Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2019

Đội mũ lệch 1

Đội mũ lệch 1
Thả vỏ quýt ăn mắm ngấu
Hai năm nay, Cả Lĩnh làm ăn phát đạt.
Chẳng thế mà hắn ta lại dựng ngay ở phố chính một tòa nhà gác tráng lệ nguy nga cùng là sắm đủ các bàn, ghế, tủ, sập toàn bằng gụ, bằng trắc. Người ta lưu ý nhất đến cái tủ sắt của hẳn vừa cao, vừa to vừa nặng. Hôm mua tủ ở Hà Nội về, những tiền thuê chở từ ga vào phố cũng đã tốn phí mất năm đồng rồi, vì phải tám người lực lưỡng mới vần nổi cái khối sắt khổng lồ ấy. Cả Lĩnh bày cái "biểu hiệu" sự giàu có ấy ở ngay phòng khách.
Người trong phố thì thầm nói chuyện:
- Không biết thằng Cả Lĩnh nó làm gì mà chóng giàu thế?
- Ừ, buôn bán loàng xoàng thôi, sao mà có tiền làm nhà làm cửa đồ sộ thế nhỉ?
- Có lẽ nó được của.
- Chính đấy, tôi nghe nói nó đào được ở sau vườn một chum vàng nén.
- Không tôi biết, nó chỉ nhờ cái số gì đó thôi, cái số nhựa ấy mà.
- Thằng cha đáng ghét quá; bây giờ nó lên mặt mô phạm! Ngày xưa còn nghèo thì nó còn đi lại chơi bời với chúng mình, ngày nay nó chỉ giao du với những quan tham, quan phán, quan án, quan tuần, và các quan tây nọ, quan tây kia thôi.
Nhưng một đêm cướp vào nhà Cả Lĩnh. Vì cướp có súng lục lại ập đến một cách bất thình lình, nên vợ chồng Cả Lĩnh không cự nổi, mà hình như hắn ta cũng không có ý kháng cự, nét mặt tươi cười, vui vẻ như thường. Ôn tồn, Cả Lĩnh nói với bọn cướp:
- Thưa các ngài, đêm hôm rét mướt như thế này, mà các ngài cũng chiếu cố đến thăm thực là hân hạnh...
Tên tướng cướp chĩa súng vào ngực, quát:
- Không có thì giờ bông đùa, chìa khóa tủ sắt đâu?
- Thưa ngài đây. Nhưng ngài se sẽ mồm chứ chẳng đầy tớ tôi nó thức giấc nó kêu ầm lên thì thực phiền cho ngài và cả cho tôi lắm.
Trông thấy vợ run sợ, hai hàm răng lập cập đập vào nhau, Cả Lĩnh lại nói tiếp:
- Còn vợ tôi thì xin phép các ngài cho nằm yên đấy, chẳng trời rét lắm, dậy nhỡ bị cảm?
- Mau đưa chìa khóa tủ sắt đây, lôi thôi mãi!
Cả Lĩnh nhanh nhẹn đưa chùm chìa khóa rồi bị bọn cướp điệu ra phòng khách. Một tên đứng chặn cửa phòng ngủ canh giữ người vợ.
Thấy tên tướng cướp hết sức lôi mà vẫn không kéo được cửa tủ ra, Cả Lĩnh lại nhắc:
- Ngài không hỏi tôi để chữ gì thì mở sao được?
Tên tướng cướp quay lại trợn mắt, hất hàm hỏi:
- Vậy chữ gì?
- Chữ B... Ô... Xu... Bô xu...
- Bô xu?
- Vâng.
Khi cái cảnh tủ sắt nặng nề đã giật mạnh toang ra thì kinh ngạc biết bao, (tôi nói bọn cướp kinh ngạc) lòng tủ rỗng tuếch không đựng một trinh nhỏ, cả hai cái ngăn kéo cũng vậy.
Tên tướng cướp quay lại dí súng vào ngực chủ nhà, xừng xộ hỏi:
- Tiền cất đâu?
Cả Lĩnh cười:
- Mọi khi tôi vẫn cất trong tủ sắt này.
- Thế bây giờ cất ở đâu?
- Bây giờ ấy à?... Bây giờ thì không có tiền.
- Còn những chìa khóa này mở tủ nào?
- Một cái mở tủ quần áo, còn những cái khác mở các ngăn kéo bàn giấy.
Trong tủ quần áo gương đứng, tên tướng cướp thấy toàn một thứ quần áo cũ, còn các ngăn kéo đều rỗng tuếch, trừ một cái đựng đầy giấy má. Cả Lĩnh ỡm ờ hỏi:
- Ngài có cần tôi đọc những bức thơ này không? Đây toàn là những giấy thúc nợ. Cái này ba trăm, cái này năm trăm, cái này một nghìn. Lại cái này dọa sẽ đến tịch ký nhà và đất của tôi.
Tên tướng cướp, giọng cáu kỉnh:
- Lôi thôi mãi, tiền đâu đưa ngay ra đây không thì ta sẽ tặng một phát súng bây giờ. Anh có tiếng giàu lắm kia.
Cả Lĩnh mỉm cười:
- Vâng có tiếng thì vẫn có tiếng. Nhưng có tiếng không bao giờ cũng đồng nghĩa với có miếng. Đó chỉ là mưu mẹo của tôi, sự bí mật của tôi. Nếu ngài muốn biết tôi xin hiến, thiết tưởng sự bí mật ấy còn quý hơn tiền nhiều lắm.
Tên tướng cướp không nhịn được bật cười:
- Sự bí mật gì vậy?
- Sự bí mật ấy tên là: Thả vỏ quít ăn mắm ngấu: Đại khái như thế này: Bây giờ tôi có độ một nghìn bạc. Tất nhiên tôi phải phênh phao chơi bời ra người có vạn. Để làm gì? Để vay mượn cho dễ. Chẳng thể sao dùng vốn người độ sáu, bảy nghìn thôi, tôi làm nổi tòa nhà này, mà vì cái bề mặt hào nhoáng của nó nhiều người ước đến hơn vạn. Tôi đã có một tòa nhà đồ sộ và một cái két kếch sù rồi, thì ai chẳng có thể bỏ ra một vài nghìn cho tôi vay. Mười người cho vay, tôi có hàng vạn. Ấy thế là nổi cơ đồ, dăm năm nữa, có vốn triệu cũng chưa biết chừng. Hiện giờ tôi đương điều đình mua cái đồn điền lớn kia tuy tôi chưa có một xu nhỏ như các ngài đã biết.
Không nhớ rẳng mình là cướp, bọn khách quý cất tiếng cười vang nhà. Một tướng đùa bỡn hỏi:
- Thế nhỡ người ta tịch ký?
- Thì tay không lại hoàn tay không mất gì. Nhưng người ta không ai dại mà đi tịch ký. Để vậy thì còn mong tôi trả nợ khi tôi khá giả, chứ tịch ký thì chia tay nhau khách nợ không khéo mỗi bác được một vài chục. Cũng như các ngài đây, nếu các ngài giểt chết tôi thì biết đâu các ngài không thiệt một nhà triệu phú với cái tủ sắt đầy bạc mà dăm năm nữa các ngài sẽ vui sướng thọc tay vào. Đừng nói giết tôi nữa, các ngài mà phá phách đồ đạc của tôi đi, tôi còn lấy gì mà phô trương để vay mượn làm giàu?
