Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2021

Phần III: Quá trình hoàn thiện, sử dụng và truyền bá chữ Quốc ngữ

Phần III: Quá trình hoàn thiện,
sử dụng và truyền bá chữ Quốc ngữ

SỰ PHÁT MINH CHỮ QUỐC NGỮ: VAI TRÒ TIÊN PHONG CỦA FRANCISCO DE PINA VÀ VỊ TRÍ QUAN TRỌNG CỦA NGƯỜI VIỆT?
Nguyễn Phước Tương
BBT: Tác giả Nguyễn Phước Tương là người có nhiều nghiên cứu liên quan đến văn hóa xứ Quảng, được đông đảo giới nghiên cứu đánh giá cao. Tác giả qua đời năm 2015. Nhận thấy, đây là bài nghiên cứu có giá trị, BBT Hội thảo Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ trân trọng giới thiệu để đại biểu tham dự Hội thảo và bạn đọc tham khảo. Sau đây là nguyên văn: 

Để khuếch trương công lao khai hóa Đông Dương của thực dân Pháp, năm 1912, trong hội thảo tổ chức tại Paris, nhà phương Đông học Linh mục Leopold Cadiere đã tuyên bố: “Sự phát minh chữ Quốc ngữ là công lao của người Pháp và là công lao của Giám mục Alexandre de Rhodes”. 

Người Pháp cũng đã dạy cho học sinh ta từ cấp tiểu học rằng: “...Các ông cố đạo ở châu Âu sang nước Việt Nam... lấy chữ cái vần Latinh mà đặt ra chữ “Quốc ngữ”... và nhất là cố Alexandre de Rhodes có công trong việc đặt ra lối chữ ấy lắm... Ông viết nhiều sách về nước Nam, nhất là quyển “Lịch sử đất Bắc Việt” và một từ điển tiếng ta dịch ra tiếng Latinh và Bồ Đào Nha. Các sách của ông là những sách in đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ”. 

Gần một thế kỷ, cùng một lúc do thiếu thông tin cũng như thiếu các công trình Latinh hóa tiếng Việt của các giáo sĩ phương Tây khác ngoài Từ điển An Nam - Bồ Đào Nha - Latinh và Phép giảng tám ngày của Alexandre de Rhodes, đã làm cho nhiều nhà nghiên cứu nước ta cũng cho rằng sự sáng tạo chữ Quốc ngữ là một trong những công trình tập thể của các giáo sĩ phương Tây mà A. de Rhodes là người có công đầu và điều này đã được truyền đạt cho các thế hệ học sinh ở nước ta trong một thế kỷ qua.  

1. Những quan điểm đối lập sau 400 năm phát minh chữ Quốc ngữ: 

Tuy nhiên, cũng có một số nhà nghiên cứu ở nước ta lại cho rằng không hẳn A.de Rhodes là người đi tiên phong trong sự sáng tạo ra chữ Quốc ngữ và không hẳn các giáo sĩ phương Tây có vai trò độc tôn trong phát minh này mà không có sự tham gia và cộng tác của người Việt. 

Những tác giả cho rằng A. de Rhodes có công đầu gồm có học giả Dương Quảng Hàm [1950 với cụm từ “người có công nhất”], GS. Lê Văn Hảo [1985, với cụm từ “người đầu tiên”; 3; tr.4]; học giả Vũ Ngọc Phan [1989, với cụm từ “có công đầu”; 3]; tác giả Hoàng Tiến [1994, với cụm từ “người đại diện và giữ công đầu”; 5; tr. 44]; Minh Hiển [1994, với cụm từ “những việc mà A. de Rhodes đã đem lại cho xã hội Việt Nam là vô giá”; 6; tr. 89]. 

Người bảo vệ gay gắt nhất cho quan điểm này là TS. Thần học Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên với ý kiến cho rằng: “Thật là đểu giả Alexandre de Rhodes ở đây được coi như là một kẻ xúi giục ngoại quốc tới xâm lược, chứ không phải là một trong những người trọng yếu nhất đã làm ra chữ Quốc ngữ với ba tác phẩm của ông: cuốn “Ngữ pháp tiếng Việt”, cuốn “Từ điển Việt - Bồ - La” và cuốn “Phép giảng tám ngày”, cả ba đều ấn hành tại Roma năm 1651”. [7; tr. 96] 

Ngược lại với quan điểm trên, ngay dưới thời Pháp thuộc, đã có những đánh giá ngược lại cho rằng không hẳn A. de Rhodes có vai trò hàng đầu trong phát minh chữ Quốc ngữ. 

Ngay từ 1927, học giả Phạm Quỳnh đã viết: “Chữ Quốc ngữ là do các cố Tây sang giảng đạo bên Việt Nam đặt ra vào thế kỷ 17..., chắc cùng nhau nghĩ đặt, châm chước, sửa sang trong lâu năm, chứ không phải một người nào làm ra một mình vậy”. [8] 

GS. Đào Duy Anh, có lẽ vào trước năm 1945, cũng đã viết: “Thứ chữ này nguyên do các nhà truyền giáo Gia Tô đặt ra..., sau do hai nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha, rồi sau đến cố A.de Rhodes người Pháp tổ chức lại thành một thứ chữ thông dụng trong truyền giáo hội, tức là thủy tổ chữ quốc ngữ ngày nay”. [9] 

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, các nhà sử học nước ta đã viết một cách đúng đắn rằng: “Sáng chế ra chữ Quốc ngữ bằng cách La tinh hóa chữ viết của ta là một quá trình và là một công trình của nhiều giáo sĩ Phương Tây, trong đó tất nhiên phải có sự tham gia và họp tác của nhiều người Việt Nam”. [10, tr. 305] 

Tác giả Pháp Georges Taboulet, trong cuốn sách viết về công trạng của người Pháp đối với Đông Dương, xuất bản năm 1951, cũng đã đánh giá về sự phát minh chữ Quốc ngữ khác với quan điểm của Leopold Cadiere trước đây: “Việc phiên âm tiếng Việt bằng chữ Latinh, điểm thêm các dấu quy ước, là một công lao tập thể mà sự đóng góp chủ yếu là Linh mục De Pina, Borri, Gaspar do Amaral, Antonio Barbosa, nhưng Linh mục de Rhodes thì có công hệ thống hóa, chỉnh lý và phổ biến văn tự này”. [11; tr. 12-13] 

Năm 1965, Linh mục Phan Phát Huồn cũng đã viết: “Cha Alexandre de Rhodes không phải là người đầu tiên sáng chế ra Việt ngữ, nhưng đây là người có công nhất trong việc tu sửa thứ chữ này trong thời kỳ phôi thai”. [12] 

GS. Hoàng Cơ Thụy ở Pháp, khi nghiên cứu vấn đề này năm 1989 cũng đã viết: “Nói tóm lại, Linh mục Alexandre de Rhodes không phải là người đầu tiên sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Ông chỉ có công phổ biến rộng rãi chữ Quốc ngữ với sự giúp đỡ vật chất rất đầy đủ của Bộ Truyền giáo tại La Mã năm 1651”. [13] 

Nhà sử học Mỹ Joseph Buttinger cũng đánh giá vấn đề này một cách tương tự: “Chữ Quốc ngữ không phải do Alexandre de Rhodes sáng chế ra như nhiều tác giả đã nói đến, trong khi đó có hai giáo sĩ Gaspar do Amaral và Antonio Barbosa là hai tác giả đầu tiên của cuốn Từ điển Bồ - Việt... Alexandre de Rhodes đã hoàn tất hệ thống bản sao. Việc đó không phải dễ làm ...”. [14] 

Vào ngày 31.1.1993, GS. Hoàng Tuệ, lúc đó là Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam đã viết trên báo Tuổi Trẻ Chủ nhật: “Gần đây, Alexandre de Rhodes được nhắc đến khá nhiều trên báo với lời lẽ nồng nhiệt ca ngợi công lao của ông trong sự sáng chế chữ Quốc ngữ. Nhưng sự thật ai làm ra chữ Quốc ngữ vẫn còn là câu hỏi... Có giả thuyết cho rằng chữ Quốc ngữ là công trình không phải của duy nhất ai, đặc biệt của riêng De Rhodes, mà là của nhiều người. Giả thuyết này không vu vơ, mà nó có căn cứ... Còn có câu hỏi: người bản xứ có ai trực tiếp tham gia vào sự sáng chế chữ Quốc ngữ không?... Cũng có những lời khẳng định rằng làm ra chữ Quốc ngữ là tín đồ bản xứ, có khi đưa ra cả họ tên ...”. [15; tr. 14] 

Bài báo trên đã gây một phản ứng bút chiến từ phía TS. Thần học linh mục Nguyễn Khắc Xuyên với những lời lẽ gay gắt, khiếm nhã ở những bài viết: Gửi GS. Hoàng Tuệ bàn về chữ Quốc ngữ trên tờ Tuổi trẻ [7] và Trả lời GS. Hoàng Tuệ về chữ Quốc ngữ, nhân kỷ niệm 400 năm sinh nhật Alexandre de Rhodes [16] đăng ở nước ngoài mà trong đó không nêu lên được chứng cứ khoa học vững chắc để bảo vệ cho quan điểm của mình, như một đoạn mà chúng tôi đã nêu trên. Những bài viết của TS. Thần học Linh mục Nguyễn Khắc Xuyên đã bị các tác giả Việt kiều ở Mỹ phê phán. Tác giả Nguyễn Kha đã nhận xét: “Tiến sĩ này có những lời lẽ thiếu văn hóa lúc viết một vấn đề văn hóa. Tiến sĩ Nguyễn Khắc Xuyên có vẻ chỉ muốn “đối đầu” một cách phỉ báng, chứ không muốn “đối thoại” một cách nghiêm túc”. [17; tr. 32-33] 

Tác giả Bùi Phước đã thẳng thắn lên án: “... Nguyễn Khắc Xuyên lớn tiếng mạt sát GS. Hoàng Tuệ là “ngu ngốc”, “ngu dốt”, “ngu xuẩn”, “dốt” đến 15 lần trong bài viết “Gửi GS. Hoàng Tuệ bàn chữ Quốc ngữ trên tờ Tuổi trẻ”. [18; tr. 85] 

Trong khi đó, nhà ngôn ngữ học Pháp Roland Jacques, năm 1995, cũng đã đồng tình với những ý kiến mà GS. Hoàng Tuệ (1921 - 1999) nêu lên và đánh giá: “ở đây không phải là vấn đề đi sâu vào cuộc bút chiến, nhưng người ta có thể nêu lên rằng vấn đề mà GS. Hoàng Tuệ xới lên xứng đáng được đặt ra”. [19; tr. 78] 

2. Công đầu trong phát minh chữ Quốc ngữ của A. de Rhodes không được thừa nhận 

Căn cứ vào tư liệu của lịch sử truyền giáo ở nước ta và những tư liệu về phát minh chữ Quốc ngữ gần đây của Roland Jacques Loeiwre de quelques pio-nniers portugais dansle domaine de la linguistique vietnamienne jusqu’en 1650 (1995) và Portuguese pionneers of Vietnamese linguistics - Pionniers portugais de la linguistique vietnamienne (2002), trong khoảng 30 giáo sĩ Dòng Tên thay nhau đến truyền đạo ở Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài của Đại Việt vào đầu thế kỷ XVII chỉ có 7 - 8 người biết tiếng Việt ở trình độ khác nhau, trong đó chính A. de Rhodes là người bị đồng nghiệp dị nghị về sự hiểu biết tiếng Việt. [20; tr. 38 và 19; tr. 39] 

Có thể xếp các giáo sĩ phương Tây theo thứ tự tinh thông tiếng Việt như sau: Francisco de Pina (1585 - 1625), người Bồ, thầy dạy A. de Rhodes và Antonio de Fontes tiếng Việt, biên soạn sách Từ vựng và các thanh tiếng An Nam và Ngữ pháp tiếng An Nam trước khi A. de Rhodes đến Đàng Trong; Gaspar de Amaral (1594 - 1645), người Bồ, biên soạn Từ điển Việt - Bồ khoảng 1631 - 1645; Antonio Barbosa (1594 - 1647), người Bồ, biên soạn Từ điển Bồ - Việt từ 1636 - 1645; Girolanno Maiorica (1591 - 1656), người Ý có nhiều công trình phiên âm giáo lý bằng chữ Nôm; Cristoforo Borri (1583 - 1632), người Ý, có công trình nghiên cứu phôi thai về ngữ pháp tiếng Việt, Onofre Borges (1614 - 1663), người Thụy Sĩ gốc Đức, biên soạn Nhập môn tiếng Đàng Ngoài từ 1645 - 1658 và Alexandre de Rhodes (1593 - 1660). [21; tr. 10 và 28] 

Trong tác phẩm của mình nêu ở trên, Roland Jacques đã nêu lên một sự kiện đáng chú ý liên quan đến trình độ hiểu biết tiếng Việt của A.de Rhodes. Trong hồ sơ lưu trữ ở Roma có một bức thư viết tay bằng tiếng Ý của giáo sĩ Giovanni Filippo Marini viết tại Đàng Ngoài ngày 1.6.1655 (nghĩa là sau khi cuốn Từ điển Việt - Bồ - La của A. de Rhodes đã được xuất bản năm 1651) gửi cho cha bề trên ở Roma. Thời đó, báo cáo về một cuộc tranh luận giữa các giáo sĩ về những lời thánh lễ dịch ra tiếng Việt năm 1645, đã “chứng kiến sự kém tín nhiệm của một số giáo sĩ Dòng Tên đối với đồng nghiệp A. de Rhodes về sự nắm vững tinh thông ngôn ngữ tiếng Việt”. [19; tr. 39] 

Với một trình độ tiếng Việt kém nhất trong số các giáo sĩ biết tiếng Việt, làm sao A. de Rhodes là người tự mình biên soạn được cuốn từ điển ba thứ tiếng An Nam - Bồ Đào Nha - Latinh mà không dựa vào các tư liệu có trước của các giáo sĩ khác và trở thành người đi đầu trong phát minh chữ Quốc ngữ được? 

Khi đọc lời “Cùng bạn đọc” của cuốn từ điển nói trên in năm 1651 do chính A. de Rhodes viết, người ta đều nghĩ rằng ông không phải là “người có công đầu” trong phát minh chữ Quốc ngữ: “... Ngay từ đầu tôi đã học với cha Francisco de Pina người Bồ, thuộc Hội dòng Giêsu rất nhỏ bé chúng tôi, là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn, tôi cũng sử dụng những công trình của nhiều cha khác cùng một Hội dòng, nhất là cha Gaspar do Amaral và Cha Antonio Barbosa, cả hai ông đều đã biên soạn mỗi ông một cuốn từ điển, ông trước bắt đầu bằng tiếng An Nam, ông sau bằng tiếng Bồ, nhưng cả hai ông đều chết sớm. Sử dụng công khó của hai ông, tôi còn thêm tiếng La Tinh theo lệnh các Hồng y rất đáng tôn, vì ngoài những tiện lợi khác, nó còn giúp ích cho những người bản xứ học tiếng La Tinh...”. [22; tr. 3]. 

Về vấn đề này, linh mục Nguyễn Hồng, năm 1959 đã viết: “Trong thời kỳ ở Áo Môn (tức Ma Cao), Cha Amaral đã soạn cuốn từ điển Việt - Bồ, Cha Barbosa soạn cuốn từ điển Bồ - Việt. Cha Alexandre de Rhodes đã dùng 2 cuốn đó để soạn cuốn từ điển Việt - Bồ - La xuất bản sau này ở Roma năm 1651”. [23; tr. 217] 

GS. Hoàng Cơ Thụy, năm 1989, đã nói rõ sự việc này hơn: “Nên biết thêm rằng Linh mục Gaspar do Amaral có viết một quyển “Từ điển Việt - Bồ”, sau đó trao lại cho linh mục Alexandre de Rhodes; ông Do Amaral bị chết đuối vì đắm tàu ở gần đảo Hải Nam ngày 23.12.1645, vậy cuốn từ điển của ông được soạn khoảng 1631 - 1645 và trao cho Linh mục Alexandre de Rhodes ở Áo Môn hồi mùa đông năm 1645... và cuốn “Từ điển Bồ - Việt” của Linh mục Antonio Barbosa... chắc đã soạn thảo... trong thời gian 1636 - 1645... chính Alexandre de Rhodes công nhận như thế năm 1651 trong lời nói đầu cho cuốn từ điển của ông”. [14, tr. 27-28] 

Gần đây, trong cuốn sách của mình đã được nêu ở trên, Roland Jacques cũng cho rằng sau khi giáo sĩ Francisco de Pina qua đời đột ngột tại cảng thị Hội An vào cuối năm 1625 thì các cuốn chuyên luận về Từ vựng và các thanh và cuốn Ngữ pháp tiếng An Nam của ông cũng đã vào tay A. de Rhodes mà lúc này ông ta đang là học trò tiếng Việt của Francisco de Pina. 

Khi phân tích so sánh tư liệu Mô tả ngắn gọn tiếng An Nam hay Đàng Ngoài (Linguae Annam iticae seu Timckinensis brevis declaratio) của A. de Rhodes biên soạn từ 1645 - 1651 với cuốn từ điển ba thứ tiếng của ông với tư liệu Nhập môn tiếng Đàng Ngoài (Mannductio ad Lingam tim ckinensem) của Onofre Borges biên soạn từ 1645 - 1658, Roland Jacques có nhận xét rằng hai tư liệu này rất giống nhau và chúng phải bắt nguồn từ tư liệu gốc có trước mà tư liệu đầu tiên này phải quy cho là của giáo sĩ Bồ Đào Nha Francisco de Pina, tức là hai tư liệu nói trên của ông. 

Về vấn đề này, Roland Jacques đã viết: “Công trình này (tư liệu có trước của Francisco de Pina) hình như đã mang lại những tiêu chí và những bằng chứng thỏa đáng để khẳng định rằng hai văn liệu (của A. de Rhodes và O. Borges) mà từ nay người ta dễ dàng đối chiếu, phụ thuộc trực tiếp vào một văn liệu - nguồn xưa cũ hơn được biên soạn bởi những người vốn sinh ra từ Bồ Đào Nha, mà ngay từ đầu, mọi cách giải thích rất có thể phải quy cho một mình Francisco de Pina”. [19; tr. 384, 28; tr. 123] 

Tuy nhiên, Roland Jacques cũng đã đánh giá sự đóng góp của A.de Rhodes: “Qua sự so sánh có hệ thống về sự mô tả bộ chữ cái Việt Nam thực hiện bởi văn bản này và văn bản kia, có thể nhận định được rõ ràng hơn rằng A.de Rhodes đã chịu ơn các vị tiền bối của mình và ngược lại, có sự đóng góp tài năng của bản thân ông”. [19; tr. 28]. Ngày nay, chúng ta có thể cho rằng để biên soạn cuốn từ điển ba thứ tiếng, A.de Rhodes trong phần từ điển học, đã sử dụng các tư liệu có trước của các giáo sĩ Bồ Đào Nha như Chuyên luận về từ vựng và thanh của Francisco de Pina và các Từ điển Việt - Bồ của Gaspar de Amaral và Từ điển Bồ - Việt của Antonio Barbosa; trong phần còn lại đã sử dụng Ngữ pháp và các tập truyện cổ tích và các bài viết hay nhất của Đàng Trong của Francisco de Pina để lại. 

Người ta cũng có quyền đặt ra nghi vấn liệu Phép giảng tám ngày của A.de Rhodes cũng có thể dựa vào các bài giảng bằng tiếng Việt mà Francisco de Pina đã biên soạn trước đây để truyền đạo mà không cần phiên dịch. 

Cho đến nay, nhiều người vẫn cho rằng A.de Rhodes đã không trung thực và biết ơn các đồng nghiệp Bồ Đào Nha tiền bối, nhất là đối với người thầy đã ân cần dạy tiếng Việt cho mình, khi cuốn từ điển ba thứ tiếng chỉ có tên một tác giả và tại sao các tư liệu quý giá của họ sau khi vào tay A.de Rhodes lại bị “thất lạc” đến nay chưa tìm thấy lại được? (hay may mắn còn vùi lấp trong kho lưu trữ của Tòa thánh Vatican?). Những bằng chứng nói trên cho phép ngày nay chúng ta có thể khẳng định rằng A. de Rhodes không phải là nhà tiên phong sáng tạo ra chữ Quốc ngữ nhưng là một trong những người đã góp sức về sau cho sự phát triển của văn tự đó. 

Linh mục - nhà nghiên cứu Thanh Lãng đã viết về vấn đề này: “Alexandre de Rhodes không phải là ông tổ chữ Quốc ngữ... Như vậy, đã rõ ràng Alexandre de Rhodes không phải là thuộc vào số những nhà truyền giáo đã sáng lập ra chữ Quốc ngữ mà chỉ là người có công lớn đối với chữ Quốc ngữ mà thôi... sở dĩ Alexandre de Rhodes về sau này được lịch sử nhắc nhở đến nhiều, có lẽ không phải (vì) ông đã có công kiện toàn chữ Quốc ngữ cho bằng ông đã để lại hai quyển sách được coi như tài liệu duy nhất về chữ Quốc ngữ”. [24; tr. 182] 

3. Vai trò tiên phong của Francisco de Pina trong sáng tạo chữ Quốc ngữ 

Trong đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước Chữ Quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ XX (1994), Hoàng Tiến đã không nhắc đến giáo sĩ Bồ Đào Nha có vai trò hàng đầu trong phát minh chữ Quốc ngữ: đó là Francisco de Pina (1585 - 1625). 

Francisco de Pina đến làm nhiệm vụ truyền giáo ở Đàng Trong từ đầu 1617 cho đến khi qua đời đột ngột đáng tiếc tại cảng thị Hội An ngày 16.12.1625 trong một tai nạn đắm thuyền khi đang làm nhiệm vụ. Trong thời gian đó, ông sống lâu nhất tại Hội An liên tục từ đầu năm 1621 đến đầu năm 1625 [29]. Ông là giáo sĩ đầu tiên tự mình ra sức học tiếng Việt để làm nhiệm vụ truyền đạo tốt hơn. Giáo sĩ Gaspar Luis, trong một bức thư gửi cho Tổng Giám mục đã viết: “Linh mục de Pina đến Đàng Trong năm 1617. Đó là Giáo sĩ đầu tiên miệt mài học tiếng nói” [25; tr. 410) và “... Linh mục Francisco de Pina... rất giỏi tiếng An Nam thì chăm lo cho người An Nam”. [25; tr. 412] 

Khi A.de Rhodes đến Đàng Trong cuối năm 1624 đã thấy giáo sĩ này rất thành thạo tiếng Việt và đã viết: “Tôi thấy Linh mục Fernandez và Linh mục Buzomi phải dùng phiên dịch để truyền giáo, chỉ có Linh mục De Pina là không phải phiên dịch vì nói rất thạo”. [30; tr. 91] 

Trong một bức thư gửi cho Cha Khâm sai ở Ma Cao là Jeromino Rodriguez vào đầu năm 1623 từ Hội An, F. de Pina đã viết: “Đối với tôi, ở dinh này (dinh Quảng Nam), tôi không thể nhởn nhơ giữa việc bắt đầu rèn luyện tiếng nói với việc dạy giáo lý, đơn giản là vì chẳng có ai để đỡ bớt gánh nặng cho tôi... Còn về tiếng nói, tôi biết nó bằng những nỗ lực của chính bản thân mình”. [19; tr. 45] 

Một số nhà nghiên cứu nước ta, chắc chắn trong đó có cố GS. Hoàng Tuệ, có cảm nghĩ rằng một giáo sĩ tinh thông nhất tiếng Việt như Francisco de Pina lại không để lại một công trình nào của mình liên quan đến phát minh chữ Quốc ngữ như người học trò của mình hay sao? Đồng cảm với ý nghĩ đúng đắn đó, nhà ngôn ngữ học Pháp Roland Jacques đã dành hàng chục năm để nghiên cứu vấn đề này và may mắn trong khối tư liệu hàng vạn trang liên quan đến Đại Việt ở thế kỷ XVII - XVIII được bảo quản trong Thư viện Ajuda của Cung điện Hoàng gia ở Lisbonne, Bồ Đào Nha, ông đã phát hiện được bản sao bức thư viết dở dài bảy trang gửi cho Cha Khâm sai ở Ma Cao Jeromino Rodriguez viết tại cảng thị Hội An vào đầu năm 1623 của Francisco de Pina. 

Qua bức thư đó, người ta thấy giáo sĩ Bồ Đào Nha này đã nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt và đã biên soạn những công trình Latinh hóa tiếng Việt trong những năm 1621 - 1622, trước khi A.de Rhodes đến Đàng Trong vào cuối năm 1624. 

Dưới đây chúng tôi xin trích đoạn của bức thư đó có liên quan đến phát minh chữ Quốc ngữ của Francisco de Pina: “Tiếng nói này là một tiếng nói có thanh, giống như một sự xướng âm và trước hết là phải biết xướng âm nó đã, sau đó người ta mới học các chữ ”... “Đối với việc nghiên cứu tiếng nói, Kẻ Chiêm (tức dinh trấn Thanh Chiêm) vẫn là một nơi tốt nhất với tư cách là trung tâm của Triều đình: ở đây người ta nói rất hay”... “Về phần tôi, tôi đã biên soạn một chuyên luận nhỏ về từ vựng và các thanh của ngôn ngữ này và tôi đang bắt tay viết về ngữ pháp. Tuy nhiên, tôi đã tập hợp được những chuyện cổ tích thuộc nhiều loại khác nhau nhằm cung cấp các trích dẫn của các tác giả để xác minh nghĩa của các từ và quy tắc của ngữ pháp, cho đến nay, tôi có thể yêu cầu một người nào đó đọc chúng để phiên các chữ Bồ Đào Nha (tức chữ Latinh)... Ngoài ra tôi đã có ba bốn tập hợp các bài viết có lý luận trong số các bài viết hay nhất mà tôi tìm thấy được ở Vương quốc này”. [19; tr. 178-2002 và 20; tr. 43-45] 

Tiếc rằng, đến nay các chuyên luận về từ vựng và các thanh, cuốn ngữ pháp tiếng An Nam cũng như các chuyện cổ tích, các bài viết hay ở Đàng Trong mà Francisco de Pina đã Latinh hóa đã không tìm lại được. Nhưng nhà ngôn ngữ học Pháp Roland Jacques đã cho rằng các tư liệu đầu tiên về phát minh chữ Quốc ngữ đó đã vào tay người học trò khi người thầy đột ngột qua đời năm 1625. Ông đã viết: “Người ta có thể nghĩ rằng những công trình của người thầy đáng tiếc không được người học trò A.de Rhodes mang theo ra Đàng Ngoài năm 1627 hay sao? Đối với chúng ta, cần phải chấp nhận sự liên tục và cần phải quy cho ông tổ đầu tiên Bồ Đào Nha Pina”. [19; tr. 36] 

Về vai trò tiên phong trong phát minh chữ Quốc ngữ của F.de Pina, Roland Jacques viết tiếp: “Nhưng đó là vấn đề mang lại sự công bằng cho công trình âm thầm của thế hệ trước Rhodes, thế hệ của Francisco de Pina, được sửa chữa phát triển và bổ sung bởi các đồng nghiệp mà đứng đầu chắc chắn là Gaspar do Amaral. Chính trong nhóm đó mà Rhodes là người bị dị nghị và Borges là một học trò bình thường mà chữ Quốc ngữ đạt được sự chín muồi, sự gắn bó và sức sống cho phép nó trải qua hàng thế kỷ”. [19; tr. 39] 

Như vậy, Francisco de Pina là người đầu tiên tạo ra các công trình Latinh hóa tiếng Việt, chậm nhất vào năm 1622, trước bất cứ một giáo sĩ phương Tây nào có mặt ở Đàng Trong và Đàng Ngoài - Đại Việt vào đầu thế kỷ XVII, điều đó buộc người ta phải thừa nhận tính có trước về thời gian của các công trình đó, đồng nghĩa thừa nhận ông là nhà tiên phong phát minh ra chữ Quốc ngữ. 

Nhà ngôn ngữ học Roland Jacques khi phân tích cấu trúc của ngữ âm chữ Quốc ngữ, đã cho biết rằng “nhiều nhà nghiên cứu đã không nắm được chính xác vai trò của ngôn ngữ Bồ Đào Nha và các giáo sĩ Bồ Đào Nha trong việc Latinh hóa tiếng Việt. Một sự hiểu biết sơ đẳng tiếng Bồ Đào Nha đủ cho phép xác định rằng những nguyên tắc của hệ thống ghi âm của ngôn ngữ Bồ Đào Nha đã được vận dụng chủ yếu trong việc ghi âm phức tạp của tiếng Việt trong quá trình Latinh hóa”. Về vấn đề này, Roland Jacques đã viết: “Sự lựa chọn cơ bản bởi Pina và những người kế tục của ông là xuất phát từ một hệ thống ký pháp chữ viết đang hình thành lúc đó trong tiếng Bồ Đào Nha, nói một cách khác chính là ngữ âm Bồ Đào Nha đã được sử dụng làm công cụ phân tích và tham cứu chủ yếu đối với tiếng Việt”. [19; tr. 58] và “Bước chuyển từ tiếng Bồ Đào Nha viết qua chữ Quốc ngữ thông qua những người thợ Bồ Đào Nha đầu tiên là trực tiếp và không có vấn đề”. [19; tr. 111] 

Những nghiên cứu nhiều năm trong vấn đề này đã cho phép Roland Jacques đi đến những kết luận: “Một sự nghiên cứu chẳng tiên niệm chữ Quốc ngữ đã làm xuất hiện ngay tức khắc đó không phải chính xác là thành quả của một sự gặp gỡ giữa nền vãn hóa hàng ngàn năm của Việt Nam và nền văn hóa Pháp, mặc dù Alexandre de Rhodes là người đưa tới”. [19; tr. 7]. Ông cũng viết: “Ngay cả, mặc dù mọi nhận xét cho là do sự nghiệp của cá nhân Alexandre de Rhodes, người duy nhất của nền văn hóa Pháp tham gia vào công việc này thì cũng phải nói rằng chữ Quốc ngữ không hàm ơn gì hết đối với tiếng Pháp, vả lại Alexandre de Rhodes không hề làm một tham cứu nào từ tiếng mẹ đẻ của mình trong sự mô tả ngữ âm mà ông đã xuất bản”. [19; tr. 54]. Roland Jacques khẳng định: “Trước hết, cần thừa nhận tính có trước của công trình ngôn ngữ học thực hiện bởi người Bồ Đào Nha F. de Pina. Sự ra đời của chữ Quốc ngữ trước hết là thành quả của một cuộc gặp gỡ lịch sử giữa ngôn ngữ Việt Nam và ngôn ngữ Bồ Đào Nha”. [19; tr. 46] 

Những ý kiến quan trọng ở trên của Roland Jacques, một lần nữa buộc chúng ta phải thừa nhận giáo sĩ Bồ Đào Nha Francisco de Pina là nhà tiên phong trong sáng tạo chữ Quốc ngữ chứ không phải giáo sĩ Pháp Alexandre de Rhodes như thường được nói đến trước đây. 

4. Vị trí quan trọng của người Việt trong phát minh chữ Quốc ngữ 

Như trên đã nói, đã từ lâu các nhà sử học nước ta đã khẳng định vai trò của người Việt trong phát minh chữ Quốc ngữ và điều này được GS. Hoàng Tuệ nêu lên lại vào năm 1993. 

Ngay từ buổi bình minh của sự sáng tạo chữ Quốc ngữ, người Việt ở cảng thị Hội An và dinh trấn Thanh Chiêm (tỉnh Quảng Nam ngày nay) đã cộng tác với F.de Pina trong việc Latinh hóa tiếng Việt. Những người Việt bản địa cộng tác và hợp tác với giáo sĩ này gồm hai nhóm người: thứ nhất là giới trí thức gồm các thầy đồ, sư sãi, trưởng tông phái (đạo Lão, đạo Nho...), quan lại hưu trí và sĩ tử, là những người am hiểu tiếng mẹ đẻ và nền văn hóa dân tộc; thứ hai là các phiên dịch ở các nhà đạo, được học tiếng Bồ, tiếng Latinh, giúp các giáo sĩ truyền đạo. Và số người Việt này phải đông hơn các giáo sĩ phương Tây. Trong bức thư bảy trang viết dở để lại, F. de Pina đã nói đến việc ông cộng tác với người Việt bản địa để Latinh hóa tiếng Việt hay phiên dịch sang tiếng Bồ. Ông đã viết: “Cho đến nay tôi có thể yêu cầu một người nào đó đọc chúng [truyện cổ tích] để phiên sang chữ Bồ để người Bồ chúng ta có thể đọc và học thuộc được chúng như đối với Cicero và Vergillus” (luật sư, chính khách và nhà thơ La Mã cổ đại) [19; tr. 44]. Về vai trò không thể thiếu của người Việt trong phát minh chữ Quốc ngữ, Roland Jacques đã phát biểu: “Để phiên âm các bài viết bằng các chữ của bộ chữ cái, Pina đã nhờ các trí thức đọc và phát âm để viết”... “Những hoàn cảnh cụ thể mà trong đó F.de Pina và các đồng nghiệp của ông đã sống, góp phần để hiểu biết hơn rằng sự sáng tạo chữ Quốc ngữ không phải là một công trình của phòng thí nghiệm mà có rất nhiều người dấn thân vào [tức người Việt] với một nhiệt tình nào đó trong hành động”. [25; tr. 21]. Và “Chính cả ông [tức F.de Pina] và các đồng nghiệp đã tập hợp được những sự hợp tác có chất lượng mà nếu không có chúng, mọi công trình ngôn ngữ học nghiêm túc sẽ không thể có được”. [19; tr. 78]. 

Đối với các trí thức hợp tác với F. de Pina trong phát minh chữ Quốc ngữ, Roland Jacques đã đánh giá: “Cần phải nghĩ rằng các nhà sư đó là những người có trình độ tương đối cao, có khả năng sử dụng các tư liệu tham cứu viết”... “ở đây nữa, các thầy đồ đó, một khi đã trở thành giáo dân, đã có thể mang lại một sự đóng góp quyết định. Ngoài công việc hoàn toàn kỹ thuật về cách đọc và diễn đạt đó ra, họ có thể giỏi hơn người khác, giúp giáo sĩ nắm được những liên can văn hóa và tư tưởng của các bài viết và ít ra từ bài viết đó những bài học về hệ tư tưởng và phương pháp luận được nghiên cứu”. [19; tr. 87]. 

Về sự hợp tác của người Việt là phiên dịch ở các nhà đạo (nơi sống chung với giáo dân là phiên dịch với các giáo sĩ) Roland Jacques đã viết: “Một khi học được các chữ “Bồ Đào Nha” [tức chữ Latinh] như vậy các học trò trẻ tuổi đã nhanh chóng có khả năng mang lại những đóng góp thực sự trong việc phiên âm bằng bộ chữ cái Latinh cho những bài viết mới của di sản văn học Việt Nam và trong việc hoàn thiện và hệ thống hóa của chính ngay sự phiên âm mà nó dẫn tới chữ Quốc ngữ”. [19; tr. 83] 

Đến nay, chúng ta có quyền đề cao đúng mức vị trí của người Việt như đồng tác giả ngang hàng với giáo sĩ Bồ Đào Nha F.de Pina trong phát minh chữ Quốc ngữ. Để kết thúc vấn đề này, chúng tôi xin nêu lên phát biểu hết sức đúng đắn về sự phát minh của chữ Quốc ngữ của Roland Jacques: “Để hiểu được cuộc cách mạng (chữ viết) đó, để hiểu thâu những người đi đầu lịch sử và những người sau cùng mang tới tương lai, vậy thì cần thiết phải đặt đúng đắn vị trí việc làm của cá nhân Alexandre de Rhodes trong một công trình tập thể mà ông chỉ là một trong số nghệ nhân chủ yếu, mà trong đó những người Bồ Đào Nha và những người cạnh tranh ngang hàng Việt Nam của họ đã giữ vai trò hàng đầu”. [19; tr. 10]. 

5. Cảng thị Hội An - Dinh trấn Thanh Chiêm, cái nôi ra đời sớm nhất của chữ Quốc ngữ 

Như đã trình bày ở trên, F.de Pina, nhà tiên phong sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, đã sống chủ yếu ở Hội An liên tục từ 1621 - 1624 (trước đó ông đã sống ở đây vào giữa năm 1617 cho đến đầu năm 1618 trước khi vào Nước Mặn, Quy Nhơn). Đến năm 1625, ông được cử làm Cha Bề trên ở Thanh Chiêm, ông đã dạy cho các giáo sĩ mới đến cuối năm 1624 là Alexandre de Rhodes và Antonio de Fontes học tiếng Việt tại Hội An rồi sau đó ở Thanh Chiêm. Giữa năm 1625, ông được giáo đoàn cử ra phủ chúa yết kiến chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Sau khi quay về vào cuối năm đó, ông đột ngột mất tại Hội An do một tai nạn đắm thuyền khi làm nhiệm vụ ra một chiếc tàu để nhận hàng tiếp tế của Ma Cao ngày 16.12.1625. 

Qua bức thư của ông để lại, người ta thấy các công trình Latinh hóa tiếng Việt đầu tiên của ông thực hiện trong những năm 1621 - 1622 khi ông làm nhiệm vụ truyền giáo tại Hội An. Tuy nhiên, ông đã đi lại giữa Hội An và Thanh Chiêm (cách nhau 7 km) để hợp tác với các trí thức ở đây trong việc Latinh hóa tiếng Việt. Ông đã từng đánh giá “Ở Thanh Chiêm người ta nói rất hay” vì cư dân dinh trấn gồm những người gốc Thanh Hóa ở Đàng Ngoài theo chúa Nguyễn vào lập làng ở Đàng Trong tại đây. 

Như vậy, những trí thức ở cảng thị Hội An (nay là đô thị cổ Hội An) và dinh trấn Thanh Chiêm (nay là làng Thanh Chiêm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn) của Quảng Nam (nay thuộc tỉnh Quảng Nam) vào đầu thế kỷ XVII là những tiền bối của chúng ta đã có công lao to lớn góp phần trong phát minh chữ Quốc ngữ. [26; 21; 28]. 

Căn cứ vào tính có trước của các công trình Latinh hóa tiếng Việt của F.de Pina so với các công trình của các giáo sĩ phương Tây khác, đặc biệt là các đồng hương Bồ Đào Nha của ông, chúng ta có thể nói rằng cảng thị Hội An - Dinh trấn Thanh Chiêm là cái nôi ra đời sớm nhất của chữ Quốc ngữ ở nước ta so với các nôi khác ở Nước Mặn (nay là Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), Cửa Bạng (nay là Lạch Bạng, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) và Kẻ Chợ (nay là Hà Nội). [21, 28 và 30]. 

Để kết luận tham luận này, chúng tôi xin nêu lên mấy kiến nghị sau đây: 

- Các sách giáo khoa và giáo trình từ các cấp phổ thông cho đến các cấp cao đẳng, đại học, cần có sự chỉnh lý về sự phát minh chữ Quốc ngữ cho đúng với sự thật lịch sử và tính chính xác khoa học, góp phần giáo dục lòng tự hào dân tộc [21, 26 và 28]; 

- Cần trả lại sự công bằng cho Francisco de Pina, nhà tiên phong sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Để tưởng niệm và tỏ lòng biết ơn ông trên đất nước ta, nơi mà ông đã từng sống, cống hiến và qua đời, cần có trường học, đường phố mang tên ông [27, 21, 26, 28]; 

Tại Di sản thế giới Hội An, cần xây dựng Bảo tàng chữ Quốc ngữ như một dự án cấp Nhà nước, một trung tâm tư liệu để các nhà khoa học trong nước nghiên cứu và giới thiệu với khách du lịch nước ngoài. Ở dinh trấn Thanh Chiêm cũ, xây dựng Đài tưởng niệm phát minh chữ Quốc ngữ như một dự án cấp địa phương [21, 26 và 28]. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

1. Trần Trọng Kim, và những người khác (2001). Quốc văn giáo khoa thư. Lớp dự bị. Hà Nội: Thanh Niên tái bản.  

2. Dương Quảng Hàm (1950). Việt Nam văn học sử yếu. Hà Nội. 

3. Lê Văn Hảo (1985). “Phải chăng Hội An là cái nôi hình thành chữ Quốc ngữ ở đầu thế kỷ XVII”. Hội nghị khoa học về Khu phố cổ Hội An. 4. Vũ Ngọc Phan (1989). Nhà văn hiện đại. Tập I. Hà Nội: Khoa học xã hội. 

5. Hoàng Tiến (1994). Chữ quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ XX. Hà Nội: Lao động. 

6. Minh Hiền (1994). “Let’s do Justice to Alexandre de Rhodes”. Vietnam Social Sciences. Hanoi. 

7. Nguyễn Khắc Xuyên. “Gửi GS. Hoàng Tuệ bàn về chữ Quốc ngữ trên tờ Tuổi trẻ”. Ngày nay, Houston, Texas. Mỹ, N°277, ngày 1 tháng 7 năm 1993, đăng lại trong sách nhiều tác giả. 1998. Alexandre de Rhodes người đầu tiên vận động Pháp chiếm Việt Nam và chữ Quốc ngữ. Mỹ: Giao điểm. 

8. Phạm Quỳnh (1927). “Khảo về chữ quốc ngữ”. Nam Phong. Số 122. 9. Đào Duy Anh. Việt Nam văn hóa sử cương. Nxb. Sống Mới Sài Gòn (do Nguyễn Kha dẫn trong sách A.de Rhodes, người đầu tiên vận động Pháp chiếm Việt Nam và chữ Quốc ngữ). 

10. Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (1971). Lịch sử Việt Nam. Tập I. 

11. Georges Taboulet (1955). La geste française en Indochine. Tom I. Paris. 

12. Phan Phát Huồn (1965). Việt Nam giáo sử. Quyển I. Sài Gòn. 

13. Hoàng Cơ Thụy (1989). Việt sử khảo luận. Tập IV. Paris. 

14. Joseph Butlinger. The small dragon (Nguyễn Kha dẫn trong sách A. de Rhodes, người đầu tiên vận động Pháp chiếm Việt Nam và chữ Quốc ngữ). 

15. Hoàng Tuệ. “Ai làm ra chữ Quốc ngữ?” Tuổi trẻ. Số Chủ nhật ngày 31.1.1993. 

16. Nguyễn Khắc Xuyên (1994). “Trả lời GS. Hoàng Tuệ về chữ Quốc ngữ, nhân kỷ niệm 400 năm sinh nhật Alexandre de Rhodes”. Stuttgart, Dân Chúa Âu châu. 

17. Nguyễn Kha. “Góp ý GS. Chương Thâu về vai trò của linh mục A. de Rhodes và nguồn gốc chữ Quốc ngữ” đăng trên sách A. de Rhodes, người đầu tiên vận động Pháp chiếm Việt Nam và chữ Quốc ngữ. 

18. Bùi Phước (1996). “Vấn đề A.de Rhodes và chữ Quốc ngữ”. Giao điểm N°25, đăng lại trên sách A. de Rhodes, người đầu tiên vận động Pháp chiếm Việt Nam và chữ Quốc ngữ. 

19. Roland Jacques (1995). L’oeuvre de quelques pionniers portugais dans le domaine de la linguistique vietnam ienne jusqu’en 1650. Paris. 

20. Roland Jacques (2002). Portuguese pionneers of Vietnamese linguistics- Pionniers Portugais de la linguistique vietnam ienne. Bangkok: Orchid Press. 

21. Nguyễn Phước Tương (2003). “Sự phát minh chữ Quốc ngữ: Vai trò tiên phong của Francisco de Pina và vị trí quan trọng của người Việt”. Hội thảo khoa học. Hà Nội. 

22. Alexandre de Rhodes (1991). Từ điển An Nam - Lusitan- Latinh (Bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính). Khoa học xã hội. 

23. Nguyễn Hồng (1959). Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam. Quyển I. Sài Gòn: Hiện Tại.  

24. Trần Văn Giàu, Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt (1998). “Chữ Quốc ngữ trên đất Sài Gòn - Gia Định” trong Địa chỉ văn hóa thành phố Hồ Chí Minh. Tập II. 

25. Gaspar Luis (1931). “Lettre du Pere Garpar Luis sur la Concincina”. Annotation par L.Cadiere. BAVH. N°3-4. 

26. Nguyễn Phước Tương (2001). “Sự phát minh chữ Quốc ngữ dưới cách nhìn đổi mới”. Khoa học và công nghệ Thừa Thiên Huế. 

27. Nguyễn Phước Tương (2001). “La creation du quoc ngu: rendre justice a Francisco de Pina”. Le Courrier du Vietnam. N°Mai. 

28. Nguyễn Phước Tương (2003 - 2004). “Sự phát minh chữ Quốc ngữ: Vai trò tiên phong của Francisco de Pina và vị trí quan trọng của người Việt”. Huế Xưa và Nay, số 9-10/2003 và 3-4/2004. 

29. Nguyễn Phước Tương. “Giáo sĩ Bồ Đào Nha Francisco de Pina, nhà tiên phong tạo chữ Quốc ngữ tại cảng thị Hội An” (chưa công bố). 

30. Nguyễn Phước Tương (2001). “Hội An - Thanh Chiêm và sự ra đời chữ Quốc ngữ”. Hội thảo khoa học. Thị xã Tam Kỳ.

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC GIÁO SĨ PHƯƠNG TÂY VÀ NHÂN SĨ TRÍ THỨC VIỆT NAM TRONG VIỆC SÁNG TẠO, HOÀN THIỆN VÀ PHỔ BIẾN CHỮ QUỐC NGỮ?

Nguyễn Hồng Quý

1. Đặt vấn đề 

Lịch sử quá trình giao tiếp giữa Âu và Á bắt đầu từ thời đế quốc La Mã (27 TCN - 476 SCN). Người châu Âu đã sang Trung Hoa trong thời kỳ này nhưng không có sách nào nói rõ về sự giao thiệp. Mãi đến đời Nguyên dưới triều Thế tổ Hốt Tất Liệt (thế kỷ thứ XIII), nhà thám hiểm người Ý tên Marco Polo đã sang Trung Hoa và ở lại đây 17 năm. Khi về nước qua đường Ấn Độ Dương, ông đã kể lại chuyến du hành trong cuốn Những kỳ quan thế giới (Les Merveilles du Monde). 

Đến thế kỷ thứ XV, nhờ kỹ thuật hàng hải được cải tiến, người châu Âu tìm ra các trục giao thông mới bằng đường biển nên sự tiếp xúc giữa châu Âu và các châu lục khác đã gia tăng. Năm 1492 Christopher Columbus (Kha Luân Bố) nhờ địa đồ chỉ đường đã vượt Đại Tây Dương tìm ra châu Mỹ. Năm 1497, Vasco de Gama, người Bồ Đào Nha, sang Ấn Độ bằng cách đi vòng phía Nam châu Phi qua Cap de Bomne Espérance (mũi Hảo Vọng) sang Ấn Độ Dương. Năm 1521, Magellan, người Bồ Đào Nha, dùng đường Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương đến Phi Luật Tân (Philippines). 

Người Bồ Đào Nha vốn có dòng máu phiêu lưu mạo hiểm, từ xưa họ thường viễn du bằng đường biển từ Lisboa là hải cảng của bán đảo Iberia, nằm ngay cửa biển Đại Tây Dương. Kể từ thế kỷ thứ XV, khi kinh nghiệm đi biển của người Bồ lên đến đỉnh cao, quốc gia này trở thành cường quốc số một châu Âu, có các thuộc địa ở Brazil, châu Phi, Ả Rập, Ấn Độ và Trung Hoa. Năm 1511, Bồ Đào Nha bắt đầu để ý đến các nước Đông Nam Á. Các thuyền buôn theo đường Ấn Độ Dương sang biển Nam Hải (Biển Đông) đi ngang Việt Nam để đến Ma Cao (Áo Môn). Hội An bấy giờ là trạm nghỉ chân để họ buôn bán và tiếp tế lương thực (tấm bia đá dựng năm 1524 ở Cù Lao Chàm của người Bồ là một chứng tích). 

Người Bồ đến nước ta buôn bán trước tiên, mở tiệm buôn ở Hội An (Faifo) Quảng Nam. Năm 1614, đời chúa Sãi, Jean de la Croix lập lò đúc súng ở Thuận Hóa (ngày nay là Phường Đúc, Thừa Thiên Huế). Năm 1637, đời vua Lê Thần Tông, Thanh Đô Vương Trịnh Tráng cho người Hòa Lan mở tiệm ở Phố Hiến (gần tỉnh lỵ Hưng Yên ngày nay). Năm 1672, đời vua Lê Hy Tông, chúa Trịnh cho phép tàu Zant của Anh vào Phố Hiến buôn bán. Năm 1680 Pháp bắt đầu gia nhập Phố Hiến. Các thương gia Nhật Bản, Trung Hoa và Thái Lan cũng tham gia tấp nập biến Phố Hiến thành một trung tâm thương mại phồn thịnh, do đó có câu “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.1 

Các nước châu Âu lợi dụng phương tiện hàng hải đem quân xâm chiếm các nước khác làm thuộc địa nhằm khai thác tài nguyên, tìm thị trường mới. Từ giữa thế kỷ XVI người Bồ Đào Nha đã sang Trung Hoa buôn bán ở bán đảo Schangch’nan thuộc Quảng Châu. Khoảng 1557, cướp biển trú ẩn ở Ma Cao thường hay quấy phá địa giới Quảng Châu, người Trung Hoa nhờ các thương gia Bồ dẹp bọn ấy. Khi dẹp xong bọp cướp, người Bồ xin phép nhà cầm quyền Trung Hoa cho họ trú ngụ ở bán đảo Schangch’nan và Ma Cao từ 1563. Hàng năm họ đóng thuế cho chính quyền Trung Hoa, đến thế kỷ XX Ma Cao vẫn còn thuộc Bồ Đào Nha. Năm 1568 Tây Ban Nha chiếm Phi Luật Tân. Năm 1596, Hà Lan chiếm Nam Dương (Indonesia). Đến thế kỷ XVII Pháp và Anh chiếm Ấn Độ. 

2. Nội dung nghiên cứu 

2.1. Các giáo sĩ phương Tây đầu tiên sang Việt Nam truyền đạo 

Tuy mãi đến giữa thế kỷ thứ XIX Pháp mới tiến hành đánh chiếm Việt Nam, nhưng người châu Âu gồm các thương gia và giáo sĩ đạo Thiên Chúa đã đến Việt Nam từ thế kỷ thứ XVI. Các nhà truyền giáo Tây phương muốn sang vùng Viễn Đông đều đi theo các thương thuyền Bồ Đào Nha nên họ chọn Ma Cao làm trung tâm truyền giáo để hoạt động ở Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam, tại đây có Viện thần học Mẹ Đức Chúa Trời (Madre de Dieux). Do đó các giáo sĩ châu Âu thường từ Ma Cao vào Đàng Ngoài hay Đàng Trong và ngược lại. Họ thường dùng ngôn ngữ Bồ Đào Nha để giao dịch với nhau, những phúc trình truyền giáo hay thư từ gửi về La Mã viết bằng chữ Bồ hoặc chữ Latinh. Những năm cuối thế kỷ XVI, các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha của hai dòng thánh Francisco và Agustino đã đến nước ta, nhưng họ đến rồi đi. Năm 1553, đời vua Lê Trang Tông “Giáo sĩ Irigo đi đường biển đến giảng đạo ở các làng Ninh Cường và Quần Anh huyện Nam Chân (nay là Nam Trực, Nam Định), và làng Trà Lũ, huyện Giao Thủy (nay là Xuân Trường, Nam Định)”.2 Năm 1596, đời chúa Nguyễn Hoàng “Giáo sĩ Diego Aduarte (hay Advarte) người Tây Ban Nha đến truyền đạo ở Trung Kỳ được ít lâu thì bỏ đi”.3 Đến thế kỷ thứ XVII, dưới thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, phương tiện giao thông hàng hải đã phát triển mạnh, lúc đó các giáo sĩ người châu Âu đi theo các thương thuyền mới ở lại hẳn Việt Nam để truyền đạo. 

2.2. Sự ra đời của chữ Quốc ngữ 

Đầu thế kỷ thứ XVII các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha lại đến Việt Nam và lần này họ thành công. Giáo Đoàn Dòng Tên (Ordes des Jésuites), có trung tâm truyền giáo ở Ma Cao chính thức thành lập giáo đoàn ở nước ta. Năm 1615 Francesco Buzomi lập ra Giáo Đoàn Đàng Trong (Mission de la Cochinchine). Năm 1627 Alexandre de Rhodes lập Giáo Đoàn Đàng Ngoài (Mission du Tonkin). Trong giới giáo sĩ DòngTên có một linh mục xuất sắc, đóng vai trò lịch sử trong việc tạo dựng chữ Quốc ngữ, đó là Francisco de Pina. 

Chữ Quốc ngữ được hình thành theo chiều hướng chung đối với những nước nằm trong địa bàn truyền giáo của các giáo sĩ phương Tây ở Đông Á. Tại Trung Hoa, Hoa ngữ được các nhà truyền giáo dùng mẫu tự La Mã phiên âm trước nhất. Khoảng 1584 - 1588 hai giáo sĩ Dòng Tên Micac Ruggieri và Matteo Ricci soạn quyển Tự vựng Bồ - Hoa (bản viết tay lưu trữ tại văn khố Dòng Tên ở La Mã), mỗi trang chia làm 3 cột chữ Bồ, chữ Hán, phiên âm Hoa ngữ. Năm 1598, giáo sĩ Ricca và Cateneo dùng ký hiệu để ghi các thanh của tiếng Hoa. Tại Nhật Bản, từ 1592 đến 1596 khoảng 10 sách loại này được in trong đó có 2 hai quyển quan trọng: Dotrina Jesus no Compania no Collegio Amacusa ni voite superiores no vou xi no comuni core no fan to nasu mono nari, Nengi, 1592 (Giáo lý ghi bằng tiếng Nhật theo mẫu tự La Mã) và Dictionarium latino lusitanicum ac Japonium (In Amacusa in Collegia Japonico Societa Jesus, Anno 1595) Từ điển La - Bồ - Nhật. Ngoài ra còn có sách ngữ pháp Nhật được in theo mẫu tự La Mã vào năm 1603 - 1604. Tại Việt Nam, thời kỳ sáng tạo chữ Quốc ngữ có thể chia ra làm 2 giai đoạn: phiên âm tiếng Việt bằng chữ cái La Mã (chữ Quốc ngữ không dấu) và phiên âm tiếng Việt bằng chữ Quốc ngữ có dấu. 

2.3. Giai đoạn phiên âm tiếng Việt bằng chữ cái La Mã (chữ Quốc ngữ không dấu) 

* Francisco de Pina (1585 - 1625) 

Francisco de Pina sinh năm 1585 tại Guarda, Bồ Đào Nha, vào tu Dòng Tên năm 1605, từ 1611 - 1617 theo học Đại học Thánh Phao Lô, Ma Cao. Tại đây ông gặp giáo sĩ João Rodrigues, nhà ngữ học tiếng Nhật tiên phong, tác giả quyển văn phạm tiếng Nhật chuyển tự sang chữ cái La Mã dựa vào cách phát âm tiếng Bồ, nay gọi là Romaji. Quyển văn phạm này in trong khoảng 1604 - 1608. “Có thể Pina đã theo phép chuyển tự này để ghi chép âm tiếng Việt”.4 

Năm 1617, ông đến Đàng Trong truyền đạo, địa bàn hoạt động của ông trải dài từ Hội An (Faifo) vào đến Quy Nhơn (Pulucambi). Ông là người đầu tiên giảng đạo trực tiếp bằng tiếng Việt. Ông cho rằng “Các giáo sĩ đương thời không nắm vững được ngôn ngữ địa phương để đạt được mục tiêu giảng kinh Phúc Âm”.5 Ông bắt đầu dịch một số văn bản của đạo Thiên Chúa ra chữ Nôm. Pina nhận thấy các nhà truyền giáo bạn gặp phải khó khăn vì họ không học được chữ Nôm. Ý thức chữ Nôm không thể là phương tiện giao tiếp với người bản xứ nên ông tìm một phương pháp đơn giản. Lắng nghe người Việt phát âm rồi dùng mẫu tự La Mã để diễn tả âm điệu theo cách mà tiếng Bồ thường sử dụng. Từ năm 1622, Pina dùng những công trình của các giáo sĩ đi trước gồm các chữ Việt - La Mã không dấu xây dựng cho hợp với thanh điệu và lối phát âm tiếng nói người Việt. Năm 1624 Pina mở trường dạy tiếng Việt cho các nhà truyền giáo khác. Trong số người theo học có hai vị quan trọng, một người đã lớn tuổi là Antonio de Fontes (1569 - ?), người Bồ, sinh tại Lisboa, và Alexandre de Rhodes (1591 - 1660), người Pháp. De Fontes là trụ cột của Giáo Đoàn Đàng Trong, còn de Rhodes ra Bắc thành lập Giáo Đoàn Đàng Ngoài. 

Ngày 15.12.1625, Pina lên một chiếc tàu Bồ Đào Nha đậu ở vịnh Đà Nẵng, để dùng thuyền nhỏ mang hàng hóa vào bờ, nhưng chẳng may thuyền đắm, “Pina chết trong khi đang cố cứu một người khác trên chiếc thuyền bị đắm, năm đó ông mới 40 tuổi”.6 Sau khi Pina chết, các nhà truyền giáo vẫn tiếp tục xây dựng chữ Quốc ngữ, các giáo sĩ có công lớn là Gaspar de Amaral (1592 - 1646), Antonio Barbosa (1594 - 1647) và Alexandre de Rhodes (1591 - 1660). 

* Antonio de Fontes - Francesco Buzomi - Cristoforo Borris - Gaspar Luis 

Ngày 01.01.1626, Antonio de Fontes viết tại Hội An bản tường trình bằng chữ Bồ gửi linh mục Mutio Vitelleschi là Bề Trên Cả Dòng Tên ở La Mã. Qua tài liệu này Giáo Đoàn Đàng Trong có 3 cơ sở là Hội An, Kẻ Chàm ở Quảng Nam và Nước Mặn ở Quy Nhơn. Bản tường trình có phiên âm một số tiếng Việt. Ngày 13.7.1626, linh mục Francesco Buzomi viết một lá thư chữ Ý gửi linh mục Mutio Vitelleschi trong đó cách phiên âm có tiến triển phần nào vì các danh từ ghi theo đơn âm như ngày nay. 

Năm 1631, linh mục Cristoforo Borris xuất bản sách tại La Mã viết bằng chữ Ý, trong sách có một câu tiếng Việt (chưa có dấu) đầu tiên xuất hiện là Con gno muon bau tlom laom Hoalaom chian (Con nhỏ muốn vào trong lòng Hoa Lang chăng?). Câu này các giáo sĩ Đàng Trong dùng để hỏi người Việt có muốn vào đạo không (Hoa Lang là danh từ người Việt thời bấy giờ dùng chỉ người Bồ Đào Nha, và sau đó được dùng gọi chung các giáo sĩ phương Tây). Vì câu này diễn tả không rõ ý nên linh mục Buzomi sửa lại là Muon bau dau Christiam chiam? (Muốn vào đạo Christian chăng?). Những chữ phiên âm trong sách được Francesco Buzomi dùng trong khoảng từ 1618 đến 1621 là thời gian ông sống ở Đàng Trong. 

Đến 1631, có thêm hai tài liệu của Alexandre de Rhodes. Ngày 16.1.1631 ông viết một bức thư gửi linh mục Nuno Mascarenhas ở La Mã, trong đó tìm thấy có một chữ phiên âm Thinhũa (Thanh Hóa). Một bản văn khác thuật lại từ lúc ông cùng linh mục Pedro Marques tới cửa Bạng (Thanh Hóa) ngày 19.3.1627 cho đến lúc linh mục Antonio F. Cardin đến Thăng Long ngày 15.3.1631 (chuyến đi ấy có các linh mục Gaspar de Amaral, André Palmeiro, Antonio de Fontes). Tài liệu 2 trang rưỡi này viết trên giấy khổ 16 cm x 23 cm, có phiên âm mấy chữ Sinoa (Xứ Hóa - Thuận Hóa), Anná (An Nam), Sai (Sãi), Mía (Mía - nhà tạm trú). 

Những tài liệu phiên âm trên cho thấy sự manh nha hình thành chữ Quốc Ngữ từ 1621 đến năm 1631. Trong mười năm đó, việc phiên âm không mấy tiến triển, chưa được thống nhất, chẳng hạn như danh từ Xứ Hóa được phiên âm khác nhau: Sinoa (Jão Roig 20.11.1621), Sinua, Sinuâ, Sinoá (Antonio de Fontes 01.01.1626), Sinoa (Alexandre de Rhodes1631), danh từ Ông Nghè: Omgne (Cristoforo Borri 1618 - 1621), Ungne (Jão Roig 20.11.1621), Ongne, Ungué (Gaspar Luis 12.12.1621), Unghe (Gaspar Luis 01.01.1626), Onghe (Antonio de Fontes 01.01.1626). 

2.4. Giai đoạn phiên âm chữ Quốc ngữ có dấu 

* Gaspar de Amaral (1592 - 1645) 

Giai đoạn này bắt đầu từ năm 1632 với những phiên âm có phương pháp của Gaspar de Amaral. Ông sinh năm 1592 tại Bồ Đào Nha, giáo sư dạy văn, triết học, thần học tại các học viện và Đại học Evora, Braga, Coinbra ở Bồ Đào Nha, gia nhập Dòng Tên ngày 01.7.1608. Năm 1623 đến Ma Cao. Tháng 10.1626 cùng thầy Paulus Saito người Nhật (1577 - 1633) đến Đàng Ngoài. Tháng 5.1630 cả hai cùng với linh mục Alexandre de Rhodes và Pedro Marques về Ma Cao. Ngày 18.02.1631, Gaspar cùng 3 linh mục khác là André Palmeiro, Antonio de Fontes và Antonio F. Cardim từ Áo Môn đáp tàu Bồ Đào Nha đến cửa Bạng (Thanh Hóa) cập bến ngày 15.3.1631, rồi ra đến Kẻ Chợ (Thăng Long). Sau đó linh mục Palmeiro và Fontes trở về Áo Môn còn Amaral và Cardim ở lại tiếp tục truyền giáo tại Đàng Ngoài. Năm 1638, linh mục Amaral được gọi về giữ chức Viện trưởng Viện Thần học tại Ma Cao. Năm 1641 được cử làm Phó Giám tỉnh Dòng Tên hai tỉnh Nhật Bản và Trung Hoa (gồm các nước Nhật, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Hoa gồm Ma Cao, Quảng Đông, Quảng Tây). Năm 1645, ông đáp tàu từ Ma Cao trở lại Đàng Ngoài, khi đến gần đảo Hải Nam tàu bị đắm, ông chết đuối ngày 23.12.1645. 

Trong 7 năm ở Đàng Ngoài, Gaspar de Amaral để lại 2 tài liệu liên quan đến chữ Quốc ngữ. Tài liệu thứ nhất viết bằng chữ Bồ tại Thăng Long ngày 31.12.1632 nhan đề Annua do reino de Annam do anno de 1632, pera o Pe André Palmeiro de Compa de Jesu, Visitator das Provincias de Japan, e China (Bản tường trình hàng năm về nước An Nam năm 1632, gửi cha André Palmeiro, Dòng Tên, giám sát các tỉnh Nhật Bản và Trung Hoa). Tài liệu thứ hai viết 5 năm sau cũng bằng chữ Bồ tại Thăng Long ngày 25.3.1637 có nhan đề Relacam dos Catequista da Christamdade de Tumk e seu modo de proceder pera o Pe Manoel Dias, Vissitador de Jappão e China (Tường thuật về các thầy giảng của Giáo Đoàn Đàng Ngoài và về cách thức tiến hành của họ, gửi cha Manoel Dias, giám sát Nhật Bản và Trung Hoa). Tài liệu thứ nhất còn lưu trữ tại văn khố Dòng Tên La Mã, tài liệu thứ hai hiện nay thuộc Văn Khố Hàn lâm Viện Sử học Hoàng gia Madrid Bồ Đào Nha. Trong cả 2 tài liệu có một số chữ viết giống y như chữ Việt bây giờ: đức, chúa Thanh Đô, thầy, Nghệ An, lạy, định… 

Từ tài liệu của Gaspar Luis năm 1621 đến tài liệu thứ nhất của Gaspar de Amaral năm 1632 chỉ cách nhau 11 năm nhưng cách ghi âm đã tiến bộ vượt bậc, từ chữ không có dấu sang chữ có dấu. Đóng góp của Gaspar rất quan trọng cho việc hình thành chữ Quốc ngữ. Alexandre de Rhodes đã nhờ phương pháp phiên âm và dựa vào quyển Từ điển Bồ Đào Nha - An Nam của Gaspar để soạn quyển Từ điển Việt - Bồ - La. 

* Antonio Barbosa (1594 - 1647) 

Antonio sinh năm 1594 tại Ville de Arrifana de Sonza Bồ Đào Nha, gia nhập Dòng Tên ngày 13.3.1624. Năm 1629 được cử đến truyền giáo ở Đàng Trong. Tháng 4.1636 ra Đàng Ngoài truyền giáo, đến tháng 5.1642, vì lý do sức khỏe, ông phải trở về Ma Cao nghỉ ngơi. Do tình trạng sức khỏe không được tốt hơn sau một thời gian tĩnh dưỡng, ông rời Ma Cao đi Goa (Ấn Độ) và từ trần trên đường đi năm 1647. 

Mặc dù quyển từ điển chép tay của Antonio không được tìm thấy và ông không để lại tài liệu nào về chữ Quốc ngữ, nhưng Alexandre de Rhodes đã cho biết “Tôi lợi dụng công việc của các giáo sĩ khác cũng thuộc Dòng Tên, nhất là của Gasparo d’Amiral và Antonio de Barbosa. Cả hai ông này, mỗi ông đều làm một cuốn từ điển. Ông Gasparo d’Amiral làm cuốn Annamiticum - Lusitanium, ông Antonia de Barbosa làm cuốn Lusitanum - Annamiticum. Nhưng tiếc rằng cả hai ông đều chết sớm. Tôi lợi dụng công trình của cả hai ông viết ra cuốn từ điển mới, có chứa thêm tiếng Latinh, mục đích để giúp người bản xứ học tiếng Latinh theo lệnh của các Đức Hồng Y”. 

* Alexandre de Rhodes (1591 - 1660) 

Alexandre de Rhodes (Alexandre de Rhores) là một người có năng khiếu về khoa ngôn ngữ. Ông sinh ngày 15.3.1591 tại Comtat Venaissin, tỉnh Avignon, miền Nam nước Pháp, gốc Do Thái, ông nội của ông di cư từ Tây Ban Nha sang Pháp vào giữa thế kỷ XVI, cha ông là Benadin II de Rhodes, một thân hào nhân sĩ trong vùng. Ông gia nhập Dòng Tên (Ordes des Jésuites) ngày 14.4.1612, học về thần học và toán ở học viện Saint André du Quirinal, thụ phong linh mục tại La Mã năm 1618, cùng năm được gửi đi truyền giáo ở Đông Nam Á. Ông đến Lisbonne rồi đáp tàu đi Ma Cao ngày 04.4.1619. Vì ghé qua Goa (Ấn Độ) nên ngày 29.5.1623 mới đến Ma Cao. Ông sang Việt Nam truyền đạo trong vòng sáu năm (1624 - 1630), trong thời gian này ông đã nghiên cứu kỹ lưỡng và hiểu rõ lịch sử, phong tục, tập quán của người Việt. Tháng 12.1624 ông được xung vào Giáo Đoàn Đàng Trong, đặt chân lên Việt Nam tại Đà Nẵng cùng với các linh mục Gabriel de Mattos và một giáo sĩ Nhật. Alexandre de Rhodes đến dinh trấn Thanh Chiêm thuộc Quảng Nam, hiện có linh mục Francisco de Pina và Antonio de Fontes (đến Đàng Trong tháng 12.1624). Tại đây, giáo sĩ Francisco de Pina dạy ông tiếng Việt. Trong vòng 4 tháng ông thông hiểu và sau 6 tháng, giảng đạo mạch lạc bằng tiếng Việt, nhờ vậy ông được cử ra Đàng Ngoài giúp Julien Baldinotti (chưa nói được tiếng Việt) lập giáo đoàn mới. Tháng 7.1626 ông rời Đàng Trong về Ma Cao một thời gian rồi trở lại Việt Nam. Ngày 19.3.1627, ông cùng linh mục Pierre Marquez đến cửa Bạng (Thanh Hóa) yết kiến Thanh Đô Vương Trịnh Tráng (1623 - 1657), sau đó ra Bắc giúp lập Giáo Đoàn Đàng Ngoài. Sau 3 năm ông đào tạo được nhiều môn đồ, cũng vì vậy bị chúa Trịnh trục xuất vào tháng 5.1630, phải trở về Ma Cao. 

Từ 1630 - 1640, Alexandre de Rhodes dạy thần học ở Học viện Thần học Ma Cao. Năm 1640 được cử đến Đàng Trong làm Bề Trên thay thế linh mục Buzomi vừa từ trần tại Quảng Nam. Ngày 03.7.1645 bị bắt buộc phải rời cơ sở truyền giáo Thanh Chiêm theo lệnh của quan Cai Bộ thi hành án lệnh trục xuất các giáo sĩ của chúa Nguyễn. Kể từ đó, ông rời hẳn Việt Nam trở lại Ma Cao dạy tiếng Việt ở Học viện Thần học. Ngày 20.12.1645 ông đáp tàu từ Ma Cao đi châu Âu nhằm mục đích vận động thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam. Ngày 16.11.1654 Tòa Thánh La Mã cử Alexandre de Rhodes làm Bề Trên của phái đoàn truyền giáo Ba Tư, ông đáp tàu từ Marseille đến Ispahan thủ đô Ba Tư vào đầu tháng 11.1655. Ông từ trần tại đây vào ngày 05.11.1660. Alexandre de Rhodes để lại hai tài liệu về chữ Quốc ngữ vào năm 1625 và 1631 như đã đề cập ở phần trên. Những năm sau ông để lại ba tài liệu khác viết vào các năm 1636, 1644, 1647. Tài liệu năm 1636 viết tay có nhan đề Tunchinenois Historiae libri duo quorum altero status temporalis hujus Regni, altero mirabiles evangelicae praedications progressus refuruntur. Coeptae per Patres Societatis Jesu, ab Anno 1627 ad Annum 1636” (Lịch sử Đàng Ngoài và những bước tiến triển lớn lao mà phúc âm rao giảng đã làm ở nước này để cải hóa lương dân, từ năm 1627 đến năm 1636). Bản này ghi bằng chữ Latinh gồm 2 quyển, lưu trữ tại Văn khố Dòng Tên ở La Mã. 

