàn tính về cách thức đến Côn Minh là nơi mà Việt Quốc và Việt Cộng rất đông; tuy hai bên đều có tổ chức bí mật nhưng khó mà phân biệt chắc chắn rằng ai là quốc gia, ai là cộng sản.
Đi khỏi Tây Trang, xe lửa chạy ngang qua cánh đồng trồng đào; hàng nghìn cây đào nở hoa, chỗ màu hồng nhạt chỗ màu hồng đậm. Về phía tay trái, ánh nắng chiếu làm sáng hẳn cả một vùng; hoa đào những khu vườn ở đấy nom không rõ, màu hoa đào lẫn vào trong ánh nắng trông như một làn sương màu vàng pha hồng lan dài trên những lá cây xanh đậm. Tuy đã nhìn thấy cánh đồng đào ấy nhiều lần nhưng Thanh và Ngọc đều ngồi yên lặng ngắm. Trong óc Thanh nẩy ra cái ý tưởng khi tới Côn Minh sẽ rủ ngay Ngọc đi chơi vườn đào; nàng tưởng tượng hai người sẽ cùng ngồi dưới bóng hoa sưởi nắng và nói chuyện. Nghĩ vậy nhưng Thanh bảo Ngọc:
"Để đợi khi đào chín, chúng mình sẽ xuống đây chơi. Chỉ việc trả một số tiền còn ăn tha hồ miễn là không được đem đi. Tôi chắc anh đã đến nhiều lần rồi, xem chừng anh thích ăn đào lắm."
Ngừng một lát nàng tiếp theo:
"Cái gì mà anh chẳng thích ăn. Cả một cái tỏi gà lớn thế mà gặm một lúc xương đã sạch nhẵn."
Ngọc nói:
"Đợi khi quả chín thì biết đến bao giờ. Hay mai kia ta đi xem hoa nở đi."
"Tùy ý anh, hẹn trước anh chiều ngày mai nếu nắng trời."
Hai người cũng đồng ý là khi tới Côn Minh thì làm như không ai biết ai. Thanh bảo cho Ngọc biết rằng nàng ở nhà một người bạn gái gần Tây Môn chỗ ngã ba đường có hiệu bán sách.
"Trưa mai anh đến ăn bò ở hiệu người Hồi giáo phía ngoài cổng. Nước dùng của họ ngọt hơn nước dùng ‘cô sèo mi siển’ nhiều. Ăn ngọt và thanh lắm. Đúng mười hai giờ trưa tôi sẽ tới đấy. Nếu tôi lỡ bận thì hẹn anh ở trên gác quán nước chè Si Mâu về phía trong Tiểu Tây môn. Chỗ ấy vắng và anh ngồi tha hồ cả ngày cũng được."
Thanh đưa cho Ngọc một tập giấy bạc quan kim:
"Đây là tiền bán áo anh gửi tôi. Tôi đã trừ đi tiền mười hai cốc cà-phê anh chưa trả."
Ngọc cho tiền vào túi, không đếm.
Xe đã vào ga Côn Minh. Thanh và Ngọc cùng đứng lên. Thanh dặn:
"Tôi đi ra ga trước còn anh, anh ở lại. Anh vào nhà mấy người quen làm trong ga. Anh thì thiếu gì người quen."
Thanh sẽ gật đầu chào Ngọc rồi xuống sân ga.
"Tối hôm nay mình phải lại Phúc Chiêu Cái trình diện và báo cáo với Quân cho xong đi, để mai được rảnh rang."
Chú thích:
1.
Tên những người ở các tỉnh khác bên Tàu và người Việt thường dùng để gọi người thổ dân Vân Nam.
Chương mười tám
Ngày hôm sau, Ngọc đến ăn ở hiệu cơm Hồi giáo, Thanh đã tới trước đợi chàng. Ăn xong hai người đáp xe đi về phía cánh đồng đào. Trời nắng to nhưng mát vì có gió. Trên trời không vẩn một đám mây nào; hai người ngồi xuống một bờ cỏ mượt dưới bóng một cây đào lớn nở đầy hoa.
Thanh và Ngọc đều chưa biết bắt đầu câu chuyện gì, cứ ngồi yên lặng. Ngọc khi gặp Ninh có báo cáo là Thanh cũng lên Côn Minh với mình. Chàng nói đã làm thân được với Thanh và có một ý kiến rất hay:

"Em định lập riêng với Thanh một chi bộ lấy tên là Chi bộ Ích kỷ."
Ninh nói:
"Chi bộ gì tên lạ vậy?"
"Chính vì cái tên đùa cợt ấy mới không hại gì cho Đảng. Để em nói anh nghe. Sau một thời kỳ thử thách nếu không tuyên thệ và đặt Thanh vào một chi bộ nào thì Thanh sẽ oán; dùng người mà không tin hẳn thì thất sách, Thanh có thể quay về với Việt Minh. Nếu cho Thanh vào hẳn tổ chức, ngộ nhỡ Thanh là Việt Minh trá hình thì nhiều việc sẽ bị lộ. Rất có thể hại cho Đảng. Vì vậy em đã bàn với Thanh và Thanh đã bằng lòng để lập một chi bộ có cái tên kỳ lạ như vậy. Thanh không cần phải tuyên thệ, không xen được vào dò xét nội bộ mình và..."
Ngọc mỉm cười nhìn Ninh ngập ngừng một lát rồi tiếp theo:
"Chi bộ ấy chỉ có hai người, em và Thanh."
Ninh mủm mỉm cười hỏi lại:
"Chỉ có hai người?"
Rồi chàng nghiêm nét mặt nói:
"Chú nên đề phòng. Việt Minh hay dùng mỹ nhân kế lắm. Chú đã đoán đúng một lần. Nhưng biết đâu không phải chính Việt Minh muốn chú thủ tiêu Nghệ vì một việc gì đấy mà họ mượn tay chú, mình không rõ; và nhờ đấy Thanh được lòng tin cậy của chú – và của cả tôi nữa. Không ai nghi ngờ Thanh đến lúc Thanh phản một lần khác, tôi e tính mệnh chú không còn mà nhiều việc lớn sẽ hỏng. Chú nên đề phòng mưu mô quỷ quyệt của chúng và nhất là mỹ nhân kế. Tôi đã nói với chú ở Mông Tự là Thanh đẹp..."
Ngọc ngắt lời:
"Thanh đẹp sao được bằng Phương; không nói anh cũng rõ là Phương với em..."
Ninh gật đầu:
"Tôi biết đã từ lâu; dẫu sao tôi chỉ có thể cho phép chú tha hồ thân với Thanh, rủ Thanh đi chơi đây đó; nếu thật chú làm được ngược lại nghĩa là chú quyến rũ được Thanh thì rất có lợi. Chú nên cố gắng."
Ngọc nghĩ đến đấy quay nhìn Thanh và mỉm cười nghĩ thầm:
"Quyến rũ được Thanh. Thế là mình được lệnh quyến rũ Thanh, mà phải cố hết sức nữa."
Trong trí Ngọc thoáng hiện ra vẻ mặt Thanh hôm đi từ Mông Tự đến Bích Sắc Trại khi nắng chiếu xuyên ngang có ngầm một vẻ dữ tợn và tàn ác.
Bây giờ dưới bóng hoa đào hai con mắt Thanh tuy sắc sảo nhưng không dữ tợn nữa, có vẻ hiền dịu đáng yêu. Thanh đưa mắt tìm một vật gì trong đám hoa; Ngọc cũng đưa mắt về phía Thanh nhìn mới nhận ra có một đôi chim đương chuyền từ cành nọ sang cành kia. Thanh nói:
"Như một bức tranh Nhật Bản."
Có tiếng động hai con chim vụt bay đi làm mấy cánh hoa đào rụng tả tả; ngọn gió lại tình cờ đưa những cánh hoa tới chỗ hai người ngồi, rơi xuống vương vào tóc và rải rác trên áo Thanh. Thanh ngâm luôn:
"Thân em như cánh hoa đào
Phất phơ trước gió biết vào tay ai."
Thanh tìm ra được đầu đề để bắt chuyện. Nàng muốn nhân lúc này kể rõ hơn cho Ngọc nghe về cuộc đời đau khổ của nàng:
"Đời tôi thực đúng câu: Đời em như cánh hoa rơi. Anh không biết..."
Ngọc nói:
"Phải đấy hôm trước khi đi Vân Sơn chị có kể cho tôi hay về đời của chị nhưng chỉ kể qua loa. Hôm nay có thể ngồi đây từ giờ đến chiều đợi xe Khai Viễn lên, chị tha hồ kể. Tôi muốn biết rõ về chỗ chị chán hết cả và nhất là chị cay ghét độc đàn ông mà tôi cũng là đàn ông."
"Anh đâu có phải đàn ông."
"Thế thì tôi là đàn bà à?"
"Không, anh không phải đàn ông, anh là con trai."
"À, ra thế."
Hai người cùng bật cười và câu chuyện mỗi lúc mỗi tự nhiên hơn. Thanh cho Ngọc biết không phải chỉ riêng có chuyện chồng nàng lừa, nàng cũng đã có nhân tình sau khi biết chồng lừa để muốn báo thù:
"Tôi xấu lắm. Chính vì việc ấy mà chồng tôi đem tôi ra kiện, có chứng cớ nên tôi phải thua. Anh có biết thằng tình nhân của tôi nó làm gì không? Nó lại lừa tôi. Nguyên tôi có một căn nhà đứng tên tôi, tôi có nhờ nó bán hộ. Nó vốn quen biết nhiều nên bán được giá cao, nhưng khi nhận được tiền nó cuỗm đi mất. Anh xem như vậy tôi không ghét đàn ông sao được."
Nàng nói xong lấy vạt áo chấm nước mắt rồi với một vẻ tươi rất nhẹ trong đôi mắt ướt nàng nhìn Ngọc nói:
"Còn anh nữa tôi cũng ghét."
Ngọc cũng kể thêm về Thuý và chị chàng. Chàng kể cho Thanh nghe cả về cuộc yêu đương tuyệt vọng của chị chàng với người học trò bên hàng xóm:
"Tôi tin là chị tôi không bao giờ sa ngã, nhưng lòng hai người đối với nhau như vậy tôi biết làm sao được. Tôi chỉ biết thương cả hai người."
Thanh nói:
"Tôi thì khác, tôi oán thù đàn ông quá rồi nên tôi có thể..."
Nàng tìm chữ để khỏi nói những tiếng quá sỗ sàng nhưng bỗng nhiên nàng cảm thấy có thể nói với Ngọc bất cứ việc gì xấu xa mà không mảy may ngượng ngập.
Tại sao tự nhiên nàng lại có cái cảm giác ấy - nói đúng ra là một sự hồn nhiên - thì nàng không hiểu.
"Đối với người tình nhân của tôi, vì sự báo thù, tôi đã trao cả xác thịt mà không hối hận, mặc dù tôi không thấy một chút gì thích thú, có khi lại ghê tởm nữa."
Không đợi Thanh nói hết, Ngọc gật đầu.
"Tôi hiểu, tôi hiểu chị."
Hai ngườì yên lặng. Một cơn gió lạnh thổi phào qua. Thanh lại tiếp, giọng nghiêm trang:
"Nhưng anh thì không đời nào tôi để anh..."
"Tôi cũng nghĩ như chị, vả lại chị đã biết hai đêm ngủ cùng nhà với chị nhưng tôi không hề có một ý nghĩ gì để tôi đáng thẹn với tôi."
Ngọc nói xong nhìn vào hai mắt Thanh như muốn nhìn thẳng vào tâm hồn nàng.
"Chị làm những việc chị vừa nói, nhưng người đáng thương chính là chị. Chị chưa tìm được lối thoát. Còn tôi, tôi thú thực với chị rằng tôi đã yêu Phương; hôm ăn phở cừu xong tôi đến anh Hoạt, nhà chỉ có mình cô Phương, giá lúc ấy tôi hôn Phương thì dễ như không, nhưng tôi không muốn lấy Phương và cũng không muốn lấy ai cả. Đời tôi là một đời lông bông anh em gọi đùa tôi là Ngọc châu chấu đúng lắm. Tôi chỉ là một con châu chấu. Tôi sẽ là con châu chấu suốt đời tôi."
Ngọc đứng lên rút con dao díp rồi tới gốc cây đào lấy dao vạch mấy nét. Thanh lại gần:
"Anh vẽ tài nhỉ. Chỉ vạch sẽ mấy nét mà trông giống quá. Đố anh vẽ được con cào cào."
Ngọc cũng vạch qua mất nét và trên gốc cây hiện ra một con cào cào; chàng đề ngày tháng rồi gấp dao bỏ túi. Thanh nói:
"Tôi là con cào cào vì tôi... Tôi cũng muốn nhảy theo anh. Nhảy về biên giới anh không cho nhảy theo, bây giờ lại nhảy theo lên Côn Minh."
Nàng nhìn chung quanh, ngắm hoa đào rồi tiếp:
"Nhảy theo anh vào đào nguyên, nhưng vì đây không có suối nên đúng ra phải nói nhảy theo anh vào vườn đào kết nghĩa... kết nghĩa đồng chí trong một chi bộ ích kỷ. Một đồng chí hờ trong một chi bộ ma. Có đúng thế không?"

Ngọc hơi sờ sợ không hiểu tại sao Thanh lại biết được ý định thầm kín của mình mà ngoài Ninh không ai có thể rõ được. Bỗng chàng chợt nhớ lại và mỉm cười: Thanh biết được là vì ý ấy do chính Thanh nghĩ ra khi rời khỏi ga Pô-Si được một lúc, nhân nói đến cái tỏi gà.

Rồi hai người vừa đi vừa nói chuyện, quen chân cứ đi mãi vào vườn đào, lúc ra vì chỗ nào cũng giống chỗ nào nên tìm mãi không thấy lối. Thanh nói:
"Em mỏi chân lắm rồi."
Lần đầu tiên nàng thốt nhiên xưng em với Ngọc; Ngọc cũng để ý đến ngay và sung sướng bảo Thanh:
"Hay là chị ngồi xuống nghỉ một lát đã."
Thanh ngồi xuống cỏ lần này xoay hẳn mặt vào phía Ngọc:
"Bây giờ làm thế nào anh? Hay là chúng mình lạc vào đào nguyên rồi.