Tiếng cười của bọn cướp càng ròn. Lĩnh nói tiếp:
- Vậy tôi xin bàn với các ngài điều này: Nếu các ngài có tiền thì các ngài nên gây lấy vốn, bỏ ít nhiều vào cái tủ sắt của tôi để vài ba năm nữa đến mà lấy món tiền to gấp mấy chưa biết.
Tiếng cười đã trở nên ầm ĩ, kế đến hàng xóm thức giấc tưởng nhà Cả Lĩnh có khách sang đương yến tiệc lúc đêm khuya.
Chủ nhân tóm tắt một câu tổng luận:
- Đó cũng là một cách các ngài thả vỏ quít, ăn mắm ngấu, thưa các ngài.
Cái đồng hồ đeo tay
Thời ấy mùa rét năm nào tôi cũng được ông Cửu Thầy khề khà cất cái giọng có duyên kể cho nghe những câu chuyện cổ tích rất lý thú ở bên một chiếc khay đèn thuốc phiện cỏn con. Người ta đồn ông ấy mù ngay từ năm mười tám tuổi sau một khoa thi bị bay phúc hạch. Từ đó ông ta chuyên hẳn về nghề bói toán, nhờ trời cũng kiếm đủ ăn, đủ hút, đủ nuôi một gia đình ba vợ và sáu, bảy con. Vì hình như ông ta nổi tiếng lừng lẫy về tài bốc phê: cái hàm chánh cửu phẩm mà một ông khâm sai ban thưởng cho ông ta đủ chứng thực điều đó.
Tối hôm ấy cũng như mọi tối, tôi đã bảo người nhà mua sẵn sàng thuốc phiện để thết ông Cửu, vì chuyện Tiết Đinh San đánh nhau với Phàn Lê Huê đương gặp đoạn hay mà ông ta còn bỏ dở từ tối hôm trước.
Hút xong bốn năm điếu nghe chừng tâm thần đã khoan khoái, ông ngồi dậy bảo thằng con nằm tiêm thuốc:
- Bắc, coi đồng hồ xem mấy giờ rồi?
Tôi ngạc nhiên vì trong buồng không có đồng hồ.
Tôi càng ngạc nhiên khi thấy ông Cửu Thầy vén tay áo rộng lên: ở cổ tay ông có cái đồng hồ nhỏ nhắn, xinh xẻo, bằng bạc cũ nạm đầy những hạt kim cương lóng lánh như sao.
Tôi nghĩ thầm: "Lạ! Mù còn mang đồng hồ đeo tay làm gì? Để xem giờ? Thì sao không mua đồng hồ bỏ túi có rẻ tiền hơn không. Để trang sức? Còn làm đỏm với ai? Vả cái ống tay áo dài thườn thượt che khuất nửa bàn tay như thế kia còn ai trong thấy được đồng hồ. Hay là..."
Tôi trù trừ chưa dám nghĩ trọn cái ý bất nhã của tôi thì ông Cửu đã mỉm cười nói:
- Ý chừng trí cậu đương loay hoay về cái đồng hồ đeo tay của tôi?
Tôi kinh ngạc hỏi lại:
- Sao thầy biết?
Ông Cửu vẫn giữ cặp môi tươi với nụ cười bí mật:
- Tôi bấm độn.
Rồi thong thả ông tháo đồng hồ đưa cho tôi xem.
Trời ơi! Ở vỏ đồng hồ có khắc tên một thiếu nữ Pháp. Thôi đích rồi, chẳng phải ăn cắp thì cũng mua của ăn cắp.
Như ở cõi mộng đưa tới, giọng ông Cửu Thầy bình tĩnh khoan thai:
- Câu chuyện cái đồng hồ đeo tay này lý thú lắm, tôi đặt tên nó là "Chung biểu kỳ duyên".
Ghê chưa! Thầy bói có tình nhân chăng? Mà tình nhân lại là người Pháp? Lần thứ hai ông Cửu đoán trúng ý nghĩ của tôi:
- Tôi nói kỳ duyên là kỳ duyên của người khác kia, chứ không phải không phải kỳ duyên của tôi đâu. Xin cậu chớ tưởng lầm.
"Sáng hôm ấy, tôi nằm buồn thiu ở trong buồng. Bên ngoài trời mưa rả rích.
Bỗng nghe có tiếng một người Tây ở cửa buồng nói vào, vì cậu nên nhớ tôi không có cửa hàng, chỉ ở nhà riêng, ai biết tiếng đến xem thì tôi xem cho mà thôi. Người Tây ấy nói tiếng ta rất thạo, ông ta bảo sẽ đưa một cặp tình nhân đến nhà tôi xem bói, và ông ta muốn tôi bói cho một quẻ thật hay vì cặp tình nhân là bạn thân của ông ta mà ông ta muốn cho thành vợ thành chồng.
Điều đó cậu tính còn khó khăn gì cho tôi nữa, xưa nay tôi có một việc là bói toàn những quẻ tốt, quẻ hay, ít ra cũng tốt vừa. Tôi liền nhận lời và hỏi cặn kẽ về lai lịch hai người sắp đến.
Vào quãng năm giờ chiều, quả nhiên người ấy đưa đến nhà tôi một người đầm và một người Tây có tính vui vẻ nô đùa, cười cợt, mà tôi đoán chắc rằng không tin một ly về khoa bốc phệ.
Tôi chẳng lấy thế làm phật lòng, trịnh trọng gieo quẻ, một quả xin về hôn nhân, rồi dõng dạc nói:
- Cứ quẻ này thì bố mẹ người đàn ông phải ở xa lắm.
Người đầm - ý chừng là đầm lai, vì hiểu và nói sõi tiếng ta lắm - hỏi tôi:
- Xa tận đâu?
- Tận một nơi cách sông, cách núi là hai ba lần đại dương.
Cô ta phục lắm, dịch cho tình nhân nghe rồi lại hỏi:
- Còn cha mẹ tôi?
- Cha mẹ cô à? Lại ở xa hơn nhiều.
Cô kia mỉm cười:
- Xa tận đâu?
- Xa lắm không bao giờ có thể gặp mặt được...
Người Tây bạn đỡ lời:
- Ý chừng thầy nói thế giới bên kia?
- Ý thế.
Anh chàng tình nhân bằng lòng lắm, thưởng ngay cho một tấm giấy bạc năm đồng. Thôi bây giờ họ hoàn toàn tin phục tài mình rồi, thì mình tha hồ mà giở khoa tán ra, nào hợp tuổi, hợp duyên, hợp tính nết, hợp hết mọi thứ. Cô đầm mừng quýnh, hôn tình nhân chun chút, rồi cuống quýt, nắm lấy tay tôi mà cám ơn đi, cám ơn lại. Đoạn, cô ta cởi phắt cái đồng hồ đeo tay này ra tặng tôi..."
Ỏng Cửu Thầy ngừng một phút ngẫm nghĩ rồi có lẽ vì thói quen hay kết luận những chuyện cổ tích bằng một bài thơ, ông ta lên giọng ngâm nga:
Nếu chỉ nói mò mà được việc,
Tài thầy thực đáng thưởng đồng hồ.