Tài liệu năm 1644, Alexandre de Rhodes viết bằng chữ Bồ tại Thanh Chiêm, nhan đề Relacão do glorioso Martirio de Andre Cathequista Protomartir de Cochinchiana alanceado, e degolado em Cachão no 26 de Julho de 1644 Tendo de Idade dezanove annos (Tường thuật cuộc tử đạo vinh hiển của Thầy Giảng An - Drê, vị tử đạo đầu tiên ở Đàng Trong, bị đâm chém tại Kẻ Chàm ngày 26.7.1644 lúc 19 tuổi), tài liệu này có những câu phiên âm tiếng Việt với vài dấu thí dụ như: “Giũ nghĩa cũ d chúa Jesu cho den het hoy, cho den blon doy” (Giữ nghĩa cùng Đức Chúa Jesu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời). 

Tài liệu năm 1647 Alexandre de Rhodes viết bằng tiếng Latinh tại Macassar ngày 04.06.1647 có nhan đề “Alexandre Rhodes è Societate jesu terra marique decẽ annorũ Itinerarium” (Cuộc hành trình mười năm trên bộ, dưới biển của Alexandre de Rhodes thuộc Dòng Tên). 

Có người cho Alexandre de Rhodes sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, nhưng thực ra đó là công của nhiều nhà truyền giáo sang Việt Nam trước ông. Tuy nhiên, ông là người có công rất lớn trong việc xây dựng chữ Việt, kế tục công trình của các tu sĩ Dòng Tên Francisco de Pina, Gaspar de Amaral và Antonio Barbosa. Alexandre de Rhodes đã cho xuất bản Lịch sử xứ Bắc Kỳ (bằng tiếng Latinh, bản dịch bằng Pháp văn), Từ điển Việt - Bồ - La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) soạn trong khoảng 1645 - 1649 được linh mục F. Piccolomineus Bề Trên Cả Dòng Tên cho phép xuất bản ngày 05.02.1651. Sau đó, Bài giảng Giáo lý tám ngày (Cathechismus) bằng Quốc ngữ Latinh đối chiếu, được soạn trong khoảng 1649 - 1651, cuốn này được linh mục Gosswinus Nickel quyền Bề Trên Cả cho phép xuất bản ngày 08.7.1651. Vì vai trò quan trọng trong công cuộc truyền giáo nên phiên họp các hồng y và giáo hoàng ngày 02.10.1651 đã quyết định ra lệnh cho nhà in Bộ Truyền giáo ngưng các ấn phẩm khác để in gấp quyển Cathéchismus kịp phổ biến trong giới tông đồ. 

Từ điển Việt - Bồ - La cùng với quyển bài giảng Giáo lý Tám ngày là hai quyển sách bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên in ở La Mã năm 1651 do Hội Truyền giáo La Mã (Đức Giáo hoàng Urbain XIII thành lập năm 1627) đúc chữ Quốc ngữ lần đầu tiên và ấn hành năm 1651. Riêng cuốn từ điển ta có thể coi như là giấy khai sinh chính thức của chữ Quốc ngữ. Alexandre de Rhodes đã ấn định hình dạng và liệt kê các chữ Quốc ngữ, mẹo luật về chữ cái, âm, thanh, tự loại, nguyên tắc cú pháp… Ông đã sử dụng những kiến thức về tiếng Việt thu nhận được từ người thầy của mình là giáo sĩ Francisco de Pina và dùng quyển Từ điển Bồ Đào Nha - An Nam của giáo sĩ Antonio Barbosa và quyển Từ điển An Nam - Bồ Đào Nha của Gaspar de Amaral làm tài liệu tham khảo căn bản trong việc soạn thảo. 

* Pierre-Joseph-Georges Pigneau de Béhaine (1741 - 1799) 

Pierre-Joseph-Georges Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc), sinh năm 1741 ở Origny en Thiérache, nước Pháp, giám mục d’Adran, tốt nghiệp Trường Thầy Dòng của Hội Truyền giáo ngoại quốc (Société des Missions Étrangères, được thành lập ở Paris năm 1663). Năm 1765 thụ phong linh mục và được xung vào Giáo Đoàn Đàng Trong. Học viện của Hội Thừa Sai lúc này đã rời từ Miến Điện (Myanmar) đến Cần Cai (Hòn Đất), phía tây Hà Tiên. Ông được cử làm Quản đốc và giảng dạy ở Trường Thầy Dòng này từ năm 1767 đến cuối năm 1769. Trong năm 1768 ông cùng với linh mục Artaud và một linh mục Trung Hoa bị cáo buộc đã tiếp rước và giúp một ông hoàng Xiêm (Thái Lan) có tội trốn thoát về lối Nam Vang (Phnom Penh - Campuchia). Ông bị bắt bỏ tù và mang gông rất cực khổ trong hai tháng, sau mới được thả. Cuối năm 1769 dân Miên (Campuchia) ở Hà Tiên nổi loạn cướp phá Học viện, ông phải đi lánh nạn tại chủng viện Virampatnam gần Pondichéry thuộc Ấn Độ, nhân chưa được khỏe nên ở lại đây dưỡng bệnh. Trong thời gian này ông nghiên cứu về Khổng Giáo và soạn được ba tác phẩm mà quyển có giá trị nhất là Từ điển Việt - Latinh (Dictionarium Annamiticum - Latinum), nhưng tiếc thay chưa kịp in thành sách thì bản chính bị tiêu hủy trong vụ hỏa hoạn tại nhà Chung ở Cà Mau năm 1778. Còn hai quyển kia thì một là Thánh giáo yếu lý Quốc ngữ (Catéchisme Cochinchinois) viết bằng chữ Nôm, bài tựa bằng chữ Hán (in tại Quảng Đông năm 1774), và một quyển nữa là Từ điển Hoa - Việt - La (Dictionaire Chinois - Annamite - Latin). Năm 1771 giám mục Piguel mất, ông được cử thay thế. 

Tháng 10.1777, ông gặp Nguyễn Ánh (Nguyễn Phúc Ánh) trên đường trốn chạy sự lùng bắt của quân Tây Sơn. Cuối năm 1784, Nguyễn Ánh gặp lại Bá Đa Lộc ở cù lao Poulo Panjang (đảo Thổ Chu), sau khi bàn tính, nhờ đem Hoàng tử Cảnh cùng Quốc ấn, lá thư riêng gửi vua Louis XVI, và một lá quốc thư sang Pháp cầu viện. Bá Đa Lộc thay mặt Nguyễn Ánh ký với Pháp Hiệp ước Versailles ngày 28.10.1788, nhưng sau vì nhiều lý do hiệp ước đã không được thi hành. Sau đó, Bá Đa Lộc tự xuất tiền mộ lính, mua khí giới, tàu chiến rồi trở về Gia Định ngày 21.7.1789 giúp Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn. Từ đây Bá Đa Lộc bày mưu tính kế, giữ văn thư và thường theo đi đánh trận. Năm 1799 theo Nguyễn Ánh ra đánh thành Quy Nhơn, nhưng trong lúc đang vây thành ông bị bạo bệnh mất, hưởng dương 58 tuổi. 

Nhờ sự giao thiệp mật thiết giữa giám mục Bá Đa Lộc và Nguyễn Ánh mà việc truyền đạo của Giáo Đoàn Đàng Trong được dễ dàng, nhất là trong thời kỳ Nguyễn Ánh còn ở Gia Định. Các thừa sai đã biết lợi dụng hoàn cảnh thuận tiện này để củng cố và phát triển đạo Thiên Chúa ở Đàng Trong. Chủng viện được dựng lên ở Cà Mau và Hà Tiên, Giáo Đoàn Đàng Trong được khuếch trương mạnh mẽ, nhờ số tín đồ mỗi ngày một đông nên số người biết đọc biết viết chữ Quốc ngữ càng nhiều, tất nhiên chữ Quốc ngữ nhờ đó được dịp sử dụng và phát triển, “Bá Đa Lộc cũng là người đầu tiên nhận lại quyển từ điển của Alexandre de Rhodes, sửa những chữ phiên âm sai và thêm nhiều chữ mới. Tuy nhiên, trận hỏa hoạn tại Chủng Viện Cà Mau năm 1778 đã thiêu hủy một phần lớn công trình này”.7 

* J.L.Taberd (1791 - 1840) 

J.L.Taberd, giáo sĩ Dòng Sai, sinh năm 1791 tại Saint Etienne nước Pháp, mất năm 1840 tại Calcutta (Ấn Độ). Thụ phong linh mục năm 1817, năm 1820, đời vua Minh Mạng, ông sang Việt Nam trên cùng một chuyến tàu với J.B. Chaigneau. Khi Bá Đa Lộc mất, Labartetti (1799 - 1823) thay thế. Đến khi Labartetti chết, Taberd được cử giữ chức Giám mục Giáo Đoàn Đàng Trong vào năm 1827, lúc đó nhà Chung ở Lái Thiêu (Bình Dương). 

Năm 1833 khi Lê Văn Khôi, con nuôi Tả Quân Lê Văn Duyệt dấy binh, ông phải tạm lánh nạn qua Xiêm (Thái Lan). Tại đây vua Xiêm nhờ ông kêu gọi giáo dân người Việt chống đối vua Minh Mạng để làm hậu thuẫn cho quân Xiêm sang đánh Việt Nam. Ông từ chối, về trú ngụ tại Chủng viện Penang (Malaysia). Quân Xiêm bị quân ta đánh bại tại Hà Tiên và Châu Đốc nên phải rút về do đó vua Xiêm không ưa ông, còn vua Minh Mạng thì lại nghi ông sang Xiêm cầu viện để giúp Lê Văn Khôi. Tuy ông có gửi một lá thư minh oan đề ngày 16.7.1834 đăng trên tờ Singapore Chronicle, nhưng vì thấy không thể nào trở lại Gia Định được nữa nên ông bàn giao chức vụ cho Cuénot ở Singapore năm 1835. 

Sau đó ông sang Bengale (Ấn Độ) trú ngụ tại Chủng viện Sérampore. Tại đây ông dùng những tài liệu đã thu thập được trong thời gian làm Giám mục Giáo Đoàn Đàng Trong để phục dựng quyển từ điển của Bá Đa Lộc đã bị cháy do hỏa hoạn, rồi vận động Hội Société Asiatique du Bengale nhờ xuất bản Từ điển An Nam - Latinh (Dictionarium Annamitico - Latinum) thường được gọi là Nam Việt dương hiệp từ vựng, và quyển Từ điển Latinh - An Nam (Dictionarium Latino - Annamiticum). Hội này không đủ tiền in nên khuyên ông nhờ chính quyền Bengale giúp. 

Sau hai năm Taberd vận động tích cực, kết quả Lord Aukland chịu ứng tiền đặt mua 100 bộ nhưng đòi ông phải thêm phần tiếng Anh để thương gia và thủy thủ có thể dùng được và nhà cầm quyền Bengale sẽ mua hết phần phụ lục tiếng Anh đó. Vì vậy trong quyển Từ điển Latinh - Việt, ông thêm phần phụ lục dày 135 trang bằng bốn thứ tiếng Anh, Pháp, Latinh, Việt (Appendix ad Dictionarium Latino-Annamiticum). Sách in xong năm 1838, bản gỗ do chính Taberd sửa chữa, trong đó mỗi chữ Việt đều có cho thêm chữ Nôm. Từ điển này của Taberd gồm 46 trang văn phạm, 620 trang từ điển, 52 trang về hoa quả của Nam Việt (Hortus floridus Cocincinoe) với bản kê các chữ Nôm trong từ điển sắp xếp theo các “bộ” và “số nét”. 

Về sau hai quyển từ điển của Taberd lại được hai giáo sĩ Théreul và Leserteur, sau khi thêm một số chữ được dùng ở Bắc Kỳ, đã cho tái bản lần thứ nhất ở trong nước (in tại Ninh Phú năm 1877). Nam Việt dương hiệp từ vựng của Taberd không những hoàn hảo hơn quyển tự điển của Alexandre de Rhodes mà còn được sử dụng làm gốc cho các quyển từ điển in sau này như Dictionaire Élémentaire Annamite Francais của Legrand de la Liraye in năm 1868, Dictionarium Latino-Amamiticum của Ravier in năm 1880, Petit Dictionaire Francais - Annamite của Trương Vĩnh Ký xuất bản vào năm 1884 (bản in nhà Chung Sài Gòn, sách dày 1.192 trang). 

2.5. Nguyễn Văn Vĩnh và sự truyền bá chữ Quốc ngữ 

Nguyễn Văn Vĩnh, sinh ngày 15.6.1882 tại làng Phượng Vũ, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Ông là con đầu của ông bà Nguyễn Văn Trực, một gia đình nông dân rất nghèo. Hồi đó chưa có công trình thủy nông Đồng Quan cả vùng quanh năm ngập nước, cánh đồng chiêm chỉ cấy lúa được mỗi năm một vụ, nên nhiều dân làng phải bỏ lên tỉnh sinh sống. Gia đình ông Trực cũng phải rời quê ra ở nhờ nhà người bà con bên ngoại tại số 46 phố Hàng Giấy - Hà Nội, lại thêm đông con (7 người, 2 trai, 5 gái) nên không thể lo chu đáo sự học của các con được. Thời gian này Nguyễn Văn Vĩnh được theo học chút ít chữ Nho. 

Năm 8 tuổi, Nguyễn Văn Vĩnh được cha xin cho chân kéo quạt ở lớp đào tạo thông ngôn Pháp mở ở đình làng Yên Phụ - Hà Nội do D’Argence là hiệu trưởng kiêm giảng viên. Ngồi cuối lớp vừa kéo 2 hàng quạt liền nhau, vừa tò mò nghe lỏm bài giảng, Nguyễn Văn Vĩnh ghi nhớ lời dạy và trả lời được các câu hỏi của thầy trong khi các học trò trong lớp còn lúng túng. Thầy D’Argence thấy vậy bèn cho thi thử khi kết thúc niên học năm 1893, không ngờ Nguyễn Văn Vĩnh đỗ hạng 12 trên sĩ số 40 học sinh. Thầy D’Argence thương tình đặc cách xin học bổng và cho chính thức vào khóa đào tạo thông ngôn Tòa Sứ. Năm 1896 khi 14 tuổi, Nguyễn Văn Vĩnh đỗ thủ khoa, được bổ về Tòa Sứ Lào Cai làm thông ngôn cho đoàn chuyên gia Pháp nghiên cứu chuẩn bị thiết lập đường xe lửa Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Vân Nam. Khi đoàn dời về Hải Phòng để chuẩn bị vật liệu xây dựng đường sắt, ông cũng được chuyển về Kiến An (Hải Phòng) theo họ (1897 - 1901). Lúc này cảng Hải Phòng đang được người Pháp mở mang, Nguyễn Văn Vĩnh phải giúp tiếp nhận vật liệu, hướng dẫn việc bốc dỡ hàng hóa vào kho nên hàng ngày tiếp xúc với thủy thủ ngoại quốc. Nhân đó ông học và thông thạo thêm tiếng Anh và tiếng Hoa. Năm 1902, ông làm trợ lý cho Công sứ Pháp tỉnh Bắc Ninh, công việc sau cùng của ông là thông ngôn tòa Đốc lý Hà Nội. 

Năm 1906, Nguyễn Văn Vĩnh được cử vào phái bộ sang Pháp dự hội chợ đấu xảo (Foire d’Exposition) ở Marseille. Tại đây, ông có dịp giao tiếp với nghề in và báo chí. Gian hàng của Bắc Kỳ ngay cạnh gian hàng của báo Petit Marseillais. Ông chủ báo này muốn quảng cáo cho báo mình nên đã mang nguyên xưởng máy, tòa soạn, trị sự vào trường đấu xảo. Hàng ngày máy in chạy ầm ầm, phóng viên mang tin ra vào tới tấp. “Ông đâm mê nghề báo nên hàng ngày sang hỏi chuyện ông chủ báo, chú tâm nghiên cứu, học hỏi”.8 Cũng trong thời gian này ông gia nhập Hội Nhân quyền Pháp và là hội viên người Việt Nam đầu tiên. Trở về nước, ông từ bỏ cuộc đời công chức, ra làm báo, mở nhà in, kinh doanh và hoạt động chính trị. Năm 1907 là chủ bút Đồng văn nhật báo, cũng năm này cùng Đỗ Thận lập tờ Đăng cổ tùng báo (số đầu tiên ra ngày 28 tháng 3.1907), tờ báo đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ ở Bắc Kỳ. Năm 1908 chủ trương ra tờ Notre Journal (1908 - 1909). Năm 1910, ra tờ Notre Revue (được 12 số), cũng năm này ông làm chủ bút Lục tỉnh tân văn ở Sài Gòn (do Schneider lập ra). Năm 1913, chủ bút Đông Dương tạp chí (tuần báo, số đầu ra ngày 15.5.1913). Năm 1915, ông biên tập cho tờ Trung Bắc tân văn (do Schneider thành lập). Năm 1919, chủ nhiệm Học Báo (Đông Dương tạp chí đổi tên), cùng năm này, Schneider già yếu rút lui, ông mua lại và đổi thành nhật báo. Năm 1927, ông cùng Vayrac lập tủ sách Đông Tây tư tưởng (La Pensée de l’Occident) in các sách ông dịch thuật. Từ 1931 - 1934, là chủ nhiệm kiêm chủ bút Annam Nouveau. 

Ông là người đầu tiên dịch ra chữ Quốc ngữ tác phẩm của các văn hào Pháp như: Balzac, Victor Hugo, Alexandre Dumas, La Fontaine, Molière... và là người đầu tiên dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp. Bản dịch của ông rất đặc sắc vì còn thêm phần dịch nghĩa từng chữ và các điển tích liên hệ, một điều chỉ người am hiểu sâu xa văn chương Việt, Trung và Pháp mới có thể làm được. “Ông giảng dạy và là hội viên hoạt động tích cực của hai học hội lớn Trí Tri và Khai Trí Tiến Đức”.9 Về hoạt động chính trị, ông làm hội viên nhiều khóa liên tiếp của Hội đồng Thành phố Hà Nội, từ 1913 là hội viên Tư vấn Bắc Kỳ (tương tự Viện dân biểu), có chân trong Đại hội nghị Kinh Tài Đông Dương (cơ quan tư vấn tối cao của chính phủ Đông Pháp). Ngoài ra, ông còn là người của Hội Nhân quyền Quốc tế tại Việt Nam (Ligne des Droits de l’Homme), Hội Tam điểm Quốc tế (Franc Maconnerie)… 

Vì ông dịch ra Pháp văn bài Đầu Pháp chính phủ thư của Phan Châu Trinh và cho đăng tải trên Đăng Cổ Tùng Báo nên Phan Chu Trinh bị bắt. Ông nhân danh thành viên Hội Nhân quyền cùng 4 người Pháp ký đơn xin ân xá. Ông lên tiếng phản đối chính sách hà khắc của Pháp đối với thuộc địa, ông là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất hai lần từ chối Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh của chính phủ Pháp ban tặng. Từ 1934 - 1935, sau cuộc khủng hoảng kinh tế, công việc kinh doanh in ấn bị lỗ nên thiếu tài chính hoạt động, nợ nần chồng chất, báo của ông vỡ nợ, gia sản bị tịch biên. Ông cùng một người Pháp tên Clémenti sang Lào tìm khai mỏ vàng. 

Hành trình gian khổ, lần đầu ông chịu được nhưng đến lần sau bị bệnh kiết lỵ. Ông từ trần ngày 02.5.1936, hưởng dương 54 tuổi. Người ta tìm thấy xác ông nằm trong chiếc thuyền độc mộc trên một dòng sông ở Tchépone, trong tay vẫn còn nắm chặt cây bút và quyển sổ ghi chép thiên ký sự viết dở dang bằng tiếng Pháp “Một tháng với những người đi tìm vàng”. Linh cữu ông được đưa về Hà Nội mai táng. Khi chuyến xe chở quan tài mang thi hài ông về đến ga Hàng Cỏ hàng ngàn người dân đứng chờ đón trong sự yên lặng trang nghiêm và luyến tiếc. Đám tang của ông có đông đảo làng báo Bắc Kỳ đi sau linh cữu và tặng ông danh hiệu “Thủy tổ nhà báo nước ta”. Sau khi ông mất, Phan Khôi trong một bài viết đã cho rằng ông xứng đáng là một trang hào kiệt mang danh hiệu “Kẻ sĩ hào kiệt”.10 

Trong 20 năm làm báo Nguyễn Văn Vĩnh vừa viết bài, vừa trông nom quản trị. Ông không chỉ làm báo mà còn đi rộng vào nghề in và xuất bản. Lúc đầu ông được 2 người Pháp giúp kinh nghiệm là Dufour và Schneider. Ngay khi làm tờ Đăng cổ tùng báo ông cùng Dufour lập nhà in, ấn hành bộ Tam quốc chí do Phan Kế Bính dịch. Năm 1919 mua lại cơ sở ấn loát của Schneider in truyện, dịch thơ ngụ ngôn của ông và các tác phẩm của Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục. Những sách này cũng là những ấn phẩm đầu tiên của nước ta ở Bắc Kỳ lúc đó. Vì vậy, Nguyễn Văn Vĩnh là người mở đường cho ngành ấn loát và xuất bản. Cho đến đầu thế kỷ XX báo chí còn rất xa lạ với người dân. Ngoài Bắc chỉ có 2 tạp chí bằng tiếng Pháp của chính quyền bảo hộ, tờ Avenir du Tonkin và Courier de Haiphong. Đến 1890 Nha Kinh Lược với sự chấp thuận của Toàn quyền De Lanessan mới cho xuất bản tờ Đại Nam đồng văn bằng chữ Nho chuyên đăng tải công văn và chỉ dụ của chính phủ. Năm 1905, Babut, người Pháp, ra Việt tân báo ở Hà Nội do Đào Nguyên Phổ làm chủ bút, nhưng cũng chỉ chú trọng vào phần chữ Hán. 

Trước 1913 chỉ là giai đoạn học chữ Quốc ngữ, từ khi Đông Dương tạp chí ra đời mới là giai đoạn dùng chữ Việt để viết câu văn. Trước đó báo chí ngoài Bắc chỉ nhằm mục đích thông tin, từ Đông Dương tạp chí mới thiên về văn hóa và tạo ra nhiều nhà văn sau này. Ông quy tụ được những cây bút có tiếng, gây được phong trào yêu mến quốc văn trong giới thanh niên trí thức đương thời. Theo ông, việc học quốc ngữ là một sự “Bất đắc bất nhiên”11, là việc sống chết của nước ta. Sống chết vì đó là cây cầu bắc sang văn minh phương Tây, đưa tới duy tân tiến bộ, sinh lộ thoát khỏi lao lung Hán học phong kiến tối tăm. Ông nói như một lời tiên tri, một niềm tin, một lời nguyền “Nước Nam ta mai sau hay dở cũng ở như chữ Quốc ngữ”.12 

Nguyễn Văn Vĩnh là người rất có công với Quốc văn, không phải vì những tác phẩm dịch của ông, nhưng nhờ tạo nên phong trào quốc văn, đứng chủ trương các cơ quan ngôn luận hô hào, cổ động mọi người học và sử dụng chữ Quốc ngữ vào buổi mà chữ Việt chưa được phổ cập trong quần chúng. Ông không những tranh đấu việc truyền bá và thắng thế cho chữ Quốc ngữ mà còn đề ra chương trình kiến thiết nền văn học mới bằng chữ Việt mà sau đó Phạm Quỳnh và nhóm Nam Phong tạp chí là những người thực hiện con đường mà Nguyễn Văn Vĩnh đã vạch ra. 

3. Kết luận 

Khảo sát nguồn gốc chữ Quốc ngữ trước Alexandre de Rhodes, các nhà nghiên cứu không tìm được nhiều tài liệu. Tài liệu sớm nhất trong giai đoạn Chữ Quốc ngữ không dấu có lẽ là các chữ phiên âm như tài liệu ngày 20.11.1621 của Jão Roig (phiên âm chữ Xứ Hóa là Sinoa), và tài liệu ngày 12.12.1621 của Gaspar Luis (phiên âm chữ ông nghè là Ongne, Ungué) cho thấy lúc đó chữ Quốc ngữ chưa có dấu. Bản điều trần về xứ Đàng Trong (viết bằng chữ Ý, in ở La Mã năm 1631) của giáo sĩ Cristoforo Borri, người Ý, các câu phiên âm tiếng Việt đầu tiên xuất hiện bằng chữ cái La Mã nhưng những chữ này cũng chưa có dấu. 

Giai đoạn Chữ Quốc ngữ có dấu bắt đầu xuất hiện từ 1632 với các bài văn về Thánh Lễ đã có các dấu hỏi, huyền và ngã. Trong bài tường trình hàng năm về nước An Nam của Gaspar de Amaral viết bằng chữ Bồ tại Thăng Long ngày 31.12.1632 gửi cha André Palmeiro, giám sát các tỉnh Nhật Bản và Trung Hoa có những chữ giống như chữ Việt ngày nay. 

Tóm lại, chữ Quốc ngữ là công trình của nhiều giáo sĩ người châu Âu sang truyền đạo ở nước ta, bắt đầu từ giữa thế kỷ thứ 16 mà các giáo sĩ Bồ Đào Nha chắc chắn đã đóng góp rất nhiều trong việc chế tác chữ Việt bằng mẫu tự La Mã, đặc biệt là các linh mục Francisco de Pina, Gaspar de Amaral, Antanio Barbosa. Tuy nhiên, người có công nhiều nhất là Alexandre de Rhodes vì ông đã hệ thống hóa cách thức ghi âm, đưa ra những nguyên tắc căn bản đầu tiên về văn phạm Việt Nam, cùng ấn định hình dạng và liệt kê các chữ cái và các dấu. Quyển Từ điển Việt - Bồ - La và sách Bài giảng Giáo lý Tám ngày của ông là hai tài liệu bằng chữ Quốc ngữ có dấu đầu tiên được ấn hành. 

Chữ Quốc ngữ có đủ mọi giọng trong tiếng Việt là nhờ khi sáng tạo các giáo sĩ người Âu đã căn cứ vào giọng Bắc Kỳ và miền Bắc Trung Kỳ. Tiếng Nam Kỳ và Nam Trung Kỳ có nhiều chỗ sai, nhiều nhà ngôn ngữ học nhận xét là càng xuống miền Nam Trung Kỳ sự sai càng gia tăng. Lý do vì người miền Nam Trung Kỳ phát âm tiếng Việt không đủ giọng bằng người Bắc Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Do đó, khi đặt ra chữ Quốc ngữ chỉ dùng giọng Bắc Kỳ và miền Bắc Trung Kỳ là đủ. “Chữ Quốc ngữ tuy căn cứ vào giọng miền Bắc nhưng bắt đầu được thông dụng, được học tập, được in thành sách lại là công của người miền Nam. Người trong Nam là những người sử dụng chữ Quốc ngữ trước nhất”.13 

Một tình cờ của lịch sử đã đưa các vị giáo sĩ sang truyền đạo ở Việt Nam phát minh ra loại chữ viết cho dân tộc ta, trong đó họ dùng mẫu tự La Mã với âm tiết của ngôn ngữ Bồ Đào Nha để diễn tả tiếng nói của người Việt với ngũ cung trầm bổng như tiếng chim hót. Mục đích ban đầu của chữ Quốc ngữ là để giúp các giáo sĩ giao tiếp với người nước ta bằng chữ viết. Về sau, khi các nhà cai trị Pháp đến Việt Nam, họ chủ trương cắt đứt liên lạc văn hóa nặng về Hán học của người Việt với Trung Hoa, nên cần một thứ chữ thay thế chữ Hán và chữ Nôm. Giải pháp thuận tiện cho họ không gì bằng chữ Quốc ngữ, điều này giải thích được phần nào lý do tại sao người Pháp cho làm nổi bật vai trò của Alexandre de Rhodes. 

Tuy người Pháp có lợi dụng chữ Quốc ngữ để củng cố chế độ bảo hộ ở Việt Nam như phần nhận xét của Lê Ngọc Trụ, Phạm Thế Ngũ và Nguyễn Văn Trung, nhưng nhờ các nhà báo, nhà văn và các nhà yêu nước, chữ Quốc ngữ đã trở thành vũ khí khơi dậy tinh thần quốc gia, dân tộc chống lại sự đô hộ của Pháp. 

Năm 1915 vua Duy Tân ra chỉ dụ bãi bỏ các khoa thi Hương ở Bắc Kỳ. Năm 1918 vua Khải Định ra chỉ dụ bãi bỏ các khoa thi ở Trung Kỳ. Năm 1919 là khoa thi Hội cuối cùng ở Huế, các trường dạy chữ Nho bị bãi bỏ hoàn toàn, thay thế bằng hệ thống trường Pháp - Việt. Ngày 18.9.1924, Toàn quyền Đông Dương Merlin ký quyết định cho dạy chữ Quốc ngữ ba năm đầu cấp tiểu học. Sau gần ba thế kỷ kể từ khi cuốn Từ điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes ra đời, người Việt Nam mới thật sự đoạn tuyệt với chữ viết của Trung Hoa, chính thức chuyển sang dùng chữ Quốc ngữ. 

Từ lúc phôi thai đến khi trưởng thành, thời điểm mà chữ viết của ta tiến tới trình độ cao là những mốc thời gian quan trọng đáng ghi nhớ. Nỗ lực của Nguyễn Văn Vĩnh và Đông Dương tạp chí đã tạo cho chữ Quốc ngữ trở nên phổ biến. Phạm Quỳnh với Nam Phong tạp chí đã đặt nền tảng vững chắc cho văn chữ viết nước ta. Nhất Linh và nhóm Tự Lực Văn Đoàn bằng hai tờ Phong hóa và Ngày nay “Tập đại thành” chữ Việt, hoàn tất giấc mộng của tiền nhân có được thứ chữ viết riêng cho dân tộc mà Hồ Quý Ly, Quang Trung Nguyễn Huệ là những người ấp ủ và khởi xướng. 

Chú thích: 

1. Kinh kỳ (tức Thăng Long - Hà Nội). 

2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Quyển 33, tờ 6b. 

3. Trương Vĩnh Ký, Cours d’Histoire Annamite, Bản in nhà nước, 1875 & 1877. 

4, 6 Jacques, Roland, Portugese Pioneers of Vietnamese Linguistics, 61 - 64, 27. 

5. Dror, Olga ed, Views of Seventeenth-century Vietnam, 36. 

7. Théreul viết Tựa trong tự điển của Taberd được tái bản tại nhà in Ninh Phú năm 1877. 

8. Bài phỏng vấn Nguyễn Văn Vĩnh của báo Tin văn, Số 1 ra ngày 28.7.1935. 

9. Nguyễn Văn Vĩnh làm trưởng ban giảng huấn Pháp văn cho Đông Kinh Nghĩa Thục, đề xướng môn thể thao, lập sân thể dục, mời chủ trường Lương Văn Can cùng ra lập Hội Dịch thuật Bắc Kỳ (1907). 

10. Mạnh Tử nói: Đến như kẻ sĩ hào kiệt thì dù không có Văn Vương cũng dấy lên. 

11. Nguyễn Văn Vĩnh, “Xét tật mình”, Đông Dương tạp chí, Số 7. 

12. Nguyễn Văn Vĩnh viết trong bài "Tựa" của bộ Tam quốc chí do Phan Kế Bính dịch (1907). 

13. Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, 4 tập, Quyển 1, (Hà Nội: Văn học, 1942-1945), 36. 

NGƯỜI NHẬT CÓ LIÊN QUAN SÂU SẮC TỚI QUÁ TRÌNH THIẾT LẬP PHIÊN ÂM TIẾNG VIỆT BẰNG KÝ TỰ LATINH?

Fukuda Yasuo (福田康男)

Có lẽ nếu chỉ đọc nhan đề, phần lớn độc giả chưa hình dung được nội dung của bài viết. Ở bài viết này, tôi xin trình bày vấn đề người Nhật có liên quan sâu sắc tới việc thiếp lập phiên âm tiếng Việt bằng ký tự Latinh. 

Đầu thế kỷ XVII, Nhật Bản đã trở thành vùng được truyền đạo Kitô lớn nhất châu Á. Tuy nhiên, do Mạc phủ Tokugawa rất sợ hãi thế lực châu Âu lan rộng tại Nhật Bản nên đã ra sắc lệnh cấm đạo vào năm 1614. Vì thế, năm sau tức là năm 1615, các nhà truyền giáo đã lựa chọn miền Trung Việt Nam là nơi truyền đạo Kitô thay cho Nhật Bản [Đỗ Quang Chính, 2008b]. 

Khi truyền giáo, cần phải tìm hiểu sâu sắc cả ngôn ngữ. Bởi vậy, các nhà truyền đạo Kitô đã ngay lập tức thử thiết lập hệ thống phiên âm tiếng Việt bằng ký tự Latinh. Việc thiết lập hệ thống phiên âm tiếng Việt bằng ký tự Latinh do Francisco de Pina (1585 - 1625), nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha, khởi xướng thực hiện. Pina từng học ở Áo Môn (Ma Cao) trong những năm 1611 - 1617. Trong thời gian đó, Pina học được cách phiên âm tiếng Nhật bằng ký tự Latinh do Padre Joam Rodriguez chỉ dẫn [Roland Jacques, 2006]. Rodriguez là một nhà truyền đạo Kitô đến truyền giáo tại Nhật Bản, nói tiếng Nhật rất giỏi và là người biên soạn cuốn sách ngữ pháp Arte Breve da Lingoa Iapoa (Đại ngữ pháp tiếng Nhật) vào năm 1608 [Joam Rodriguez, 1993]. Pina đến Hội An, ở miền Trung Việt Nam, vào năm 1617. Sau đó, ông trở thành người nói được tiếng Việt sớm nhất trong các nhà truyền đạo Kitô. Năm 1621, ông đã dạy giáo lý Kitô bằng tiếng Việt [Đỗ Quang Chính, 2008b]. Tiếp theo, trong những năm 1622 - 1623, ông đã phát minh ra cách phiên âm tiếng Việt bằng ký tự Latinh và biên soạn một cuốn sách ngữ pháp tiếng Việt giản đơn [Đỗ Quang Chính, 2008b]. Như vậy, có thể nói việc thiết lập phiên âm tiếng Việt bằng ký tự Latin đã dựa vào việc phiên âm tiếng Nhật bằng ký tự Latinh. 

Tuy nhiên, hầu như người ta chưa biết gì về những thông tin trên, liên quan đến việc thiết lập hệ thống phiên âm tiếng Việt bằng ký tự Latinh. Gần đây, ông Đỗ Quang Chính mới công bố thông tin này vào năm 2008 [Đỗ Quang Chính, 2008b]. Nhưng chúng ta vẫn còn thắc mắc một điều: Tại sao Pina có thể nói giỏi tiếng Việt và lập ra hệ thống phiên âm tiếng Việt bằng ký tự Latinh chỉ trong khoảng 6 đến 7 năm? Giải đáp cho thắc mắc này, tôi cho rằng vì nhờ có sự hỗ trợ từ những người Nhật Bản. Vậy sau đây, chúng ta cùng xác nhận các minh chứng về quá trình thiết lập phiên âm tiếng Việt bằng ký tự Latinh. 

1. Người Nhật ở Hội An 
Danh sách các nhà truyền đạo Kitô
người nước ngoài đến Đàng Trong

Tên

Tên nước

Năm đến 

Francesco Buzomi 

 Napoli (Ý)

1615 

Diego Carvalho 

 Bồ Đào Nha

1615 

António Dias 

Bồ Đào Nha 

1615 

Manuel Barreto 

Bồ Đào Nha

1616 

Francisco de Pina 

Bồ Đào Nha

1617 

Cristoforo Borri 

Ý

 1618 

António Fernandez 

 Bồ Đào Nha

1618 

Miguel Maki 

Nhật Bản 

1618 

Pedro Marques 

Bồ Đào Nha

1618 

José Tsuchimochi 

 Hyuga (Nhật Bản)  

 1620 

Paulo Saito 

Tanba (Nhật Bản)  

1620 

Manoel Fernandez 

 Bồ Đào Nha

 1621 

Domingos Mendes 

 Áo Môn (Ma Cao) 

 1621 

Romão Nishi 

Arima (Nhật Bản)  

 1621 

Năm 1615, các nhà truyền đạo Kitô đầu tiên đến Hội An. Lúc bấy giờ ở Hội An đã hình thành phố Nhật Bản. Chúa Nguyễn (cai quản Đàng Trong) đã trao quyền tự trị khu phố Nhật Bản và cắt cử một người Nhật Bản làm trưởng khu phố. Một ví dụ điển hình là ông Funamoto Yashichiro. Ông sinh ra ở Nagasaki, lớn lên rồi trở thành thương nhân Châu ấn thuyền. Ông được bổ nhiệm làm trưởng khu phố Nhật Bản (ở Hội An) từ năm 1618 [Nguyễn Văn Kim 2003]. Bấy giờ, tất cả người nước ngoài đến Hội An đều do trưởng khu phố người Nhật quản lý [Đỗ Quang Chính, 2008a; Đỗ Quang Chính, 2008b]. 

Từ trước năm 1615, Hội An đã có nhiều người Nhật Bản sinh sống. Theo một tư liệu, vào đầu thế kỷ XVII, có khoảng 200 - 300 người Nhật sinh sống ở Hội An [Nguyễn Văn Kim 2003]. Và theo một tư liệu khác, Hội An tiếp nhận ít nhất hơn 500 người Nhật theo đạo Kitô chỉ trong năm 1619 [Gonoi Takashi, 2008 - 2012]. 

Điều đáng chú ý là, trong giai đoạn đầu của quá trình truyền giáo, số nhà truyền đạo Kitô là người Nhật đứng thứ nhì ở miền Trung Việt Nam, chỉ sau các nhà truyền đạo Kitô người Bồ Đào Nha. Xem bảng trên, chúng ta thấy các nhà truyền đạo Kitô đến miền Trung Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 1615 đến năm 1621 là 14 người. Trong đó có 4 người Nhật Bản, là Miguel Maki, José Tsuchimochi, Paulo Saito, Romão Nishi [Đỗ Quang Chính, 2008b]. Ngoài ra, còn có thêm 2 người Nhật không được ghi chép trong bảng trên, là những người đi cùng trong đoàn truyền giáo đầu tiên được phái cử (đến Đàng Trong) vào năm 1615. Hai người này là người giúp việc cho linh mục và tu sĩ nên không rõ họ tên [Gonoi Takashi, 2008 - 2012]. 

Khi các nhà truyền đạo Kitô người châu Âu đến Hội An, họ dường như gia nhập vào xã hội Nhật Bản (ở đó). Họ không biết gì về tiếng Việt. Tuy nhiên, khi ấy ở Hội An đã có các phiên dịch. Vì thế, ngay từ ban đầu, họ đã có thể giao tiếp được với người Việt thông qua phiên dịch. Phiên dịch là những người Nhật Bản nói được tiếng Việt và sinh sống lâu năm tại Hội An [Đỗ Quang Chính, 2008a; Đỗ Quang Chính, 2008b]. 2. Các nhà truyền giáo người châu Âu và tiếng Nhật 

Ở đây có một thắc mắc là, ban đầu các nhà truyền đạo Kitô người châu Âu giao tiếp với người Việt thông qua phiên dịch như thế nào? Theo tôi nghĩ, trong số các nhà truyền đạo Kitô người châu Âu, có người biết tiếng Nhật hoặc có các nhà truyền đạo Kitô người Nhật làm trung gian để hỗ trợ giao tiếp. Trong 3 người Bồ Đào Nha thuộc phái đoàn truyền giáo đầu tiên (đến Đàng Trong), có 1 người được nói tiếng Nhật, đó là Diego Carvalho. Trước khi đến Việt Nam, ông đã truyền giáo tại Nhật Bản 6 năm, từ năm 1609 đến năm 1614 [Đỗ Quang Chính, 2008b]. Ngoài ra, như đã nói ở trên, trong phái đoàn truyền giáo đến Đàng Trong vào năm 1615 cũng có 2 người Nhật đi cùng. Ngoài ra, còn có 4 nhà truyền đạo Kitô người Nhật đến miền Trung Việt Nam muộn hơn phái đoàn truyền giáo đầu tiên từ 3 đến 6 năm. Họ biết tiếng Latinh nên có thể nói chuyện với nhà truyền đạo Kitô người châu Âu và có thể giao tiếp với người Việt không cần qua phiên dịch, mà bằng hình thức bút đàm bằng chữ Hán. Như vậy là, nhà truyền đạo Kitô người nước ngoài có người biết tiếng Nhật hoặc các nhà truyền giáo người Nhật biết tiếng Latinh, chính là những người trung gian để hỗ trợ giao tiếp giữa các nhà truyền đạo Kitô người châu Âu với người Việt (bản xứ). 

Tôi muốn xem xét thêm một vấn đề nữa, đó là tại sao Pina nói thạo tiếng Việt trong thời gian ngắn và nói giỏi đến mức có khả năng dạy giáo lý bằng tiếng Việt. Lý do chính có lẽ do ông có năng khiếu học ngoại ngữ. Và chắc hẳn ông rất nhạy cảm với âm thanh. Dù sao, nếu đạt được tới trình độ dạy giáo lý bằng tiếng Việt, Pina không chỉ biết rõ những từ ngữ thông thường mà còn các từ liên quan tới các khái niệm tôn giáo. Ví dụ các từ như: Chiêu hồn, Quan Âm, Thích Ca, Thủy phủ được đăng trong cuốn Từ điển Việt - Bồ - Latin của Alexandre de Rhodes ấn hành năm 1651. Các từ nêu trên (trong cuốn từ điển này) đều được biểu thị bằng chữ Hán. Nếu các nhà truyền đạo Kitô người châu Âu muốn biết chính xác ý nghĩa các từ đó thì cần phải dịch sang tiếng mẹ đẻ (ví dụ tiếng Bồ Đào Nha). Pina cũng vậy. Nhưng ông không biết chữ Hán (hoặc chữ Nôm), trong khi lúc bấy giờ chữ Hán (hoặc chữ Nôm) là chữ viết duy nhất tại Việt Nam. Trong thư báo cáo hoạt động của mình vào năm 1622 - 1623, Pina đã viết rằng mình không biết chữ Hán: “Nếu con có tiền thuê một thầy dạy tiếng nói và dạy chữ viết cho con, thì ngày nay con có thể thành thạo rồi; chính vì lý do đó, lúc này con không biết chữ Hán (và chữ Nôm), và đó là một thiếu sót đáng tiếc; còn về tiếng nói, con chỉ biết được nhờ sự học cào học cấu của chính con” [Đỗ Quang Chính, 2008b]. Nếu không biết chữ Hán thì khó có thể dịch chính xác ý nghĩa từ Hán. 

3. Năng lực chữ Hán và tiếng Latinh của các nhà truyền đạo Kitô người Nhật Bản 

Vậy, Pina làm sao để khắc phục vấn đề không biết chữ Hán? Có lẽ là do các nhà truyền đạo Kitô người Nhật đã giúp đỡ Pina. Bởi vì Miguel Maki, Paulo Saito, Romao Nishi đều rành rõi tiếng Latinh. Họ đều học tiếng Latinh trên 6 năm. Theo bức thư của cấp trên của các nhà truyền giáo này gửi vào năm 1621, Maki và Saito đều (được nhận xét là) có năng lực ưu tú và khả năng tốt về tiếng Latinh [Takase Koichiro, 2001]. Các nhà truyền đạo Kitô người Nhật có hiểu biết sâu về chữ Hán và có năng lực dịch từ Hán văn sang tiếng Latinh một cách chính xác. Trong một bức thư của Pina gửi vào khoảng năm 1622 - 1623, có đoạn văn nói rằng các nhà truyền đạo Kitô người Nhật Bản đã phát huy tốt năng lực dùng tiếng Latinh. Pina nói: “Dù con đã thu thập được nhiều truyện thuộc các loại khác nhau giúp cho những trích dẫn thêm giá trị, hầu xác quyết được ý nghĩa của từ ngữ và quy luật ngữ pháp; tuy nhiên, cho đến nay, con vẫn phải nhờ người ta đọc cho con những truyện đó để con viết sang chữ Bồ Đào Nha, ngõ hầu anh em chúng ta (Kitô hữu) có thể đọc và học thuộc lòng, như học Cicero hay Virgilio” [Đỗ Quang Chính, 2008b]. 

Về lời nói trên, tôi muốn giải thích thêm hai điểm có ghi gạch dưới. Điểm thứ nhất là chữ “người ta”. Có lẽ “người ta” này có hai người. Một người Việt và một người Nhật. Một người Việt là người biết chữ Hán và dạy phát âm tiếng Việt chính xác. Và một người Nhật là một nhà truyền đạo Kitô. Vì chỉ có nhà truyền đạo Kitô người Nhật (mới có khả năng) vừa đọc được Hán văn, vừa hiểu tiếng Latinh. Điểm thứ hai là cụm từ “con viết sang chữ Bồ Đào Nha”. Theo tôi hiểu, Pina cố tình bớt miêu tả một số hành vi. Thực ra, Pina nhờ người Việt đọc chữ Hán và nói phát âm của nó để ghi phiên âm tiếng Việt. Tiếp theo, Pina nhờ người Nhật đọc chữ Hán để nghe ý nghĩa của nó bằng tiếng Latinh. Lúc đó, người Nhật không biết tiếng Bồ Đào Nha nên dịch sang tiếng Latinh. Pina hiểu được nghĩa của từ rồi viết (dịch) sang tiếng Bồ Đào Nha. Làm như vậy, các nhà truyền giáo người châu Âu mới hiểu được từ vựng tiếng Việt một cách chính xác. Chính vì thế, đằng sau lý do Pina trở thành người nói giỏi tiếng Việt đầu tiên trong các nhà truyền đạo Kitô (ở Đàng Trong) là có sự hỗ trợ của người Nhật. Nếu không có sự hỗ trợ người Nhật thì việc ký âm tiếng Việt bằng chữ Latinh sẽ ra đời muộn hơn so với thực tế đã diễn ra trong lịch sử. 

4. Phiên âm tiếng Việt bằng chữ Latinh căn cứ vào chữ Hán 

Tiếp theo, chúng ta cần phải xác nhận là các nhà truyền đạo Kitô người châu Âu xác định cách phiên âm tiếng Việt bằng ký tự Latinh như thế nào. Tại sao đặt ra vấn đề này? Là vì, khi các nhà truyền giáo người châu Âu lần đầu tiên nghe tiếng Việt chắc chắn không biết chỗ tách rời trong các từ có 2 âm tiết. Ví dụ, trong thư báo cáo của nhà truyền giáo Joao Roiz gửi vào năm 1621, ông ấy ghi một số danh từ nhưng không tách biệt giữa các âm tiết như hiện nay: An Nam viết là Annam. Xứ Huế (tức Thuận Hóa) viết là Sinoa. Ông Nghè (tức tiến sĩ) viết là Ungue [Đỗ Quang Chính, 2008a]. Trong tài liệu của nhà truyền giáo Cristoforo Borri viết vào năm 1621 cũng ghi địa danh Qui Nhơn là Quignin [Đỗ Quang Chính, 2008a]. Có lẽ lúc đầu Pina cũng (viết như) vậy. Tuy vậy, sau đó, Pina có phân biệt được chỗ tách biệt giữa từ với từ, hoặc giữa âm tiết với âm tiết, hoặc giữa một chữ với một chữ. Vì sao chúng ta biết được điều Pina đã thay đổi nhận thức? Tại vì lối viết chính tả có tách biệt giữa từ và từ trong những danh từ có 2 âm tiết đã xuất hiện trong thư của học trò của Pina. Học trò của Pina tên là Antonio de Fontes. Ông đã ghi chép địa danh Bến Đá là Bến Đá, Dinh Chàm là Dinh Cham vào tháng 01.1626. Antonio de Fontes đến miền Trung Việt Nam vào tháng 12.1624 và cùng với Rhodes để học tiếng Việt với Pina [Đỗ Quang Chính, 2008a]. Ông đã viết bức thư nói trên ngay sau khi Pina bị chết đuối ở ngoài khơi cửa biển Đà Nẵng vào tháng 12.1625 nên có thể coi Fontes đã thừa kế cách ghi chép của Pina. 

Vậy tại sao Pina biết được chỗ cách trong danh từ 2 âm tiết? Theo tôi hiểu, ông đã dựa vào chữ Hán, và học hỏi cách phiên âm và ý nghĩa của từ. Hiểu rõ các từ rồi thì có thể quay lại cấu thành các từ để xác định rõ chỗ tách biệt giữa từ với từ. Công việc này chắc hẳn có sự tham gia của người Nhật. Vì người Nhật biết rất rõ chữ Hán. Sau khi tách từ, ông dùng cách phiên âm tiếng Nhật Bản và tiếng Trung Hoa, ký âm bằng chữ Latinh và dựa vào kiến thức hệ thống âm vần tiếng Trung Hoa để xác định được nguyên âm, phụ âm và thanh điệu của tiếng Việt. 

Như vậy, hệ thống phiên âm tiếng Việt bằng ký tự Latinh sẽ hoàn thành. Lúc bây giờ, kiến thức phiên âm tiếng Nhật Bản và tiếng Trung Hoa bằng chữ Latinh đã không xa lạ đối với các nhà truyền đạo Kitô [Đoàn Thiện Thuật, 2008]. 

Như vậy, chúng ta không thể phủ nhận được việc người Nhật Bản có liên quan sâu sắc đến quá trình thiết lập hệ thống phiên âm tiếng Việt bằng ký tự Latinh. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đoàn Thiện Thuật (2008). Chữ Quốc ngữ thế kỷ XVIII. Hà Nội: Giáo dục. 

2. Đỗ Quang Chính (2008a). Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 - 1659. Hà Nội: Tôn giáo. 

3. Đỗ Quang Chính (2008b). Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615 - 1773. Hà Nội: Tôn giáo. 

4. Nguyễn Văn Kim (2003). Quan hệ của Nhật Bản với Đông Nam Á thế kỷ XV - XVII, Hà Nội: Đại học Quốc gia. 

5. Roland Jacques (2006). Portuguese Pioneers of Vietnamese Linguistics. Bangkok: Orchid Press. 

6. Gonoi Takashi (2008 - 2012). “Việt Nam và Thiên Chúa giáo và Nhật Bản; Xung quanh vấn đề truyền giáo tại miền Trung Việt Nam vào thế kỷ 17 - 18”, Báo cáo hàng năm của Viện nghiên cứu văn hóa tổng hợp Trường Cao đẳng Nữ Aoyama (16), 44-55. 

7. Takase Koichiro (2001). Văn hóa và một số khía cạnh thời kỳ Thiên Chúa giáo tại Nhật Bản. (Tiếng Nhật). Yagi-shoten. 

8. João Rodriguez (1993). Đại ngữ pháp tiếng Nhật (Arte Breve da Lingoa Iapoa), Ikegami Mineo dịch sang tiếng Nhật. Iwanami-bunko.

NGƯỜI NHẬT HỖ TRỢ THIẾT LẬP HỆ THỐNG PHIÊN ÂM TIẾNG VIỆT BẰNG CHỮ LATINH TẠI XỨ QUẢNG?

Fukuda Yasuo (福田康男)

1. Mở đầu 

Trong bài tham luận Người Nhật có liên quan sâu sắc tới quá trình thiết lập phiên âm tiếng Việt bằng chữ Latinh, tôi đã trình bày rằng: Francisco de Pina là người thiết lập hệ thống phiên âm tiếng Việt bằng chữ Latinh và một số người Nhật hỗ trợ các công việc của Pina.1 Tuy nhiên, tôi chưa giải thích đầy đủ bối cảnh tại sao người Nhật tham gia công việc đó. 

Khi xem vấn đề này, chúng ta cần phải tham khảo hai công trình nghiên cứu khoa học: Thứ nhất, là công trình của ông Roland Jacques [2002 bản tiếng Anh và 2007 bản tiếng Việt]. Thứ hai, là công trình của ông Đỗ Quang Chính [2008]. Hai công trình này đều giải mã sự ra đời chữ Quốc ngữ từ các tài liệu gốc bằng thư từ lưu giữ ở các thư viện Roma hoặc Lisbõa. Hai công trình này không thể thiếu được khi nghiên cứu chủ đề sự ra đời chữ Quốc ngữ. 

Tuy nhiên, có lẽ hai công trình này không dám xem sự có mặt của người Nhật và không xem xét vai trò người Nhật. Vì vậy, trong tham luận này, tôi sẽ trình bày bối cảnh thực tế về việc ra đời chữ Quốc ngữ ở Quảng Nam và vai trò người Nhật. 

2. Tình hình trước khi Kitô hữu Giáo khu tỉnh Nhật Bản sang Đàng Trong 

Năm 1603, Mạc phủ Tokugawa thống nhất đất nước Nhật Bản. Lúc bấy giờ, Nhật Bản là một quốc gia thành công nhất về truyền giáo trong khu vực châu Á. Số tín đồ lên tới 300.000 người. Nhật Bản là trung tâm truyền đạo Kitô ở Đông Á, nên Dòng Tên sử dụng tên gọi đơn vị quản lý Đông Á là Giáo khu tỉnh Nhật Bản. Trong đơn vị này, bao gồm Đàng Trong (của vương quốc Annam - BT) [3: 18]. Tuy nhiên, chính quyền Nhật cấm truyền đạo 3 lần, đó là các năm 1587, 1596 và 1614. Bởi vì phía Nhật đã phát hiện mưu đồ xâm lược Nhật Bản đằng sau việc truyền giáo của các giáo sĩ Thiên Chúa giáo [3: 22]. Do vậy vào năm 1614, Mạc phủ trục xuất các giáo sĩ Thiên Chúa giáo và Kitô hữu rất quyết liệt. Vì thế, nhiều tín đồ phải đào thoát khỏi Nhật Bản, đi sang các nước Đông Nam Á thông qua con đường hải thương. Dựa vào lộ trình giao thương đường biển sang xứ Đàng Trong, Dòng Tên Giáo khu tỉnh Nhật Bản bắt đầu truyền đạo ở xứ Quảng. Có thể nói, chính sách Nhật Bản thay đổi, nên Kitô hữu Giáo khu tỉnh Nhật Bản chuyển sang miền đất Đàng Trong. 

Thực ra, trước khi Kitô hữu Giáo khu tỉnh Nhật Bản bắt đầu truyền đạo ở Đàng Trong năm 1615, đã có một số người thừa sai đến Đàng Trong truyền đạo. 

Năm 1583, tu sĩ Dòng Phan Sinh ở Manila được chúa Nguyễn Hoàng mời và bắt đầu truyền đạo ở Đàng Trong, nhưng chẳng có kết quả mấy. Ông Bartolomé Ruiz ở lại Kẻ Chàm (Dinh Chiêm) 2 năm từ năm 1584 - 1885. 

Năm 1586, hai tu sĩ thuộc giáo phái Capucins Dòng Phan Sinh đến Cửa Hàn (Đà Nẵng) và xây nhà thờ và chủng viện ở làng Cái An. Nhưng ngay lập tức chúng bị đốt cháy. Năm 1587, hai tu sĩ Dòng Phan Sinh đến Kẻ Chàm ở Đàng Trong. Năm 1596, hai tu sĩ Dòng Augustino là Raphael da Madre và de Deus (1571 - 1606) đến Cửa Hàn, đến năm 1597 thì trở về Ma Cao. Sau đó, năm 1598 họ quay lại Kẻ Chàm và được Tri phủ Kẻ Chàm cho phép xây nhà thờ và tiếp tục ở lại đến năm 1603. Tuy nhiên, họ không được truyền đạo suôn sẻ vì không thành thạo tiếng Việt [8: 43]. 

Từ đầu thế kỷ XVII, Giám mục Dòng Tên ở Giáo khu Melaka quản trị miền đất Đàng Trong. Vào năm 1615, Francisco da Costa vừa là linh mục Giáo khu Melaka, vừa là đại lý Giám mục có mặt ở Hội An và chăm sóc tín đồ người Nhật. Tuy nhiên, lúc bấy giờ không có người giám sát nào từ Melaka đến Đàng Trong và không có đi lại theo chế độ thay phiên truyền đạo [6: 495-496]. 

Dựa vào trên, ta biết rằng: tuy trước năm 1615, một số giáo phái Thiên Chúa giáo đã đến Đàng Trong và truyền đạo nhưng không thành công. Mặc dù truyền đạo sau năm 1615 có thời gian ngắn mà tại sao thành công? Có lẽ lý do nằm ở ngôn ngữ. 

3. Hoạt động của Kitô hữu Giáo khu tỉnh Nhật Bản tại Đàng Trong Ngày 18 tháng 1 năm 1615, 5 người của đoàn thăm dò Giáo khu tỉnh Nhật Bản Dòng Tên đến Cửa Hàn và bắt đầu truyền đạo tại Cửa Hàn và Hội An. Đoàn trưởng là cha Buzomi (1575 - 1639). Ngoài ra, có Carvalho (1578 - 1624), Dias (1585 -?), hai Dojuku2 người Nhật. Ngay ban đầu, họ được nói chuyện với người Đàng Trong qua thông ngôn có trình độ sơ cấp. Có lẽ, người thông ngôn là người Nhật sống ở Hội An biết tiếng Việt [3: 19-21, 34]. Carvalho là người Bồ Đào Nha đã truyền đạo tại Nhật từ năm 1609 - 1614 [3: 20], nên chắc nói tiếng Nhật tốt. Tất cả 3 người, bao gồm Carvalho và hai Do-juku có thể nói chuyện được với người Đàng Trong thông qua thông ngôn người Nhật. Tại Cửa Hàn, ngay trong năm 1615, đoàn của Buzomi đã thành công trong việc truyền đạo với 10 người Đàng Trong rửa tội [3: 21]. Đây cũng có một chứng cớ để người Nhật tham gia phiên dịch giữa người Đàng Trong và Kitô hữu người châu Âu. 

3.1. Phố Nhật ở Đàng Trong 

Ban đầu, 5 Kitô hữu đoàn Buzomi sống ở Hội An, phố Nhật. Họ xây nhà thờ để truyền đạo. Sở dĩ họ đặt căn cứ ở Hội An, là vì nhiều tín đồ người Nhật thoát khỏi từ Nhật sang đây và Kitô hữu có nhiệm vụ truyền giáo cho họ. Sau khi đoàn Buzomi quyết định việc truyền đạo cho người Đàng Trong thì mới bắt đầu truyền đạo cho người Đàng Trong [3: 23-24]. Buzomi chia đoàn mình thành nhóm truyền đạo cho tín đồ người Nhật ở Hội An và nhóm truyền đạo cho tín đồ người Đàng Trong, rồi thực hiện truyền đạo từng nhóm [8: 48]. 

Phố Nhật ở Hội An được xây trong khoảng thời gian từ năm 1596 - 1615 [8: 48]. Hội An là một khu tự trị của người Nhật. Bang trưởng là người Nhật. Bang trưởng nổi tiếng là ông Funamoto Yashichirou (? - ?). Ông vốn là thành viên Do-juku của Dòng Tên Nhật Bản, được bổ nhiệm làm Bang trưởng Hội An [8: 51]. Bất kỳ người nước ngoài nào (người Bồ hoặc người Ý) thì cũng phải chịu sự quản lý của Bang trưởng người Nhật [3: 23]. Số Kitô hữu người Nhật đứng thứ nhì sau người Bồ Đào Nha. Nếu tính thêm số người Do-juku thì số người Nhật sống ở Hội An gần bằng số người Bồ Đào Nha. 

Lúc bấy giờ, trong phố Hội An chỉ dùng tiếng Nhật và tiếng Bồ mà không được dùng tiếng Việt [5: 43]. Trong phố Hội An, chỉ có người Nhật và người nước ngoài sinh sống thôi. Trong nhà thờ Hội An cũng chỉ dùng tiếng Nhật và tiếng Bồ thôi [5:94]. 

Ngoài ra, có một phố Nhật khác được hình thành. Đó là Kẻ Chàm. Nhưng ta lưu ý rằng phố Nhật không được hình thành ở Cửa Hàn. Điều đó được xác nhận từ bản vẽ Chaya dưới đây [4: 144].

Chùa Jomyo-ji tại Nagoya (Nhật Bản) lưu giữ 
Bản vẽ cách sang Đàng Trong do ông Chayo Shinroku 

3.2. Pina và người Nhật 

Người sáng tạo đầu tiên thiết lập hệ thống phiên âm tiếng Việt bằng chữ Latinh là Francisco de Pina (1585 - 1625). Lý lịch ông ấy như sau: Tên Việt là Trực. Sinh ở Bồ Đào Nha. Gia nhập Dòng Tên năm 1605. Năm 1608, đi Goa học tiếp. Học ở Ma Cao từ năm 1611 - 1617. Học ngành khoa học xã hội và 3 hay 4 năm về thần học [5: 65]. Trong thời gian đó, có lẽ ông học tiếng Nhật từ Rodrigues.3 Rodrigues rất giỏi tiếng Nhật. Năm 1616, ông thụ phong linh mục ở Melaka. Tháng 6.1617, sang Đàng Trong và thường ở Hội An. Sau khi đoàn Buzomi có cư sở thứ hai ở Nước Mặn (gần Quy Nhơn) vào năm 1618, thì Pina hay đi về giữa Hội An và Nước Mặn. Năm 1623, ông mở cư sở thứ 3 ở Kẻ Chàm [3: 53]. Từ tháng 2.1625, ông dạy tiếng Việt cho hai Kitô hữu người châu Âu mới (Fontes và Rhodes) [3: 77]. Ngoài ra, có thông tin khác. Trong thư Pina viết khoảng năm 1623 có các từ nguồn tiếng Nhật sau đây: Bò-zu (Sư), Bicuni (Ni), Furumai (Tiệc mời) [5: 87, 90]. Những từ đó là chứng cứ mà Kitô hữu người Bồ đã tiếp thu từ tiếng Nhật vào tiếng Bồ và sử dụng trong ngôn ngữ hàng ngày. 

Xung quanh Pina, thường có Kitô hữu người Nhật đi cùng. Trong thời gian từ năm 1615 đến năm 1624, có 4 Kitô hữu người Nhật sang Đàng Trong được xác nhận tên là: Maki, Tsuchimochi, Saito, Nishi. Ngoại trừ Nishi, những người còn lại đã học tiếng Latinh từ 5 đến 7 năm ở Nhật [11: 451]. Dưới đây là lý lịch của những người Nhật đã đến Đàng Trong, xếp theo thứ tự thời gian. 

- Miguel Maki (1581 - 1627): Sinh ở Takatsuki, Nhật. Gia nhập Dòng Tên năm 1607. Ở lại Nhật năm 1614. Cho đến năm 1617, Maki làm thư ký cho Jerónimo Rodrigues, Phó Giáo khu tỉnh Nhật Dòng Tên [7: 367]. Rodrigues này khác với Tçuzu Rodrigues là tác giả cuốn Đại ngữ pháp tiếng Nhật (Arte da Lingoa de Iapam) đã xuất bản ở Nhật. Tháng 10.1617, Maki qua Nagasaki đến Ma Cao. Tháng 6.1618, sang Đàng Trong và lưu lại một thời gian ngắn rồi quay lại Ma Cao. Vào tháng 3.1620, ông đã ở Ma Cao và nghiên cứu tác phẩm Vấn đề lương tâm. Từ tháng 1 đến tháng 12.1624, được thụ phong linh mục ở Ma Cao, rồi lại sang Đàng Trong. Sau đó, ông quay về Ma Cao và chết tại Ma Cao tháng 11.1627 [11: 443]. Ông có năng lực ưu tú và biết sâu sắc tiếng Latinh [11: 445]. 

- Josef Tsuchimochi (1568 - 1624): Sinh ở Hyuuga, Nhật. Gia nhập Dòng Tên năm 1590. Năm 1620, sang Đàng Trong. Năm 1624, chết tại Đàng Trong [3:51]. 

- Paulo Saito (1576 - 1633): Sinh ở Tamba, Nhật. Gia nhập Dòng Tên năm 1607. Năm 1620, sang Đàng Trong. Sau năm 1622, ra khỏi Đàng Trong quay về Ma Cao. Năm 1625, được thụ phong linh mục. Năm 1629 - 1930, sang Đàng Ngoài. Sau đó, bí mật quay lại Nhật Bản và tử đạo năm 1633 [3:35]. Ông có năng lực ưu tú và biết sâu sắc tiếng Latinh [11: 445]. 

- Romão Nishi (? - 1639): Được nhận vào Chủng viện ở Arima, Nhật năm 1580. Gia nhập Dòng Tên năm 1590. Năm 1614, vì cấm đạo phải đi Macao. Từ năm 1616, học Thần học Luân lý. Năm 1621, sang Đàng Trong. Trở lại Ma Cao, được thụ phong linh mục sau năm 1627. Sau đó quay trở lại Đàng Trong và ở đây đến khi bị trục xuất vào năm 1639. Năm đó chết ở Campuchia [3: 57]. 

Trong 4 người Nhật nói trên, Maki và Tsuchimochi có thể góp ý kiến cho Pina về thiết lập hệ thống phiên âm tiếng Việt bằng chữ Latinh. Bởi vì hai người này đều truyền đạo cùng với Pina trước khi thiết lập hệ thống phiên âm tiếng Việt bằng chữ Latinh. Như đã đề cập trên đây, Maki là người học giỏi và làm thư ký của Jerónimo Rodrigues, Phó Giáo khu tỉnh Nhật từ năm 1614 đến năm 1617. Từ tháng 6 đến tháng 8.1618, ông đi theo Pina, thăm Kẻ Chàm rồi đi Hội An để truyền đạo cho người Nhật [8:50]. Ngoài ra, đầu năm 1622 Tsuchimochi đi truyền đạo xung quanh Hội An với Pina và uống nước bẩn nên hai người đều bị ốm nặng. Trong thời gian điều dưỡng kéo dài, Pina viết sách cách phiên âm tiếng Việt bằng chữ Latinh [5: 44, 79]. 

Vậy, dựa vào dấu vết hành trình của Pina và những người Nhật trong giai đoạn đầu thiết lập hệ thống phiên âm tiếng Việt bằng chữ Latinh, tôi lập bảng niên biểu tóm lượt như sau: 

Bảng 1: Các dấu vết hành trình của Pina và người Nhật trong 
giai đoạn thiết lập hệ thống phiên âm tiếng Việt bằng chữ Latinh 

Năm 

 Pina  

Người Nhật

Sự kiện

 1615

 

Tháng 1, đội Buzomi đến Đàng Trong: Buzomi (Ý), Calvarlho (Bồ), Dias (Bồ), 2 người Do-juku (Nhật) [8: 48]

 

1616

 

 

 

1617

 

Tháng 6, Marques (Bồ), Pina (Bồ), Maki (Nhật) đến Đàng Trong [8: 49]

 

 

1618

 

 Buzomi, Borri (Ý), Pina, Dias đến Nước Mặn [8: 50]. Ngoài ra có vài người dịch đi cùng [1: 95]

 Marques, Maki, 1 người Dojuku (Nhật) ở Hội An [8: 50]

 

 

1619

 

 

 

1620

 

Tháng 12, Pina cùng với Borri ở Nước Mặn [1: 110] 

 

Buzomi, Tsuchimochi (Nhật), Saito (Nhật) ở Hội An [8: 51] 

 

Hoàn thành sách Giáo lý bằng chữ Hán Nôm [3: 40]

 

1621

1621 Marques, Pina, Tsuchimochi, Saito ở Hội An [3: 39] Buzomi, Borri, Dias ở Nước Mặn [3: 39]. 

 

Buzomi, Borri, Dias ở Nước Mặn [3: 39]. Tháng 12, Manoel Fernandez (Bồ), Dias, Nishi (Nhật) đến Đàng Trong [8: 51]

 

 

1622

 

Đầu năm, Pina và Tsuchimochi truyền đạo ở xung quanh Hội An. Họ đều uống nước bẩn và bị ốm nặng. Pina bị nằm giường 50 ngày và sau 3 tháng tái phát [5: 44]. 

 

 

Hoàn thành sách Chính tả tiếng Việt bằng chữ Latinh do Pina biên soạn [5: 44]

 

1623

 

Pina, Tsuchimochi, Manoel Fernandez, Antonio Fernandez (Bồ) ở Hội An và Kẻ Chàm [5: 29] Buzomi, Dias, Nishi ở Nước Mặn [5: 29-30] 

Pina, Tsuchimochi, Manoel Fernandez,  Buzomi, Dias, Nishi ở Nước Mặn [5: 29-30] 

 

 Soạn thảo sách Ngữ pháp tiếng Việt do Pina chủ biên [5: 44]

 

1624

 

Pina được nhậm chức bề trên Kẻ Chàm [5: 71] 

 

Cuối năm có 10 Kitô hữu ở Đàng Trong. Trong đó có 3 người Nhật: Nishi, Saito, Tsuchimochi [3: 35] 

 

 

1625

 

Tháng 12 Pina chết đuối ở ngoài khơi Đà Nẵng 

 

 

4. Vai trò của người Nhật trong thiết lập hệ thống phiên âm tiếng Việt bằng chữ Latinh 

Ở mục 3 trên đây, tôi đã xác nhận được người Nhật thường có mặt bên cạnh Pina trong giai đoạn thiết lập hệ thống phiên âm tiếng Việt bằng chữ Latinh. Lý do tại sao Pina thiết lập được hệ thống phiên âm tiếng Việt bằng chữ Latinh là do năng lực của ông ấy. Tuy nhiên, ngoài yếu tố này ra, chúng ta phải nghĩ đến sự hỗ trợ của người Nhật. Khi xét vai trò người Nhật, ta nên nhìn từ 3 góc độ sau đây: (1) Yếu tố cần thiết về thiết lập hệ thống phiên âm tiếng Việt bằng chữ Latinh, (2) Vấn đề phiên dịch, (3) Năng lực Hán văn và tiếng Latinh của người Nhật. 4.1. Yếu tố cần thiết về thiết lập hệ thống phiên âm tiếng Việt bằng chữ Latinh 

Ở đây, chúng tôi muốn xem xét xem yếu tố nào sẽ dẫn đến việc thiết lập hệ thống phiên âm tiếng Viêt bằng chữ Latinh. Theo tôi, nếu có 3 yếu tố sau đây thì thiết lập được. Đó là: Phân tích âm vần theo kiểu tiếng Bồ Đào Nha, Kinh nghiệm thanh điệu tiếng Trung, Cuốn từ điển và sách ngữ pháp tiếng Nhật. 

