Thứ Năm, 26 tháng 8, 2021

Đà Lạt nói với tôi điều chi

Đà Lạt nói với tôi điều chi?

Bốn đồng môn khóa LVC: Trần Tuấn Phương (LH-LVC), Nguyễn Văn Cam (VH-LVC), Tống Văn Thụy (SĐ-LVC), Hồ Thuyên (LH-LVC) tại phòng khách nhà Nguyễn Văn Cam.
Tôi chưa được may mắn ghé thăm Đà Lạt trước mùa xuân 1975. Phải đến mười năm sau nhân hè muộn 1985, như một duyên may, gia đình nhỏ của tôi mới đặt chân lên Đà Lạt. Một chuyến đi chơi đáng nhớ những năm tháng quạnh hiu ấy.
Còn nhớ chuyến xe đò rời bến xe đường Petrus Ký, hướng về Thủ Đức, Biên Hòa, bò qua những rừng cao su mất hút phía Dầu Giây… Con sông La Ngà màu phù sa thuở ấy còn thưa thớt vài con thuyền neo đậu. Định Quán với cánh rừng giá tị/teck lá xác xơ buông, đây đó những khối đá granit sừng sững báo hiệu đường lên cao nguyên. Quốc lộ 20 nối Sài Gòn-Đà Lạt là một con đường đẹp. Rừng tiếp nối trong tầm mắt và cái nóng ẩm nhiệt đới bỏ lại nơi thị thành. Khi xe đò dừng lại quán cà phê ven đường ở Bảo Lộc, tôi mơ hồ cảm nhận hơi lạnh bàng bạc trong không khí, lẩn quất bên những sọt mây chất đầy những quả bơ và rau củ xanh tươi mơn mởn quanh đây.
Đà Lạt năm tháng ấy sống chậm rãi và nhàn tản. Từ ngôi nhà số 31 Hoàng Diệu dáng dấp biệt thự với sân vườn cây xanh, từ tấm lòng của gia đình cô chú bao đời gắn bó với Đà Lạt, chúng tôi được dẫn đi loanh quanh đây đó. Chùa Linh Sơn, Trung Tâm Nguyên Tử Lực, Chợ Đà Lạt, Nha Địa Dư Quốc Gia bây giờ là Cục In Ấn Bản Đồ nơi ông chú làm việc với tính cách lưu dung. Trường Yersin thì chỉ mon men đứng ngoài nhìn vào dãy lầu màu gạch đỏ vẽ thành đường thẳng mà tận cùng là tháp chuông vươn lên cao vút nhưng Đại Học Đà Lạt thì vợ chồng tôi dẫn hai đứa con trai chạy tung tăng khắp chốn. Nhớ bạn bè thường ưu ái nhắc đến giảng đường Thụ Nhân. Nhà cô chú không xa thác Cam Ly nên thong thả đến thăm, được dịp cho hai đứa nhỏ cỡi ngựa, phía sau ầm ầm thác đổ. Đi Thung lũng Tình Yêu còn…lãng mạn thuê chiếc  périssoire  có cánh buồm nhiều màu ghi dòng chữ  Vallée  d’Amour.
Mười năm sau 1975… Đà Lạt bây giờ dân dã, nét Tây Phương phôi pha ít nhiều, tuy chưa đến nỗi tiều tụy nhếch nhác như những thị trấn duyên hải thuở ấy. Thành phố trong mơ của biết bao thế hệ vẫn còn đọng lại một thoáng sương khói lãng đãng trong tranh Đinh Cường hay qua bài thơ Phạm Cao Hoàng có mây lang thang trên đồi gió hú bạt ngàn rừng thông…Người Đà Lạt gặp gỡ trong tuần lễ cao nguyên ngắn ngủi ấy toát lên sự tinh tế, từ tốn và tử tế. Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều/ Để nghe dưới nước đáy hồ reo. Để nghe tơ liễu run trong gió/ Hàn Mặc Tử. Giã từ Đà Lạt về xuôi, quanh co đèo Ngoạn Mục, thầm mong ước có ngày trở lại.