Mãn đình hồng
Tính thông thường trong chỗ anh em bạn là cái tính "ghẹ" mà cũng có người gọi là "vọ" hay "chạc" hay gì nữa không biết. "Anh mua tất đấy à? Đẹp nhỉ! Tiện thể mua luôn hộ tôi một đôi rồi tôi trả lại tiền nhé". Tiền ấy bạn sẽ trả ta khi nào bạn trúng số lô độc đắc... "Ồ, anh có hai chậu sứ đẹp nhỉ. Để lại cho tôi một đôi nhé". Để lại đây chỉ có một nghĩa: xin khéo.
Đà sẽ làm một người bạn hoàn toàn, nếu không mắc phải cái tính khó chịu ấy.
Một hôm, Văn đi xe ở Yên Phụ về, ghé chơi Đà. Trên xe có bốn cây lá to. Đà đoán chắc là mãn đình hồng mà bạn mới mua ở Yên Phụ, nhưng còn vờ hỏi:
- Cây gì thế, anh?
Văn mỉm cười, đáp:
- Bí ngô đấy, anh ạ.
Đà nghĩ thầm: "Thằng này bẩn bụng thật, sợ mình xin mất chăng?" Liền nói:
- Ồ, thích nhỉ! Bí ngô à? Anh để lại cho tôi hai cây nhé?
- Để lại để liếc gì, có lấy thì lấy. Nhưng anh dùng bí ngô làm cái gì? Nhà anh có vườn rau đâu?
Đà cho là Văn tìm lời thoái thác càng soắn sít:
- Được, anh cứ cho tôi xin, không có vườn rau thì tôi trồng vào vườn cảnh.
Dứt lời, Đà gật gù cười để thầm tỏ với bạn: "Lừa sao nổi ta!" Văn cũng cười, mà cười có vẻ thích chí hơn.
- Thôi anh lấy làm gì, phí đi.
- Nếu anh tiếc thì thôi.
- Tôi đâu dám tiếc với anh. Vậy đây anh lấy thì lấy.
Hai người bắt tay từ biệt nhau. Đà vào khoe vợ:
- Này mợ, ra mà xem mãn đình hồng.
Vự chiều chồng, bỏ cái áo len đương đan dở đi ra, ghé gần lại nhìn, rồi kêu:
- Cậu nhặt ở đâu hai cây bí ngô này thế?
Chồng bĩu môi:
- Bí ngô nhà mợ đấy!
- Chẳng cây bí ngô thì là cây gì?
- Nhà quê! Mãn đình hồng! Hiểu chưa?
Đà thành thạo so sánh cây bí ngô và cây mãn đình hồng:
- Bí ngô lá to hơn, mép răn và có lông. Còn mãn đình hồng lá nhỏ hơn, gân trắng hơn. Rồi ít nữa nó nở hoa, mợ sẽ thấy. Cái cuống lên cao vút thẳng băng như thế này, hoa màu hồng mọc chiu chít chung quanh, đẹp lắm, đẹp lắm...! Chẳng đẹp mà lại là mãn đình hồng.
Đà vui thú thuật cho vợ biết rằng hai cây hoa quý ấy chàng vừa "phỗng" của Văn. Và chàng nói tiếp:
- Đáng lẽ tôi cũng không lấy, nhưng hắn ta lại định bit mắt mình mà nói dối là bí ngô.
Đà đắc chỉ cười khanh khách:
- Bí ngô! Bí ngô mà lại lên tận Yên Phụ mua về. Được! Bí ngô! Rồi khi nào nở hoa, mình mang lại biếu hắn một cành trêu tức chơi.
Đà đem trồng hai cây hoa vào đôi chậu lớn. Sáng nào, chiều nào anh cũng tự tay xách nước để tưới.
Dăm hôm sau, cây mọc mầm, Đà vội gọi vợ khoe:
- Đấv, mợ coi, cái mầm này một ngày một cao. Khi cao bằng ngần này thì nở hoa... Hoa mãn đình hồng đẹp lắm, đẹp hơn hoa hồng nhiều.
Vợ có tính tò mò, mỗi ngày hai, ha lần ra thăm mãn đình hồng xem mầm đã cao bằng ngần nào. Một hôm hỏi chồng:
- Cái mầm mãn đình hồng bao giờ nó mới đứng dựng thẳng lên?
Chồng cười:
- Rõ dở hơi! Bao giờ nó chẳng đứng dựng thẳng.
- Nói lạ!
Sự thực, cái mầm mãn đình hồng đã bò xuống đất được hơn một gang. Mà nhìn kỹ thì hình như nó không phải là mầm mãn đình hồng.
Nhưng Đà còn nghi hoặc, còn chờ đợi, chờ đợi cho mãi đến khi nở một bông hoa màu vàng... hoa bí ngô.
Tức tối, anh nhổ phăng hai cây khốn nạn lên, đem nhét vào bếp đương cháy...
Văn đến chơi Đà, thấy hai cây bí đã bị nhổ, chỉ cười thầm, không đả động gì tới chuyện bạn mắc lỡm. Nhưng vài hôm sau lên Yên Phụ mua biếu Đà mãn đình hồng, mãn đình hồng thực. Đà cười khinh bỉ:
- Cám ơn anh, anh mang về mà ăn.
Chẳng giận dỗi, Văn đem về trồng vào chậu, đặt ngay trước cửa phòng khách, khiến mỗi lần Đà đến chơi lại trông thấy hai cây lớn dần cho tới khi nở hoa...
Một buổi chiều tôi đến xem đài kỷ niệm chiến thắng. Tôi trèo lên đứng ngay bên cạnh chàng nông phu với con trâu của chàng. Bỗng tôi nhận thấy mắt tôi lờ đờ mất tinh thần, chân tay tôi nặng chĩu, ngực tôi, bụng tôi rắn lại.
Tôi hết sức bình tĩnh nhảy bổ xuống đất, dụi mãi mắt, vỗ mãi ngực, nắn mãi chân tay, mất đến nửa giờ mới lại được như cũ.
Rồi tôi đi vòng quanh đài kỷ niệm đến mấy mươi lần, đăm đăm suy nghĩ về cái hiện tượng kỳ dị ấy...
Tôi chợt hiểu.
Thì ra, anh ạ, đài kỷ niệm chỉ có tượng nông, công, thương, thiếu hẳn tượng sĩ, và tôi suýt hóa sĩ... đá, để cho đủ bộ tứ dân đứng hưởng hạnh phúc dưới bóng hòa bình của chiến tranh.
Bạn tôi nghe tôi kể đến đây, cười phá lên, và đáp lại:
- Anh chỉ cuống cuồng lo sự hão! Giá anh có gan cứ đứng ì đấy, thì cho dẫu có hóa đá một lát, rồi cũng đến trở lại thành người thịt mà thôi...
Vì... anh không phải là sĩ.
Liều thuốc tây
Người lính
Ông thầy thuốc già nhà binh
Thầy thuốc
- Anh bệnh gì?
Lính
- Bẩm, con sốt rét.
Thầy thuốc
- Khốn nạn! Con sốt rét à?
Lính (vẻ đauđớn)
- Vâng con sốt rét...
Thầy thuốc
- Con thè lưỡi xem nào! Ồ trắng lắm. Con đưa tay xem nào! Chết chửa!...
Thầy thuốc nghe ngực, nghe lưng.
- Con sốt rét thực ư? Vậy có nặng không?
Lính (nũng nịu)
- Bẩm nặng lắm.
Thầy thuốc (vẻ mặt thương hại)
- Khốn nạn! Thế con có muốn ăn gà mái non không?