Ngọc lắng tai nghe mỉm cười:
"Đào nguyên gì lại có tiếng còi tàu. Thôi chết không khéo tiếng còi tàu ở Khai Viễn về. Nhưng biết tàu ở về phía nào mình không lo nữa chỉ việc nhắm phía ấy mà tiến lên."
Thanh vẫn ngồi yên không nhúc nhích:
"Tôi mỏi chân lắm rồi. Này anh Ngọc, không khéo chúng mình lạc vào đào nguyên mà ở đây một ngày có khi là một trăm năm ở chốn trần gian. Tiếng còi tàu chúng mình vừa nghe thấy có khi là tiếng còi tàu một trăm năm rồi."
Ngọc nhắc tay xem đồng hồ. Chàng ngẫm nghĩ rồi bảo Thanh:
"Thế thì tội gì về trần thế."
Ý chàng muốn ngồi lại, nhất là đêm nay có trăng sớm. Trời đã sâm sẩm tối và các thân cây đào dưới ánh trăng chiếu đã lờ mờ có bóng kéo dài trên mặt đất trắng. Ngồi với Thanh ở dưới ánh trăng ngày mười ba và ngắm hoa đào, Ngọc như đương ở một cảnh đào nguyên thực, tuy đào nguyên có hơi lạnh hơn chút. Ngọc nói như nói một mình:
Ngồi ở vườn đào một đêm trăng tôi lại nhớ một đêm đã xa xăm, ngồi với Thúy ở vườn sau nhà.
Chàng cất tiếng khẽ ngâm:
"Trăng xưa vườn cũ sáng ngời
Bóng ai hoà lẫn bóng người năm xưa."
Thanh yên lặng nghe:
"Buồn quá nhỉ? Mà câu thơ của anh cũng buồn chết người. Bây giờ Thuý đã nằm trong mồ lạnh, chắc lạnh hơn cả tôi với anh đêm nay ngồi ở vườn đào này."
Nói xong nàng tiếp theo câu chuyện bỏ dở cho Ngọc khỏi nghĩ đến Thúy nữa.
"Này anh, chúng mình lạc vào Đào Nguyên thực rồi đấy!"
Ngọc ngắt lời:
"Cảnh đẹp thế này thì đào nguyên giả cũng thành đào nguyên thực."
Thanh nói:
"Tôi đã bảo anh ở đây có khi là một trăm năm ở dương thế. Nếu vậy bây giờ các lịch trong khắp thế giới đều đề hai nghìn linh bốn mươi tư, làm gì còn anh Ninh nữa, làm gì còn Việt Quốc, Việt Minh, chúng mình trở về hết cả việc làm, buồn chết. Thuý cũng như Phương cũng như thằng nhân tình đã đánh lừa tôi, như thằng chồng đã phụ bạc tôi chỉ còn tên lại trong gia phả. Thế là hết cả, còn lại mình tôi với anh. Trong lòng mình vẫn lo tranh đấu giành độc lập nhưng biết đâu nước mình đã độc lập từ gần trăm năm nay. Anh Ninh nếu làm nên công trạng giành độc lập - ấy là ví dụ thế, chứ xin lỗi anh, tôi không tin anh ấy làm được trò trống gì - thì tên anh ấy sẽ ghi vào lịch sử họ sẽ làm lễ kỷ niệm anh Ninh như bây giờ (bây giờ hay một trăm năm sau) người ta làm lễ kỷ niệm Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo. Quê anh Ninh ở đâu nhỉ?
"Hình như ở làng Mộc thì phải. Chị hỏi làm gì?"
Thanh đáp:
"Thì ở làng Mộc chắc có đền thờ anh Ninh cũng như đền thờ Kiếp Bạc, họ đến họ cắt lưỡi siên lình, họ cũng sì sụp lễ vái rút thẻ cầu tài cầu phúc, các bà đồng bà cốt tha hồ làm giầu, lúc đó có lẽ anh Ninh lại thích được trở về cuộc đời cách mệnh và sai anh đi giết người như ngóe."
Thanh cất tiếng cười:
"Còn tôi ấy à? Gia phả không có tên, bà con thân thích không có, còn lại hoạ chăng ở thư viện những giấy tờ chồng tôi kiện về tội bắt được quả tang ngủ với trai. Ngàn thu sử sách còn ghi tên tôi lại, sử đây là luận đề của một ông tiến sĩ nào lấy việc theo trai của tôi để nghiên cứu về mặt luật pháp xem chồng tôi phải hay tôi phải. Còn anh ấy à? Chắc bà chị anh trước khi chết cũng nhắc đến tên anh và rủa theo đúng như anh kể chuyện lại với tôi ‘thằng Ngọc chết tiệt đi đâu biệt tích không thấy về’, có biết đâu nó đương ở Thiên Thai với cô hàng cà phê Thanh Hương."
Ngọc thấy hay hay vội nói:
"Nếu tôi trở về thì chẳng biết liên lạc với ai nữa, còn chị lúc đó mới thật là đồng chí hờ của tôi trong một chi bộ ma, chi bộ ích kỷ. Công việc chính của chi bộ lúc đó mới thật đúng với tên, chỉ có việc ăn.
Trăng mỗi lúc một lên cao; hai người đã trông thấy mặt nhau. Hai mắt Thanh vì hơi sâu nên Ngọc không nhìn rõ hẳn; thỉnh thoảng khi nàng ngửa mặt, hai con ngươi nàng phản chiếu ánh trăng long lanh sáng sau hàng lông mi đen, một thứ sáng mơ hồ, huyền ảo. Thoảng trong môt lúc Ngọc có cái cảm tưởng như Thanh là một con hồ ly đương nhìn chàng để quyến rũ. Ngọc định giơ tay nắm lấy tay Thanh, ngồi xích lại gần rồi đặt đầu Thanh ngả vào vai mình; Thanh chắc sẽ ngửa mặt và Ngọc sẽ nhìn thẳng vào đôi mắt nàng trong sáng dưới ánh trăng rồi ngỏ lời:
"Anh yêu em từ lâu."
Nhưng chàng vẫn ngồi yên. Ở tận nơi nào thật xa có tiếng người gọi nhau. Một lúc sau Ngọc hỏi:
"Thế trong một trăm năm dưới hạ giới có còn lại cái ‘guồng máy" của chị không?"
Thấy trong một lúc lâu Ngọc cứ đăm đăm nhìn mình yên lặng, Thanh cũng đoán được đây là cơ hội rất hiếm có để Ngọc ngỏ tình yêu với mình và Ngọc đang suy nghĩ về việc đó. Tự nhiên nàng hé môi mỉm cười:
"Chắc cu cậu còn ngượng đang tìm cách nói cho ổn cũng như khi định giết người nào thì tìm câu nói để người ấy tin."
Trong cảnh sáng trăng dưới những vùng hoa đào màu hồng lạt gần như trắng, Thanh cũng muốn ngỏ lòng mình với Ngọc. Môi nàng mấy lần mấp máy định nói: "Em yêu anh" nhưng lại thôi.
Chỉ nói có ba tiếng mà sao nàng thấy khó khăn quá. Nghe Ngọc hỏi, Thanh nói như cái máy, tâm trí vẫn còn triền miên trong giấc mộng đẹp chưa tan:
"Cái ‘guồng máy’ nào?"
Ngọc cười:
"Cái ‘guồng máy’ của chị đặt ra ấy mà."
"A, cái ‘guồng máy’."
Thanh lại trở về với hiện tại:
"Cái ‘guồng máy’ ấy thì vẫn còn, còn mãi. Anh đã xem Đông Chu liệt quốc và Tây Hán chưa?
"Có, tôi có đọc nhiều lần."
"Đấy, anh xem cái guồng máy đã có từ mấy nghìn năm trước. Anh chắc còn nhớ Vệ Ưởng nước Tần, Phạm Lãi với Văn Chủng nước Việt, Hàn Tín với Trương Lương đời Tây Hán. Vệ Ưởng, Văn Chung, Hàn Tín đều bị cái guồng máy nó nghiến nát nhừ cũng như nó sẽ nghiến anh Ninh và cả anh nữa. Cũng may là hiện giờ anh đương ở Đào Nguyên với tôi. Nào đã có được mấy người thoát, hoạ chăng có Trương Lương đi tu tiên, Phạm Lãi đi dạo Ngũ Hồ và đời Đông Hán có Nghiêm Tử Lăng về câu cá ở Phú Xuân Sơn. Ở đời bao giờ cũng vậy: tiến rất dễ, lui mới khó. Vậy nếu bây giờ chúng mình trở về nơi trần thế, cuộc đời chắc đã biến đổi nhiều nhưng cái guồng máy ấy nó vẫn còn. Anh lại sẽ bị lôi cuốn vào đó, mà tôi cũng vậy, chắc tôi cũng vì anh mà bị lôi cuốn theo, nhưng lại bị lôi cuốn về những việc khác."
Ngọc nói:
"Nhưng lần thứ hai tôi cũng cứ lăn lưng vào với..."
Chàng định nói: "với chị" nhưng chàng giữ lại được, tiếp theo:
"Nếu tôi có bị nghiến nát nhừ cũng cam tâm."
Thanh nói:
"Tránh thế nào được số trời. Mỗi người sinh ra đã có sẵn một cái ‘kiếp’, tiếng Ấn Độ là gì, tôi quên mất rồi, hình như là Karma. Trong Kiều cũng có những câu ở đoạn kết:
Ngẫm hay cơ sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh tao mới được phần thanh tao
Có đâu tây vị người nào."
Mới đầu Thanh đọc rồi tiếng đọc đổi thành tiếng ngâm rất hay:
"... Đã mang lấy Nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài..."
Thanh ngừng lại. Ngọc giục:
"Chị ngâm nữa cho tôi nghe đi. Ở Đào Nguyên quanh năm chỉ có tiếng ca hát thôi."
Bỗng trên trời có tiếng động cơ rồi hiện ra một chiếc máy bay tuần tiễu của Mỹ dưới có để đèn xanh đèn đỏ. Thanh cười rồi nói:

"Và cả tiếng phi cơ nữa. Tôi thấy anh lúc nào cũng như ở trên cung trăng."
Ngọc cãi:
"Tôi ở trên cung trăng nhưng những lúc đó thì thực tế lắm. Còn chị ấy à? Chị rất thực tế nhưng đầu óc vẫn mơ tưởng cung trăng."
Thanh đứng lên:
"Nghĩa là ý anh định nói anh mơ mộng nhưng thực tế còn tôi thực tế nhưng mơ mộng. Tôi với anh tâm hồn giống nhau lắm nhỉ nhưng chỉ khác một tí thôi. Bây giờ ta về chứ. Để anh dẫn đường."
Ngọc đã định được hướng nhờ có trăng nhưng chàng cũng cứ đi quanh quẩn để cuộc du lịch dưới trăng kéo dài thêm ra.
Tới đường cái đợi mãi mới có ánh đèn một chiếc xe đi về Côn Minh. Thanh chạy ra, vẫy tay. Xe ngừng lại mới biết đó là một cái cam nhông của quân đội Mỹ. Thanh tiến về phía người tài xế và nói tiếng Anh với người tài xế Mỹ. Sau một hồi thương lượng, họ bằng lòng cho đi nhưng vì ở phía trước không có chỗ nên Thanh và Ngọc phải ngồi ở phía sau.
Con đường đất và xóc, lại trúng vào mùa khô nên bụi bay lên mù mịt, khiến Thanh phải lấy khăn phủ tóc, còn Ngọc lấy cánh tay áo che mũi. Hai người nhìn nhau, Thanh nói:
"Ai bảo cứ muốn bỏ nơi thiên thai về nơi trần thế. Bây giờ tha hồ ngửi bụi trần."
Nàng tiếp theo:
"Đương ở thiên thai nhảy ngay xuống xe quân đội Mỹ."
Hai người cùng cất tiếng cười rồi yên lặng nhìn nhau. Xe đi đã xa gần tới Côn Minh bụi đã bám vào đầy tóc đầy áo nhưng cả vườn đào tươi như con đường nở hoa trong lòng Thanh và Ngọc.
Chương mười chín
Buổi sáng Thanh đến ngay nhà Quân để báo cáo:
"Hôm qua tôi rủ anh chàng đi chơi cánh đồng đào. Ngồi đến khi trăng lên mới về. Anh chàng xem chừng mê đặc rồi; tôi để anh chàng cầm lấy tay. Lúc đi dưới ánh trăng có lần anh chàng đã ôm ngang lưng tôi, nhưng tôi vẫn làm cao chưa chịu; có làm khó khăn anh chàng mới càng thèm muốn hơn. Anh chàng cho biết là có Tường ở Đồng Minh Hội tới huyện An Thuận đã trốn được về; nhờ xe Mỹ, có lẽ sắp tới Côn Minh.
Quân vuốt bộ râu lơ thơ nói với Thanh:
"Tường là tay lợi hại lắm lại rất có tiếng ở trong nước. Đồng chí phải tìm cách làm thế nào để Ngọc giới thiệu đồng chí với Tường và dò xét cẩn thận hành vi của Tường. Tường mà sang đây thì bao nhiêu Việt kiều lừng khừng sẽ theo về Tường hết. Tụi nó lại thêm mạnh cánh."
Thanh nói:
"Được, tôi tin sẽ dò xét được. Còn Ninh thì tôi thấy cả ngày ở nhà, viết nhiều lắm. Tôi đoán nay mai Ninh lại về Mông Tự để thông tin với trong nước. Có thể Ngọc sẽ về nước; Ngọc đi thế nào cũng rủ tôi đi cùng. Đồng chí đã có tin tức gì về Nghệ và Tứ chưa?"
Quân đáp:
"Vẫn biệt vô âm tín. Tôi e Tường sang đây thì thế nào Ngọc cũng về nước đem thư của Tường về để đưa thêm người sang. Đồng chí cần dò xét nhất là về sự liên lạc của Tường với tụi Mỹ."
Thanh đứng dậy nói:
"Anh Nghệ chắc đương bí mật hoạt động từ Đồng Văn tới Hoàng Su Phì. Ngọc có cho tôi hay là đã giới thiệu Nghệ với mọi người trong các tổ chức bí mật ở biên giới. Để vài hôm nữa, tôi sẽ báo tin về Tường. Hôm nay anh chàng Ngọc rủ tôi đi ăn ốc sống ở chùa Cá. Tôi phải đi ngay."