- Phân tích âm vần theo kiểu tiếng Bồ Đào Nha: Pina đã phân tích âm tiếng Việt theo hệ thống âm vần tiếng Bồ [5: 167]. Vậy, chúng tôi muốn xem xét từ nguyên âm tiếng Bồ. Bởi vì, nguyên âm là yếu tố quan trọng nhất trong hệ thống ngữ âm. Số lượng và loại chủng nguyên âm tiếng Việt gần giống tiếng Bồ. Tiếng Việt có 11 nguyên âm: A,Ă,E, Ê,O,Ô,Ơ,Â,I,Ư,U. Tiếng Bồ chuẩn có 9 nguyên âm, trừ Ư và Â của tiếng Việt. Nhưng ta nên lưu ý rằng nguyên âm tiếng Bồ ở Brazil có âm Ư. Và tiếng Bồ không phân biệt âm Ơ và âm Â, mà chúng chỉ khác nhau về độ dài thôi [5: 169-170]. Ta coi số lượng và chủng loại nguyên âm của hai ngôn ngữ là giống nhau. Vì vậy, việc phân loại âm tiếng Việt không khó khăn lắm đối với Pina là người Bồ. 

(2) Kinh nghiệm thanh điệu tiếng Trung: Hai Kitô hữu là Matteo Ricci (người Ý) và Michele Ruggieri (người Bồ) đã biên soạn bằng tay cuốn Từ điển tiếng Bồ - Trung Quốc giữa những năm 1583 và 1588. Từ điển này ghi được 5 thanh điệu [5: 63]. Trước khi Pina sang Đàng Trong, Kitô hữu ở Trung Quốc đã xác lập được phương pháp phiên âm bằng chữ Latinh với thanh điệu. 

(3) Cuốn từ điển và sách ngữ pháp về tiếng Nhật: Cuốn Từ điển tiếng Nhật - Bồ được xuất bản năm 1603. Cuốn Đại ngữ pháp tiếng Nhật được xuất bản năm 1609. Cuốn Tiểu ngữ pháp tiếng Nhật được xuất bản năm 1620. Cuốn sau là sách rút gọn từ cuốn Đại ngữ pháp tiếng Nhật và giải thích kỹ cách phiên âm tiếng Nhật bằng chữ Latinh [12: 45-73]. Có lẽ, Pina có hai quyển, từ điển và sách ngữ pháp đó [5: 79]. Nếu ông có hai cuốn đó, thì biên soạn được bản tiếng Việt một cách dễ dàng. Nếu ông có từ điển thì chỉ xem mục từ và dịch ra tiếng Việt thì soạn ra từ điển tiếng Bồ - Việt được. 

4.2. Vấn đề phiên dịch 

Nói về vấn đề phiên dịch, trước hết cần trình bày các thông tin sau. Năm 1615, người phiên dịch nói vụng về [3: 20-21]. Năm 1618, đoàn Buzomi đi Nước Mặn kèm 2 đến 3 người phiên dịch đi cùng, mà không được ghi rõ là những ai [1: 95]. Theo Cristoforo Borri (1583 - 1632), là một trong ba Kitô hữu người châu Âu đó, khi cha Buzomi rửa tội, người phiên dịch dịch ra tiếng Việt, nhưng câu dịch đó quá thô và không lưu loát [3: 35]. Tuy nhiên, sau đó, khoảng năm 1622, xuất hiện một người phiên dịch người Đàng Trong ưu tú. Đó là Augusto. Lúc bấy giờ, ông ấy đi theo Buzomi đến Nước Mặn và có nhiều kiến thức về tôn giáo và văn học. Ngoài ra, có người phiên dịch khác nữa. Đó là André. André được Pina dạy vài năm đầu [5: 46]. Nhưng André không đủ kiến thức về tôn giáo và văn học như Augusto, không đủ tư cách người phiên dịch [5: 44, 46, 70]. Không có ghi chép nào cho biết họ là người Đàng Trong hay người Nhật, hoặc là con lai. Một điều đáng chú ý là tên André xuất hiện trong thư Pina viết, Pina viết về ông này là ngôi thứ 3 số nhiều. Đây là cách ghi chép kỳ lạ. Pina nói rằng năng lực André kém cỏi nên có lẽ André đã giới thiệu một số phiên dịch người Nhật [5: 94]. 

Tiếp theo, tôi xin đề cập đến ngôn ngữ phiên dịch. Không có tư liệu ghi chép rằng thời điểm năm 1615, tức là giai đoạn đầu truyền đạo của đoàn Buzomi, người phiên dịch dịch từ ngôn ngữ nào sang ngôn ngữ nào. Tuy không rõ điều đó, nhưng có lẽ dịch giữa 3 ngôn ngữ. Đó là tiếng Bồ - tiếng Nhật - tiếng Việt. Phần dịch giữa tiếng Bồ - tiếng Nhật thì Carvalho đảm nhiệm, bởi ông ấy đã truyền đạo ở Nhật 5 năm. Còn phần dịch giữa tiếng Nhật - tiếng Việt thì những người Nhật sinh sống ở Hội An. Nếu như vậy, Marques4 và Pina đến Đàng Trong tháng 6.1617, là người thay thế của Calvalho và hai người này đảm nhiệm vai trò người phiên dịch giữa tiếng Bồ và tiếng Nhật. De Pina bắt đầu đào tạo tiếng Bồ cho những người trẻ Đàng Trong từ tháng 6.1617 trở đi, trong đó có Augusto và André [5: 46]. Sau đó, Pina và André có thể không qua tiếng Nhật mà dịch trực tiếp giữa tiếng Bồ và tiếng Việt [5: 75]. Lý do tại sao chúng tôi coi một bên ngôn ngữ là tiếng Bồ chứ không phải tiếng Latinh, là vì chủ lực Kitô hữu Dòng Tên Giáo khu tỉnh Nhật Bản là người Bồ và số người Bồ nhiều nhất trong các Kitô hữu và theo tư liệu còn lại, Kitô hữu người Nhật không biết nói tiếng Bồ [9: 186]. 

Tiếp theo, suy nghĩ đến người phiên dịch. Vấn đề này cũng không có tư liệu nên không rõ người nước nào đảm nhiệm công việc này. Như đã nói, ban đầu người Bồ biết tiếng Nhật đảm nhiệm phần dịch giữa tiếng Bồ - tiếng Nhật và người Nhật sống lâu ở Hội An đảm nhiệm phần dịch giữa tiếng Nhật - tiếng Việt. Sau khi Pina bắt đầu đào tạo người phiên dịch giữa tiếng Bồ và tiếng Việt từ năm 1617, dần dần thay đổi sang công việc phiên dịch trực tiếp giữa tiếng Bồ và tiếng Việt. Ngoài Pina ra, có thể một số người Đàng Trong đảm nhiệm công việc phiên dịch. 

Về bút đàm, thực sự đây là một loại hoạt động biên dịch. Nhưng ta chấp nhận được một dạng hội thoại qua chữ cái. Bởi Việt Nam đã từng phụ thuộc vào văn hóa chữ Hán, giống Nhật; nên mặc dù hai dân tộc không hiểu nhau qua tiếng nói, mà một khi viết chữ Hán thì hai bên truyền đạt được ý tưởng. Bút đàm là một phương tiện hỗ trợ trên hội thoại. Và bút đàm có ưu điểm là truyền đạt được ý tưởng một cách chính xác, mặc dù hơi mất thời gian. 

Từ bảng niên biểu 1, ta biết rằng bên cạnh Buzomi và Pina có các Kitô hữu người Nhật hoặc Do-juku người Nhật thường đi cùng. Họ biết Hán văn và tiếng Latinh, nên làm vai trò cầu nối giữa Kitô hữu người châu Âu và người Đàng Trong. Đặc biệt, thời điểm khởi đầu truyền đạo, họ dịch Hán văn của người Đàng Trong sang tiếng Latinh hoặc ngược lại. Như vậy, ta tóm tắt được tình huống phiên dịch bằng bảng niên biểu khác sau đây: 

Bảng 2: Người dịch và ngôn ngữ dịch trong giai đoạn
thiết lập hệ thống phiên âm tiếng Việt bằng chữ Latinh

Năm

Sự kiện

Người dịch

Ngôn ngữ dịch

Ngôn ngữ hỗ trợ (bút đàm)

1615

Đoàn Buzomi đến Đàng Trong

Carvalho và người Nhật trú tại Hội An

Bồ - Nhật - Việt

Latinh - Hán văn 

1618

Đi Nước Mặn

Marques và người Nhật trú tại Hội An, người Đàng Trong

Bồ - Nhật - Việt - Bồ - Việt

 

Latinh - Hán văn

 

1620

Hoàn thành sách Giáo lý bằng chữ Hán/ Nôm

Pina, người Đàng Trong

 

Bồ - Việt

 

Latinh - Hán văn 

 

1622

Hoàn thành cuốn Chính tả tiếng Việt

Augusto, André

Bồ - Việt

 

Latinh - Hán văn

4.3. Năng lực Hán văn và tiếng Latinh của người Nhật 

Để tìm hiểu vấn đề này, trước hết chúng tôi xem xét năng lực tiếng Việt của Pina. Không rõ tại sao đầu tiên Pina nói chuyện được bằng tiếng Việt. Nhưng theo tình trạng lúc bấy giờ, thì ta suy đoán được rằng người phiên dịch người Nhật sống ở Hội An dạy cho Pina từ tháng 6 năm 1617 trở đi [3: 34]. Sau đó, Pina dần dần giỏi tiếng Việt, có thể nói chuyện được với người bản xứ trực tiếp [3: 38,40]. Sau đó, cho đến cuối năm 1620, Pina có thể giảng thuyết bằng tiếng Việt ở nhà thờ [3: 45]. Và năm 1624, Pina dạy tiếng Việt được cho các Kitô hữu mới đến (Fontes và Rhodes) [3: 35]. Tuy nhiên, Pina không đọc được chữ Hán (chữ Nôm) [3: 46]. Lúc bấy giờ, người nào mà không biết chữ, có nghĩa là không biết chữ Hán, chứ không phải là chữ Nôm. Dĩ nhiên, năng lực nói chuyện và năng lực đọc viết rất khác nhau. 

Cho đến cuối năm 1620, Pina tự giảng thuyết bằng tiếng Việt được. Thời điểm này cũng là thời điểm hoàn thành sách giáo lý bằng Hán văn/chữ Nôm. Nhưng Pina không biết (đọc) chữ Hán, nên không tham gia được công việc biên soạn sách giáo lý này. Có lẽ, chủ yếu là Kitô hữu người Nhật và Do-juku (người Nhật) thực hiện công việc này. Bởi vì họ bắt buộc phải học Hán văn trong chủng viện ở Nhật. Để soạn thảo sách giáo lý này, người tham gia soạn thảo không những phải biết kiến thức Hán văn, mà còn giáo lý và các khái niệm của Cơ đốc giáo nữa. Lúc bấy giờ, bên người Đàng Trong không có ai biết cả hai kiến thức đó. Có lẽ, để biên soạn cuốn giáo lý bằng Hán văn/ chữ Nôm, các Kitô hữu người Nhật đã sử dụng hai cuốn sách: sách giáo lý bằng tiếng Nhật và sách giáo lý bằng Hán văn. Sách giáo lý bằng tiếng Nhật (Bản chữ Nhật và bản chữ Latinh) đều được xuất bản cuối thế kỷ XVI và mang tên Dotirina Christitan. Sách giáo lý bằng tiếng Trung được xuất bản tại Bắc Kinh năm 1603 và mang tên Thiên chủ giáo nghĩa [3: 42]. Vậy thì dựa theo thứ tự, sau khi hoàn thành sách giáo lý Hán văn xong, Pina học kiến thức đó thì mới giảng thuyết bằng miệng. 

Đã chỉ ra trong Bảng niên biểu 1, Pina biên soạn sách cách phiên âm và thanh điệu tiếng Việt bằng chữ Latinh và sách ngữ pháp tiếng Việt khoảng năm 1622 đến năm 1623. Có lẽ hai quyển đó được bắt chước bằng cuốn Từ điển tiếng Nhật - Bồ và sách ngữ pháp Tiểu ngữ pháp tiếng Nhật. Đặc biệt, sách ngữ pháp được viết bằng chữ Latinh [12: 4]. Lúc bấy giờ, người nào sống ở Đàng Trong mà hiểu được văn bản tiếng Latinh là chỉ có các Kitô hữu người Nhật (gồm Do-juku), trừ Kitô hữu người châu Âu. Pina đã thu thập từ vựng từ nhiều truyện (Hán văn/chữ Nôm) để bổ sung tư liệu hai cuốn đó. Theo tôi hiểu, “nhiều truyện” lúc bấy giờ hầu như văn bản Hán văn chứ không phải văn bản chữ Nôm. Vả lại, Pina thu thập từ vựng từ ba tập truyện nổi tiếng Đàng Trong nữa [3: 45-46, 5: 44]. Chính vì thế, tuy không được ghi chép nhưng rất có thể các Kitô hữu người Nhật tham gia công việc thu thập từ vựng này. Kitô hữu người Nhật có thể đọc Hán văn khá sâu sắc. Còn, Pina viết rằng công việc phiên âm nhờ “ai”. Theo tôi hiểu, Pina nhờ nhà Nho (người Đàng Trong) ở Kẻ Chàm. Thế còn, cũng không rõ ai thực hiện công việc biên dịch. Nhưng, người thực hiện biên dịch phải có năng lực cả Hán văn lẫn tiếng Latinh. Trong thời kỳ Pina sáng tạo ra cách phiên âm tiếng Việt bằng chữ Latinh, xem người nào có năng lực đó, thì chỉ tìm thấy được các Kitô hữu người Nhật mà thôi. Đó là Maki, Saito, Tsuchimochi, Nishi. Họ học tiếng Latinh 6 đến 7 năm nên biết rõ tiếng Latinh [11: 451]. 

Tóm lại, trong việc soạn thảo sách về phiên âm tiếng Việt bằng chữ Latinh và sách ngữ pháp, Kitô hữu người Nhật và nhà phiên dịch người Nhật tham gia thu thập từ vựng để hỗ trợ Pina. 

5. Kết luận 

Vào thời điểm năm 1622 - 1623, Pina xác lập hệ thống phiên âm tiếng Việt bằng chữ Latinh. Trước đó, tức là từ năm 1615 đến 1622, những phiên dịch người Nhật hoặc Kitô hữu người Nhật thường đi cùng với các Kitô hữu người châu Âu kể cả Pina và đứng sau lưng họ. Những người Nhật với tư cách môi giới giữa người Đàng Trong và người châu Âu đã góp phần thiết lập hệ thống phiên âm tiếng Việt bằng chữ Latinh. Những người Nhật không chỉ tận dụng các kiến thức của mình về tiếng Nhật và tiếng Việt mà còn Hán văn và tiếng Latinh nữa để tham gia cuộc biên phiên dịch hoặc thu thập ngữ liệu tiếng Việt.  

Chú thích: 

1. http://www.kilala.vn/ja/van-hoa-nhat/nguoi-nhat-va-qua-trinh-thiet-lap-phien-amtieng-viet-bang-ky-tu-latin.html.

2. “Do-juku”là vốn từ tiếng Nhật, có nghĩa là người giúp việc cho linh mục. Do-juku cũng chỉ ra con trai dưới 15 tuổi, trẻ con [Kikuchi Seiichi (2010): 73, 93]. Và chỉ những học sinh học ở chủng viện mà chưa gia nhập Dòng Tên [Takase Koichiro (2000): 428]. Hầu hết họ học tiếng Latinh [Gonoi Takashi (2008 - 2012): 191]. 

3. João “Tçuzu” Rodrigues (1561 - 1633), sinh ở Bồ Đào Nha. Năm 1577, sang Nhật. Gia nhập Dòng Tên năm 1580. Thành thạo tiếng Nhật, làm thông ngôn với các tướng quân; Hideyoshi và Ieyasu. Năm 1604 xuất bản sách ngữ pháp tiếng Nhật mang tên Đại ngữ pháp tiếng Nhật (Arte da Lingoa de Iapam). Năm 1610 bị trục xuất từ Nhật sang Ma Cao. Tại Ma Cao, Rodrigues đào tạo những người Nhật cũng bị trục xuất. Năm 1620, xuất bản cuốn Tiểu ngữ pháp tiếng Nhật (Arte Breve da Lingoa Iapoa) tại Ma Cao [João Rodriguez (1993): 2, 259]. 

4. Pedro Marques (1577 - 1657), sinh tại Bồ Đào Nha. Gia nhập Dòng Tên năm 1592 hoặc năm 1593. Đi Đông Á năm 1600. Truyền đạo ở Nhật trong các năm 1609 - 1614. Truyền đạo ở Đàng Trong trong các năm 1618 - 1626 [Đỗ Quang Chính (2008a): 27; Đỗ Quang Chính (2008b): 52]. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

1. Cristoforo Borri (1998). Xứ Đàng Trong năm 1621. TPHCM: TPHCM. 2. Đỗ Quang Chính (2008a). Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 - 1659. Hà Nội: Tôn giáo. 

3. Đỗ Quang Chính (2008b). Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615 - 1773. Hà Nội: Tôn giáo. 

4. Kikuchi Seiichi (2010). Nghiên cứu đô thị cổ Hội An - Từ quan điểm khảo cổ học lịch sử. Hà Nội: Thế giới. 

5. Roland Jacques (2007). Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học cho đến 1650 (Portuguese Pioneers of Vietnamese Linguistics prior to 1650). Hà Nội: Khoa học xã hội. 

6. Gonoi Takashi (1991). “Mở đầu Dòng Tên Giáo khu tỉnh Nhật truyền đạo tại Tonkin”. Shigaku. Số 60 (4). 495-517. 

7. Gonoi Takashi (2002). Nghiên cứu lịch sử Thiên Chúa giáo Nhật Bản. Yoshikawa Koubunkan. 

8. Gonoi Takashi (2008-2012). “Việt Nam và Thiên Chúa giáo và Nhật Bản; Xung quanh vấn đề truyền giáo tại miền Trung Việt Nam vào thế kỷ 17-18”, Báo cáo hàng năm của Viện nghiên cứu văn hóa tổng hợp Trường Cao đẳng Nữ Aoyama (16). 44-55. 

9. Takase Koichiro (1996). “Đại chủng viện ở Macao (1)”. Shigaku. Số 65 (3). 161-198. 

10. Takase Koichiro (2000). “Đại chủng viện ở Macao (6)”. Shigaku. Số 69 (2). 195-233. 

11. Takase Koichiro (2000). “Đại chủng viện ở Macao (7)”. Shigaku. Số 69 (3/4). 413-457. 

12. João Rodriguez (1993). Đại ngữ pháp tiếng Nhật (Arte Breve da Lingoa Iapoa), Ikegami Mineo dịch sang tiếng Nhật. Iwanami-bunko.    CRISTOFORO BORRI CÓ THAM DỰ VÀO CÔNG CUỘC SÁNG TẠO CHỮ QUỐC NGỮ KHÔNG?

Nguyễn Thiếu Dũng

Nghiên cứu lịch sử đơn giản và chính xác là phải căn cứ vào sự thật, nhưng dường như tiêu chuẩn này ít được tuân thủ một cách nghiêm mật, một số nhà viết sử không để sự kiện lịch sử tự nó nói lên như nó đã là, mà chỉ luận giải theo cảm tính, theo ý thích của mình buộc lịch sử phải như thế. Hình như, họ viết để thỏa mãn tự ái hay làm vừa lòng một ai đó hơn là dựa vào chứng cứ vào văn bản để hiển lộ sự thật. Vì vậy, có nhiều cuộc tranh cãi cứ dằng dai không dứt, chỉ vì ai nói gì mặc kệ, còn họ chỉ muốn như vậy và phải như vậy mà thôi, đối thoại biến thành độc thoại. Thế nhưng, những người nói không chứng không cớ này lại được một số đông cùng cảm tính như họ ủng hộ, rồi một số tờ báo lại hùa theo thành ra chẳng bao giờ họ thấy cái sai của mình di hại không ít cho các thế hệ sau. 

Nói như vậy, để nói trường hợp cụ thể. 

Muốn biết Borri có tham dự vào việc sáng tạo chữ Quốc ngữ hay không, điều tiên quyết là ta phải căn cứ vào tác phẩm duy nhất của ông có liên hệ đến chữ Quốc ngữ để xét đoán như vậy mới trung thực, đó là cuốn Xứ Đàng Trong năm 1621 (Dựa theo bản dịch của Hồng Nhuệ và Nguyễn Nghị) 

Borri đến Đàng Trong năm 1618, sau Pina một năm; năm 1621, từ giả xứ Đàng Trong về Ma Cao. Ông viết quyển ký sự này bằng tiếng Ý và cho ấn hành năm 1631, một năm trước khi ông mất. 

Sách gồm có 13 chương và Kết luận 

Chương 1: Về quốc hiệu, vị trí và diện tích xứ này 

Chương 2: Về khí hậu và đặc tính lãnh thổ Đàng Trong 

Chương 3: Đất đai phì nhiêu 

Chương 4: Voi và tê giác 

Chương 5: Về tính tình, phong hóa, tục lệ người Đàng Trong, cách sống cách ăn mặc và thuốc men của họ 

Chương 6: Về hành chính và dân chính nơi người Đàng Trong 

Chương 7: Lực lượng của chúa Đàng Trong 

Chương 8: Về thương mại và các hải cảng ở xứ Đàng Trong 

Chương 9: Quan trấn thủ Quy Nhơn đưa các cha Dòng đến tỉnh ông cai quản và cho dựng một trú sở và một nhà thờ cho các cha 

Chương 10: Quan trấn tỉnh Quy Nhơn qua đời 

Chương 11: Thiên văn 

Chương 12: Đời sống tinh thần ở Đàng Trong 

Chương 13: Về xứ Đàng Ngoài 

Qua những tư liệu này, ta phải xét xem Borri có ý đồ và có quyết tâm bắt tay vào việc xây dựng hệ thống chữ Quốc ngữ hay không. Nếu có mới có thể xếp ông vào hàng ngũ những người sáng tạo chữ Quốc ngữ, bằng không, thì chỉ có thể xem ông là kẻ bàng quang với công cuộc này. 

Tôi có ý định đi Huế và tôi biết rất rõ Huế qua các tài liệu, nhưng nếu tôi không thực hiện chuyến đi Huế thì làm sao nói tôi đã đến Huế. 

Một người có thể phân biệt bánh ngon hay dở, rành về công thức làm bánh, nhưng nếu người đó không có ý định làm bánh và quyết định làm bánh thì không thể nói người đó làm bánh mà chỉ có thể nói họ biết về bánh thôi, hai chuyện đó hoàn toàn khác nhau. 

Borri rơi vào hoàn cảnh này. Công bình mà nói, ông rất rành tiếng Việt, chính ông đã ghi những dòng sau đây: 

“Mặc dầu ngôn ngữ người Đàng Trong cũng giống như ngôn ngữ người Trung Hoa, vì cũng như người Trung Hoa, họ chỉ dùng những từ có một vần nhưng đọc và xướng lên với nhiều cung và giọng khác nhau, nhưng có sự khác biệt vì tiếng Đàng Trong phong phú hơn, dồi dào hơn về nguyên âm, vì thế dịu dàng và êm ái hơn. Họ có tai rành âm nhạc và có khả năng phân biệt các cung giọng và các dấu khác nhau. 

Tiếng Đàng Trong, theo tôi, là một tiếng dễ hơn các tiếng bởi vì không có chia động từ, không có biến cách các danh từ nhưng chỉ có một tiếng hay lời rồi thêm vào một phó từ hay đại từ để biết về quá khứ, hiện tại hay vị lai, về số ít hay số nhiều. Tóm lại, là thay thế cho tất cả những biến cách và tất cả những thì, tất cả những ngôi cũng như những sự khác liên quan tới số và biến cách. Thí dụ động từ avoir trong ngôn ngữ Đàng Trong có nghĩa là có, từ này không thay đổi gì. Người ta thêm một đại từ vào là người ta có thể thay đổi cách sử dụng và như thế chúng tôi chia động từ này như sau: Tôi có, anh có, nó có. Họ chỉ cần một đại từ mà không trực tiếp thay đổi động từ. Cũng vậy, để chỉ các thì khác nhau thì họ nói, về thì hiện tại: tôi bây giờ có; về thì quá khứ: tôi đã có; về thì vị lai: tôi hoặc sau hoặc sẽ có. Ở cả hai thí dụ trên từ có không bao giờ thay đổi. Do đó, người ta dễ thấy là ngôn ngữ này rất dễ học, và thực ra trong sáu tháng chuyên cần, tôi đã học được đủ để có thể nói chuyện với họ và giải tội được nữa, tuy chưa được tinh thông lắm, vì thực ra muốn cho thật thành thạo thì phải học bốn năm trọn”. [Cristoforo Borri, 1998: 74-75]. 

Hiểu biết về tiếng Việt tường tận như thế thật là tuyệt vời, ta phải nghiêng mình kính phục ông, nhưng hiểu biết tiếng Việt với sáng tạo hệ thống ghi âm tiếng Việt để sinh thành chữ Quốc ngữ là hai chuyện khác nhau, không thể đánh đồng được. Muốn làm được chuyện này, trước hết phải thành thạo tiếng Việt, nhưng như chính Borri đã thú nhận ông chưa dành đủ bốn năm trọn để làm chuyện đó, vả lại ở đoạn trích dẫn trên ông chỉ nói ông biết chứ không hề cho thấy ông có ý đồ và có quyết định tham gia vào công cuộc sáng tạo chữ Quốc ngữ. Trong 13 chương của quyển ký sự, không có chương nào dành riêng cho chữ Quốc ngữ. Như vậy, rõ ràng Borri không có biệt nhãn về vấn đề này, trong khi ông có thể nói tỉ mỉ về con voi, con tê giác, về sầu riêng, về nước mắm hay về thuốc men. Ông rất có hứng thú với Đông y. Một lần, ông bị ngã, bị đau chỗ có dạ dày, bị thổ huyết và đau ngực, lương y ta cho ông uống một thứ cao và đắp cao đó lên chỗ đau, ông hết đau, trong khi thuốc Tây tỏ ra không hiệu nghiệm. Ông nói: “Để thí nghiệm lại, chính tay tôi đập gãy chân một con gà mái ở nhiều chỗ, sau đó lấy cỏ xổ làm thành cao và đắp lên những vết chân gãy, thế là sau ít ngày nó khỏi hẳn” [Cristoforo Borri, 1998: 68]. Thấy Đại Hoàng là thuốc hay ông mang theo về châu Âu để gây giống, nhưng thất bại. Rõ ràng, ông có thể dày công với những việc khác, mà không có hứng thú với việc sáng tạo chữ Quốc ngữ như Francisco de Pina, như Alexandre de Rhodes. 

Trong quyển ký sự, ông có ghi một số chữ bằng tiếng Việt, nhưng như thế cũng chưa đủ để chứng tỏ: ông muốn xây dựng hệ thống ký âm chữ Quốc ngữ. Ông có ghi một số chữ theo âm tiếng Việt, những chữ này quá ít để nói được một vấn đề lớn: 

Cacciam (Kẻ Chàm), Quamguia (Quảng Nghĩa), Quingnim (Quy Nhơn), Renran (Phú Yên) [Cristoforo Borri, 1998: 13]. 

Đã đến lụt, đã đến lụt [Cristoforo Borri, 1998: 16]. 

Gnoo nho [Cristoforo Borri, 1998: 22]. 

Tin lim [Cristoforo Borri, 1998: 33]. 

Xin một cái [Cristoforo Borri, 1998: 51]. 

Sách chữ [Cristoforo Borri, 1998: 74]. 

Da an nua, Da an het [Cristoforo Borri, 1998: 109]. 

Tất cả có 7 câu, 4 câu không dấu và 3 câu có dấu đó là chữ Việt hiện đại, có lẽ bản dịch đã chép sai. Đọc nhận xét sau đây của các dịch giả sẽ nhận ra điều đó: 

“Một việc nữa phải nhắc qua ở đây là, ông đã cố gắng học tiếng Việt, tuy không thạo lắm nhưng ông cũng hiểu biết đủ để giảng giáo lý Kitô. Có một vài câu chữ Quốc ngữ trong bản tường thuật của ông cho chúng ta biết ngay từ những năm 1618 - 1620, đã có một khởi đầu hình thành thứ chữ này. Cái đặc biệt ở nơi ông, cái làm cho khác với de Rhodes sau này, đó là ông đã phiên âm tiếng Việt theo chữ viết của người Ý, chứ không phải người Bồ. Rõ ràng, ông phiên âm và viết gn chứ không phải nh, như: nho (trái nho) ông viết ngoo, nhỏ (trẻ nhỏ) ông viết gno… Cũng vậy, xin ông viết scin, bởi vì theo tiếng Ý nếu viết cin thì đọc uốn lưỡi còn nếu viết sc thì đọc cũng như x” [Cristoforo Borri, 1998: 9]. 

Như vậy, nếu Borri có muốn tạo hệ thống phiên âm tiếng Việt, thì ông sẽ dựa trên hệ thống tiếng Ý. Đi theo con đường này, ông sẽ bị cô lập và hệ thống của ông sẽ không có người kế thừa, trong khi thời gian ông ở Đàng Trong rất ít và quanh ông đa số là linh mục người Bồ, họ dùng tiếng Bồ để phiên âm tiếng Việt. Hệ thống phiên âm theo tiếng Ý của Borri chết yểu, còn hệ thống phiên âm theo tiếng Bồ của Pina thì phát triển, có người kế thừa như Alexandre de Rhodes. Như vậy, Borri không giữ một vai trò nào trong hệ thống phiên âm tiếng Việt trong công cuộc sáng tạo chữ Quốc ngữ. 

Trong tác phẩm Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học, Roland Jacques cũng nhận định: “Cristoforo Borri, thường hay được các tác giả hiện đại nhắc tới, thì thời gian ở Việt Nam quá ngắn (1618 - 1621) để có thể gán cho ông một vai trò quan trọng và ông quan tâm đến những vấn đề khác khá xa với ngôn ngữ học. Các từ Việt Nam và hai câu tách riêng trích dẫn trong cuốn sách của ông chứng tỏ đúng là ông không biết, và không quan tâm đến hệ thống phiên âm đang trong thời kỳ khởi thảo bởi những người trong nhóm của ông” [Roland Jacques, 2007: 54]. 

Ở Nước Mặn thời đó, có hai người thông thạo tiếng Việt là Borri và Pina mà Borri thì đứng ngoài cuộc, chỉ còn Pina hăng hái và quyết tâm xây dựng hệ thống ký âm tiếng Việt. Đối với Pina, trong sự nghiệp của ông, ông không quan tâm đến Nước Mặn hay Hội An, mà chỉ nhấn mạnh đến một địa điểm quan trọng là Thanh Chiêm - nơi ông có thể hợp tác với người bản xứ để hoàn thiện hệ thống ký âm tiếng Việt, như ông đã viết trong bức thư gửi cho cha bề trên ở Ma Cao đầu năm 1623: “Về vấn đề học ngôn ngữ thì luôn luôn ở Kẻ Chàm chính là nơi tốt nhất. Đây là kinh đô của triều đình. Ở đây người ta nói rất hay. Nhiều người trẻ quy tụ về đây. Họ là sinh viên (nho sĩ). Gần họ những người mới bắt đầu học ngôn ngữ có thể được giúp đỡ” [Roland Jacques, 2007: 43]. 

Pina là người trong cuộc, tiếng nói của ông là tiếng nói quyền uy không ai có thể chối bỏ được. Lịch sử là lịch sử. Sự thực là sự thực. 

Borri không có vai trò gì trong công cuộc sáng tạo chữ Quốc ngữ, Thanh Chiêm mới là nơi khai sinh chữ Quốc ngữ, là thánh địa của chữ Quốc ngữ. 

Công việc của chúng ta bây giờ là cố gắng xây dựng tại Thanh Chiêm một Tượng đài chữ Quốc ngữ, một Bảo tàng chữ Quốc ngữ để tưởng nhớ công lao của những người đã đóng góp vào sự nghiệp sáng tạo chữ Quốc ngữ.  

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

1. Cristoforo Borri (1998). (Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch, chú thích). Xứ Đàng Trong năm 1621. TPHCM: TPHCM. 

2. Roland Jacques (2007). Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lãnh vực Việt ngữ học. Hà Nội: Khoa học Xã hội.
            CHỮ QUỐC NGỮ LÀ HỒN TRONG NƯỚC1?

PHẠM NGỌC SINH

Có lẽ, chẳng ai đề cao, vinh danh chữ Quốc ngữ theo kiểu như nhà triết học Duy Tân vùng Điện Bàn lừng danh, cụ Trần Quý Cáp, mà tư tưởng dấn thân “Ta thay Trời mở Đất mênh mông” (Vịnh Tam Tài), khi đề cao: 

Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước 
Phải đem ra tỉnh trước dân ta 
Sách Âu Mỹ, sách Chi na 
Chữ kia chữ nọ dịch ra tỏ tường 
Công, nông, cố trăm đường cũng thế 
Họp bày nhau thì dễ toan lo 
Á Âu chung lại một lò 
Đúc lên tư cách mới cho rằng người.2 

Sẽ chẳng có từ nào hay hơn từ hồn, mà là hồn của quốc gia dân tộc khi nói đến chữ của dân tộc mình; mới thấy tinh thần duy tân, khuyếch trương, cổ xúy tân học cỡ nào; mới thấy các cụ uyên thâm cỡ nào;…Chữ Quốc ngữ là văn hóa, là tâm hồn, là tình yêu, là tư cách, là trí tuệ,… của con dân Việt. 

I. Chữ Quốc ngữ trong phong trào Duy Tân xứ Quảng 

1. Quá trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ là lâu dài, với sự đóng góp to lớn của các giáo sĩ Dòng Tên đến từ phương Tây và các nhà trí thức Việt Nam. Có thể, phân thành các mốc sau:3 

1.1. Thời kỳ sơ khởi, phôi thai, khi các giáo sĩ Dòng Tên đến Đàng Trong, trong khoảng thời gian từ 1615 đến 1631, với: Cha bề trên và là thầy dạy Francisco de Pina: “bắt đầu giảng thuyết bằng ngôn ngữ đó mà không dùng thông ngôn” (Alexandre de Rhodes bộc bạch); các tài liệu viết tay của Joao Roiz (1621), Gaspar Luis (1621, 1626), Francisco de Pina (1623), Alexandre de Rhodes (1625), Antonio de Fontes (1626), Francesco Buzomi (1626) và cuốn sách của Cristoforo Borri (in năm 1631, nhưng có những chữ Quốc ngữ của những năm 1620 - 1621). 

1.2. Thời kỳ hình thành chữ Quốc ngữ từ 1631 đến 1648, với những thư từ và tài liệu của Alexandre de Rhodes (1631, 1636, 1644 và 1647); của Gaspar de Amaral (1632, 1637); của Onofne Borger (1645, 1658) và các tài liệu viết tay khác (1645, 1648). Ngoài ra, có thể kể đến một số chữ Quốc ngữ dùng để phiên âm chữ Nôm trong 40 tác phẩm viết tay bằng chữ Nôm do Girolanmo Maiorica biên tập từ 1636 - 1640. 

1.3. Thời kỳ phát triển chữ Quốc ngữ từ 1651 đến 1659, với mở đầu là Từ điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes xuất bản năm 1651 và những tài liệu liên quan trong biên soạn vào năm 1659 của Igesico Văn Tín và Bento Thiện. 

1.4. Thời kỳ hoàn tất chữ Quốc ngữ từ 1772 đến 1838, với bản thảo viết tay Từ điển Việt - La của Pigneau de Béhaine (1772) và đặc biệt là việc in ấn Từ điển Việt - La của Taberd (1838) cho thấy chữ Quốc ngữ có thể thức và diện mạo như sử dụng ngày nay. Giai đoạn này, còn phải kể đến Philiphê Bỉnh ghi chép ở Lisboa - Bồ Đào Nha từ những năm 1796 - 1830. 

Các giai đoạn phát triển chữ Quốc ngữ này có tính chất “khép kín” trong hệ thống Giáo hội Công giáo, được các giáo sĩ dùng để truyền đạo, mở đạo dưới mái nhà thờ, cư sở Thiên Chúa; chưa phải là chữ được sử dụng rộng rãi trong công chúng. Đến năm 1865, tờ Gia Định báo đầu tiên in bằng chữ Quốc ngữ ra đời, đánh dấu một mốc quan trọng của việc chữ Quốc ngữ được đi vào công chúng, được công chúng đón nhận, sử dụng. Sau đó, các trường dạy chữ Quốc ngữ lần lượt mở cửa, chữ Quốc ngữ thật sự đi vào cuộc sống của xã hội Việt Nam. 

Theo Phan Quang trong Chữ Quốc ngữ trong nền văn hiến Việt4 thống kê, sau Gia Định báo, đến năm 1868, có thêm tờ Phan Yên báo, do Diệp Văn Cương, một nhân sĩ nổi tiếng, con rể vua Dục Đức làm Chủ bút. Từ đó, tác giả dẫn định “Theo thống kê của tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng, đến hết thế kỷ 19, ngoài hai tờ báo nói trên, trong 35 năm, vẻn vẹn có thêm ba tờ báo tiếng Việt khác là Nhật trình Nam Kỳ (1883), Nam Kỳ địa phận (1883) và Đại Nam đồng văn nhật báo (1892). Tờ Nông cổ mín đàm phải đợi đến năm bản lề sang thế kỷ 20 mới ra mắt bạn đọc (1900)”. 

Như vậy, có thể nói từ năm 1865 mở ra một thời kỳ mới của sự phát triển chữ Quốc ngữ - như đúng nghĩa là ngôn ngữ của quốc gia dân tộc - chữ viết của nhân dân Việt, tiếng nói của nhân dân Việt. 

2. Và, tân học trong phong trào Duy Tân ở Quảng Nam, (lại ở Quảng Nam như chính thời kỳ sơ khai của chữ Quốc ngữ). 

Từ những thập kỷ cuối thế kỷ XIX đến những thập kỷ đầu thế kỷ XX, xã hội Việt Nam trở thành xã hội “thuộc địa nửa phong kiến”, nền giáo dục theo Nho học đã lỗi thời “vạn dân nô lệ cường quyền hạ - bát cổ văn chương túy mộng trung” (Phan Châu Trinh), nhân dân nô lệ dưới ách thống trị của người Pháp và Nam triều, văn chương bát cổ vẫn làm say sưa bao nhiêu sĩ tử trong giấc mộng thân danh, việc chọn con đường “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” để cứu nước của cụ Phan Châu Trinh và các đồng chí của mình là một lựa chọn mang tính cách mạng và “còn có ý nghĩa thực tiễn cho đến tận ngày nay” (Hoàng Xuân Hãn). Đầu thế kỷ XX, quả thật Quảng Nam đã là trung tâm của một cuộc cải cách giáo dục - theo nhiều nhà nghiên cứu - khác với Đông Kinh Nghĩa Thục thiên về giới tinh hoa (élite), phong trào Duy Tân thiên về quảng đại quần chúng… Phong trào “thực học” này đã tạo nên một kiểu con người mới của một nền văn hóa mới trên đất Quảng, mà tên tuổi nhân sĩ đất Quảng tiêu biểu có thể kể đến ngoài Phan Tây Hồ, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Cơ, Phan Thành Tài, Nguyễn Thành, Phan Thúc Duyện, Châu Thượng Văn, Mai Dị, Lê Đình Dương…5 

Nếu những năm 1615 - 1631, Thanh Chiêm - Đàng Trong là nơi đầu tiên khai sinh ra chữ Quốc ngữ bởi các giáo sĩ phương Tây với sự trợ giúp của người xứ Quảng thì đến những năm đầu thế kỷ XX, Quảng Nam lại là nơi mở đầu cổ xúy rầm rộ cho chữ Quốc ngữ - “Phải đem ra tỉnh trước dân ta”. 

Phải chăng đó là sự lặp lại rất thú vị của lịch sử (!), hay nguồn gốc xứ Quảng là mở - canh tân. 

Quay lại vấn đề chữ Quốc ngữ trong phong trào Duy Tân. Đầu năm Ất Tỵ (1905), cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng cụ Phan Châu Trinh (sau khi đã từ quan) và cụ Trần Quý Cáp kết hợp thành “bộ ba” thực hiện chuyến nam du với ý đồ truyền bá chủ thuyết tam dân “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” để canh tân, chấn hưng sĩ khí. Khi đến tỉnh Bình Định, gặp lúc Trường Đốc thi tuyển Nho sinh, cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng cụ Trần Quý Cáp làm bài phú Danh sơn Lương Ngọc” khá dài và cụ Phan Châu Trinh làm bài thơ Chí thành thông thánh để ứng thi và đề tên giả là Đào Mộng Giác, có nội dung bài xích khoa cử, cổ súy tân học, gợi lòng yêu nước, cổ động nhân tâm sĩ khí,… làm cho quan tỉnh rất ngạc nhiên, còn nho sĩ thì đua nhau sao chép. 

Trong bài phú Danh sơn Lương Ngọc, có đoạn: 

... Hỡi người trí thức kia ơi! 
Quăng mũ đi, vứt bút đứng lên... 
Đừng cam chịu tiếng ươn hèn 
Hơi tàn còn thở chớ quên phục thù!... 

Qua bài Chí thành thông thánh, Phan Châu Trinh cũng thẳng thừng chê cái lối học lỗi thời, kêu gọi mọi người mau thức tỉnh, thoát khỏi ao tù của văn chương “bát cổ” (tám vế): 

Thế sự thôi rồi một cái không 
Giang sơn khô lụy khóc anh hùng 
Muôn dân nô lệ phường quyền mạnh 
Tám vế văn chương giấc mộng chong 
Cứ vậy chịu lỳ người mắng nhiếc 
Bao giờ ra khỏi cảnh chuồng lồng 
Các anh chưa dễ không tâm huyết 
Đọc suốt văn này ắt phải thông 

Trong những năm 1906 - 1907, cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng thân hào, bằng hữu chung vốn thành lập Thương cục Hội An cùng lập trường tân học, nông hội vườn trồng quế... đồng thời vận dụng lối ăn mặc mới, cắt tóc ngắn... thực hiện chủ thuyết tam dân. 

Rồi, nhà thực hành Duy Tân xuất sắc - Anh hùng thảo dã (Nguyễn Viết Xuân) Lê Cơ, anh em cô cậu với Phan Châu Trinh, được Huỳnh Thúc Kháng đánh giá “khí phách và đảm lực của ông không kém Phan Châu Trinh chút nào”. Ông có công lớn trong giáo dục, truyền bá chữ Quốc ngữ. 

Năm 1903, Lê Cơ làm xã trưởng, bắt tay thực hiện công cuộc cải cách trọng tâm là lập trường tân học, mở mang dân trí cho dân. Ngày 25.12.1903, ông đưa đơn lên tri phủ Thăng Bình xin mở tiệm buôn tạp hóa và trường dạy chữ quốc ngữ. 

Được đồng ý, ông hô hào nhân dân trong xã đóng góp tiền của, công sức xây dựng một trường học ở phái giữa6 làng Phú Lâm. Ngày 30.4.1904, Trường quốc ngữ Phú Lâm khai giảng, dạy nam giới học. Ban ngày, dạy thanh niên, tối dạy trung niên, ngày chủ nhật dân trong làng và các vùng lân cận đến nghe diễn thuyết, nghe thơ, nghe nói vè, đánh cờ... Năm 1915, số người trong làng và vùng xung quanh xin học quá đông, Lê Cơ lập thêm 4 trường ở 4 phái dạy nam giới học chữ Quốc ngữ, trường phái giữa chuyển sang dạy nữ thanh thiếu niên. Chương trình học lúc bấy giờ gồm nhiều môn, như: lịch sử, địa lý, hát, vẽ, toán đố. Dần dần một số thanh niên được học tiếng Pháp và tiếng Nhật, đặc biệt trường Phú Lâm còn dạy quân sự, rèn luyện sức khỏe cho học sinh dưới hình thức thể thao, luyện võ. Lúc này, học sinh của trường trai, gái trên 100 người. Việc học tập ở trường tân học Phú Lâm càng phát triển mạnh mẽ, nếu năm 1905 ở Phú Lâm chỉ có vài ba người biết chữ thì sau 3 năm mở trường tân học, năm 1908, trong 1.200 dân của xã, với khoảng 850 người từ 14 tuổi trở lên thì đã có hơn 650 người biết đọc, biết viết thông thạo chữ Quốc ngữ. 

Trường Phú Lâm trở thành trường tân học đầu tiên của phong trào Duy Tân và cũng là trường đầu tiên ở Quảng Nam và cả nước dạy nữ học sinh. Ngoài việc thành lập trường Phú Lâm, Lê Cơ tham gia cùng với các nhân sĩ Hồ Tá Bang, Nguyễn Trọng Lợi, Nguyễn Quý Anh vận động thành lập trường Dục Thanh năm 1907 (trường tân học ở Phan Thiết) và Công ty Liên Thành vào năm 19067 nhằm hưởng ứng phong trào Duy Tân ở xứ Quảng. 

Trường Dục Thanh - nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh sau này) - dạy khi trên đường vào Nam đi tìm đường cứu nước.8 

Có thể khẳng định, từ khi Gia Định báo ra đời cho đến việc cổ súy tân học trong phong trào Duy Tân ở Quảng Nam, chữ Quốc ngữ được truyền bá, giảng dạy rộng khắp trong nhân dân. Điều này, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hình thành chữ Quốc ngữ, vì nó đã thành tiếng nói, chữ viết của nhân dân, được nhân dân công nhận, được nhân dân bảo tồn và sáng tạo. 

Chính vì thế, chữ Quốc ngữ vừa là kết quả, vừa là mục tiêu của các nhà lãnh đạo Duy Tân, mà cụ Trần khẳng định và cổ súy: “Chữ quốc ngữ là hồn trong nước”. 

II. Xin nói riêng cụ Huỳnh Thúc Kháng - Nhà học giả cũ trên bước đường canh tân9 

1. Học giỏi như cụ Huỳnh, canh tân như cụ Huỳnh 

Nói về Quảng Nam là nói về đất học, đất địa linh nhân kiệt thực thụ. Truyền thống văn hóa nổi bật của xứ Quảng là hiếu học và học giỏi. Là nói về học trò nghèo, thanh bạch, học hành chăm chỉ, giỏi giang. 

Từ xưa đến nay, người xứ Quảng luôn tự hào và hãnh diện với các danh xưng “Ngũ phụng tề phi”, “Tứ kiệt”, “Tứ hổ”, “Ngũ tử đăng khoa”,... Cụ Huỳnh là một trong “Tứ hổ” về học của xứ Quảng. Dân gian lại vinh danh “Lục phụng tề phi” dành cho: Phạm Phú Thứ (Tiến sĩ), Phan Châu Trinh, Nguyễn Duy Hiệu (Phó bảng), Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng (Tiến sĩ), Phạm Như Xương (Hoàng giáp) là 6 nhân vật đỗ đạt cao và lẫy lừng trong việc phụng sự đất nước. Rồi còn có “Thập ngũ phụng tề phi” trong khoa thi Hương năm 1900 (Canh Tý) có 32 thí sinh đỗ cử nhân trong đó, người Quảng Nam chiếm hết 15, thủ khoa là Huỳnh Thúc Kháng.10 

Riêng, về “bộ ba” canh tân xứ Quảng, cụ Huỳnh là người có may mắn sống qua hai thời cận đại và hiện đại. Trước khi “chết hả”, cụ Huỳnh tham gia trong Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là gánh tròn trọng trách Quyền Chủ tịch nước trong lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau ở thời điểm lịch sử ngàn cân treo sợi tóc của dân tộc, với lời: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. 

Nhà văn Nguyên Ngọc nói về ý thức chính trị con người xứ Quảng: “Con người sinh sống, làm ăn và chiến đấu trên một vùng đất được xác định vai trò như vậy trong lịch sử, ắt không thể không hằn sâu trong tư duy một ý thức trách nhiệm chính trị hầu như là tự nhiên đối với vận mệnh chung của đất nước”.11 Nhận định này phù hợp với triết lý đã đề cập của cụ Trần: Ta thay Trời mở Đất mênh mông. 

2. Khẳng định ngay là cụ Huỳnh nói về sự học là học chữ Quốc ngữ. 

Đóng góp to lớn của cụ Huỳnh ở lĩnh vực giáo dục, từ triết lý đến phương pháp giáo dục là rất to lớn. Trên báo Tiếng Dân số 282 ra ngày 17.5.1930, cụ Huỳnh đặt vấn đề: Học để làm gì? Và tự trả lời, như một triết lý: “Theo lối thông thường người mình thì có ôm sách tới trường, có thầy dạy, có thi đỗ, mới gọi là học. Nhưng cái học làm người này thì khác hẳn thế!... Cái trường học ‘để làm người’ đó tức là cái cõi đời ta vậy. Bao nhiêu sự khốn khó ở đời, bao nhiêu sự kinh nghiệm người trước để lại đều là những bài học dạy cho ta. ‘Làm người’ ở đời đã khó như trên đã nói, thì ‘học làm người’ chắn chắn không phải chuyện dễ. Trong cái trường học mênh mông kia, trắng vàng chen lộn, sự lành sự ác, điều dở điều hay không thiếu thứ gì, nên ai đã đem thân từng học ở cái trường ấy thì cần phải có cặp mắt biết quan sát và cái não biết phán đoán để lựa những chuyện đáng làm theo cùng những chuyện đáng chừa cãi”. Rồi, cụ Huỳnh chỉ ra cái đích: “Cái mục đích chân chính của sự học là thế đó. Học như thế mới mong bổ ích cho đời, làm được một phần việc trong xã hội. Trái lại, nếu mới cắp sách đến trường mà trong não đã mơ tưởng đến chức kia làm nọ, thấy người ta xuống ngựa lên xe, mà cũng ước ao, cho được cửa cao nhà rộng thì cái bã hư sinh, cái mồi phú quý ấy chắc không sao nhắc ta lên cái địa vị làm một người chân chính ở đời được. Vậy ai muốn khỏi cái tiếng hư vinh thì cần phải ‘học để làm người’, mà học để làm người không phải nhất định có cắp sách đến trường và thi đỗ bằng này bằng nọ, nhưng chính là noi gương kim cổ mà học theo, làm cho hết nghĩa vụ một người đối với nhân quyền xã hội vậy”. 

Trong bài Diễn văn đọc trước Viện Dân biểu Trung Kỳ ngày 1.10.1928, cụ đã khẳng định: “Mắt có thấy thì đi có mới khỏi lạc, tai có tỏ thì nghe mới khỏi nhầm, người có học mà sau mới biết điều phải trái, biết cách làm ăn mới mong sống còn trên đời được. Dân An Nam là một dân tộc sẵn có văn hóa đã mấy trăm đời, ai cũng công nhận sự học là sự cần thiết nhất xem như tánh mệnh tài sản, không có không sống được. Huống trong thời đại tranh khôn cạnh khéo như ngày nay mà không có sự học thì còn nói đến chuyện gì nữa”.12 

Cùng triết lý đó, cụ Phan Chu Trinh nói cụ thể hơn, nhất là chú ý đến đào tạo khoa học kỹ thuật, phát triển hội nghề nghiệp nhằm phát triển kinh tế: 

“Ước học hành mở cho xứng đáng, 
Đừng vẽ hình vẽ dạng cho qua; 
Công thương, kỹ nghệ chuyên khoa, 
Trí tri, cách vật cho ta theo cùng”.13 

Câu đúc kết bất hủ của cụ Huỳnh còn nguyên giá trị: 

“Phải lo giáo dục nhân tài 
Đúc nên tư cách luận bài phương châm”. 

III. Kết luận 

1. Quảng Nam là nơi khai sinh, cổ xúy, khuyếch trương, lưu giữ và truyền bá chữ Quốc ngữ, với các bước ngoặc lịch sử: 

1.1. Quảng Nam - nơi đầu tiên khai sinh và nơi đầu tiên ở Việt Nam có trường dạy chữ Quốc ngữ, với công lao thuộc về Cha bề trên vừa là thầy dạy Francisco de Pina. Đây là người thầy rất giỏi, đào tạo học trò và cấp dưới là Alexandre de Rhodes từ cảm nhận không thể học được thành một người đứng tên xuất bản công trình Từ điển Việt - Bồ - La. 1.2. Quảng Nam - nơi có Trường Đốc. Sách Đại Nam nhất thống chí (tỉnh Quảng Nam, quyển thứ 5), phần Học hiệu ghi rằng: “Trường học tỉnh dựng ở xã Thanh Chiêm, huyện Diên Phước phía nam tỉnh thành. Đầu niên hiệu Gia Long dựng tại xã Câu Nhí, niên hiệu Minh Mạng 16 (1835) dời qua xã Thanh Chiêm”.14 Trường Đốc từng đào tạo nhiều danh nhân, như: các nhà triết học Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng,… mà các học trò này, đều trở thành “bộ ba” lãnh đạo phong trào Duy Tân, hô hào học chữ Quốc ngữ, mà tên tuổi của họ lừng danh trong và ngoài nước,… 

1.3. Quảng Nam - trung tâm của phong trào Duy Tân, nơi có Trường tân học Phú Lâm (Tiên Phước) - nơi đào tạo cả nữ sinh; mà mô hình giảng dạy của nó ảnh hưởng đến tận bây giờ, như: dạy chuyên môn, dạy ngoại ngữ, cả dạy quân sự. 

1.4. Theo nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân “đậm đặc chất Quảng” (chữ của nhà thơ Thanh Thảo), ngoài Trường tân học Phú Lâm: “Cũng riêng năm 1906, ở Quảng Nam, có hai ngôi trường lớn được thành lập: Diên Phong, rồi sau đó Phước Bình…, không kể trường Thăng Bình của Trần Quý Cáp. Trường Diên Phong gây một tiếng vang rộng lớn hơn cả, vì trước hết nó không phải là trường của chính quyền như Thăng Bình mà của tư nhân. Nó lại được dựng trên một khu vực lúc ấy cũng đang khét tiếng vì Thương Hội Diên Phong cũng là thương hội lớn nhất của tỉnh thành lập tại Phong Thử, phủ Điện Bàn, quy mô to lớn, chắc chắn là toàn quốc vì lúc ấy chưa có thương hội nào lớn hơn. Giáo sư của trường, thì ngoài Trần Quý Cáp còn có ông cử nhân Phan Thúc Duyện (hay Diện), Mai Dị, Phan Thành Tài… Phan Châu Trinh vẫn thường bảo: “Mai Dị và Phan Khôi là cặp tiến sĩ tương lai của Quảng Nam”.15 

Hay, như nhà báo Trương Điện Thắng kính trọng gọi lớp thầy giáo tân học này một cách mộc mạc “Thầy giáo làng”16, đó là: trường Phong Thử (Diên Phong) của cụ Mai Dị, trường Cẩm Toại (sau là An Phước) của cụ Lâm Quang Tự, mà trước đó là cụ Lâm Hữu Mẫn mở dạy Nho vào năm 1888,… “Ông tổ” Duy Tân Phan Chu Trinh đã tổng kết có hơn 40 trường ở khắp Quảng Nam. 

Có thể nói, cả Quảng Nam thời Duy Tân là một “lò” đào tạo, lưu giữ, sáng tạo và cũng là trung tâm cổ xúy, truyền bá chữ Quốc ngữ. 

Tiến sĩ linh mục Roland Jacques khẳng định: “sự sáng tạo ra chữ Quốc ngữ không phải là công trình của phòng thí nghiệm mà có rất nhiều người Việt Nam dấn thân với sự nhiệt tình nào đó trong hành động”, thì trường thời Cha bề trên và là thầy dạy Francisco de Pina ở Thanh Chiêm, các trường tân học thời phong trào Duy Tân xứ Quảng với “bộ ba” huyền thoại,... là một minh chứng sinh động cho sự dấn thân vì chữ Quốc ngữ. Tinh thần của các nhà trí thức Quảng Nam lúc bấy giờ, nếu mình nhận xa hơn thì đó là mạch văn hóa “vui làm việc nghĩa và sốt sắng việc công” (Đại Nam nhất thống chí). 

2. Quảng Nam và chữ Quốc ngữ, có lẽ chẳng cần bàn cãi nữa. 

Vấn đề đặt ra hiện nay là ghi dấu ấn, tôn vinh, cổ xúy chữ Quốc ngữ cả về người khai sinh, nơi đầu tiên khai sinh. Chữ Quốc ngữ là một di sản văn hóa Việt vĩ đại của dân tộc, nói rộng ra là của nhân loại - cần phải công nhận xứng đáng. 

Dựng bia cấp Quốc gia tại Thanh Chiêm với sự ra đời chữ Quốc ngữ. Tổ chức Lễ hội chữ Quốc ngữ như là hình thức để quảng bá, vinh danh. 

Trước mắt, đặt tên đường, trường cho Francisco de Pina. Và, một bức tượng Francisco de Pina ở Thanh Chiêm, ở Hội An hay ngay cả ở Quảng trường tỉnh lỵ Tam Kỳ cũng là điều xứng đáng, nên làm. 

3. Tỉnh Quảng Nam cho phép đoàn cán bộ khoa học của tỉnh Quảng Nam (có mời chuyên gia lịch sử, ngôn ngữ) sang Bồ Đào Nha, Giáo hội để lục tìm trong các thư viện, bảo tàng về các thư từ, tác phẩm của các giáo sĩ Dòng Tên hoạt động tại Quảng Nam thời bấy giờ. 

Biết đâu, trong cuộc tìm kiếm tâm huyết, trí tuệ ấy, chúng ta sẽ hội đủ nhiều hơn cho câu trả lời vô giá. 

4. Từ thuở sơ khai cho đến ngày nay, Tiếng Việt song hành cùng dân tộc, mang hồn nước. Thời hội nhập, tiếng Việt cần được bảo vệ trong sáng hơn, là phương tiện để Chữ kia chữ nọ dịch ra tỏ tường nhằm đúc nên tư cách người Việt trước Á, Âu. Chợt nhớ câu thơ trong bài thơ Tiếng Việt xao lòng, rung rinh nhịp đập trái tim người, của nhà thơ Lưu Quang Vũ: 

Ôi tiếng Việt, suốt đời tôi mắc nợ. 

Chú thích: 

1. Mượn câu thơ của cụ Trần Quý Cáp. 

2. Trần Quý Cáp chí sĩ Duy Tân Việt Nam đầu thế kỷ XX, (Đà Nẵng: Đà Nẵng, 1995), 45. 

3. Những đặc trưng cơ bản của tiếng Quảng Nam và vị trí của nó trong việc hình thành chữ Quốc ngữ, (Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam - Viện Ngôn ngữ học, 2006), 237. 

4. http://nld.com.vn/

5. UBND thị xã Điện Bàn, Mai Dị (1884 - 1928), http://dienban.gov.vn/ 

6. Phái: Ở Tiên Phước là tên gọi khu vực địa lý nhỏ hơn làng. 

7. Dẫn theo: Tôn Thất Hướng, “Lê Cơ - nhà thực hành Duy tân xuất sắc”, http:// donghuongtienphuoc.com/

8. Theo bà Ngô Thị Mùi, một người nhiều năm nghiên cứu quá trình Bác Hồ dạy học ở Dục Thanh xác định: “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành có mặt ở Dục Thanh vào khoảng thời gian từ tháng 9.1910 đến tháng 2.1911”. Tháng 2.1911, cụ Trương Gia Mô đưa Nguyễn Tất Thành lên xe lửa vào Sài Gòn và gửi nghỉ tạm tại nhà ông Lê Văn Đạt. Ý kiến này được nhiều nhà khoa học đồng tình. 

9, 12 Chương Thâu, Phạm Ngô Minh, “Diễn văn đọc trước Viện Dân biểu Trung Kỳ ngày 1.10.1928” (Tiếng Dân số 117, ngày 29.9.1928), Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập, (Đà Nẵng: Đà Nẵng, 2010), 50, 251. 

10. Phạm Ngọc Sinh, “Chất Quảng Nam trong Cụ Huỳnh”, Thân thế và sự nghiệp Cụ Huỳnh Thúc Kháng, (UBND tỉnh Quảng Nam - Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2012). 

11. Nguyên Ngọc (Chủ biên), Tìm hiểu con người xứ Quảng, (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam, 2004), 102. 

13. Nguyễn Văn Dương, Tuyển tập Phan Châu Trinh, (Đà Nẵng, 1995), 297. 

14. Châu Yến Loan, “Đóng góp của một gia đình xứ Nghệ vào văn hóa Quảng Nam - Đà Nẵng”; http://vanhoanghean.com.vn/

15. Nhận xét của Nguyễn Văn Xuân, dẫn trong bài viết “Mai Dị (1884 - 1928)” - http:// dienban.gov.vn/

16. Trương Điện Thắng, “Thầy giáo làng”, http://baoquangnam.vn/.

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

1. UBND tỉnh Quảng Nam (2010). Quảng Nam - xưa và nay. Đà Nẵng: Đà Nẵng. 

2. UBND tỉnh Quảng Nam (2012). Thân thế và sự nghiệp Cụ Huỳnh Thúc Kháng. Hà Nội: Chính trị Quốc gia - Sự thật 

3. Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam - Viện Ngôn ngữ học (2006). Những đặc trưng cơ bản của tiếng Quảng Nam và vị trí của nó trong việc hình thành chữ Quốc ngữ. 

4. Nguyên Ngọc (Chủ biên) (2004). Tìm hiểu con người xứ Quảng. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam. 

5. Chương Thâu, Phạm Ngô Minh (2010). Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập. Đà Nẵng: Đà Nẵng.
SỰ HÌNH THÀNH CHỮ QUỐC NGỮ 
Ở VIỆT NAM - NHỮNG ĐIỀU CÒN BÀN LUẬN?

Nguyễn Văn Mạnh - Nguyễn Thị Mỹ Lộc   

Chữ viết là sự biểu hiện bằng ký tự của ngôn ngữ và là phương tiện tồn tại của một nền văn minh, là một minh chứng cụ thể nhất của sự ra đời các nền văn minh cổ đại/ ra đời nhà nước; nó còn là phương tiện truyền tải, lưu giữ tri thức khoa học và vận hành của một xã hội văn minh. Bởi vậy, dân tộc nào trong tiến trình phát triển của lịch sử đều hình thành một loại hình chữ viết khi dân tộc đó đã đạt đến một trình độ văn minh/ nhà nước/ thể chế chính trị. Cũng có thể, chữ viết của một dân tộc được vay mượn, tiếp nhận từ chữ viết của một dân tộc khác để phiên âm, giải nghĩa tiếng nói/ ngôn ngữ của dân tộc đó. 

Chữ viết của Việt Nam được hình thành cùng với quá trình ra đời nhà nước sơ khai/ nhà nước Văn Lang - Âu Lạc, tồn tại từ thế kỷ VIII TCN đến đầu CN. Đó là loại chữ tượng hình "trước Hán và khác Hán” (sách cổ Trung Quốc gọi là chữ khoa đẩu hình con nòng nọc bơi), mà ngày nay còn tồn tại trên các phiến đá Sapa, trong lưỡi cày thời Đông Sơn, trong chữ viết cổ của người Mường.1 Tuy nhiên, cùng với quá trình xâm lăng áp đặt ách nô dịch của phong kiến phương Bắc lên đất nước ta 1.000 năm, người Hán đã tìm cách đồng hóa dân tộc ta mà một trong những nội dung đồng hóa quan trọng nhất là loại bỏ chữ viết thời Hùng Vương, thay vào đó chữ Hán. Như vậy, chữ Hán ra đời trong hoàn cảnh đất nước bị nô dịch và tồn tại suốt 1.000 năm Bắc thuộc. Vào khoảng thế kỷ thứ VIII thời Bố Cái Đại Vương (bố già xưng Vương) các nhà Nho yêu nước Việt Nam đã dùng chữ Hán để phiên âm tiếng Việt, và chữ Nôm ra đời. Chữ Nôm được hình thành từ đó nhưng đến thế kỷ XIII nó mới được sử dụng rộng rãi. 

Thế kỷ XVI, sau những cuộc phát kiến địa lý và sự xác lập của chủ nghĩa tư bản ở phương Tây, các đoàn thuyền buôn ở châu Âu như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha,... có mặt tại các quốc gia vùng Viễn Đông trong đó có Việt Nam. Đi cùng và sau các đoàn thuyền buôn là các linh mục truyền đạo. Theo xu thế đó, Thiên Chúa giáo có mặt ở Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ XVI. Để tạo điều kiện hỗ trợ cho các nhà truyền giáo có thể nhanh chóng, hữu hiệu truyền bá đạo Thiên Chúa vào Việt Nam, các linh mục ở châu Âu bằng việc tìm hiểu học hỏi tiếng Việt và dùng bộ chữ cái Latinh để phiên âm tiếng Việt, đã làm hình thành bộ chữ Quốc ngữ cho dân tộc ta. Quá trình ra đời, thời gian hình thành chữ Quốc ngữ ở Việt Nam về cơ bản đã được các nhà khoa học trong nước và quốc tế làm sáng tỏ. Tuy nhiên vẫn còn đó những tranh luận, như công lao của người sáng lập ra chữ Quốc ngữ, cái nôi hình thành chữ Quốc ngữ ở đâu. Trong những năm gần đây, những vấn đề đó lại rộ lên trong những cuộc hội thảo, những cuộc tranh luận, và tồn tại nhiều ý kiến trái chiều. Có tác giả cho rằng, Alexandre de Rhodes là cha đẻ/ người có công lao xây dựng chữ Quốc ngữ, ý kiến khác khẳng định công lao xây dựng chữ Quốc ngữ thuộc về tập thể của nhiều người, và thậm chí còn phủ nhận vai trò của Alexandre de Rhodes; còn cái nôi đầu tiên ra đời chữ Quốc ngữ có ý kiến cho là ở dinh trấn Thanh Chiêm - Quảng Nam, có người lại bảo vệ quan điểm rằng, cái nôi của chữ Quốc ngữ là ở Nước Mặn - Bình Định. Bài viết này, vì vậy bàn thêm các vấn đề liên quan đến sự hình thành chữ Quốc ngữ, như quá trình du nhập đạo Thiên Chúa vào Việt Nam; những vấn đề còn tranh luận liên quan đến sự hình thành chữ Quốc ngữ; nhận định và bàn luận về vai trò của Alexandre de Rhodes, về cái nôi của sự hình thành chữ Quốc ngữ. 

1. Quá trình du nhập đạo Thiên Chúa vào Việt Nam 

Đầu thế kỷ XVI, Việt Nam bắt đầu giao thương với các nước phương Tây như Bồ Đào Nha, Anh, Pháp và cả Nhật Bản ở châu Á để trao đổi hàng hóa. Thời gian này, Thiên Chúa giáo mở rộng cuộc truyền giáo quy mô lớn đến miền Viễn Đông, trong đó có Việt Nam. 

Thiên Chúa giáo vào Việt Nam từ những thập niên đầu của thế kỷ XVI. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, chép rằng: “Năm Nguyên Hòa, đời vua Lê Trang Tôn (năm 1533) có một thương nhân tên là Inêkhu (Ignatio) đi đường biển lén vào giảng đạo Giatô ở Ninh Cường, Quần Anh thuộc huyện Nam Chấn và làng Trà Lũ thuộc huyện Giao Thủy (nay thuộc tỉnh Nam Định”.2 Thời kỳ từ năm 1533 - 1614 chủ yếu các giáo sĩ Dòng Phanxicô Bồ Đào Nha và Dòng Đa Minh Tây Ban Nha theo những thuyền buôn vào nước ta truyền giáo. 

Sau giáo sĩ Inêkhu là các giáo sĩ thuộc Dòng Đa Minh, như linh mục Gaspar da Santa Cruz vào truyền giáo tại Hà Tiên năm 1550; năm 1615, ba giáo sĩ Dòng Tên là Francesco Buzomi (Ý), Diego Carvalho và Antonio Dias (Bồ Đào Nha) và năm 1617 giáo sĩ F. de Pina đã đến Hội An, rồi dinh trấn Thanh Chiêm năm 1623 và sau đó là Nước Mặn (Bình Định), mở đầu công cuộc truyền giáo ở xứ Đàng Trong. Tiếp theo, vào năm 1624, cha Giám mục G. Mattos đến Cửa Hàn, rồi đến dinh trấn Thanh Chiêm cùng bốn linh mục là Alexandre de Rhodes, Fontes (Bồ), Gaspar Luis (Bồ), Girolima Majorica (Ý). Nhờ những kinh nghiệm thích nghi văn hóa của các thừa sai truyền giáo tại Trung Hoa, Nhật Bản, khi đến Việt Nam các linh mục đã quan tâm đến việc học tập ngôn ngữ, tìm hiểu phong tục tập quán Việt Nam. Tại những nơi đến, các thừa sai đã lập Hội trợ giúp phiên âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latinh để soạn thảo kinh sách dạy giáo dân nhằm phục vụ việc truyền giáo (thành viên của hội là người Việt). 

2. Những vấn đề còn tranh luận về sự hình thành chữ Quốc ngữ 

Hiện nay, về quá trình hình thành chữ Quốc ngữ còn tồn tại hai vấn đề còn có những ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược: Ai là người có công/ là ông tổ trong việc hình thành chữ Quốc ngữ, và nơi nào là cái nôi/ đặt nền móng cho sự hình thành chữ Quốc ngữ. 

Về vấn đề thứ nhất, quan điểm phổ biến cho rằng với việc cho xuất bản hai cuốn sách quốc ngữ đầu tiên: Tự điển Việt Bồ Latinh và Phép giảng tám ngày, năm 1651 Alexandre de Rhodes là người có công lao khai sinh ra chữ Quốc ngữ của Việt Nam. 