Lính - Bẩm có.
Thầy thuốc (hăm hăm mặt đỏ bừng)
- Gà mái non à? Mười ngày phạt về tội giả ốm. Khán hộ! Cho nó một liều thuốc tây.
Cáo ốm
Một ông thừa vì một lẽ riêng cáo ốm đến nằm ở nhà thương Bảo hộ. Ông ta khoe sự khôn khéo của ông ta với những người ốm nằm cùng phòng:
- Tôi có bệnh tật gì đâu. Cáo ốm ít lâu để xin chuồn cái huyện khổ tôi đương làm việc. Nằm khểnh một tháng ăn chơi cho béo...
Sáng hôm sau thầy thuốc đến khám, ông thừa chưa kịp nghĩ ra một bệnh gì, nói liều rằng mình đau đủ cả ngũ tạng.
Thấy ông ta gầy yếu, xanh xao, thầy thuốc nghĩ ngay đến bệnh lao, liền bảo khán hộ biên tên để đưa đờm và mau đi thử.
Ông thừa hỉ hửng. Không có bệnh thì thử sao ra bệnh! Nhưng ông ta lại lo, nếu không có bệnh thì người ta sẽ mời mình đi mất.
Hôm sau, vừa gặp người khán hộ, ông ta vội hỏi:
- Thế nào, ông?
- A, ông ấy à? Tên ông là gì nhỉ?
- Nguyễn Khắc.
- Nguyễn Khắc... số...
Người khán hộ tra sổ, rồi nói:
- Trong máu ông có vi trùng tim la.
Ông thừa giật nẩy mình hỏi lại:
- Có nặng không?
- Cũng khá thôi. Nhưng việc quái gì, tiêm vài phát thuốc là khỏi.
Ông thừa sung sướng. Bệnh không nặng mà lại có cớ nằm nghỉ nhà thương.
- Nhưng còn đờm?
- Chưa thử.
Hôm sau nữa, người khán hộ lại mở sổ ra xem, rồi bảo cho ông thừa biết rằng đờm ông ta có vi trùng lao.
Thế là cơn ho của ông thừa kéo lên ầm ầm và chẳng bao lâu ông ta chết.
Nhưng ông ta đi thoát hẳn được cái huyện mà ông không ưa.
Ăn miếng trả miếng
Mấy người đi làm về, giữa đường gặp mưa chạy vào ẩn trong một nhà hàng phố: nhà ông thầy bói. Trên ghế ngựa, sau bức mành bên cái cháp sơn đen, thầy bói ngửa mặt như nhìn ra đường. Một nụ cười bất tuyệt hé cặp môi tươi của thầy tưởng thầy đương vui thú điều gì. Hay thầy gặp ai trong giấc mộng liên miên!
Bỗng nụ cười trên môi thầy biến mất. Thầy lắng hết tinh thần nghe những câu bàn tán léo nhéo của mấy người trú mưa, nhất là những câu bàn tán ấy lại liên can đến thầy và nghề bói toán của thầy. Một người nói:
- Đã mù thì còn biết sao việc của kẻ khác.
Một người khác trả lời:
- Bói liều chứ có nhìn đâu mà cần phải mắt sáng.
Người thứ ba kể một câu chuyện để chứng thực rằng bọn thầy bói toàn nói dựa. Rồi ba người thi nhau ôn lại những chuyện cổ tích, hay khôi hài để riễu cái nghề nhắm mắt nói mò. Cố nhiên là họ không nói bỏ sót trong ký ức mấy câu lục bát bông lơn:
Số cô có mẹ, có cha.
Mẹ là đàn bà, cha cô đàn ông...
Họ thích chí cất tiếng cười vang, khiến thầy bói chau mày căm tức. Vì tuy trời mưa rào và câu chuyện nói không to, nhưng người mù vẫn thính tai, nên nghe rõ mồn một.
Bọn kia cười chán rồi bảo nhau xem một quẻ đùa chơi. Thầy bói biết ý lẩm bẩm "Được rồi! Tao sẽ cho chúng mày một bài học khôn".
Ba người đến gần giường thầy bói ngồi. Một người cố lấy giọng lễ phép nói:
- Thưa thầy, chúng tôi muốn xem một quẻ bản mệnh, cầu tài, gia sự, tật bệnh. Vậy thầy lấy bao nhiêu tiền?
Thầy bói mỉm một nụ cười ý nhị đáp lại:
- Cái đó tùy! Như các quan lớn thì tôi lấy một, hai đồng cũng nên. Nhưng thầy là người đi làm việc ở một sở buôn thì tôi chỉ xin thầy một hào; không hay trả lại liền. Còn hay mà thưởng thêm thì tùy.
Người kia nghe chừng hơi cáu hỏi vặn:
- Sao thầy biết tôi làm việc ở sở buôn?
Thầy cười tự đắc:
- Nghe tiếng nói đủ biết chứ!
Người đặt quẻ khai tên tuổi.
Thầy bói khấn khứa gieo mấy đồng trinh trong cái đĩa lá trúc, sờ soạng xem sấp ngửa rồi nói những câu... những câu trái ngược hẳn với lời tán tụng. Hình như bao nhiêu những quẻ xấu của thầy, thầy đem ra trút cả lên đầu người xem từ cung bản mệnh cho đến cung tật bệnh, nào những số này thì ngày sau đi ăn mày, nào những sẽ bị ốm nặng, vợ sẽ chết, con sẽ chết...
Hai người đã toan tát cho thầy bói mấy cái nhưng người thứ ba ngăn lại thì thầm bảo: "Cứ mặc cho nó nói sướng mồm". Người ấy lại đế thêm: "Vâng, chịu thầy, thầy nói rất đúng".
Xem xong quẻ, người ấy bảo thầy bói:
- Thầy nổi tiếng quẻ đích đáng. Cái quẻ thầy vừa xem cho tôi hay lắm, hợp với số tử vi của tôi lắm. Trông bộ thầy thông minh thế kia không trách được. Thưa thầy, bói thì tôi không biết, nhưng tướng số thì nhờ trời tôi cũng khá. Thầy có muốn tôi xem cho thầy không?
Thầy bối đoán chừng anh chàng muốn sỏ lại mình đây, nhưng ăn miếng trả miếng cần gì; mình từ chối có lẽ không quân tử. Liền bằng lòng.
Người kia xem trán, xem tay, xem tai thầy bói rất cẩn thận, rồi cất giọng thông thái nói:
- Trán cao: thông minh lắm. Tay trái có thắp bút: khoa bảng. Ngón tay út dài quá hai đốt rưỡi ngón tay đeo nhẫn: tài hoa. Chỉ tiếc trời xanh ghen ghét kẻ có tài, chứ nếu thầy không mù thì đã trạng nguyên, bảng nhãn rồi, hay ít ra cũng làm đến đường quan chứ chẳng chơi...
Lòng tự phụ của thầy bói ngùn ngụt bốc lên. Thầy hối hận, hối hận quá về cái quẻ bói ác nghiệt của thầy. Ngập ngừng, thầy nói:
- Tôi xem ra ông học rộng và thông minh lắm: biết xem cả tướng số. Trong nghề bốc phệ chúng tôi có khi hấp tấp cũng nhầm, vậy ông để tôi xem lại.