Thanh đi rồi, Quân liền phái Kiệt đi ra chùa Cá. Thanh đã hẹn trước đợi Ngọc ở một hàng nước chè ở Ngũ Hoa Sơn. Thấy Ngọc đến, Thanh nói luôn:
"Hôm nay tôi thết anh, rất rẻ mà rất ngon. Chúng mình đi chùa Cá ăn ốc sống."
Ngọc tán thành ngay:
"Thế thì tuyệt. Tôi thích nhất ốc sống chùa Cá. Ăn giòn mà ngọt lại rẻ tiền nữa."
Gần đến nơi, Thanh nói:
"Tôi cũng thích ăn ốc sống. Nhưng tôi không lấy ớt."
"Phải có ớt mới ngon chứ."
Ngọc lại bất giác nghĩ đến Tứ chắc nhiều lần ra đây nhắm rượu với ốc sống.
Thấy bà hàng, Ngọc hỏi:
"Tôi có một người bạn hẹn tôi ở đây, bà cụ đã thấy đến chưa?"
Bà cụ người Tàu nhưng thường hay để ý và nhớ rõ mặt những người Việt. Trừ những người ở lâu năm còn những người khác nói tiếng lơ lớ bà cụ biết ngay là người Việt:
"Ông bạn của ông tên là gì?"
Ngọc nói giọng đùa:
"Người bạn của tôi không có tên."
Bà cụ cũng nói đùa lại:
"Người gì mà lại không có tên. Thế mặt mũi thế nào?"
Ngọc kể qua loa cho bà cụ bán hàng biết dáng điệu của Tứ. Bà cụ tỏ vẻ niềm nở:
"Tôi biết rồi. Ông ấy đến ăn luôn ở hàng tôi, đeo kính cận thị, yết hầu lộ và răng hơi vổ."
Bà cụ giơ hai tay lên:
"À, ra ông ‘cận thị’, ông ấy tính vui vẻ quá, mỗi lần đến ăn ốc sống ông ấy trả tiền hậu hĩ lắm. Có khi còn tiền lẻ ông ấy hay cho cháu. Nhưng độ này dễ đến gần một năm tôi không thấy ông đến nữa. Tôi nhắc ông nếu gặp ông ‘cận thị’ thì mời ông lại hàng. Độ này tôi có thứ rượu trắng ngon lắm. Ông ấy có khi ngồi cả buổi chiều nhắm rượu, say nằm kềnh ra cái phản con, lúc dọn hàng về tôi phải đánh thức mãi mới chịu dậy. Có những lúc say rượu quá, ông ta vừa ăn vừa khóc nước mắt mờ cả kính. Tôi chắc ông ta có điều gì buồn nhưng hỏi thì không chịu nói cứ bảo là tại ớt tôi cay."
Bà cụ vốn quen biết cả Ngọc và Thanh nên vui miệng nói tiếp:
"Ớt của tôi đâu có cay. Có một hôm trời mưa vắng khách, ông ta cũng mò đến uống say rồi nằm ra cái phản khóc nức nở. Chắc ông bạn của cậu có việc gì buồn."
Ngọc đáp:
"Không, ông ấy vui vẻ lắm. Nhưng hễ uống rượu say vào là khóc như khóc mẹ chết. Bây giờ, ông ta cai rượu, cai hẳn và có thề với tôi, thề độc lắm nên hôm nay tôi mới rủ ông ấy đến ăn ốc. Ăn ốc mà không có rượu thì kém ngon nhiều lắm, nếu ông ấy nhịn được rượu thì chắc là cai hẳn được. Bà cụ đã hiểu rõ chưa?"
Bà cụ hỏi:
"Nhưng sao ông ấy hay khóc thế?"
"Bà cụ không rõ. Những người say rượu có người đi ngủ ngay, đấy là hạng tiên tửu, có người thích ngồi, có người đánh chửi vợ con, cũng có người cứ uống rượu vào là khóc."
Bà cụ cười. Thanh cũng cười theo nói:
"Thế thì hôm nào tôi cũng uống rượu xem tôi thuộc về hạng nào."
Nàng bảo bà hàng rót cho một cốc nhỏ rượu trắng rồi cầm cốc nốc một hơi cạn. Nàng sặc lên ho và nước mắt ứa ra:
"Đấy bà cụ xem tôi cũng giống ông cận thị. Mới uống đã khóc rồi."
Nàng lau mắt ăn hết bát ốc sống. Chính nàng cũng thương Tứ và thương cả mình nữa vì nàng với Tứ cảnh ngộ hơi giống nhau ở chỗ đã bị lừa, bị lôi vào guồng máy. Tứ đã chết nhưng còn nàng? Biết đâu nàng sẽ không bị chính Ngọc giết nàng cũng như Ngọc bất đắc dĩ giết Tứ.
Nhìn quanh không có ai Thanh bảo Ngọc:
"Anh lúc nào cũng bị Tứ ám ảnh."

"Tôi không đời nào quên được."
Thanh quay nhìn Ngọc:
"Biết đâu không có ngày anh cũng bắt buộc giết tôi như Tứ. Anh có hối hận đi thì cũng vô ích. Tôi sẽ chỉ còn là một đống xương trắng, cạnh bờ một dòng suối trong của một khu rừng nào ở biên giới. Nhưng tôi không sợ. Lúc nào tôi cũng sẵn sàng đón cái chết. Đón chết thì không sợ chết nữa. Này anh Ngọc, một hôm tôi bói Kiều gặp ngay câu: ‘Dẫu rằng xương trắng quê người quản đâu’. Còn anh nữa? Biết đâu không có ngày anh cũng như tôi, anh chỉ còn bộ xương khô cạnh bờ suối. Anh sẽ được gặp lại Thúy. Cô Phương tha hồ mà đợi anh. Chi bộ của tôi với anh lúc đó mới thật là một chi bộ ma."
Ngọc cũng nhìn lại Thanh:
"Chị tưởng tôi sợ à?"
Chương hai mươi
Lúc hai người ra khỏi chùa Cá, Thanh tuy say lảo đảo nhưng cũng thoáng thấy Kiệt ngồi ở một bàn nước chè ngoài trời, khuất sau bụi cây. Nàng nghĩ thầm: Quân chắc cho người rình mình.
Nàng đi sát hẳn vào người Ngọc. Ngọc cúi nhìn Thanh thấy đôi má hồng của nàng biến thành màu đỏ. Thanh nghĩ thầm:
"Phải làm thế nào cho Kiệt biết là Ngọc đã bị mình quyến rũ."
Nàng cất tiếng nói to:
"Chúng mình ra xem cá đi."
Hai người đến dựa vào lan can nhìn những con cá vàng to bằng con cá chép bơi lượn dưới nước. Phần vì biết Kiệt đương nhìn mình phần thì bạo dạn vì say rượu, nàng giơ tay chỉ: "Kìa anh xem con cá kia mới to", vừa nói nàng vừa nghiêng đầu như để cố nhìn con cá, má nàng chạm hẳn vào má Ngọc và nàng cứ để yên như vậy. Rồi nàng lại chỉ về phía khác thốt lên lời mừng như trẻ con: "Con cá bên này còn đẹp hơn". Ngọc quay nhìn và cũng bắt chước Thanh cố ý để má chàng chạm vào má Thanh. Một hơi nóng thấm dần vào mặt chàng; Ngọc hít hơi mấy cái nói:
"Nhiều cá thế mà nước ao không tanh."
Một mùi thơm nhẹ từ tóc Thanh thoang thoảng trong gió, Ngọc tưởng như mùi thơm của không khí trong, mùi thơm của nắng trên những lượm lúa nếp mới gặt về phơi ngoài sân.
Thanh mỉm cười:
"Chắc thế nào về Kiệt cũng báo cáo với Quân là Ngọc đã bị mình quyến rũ được rồi."
Nàng đứng thẳng người bảo Ngọc:
"Quên khuấy đi mất. Ăn xong mình chưa uống nước chè cho đỡ tanh miệng. Anh có biết cái lầu có gác kia là một quán nước chè không?"
"Tôi chưa vào đấy bao giờ."
"Thế để tôi đưa anh vào."
Hai người theo một con đường nhỏ khuất khúc rồi đến một cái lầu.
Người chủ quán còn trẻ thấy Thanh đến, nói:
"Lâu lắm mới lại thấy cô đến, dễ có khi hơn một năm rồi."
Ngọc nghĩ thầm: Một năm qua mà anh chàng chủ quán vẫn còn nhớ đến Thanh. Chắc anh chàng này
cũng si mê về sắc đẹp của Thanh. Đã có lần chàng đi qua một trường nữ trung học gần Ngũ Hoa Sơn vào đúng lúc giờ tan học. Hàng trăm cô nữ sinh Vân Nam dạo qua mặt chàng; tuy người nào cũng mặc áo xanh lam như Thanh nhưng trong bọn một hai trăm cô nữ sinh cô nào cũng cục mịch, má phính và chân to như cái bắp chuối hột. Chàng tưởng Thanh nếu đi lẫn vào đám nữ sinh ấy thì Thanh sẽ thanh nhã như một tiên nữ trên trời rơi xuống.
Hai người lên gác rồi ra chỗ bao lan có để bàn uống nước. Thanh có ý tìm Kiệt nhưng không thấy bóng dáng nữa mà vào cái lầu ấy chỉ có một con đường nhỏ hai bên toàn hồ ao. Nàng nghĩ thầm, mỉm cười:
"Chắc Kiệt đã về báo cáo với Quân cho là mình đã làm tròn phận sự."
Ngọc hỏi Thanh:
"Sao sáng hôm nay tôi thấy chị cứ mỉm cười luôn."
Thanh chỉ lên bức tường:
"Anh xem kia kìa."
Trên tường có những nét vẽ và viết chi chít; có những hình vẽ rất nhảm nhí lại có những dòng tên viết song đôi. Thấy có chỗ đề một bài thơ, Thanh bảo Ngọc:
"Ta lại xem bài thơ họ viết kia đi."
Tới nơi hai người cùng đọc thì là một bài Đường thi:
Khứ niên, kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong 1.
Thanh hỏi:
"Anh có biết bài này không?"
"Không."
"Anh không thấy hai câu trong Kiều: ‘Chung quanh nào thấy bóng người. Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông’ là lấy ở hai câu cuối bài này à? Anh giỏi thơ anh thử dịch ra thơ nôm xem.
Ngọc cười nói:
"Tôi chỉ biết ngắm phong cảnh còn thơ thì tôi xin chịu. Tôi chỉ thấy câu: ‘Nhân diện đào hoa tương ánh hồng’ hợp với cảnh đi chơi hôm qua ở vườn đào quá."
Thanh bảo:
"Anh cho mượn cái bút máy."
Nàng cầm bút loay hoay nghĩ rồi viết lên tờ giấy nhà hàng để trên bàn:
"Tôi dịch xong rồi. Dịch hơi láo một tí."
Ngọc nói:
"Ở đây vắng người chị thử ngâm cho tôi nghe. Dịch láo cũng được."
"Tôi dịch không đúng nguyên văn nhưng ý thì hay lắm."
Rồi nàng vừa mỉm cười vừa ngâm:
"Hôm nay chàng Ngọc đến bên song
Mặt Ngọc hoa đào một sắc hồng
Mặt Ngọc mai về công tác trạm
Hoa đào khép cánh oán đông phong."
Ngọc khen hay, ngẫm nghĩ một lát rồi nói:
"Tôi đổi hẳn đi có được không? Thơ tôi trả lời hai câu cuối chị oán tôi không bằng lòng để chị về biên giới thăm đất nước nhà. Thơ không hay lắm, nhưng thực tế."
Rồi chàng đọc cho Thanh nghe:
"Lòng những mong về đất nước nhà,
Hay đâu xương mục chốn rừng xa.
Oán thay ‘guồng máy’ ai bầy đặt
Chi bộ hai người hoá bộ ma."
Thanh gật đầu khen thơ của Ngọc hay hơn thơ của nàng nhiều.
"Nhưng mà anh làm thơ thế sái quá. Ngộ chết thật thì sao?"
"Chị muốn làm cách mệnh mà còn tin nhảm thơ sái. Chị sợ chết à?"
Thanh nhìn thẳng vào mắt Ngọc:
"Thì tôi vừa bảo anh lúc nào tôi cũng sẵn sàng đón cái chết. Anh quên rồi sao? ‘’
Rồi nàng cất tiếng ngâm:
"Oán thay guồng máy ai bầy đặt
Chi bộ hai người hoá bộ ma."

Mải làm thơ và ngâm thơ Thanh đã quên bẵng Kiệt. Lúc nàng nhìn xuống thấy Kiệt đứng ở sân, nấp sau một bụi cây. Nàng bảo Ngọc to giọng:
"Thôi ta về thôi. Đi ăn cơm đi không em đói lắm rồi."
Chữ ‘em’ nàng nói cốt cho Kiệt nghe thấy. Lúc xuống lầu thì Kiệt đã vội vã đi thẳng ra chùa Cá.
Mấy lần nhìn lại không có bóng Kiệt hay bóng ai theo, Thanh rủ Ngọc đi về phía Cổng Nam, tới một hiệu nàng biết là ăn ngon và rẻ.
Tối hôm ấy nàng về báo cáo với Quân rằng nàng cũng đã lập một chi bộ có hai người lấy tên là Chi bộ Ích kỷ, như vậy không phải tuyên thệ mà vẫn dò xét được mọi công việc. Ngọc có cho nàng biết là Tường ngày kia sẽ tới Côn Minh cùng với một số quân nhân Phục Quốc. Tường sẽ ở lại Côn Minh độ một hai tháng và định ra tờ báo bằng tiếng Anh. Ninh đã kiếm một hãng thuốc lá để cho mấy quân nhân Phục Quốc ở, còn Tường sẽ ở nhà ai nàng chưa rõ.
Quân lại vuốt bộ râu lơ thơ, tỏ lời khen Thanh.
Từ lúc đó Thanh đi lại các nhà quen thuộc ở Côn Minh không thấy có Kiệt hay bất cứ ai theo dõi mình nữa. Quân đã tin hẳn nàng và bảo các cán bộ để nàng tự do hành động.