Gần mười năm sau, tôi ghé Đà Lạt thường xuyên hơn. Đất nước mở cửa, du khách lục tục sang Việt Nam, 10% du khách phương Tây mong ước một chuyến hành trình xuyên Việt, trong đó có cao nguyên Nam Trung Phần và Đà Lạt. Tôi thích dẫn khách đi những tuyến nầy, thường kéo dài hơn hai tuần từ Bắc chí Nam, trong đó có một ngày và một đêm lưu lại Đà Lạt.
Theo đường bộ từ Sài Gòn lên Đà Lạt, những điểm đến thăm là Trúc Lâm Thiền Viện nhìn ra hồ Tuyền Lâm rồi đi cáp treo về đồi Robin, sang Dinh III Bảo Đại nếu còn thời gian. Khách Pháp thường thích Dinh III vì phong cách gợi nhớ kiến trúc Art-Deco những năm 20 của thế kỷ trước, cùng thời với tòa nhà Đại Biểu Chính Phủ ở Trung Nguyên Trung Phần, nay là khách sạn La Résidence mà đoàn đã lưu trú ở Huế. Nhiều khách cũng tò mò muốn biết vị vua cuối cùng của triều Nguyễn rong chơi ra sao nơi thủ phủ vùng Hoàng Triều Cương Thổ, mọc lên từ cao nguyên hoang dã cuối thế kỷ 19. Có lần, kết thúc chuyến đi thăm, nơi sân thượng dinh thự mùa hè quét màu vôi vàng thuộc địa có giàn pergolaphủ hoa tim tím, nhìn xuống là tiểu cảnh sân vườn kiểu Pháp, một du khách hỏi tôi: Th.ơi, vì sao ở nước bạn, đền đài kiến trúc, kể cả của các vương triều lớn như nhà Nguyễn, thường không mấy nguy nga, đồ sộ. Dinh III của nhà vua trông giản dị khiêm tốn quá?
Bạn thân mến, bạn vẫn còn bị quy chiếu vì vô vàn lâu đài kỳ vĩ trên đất nước mình như Versailles, Chambord… Ở đây, kiến trúc có chừng mực, lại hòa trong thiên nhiên. Không thể bê nguyên một lâu đài vùng thung lũng sông Loire đưa sang rừng nhiệt đới mưa Đà Lạt. Người Việt chưa đủ tầm để xây dựng những công trình quy mô to lớn trong điều kiện khí hậu và thời tiết khắc nghiệt lại giặc giã liên miên. Cho nên, chúng tôi dễ gần gũi với chùa Một Cột, Bút Tháp mà các bạn đã đến thăm nhưng có phần xa lạ, lạc lõng trong không gian mênh mông Bái Đính, Ba Chúc…
Thuở ấy, khách du lịch thường ở khách sạn Golf 3 nhìn ra chợ Đà Lạt. Chiều xuống, đưa khách về khách sạn là xong nhiệm vụ. Khách ăn tối khách sạn nên tôi tha hồ lang thang Đà Lạt về đêm. Sáng hôm sau, chương trình mở, cho khách nghỉ ngơi hoặc mua sắm ở chợ Đà Lạt. Hẹn 10:00, tập trung lên xe ra ga Đà Lạt. Kiến trúc nhà ga xinh xắn, có tác giả viết sách guidebook so sánh nhà ga với khối đồ chơi sắp xếp Lego, ga duy nhất miền cao nguyên Nam Trung phần phảng phất ga Deauville, vùng Calvados ở Pháp. Từ sân ga, đi một vòng xe lửa lên Trại Mát. Xe đón ở chùa Linh Phước, xuôi Nha Trang qua đèo Ngoạn Mục. Từ cuối năm 2007 qua tỉnh lộ 723 với đèo Khánh Vĩnh, cung đường ngắn hơn nhưng không thể đi vòng xuống Phan Rang để thăm cụm tháp Chàm Po Klong Garai.