Quan điểm khác lại khẳng định, Alexandre de Rhodes không phải là người duy nhất tạo ra chữ Quốc ngữ, thậm chí có người còn phủ nhận vai trò của ông, ví như trong tham luận “Hội An - Thanh Chiêm và sự ra đời chữ quốc ngữ” tại Tọa đàm khoa học “Danh xưng Quảng Nam” ở Tam Kỳ tháng 9.2001, tác giả Nguyễn Phước Tương nhấn mạnh rằng Francisco de Pina mới là nhà tiên phong sáng tạo chữ Quốc ngữ. Tác giả An Chi trong bài “Alexandre de Rhodes không phải là người sáng tạo ra chữ Việt?”, đã dẫn ra ý kiến của Dương Quảng Hàm, Đào Duy Anh, Nguyễn Khắc Xuyên, Thanh Lãng, Đỗ Quang Chính, Võ Long Tê đều khẳng định chữ Quốc ngữ là một công cuộc chung của nhiều người. Đỗ Quang Chính, trong Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, đã viết: “Chữ Việt ngày nay là một thứ chữ đã được nhiều linh mục Dòng Tên ở Việt Nam (với sự cộng tác âm thầm của một số Thầy giảng Việt Nam) vào thế kỷ 17 sáng tạo ra. Nói một cách tổng quát thì họ đã dùng mẫu tự La tinh, rồi dựa vào phần nào của chữ Bồ Đào Nha, Ý và mấy dấu Hy Lạp, để làm thành chữ mà chúng ta đang dùng”. 3 

Vấn đề thứ hai, về cái nôi/ nơi đặt nền móng cho sự ra đời chữ Quốc ngữ, giới nghiên cứu đề xuất hai quan điểm: một cho rằng ở dinh trấn Thanh Chiêm - Quảng Nam và một ở Nước Mặn - Bình Định. 

Ủng hộ quan điểm ở dinh trấn Thanh Chiêm là tác giả Hồ Sĩ Vịnh cho rằng, giai đoạn từ năm 1617 - 1626, các giáo sĩ đã đặt nền móng cho chữ Quốc ngữ là linh mục. F. de Pina, Cristoforo Borri và Alexandre de Rhodes. Lịch sử cho thấy tại Việt Nam, các linh mục này chủ yếu sống ở 4 nơi: Cửa Hàn (Đà Nẵng) , Hội An (Quảng Nam), Thanh Chiêm (Quảng Nam), và Nước Mặn (Quy Nhơn); các nơi này đều thuộc “xứ Quảng” và được sự quản lý của dinh trấn Thanh Chiêm. Chính tại nơi đây các linh mục đã học tiếng Việt và dần dùng bộ chữ cái Latinh để phiên âm tiếng Việt làm hình thành chữ Quốc ngữ Việt Nam. Vì vậy Thanh Chiêm (Quảng Nam) là cái nôi của sự ra đời chữ Quốc ngữ.4 Nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương với luận cứ giáo sĩ Francisco de Pina là người mở đầu việc Latinh hóa tiếng Việt tại hai cư sở Hội An (1615) và Thanh Chiêm (1623), ông cho rằng đây chính là nơi chữ Quốc ngữ được soạn ra. Ông dẫn lời của giáo sĩ F. de Pina trong bức thư viết dở của mình: “Đối với tôi, việc nghiên cứu tiếng nói Kẻ Chiêm (tức Thanh Chiêm) vẫn là nơi tốt nhất với tư cách là trung tâm của triều đình: ở đây người ta nói rất hay, có sự đổ dồn những người trẻ tuổi đến mà họ là những cống sinh và bên cạnh họ, những ai bắt đầu học tiếng có thể tìm thấy sự giúp đỡ”. Và tác giả đúc kết: “Rõ ràng ở nước ta trước hết là cảng thị Hội An rồi tiếp đến dinh trấn Thanh Chiêm là cái nôi ra đời sớm nhất và quan trọng nhất của chữ quốc ngữ so với Nước Mặn - Quy Nhơn và một địa điểm nào đó ở Nghệ An mà đến nay chưa được xác định cụ thể... Đã đến lúc cần tổ chức một cuộc hội thảo khoa học về lịch sử ra đời chữ quốc ngữ để trả lại sự công bằng cho Francisco de Pina như là nhà tiên phong sáng tạo chữ quốc ngữ chứ không phải giáo sĩ Pháp Alexandre de Rhodes như lâu nay chúng ta vẫn lầm tưởng..”.5 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thiếu Dũng cũng đặt nặng vai trò của Thanh Chiêm đối với sự ra đời của chữ Quốc ngữ bởi theo ông đây là đô lỵ của dinh trấn Quảng Nam thời đó.6 “Đây là nơi hội đủ điều kiện để các giáo sĩ học hỏi ngôn ngữ bản xứ, văn hóa bản xứ, tâm lý người bản xứ để từ đó sáng chế ra chữ quốc ngữ theo mẫu tự Latinh... Chính F. de Pina, bậc tiên khởi có công khai sinh chữ quốc ngữ, đã cho biết vì sao ông chọn Thanh Chiêm là nơi nghiên cứu chữ quốc ngữ chỉ vì một lý do đơn giản ở đây quy tụ nhiều văn nhân thức giả có thể giúp ông nhiều hơn ở nơi khác, đô thành thì bao giờ cũng có người học thức hơn là nơi thị tứ chỉ có thương nhân...”.7 

Trong lúc đó, những nhà nghiên cứu khác lại cho rằng, Nước Mặn - Bình Định mới là cái nôi hình thành chữ Quốc ngữ. Theo ý kiến này, nhà nghiên cứu Võ Ngọc Liễn lập luận, năm 1617 chúa Nguyễn trục xuất các giáo sĩ ở cư sở Hội An, họ buộc phải quay về Áo Môn. Vì tàu gặp gió ngược, giáo sĩ Francesco Buzomi không đi được phải quay vào nương náu ở bãi biển. Cũng vào năm 1617, F. de Pina vừa từ Bồ Đào Nha đến Hội An, phải trốn ở nhà các Nhật kiều tại đây. Nhờ gặp được quan khám lý Trần Đức Hòa - tri phủ Hoài Nhơn, nhân chuyến ra kinh đô Đàng Trong, gặp giáo sĩ Buzomi bị nạn, trên đường trở về Quy Nhơn đã rước các giáo sĩ F. Buzomi, F. de Pina, Cristoforo Borri và thầy giảng Antonio Dias đưa vào bên cảng thị Nước Mặn, giúp đỡ và lập cư sở ở đây vào năm 1618. 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân cũng nhấn mạnh về vai trò “chiếc nôi” Quốc ngữ của cư sở Nước Mặn: “Nước Mặn, với tư cách là cảng thị, lại có cư sở của các giáo sĩ Dòng Tên, thuở phồn vinh không chỉ là một trung tâm thương mại, trung tâm tôn giáo, trung tâm thiên văn mà còn là một trung tâm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Và cũng là nơi Latinh hóa tiếng Việt”. 

Trích dẫn từ các tư liệu có được, linh mục Võ Đình Đệ cho rằng cư sở Nước Mặn của các thừa sai Dòng Tên chẳng những là một trung tâm truyền giáo mà còn là nơi các thừa sai Dòng Tên nghiên cứu và sáng chế chữ Quốc ngữ trong giai đoạn đầu.8 

3. Nhận định và bàn luận 

Trước hết, vấn đề về công lao xây dựng bộ chữ Quốc ngữ thuộc về ai? Chúng ta có thể chia quá trình hình hành chữ Quốc ngữ làm hai giai đoạn: 

- Giai đoạn sơ khai (1615 - 1626) 

Các nhà truyền giáo Âu châu đã đến Việt Nam (Nam Định ngày nay) vào đầu thế kỷ XVI (năm 1533), đến Hà Tiên vào giữa thế kỷ XVI (năm 1550). Bắt đầu từ năm 1615 và những năm sau đó, giáo đoàn Francesco Buzomi đến dinh trấn Thanh Chiêm mở đầu công cuộc truyền bá đạo Kito ở vùng đất Đàng Trong. Năm 1615, ba giáo sĩ Dòng Tên là Francesco Buzomi (Ý), Diego Carvalho (Bồ Đào Nha) và Antonio Dias (Bồ Đào Nha) đến cửa Hàn, dinh trấn Thanh Chiêm; năm 1617 giáo sĩ F. de Pina đến cửa Hàn, Nước Mặn, rồi dinh trấn Thanh Chiêm năm 1623. Năm 1624 cha giám mục G. Mattos đến Cửa Hàn, rồi đến dinh trấn Thanh Chiêm cùng bốn linh mục: Alexandre de Rhode, Fontes (Bồ), Gaspar Luis (Bồ), Girolima Majorica (Ý)... 

Các nhà truyền giáo tới Việt Nam thời ấy đều phải học tiếng Việt mới có thể tiếp xúc với người Việt Nam. Linh mục Francisco de Pina là người Âu châu đầu tiên nói thạo tiếng Việt. Pina tới Đàng Trong năm 1617. Lúc đầu sống ở Hội An, sang năm 1618 ông ở tại Nước Mặn và hai năm sau, ông trở lại Hội An, rồi năm 1623, Pina đến ở tại dinh trấn Thanh Chiêm, thủ phủ Quảng Nam. Tại những nơi này Pina đã sống, lúc đầu với với Buzomi và Borri; đến năm 1624 - 1626 ông sống với Gaspar Luis, Alexandre de Rhodes9 và với Antonio de Fontes... Dù linh mục Pina và các linh mục khác đã nói được tiếng Việt, nhưng họ chưa phân biệt được lối cách ngữ và chữ còn viết liền, chưa có dấu. Giai đoạn này có bảy tài liệu viết tay, gồm tài liệu của Buzomi năm 1621, Gaspar Luis năm 1521, Cristoforo Borri năm 1621, Alexandre de Rhodes năm 1625, Gaspar Luis năm 1626, Antonio de Fontes năm 1625 và năm 1626. Trong những tài liệu này, các chữ thường được viết liền và không có dấu.10 

- Giai đoạn hoàn tất việc xây dựng bộ chữ Quốc ngữ (1631 - 1651) Sang giai đoạn hai 1631 - 1651, có 11 tài liệu viết tay, gồm hai tài liệu được nhắc đến, nhưng không tìm được tài liệu lưu trữ. Đó là cuốn Từ điển Việt - Bồ - La của linh mục Gaspar d’Amaral và cuốn Tự điển Bồ - Việt của linh mục Antonio Barbosa; năm tài liệu của Alexandre de Rhodes, viết vào năm 1631, 1631, 1636, 1644 và 1647; hai tài liệu của Gaspar d’Amaral năm 1632 và 1637; hai tài liệu về biên bản hội nghị viết tay của 35 linh mục Dòng Tên tại Ma Cao xác nhận việc rửa tội bằng tiếng Việt Nam vào năm 1645 và 1648. Mười một tài liệu này cho thấy chiều hướng mới trong cách viết chữ Quốc ngữ: các chữ được viết cách ra và có dấu.11 

Đặc biệt với hai cuốn sách Tự điển Việt Bồ Latinh và giáo lý Phép giảng tám ngày, ấn hành năm 1651, Alexandre de Rhodes đã chấm dứt thời gian thai nghén và đã hoàn tất quá trình xây dưng chữ Quốc ngữ. Dĩ nhiên ông không phải là người duy nhất mà chỉ là một trong nhiều người đã góp phần thành lập chữ Quốc ngữ. Viết Lời giới thiệu cho tập khảo cứu Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659 của Đỗ Quang Chính, giáo sư Nguyễn Thế Anh đã nhận định một cách xác đáng rằng: “Để thực hiện công cuộc truyền đạo của họ tại Đại Việt, các giáo sĩ Dòng Tên ngay từ khoảng đầu thế kỷ thứ XVII đã cố gắng tạo nên một lối chữ viết căn cứ trên mẫu tự la tinh, nhờ đó có thể diễn tả ngôn ngữ Việt. Từ những sự dò dẫm phiên âm các nhân danh và địa danh lúc ban đầu, cho đến lúc Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) cho xuất bản hai sách quốc ngữ đầu tiên vào năm 1651, các cố gắng tập thể của các nhà truyền đạo Tây Phương cho phép thành lập chữ viết của chúng ta ngày nay”.12 

Rõ ràng, việc xây dựng bộ chữ Quốc ngữ thuộc về công lao của nhiều linh mục phương Tây, nhưng người có công lao lớn nhất, hoàn tất việc xây dựng bộ chữ Quốc ngữ thuộc về linh mục Alexandre de Rhodes. Nhận định này thực chất cũng gần với quan điểm của một số tác giả khi đánh giá công lao của Alexandre de Rhodes trong việc xây dựng chữ Quốc ngữ: Alexandre de Rhodes đã tiếp thu, thừa kế, sắp xếp lại hoàn chỉnh thành tựu của các nhà truyền giáo đi trước hay đồng thời, dựa trên sự giúp đỡ không thể thiếu được của các tín đồ người Việt đã tiếp xúc gần gũi với các linh mục khác nói chung và ông nói riêng.13 Thứ hai, nơi nào là cái nôi của việc hình thành bộ chữ Quốc ngữ? 

Như trên đã trình bày, bắt đầu từ năm 1615 và những năm sau đó, giáo đoàn Francesco Buzomi đến cửa Hàn, Hội An, dinh trấn Thanh Chiêm, Nước Mặn, mở đầu công cuộc truyền bá đạo Kito ở vùng đất Đàng Trong. Tại đây các giáo sĩ, như Francesco Buzomi, Diego Carvalho và Antonio Dias, Alexandre de Rhodes, Fontes, Gaspar Luis, Girolima Majorica... được học tiếng Việt với các tín đồ người Việt và tiếp đó là sự giúp đỡ của giáo sĩ Francisco de Pina - ông được coi là người tiên phong trong việc học và nói thông thạo tiếng Việt. 

Các giáo sĩ được cử đến đây vừa truyền giáo, vừa đáp ứng các nhu cầu cần thiết giao tiếp với giáo dân trong hoạt động giáo lý và lễ nghi, như học kinh thánh, thực hiện các nghi lễ rửa tội,... Vì vậy họ cần phải học tiếng Việt để thuận lợi cho việc thực hiện các công việc này. Trong số các linh mục phương Tây học tiếng Việt, người đi tiên phong dấn thân với sự nhiệt tình, hào hứng để học và lĩnh hội được tiếng Việt là giáo sĩ Francisco de Pina. 

Từ năm 1617 F.de Pina đã bắt đầu học tiếng Việt trong quá trình tiếp xúc với người bản xứ, ông đã nhiều lần qua lại Hội An và dinh trấn Thanh Chiêm, Nước Mặn và ông nhận thấy tiếng nói ở dinh trấn Thanh Chiêm là hay nhất, nghiên cứu tiếng nói ở đây là thuận lợi nhất, là nơi tốt nhất vì là trung tâm/thủ phủ của chúa Nguyễn, các linh mục ở đây được bảo hộ, che chở. Dinh trấn Thanh Chiêm còn là nơi có trường học đầu tiên, tại đây F. de Pina đã dạy tiếng Việt cho nhiều linh mục, đặc biệt là Alexandre de Rhodes trong hai năm (1624 - 1626) và Antonio de Fontes với tư cách là bề trên và là thầy giáo ở cư sở này.14 Thực ra trong giai đoạn sơ khai từ năm 1615 - 1626, các giáo sĩ đã đặt nền móng cho chữ Quốc ngữ nổi bật nhất là các vị linh mục F. de Pina, Cristoforo Borri và Alexandre de Rhodes... Các linh mục này chủ yếu sống ở 4 địa điểm: Cửa Hàn (Đà Nẵng) - Hội An (Quảng Nam) - Thanh Chiêm (Quảng Nam) - Nước Mặn (Bình Định); cả 4 nơi này đều thuộc sự quản lý của dinh trấn Thanh Chiêm thời chúa Nguyễn.15 

Với ý nghĩa như vậy, nếu coi vùng đất đặt nền móng cho sự hình thành chữ Quốc ngữ với tư cách cái nôi thì có thể khẳng định rằng dinh trấn Thanh Chiêm - thủ phủ thứ hai của chúa Nguyễn Đàng Trong là cái nôi hình thành chữ Quốc ngữ (không nên đặt vấn đề cái nôi của chữ Quốc ngữ là ở Bình Định hay Quảng Nam vì Quảng Nam hay Bình Định thời chúa Nguyễn đều thuộc dinh trấn Thanh Chiêm/ trấn Quảng Nam). Tóm lại, có thể nói với mục đích có một phương tiện để truyền bá đạo Thiên Chúa vào Việt Nam, các linh mục ở phương Tây từ dinh trấn Thanh Chiêm đã tự học tiếng Việt rồi đến sử dụng bộ chữ cái Latinh để phiên âm tiếng Việt, làm hình thành chữ Quốc ngữ. Và trong những linh mục có công xây dựng chữ Quốc ngữ, Alexandre de Rhodes là người có nhiều công lao nhất - người tiếp thu, kế thừa, tổng hợp, hệ thống hóa và sắp xếp lại hoàn chỉnh việc xây dựng bộ chữ Quốc ngữ như ngày nay. 

Chú thích:

1. Hà Văn Tấn, “Dấu vết một hệ thống chữ viết trước Hán và khác Hán ở Việt Nam và nam Trung Quốc”, Khảo cổ học, Số 1/1982, 33. 

2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Q. XXXIII, Bản dịch Viện Sử học, Tập II, (Hà Nội: Giáo dục, 1998), 301. 

3, 10, 11, 12, 13 Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 - 1659, (Sài Gòn: Ra Khơi 1972), 20, 20-32, 33-71, 5, 76. 

4, 14 Hồ Thế Vịnh, “Từ Dinh trấn Thanh Chiêm nghĩ về chiếc nôi của chữ quốc ngữ và vai trò đặc biệt của Dinh trấn Thanh Chiêm trong hành trình mở cõi về phương Nam”, Non nước, số 215, tháng 10, 2015. 

5. Nguyễn Phước Tương, “Danh xưng Quảng Nam”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học ở Tam Kỳ tháng 9.2001. 

6. Dinh trấn Thanh Chiêm, nay thuộc thôn Thanh Chiêm xã Điện Phương, Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, được chúa Nguyễn Hoàng chọn làm cơ sở hành chính cho dinh Quảng Nam (thành lập năm 1602). Dinh trấn Thanh Chiêm được coi là thủ phủ thứ hai của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, được chúa Nguyễn trao “cơ chế” toàn quyền quyết định mọi việc, là nơi thực tập, đào luyện các thế tử, là nơi thực thi chính sách mở cửa với các điều kiện tối ưu nhằm xây dựng một hậu phương làm cơ sở mở rộng bờ cõi về phương Nam. 

7, 8 Huỳnh Văn Mỹ, Bảo Trung (2014). “Ai có có đầu với chữ Quốc ngữ”. Tuổi trẻ online, ngày 20.4 và Huỳnh Văn Mỹ, Bảo Trung (2014). “Đâu là ‘chiếc nôi’ chữ Quốc ngữ”. Tuổi trẻ online, ngày 21.4. 

9. Theo Báo Công giáo và Dân tộc, Số 798 ngày 13.3.1991, linh mục Alexandre de Rhodes học tiếng Việt ở Thanh Chiêm, Quảng Nam từ 1624 - 1626, năm 1627 đến Cửa Bạng (Thanh Hóa), năm 1640 trở lại Cửa Hàn hoạt động truyền giáo ở Thanh Chiêm, Hà Lâm, Cát Lâm... Năm 1642 trở lại Cửa Hàn, Thanh Chiêm lần thứ 3; năm 1651 xuất bản tác phẩm hai cuốn sách Tự điển Việt Bồ Latinh và giáo lý Phép giảng tám ngày. 

15. Thời chúa Nguyễn, Nước Mặn nói riêng và Bình Định nói chung thuộc dinh trấn Thanh Chiêm, Quảng Nam. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

1. An Chi (2010). “Alexandre de Rhodes không phải là người sáng tạo ra chữ Việt?” An ninh thế giới online. Ngày 28.9. 

2. Đỗ Quang Chính (1972). Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 - 1659. Sài Gòn: Ra Khơi. 

3. Huỳnh Văn Mỹ, Bảo Trung (2014). “Ai có công đầu với chữ Quốc ngữ”. Tuổi trẻ online. Ngày 20.4. 

4. Huỳnh Văn Mỹ, Bảo Trung (2014). “Đâu là ‘chiếc nôi’ chữ Quốc ngữ”. Tuổi trẻ online. Ngày 21.4. 

5. Hà Văn Tấn (1982). “Dấu vết một hệ thống chữ viết trước Hán và khác Hán ở Việt Nam và nam Trung Quốc”. Khảo cổ học, Số 1. 

6. Võ Công Tề (1965). Lịch sử văn học Công giáo Việt Nam. Sài Gòn: Tư Duy. 

7. Nguyễn Phước Tương (2001). “Danh xưng Quảng Nam”. Kỷ yếu Hội thảo khoa học ở Tam Kỳ tháng 9. 

8. Hồ Thế Vịnh (2015). “Từ Dinh trấn Thanh Chiêm nghĩ về chiếc nôi của chữ quốc ngữ và vai trò đặc biệt của Dinh trấn Thanh Chiêm trong hành trình mở cõi về phương Nam”. Non nước. Số 215. Tháng 10. 

9. Quốc sử quán triều Nguyễn (1998). Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Q. XXXIII. Bản dịch Viện Sử học. Tập II. Hà Nội: Giáo dục. 

CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU NHỮNG ĐẶC TRƯNG CƠ BẢN CỦA TIẾNG QUẢNG NAM VÀ VỊ TRÍ CỦA NÓ TRONG SỰ HÌNH THÀNH CHỮ QUỐC NGỮ?

Trần Kim Thu - Trần Thị Hạnh - Võ Hường Trang

Quảng Nam - một vùng đất có nhiều yếu tố đặc biệt, nơi đây là nơi hội tụ, giao lưu nhiều nền văn hóa khác nhau, từ nền văn hóa bản địa đến văn hóa Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Hoa, các nước phương Tây… Từ những năm đầu thế kỷ XVII, với chính sách đối ngoại thông thoáng của Nguyễn Phúc Nguyên, việc giao thương buôn bán, đặc biệt là việc mở rộng giao thương với nước ngoài được đẩy mạnh. Theo các chuyến tàu buôn bán đến vùng này, các giáo sĩ phương Tây đến lập cơ sở Thiên Chúa giáo đầu tiên và truyền đạo ở vùng đất này, kéo theo đó, các giáo sĩ đã ươm mầm sự ra đời của chữ Quốc ngữ tại nơi đây.

Việc nghiên cứu về chữ Quốc ngữ đã được giới khoa học trong nước quan tâm từ sớm, nhiều công trình nghiên cứu đã được xuất bản, trong đó việc xác định vai trò của các giáo sĩ phương Tây trong việc hình thành chữ Quốc ngữ đã được thừa nhận. Tuy nhiên, xoay quanh vấn đề lớn này, những câu hỏi như: Ai là người giữ vai trò chủ yếu trong việc tạo ra chữ Quốc ngữ? Chữ Quốc ngữ được tạo ra trên cơ sở thổ ngữ, phương ngữ nào? Tài liệu nào được xem là cái mốc tiêu biểu cho ra sự ra đời của chữ Quốc ngữ? Quảng Nam có vai trò gì trong việc hình thành chữ Quốc ngữ?... đã được đặt ra một lần nữa và được sự quan tâm nghiên cứu bởi các nhà khoa học trong và ngoài nước. 

Để góp phần sáng tỏ thêm những vấn đề trên, năm 2001, đề tài Những đặc trưng cơ bản của tiếng Quảng Nam và vị trí của nó trong việc hình thành chữ Quốc ngữ đã được UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất thực hiện, Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (Nay đã được tách ra thành Viện Ngôn ngữ học và Viện Từ điển học và bách khoa thư thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) là cơ quan chủ trì thực hiện đề tài. 

Để triển khai các nội dung thực hiện, tác giả và các thành viên nghiên cứu không quản khó khăn đã tiến hành sưu tầm tư liệu trong và ngoài nước có liên quan đến các vấn đề về lịch sử, tôn giáo, chữ viết. Nhóm tác giả chú trọng nghiên cứu các tài liệu có liên quan đến Quảng Nam, đặc biệt là vùng Thanh Chiêm, Hội An, các địa điểm mà các giáo sĩ phương Tây đã đặt chân đầu tiên đến sớm nhất và lưu trú trong một thời gian dài vào thế kỷ XVII. 

Tiếp theo, các cuộc điều tra khảo sát được tổ chức ở các huyện, thị trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Với những kết quả thu thập, nhóm tác giả đã tiến hành phân tích, nghiên cứu thổ âm của các vùng, trong đó chú trọng đến tiếng nói vùng Thanh Chiêm, Hội An. Từ những nghiên cứu trên, tác giả đã xác lập được hệ thống âm vị tiếng Quảng Nam và cũng đã đủ cơ sở khoa học để đi đến khẳng định vị trí của tiếng Quảng Nam trong quá trình hình thành chữ Quốc ngữ. 

Với sự tận tâm trong quá trình nghiên cứu, sau 3 năm các nhà khoa học đã hoàn thành đề tài. Ngoài phần Phụ lục, Tài liệu tham khảo, báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài được chia làm 3 phần: 

1. Quảng Nam - xưa và nay 

Với những tư liệu thu thập được về lịch sử và địa lý của Quảng Nam trong quá khứ và hiện tại, tác giả đã nghiên cứu Quảng Nam từ 5 góc độ khác nhau: khảo cổ học, lịch sử, kinh tế, tôn giáo, ngôn ngữ. Ở Việt Nam, trong thế kỷ XVI đã có những giáo sĩ đi theo các thương nhân đến buôn bán ở Đàng Ngoài và Đàng Trong nhưng việc truyền giáo chưa có kết quả. Từ đầu thế kỷ XVII trở đi, các giáo sĩ phương Tây vào nước ta càng nhiều và họ đã thực hiện được việc đưa đạo Thiên Chúa thâm nhập vào nước ta. Đặc biệt, vào thế kỷ XVII, XVIII, bắt đầu một quá trình xâm nhập của Thiên Chúa giáo ở Quảng Nam và đã đạt được nhiều thành tựu. 

Một trong những thành tựu tiêu biểu của quá trình giao lưu kinh tế, văn hóa với các nước trong khu vực và phương Tây là sự ra đời của chữ Quốc ngữ theo mẫu tự Latinh ngay trên mảnh đất Quảng Nam trong những thập niên đầu của thế kỷ XVII. Chữ Quốc ngữ ra đời, trước hết xuất phát từ mục đích tôn giáo, là công cụ ngôn ngữ để các giáo sĩ truyền đạo Thiên Chúa vào Việt Nam dễ dàng hơn. Việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ là một quá trình lâu dài, đầy khó khăn và là công sức của nhiều người, mà trước hết cần nhắc đến là Francisco de Pina, Alexandre de Rhodes. Trong quá trình khai sinh, phát triển chữ Quốc ngữ, con người và mảnh đất Quảng Nam đóng một vai trò quan trọng. Dinh trấn Thanh Chiêm và Hội An là những chiếc nôi đầu tiên sinh thành nên chữ viết của nhân dân ta ngày nay. 

2. Đặc trưng ngữ âm cơ bản của tiếng Quảng Nam 

Giới thiệu về tiếng Quảng Nam trong mối tương quan với các phương ngữ tiếng Việt là để chúng ta có sự hình dung chung về phương ngữ Quảng Nam trong bức tranh phân bố các phương ngữ tiếng Việt hiện đại. Các yếu tố lịch sử - địa lý đã góp phần đắc lực vào việc hình thành các nét đặc biệt của tiếng Quảng Nam, và được xếp vào phương ngữ Nam trong tiếng Việt. Rõ ràng, tiếng Quảng Nam là một trong những phương ngữ của tiếng Việt, mặc dù, khi ấy tiếng Quảng Nam được ưu tiên hơn các phương ngữ khác trong việc ghi chép từ, các địa danh để đưa vào các tài liệu hay trước tác của các vị linh mục phương Tây. 

Về những vấn đề chung của việc miêu tả đặc điểm ngữ âm tiếng Quảng Nam, các tác giả đã có nhiều kế thừa từ những kết quả nghiên cứu của các học giả đi trước, khi họ miêu tả tiếng Quảng Nam về mặt ngữ âm, đó là các nghiên cứu của học giả: Nguyễn Kim Thản, Hoàng Thị Châu, Vương Hữu Lễ, Phạm Văn Tường, Cao Xuân Hạo, Nguyễn Quang Hồng... Đồng thời, tự tiến hành điều tra điền dã thu thập các tư liệu ngữ âm tại 30 điểm điều tra thuộc 8 huyện và 2 thị xã ở đồng bằng và ven biển, làm việc với 60 cộng tác viên với mục đích khẳng định các kết quả nghiên cứu trước đây và đã bổ sung, hoàn thiện các kết quả nghiên cứu phục vụ cho việc miêu tả khái quát đặc trưng ngữ âm giọng Quảng. Kết quả của các cuộc điều tra điền dã là 24 báo cáo điền dã được thực hiện tại các huyện được điều tra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. 

Trong quá trình nghiên cứu, tác giả đã chọn tiếng nói của vùng Hội An - Điện Bàn làm cơ sở để miêu tả hệ thống ngữ âm tiếng Quảng Nam có bổ sung các biến thể ngữ âm điển hình của các địa phương khác. Để thể hiện được đặc điểm ngữ âm tiếng Quảng Nam, tác giả lựa chọn cách miêu tả truyền thống theo trật tự các tiểu hệ thống thanh điệu; phụ âm và vần, trong đó phần vần gồm có âm đệm [-w-], nguyên âm và âm cuối. Để phục vụ quá trình nghiên cứu này, tác giả đã dùng phương pháp cảm thụ thính giác mang tính chủ quan cho việc miêu tả, phân tích ngữ âm và quy nạp âm vị học trước tiên cho hệ thống phụ âm đầu và phần vần. Ngoài ra, tác giả còn áp dụng phương pháp so sánh lịch sử, phương pháp ngữ âm thực nghiệm (tức là dùng phần mềm Praat 2000, Cool Edit 2000) để phục vụ trong quá trình nghiên cứu ngữ âm Quảng Nam. 

Hệ thống thanh điệu tiếng Quảng Nam hiện đại: Trên cơ sở kế thừa kết quả nghiên cứu trước đây, kết quả nghiên cứu từ các cuộc điều tra, nhóm tác giả đã mô tả đồng đại hệ thống thanh điệu tiếng Quảng Nam ở hai phương diện: bản thân hệ thống, và đặt hệ thống trong bối cảnh so sánh, đối chiếu với hệ thống thanh điệu tiếng Hà Nội. 

Hệ thống thanh điệu tiếng Quảng Nam hiện đại được phân tích như sau: 

- Tiếng Quảng có 5 thanh, các thanh điệu đối lập nhau theo tiêu chí về chất (cao độ, đường nét) và lượng (trường độ thanh). Nhìn chung, hệ thanh điệu tiếng Quảng khá thống nhất ở các địa phương, không có nhiều biến thể dị biệt. 

- So với hệ thanh điệu tiếng Việt văn hóa, hệ thanh điệu Quảng Nam có đặc trưng trường độ ngắn hơn. Đối lập giữa các thanh theo hai vùng âm vực cao - thấp là đối lập được khai thác triệt để trong hệ thanh Quảng Nam. Đối lập về đường nét giữa các thanh của Quảng Nam là không rõ ràng như trong phương ngữ Bắc Bộ, điển hình nhất là sự đối lập giữa thanh ngang và thanh sắc. 

- Có những biến thể địa lý đa dạng cho thanh thứ ba (thanh ngã) trong tiếng Quảng Nam. Biến thể thứ nhất mang tính phổ biến giống thanh hỏi của tiếng Việt văn hóa, có thể phản ánh đặc điểm ngữ âm của phương ngữ Thanh Hóa. Hai biến thể còn lại giống thanh sắc và thanh nặng phản ánh đặc trưng thanh điệu cư dân vùng Nghệ - Tĩnh của phương ngữ Bắc Trung Bộ. 

Hệ thống phụ âm đầu tiếng Quảng Nam hiện đại: Tác giả đã miêu tả một cách tổng quan hệ thống phụ âm đầu của tiếng Quảng Nam và đã đi sâu phân tích những phụ âm mang nét đặc thù trong hệ thống này. Xét về mặt đồng đại, nếu so sánh hệ thống âm đầu tiếng Quảng Nam với hệ thống phụ âm đầu tiếng Việt văn hóa, ngoài những điểm tương đồng, có thể thấy những nét khác biệt mang tính đặc trưng riêng. Xét về mặt lịch đại, ở Quảng Nam còn tồn tại một số biến thể của các phụ âm cổ của thế kỷ XVII. 

Hệ thống vần tiếng Quảng Nam hiện đại có những đặc điểm: Vần trong tiếng Quảng Nam được xác định là 104/166 vần (67/115 vần không có âm đệm và 37/51 vần có âm đệm) so với tiếng Việt phổ thông. Các âm đệm tham gia rất hạn chế; các nguyên âm đôi khi kết hợp với bán nguyên âm hay phụ âm cuối về cơ bản đều “rụng” mất yếu tố thứ vốn là một nguyên âm không mang trọng âm; hệ thống phụ âm cuối thực sự mang tính chất chuyển tiếp của phương ngữ Nam và phương ngữ Bắc; có sự khác biệt của các nguyên âm trong các loại hình khác nhau của cấu tạo vần trong sự so sánh với hệ thống vần của tiếng Việt văn hóa, tạo nên đặc trưng ngữ âm điển hình nhất của giọng Quảng. Tác giả cũng đã có nghiên cứu sâu về hệ thống âm vị tiếng Quảng Nam, hệ thống âm vị tiếng Việt thế kỷ XVII qua từ điển của Alexandre de Rhodes. Qua đó cho thấy Alexandre de Rhodes đã hiểu đúng bản chất âm vị học của các thanh tiếng Việt. 

Bước đầu so sánh hệ thống âm vị tiếng Quảng Nam hiện đại với hệ thống âm vị tiếng Việt thế kỷ XVII, cho thấy rõ hai hệ thống trên vừa có sự tương đồng, vừa có sự khác biệt. Điều này dễ hiểu, bởi lẽ trong sự phát triển của mình, ngôn ngữ vừa có mặt bảo thủ, vừa có mặt cách tân. Lại nữa, trong cách tân ta vẫn thấy rõ sự tiếp nối phù hợp với quy luật phát triển của tiếng Việt. Sự so sánh cũng cho phép chỉ ra, ở rất nhiều trường hợp, còn thấy rõ dấu tích của tiếng Quảng Nam được ghi nhận và đưa vào chữ viết, đặc biệt là ở thế kỷ XVII, qua các tác phẩm in ấn 1651 của Alexandre de Rhodes và một số tài liệu viết tay khác cùng thời. 

3. Vị trí tiếng Quảng Nam trong việc hình thành chữ Quốc ngữ 

Tiến trình lịch sử chữ Quốc ngữ và các tài liệu có liên quan: Về sự ra đời của chữ Quốc ngữ ở Việt Nam không phải là sự ngẫu nhiên hay là do ý muốn của một cá nhân nào đó, mà là kết quả của quá trình giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với phương Tây. Đồng thời, chữ Quốc ngữ không phải là được sáng tạo mới hoàn toàn, mà có thể là đã có tham khảo những phương án chữ Latinh hóa khác như của chữ Nhật, chữ Hán đương thời. Khi các giáo sĩ Dòng Tên đến Việt Nam, họ đã có ít nhiều về các phương án Latinh hóa chữ Nhật và chữ Hán nói trên. Có thể rằng, Ma Cao là nơi các giáo sĩ đã gặp gỡ và trao đổi với nhau về các chữ viết Latinh hóa của tiếng Nhật, tiếng Hán, tiếng Việt.

Lịch sử chữ Quốc ngữ ở Việt Nam - tức là thứ chữ phiên âm tiếng Việt theo mẫu tự Latinh ABC, căn cứ vào các tài liệu còn giữ lại được đến ngày nay, gắn bó với lịch sử truyền đạo Thiên Chúa giáo ở Việt Nam. Vì thế, các học giả nghiên cứu về lịch sử chữ Quốc ngữ thường cũng tính thời điểm khởi nguyên công việc sáng chế chữ mới này ở Việt Nam - mà cụ thể là Đàng Trong, xứ Quảng - vào đầu thế kỷ XVII, tức là khi các nhà truyền giáo Dòng Tên chính thức đến mở đạo ở Việt Nam và hoạt động của họ được ghi lại trong các tài liệu lưu trữ khá đầy đủ. 

Khi các vị thừa sai Dòng Tên đến Đàng Trong năm 1615, họ đã có kinh nghiệm của các vị giáo sĩ truyền giáo ở Nhật Bản và Trung Hoa trước đó, họ cần phải học tiếng nói, phong tục của người dân ở đó và giảng đạo bằng ngôn ngữ của họ. Chính vì vậy, việc học tiếng Việt cũng là một công việc đầu tiên và quan trọng của những giáo sĩ. Quá trình này cũng đã có sự trợ giúp đắc lực của các thầy giảng Việt Nam, mà một số vị còn được lưu trong các tư liệu như cụ Gioan Kim, sư cụ chùa Phao, sư cụ Manuel, cụ nghè Giuse,… cũng như của các thanh niên Việt đã giúp việc cho các giáo sĩ này ở nhà đạo. Tuy vậy, xét về phương diện lịch sử chữ Quốc ngữ thì điều quan trọng nhất là năm 1617 khi có thêm linh mục Francisco de Pina từ Ma Cao được cử đến giúp thêm cho cha Francesco Buzomi. Đây là vị linh mục châu Âu đầu tiên nói thạo tiếng Việt, giao tiếp với người Việt và giảng đạo không cần có thông dịch, bởi lẽ ông đã nỗ lực phi thường để được học tiếng Việt ngay những ngày đầu đặt chân đến đây. Tuy nhiên, những tác phẩm, tài liệu sách vở trong giai đoạn đầu này đến nay đã thất truyền, kể cả những công trình nghiên cứu của Francisco de Pina. Sau đó, chữ Quốc ngữ dần được hoàn thiện, dấu ấn này được thể hiện rõ trong tác phẩm của Cristoforo Borri và Alexandre de Rhodes vào những thập kỷ sau đó. 

Như vậy, từ năm 1620 đến hết thế kỷ XVII, chữ Quốc ngữ đã hình thành và phát triển, là một lối chữ viết khá hoàn thiện với lối ghi âm đơn giản và dễ học của người Việt, bên cạnh chữ Nôm, chữ Hán, sau đó là chữ Pháp. Đàng Trong, nơi các vị linh mục nước ngoài tập kết vào Việt Nam sinh sống, học tiếng Việt và mở đạo, nơi họ tiếp xúc đầu tiên với tiếng Việt, vẫn là cơ sở quan trọng trong việc hình thành nên chữ Quốc ngữ. Do đó, dấu vết của tiếng Đàng Trong, mà gốc là tiếng Quảng Nam (với tư cách là trung tâm) trong chữ viết Quốc ngữ, đặc biệt là ở thế kỷ XVII, là khá rõ nét ở các tài liệu sưu tầm được. Dấu vết này được thể hiện phần nào ở bình diện ngữ pháp, vừa thể hiện ở cả lĩnh vực từ nghĩa - ngữ âm của các đơn vị nghiên cứu. Đặc biệt, qua quá trình điền dã, tác giả đã lập ra 208 trường hợp đối sánh giữa tiếng Quảng Nam và từ trong Từ điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes và xem đó là những từ cơ bản của tiếng Quảng Nam đóng góp cho việc xây dựng từ điển. 

Vị trí của Thanh Chiêm và Hội An trong lịch sử chữ Quốc ngữ: Ở cảng thị Hội An và dinh trấn Thanh Chiêm, Alexandre de Pina đã hoạt động truyền giáo và đã có những công trình nghiên cứu về chữ Quốc ngữ. Bản thân ông đã sống ở nhiều nơi, nhưng ông vẫn có cảm tình với tiếng nói Thanh Chiêm, trong một bức thư ông đã viết “… chúng ta có thể làm thêm một nhà đạo mới. Theo ý kiến của con việc chọn Kẻ Chiêm là thích hợp… Đối với việc học tiếng, Kẻ Chiêm vẫn là nơi tốt nhất vì đấy là trung tâm của triều đình. Ở đây, người ta nói rất hay…”. Từ những năm 1617 đến 1625, những công trình phiên âm ra chữ Latinh và nghiên cứu tiếng Việt Đàng Trong do Francisco de Pina thực hiện ở dinh trấn Thanh Chiêm và cảng thị Hội An đã ra đời sớm nhất. Do vậy, có thể nói rằng Thanh Chiêm, Hội An là cái nôi đầu tiên ra đời chữ Quốc ngữ ở Quảng Nam nói riêng và nước ta nói chung vào những năm đầu thế kỷ XVII, và dinh trấn Thanh Chiêm còn có trường dạy học đầu tiên, ở đó có các giáo sĩ Dòng Tên đã dạy nhau tiếng Việt Đàng Trong với thứ chữ phiên âm theo mẫu tự Latinh. 

Người đi tiên phong trong việc sáng chế ra chữ Quốc ngữ: Việc sáng chế ra chữ Quốc ngữ ở giai đoạn sơ khởi, phôi thai ở giai đoạn 1620 - 1626 được hình thành trên cơ sở tiếng Đàng Trong, người có công đầu trong việc sáng chế này phải kể đến là linh mục Francisco de Pina, người đã đến sống truyền đạo, học tập, nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt chủ yếu ở Thanh Chiêm và Hội An. Ông là người tiên phong trong việc sáng chế ra chữ Quốc ngữ ở những giai đoạn đầu tiên, điều này đã được minh chứng qua nhiều tài liệu chép tay được các nhà nghiên cứu ngôn ngữ trong và ngoài nước thu thập tại các thư viện lớn trên thế giới. Công lao của Alexandre de Rhodes là đã có công tu chỉnh, hệ thống hóa chữ Quốc ngữ đang thời kỳ phôi thai và có công phổ biến, in ấn đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ. Sáng chế chữ Quốc ngữ là một quá trình, công việc của một tập thể giáo sĩ phương Tây, và chắc chắn trong quá trình đó không thể thiếu sự hợp tác và tham gia của nhiều người Việt Nam. 

Sau ba năm nghiên cứu, kết quả nghiên cứu của đề tài đã đạt được nhiều kết quả khả quan, được Hội đồng khoa học nghiệm thu cấp tỉnh đánh giá cao. Với những cứ liệu xác đáng, nhóm tác giả đã chứng minh được rằng xứ Quảng, mà nơi bắt đầu là Thanh Chiêm - Hội An và tiếng Quảng Nam là cái nôi hình thành, nuôi dưỡng và có ảnh hướng nhất định của chữ Quốc ngữ. 

Kết quả nghiên cứu và xuất bản trên, cho thấy tỉnh Quảng Nam cách đây hơn một thập kỷ đã quan tâm, nhằm cung cấp thêm cơ sở khoa học để có cái nhìn đầy đủ về chữ Quốc ngữ. 

4. Vài đề nghị 

Ngày nay, vị trí quan trọng của chữ Quốc ngữ trong đời sống văn hóa dân tộc đã được khẳng định, vậy nhưng nơi khai sinh ra vẫn chưa được đông đảo người dân biết đến. Chính vì vậy, nghiên cứu và làm sáng tỏ thêm vị trí và vai trò của Thanh Chiêm nói riêng và xứ Quảng nói chung trong việc hình thành chữ Quốc ngữ là một việc làm cần thiết. Đây là một việc quan trọng không chỉ đối với lịch sử ra đời chữ Quốc ngữ mà rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể/vật thể của địa phương. 

Thiết nghĩ nên xây dựng một công trình nhằm ghi nhận, tôn vinh nơi khai sinh ra chữ Quốc ngữ, vai trò của Francisco de Pina, các linh mục khác, cả người Việt trong quá trình hình thành chữ viết của dân tộc Việt. 

Hẳn đây là một điều đáng được nên làm.

VỀ HAI CHỮ D TRONG TỪ ĐIỂN CỦA ALEXANDRE DE RHODES?Tạ Thành Tấn

1. Dẫn nhập 

Từ điển Annam - Lusitan - Latinh của Alexandre de Rhodes in năm 1651 được coi là từ điển tiếng Việt bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên còn lưu lại được, là nguồn tư liệu vô cùng quý giá về tiếng Việt thế kỷ XVII. Ngoài phần từ điển tra cứu tiếng Việt với các từ tương đương trong tiếng Bồ Đào Nha và Latinh, cuốn từ điển của A. de Rhodes còn có một bản báo cáo ngắn về tiếng Việt: các âm của nó và những nhận xét khái quát về ngữ pháp. Tác giả đã có những miêu tả vô cùng tinh tế, và đáng ngạc nhiên thay vô cùng chính xác, về những hiện tượng của ngữ âm tiếng Việt mà cho đến ngày nay vẫn bị những người nghiên cứu tiếng Việt nhầm lẫn hoặc không thống nhất với nhau. 

Thừa hưởng thành quả của những người đi trước và phát triển trên cơ sở tổng hợp, hệ thống hóa ngữ âm tiếng Việt, A. de Rhodes khẳng định việc sử dụng con chữ Latinh để ghi âm tiếng Việt là việc làm hết sức thuận lợi và hợp lý vì các con chữ này có thể ghi lại được hầu hết các âm tiếng Việt. Tuy nhiên do đặc thù của ngữ âm tiếng Việt, A. de Rhodes cũng như những người tiền nhiệm bắt buộc phải sử dụng những dấu phụ để ghi lại những âm, những hiện tượng ngữ âm không hề có trong tiếng Bồ Đào Nha, Latinh, hay các thứ tiếng châu Âu nói chung. Ví dụ, khi ghi phụ âm tiếng Việt, họ đã dùng hai con chữ B, hai con chữ D khác nhau. Sau đây, chúng tôi xin thảo luận thêm về trường hợp hai con chữ D trong cuốn từ điển này, một vấn đề mà đến nay vẫn chưa có câu trả lời chung cuộc. 

2. Những miêu tả đầu tiên về hai con chữ D 

Gần đây việc phát hiện ra bức thư viết tay của Francisco de Pina “Manudictio ad linguam tunckinensen” (Bước đầu học tiếng Đàng Ngoài) và xác định vai trò tiên phong của ông trong công cuộc sáng tạo chữ Quốc ngữ của các giáo sĩ truyền giáo (bản thân A. de Rhodes khẳng định F. de Pina là thầy dạy tiếng Việt đầu tiên của mình) đã cho chúng ta những chứng liệu mới về quá trình hình thành chữ Quốc ngữ. Trong bức thư viết tay, F. de Pina có những miêu tả đầu tiên về việc sử dụng hai con chữ D để ghi âm tiếng Việt. Chúng tôi xin trích dẫn lại ở đây: 

“Chữ D là kép: chữ thứ nhất [biến thái của chữ này] phát âm như “d” Latinh và có cùng giá trị. Tuy nhiên nó thể hiện sự sai khác nào đó trong các từ mà [“d”] có kèm theo “ě”, nhưng sự sai khác này hình như không có nguồn gốc từ “e” ngắn này hơn là từ [chữ] “d”. Thật vậy hình như [chữ “e”] không phải là để phát âm, ví dụ như từ “děa” như ta thấy, đúng hơn là như không có chữ “e” và chỉ cần phát âm hai chữ “da””. Biến thái khác của chữ “d” được ghi bằng “đ”, vì nó hoàn toàn khác với [chữ “d”] của chúng ta. Nó được phát âm bằng cách đưa đầu lưỡi lên vòm miệng và lại rút lưỡi ra ngay lúc ấy để cho lưỡi không có cách nào va chạm vào răng. Thí dụ “đa đa”. Chữ này rất hay đứng đầu từ”. (Roland Jacques 2007:108-109) 

Những miêu tả của A. de Rhodes về hai con chữ D về cơ bản đồng nhất với những điều đã dẫn trên của de Pina nên chúng tôi không trích lại ở đây, chỉ chú ý thêm tới miêu tả bổ sung của A. de Rhodes về biến thể thứ nhất của con chữ D: “nhưng khi [“d”] không có “ě” phụ tố này coi như [nguyên âm] ở giữa thì nó hoàn toàn giống như âm của chúng ta như trong “dà” (nhà), tuy nhiên ở một số làng của Bắc Kì “d” này được phát âm như “r”. Điều này [coi như] một lỗi của ngôn ngữ”. (Roland Jacques 2007:198) 

3. Những kiến giải về hai con chữ D 

3.1. Biến thể thứ nhất của D 

Cả F. de Pina và A. de Rhodes đều sử dụng “ě” (e ngắn) để thể hiện sự khác biệt của biến thể thứ nhất của D trong tiếng Việt so với các thứ tiếng châu Âu. Đúng như hai ông nhận xét, sự khác biệt này “không có nguồn gốc từ “e” ngắn này hơn là từ [chữ] “d”. Theo các nhà nghiên cứu sau này, “ě” chính là đặc trưng ngạc hóa mạnh của biến thể thứ nhất của D. Ký âm IPA hiện nay có thể ghi là /dj /. Còn nhận xét của Rhodes về những trường hợp “d” không có đi kèm “ě” thì chúng tôi nghĩ rằng có lẽ ở đây đã biến thành âm mặt lưỡi /j/, bởi hiện nay ở rất nhiều vùng của Bình - Trị - Thiên vẫn còn giữ cách phát âm cổ của /ɲ/ (nh) là /j/. Ví dụ nhà phát âm thành /ja/, nhẹ nhàng phát âm thành /jɛ jɑN/,... 

Khu vực Bình - Trị - Thiên như một vùng phương ngữ quan trọng trong nghiên cứu lịch sử tiếng Việt khi nơi đây còn lưu giữ rất nhiều đặc điểm phát âm cổ, trong đó có biến thể thứ nhất của D chúng ta đang xét. Các nhà nghiên cứu Nguyễn Bạt Tụy (1961), Nguyễn Tri Niên và Nguyễn Phan Cảnh (1961), Đoàn Thiện Thuật (1976), Hoàng Thị Châu (1989), Võ Xuân Trang (1997), Đặng Xuân Lộc (2003),... đều khẳng định rằng nhiều thổ ngữ khu vực này có cách phát âm D đặc biệt mà về cơ bản được miêu tả là một phụ âm tắc, đầu lưỡi, ngạc hóa mạnh dù cho có nhiều cách ký âm khác nhau [D’], [d’], [Dj ], [dj ], [ðj ]. Tiến hành nghiên cứu bằng phương pháp thực nghiệm, chúng tôi phát hiện phụ âm mà các tác giả trên đề cập là phụ âm tắc, hữu thanh, thở, kí hiệu IPA /dú/.Trong đó, tính chất thở thuộc vào thức tạo thanh thở (breathy phonation), tức là khi phát âm dây thanh chùng, khe thanh môn mở rộng hơn so với khi phát âm các âm hữu thanh nên một lượng khí tương đối lớn thoát qua thanh môn, làm cho âm được tạo ra như có một tiếng “thở” đi kèm. Có lẽ tính chất thở này cũng là đặc điểm của phụ âm B thứ hai mà A. de Rodhes miêu tả là phát âm “ít cứng hơn” âm b thứ nhất, và sử dụng ký hiệu [б] để ghi âm. (Tạ Thành Tấn 2016) 

Không chỉ tồn tại trong các thổ ngữ vùng Bình - Trị - Thiên, như nhiều lần chúng tôi đã đề cập, phụ âm tắc, hữu thanh, thở [dú] này còn được phát hiện ở một thổ ngữ miền Bắc: xã Phục Lễ - Thủy Nguyên - Hải Phòng. Nếu như ở vùng Bình - Trị - Thiên, cách phát âm cổ [d/ ] chỉ còn thấy ở những người già và trung niên thì tại Phục Lễ tất cả mọi người đều phát âm D với chất giọng thở rất rõ. Cách phát âm D còn ngạc hóa mạnh với mặt lưỡi và đầu lưỡi cong lên áp sát vòm miệng, cùng với việc phát âm các âm quặt lưỡi, đã khiến cho người dân Phục Lễ bị các vùng lân cận gọi là “đầy mồm lưỡi”. (Tạ Thành Tấn, 2014) Nguyễn Văn Lợi (2010) phục nguyên hệ thống ngữ âm tiếng Việt thế kỷ XVII cũng đã tái lập tính chất thở cho loạt 4 phụ âm /b/ /, /d/ /, /ï / /, /g/ /. Giải pháp này không những thuận tiện cho việc giải thích quá trình xát hóa đa dạng với các phụ âm này xảy ra ở các vùng phương ngữ khác nhau mà còn gợi ra hướng giải quyết mới cho vấn đề lịch sử thanh điệu tiếng Việt (cụ thể, tính chất thở của phụ âm trong quá trình vô thanh hóa đã chuyển sang phần vần, sau đó là toàn bộ âm tiết, làm cho âm tiết mang một âm vực thấp hơn so với những âm tiết vốn có âm đầu là các phụ âm vô thanh). /v/ (Bắc Bộ) /j/ (Nam Bộ) /b/ / (một số thổ ngữ Bắc Trung Bộ) /ph/ (một số thổ ngữ Bắc Trung Bộ) /ɓ/ (một số thổ ngữ Thanh Hóa, Bắc Trung Bộ) /z/ (Bắc Bộ, Nam Bộ) /d/ / (một số thổ ngữ Bắc Trung Bộ) /ɗ/ (một số thổ ngữ Bắc Trung Bộ) 

(Quá trình xát hóa hai phụ âm hữu thanh thở /*b/ / (б) và /*b/ / (d) tại các vùng phương ngữ khác nhau. Nguyễn Văn Lợi, 2010) 

3.2. Về biến thể thứ hai của D 

Như miêu tả của F. de Pina và A. de Rhodes, biến thể thứ hai của D hoàn toàn /*b/ / (б) /*d/ / (d)  khác với các thứ tiếng châu Âu nên các ông đã thêm dấu gạch ngang vào con chữ D để đánh dấu (Đ, đ). Mặc dù không được nhắc đến trong những miêu tả đầu tiên này, nhưng các nhà nghiên cứu đều thống nhất ở một điểm là biến thể thứ hai của D này tương đồng với biến thể thứ nhất của B ở đặc điểm “phát âm không thổi khí ra mà là hút vào ngay khi mở miệng hoặc các môi, cứ như khi ta muốn tạo ra “m” và sau đó lại muốn phát âm “b”; hoặc “nó được phát âm gần như “mb” bằng cách hút khí vào hơn là thở ra”. (Roland Jacques, 2007:189) 

Năm 1965, trong A Vietnamese Grammar, L. C Thompson miêu tả cả hai âm B và D bằng tính chất tiền thanh quản hóa (preglottalized) và thường đi kèm với sự “nổ trong” (implosion). Thompson còn miêu tả hai phụ âm này như hai cụm âm với yếu tố đầu là một âm tắc thanh hầu (glottal stop) cho nên đã dùng // p/ và // t/ để ký hiệu cho hai âm này. 

Kenneth J. Gregerson (1969) đã phục nguyên cho B và D giá trị của hai phụ âm nổ trong /ɓ/ và /ɗ/. 

Sử dụng phương pháp soi thanh quản (laryngoscopy), Jerold A. Edmondson và cộng sự đã nghiên cứu các phụ âm đầu và cuối vô thanh và hữu thanh của tiếng Tâi-gí (Đài Loan) và tiếng Việt. Nhóm tác giả đã ủng hộ luận giả của Thompson về hai âm “nổ trong” (imploded) B và D của tiếng Việt và khẳng định thêm rằng sự nổ trong này là thường xuyên nhưng không phải luôn luôn. 

Những nhận xét về tính chất “nổ trong”, “tiền thanh quản hóa” hay “tiền tắc họng” về hai phụ âm B và D của tiếng Việt thì nghiên cứu ngữ âm hiện đại ngày nay dùng thuật ngữ implosive (thường dịch là hút vào - đối lập với explosive nổ ra). Những âm hút vào này thuộc cơ chế luồng hơi thanh hầu - glottal mechanism, đối lập với đa phần các âm của ngôn ngữ trên thế giới thuộc cơ cấu luồng hơi phổi - pulmonic mechanism (bên cạnh đó còn có cơ cấu luồng hơi mạc - velaric mechanism). Ladefoged nhận xét về âm hút vào của tiếng Việt như sau: “Trong nhiều ngôn ngữ, ví dụ như tiếng Sindi và một vài ngôn ngữ châu Phi và châu Mĩ bản địa, âm hút vào đối lập với âm tắc nổ. Tuy nhiên, trong một vài ngôn ngữ (ví dụ tiếng Việt), âm hút vào chỉ đơn giản là biến thể (tha âm vị) của âm tắc hữu thanh và chúng không đối lập với những âm này”. (Ladefoged, 2006:137). 

Về quá trình lịch sử, âm hút vào D (cũng như B) xuất hiện sau khi quá trình vô thanh hóa phụ âm đầu tiếng Việt đã hoàn tất. Có một quá trình biến đổi nào đó đã khiến hai âm vô thanh môi /p/ và đầu lưỡi /t/ trở thành hai âm hút vào /ɓ/ và /ɗ/. (Trần Trí Dõi, 2011:184). 

Nghiên cứu các ngôn ngữ ở khu vực Đông Nam Á, David B. Solnit (1992) nhận ra rằng sự có mặt của các phụ âm thanh quản hóa (glottalized consonant) như là một đặc trưng “di truyền” (genetic) của khu vực này. Trong đó, các âm hút vào của tiếng Việt là kết quả của một quá trình đổi mới từ các phụ âm tắc vô thanh, một hiện tượng tương tự trong các thứ tiếng Mông Trắng (Mèo - Miến); T’en, Be (Kadai); Khmer (Môn - Khmer); Hainan Min, Guangxi Yue (Hán - Tạng). (Solnit, 1992:115) 

Thực tế ứng dụng các giải pháp ngữ âm vào dạy tiếng Việt cho người nước ngoài cho thấy rằng việc thừa nhận B và D là hai âm hút vào tỏ ra rất hiệu quả vì bản chất của B và D tiếng Việt hoàn toàn khác với các phụ âm tắc nổ hữu thanh tương ứng (/b/, /d/) trong các thứ tiếng Nhật, Hàn, Anh,... Chính bởi lý do đó chúng tôi luôn lưu ý học viên học tiếng Việt khi phát âm hai phụ âm này bằng cách vừa phát âm vừa quan sát người dạy mẫu (hoặc nhìn vào gương), hoặc tự đặt tay lên thanh hầu để cảm nhận sự dịch chuyển xuống của thanh hầu khi phát âm B và D. 

Sự khác biệt về cấu âm giữa b nổ ra /b/ trong các thứ tiếng khác và b hút vào /ɓ/ trong tiếng Việt dẫn đến sự khác biệt trong mô thức của sóng âm. Hình dạng sóng âm của chúng được quan sát dễ dàng trên các phần mềm nghiên cứu ngữ âm như Praat, SpeechAnalyzer,... Dưới đây là hình ảnh dạng sóng âm của [b] tiếng Anh và [ɓ] tiếng Việt: âm thứ hai có trường độ lớn hơn, cường độ của sóng âm gia tăng đều đặn, có sự lặp lại có chu kỳ của sóng âm. 

    Phần đầu âm tiết [baa] tiếng Anh và [ba] tiếng Việt 

Ý thức rõ về sự khác biệt B, D trong tiếng Việt với các thứ tiếng nước ngoài cũng là một biện pháp khắc phục lỗi phát âm khi người Việt học và nói các ngoại ngữ khác. Ví dụ khi làm việc tại Nhật Bản, Nguyễn Thị Việt Thanh có tham gia giảng dạy tiếng Nhật cho người Việt trên truyền hình. Khi phát âm [đ] thì các chuyên gia Nhật nói bà phát âm hoàn toàn không giống tiếng Nhật. Hỏi ý kiến của GS. Đoàn Thiện Thuật bà mới biết rằng: “Âm “đ” của tiếng Việt là hơi hút vào trong. Còn âm “đ” của nhiều ngôn ngữ khác là hơi phải bật ra ngoài, chắc tiếng Nhật cũng vậy.” Nguyễn Thị Việt Thanh tập phát âm [đ] của tiếng Nhật bằng cách đặt tờ giấy pơluya trước miệng, phát âm đẩy ra phía trước để tờ giấy hơi lung lay. (Nguyễn Thị Việt Thanh, 2013:192-193). 

4. Kết luận 

Như vậy, biến thể thứ nhất của D cần được coi là một phụ âm tắc, hữu thanh, đầu lưỡi, thở /dú/ như nó tồn tại trong các thổ ngữ vùng Bình - Trị - Thiên, và một số thổ ngữ Bắc Bộ ngày nay. Giải pháp này đề xuất một lý giải phù hợp hơn về quá trình xác hóa đa dạng của loạt phụ âm thở ở những vùng khác nhau của tiếng Việt, giải thích quá trình hình thành thanh điệu tiếng Việt bằng cách chuyển âm vực của phụ âm đầu sang phần vần và toàn bộ âm tiết, cũng như phù hợp với các đặc trưng chung của các ngôn ngữ khu vực Đông Nam Á. 

Từ thế kỷ XVII, khi lần đầu được miêu tả trong những tài liệu đầu tiên về chữ Quốc ngữ, đến nay, phụ âm Đ (biến thể thứ hai của D trong từ điển A. de Rhodes) của tiếng Việt vẫn giữ nguyên tính chất hút vào (implosive), cùng với B hình thành một thế đối lập về cơ cấu luồng hơi thanh hầu, đối lập với các âm còn lại của tiếng Việt thuộc cơ cấu luồng hơi phổi. Đây là một hiện tượng xảy ra tương đối muộn của tiếng Việt, sau khi quá trình vô thanh hóa phụ âm đầu kết thúc, tạo nên sự đối lập âm vực (nguồn gốc hình thành thanh điệu tiếng Việt). Quá trình lịch sử này vẫn còn là một câu hỏi để ngỏ cần được nghiên cứu sâu hơn nữa. Tuy nhiên về mặt đồng đại, việc thừa nhận tính chất hút vào của Đ (và B) trong hệ thống ngữ âm tiếng Việt cần phải được thực hiện nhanh chóng và rộng khắp hơn nữa, với mục đích không gì khác là giúp: giải thích đúng hơn hiện trạng tiếng Việt; góp phần chuẩn hóa tri thức ngữ âm phục vụ hoạt động học tập tiếng Việt của người nước ngoài và hoạt động học tập các ngoại ngữ của người Việt; tạo tính chính xác và thuận lợi trong các hoạt động công nghệ thông tin nghiên cứu, ứng dụng tiếng Việt… 

Chú thích: 

1. Trong bài viết chúng tôi có sử dụng các ký hiệu phiên âm quốc tế IPA. Các ký hiệu được chúng tôi lấy trong mục Insert > Symbols > Font: Time New Romance > Subset: IPA Extensions 

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

1. Brown, Keith (Ed) (2005). Encyclopedia of Language and Linguistics (2nd ed., Vol. 5). Elsevier Science. 

2. Hoàng Thị Châu (1989). Tiếng Việt trên các miền đất nước. Hà Nội: Đại học Quốc gia Hà Nội. 

3. Hoàng Thị Châu (1993). “Về hai chữ B và hai chữ D trong bộ chữ Quốc ngữ xưa và nay”. Ngôn ngữ. Số 3. 1-4. 

4. Hoàng Thị Châu (2014). Hợp lưu những dòng suy tư. Hà Nội: Đại học Quốc gia Hà Nội. 

5. Trần Trí Dõi (2011). Giáo trình lịch sử tiếng Việt. Hà Nội: Giáo dục Việt Nam. 

6. Edmondson, Jerold A et al. Voiced and voiceless stops in Tâi-gí (Taiwanese) and Vietnamese: stricture hierarchy in the pharyngeal cavity. Source: www.uta.edu/faculty/jerry/ plosives.pdf 

7. Gordon, M., & Ladefoged, P. (2001). “Phonation types: a cross-linguistic overview”. Journal of Phonetics, 383-406.

8. Gregerson, Kenneth J. (1969). A study of middle Vietnamese phonology. Saigon: Societe des Études Indochinoises No 2. 

9. Henderson, Eugénie J. A. (1965). “The Topography of Certain Phonetic and Morphological Characteristics of South East Asian Languages”. Lingua 15, 400-434. Amsterdam: NorthHolland Publishing Co. 

10. Jacques, Roland (1995). Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học. Hà Nội: Khoa học xã hội, 2007. 

11. Ladefoged, P., & Maddieson, I. (1996). The Sounds of the World’s Languages. Oxford: Blackwell. 

12. Ladefoged, P. (2006). A Course in Phonetics (Fifth Edition). Thomson Wadsworth. 

13. Đặng Xuân Lộc (2003). Thổ âm Quảng Trạch, Quảng Bình. Luận văn Thạc sĩ khoa học Ngữ văn. Vinh: Trường Đại học Vinh. 

14. Nguyễn Văn Lợi & Edmondson, J.A. (1998). “Tones and voice quality in modern northern Vietnamese: instrumental case studies”. Mon-Khmer Studies Vol. 28, 1-18. 

15. Nguyễn Văn Lợi (2004). “Đặc điểm ngữ âm - âm vị học của phụ âm tắc, hữu thanh, thở trong các ngôn ngữ ở Việt Nam và Đông Nam Á (trên bình diện đồng đại và lịch đại)”. Trong Những vấn đề ngôn ngữ học. Hà Nội: Khoa học xã hội. 

16. Nguyễn Văn Lợi (2010). “Phục nguyên Hệ thống ngữ âm tiếng Việt thế kỷ XVII (Trên cơ sở Ditionarium Annamiticum Lusitianum et Latinum (Từ điển Việt - Bồ Đào Nha - Latin) của Alechxandre de Rhodes)”. Từ điển học và Bách khoa thư, 5 (7), 16-29. 

17. Rhodes, Alexandre de - Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính dịch (1991). Từ điển Annam - Lusitian - Latinh (1651). Hà Nội: Khoa học xã hội. 

18. Solnit, David B. (1992). “Glottalized consonants as a genetic fearture in Southeast Asia”. Acta Linguistica Hafniensia: International Journal of Linguistics, 25:1, 95-123 

19. Tạ Thành Tấn (2014). “Hệ thống phụ âm đầu thổ ngữ Phục Lễ (Thủy Nguyên - Hải Phòng)”. Từ điển học và Bách khoa thư. Số 5 (31). 185-192. 

20. Tạ Thành Tấn (2016). “Về một phụ âm cổ trong tiếng Quảng Bình”. Hội thảo Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và giáo dục ngôn ngữ trong nhà trường. Quảng Bình, 2016. 

21. Nguyễn Thị Việt Thanh (2013). “Người thầy của tôi”. Trong Nghĩ về thầy: Giáo sư Đoàn Thiện Thuật. Hà Nội: Đại học Quốc gia Hà Nội. 

22. Thompson, L. C. (1985). “A Vietnamese grammar”. Mon-Khmer Studies 13:14, 1-367. 

23. Đoàn Thiện Thuật (2007). Ngữ âm tiếng Việt (tái bản lần 4). Hà Nội: Đại học Quốc gia Hà Nội. 

24. Thurgood, G. (2002). “Vietnamese and tonogenesis: Revising the model and the analysis”. Diachronica Volume 19 Issue 2, 333-363. 

25. Võ Xuân Trang (1991). Miêu tả và phân vùng ngữ âm phương ngữ Bình Trị Thiên. Luận án Phó Tiến sĩ, Đại học Sư phạm Hà Nội. 

27. Viện Văn học. Vấn đề cải tiến chữ Quốc ngữ. Tài liệu Hội nghị cải tiến chữ Quốc ngữ 9.1966. Hà Nội: Văn hóa.

 ĐẶC ĐIỂM LỚP TỪ CỔ TIẾNG VIỆT TRONG "PHÉP GIẢNG 
TÁM NGÀY" CỦA ALEXANDRE DE RHODES?

Trần Văn Sáng 

1. Dẫn nhập 

Phép giảng tám ngày (PGTN) là một trong những tài liệu văn bản đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ. Cuốn sách này được Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) biên soạn nhằm phục vụ cho việc dạy giáo lý Công giáo tại Việt Nam, được linh mục Gosswinus Nikel, lúc đó là quyền bề trên Cả, cho phép xuất bản ngày 08.07.1651. Cuốn sách “được viết bằng hai thứ tiếng: Latinh và Việt Nam. Trên mỗi trang sách chia làm hai, có một gạch đôi từ trên xuống dưới: bên tay trái của người đọc sách là chữ Latinh (chữ xiên), bên tay phải là chữ Việt (chữ đứng). Để độc giả dễ dàng đối chiếu hai thứ chữ, Đắc Lộ đặt ở đầu mỗi ý tưởng chính mẫu tự abc... cho hai phần La - Việt, rồi chính giữa trang sách cũng đặt mẫu tự abc... cho hai phần La - Việt song song. Cuốn sách có 319 trang, không đề Lời tựa. Sau trang bìa và trang ghi ngày được phép in sách, là đến phần chính ngay. Viết sách này, tác giả không chia ra từng chương, mà lại chia theo từng ngày học, có tính cách sư phạm, và như chúng ta đã biết là sách được chia ra 8 ngày” [Đỗ Quang Chính, 1972: 118]. 

Nội dung của cuốn sách chứa đựng những chân lý căn bản phải dạy cho người ngoài Kitô giáo muốn theo đạo. Cuốn sách ra đời có nhiều giá trị đáng kể trong công cuộc truyền giáo tại Việt Nam của các cha Dòng Tên lúc bấy giờ. Trong phần giới thiệu cuốn PGTN, Nguyễn Khắc Xuyên đã nhận xét: “Phép giảng tám ngày đối với người Kitô hữu là một sách giáo lý để tham khảo, lịch sử, đối với mỗi người Việt Nam bất kỳ thuộc tôn giáo nào, thì cuốn sách này là thánh tích văn hóa vô giá, bởi vì đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong lịch sử dân tộc và văn hóa Việt Nam, đó là sự thành lập và sử dụng chữ Quốc ngữ, một lối viết văn tự nước nhà vừa đơn giản vừa dễ dàng, thành một dụng cụ truyền đạt văn hóa tư tưởng tinh nhuệ đệ nhất trong miền Đông Nam Á”. 

Tìm hiểu PGTN, chúng ta có thể khảo cứu trên nhiều phương diện: đặc điểm ngữ âm - chữ viết, đặc điểm từ vựng, đặc điểm ngữ pháp, đặc điểm phong cách văn bản. Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng tôi chỉ đi vào phân tích đặc điểm từ vựng cổ của tác phẩm, qua đó, góp phần chỉ ra diện mạo đặc điểm từ vựng tiếng Việt thế kỷ XVII. Những vấn đề về ngữ âm - chữ viết và đặc điểm ngữ pháp, chúng tôi sẽ có dịp trình bày trong một bài viết riêng. 

2. Đặc điểm lớp từ cổ trong PGTN

Từ vựng của PGTN, cũng giống như các văn bản Quốc ngữ khác, được phản ánh qua nhiều lớp, loại, kiểu đơn vị khác nhau; trong đó, những đơn vị từ vựng “đánh dấu” thường được lựa chọn để khảo sát là: từ ngữ cổ, từ ngữ lịch sử, từ ngữ tín ngưỡng tôn giáo (biệt ngữ tôn giáo), từ ngữ địa phương, từ ngữ nghề nghiệp, từ ngữ thô tục và nhã ngữ. Ở đây, chúng tôi chỉ đề cập đến lớp từ vựng được “đánh dấu” một cách có trọng số: lớp từ ngữ cổ có trong văn bản. 