Chú thích:
1.
Dịch nôm là: Năm ngoái ngày hôm nay cũng ở giữa cổng này. Mặt người và hoa đào chiếu ánh hồng lẫn nhau. Mặt người không biết đi nơi nào. (Chỉ còn lại) Hoa đào cười với gió đông như cũ.
Chương hai mươi mốt
Ngọc vì bận rộn về Tường, một số đồng chí và độ mươi anh em quân nhân Phục Quốc từ Liễu Châu qua huyện An Thuận rồi sang Côn Minh nên ít khi gặp Thanh. Vì Tường về, Ninh cần gặp Ngọc luôn; Ngọc phải tìm một căn gác rất kín ở Ngũ Hoa Sơn để Tường ở và Ngọc cũng phải ở luôn đấy phụ trách cơm nước, chạy những việc lặt vặt và liên lạc giữa Tường và Ninh.
Ngọc có thiện cảm ngay với Tường vì Tường rất ít nói, suốt ngày ngồi suy nghĩ nếu không đọc sách chữ nho, chữ Anh và chữ Pháp. Tường đã đi Liễu Châu hai năm không về Côn Minh là chỗ có nhiều kiều bào ở, nên Tường chỉ thích ăn những món Việt: dưa chua hay đậu rán. Ngọc phải đi chợ về nhà muối dưa cùng rán đậu. Lần đầu tiên trong đời Ngọc phụ trách việc làm bếp, nước dưa lúc thì mặn lúc thì nhạt nhưng Tường ăn vẫn ra vẻ ngon lành. Tuy Tường bận những việc Ngọc cho là quan trọng lắm, nhưng Tường cũng giúp Ngọc một tay, nấu nướng hoặc rửa bát. Tường không bao giờ gắt gỏng với chàng một câu; đêm tối hai người cùng nằm một giường, Tường hỏi chuyện về học thức và thân thế của Ngọc. Ngọc thú thực hết cả và kể cả đời riêng của mình cho Tường nghe. Tường nói:
"Tôi tuy bận mà bận những việc bí mật dẫu đối với chú cũng không nói ra được, nhưng những lúc rảnh rang tôi sẽ dạy chú học. Chú cần phải nghiên cứu về các lý thuyết chính trị và nhất là lý thuyết của Đảng. Cần phải thông hiểu sự biến chuyển của thời cuộc và nhận định cho đúng, như thế mới thành cán bộ giỏi; lý thuyết của Đảng là thứ xi-măng chắc chắn nhất để hàn gắn chú với tôi, với các anh em cán bộ khác. Người ta ở đời phải sống vì một lý tưởng; tôi với chú trước chưa biết nhau, chú săn sóc tôi và giúp đỡ tôi rất nhiều việc nhưng tôi cần chú phải cùng tôi theo đuổi chung một lý tưởng. Hành động mà không có một lý thuyết đưa đường dẫn lối rất có thể đi đến chỗ sai lầm mặc dù mình nhiệt tâm. Vẫn biết công cuộc đuổi Pháp là một công cuộc cần kíp nhưng đến lúc cần kiến thiết nước."
Ngọc thốt kêu:
"Nghe anh nói em tưởng như nghe nữ đồng chí..."
Chàng định tiếp "Thanh nói" nhưng chàng ngừng lại được. Tường tiếp theo:
"Bây giờ tôi thấy cần ra một tờ báo bằng tiếng Anh, tôi rất bận vì công việc chuẩn bị viết bài, chú là người liên lạc với đồng chí Ninh và các đồng chí khác về việc ấn loát. Công việc nhiều, tôi cũng cố giảng giải cho chú biết về các lý thuyết chính trị và vì sao nhân loại..."
Ngọc ngồi lắng nghe. Chàng không hiểu rõ lắm nhưng cũng nhận thấy một chút gì quan trọng nó bao trùm hết thảy và xúi giục người ta hành động hoặc trong phe này hoặc trong phe khác. Chàng nghĩ thầm:
"Lại cái ‘guồng máy’ của Thanh."
Tường nói tiếp:
"Chú cần rõ, phải tin chắc chắn là nhân loại sau này sớm muộn cũng đi đến dân chủ. Nhưng muốn tới đó, nhân loại đã phải trải qua mấy ngàn năm. Chắc chú đã đọc truyện Đông Chu liệt quốc... (Ngọc nghĩ thầm ‘lại Đông Chu liệt quốc’ cũng y như Thanh) ngày xưa vua với dân cách biệt nhau xa lắm, mà không những dân, cả đến những bậc công hầu hay tướng soái cũng vậy. Họ chết vì vua dẫu cho vua có lỗi đi nữa. Đời họ thuộc về một người, sống chết ở tay người đó. Đấy là chữ Trung hiểu theo nghĩa ngày xưa. Bây giờ cộng sản cũng nêu lên dân chủ nhưng hàng mấy trăm triệu người sống để cung phụng, không phải là một ông vua nữa, mà là một số người nắm chính quyền. Số người ấy cũng cầm trong tay mình sự sinh tử của dân. Không trung với vua nữa nhưng trung với một số vua nhỏ... Bây giờ chú tranh đấu là tranh đấu cho nền dân chủ thực sự của nhân loại. Đời chú cần phải noi theo lý tưởng đó. Nói riêng với chú, ngay trong đoàn thể ta cũng có những người trên coi người dưới như tay sai tôi tớ nữa, để đến khi đuổi được Pháp đi rồi, các cán bộ lại trung với một số cao cấp nắm chính quyền. Nô lệ vẫn còn tuy chữ trung đã đổi nghĩa đôi chút..."
Tường nói nhiều lắm và Ngọc phải cố lắm mới ngăn được cái ý tưởng cũng coi Tường như một ông vua đời xưa và chàng sợ sẽ sa vào cái lầm về chữ Trung mà Tường vừa đả kích. Trông vẻ mặt Tường khi nói, Ngọc thấy như có một sự đau khổ ngấm ngầm, chàng không hiểu vì cớ gì nhưng tự nhiên mủi lòng thương. Đời Tường chắc đã đau khổ nhiều lắm. Chàng đoán thế tuy Tường tuyệt nhiên không đả động gì đến đời riêng của mình còn chàng thì chàng không dám hỏi.
Một lát yên lặng rồi Tường bảo Ngọc:
"Bất cứ một người nào cũng cần có ba thứ: nhân, trí và dũng. ‘Dũng’ theo lời anh Ninh nói thì chú có thừa, ‘Nhân’ chú cũng có theo lời chú nói định cứu Tứ, nhưng còn ‘Trí’... Xảo quyệt, độc ác không bao giờ thành công hoàn toàn, có thành công hoạ chăng chỉ trong một thời gian ngắn."
Tường ngừng lại, đột nhiên hỏi Ngọc:
"Lúc nẫy chú định nói: ‘nghe như nữ đồng chí...’. Nữ đồng chí nào thế?"
Ngọc phải thú thực là Thanh và đã cùng Thanh lập nên một chi bộ ích kỷ, một chi bộ ma... Việc ấy Ngọc đã có báo cáo với Ninh và được Ninh chuẩn y.
Tường bảo Ngọc tìm cách để chàng gặp Thanh:
"Chú quyến rũ Thanh không thôi, không đủ, muốn Thanh trở nên một cán bộ trung thành cần phải làm thế nào cho Thanh cũng có một lý tưởng như chú... Chắc chú sợ Thanh là Việt cộng trá hình, nên muốn lợi dụng Thanh. Gặp Thanh nói chuyện tôi sẽ rõ hơn. Nếu Thanh không phải là Việt cộng trá hình thì việc riêng của chú với Thanh tôi không cần biết tới."
Nói đến chỗ đó, Ngọc thấy Tường nhìn mình và mỉm cười rất nhẹ.
Ba người hẹn gặp nhau ở quán nước chè Si-Mâu gần Tiểu Tây Môn. Thanh vui mừng vì sắp được gặp mặt Tường và biết rằng đã được lòng tin đặc biệt của Tường và của Ninh. Quân đã nhiều lần giục nàng dò la về Tường, nhưng Việt kiều và cả đến cán bộ của Việt Quốc cũng chưa ai gặp được Tường hay biết Tường ở đâu. Lúc nàng lên cái gác nhỏ của hàng chẻ thì Tường và Ngọc đã ngồi đấy chờ.
Thanh tiến đến bàn hai người cúi chào rồi kéo ghế ngồi nói với Tường:
"Em xin lỗi anh, em phải đến chậm mất mấy phút vì phải để ý cẩn thận xem có ai theo dõi không."
Rồi nàng đưa mắt nhìn Ngọc mỉm cười:
"Cám ơn Ngọc nhé. Từ giờ trở đi tôi sẽ kêu anh Tường là anh Dũng như thế kín đáo hơn. Mà các anh cũng kêu tôi là Kim vì tôi giầu lắm, lại châm chọc anh Ngọc nhiều lần khá đau."
Gặp mặt Tường, Thanh hơi cảm động, nàng lễ phép đợi Tường nói trước. Ngoài việc kể lý lẽ sao Thanh sang đây làm cách mệnh, đúng như nàng kể với Ngọc, Thanh bàn với Tường về triết học và các thuyết chính trị.

Ngọc chỉ yên lặng ngồi nghe và nhìn Thanh nói. Chàng kinh ngạc thấy Thanh nói về những vấn đề rất khó khăn chàng không hiểu một tý gì và đối đáp trôi chảy với Tường, lý thuyết gia của đoàn thể. Hơn hai giờ đồng hồ mà hai người vẫn mê mải nó chuyện như còn rất nhiều vấn đề phải để lại một lần khác.
Ngọc bảo Thanh về trước. Khi Thanh đi khỏi Tường nói:
"Chú phải làm lễ tuyên thệ cho Thanh và cho Thanh vào chi bộ của chú. Tôi biết chắc Thanh không phải Việt Minh. Để khi gặp anh Ninh tôi sẽ nói. Mai kia chú có thể bảo Thanh lại đằng nhà, như vậy kín đáo hơn và nói được nhiều hơn là quán nước chè này."
Ngày hôm sau Ngọc bảo Thanh:
"Không đồng chí hờ, chi bộ ma gì nữa. Tôi sắp làm lễ tuyên thệ cho chị. Anh Tường có ý muốn gặp chị ở nhà còn nhiều việc phải thảo luận với chị. Tôi sẽ đưa chị đến vì tôi ở với anh Tường, nấu cơm cho anh ấy."
Rồi chàng hỏi Thanh:
"Dưa làm thế nào cho khỏi chóng chua, khỏi khú. Anh Tường chuyên môn ăn cơm với dưa."
Thanh ngắt lời:
"Thôi chuyện dưa chua, dưa khú tạm gác lại. Tôi sẽ đến làm trợ bếp giúp anh, rửa bát hộ anh. Còn việc tuyên thệ tôi đã nói với anh rằng tôi không muốn chui đầu vào guồng máy của anh Tường hay của anh đi nữa. Cứ để tôi ở ngoài giúp được nhiều việc hơn."
Nàng bật cười:
"Còn như vào bếp thổi cơm, muối dưa, rán đậu và cả rửa bát nữa, cái ‘guồng máy’ ấy thì tôi vui lòng nhận chui đầu vào ngay. Tôi cứ ở lỳ chi bộ ma của anh, chi bộ ăn tỏi gà không nghĩ đến người khác, chi bộ ích kỷ và là đồng chí hờ của anh. Thế có được không?"
"Thế không được, tôi e anh Tường không chấp nhận."
Thanh ngửa mặt rồi nhún vai:
"Anh Tường của anh chứ có phải của tôi đâu. Tôi là ‘lão bá tính’ 1. không phải tuân lệnh ai cả. Bây giờ mấy giờ rồi anh?"
"Gần mười giờ sáng."
"Thế anh đưa tôi lại cho tôi biết nhà rồi tôi đi chợ. Nhà còn dưa không?"
"Còn một ít nhưng khú rồi."
"Thế sau bao năm hoạt động cách mệnh anh có biết tại sao dưa khú không?"
"Dưa khú là tại nó khú. Hay chị mua ít cá trê về kho: ‘Chồng chê thì mặc chồng chê, dưa khú nấu với cá trê ngọt lừ"’.
Ngọc đưa Thanh về nhà, hai người đi cách nhau một quãng xa. Nhà ở vào một phố nhỏ vắng vẻ nên kín đáo lắm. Trước nhà có hai cây mộc liên cao, lá dầy, bóng gần che khuất cả mặt nhà. Thanh khen:
"Anh tìm được cái nhà đẹp quá. À, hay là tôi dọn đến ở hẳn đây..."
Thấy Ngọc có vẻ ngập ngừng, Thanh tiếp luôn:
"Này này, tôi chắc anh lại sắp nói: ‘không tiện’; có đúng không? Không tiện là ngày nào tôi cũng phải hai lần nói dối bạn tôi là bận đi ăn cơm khách. Anh đã hai lần ngủ đêm ở nhà tôi, bây giờ có ba người sợ gì. Anh Tường xem chừng đứng đắn gấp mười anh."
Ngọc nói:
"Việc đó là tùy anh Tường."
Lúc vào thấy Tường đương ngồi viết, Thanh cúi chào rồi liếc nhìn thấy mấy chữ: "Open letter to the United Nations..." 2.
Tường ngửng lên nhìn Thanh rồi hỏi:
"Cô có biết tiếng Anh không?"
"Thưa anh có, nhưng em chỉ nói được, còn viết thì chữ Anh thật very lôi thôi 3, em chịu. Nhưng em tìm được một câu tiếng Anh giống hệt tiếng ta."
Nàng nói luôn:
"Vết tích sẽ bị cắt bởi cải bắp. Tiếng Anh nói: Vestige shall be cut by cabbage."
Tường cũng phải bật cười. Thanh quay lại giảng nghĩa cho Ngọc:
"Tiếng Anh dễ học lắm. Vestige là vết tích, shall là sẽ, be là bị, cut là cắt, by là bởi, cabbage là cải bắp. À, phải đấy. Hôm nay em làm dưa cải bắp với rau cần để anh Dũng xơi. Còn anh Ngọc thì anh ấy chỉ thích có mỗi thứ ruốc."