Thông thường, trước khi chia tay Đà Lạt về miền duyên hải, nhờ anh em lái xe chạy một vòng dọc đường Trần Hưng Đạo, như là quà bonus cho khách. Nơi đây vẫn còn lác đác những biệt thự kiến trúc thuộc địa, phần lớn hoang phế tịch liêu. Qua phong cách kiến trúc từng ngôi nhà, khách Pháp thường dễ dàng nhận biết nguồn gốc những chủ nhân đầu tiên lưu trú ở đây, họ đến từ Bretagne, xứ Basque, vùng núi Savoie hay Normandie nơi những thanh gỗ màu nâu nổi bật áp vào mặt tiền tường vôi trắng.
Đà Lạt trong chương trình tour cổ điển chỉ gói gọn chừng đó. Một chặng nghỉ dưỡng cần thiết trước khi vào Nam hay ra Bắc. Không phiêu lưu băng rừng, lội suối hay chiêm ngưỡng thác đổ. Cao nguyên Nam Trung Phần bây giờ Giã biệt hoang vu, chữ của nhà báo Nguyễn Hàng Tình, thác Pongour, Gougah bị chận dòng để làm thủy điện. Cảnh quan hoang sơ của hai dòng thác giờ chỉ còn lưu lại trên những con tem phong cảnh thời Việt Nam Cộng Hòa.
Bù lại cho những thiếu sót trên, những lần mang ba lô lên Đà Lạt họp mặt đồng môn hay thăm bạn, tôi được bạn bè Đà Lạt tận tình đèo đi chơi đó đây, bên ngoài những lối mòn du lịch. Chúng tôi cùng hát bài Những bài ca họp mặt… trên bãi cỏ lưng chừng đỉnh Lâm Viên, đêm cuối thu ngồi nghe những bạn trẻ hát Hãy ngồi xuống đây, Vũng lầy của chúng ta… tại phòng trà Lục Huyền Cầm, vào quán cà phê Tùng, đứng tần ngần trước những bức tranh một thuở của mấy Họa sĩ Trẻ mà bâng quơ tưởng nhớ tâm cảnh Đà Lạt những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Riêng tôi chuyến này lên Đà Lạt thì thích quán cà phê Nam Thịnh trên đường Trần Nhật Duật gần nhà bạn hơn. Quán cà phê phố phường quanh đây với bàn ghế thô mộc, khung cảnh ấm cúng, chủ nhân lặng lẽ, chu đáo mà cà phê rất ngon.
Sáng hôm ấy, chúng tôi chạy xe quanh co Tùng Lâm, Lạc Thiện, Lạc Dương, Suối Vàng, ngang làng Cù Lần, ghé La An… nắng nhảy múa qua những tán lá kim hình tháp nên Đà Lạt như lung linh rực rỡ hơn.
Ngoài cung đường trên, gió núi, mây ngàn, rừng thông đây đó nhường chỗ cho nhà kính, một loại nhà bạt nylon màu trắng nhờ nhờ phủ vây giăng kín. Ngay con đường Tà Nưng mới mở ven rừng đã thấy thấp thoáng nhà bạt. Rất nhiều làng du lịch, khu vui chơi giải trí nhân danh du lịch sinh thái, chiếm rừng, phá đồi thông, xây dựng tràn lan, xanh xanh đỏ đỏ. Hình như phương án thường trực vẫn là đầu cơ đất đai, bất động sản và… chờ thời. Những công dân Đà Lạt chân chỉ như bạn tôi chắc chắn không thể và không có điều kiện làm những việc đội đá vá trời đó. Họ cày cục làm ăn, con cái về Sài Gòn học đại học. Tuổi trẻ thành đạt mà không thể quay lên cao nguyên vì không có đất sống. Sài Gòn, đất tiền đất bạc mở rộng vòng tay đón nhận hết. Một thời gian sau, cha mẹ đành hy sinh bán ngôi nhà có mấy dây hồng dại leo quanh bờ rào, của để dành chắt chiu sau hơn nửa thế kỷ lên cao nguyên lập nghiệp, giã từ Đà Lạt, về Sài Gòn ẩn cư và lặng lẽ trông cháu trong ngồi nhà chung cư 60m2 thường xuyên khóa cửa.