Từ ngữ cổ là “những từ ngữ biểu thị những khái niệm mà ngày nay có những từ ngữ khác tương ứng biểu thị thay thế. Sự xuất hiện của các từ đồng nghĩa ứng làm cho những từ ngữ cũ không được dùng nữa và được gọi là từ ngữ cổ” [Đoàn Thiện Thuật, 2008: 486]. Để đảm bảo tính hệ thống của các đơn vị từ vựng, chúng tôi chia lớp từ ngữ cổ thành các nhóm khác nhau: Nhóm từ chỉ người, sự vật, hiện tượng, khái niệm; nhóm từ chỉ hoạt động; nhóm từ chỉ phẩm chất trạng thái; và nhóm những từ khác. 

2.1. Nhóm từ ngữ chỉ người, sự vật, hiện tượng, khái niệm 

Nhóm từ này xuất hiện khá nhiều, điều đặc biệt là có nhiều từ chỉ thấy xuất hiện ở tác phẩm này mà không có ở những văn bản khác, sẽ góp phần làm phong phú thêm diện mạo từ cổ thế kỷ XVII: tổ nể, oan gia, sâu nhiệm, đồng than, săng, đòi tói/lòi tói, tù rạc, vóc, lấm, tôi tá, chốc lếch, chúa nhà, cật, thầy cả/thày cả, nơi thờ, cát nhân, lây trộ, cùm trang, thói, đí gì, bửng tưng, chủ ý, thùng. 

- Tổ nể: Từ này không còn được sử dụng ở tiếng Việt hiện đại, các từ điển hiện đại không còn nhắc tới. Tổ nể đồng nghĩa với các từ như tổ tông, tổ tiên nói lên những người đầu tiên, thế hệ đầu đã qua đời của một gia đình, dân tộc, ví dụ: “Vì ông Abraham là tổ nể nước ấy, và lại để tiếng Hebraea truyền cho nước ấy” [A. de Rhodes, 1651: 10]. Tiếng Việt hiện đại, khi nói về ý nghĩa trên, người ta thường sử dụng tổ tông, tổ tiên. 

- Oan gia: Đây là tổ hợp từ chỉ kẻ làm hại mình, được gọi là kẻ thù, hay là kẻ nghịch thù. Ví dụ: “Mà Đức Chúa Jesu khi đã phải oan gia thể ấy, chẳng lọ là chẳng có giận nó, cũng chẳng có trả lại sự dữ cho oan gia mình” [A. de Rhodes, 1651: 224]. Từ điển Việt - Bồ - La đương thời và Từ điển từ cổ của Vương Lộc điều xác định cùng một nghĩa nói trên, nhưng oan gia trong từ điển hiện đại và trong ăn nói người Việt đã được chuyển nghĩa. Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê ghi nhận đó là tai vạ oan. Ví dụ: “Cẩn thận kẻo oan gia có ngày”. [Hoàng Phê, 2000: 749]. Quả vậy, ngày này, khi nói về điều rủi ro nào không may bị gặp phải, người ta mới dùng oan gia để diễn đạt, nhưng xem ra dùng ít hơn, thay vào đó là các từ ngữ khác: vạ lây, tai vạ. 

- Sâu nhiệm: Trong văn bản PGTN, từ này xuất hiện 12 lần với nghĩa “sức bí ẩn người ta không lĩnh hội được”. Ví dụ: “Nơi thông mình ra thật là lòng lành và rộng rãi vô cùng, nơi phán xét, thì rất công bằng và sâu nhiệm, ta suy chẳng đến” [A. de Rhodes, 1651: 50]. Vương Lộc hiểu nó là “sự sâu xa, kín đáo, bí ẩn...”. Từ sâu nhiệm đối với người Công giáo để dành nói về những điều liên quan tới thiên chúa và những việc thiên chúa muốn thể hiện, khi điều đó không thể giải thích được, không ngờ tới được theo trí khôn của con người. Trong tiếng Việt hiện đại chúng ta thấy hầu như không còn xuất hiện từ này và trong các văn bản Công giáo ngày nay cũng vậy. Để diễn đạt ý nghĩa trên, tiếng Việt hiện đại dùng mầu nhiệm. Trong PGTN không thấy dùng đến. Ý nghĩa của từ này cũng để chỉ điều khôn ngoan, tài tình mà không thể hiểu được bằng lẽ thường. Ngày nay, trong các văn bản Công giáo, hay trong cách ăn nói của người Việt, từ mầu nhiệm hoàn toàn được thay thế. Ví dụ: “Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm năm sự vui, điều mầu nhiệm...” để nói về ý nghĩa điều vượt qua sức lĩnh hội của con người. 

- Đồng thân: Để chỉ người thiếu nữ còn trinh trắng, PGTN dùng tổ hợp từ này. Nó cũng có nghĩa là “bạn đọc” [Vương Lộc, 2001: 63]. Đắc Lộ dùng để nói về sự trinh trắng của Mẹ Maria, thiếu nữ nhận lời Đức Chúa Trời cưu mang Đức Chúa Giêsu bởi quyền phép Chúa Thánh Thần mà không bởi ăn ở với người nam. Ví dụ: “Khi ở nơi ấy có ai mời Đức Chúa Jesu và rất thánh Đức Mẹ đồng thân…” [A. de Rhodes, 1651: 180]. Trong tiếng Việt hiện đại, hay sách bổn Công giáo ngày này, từ đồng thân không còn được dùng để chỉ thiếu nữ còn trinh tiết hay chỉ người con gái giữ mình đi tu thờ Chúa, thay vào là từ đồng trinh. 

- Săng (xăng): Săng chỉ xuất hiện một lần với nét nghĩa là “quan tài, hòm”. Ví dụ: “Đoạn thì tay đá đến cái săng, mà phán rằng…” [A. de Rhodes, 1651: 187]. Tục ngữ xưa cũng dùng với “Muốn ăn thì lăn vô bếp, muốn chết thì lết vào săng” [Vương Lộc, 2001: 144]. Ngoài nét nghĩa đó, Huình Tịnh Paulus Của còn ghi nhận nét nghĩa là “gỗ, cây, cỏ tranh”. Ví dụ: nhà săng: nhà cất bằng cây gỗ. Ngày nay, săng chỉ còn lại với nghĩa là “gỗ, cây săng”, loại cây xuất hiện ở vùng Thanh Chương, Nghệ An. Ca dao tục ngữ cũng đề cập: “Ông cội đứng giữa mặt trăng, cầm rìu kiếm chạc đốn săng kiền kiền”. Nét nghĩa “hòm, quan tài” đã không còn thấy dùng trong tiếng Việt hiện đại. 

- Đòi tói/lòi tói: Trong Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của mang nghĩa “dây chạc, dây niệt lớn, thường dùng mà cột người có tội, xiêng tòa”. Ví dụ: “Trong tù rạc nước này vua Chúa bắt kẻ có tội, trong ấy có thấy những người đòi tói, cùm trang, roi đánh” [A. de Rhodes, 1651: 10]. Ngày nay, từ này được dùng hạn chế ở một số phương ngữ miền Nam chỉ để nói về xích sắt buộc ghe thuyền. 

- Tù rạc: Theo Đại Nam quấc âm tự vị, tù rạc để nói về “người nặng tội, hay phạm nhân”. Ngược lại, Từ điển Việt - Bồ - La ghi nhận nét nghĩa là “nhà tù”, được dùng nhiều vào các thế kỷ giai đoạn hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ, đúng với nét nghĩa tù rạc mà Đắc Lộ dùng 5 lần trong PGTN. Ví dụ: “Mà những thằng ấy thì cầm ở trong tù rạc” [A. de Rhodes, 1651: 275], hay ở đoạn khác: “Địa ngục ở đâu? Thật ở trong đất này, là tù rạc ĐCT hóa ra mà phạt kẻ dữ” [A. de Rhodes, 1651: 10]. Điều đó dễ hiểu, khi Nguyễn Du miêu tả “Cũng có kẻ mắc oan tù rạc, Gửi mình vào chiếu rách một manh” (Văn chiêu hồn, câu 121-122). Vương Lộc cũng ghi nhận nét nghĩa “nhà tù, nhà giam”. Điều đáng nói, từ rạc Hán tự viết “lạc”, âm Nôm “rạc” với nghĩa “nhà tù, nhà giam” [Vương Lộc, 2001: 139], đi với “tù” không được nghe thấy trong cách ăn nói người Việt hay trong các từ điển hiện đại, để nói về nơi giam giữ, cải tạo những kẻ có tội, người ta thường gọi là: nhà tù, nhà giam, lao tù, nhà đá. 

- Vóc: Vóc với nét nghĩa là “thân thể, hình tích cao lớn thế nào”. Ví dụ: “Có mình vóc, mà có tính mình, có phép” [A. de Rhodes, 1651: 44]. Điều đặc biệt là, trong cách dùng của từ này trong PGTN, nó được dùng một mình để chỉ về thân thể, hay hình dáng, khả năng, tiếng tăm của con người, tương tự như trong Chinh phụ ngâm: “Vóc bồ liễu dễ ép nài chiều xuân” (câu 336). Tuy nhiên, nó còn được dùng có tính biểu thị độc lập “là tính thiêng liêng, chẳng có vóc” [A. de Rhodes, 1651: 35], trong tiếng Việt hiện đại thường dùng tổ hợp “vóc dáng, tầm vóc, sức vóc”. Hơn nữa, theo chúng tôi, tiếng Việt ngày nay, vóc được dùng thiên về chỉ hình tích, thanh thế, vai trò, địa vị của con người hơn là để nói về hình thể. 

- Lấm: Xuất hiện trong tác phẩm chỉ 2 lần, lấm mang nét nghĩa là bùn, “đất nhão, bùn”. Ví dụ: “Khi ấy Đức Jesu giổ ra trên đất làm lấm, mà lấy lấm xức con mắt người ấy” [A. de Rhodes, 1651: 194]. Như vậy, lấm chính là “bùn”. Cách dùng hiện đại, lấm không được dùng độc lập như trong PGTN, ngược lại, nó thường đi kèm theo một tổ hợp như “châm lấm tay bùn” (tục ngữ), hay là để diễn tả sự vây bẩn do bùn đất vào người: Mặt mũi lấm la lấm lét. 

- Tôi tá: Tôi tá cũng có nghĩa là “tôi tớ”, là “kẻ làm tay chân, người đầy tớ” [Huình Tịnh Paulus Của, 1895 - 1896: 1067]. Ví dụ: “Linh hồn như chủ nhà, xác như tôi tá hay đầy tớ, nó thì phải phục linh hồn như chủ” [A. de Rhodes, 1651: 6]. Từ điển tiếng Việt không thấy có từ tá mà thay vào đó là tớ trong tổ hợp tôi tá, bởi cùng nghĩa nhưng tôi tớ đã được thay cho tôi tá. 

- Chốc lếch: Từ điển Việt - Bồ - La ghi nhận với nghĩa là “bị vết thương”. Đến thế kỷ XIX, Huình Tịnh Paulus Của giảng nghĩa là “ghẻ lớn”. Trong PGTN, nghĩa của chốc lếch cũng được hiểu như trên. Ví dụ: “Vì ở đời này, thì khó khăn chẳng bao lâu, mà đi ăn mày, cùng trong mình mẩy phải những chốc lếch” [A. de Rhodes, 1651: 128]. Ngày nay, từ cùng nghĩa với “chốc lếch” là “chốc lỡ”, nói về bệnh ngoài da do vi trùng gây nên, và để lại mưng mủ. 

- Chúa nhà: Chúa hay còn gọi là chủ với nét nghĩa là “Đấng có quyền sửa trị trong một nước, kẻ làm chủ trong một nhà” như cách giải thích của Từ điển Việt - Bồ - La. Ví dụ: “Song le xét ta lo trước cho đầy tớ hay là cho chúa nhà? Thật là ta làm trước cho chúa nhà, sau lo cho đầy tớ” [A. de Rhodes, 1651: 6]. Trong tiếng Việt hiện đại, người dùng thường biết rằng, chúa được dùng cho Đấng siêu việt, đấng quyền phép vô hình: “Lạy chúa tể càn khôn”, hay còn để ví von quyền uy của ai đó. Ví dụ: “Mày là chúa của vùng này rồi”. Chủ thì để gọi cho một quyền uy có phạm vi hẹp hơn và có tính “khu vực”, như “ông chủ, bà chủ, bá chủ, chủ soái...”. Trong PGTN, chúa và chủ được dùng với nghĩa tương đương nhau, với các tổ hợp như Thiên Chúa cũng là Thiên Chủ; chúa nhà cũng là chủ nhà; Chúa nhật cũng là Chủ nhật. Ngày nay, từ chúa và chủ được dùng phân biệt rất rõ ràng trong cách nói của người Việt khi có tính nghiêm túc. Và trong kết hợp chúa nhà với nét nghĩa nói trên thường được dùng là chủ nhà. 

- Cật: Trong tiếng Việt hiện đại, cật còn được hiểu với nét nghĩa là “lưng”, là phần thân phía sau ngang bụng: “Chung lưng đấu cật”, “Bụng đói cật rét” (tục ngữ); hay chỉ một bộ phận ngoài của sự vật, như cật tre, cật nứa, lạt cật... Nếu được dùng cho người sẽ với nét nghĩa khác là “quả thận” trong tổ hợp quả cật. Trong PGTN, cật có nghĩa là “lưng” của con người. Ví dụ: “Lại có đàn bà đến bên sau cật Đức Chúa Jesu” [A. de Rhodes, 1651: 185]. Nét nghĩa này không có trong tiếng Việt hiện đại. 

- Nơi thờ: Từ điển Việt - Bồ - La ghi nhận nơi thờ cũng có nghĩa là “bàn thờ, nhà nguyện” [A. de Rhodes, 1651: 173], là nơi để làm lễ thờ phượng hay bàn đọc sách, và nó cũng đồng nghĩa với “bàn độc” được nói tới ở nhiều từ điển khác. Trong PGTN, chỉ thấy xuất hiện “nơi thờ”: “Vậy thì phải dựng đền thánh và nơi thờ, để mà kính lạy thờ phượng Đức Chúa Trời” [A. de Rhodes, 1651: 284]. Tuy nhiên, hiện nay, nơi thờ hay bàn độc đều đã nhường chỗ cho bàn thờ trong cách gọi mới của người Việt nói chung, người Công giáo nói riêng. 

- Cát nhàn: Cát nhàn là “mộc hương miền Sy-ri, hương” [A. de Rhodes, 1651b: 54], một thứ hương các nhà vua từ phương Đông tới kính tiến Chúa Giêsu lúc vừa mới sinh ra. Ví dụ: “Mà cúng vua nước Judaea mới đẻ, một là vàng, hai là cát nhàn, ba là myrrha: vàng thì cúng vua Chúa, cát nhàn thì cúng thật ĐCT [A. de Rhodes, 1651: 165]. Chỉ có Từ điển Việt - Bồ - La mới ghi nhận cát nhàn, vì có lẽ đây là từ chỉ “hương” được dùng ở một giai đoạn đầu ở chữ Quốc ngữ, nay đã không còn. 

- Lây trộ: Trong một số từ điển cổ và từ điển hiện đại, chúng tôi chưa thấy nghĩa của từ này được ghi nhận. Tuy nhiên, theo dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên chú thích tác phẩm PGTN, giảng nghĩa là “vết nhơ”. Ví dụ: “Khi mới đẻ ra, đã phải lây trộ tội tổ tông ta truyền cho ta” [A. de Rhodes, 1651: 92]. Xét theo nghĩa của câu, chúng tôi thấy chú thích như vậy hoàn toàn có thể đáng tin cậy. Ngày nay, tổ hợp từ này không còn thấy xuất hiện trong văn nói, viết hay lời ăn tiếng nói của tiếng Việt. - Cùm trang: Cùm hay tổ hợp cùm trang là một trong những tên gọi của dụng cụ nhục hình cũ. Nó được “làm bằng hai tấm ván khoét nửa lỗ tròn, có thể đóng mở, để mà cầm chân người có tội” [Huình Tịnh Paulus Của, 1895-1896: 203]. Ví dụ trong PGTN có đoạn: “Trong tù rạc nước này vua Chúa bắt kẻ có tội, trong ấy có thấy những người đòi tói, cùm trang, roi đánh” [A. de Rhodes, 1651: 10]. Từ điển Việt - Bồ - La không thấy mục từ nào, tuy nhiên lại xuất hiện trong PGTN. Trang còn được đọc là trăng trong Sách kinh Quy Nhơn: “Đã thoát khỏi trăng cùng lòi tói”. Ngày này, tổ hợp từ này, dù trăng hay trang thì chúng không còn tồn tại và có thể được thay thế là gông cùm. 

- Thói: Để chỉ những quy định ràng buộc mọi người trong một nước phải tuân theo, tiếng Việt hiện thời thường dùng các từ như: luật lệ, luật pháp, pháp luật. Còn ở thế kỷ XVII, được A. de Rhodes dùng với nghĩa là “lề luật, phép”. Ví dụ: “Làm việc tế Thượng đế đoạn, thì kẻ cả trong nước đại thần cùng các dân thì kính Vua chúa mà lạy xuống như thói An Nam” [A. de Rhodes, 1651: 22]. Thực tế sử dụng tiếng Việt hiện đại, thói không còn được dùng với phạm vi rộng như vậy, ta chỉ gặp trong một số thành ngữ hay trong ăn nói thường với nghĩa xấu, tiêu cực, như: thói hư tật xấu, mãi mới bỏ được thói nghiện ngập, giở thói con đồ. 

- Đí gì: Đí gì cũng được gọi là đi gì, xuất hiện tới 53 lần trong PGTN với nghĩa “cái gì”. Ví dụ: “Ta phải tin chẳng có đí gì khuất mặt ĐCT” [A. de Rhodes, 1651: 52]. Từ điển thế kỷ XIX của Huình Tịnh Paulus Của, và từ điển sau này không thấy xuất hiện đí gì, điều đó cho thấy, đí gì chỉ được sử dụng phổ biến trong một giai đoạn nhất định, cụ thể là ở giai đoạn đầu của chữ Quốc ngữ. Ngày nay, đí gì được thay thế vào tổ hợp từ mới là điều gì, cái gì. 

- Bửng tưng: Để nói về khoảng thời gian gần sáng, tiếng Việt hiện đại thường gọi là bình minh, rạng sáng. Nhưng, trong tác phẩm PGTN, A. de Rhodes gọi là bửng tưng. Ví dụ: “Từ Đức Chúa Jesu chịu chết đến ngày thứ ba, [...] khi ngày ấy bổng bửng tưng là họa” [A. de Rhodes, 1651: 242]. Tổ hợp này có lẽ đã không còn xuất hiện, khi không tìm thấy ở Đại Nam quấc âm tự vị ở thế kỷ XIX, và các từ điển tiếng Việt hiện đại sau này. 

2.2. Nhóm từ ngữ chỉ hoạt động 

Nhóm từ này xuất hiện số lượng ít hơn các nhóm khác, nhưng cũng nhiều từ, tổ hợp từ mới lạ so với một số văn bản cổ khác. Dưới đây là những từ, tổ hợp từ đã thống kê được: phú/phó, đơm, chịu lụy, toan, dái, lần mê, thụ lộ, đá, dọn, dễ, hủy bang, sinh thì, khứng, nhứ nhẩm, nói khó,… 

- Phú/phó: Phú cũng có nghĩa là phó để chỉ “này cho, giao cho” [Huình Tịnh Paulus Của, 1895-1896: 813]. Trong PGTN, phó và phú mỗi từ xuất hiện bốn lần, và đều diễn tả nghĩa giống nhau. Ví dụ: “Mà lại ông bà vì sự ấy lo lắng gia giết, song le phó mọi sự mặc ơn ĐCT, mà cầu khẩn liên” [A. de Rhodes, 1651: 144]; hay: “Dù mà đã phú cho mọi trái khác ở trong vườn vui vẻ dầu lòng ăn” [A. de Rhodes, 1651: 74]. Ngày nay, phú hầu như được đảm nhiệm nghĩa mới về tiền tài, còn phó vẫn giữ nét nghĩa cũ trong giao tiếp, sử dụng tiếng Việt. 

- Đơm: Đây là tổ hợp từ để chỉ “thêm, gia thêm”, hay “thêm thắt”, ví dụ: Thì thiếu một chữ Chúa, vì vậy thì phải thêm đơm chữa ấy [A. de Rhodes, 1651: 16]. Ngày nay, tổ hợp từ thêm đơm đã được nhường chỗ cho “thêm thắt, gia thêm” với nghĩa tương tự. 

- Chịu lụy: Chịu lụy mang nét nghĩa là “vâng lời, vâng phép, đầu lụy”. PGTN sử dụng nét nghĩa đó. Ví dụ: “Chúa Jesu mà khi đến đền thánh, mà lại có chịu lụy rất thánh Chúa Bà Maria, là Đức Mẹ đồng thân” [A. de Rhodes, 1651: 172]. Điều đáng nói, ở nét nghĩa này, chịu lụy có tính khách quan, tích cực, khi người “chịu lụy” có tính chủ động cao, không bị ràng buộc. Ngày nay, chúng ta hay thường gặp với nét nghĩa không như vậy: “Cách sông nên phải lụy đò. Bởi chưng trời tối lụy cô bán dầu” (ca dao), hay trong cách nói “lụy người”. Theo chúng tôi, cách dùng mới thể hiện tính chất gượng ép, thế sự khi chủ thể không có lựa chọn nào khác trước một vấn đề.

- Dái: Hiện từ này chỉ còn xuất hiện trong một số ngữ cố định là thành ngữ hay tục ngữ, ca dao như: “Khôn cho người ta dái, dại cho người ta thương”, mang nét nghĩa “sợ và có phần nể”. Đối với tác phẩm PGTN hay một số tác phẩm cổ, dái được dùng phổ biến với nét nghĩa là “sợ, kính sợ”. Ví dụ: “Linh hồn người khi đã qua đời, thì hãy còn sống, mà hãy còn về xác ấy ta dái, dù mà đã chết đã rồi" [A. de Rhodes, 1651: 129]. Đến Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của, từ này được giải thích là “kiêng nể”. Tiếng Việt hiện thời, dái không còn được sử dụng, thay vào đó là sợ. 

- Thụ lộ: Thụ lộ là chấp nhận lễ vật. Tác giả viết là “thộ lồ” và Từ điển Việt - Bồ - La gọi là “chấp nhận lễ vật”. Trong PGTN được Việt ngữ thụ lộ, nghĩa là “nhận của hối lộ”. Ví dụ: “Trong quân dữ ấy, có kẻ thì thụ lộ mà nói ra như lời bảo ấy” [A. de Rhodes, 1651: 244]. Ngày nay, người Việt thường dùng “nhận hối lộ” để trái nghĩa với “hối lộ”. 

- Đá: Đá trong từ điển hiện đại còn ghi nhận nét nghĩa “đưa nhanh chân và hất mạnh nhằm làm cho ra xa hoặc bị tổn thương”. Và cùng với thực tế của ăn nói người Việt, đá nhằm chỉ hành động mạnh của con người tới một sự vật. Tuy nhiên, với PGTN, ngoài nét nghĩa nói về hành động của chân, một nét nghĩa mà chúng ta không còn thấy bắt gặp là “đụng chạm tới” - hoạt động của tay. Ví dụ: “Lại khi bà ấy nói ra, tay mình đá đến Đức Chúa Jesu, mà dái, Đức Chúa Jesu nhân đức, thì thương điều lành” [A. de Rhodes, 1651: 186]. Xuất hiện 5 lần với từ đá, A. de Rhodes dùng với hoạt động của tay, như: tay mình đá, tay ai đá, tay đá đến, ngón tay đá. Tiếng Việt chúng ta thường nghe thấy chỉ còn lại nét nghĩa chỉ hoạt động của chân, có lẽ vì thế đã làm mất đi nét nghĩa được nói đến trong tác phẩm. Song, đá được chuyển sang một nghĩa mới ở hiện đại đó là “cắt đứt mối quan hệ tình cảm” trai gái. Ví dụ: đã bị người yêu đá. 

- Dễ: Từ điển Việt - Bồ - La giải thích với nghĩa là “khinh”. Hiện nay chúng ta chỉ còn gặp dễ với nghĩa này ở các tổ hợp song tiết như “khinh dễ, dễ ngươi”. Trong PGTN từ này chỉ xuất hiện hai lần trong một đoạn. Ví dụ: “Mà Đức Jesu rất lành có chịu thằng dễ người từng ấy, song le chẳng chịu ở lặng, kẻo người ta ngờ Đức Jesu có dễ thày cả” [A. de Rhodes, 1651: 214]. 

- Hủy báng: Để chỉ sự không đồng tình, ủng hộ và thậm chí xem thường quan điểm của người khác, A. de Rhodes dùng tổ hợp từ hủy báng với nghĩa “phản đối với sự khinh bỉ” [Alexandre de Rhodes, 1651b: 120]. Ví dụ: “Mà lại luân hồi ấy chẳng ưa lẽ ở trong lòng các người ta, cùng hủy báng lời thiên hạ” [A. de Rhodes, 1651: 117]. Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê cho rằng hủy báng nghĩa là “phỉ báng”: chê bai, nói xấu, tỏ ý coi thường cái, kẻ nào đó mà người ta thường thấy phải coi trọng. Ví dụ: “Lời văn phỉ báng bọn quyền thế” [Hoàng Phê, 2000: 778]. 

- Sinh thì: Sinh thì là tổ hợp từ đặc biệt mà chỉ bộ phận tín hữu người Công giáo mới nhanh chóng hiểu được nghĩa, bởi lẽ nó xuất hiện nhiều trong các văn bản cổ, trong kinh sách, nguyện ngắm... Thì và thời giống nhau nên Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê ghi nhận với nghĩa là “thời gian còn sống của người nào đó đã qua đời”. Tuy nhiên, đối với các văn bản Công giáo, cách hiểu đó là “chết”. Ví dụ: “Năm ấy có lụt cả thì ông Mathusala mới sinh thì” [A. de Rhodes, 1651: 96]. Ngoài ra, một số tác phẩm, bức thư của Bento Thiện, Igesio Văn Tín thời kỳ đầu chữ Quốc ngữ, sinh thì cũng được hiểu với nghĩa là “chết”. Tuy nhiên, Từ điển Việt - Bồ - La lại giải thích theo một hướng khác, dù ta hiểu đó là “chết”: Sinh, lên: Lên, được nâng lên, mọc, sinh; Sinh thì, giờ lên: Giờ lên [chết]; Đã sinh thì: Chúng tôi mượn sách nói đó nơi người Lương dân, để chỉ ý nghĩa sự chết của người Kitô hữu như đi lên với Thiên Chúa. 

Điều đáng đặt câu hỏi là tại sao lại dùng sinh thì với nghĩa là “chết”, và A.de Rhodes lại giải thích là “giờ lên”. Trong khi đó, người Việt lúc bấy giờ và sau này không dùng sinh với nghĩa là “lên”, mà gọi là “thăng”, vậy tại sao không gọi là thăng thì. Chúng tôi nghiêng về một cách hiểu mới có tính quan niệm của người Công giáo: Chết là sự tái sinh trong đời sống mới, chính quan niệm như vậy nên người Kitô hữu có cái nhìn lạc quan về sự chết, ngày chết là ngày được sinh ra trong cõi trường sinh như Kinh Thánh có đoạn: “Thật, thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Gioan 12, 24). Như vậy, để hiểu một từ ngữ thiếu nguồn gốc xuất xứ thì tất cả khả năng đều phải xét đến, và những cách hiểu ấy không hẳn là rơi vào “cảm tính”. Ngày nay, tổ hợp từ sinh thì chỉ còn xuất hiện trong các văn bản cổ, trong kinh sách Công giáo, nhưng không được sử dụng trong ngôn ngữ Công giáo hiện đại. 

- Khứng: Để diễn tả sự đồng tình với một ai, điều gì, người Việt thường dùng các từ “ưng, chịu, thuận...”. Ý nghĩa này lại được A. de Rhodes dùng với từ khứng. Ví dụ: “Ví bằng có ai chẳng khứng thờ Chúa Cha, mà lại thờ ma quỷ các vật” [A. de Rhodes, 1651: 21]. 

- Đã: Trong giao tiếp hằng ngày, đã được dùng với nghĩa cái đã xong, việc hoàn thành trong quá khứ, hay một việc ý định sẽ được ưu tiên trước. Nhưng có lẽ với nghĩa “làm cho lành khỏi, làm cho hết” thì ít dùng tới, trừ trường hợp bắt gặp trong thành ngữ: “đau như đã chầy, thuốc đắng đã tật”.... Ở PGTN, đã được dùng tới 175 lần, xuất hiện 5 lần với nghĩa “lành, khỏi”. Ví dụ: “Vậy dạy ta có lòng tin mà đến cùng Đức Chúa Jesu, thì chữa đã tật ta [A. de Rhodes, 1651: 86]. Với nghĩa nói trên, tiếng Việt ở thế kỷ XVII được dùng khá phổ biến. Ngày nay, nét nghĩa này đã không còn được dùng, thay vào đó là sự xuất hiện của dã, được coi là kết quả của sự biến âm từ đã. Ví dụ: thuốc đắng dã tật. 

- Nhứ nhẩm: Nhứ nhẩm là động từ chỉ sự đánh lừa, gạt gẫm. Ví dụ: “Song le ông Adam chẳng có phải lời nhứ nhẩm đâu” [A. de Rhodes, 1651: 88]. Tổ hợp này chỉ xuất hiện 1 lần trong tác phẩm, và phải chăng chỉ tồn tại trong một giai đoạn đầu của chữ Quốc ngữ như một số từ khác. Ngày nay, người ta thường nói về hành động này bằng các tổ hợp từ: lừa lọc, lừa gạt... 

- Nói khó: Từ điển Hoàng Phê ghi nhận nét nghĩa của tổ hợp từ nói khó là “nói rõ hết tình cảnh để nài xin”. Ví dụ: “nói khó để vay tiền”. Nhưng PGTN cùng nhiều tác phẩm cổ trước, nói khó được hiểu là “chuyện vãn cùng nhau”. Ví dụ: “Sự này dạy đàn bà mà chớ có dễ nói khó cùng kẻ chẳng biết là ai [A. de Rhodes, 1651: 86]. Ngày nay, chúng đã được thay thế bởi tổ hợp chuyện trò, trò chuyện, chuyện vãn... 

2.3. Nhóm từ ngữ chỉ phẩm chất, trạng thái 

Nhóm từ ngữ cổ chỉ phẩm chất, trạng thái chiếm tỷ lệ không nhiều. Chẳng hạn: gia giết, cả, kì sự, mọn, hỗn hào, hèn, khốn nạn, uế, phô, khê lê, no, liệt, vô hồi, trót, ở lặng, tích, lọn, ngay, cới tội,… 

- Gia giết: Từ điển Việt - Bồ - La ghi nhận gia giết với nét nghĩa là “nhiều”, và nó cùng đồng nghĩa với “thay, lắm”. Đến thế kỷ XIX, Paulus Của ghi nhận với nét nghĩa mới là “quá chừng”. Ví dụ: “Thương gia giết”. Nó thường được dùng phụ sau tính từ hoặc động từ. Trong PGTN, gia giết có thể thể hiện với hai nét nghĩa đó. Ví dụ: “Dỗ dành gia giết làm sao, cho đến chia các thiên thần làm ba phần” [A. de Rhodes, 1651: 62]. Tiếng Việt ngày nay, có lẽ để thể hiện mức độ đó, người ta đã dùng nhiều với từ thay thế khác, tuy chưa mất hẳn nghĩa, với các từ: lắm, thay, nhiều, rất. 

- Kỳ sự: Trong Từ điển Việt - Bồ - La xuất hiện tổ hợp từ kỳ sự với nét nghĩa là “tất cả mọi sự”, nét nghĩa này được thể hiện trong PGTN. Ví dụ: “Nên gỗ, nước, lửa, gió cùng các kỳ sự cho ta dùng” [A. de Rhodes, 1651: 20], hay: “Ở trên đất hay là trên gió rỗng, hay là trong nước, cùng các kì sự chẳng hay cóc biết, cùng chẳng sống” [A. de Rhodes, 1651: 35]. Hiện nay, kỳ sự không còn xuất hiện trong các văn bản hay trong cách ăn nói thường nhật của người Việt, có lẽ nó đã được thay thế bằng mọi sự, tất cả,... 

- Mọn: Mọn xuất hiện với nghĩa là “nhỏ bé, không đáng kể”. Ví dụ: “Vì chưng hễ là bẩy ngày thì lấy một làm lễ lạy, mà để thờ phượng Đức Chúa cả làm mọi sự, mà khi sáu ngày đã làm việc mọn kiếm ăn kiếm mặc cho xác” [A. de Rhodes, 1651: 79]. Như vậy, mọn nhằm diễn tả ý khiêm nhường: tôi là kẻ mọn. Tuy nhiên, Paulus Của ghi nhận mọn trong từ điển của mình với hai nét nghĩa “nhỏ, hèn mạt”. Trong PGTN, mọn xuất hiện với một chức năng là bổ nghĩa cho danh từ, ví dụ: phạm tội mọn, vợ mọn, trẻ mọn, đàng tiểu mọn, việc mọn... Tuy nhiên, sự xuất hiện của mọn cũng kèm theo với sự xuất hiện của nhỏ trong cùng một nghĩa khi kết hợp với danh từ. Chính vì vậy, nhiều khả năng dần dần về sau nhỏ đã được thay thế cho mọn. 

- Hỗn hào: Hỗn hào trong tiếng Hán có nghĩa là “lẫn lộn, không rõ giới hạn”. Tiếng Việt mang hai nét nghĩa là “lung tung, lẫn lộn, không có trật tự, không phân rõ giới hạn; rối loạn hỗn loạn”, còn A. de Rhodes giải thích đó là “sự huyên náo do dân chúng ùa đến tấp nập”. Ví dụ: “Song le Pilato thấy chước mình chẳng nên gì mà mở lòng dân quỷ quái ấy, lại càng hỗn hào, thì có rửa tay trước mặt dân” [A. de Rhodes, 1651: 219]. Ngày nay, người ta chỉ dùng đánh giá nhân cách của một người trong giao tiếp với nhau. Thế nên, phạm vi để sử dụng tổ hợp từ này trở nên hẹp hơn. 

- Khốn nạn: Khốn nạn trong tiếng Hán có nghĩa là “trắc trở, tai ương”: Khổ cực, gặp nhiều khó khăn. Với 16 lần xuất hiện trong PGTN, tổ hợp từ này đều mang nghĩa như vậy, ví dụ: Chịu xấu hổ chừng ấy, mà lại chịu đóng đanh khốn nạn làm vậy cho ta, là tôi tá phàm hèn, vô phép, chẳng hay ơn [A. de Rhodes, 1651: 234]. Mặc dù có nghĩa vậy, nhưng cách ghi nhận nghĩa của Từ điển Việt - Bồ - La có đặc điểm riêng: “đáng thương hại”, còn Paulus Của giảng là “tai hại, cực khổ”. Còn đối với Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, từ này được ghi nhận với hai nét nghĩa: “khốn khổ đến mức thảm hại, đáng thương” và nét nghĩa mới “hèn mạc, mất nhân cách, đáng khinh bỉ, nguyền rủa”. Ví dụ: “cái quân khốn nạn, trẻ không tha, già không thương. Ngày nay, khốn nạn với những nghĩa trên đều không còn được sử dụng phổ biến hay đã mờ nghĩa dần. 

- Phô: Phô là một phụ từ số nhiều xuất hiện cùng những, các nhưng ở chúng còn kèm theo nghĩa “chỉ danh giá”. Ví dụ: Phô ông, phô bà nghĩa là quý ông, quý bà; phô thày nghĩa là quý Cha, quý thầy. Trong PGTN, chúng tôi tìm thấy phô được dùng cho đại từ ông, bà trong 4 lần xuất hiện. Ví dụ: “Người ấy thưa rằng: Sự này là sự lạ, phô ông chẳng biết ông này ở đâu, song le đã mở được con mắt tôi”. [A. de Rhodes, 1651: 189]. Hiện nay, phô đã không thấy được sử dụng với nghĩa trên và đã biến mất. Những trường hợp đứng trước danh từ mà không có định ngữ (phô ông, phô bà) thì chuyển sang các (các ông, các bà); những trường hợp đứng trước danh từ có định ngữ (phô bà ấy, phô ông ấy) thì có thể chuyển sang những, các (các bà ấy, những ông ấy). Còn đối với nét nghĩa danh giá của phô, ngày nay được ứng với quý. 

- No: Xuất hiện trong PGTN 6 lần, no mang nhiều nét nghĩa khác nhau. Từ điển Việt - Bồ - La ghi lại 3 nét nghĩa: [1]. No biểu đạt sự “no nê, dồi dào (vật chất): “Ai giữ đạo Chúa cả, thì Chúa thưởng được no mọi sự đời này” [A. de Rhodes, 1651: 25]; [2] No biểu đạt về thời gian “đầy đủ ngày”: “Vậy thì Đức Chúa Jesu để xứ Judaea mà đến xứ Galilaea, cho no ngày tháng mình” [Alexandre de Rhodes, 1651: 201]; [3] No biểu đạt nghĩa về không gian “hết, tất cả”: “Mà vì Đức Chúa Trời mọi nơi mọi có, thì ta phải kính ở no mọi nơi” [A. de Rhodes, 1651: 51]. Ngày nay, nét nghĩa biểu đạt về thời gian, không gian bị mất đi, chỉ còn lại nghĩa “no đủ, dồi dào về vật chất”. Nét nghĩa này lại được hiểu phạm vi rộng rãi hơn, đó là: Thỏa mản về sinh lý của con người. Ví dụ: bữa no bữa đói, No cơm ấm áo. Ở trạng thái nhu cầu nào đó đã được thỏa mãn. Ví dụ: Ruộng no nước. Buồm no gió căng phồng. Trạng thái hết sức, ví dụ: được một bữa cười no bụng,... 

- Vô hồi: Xuất hiện 6 lần trong PGTN, vô hồi luôn đi kèm theo vô số với nghĩa “rất nhiều, không kể xiết”. Ví dụ: “Thì một ngày đừng làm mọi việc mọn ấy để mà thờ phượng ĐCT hết lòng, mà làm vậy thì cám ơn nhiều vô hồi vô số” [A. de Rhodes, 1651: 79]. Hiện nay, cặp đôi này chỉ còn thấy sử dụng vô số, bởi hai tổ hợp từ này có nghĩa như nhau, và có khả năng biểu thị được ý nghĩa trên. Ví dụ: vô số cá chết dạt vào bờ biển; vô số tiền bạc ngân quỹ bị thất thoát. 

- Ở lặng: Ở lặng được mang nghĩa là “lặng thinh, không nói”, với ví dụ trong Từ điển Việt - Bồ - La: Hãy ở yên và nín lặng. PGTN cũng dùng “ở lặng”: Song le chẳng chịu ở lặng, kẻo người ta ngờ vực Đức Chúa Jesu dễ thày cả [A. de Rhodes, 1651: 214]. Hầu hết các tác phẩm cổ đều sử dụng tổ hợp từ ở lặng này. Ngày nay, hành động này được diễn tả bằng động từ khác là “thinh lặng, im lặng, lặng lẽ...”. 

- Tích: Khi nói về một thói quen, sự đam mê khó bỏ, PGTN dùng tích để biểu thị, ví dụ: Trước là tích một sự ham lỗi, sự dữ [A. de Rhodes, 1651: 170]. Tích là danh từ chỉ xuất hiện 2 lần trong văn bản, sự ít ỏi đó phải chăng sẽ làm thưa thớt dần sự hiện diện của nó trong tiếng Việt hiện đại. 

- Lọn: Từ điển Việt - Bồ - La chỉ ghi nhận lọn với nét nghĩa là “bó, cuộn lụa, hay vật gì khác”. Từ điển của Huình Tịnh Paulus Của thì không tìm thấy từ này. Tuy nhiên, qua cứ liệu tra khảo ở PGTN, chúng tôi hiểu lọn nghĩa là “trọn, đầy đủ”. Ví dụ: “...mà chẳng dùng đí gì bề ngoài cho được lọn vui vẻ” [A. de Rhodes, 1651: 17]. Lọn có thể nằm cuối câu hoặc giữa câu. Sử dụng thường nhật hiện nay, người ta dùng hạn chế với lọn: Lọn đời, lọn nghĩa, thay vào đó là “trọn”. 

- Ngay: Ngay trong PGTN mang nghĩa là “thẳng”, với nghĩa của tư thế nghiêm, đứng, nhưng với hàm ý là ngay thẳng, thật thà. Ví dụ: Hễ là đàn bà thì phải xem gương này mà học, chớ có đi dông dài một mình khi chẳng có bạn ngay mà phải kẻ gian [A. de Rhodes, 1651: 85]. Ngay được dùng độc lập với nghĩa trên, ngày nay, thường xuất hiện ở các ngữ cố định như: Ăn ngay ở lành. Tình ngay lý gian. Ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối. Còn lại, ngay được kết hợp với từ khác để biểu thị như: ngay chính, ngay thẳng, ngay thật, ngay tình, hoặc với tổ hợp từ khác cùng nghĩa như: thật thà, thẳng thắn, chính trực. 

- Cới tội: Tổ hợp từ này chỉ xuất hiện có một lần trong PGTN. Ví dụ: Ít là cới tội vì dái xấu hổ, khi đã hay các tội mình [A. de Rhodes, 1651: 266]. Trong Từ điển Việt - Bồ - La, A. de Rhodes ghi nhận cới nghĩa là sửa mình, hối hận. Đều này hợp với cới trong tổ hợp từ cới tội. Để hiểu được tổ hợp từ này, Nguyễn Khắc Xuyên chú thích trong bản dịch tác phẩm là “cải hối”. Chúng tôi hiểu đây là tổ hợp từ chỉ việc ăn năn, hối hận nhận ra lỗi lầm, tội lỗi của mình, hoặc nhằm chỉ hành động “xưng tội”. Hiện nay, tổ hợp từ này không còn thấy xuất hiện trong các văn bản Công giáo, và phải chăng một tổ hợp khác cùng nghĩa đã được thay thế là “cải tội”. 

2.4. Nhóm các từ khác 

Đây là những từ, tổ hợp từ thuộc nhiều chức năng, có thể là phụ từ, liên từ, tình thái từ... Tuy nhiên, chúng tôi nghiêng về việc xem xét trên phương diện nghĩa nên tạm xếp vào “nhóm các từ khác”: đoạn, mà chớ, ví bằng, huống lọ, sẽ sẽ, chit, rốt hết, quanh quẻ, rày/rầy, năng, thậm, nghỉ, nề, âu, song le,… Ở đây, chúng tôi chỉ phân tích những trường hợp tiêu biểu sau: 

- Ví bằng: Với 59 lần xuất hiện, ví bằng được Từ điển Việt - Bồ - La giảng nghĩa là “nếu”, Huình Tịnh Paulus Của ghi là “nếu như, nếu mà”. Ví dụ: “Ví bằng có ai chẳng thảo kính, chẳng khứng vâng phép cha mẹ, thật thì có tội trọng” [A. de Rhodes, 1651: 18]. Ví bằng thường xuất hiện trước mệnh đề chính, hay trước một câu. Bên cạnh đó, luôn kết hợp với thì thành một cặp quan hệ ví bằng... thì như nếu... thì hiện nay. Cặp quan hệ “nhân-quả” “nếu-thì” hiện nay đã thay thế cho ví bằng. 

- Huống lọ: Huống, huống lọ, huống chi, phương chi, huống gì đều cùng một nghĩa là “hơn nữa, nữa là”. Các từ này được dùng cùng nghĩa, tuy nhiên, xuất hiện trong PGTN, huống lọ xem ra được dùng phổ biến, ví dụ: “Vì chưng nếu chẳng tha Đức Con mình, mà trao vì chúng tôi, khi chúng tôi hãy còn oan gia cùng, huống lọ khi đã kết nghĩa cùng”. [A. de Rhodes, 1651: 282]. Hiện nay, các tổ hợp trên vẫn còn được sử dụng, duy chỉ huống lọ không còn thấy được sử dụng đến. 

- Cóc biết: Tiếng Việt ngày nay sử dụng cóc với nghĩa mang tính phủ định nhấn mạnh một vấn đề, cho rằng “không bao giờ có như thế, có nghĩa tương đương với chẳng nhưng với nghĩa mạnh hơn”. Ví dụ: cóc cần, cóc sợ, sợ cóc gì, có thì giờ cóc đâu, biết cóc đâu. Tuy nhiên, thời gian đầu của thế kỷ XVII, cóc là âm cổ của giác được biểu thị với nghĩa ngược lại “Hiểu biết rõ”. Ví dụ: hay là ở trên đất hay là trên gió rỗng, hay là trong nước, cùng các kỳ sự chẳng hay cóc biết, cùng chẳng sống [A. de Rhodes, 1651: 35]. Trong từ điển của Huình Tịnh Paulus Của, cóc đã chuyển nghĩa với nghĩa tự thân là “không”. Ví dụ: cóc khô nghĩa là “không gì hết, không ra gì hết”; cóc rác: nó có cóc rác gì nghĩa là “nó không có gì hết”. Nét nghĩa này gần với cách hiểu hiện nay. 

- Sẽ sẽ: Chỉ có Từ điển Việt - Bồ - La ghi nhận nét nghĩa sẽ sẽ là “chậm chậm, từ từ”. Nét nghĩa này được dùng trong PGTN. Ví dụ: Vì nó trong của thế gian này, vậy thì sẽ sẽ rủ nó yêu của linh hồn hằng có vậy [A. de Rhodes, 1651: 48]. Từ kép này hiện nay không được tìm thấy trong các văn bản hiện đại. Nó đã được thay thế bằng một tổ hợp từ khác là dần dần, từ từ, chậm chậm. 

- Rình: Trong PGTN, rình xuất hiện 5 lần với nghĩa “gần, sắp”. Ví dụ: “Mà phải lo việc ấy cho khéo, dù mà cha mẹ con trẻ ấy chẳng hay, hay là chẳng khứng, mà con trẻ đã rình chết, thì phải làm phép rửa tội cho kịp” [A. de Rhodes, 1651: 93]. Xét về nghĩa, khi đặt vào ngữ, vào câu, rình và gần, sắp đều mang vai trò như nhau. Ví dụ: rình chết, rình hết thế = gần chết, gần hết thế. Điều này được chứng tỏ qua các văn bản tiếng Việt hiện đại, trong các từ điển. 

- Quanh quẻ: Để diễn tả những gì đang có mặt từ các hướng bên chúng ta, tiếng Việt hiện đại thường gọi là “xung quanh, chung quanh”, tiếng Việt thế kỷ XVII còn được sử dụng với tổ hợp từ quanh quẻ cũng được gọi là “xung quanh”. Ví dụ: “Mà con có hay Đức Cha có nghe con liên, sao Con nói vậy, vì người ta có đứng quanh quẻ đây, cho nó tin Đức Cha đã sai con” [A. de Rhodes, 1651: 204]. Một thực tế chúng ta có thể thấy trong Từ điển Việt - Bồ - La ghi nhận, những vấn đề thường có hai từ hay tổ hợp từ trở lên, sẽ dần dẫn đến việc bị lãng quên một trong các từ hay tổ hợp từ nào đó. Hoặc những từ hay tổ hợp từ được diễn nghĩa cho từ đó lại được tồn tại thay thế từ đó cho tới tiếng Việt hiện đại, và “xung quanh, quanh quẻ, chung quanh” là trường hợp tương tự. 

- Thậm: Trong 4 lần xuất hiện, thậm có nghĩa là “rất”, thậm đều đi với phải có chức năng nhấn mạnh nghĩa cho phải. Ví dụ: “Song le thờ phượng Đức Chúa Trời là Chúa cả sinh ra trời đất, thì thậm phải” [A. de Rhodes, 1651: 27]. Đến từ điển của Huình Tịnh Paulus Của ghi nhận là “lắm, quá”; thậm được dùng tự do hơn như: thậm khổ (khổ lắm, khổ quá), thậm hảo (tốt lắm, tốt quá), thậm hụt (thụt lỗ, nhút nhát...). Ngày nay, thậm đã được thay thế bằng rất. 

- Nghỉ: Nghỉ trong 9 lần xuất hiện ở tác phẩm, chúng tôi nhận thấy đảm nhận hai nét nghĩa: “nghỉ ngơi” và “dễ dàng”. Ví dụ: [1]. Nghĩa “nghỉ ngơi”: Thì đến ngày thứ bảy có nghỉ mà chẳng làm việc mới [A. de Rhodes, 1651: 291]; [2] Nghĩa “dễ dàng”: Và sự dữ nào còn dấu trong lòng, cũng nghỉ trách bằng việc lỗi đã làm ra bề ngoài [A. de Rhodes, 1651: 189]. Tuy nhiên, nghỉ mang nghĩa “dễ dàng” xác suất xuất hiện vượt trội hơn, và nghĩa “nghỉ ngơi” chỉ mới mang tính manh nha. Ngày nay, chúng ta thường bắt gặp nghỉ với nghĩa “an dưỡng và suy nghỉ”, nét nghĩa “dễ dàng” đã hoàn toàn biến mất. 

- Nề: Nề luôn đi kèm trước đó là từ có nghĩa phủ định như “chẳng, chớ, không...”, nhằm để chỉ điều gì đó dù gặp khó khăn, thách thức nhưng chủ thể vẫn cố hoàn thành được. Ví dụ: “Mà kẻo mất lòng bạn, âu chẳng nề phạm răn ĐCT, mà ăn phải trái ĐCT cấm vậy”. Nề mang nghĩa “quản, ngại”, hiện nay chỉ còn gặp trong ca dao tục ngữ: “Yêu nhau vạn sự chẳng nề” (ca dao), hoặc kết hợp với những từ khác như nề hà. Thay vào đó, quản, ngại chiếm vị trí thay thế một cách phổ biến. - Âu: Âu ghi nhận trong Từ điển Việt - Bồ - La là “xem ra”. Trong PGTN, âu xuất hiện 9 lần, 2 lần xuất hiện độc lập, 7 lần kết hợp với “là”. Ví dụ: [1] Vua chúa Đại-minh nằm chiêm bao thấy ai bảo đi tìm đạo thật bên Đại tây dương, âu là có làm vậy cũng một khi ấy [A. de Rhodes, 1651: 165]; [2] Mà kẻo mất lòng bạn, âu chẳng nề phạm răn ĐCT, mà ăn phải trái ĐCT cấm vậy [A. de Rhodes, 1651: 89]. Trong tiếng Việt hiện đại, âu được mang nghĩa là “có lẽ, hẳn là”; âu là mang nghĩa “hay là, chi bằng”. Hai nghĩa này hoàn toàn khác nhau, trong khi đó, xét thấy cách dùng trong PGTN là một. Hiện nay, âu, âu là được dùng hạn chế, nhường vị trí cho các từ, tổ hợp từ xét nghĩa nói trên. 

- Song le: Có thể nói, trong các từ, tổ hợp từ được cho là từ cổ, song le có số lần xuất hiện nhiều nhất với 221 lần. Song le được dùng với nghĩa “nhưng mà”. Ví dụ: “Song le đầu hết lời giảng dạy, ngày thứ nhất, đã bắt điều ấy” [A. de Rhodes, 1651: 115]; “Song le có một họ Judaea còn giữ đạo Đức Chúa cả làm nên mọi sự truyền cho” [A. de Rhodes, 1651: 124]. Thực tế cho thấy, chúng ta thường hay dùng nhưng và song thay vì song le được thịnh dụng lúc bấy giờ. 

3. Kết luận 

Từ việc khảo sát đặc điểm từ vựng PGTN, khuôn khổ bài viết chỉ chủ yếu đề cập đến lớp từ vựng cổ, chúng ta có thể rút ra mấy nhận xét bước đầu về từ vựng văn bản PGTN sau đây: 

1. Ở thời điểm tác phẩm ra đời (1651), PGTN được xem là một trong những văn bản viết bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên được in thành sách, cho thấy, vào thế kỷ XVII, với ý tưởng và công lao mang tính quyết định của các giáo sĩ phương Tây, cùng với sự hỗ trợ và đóng góp tích cực của các thầy cả, giáo dân người Việt, chữ Quốc ngữ được xây dựng, hình thành và phát triển ngày một mạnh mẽ và có tính hệ thống. 2. Những từ được khảo sát và xếp vào loại từ ngữ cổ so với hiện nay, nhưng vào thế thế XVII, chúng lại được sử dụng với tần số cao, biểu thị nét đặc tính trội về ngữ nghĩa và nghĩa pháp so với các giai đoạn trước đó như song le, sinh thì, phô,… Điều này cho thấy rõ đặc điểm từ vựng tiếng Việt ở một giai đoạn nhất định. 

Có thể nói, cùng với những tài liệu Quốc ngữ cùng thời và các giai đoạn sau (thế kỷ XVIII, XIX), PGTN của cha Đắc Lộ là một trong những tài liệu Quốc ngữ quý hiếm đầu tiên đánh dấu cột mốc quá trình hình thành và phát triển của chữ Quốc ngữ một cách hệ thống. Đặc điểm ngôn ngữ của văn bản cũng là cứ liệu quan trọng được dùng để nghiên cứu diện mạo tiếng Việt thế kỷ XVII trên nhiều phương diện. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

1. Đỗ Quang Chính (1972). Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 - 1659. Sài Gòn: Tủ sách Ra Khơi. 

2. Huình Tịnh Paulus Của (1895 - 1896). Đại Nam quấc âm tự vị. Sài Gòn: Imprimerie REY, CURION&C, Tome 1 (1895), Tome 2 (1896). 

3. Lý Khắc Cường, Nguyễn Thị Phương Trang (2013). “Tiếng Việt trong Sách sổ sang chép các việc của Philliphê Bỉnh”. Ngôn ngữ và Đời sống. Số 12. 

4. Philliphê Bỉnh (1968). Sách sổ sang chép các việc. Thanh Lãng giới thiệu, Viện Đại học Đà Lạt xuất bản. 

5. Hoàng Dũng (1991). “Từ điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes - nguồn cứ liệu so sánh quan hệ giữa các tổ hợp phụ âm kl, pl, bl, tl, ml trong tiếng Việt”. Ngôn ngữ. Số 2/1991. 

6. Nguyễn Thị Bạch Nhạn (1994). Sự biến đổi các hình thức chữ Quốc ngữ từ 1620 đến 1877. Luận án PTS, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I. 

7. Phụng Nghi (1999). 100 năm phát triển tiếng Việt. Hoa Kỳ: Văn Nghệ. 

8. Vũ Đức Nghiệu (2011). Lược khảo lịch sử từ vựng tiếng Việt. Hà Nội: Giáo dục Việt Nam. 

9. Hoàng Phê (Chủ biên) (2000). Từ điển tiếng Việt. Đà Nẵng: Đà Nẵng. 

10. Thanh Lãng (1961). “Những chặng đường của chữ viết Quốc ngữ”. Đại học. Số 1/1961. 

11. Thanh Lãng (1967 - 1968). “Quá trình hình thành văn chương quốc ngữ”. Nghiên cứu Văn học. Các số: 1, 2, 3, 4/1967; Các số: 5, 6, 9/1968. 

12. Vương Lộc (2001). Từ điển từ cổ. Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học. 

13. Alexandre de Rhodes (1651). Phép giảng tám ngày. Nguyễn Khắc Xuyên biên soạn và chuyển ngữ. TPHCM: Tủ sách Đại kết. 

14. Alexandre de Rhodes (1651b). Từ điển Annam - Lusitan - La Tinh (thường gọi Từ điển Việt - Bồ - La). Phiên dịch Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính. Hà Nội: Khoa học xã hội. 

15. Roland Jacques (1995). Công trình của mấy nhà tiên phong Bồ Đào Nha trong lĩnh vực ngôn ngữ Việt Nam cho đến năm 1650 (L’oeuvre de quelques pionniers portugais vans le domaine de la linguistique Vietnamienne jusqu’eu 1650). Luận án tiến sĩ. Paris: Viện Quốc gia về các ngôn ngữ và nền văn minh Đông phương. 

16. Nguyễn Ngọc San (2003). Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử. Hà Nội: Đại học Sư phạm. 

17. Hoàng Tiến (1994). Chữ Quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ XX. Hà Nội: Lao động. 

18. Đoàn Thiện Thuật (Sưu tầm và chủ biên) (2008). Chữ Quốc ngữ thế kỷ XVIII. Hà Nội: Giáo dục. 

19. Hoàng Xuân Việt (2006). Tìm hiểu lịch sử chữ Quốc ngữ, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính. Hà Nội: Văn hóa Thông tin. 

20. Nguyễn Khắc Xuyên (1993). Ngữ pháp tiếng Việt của Đắc Lộ 1651. Hoa Kỳ: Thời Điểm.
SỰ HÌNH THÀNH CÁCH GHI THANH ĐIỆU CHỮ QUỐC NGỮ?Nguyễn Văn Lợi 

Nhờ những công trình nghiên cứu gần đây trong nước và ngoài nước, chúng ta biết rằng, sự sáng tạo chữ Quốc ngữ là một quá trình, từ những thập kỷ đầu của thế kỷ XVII, với sự tham gia của nhiều giáo sĩ Dòng Tên, trong sự cộng tác và đóng góp của nhiều người Việt [2,4,7,12,15]. Khoảng thời gian từ 1620 - năm mà các giáo sĩ bắt đầu ghi chép bằng chữ Quốc ngữ đến năm 1651 - thời gian xuất bản Từ điển Việt - Bồ - La và Phép giảng 8 ngày được xem là thời kỳ hình thành chữ Quốc ngữ [2]. Tư liệu để tìm hiểu chữ Quốc ngữ thời kỳ này là các thư, báo cáo viết tay (gọi chung là tài liệu viết tay - TL) của các giáo sĩ truyền giáo ở Việt Nam: TL của Francisco de Pina [4: tr.20]; TL năm 1621 của Joao Roiz; TL năm 1621, TL năm 1626 của Gaspar Luis; TL năm 1621, TL năm 1621 của Cristoforo Borri; TL năm 1625 và TL từ năm 1631 đến năm 1647 của Alexandre de Rhodes; TL năm 1632 và TL năm 1637 của Gaspar d’Amaral. Đặc biệt là bản viết tay “Manuductio ad linguam Tunckinensem” (Nhập môn tiếng Tonkin), chưa rõ tác giả, được Roland Jacques phát hiện và công bố gần đây [4: tr.20]. 

Dựa vào dạng thức chữ Quốc ngữ phản ánh trong các TL trên, Đỗ Quang Chính chia thời kỳ hình thành chữ Quốc ngữ thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 - từ 1620 đến 1626 và giai đoạn 2 từ 1631 đến 1648 [2: tr. 19-20]. Những giáo sĩ đi đầu, có nhiều đóng góp ở thời kỳ này, được Roland Jacques gọi là những người đi tiên phong trong việc chế tác chữ Quốc ngữ [4]. 

Việc dùng các dấu phụ để ghi thanh điệu - hiện tượng lạ, khó đối với những nhà truyền giáo châu Âu vào thế kỷ XVII, là sự sáng tạo, đóng góp đặc biệt của những người chế tác chữ Quốc ngữ. 

Báo cáo này nhằm tìm hiểu lịch sử xuất hiện ở thời kỳ hình thành chữ Quốc ngữ các dấu thanh (ký hiệu ghi thanh điệu) - một nét độc đáo của chữ Quốc ngữ. Một số vấn đề sau đây được đề cập trong báo cáo. 

1. Quan điểm về thanh điệu của những người đi tiên phong chế tác chữ Quốc ngữ 

2. Sự hình thành cách ghi thanh điệu và vai trò cá nhân một số nhà truyền giáo. 

3. Dấu ấn phương ngữ Nam (Quảng Nam, Bình Định) trong cách ghi thanh điệu. 

1. Quan điểm về thanh điệu tiếng Việt của những người tiên phong chế tác chữ Quốc ngữ 

Tiếng Việt khác với các ngôn ngữ châu Âu như tiếng Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan ở nhiều đặc điểm, trong đó đặc điểm rõ nhất là tiếng Việt là ngôn ngữ có thanh điệu. Theo quan điểm ngữ âm học hiện đại về thanh điệu, thanh điệu tiếng Việt trong chức năng khu biệt nghĩa, là sự khác biệt về cao độ (pitch) và chất giọng (voice quality), khi phát âm âm tiết. Về cao độ (khái niệm về cảm thụ, tương ứng với khái niệm tần số thanh cơ bản (F0), về vật lý), các thanh điệu có thể phân biệt về 1 - đường nét (contour) - đó là diễn tiến (sự biến đổi) F0 trong thời gian phát âm âm tiết; 2 - âm vực (pitch level) - đó là vùng cao độ mà ở đó một thanh điệu được thể hiện (tính từ điểm thấp nhất đến điểm cao nhất về cao độ). Chất giọng là khái niệm về mặt cảm thụ, tương ứng với khái niệm kiểu tạo thanh (Phonation type), xét về mặt sinh lý tạo sản lời nói. Kiểu tạo thanh là kiểu thức rung dây thanh, tạo nên sự khác biệt về trạng thái thanh môn và lượng dòng khí đi qua thanh môn, khi phát âm âm tiết [5]. 

Khi các giáo sĩ châu Âu mới tiếp xúc với tiếng Việt, việc phát âm đúng thanh điệu tiếng Việt là khó khăn lớn nhất đối với họ. Linh mục C. Borri đến Đàng Trong năm 1618 thú nhận rằng, muốn hiểu và nói được tiếng Việt hoàn toàn phải dành ra 4 năm để học. Marini cho rằng, “Dường như dân Việt bẩm sinh đã có một cơ thể rất chính xác, được điều chỉnh thật đúng và hòa hợp hoàn toàn với trí óc cùng buồng phổi; phải nói là, theo tự nhiên, người Việt là nhạc sư, vì họ có tài phát âm một cách nhẹ nhàng và chỉ hơi biến thanh là đã khác nghĩa” [2: tr.14]. Tháng 12 năm 1624, linh mục Alexandre de Rhode từ Áo Môn đi tàu buôn Bồ Đào Nha vào cửa Hàn đến Thanh Chiêm tức thủ phủ Quảng Nam dinh và học tiếng Việt tại đó. Về thanh điệu tiếng Việt, ông viết: “Riêng tôi xin thú nhận rằng khi vừa tới Đàng Trong nghe người Việt nói chuyện với nhau, nhất là giữa nữ giới, tôi có cảm tưởng như mình nghe chim hót và tôi đâm thất vọng vì nghĩ rằng không bao giờ có thể học được tiếng Việt”. (Alexandre de Rhodes, 1653, tr. 72 ; dẫn theo 2: tr. 12). 

Theo Alexandre de Rhodes, Marini, Tissanier…, thanh điệu tiếng Việt khó vì những lý do sau đây: 

1 - Tất cả mọi tiếng đều là cách ngữ (không biến đổi hình thái theo chức năng ngữ pháp). 

2 - Cùng một tiếng phát ra một cách khác nhau, có thể chỉ nhiều nghĩa và thường lại có nghĩa đối nghịch nhau. 

3 - Thanh của mỗi tiếng, đôi khi rất nhẹ và khá tế nhị. 

4 - Cách phát âm: Trong khi đọc một tiếng, người ta phải làm thế nào để hơi thở, môi, răng, lưỡi và họng cùng hòa hợp phát ra một tiếng vừa phải và chính xác. Cùng một tiếng, thêm, bớt, hay là uốn hạ thanh, đều làm cho nghĩa khác nhau. Alexandre de Rhodes đưa ra các ví dụ và thuật lại một số chuyện vui về người Tây phương phát âm thanh điệu tiếng Việt [2]. 

Những nhận xét trên của các giáo sĩ đã nói khá chính xác về bản chất ngữ âm - âm vị học của thanh điệu Việt. Bản chất âm vị học của thanh điệu Việt - đơn vị ngôn điệu của âm tiết (tiếng), có giá trị khu biệt nghĩa, có thể gọi là thanh vị (toneme) được diễn giải: “Cùng một tiếng phát ra một cách khác nhau, có thể chỉ nhiều nghĩa và thường lại có nghĩa đối nghịch nhau”. Còn đây là bản chất ngữ âm của thanh điệu Việt: Đặc trưng về cao độ - đường nét F0 “Cùng một tiếng, thêm, bớt, hay là uốn hạ thanh, đều làm cho nghĩa khác nhau”; đặc trưng về thức tạo thanh - sự điều phối dòng khí qua thanh môn, khi phát âm âm tiết “Trong khi đọc một tiếng, người ta phải làm thế nào để hơi thở, môi, răng, lưỡi và họng cùng hòa hợp phát ra một tiếng vừa phải và chính xác”. 

2. Sự hình thành cách ghi thanh điệu và vai trò cá nhân của một số nhà truyền giáo 

Trong các tài liệu viết tay ở giai đoạn 1621 - 1626, chữ Quốc ngữ xuất hiện không nhiều, được dùng chủ yếu để ghi các địa danh Việt Nam. Các từ tiếng Việt được viết liền; chưa có dấu ghi thanh điệu (dấu thanh). Ví dụ unsai (ông sãi), ungue (ông Nghè), Quinhin (Quy Nhơn), nuocman (Nước Mặn - cách Quy Nhơn 20 km về phía bắc), Bendâ (Bến Đá, Quy Nhơn), Bôdê địa danh ở Nam Bến Đá (Quy Nhơn) [2]. Trong các TL được viết từ 1631 - 1648, chữ Quốc ngữ xuất hiện nhiều hơn, dạng chữ khá gần với chữ Quốc ngữ trong các tài liệu xuất bản 1651. Về thanh điệu, trong các TL thời kỳ này, xuất hiện các dấu thanh. Trong các TL viết vào các năm 1636 - 1644, Alexandre de Rhodes đã dùng 3 dấu thanh: sắc, huyền, ngã; ví dụ: cà, cã, cá, tlẽ (trẻ). Đặc biệt, trong các văn bản của Gaspar d’Amaral, dạng chữ và cách viết chữ Quốc ngữ rất gần với chữ Quốc ngữ trong Từ điển Việt - Bồ - La [2,15] Nhìn chung, việc sử dụng chữ Quốc ngữ nói chung và dấu thanh nói riêng trong các văn bản được viết từ năm 1620 đến năm 1648 chưa ổn định và có sự khác nhau giữa các giáo sĩ trong việc sử dụng chữ Quốc ngữ. Sự khác biệt này phản ánh mức độ đóng góp của từng người vào sự hoàn thiện chữ Quốc ngữ. Chẳng hạn, có thể thấy sự khác biệt trong cách viết chữ Quốc ngữ giữa Alexandre de Rhodes và Gaspar d’Amaral. Trong các bản viết tay, kể cả văn bản viết năm 1647 của Alexandre de Rhodes, cách viết chữ Quốc ngữ còn “luộm thuộm” - như nhận xét của Đỗ Quang Chính, [2: tr. 49]. Nói riêng, việc sử dụng các dấu thanh của ông còn sơ giản, nhiều trường hợp không có dấu thanh, ví dụ, các địa danh: Baubom (Bầu Vom), bochinh (Bố Chính), cai tlam, caitlam (Cát Lâm, gần Hội An), oũ nghe bo (Ông Nghè bộ - một chức quan). Trong các TL viết vào các năm 1636 - 1644, khi đã sống ở Đàng Ngoài, nơi có 6 thanh điệu, Alexandre de Rhodes chỉ dùng 3 dấu thanh: sắc, huyền, ngã và thường không chính xác; ví dụ: cà, cã (cả), cá, tlẽ (trẻ). 

Đối chiếu việc sử dụng chữ Quốc ngữ của Gaspar d’ Amaral và Alexandre de Rhodes, chúng ta thấy ngay từ năm 1632, cách ghi chữ Quốc ngữ của G. d’Amaral tốt hơn Alexandre de Rhodes. Trong tài liệu năm 1632 và 1637, Gaspar d’Amaral đã dùng 5 dấu phân biệt 6 thanh và viết khá chính xác. Ví dụ: đàng tlaõ (đàng trong), đàng ngoày (đàng ngoài), nhà thượng đày (Nhà thượng đài), nhà phũ (nhà Phủ), oũ Khỏũ (ông Khổng - Khổng Tử), Vĩnh tộ (niên hiệu Vĩnh Tộ 1620 - 1628). 

Đỗ Quang Chính nhận xét rằng, Alexandre de Rhodes vào năm 1636, chưa ý thức được vai trò chữ Quốc ngữ như Gaspar d’Amaral năm 1632 [2: tr. 65]. Như vậy, có thể nhận xét rằng, trước năm 1651, Gaspar d’ Amaral đã sớm ý thức sự cần thiết của việc phiên âm tiếng Việt bằng các ký tự Latinh và có những đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện cách viết chữ Quốc ngữ nói chung và cách ghi 6 thanh điệu nói riêng. Xin lưu ý rằng, Gaspar d’ Amaral chỉ ở Đàng Ngoài (cụ thể là Thăng Long, nơi có 6 thanh điệu khu biệt), 28 tháng rưỡi. Lần đầu ông đến Đàng Ngoài vào tháng 10 năm 1629; tháng 5 năm 1630, ông rời Đàng Ngoài đi Áo Môn. Tháng 2 năm 1631, ông lại đến Thăng Long. Năm 1638, ông trở lại Áo Môn; Năm 1645, khi từ Áo Môn sang Đàng Ngoài truyền giáo, tàu bị đắm gần Hải Nam, ông bị chết. Còn A. de Rhodes ở Việt Nam 57 tháng (ở Đàng Trong 19 tháng từ tháng 12 năm 1624 đến tháng 7 năm 1626, ở Đàng Ngoài 38 tháng, từ tháng 3 năm 1627 đến tháng 5 năm 1630) [2]. 

3. Dấu ấn phương ngữ Nam trong cách ghi thanh điệu thời kỳ hình thành chữ Quốc ngữ 

Một vấn đề từ lâu đã được đặt ra là, trong sự ra đời của chữ Quốc ngữ, các địa phương như Thanh Chiêm (Quảng Nam), Nước Mặn (Bình Định) thuộc Đàng Trong, nơi các giáo sĩ tiên phong đã sống, học tập, ghi chép, dùng tiếng Việt để giảng đạo… có vai trò như thế nào trong sự hình thành chữ Quốc ngữ? Có thể trả lời câu hỏi này bằng cách tìm hiểu dấu vết về từ vựng, ngữ âm của các thổ ngữ, phương ngữ Nam được phản ánh trong chữ Quốc ngữ ở thời kỳ hình thành chữ viết này. Trong phần này, chúng tôi cố gắng tìm hiểu dấu vết của các phương ngữ phản ánh qua việc miêu tả các thanh điệu, cách dùng các dấu thanh của các giáo sĩ. 