Nàng nhìn quanh nhà chạy xuống bếp hỏi trống không:
"Sao nhà chỉ có hai cái giường, bếp chỉ vỏn vẹn có hai cái bát với hai đôi đũa."
Trong lúc Thanh xuống bếp thì Ngọc đã tỏ ý định của Thanh muốn ở luôn đây.
Tường bảo Thanh:
"Hôm nay đi chợ chị mua thêm bát đũa. Chú Ngọc ngủ cùng giường với tôi còn cái giường nhỏ kia để dành riêng cho chị."
Thanh nguýt Ngọc một cái:
"Đấy anh Dũng đã thuận. Còn anh thì chỉ hay nghĩ quắt quéo, đầu óc anh thật ‘very lôi thôi’."
Nàng cười rồi xin phép Tường:
"Để em đi chợ kịp làm cơm anh xơi."
Thấy Tường mở ví, Thanh nói luôn:
"Em có tiền. Còn anh Ngọc ở nhà không có việc gì thì anh quét nhà, dọn sạch bếp. Sao mà anh ở bẩn thế. Anh Tường, xin anh phải cảnh cáo anh Ngọc. Cách mệnh ăn khổ mặc áo rách nhưng cần phải sạch sẽ."
Nàng xách làn rồi nói với Tường:
"Xin phép anh, em đi."
Lúc nàng đi rồi, Ngọc và ngay cả Tường nữa đều có cái cảm giác như là cả một mùa xuân tươi vừa bay ra khỏi căn nhà lạnh lẽo.
Độ mười lăm phút sau Thanh đã trở về. Bữa trưa hôm ấy có cá trê kho dứa, đậu rán, lại có cả một đĩa dưa cải bắp rau cần. Cơm thổi cũng vừa chín tới, Thanh thấy Tường ăn ngon lành và nhất là Ngọc. Nàng nhìn Ngọc qua làn hơi bốc ở bát cơm lên, hai mắt long lanh và tinh nghịch:
"Xin lỗi anh Ngọc. Hôm nay thiếu món sở trường của anh... món ruốc."
Ăn và rửa bát xong, Thanh nói với Tường:
"Thôi để anh nghỉ trưa một lát, em về lấy các thức dùng, độ ba giờ em lại."
Chú thích:
1.
Người dân thường.
2.
Thư ngỏ gửi Liên Hiệp Quốc.
3.
Lôi thôi lắm.
Chương hai mươi hai
Từ đấy Thanh dọn lại nhà Tường ở luôn, ngày ngày đi chợ, nấu cơm rửa bát hoặc những lúc rỗi thì ngồi thảo luận với Tường và Ngọc. Nàng biết là Tường đã hoàn toàn tin ở mình nhưng còn anh chàng Ngọc? Nếu Tường tin ở nàng thì chắc chắn là cả Ninh cả Ngọc đều tin nàng không phải nữ cán bộ Việt Minh.
Thỉnh thoảng nàng cũng lén đi gặp Quân để báo cáo với Quân những tin tức không quan trọng gì mấy trong nội bộ Việt Quốc. Mỗi lần về nhà, Thanh để ý rất kỹ xem có Kiệt theo dõi không. Thỉnh thoảng hơi nghi ngờ, nàng vào rạp chiếu bóng rồi lúc ra đi lẫn với đám đông để đánh lạc. Có khi nàng lại hẹn Ngọc đến chùa Cá, ăn ốc sống và ngồi ở gác lầu ngay chỗ có bài thơ của Thôi Hộ.
Ngọc mượn được của một người quen trong tỉnh đảng bộ Trung Hoa Quốc dân Đảng một chiếc xe Jeep và rủ nàng đi chơi Tây Sơn. Vì Ngọc không biết lái xe nên Thanh phải lái vậy; Thanh biết lái xe từ hồi ở trong nước nhưng không quen lái xe Jeep.

Đường lên dốc và cong queo nhiều chỗ nguy hiểm nhưng nàng cũng lái bừa. Dọc đường hai người ghé qua một ngôi chùa lớn. Thanh mua hương vào lễ Phật; miệng lâm râm khấn vái để Phật phù hộ cho Ngọc và cho cả nàng nữa khỏi bị Việt Minh ám hại. Nàng xin thẻ về cuộc tình duyên nàng sau sẽ ra sao. Tuy nàng không tin hẳn nhưng vì yêu Ngọc nên muốn biết lời quẻ dạy để tự an ủi mình. Lễ xong Ngọc rủ Thanh ra xem vườn có một cây trà mi trắng. Ngọc nói:
"Đẹp hơn hoa lựu nhà chị ở Mông Tự nhiều."
Thanh ngắt một bông đẹp nhất cầm ở tay, một bông hoa mới hé nở cánh màu trắng tươi.
"Tôi là Trà Hoa Nữ. Anh biết truyện Trà Hoa Nữ không?"
"Sao lại không biết. Nhưng bây giờ lại đến lượt tôi trách chị nói sái."
"Tôi ấy à? Người tôi thế này mà anh bảo tôi chết vì lao. Hoạ chăng không chết vì Việt Quốc thì cũng chết vì Việt Minh, cũng may tôi không chịu chui vào guồng máy mà anh cứ định đánh lừa tôi để tôi chui đầu vào. Tôi không dại như anh tưởng đâu."
Ngọc không nói chỉ đứng lặng yên ngắm Thanh. Đôi gò má nàng vốn đã hồng sẵn, lại nhờ khí hậu tốt ở Côn Minh nên càng hồng hào trông như hai quả đào vừa chín ửng.
Thấy Ngọc nhìn mình nàng đưa bông hoa trà lên rồi áp những cánh hoa trắng vào gò má nhìn Ngọc nói:
"Êm mát quá. Anh thử mà xem."
Ngọc đón lấy bông hoa đưa lên mũi ngửi:
"Hoa không thơm."
"Anh chẳng hiểu tý gì về hoa. Hoa Trà Mi làm gì có mùi thơm."
Ngọc cười rồi cũng áp bông hoa lên má mình:
"Êm thì có êm nhưng tôi chỉ thấy lạnh cả má."
Lúc ra ngoài cổng chùa hai bên có hai bức tượng lớn. Thanh nói:
"Bên kia là ông Thiện còn bên này là ông Ác. Anh là ông bên này này."
Xe mỗi lúc một lên cao rồi tới một chùa nhỏ và một hàng bán quà. Ngọc vào hàng hỏi ngay:
"Ở đây có phở chua không?"
Thanh nói:
"Thi sĩ gì anh. Đi đâu cũng hỏi hết phở cừu lại đến phở chua. Anh xem kia kìa có đôi câu đối do Vương Hy Chi người viết Thiếp Lan Đình ấy mà, nhưng đấy chỉ là bản in lại. Anh có biết Vương Hy Chi là ai không?"
Ngọc đáp luôn:
"Không, tôi chỉ biết có Vương Đức."
Thanh hỏi, mắt lộ vẻ ngạc nhiên:
"Vương Đức nào?"
"Vương Đức là một tay Việt cộng lợi hại. Nhưng mà bây giờ ngoẻo rồi. Chị không nhớ tôi đã có lần nói về chị Nam ở Văn Sơn, và việc tiêm thuốc rồi bóp cổ chết Vương Đức à?"
"Anh có nói nhưng anh không cho tôi biết tên là ai."
Thanh nhớ là khi Vương Đức ở Trùng Khánh về, chính nàng phải giấu Vương Đức ở nhà mình. Bất giác nàng nghĩ thầm:
"Họ giết lẫn nhau đến bao giờ. Còn cái anh chàng Đức nữa lớ ngớ về miền ấy làm gì!"
Nàng cúi mặt trong lòng dâng lên một nỗi buồn thương cho cả hai bên. Nàng lắc đầu xua đuổi những ý nghĩ hác ám ấy và ngồi xuống bàn ăn phở chua với Ngọc. Ngọc ăn xong, ngồi ngắm chữ Vương Hy Chi và khen:
"Đẹp thật."
Thanh đương há miệng ăn những sợi bánh phở còn lòng thòng hai bên mép thấy Ngọc nói vậy, vội vàng lấy tay che miệng:
"Anh định khen tôi ăn đẹp chắc."
"Không, chữ Vương Hy Chi, càng ngắm càng thấy đẹp, nhất là bây giờ bụng đã no. Chị không biết tôi viết và vẽ đẹp lắm, tiếc hôm nay không mang bút chì đi."
Thanh bĩu môi:
"Anh ấy à, vẽ thì xấu như ma, chữ thì như gà bới. Tỏi gà thì đúng hơn."
Sực nhớ ra Ngọc bảo Thanh:
"À quên, anh Tường mấy lần bảo tôi làm lễ tuyên thệ để chị vào chi bộ chính thức, không ma mãnh gì nữa. Lát nữa ra chỗ con đường lưng chừng vách đá, tôi sẽ làm lễ tuyên thệ cho chị. Lẽ ra cần người làm chứng nhưng có lúc cũng phải tuỳ tiện."
Ăn xong ra đến chỗ có trưng một tấm bia, đường hơi rộng lại vắng ngưòi, Thanh và Ngọc cùng đứng lại tựa vào lan can ngắm mặt nước hồ lan dài về phía tây trên mặt nước loáng thoáng một vài cánh buồm mầu hồng nhạt. Thanh bảo Ngọc:
"Giá hôm nào đi chơi đến tận cuối hồ thì hay quá. Họ nói hồ này hẹp nhưng dài đến bốn mươi cây số."
Ngọc nói:
"Ý chừng chị lại muốn cùng tôi vào Thiên Thai lần nữa. Lắm lúc tôi cũng như Phạm Lãi muốn bỏ mọi công việc đi dạo Ngũ Hồ với Tây Thi. Nhưng lấy gì mà ăn?"
"Anh cứ đem thật nhiều bánh phở khô đi, tôi nấu anh ăn, ngày nào cũng đủ các thứ phở có cả phở cá nữa. Lúc đi anh nhớ mua cần câu đem đi. Đừng quên muối và nhất là ruốc. Nhưng Tây Thi có bao giờ đi với Phạm Lãi, làm xong việc cứu nước Việt bị vợ vua buộc đá quẳng xuống sông chết mẹ rồi. Anh thì cũng như Câu Tiễn còn cô Phương là vợ Câu Tiễn. Với lại hồ này đâu có đưa đến Thiên Thai; cuối hồ là trấn Côn Dương, đi mãi sẽ tới Diến Điện, có nhiều lính Nhật lắm, nhiều xe tăng, tàu bò trông rất nên thơ."
Ngọc nhìn xuống cái vực sâu thăm thẳm, trông những người qua lại trên con đường ven hồ bé nhỏ như những con kiến.
"Tôi chỉ quăng chị xuống dưới kia là xong một đời chị. Nhưng chị ạ, chỗ này tuyên thệ rất tốt. Tôi không nói đùa đâu. Chị chắc cũng đã nghĩ kỹ rồi. Có như vậy tôi mới có thể nói với chị nhiều điều bí mật quan trọng và mong chị giúp đỡ một tay, những việc ấy chỉ có chị làm nổi thôi."
Thanh nhìn Ngọc thấy vẻ mặt Ngọc nghiêm trang và có vẻ trịnh trọng, nàng mỉm cười rồi giơ tay vịn vào vai Ngọc làm chỗ tựa nhẩy lên ngồi trên lan can. Ở dưới là một vách đá thẳng xuống tận chân núi vì vậy chỗ hai người đứng phải xây bằng xi-măng thòi hẳn ra ngoài. Ngọc rùng mình vì Thanh chỉ sẩy tay một chút là có thể rơi xuống chân núi. Chàng vội níu lấy cánh tay Thanh. Thanh nghiêng người ra phía ngoài quay mặt nhìn xuống:
"Nào bây giờ anh đẩy tôi xuống đây thì anh vô tội vạ, chỉ việc nói là tôi sẩy tay ngã... Những lúc tôi đến nhà Quân có các đồng chí của anh theo dõi, tôi lạ gì. Chẳng biết anh Tường hay anh Ninh, anh Ninh có lẽ đúng hơn, đã ra lệnh thủ tiêu tôi như Nghệ và Tứ và hôm nay anh rủ tôi đi Si San 1. là anh đã nghĩ kỹ lắm rồi. Cũng kiểu anh giả vờ uống nước cốt cà-phê để Nghệ khỏi nghi ngờ. Anh và anh Ninh, các anh nhiều mánh khoé giết người thần tình lắm..." Thanh bỏ cả hai tay ra:
"Nào bây giờ anh chỉ cần đẩy tôi một cái thế là xong đời tôi và anh đã làm tròn phận sự anh Ninh giao phó. Hôm ở vườn đào tôi đã biết anh có ý ấy nhưng ở vườn đào không tiện bằng ở đây."
Ngọc một tay kéo mạnh cánh tay Thanh về phía trong còn một tay ôm ngang lưng Thanh.
"Chị điên à? Tôi xin thề với chị, đem hết danh dự ra thề với chị là tôi và cả anh Ninh nữa đều hoàn toàn tin ở chị."
Mắt Thanh sáng lên có vẻ dữ tợn như hôm đi xe lửa từ Mông Tự về Bích Sắc trại khiến ngay Ngọc cũng đâm ra nghi ngờ và nhớ lại lời Ninh nói: Việt cộng quỷ quyệt lắm, dùng mỹ nhân kế cốt thủ tiêu Nghệ để Thanh được lòng tin cậy hoàn toàn và Thanh có mật lệnh của Quân làm một việc rất quan trọng mà chính chàng mới là người mắc mưu. Thanh nói:
"Các anh thề gì? Thề cá trê chui ống ấy."

Tuy nghĩ vậy nhưng Ngọc cũng cố kéo Thanh xuống khỏi lan can. Thanh lấy tay vuốt áo rồi hai người đứng nhìn nhau. Thấy nét mặt Ngọc có vẻ sợ sệt thật sự, Thanh vui sướng biết chắc là Ngọc đã tin mình hoàn toàn; nàng mỉm cười rất tươi rút bông hoa trà trắng cài ở khuy áo đặt lên môi âu yếm nói với Ngọc:
"Tôi đùa anh chơi đấy. Lần sau có ăn tỏi gà thì đừng quên tôi nữa."