Như bao thành phố trên đất nước này, như giọt sương khô dần trên ngọn lá cong queo trong nắng, lá rơi… Đà Lạt đang chơi vơi.
Đêm cao nguyên. Tuy chưa phải là thời điểm hội hè đình đám cuối tháng Tư hàng năm, phố phường kẹt cứng người và xe. Ngoài những con đường phố núi lên cao xuống thấp, những rừng thông cuối cùng còn lại, di sản kiến trúc thời Pháp thuộc đang tàn phai, người Đà Lạt lịch lãm tản mác đây đó, thành phố nghỉ dưỡng phong cách châu Âu nhất không còn giữ nổi màn sương mù huyền ảo làm nên bản sắc của mình.
Cuối thế kỷ 19,người Pháp đến cao nguyên và bắt đầu xây dựng thành phố Đà Lạt vào những năm 30 của thế kỷ trước. Ở đây, núi đồi, rừng thông, kiến trúc và con người hài hòa bên nhau. Sau 1954, người Pháp ra đi. Thời Pháp thuộc, những nông dân theo chân Tổng đốc Hoàng Trọng Phu bỏ Bắc Kỳ lên cao nguyên trồng rau và hoa, thời cuộc khiến một số rồi cũng di tản. Bạn bè tôi lên Đà Lạt dạy học trước 1975 đất lành chim đậu bây giờ cũng lục tục bỏ cao nguyên về Sài Gòn.
Trong dòng hồi tưởng, thôi thì đi thăm Alexandre Yersin, người phát hiện Đà Lạt. Ông/Yersin có phần luyến tiếc vì đã khám phá Đà Lạt và giới thiệu với ông bạn Doumer của mình.Cao nguyên này lẽ ra phải để dành cho các dân tộc miền núi… Vậy là từ những năm ba mươi, từ chốn hư vô, một thành phố đã mọc lên trên cao nguyên xanh thẫm. Thời gian qua đi, Đà Lạt đã đổi chủ, đổi dân nhưng cảnh quan vẫn thế. Ba mươi năm chiến tranh qua nhanh như nước đổ trên đầu vịt, Đà Lạt vẫn yên hàn bên ngoài vòng cương tỏa. (Patrick Deville.Peste & Cholera. Ed. du Seuil.Trg 98,100.)
Paul Doumer là Toàn quyền Đông Dương từ 1897-1902. Ông ủng hộ ý tưởng xây dựng một thành phố nghỉ mát ở Đà Lạt cuối thế kỷ 19 của Yersin. Bây giờ, khi Đà Lạt bước sang thiên niên kỷ thứ ba, sau khiđã đổi chủ, đổi dân, thành phố có thiên nhiên, kiến trúc và con người lãng mạn nhất nước từng bước thay đổi cảnh quan. Sơn nguyên biến thành đồi trọc, dòng sông bị chia cắt, thác nước ầm vang giọt nước li ti bay vào tóc ai, giờ là chuyện quá vãng, không gian thông reo vi vu bị co lại và xây dựng thì tràn lan vô tội vạ…
Đà Lạt hầu như y nguyên trong chiến tranh nhưng lại đổi thay đến chóng mặt trong thời bình.
Đêm giã từ cao nguyên, chúng tôi ngồi nói chuyện cũ chuyện mới nơi quán bên đường. Đêm xuống nhanh. Sương mù tản mác từ đâu phả vào tận bên trong quán vắng, trời lành lạnh. Biết mong ước gì với Đà Lạt. Xin mạn phép trích dẫn hai câu thơ của Trần Vấn Lệ như lời đề từ.
Đà Lạt ơi! Đà Lạt ơi!.
Những cây thông nói với trời điều chi?                                            
GHI CHÚ:
* Pergola: giàn cây trồng hoa leo.
29/6/2021
Tống Văn Thụy
Theo https://huynhthuckhangluongvancan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Những mất mát lớn của văn chương thế giới 28 Tháng Chín, 2022 Chỉ trong hai tuần vừa qua, văn chương thế giới chứng kiến những sự mất ...