Tức thì thầy bói trịnh trọng gieo tiền, rồi thầy thốt ra một quẻ... một quẻ trái ngược hẳn với quẻ trước. Hình như bao nhiêu những điều hay nhất, thầy dồn cả ra để tạ lại tấm ơn tri ngộ của khách hàng.
Thầy còn nói, còn nói khá nhiều, nếu ba dịp cười không làm lấp tiếng thầy. Và tức thì ông thầy tướng tạm thời để cho lòng căm tức của mình bùng lên, lòng căm tức đã cố nén trong nửa giờ đồng hồ.
- Này thầy bói! Tôi không biết tướng số gì đâu. Chẳng qua tôi phỉnh thầy mấy câu hão huyền đó mà thôi. Chứ thầy là một thằng mù sống về nghề nói láo, thì còn làm nên vương tướng gì.
Dứt lời, ba người vừa cười vừa đi ra.
Tiệc tranh
Lãn Sinh, phóng viên đặc biệt báo Mỹ Thuật Thanh Thanh, còn nhớ và sẽ nhớ mãi buổi khánh thành phòng triển lãm của hội họa Nguyễn Quân.
Hôm ấy, con mắt sành mỹ thuật và ngọn bút không thiên tư của phóng viên đã làm việc lung lắm, và đã thêu nên một bài phẩm bình nồng nàn như sâm banh, ngọt ngào như chiếc bánh đường, mặn mà như chiếc bánh mì kẹp thịt ướp muối, dịu dàng thom tho như chén trà mạn ướp sen.
Là vì lúc Lãn Sinh ngồi bóp trán nắn ra những lời cẩm tú để đăng báo tán dương, thì men rượu, mùi bánh, hương trà, vừa được họa sĩ thết hãy còn man mác trong tâm hồn, phảng phất trong hơi thở, sôi nổi trong dạ dầy... Than ôi! Ngờ đâu ngũ vị lại có liên lạc mật thiết với mỹ thuật và văn chương đến như thế? Không trách thi sĩ Tản Đà ví văn chương giỏi với chả chim, với mâm gỏi, thực đã chí lý lắm vậy.
Hôm nay, hồi tưởng đến bữa tiệc xem tranh Lãn Sinh ngồi mỉm cười ngẫm nghĩ: "Giá các nhà hội họa cứ thi nhau mở phòng triển lãm thì cũng hay hay. Mà nếu các nhà văn lại thi nhau mở hàng triển lãm văn thì càng hay lắm. Như thế, mình sẽ có nhiều dịp biểu lộ cái tài phê bình của mình ra".
Giữa lúc ấy, Tô Giang, bạn chàng, đến vỗ vào vai mà bảo rằng:
- Mời anh chiều nay bảy giờ rưỡi đến xem tranh nhé!
Lãn Sinh giật mình hỏi lại:
- Xem tranh?
- Vâng, xem tranh.
- Anh mở phòng triển lãm?
Tô Giang nhún nhường:
- Anh nói to tát quá!... Nghĩa là tôi bày ít tác phẩm ở phòng vẽ riêng của tôi, mời anh em bạn đến xem mà dạy cho biết những chỗ vẽ còn vụng.
Lãn Sinh cười:
- Anh cũng nói to tát! Chúng tôi dạy sao nổi anh. Vậy anh mời có đông không?
- Chỗ anh em quen biết cả, và mấy nhà báo, tất cả độ bốn chục người trở lại thôi.
Lãn Sinh mỉm cười có ý nhị:
- Vâng, thế nào chiều nay tôi cũng xin đến.
Nhưng chợt nghĩ: "Ta phải hỏi cho biết chắc chắn bữa tiệc tranh có những thực phẩm gì để xem nên ăn cơm trước rồi hãy đến". Chàng liền nói đắn đo:
- Anh mở phòng triển lãm như thế chắc cũng tốn phí nhiều lắm đấy nhỉ?
- Chẳng tốn mấy! Chỉ có tiền đóng khung và sơn tường là đáng kể. Nhưng cũng chẳng là bao.
Lãn Sinh hơi chột dạ:
- Xem tranh, thế có thấy tranh sâm banh không?
- Có, sao anh biết?
Lãn Sinh vui vẻ, khôi hài:
- Tranh sâm banh thì thực tuyệt, chẳng còn tranh mầu mỡ, nồng nàn bằng? Hẳn có cả tranh hoa quả, tranh nước chè!
- Có cả thực. Quái, tôi giấu kín không cho ai hay, thế mà sao anh tò mò biết trước được. Lạ thực!
Chủ trân trọng tiễn khách ra tận cổng rồi quay vào dặn vợ:
- Chiều nay tôi không ăn cơm nhà.
Vợ cau có đáp:
- Lại đã tiệc tùng gì thế?
- Tiệc tranh.
- Tiệc xem tranh? Hay mình nói dối để đi hát đấy?
Lãn Sinh gắt:
- Chỉ nói bậy! Người ta đi về việc nhà báo!
Bảy giờ mười lăm phút, Lãn Sinh đã có mặt tại nhà riêng của Tô Giang. Họa sĩ mời chàng ngồi chơi ở phòng khách. Hồi mỗi lần có người đến lại một lần chủ nhân giới thiệu đôi bên.
Lãn Sinh đưa mắt nhìn quanh phòng: tranh chẳng có mà tiệc cũng không. Chỉ thấy mời sơi nước chè với hút thuốc lá hoài.
Một người hỏi chủ nhân:
- Tác phẩm của họa sư trưng ở đâu? Cho chúng tôi xem nào.
- Thưa, ở trên gác.
Lãn Sinh nghĩ thầm "À, ra tiệc bày trên gác".
Nhưng khi lên gác xem tranh cũng chẳng thấy bóng cái bàn dài phủ trắng trên bày những chai rượu lớn và những cốc pha lê trong. Lãn Sinh lại nghĩ thầm: "Chắc ở bên buồng ăn".
Đồng hồ treo đánh chín giờ. Tiếng chuông trong trẻo ngân nga như hát. Song mỗi tiếng là một nhát vồ nện vào dạ dày của Lãn Sinh chứa đầy nước chè và khói thuốc lá.
Lãn Sinh đứng dậy cáo từ, nhưng Tô Giang khẩn khoản cố giữ. Vả anh em chuyện trò đương vui mà một mình vội về cũng không tiện, đành phải gượng cười và giấu những cái ngáp dài, rán ngồi lại với cái bụng rỗng không, thầm kêu đói. Oán tức Tô Giang đã lừa dối mình nói dối mình nói có sâm banh, bánh ngọt, đủ thứ, mà kỳ thực, chẳng có gì, chàng thề độc với chàng rằng sẽ "phết" cho một bài phê bình nên thân làm cho họa sĩ "tiêu hết sự nghiệp".
Bỗng một người hỏi chủ nhân:
- Thưa ngài, mấy bức tranh tĩnh vật đã ai nhận mua chưa?
- Thưa chưa.
- Vậy tôi xin ngài để cho tôi một bức.
Tô Giang vui vẻ:
- Thưa ngài muốn lấy bức nào? Bức vẽ hoa quả hay bức vẽ chai sâm banh và mấy cốc pha lê, hay là bức vẽ đĩa bánh ngọt?
Lãn Sinh vụt hiểu:
"À ra thế! À, ra ‘bức tranh sâm banh’ thực!"