Hai người lại đứng tựa lan can sát cạnh nhau. Thanh nói:
"Lát nữa ta xuống Tả Quán Lầu 2. tôi biết một chỗ ngồi nhìn ra hồ đẹp lắm. Anh muốn ăn thức gì cũng có."
Ngọc chỉ một con đường mấy trăm bực đá ở chân núi lên chùa rồi nói với Thanh:
"Con đường cách mệnh cũng gian lao như thế."
Thanh nhìn một hai cánh buồm ở tận cuối hồ xa xa bảo Ngọc:
"Hay là ta bỏ cách mệnh đi tìm Thiên Thai. Ở đấy không ai nghĩ đến giết ai. Không có ai cả ngày chỉ cố tìm những mưu mô quỷ quyệt để hại kẻ khác, nếu không nhanh thì kẻ khác hại mình ngay, ở đấy không có thuốc tiêm giết người, chỉ có cà–phê em nấu ngon để anh uống. Không có cái thứ cà-phê nước cốt thật đặc để át mùi thuốc độc... A, này anh, thứ thuốc độc anh dùng để giết Tứ và Nghệ nó ra làm sao?"
Ngọc cũng muốn biết là thứ thuốc gì, vì Thanh đã có học qua trường thuốc chắc rõ:
"Thuốc bột trắng cho vào cà-phê có mùi như mùi hạnh nhân."
"Nếu vậy thì là chất cyanure de potassium ở bên Pháp người ta thường dùng để giết chuột, thuốc ấy ở nơi kín ngửi nhiều cũng có thể chết, uống vào chết liền không tài nào cứu chữa được. Ở Thiên Thai không làm gì có cyanure de potassium tha hồ yên ổn để suốt ngày nói chuyện với nhau cho vui và cãi nhau...
Ngọc ngắt lời:
"Nếu vậy thì tôi bỏ về trần thế còn hơn."
Thanh mỉm cười:
"Anh không biết, cãi nhau mới vui chứ, nếu cả ngày chỉ ngồi lỳ nhìn nhau lúc nào cũng vui cả thì ít lâu chán chết. Tóm lại là muốn mình cảm thấy sung sướng thì phải có những lúc đau buồn, thí dụ như anh ăn uống khổ sở, thỉnh thoảng được một bát phở cừu mới thấy ngon và được một cái tỏi gà mới gặm nhẵn cả xương không nghĩ đến tôi, tôi mới lộn ruột lên và vì tức mới nghĩ đến chi bộ ích kỷ để rồi cứ như vậy dần dà đâm vào cái guồng máy lúc nào không hay. Người lại sẽ tìm cách giết hại lẫn nhau; ở Thiên Thai không có cyanure de potassium tôi cũng phải chế ra nó để anh uống chơi. Thiên thai sẽ biến thành trần thế. Yên ổn nhất ấy à? Chỉ có chết là yên ổn nhất, hay nói theo đạo Phật, đạo Lão tốt hơn là không có mình nữa, tôi cũng không có..."
Thanh tự nhiên thấy mình vui miên man không hiểu vì lẽ gì; tâm hồn nàng phiêu diêu trong một niềm vui và cảm thấy niềm vui ấy như không bao giờ hết nữa khiến nàng rờn rợn sợ có cảm tưởng rằng cái gì cũng không thật. Đời sống chỉ là mơ, niềm vui cũng chỉ là mơ. Thanh tự nghĩ nếu có chết ngay lúc này, nàng sẽ không đau khổ. Hồn nàng sẽ hoá thành một giấc mơ vui rồi khi giấc mơ ấy tan đi là chết là hết. Nàng chắc cả vũ trụ này đến ngày tận thế cũng vậy, cũng biến thành một niềm vui bao la rồi cứ thế hoà loãng, tan dần đi trong cái mênh mông của hư vô không có sự chết, không có sự sống mà ngay cả đến cái hư vô cũng không có nữa.
Thanh bỏ rơi bông trà cầm ở tay rồi nhìn theo: bông hoa rơi, rơi mãi cho đến khi không thấy nó đâu nữa. Nàng nói:
"Thế là hoa đã biến vào vực thẳm, biến vào hư vô. Lúc nãy tôi muốn nhẩy xuống là để biết vực thẩm, hư vô ra sao, chắc cũng có cái thú của một hạt muối tan trong nước..."
Chú thích:
1.
Si San: Tây Sơn.
2.
Đại Quan Lâu.
Chương hai mươi ba
Hai người lại lên xe, đến một chỗ vòng tự nhiên Thanh cho xe chạy thật mau xuýt đâm xuống một cái khe núi. Ngọc kêu lên:
"Ý chị định xuống vực thẳm đi tìm hư vô hay sao?"
Thanh quặt tay lái vừa kịp. Nàng đãng trí và sung sướng vì nàng vì nghĩ ra duyên cớ vì sao nàng lại vui vẻ mê man. Nét mặt sợ hãi và tái hẳn lại của Ngọc khi nàng ngả người bỏ tay ra không phải chỉ vì Ngọc đã hoàn toàn tin ở mình; không, chính vì Ngọc yêu nàng. Bên tai nàng vang lên những tiếng "Ngọc yêu Thanh, Ngọc yêu Thanh, chắc chắn yêu Thanh".
Thanh hỏi Ngọc:
"Bông hoa trà lúc nãy có lấy lại được không?"
"Chị vất đi bây giờ lại muốn lấy lại. Lát nữa qua chùa tạt vào xin một bông khác."
"Không, tôi muốn lấy lại bông hoa ấy cơ. Để kỷ niệm lúc có cảm tưởng thân biến vào hư vô."
Lúc xuống chỗ xe quặt vào con đường chân núi, Thanh nói:
"Để tôi cho xe đi đường này kiếm cho được bông hoa đó; đến Tả quán lầu chắc vừa đúng giờ ăn trưa.
Tới chân núi Tây Sơn, may vì bông hoa trà mi rơi giữa đám cỏ xanh nên Thanh trông thấy ngay, nàng cho xe quay lại. Lúc đến Đại Quan Lâu, Thanh đưa Ngọc qua một cổng tò vò, vào một cái phòng ăn, mặt trước không có cửa và trông ngay ra hồ. Một bụi trúc lớn mọc ở bờ nước; căn nhà kiến trúc theo lối cổ nên Thanh tưởng như cùng Ngọc sống lùi lại đời xưa vào một quán cơm đời Tống hoặc đời Đường.
Sau khi gọi các món ăn, người hầu sang hiệu cơm chính bên cạnh. Thanh nói khẽ với Ngọc:
"Bây giờ anh làm lễ tuyên thệ vào đảng cho tôi đi. Tôi đã nghĩ kỹ và rất vui lòng được anh cho vào chi bộ của anh để làm việc."
Ngọc nói:
"Lúc về nhà chị hãy tuyên thệ. Tôi giới thiệu và anh Tường công nhận như thế trọng thể hơn... Bây giờ không phải đồng chí hờ, chi bộ ma nữa."
Thanh lại lấy bông hoa trà áp vào má, nhìn Ngọc:
"Thế là từ lúc này tôi bắt đầu bị cái guồng máy lôi cuốn nhưng tôi không cần, dù cho nó nghiến nát cũng vui lòng."
Lúc người hầu bàn đem các thức ăn sang, Thanh chỉ ngồi nhìn Ngọc ăn. Nàng gắp vài miếng lấy lệ, nhìn ra ngắm những lá trúc gió thổi tạt về một phía và hoa nắng lăn tăn trên mặt hồ gợn sóng.
Thanh biết trước là khi nhắm mắt hai tay buông xuôi, cái hình ảnh cuối cùng trong đời nàng là hình ảnh hoa nắng lẫn lộn với lá trúc rung động và hình ảnh Ngọc ăn bát phở chua trộn rất nhiều tương ớt. Ăn xong Ngọc mới hỏi nàng:
"Thế chị không ăn à?"
Thanh hôn vào lòng bông hoa:
"Lúc này tôi ăn hoa cũng đủ no rồi."
Nàng giật mình bảo Ngọc:
"Ấy chết, ở nhà ai nấu cơm cho anh Dũng ăn?"
"Chị không lo, sáng nay đi tôi đã báo trước cho anh Dũng biết. Nhà sẵn có dưa ngon của chị, anh ấy chỉ việc thổi nồi cơm. Lát nữa về biết tin chị đã nhận lời, anh ấy chắc mừng lắm."
"Thế còn anh?"
Ngọc mỉm cười đáp:
"Tôi vẫn thích chị là đồng chí hờ trong chi bộ ma có hai người thôi."
"Nếu vậy anh đừng bảo cho anh Tường biết là tôi nhận lời. Tôi sẽ tìm cách từ chối khéo anh ấy."
Ngọc suy nghĩ rồi ngập ngừng nói:
"Nhưng..."
Thanh ngắt lời:
"Không nhưng gì cả. Tôi chỉ cố sao cơm cho dẻo canh cho ngọt để hai anh ăn. Còn tôi, tôi chưa muốn làm việc gì cả. Tối hôm nay tôi lại đến đây; trăng hơi muộn nhưng tôi sẽ thuê thuyền để ngắm trăng, đêm lạnh tôi càng thích. Tôi muốn đi dạo Ngũ Hồ như Tây Thi mà không cần anh chàng Phạm Lãi.
Ngọc giơ tay giật lấy bông hoa của Thanh bỏ vào túi mình:

"Tôi giữ hộ chị bông hoa. Tối hôm nay tôi sẽ là Phạm Lãi. Tôi sợ chị lại muốn nhảy xuống đáy hồ để tìm hư vô hoặc chị đi vào Thiên Thai mất để chế chất cyanure de potassium rồi đầu độc cho cả nhân loại biến vào hư vô, cho nhân loại khỏi giết hại lẫn nhau."
Ngọc cười. Thanh cũng cười theo rồi nói:
"Tôi ấy à? Tôi chẳng cần vào Thiên Thai mới chế được cyanure. Ngay chiều hôm nay tôi sẽ đến một hiệu thuốc tây mua một ít nói là về để giết chuột. Anh chắc đã biết ở đất Tàu này mua chất độc gì cũng không cần đơn của y sĩ. Nếu cần tôi sẽ nói tôi tốt nghiệp trường thuốc ở Hà Nội, họ sẽ tin ngay nhất là tôi biết về thuốc thật, tôi lại biết cả tiếng Pháp, tiếng Anh. Vả lại người tôi hồng hào thế này mặt lại tươi như hoa, họ không thể nào nghi cho tôi muốn tự tử mà thật ra tội gì tôi tự tử."
Nàng tiếp theo nhìn Ngọc vẻ mặt tinh nghịch:
"Nhưng tôi không giết chuột đâu. Người đầu tiên trong nhân loại tôi sẽ giết... là anh."
Bỗng nàng bỏ chạy ra cổng Đại Quan Lâu. Lúc trở về nàng đưa Ngọc một điếu thuốc lá thơm:
"Mời anh xơi thuốc. Chắc anh hẳn rõ trước khi lên máy chém hay ngồi vào ghế điện, phạm nhân được người ta ân cần săn sóc cho ăn một bữa cơm ngon như bữa cơm lúc nãy và được hút một điếu xì-gà hay thuốc lá thơm. Để chậm lại, lỡ có chết vì Việt Minh hoặc vì Pháp anh đừng có hòng hút thuốc lá thơm. Kìa mời anh xơi."
Ngọc lấy bông hoa trà trong túi ra nhìn Thanh một lúc rồi nói:
"Người Tây phương lạ thực, họ chỉ nghĩ cho ăn uống, hút thuốc lá; tôi thì tôi cho rằng phạm nhân ngắm một thứ gì rất đẹp trước khi chết như vậy nhân đạo hơn. Ý kiến chị thế nào?"
"Tôi cũng nghĩ như anh."
Thanh sửa lại tóc, miệng nở một nụ cười, hai mắt long lanh sáng nhìn Ngọc. Ngọc giơ bông hoa còn tươi nguyên lên nhìn hoa rồi lại nhìn vào hai mắt Thanh; chàng yên lặng ngắm những làn sóng lăn tăn gợn sóng ngoài mặt hồ, phía sau người Thanh, rồi mỉm cười nói trống không:
"Rất tiếc lúc này chị không có sẵn cyanure de potassium."
Thanh nói:
"Thôi để đêm nay đi chơi thuyền đợi lúc trăng lên. Tôi lại sẽ ngâm thơ, cảnh đẹp không đủ, cần cho phạm nhân nghe âm nhạc hay tiếng ngâm thơ thật hay. Tôi sẽ cố đem hết tâm hồn ngâm thơ cho anh nghe trước khi..."
Nàng khẽ ngâm:
"Đêm trăng, thoảng..."
Nhưng nàng ngừng lại ngay:
"Thôi, để tối nay hơn, lúc trăng lên."
Chương hai mươi bốn
Chiều hôm ấy, Thanh lấy khăn trùm lên tóc, cầm cái chổi cán dài để quét mạng nhện đen, mồ hóng giăng đầy mái nhà. Nàng nói với Tường:
"Em đã nghĩ kỹ rồi. Anh cứ để em ở ngoài, ở một ngoại vi tổ chức nào đó, lấy tên gì cũng được. Hay là lấy tên ‘Nữ hoả đầu phu đoàn’ 1. hợp với công việc em nhất."
Tường đương cặm cụi viết ngửng lên:
"Ý kiến ấy của chị hay đấy. Tôi sẽ đặt chị vào phụ nữ đoàn."
Thanh cười:
"Thế là em đã có đoàn thể, nhưng đoàn thể ấy chỉ có một mình em thôi. Bây giờ em là cán bộ thực thụ không còn là cán bộ hờ ở trong cái chi bộ ma của anh Ngọc nữa. Anh ấy lôi thôi lắm."
Nàng nhìn Ngọc khẽ nháy một cái rồi quét màng nhện, lau sàn gác, bàn ghế. Sau hai tiếng đồng hồ nhà trông sạch sẽ khác hẳn; nàng vui vẻ làm việc, không biết mỏi. Bốn giờ chiều nàng bưng lên hai cốc cà-phê nóng mời Tường và Ngọc uống rồi nàng hỏi:
"Hai anh có quần áo rách hay tuột chỉ để em khâu cho."