Ở thế kỷ XVII, khi xứ Đàng Trong được thành lập, địa bàn tiếng Việt được mở rộng, tạo cơ sở cho sự hình thành phương ngữ Nam, từ đèo Hải Vân trở vào. Những cư dân di cư vào vùng đất mới có nguồn gốc chủ yếu từ Thanh Nghệ. Xét về ngôn ngữ, đặc biệt về thanh điệu, phương ngữ Nam chịu ảnh hưởng chủ yếu từ tiếng Thanh Hóa. Tiếng Quảng Nam được coi là giọng nói chuẩn của tiếng Đàng Trong. Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn đã ghi: Xứ Quảng “tiếng nói thì bình dị rõ ràng... kinh sư cũng lấy tiếng Quảng Nam làm chính”. 

Đại diện cho tiếng Đàng Ngoài là tiếng nói vùng đồng bằng Bắc Bộ, mà tiêu biểu là tiếng vùng kinh kỳ Thăng Long. Về thanh điệu, phương ngữ Bắc Bộ phân biệt với phương ngữ Nam ở chỗ tiếng Bắc Bộ có 6 thanh điệu, tiếng Nam, tương tự tiếng Thanh Hóa, chỉ có 4 thanh, trong đó thanh Hỏi và thanh Ngã nhập một. Đồng thời, giữa 2 phương ngữ còn có sự khác biệt về đặc điểm ngữ âm - âm vị học của từng thanh điệu. 

3.1. Hệ thống thanh điệu Bắc Bộ 

Hệ thống thanh điệu Bắc Bộ gồm 6 thanh; đặc điểm âm vị học của các thanh trình bày ở bảng 1 dưới đây: 

    Bảng 1. Đặc trưng âm vị học hệ thanh điệu Bắc Bộ [6]

Thanh điệu

 

 Cao độ

Chất giọng

Đường nét 

 Âm vực 

Thanh Ngang

Ngang

Cao 

Thường 

Thanh Huyền

Xuống

Thấp 

Thở (chùng)

Thanh Hỏi

Xuống-lên

Thấp

Thanh quản hóa

Thanh Ngã

Xuống-lên  

Cao

Thanh quản hóa

Thanh Sắc

Lên

Cao

Thường

Thanh Nặng

Ngang (Xuống) 

Thấp 

Tắc thanh môn

Hình 1. Đồ thị F0 6 thanh điệu 
phương ngữ Bắc Bộ (Hà Nội) 

3.2. Hệ thống thanh điệu Quảng Nam, Bình Định 

Hệ thống thanh điệu Quảng Nam và Bình Định chỉ gồm 5 thanh, do thanh Hỏi và Ngã nhập một. Từng thanh điệu ở mỗi hệ thống có thể khác nhau về đặc điểm ngữ âm học, nhưng thống nhất về đặc trưng âm vị học. 5 thanh điệu tiếng Quảng Nam (Điện Bàn) và Bình Định (Hoài Nhơn) được nhận diện bằng các tiêu chí âm vị học ở bảng 2 dưới đây. 

Bảng 2. Đặc trưng âm vị học 5 thanh điệu 
phương ngữ Nam (Quảng Nam, Bình Định) 

Thanh điệu

 

 Cao độ

Chất giọng

Đường nét 

 Âm vực 

Thanh Ngang

Ngang (xuống)

Cao 

Thường 

Thanh Huyền

Xuống

Thấp 

Thở (chùng)

Thanh Hỏi/Ngã

Xuống-lên

Cao

Thanh quản hóa

Thanh Sắc

Lên

Cao

Thường

Thanh Nặng

Xuống-lên

Thấp

Thanh quản hóa

Hình 2. Đồ thị F0 5 thanh điệu Quảng Nam (Điện Bàn)
Hình 3. Đồ thị F0 5 thanh điệu Hoài Nhơn Bình Định

3.3. Hệ thống thanh điệu trong chữ Quốc ngữ 

Trong Báo cáo vắn tắt về tiếng An nam hay Đông kinh, Alexandre de Rhodes khẳng định hệ thống thanh điệu được phản ánh trong chữ Quốc ngữ là hệ thống thanh điệu Bắc Bộ (Tonkin - Đông Kinh). Tác giả đã miêu tả rất ấn tượng các “giọng” (thanh điệu) và đặt tên cho từng giọng (thanh điệu). 

“Thứ nhất, giọng bằng là giọng phát âm không uốn tiếng chút nào. 

Thứ hai, giọng sắc là giọng phát âm bằng cách nhấn tiếng và đẩy tiếng ra giống như người biểu lộ cơn giận. 

Thứ ba, là giọng trầm và phát âm bằng cách hạ thấp tiếng. 

Thứ tư, là giọng uốn cong, được diễn tả bằng cách uốn cong tiếng phát ra từ đáy ngực, và sau đó được nâng lên một cách cao vang. 

Thứ năm, là giọng được gọi là nặng trĩu hay cực nhọc, bởi vì giọng này được diễn tả bằng việc phát âm từ đáy ngực với sự nặng trĩu hay cực nhọc nào đó, và nó được ghi bằng dấu chấm dưới. 

Sau hết, giọng thứ sáu là giọng nhẹ, bởi vì nó được phát ra với việc uốn cong tiếng Hình 2. Đồ thị F0 5 thanh điệu Quảng Nam (Điện Bàn) Hình 3. Đồ thị F0 5 thanh điệu Hoài Nhơn Bình Định cách nhẹ nhàng, như khi chúng ta có thói quen hỏi , itane (phải vậy không)? và những tiếng giống như vậy, và bởi vậy, dấu hiệu này được ghi bằng dấu hỏi” [15]. 

Qua đoạn trích dẫn trên, chúng ta nhận ra rằng, hệ thống thanh điệu được tác giả miêu tả như trên hoàn toàn trùng hợp với hệ thống thanh điệu tiếng Bắc Bộ hiện đại; nhất là, nếu chúng ta thay từ ngữ được tác giả dùng miêu tả những cảm nhận ngữ âm ở thế kỷ XVII của ông bằng các thuật ngữ ngữ âm học hiện đại. Chẳng hạn, có thể hiểu những miêu tả (cảm thụ ngữ âm học) của tác giả như: giọng bằng, giọng trầm, giọng uốn cong, giọng sắc, giọng uốn cong, và sau đó được nâng lên là các tiêu chí chỉ đường nét cao độ, tương ứng các thuật ngữ hiện đại: đường nét ngang (thanh Ngang), đường nét xuống (thanh Huyền), đường nét uốn (xuống lên - thanh Hỏi), đường nét lên (thanh Sắc), đường nét gãy (thanh Ngã). Còn những miêu tả: không uốn tiếng chút nào, uốn cong tiếng phát ra từ đáy ngực, giọng nặng trĩu hay cực nhọc, phát âm từ đáy ngực phản ánh các tiêu chí chất giọng, tương ứng các thuật ngữ như chất giọng thường (thanh Ngang), chất giọng thanh quản hóa (thanh Hỏi, Ngã), chất giọng thanh môn hóa (tắc thanh môn - thanh Nặng). 

Việc các nhà truyền giáo sử dụng các dấu ghi thanh điệu cũng không tùy tiện, mà có lý do. 4 trong 5 dấu thanh có nguồn gốc Hy Lạp gồm dấu Huyền, Sắc, Ngã, Nặng, dấu Hỏi có nguồn gốc Latinh. Việc lựa chọn dấu (hình dáng đồ họa, vị trí đặt dấu) để ghi mỗi thanh điệu được căn cứ vào đường nét biến đổi cao độ và cách phát âm thanh đó. Hình dáng (đồ họa) các dấu thanh phần nào phản ánh diễn tiến cao độ của thanh điệu (tiếng Bắc Bộ, thế kỷ XVII), mà các nhà truyền giáo cảm nhận và miêu tả; đồng thời, nó cũng khá tương đồng với đường nét F0 của các thanh điệu tiếng Bắc Bộ hiện đại (xem Hình 1: Đồ thị F0 các thanh điệu tiếng Việt Bắc Bộ). Thanh Ngang có đường nét bằng phẳng, chất giọng thường (không đánh dấu về mặt âm vị học) được phản ánh bằng cách không ghi dấu (ký hiệu zero), dấu Huyền, về đồ hình, có đường nét đi xuống, phản ánh đường nét xuống thoai thoải của thanh Huyền; dấu Sắc có đường nét lên, phản ánh đồ thị F0 đi lên của thanh Sắc; dấu uốn cong, gãy (xuống - lên) tương đồng đường nét gãy của thanh Ngã. Dấu Hỏi (nghi vấn) được dùng, bởi vì thanh này có đường nét tương tự đường nét ngữ điệu hỏi trong tiếng Latinh. Trong khi 4 dấu Huyền, Sắc, Hỏi, Ngã được ghi trên con chữ nguyên âm, riêng dấu Nặng ghi dưới, bởi vì thanh này được phát âm với chất giọng đặc trưng giọng nặng trĩu hay cực nhọc, phát âm từ đáy ngực, do hiện tượng thanh môn hóa khi phát âm thanh này: âm tiết kết thúc đột ngột với tiếng tắc trong thanh hầu (do hai dây thanh chập lại), gây cảm giác tắc nghẹn, “nặng nhọc” khi phát âm. 

Như vậy, số lượng thanh điệu, việc miêu tả cách phát âm từng thanh điệu, sử dụng các dấu ghi thanh điệu (hình dạng đồ họa của dấu, cách đặt dấu…) phản ánh khá chính xác hệ thanh điệu Bắc Bộ thế kỷ XVII và tương đồng với hệ thanh Bắc Bộ hiện nay. Không tìm thấy dấu vết hệ thanh điệu phương ngữ Nam, cụ thể là hệ thanh điệu Quảng Nam (Điện Bàn) và Bình Định (Hoài Nhơn) trong việc miêu tả và sử dụng các dấu thanh của chữ Quốc ngữ. 

3.5. Hiện tượng lẫn lộn dấu Hỏi và Ngã 

Sự khác biệt rõ rệt của hệ thống thanh điệu phương ngữ Nam (trong đó có tiếng Quảng Nam và Bình Định) so với phương ngữ Bắc Bộ là sự nhập một thanh Ngã và thanh Hỏi, dẫn đến kết quả phương ngữ này chỉ có 5 thanh. Chính tả chữ Quốc ngữ dựa trên cách phát âm tiếng Bắc Bộ, tức là có sự phân biệt Hỏi/Ngã. Điều này khiến những người nói phương ngữ Nam (cũng như tiếng Thanh Hóa) thường mắc lỗi chính tả trong các thập niên đầu thế kỷ XVII, khi sống ở Thanh Chiêm (Quảng Nam), Nước Mặn (Bình Định), các giáo sĩ tiếp xúc, học và nói theo tiếng nói vùng này, chỉ có 5 thanh, không phân biệt thanh Ngã và thanh Hỏi. Việc chỉ dùng 3 dấu Huyền, Sắc, Ngã để ghi 4 thanh, không có dấu phân biệt các thanh Hỏi/Ngã ở thời kỳ đầu và việc lẫn lộn hai dấu thanh này trong các TL của các giáo sĩ chính là các dấu vết của phương ngữ Nam trong chữ Quốc ngữ. Trong các tài liệu viết các năm 1636 - 1644, khi đã ở Đàng Ngoài, Alexandre de Rhodes chỉ dùng 3 dấu Sắc, Huyền, Ngã, chưa có dấu Hỏi (dấu Hỏi thay bằng dấu Ngã), ví dụ: cà (cà), cã (cả, lớn), cá (cá), tlẽ (trẻ), [2: tr.46]. Như trên đã nói, Gaspar d’Amaral chỉ ở Đàng Ngoài, trong các TL của ông đã dùng 5 dấu phân biệt 6 thanh và ít có các lỗi về dấu ghi thanh điệu. Tuy nhiên, trong TL viết tay của ông năm 1632 và 1637 vẫn thấy lỗi Hỏi/Ngã. Ví dụ oũ Khỏũ (ông Khổng - Khổng tử), nhưng nhà phũ (nhà phủ). Trong Từ điển Annam - Lusitan - Latinh, ít thấy lỗi dấu thanh Hỏi/Ngã, như trường hợp bẩy (cái bẫy, cái cạm); bẩy chôật (bẫy chuột) [8]. 

4. Kết luận 

4.1. Việc nhận thức đúng về thanh điệu, miêu tả chính xác và sử dụng các dấu phụ để ghi 6 thanh điệu là đóng góp quan trọng, độc đáo của những người chế tác chữ Quốc ngữ. 

4.2. Sự hình thành cách ghi thanh điệu chữ Quốc ngữ là một quá trình, từ chỗ không ghi thanh điệu đến việc dùng 3 dấu thanh, cuối cùng sử dụng 5 dấu ghi 6 thanh điệu. 

4.3. Trong số những người đi đầu trong việc chế tác chữ Quốc ngữ, Gaspar d’Amaral có nhiều đóng góp trong việc sáng tạo và sử dụng dấu ghi thanh điệu. 

4.4. Hệ thống thanh điệu được phản ánh trong chữ Quốc ngữ là hệ thống thanh điệu Bắc Bộ thế kỷ XVII. Hệ thống này tương đồng với hệ thống thanh điệu Bắc Bộ hiện nay về số lượng thanh điệu, đặc điểm ngữ âm và âm vị học từng thanh điệu. Như vậy, sau 4 thế kỷ, hệ thống thanh điệu Bắc Bộ gần như không thay đổi về ngữ âm học (đặc điểm ngữ âm từng thanh) và âm vị học (tiêu chí khu biệt các thanh vị). 

4.5. Việc không phân biệt thanh Hỏi Ngã ở thời kỳ đầu và sự lẫn lộn trong việc sử dụng 2 dấu thanh này là dấu vết của phương ngữ Nam (bao gồm Quảng Nam, Bình Định) trong sự hình thành cách ghi thanh điệu chữ Quốc ngữ. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

1. Hoàng Thị Châu (1989). Tiếng Việt trên các miền đất nước. Hà Nội: Đại học Quốc gia Hà Nội. 

2. Đỗ Quang Chính (1972). Lịch sử chữ Quốc ngữ. 1620 - 1659. Sài gòn. 

3. Haudricout Andre G. De l’orgine des tone du Vietnamien. JA 242. 69-83. 

4. Jacques, Roland (1995). Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học. Hà Nội: Khoa học Xã hội. 2007. 

5. Nguyễn Văn Lợi & Edmondson, J.A. (1998). “Tones and voice quality in modern northern Vietnamese: instrumental case studies". Mon-Khmer Studies. Vol. 28. 1-18. 

6. Nguyễn Văn Lợi (2004). “Đặc điểm ngữ âm - âm vị học của phụ âm tắc, hữu thanh, thở trong các ngôn ngữ ở Việt Nam và Đông Nam Á (trên bình diện đồng đại và lịch đại)”. Trong Những vấn đề ngôn ngữ học. Hà Nội: Khoa học Xã hội. 

7. Nguyễn Văn Lợi (2010). “Phục nguyên Hệ thống ngữ âm tiếng Việt thế kỷ XVII” (Trên cơ sở Ditionarium Annamiticum Lusitianum et Latinum (Từ điển Việt - Bồ Đào Nha - Latinh) của Alexandre de Rhodes). Từ điển học và Bách khoa thư, 5 (7), 16-29. 

8. Rhodes, Alexandre de. (1991). Từ điển Annam - Lusitan - Latinh. Hà Nội: Khoa học xã hội. 

9. Rhodes, Alexandre de. (1993). Phép giảng tám ngày. Nguyễn Khắc xuyên giới thiệu. Tủ sách Đại Kết. 

10. Đoàn Thiện Thuật (1977). Ngữ âm tiếng Việt. Hà Nội. 

11. Thurgood, G. (2002). “Vietnamese and tonogenesis: Revising the model and the analysis”. Diachronica Volume 19 Issue. 2. 333-363. 

12. Hoàng Tiến (1994). Chữ Quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ 20. Hà Nội: Lao Động. 

13. Lê Ngọc Trụ (1961). "Chữ Quốc ngữ từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỉ XIX". Việt Nam Khảo cổ tập san. 

14. Nguyễn Khắc Xuyên. “Nguồn gốc chữ Quốc ngữ: chữ Quốc ngữ vào năm 1631”. Văn hóa Nguyệt san. Số 42/1959, 685-93. 

15. Nguyễn Khắc Xuyên (1993). Ngữ pháp của Đức Lộ 1651. Thời điểm.  

TỪ CHỮ ĐẾN VĂN CHƯƠNG QUỐC NGỮ
CUỐI THẾ KỶ XIX?

Trần Nhật Vy

Nói đến chữ Quốc ngữ cuối thế kỷ XIX là nói đến vùng đất Nam Kỳ lục tỉnh. Chữ Quốc ngữ được sáng tạo bởi các nhà truyền giáo sang nước ta truyền đạo. Ban đầu, chữ Quốc ngữ chỉ là phương tiện để các giáo sĩ tiếp cận và rao giảng đạo cho các giáo dân người Việt. Vì vậy, chữ Quốc ngữ chỉ phổ biến trong các giáo dân và nhà thờ. 

Sau hơn 200 năm ra đời và sống lén lút trong các nhà thờ và xóm đạo đến năm 1860 chữ Quốc ngữ mới được dạy công khai trong nhà trường ở Sài Gòn. Và hai trường dạy chữ Quốc ngữ đầu tiên của nước ta là trường d’Adran (nay là trường Trưng Vương và Võ Trường Toản) và trường Khải Tường (tiền thân của trường Lê Quý Đôn ngày nay). Khi nhận chức Thống đốc Nam kỳ đầu tiên, Bonard (11.1861 - 10.1863) có bốn chủ trương lớn: 

1. Sử dụng lại các quan lại triều Nguyễn và giữ nguyên địa lý hành chính của Nam Kỳ. 

2. Dùng chữ Quốc ngữ do các giáo sĩ sáng tạo thay cho chữ Nho với lý do là “chữ Quốc ngữ dễ đọc, dễ hiểu” nhằm “cắt đứt liên lạc giữa người Nam Kỳ và triều Nguyễn” vốn sử dụng chữ Nho. 

3. Cải tạo và biến Bến Nghé trở thành thành phố Sài Gòn, thủ đô của Nam Kỳ. 

4. Thành lập nhà in và xuất bản báo chí. 

Với chủ trương dùng chữ Quốc ngữ thay cho chữ Nho, người Pháp đã khuyến khích dân chúng và các viên chức nhà nước học chữ Quốc ngữ ngay sau khi chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Và ngày 15.4.1865, tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên của nước ta ra đời tại Sài Gòn, là tờ Gia Định báo, với sự cộng tác của một số trí thức biết chữ Quốc ngữ là Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Tôn Thọ Tường. Bonard đã không ngó thấy tờ báo này vì riêng phần dấu của bộ chữ in phải đặt làm ba năm mới xong. Tất nhiên, bên cạnh đó là một số người khác ẩn danh đang làm thông ngôn cho quân đội Pháp trong bộ phận thông ngôn. Và khi tờ Gia Định báo ra đời chữ Quốc ngữ đã được trau chuốt, thay đổi rất gần với Quốc ngữ ngày nay. Từ “blời” chuyển thành “trời”, từ “sanh thì” lần lần trở thành quá vãng, qua đời, mất, chết, từ “nước giá” chúng ta có nước đá... Một bản tin ngắn trên Gia Định báo số 4 ngày 15.7.1865: “ngày 18 tháng nầy, sáng ngày thấy các quan thủy đi tam bản có máy lửa và kéo dạng một chiếc ghe khác theo trong rạch Ngưu Tấn vô Chợ Lớn. Ít nữa bên Phalangsa sẽ gởi qua nhiều chiếc khác để đi các sông rạch nhỏ mà hết trộm cướp nó không còn dấu ẩn được, giá một chiếc tam bản không có bao nhiêu tiền mà người nhà buôn jễ mua mà chở hàng hóa cho chắc và jắt chiếc ghe theo từ Mĩ Tho, từ Vĩnh Luông đến đây.” Ở đây chỉ có một số chữ “xưa” mà nay không còn dùng nữa như quan thủy (thủy quân hay hải quân), máy lửa là máy hơi nước phải đốt lò bằng củi, chữ j thay vì chữ d. Còn địa danh Ngưu Tấn chính là rạch Bến Nghé hay kinh Tàu Hũ, Vĩnh Luông là Vĩnh Long ngày nay. Bản tin này cho thấy chữ nghĩa năm 1865 đã gần với ngày nay rất nhiều. 

Xin lưu ý, năm 1865, Nam Kỳ còn rất ít người biết chữ Quốc ngữ. 

Ra đời ở miền Trung nhưng Quốc ngữ được công khai thử thách ở Sài Gòn, vùng đất là ngã tư quốc tế của nước ta vào cuối thế kỷ XIX, nên Quốc ngữ chịu nhiều va đập, vay mượn, Việt hóa rất nhiều từ ngữ các nước để dần trở nên hoàn thiện và trở nên vô cùng phong phú. Nếu không có sự va chạm ấy có lẽ ngày nay chúng ta sẽ “thiếu” chữ rất nhiều. Những chữ “đầm” được Việt hóa từ chữ “dame” của Pháp để sau này có áo đầm, nhảy đầm. Chữ “xe” là hậu thân của chữ “xế” nghĩa là xe theo giọng Quảng Đông, vì vậy nay chúng ta mới có rất nhiều loại xe từ xe ngựa, xe bò ban đầu đến xe hơi (xe có bánh bơm hơi vô), xe máy (xe đạp), xe lửa, xe be, xe bồn... Chữ “thối” được Việt hóa từ chữ “thoái” của người Hoa với nghĩa là lui, trả lại. Hoặc chữ “qua” Việt hóa từ chữ “wá” nghĩa là tôi theo giọng người Triều Châu (người Quảng Đông là “ngộ”, còn tiếng Quan thoại là “wò”). Bởi vậy mới có câu nói mà không phải là người Lục tỉnh thì không hiểu ngay được “qua nói qua qua mà qua hổng qua, qua hổng nói qua qua mà qua qua”! 

Ngày 12.9.1659, thầy Igesco Văn Tín viết: “ơnthàixưadạydõtôynhèuđàngchonên thànmàrápcậithàychonenchãnghaibaigiờvứangthàytôycàngbuồnhơnnữamàướoc au chođượcthaimạtThàinhư con tlonmẹvèchođượcbúbại...”. Đọc bằng chữ Quốc ngữ ngày nay là: “Ơn Thầy xưa dạy dỗ tôi nhiều đàng cho nên thành mà ráp cậy Thầy; cho nên chẳng hay bây giờ vắng Thầy, tôi càng buồn hơn nữa mà ước ao cho được thấy mặt Thầy như con trông mẹ về cho được bú vậy”.1 Một tài liệu khác cũng được lưu trữ trong thư khố Dòng Tên tại Roma, thầy giảng Bento Thiện viết ngày 25.10.1659 gửi linh mục G. F. Marini: “BâygiờtôikểnhữngkẻThầyđãbiếtngàyxưa (,) thìBảoLộcTrươngcùngông Lucio KẻCốcđãsinhthì (,) ông MingôngTràKẻBvócũngđãsinhthì (.) Song le ông Ming thì tin lắm (,) đểhếthầuhạthaythảy (,) chịuđạođượcmườingàyliềnsinhthì (,) ôngTràbvừabvừabvậy (,) cònthìràyláođáobvậy (,) chẳngcóthậtdạbaonhiêu. KẻBvóthìchẳngcònnhưxưavìchẳ ngcóThầy ở lại (,) chẳngcònkẻcảthìngườimlạtdạ. Tôilạinóisựcùngnămngoáicóthầycả Miguel Rangel cùngthầycảEmondo sang đâycũngcónhiềucủatốtchoChúathìngườim ừngvìcủa (.) Song le lòngchẳngcóiênsựđạođến (,) tầutlẩythìkhiếncácThầyvềhếtthìcá cthầycũngbuồnlắm (.) Song le ôngTầnôngNiêmdộngChúarằngphôThầyấycó ý sang làmtôimàđứcChúachẳngcho ở thìphôthầyấybuồnlắm, thìchúamớirằngchomộtthầy ở (.) ÔngTầnlạirằngthầyấy ở mộtmìnhchẳngđược (,) chẳngcóailàmbạn (,) đâythìnhững Annam (,) thìchúachohai ở haivề. Thấyvậythầycả Miguel thầycảEmondolạivề Macao, màthầycả Miguel bởi Roma màđếnđấythìvềbênĐạiming (,) màbởicógiặc Hung nôđến QuảngtâythìBvuaVĩnhLịchchạyđixứkhácthìthầychẳngcóđượcđếncùngBvua, phải ở giảngcỏiNgô (,) phảinướcđộcthìngườiđãsinhthìchẳngcòn (,) màđầytớngườithìtheo ngườiNgô, thầycảOnofrechoThađeođithămchẳngbiếtngườiấy ở đâu. TừKẻchợđếnnơin gườisinhthìđitámngàymớiđếnnơi”. 2 Có thể đọc bằng Quốc ngữ ngày nay là: “Bây giờ tôi kể những kẻ thầy đã biết ngày xưa, thì Bảo Lộc Trương cùng ông Lucio Kẻ Cốc đã chết. Ông Minh, ông Trà ở Kẻ Vó cũng đã chết. Song ông Minh thì tin lắm, để hầu hạ hết thảy, vô đạo được mười ngày liền chết, ông Trà vừa vừa vậy, còn thì rày láo đáo vậy, chẳng có thật dạ bao nhiêu. Kẻ Vó thì chẳng còn như xưa vì chẳng có thầy ở lại, chẳng còn kẻ cả thì người lạt dạ. Tôi lại nói sự cùng năm ngoái có thầy cả Miguel Rangel cùng thầy cả Emondo sang đây cũng có nhiều của tốt cho Chúa thì người mừng vì của. Song le lòng chẳng có yên sự đạo đến, tầu trẩy thì khiến các thầy về hết thì các thầy cũng buồn lắm. Song le ông Tần, ông Niêm nói với Chúa rằng các thầy ấy có ý sang làm tôi mà đức Chúa chẳng cho ở thì các thầy ấy buồn lắm, thì Chúa mới rằng cho một thầy ở. Ông Tần lại rằng thầy ấy ở một mình chẳng được, chẳng có ai làm bạn, đây thì những Annam, thì Chúa cho hai ở hai về. Thấy vậy thầy cả Miguel thầy cả Emondo lại về Ma Cao, mà thầy cả Miguel bởi Roma mà đến đấy thì về bên Đại Minh, mà bởi có giặc Hung Nô đến Quảng Tây thì vua Vĩnh Lịch chạy đi xứ khác thì thầy chẳng có được đến cùng vua, phải ở giảng cõi Ngô, phải nước độc thì người đã chết thì chăng còn, mà đầy tớ người thì theo người Ngô, thầy cả Onofe cho Thadeo đi thăm chẳng biết người ấy ở đâu. Từ Kẻ Chợ đến nơi người chết đi tám ngày mới đến nơi”. 

Đến năm 1796, khi linh mục Phipiphe Bỉnh viết thì chữ Quốc ngữ đã có nhiều điều thay đổi, sáng sủa hơn. 

MỪNG ĐƯỢC TRẨY SANG BÊN TÂY THƠ 

Nămvừasáulẻthángđầuxuân 
Thánh ý xuinênvẹnmọiphần 
Bểbắctuiràngnghìndạmdán (dặmdám) 
Blời (trời) tâynhườngđámộtbêngần 
TrướclàđộiđứctrênThiên-Chúa 
Saunữa cam làõ (lòng) dướivạndân 
Bĩcựcthớilailàthểấy 
Thậttầycõu (cũng) chínhkhéocuân (quân) phân Bínhthìnniênmòũ(mồng) 6 thg (tháng). Giêngnămlà 1796.3 

Sự thay đổi về từ ngữ và lần lần vay mượn, Việt hóa thêm những từ ngữ khác trong thế kỷ XVIII, XIX làm cho chữ Quốc ngữ ngày càng phong phú. Và đó là tiền đề dẫn tới một sự kiện lớn hơn là sự ra đời văn chương Quốc ngữ. 

Văn chương Quốc ngữ cuối thế kỷ XIX đến nay vẫn còn là những trang trắng trong văn học sử nước ta. Đã có người không tin rằng Nam Kỳ lục tỉnh có văn chương! Đã có những đồn đại rằng “Nam Kỳ chỉ biết ăn chơi, làm giàu chớ không biết làm văn chương”. Xin thưa, đó chỉ là những lời đồn nhảm, vô căn cứ! Những lời đồn nhảm đó lâu ngày đã trở thành một định kiến xấu và đã phủ nhận văn chương của một vùng đất đi đầu trong việc sáng tạo ra văn chương Quốc ngữ. 

Có câu hỏi: “Vậy thì Nam Kỳ lục tỉnh có văn chương không?”. Xin thưa là có và có không chỉ một ít mà là rất nhiều. Còn vì sao văn chương của một vùng đất bị phủ nhận, bị bỏ ra ngoài văn học sử hàng thế kỷ qua có lẽ chúng ta sẽ bàn trong một dịp thuận tiện khác. 

16 năm sau khi Gia Định báo ra đời, trên trang 7 của số báo ra ngày 1.12.1881 (lúc này báo đã trở thành tuần báo) đã xuất hiện hai truyện ngắn, rất ngắn. Đó là truyện Tên chăn bò và truyện Thằng ăn trộm với con heo. Đây là hai truyện ngắn chuyển thể từ thơ của La Fontaine qua văn xuôi của ông Trương Minh Ký (khi đăng báo không ghi tên tác giả) và sau đó được in trong tập Truyện Phangsa diễn ra Quốc ngữ in tại Sài Gòn năm 1884, tái bản năm 1886. 

Trương Minh Ký là ai? 

Đây là một nhân vật lâu nay văn học sử đã bỏ qua. 

Trương Minh Ký (1855 - 1900), người Gò Vấp, Gia Định, thuở nhỏ học với ông Trương Vĩnh Ký, sau vào trường Khải Tường. Ông ra trường khoảng năm 1870 - 1872 và được giữ lại trường làm thầy giáo. Năm 1874, Gia Định báo số ra ngày 15.12.1874 đưa tin: “Trương Minh Ký, nguyên làm thầy giáo dạy giúp hạng ba lên hạng nhì đồng niên ăn 1.400 quan tiền”. 

Năm 1879, ông được Thống đốc Nam Kỳ Le Myre de Vilers chỉ định dẫn 13 học sinh trường Khải Tường sang Alger du học, chuyến đi vào đầu năm 1880. Trong số các học sinh này có Diệp Văn Cương, sau là một giáo sử nổi danh của trường Chasseloup Laubat (Lê Quí Đôn), cha của nhà báo Diệp Văn Kỳ và ông Nguyễn Trọng Quản, giáo sư, họa sĩ của trường trên và là người viết cuốn tiểu thuyết Thầy Lazaro phiền in tại Sài Gòn năm 1887. 

Năm 1881, ông Ký trở về Sài Gòn và cuối năm 1881 ông xuất hiện trên Gia Định báo. Năm 1882 thì ông xuất hiện đều đặn cho đến năm 1897. Ước đoán của tôi, theo quan sát các thông lệ làm báo ngày xưa, có thể ông Ký chính là chủ bút tờ Gia Định báo trong thời gian từ 1881 đến 1897. 

Báo Quốc ngữ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, không đề tên chủ bút trên tờ báo. Tờ báo cũng không có phóng viên, biên tập viên như hiện nay. Chủ nhiệm (chức vụ tương đương Tổng biên tập ngày nay, riêng tờ Gia Định báo thì gọi là Chánh tổng tài) chỉ là người chịu trách nhiệm mọi mặt của tờ báo trước pháp luật. Người thực sự nắm quyền phần nội dung là chủ bút. Chủ bút là người thực hiện nội dung theo chỉ đạo (nếu là báo công quản), thiếu bài chủ bút viết, dịch. Vì vậy, chủ bút phải là người thông thạo ít nhất hai ngôn ngữ là Quốc ngữ và Pháp văn. Báo Quốc ngữ thời này đòi hỏi phải có bản dịch ra tiếng Pháp nộp cho cơ quan kiểm duyệt. Việc này đến năm 1918 mới bãi bỏ. Gia Định báo là tờ báo của chính quyền, chủ yếu là thông tin những vấn đề mà nhà nước muốn cho dân biết. Song khi ông Ký nắm bút quyền thì xuất hiện “truyện”. Và như vậy “truyện viết bằng văn xuôi” đầu tiên đã xuất hiện trên báo từ ngày 1.12.1881. 

TÊN CHĂN BÒ 

Có một người buôn bán gởi mấy gói hàng của nó cho tên chăn bò kia đi một đàng với nó. Nửa đàng, người buôn bán xán bịnh đau nặng, theo không kịp bầy bò. Lâu ngày, tên chăn bò thấy vắng mặt người bán hàng, tưởng nó đà chết rồi, mới bán phức mấy bó hàng, lại bỏ nghề cũ đi. Khi người buôn bán mạnh, tới thành kiếm tên chăn bò, lâu ngày mới gặp, hỏi nó mấy bó hàng. Nó chối nói mình không phải là kẻ chăn bò. Người bán hàng tức mình đâm đơn kiện với quan sở tại. Quan không biết xử làm sao, chuyện vô bằng, mới bỏ đi vô. Khi hai người tiên cáo, bị cáo đi khỏi dinh, ông quan ấy đi quanh ra phía rào đứng kêu lớn lên “Ớ chú chăn bò lại biểu một chút”. Tên chăn bò vùng ngó lại, quên lửng rằng mình mới chối làm nghề đó. Đó ông quan nầy cho đòi người buôn bán lại. Rồi dạy tra anh chăn bò, khai hết tự sự. Quan ấy dạy thưởng cho anh bán hàng rồi làm án anh ta. 

17 năm sau, năm 1897, tờ Nam Kỳ tuần báo ra đời, truyện đã trở thành một mục quan trọng của báo. Báo có 16 trang thì 8 trang nội dung, còn lại là quảng cáo. Trong số 8 trang nội dung, có tới 2 trang dành cho văn chương. Đây là số trang rất lớn dành cho một chuyên mục. Ngày nay đố chúng ta kiếm được tờ báo nào (trừ báo chuyên về văn nghệ) dành tới nội dung cho một chuyên mục! 

Và thời kỳ này, trên báo xuất hiện ngày càng nhiều loại truyện sáng tác, truyện dịch, thơ phú, bài hát (dành cho cổ bản), tuồng. Trong đó, truyện feuilletons Đố Ngộ Cố nhân... của Nguyễn Dư Hoài đăng 6 kỳ liên tục trên Nam Kỳ có thể gọi là tiểu thuyết tình cảm đầu tiên của văn học nước ta. Đây là chuyện tình của một thầy giáo. Khi còn đi học, anh ta ở nhờ một gia đình người bạn học gần trường. Trong khi qua lại thăm con, má anh ta đã kết thân với gia đình người bạn và má anh đã hứa hôn anh với Mai, em người bạn, mà không cho anh ta biết. Sau đó, vì gia cảnh sa sút, cha mẹ chết gia đình này tản lạc. Mai vì còn nhỏ nên phải sống cùng một người dì ở xứ khác. Khi má sắp mất mới cho anh ta biết vụ hứa hôn đó, lúc này anh đã có gia đình riêng. Sau khi biết chuyện, anh ta đi kiếm và gặp Mai ở Chợ Lớn, cô vẫn giữ lời hứa ngày xưa. Sau một đêm tâm sự, khóc lóc Mai đã cạo đầu, bỏ lên núi ở Châu Đốc đi tu. 

Ngoài Nguyễn Dư Hoài (người Bến Tre, thư ký tòa án Bến Tre), tôi còn có một danh sách vài chục cây viết, mà trong số đó tới nay vẫn chưa rõ tiểu sử. Đó là Nguyễn Khắc Huề, TốngHữu Định, Phan Hảo Hạt, VN, FXT, Tây Hiên Ký, PJT, GL, PC, Duật Văn, GD, Trần Công Chính, Paul Nhượng, NVB, PN, Lương Khắc Ninh, Nguyễn Thới Nhàn, Đặng Đức Tuấn, Nguyễn Trung Tín... 

Truyện 1001 đêm của Ả Rập năm 1895 được chuyển ra tiếng Pháp thì ba năm sau, năm 1898, đã được dịch và đăng trên tờ Nam Kỳ tuần báo. 

Văn chương Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX có mấy đặc điểm: 

1. Văn viết bằng tiếng nói thường ngày. Do viết bằng “ngôn ngữ nói” nên văn Nam Kỳ đôi chỗ lục cục lòn hòn, câu cú không gọn gàng. Tiếng nói của người Nam Kỳ lại nhẹ giọng không phân biệt dấu “hỏi”, dấu “ngã”, không phân biệt “gi” và “d”, “v”, không rõ ràng “n” và “ng”, không phân biệt “c” và “t”... Câu chữ lại thiếu trau chuốt, bay bổng. 

2. Hầu hết truyện, tiểu thuyết đều được đăng báo trước khi in thành sách. Báo chí Sài Gòn cho tới tháng 4.1975, đa phần không có biên tập viên như báo chí ngày nay, các nhà văn lại thường viết truyện từng kỳ khi ngồi ở tòa soạn hoặc nhà in. Viết xong là đưa cho ấn công vào sắp chữ liền nên việc sửa chữa cũng không nhiều. Do đó, việc văn chương Nam Kỳ sai chính tả rất nhiều là chuyện... bình thường! 

3. Văn chương Lục tỉnh, Nam Kỳ chủ yếu viết cho mọi người đọc nên nội dung thường là những chuyện đời ai cũng biết, hoặc từng trải qua, từng nghe biết đến. Nhiều truyện thơ quen thuộc như Sáu Trọng, Thầy Thông Chánh, Cậu Hai Miêng... cho đến nhiều tiểu thuyết sau này đã đi theo dòng đó: viết cho mọi người đọc, từ ông bà Đốc phủ sứ đến chị bán cá, bán rau, bán chè ngoài chợ đều đọc được. 

Xin đọc một truyện ngắn trên báo Nam Kỳ số 5 ra ngày 18.11.1897. 

NHÀ QUÊ CẮT NGHĨA DÂY THÉP

Hai người nhà quê bữa kia dắc nhau đi dạo ngoài đồng, thấy có dây thép giăng theo đường, người kia mới hỏi người nọ rằng “Tôi nghe người ta nói dây thép thông tin lẹ lắm. Giả như mình ở Saigon mà muốn đánh dây thép cho ai ở Nam Vang, Châu Đốc hay là chỗ nào xa vậy thì tức thì trong một nháy mắt người ấy hay liền. Anh có hiểu vì sao mà lẹ dữ vậy, anh nói nghe chơi anh”. 

Người kia mới nói rằng “Thằng khờ dữ bây! Thứ chuyện như vầy mà mầy cũng không biết hay sao? Nầy, để tao cắt nghĩa cho mà nghe, dễ hiểu quá, không có chi lạ hết. Ví như con chó nằm dài giữa đường, mầy đi rủi đạp nhầm cái đuôi nó tức thì nó la. Hể mình động đầu nầy, tức thì đầu kia nghe tin liền trong tức khắc”. VN 

Với những đặc điểm này, nếu có người quen thuộc với dòng văn chương miền Bắc, rành rẽ chính tả, thích sự bay bổng trong sáng tạo, thích sự cao xa, sang trọng... thì chịu không nổi! 

Qua đầu thế kỷ XX, hay chính xác hơn trong ba thập niên đầu, nhờ báo chí mà văn học Quốc ngữ càng phát triển mạnh thêm. Tờ Nông cổ mín đàm ra đời năm 1901 do Lương Khắc Ninh làm chủ bút lâu nay vẫn “bị” các nhà nghiên cứu cho là “báo kinh tế”. Thực tế không hoàn toàn như vậy. Bàn về kinh tế trên báo này chỉ có bài của ông Ninh với loạt bài Thương cổ luận nổi tiếng kéo dài suốt 6 năm liền. Còn lại hầu hết trên các trang báo là văn học, là truyện, thơ. Tờ báo đi sau đó là Nam Kỳ địa phận (1908 - 1944), phần truyện thơ cũng chiếm đến 1/3 số trang. 

Chính báo chí ở Sài Gòn, ở Lục tỉnh là cái nôi của văn học Việt hôm nay. Và dòng văn học đó cần được nhanh chóng nghiên cứu, công bố, nếu không thì tài liệu ngày càng mất mát, hư hao không thể kiếm lại được và con cháu sau này sẽ “trách” chúng ta. 

Dù khởi đầu không ngon lành lắm, nhưng chữ Quốc ngữ hôm nay đã trở thành một di sản vô giá không gì thay thế được của người Việt. 

Tôi xin nghiêng mình tri ơn những người đã sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. 

Tôi xin nghiêng mình tri ơn những người đã làm cho chữ Quốc ngữ đi vào đời sống văn hóa của người Việt, dù trong số đó có không ít người là kẻ thù của cha ông tôi. 

Tôi xin nghiêng mình tri ân những nhà báo, nhà văn tiên phong đã góp phần làm cho chữ Quốc ngữ phong phú, để trở thành một phần không thể thiếu của người Việt, dù ở nơi nào trên địa cầu.

Chú thích: 

1. Tài liệu lưu trữ ở Roma, theo Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 - 1659, (Sài Gòn: Tủ sách Ra Khơi, 1972), 95. 

2. Hoàng Xuân Hãn. “Vài văn kiện bằng chữ Quốc ngữ tàng trữ tại châu Âu”, Đại học, Số 10, tháng 7.1959, 108-119. 

3. Theo Thanh Lãng, Biểu nhất lãm văn học cận đại, (Cơ sở báo chí xuất bản Tự do, 1958). 

TÌM HIỂU VÀI NÉT VỀ PHONG TRÀO TRUYỀN BÁ VÀ PHÁT TRIỂN CHỮ QUỐC NGỮ Ở BẮC KỲ ĐẦU THẾ KỶ XX?

Nguyễn Thị Lệ Hà

Phát minh ra chữ Quốc ngữ là công của những giáo sĩ phương Tây (Francisco de Pina, Gaspar de Ammarl, Antonio Barbosa, Alexandre de Rhodes). Nhưng lúc đó chỉ là chữ dùng mẫu tự Latinh để thể hiện ngữ âm Việt Nam, giúp các giáo sĩ dễ dàng truyền đạo vào Việt Nam. Từ đầu thế kỷ XVII cho đến giữa thế kỷ XIX rất ít người Việt Nam biết và dùng được chữ Quốc ngữ. Phải đến khi Pháp chiếm 6 tỉnh Nam Kỳ thì chữ Quốc ngữ mới bắt đầu được dạy và được phổ biến. Tuy nhiên, những người học chữ Quốc ngữ trong thời gian này chỉ nhằm mục đích là chiếc cầu nối để bước sang học tiếng Pháp dễ dàng hơn và thuận lợi được nhận vào làm việc cũng như để đi du học sang Pháp. Sau khi bình định được các tỉnh ở Bắc Kỳ, thực dân Pháp đã tiến hành mở một số trường tiểu học Pháp - Việt nhằm đào tạo những người Việt giúp việc trong bộ máy chính quyền, giao dịch trong kinh doanh thương mại, dịch vụ xã hội. Tuy chương trình giảng dạy chữ Quốc ngữ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ nhưng chữ Quốc ngữ dần đã trở thành Quốc ngữ, được toàn thể người dân chấp nhận. Trong bài tham luận này, chúng tôi tìm hiểu vài nét về phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ ở Bắc Kỳ đầu thế kỷ XX để thấy rõ được quá trình phát triển của nó. Người Việt Nam có công truyền bá chữ Quốc ngữ đầu tiên là Trương Vĩnh Ký và Huình Tịnh Của. Khi đó Trương Vĩnh Ký đã đem những sách đọc dễ hiểu và gần gũi với tâm lý người Việt như: Lục súc tranh công, Phan Trần truyện, Lục Vân Tiên… in ra chữ Quốc ngữ, mục đích là để truyền bá rộng rãi trong nhân dân. Năm 1868, Trương Vĩnh Ký viết cuốn sách giáo khoa: “Tiếng Annam thực hành, dùng cho trường thông ngôn”. Năm 1876, ông xuất bản cuốn Sách học đánh vần quốc ngữ. Tuy Trương Vĩnh Ký và Huình Tịnh Paulus Của là hai người sớm nhất dùng chữ Quốc ngữ làm báo và in sách, nhưng hai ông lại không phát động, hô hào và dấy lên một phong trào học chữ Quốc ngữ sâu rộng như những người sáng lập Đông Kinh nghĩa thục, nhóm Đông Dương tạp chí và đặc biệt là Nguyễn Văn Vĩnh ở Bắc Kỳ những năm đầu thế kỷ XX. 

Mở đầu cho việc tuyên truyền và khuyến khích người dân học và đọc chữ Quốc ngữ chính là năm 1907 bằng sự ra đời của tờ Đăng cổ tùng báo do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút. Ngay trong số đầu tiên thứ 5 ngày 28.3.1907 có bài Người An nam nên viết chữ Annam” của Nguyễn Văn Vĩnh: “Chữ Nho hay, cũng nên học, nhưng trước hết phải thông chữ nhà. Còn chữ người học thêm cho rộng, như thể người Âu châu, học phụ thêm chữ Hy Lạp, chữ La tinh. Ông nào có tài, làm sách, làm truyện bây giừ, nên làm ra chữ Quốc ngữ”.1 

Tuy tờ Đăng cổ tùng báo tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn nhưng trên tờ báo đã có nhiều bài viết kêu gọi người dân Việt Nam học và sử dụng chữ Quốc ngữ thay chữ Hán và chữ Nôm. 

1. Đông Kinh Nghĩa Thục - một trong những trường đầu tiên cổ vũ học chữ Quốc ngữ 

Lúc đầu, chữ Quốc ngữ không được các nhà Nho chấp nhận vì cho rằng đây là thứ chữ thực dân Pháp dùng làm phương tiện truyền bá chính sách xâm lược. Các cụ đã tẩy chay thứ chữ viết bằng bút sắt, “ngoằn ngoèo như con giun” này và vẫn tiếp tục dạy chữ Nho cho con em. Nhưng bước sang đầu thế kỷ XX, để chuẩn bị cho một nền giáo dục mới, các cụ đã có một cái nhìn khác về chữ Quốc ngữ. Các cụ nhận thấy việc học chữ Quốc ngữ dễ, nhanh hơn chữ Hán rất nhiều và thuận lợi phổ cập đến mọi tầng lớp nhân dân. Các thầy trường Đông Kinh Nghĩa Thục ngay từ năm 1907 đã đề cao “quốc ngữ”, dùng nó làm phương tiện khai hóa quốc dân, dịch sách ra chữ Quốc ngữ, làm thơ cảnh tỉnh đồng bào bằng Quốc ngữ: 

“Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước, 
Phải đem ra tính trước dân ta. 
Sách các nước, sách Chi Na. 
Chữ nào nghĩa ấy dịch ra cho tường”. 

Trong tác phẩm Văn minh tân học sách, được coi như “cương lĩnh hành động” của Đông Kinh Nghĩa Thục, có đoạn viết về tầm quan trọng của việc học chữ Quốc ngữ: “Phàm những người trong nước đi học nên lấy chữ Quốc ngữ làm phương tiện đầu tiên, để cho trong một thời gian vài tháng, đàn bà trẻ con đều biết chữ; và người ta có thể dùng chữ Quốc ngữ để ghi việc đời xưa, chép việc đời nay và thư từ thì có thể chuốt lời và đạt ý. Đó được là bước đầu tiên trong việc mở mang trí khôn vậy”.2 

Nội dung giảng dạy của trường từ những bài ca ngợi lòng yêu nước, đến bài dạy có tính cách khai trí như: khuyến nông, khuyến công, khuyến thương… đều dùng thơ bình dân lục bát song thất vè. Các cụ Lương Văn Can, Phan Châu Trinh, Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Bá Học… đăng đàn diễn thuyết, đề cao Việt ngữ, coi như then chốt của Văn minh tân học sách. 

Không những chủ trương dạy chữ Quốc ngữ, học chữ Quốc ngữ, các cụ còn dự thảo đặt nền tảng cho một nền học thuật hiện đại. Công việc này do Ban Tu thư của trường phụ trách. Đầu tiên là xây dựng thể văn xuôi bằng cách dịch các sách phương Tây ra chữ Quốc ngữ. Một số danh từ mới được dịch từ tiếng nước ngoài như cách mạng, kinh tế, trừu tượng, cụ thể… nhằm làm giàu thêm vốn từ cho ngôn ngữ Việt Nam hiện đại. Ngoài ra, các cụ cũng chú trọng đến việc hiệu đính lại các bộ sử như: Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, Dư địa chí… đề cao việc học Nam sử, nghiên cứu vốn văn hóa truyền thống để từ đó mà biên soạn, sáng tác ra những sách mới… 

Để khuyến khích, cổ vũ người dân học và đọc, Đông Kinh Nghĩa Thục còn dịch ra chữ Quốc ngữ nhiều áng văn thơ yêu nước của các chí sĩ Đông Du bí mật gửi về như: Hải ngoại huyết thư, Khuyên nhau hợp quần, Á tế Á ca, Cáo hủ lậu văn, Nên dùng đồ nội hóa… 

2. Hội Trí Tri 

Sau 9 tháng hoạt động, Đông Kinh Nghĩa Thục bị đóng cửa thì trường Trí Tri vẫn tồn tại và duy trì với những lớp buổi tối cho người lớn thất học. Có thể nói, trường Trí Tri là trường tư thục dạy chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Bắc Kỳ. Trường không những là nơi dạy chữ, còn là nơi hội họp và diễn giảng nhiều vấn đề mới về kinh tế, khoa học, văn học của những trí thức tân học và cựu học cấp tiến lúc bấy giờ. Chủ trương của Hội Trí Tri là lấy chính chữ Quốc ngữ để truyền tải những điều mới lạ của văn hóa phương Tây cho đông đảo nhân dân, như ông Nguyễn Văn Vĩnh đã nêu rõ tại Hội quán Trí Tri (ngày 4.8.1907): “... Nước Nam ta muốn chóng bước lên đường tiến hóa thì phải mau thu thái lấy những tư tưởng mới. Muốn cho những tư tưởng mới trong văn hóa Âu Tây truyền bá khắp trong dân gian, thì phải cần phiên dịch những sách chữ nước ngoài ra chữ Việt Nam...”. 

3. Vai trò của Nguyễn Văn Vĩnh và Đông Dương tạp chí trong việc tuyên truyền và phát triển chữ Quốc ngữ 

Nguyễn Văn Vĩnh sinh ngày 30 tháng 4 năm Nhâm Ngọ (tức ngày 15.6.1882) tại số nhà 46 phố Hàng Giấy, Hà Nội, nguyên quán làng Phượng Dực, thuộc phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Tám tuổi ông làm nghề kéo quạt ở trường Thông ngôn của Pháp mới mở tại đình Yên Phụ. 

Nhờ tính chịu khó và ham học ông được Hiệu trưởng D’Argence cấp học bổng cho đi học. Ông trở thành học sinh thực thụ lớp thông ngôn tập sự ngạch Tòa công sứ, niên khóa 1893 - 1895 và đỗ thủ khoa khi mới 14 tuổi. Kết thúc khóa học, ông được tuyển thẳng vào làm phiên dịch viên của Tòa công sứ Lào Cai, Tòa công sứ Hải Phòng, sau lại làm thông ngôn ở Tòa công sứ Bắc Giang (từ 1902 - 1905). 

Năm 1906, ông được giao quản lý gian hàng Hội chợ thuộc địa tại thành phố Marseille từ tháng 3 đến tháng 8, lúc đó ông mới 25 tuổi. Sau khi về nước, ông xin nghỉ việc để cùng với một người Pháp tên là Dufour thành lập nhà in. Ông cùng với Phan Kế Bính dịch và xuất bản hai tác phẩm đầu tiên là Tam quốc và Truyện Kiều. Chính trong Lời tựa của cuốn truyện đầu tiên này ông đã đưa ra câu nói nổi tiếng: “Nước ta sau này hay hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ”. Có thể nói đây là mục đích trong suốt cuộc đời làm báo và xuất bản của ông, đồng thời chính câu nói đó đã trở thành khẩu hiệu kêu gọi của các nhà truyền bá chữ Quốc ngữ đầu thế kỷ XX, và được in trên tất cả các bìa sách do nhà in của Nguyễn Văn Vĩnh xuất bản. 

Sáu năm sau (1913), ông lại đưa vấn đề này trên báo Đông Dương tạp chí: “Bản quán định đem hết những bài luận hay về các công nghệ, về việc buôn bán, dịch ra quốc văn cho người Annam được tận hưởng”.3 Từ khi bắt đầu bước vào nghề làm báo và tham gia giảng dạy ở trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Nguyễn Văn Vĩnh đã cổ động nhân dân học chữ Quốc ngữ. Đến năm 1913, ngay số 2 của tờ Đông Dương tạp chí, mặc dù vấn đề về thời sự chính trị chiếm gần hết nội dung của tờ báo, nhưng ông vẫn tuyên truyền, cổ động nhân dân Việt Nam học chữ Quốc ngữ để thay thế chữ Hán, chữ Nôm: “Mở ngay tờ nhật báo này ra mà ngẫm xem bấy nhiêu điều luận trong báo, thử nghĩ: giá thử luận bằng chữ Nho thì có mấy người đọc được, mà trong những người đọc được, thì có mấy người hiểu cho hết nghĩa. Thế mà chữ Quốc ngữ, thì không những là người biết chữ Quốc ngữ đọc được, hiểu được, một người đọc cả nhà nghe cùng hiểu được, từ đàn ông cho đến các bà (không dám nói đàn bà sợ các bà quở) trẻ con cũng nghe được mà chỉ với chúng ta trong cuộc luận bàn thế sự thì có phải nó vui việc ra là bao nhiêu”. Đồng thời ông cũng cho rằng để đọc, viết được chữ Quốc ngữ rất dễ “ai có ý chí vài ngày, ngu đần là một tháng cũng phải thông”.4 Trong khi đó học chữ Nho thì phải “mất hàng nửa đời người, mà trăm người học không được một người hay, học được hay cũng chỉ ích lấy một mình, không đem ra mà dùng cho đời được nhờ cái học vấn của mình chẳng qua là một cái thú rung đùi mà thôi”.5 Còn chữ Nôm thì dễ hơn, nhưng có cái khó là mỗi miền, mỗi người lại có cách viết và hiểu khác nhau. Do vậy nó cũng gây khó khăn cho việc học, hiểu và phổ biến rộng rãi. 

Nguyễn Văn Vĩnh ý thức được rằng sẽ là rất khó khăn nếu chỉ một mình ông xông xáo trong cuộc cách mạng chữ viết, với mục tiêu là chữ Quốc ngữ phải được tất cả mọi người dùng, phải chiếm lĩnh trên tất cả các lĩnh vực từ hành chính, giáo dục, truyền bá văn hóa qua dịch thuật cũng như sáng tác văn học, nên ông luôn vận động, kêu gọi “những bậc tài hoa, những người có học thức trong nước, phải chuyên vào nghề văn quốc ngữ”, và cả những “bậc có Pháp học, thì tuy rằng cái ngoại tài ấy phải chuyên làm cách chen - cạnh, làm mối kiếm ăn, nhưng hễ muốn nhân việc lập thân mà lại có ích cho cả đồng bào mình, thì phàm luyện được chút tài nào của người, cũng nên dùng quốc văn mà phát đạt nó ra cho cả người đồng - bang được hưởng”.6 Chữ Quốc ngữ thời gian đầu còn lủng củng, khi viết câu văn vẫn chưa được lưu loát. Nguyễn Văn Vĩnh thấy cần thiết phải khắc phục những mặt hạn chế đó để chữ Quốc ngữ khi nói, viết diễn tả được đúng ý và chuẩn xác. Ông đã đề xuất một biện pháp đơn giản và hiệu quả là tất cả các thể loại như: báo, sách, văn chương, thơ, tiểu thuyết, nghị luận, đơn từ đến những câu đối, câu phúng, lời chúc mừng bạn bè... đều phải viết bằng chữ Quốc ngữ, để cho người dân làm quen dần một thứ chữ mới, nhưng đọc dễ hiểu và đồng thời cũng luyện cho người viết trôi chảy, trau chuốt hơn. 

Bên cạnh việc vận động mọi người cùng tham gia cổ động và viết chữ Quốc ngữ, thì vấn đề ngữ pháp tiếng Việt cũng được ông đưa ra bàn luận để đi đến thống nhất trong toàn quốc về cách đặt câu, cách viết, chấm phẩy, cách nói, viết cho cả 3 miền và cần phải có một thể lệ chung: “Nay bản báo lấy việc cổ động cho chữ Quốc ngữ làm chủ nghĩa, tưởng cũng nên đem hết các khuyết điểm, các nơi không tiện ra mà bàn lại, chẳng dám đem cách nào mới mà xin thế vào lối cũ, sợ thiên hạ lại bảo vẽ vời, song cũng nên bàn các nơi bất tiện ra để ai nấy lưu tâm vào đó, thì dễ có ngày tự dưng chẳng phải ai làm mà chữ Quốc ngữ tự đổi dần dần đi”.7 

Nguyễn Văn Vĩnh có điều kiện đi dọc 3 miền đất nước. Ông đã chú ý giọng nói, cách viết của 3 miền và thấy có sự khác biệt nhau rõ nét như chữ ch với chữ tr ngoài Bắc không phân biệt mấy nhưng “ở Nam Kỳ thì thật có phân biệt. Như con trâu mà viết thành châu (hạt châu) thì người Nam Kỳ không hiểu... Sự này tôi đã có ý nghiệm từ Thanh Hóa vô tới Quảng Nam và ở Sài Gòn”; hay chữ s với chữ x: “ngoài miền Bắc và miền Trung thì không phân biệt hai chữ này còn người miền Nam thì “chữ s uốn lưỡi như chữ ch tây, còn chữ x thì đọc như chữ s tây. Chữ gi, chữ d, chữ r thì ở Bắc Kỳ ta không phân, còn ở Nam Kỳ và Trung Kỳ phân biệt được chắc chữ r mà thôi, còn d với gi cũng đọc như chữ y, mà không mấy người biết chắc được tiếng nào đáng viết d hay gi”.8 Mục đích của ông khi ông đưa ra sự so sánh giữa 3 miền là mỗi miền nên học những tiếng chuẩn của nhau, mỗi bên “nhường nhịn” nhau một chút, như ngoài Bắc nên theo trong Nam mấy tiếng “gi thành tr, d thành nh, nh thành l… để dùng cho đều trong văn tự, ba miền cùng dễ hiểu cả”. Ông đã liệt kê ra một số từ: 

“1. gi đổi ra tr: trả để thay cho tiếng giả, trai gái - giai, trăng gió - giăng, trao đổi - giao, trầu không - giầu, tro tàn - gio, trồng cây - giồng, trở về - giở. 

2. s đổi ra tr: trống mái để thay cho tiếng sống. 

3. d đổi ra nh: mạng nhện để thay tiếng dện, nhọn - dọn, nhốt gà - dốt, nhơ bẩn - dơ... 

4. nh đổi ra l: lạt để thay tiếng nhạt, lát (chốc) - nhát, lầm (lẫn) - nhầm, lẹ - nhẹ...”.9 

Theo ông nếu mỗi miền chịu học những từ chuẩn của nhau thì chữ Quốc ngữ ngày càng trở nên rõ ràng và trên văn tự có sự thống nhất trong cả nước. 

Theo Nguyễn Văn Vĩnh chữ Quốc ngữ trong thời gian đầu “viết có mẹo mực lối lăng. Lối chỉ có một, không phân ra lắm cách như bây giờ, cho nên dễ nhận. Lối ấy, tất là lối của những người Âu châu sang đây trước nhứt, tức là các cố đạo”. Nhưng Nguyễn Văn Vĩnh muốn chữ Quốc ngữ phải là một lối viết có luật lệ, có kinh điển để “xứng đáng làm văn chương riêng của nước Nam ta”.10 Cho nên ông cho rằng sự khác biệt giữa 3 miền và việc học hời hợt chữ Quốc ngữ của một số người đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển của chữ Quốc ngữ, vì nhiều khi các chữ viết không đúng đã làm cho người đọc phải suy nghĩ và dễ gây hiểu sai nghĩa. Từ thực tế đó ông sợ chữ Quốc ngữ dần dần “thành một lối chữ hỗn độn, không ai hiểu được nữa”.11 Ông đã đề nghị các quan cai trị xét trong các đơn từ nếu đơn nào viết sai lỗi chính tả thì không nhận, trừ những việc khẩn cấp. Nếu được “như thế thì chắc rằng chẳng bao lâu bắt được người Annam phải viết chữ Quốc ngữ theo phép chớ không viết liều được nữa”.12 

Trên Đông Dương tạp chí ngay từ những số đầu năm 1913, đã có những bảng mẫu chữ cái Quốc ngữ bao gồm một số nguyên âm và phụ âm, nguyên âm đôi, các vần ghép: bơ, cơ, dơ, gơ, hơ, kơ... và một số đếm đơn giản từ 1 đến 9 và số 0. Bảng chữ cái viết hoa to và các chữ thường theo sau là cách phát âm khá chuẩn xác. Chúng tôi thấy đủ 23 chữ cái, 6 nguyên âm ngắn và 11 phụ âm. Cách phát âm các từ này có kèm theo tranh vẽ dễ hiểu như sách học vần của các em lớp 1 hiện nay, ví dụ: dép (vẽ đôi dép), tháp (vẽ cái tháp), lọ (vẽ cái lọ), người mẹ, cái chợ, con quạ... đều có vẽ tranh nhỏ minh họa. Đặc biệt ở Đông Dương tạp chí năm 1918 còn có bài hướng dẫn cách cầm bút, cách ngồi, cách viết... Tất cả những công việc này đều có đóng góp quan trọng bậc nhất của chủ bút Nguyễn Văn Vĩnh, người đã hết lòng cho việc cổ xúy chữ Quốc ngữ phát triển sâu rộng trong quảng đại quần chúng nhân dân. 

Đông Dương tạp chí lại còn làm thêm một việc là chọn những bài thơ hay, những câu đối hay, của các cụ nho xưa viết bằng chữ Nôm, chuyển dịch sang chữ Quốc ngữ để mọi người cùng thưởng lãm. Việc này tạo ra một phong trào chuyển dịch các truyện Nôm in ra chữ Quốc ngữ, bày bán vỉa hè, của nhiều nhà in tư nhân tập trung ở phố Hàng Gai và Hàng Bông thời bấy giờ. Chữ Nôm cũng là quốc âm, chẳng những khó học, lại mỗi nơi đọc một khác, nhưng khi chuyển dịch sang chữ Quốc ngữ, thì không thể nào đọc sai đi được nữa, do đó cũng kích thích được nhiều nhà nho quay ra làm thơ bằng chữ Quốc ngữ để gửi in báo.

Để chữ Quốc ngữ ngày càng hoàn chỉnh, giúp cho mọi người đọc và hiểu được dễ dàng, bên cạnh việc chỉnh sửa những chữ còn sai khi nói và viết (chính tả) thì cần phải thống nhất cách phiên âm tên đất, tên người nước ngoài khi dịch ra chữ Quốc ngữ. 

Thông thường người dịch theo tiếng Trung Quốc, mặc dù rất dễ đọc và nhớ nhưng lại bị sai với nguyên bản, còn nếu dịch thẳng từ tiếng nước ngoài ra chữ Quốc ngữ thì nhiều người lại không hiểu, còn để nguyên như bản gốc thì những người không biết tiếng nước ngoài lại không đọc được. Từ những khó khăn đó Nguyễn Văn Vĩnh đã đưa ra hai cách phiên âm: “Bao nhiêu những tên nước lớn, ai cũng biết theo tiếng Tàu rồi như là Pháp, Anh, Nga, Đức, Bỉ-lị-thì, áo, thì cứ để tiếng biết rồi mà dùng... Còn bao nhiêu những chỗ chưa mấy biết thì dịch theo cách mới, lấy cho gần nguyên âm”, tức là “khi viết lẫn những tên ấy vào văn Quốc ngữ thì nên viết tiếng dịch trước rồi vòng hai bên hai cái viết nguyên dạng chữ vào sau cho người đã biết tiếng Tây dễ nhận ra”.13 Đây là một vấn đề rất cần thiết và rất thời sự đối với báo chí, xuất bản lúc bấy giờ. 

Với mong muốn đưa chữ Quốc ngữ nhanh chóng trở thành một chữ viết phổ thông, Nguyễn Văn Vĩnh đã tham gia viết nhiều thể loại, từ nghị luận, dịch tiểu thuyết, thơ ngụ ngôn... bằng chính chữ Quốc ngữ, để chữ Quốc ngữ dần hoàn chỉnh, có khả năng truyền tải được tất cả tư tưởng, tình cảm của con người. Những người không biết chữ Hán và chữ Pháp thì qua chữ Quốc ngữ cũng có thể tiếp cận được những áng văn hay, những tư tưởng mới của nước ngoài. Nguyễn Văn Vĩnh còn biên soạn một quyển sách tự học chữ Quốc ngữ để phát cho những người mua báo Đông Dương tạp chí. 

Nguyễn Văn Vĩnh không chỉ chú trọng đến các thể loại văn chương phương Tây, mà ông cũng rất quan tâm đến văn chương nước nhà. Nhưng, cũng giống như công việc tuyên truyền, cổ vũ chữ Quốc ngữ, một mình ông không thu được kết quả, nếu không có những người cùng chí hướng đồng tình, hưởng ứng “ước gì, các bậc cao minh trong nước Nam, ông nào cũng lo việc gây dựng văn chương của nước mình, và đồng tình với bổn quán, sẽ hết lòng mà giúp cho bổn quán thành được việc hay và có ích lâu dài cho người Annam”.14 Ông và nhóm Đông Dương tạp chí đã thành công trong việc đưa được văn chương Việt Nam thoát dần khỏi khuôn mẫu của văn chương Trung Hoa. Ông là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho nền văn học hiện đại nước nhà “Tiếng Annam mình hiện bây giờ cũng đã đủ tiếng mà lập nên được một văn chương riêng, làm ra sách vở có ích được cho cả nước, nam phụ lão ấu cũng hiểu được”.15 

Trong số những người cùng chí hướng với ông thời gian đó như Phan Kế Bính, Trần Trọng Kim, Nguyễn Đỗ Mục, Phạm Quỳnh... thì Nguyễn Văn Vĩnh được coi là người đứng đầu của phong trào cổ vũ và truyền bá chữ Quốc ngữ ở Việt Nam. Ông luôn thực hiện bằng cả hai hình thức: diễn thuyết và xuất bản (hay ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết). 

Với mục đích đào tạo một số người trở thành phiên dịch phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa, cho nên trong chương trình giảng dạy, chữ Quốc ngữ chỉ chiếm thời lượng rất ít mà phần lớn thời gian dành cho việc học chữ Pháp. Vì vậy, Nguyễn Văn Vĩnh, cùng với việc truyền bá văn hóa phương Tây đã rất tích cực tuyên truyền, cổ vũ người dân học chữ Quốc ngữ, dùng chữ Quốc ngữ để truyền tải những cái hay cái đẹp của nền văn minh Việt, phổ biến những tư tưởng Đông - Tây để làm cho nhân dân vừa hiểu được nền văn hóa Pháp, vừa giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Ông đã từng nói “Nước Nam ta mất vì những trí thức nho học chỉ biết làm văn Tàu. Chúng ta bây giờ đừng để trở thành những người trí thức mới chỉ biết làm văn chương Tây”.16 

Chữ Quốc ngữ lúc đầu rất phức tạp vì chữ có rất nhiều nguyên âm (72 nguyên âm), cho nên việc in ấn gặp rất nhiều khó khăn do các máy chữ mua của phương Tây không có nhiều dấu như vậy. Do đó, việc cải cách chữ Quốc ngữ cho bớt dấu đi là rất cấp thiết và quan trọng. Nguyễn Văn Vĩnh là một trong những người đầu tiên đề xướng việc cải cách chữ Quốc ngữ để tiện in ấn, xuất bản. Theo Hồ Lân Trinh trong Sự cải cách vần chữ Việt thì “Muốn cho chủ và thợ nhà in áp dụng những tiến bộ về kỹ thuật ấn loát cho chữ Việt, thì phải cải cách chữ viết thế nào cho ít dấu chữ chừng nào hay chừng nấy. Đi từ ý này và đưa ý đó đến chỗ cùng tột, Nguyễn Văn Vĩnh đề nghị hạn chế các dấu lại còn 26: đó là số người Anh hùng. Như vậy bất cứ máy sắp chữ mua ở thị trường nào trên thế giới cũng có thể “phụng sự” chữ Việt được. Nhưng làm sao để nhốt 72 nguyên âm Việt vào trong phạm vi chật chội của 7 nguyên âm Anh? Nguyễn Văn Vĩnh liền đề nghị hai ước lệ: thay thế một số nguyên âm bằng những nguyên âm đôi và đánh dấu giọng thấp cao bằng những phụ âm không ở cuối vần mà người sẽ để ở chót tiếng”.17 

Chữ Quốc ngữ có tới 5 dấu thanh: nặng, sắc, huyền, hỏi, ngã và những râu ở chữ đ, ơ, ư. Nguyễn Văn Vĩnh đã đề xướng cải cách ngay trên tờ báo do ông làm chủ bút (Đông Dương tạp chí, Trung Bắc tân văn). Theo đó chữ f thay dấu huyền, chữ w thay dấu sắc... Sự cải cách của ông rất tiện lợi trong thời kỳ máy chữ mua của Pháp. Nhưng những việc làm đó của ông không được nhiều người cùng thời hưởng ứng. Mãi sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, và sau ngày hòa bình lập lại, ngành bưu điện Việt Nam đã áp dụng chính hệ thống “chữ Quốc ngữ cải cách của Nguyễn Văn Vĩnh” trong các điện tín. 

Nguyễn Văn Vĩnh và những người cùng chí hướng trong Đông Dương tạp chí đã động viên, cổ vũ bạn đọc hưởng ứng viết bài bằng chữ Quốc ngữ cho tờ Đông Dương tạp chí, mỗi số đều trích đăng những ý kiến hoặc thơ phú của độc giả gửi đến. 