Bảng công ty
Tập và Luyến đến chơi người bạn làm thầy thuốc. Thấy trong phòng khách có ba người đương ngồi đợi, vì chủ nhà đi vắng, hai chàng toan quay về thì vừa gặp vợ bạn ra khẩn khoản mời mọc, nói chồng mình đi thăm bệnh nhân sắp về. Chẳng đừng được, hai người đành phải ở lại tiếp chuyện ba ông khách ốm hộ bạn. Nhờ trời, hai ngài cũng lắm chuyện, mà chuyện nói lại có duyên, nên thính giả rất chú ý lắng tai nghe. Được thể, một ngài - hình như Tập - càng nói, nói tràn, nói nữa, nói mãi, nói nhiều đến nỗi Luyến phải đưa mắt mỉm cười, rồi ngắt lời, hỏi:
- Bảng công ty đấy chứ?
Cố nhiên ai nấy hỏi lại "Bảng công ty nghĩa là gì?" thì người nói chuyện có duyên kia cũng sẵn lòng giảng cho vỡ nghĩa. Chàng hắng giặng lấy giọng rồi kể rằng:
- Bảng chỉ là tên ông chủ một cửa hiệu bán sơn và tranh ảnh, nhưng chữ Bảng đã trở nên đồng nghĩa với chữ "nói tài"...
Luyến ngắt lời:
- Thì cứ nói thẳng là nói khoác có được không?
- Khô... ông! Nói điêu chứ! Vâng cứ câu chuyện tôi sắp thuật đây, thì ở đời cũng ít khi gặp được một người nói điêu có tài như ông Bảng đó.
"Một hôm Phiệt qua hiệu Bảng thấy bày ở tủ kính bức tranh rất đẹp mà Tân Tử đã vẽ tặng mình tháng trước. Anh nghĩ thầm: ‘Quái! Tân Tử gửi bán tranh ở đây chăng? Mà sao bán một bức thứ hai giống hệt bức tranh thứ nhất đã vẽ cho mình?’
Nhưng nhìn kỹ đó chỉ là những nét bút vụng dại của một anh thợ vẽ tầm thường. Phiệt bỗng chợt nghĩ ra. Hai tuần lễ trước anh có đem bức tranh của anh lại hiệu Bảng thuê lồng kính. Thì ra bác chủ hiệu thấy tranh đẹp, mà lại là tác phẩm của một dạnh họa, liền xoáy luôn, - xoáy nghĩa là vẽ lại một bức khác y như hệt bức kia, y như hệt cả cái tên ký Tân Tử.
Đùng đùng nổi giận, Phiệt tiến vào hàng, cố lấy giọng dịu dàng hỏi mua bức tranh giả hiệu. Nhưng anh vẫn không có được vẻ mặt dịu dàng, nhất anh lại luôn mồm nói làu nhàu.
Thấy biến và chừng nhận được mặt chủ nhân bức tranh đưa lồng kính, Bảng đã bỏ tiền - giá tiền bức tranh - vào ví, lại vội lảng vào trong nhà. Mấy phút sau hắn ra. Theo ra hai người lực lưỡng. Giữa lúc ấy, Phiệt không giữ được bình tĩnh nữa, buột miệng nói lớn: ‘Rồi mày sẽ biết tay tao!’
‘Biết tay ngài lắm’. Đó là câu trả lời của Bảng. Tức thì hai người lực lưỡng giữ ghì lấy tay Phiệt - Biết tay thực! Trong khi ấy Bảng ấn bừa hai đồng bạc vào túi anh, rồi đập tan xé nát bức tranh ra... cho mất tích.
Xong xuôi, hắn ta hô buông Phiệt ra rồi dõng dạc nói: ‘À, anh đến đập phá hiệu tôi có phải không?’
Đã toan nói điện thoại gọi cẩm, nhưng hắn lại thôi, bảo người nhà quét dọn sạch sẽ và lấy bức tranh khác đặt vào chỗ bức cũ, coi như đã không xảy ra một việc cỏn con gì hết.
Còn Phiệt thì chạy tuốt đi gọi ba người bạn đến giúp sức, rồi đứng ngoài đường cởi áo ngoài ra, vén tay áo sơ-mi lên, mà thách ra rằng:
- Mày có giỏi ra đây.
Bảng cũng chẳng vừa, cũng cởi áo ngoài ra, vén tay áo sơ-mi lên mà thách lại:
- Mày có giỏi vào đây.
Thế là người ở ngoài nói vào, người ở trong nói ra đến gần nửa giờ, nhưng chẳng ai dám ra, mà cũng chẳng ai dám vào. Mãi khi thấy Bảng gọi điện thoại, Phiệt mới cùng bạn bè chuồn nhẹ lên sở cẩm kiện Bảng.
Trước mặt ông cẩm, Bảng khai trắng trợn rằng: Phiệt đến nhờ hắn vẽ một bức tranh, nhưng hắn không vẽ, nên lôi thôi với hắn.
Không bằng cớ, sở cẩm xử hòa, và mời hai ngài nên đem việc hai ngài ra tòa án.
Ra đường, lúc chỉ còn hai người đứng trước mặt nhau, Phiệt xừng xộ hỏi Bảng:
- Tôi nhờ anh vẽ tranh bao giờ?
Bảng cũng xừng xộ trả lời lại:
- Anh chẳng nhờ tôi vẽ tranh là gì, bây giờ lại còn chối.
Phiệt thấy kẻ tình địch của mình, lúc không cần nói điêu nữa mà vẫn cứ nói điêu thì không thể nhịn cười được. Từ đó, hễ gặp ai nói điêu hay nói khoác, hay nói bịa, anh đều liệt vào hạng ‘Bảng công ty’ cả".
Tập ngừng kể, ai nấy cười vang. Một người vui vẻ hỏi:
- Vậy ngài có biết mặt Bảng không?
- Ấy, tôi chính là một người trong ba người bạn đến giúp sức cho Phiệt. Tôi trông rõ mặt hắn ta lắm. Thằng cha khá quá, mặt cứ toen hoẻn, mà cái mồm nó thì không ai theo kịp.
Giữa lúc đó, ông thầy thuốc về, giơ tay bắt tay mọi người và giới thiệu ba ông khách với hai bạn:
- Ông Bảng, chủ hiệu bán sơn và tranh ở phố Tràng Tiền.
Bảng lễ phép ngả đầu láu lĩnh đỡ lời chủ nhân:
- Thưa... Bảng công ty ạ.
Phá cỗ
Thời ấy, con gái Hà thành còn đua nhau bày cỗ để khoe cái tay khéo nặn con giống, khéo gọt tỉa các thứ hoa bằng thu đủ. Nhất là những cô gái đến tuổi có cặp má dễ ửng đỏ trước đôi làn dương điện thì lại càng cần khoe lắm.
Ngày nay ta tự do hơn, trai gái thường được gặp nhau trò chuyện thì sự đo đắn cân nhắc trí thức của nhau có khó gì. Nhưng mười lăm, mười sáu năm về trước, các tiểu thư còn thẹn thò trong chốn phòng khuê, các công tử còn phải nhờ đến đến tay mụ mối để "dắp dành bắn sẻ" thì một bàn cỗ lộng lẫy hôm rằm tháng Tám gần như đứng ra giới thiệu cho hai bên.