Tường mặc có mỗi chiếc áo cánh nhà binh nhồi bông. Nàng khâu vá xong rồi nói:
"Để em đi mua len đan cho hai anh mỗi người một áo. À, anh Ngọc thì không cần đến nữa vì..."
Thanh không nói hết câu nhưng Ngọc cũng hiểu ý. Nàng nói:
"Bây giờ em đi mua len vì trời còn sáng chọn màu dễ hơn."
Nàng tạt qua nhà Quân nhưng chỉ gặp Kiệt:
"Có tin này quan trọng lắm, các anh nói lại với anh Quân. Ninh sắp về nước để liên lạc định ý đưa một đoàn đại biểu Việt Quốc lên Côn Minh rồi đi Trùng Khánh, Ngọc chắc đưa Ninh về biên giới. Hai người sẽ do ngã Hà Khẩu về Lao Cay."
Nói xong nàng đi ngay tạt qua hiệu mua len rồi về nhà thổi cơm.
Lúc đương ăn Thanh nói:
"Anh Ngọc ích kỷ quá việc bếp nước đều do tôi phụ trách. Anh là liên lạc viên nhưng bây giờ liên lạc với ai. Tối nay anh đi coi xi-nê tôi thết. Còn tôi, tôi bận lại qua nhà chị em bạn."
Khi Ngọc tới cửa rạp xi nê thì Thanh đã chờ sẵn ở đấy. Hai người đi bộ qua Kim Bích lộ về phía Phục Hưng Tân Thôn rồi thuê xe ngựa đi Đại Quan Lâu. Xuống thuyền thì trăng vừa lên. Một bà già người Tàu và một đứa bé độ mười tuổi vốn đã quen việc đưa khách đi chơi hồ ban đêm nên thấy đôi trai gái xuống thuyền không ngạc nhiên, nhất là đêm ấy lại có trăng. Thuyền chui qua một cái cổng tò vò, đi ngang nhà nghỉ mát của Cậu Ba con Long Vân rồi ra hồ rộng.
Thuyền đi ven bờ một quãng. Ở giữa hồ nhỏ Đại Quan Lâu và hồ lớn có một biệt thự đường vào rất nhỏ hai bên toàn nước. Trong nhà thắp đèn sáng, có tiếng nhiều người nói cười vui vẻ nhưng nhìn vào các cửa sổ mở rộng tuyệt nhiên không thấy có bóng một người nào.
Thanh lay người Ngọc chỉ về phía biệt thự và thỏ thẻ vào tai Ngọc:
"Nhà ma đấy."
Ngọc nói:
"Chị thực very lôi thôi. Hết chi bộ ma lại đến nhà ma."
Tình cờ Ngọc đã dùng câu nói đùa riêng biệt của Thanh. Thanh mỉm cười:
"I am not so very lôi thôi as you think. Tôi không lôi thôi lắm như anh tưởng đâu. Vốn nhà này trước vẫn là một nhà bỏ hoang, người ta bảo là có ma nên không ai dám ở. Chúng mình bỏ không làm cách mệnh nữa mà cũng chẳng cần đi tìm thiên thai cho tốn công. Thiên thai là cái nhà này. Chúng mình đến đây ở, chẳng ma nào biết vì đây là cái nhà ma rồi. Này anh nghe, tiếng người cười nói vui vẻ mà nhìn vào có thấy một bóng ma nào đâu."
Bà lái đò lái cho thuyền đi xa phía biệt thự rồi lẩm bẩm nói một mình:
"Chắc là bọn quân nhân Mỹ đến đóng. Người thường ai dám bén mảng."
Thanh nói:
"Anh có xem truyện Liêu Trai tả một đám cưới ma trong một cái lầu cũ không?"
"Có, hình như có đọc qua nhưng không nhớ."
Thanh kể chuyện lại cho Ngọc nghe:
"Đấy, trong nhà có đèn sáng lại có tiếng nói cười vui vẻ mà từ lúc nẫy nhìn vào không thấy một người nào cả. Chắc là tụi hồ ly tinh cưới nhau. Để tôi vào phá đám họ rồi chúng mình đến đấy ở thay. Tôi cứng bóng vía lắm; ma cũng phải sợ. Như vậy đỡ tốn tiền mà không ai đến quấy rầy mình nữa."
Thanh quay nhìn bà lái đò, nói tiếng Tàu:
"Bà lái đò, bà ghé thuyền vào cái nhà này. Chúng tôi đến ăn tiệc cưới nhưng đến muộn sợ hai họ đợi. Bà cố chèo cho mau, đến thẳng mấy cái bực đá chỗ có hai cô, một cô mặc áo đỏ và một cô mặc áo vàng đương đứng giơ tay vẫy ấy mà."
Thanh cúi xuống lấy tay che miệng cho khỏi bật lên cười. Bà lái đò trù trừ, Thanh nói:
"Hay thôi bây giờ ăn cỗ cũng gần xong. Bà cứ chở chúng tôi đi ra ngoài xa ngắm trăng một lát. Mai chúng tôi viết giấy kiếu vậy."
Thuyền mỗi lúc một ra xa. Thanh nhìn kỹ thấy lưng chừng núi Tây Sơn một mảng trắng mờ, nàng đoán đó là chùa Tây Sơn. Trăng mười bẩy và trời lại trong nên rải xuống mặt hồ một làn ánh sáng trông phảng phất như một con đường dẫn lối đến Thiên Thai. Thanh nhớ đến đoạn tả ánh trăng của Maugham trong một truyện ngắn nàng đọc đã lâu lắm. Nàng bảo Ngọc:
"Con đường ánh trăng sáng này nếu cứ theo mãi thì sẽ tới Thiên Thai."
Ngọc hỏi:
"Bây giờ chị lại muốn đến Thiên Thai. Sao sáng ngày..."
Thanh ngắt lời:
"Thiên Thai cũng là hư vô... Thiên Thai là một thứ gì đẹp lắm mà lòng ai cũng mơ ước, nhất là hiện giờ trên gần khắp thế giới họ đương đâm giết nhau. Cảnh đẹp đã có rồi còn thiếu thơ và tiếng ngâm để tôi nghĩ một câu thật hay rồi ngâm anh nghe."
Yên lặng một lúc rồi giữa đêm khuya thanh vắng Thanh cất tiếng ngâm:
"Người ơi, hồ rộng bao la
Thiên Thai trăng mở đường hoa đón người."
Ngọc mê man vì cảnh đẹp, tiếng ngâm và lời thơ hay của người yêu nên chàng nói giọng đùa bỡn để che cảm động:
"Thơ ấy, thứ cô mà làm được. Chắc là cóp của ai chứ gì."
Thanh nói:
"Tôi còn một bài thơ hay hơn nhiều để lát nữa sẽ ngâm anh nghe. Bài ấy chính tôi làm ra từ lúc còn trong nước khi mới bắt đầu yêu người mà về sau là chồng tôi và đã đánh lừa, phụ bạc tôi."
Ngọc hỏi:
"Buổi chiều chị mua được cyanure de potassium chưa?"
Thanh yên lặng không đáp. Bỗng ở một chiếc thuyền xa có tiếng người vọng lại. Thanh cất tiếng ngâm luôn một hơi:
"Đêm trăng thoảng tiếng ai trong gió
Lòng hỏi lòng biết có ai không?
Hay chăng tiếng vọng mơ mòng
Của lòng mình nói cho lòng mình nghe..."

Ngọc mới đầu ngờ ngợ, đến khi Thanh ngâm xong chàng quay lại sửng sốt nhìn Thanh:
"Bài thơ ấy chị làm?"
"Này, anh lại sắp bảo tôi cóp thơ người khác có phải không? Bài thơ ấy tôi làm nên tôi mới thuộc lòng ngâm luôn một hơi. Anh có thấy tôi vấp váp một chữ nào không?"
Thanh mỉm cười tiếp theo:
"Có anh cóp của tôi thời có. Nếu không, sao ở nhà chị..."
Ngọc nhớ lại và hiểu nguyên do. Chàng chắc Thanh có đến chơi nhà chàng trọ từ khi chàng ở Văn Sơn, Ma-Lì-Pố. Thanh ghế người lại gần Ngọc hỏi:
"Cô Thúy hay cô Phương."
Ngọc đáp:
"Chị nhìn bức tranh thì biết là ai rồi, cần gì phải hỏi."
Bỗng chàng nghĩ ra một điều. Từ khi gặp Thanh mặc dầu nhiều lúc thân mật như đôi tình nhân, chàng vẫn không hiểu Thanh ra sao; Thanh chỉ có cảm tình với chàng như một người bạn hoặc một đồng chí, hay là nàng theo lệnh của Việt Minh cố quyến rũ chàng đúng như lời Ninh phỏng đoán. Hai mắt Thanh lúc thì mơ màng hiền hậu, có khi trong sáng vui tươi, thỉnh thoảng lại sắc sảo như hung dữ, độc ác. Ngọc nghĩ thầm: "Hay Thanh là Hồ Ly Tinh như trong truyện Liêu Trai". Bây giờ muốn biết rõ lòng Thanh chàng cần tỏ ra mình yêu Phương để xem Thanh có ý ghen tức không. Nghĩ vậy chàng nói tiếp:
"Ở Mông Tự làm gì có cảnh tôi vẽ như trong tranh. Với lại dáng người ngồi trong tranh không giống dáng cô Phương một tý nào cả."
Ngọc biết là dáng Thúy và dáng Phương giống nhau lắm vì khi kể chuyện về Thúy chàng đã có lần tả Thuý thon thon như người Phương nhưng chàng cũng cứ nói vậy để Thanh tưởng là chàng nói dối; nếu chàng có ý giấu giếm tức là chàng đã thực tình yêu Phương.
Quả nhiên Thanh mắc lừa biết là Ngọc đã nói dối. Nhưng nàng vẫn thản nhiên vì lúc nhìn nét mặt tái hẳn lại của Ngọc sáng ngày, nàng đã biết chắc chắn rằng Ngọc yêu nàng. Thấy Thanh thản nhiên, nói chuyện cười đùa vui vẻ, Ngọc không hiểu thêm được ý Thanh đối với mình ra sao.
Chàng lại có cảm tưởng rằng Thanh tinh khôn lắm, chắc là một nữ cán bộ lợi hại của Việt Minh và rờn rợn sợ. Thanh bảo bà lái đò lấy ra hai chai xá xị mua lúc nẫy rồi mở nắp đưa cho Ngọc, nói một cách quá ư dịu dàng thành ra mỉa mai:
"Mời anh xơi."
Ngọc nhắm mát lại rồi nói một mình:
"Chắc đã đến lúc rồi. Phạm nhân đã được ngắm cảnh đẹp, nghe hát hay, sắp sửa đến phút lên đoạn đầu đài."
Một lúc lâu chàng mới mở mắt ra đưa Thanh chai xá xị:
"Mời chi xơi trước tôi uống nửa dưới."
Thanh cười:
"Anh đề phòng thế cũng vô ích. Anh đã không hai lần uống cà-phê trước mặt Nghệ... Tôi xin uống trước để anh khỏi nghi ngờ tôi như Nghệ đã không nghi anh..."
Thanh nhấc chai xá xị tu vào miệng chai, đợi một lúc lâu rồi đưa cho Ngọc.
"Bây giờ mời anh xơi. Chắc là không có thuốc độc. Vì nếu có thì tôi đã hóa ra ma rồi."
Ngọc cũng cầm chai tu một hơi cạn, ngồi yên nghe ngóng rồi nói với Thanh:
"À ra không việc gì. Tôi đã tưởng mình lên tiên."
Rồi hai người cùng bật lên cười một lúc.
Chú thích:
1.
Hỏa đầu phu: người trông việc bếp nước.
Chương hai mươi lăm
Thuyền thuê đã đến lúc quay trở về cho đúng lời mặc cả với bà lái. Lúc đó thuyền đi về phía đông. Trước mái thuyền xa một quãng ánh trăng rải một con đường rắc hoa bạc; thuyền đi đến đâu thì ánh trăng ở gần biến đi và những hoa bạc khác lại dần dần hiện lên trên gợn sóng. Sương đêm bắt đầu xuống. Ngọc và Thanh không ai nói một lời nào, ngồi yên lặng ngắm vẻ đẹp của con đường lấp lánh hoa bạc như dẫn lối vào một thế giới xa xăm huyền ảo trong sương mờ.
Bỗng Thanh quay về phía Ngọc thở dài một cái rồi nói:
"Thế là anh chàng Phạm Lãi lại phải đi với Tây Thi. Mà Tây Thi cũng bị Phạm Lãi ám ảnh cứ ngồi kè kè ngay bên cạnh. Này anh có nhớ bài ‘Con thuyền không bến’ của Đặng Thế Phong không?"
Ngọc đáp:
"Có, tôi chỉ nhớ loáng thoáng một vài đoạn: Đêm nay sương lam mờ trong mây, với lại: Cuốn theo chiều gió một con thuyền trôi trong trăng."
"Thế anh có muốn nghe không để tôi hát anh nghe nhé. Anh thì chẳng biết hát bài gì cả cứ việc ngồi ỳ thần xác ra đó để người khác hát cho nghe."
Ngọc cười:
"Tôi là phạm nhân mà."
Giọng Thanh trong và cao vẳng lên trong đêm trăng yên tĩnh. Bà lái nói:
"Cô hát hay quá. Tôi chưa nghe ai hát bài ấy bao giờ. Giống như bài hát Nhật ấy.
Thanh đáp luôn:
"Đấy là một bài hát Quảng Đông nổi tiếng. Thế bà có biết bài phú Xích Bích của Tô Đông Pha không?"
"Tôi có biết chữ nghĩa gì đâu."
"Thế bà có xem truyện Tam Quốc không. Ấy trận Xích Bích là trận Tào Tháo đánh nhau với Chu Du, bị Gia Cát cầu phong thua liểng xiểng."
"Có, tôi có biết Tào Tháo vì đi xem tuồng."
Thanh nhìn Ngọc rồi nói với bà lái đò:
"Để tôi hát bài phú Xích Bích cho bà nghe."