Đến năm 191818 năm kết thúc của tờ Đông Dương tạp chí, đồng thời cũng là năm chữ Quốc ngữ thắng lợi hoàn toàn, thì không còn ai có thể nghi ngờ khả năng của chữ Quốc ngữ nữa. Chữ Quốc ngữ đã có thể dịch được tất cả những áng văn hay của nước ngoài, cũng như diễn tả được những tư tưởng và cảm xúc một cách chân thực. Đồng thời, chữ Quốc ngữ đã được dùng trong công việc hành chính (những công báo của chính quyền thuộc địa; giấy tờ khai sinh in ba thứ chữ Pháp, Hán, Quốc ngữ, sau in hai thứ chữ, bỏ Hán; các đơn từ kiện cáo viết bằng chữ Quốc ngữ cũng được…). Nghĩa là chữ Quốc ngữ có đầy đủ yếu tố của một thứ ngôn ngữ văn minh và khoa học, không thua kém gì các chữ viết của các nước phương Tây. Chữ Quốc ngữ đã được sử dụng rộng rãi thay thế chữ Hán và chữ Nôm (chữ Hán bị bãi bỏ trong thi cử năm 1915 ở Bắc Kỳ, và chấm dứt trên cả nước năm 1919 ở Trung Kỳ). Từ đây chữ Quốc ngữ đã trở thành thứ chữ phổ thông chiếm vị trí quan trọng và được tất cả người dân Việt Nam ưa dùng. 

Để đạt được thành quả đó, những người đi tiên phong cổ vũ và cải cách chữ Quốc ngữ như Nguyễn Văn Vĩnh và nhóm Đông Dương tạp chí đã trải qua rất nhiều khó khăn, một phần vì chính quyền thuộc địa Pháp muốn người Việt cắt đứt những liên hệ truyền thống với Trung Quốc thông qua chữ Hán và mặt khác: “Việc truyền bá chữ Quốc ngữ chỉ có thể là rất lợi cho sự mở rộng ảnh hưởng của chúng ta trong xứ này, và làm quan hệ của chúng ta với người bản xứ được dễ dàng”.19 Nhưng trong thực tế, chương trình học của nước ta lúc đó, chỉ 3 năm đầu cấp tiểu học được học bằng chữ Quốc ngữ, đến bậc trung học chữ Quốc ngữ chỉ còn là một môn sinh ngữ, trong khi tiếng Pháp được nâng lên trong tất cả các môn học. Và đến bậc cao đẳng, đại học thì chữ Việt mất hẳn, chỉ còn lại chữ Pháp. Đồng thời, họ phải đối đầu với ý thức hệ phong kiến lạc hậu, bảo thủ trong xã hội Việt Nam. Vì vậy việc cổ động cho việc học chữ Quốc ngữ từ thành thị đến nông thôn là một việc rất khó khăn. Trước thực tế đó việc lên tiếng bảo vệ, cổ động cho chữ Quốc ngữ của Nguyễn Văn Vĩnh và những người cùng chí hướng với ông là một việc làm rất đáng kể, rất đáng trân trọng. 

Mặc dù chữ Quốc ngữ và những người truyền bá chữ này được đặt dưới sự bảo trợ của chính quyền thuộc địa, nhưng người Pháp không thể ngờ rằng, khi loại chữ này đã trở thành chữ viết của dân chúng để truyền đạt tư tưởng và nguyện vọng, thì chính quyền thuộc địa lúc này đã không thể kiểm soát được nữa và nó đã trở thành nhân tố quan trọng trong công cuộc giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam sau này cũng nhận thấy việc truyền bá chữ Quốc ngữ là một biện pháp để giáo dục quần chúng và đưa quần chúng đi theo con đường cách mạng của Đảng và Mặt trận Việt Minh tiến tới Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi. Chữ Quốc ngữ đã được giảng dạy trong tất cả các trường từ bậc tiểu học đến đại học. 

Chú thích: 

1. Đăng cổ tùng báo, Số 793, 8. 

2. Chương Thâu, Đông Kinh Nghĩa Thục và phong trào cải cách văn hóa đầu thế kỷ XX, (Hà Nội: Văn hóa Thông tin, 1997), 123. 

3, 4 Đông Dương tạp chí, Số 2/1913, 2. 

5, 7, 8 Đông Dương tạp chí, Số 31/1913, 3,4 

6. Đông Dương tạp chí, Số 40/1914, 4. 

9. Đông Dương tạp chí, Số 82/1914, 6. 

10, 11, 12 Đông Dương tạp chí, Số 51/1914, 4-5. 

13. Đông Dương tạp chí, Số 67/1914, 9. 

14, 15 Đông Dương tạp chí, Số 9/1913, 10, 10. 

16, 17 Hồ Lân Trinh, “Sự cải cách vần chữ Việt”, Phê bình văn nghệ, Tập 1, Ngày 8.2.1958. Dẫn lại của Tân Phong Hiệp: “Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936)”, Bách Khoa, Số 32/1958. 

18. Nhiều tài liệu cho rằng năm 1917 là năm kết thúc của tờ Đông Dương tạp chí, nhưng chúng tôi khảo sát tờ báo lại là năm 1918. 

19. Bulletin administratif du Tonkin (Thông tư của Thống sứ Bắc Kỳ Simoni gửi công sứ các tỉnh), Ngày 7.3.1910, 303. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

1. Đăng cổ tùng báo. Số 793. 

2. Chương Thâu (1997). Đông Kinh Nghĩa Thục và phong trào cải cách văn hóa đầu thế kỷ XX. Hà Nội: Văn hóa thông tin. 

3. Đông Dương tạp chí. Các số: 2/1913, 9/1913, 31/1913, 33/1913, 40/1914, 51/1914, 67/1914, 82/1914. 

4. Sơn Tùng. 1998. Tiểu thuyết hoa râm bụt. Hà Nội: Thanh niên. Tr. 181. (trích lời ông Nguyễn Văn Vĩnh). 

5. Hồ Lân Trinh. “Sự cải cách vần chữ Việt”, trong Phê bình văn nghệ, tập 1, ngày 8.2.1958. Dẫn lại của Tân Phong Hiệp: “Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936)”. Bách Khoa. Số 32/1958. 

6. Nhiều tài liệu cho rằng năm 1917 là năm kết thúc của tờ Đông Dương tạp chí, nhưng chúng tôi khảo sát tờ báo lại là năm 1918. 

7. Bulletin administratif du Tonkin (Thông tư của Thống sứ Bắc Kỳ Simoni gửi công sứ các tỉnh). Ngày 7.3.1910. 

VẤN ĐỀ PHỔ QUÁT CHỮ QUỐC NGỮ TRONG PHONG TRÀO 
CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO MIỀN TRUNG (1932 - 1945)?

Dương Thanh Mừng

Cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, chữ Quốc ngữ ra đời ở nước ta.1 Trải qua nhiều bước phát triển thăng trầm, chữ Quốc ngữ đã vươn lên thành ngôn ngữ chính thống của dân tộc. Trong trường kỳ hàng mấy thế kỷ ấy, mốc lịch sử đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ, có ý nghĩa quyết định là vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Mặc dù sự du nhập của chữ Quốc ngữ trong giai đoạn này bắt nguồn từ âm mưu của thế lực xâm lược nhưng nó đã góp phần mở ra cho dân tộc Việt Nam một cách biểu đạt tư duy mới chưa từng có sau cái bóng của Nho học. Chính vì vậy, nó nhanh chóng được các giai tầng khác nhau trong xã hội đón nhận một cách hào hứng và tự nguyện. Tuy nhiên, ở thời điểm này, chữ Quốc ngữ chưa phải là một hệ thống ngôn ngữ hoàn thiện như bây giờ mà nó còn phải trải qua một quá trình tiếp biến và chuyển hóa. Và trong quá trình ấy, sự ra đời của phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung đã góp phần thống nhất và nâng cao ngôn ngữ dân tộc, từng bước xây dựng nó trở thành một phương tiện giao lưu phổ biến, có đầy đủ khả năng chuyển tải tư duy con người không thua kém bất kỳ ngôn ngữ hiện đại nào trên thế giới. 

Trong khuôn khổ của Hội thảo khoa học về Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ, chúng tôi xin được đi vào phân tích và trình bày về quá trình phổ quát chữ Quốc ngữ trong phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung (1932 - 1945). Qua đó, góp phần bổ sung nguồn tư liệu nhằm làm sáng tỏ thêm tiến trình phát triển của chữ Quốc ngữ Việt Nam. 

1. Một số nét về tình hình Phật giáo miền Trung trong những thập niên đầu thế kỷ XX 

Bước sang đầu thế kỷ XX, cũng giống như tình hình Phật giáo trong cả nước, Phật giáo miền Trung bộc lộ nhiều dấu hiệu khủng hoảng và suy yếu. Thực trạng này đã được các tăng ni, Phật tử, các nhà tri thức phản ánh thông qua nhiều bài viết trên báo chí đương thời. 

Ở phương diện trì giới, Nguyễn Xuân Thanh với bài viết Hiện trạng Phật giáo xứ ta đã cho rằng: “Hiện nay, trong tăng đồ có người giới luật không trì, kinh điển không học, chỉ biết tán tụng qua loa rồi đắp y hậu nhà Phật, tự xưng là ông thầy với thiên hạ. Thế rồi cũng kiếm bổn đạo cho đông, cũng lập chùa cho tốt, cũng tạo vườn cho rộng, ruộng cho nhiều rồi cũng phạm đủ các giới quan trọng”.2 Sự suy yếu của tăng sĩ đã kéo theo hệ quả nghiêm trọng là nhiều tín đồ chỉ biết lo việc cúng cấp mà không thành tâm tu hành. Đối với họ, Phật chỉ là một vị có oai lực để cho người cầu cạnh, ỷ lại chứ không còn là bậc vô thượng. Ở phương diện Phật học, Chính Túc cho rằng: “Phật học ở xứ ta ngày xưa tráng lệ, nguy nga thế nào mà ngày nay sao lại bơ thờ linh lạc, lí cũng không thành lí, sự cũng không thành sự, đến nỗi đạo Phật in tuồng đã muốn hóa thành một lối dị đoan chứ không thiệt là đạo Phật nữa”.3 Ở phương diện tín đồ, Vân Đàm với bài viết Quốc dân ta cần phải nghiên cứu Phật học đã nêu lên thực trạng: Với phái xuất gia thì hàng năm cứ khai kỳ, khai hương, nhập sơn mà khi đề cập đến các vấn đề cần thiết của sự tu hành thì lại sửng sốt mơ màng. Phái tại gia, nhất là những người phụ nữ thiếu hiểu biết lại đặt nhiều niềm tin vào thần thánh nên thấy chùa thì tới cúng kính, thấy thầy thì tới quy y. Họ không nhận thấy “chùa là cửa hàng buôn bán, thầy là ông chủ thu tiền, thế mà tới lui rộn rực... Cái tệ mê tín đến nỗi như thế thiệt là mê thảm”.4 

Sự suy yếu của Phật giáo miền Trung những năm đầu thế kỷ XX còn bắt nguồn từ sự lụi tàn của chữ Hán vốn là một trong những ngôn ngữ chính dùng để biểu đạt hệ thống giáo lý và kinh kệ của đạo Phật. Sự thay thế chữ Hán bằng chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp đã làm xáo trộn lớn không những ở phương diện biểu đạt tư duy mà còn ở cách tiếp cận và nhận diện các vấn đề. Quá trình thay đổi nhận thức đối với các vấn đề mới của thời cuộc đòi hỏi phải có thời gian và sự rèn luyện mới thích ứng được với sự biến đổi ngôn ngữ. Do đó, nhiều tăng ni, Phật tử vốn chưa có điều kiện để học hành đầy đủ chữ Hán lại tiếp tục bị thất lạc trong chữ Quốc ngữ hoặc chữ Pháp nên không thể nắm bắt được đầy đủ giáo lý của đức Phật. Bàn về vấn đề này, Trần Văn Giác trong Bài diễn văn lúc khai đại hội đã cho rằng: “Phật giáo do chữ Hán truyền qua nước ta mà chữ Hán ở nước ta hiện giờ bị trào lưu thay đổi nên chẳng còn ảnh hưởng ở dân gian, duy chỉ trong chốn tăng già chỉ còn nhấp nhoáng đôi điểm Phật hóa để làm nền tảng đạo đức của nước nhà. Bởi thế nếu không vận động trùng hưng thì sau này khó tránh khỏi cái nạn tiêu trầm tai hại”.5 Đồng thuận với quan điểm này, Hội Lưỡng Xuyên Phật học cũng cho rằng: “Nay Hán học suy đồi thì Phật giáo cũng do đó mà suy đồi. Thêm vào đó, kể từ ngày chính phủ Pháp bảo hộ nước ta thì Hán học lần lần sút kém vì không phải món chuyên môn về đường khoa cử. Do vậy, nếu cứ trọng về hình thức bề ngoài thì đâu có nhân tài phiên dịch kinh điển ra chữ Quốc văn cho thiện tín rõ và đâu có nhân tài mà bảo vệ ngôi Tam bảo”.6 

Trước sự khủng hoảng và suy yếu của Phật giáo nói trên, từ năm 1920, các tăng ni, Phật tử có sự nhiệt huyết với sự tồn vong của Đạo pháp đã cùng với các nhà tri thức, những người mến mộ đạo Phật đứng ra vận động chấn hưng, cải cách Phật giáo. Trên cơ sở đó, năm 1932, Hội An Nam thành lập tại Huế, chính thức mở đầu cho quá trình chấn hưng Phật giáo miền Trung. Thông qua nhiều nội dung và hình thức hoạt động khác nhau như: xây dựng mô hình tổ chức giáo hội, chấn chỉnh phương thức tu tập và sinh hoạt tăng già, xây dựng đoàn thể thanh thiếu niên Phật giáo các cấp, phát triển các Khuôn hội, các Niệm Phật đường... Phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung không những đã khắc phục được những hạn chế đang tồn tại mà nó còn tạo nên tiền đề cho sự phát triển của tôn giáo này trong các giai đoạn tiếp theo. Cũng cần nói thêm rằng, từ đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp từ việc khuyến khích đến bắt buộc nhân dân ta sử dụng chữ Quốc ngữ và sự ra đời của phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung với các nội dung, hình thức hoạt động của nó đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện, phổ quát chữ Quốc ngữ đến tăng ni, Phật tử cũng như quần chúng nhân dân Việt Nam. Và đây cũng chính là một trong những đóng góp to lớn của phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung lúc này. 

2. Vấn đề phổ quát chữ Quốc ngữ trong phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung 

Quá trình phổ quát chữ Quốc ngữ của phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung được thể hiện thông qua các phương diện chủ yếu sau: 

* Giáo dục và đào tạo tăng tài: Trước tiên cần phải khẳng định rằng, do sự suy giảm về vị trí, vai trò của chữ Hán, chữ Nôm nên Phật giáo miền Trung lúc này cần đến một công cụ khác để chuyển tải các nội dung chấn hưng đến tăng ni, Phật tử cũng như quần chúng nhân dân mến mộ đạo Phật. Và trong quá trình ấy, chữ Quốc ngữ có thể được xem là một ngôn ngữ thích hợp nhất. Sở dĩ nói như vậy là bởi các nguyên nhân cơ bản sau: 

Thứ nhất, ngay từ những thập niên đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã từng bước đưa chữ Quốc ngữ trở thành ngôn ngữ chính thống ở Việt Nam. Sự cần thiết của việc sử dụng chữ Quốc ngữ đã được các nhà cầm quyền thực dân Pháp đề cập thông qua nhiều khía cạnh khác nhau. Đầu tiên là đào tạo ra những người thông ngôn. Theo Henri Gourdon, những người thông ngôn “là những người phò tá cần thiết cho các hoạt động thuộc địa. Chính nhờ họ ta đã xây dựng được nền cai trị đầu tiên trong tất cả các xứ Đông Dương mà chúng ta đã đặt được sự bảo hộ”.7 Mục đích tiếp theo là đào tạo ra hệ thống quan lại làm tay sai cho thực dân Pháp. Trong thư gửi Bộ trưởng Hải quân Pháp vào ngày 27.02.1861, L. Bonard đã nói rõ vấn đề này: “Thay thế một cách đột ngột đến tận gốc bộ máy cai trị An Nam bằng một số lớn sĩ quan mà phần lớn không biết đến cả tiếng nói và phong tục tập quán của xứ này, người ta chỉ gây ra một sự hỗn loạn”. Do đó, việc cai trị bằng người bản xứ đặt dưới quyền quản lý của thực dân Pháp “là cách duy nhất để giải quyết vấn đề. Việc mở rộng nền giáo dục của Pháp là một nhu cầu cấp thiết nhất để có thể đào tạo được những người giúp việc có khả năng”.8 Hơn nữa, do những yêu cầu cấp thiết và ngày càng cao của các chương trình khai thác thuộc địa đã buộc thực dân Pháp phải đẩy nhanh quá trình nhất thể hóa về mặt ngôn ngữ. Và điều này đã được Paul Bert khẳng định khi được giao nhiệm vụ tổ chức và kiểm tra các trường Pháp - Việt ở Bắc Kỳ: “Việc người bản xứ có thể đọc và viết bằng chữ Quốc ngữ đối với chúng ta hết sức có lợi, các công chức của chúng ta, các nhà buôn của chúng ta có thể học rất dễ dàng các kí hiệu đó, và sự liên hệ của chúng ta với người bản xứ sẽ dễ dàng hơn nhiều”.9 Đối với thực dân Pháp, chữ Hán rất khó học và “cần phải mất rất nhiều năm cần cù học tập mới có thể biết đọc và biết viết chữ Hán”.10 Do đó, việc tuyên truyền, phổ biến chữ Quốc ngữ sẽ giúp cho “mọi việc giao dịch được thuận lợi bởi vì một nước chỉ đi tìm thuộc địa để tiêu thụ hàng hóa của nó và tìm ra một thị trường cho thương nghiệp và công nghiệp của nó”.11 Việc sử dụng chữ Quốc ngữ cũng giúp cho thực dân Pháp nhanh chóng thoát khỏi ảnh hưởng của tầng lớp sĩ phu đã luôn luôn làm cho chúng lúng túng về sự bất hợp tác cũng như việc họ lợi dụng sự bất lực của chúng trong việc kiểm soát các trường Hán học để tuyên truyền tinh thần yêu nước đến quần chúng nhân dân Việt Nam. Như vậy, có thể thấy rằng, việc tuyên truyền, phổ biến chữ Quốc ngữ trước hết là nhằm phục vụ cho các toan tính của chính quyền thực dân Pháp trong quá trình đô hộ nước ta. Tuy nhiên, về khách quan, chính sự “áp đặt” của thực dân Pháp đã làm cho quần chúng nhân dân Việt Nam đoạn tuyệt với chữ Hán để đến với chữ Quốc ngữ và nâng nó lên thành ngôn ngữ chính thống của dân tộc. Và đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để Phật giáo miền Trung tiếp cận và sử dụng nó như là một công cụ đắc lực trong công cuộc chấn hưng của mình. 

Thứ hai, từ đầu thế kỷ XX, thông qua nhiều hình thức khác nhau như sự ra đời của báo chí tiếng Việt cùng các trào lưu cải cách văn hóa, nhất là quá trình vận động quần chúng nhân dân thức tỉnh hồn quốc của các sĩ phu, trí thức yêu nước đã làm cho chữ Quốc ngữ ngày càng thâm nhập rộng rãi vào trong đời sống các giai cấp, tầng lớp. Tại miền Trung lúc này, phong trào Duy Tân do các cụ Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng lãnh đạo với chủ trương là khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh đã làm thay đổi cách nhìn của nhiều giai tầng trong xã hội đối với việc tiếp biến chữ Quốc ngữ. Đặc biệt là từ năm 1906, nhân nghị định của Toàn quyền Paul Beau bắt dân các xã lập trường dạy chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, các nhà Duy Tân đã lợi dụng thời cơ đó để hợp pháp hóa chủ trương dạy chữ Quốc ngữ mà trước đây họ phải hoạt động một cách bí mật. Các trường học được hình thành từ Phú Lâm, Diên Phong, Phước Bình, Cẩm Toại - Quảng Nam,... nhanh chóng được nhân rộng ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Chính quá trình vận động cải cách văn hóa, tri thức này đã làm cho chữ Quốc ngữ đến gần hơn các giai tầng trong xã hội và ngày càng chiếm lĩnh được vị thế quan trọng. Tuy nhiên, nói rằng chữ Quốc ngữ đã thắng thế trong so sánh cạnh tranh với chữ Hán, chữ Nôm lúc bấy giờ là nói về vai trò, vị trí của chữ Quốc ngữ trong tính phổ biến. Còn nói về tính đa dạng của chữ Quốc ngữ trong xây dựng hệ thuật ngữ tiếng Việt thì nó cần phải được bổ trợ từ rất nhiều phương diện khác nhau của đời sống xã hội. Và trong một chừng mực nhất định, các hoạt động giáo dục và đào tạo tăng tài của phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung đã giải quyết tốt vấn đề này. 

Do sự ngăn cấm của chính quyền thực dân Pháp nên mãi đến cuối thập niên 20 của thế kỷ XX, các ngôi trường Phật giáo miền Trung mới được hình thành.12 Sớm nhất là tại Quảng Nam, ngày 18.02.1927, thượng tọa Quảng Hưng đã đệ đơn xin phép Đốc lý và Tổng đốc tỉnh Quảng Nam cho phép thành lập trường học tại chùa Từ Vân, Đà Nẵng. Để thực hiện được tâm nguyện của mình, thượng tọa Quảng Hưng đã xây dựng một kế hoạch hoạt động với 3 điểm cơ bản: “1. Làm trường học tại chùa, rước thầy giáo đến dạy các đạo nhỏ; 2. Nuôi kẻ nghèo khổ ăn học cho biết hai thứ chữ Tàu và chữ Quốc ngữ; 3.Dịch kinh Phật ra chữ Quốc ngữ”.13 Tuy nhiên, do gặp khó khăn về tài chính nên ngôi trường này chỉ hoạt động trong khoảng 1 năm thì buộc phải giải thể. 

Năm 1932, Hội An Nam Phật học thành lập tại Huế, chính thức mở đầu cho công cuộc chấn hưng Phật giáo tại miền Trung. Mục tiêu hàng đầu mà Hội An Nam Phật học hướng đến là giáo dục và đào tạo ra các thế hệ tăng tài có khả năng dẫn đạo và hướng đạo cho các tín đồ Phật tử. Và điều này đã được Ban Trị sự của Hội khẳng định ngay trong Bài chúc từ xây dựng Phật học đường Báo Quốc: “Tất cả nghị lực của Hội An Nam Phật học đều dùng để đào tạo nhân tài, hầu mong tiếp dẫn hậu lại, cũng vì thế mà chúng tôi rất chú ý đến các Phật học trường, lo cho cơ quan trọng yếu này được sống hoàn toàn một cách viên mãn”.14 

Năm 1933, hòa thượng Mật Khổ, Giác Tiên cùng đệ tử là Mật Khế mở trường Tiểu học (sơ cấp), tại chùa Vạn Phước (Huế). Trường học thứ hai được khai giảng dưới sự vận động của thiền sư Giác Tiên và Mật Khế là An Nam Phật học Trường tại chùa Trúc Lâm (Huế) vào năm 1934. Năm 1935, do môi trường học tập tại chùa không thuận lợi nên Ban Trị sự Hội An Nam Phật học quyết định dời trường ra chùa Báo Quốc và gây dựng nơi đây thành Phật học Trường Báo Quốc. Ngày 16.10.1935, Hội An Nam Phật học đã cho thành lập và khai giảng Phật học Viện Tây Thiên với 3 cấp học là Tiểu, Trung và Đại học. Ban Giáo thọ Phật học Viện gồm có quốc sư Phước Huệ, thiền sư Giác Tiên, Giác Hạnh, Giác Bổn. 

Cùng với việc xây dựng các Phật học trường, Hội An Nam Phật học đã cho xây dựng và từng bước hoàn thiện khung chương trình đào tạo. Điều đặc biệt trong các chương trình đào tạo của phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung là việc đề cao vấn đề sử dụng chữ Quốc ngữ trong giảng dạy cũng như học tập. Bởi theo Hội An Nam Phật học: “Người An Nam nói tiếng An Nam bao giờ cũng lão luyện hơn, đọc văn An Nam bao giờ cũng thông suốt hơn”.15 Và điều này đã được minh chứng một cách rõ nét thông qua các chương trình do Hội xây dựng qua các năm. 

Chương trình đầu tiên được xây dựng vào năm 1934, với hai cấp học là Tiểu học và Đại học, cộng thêm một lớp Tham cứu. Cấp tiểu học trải qua 5 năm, trong đó, trong năm đầu tiên tăng ni sinh phải học và sử dụng thành thạo chữ Quốc ngữ. Sau khi trải qua các cuộc thi về nói và viết bằng chữ Quốc ngữ, học tăng mới được tiếp tục theo học các kiến thức chuyên sâu về Phật pháp.16 Chương trình thứ hai được Hội xây dựng vào năm 1938, với 3 cấp học là Sơ đẳng, Trung đẳng và Cao đẳng. Chương trình này được Hội xây dựng chủ yếu “dựa trên hệ thống kinh sách Phật giáo đã được Việt hóa, dựa theo cách thức sắp đặt các Phật học đường ở Tàu và châm chước dễ hơn, cho hợp với sức học sinh ở xứ ta”.17 Đặc biệt, các học phần đưa vào chương trình đào tạo trên đây đã được Ban Trị sự của Hội hệ thống hóa thành 3 lĩnh vực là: Khoa học thực nghiệm, tâm lý và đạo lý. Ngày 7.9.1944, một chương trình đào tạo mới của Hội An Nam Phật học được đưa vào giảng dạy. Theo đó, cơ cấu các cấp học được tổ chức thành: Sơ đẳng Đệ nhất niên, Sơ đẳng Đệ nhị niên, Trung đẳng Đệ nhất niên, Trung đẳng Đệ nhị niên, Cao đẳng Đệ nhất niên, Cao đẳng Đệ nhị niên.18 Điều kiện để theo học: Về tuổi là trên 16, học lực đạt 1 trong 2 điều kiện sau: Đậu bằng sơ học Pháp - Việt hoặc một bằng cấp cao hơn, biết đọc và viết chữ Nho, có thể cắt nghĩa một vài câu chữ Nho sang chữ Quốc ngữ, Quốc ngữ khá hoặc thông thạo, dịch được một bài kinh luận chữ Nho sang chữ Quốc ngữ, dịch được một vài câu chữ Quốc ngữ sang chữ Nho. Trước khi nhập học, thí sinh phải trải qua kỳ thi sau: Đối với những tăng sinh có bằng sơ học Pháp - Việt hay một bằng cao hơn phải thi các môn sau: Một bài ám tả chữ Nho (điểm số nhân 2), một bài dịch vài câu chữ Nho sang chữ Quốc ngữ (nhân 1), một bài luận Quốc văn (nhân 2). Những tăng sinh không có bằng sơ học Pháp - Việt hay bằng cao hơn phải thi: Một bài ám tả chữ Nho (nhân 2), một bài ám tả chữ Quốc ngữ (nhân 2), một bài dịch chữ Nho ra chữ Quốc ngữ (nhân 1), một bài luận Quốc văn (nhân 2).19 

Nhìn từ các chương trình giáo dục trên đây có thể thấy được Ban Trị sự Hội An Nam Phật học đã rất chú trọng đến việc sử dụng chữ Quốc ngữ trong các hoạt động đào tạo tăng tài. Từ chương trình năm 1934, 1938 cho đến năm 1944, gần như chữ Quốc ngữ là một điều kiện bắt buộc cho các cấp học. Bên cạnh đó, với sự kết hợp nội điển và ngoại điển, giữa đào tạo phổ thông và chuyên sâu Phật giáo miền Trung đã đào tạo ra được các thế hệ tri thức mới nhằm tiếp nối cho các hoạt động giáo dục và đào tạo tăng tài cũng như hướng đạo cho các tín đồ Phật tử. Trong một lần vào thăm Hội An Nam Phật học, thiền sư Trí Hải đã có những nhận xét như sau: “Cách dạy học rất có quy mô, trật tự. Phương pháp dạy học trò rất dễ hiểu. Khác hẳn với lối bình văn giảng nghĩa như xưa, học đủ cả khoa học, triết học”.20 

* Việt hóa và biên dịch kinh sách Phật học: Trong giai đoạn đầu của phong trào chấn hưng, có hai quan điểm khác nhau về vấn đề Việt hóa kinh sách Phật giáo. Quan điểm thứ nhất cho rằng, kinh Phật sao để vậy chứ dịch ra sẽ không giữ được sự linh thiêng của nó. Hay là chữ Quốc ngữ chưa nắm được hết lý nghĩa nên không cần phải dịch kinh sách từ chữ Hán. Ở quan điểm thứ hai lại đưa ra chủ trương nên dịch các kinh sách sang chữ Quốc ngữ cho dễ học, dễ tu. Quan điểm thứ hai này được đa số các hội đoàn Phật giáo đương thời chấp thuận và xem đây là vấn đề thiết yếu cho phong trào chấn hưng. Bàn về vấn đề này, hòa thượng Giác Hải cho rằng: “Kinh Phật là một món lưu thông, nếu không tùy theo quốc độ mà diễn ra văn tự nước mình thì làm sao mà truyền bá Phật giáo ở trong bản quốc cho đặng”.21 Với Trần Văn Giáp: “Quốc dân ta từ khi Hán học không được nhận dạy trong các trường công, học giới ta lấy Quốc văn và Pháp văn thay vào, các bậc tân tiến ngày nay, đối với kho sách chữ Hán xưa gần như chim chích vào rừng. Nếu không dịch ra chữ Quốc ngữ thì các tài liệu quý hóa ấy cũng chẳng có ích cho học giới được bao nhiêu”.22 Với thiền sư Mật Thể: “Xét về trong kinh sách chữ Tàu và chữ Nôm, ở Bắc Kì, Trung Kì cũng có nhiều nhà sư giải thuật, song không có được mấy bộ xuất sắc... Nay trình độ dân trí đã khác, đã bước đến một giai đoạn mới, những quyển sách ấy không hợp thời cơ, nên cần phải có những quyển sách bằng Quốc văn cho hợp với trình độ dân trí và nền học thuật nước nhà, mới mong duy trì đạo tâm của tín đồ được”.23 Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học cũng cho rằng: “Tăng đồ ngày nay phần nhiều tụng kinh, coi kinh sách bằng chữ Hán còn mờ mờ mịt mịt, còn u u minh minh, chẳng hiểu nghĩa lí ra sao, huống chi là tín đồ thời làm sao mà hiểu rõ được đạo lí? Đã không hiểu rõ được đạo lí thời làm sao biết được việc tà mà tránh, việc chánh mà theo”.24 Do đó, cần phải “đem đạo lí của nhà Phật bày giải ra chữ Quốc văn để hầu phổ thông cho khắp mọi người đều rõ”.25 

Phan Khôi trong bài viết Bàn về việc dịch kinh Phật, đã khẳng định rằng: “Tôn giáo nào cũng vậy, kinh điển là cái gốc, cái gốc mà chưa có thì những cái ngọn kia không nương dựa chỗ nào được để mà sống vậy... Ngày nay mà muốn nói chuyện chấn hưng Phật giáo, ngoài các việc khác, nên lo gấp việc dịch kinh”.26 Muốn dịch kinh Phật phải là những người am hiểu và tinh thông Phật học bởi kinh Phật có nhiều câu, nhiều từ rất khó có thể Việt hóa sang chữ Quốc ngữ. Ngôn ngữ chữ Quốc ngữ Việt Nam giai đoạn này còn nghèo nàn về mặt từ vựng, thiếu phương tiện để tham khảo nên việc chuyển thể kinh điển Phật giáo sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều thuật ngữ Phật giáo muốn giải thích nghĩa của nó không những chỉ tinh thông chữ Hán mà cần phải có cả sự hiểu biết cả về ngôn ngữ Phạn. Do đó, “Một người giỏi chữ Hán không phải là người dịch kinh Phật được đâu. Là vì kinh Phật không phải như những sách thường, nghĩa lý đã cao, lại thêm nhiều điều khó lắm nữa”.27 Để dịch được kinh điển Phật giáo cần phải có những người am hiểu cả Hán học lẫn Phật học và tốt nhất là những người trong đạo Phật. Theo Phan Khôi, muốn làm việc này, không nên đặt hy vọng quá nhiều vào những người biết chữ Hán, viết văn hay ở ngoài cửa Phật, mà phải tìm một vị hòa thượng tinh thông Phật học đứng ra chủ trương. Phan Khôi nhấn mạnh thêm: “Để dịch kinh điển của tôn giáo nào từ thứ tiếng này ra thứ tiếng khác, tất có người biết cả hai thứ tiếng đó cố nhiên, mà cốt nhứt lại là người ấy phải ở trong tôn giáo ấy mà ra”.28 

Theo đó, công trình đầu tiên được thiền sư Mật Thể Việt hóa vào năm 1939 là Phật giáo khái lược của cư sĩ Huỳnh Sĩ Phục (Trung Hoa). Với “lời lẻ giản dị, nghĩa lý phân minh, bớt chỗ phiền, thêm chỗ lược”, dịch giả đã góp phần cung cấp đến bạn đọc “một pháp bửu Quốc văn”29 về quá trình ra đời và phát triển của đạo Phật. Tiếp đến là các bộ như: Phật thuyết A Di Đà kinh, Bát nhã Tâm kinh chú giải của dịch giả Trí Độ; Luận Đại thừa Khỉ tín (bản của Pháp sư Chân Đế dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán) của dịch giả Trí Quang, Mười hai nguyên lý của đạo Phật của Hùng Khanh, Kinh Ưu bà Tắc giới của cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám (sau đó thiền sư Trí Quang dịch tiếp), Kinh thủ Lăng nghiêm của thượng tọa Thiện Siêu... Bên cạnh đó, tờ Nguyệt san Viên Âm - cơ quan ngôn luận của Hội An Nam Phật học cũng đã hình thành chuyên mục Dịch thuật nhằm đăng tải lại các bài viết của các học giả ở nước ngoài. Tiêu biểu như: Vị sáng lập Phật giáo: Phật Thích Ca của dịch giả Cao Hữu Đính; Con người với bản tính và vận mệnh của nó của dịch giả Cao Khả Chính; truyện Vang bóng cao tăng của Thoát Trí; Tinh túy của đạo Phật của Quang Luận... 

Cùng với công tác dịch thuật, việc ấn hành các công trình nghiên cứu về đạo Phật bằng chữ Quốc ngữ cũng luôn là vấn đề được Ban Trị sự phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung hết sức quan tâm. Đáng chú ý như cuốn Phật học Thiển đàm của hai tác giả Tế Nam và Liên Khốt (1936), Phật giáo sơ học của Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục (1942), Việt Nam Phật giáo sử lược của thiền sư Mật Thể (1944), Ánh đạo vàng của Võ Đình Cường (1945)... Cũng từ chủ trương của Hội An Nam Phật học trong việc phổ quát chữ Quốc ngữ đến các thế hệ thanh thiếu niên, Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục đã cho thành lập tủ sách Phật học Tùng thư nhằm lưu trữ và phổ biến các kinh sách Phật giáo đã được Việt hóa. Tủ sách được phân làm 3 loại là, Phật học thường thức, Phật học nghiên cứu và Phật học kinh điển... 

* Xuất bản báo chí: Năm 1929, đánh dấu sự ra đời của báo Phật giáo Việt Nam bằng chữ Quốc ngữ. Sớm nhất là tờ Pháp Âm (13.8.1929) của thiền sư Khánh Hòa. Tiếp đến là tờ Tiến Hóa, Từ Bi Âm, Duy Tâm Phật học, Bát Nhã Âm,… ở miền Nam. Đuốc Tuệ, Tiếng Chuông Sớm... ở miền Bắc. Tại miền Trung lúc này đã có 2 tờ báo Phật giáo là: Nguyệt san Viên Âm - cơ quan ngôn luận của Hội An Nam Phật học. Tờ báo này được Toàn quyền Pháp cho phép ấn hành theo Nghị định số 2009/P3, ngày 30.5.1933. Tòa soạn đặt tại số 13, đường Champeau (nay là đường Hà Nội), thành phố Huế. Số đầu tiên ra mắt vào ngày 01.12.1933. Về tổ chức: ban biên tập gồm hai Chứng minh Đạo sư là thiền sư Giác Tiên và Giác Nhiên. Về phía cư sĩ có sự tham gia của Hội trưởng Hội An Nam Phật học là Tâm Minh Lê Đình Thám. Ngoài ra còn có hai họa sĩ vẽ hình Phật và phong cảnh đầu đề mục cho tạp chí, đó là họa sĩ Phi Hùng và Nguyễn Khoa Toàn. Về nội dung, Nguyệt san Viên Âm được phép xuất bản với điều kiện: “Giảng giải các giáo lý của Phật giáo ra chữ Quốc ngữ”.30 Hai số đầu tiên Nguyệt san Viên Âm chỉ có 4 mục là Quyển đầu ngữ, Như thị pháp, Biệt khai phương tiện và Sự tích đức Phật Thích ca. Từ số thứ 3 Nguyệt san Viên Âm bổ sung thêm mục mới là Tin tức.31 

Tam Bảo tạp chí - Cơ quan ngôn luận của Hội Phật học Đà Thành (Đà Nẵng) được Khâm sứ Trung Kỳ cho phép ấn hành vào ngày 15.1.1937. Tòa soạn đặt tại số 59, đường Marc Pourpe (nay là đường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng). Chủ bút là thiền sư Trí Hải (chùa Bích Liên, Bình Định), phó Chủ bút là thiền sư Giác Chánh (chùa Giác Phong, Quảng Trị). Chủ nhiệm tòa soạn là Trần Văn Uyển và Quản lý tòa soạn là Trần Tư. Nội dung chính của tạp chí tập trung vào các mục sau: Khảo cứu các vấn đề về Phật giáo, Vấn đáp, Diễn dịch kinh Phật ra chữ Quốc ngữ, Truyện Cao tăng nước ta, Nhàn đàm và Văn uyển. Mục đích ra đời của tạp chí là “nhằm khôi phục Tam bảo làm chủ nghĩa, rung chuông cảnh tỉnh thắp đuốc quang minh lấp cạn sông mê đao”.32 Đến năm 1938, tạp chí đình bản ở số thứ 8 vì thiếu tài chính và bài vở. 

Như vậy, sự ra đời của báo chí Phật giáo bằng tiếng Việt trong phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung nói riêng và cả nước nói chung đã góp phần vào việc hiện đại hóa và thống nhất ngôn ngữ từ Nam ra Bắc và ngược lại, làm giàu thêm ngôn ngữ dân tộc bằng nhiều từ ngữ địa phương hoặc vay mượn của nước ngoài. Cùng với giáo dục, báo chí trong phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung đã tạo nên cách viết, cách nói chuẩn mực cho Phật giáo trong toàn quốc. 

Kết luận 

Có thể thấy rằng, phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung diễn ra trong giai đoạn 1932 - 1945, đã góp phần quan trọng vào việc phổ quát, bổ sung và hoàn thiện chữ Quốc ngữ. Đặc biệt, xét ở dưới góc độ ngôn ngữ Phật học thì đóng góp này của phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung nói riêng, cả nước nói chung lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Hệ thống kinh sách Phật học được Việt hóa - xuất bản, báo chí Phật giáo ra đời, các hoạt động giáo dục được triển khai theo phong cách mới (chủ yếu là theo phong cách của các trường Pháp - Việt hay là phong cách phương Tây), không những đã góp phần mở rộng hệ thống vốn từ vựng Phật học mà nó còn chính thức mở đầu cho quá trình nghiên cứu, diễn giải giáo lý, tư tưởng Phật giáo Việt Nam bằng chữ Quốc ngữ. Sự đơn giản hóa về mặt từ vựng, đa dạng về mặt ngữ âm, ngữ pháp của chữ Quốc ngữ còn cho phép các nhà nghiên cứu, những người mến mộ đạo Phật có thêm những góc nhìn đa dạng, đa chiều về hệ thống kinh kệ, triết lý cùng các quan điểm về thế giới quan và nhân sinh quan của tôn giáo này. Ví dụ như trong việc phiên dịch kinh sách Phật học, có rất nhiều âm tiết đa nghĩa (chữ Hán vốn đơn nghĩa) và thậm chí là không có trong từ điển tiếng Hán lúc bấy giờ, các dịch giả trên cơ sở phiên âm Hán Nôm đã mượn các ký tự của chữ Quốc ngữ để diễn nghĩa (ghép từ hoặc dùng nguyên âm Hán Nôm nhưng được viết dưới dạng chữ Quốc ngữ). Bên cạnh đó, quá trình chuyển tải tri thức Phật học đến tăng ni, Phật tử và quần chúng nhân dân thông qua các chương trình đào tạo, qua các buổi thuyết pháp cũng đòi hỏi cần phải có một vốn từ vựng nhất định để biểu đạt các vấn đề. Các giảng sư trong quá trình giảng dạy, trên cơ sở âm vựng của từng địa phương đã góp phần cập nhật, nhất thể hóa và hiện đại hóa chữ Quốc ngữ (qua sách báo, văn hóa phương Tây). Từ đó, góp phần trang bị cho Phật giáo nước ta một hệ thống từ vựng Phật học tương đối phong phú và đa dạng. Đi cùng với đó, việc đề cao công tác dịch thuật kinh điển Phật giáo và tu học bằng chữ Quốc ngữ còn giúp cho các tăng ni, Phật tử bớt lệ thuộc vào ngôn ngữ chữ Hán và nhất là có thể trình bày tư tưởng Phật học một cách chính xác, mạch lạc bằng chính ngôn ngữ của mình. 

Chú thích: 

1. Hiện có hai quan điểm khác nhau về cái nôi của chữ Quốc ngữ. Quan điểm của các nhà nghiên cứu như Nguyễn Phước Tương, Nguyễn Thiếu Dũng,... cho rằng chữ Quốc ngữ ra đời tại Thanh Chiêm, Quảng Nam; còn các nhà nghiên cứu như Vũ Ngọc Liễn, Nguyễn Xuân Nhân,... lại nhấn mạnh đến chiếc nôi của chữ Quốc ngữ tại Nước Mặn, Bình Định. 

2. Nguyễn Xuân Thanh, “Hiện trạng Phật giáo xứ ta”, Nguyệt san Viên Âm, Số 16, 1935, 20. 

3. Lộc Xuyên Đặng Quý Địch, Những ngôi chùa tiêu biểu trong tỉnh Bình Định, Tập thượng, Quyển hạ, (Đà Nẵng: Đà Nẵng, 2012), 48. 

4. Xuân Đàm, “Quốc dân ta cần phải nghiên cứu Phật học”, Từ Bi Âm, Số 23, 1932, 22-23. 

5. Trần Văn Giác, “Bài diễn văn lúc khai đại hội”, Duy Tâm Phật học, Số 2, 1935, 62. 

6. Hội Lưỡng Xuyên Phật học, “Đôi lời biểu lộ”, Duy Tâm Phật học, Số 1, 1936, 14. 

7. Henri Gourdon, “Inspecteur du conseil de l’Instruction publique de l’Indochine”, L’enseignement des Indigènes en Indochine, (Paris, 1910), 7. 

8. Prosper Cultru, Historie de la Cochinchine Francaise des origines à 1883, (Paris: Augustin challamel éditeur, 1910), 209. 

9, 11 Nguyễn Trọng Hoàng, “Chính sách giáo dục của thực dân Pháp ở Việt Nam”, Nghiên cứu lịch sử, Số 96, 1967, 14, 13-25 

10. Paulin Vial, Les premières années de la Cochinchine, colonie Francaise, (Paris: Challamel ainé, libraire éditeur, 1874), 311. 

12. Trước đó, phương thức giáo dục chủ yếu của Phật giáo miền Trung được thực hiện thông qua các Sơn môn, tổ đình, khóa hạ, hoàn toàn chưa có một trường học Phật giáo theo đúng nghĩa của nó. Ngôn ngữ được dùng trong các buổi giảng dạy chủ yếu là chữ Hán hoặc chữ Nôm. 

13. Trang Quảng Hưng, “Việc chấn hưng Phật giáo ở Trung Kỳ”, Đông Pháp. Ngày 17.12.1927. 

14. Hội An Nam Phật học, “Bài chúc từ đọc trong lúc làm lễ đặt viên đá đầu tiên của Phật học đường Báo Quốc”, Nguyệt san Viên Âm, Số 34, 1938, 46. 

15, 23 Mật Thể, “Đã đến thời kỳ kiến thiết nền Phật học Quốc văn chưa?”, Nguyệt san Viên Âm, Số 38, 1940, 27, 25. 

16. Hội An Nam Phật học, “Cách tổ chức Phật học trường”, Nguyệt san Viên Âm, Số 8, 1934, 37-40. 

17. Hội An Nam Phật học, “Chương trình Phật học đường”, Nguyệt san Viên Âm, Số 30, 1938, 55. 

18, 19 Lê Đình Thám, “Phổ cáo”, Nguyệt san Viên Âm, Số 73, 1944, 19-20, 22. 

20. Trí Hải, “Mấy ngày đi Huế”, Đuốc Tuệ, Số 17 (1396), 10, 8-15. 

21. Giác Hải, “Bài diễn văn cuộc nhóm đại hội đồng Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học”, Từ Bi Âm, Số 27, 1933, 40. 

22. Trần Văn Giáp, “Tựa quyển Việt Nam Phật giáo sử”, Nguyệt san Viên Âm, Số 71, 1944, 27. 

24, 25 Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học, “Mục đích của Từ Bi Âm”, Từ Bi Âm, Số 1, 1932, 6. 

26, 28 Phan Khôi, “Bàn về việc dịch Kinh Phật”, Phụ trương văn chương số 19, Trung Lập, Số 6532. Ngày 12.9.1931. 

27. Phan Khôi, “Bàn về việc dịch Kinh Phật”, Phụ trương văn chương số 20, Trung Lập, Số 6538. Ngày 12.9.1931. 

29. Lê Đình Thám, “Lời giới thiệu cuốn Phật giáo khái luận”, Tràng An, Số 408, 1939. 

30. Trần Thiều, “Khái lược sự phát triển của Phật giáo Thừa Thiên Huế giai đoạn 1930 - 1945”, Nghiên cứu tôn giáo, Số 4-2006, 28. 

31. Nguyệt san Viên Âm tồn tại cho đến năm 1954 với 129 số. 

32. Hội Phật học Đà Thành, “Chủ nghĩa”, Tam Bảo tạp chí, Số 1, 1937, 2. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

1. Võ Đình Cường (1943). “Ánh đạo vàng”. Nguyệt san Viên Âm. Số 66-67. 

2. Xuân Đàm (1932). “Quốc dân ta cần phải nghiên cứu Phật học”. Từ Bi Âm. Số 23. 

3. Trần Văn Giác (1935). “Bài diễn văn lúc khai đại hội”. Duy Tâm Phật học. Số 2. 

4. Trần Văn Giáp (1944). “Tựa cuốn Việt Nam Phật giáo sử”. Nguyệt san Viên Âm. Số 71. 

5. Giác Hải (1933). “Bài diễn văn cuộc nhóm đại hội đồng Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học”. Từ Bi Âm. Số 27. 

6. Trí Hải (1936). “Mấy ngày đi Huế”. Đuốc Tuệ. Số 17. 

7. Henri Gourdon (1910). “Inspecteur du conseil de l’Instruction publique de l’Indochine”. L’enseignement des Indigènes en Indochine, Paris, 

7. 8. Nguyễn Trọng Hoàng (1967). “Chính sách giáo dục của thực dân Pháp ở Việt Nam”. Nghiên cứu lịch sử. Số 96. 

9. Hội An Nam Phật học (1934). “Cách tổ chức Phật học trường”. Nguyệt san Viên Âm. Số 8. 

10. Hội An Nam Phật học (1938). “Chương trình Phật học đường”. Nguyệt san Viên Âm. Số 30. 

11. Hội An Nam Phật học (1938). “Bài chúc từ đọc trong lúc làm lễ đặt viên đá đầu tiên của Phật học đường Báo Quốc”. Nguyệt san Viên Âm. Số 34. 

12. Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1936). “Đôi lời biểu lộ”. Duy Tâm Phật học. Số 1. 

13. Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học (1932). “Mục đích của Từ Bi Âm”. Từ Bi Âm. Số 1. 

14. Hội Phật học Đà Thành (1937). “Chủ nghĩa”. Tam Bảo tạp chí. Số 1. 

15. Trang Quảng Hưng (2008). “Việc chấn hưng Phật giáo ở Trung Kỳ”. Đông Pháp. Ngày 17.12.1927. 

16. Phan Khôi. “Bàn về việc dịch Kinh Phật”. Phụ trương văn chương số 19. Trung Lập. Số 6532. Ngày 12.9.1931. 

17. Phan Khôi. “Bàn về việc dịch Kinh Phật”. Phụ trương văn chương số 20. Trung Lập, Số 6538. Ngày 12.9.1931. 

18. Paulin Vial (1874). Les premières années de la Cochinchine, colonie Francaise. Paris: Challamel ainé, libraire éditeur, 311. 

19. Prosper Cultru (1910). Historie de la Cochinchine Francaise des origines à 1883. Paris: Augustin challamel éditeur, 209. 

20. Nguyễn Xuân Thanh (1935). “Hiện trạng Phật giáo xứ ta”. Nguyệt san Viên Âm. Số 16. 

21. Lê Đình Thám (1939). “Lời giới thiệu cuốn Phật giáo khái luận”. Tràng An. Số 408. 

22. Lê Đình Thám (1944). “Phổ cáo”. Nguyệt san Viên Âm. Số 73. 

23. Mật Thể (1940). “Đã đến thời kỳ kiến thiết nền Phật học Quốc văn chưa?”. Nguyệt san Viên Âm. Số 38. 

24. Trần Thiều (2006). “Khái lược sự phát triển của Phật giáo Thừa Thiên Huế giai đoạn 1930 - 1945”. Nghiên cứu tôn giáo. Số 4. 

25. Lộc Xuyên Đặng Quý Địch (2012). Những ngôi chùa tiêu biểu trong tỉnh Bình Định, Tập thượng, Quyển hạ. Đà Nẵng: Đà Nẵng.
TỪ TIẾN TRÌNH CỦA CHỮ QUỐC NGỮ NGHĨ VỀ 
CHỮ VIẾT CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở QUẢNG NAM?

Tạ Văn Thông 

1. Bài viết này nhằm chỉ ra mối quan hệ của chữ Quốc ngữ (QN) với chữ viết các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Quảng Nam. Từ đó, hướng tới một số đề xuất đối với việc chế tác, cải tiến, truyền bá và sử dụng với các hệ thống chữ DTTS đã có ở địa phương. 

Quảng Nam là một vùng đất cổ, đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, với tên gọi đầy ngụ ý: Quảng Nam có nghĩa là “mở rộng về phương Nam”, với tiến trình từ thế kỷ XIV. Đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sản sinh ra nhiều người con ưu tú cho đất nước, là vùng đất giàu truyền thống văn hóa với hai di sản văn hóa thế giới là phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn… Đây cũng là nơi cư trú lâu đời của nhiều dân tộc. Theo Tổng điều tra dân số ngày 01.4.2009, có 34 tộc người cùng sinh sống trên địa bàn Quảng Nam trong đó đông nhất là người Kinh (91,1%), người Cơ Tu (3,2%), người Xơ Đăng (2,7%), và người Giẻ Triêng (1,3%). 29 tộc người còn lại chỉ chiếm 0,9% dân số. Các DTTS này sinh sống chủ yếu ở các huyện miền núi phía tây của tỉnh như Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My… 

2. Chữ Quốc ngữ và chữ viết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam 

2.1. Một số đặc điểm của chữ QN 

2.1.1. Chữ QN ra đời trong một hoàn cảnh rất đặc biệt, gắn liền với lịch sử mở đạo, với vai trò của các giáo sĩ Dòng Tên ở Đàng Trong, từ năm 1615. Giai đoạn sơ khởi của chữ này là khoảng 1617 - 1626. Các giáo sĩ được xem như tham gia công việc này chủ yếu truyền đạo ở vùng biển: Cửa Hàn (Đà Nẵng); Nước Mặn (Quy Nhơn - Bình Định); Hội An - Thanh Chiêm (Quảng Nam). Ba nhà truyền giáo có công lao với công việc này, được ghi nhận trong các tài liệu hiện có là Francisco de Pina, Cristoforo Borri và Alexandre de Rhodes. Mặc dù “sự thật ai làm ra chữ QN vẫn còn là một câu hỏi…” (Hoàng Tuệ, 1993), nhưng không còn nghi ngờ gì nữa: dinh trấn Thanh Chiêm là một nơi “phát tích” chủ yếu và có thể chính danh nhất của chữ QN. 

2.1.2. Chữ QN là thứ chữ ghi âm và theo nguyên tắc chính tả ngữ âm học (phiên âm âm tố, không phải ghi âm âm tiết; phát âm thế nào thì viết thế ấy), căn cứ trên mẫu tự Latinh (abc) có thêm các dấu phụ. Cho đến nay, chữ viết ghi âm vẫn được coi là đơn giản, tiện lợi, dễ học dễ nhớ nhất. Trước đó, ở Việt Nam phổ biến là chữ Hán, chữ Nôm (thuộc dạng chữ vuông, bắt nguồn từ chữ Hán). Một điểm rất đặc biệt của chữ QN, có lẽ là ở các dấu ghi thanh (6 thanh) và cách viết “rời” ra từng tiếng (quen gọi là “chữ”). 

2.1.3. Chữ QN là một thứ chữ nhiều ưu điểm, nhưng cũng có không ít nhược điểm hoặc có những vấn đề thường gây tranh cãi khi bàn về “chuẩn chính tả, chính âm” và phương pháp dạy - học chữ, âm vần. Cụ thể là: 

- Chữ QN không căn cứ trên một tiếng địa phương cụ thể nào: nó ghi nhận những nét ngữ âm của nhiều địa phương. 

- Chữ QN có nhiều cách ghép chữ cái không theo hệ thống, có trường hợp thừa; nhiều dấu phụ rườm rà; có nhiều ngoại lệ. 

- Chữ QN có một số cách viết chưa thống nhất, viết thế nào cũng được; 

- Chữ QN thiếu một số kí tự phiên chuyển các từ ngữ nước ngoài… 2.1.4. Trong lịch sử, chữ QN đã nhiều lần cải cách, cải tiến: 

Một là, những cải cách cải tiến trong giai đoạn sơ khởi và đến khi tương đối hoàn tất (khoảng thời gian gần hai thế kỷ, từ năm 1620 đến 1830), với nhiều tác giả khác nhau. Nếu so sánh chữ qua các chặng đường, có thể thấy hệ thống chữ này dần dần có một số đổi khác: 

Thời kỳ sơ khởi (1620 - 1631): các tài liệu viết tay của Joao Roiz (1621), Gaspar Luis (1621), Francisco de Pina (1623), Alexandre de Rhodes (1625), Francesco Buzomi (1626), Cristoforo Borri (1631),… Thời kỳ hình thành (1631 - 1648): thư từ và tài liệu của Alexandre de Rhodes (1631, 1636. 1644, 1647), Gaspar de Amaral (1632, 1637), Onofre Borges (1645 - 1648)… Điều đáng chú ý là các tác phẩm Từ điển Việt - Bồ - La và Phép giảng tám ngày của Alexandre de Rhodes được biên soạn trong thời gian này (1630 - 1640). 

Thời kỳ phát triển (hay “trưởng thành”) và hoàn tất (1651 - 1838): từ các tài liệu của Igesico Văn Tín, Bento Thiện (1659) đến Từ điển Việt - La của Pigneau de Béhaine (1772), Từ điển Việt - La của Taberd (1772). Đặc biệt, đó là chữ trong khoảng 4000 trang tài liệu viết tay của Philiphê Bỉnh (1796 - 1830). Chữ QN hiện nay chủ yếu căn cứ theo Từ điển Việt - La của Taberd. 

Hai là, sau đó, từ nửa cuối thế kỷ XIX đến nay, chữ QN đã nhiều lần được đề xuất cải cách, cải tiến điểm này điểm khác. Chẳng hạn, từ năm 1868 Le Grand de la Lyraye đề nghị dùng dz thay cho d, d thay cho đ. Aymonier (1886) đề nghị dùng k thay cho c và q, dùng c thay cho ch; bỏ h trong gh; thay s bằng sh, thay x bằng xh; dùng aa thay cho a, a thay cho ă, ee thay cho e, e thay cho ê, oo thay cho o, o thay cho ô… Năm 1902, có những ý kiến của “Tiểu ban chữ viết ghi âm” sau Hội nghị quốc tế khảo cứu về Viễn Đông lần thứ nhất họp tại Hà Nội. Vấn đề chữ QN được nêu ra vào năm 1906 trong Hội đồng Cải lương học chính của chính phủ Pháp ở Đông Dương. Năm 1910, Dubois trong cuốn Tiếng Việt và tiếng Pháp lại đề cập đến vấn đề cải cách chữ QN. Năm 1928, Trần Trọng Kim trong bài “Sự sửa đổi chữ QN” phàn nàn “chữ QN ngày nay dễ quá”. Năm 1928, trên tờ Trung - Bắc tân văn, Nguyễn Văn Vĩnh hô hào “sửa đổi chữ QN”. Năm 1939, trên tạp chí Tao Đàn, tác giả Nguyễn Triệu Luật cho rằng cần cải cách chữ QN trên cơ sở phân tích ngữ âm tiếng Việt. Sau Cách mạng tháng Tám, trên tạp chí Tiên - phong và trong cuốn Chữ của dân tộc, tác giả Ngô Quang Châu lại nêu vấn đề này. Năm 1950, trong cuốn Cữ và vần Việd khwa họk, tác giả Nguyễn Bạt Tụy nêu ra nhiều ý kiến cải cách. Tác giả Hồng Giao nêu vấn đề trên tạp chí Văn - Sử - Địa (1957). Trần Lực có ý kiến trên báo Nhân dân, năm 1960. Năm 1961, tác giả Hoàng Phê viết một chuyên khảo “Vấn đề chữ QN” và sau đó đến năm 1998 đã đăng hàng loạt bài xung quanh vấn đề chữ QN… Cũng không thể không nhắc đến những xóa bỏ bất hợp lý trong chữ QN bằng cách viết “Đường kách mệnh”, “ngiên kứu”, “zữ vững”, “fục tùng”… (1925) của Hồ Chí Minh. Gần đây nhất, có những thảo luận xung quanh vấn đề viết nguyên dạng hay phiên chuyển thế nào đối với các từ ngữ nước ngoài (bằng chữ QN) và vấn đề “i ngắn (i)” - “i dài (y)”… 

Kết quả của những “cải cách cải tiến” đó là gì? Có một số thay đổi không cơ bản trong các quy định chính tả hiện nay so với trước kia. Tuy nhiên, về cơ bản thì chữ QN hiện nay ít thay đổi và vẫn chủ yếu theo Từ điển Việt - La của Taberd (1772). 

2.1.5. Trong lịch sử, chữ QN trên con đường truyền bá và sử dụng, đã trải qua nhiều bước thăng trầm: 

Trước hết phải nhớ rằng chữ QN thoạt kỳ thủy ra đời là nhằm mục đích để giúp các giáo sĩ ghi chép tiếng nói, để học tiếng Việt và để truyền đạo. Sở dĩ nó cần, bởi vì như nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes thời ấy đã nhận xét: “Riêng tôi thú nhận rằng khi mới đến Đàng Trong nghe những người bản xứ nói chuyện với nhau, nhất là nữ giới, tôi có cảm tưởng như mình nghe chim hót líu lo và tôi đâm mất hết hy vọng vì nghĩ rằng không bao giờ có thể học được thứ tiếng đó”. Sau khi xâm lược nước ta, chính quyền Pháp đã nhận thấy chữ QN dễ học hơn chữ Hán và chữ Nôm Việt (các hệ chữ có trước khi có chữ QN ở Việt Nam) rất nhiều, có thể giúp các quan cai trị và dân bản xứ dễ giao tiếp với nhau hơn, nên khuyến khích dạy và học chữ này. Năm 1878, có một nghị định về việc chuẩn bị điều kiện để dùng chữ này làm chữ viết chính thức ghi tiếng Việt. Năm 1910, có thông tri của thống sứ Bắc Kỳ về việc dùng chữ QN trong các công văn, giấy tờ hành chính và sổ sinh tử giá thú. Cần biết thêm rằng thoạt đầu các nhà Nho Việt Nam rất phản đối thứ chữ của “bọn mắt xanh mũi lõ” này, nhưng rồi sau chính họ nhận thức được vai trò của chữ QN trong nâng cao dân trí và canh tân đất nước, bắt đầu hô hào học và phổ biến chữ QN trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục. 

Từ khi ra đời, Đảng Cộng sản rất chú ý đến việc truyền bá chữ QN. Sau Cách mạng tháng Tám, chữ QN đã trở thành chữ viết chính thức duy nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. 

2.2. Một số đặc điểm của chữ viết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam Tình hình chữ viết của các dân tộc ở nước ta khá đa dạng, phong phú, xét về nguồn gốc, sự hình thành, tự dạng. Nhiều dân tộc đã có chữ viết, một số dân tộc có nhiều hơn một hệ thống chữ viết, một số dân tộc lại chưa có chữ. Một số hệ chữ viết có lịch sử trên dưới nghìn năm. Có thể phân biệt chữ viết các dân tộc ở nước ta thành 5 loại chính căn cứ vào tự dạng: 

- Chữ Thái cổ, Chăm cổ, Khơ Me, Lào, Lự… dựa trên tự dạng Sanskrit. 

- Chữ cổ của người Tày, Nùng, Cao Lan, Ngạn, Dao… thuộc dạng chữ vuông, bắt nguồn từ chữ Hán, có truyền thống vài thế kỷ. 

- Chữ của người Pà Thẻn thuộc loại chữ hình vẽ 

- Chữ của người Lô Lô thuộc loại chữ dạng “que” hay “đinh ghim” 

- Các hệ chữ viết khác, được chế tác gần đây, dựa trên tự dạng Latinh. Hoặc có thể phân biệt chữ viết các dân tộc ở nước ta thành 2 loại căn cứ vào tiến trình phát sinh và sử dụng: 

- Các hệ thống chữ viết cổ truyền: Đây là các hệ thống chữ viết đã có lịch sử nhiều thế kỷ: chữ Chăm cổ truyền, chữ Khơ Me, chữ Nôm Tày, Nôm Nùng, Nôm Ngạn, Nôm Dao, Nôm Sán Chí, Nôm Sán Dìu, chữ Lự, chữ Thái cổ, chữ Lào, Pà Thẻn, Lô Lô.... Đây là các hệ thống chữ viết đã vào Việt Nam qua nhiều con đường khác nhau, nhưng chủ yếu theo chiều hướng từ Trung Quốc và Ấn Độ. 

- Các hệ thống chữ viết “mới” (còn gọi là: các chữ viết từ dạng Latinh): Đây là các hệ thống chữ viết có lịch sử không dài, được chế tác trên cơ sở các ký hiệu của chữ Latinh. Các hệ chữ viết tự dạng Latinh của các dân tộc thiểu số ở nước ta ra đời trong những thời kỳ khác nhau. Một số bộ chữ ra đời trước năm 1945 (Ba Na, Gia Rai, Ê Đê, Cơ Ho); phần lớn hệ thống chữ ghi âm căn cứ trên các ký hiệu chữ Latinh, được chế tác sau năm 1960. Đây là các hệ thống chữ viết đã vào Việt Nam qua nhiều con đường khác nhau, nhưng chủ yếu từ phương Tây. Hoặc có thể phân biệt chữ viết các dân tộc ở nước ta thành 3 loại căn cứ vào cách thức thể hiện: 

- Các hệ thống chữ viết ghi ý: Đây là các hệ thống chữ viết đã có lịch sử nhiều thế kỷ: chữ Hán của người Kinh trước đây, chữ Hoa, Ngái, Sán Dìu, Pà Thẻn… 

- Các hệ thống chữ viết nửa ghi âm nửa ghi ý (kết hợp biểu ý + biểu âm): chữ Nôm Tày, Nôm Nùng, Nôm Ngạn, Nôm Dao, Nôm Sán Chí, Nôm Sán Dìu… 

- Các hệ thống chữ viết ghi âm: Chữ Thái cổ, Chăm cổ, Khơ Me, Thái cổ, Lự, Lào…; các chữ viết từ dạng Latinh: chữ Gia Rai, Ê Đê, Cơ Ho, Chu Ru, Chrau, Pa Cô - Ta Ôi, Bru - Vân Kiều, Cơ Tu, Ra Glai, Tày - Nùng, Mường, Thái, Ba Na, Hrê, Chăm (Hroi), Cor, Xơ Đăng… 

Các điều kiện xã hội ngôn ngữ và mức độ phổ biến của các hệ chữ viết DTTS rất khác nhau. Có những bộ chữ một thời được đồng bào tiếp nhận rất nồng nhiệt, từng được phổ biến ở nhiều vùng, nhưng sau đó, việc sử dụng các hệ chữ viết này bị giảm sút và gần như kết thúc. Hiện nay, việc dạy học tiếng, chữ cho học sinh DTTS đang dần dần được khôi phục trở lại. Một số địa phương tiến hành dạy và học chữ viết các DTTS, một số nơi không có chủ trương này. Một số nơi chỉ dạy và học chữ cổ truyền, một số nơi khác lại có chủ trương chỉ học chữ Latinh… Sau đây là các hệ thống chữ DTTS đã có ở Việt Nam: 

        Bảng các hệ thống chữ DTTS ở Việt Nam 

STT

Dân tộc

Chữ

1

Tày 

Chữ Nôm Tày; chữ Tày - Nùng tự dạng Latinh

2

Thái 

Các dạng chữ Thái cổ tự dạng Sanskrit; phương án chữ Thái Latinh hóa 

3

Hoa 

Chữ viết ghi ý, tự dạng Hán (chữ “vuông”)  

4

Khơ Me 

Chữ viết tự dạng Sanskrit 

5

Nùng 

Chữ Nôm Nùng, tự dạng Hán; chữ Tày - Nùng tự dạng Latinh (1961)

6

H’Mông 

Chữ tự dạng Latinh 

7

Gia Rai 

Chữ tự dạng Latinh

8

Ê Đê 

Chữ tự dạng Latinh 

9

Ba Na 

Chữ tự dạng Latinh 

10

Chăm  

 

Chữ Chăm cổ tự dạng Sanskrit; chữ Chăm Bini tự dạng A Rập; chữ Chăm Jawi tự dạng A Rập; các phương án chữ tự dạng Latinh 

11

Xơ Đăng 

Chữ tự dạng Latin 

12

Hrê 

Chữ tự dạng Latinh  

13

Cơ Ho 

Chữ tự dạng Latinh 

14

Ra Glai 

Chữ tự dạng Latinh

15

M’Nông 

Chữ tự dạng Latin 

16

Stiêng 

Chữ tự dạng Latinh 

17

Bru-Vân Kiều 

Chữ tự dạng Latinh

18

Cơ Tu 

Chữ tự dạng Latinh

19

Lô Lô  

Chữ cổ, tự dạng “que” 

20

Giẻ-Triêng 

Chữ tự dạng Latinh

21

Tà Ôi  

Chữ tự dạng Latinh

22

Mạ 

Chữ tự dạng Latinh

23

Cor 

Chữ tự dạng Latinh

24

Chơ Ro 

Chữ tự dạng Latinh

25

Chu Ru 

Chữ tự dạng Latinh 

26

Lào 

Chữ tự dạng Sanskrit 

27

Lự 

Chữ tự dạng Sanskrit

28

Dao 

Chữ Nôm Dao, tự dạng Hán

29

Cao Lan - Sán Chí 

Chữ Nôm Cao Lan, tự dạng Hán; chữ Hán

30

Ngái 

Chữ Hán 

31

Sán Dìu 

Chữ Hán

32

Mường  

Các phương án chữ tự dạng Latinh 

33

Thổ 

Chưa có chữ viết 

34

Khơ Mú 

Chưa có chữ viế 

35

Giáy 

Chưa có chữ viết

36

La Chí 

Chưa có chữ viế 

37

Phù Lá 

Chưa có chữ viết

38

La Hủ 

Chưa có chữ viết

39

Kháng 

Chưa có chữ viết

40

Pa Thẻn 

Chữ dạng hình vẽ

41

Chứt 

Chưa có chữ viết

42

Mảng 

Chưa có chữ viết

43

Ơ Đu 

Chưa có chữ viết 

44

Cơ Lao 

Cơ Lao Chưa có chữ viết

45

Bố Y

Chưa có chữ viết

46

La Ha 

Chưa có chữ viết

47

Cống 

Chưa có chữ viết 

48

Si La 

Chưa có chữ viết

49

Pu Péo 

Chưa có chữ viết

50

Rơ Măm 

Chưa có chữ viết

51

Brâu 

Chưa có chữ viết

52

Hà Nhì 

Chữ tự dạng Latinh

53

Xinh Mun 

Chưa có chữ viết 

Nhìn chung, trừ chữ QN, các hệ thống chữ DTTS nói trên chưa được phổ biến và sử dụng rộng rãi. Hiện nay ở nhiều dân tộc, có rất ít người biết về chữ của dân tộc mình và ít gặp các ấn phẩm bằng các chữ này. Nhiều khi, cách ghi tiếng mẹ đẻ của nhiều dân tộc rất tùy tiện, mỗi người một cách. 

3. Chữ các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam 

3.1. Xin không nói kỹ về chữ Chăm trên các bia ký hoặc một số văn bản còn lại trong các di sản văn hóa Chăm: Thánh địa Mỹ Sơn, Duy Xuyên; khu Trà Kiệu - Duy Xuyên; Tháp Chiên Đàn - Tam Kỳ; Tháp Bằng An - Điện Bàn; Tháp Khương Mỹ - Núi Thành… Chữ Chăm cổ có gốc từ chữ Nam Ấn Độ cổ, bắt nguồn trực tiếp từ chữ Brahmi. Chữ Chăm có các loại khác nhau. Chữ trên bia là loại akhar hayap. Chữ này được dùng lâu đời ở Ninh Thuận, Bình Thuận và Nam Bộ; hiện không được sử dụng phổ biến ở xứ Quảng. 