Người con gái bày cỗ sẽ đem óc thông minh, tài mỹ thuật ra bài trí, người con trai sẽ ngắm cỗ bày mà đoán được trí tuệ của người kia đến bực nào. Ấy là chưa kể đôi bên còn được tự do (tự do trong hai đêm thôi, mười tư và rằm) trao đổi một vài ý kiến, một vài tư tưởng, ở trước mặt cha mẹ người con gái.
Năm ấy chúng tôi một bọn đương tuổi vui đùa, nghịch ngợm, tối hôm rằm tháng Tám rủ nhau đi phá cỗ. Xin nói ngay để những ai chưa từng nếm cái diễm phúc đi phá cỗ hiểu cho rằng đó không phải là thủ đoạn của bọn côn đồ vác gậy gộc đi phá phách, nhưng là cử chỉ rất tao nhã của bọn văn nhân, thi sĩ nhờ về tài biện luận (nói tán tỉnh cũng không sai nghĩa lắm) mà được hưởng cỗ của các cô trước khi có cái hy vọng chiếm trái tim các cô. Nói thế không phải là cổt để khoe rẳng chúng tôi là văn sĩ hay thi sĩ. Thực ra, chúng tôi chỉ là lũ học sinh "lém luốc".
Nghe tiếng ở phố T..., nhà ông N..., một nhà giàu ngốt, có gái kén chồng, làm cỗ to ghê gớm (tôi nói cỗ đẹp), chúng tôi liền kéo nhau đến.
Quả lời đồn không sai. Nhà ông lang, một nếp nhà cao rộng đã biến thành một động... một động viên. Bao nhiêu các vị thuốc xấu xí nhường chỗ cho hàng trăm bông hoa đua nở trong hàng chục ngọn đèn điện.
Cố nhiên là chúng tôi khen. Trong bọn chúng tôi có anh Hướng, con nhà văn chương, khéo tìm được những câu cẩm tú để làm cho lời khen của anh thêm đậm đà, thêm có duyên. Cảm động, ông chủ cùng cô con gái ông mời chúng tôi phá cỗ, nghĩa là ông mời chúng tôi uống chè mạn sen và xơi bánh ngọt, xơi kẹo mứt chính tay "cháu" đã làm (hay mua ở phố hàng Đường thì cũng thế).
Giá tôi cứ lặng yên mà nuốt cho trôi cỗ thì cũng xong. Nhưng tôi lại muốn đền ơn cô em bằng những câu ca tụng không đâu khiến Hướng luôn luôn phải đưa mắt bảo tôi im đi.
Một lần tôi vừa nhai kẹo sìu vừa trỏ một chậu hồng mà khen rằng: "Chậu hồng này, cô làm khéo quá!" Cô kia đỏ ửng má lên mà nguýt dài tôi một cái, vì cho là tôi nói lỡm. Anh Hưởng hiểu ngay rằng tôi lầm lỡ trông chậu hồng thực hóa giả, liền chữa thẹn cho tôi:
- Thế mới biết cô có đại tài, bày hoa hư hư thực thực như Gia Cát Lượng dàn thế trận trong đời Tam Quốc.
Cô ả và ông bố phổng mũi, cười. Từ đó, cô ta đem lòng yêu thầm anh Hưởng và ghét tôi một cách độc địa. Dù tôi pha trò có duyên đến đâu, cô cũng giữ vẻ mặt nghiêm trang, còn anh Hướng chưa nói, cô đã chúm chím cặp môi son và lắng tai nghe rất là âu yếm, đến nỗi tôi sinh cáu và cố tìm dịp báo thù Hướng. Dịp ấy tôi tìm thấy, than ôi, lúc đã từ biệt ông lang và đã ra đến ngoài phố. Tôi bảo Hướng rằng:
- Cách bày cỗ của nhà ông lão lang và cô ả quả có vẻ thực thực hư hư như lời anh khen. Những hoa hồng giả làm khéo đến nỗi tôi tưởng là hoa thực. Nhưng là một đóa hoa giả, gọt khéo nhất thì anh quên nên không khen: đóa hoa ấy là cô con gái với bộ mặt bự phấn của cô ta. Thiết tưởng phải là hạng người ngu ngốc lắm mới tán tỉnh được, người thục nữ ấy.
Nói xong, tôi sung sướng hả cơn giận.
Rõ trẻ con: Mà trẻ con thực.
Trong kỳ thi sơ học yếu lược
GIỎI
Thầy giáo - Anh hãy tìm những chữ đồng nghĩa với chữ giỏi.
Cậu học trò nhỏ (mười một tuổi) - Thưa thầy tài.
Thầy giáo - Tài được, gì nữa?
Cậu học trò (ngẫm nghĩ) - Thưa thầy, khéo.
Thầy giáo - Khéo. Được lắm. Nhưng gì nữa?
Cậu học trò (chau mày răng hàm trên cắn lên môi dưới, mắt nhìn cái bút chì ở tay thầy giáo) - Thưa thầy thưa thầy... tài.
Thầy giáo - Phải tài, nhưng anh đã nói rồi. Một người tài giỏi là một người... một người gì?
Cậu học trò - Một người... một người cừ.
Thày giáo - Hừ, hừ! Cừ là tiếng thổ ngữ ta nên tránh. (giọng tự phụ) Chữ cừ chính nó ở một chữ nho mà ra và thường đi đôi với một chữ nho nữa (thầy nghĩ đến chữ "cự phách"). Vậy giỏi nghĩa là... nghĩa là...
Học trò - Tài.
Thầy giáo - Anh nói mãi chữ tài.
Học trò - Gân.
Thầy giáo - Lại dùng thổ ngữ rồi!
Học trò, ngơ ngác chẳng hiểu thổ ngữ nghĩa là gì...
Thầy giáo - Vậy anh chỉ biết có thế thôi ư?
Học trò, sợ bị "nốt" xấu, nói vội - Bợm mà.
Thầy giáo (mỉm cười) - Gì nữa?... Những tiếng đi đôi, nghĩa là có hai chữ ghép lại nhau.
Học trò - Khéo léo, gân guốc, xừng kền.
Thầy giáo (vừa cho điểm, vừa nói) Hừ! Chỉ có mấy chữ cự phách, lạc lỗi, siêu quần, bạt chúng bạt tụy, có thế mà không biết!
BƯU CHÍNH
Cô giáo (trẻ tuổi) - Nhà bưu chính là nhà gì?
Thí sinh (mười tuổi, giọng quả quyết) - Thưa cô, nhà bưu chính là nhà đẻ.
Cô giáo (mỉm cười) - Sao em lại biết là nhà đẻ?...
Thí sinh, vẫn giọng quả quyết - Thưa bưu nghĩa là bừu.
Cô giáo (nghe ngộ nghĩnh, hay hay) - Nhưng bừu sao lại đẻ?
Thí sinh, tưảng mình nói trúng rồi - Thưa cô, vì bừu nghĩa là "phình" ra, có bừu ra nghĩa là có chửa có nghén.
TRUYỆN CON KHẸC
Cô giáo (vẫn cô giáo trên) - Em hãy giảng nghĩa chữ liu điu.
Những người lớn đứng xem ở ngoài cửa sổ, ngay gần chỗ dự thi, bảo nhau: Hỏi gì lại hỏi khó thế! Đừng nói thẳng bé mười một mười hai tuổi nữa, ngay chúng mình cũng chẳng biết cái con khẹc là gì. (tiếng con khẹc đọc hơi to).
Thí sinh (tưởng có người nhắc) - Thưa cô liu điu là con khẹc ạ!