Cả bài chữ Nho lẫn bài dịch, buổi trưa nàng đã đổi sẵn đi vài đoạn hoặc vài chữ. Nàng cất tiếng ngâm to:
"Nhâm Tuất chi xuân, nhất nguyệt ký vọng, Ngọc tử giữ Thanh nữ phiếm chu, du ư Tây Sơn chi hạ. Thanh phong từ lai, thuỷ ba bất hưng: cử xá xỉ chúc Ngọc, tụng công tác chi thi, ca cách mệnh chi chương. Thiểu yên, nguyệt xuất ư Tây Sơn chi thượng, bồi hồi ư chàng Ngọc chi nhân; bạch lộ hoàng giang, thuỷ quang tiếp thiên. Túng nhất vĩ chi sở như, Lăng thư ký chi mang nhiên. Hạo hạo hồ như bằng hư ngự phong, nhi bất tri kỳ sở chỉ: chiêu chiêu hồ như di thế độc lập, Thanh Ngọc nhi đăng tiên..." 1.
Thanh ngâm ngay xuống đoạn Tào Tháo, Chu du không còn nữa:
"Ngọc nhất thế chi hùng dã, cô Kim an tại tai!" 2.
Rồi nàng chuyển sang hát bài dịch:
"Xuân Nhâm Tuất tháng giêng, mười sáu
Một con thuyền, một cậu một cô
Tây Sơn rặng núi lờ mờ
Nàng Thanh, chàng Ngọc trên hồ ngắm trăng
Gió lạnh buốt, nước bằng phẳng lặng
Xá xị ngon, Ngọc lắng câu ca
Câu thơ cách mệnh ngâm nga
Nhớ công tác trạm xót xa, ngậm ngùi
Bỗng trên không sáng ngời Ngọc-thỏ
Giữa Đẩu Ngưu soi rõ Tây Sơn..."
Đến chỗ Tào Tháo, Chu Du, nàng cao tiếng ngâm giọng thê thảm:
"Tứ với Nghệ bây giờ đâu hở?
Thân phù du trơ bộ xương khô!"
Thanh phải ngừng lại, lấy tay che miệng cười khi sắp ngâm đoạn cuối của bài dịch:
"Vừa đồng chí vừa anh em
Hai chai xá xị say mềm mới thôi
Ngổn ngang chai cốc rơi đây đó
Gối đầu nhau ngủ ở mạn thuyền
Hai người một giấc ảo huyền
Giòng Sông Thanh Thuỷ lên tiên có ngày." 3

Thanh ngâm hết bài thơ dịch, lại nhớ tới một câu trong bản dịch khác và tiếp luôn:
"Tiếng đã dứt, dư âm còn mãi
Kéo dài ra như sợi tơ vương..."
Ngọc nói:
"Chị ngâm nữa đi."
Thanh đáp:
"Hết rồi. Bây giờ ta cũng bắt chước anh Tường bàn chuyện triết lý. Anh xem còn đâu Tào Tháo, còn đâu Chu Du, cũng như sau này còn đâu Việt Quốc, Việt Minh, nhưng bóng trăng lòng sông Xích Bích, những câu phú hay của Tô Đông Pha muôn thuở còn mãi. Lâu bền nhất, thực nhất chỉ là cái đẹp. Đã có lần tôi nói với anh về kiếp con người và cái guồng máy, mỗi người đều có một kiếp, mọi hành động đều do những sức ngấm ngầm ở trong người mình thúc đẩy. Cuộc đời của mình nghĩa là cuộc đời anh, cuộc đời tôi, cũng như đời Tứ, Nghệ, đời của chị Nam y tá gì ở Văn Sơn, đi vào con đường nào đều do sức thúc đẩy mà không ai tự biết, tuy ai cũng vẫn tưởng chính mình đã lựa chọn. Một khi vào con đường đó, mình bị một ‘guồng máy vô hình’ lôi cuốn khó lòng thoát khỏi, chỉ cứ việc noi theo, không nhận định được cái gì là xấu, cái gì tốt, phía nào là sự thực, phía nào là sai lầm. Chắc anh cũng có biết câu của Pascal: Bên này dẫy núi Pyrénées là sự thực, bên kia là sai lầm 4. Vậy nói đến Chân Thiện Mỹ, Chân không có..."
Thanh cười rồi tiếp theo:
"Không phải chân không có để đi đâu. Không ai biết đâu là chân lý. Đạo nào, triết lý gia nào cũng nói chính mình mới có được chân thực, còn người khác chỉ có chân giả; còn thiện cũng vậy, sáng ngày anh đã đuợc xem ông Ác, ông Thiện nhưng ông nào ác ông nào thiện? Như anh giết Nghệ thế là anh thiện hay ác; Nghệ cũng định giết anh chắc Nghệ cho việc mình là chân là thiện... À chỉ có cô Phương nhà anh là thiện thôi vì cô ta không giết ai bao giờ lại đan áo cho anh, thế là thiện lắm đấy chứ!"
Ngọc nói giọng gắt:
"Bàn về triết lý xin chị để mặc cô Phương đấy."
"Tôi nói đến cô Phương việc gì anh cáu. Sắp đến Thiên Thai rồi. Ở Thiên Thai không ai cáu cả. Nhưng thôi, ba thứ Chân, Thiện, Mỹ thì Chân tùy từng người, Thiện cũng vậy, chỉ còn lại Mỹ; chỉ có cái đẹp là... khốn nhưng cái đẹp cũng tuỳ ý từng người nốt, anh, anh thấy cô Phương đẹp...Nhưng tôi lại khác, tôi thấy anh chàng Phạm Lãi đẹp hơn, tuy tôi chưa từng bao giờ thấy mặt. Mà Phạm Lãi hình như không cáu bao giờ, nhất là đối với Tây Thi..."
Ngọc nói:
"Tôi không bao giờ hiểu nổi chị, chỉ có điều đó mới là sự thật, là chân lý."
Lúc hai người về tới thành phố thì đã khuya lắm. Thanh nói:
"Bây giờ tôi về nhà người bạn tôi ngủ đêm nay, hai người cùng về khuya một lúc sợ anh Tường nghi ngờ. Anh Tường thì tôi không sợ lắm, tôi sợ nhất anh Ninh của anh, vì tôi chỉ báo anh Tường là đêm nay tôi bận nói chuyện về sự tiến triển của triết lý với anh mê mải nên về khuya. Tôi sẽ nói là tôi không muốn anh đi xi-nê tốn tiền vô ích, rủ anh về nhà bạn tôi để ‘thuyết’ anh một trận: bắt đầu từ thuyết nguyên thủy triết lý, qua Platon, Aristote rồi đến Locke dựa vào quả táo của Newton, đến bọn theo thuyết Hédonisme, rồi Kant, Fichte cái anh chàng phát minh ra tự do, bố đẻ của Hegel tìm ra luật mâu thuẫn duy tâm, sau cùng đến cái anh chàng Marx đem đảo ngược cái Kim Tự Tháp duy tâm của Hegel, đẻ ra mâu thuẫn duy vật cộng sản khiến thế giới cũng đảo lộn, Việt Quốc, Việt Minh tìm cách đấu vật nhau và tay anh bao lần vấy máu. Đấy anh cố nhớ những tên các triết gia ấy, lỡ anh Tường có hỏi thì anh đem ra trả lời. Cần nhất quả táo rơi của Newton, hay anh nói vì một bông hoa trà hay một cô Tây Thi từ lan can chùa Si-San rớt xuống chân núi nên Fichte mới đẻ ra tự do, có tự do tất phải có cái chống lại thành ra luật mâu thuẫn duy tâm của Hegel và duy vật của Marx. Bây giờ thì chuyện ngã ngũ rồi: tự do sinh ra dân chủ Tây phương, tự do cũng sinh ra độc tài cộng sản. Lại còn anh chàng Nietzsche với con người Siêu nhân cho phép Hitler đẽo một cái trục với Mussolini, cả hai bây giờ đều chết ngoẻo, nhưng Nhật theo đúng tinh thần của Vương Dương Minh vẫn còn, thiên hạ đánh nhau lung tung, anh mới chạy sang đây gặp tôi và vì chán ngán nhân loại nên hai lần rủ tôi đi, một lần cùng tôi trôi vào Đào Nguyên, một lần ở hồ Si San cùng tìm kiếm Thiên Thai."
Thanh cười tiếp theo:
"Vì chuyện Thiên Thai mà anh đâm cáu sườn với tôi, chung qui chỉ tại cái anh chàng Fichte cái anh chàng Marx. Thôi bây giờ đến nhà bạn tôi rồi, anh về kẻo khuya."
Thanh tiến lên ngừng lại trước một căn nhà chỉ vào làm hiệu nàng ở đấy rồi giơ tay vẫy từ biệt Ngọc.
Sáng hôm sau, Thanh đến sớm và mặc quần áo Việt. Một lát sau nàng bưng lên hai chậu nước trong bên cạnh có để hai chiếc khăn mặt sạch tinh, một cái màu trắng, một cái xanh nhạt cho khỏi lẫn; còn chiếc khăn mặt của Thanh thì màu hồng như màu hoa đào. Tường và Ngọc rửa mặt xong, trên bàn đã có hai cốc cà-phê toả hơi thơm.
Ngọc hai tay ôm lấy cốc cà-phê cho ấm đứng tựa cửa sổ nhìn xuống. Trời lạnh nhưng ở dưới vườn Thanh đã cởi áo len chỉ mặc có chiếc áo cánh. Nàng xắn tay áo để lộ ra hai bắp tay trắng rồi cúi mình thả dây cho thùng xuống giếng lấy nước đổ vô chiếc chậu gỗ giặt quần áo. Vì nàng cúi xuống cố sức kéo dây nên mỗi lần ngửng lên hai gò má ửng hồng, đỏ hơn cả hôm đứng gần cây trà ở chùa Sơn Tây. Nàng ngồi xuống khoắng cả hai tay vào chậu nước trong. Ngọc thấy nàng rùng mình một cái, chắc vì giếng nước giá lạnh. Hôm ấy nàng giặt mấy bộ quần áo ngủ của nàng. Thanh xát xà phòng cho đầy nước bọt rồi vò từng chiếc áo một.
Nắng đã bắt đầu chiếu xuống bức tường cạnh giếng. Giặt xong, Thanh mím môi, lấy hai tay cố sức vắt áo thật kỹ rồi rũ và đem phơi lên chỗ giây thép có nắng. Dây thép ở gần chỗ buộc nên hơi cao, nàng phải kiễng chân mới với tới. Bỗng nàng ngửng nhìn lên, thấy Ngọc đứng ở cửa sổ, cốc cà-phê đã cạn nhưng vẫn cầm ở tay. Ngọc mỉm cười và thấy Thanh cũng mỉm cười đáp lại; vì hai con mắt Thanh hơi thoáng vẻ tinh nghịch nên Ngọc tưởng nàng định rủa thầm mình:
"Anh chỉ được cái ăn uống là giỏi..."
Ngọc nhìn rất lâu vào hai con mắt thân yêu. Chàng thấy Thanh khác hẳn hôm trước khi đi chơi núi và chơi hồ, mơ mộng những chuyện Thiên Thai hoặc bàn luận lôi thôi về triết lý.
Sáng hôm nay, nhìn Thanh vắt và phơi áo, hai cánh tay vén lên gần vai, Ngọc thấy nàng chỉ là một cô gái đơn sơ, và cuộc đời nữa cũng đơn sơ, như cảnh phơi quần áo ở một khu vười nhỏ xinh xinh bắt đầu nhuộm nắng nhạt một buổi sáng trời trong, thoáng gió nhẹ.
"Chị Thanh ơi."
Thanh ngửng lên nhưng mãi không thấy Ngọc nói gì. Ngọc nghĩ thầm:
"Thiên Thai ở đây, cần gì đi tìm đâu xa, tốn công như Lưu Nguyễn."
Nhưng chàng không nói ý nghĩ ấy ra với Thanh. Chàng hỏi:
"Trưa hôm nay ăn gì chị Thanh?"
Thanh không đáp ngay. Nàng kéo thẳng chiếc áo cánh phơi ở dây thép xuống cho thấp, mỉm cuời rồi giấu mặt sau chiếc áo, nói to:
"Trưa hôm nay ấy à? Anh ăn hoa Trà Mi thổ phỉ của tôi trộn với tim thổ phỉ của cô Phương."
Chú thích:
1.
Nguyên bản chữ Nho: Nhâm Tuất chi thu, thất nguyệt ký vọng, Tô Tử dữ khách phiếm chu, du ư Xích Bích chi hạ. Thanh phong từ lai, thủy ba bất hưng, cử tửu chúc khách, tụng Minh Nguyệt chi thi, ca Yểu điệu chi chương. Thiểu yên, nguyệt xuất ư Đông Sơn chi thượng, bồi hồi ư Đẩu Ngưu chi gian, bạch lộ hoàng giang, thuỷ quang tiếp thiên.Túng nhất vĩ chi sở như, lăng vạn khoảnh chi mang nhiên. Hạo hạo hồ như bằng hư ngự phong, nhi bất tri kỳ sở chỉ: chiêu chiêu hồ như di thế độc lập, Vũ hoá nhi đăng tiên...
2.
Cố nhất thế chi hùng dã, nhi kim an tại tai.
3.
Dựa theo bản dịch của Học Canh:
Thu Nhâm Tuất qua rằm tháng bảy,
Một con thuyền bát cậy bên sông
Dưới non Xích Bích chập chùng
Chàng Tô với khách theo giòng lượn chơi
Gió hây hẩy nước trời phẳng lặng
Cất chén mời khách lắng câu ca
Thơ thần Minh Nguyệt ngâm nga
Này chương Yểu Điệu thiết tha tuyệt vời!
Bỗng ngang không sáng ngời ngọc thỏ
Giữa Đẩu Ngưu soi rõ Đông Sơn...
Người trước thế bây giờ đâu tá?
Mình bọt bèo cửa cá rừng sông...
Tưng bừng này bác này em
Quả hoa nhẫn sạch say mềm mới thôi
Ngổn ngang chén bát rơi đây đó
Gối đầu nhau ngủ ở mạn thuyền;
Êm êm mơ giấc mơ tiên
Vầng Đông ai đã treo lên lúc nào!
4.
Vérité en decà des Pyrénées, erreur au delà (Pascal).
Nhất Linh
Theo https://vietmessenger.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với các trọng trách từ thời bưng biề...