Cô giáo đỏ mặt ngượng với những người đứng xem cho bảy điểm thật rõ ràng, để ai ai cũng trông thấy - Thôi được!
Có lẽ cậu học trò nhỏ từ đấy yên trí rằng liu điu là con khẹc.
Trăng suông
Hôm ấy tôi đến thăm một người bạn cũ ở một làng nhỏ, làng Đoan Hạ thuộc huyện Thanh Thủy, tỉnh Hưng Hóa. Dân cư chỉ có bề dài chạy theo nẻo tả ngạn sông Đà. Bên kia sông Đà. Bên kia sông và xế về phía Đông nam núi Ba Vì đứng sững, đồ xộ, nguy nga.
Lúc bấy giờ đã gần tối. Mặt trời vừa lặn khuất ngọn Lưỡi Hai, bóng nằm dài, bắc qua sông. Tôi đi ven dòng nước, chỉ chực trượt chân vì trời nhá nhem mà bờ sông, đất phù sa, vừa cao vừa lở nhiều chỗ.
Đến cổng nhà bạn, một cái cổng tre xinh xắn, trông ngay ra sông, tôi lên tiếng thì một thằng bé con khoảng mười hai tuổi con vận tang phục chạy ra nói cha nó sang bên làng Hoàng Xa tử sáng và có lẽ hôm sau mới về.
Tôi buồn rầu, thất vọng, đứng ngẫm nghĩ, thì thằng bé, vẻ mặt thông minh, linh lợi, bàn với tôi một câu:
- Hay mời ông nghỉ lại nhà con một tối, mai thế nào thầy con cũng về.
Tôi hỏi:
- Bà Nhất có nhà không, em?
Nó ngơ ngác nhìn tôi rồi đáp:
- Mẹ con mất năm ngoái.
Tôi nhớ đến tang phục của nó.
Thằng bé đưa tôi lên nhà trên, rót nước mời tôi uống. Tôi mở va-li lấy tiền nhờ nó đi mua dùm vài cái bánh chưng ăn cho đỡ đói...
Mới vào khoảng chín, mười giờ làng xóm đã im phăng phắc. Thằng bé, con bạn tôi, cũng đã xuống nhà ngang ngủ từ lâu, một mình tôi ngồi đối ngọn đèn dầu tù mù xem sách.
Lúc mới đến, tôi đã để ý tới cái tủ sách sơn quang dầu của bạn đặt trên bàn thờ người vợ bày ở gian giữa. Tôi kéo cánh tủ lên thì mấy ngăn xếp chặt ních những sách cũ, đã bị mọt đục, dán nhấm nhiều chỗ; nào Đường thi, cổ văn, Tam quốc, Bắc sử, lại cả sách thuốc nữa.
Tôi toan đóng cửa tủ lại thì một con "ba đuôi" lớn chạy ẩn vào trong một quyển sách bìa đã nhàu, và bốn góc như bị dao cùn xén nham nhở. Tôi liền rút quyển sách ấy ra để giết chết loài rắn hại kia mà tôi vẫn ghét và sách của tôi ở nhà bị lũ đồng chủng của nó nhấm nát.
Rồi tôi tò mò mở sách ra xem thì đó là một bộ "Liễu trai chí dị" mười sáu quyền đóng làm một.
Hết một chuyện lại một chuyện, tôi đọc không biết chán, tuy chữ nhỏ khó xem và đèn tù mù. Tôi mê mải sống với bọn đạo sĩ, yêu tinh trong chuyện, hưởng những cuộc tình duyên mơ mộng, giữa những cảnh thần tiên êm đềm...
Tiếng gà gáy nửa đêm làm tôi giật mình, gập sách lại, tắt đèn toan đi ngủ. Nhưng lòng còn bâng khuâng nhớ cô Lý, cô Liên trong vườn Liễu, tai tôi còn vang dịp cười ròn rã của cô Ninh bên khóm bạch đào trổ bông tươi tốt. Thành thử tôi băn khoăn không sao yên giấc được.
Tôi liền chỗi dậy chống cái phên che cửa sổ chấn song tre, và ngồi đó nhìn ra sông. Trăng tròn có tán đã lên quá đỉnh đầu, và chiếu xuống trần gian một làn ánh sáng như có như không. Một làn sương mù chạy dài phủ khắp mặt nước như tấm lụa trắng hung bất tuyệt. Tiếng lá lau cọ vào nhau nghe lạt xạt. Bên kia sông, chòm núi Ba Vì nổi lềnh bềnh trên mây, ba ngọn nhọn hoắt và như bạt theo chiều gió.
Ngắm cảnh trăng suông, tôi mơ màng tưởng còn đương sống với những chuyện vừa đọc và tôi yên trí rằng không thể nào lại không có những cô yêu tinh diễm lệ chờ đợi, hẹn hò khách văn nhân đa tình, đa cảm.
Một con thuyền đi qua như lướt trong không. Ngọn lửa vàng nhợt nhạt chọc thủng màn sương. Phải chăng đó là thuyền đưa tiên tử xuống trần?
Thân thể mỏi mệt vì thức khuya, tôi đóng cửa sổ lên giường nằm. Song mắt tuy nhắm mà trí vẫn theo đuổi mộng dài đêm xuân.
Có lúc tôi thiếp đi độ mười phút, tức thì tôi thấy hiện ra trong ánh trăng suông đủ các nhân vật Liễu trai chí dị. Nhưng tôi tỉnh ngay và tự cười thầm cái lòng mơ mộng hão huyền của mình.
Bỗng nghe có tiếng động ở bàn thờ, như ai se sẽ lôi một vật gì.
Tôi nghĩ ngay đến cái tủ sách cũ mà có lẽ tôi quên chưa đóng cửa. Sợ chuột rủ nhau đến phá phách, tôi liền dậy đánh diêm thắp đèn xem lại...
Vừa soi xuống dưới bàn thờ, thì trong đó chui ra một người con gái, vận nâu sồng, đầu tóc bù rối. Người ấy đứng trân trân nhìn thẳng vào mặt tôi. Tôi đờ người ra, lưỡi díu lại, lắp bắp không ra hơi!
- Yêu tinh!
Cô kia mỉm một nụ cười bí mật, nửa như đùa, nửa như sợ, làm cho tôi rợn tóc gáy, rồi vừa lùi, vừa nhìn tôi sòng sọc, mắt không chớp, cặp mắt to đen láy, phản chiếu ánh đèn lấp lánh như mắt con cáo trắng, con bạch hồ ly.
Thật trong đời tôi chưa lần nào tôi kinh hãi như cái phút lặng lẽ ấy, và bây giờ kể lại chuyện, tôi còn trông thấy cái miệng cười huyền ảo, cặp mắt yêu quái nhìn đăm đăm.
Tôi ngây ngất, mướt mồ hôi, đứng như chôn chặt xuống đất. Cây đèn dầu cầm nghiêng ở tay đã tắt tự bao giờ mà tôi vẫn không hay.
Mãi nửa giờ sau, tôi mới hơi hoàn hồn và nghĩ đến thắp đèn. Tay tôi run lẩy bẩy đánh đến mười que diêm mới châm được bấc đèn cháy.
Một cánh cửa hé mở...
Và cái ví tiền để trong va li, tôi không tìm thấy đâu nữa.
Khái Hưng
Theo https://vietmessenger.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với các trọng trách từ thời bưng...