3.2. Chữ Cơ Tu 

Đã từng có ít nhất hai hệ thống chữ viết Cơ Tu khác nhau: 

a. Hệ thống chữ viết do tác giả Konh Ta Lang (Lê Hồng Mao) và Konh A Xơơp (Quách Xân) chế tác từ trước năm 1975, sau năm 1975 được dùng để biên soạn sách giáo khoa dùng cho lớp một “Boop CTu lớp muy” và một số tài liệu khác. Nguyên tắc cơ bản của chữ này là dùng chữ Quốc ngữ để ghi tiếng Cơ Tu, đồng thời có bổ sung một số ký hiệu, dấu phụ mà không có trong chữ Quốc ngữ, để ghi các hiện tượng ngữ âm đặc biệt. 

b. Hệ thống chữ Cơ Tu do Viện Ngôn ngữ học mùa hè (Summer Institute of Linguistic - SIL) chế tác trước năm 1975, được dùng để dịch Kinh thánh, soạn các sách giáo khoa và một số công trình tra cứu. Năm 2003 - 2005, Sở Khoa học và Công nghệ (Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam) và Viện Ngôn ngữ học (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) hợp tác thực hiện các đề tài biên soạn sách Pơraq Kơtu (Tiếng Cơtu) (2006); Ngữ pháp tiếng Cơ tu (2006); Từ điển Cơtu - Việt, Việt - Cơtu (2007). Chữ Cơ Tu của SIL với một vài cải tiến đã được dùng trong các tài liệu kể trên. 

Sau đây là một trang trong sách Pơraq Kơtu (Tiếng Cơ Tu): 

ANGĂH DAUQ AĐHI

Angăh dauq ađhi achăk đoo Alang. Angăh kơq manứih Kơtu kớnh ađhi. Đhơriêng đoo papraq tanéch tơxin. Angăh taluôn gleeng lới kơbhuh azi ađhi dadếr. Lới kơbhuh ađhi mơrhal kachăng, angăh tíng kachăng. 

Angăh pachoom kơbhuh ađhi tơntúng dadăq, pachoom đók, pachoom xrăq lớng pachoom bhrơq toan. Kơq hơnlung angăh pachoom chơgeén pơhăi. Đénh đénh angăh tơmoóh kơbhuh ađhi: 

- Pee kakoon ve năl kăh? 

Kơbhuh ađhi manjươh ơơi: 

- Thươ angăh, kơbhuh azi ới năl Xơớng azi pơniên ơơi kớnh đeék, angăh dauq mơrhal loom luônh. 

CÔ GIÁO EM

Cô giáo em tên là Alang. Cô cũng là người Cơ tu như em. Tiếng cô nói ấm áp nhỏ nhẹ. Cô thường nhìn chúng em trìu mến. Thấy chúng em vui cười, cô cũng cười. 

Cô dạy chúng em múa hát, dạy tập đọc tập viết, dạy cả làm toán nữa. Bài cô giảng rất hay. Thỉnh thoảng cô hỏi chúng em: 

- Các con có hiểu không? 

Chúng em cùng trả lời: 

- Thưa cô, chúng con hiểu, hiểu rồi ạ. 

Nghe chúng em trả lời thế, cô giáo rất vui.) 

3.3. Chữ Ca Dong (nhóm địa phương hiện đang được xếp vào dân tộc Xơ Đăng) 

Đã từng có ít nhất hai hệ thống chữ viết Ca Dong khác nhau: 

a. Theo các tác giả cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Trà My (1945 - 2003), vào cuối năm 1959, các cán bộ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã đặt chữ cho người Ca dong, trên cơ sở tiếng “chuẩn” là tiếng ở vùng Tak Pỏ. Năm 1960, Huyện ủy Trà My đã tổ chức dạy chữ Ca Dong. Tiếp theo, tờ Pru Dương (Vùng lên) bằng chữ Ca Dong và chữ phổ thông (song ngữ) đã được phát hành… Tuy nhiên, cho đến nay, không tìm thấy ấn phẩm này và ít gặp những người nhớ được chữ Ca Dong ngày ấy. 

b. Trong đề tài “Nghiên cứu hoàn chỉnh bộ chữ và biên soạn sách phục vụ dạy và học tiếng Ca Dong” (2007 - 2008) do Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam hợp tác thực hiện cùng Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam, một hệ thống chữ Ca Dong hệ Latinh đã được đề xuất. Các sách Troóng Kadong (Tiếng Ca Dong), Ngữ pháp tiếng Ca Dong, Ngữ vựng Việt - Ca dong, Ca Dong - Việt (2011) được ghi bằng chữ này. 

Sau đây là một trang trong sách Troóng Kadong (Tiếng Ca Dong): HMOI KADONG CHĂP JÊK 

Hmá ká Têt tăt, ngai xếm hê lắm đhắng gúng va muih jêk. Râih jah mới ‘nang, gêh trah đhril, tâp gap va bhró hal. Hi et, gêh đhrâk hín ngai truh meh muih jêk tăm gêh. Kó la ‘nế đhuh đhah, bhró hín hi nau tăt. Loóng đhé xê tok muih tăm to, tăm chắng. Loóng kấn kăl tăm chưứng. 

Jêk muih tăt, vi chố mới pot khai đhêh khắm nau bhuh. Bhuh tăt, vi lắm grám jêk. 

Đhí khăi Pế, vi choi má choi li. Truh đhâng loh mê, má li hón plôh lém lá. 

Khăi Ham, vi prot má dok li, pứ lik la hê. Dok đhí tăt, hmoi Kadong bhit pư ká má nau, bhró nêng klang đhak. 

Đhroi nêh, hmoi Kadong hmá muih jêk, hín duh bhuh chau gúng bhri. Nú kó vi ‘ni pit loóng gúng , ‘ni bhắn pư bhắn rook, ‘ni bhró val, tê meh iá muih jêk đhá nêh. 

NGƯỜI CA DONG LÀM RẪY 

Thường ăn Tết xong, chủ nhà đi tìm rừng để phát rẫy. Chọn được một khoảnh, chủ nhà phát phía dưới, cắm nẹp để làm dấu. Hôm khác, ông rủ nhiều người đến đó phát rẫy cùng mình. Đây là công việc khó khăn, làm nhiều ngày mới xong. Cây nhỏ dây leo phát bằng rựa, bằng dao. Cây to đốn bằng rìu. 

Rẫy phát xong, người ta để nửa tháng cho khô mới đốt. Đốt xong, người ta đi dọn rẫy. 

Hết tháng ba, người ta trỉa lúa trỉa bắp. Đến lúc có mưa, lúa bắp mọc lên xanh tốt. 

Tháng tám, người ta suốt lúa lấy ngô. Thu hoạch xong rồi, người Ca Dong đâm trâu ăn mừng lúa mới, làm lễ cúng máng nước. 

Ngày trước, người Ca Dong thường phát rẫy, nhiều khi làm cháy rừng. Bây giờ người ta biết trồng rừng, biết nuôi trâu bò, biết làm vườn, vì thế ít phát rẫy hơn trước.) 

3.4. Chữ Co (Cor) 

Đã từng có ít nhất hai hệ thống chữ viết Cor khác nhau: 

a. Theo lời kể lại của những người già, trong thời gian kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, một số cán bộ người Kinh và người Cor đã cố gắng tạo ra chữ viết Co để làm tài liệu tuyên truyền và đã tiến hành dạy - học chữ, nhưng quá trình này chưa có kết quả rõ rệt. 

b. Người Co đã có chữ theo hệ chữ Latinh do SIL chế tác từ trước năm 1975 (khoảng 1958 đến 1969). Trên cơ sở đó đã có một số ấn phẩm về ngữ pháp và ngữ vựng theo phương án chữ viết của SIL. Một số sách giáo khoa giáo dục song ngữ đã được biên soạn trên cơ sở chữ này. 

Trong đề tài “Nghiên cứu hoàn chỉnh bộ chữ dân tộc Cor, biên soạn sách dạy và học tiếng Cor”, do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam cùng Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam hợp tác thực hiện, với một số cải tiến, các cuốn Xroi Kool (Tiếng Cor); Ngữ vựng Việt - Cor, Cor - Việt; Ngữ pháp tiếng Cor (2014) đã được biên soạn trên cơ sở chữ này. 

Sau đây là một trang trong sách Xroi Kool (Tiếng Cor): 

TAJÁU 

- Ăi măn kalé? Măi tên đhi jó? 

- Gô măn Tra Nú, palâi Kâi Phương. Gô tên Ja Ba, Hô Văn Ba. Gô đhi mnih tamoi Kool. 

- Măi e xet chư tamoi Kool? 

- Xet, nhu! Gô he hok xroi Kool lơp kaklôi. 

- Anứ heh? Măi pato uôt hok chư Kool huh? 

TRÒ CHUYỆN 

- Anh ở đâu? Tên anh là gì? 

- Tôi ở Trà Nú, làng Ông Phương. Tôi tên là Ba, Hồ Văn Ba. Tôi là người Cor. 

- Anh có biết chữ Cor không? 

- Biết chứ! Tôi đã học chữ Cor lớp buổi tối. 

- Vậy à? Anh dạy chúng tôi học chữ Cor nhé?) 

Ngoài ra, ở Quảng Nam, còn phải nhắc tới chữ Bhanoong - chữ của một nhóm trong dân tộc Giẻ-Triêng. 

4. Mối quan hệ giữa chữ QN và chữ viết các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam 

4.1. Nhận xét chung 

4.1.1. Trước hết, cần khẳng định: Vai trò của những người làm ra chữ QN đã vượt ra ngoài chữ QN - điều mà chính các nhà truyền giáo thời đó chưa nghĩ đến. Chính sự mở đường của chữ QN, tự dạng và cách ghép các ký hiệu đơn giản, sự tiện ích trong cách viết cách đọc…, đã là sự gợi ý tích cực cho các hệ thống chữ DTTS sau này, trong đó có chữ của các DTTS ở Quảng Nam. Hầu hết các chữ ở Việt Nam thời hiện đại đều theo hướng tự dạng Latinh của chữ QN. 

Một nhận xét khác: Xứ Quảng không chỉ là một trong những nguồn cội của chữ QN, mà còn là nơi “phát tích” của một số bộ chữ DTTS. Địa danh đáng tôn vinh nơi đây không chỉ là dinh trấn Thanh Chiêm, mà có thể còn là Tak Pỏ, Bắc Trà My và Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang. 4.1.2. Chữ QN và chữ viết các DTTS ở Quảng Nam có nhiều điểm tương đồng: Chúng đều là những phương tiện để ghi âm tiếng nói (hay lời nói) theo nguyên tắc chính tả ngữ âm học; cùng thuộc hệ chữ Latinh; ở mỗi dân tộc bên cạnh bộ chữ này còn có bộ chữ khác… Những điểm tương đồng khác: Chúng về cơ bản được tạo ra và sử dụng trước hết trong việc xây dựng và củng cố niềm tin (tinh thần), để dạy - học tiếng, để lưu giữ và truyền bá kiến thức (về văn hóa xã hội và có thể về chính niềm tin); trải qua những bước đường gập ghềnh trong truyền bá và sử dụng, cải cách và cải tiến, hoàn thiện. 

Điểm giống nhau căn bản nhất: Trên cơ sở các chữ này có thể giữ gìn và phát triển tiếng mẹ đẻ của các dân tộc bằng cách không cho “lời nói gió bay”, hình thành ngôn ngữ văn học, biên soạn các loại sách khác nhau trong đó có các sách công cụ và tài liệu dạy - học, dùng trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống… Đó chính là vai trò của chữ QN và mọi bộ chữ DTTS khác. 

4.1.3. Sự khác biệt giữa chữ QN và các hệ chữ tự dạng Latinh ở Quảng Nam: thời điểm ra đời (chữ QN ra đời từ thế kỷ XVII; chữ các DTTS ra đời vào thế kỷ XX, khi ngôn ngữ học đã đạt tới trình độ cao và những người sáng tạo ra chúng có tính chuyên nghiệp); vị thế (chữ QN là chữ viết ghi tiếng Việt - ngôn ngữ quốc gia, chữ các DTTS ghi tiếng mẹ đẻ của các dân tộc này, chủ yếu dùng trong nội bộ cộng đồng); cách thức truyền bá và sử dụng (chữ QN là được dạy và học trong nhà trường, được sử dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống, mang tính chế định cao; chữ các DTTS được truyền bá và sử dụng hạn chế, không có tính chế định, chủ yếu mang tính tự phát)… 

4.2. Trong mối quan hệ với chữ QN, có cần thiết xây dựng, truyền bá và sử dụng chữ viết các DTTS hay không? 

Đối với các DTTS, tiếng Việt là ngôn ngữ chung, chữ QN là phương tiện để học tiếng Việt và nắm bắt các tri thức văn hóa khác. Chữ QN (và tiếng Việt nói chung) tạo nên sự thống nhất trong một quốc gia, tạo cơ hội cho học vấn và sự mưu sinh. Còn đối với các DTTS, tiếng mẹ đẻ và chữ viết của riêng họ có vai trò không hoàn toàn như vậy. 

Chúng ta đều biết rằng, đối với một dân tộc, ngôn ngữ không chỉ là công cụ để giao tiếp, mà còn vừa là yếu tố cấu thành văn hóa vừa là phương tiện để phát triển thành các hình thái quan trọng nhất đối với đời sống văn hóa tinh thần, những hình thái góp phần hình thành nên bản tính của một dân tộc. Theo nghĩa ấy, một ngôn ngữ chưa có chữ viết khó hình thành ngôn ngữ văn học, kém vai trò tích cực trong việc làm nên những thành tựu văn hóa cũng như bảo tồn, kế thừa và phát triển chúng. Về nguyên tắc, dân tộc nào cũng nên có chữ viết và cũng cần học tập để nắm bắt được những kiến thức, các kỹ năng thực hành ngôn ngữ của dân tộc mình như một yếu tố văn hóa. 

Nhờ những tính chất đặc thù của nó (tính chất phi hoàn cảnh hóa, có khả năng phản ánh sâu và rộng trong thời gian và không gian...), trong hoàn cảnh cụ thể của các DTTS ở Quảng Nam cũng như ở cả Việt Nam hiện nay, nó có thể dùng làm phương tiện để tăng cường sự cố kết trong nội bộ một dân tộc; bảo tồn, kế thừa và phát triển văn hóa của dân tộc ấy (trong đó có ngôn ngữ của họ). Đồng thời, chữ viết còn giúp các dân tộc khác nhau hiểu biết hơn về nhau, đặc biệt giúp thực hiện Quyết định số 53-CP (22.2.1980) về chủ trương đối với chữ viết của các dân tộc thiểu số, Chỉ thị 38/2004/ CT-TTg về việc đẩy mạnh đào tạo bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ công chức công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Cần lưu ý: Đã có ý kiến cho rằng có thể dùng chữ QN ghi tiếng của tất cả các DTTS ở Việt Nam. Tuy nhiên, mặc dù tiếng Cơ Tu, Cor và Ca Dong rất gần với tiếng Việt về mặt loại hình, các ngôn ngữ này vẫn có nhiều đặc điểm riêng biệt, nhất là về mặt ngữ âm - cái cần đại diện của chữ viết. Vì thế không thể dùng chữ QN để ghi các ngôn ngữ này được. Nói cách khác, chữ QN không ghi được tiếng Cơ Tu, Cor và Ca Dong. Cũng không thể dùng chữ Cơ Tu ghi tiếng Co, Ca Dong và ngược lại. 

4.3. Những yêu cầu đối với chữ viết các dân tộc thiểu số, từ kinh nghiệm chữ Quốc ngữ 

Ở nước ta hiện nay có tình hình là các hệ chữ viết của các dân tộc thiểu số được xây dựng ở các thời kỳ khác nhau, theo mục đích, nguyên tắc, và cơ sở tự dạng khác nhau. Ngay cả các hệ chữ viết dựa trên tự dạng Latinh cũng khác nhau về nguyên tắc, về cách biểu thị các âm, các thanh. Một số dân tộc có hai, ba kiểu chữ tự dạng Latinh khác nhau. Gần đây, sự khác biệt giữa các chữ viết DTTS tự dạng Latinh càng tăng, khi từng địa phương hay cá nhân đã chế tác, sửa đổi chữ viết cho các dân tộc ở địa phương mình. Trong tình hình như vậy, việc xác định các nguyên tắc chung đối với chữ viết là cần thiết. 

Từ kinh nghiệm của chữ QN, một số yêu cầu cơ bản đối với chữ viết các DTTS theo hệ Latinh ở nước ta, trước hết ở địa phương Quảng Nam là: 

- Chữ viết ghi âm cần phản ánh đúng và đầy đủ những đặc điểm ngữ âm của một ngôn ngữ, đảm bảo cho người bản ngữ và các dân tộc khác dễ học, nhanh chóng nắm được cách viết, cách đọc. Đảm bảo thống nhất và có hệ thống trong việc ghi các âm tố có tính đến những đặc thù của các ngôn ngữ, tránh những ký hiệu bổ sung không cần thiết. 

- Để người sử dụng có cùng cách đọc và cách viết, chữ viết của một dân tộc ở các địa phương khác nhau cần có sự thống nhất và cần theo những nguyên tắc và cơ sở khoa học chung. Lưu ý: Cải tiến, thay đổi chỗ này chỗ kia trong một bộ chữ khó khăn không kém (thậm chí còn hơn) sáng tạo ra một bộ chữ mới. 

- Để người DTTS dễ dàng học chữ QN, tiếng Việt và các ngôn ngữ láng giềng khác, cũng như ngược lại, chữ viết của một dân tộc cần phải gần gũi với chữ QN (về tự dạng và các ký hiệu, các quy định chính tả), cố gắng giữ lại những ưu điểm, tránh đi những bất hợp lý của chữ QN. 

- Sáng tạo ra một bộ chữ (cả đối với chữ QN và chữ các DTTS), dù không đơn giản, cũng dễ dàng hơn rất nhiều so với việc tạo điều kiện cho nó “sống được”, tức là truyền bá và trao cho nó những chức năng xã hội. Tóm lại là nó phải được học và được dùng trong đời sống. Muốn có được điều kiện đó, cần nhận thức sâu sắc về vai trò của một hệ thống chữ viết đó đối với văn hóa truyền thống một dân tộc và cả quốc gia, trao cho nó các chức năng xã hội và được sự bảo trợ của chính sách Nhà nước. Đó cũng là bài học lớn từ chữ Quốc ngữ. 

Xin kết thúc bài viết này bằng lời của Alexandre de Rhodes khi nói về tiếng Việt (chắc chắn phần lớn người các dân tộc khác, trong đó có các cán bộ chiến sĩ người Kinh khi mới đến xứ Quảng và nghe tiếng nói các DTTS ở đây cũng có ý nghĩ này): “Riêng tôi thú nhận rằng khi mới đến Đàng Trong nghe những người bản xứ nói chuyện với nhau, nhất là nữ giới, tôi có cảm tưởng như mình nghe chim hót líu lo và tôi đâm mất hết hy vọng vì nghĩ rằng không bao giờ có thể học được thứ tiếng đó”. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

1. Alexandre de Rhodes (1991). Từ điển Annam - Lusitan - Latinh. Hà Nội: Khoa học Xã hội. 

2. Alexandre de Rhodes (1993). Phép giảng tám ngày. Nguyễn Khắc Xuyên giới thiệu. Tủ sách Đại Kết. 

3. Alexandre de Rhodes (1994). Hành trình và truyền giáo. Bản Việt ngữ của Hồng Nhuệ. Thành phố Hồ Chí Minh: Ủy ban đoàn kết công giáo Thành phố Hồ Chí Minh. Tủ sách Đại Kết. 

4. Aymonier and Antoine Cabaton (1906). Dictionnaire cham-fanCais. BEFEO 7. Paris: Leroux. 

5. Cabaton, Antoine. 1901. Nouvelles recherches sur les Chams. Publications de L’ E cole FanCais D’ Extrême-Orient, Volume II. 

6. Hoàng Thị Châu (1987). “Hệ thống thanh điệu tiếng Chăm và cách ký hiệu”. Ngôn ngữ. Số 1-2. 

7. Đỗ Quang Chính (1972). Lịch sử chữ Quốc ngữ: 1620 - 1659. Sài Gòn: Tủ sách Ra Khơi. 

8. Maspero, Georges (1928). Le Royaume de Champa. Paris and Brussels. 

9. Moussay, Fr. Gérard (1971). DictionnaireCam-Vietnamien-FranCais. Phan Rang: Centre Culturel Cam. 

10. Hoàng Phê (2008). Tuyển tập ngôn ngữ học. Đà Nẵng: Đà Nẵng. 

11. Pierre Pigneaux de Béhaine (1999). Tự vị Annam Latinh 1772 - 1773, Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu. Nxb Trẻ. 

12. Phạm Quỳnh (1923). “Chữ Quốc ngữ cổ”. Nam Phong. Số 74. 

13. Phạm Quỳnh (2007). Tiểu luận (viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 - 1932). Hà Nội: Tri thức. 

14. Lý Toàn Thắng - chủ nhiệm đề tài. 2006. Những đặc trưng cơ bản của tiếng Quảng Nam và vị trí của nó trong việc hình thành chữ Quốc ngữ. Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam - Viện Ngôn ngữ học. 

15. Hoàng Tiến (1994). Chữ Quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ 20. Hà Nội: Lao động. 

16. Lê Ngọc Trụ (1961). “Chữ Quốc ngữ từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX”. Khảo cổ tập san. 

17. Hoàng Tuệ (2008). Tuyển tập ngôn ngữ học. TPHCM: Đại học Quốc gia TPHCM

18. Nguyễn Khắc Xuyên (1959). “Nguồn gốc chữ Quốc ngữ”. Văn hóa nguyệt san. Số 42. 

19. Nguyễn Khắc Xuyên (1993). “Alexandre de Rhodes và sự hình thành chữ Quốc ngữ”. Công giáo và dân tộc. Số 11.
DẤU VẾT TIẾNG QUẢNG TRONG TỪ ĐIỂN 
VIỆT - BỒ - LA CỦA ALEXANDRE DE RHODES?

Phạm Văn Hảo - Huỳnh Thị Thúy  

1. Mở đầu 

Cho đến hiện nay, chúng ta đã có một số lượng công trình lớn viết về các vấn đề chung quanh sự ra đời của chữ Quốc ngữ. Tuy còn nhiều vấn đề cần bàn luận thêm hoặc chờ tư liệu mới, nhưng về đại thể, có thể khẳng định mấy điều: 

- Về các tác giả đầu tiên trong việc sáng tạo chữ Quốc ngữ, có thể kể rõ tên các linh mục: Francisco de Pina, Cristoforo Borri, Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa, và linh mục Alexandre de Rhodes thì có công bổ sung, chỉnh lý, hệ thống hóa và phổ biến (cho in) các văn bản này. Người ta cũng chú ý tìm các tác giả người Việt đã có đóng góp công sức trong công việc này, nhưng đến nay chỉ rõ có một thiếu niên 13 tuổi có tên thánh là Raphael Rhodes đã giúp A.de Rhodes học tiếng Việt ở giai đoạn đầu. Như vậy, chữ Quốc ngữ ra đời do công của một tập thể, nhưng những người được nhắc đến nhiều hơn cả là Francisco de Pina (người đầu tiên học, nói và truyền đạo bằng tiếng Việt, là thầy dạy tiếng Việt của A.de Rhodes) và A.de Rhodes (tác giả Từ điển Việt - Bồ - La, Phép giảng tám ngày, Báo cáo vắn tắt về tiếng Annam hay Đông Kinh). Trong một bài viết gần đây [5], chúng tôi đã lưu ý đến tính ưu trội nổi bật của A.de Rhodes khi ông chú ý đến tiếng Đông Kinh (Thăng Long) với tư cách là tiêu biểu của tiếng Việt. 

- Về các địa danh, nơi các giáo sĩ phương Tây lựa chọn để làm cư sở, Hội An, Thanh Chiêm và Nước Mặn được nhắc đến nhiều hơn cả. Ở đây họ mở nhà nguyện, học tiếng Việt và như Nước Mặn còn có lớp học tiếng bản xứ (tiếng Việt, dạy các giáo sĩ đến sau). Có thể tiến trình này theo trật tự là Hội An → Nước Mặn → Thanh Chiêm [6]. Sở dĩ có hành trình “dích dắc” như vậy là bởi có cơ duyên trong lịch sử: quan Khám lí tri phủ Quy Nhơn là Trần Đức Hòa đã mời các cha Buzomi, Pina và Borri vào Quy Nhơn, sau đó Pina trở ra Thanh Chiêm [6] năm 1620 (ông vào Nước Mặn 1618). 

- Trong ba địa danh trên, ta chú ý: Hội An là thương cảng, nơi có nhiều người Nhật làm ăn buôn bán, làm thông dịch viên; Nước Mặn là nơi cư trú an toàn để giáo sĩ học tiếng, dạy tiếng và hành đạo; Thanh Chiêm là dinh trấn, lị sở cai quản một vùng hành chính rộng lớn vào phía Nam đến tận Phú Yên, thời bấy giờ. Trong ba địa danh này, Quảng Nam chiếm tới hai vị trí là Hội An và Thanh Chiêm (cách nhau khoảng 10 km). 

Về các tài liệu đầu tiên thể hiện và ghi dấu chữ Quốc ngữ, có thể phân làm 2 loại: loại tài liệu in ấn và loại tài liệu viết tay là các báo cáo, tờ trình, thư trong nội bộ giáo hội. Trong tài liệu in ấn, đáng chú ý là các công trình của A.de Rhodes là Từ điển Việt - Bồ - La và Phép giảng tám ngày, như nói trên. 

Trong bài viết này, từ tư liệu ghi chép, hệ thống hóa, điển chế hóa tiếng Việt của chính A.de Rhodes, một lần nữa chúng ta thử tìm dấu vết tiếng Quảng trong Từ điển Việt - Bồ - La. Đây chính là nguồn tư liệu quan trọng để khẳng định vị trí của dinh trấn Thanh Chiêm trong tiến trình sáng tạo chữ Quốc ngữ. 

2. Thử tìm dấu vết tiếng Quảng trong Từ điển Việt - Bồ - La của A.de Rhodes 

2.1. Tính chất của Từ điển Việt - Bồ - La 

Có thể gọi đây là quyển từ điển chữ Quốc ngữ được in ấn đầu tiên vào năm 1651 tại Roma. Nó là quyển từ điển vừa đối dịch (đối chiếu với tiếng Bồ Đào Nha, Latinh) vừa giải nghĩa. Sách dày 645 trang, đối dịch khoảng 9.000 mục từ tiếng Việt [8] (theo [6] số mục từ khoảng 8000). Sách được Viện Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức dịch và nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành năm 1991. 

Đã là từ điển thì bảng từ cũng như lời định nghĩa được hệ thống hóa và điển chế nghiêm túc, cẩn thận. Từ ngữ được sắp xếp hệ thống ABC khá trật tự. Từ điển đưa cả từ và ngữ, nêu cả địa danh, đặc biệt là địa danh Bắc Bộ. Lời dịch nhìn chung ngắn gọn. Ví dụ bằng tiếng Việt cũng ngắn gọn, dễ hiểu, và giúp cho việc hiểu nghĩa từ, có dịch sang tiếng Bồ Đào Nha và Latinh. Tác giả đã có chú ý đến phân biệt từ đồng nghĩa (được xếp ngay ở vị trí cùng với từ đầu mục, hoặc cuối mục từ có ghi là từ “cùng một nghĩa” bằng chữ Latinh (idem) hoặc từ đồng âm. 

Theo PGS.TS Phạm Hùng Việt, với 9.000 đơn vị được thu thập, cộng với hơn 10.000 từ ngữ khác được diễn giải, mặc dù Từ điển Việt - Bồ - La được làm theo từ điển châu Âu thời Phục Hưng, nhưng đây là kho tư liệu vô cùng quý giá để chúng ta tìm hiểu về các phương diện ngôn ngữ học: ngữ âm, từ vựng, ngữ nghĩa, ngữ pháp [8]. 

Một điểm cũng khá lạ, là vào đầu thế kỷ XVII, tác giả A.de Rhodes đã phân biệt rõ các từ phổ thông và các từ địa phương. Ví dụ, chính tác giả đã xử lý rất tinh tế các từ dùng chung và từ địa phương ở các đơn vị có nghĩa cùng chỉ một con vật, sự vật, như ví dụ dẫn sau đây: 

Lợn: con lợn, con heo. 

Heo: Con heo, tốt hơn, con lợn [nghĩa là trong hai từ này, nên nói từ lợn đúng hơn - PVH]. 

Trong từ điển này, ta còn vừa thấy từ ghe, vừa có thuyền; không thấy từ vơng, vằng, mà chỉ có hái; không thấy từ bánh tét, mà đưa bánh chưng; cũng không thấy từ ba, má vốn sử dụng rất phổ biến ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Điều này gợi cho ta suy nghĩ: a) Có thể có một số từ địa phương (hoặc được coi là địa phương) đã bị bỏ qua; b) Cũng có thể có từ xuất hiện sau thời điểm tác giả làm từ điển (như cặp từ ba/ má chẳng hạn). 

2.2. Dấu vết tiếng Quảng (hay khu vực Nam Trung Bộ) trong Từ điển Việt - Bồ - La 

Cũng xin nói ngay rằng chúng tôi dùng từ “tiếng Quảng” là để chỉ khu vực Quảng Nam và Đà Nẵng hiện nay. Trên thực tế, một số đặc điểm ngôn ngữ của khu vực này thật khó phân biệt ranh giới các tỉnh, nên có chú thêm là “hay khu vực Nam Trung Bộ” với ý là có thể đặc điểm được nhắc đến có thể phổ biến cả ở khu vực phía bắc (Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi) lẫn khu vực phía nam (Bình Định, Phú Yên) của phần đất Nam Trung Bộ bấy giờ. Điều này cần gia công nghiên cứu thêm một cách cẩn thận. 

a) Về ngữ âm 

Từ điển phản ánh về cách phát âm địa phương chỉ là tương đối. Do vậy chúng ta chỉ thu được một số kết quả hạn chế, ở một số đơn vị thuộc thành phần âm tiết. Cụ thể: 

- Vốn là khu vực lẫn lộn các thanh hỏi và ngã, nên những ghi chép của tác giả theo lối “nghe gì ghi nấy” đã không như chúng ta phân định chính tả các thanh bây giờ: bà lảo (bà lão), bẩy (cái bẫy), cởi ngựa (cỡi, cưỡi ngựa), diểu hành (diễu hành), đải gạo (đãi gạo),… Rõ ràng đây là cách ghi tiếng miền Trung, trong đó có tiếng Quảng. 

- Về phụ âm đầu, ở thế kỷ XVII có một số phụ âm kép là tl, pl, bl, ml được ông ghi vào từ điển. Nhưng chính ông cũng thấy đang có quá trình đơn hóa các phụ âm kép này. Ví dụ, phụ âm kép tl ở thế kỷ XVII chỉ được ông ghi lại ở 17 từ, như tlưa (trưa), tlứng (trứng). Âm tl này được chú là “vùng gần kinh đô”, tức là ngoài phía Bắc. Hiện nay chúng ta vẫn còn gặp tl ở vùng Hà Tĩnh, Quảng Bình. Các từ như bầy (vầng), bua (vua) có âm b (có thể ghi âm là /bh/ là âm tắc, môi môi, hữu thanh thở) được ghi cách phát âm của địa phương. A.Haudricourt coi đây là âm xát β trong tiếng Hy Lạp. PGS. Vương Lộc khi chú âm cho tiếng Việt thế kỷ XV cũng ghi âm này bằng ký hiệu (β). Trong tiếng Việt hiện đại, âm này chuyển thành âm xát, môi, răng /v/. Âm /ņ/ là âm tắc, vang, mũi, mặt lưỡi, trong từ điển có lúc ghi là /ņ/ (nhà, nhường), có lúc ghi là mlầm, mnhầm hoặc lầm. 

- Về phần vần, chỉ được thể hiện rõ ràng hơn khi nguyên âm ở trong kết hợp cùng âm cuối. Người ta có thể miêu tả riêng hệ thống nguyên âm và phụ âm cuối, hoặc miêu tả kết hợp. Theo nghiên cứu của tác giả [7], tiếng Quảng Nam thiếu 2 nguyên âm ngắn là / / và / /. Theo A.de Rhodes, / / được phát âm thành / / hoặc / / trong từ “eng kôm” (ăn cơm). Còn / / thì theo quan sát của chúng tôi, được thể hiện bằng một âm dài dòng sau có độ mở rộng nhất, là /a/ hoặc ngắn hơn một chút, có thể ghi là / ă /. Ví dụ, cân được phát âm thành /ka / hay /k /, ghi bằng chữ Quốc ngữ là “căng” hoặc “cang”. Cũng vậy, âm / / ở Quảng Nam được phát âm thành một âm sâu và rộng, gần như / /, cho nên các từ ghi trong A.de Rhodes như sau: tlão [tla ] (trong), hăọc [ha k] (học), dăọc [da k] (đọc), mảõ [ma ] (mỏng),… Cách ghi âm để viết các từ như thế rất có khả năng là tác giả đã cảm thụ và nghe ghi từ tiếng Quảng Nam, xa và rộng hơn có thể là khu vực Nam Trung Bộ. 

b) Về từ vựng 

Có thể thống kê được một số lượng tương đối lớn các đơn vị từ vựng có thể coi là địa phương ở khu vực Quảng Nam trong Từ điển Việt - Bồ - La. Tuy nhiên, điều này chưa được thực hiện với sự phản biện chặt chẽ. Ở đây chúng tôi chỉ nêu một số ví dụ, cốt để nêu và chứng minh về vấn đề dấu vết của tiếng Quảng Nam trong danh sách mà thôi. Các từ được nêu theo nhóm cũng là để tiện cho việc phân tích cách đánh giá và xác nhận nghĩa, cách dùng chúng trong từ điển. 

- Trong tài liệu [8], các từ chỉ ngôi nhân xưng thứ nhất, số ít “tôi” được ghi ở 3 mục tôi, tui và qua. Trong các từ này, tôi là từ của tiếng Việt phổ thông; tui là cách phát âm của người Nghệ Tĩnh trở vào; qua là từ được dùng từ Quảng Bình trở vào Nam. Chính A.de Rhodes đã đưa chúng vào từ điển như sau: 

Tôi: Tôi, của tôi; nói cách khiêm hạ. 

Tui: Tôi, nói cách quê mùa. Tốt hơn, tôi. [nghĩa là nên nói tôi hơn là tui - PVH

Qua: Tôi; khi người trên nói với người dưới. 

Qua các định nghĩa trên cho thấy; 

i) Tác giả rất chú ý đến việc đưa từ địa phương vào từ điển. Điều này cũng là lẽ thường trong các từ điển ngôn ngữ, nói chung, 

ii) Từ địa phương được lưu ý là có phong cách sử dụng “quê mùa”, 

iii) A.de Rhodes cũng chú ý đến phân biệt sắc thái sử dụng theo nghĩa của từng từ (tôi: khiêm hạ, tui: quê mùa, qua: khoảng cách trên dưới). Từ ba từ trên, ta đã có 2 từ được sử dụng cho đến ngày nay ở vùng Quảng Nam và Nam Trung Bộ.

- GS. Nguyễn Đình Hòa đã nêu một phát hiện thú vị: tác giả A.de Rhodes đã thu thập các từ chỉ định của tiếng Bắc Bộ (ấy, nấy, kia, kìa, nọ) và đưa cả tê (kia) của tiếng Bắc Trung Bộ vào từ điển của mình. Trong công trình [8], chúng tôi đã đưa thêm các từ đây, đấy, này, nầy vào nhóm từ này và nói thêm như sau: trong số này có 2 từ được dùng từ phương ngữ Bắc Trung Bộ trở vào Nam (chứ không chỉ là ở Bắc Trung Bộ). 

Riêng từ này và ấy không có trong từ điển. Dãy từ trong nhóm được đưa như sau: 

Đây: Đây. Ai đây: ai ở đây. 

Đấy: Ở đấy. Có người nói déy. Ai đéy: ai ở đấy 

Kia: Kia. Thày kia: ông thày kia 

Kìa, hôm kìa: Hôm kìa, đã qua 4 ngày 

Nầy: này. Người nầy: người này 

Nấy: Chính cái ấy. Sự nọ sự kia, sự kia sự nọ: những sự vật khác nhau. 

Tê: Người kia, người khác. Oũ tê: ông ấy. 

Cách định nghĩa các từ địa phương là chú về các từ phổ thông, cách hiểu phổ thông. Đây là việc làm cần thiết và bình thường của từ điển ngôn ngữ. 

Sau đây là một số trường từ vựng cơ bản: 

Trường từ vựng chỉ động vật:

Từ ngữ tiếng Quảng Nam  

 Địa phương

 Từ trong TĐ VBL 

Nghĩa 

ác 

ĐB, DX 

ác quạ 

con quạ 

ác mó  

QS, HĐ

 ác mó 

con vẹt

dò dò, vồ vồ, dồ dồ 

ĐB, DX, QS, HĐ

bồ bồ 

con tò vò 

muông 

HĐ, QS 

muâng 

loài vật nói chung

muông tượng 

 ĐL, QS, HĐ 

 muông tượng 

 con voi

tây 

DB, DX 

tây, con tây 

con tê giác 

hừm, hầm 

ĐB, XD, ĐL, QS, HĐ

hồm 

con hổ

trùm 

DB, DX, TB, ĐL, QS, HĐ 

 blum 

con giun

trặt 

ĐB, DX 

 blanh

ùa biển

rận, rụm 

ĐB, DX, HA 

rụm

cua nhỏ

tít 

ĐB, HA, ĐL, QS

rệt 

con rết 

nhoõng, nhọng 

 ĐB, DX 

nhõu

 con nhộng

Ghi chú: ĐB (Điện Bàn), DX (Duy Xuyên), QS (Quế Sơn), HĐ (Hiệp Đức), ĐL (Đại Lộc), TB (Thăng Bình), HA (Hội An), TK (Tam Kỳ). Trường từ vựng chỉ vải vóc, trang phục: 

Từ ngữ tiếng Quảng Nam

Địa phương 

Từ trong TĐVBL  

Nghĩa 

bố, bao bố 

DX, QS, HĐ 

bố, cái bố  

 vải gai

áo ràng

ĐL

ràn, áo ràn nở 

áo hoa

nau áo

QS, HĐ

 nau 

cúc áo

khăn nhẽo 

 

cái nhẽu 

khăn nhiều

xống 

ĐB, HĐ

xõu 

 quần, váy

vải bả 

HA 

bố, cái bố

vải gai

bả tơ 

ĐL 

bả, cái bả 

cuộn tơ

tàm 

 

thàm 

trằm, hoa tai

vận mệnh 

ĐB, DX 

 vận mềnh 

thắt lưng, vấn khăn 

khoeng 

ĐB, DX 

 nkhuien 

 khuyên 

- Trường từ vựng chỉ bệnh tật, thuốc men:

Từ ngữ tiếng Quảng Nam 

Địa phương 

Từ trong TĐ VBL  

Nghĩa

ca 

ĐB, DX, ĐL 

ke 

ghèn, dử mắt

chốc 

ĐB, QX, HĐ 

 chốc lếch 

mụn nhọt, vết thương

bàn hoàn 

DX, ĐL, HĐ

bàn hôàn  

u buồn, buồn rầu

lộng đầu lõng óc 

 DX, ĐL, HĐ 

lão đầu, óc 

xảy xẩm, chóng mặt

 lác, loác 

ĐB, DX, ĐL, QS, HĐ, TK 

 cái lác 

hắc lào

đau cốt khí 

ĐL, QS 

đau cốt khí 

bệnh tê thấp

đạn (chân) 

HĐ 

dẽ ạm 

bị chai chân

dỉ mắt 

 

dả con mắt 

bệnh rỉ nước mắt 

 lên hoa

HĐ, QS 

hõa 

 bệnh đậu mùa

bíu, bìu 

ĐB

biều 

bệnh yết hầu

phảng, phỏng 

ĐB, HA

bảõ 

bỏng (da)

bải, bứa 

ĐB 

bải chên 

bại chân

thình bụng 

DX 

thĩ biều 

sình bụng

tức, nơng 

QS 

tức lên 

đau bên sườn

ranh con 

ĐB, TPM, ĐL 

ranh 

sảy thai 

kéo đàm  

DX 

phũ dàm 

bệnh suyễn 

đau đã hèm 

 

đau dã hèm 

bệnh thuyên giả 

đã 

ĐB

đã 

khỏi bệnh 

cà lăm, cà lắp 

DX, HĐ, ĐL, QS, HĐ 

mà cà mà cạp

nói lắp

áp nhàm 

ĐB, DX 

áp nhảm, xẩm  

người mù 

án mạch 

ĐB, DX, TB

án mạc 

bắt mạch

nhải mũi, nhả mũi 

ĐB, HA 

nhài mũi 

hắt hơi, chảy nước mũi 

tràng bắng, tằng hắng 

ĐB, QS, HĐ 

đàng háng 

dặng hắng

nằm bếp 

ĐL, HĐ 

 nằm bếp, bếp 

đẻ, ở cữ 

Nhận xét cho cả ba bảng trên: 

1. Tất cả từ ngữ trong các bảng trên đều được tìm thấy ở Quảng Nam (có chú tên huyện, đại diện cho điểm khảo cứu). Hiện nay ta có thể coi chúng là các từ ngữ địa phương ở Quảng Nam và có thể rộng hơn vào khu vực Nam Trung Bộ. Một số đơn vị trong chúng cách nay gần 400 năm hẳn có độ phổ biến rộng hơn. 

2. Các từ ngữ được so sánh trực tiếp với cách ghi trong Từ điển Việt - Bồ - La của A.de Rhodes. Nếu có sự khác biệt nào đó về âm và nghĩa, thì chỉ bằng vài thao tác chuyên môn ngôn ngữ học, ta sẽ thấy sự tương đồng giữa chúng là rất hiện hữu. Điều này chứng tỏ tác giả và các cộng sự đã ghi chép tiếng Việt thế kỷ XVII ở địa phương một cách chi tiết, kỹ lưỡng và khá cơ bản. 

3. Nếu ta thống kê cẩn thận tất cả các trường từ vựng - ngữ nghĩa của tiếng Việt ở địa phương rồi so sánh bảng từ trong từ điển của A.de Rhodes, ta sẽ tìm ra một số lượng lớn các từ ngữ tương đương. Đây là điều rất thú vị và cần thiết, nhưng chưa thấy tác giả nào khảo cứu cẩn thận, nhất là khi nghiên cứu có so sánh với tiếng Việt ở Bình Định (nơi có căn cứ cư sở Nước Mặn), Quảng Ngãi và Phú Yên. 

3. Kết luận 

Cho đến nay, việc khẳng định các linh mục phương Tây, trong đó có A.de Rhodes, Francisco de Pina và các tác giả khác học và ghi chép tiếng Việt ở Nam Trung Bộ, chủ yếu là Hội An, Nước Mặn và Thanh Chiêm. 

Cả ba cư xá này đều rất quan trọng trong việc hình thành chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên, theo chúng tôi, Thanh Chiêm có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi vì cả A.de Rhodes và F.de Pina đều chủ yếu sống và làm việc ở đây, và vì đây là dinh trấn trông coi cả vùng đất phên giậu phía trong của các chúa Nguyễn. 

Bài viết này chủ yếu chứng minh cho tiếng Quảng có vai trò rất lớn trong việc hình thành chữ Quốc ngữ. Tuy vậy, cũng cần phải có tư liệu nghiên cứu rộng hơn về tiếng địa phương các vùng phía Nam khác như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên thì mới đi đến nhận xét chi tiết hơn được. Về việc này chúng ta nên có kế hoạch thực hiện sớm trong thời gian sắp tới. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Alexandre de Rhodes (1991). Từ điển Việt - Bồ - La. Hà Nội: Khoa học Xã hội.

2, Alexandre de Rhodes (1993). Phép giảng tám ngày, Nguyễn Khắc Xuyên giới thiệu. Tủ sách Đại Kết. 

3. Đỗ Quang Chính (1972). Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 - 1659. Tủ sách Ra Khơi. 

4. Phạm Văn Hảo (2006). Lớp từ tiếng Quảng Nam trong các văn bản chữ Quốc ngữ thế kỉ 17. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Ngôn ngữ học liên Á lần thứ VI, Hà Nội: Khoa học Xã hội. 

5. Phạm Văn Hảo (2016). “Tiếng Việt ở địa phương và tiếng Thăng Long dưới con mắt của giáo sĩ sáng tạo chữ Quốc ngữ”. Kỷ yếu Hội thảo Bình Định với chữ Quốc ngữ. 

6. Nguyễn Ngọc Oanh, Nguyễn Công Đức (2016). “Một vài chỉ dấu của phương ngữ Bình Định - Nam Trung Bộ trong Từ điển Việt - Bồ - La của A.de Rhodes”. Kỷ yếu Hội thảo Bình Định với chữ Quốc ngữ. 

7. Lý Toàn Thắng, Phạm Văn Hảo và tgk (2006). Những đặc trưng cơ bản của tiếng Quảng Nam và vị trí của nó trong việc hình thành chữ Quốc ngữ. Quảng Nam: Quảng Nam. 

8. Phạm Hùng Việt (2016). “Một vài nhận xét về Từ điển Việt - Bồ - La dưới góc nhìn của từ điển học”. Kỷ yếu Hội thảo Bình Định với chữ Quốc ngữ.
VÌ SAO CHỮ QUỐC NGỮ THÀNH CÔNG Ở VIỆT NAM? 

Nguyễn Văn Hiệp

1. Đặt vấn đề 

Câu hỏi “Vì sao chữ Quốc ngữ thành công ở Việt Nam?” tưởng chừng là câu hỏi không có gì để hỏi (vì chẳng lẽ Việt Nam lại không có chữ viết của mình), nhưng nếu đặt trong một so sánh với công cuộc Latinh hóa không thành công đối với chữ viết ở Đài Loan chẳng hạn, chúng ta sẽ thấy rằng câu hỏi này là câu hỏi thật sự nghiêm túc. 

Sau những thử nghiệm không thành công với chữ Nôm với tư cách là loại chữ viết ghi âm tiếng Việt (do chữ Nôm quá khó học và khó sử dụng), thì đến thế kỷ XVII, Việt Nam đã có chữ Quốc ngữ, với công đầu thuộc về các giáo sĩ phương Tây, trong đó giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes được coi là người có vai trò nổi bật nhất, như được thấy qua nhận định sau đây: 

“Cùng với các giáo sĩ châu Âu khác, Alexandre de Rhodes dấn thân vào công việc La Tinh hóa chữ Việt Nam. Các ông đã mất gần một nửa thế kỷ để hoàn tất công việc tập thể này. Hai trăm năm kể từ khi được sáng tạo, chữ Quốc ngữ trở thành chữ viết của nhân dân Việt Nam và là phương tiện truyền tải hữu hiệu của việc hiện đại hóa trong lòng xã hội Việt Nam. Cống hiến của Alexandre de Rhodes cho xã hội Việt Nam thật là vô cùng to lớn”. [Minh Hiền, 1994: 88-89]. 

Gần đây, trong một nghiên cứu được công bố rộng rãi, Roland Jacques cho rằng trong sự hình thành chữ Quốc ngữ, cần ghi nhận công lao của những người Bồ Đào Nha đi tiên phong như Francisco de Pina, Gaspar Amiral, Antoine Barbore… và cho rằng Alexandre de Rhodes chỉ là một cá nhân “trong lòng một công trình tập thể mà ông chỉ là một trong nhiều người đóng góp vai trò quan trọng vào kết quả cuối cùng trong đó có cả người Bồ Đào Nha và người Việt”. [Roland Jacques, 2007: 13)]. 

Cùng với việc khẳng định những người có công trong việc chế tác chữ Quốc ngữ, một khía cạnh khác của vấn đề là dấu ấn của tiếng địa phương nào thể hiện rõ nhất trong giải pháp âm vị học của chữ Quốc ngữ. Nhiều ý kiến nghiêng về phương ngữ ở miền Trung, là nơi các giáo sĩ phương Tây đến học tiếng Việt, truyền đạo và sáng tạo chữ Quốc ngữ. Đó là Nước Mặn ở Quy Nhơn, Thanh Chiêm ở Quảng Nam hay ở một nơi nào đó thuộc Phú Yên. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng không phải chỉ có một miền đất và một phương ngữ cụ thể có ảnh hưởng đến giải pháp âm vị học của chữ Quốc ngữ mà đã có nhiều miền đất và tiếng địa phương miền đất đó được lấy làm ngữ liệu để phân xuất âm vị học cho giải pháp của chữ Quốc ngữ, chẳng hạn giải pháp ghi nhận có 6 thanh điệu ắt hẳn phải được xây dựng từ sự quan sát tiếng Việt của phương ngữ Bắc. Nói chung hiện nay các nhà nghiên cứu thiên về quan điểm cho rằng đã có nhiều người đã có công lớn trong việc tạo ra chữ Quốc ngữ, qua những cố gắng liên tục, và chữ Quốc ngữ đã thể hiện đặc trưng ngôn ngữ học của nhiều phương ngữ khác nhau. 

Trong báo cáo này, chúng tôi không thảo luận vấn đề ai/những ai là người có công trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, cũng như miền đất và phương ngữ nào là “cái nôi” của chữ Quốc ngữ, bởi lẽ công việc này đòi hỏi rất nhiều công sức, rất nhiều tư liệu. Và điều quan trọng là, cho dù sự thật có thế nào đi chăng nữa thì dân tộc Việt Nam đã được hưởng lợi rất nhiều từ cuộc “cách mạng chữ viết” [Hoàng Tiến, 1994] này. Thay vào đó, chúng tôi cố gắng đi tìm câu trả lời khả dĩ nhất cho câu hỏi: “Vì sao chữ Quốc ngữ thành công ở Việt Nam?”. Theo chúng tôi, có hai nguyên nhân giúp cho chữ Quốc ngữ thành công ở Việt Nam, đó là: 

- Chữ Quốc ngữ là một bộ chữ viết ghi âm khoa học; 

- Bối cảnh chính trị - xã hội của Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho thành công của chữ Quốc ngữ. 

2. Chữ Quốc ngữ là một bộ chữ viết ghi âm khoa học 

2.1. Sự lựa chọn cơ bản của chữ viết: ghi lại nghĩa hay ghi lại âm thanh 

Chữ viết ra đời là để ghi lại ngôn ngữ. Có thể nói, chữ viết là phát minh vô cùng quan trọng của nhân loại, với sự ra đời của chữ viết, nền văn minh của nhân loại đã chuyển từ giai đoạn tiền sử, dã sử sang giai đoạn “có sử”, có “lịch sử”. Chữ viết giúp ngôn ngữ âm thanh khắc phục được 2 điểm yếu cố hữu, đó là không thể tồn tại với thời gian (“lời nói gió bay”) và không thể vượt qua ngăn cách về không gian (chúng ta chỉ có thể nghe được người khác nói trong một phạm vi không gian hữu hạn nào đó). Dĩ nhiên ngày nay con người đã chế tạo ra những thiết bị ghi âm, truyền âm hiện đại, nhưng cần phải thấy rằng, trong một giai đoạn lịch sử rất dài, chỉ có chữ viết mới giúp con người khắc phục những điểm yếu về thời gian và không gian của ngôn ngữ âm thanh. 

Bởi ngôn ngữ tự nhiên của con người có hai mặt, mặt nghĩa và mặt âm thanh, nên chữ viết có thể chọn để ghi lại hoặc mặt nghĩa, hoặc mặt âm thanh. Vì thế, cho dù có sự đa dạng lớn về tự dạng, tất cả chữ viết của nhân loại đều có thể được xem là được xây dựng trên hai nguyên tắc chính: ghi ý hoặc ghi âm. Chữ ghi ý điển hình là chữ Hán và chữ Sumer. Còn chữ ghi âm lại có phân biệt: ghi âm vị hay ghi âm tiết. Kết quả là, nếu xem chữ viết là một loại tín hiệu (sign) dùng để ghi lại ngôn ngữ, ta sẽ có loại chữ như là tín hiệu của từ (signs of words), như là tín hiệu của sự phân đoạn âm vị (signs of segments), như là tín hiệu của âm tiết (signs of syllables). 

2.2. Chữ Quốc ngữ thuộc loại chữ ghi âm vị 

Loại chữ này hướng đến việc ghi lại mặt âm của ngôn ngữ, dựa theo sự phân đoạn ngôn ngữ thành các đơn vị nhỏ nhất có giá trị khu biệt, gọi là các âm vị. 

Về nguyên tắc, những đối lập âm vị học (với âm vị được xem là đơn vị nhỏ nhất có chức năng khu biệt) có thể được biểu đạt các chữ cái tương ứng. Chẳng hạn nếu có đối lập âm vị [d] và [t] thì ta có, chẳng hạn, đối lập giữa chữ cái ‘d’ và chữ cái ‘t’ trong chữ viết tiếng Anh. Sự tương ứng này đã khiến nhiều người cho rằng “mục đích của các phép chính tả theo bảng chữ cái là để biểu đạt và chuyển tải cấu trúc âm vị học ở dạng đồ hình”. [Frost 1992: 255)]. Thật ra, mục đích cuối cùng và cũng là mục đích hàng ngày mà chữ viết ghi âm thực hiện là mã hóa và khôi phục lại ý nghĩa đã được ngôn ngữ xác định dưới dạng đồ hình. Chỉ có các nhà ngôn ngữ học mới quan tâm đến việc chữ viết mã hóa và chuyển tải cấu trúc âm vị học của một ngôn ngữ như thế nào, còn người bình thường ít ai quan tâm đến vấn đề vô cùng phức tạp này. 

Chữ Quốc ngữ được hình thành trong khuynh hướng chung của các giáo sĩ Tây phương muốn Latinh hóa các chữ Á Đông nằm trong địa bàn truyền giáo của họ. Như có dịp nói trên đây, quá trình xây dựng chữ Quốc ngữ là một quá trình lâu dài, với sự góp sức của nhiều người, trong đó có người Việt Nam. Các tài liệu cho thấy vào thế kỷ XVII, chữ Quốc ngữ đã có một diện mạo khá ổn định, gắn với việc xuất bản cuốn Từ điển Việt - Bồ Đào Nha - Latin (Dictionarium Annamaticum Lusitinum et Latinum) của linh mục Alexandre de Rhodes tại Roma, năm 1651. 

Tuy nhiên, cần hiểu lại cách diễn đạt phổ biến lâu nay, cho rằng chữ Quốc ngữ đã được xây dựng trên bảng chữ cái Latinh (Latin alphabet). Bởi, theo Coulmas, bản thân biểu thức “bảng chữ cái Latinh” (Latin alphabet) có thể được hiểu theo 2 nghĩa: 

- Hệ thống chữ viết của tiếng Latinh. 

- Tập hợp 26 con chữ được dùng làm chữ viết của rất nhiều ngôn ngữ. Hiểu theo nghĩa thứ hai, bảng chữ cái Latinh còn được gọi là bảng chữ cái Roman. 

Bảng chữ cái này ở dạng nguyên thủy có 23 chữ cái (A,B,C,D,E,F,G,H,I,K,L,M,N,O,P,Q,R,S,T,U,V,X,Y,Z), nhưng hiện nay có đến 26 chữ cái, bởi có sự bổ sung J, U và W (thời La Mã, không có sự phân biệt I/J và U/V, và W sau đó được thêm vào như là dạng luyến láy của UU hoặc VV. [Coulmas, 2003:115]. 

Vì thế, chữ Quốc ngữ nên được xem là đã được xây dựng dựa trên các chữ cái Roman, theo nghĩa thứ hai được dẫn trên đây, và rõ ràng thuộc về hệ thống chữ ghi âm vị. 

Khi xây dựng chữ Quốc ngữ để ghi lại tiếng Việt, một thứ tiếng có diện mạo âm thanh khác với các tiếng châu Âu [về hệ thống ngữ âm tiếng Việt, xin xem Đoàn Thiện Thuật, 2000], những người xây dựng chữ Quốc ngữ (và các cộng sự) đã có nhiều sáng tạo thú vị, đó là: 

- Dùng các dấu mũ cho một số nguyên âm (ă, â, ư, ô, ơ, ê) và dùng các ký hiệu để biểu thị thanh điệu tiếng Việt (có các dấu cho các thanh huyền, ngã, nặng, sắc, hỏi, riêng thanh ngang thì không có dấu thanh) - Không ngần ngại tạo ra chữ mới bằng cách ghép các chữ cái đã có để ghi lại một số âm không có âm tương đương trong tiếng mẹ đẻ của các giáo sĩ, ví dụ “ng”, “nghe”, “kh”, “ch”, “ph”, “th”, “gi”. Việc tạo chữ “đ” cũng nằm trong xu hướng tạo chữ mới này. 

- Có thể linh động lược bớt chữ cái để tránh trùng lặp, đó là trường hợp chính tả của từ “gì” (cái gì). Đúng ra, theo quy tắc, đã viết “già”, “giò”… thì phải viết “giì”, nhưng chữ Quốc ngữ đã lược bỏ “i” để có cách viết “gì”. 

Nếu nhìn theo con mắt đồng đại, với giả định rằng chữ Quốc ngữ là chữ ghi âm (theo nghĩa nói thế nào thì ghi thế ấy), thì ở diện mạo hiện nay, chữ Quốc ngữ có những bất ổn sau đây: 

- Cùng một âm nhưng được ghi bằng những con chữ khác nhau. Đây là trình trạng, ví dụ, 3 chữ cái “c”, “k” và “q” đều được dùng để ghi âm [k], chữ “y” và “i” đều được dùng để ghi âm [i]; 

- Âm đệm có lúc ghi là “u”, có lúc ghi là “o”; 

- Các nguyên âm đôi có cách ghi lưỡng khả, phụ thuộc vào vị trí của nguyên âm đôi trong âm tiết, ví dụ: iê/yê/ia/ya, ươ/ưa, uô/ua; 

- Vị trí đánh dấu thanh không theo nguyên tắc nhất quán: lúc thì đánh vào âm chính, lúc thì đánh ở giữa âm tiết cho cân đối. 

Đây chính là lý do trong một thời gian dài, liên tục có những ý kiến cho rằng cần phải cải tiến chữ Quốc ngữ để nguyên tắc ghi âm được nhất trí và hợp lý hơn, hoặc cần phải bổ sung vào bảng chữ cái Quốc ngữ các chữ cái như: Z,W,J,F. 

Tuy nhiên, khi bàn về chữ ghi âm vị, cần có một lưu ý quan trọng: loại chữ này nên được hiểu như là đại diện cho cái ngôn ngữ mà nó phục vụ, gắn với những hiểu biết về từ vựng, ngữ pháp của ngôn ngữ và một giải pháp âm vị học nhất định về ngôn ngữ đó, chứ không nên hiểu như là một bản tốc ký thuần túy ghi lại mặt âm thanh của ngôn ngữ. Nếu cứ máy móc hiểu theo nghĩa thứ hai, chúng ta sẽ có hệ thống phiên âm quốc tế (International Phonetic Alphabet, viết tắt là IPA) chứ không phải một hệ thống chữ viết. Trên thực tế, không dân tộc nào dùng hệ thống phiên âm quốc tế để ghi ngôn ngữ của dân tộc mình cả, bất chấp đây là cách ghi âm chính xác nhất. Về lưu ý này, Coulmas đã so sánh rất hay: “Có ai nói một người phụ nữ đẹp là gồm những chấm đen và chấm trắng bởi lẽ hình của cô ấy chính là gồm những chấm đen và chấm trắng? Theo một cách tương tự, chúng ta không được lẫn lộn sự miêu tả mang tính phân đoạn của lời nói với bản thân lời nói. Theo một nghĩa nào đó, các phép chính tả theo bảng chữ cái có thể được hiểu là sự miêu tả các ngôn ngữ tương ứng, nhưng ở bất kỳ sự kiện nào mối quan hệ giữa các chuỗi chữ cái và lời nói cũng không bao giờ là một ánh xạ 1-1”. [Coulmas 2003: 113]. 

Vì thế, chúng tôi cho rằng, cho dù có những “nhược điểm” vẫn thường được dẫn ra trên đây, chữ Quốc ngữ là một loại chữ ghi âm rất tốt, và hiện nay vẫn đang thực hiện tốt chức năng là chữ viết thống nhất của nước Việt Nam, dùng để ghi lại tiếng Việt. 

Chúng tôi cho rằng không nên có bất kỳ cải tiến nào đối với chữ chữ Quốc ngữ, vì những lý do sau đây: 

a) Đành rằng có những chỗ chưa hợp lý nếu đòi hỏi chữ Quốc ngữ phải ghi đúng diện mạo ngữ âm của tiếng Việt hiện nay theo nguyên tắc có sự tương ứng 1-1 giữa âm và chữ, tuy nhiên nếu chúng ta đòi hỏi một cách máy móc như vậy thì chúng ta sẽ phải liên tục cải tiến chữ Quốc ngữ, bởi lẽ ngữ âm của một ngôn ngữ luôn luôn có xu hướng biến đổi, trong khi đó chữ viết có xu hướng giữ nguyên hiện trạng. 

b) Chữ Quốc ngữ chứa những giá trị lịch sử, văn hóa 

Bất kỳ chữ viết nào cũng có quá trình lâu dài, tính từ lúc được xây dựng, phát triển và truyền bá, và đến một lúc nào đó, đã trở thành một giá trị lịch sử, một truyền thống văn hóa. Thật vô lý nếu chỉ phán xét chữ viết theo chức năng ghi âm và từ đó đề nghị những cải tiến (không có loại chữ viết ghi âm nào hoàn hảo cả, như đã nói trên đây, chữ viết của tiếng Anh - ngôn ngữ được xem là chiếm ưu thế nhất hiện nay trong giao tiếp quốc tế - là thứ chữ nhiều khuyết điểm nhất nếu xét từ góc độ ghi âm). Những bất cập nào đó trong chữ Quốc ngữ hiện nay một phần phản ánh những sự thay đổi lịch sử của tiếng. Cao Xuân Hạo đã rất đúng khi cho rằng “Khi một hệ chữ viết đã được dùng trong vài ba thế kỷ, nó trở thành một truyền thống văn hóa”. [Cao Xuân Hạo, 2001: 110] 

c) Giá phải trả cho sự cải tiến chữ viết 

Chúng ta chỉ có thể đặt ra vấn đề cải tiến cho những loại chữ mới được xây dựng, chưa được áp dụng rộng rãi, chưa có một kho văn liệu được viết bằng thứ chữ ấy (chẳng hạn, vừa qua, Viện Ngôn ngữ học đã hoàn tất việc xây dựng bộ chữ viết cho dân tộc Mường ở Hòa Bình, và dự kiến sau một thời gian thử nghiệm, sẽ có những điều chỉnh cần thiết). Còn đối với chữ Quốc ngữ, với lịch sử phát triển mấy trăm năm, với một kho văn liệu khổng lồ các ấn phẩm được viết bằng chữ Quốc ngữ, thì bất kỳ cải tiến nào cũng cực kỳ tốn kém, có thể làm vô hiệu quá kho văn liệu khổng lồ ấy. 

3. Bối cảnh chính trị - xã hội của Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho thành công của chữ Quốc ngữ 

Bối cảnh chính trị - xã hội mà chúng tôi đề cập đến ở đây chính là phong trào yêu nước, chống Pháp để giành độc lập dân tộc vào đầu thế kỷ XX. 

Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, lần lượt chiếm Nam Kỳ rồi Bắc Kỳ, Trung Kỳ, các nhà Nho yêu nước đã mang tinh thần “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” tham gia vào phong trào Cần vương, do vua Hàm Nghi và đại thần Tôn Thất Thuyết khởi xướng. Tuy nhiên, phong trào Cần vương, cho dù có anh dũng đến mấy, hy sinh đến mấy, thì vẫn không thể chống lại được với súng đạn tiên tiến của thực dân Pháp. Sau thất bại của phong trào Cần vương, các nhà Nho yêu nước đã có sự nhận thức lại con đường đấu tranh để giành độc lập dân tộc, hình thành hai xu hướng ôn hòa và kịch liệt, giữa Minh xã và Ám xã, tức tổ chức công khai và tổ chức bí mật. Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu: “Sự khác nhau giữa hai bên là chủ trương dành hàng đầu cho nhiệm vụ chống thực dân, giành độc lập bằng đấu tranh võ trang hay cho chống phong kiến, trước hết là Nam triều, bằng cải cách dân chủ, cải cách văn hóa, giáo dục. Cả hai phái tranh cãi nhau kịch liệt-nhất là khi Phan Bội Châu ở Nhật vềđến mức có nguy cơ đảng tranh”. [Trần Đình Hượu, 1982: 150]. Tuy nhiên, cho dù có khác biệt về con đường đấu tranh, thì vẫn có điểm chung, “Giữa hai đường lối đối lập, có một chỗ cả hai bên đều thống nhất. Đó là khai dân trí, chấn dân khí và bồi dưỡng nhân tài. Độc lập trước hay dân chủ trước cũng phải trông cậy vào những con người mới, những người có tinh thần mới, yêu nước, yêu nòi giống, có tri thức mới, tri thức khoa học và thực nghiệp, và được đào tạo cách khác so với lối học khoa cử trước đó”. [Trần Đình Hượu, 1982: 150]. 

Với nhận thức như vậy, chữ Quốc ngữ, từ chỗ trước đây bị coi là một sản phẩm gắn với cuộc xâm lược của thực dân và truyền giáo, đã được xem là công cụ sắc bén, tiện lợi để mở mang dân trí. Một phong trào học chữ Quốc ngữ đã được các nhà Nho yêu nước phát động rộng rãi trong cả nước, dẫn đến sự hình thành Đông Kinh Nghĩa Thục và tư trào khải mông đầu thế kỷ XX. Bài hát khuyên học chữ Quốc ngữ (được cho là của Trần Quý Cáp), đã thể hiện tinh thần thức tỉnh và nhận thức mới về chữ Quốc ngữ, gắn với phong trào Tân thư như sau: [...] Chữ quốc ngữ là hồn trong nước 
Phải đem ra tính trước dân ta 
Sách các nước, sách Chi Na 
Chữ nào nghĩa ấy dịch ra tỏ tường... 

Từ tháng 8.1945, khi nước nhà được độc lập, trong tình thế phải chống cùng lúc 3 loại giặc là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm thì chữ Quốc ngữ càng được sử dụng như công cụ mạnh mẽ để xóa nạn mù chữ, công cụ để xây dựng một nền giáo dục độc lập, giàu bản sắc dân tộc, làm trụ cột cho sự phát triển lâu dài của đất nước. 

4. Thay lời kết: 

So sánh với trường hợp Đài Loan So sánh với trường hợp của Đài Loan, nơi công cuộc Latinh hóa (Romanization) cho đến nay vẫn không thành công, chúng tôi thấy có những nhân tố khác biệt sau đây: - Ở Đài Loan, tồn tại quá nhiều hệ thống chữ viết Latinh hóa cạnh tranh với nhau. Đó là hệ thống chữ Latinh đầu tiên Pèh-ōe-jī, được các giáo sĩ phương Tây chế tác và sử dụng vào thế kỷ XIX, hệ thống Wade-Giles ghi âm tiếng Quan thoại vào giữa thế kỷ XIX, và hiện nay là hệ thống chữ Tongyong pinyin cạnh tranh với Hanyu pinyin. Theo tài liệu của Wikipedea thì hiện nay, trong khi chính phủ và nhiều thành phố chấp nhận chữ Hanyu pinyin thì một số thành phố lớn như Cao Hùng (Kaohsiung) và Đài trung (Taichung) vẫn dùng chữ Tongyong pinyin. (https://en.wikipedia.org/). 

- Cuộc cạnh tranh giữa các hệ thống chữ viết ở Đài Loan chịu ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố chính trị, đặc biệt khuynh hướng của đảng cầm quyền (mà hai xu hướng lớn là hoặc hướng về Trung Hoa lục địa, hoặc muốn Đài Loan độc lập). Vì thế, mỗi lần thay đổi đảng cầm quyền là mỗi lần thay đổi xu thế ủng hộ chữ viết có xu thế hướng về Trung Hoa lục địa hoặc hướng về tinh thần Đài Loan độc lập. 

Rõ ràng chữ Quốc ngữ, với tư cách là một loại chữ viết ghi lại tiếng Việt, đã tranh thủ được thời cơ để trở thành chữ viết quốc gia và đã thể hiện xuất sắc vai trò của mình như là công cụ để phát triển giáo dục, bảo tồn văn hóa, trở thành một tài sản văn hóa vô cùng quý giá của người Việt. Nhìn tổng thể, chữ Quốc ngữ đang làm tốt nhiệm vụ của mình, vì thế một tình cảm yêu quý dành cho chữ Quốc ngữ sẽ chống lại bất kỳ đề án nào về cải cách chữ Quốc ngữ. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

1. Cao Xuân Hạo (2003). “Chữ Tây và chữ Hán, thứ chữ nào hơn?”. Tiếng Việt, văn Việt, người Việt. TPHCM: Trẻ. 

2. Coulmas, F. (2003). Writing Systems-An Introduction to their Linguistic Analysis. Cambridge University Press. 

3. Đoàn Thiện Thuật (2000). Ngữ âm tiếng Việt. Hà Nội: Đại học Quốc gia Hà Nội. 

4. Frost, Ram (1992). “Orthography and phonology: the psychological reality of orthographic 996 depth”. In: Pamela Downing, Susan D. Lima and Michael Noonan (eds.). The Linguistics of Literacy. Amsterdam: John Benjamins, 255-274. 

5. Hoàng Tiến (1994). Chữ Quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ XX. Hà Nội: Lao động. 

6. Maddieson, I. (1984). Patterns of Sounds. Cambridge: Cambridge University Press 

7. Minh Hiền (1994). Scientific Forum: “Let’s do Justice to Alexandre de Rhodes”. Vietnam Social Sciences. 

8. Roland Jacques (2007). Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt Ngữ học. Hà Nội: Khoa học xã hội. 

9. Trần Đình Hượu (1982). “Một phong trào văn hóa dân tộc nhằm tự cường, độc lập, hiện đại hóa đất nước của các nhà nho yêu nước”. Trần Đình Hượu tuyển tập. Tập 1. Hà Nội: Giáo dục, 2007. 

10. Vũ Văn Sạch, Vũ Thị Minh Hương, Philippe Papin. Văn thơ Đông kinh Nghĩa thục. Tài liệu Cục Lưu trữ Việt Nam. 

11. Yunxia Zhu (2005). Written Communication across Cultures. John Benjamins Publishing Company.
Quảng Nam, tháng 8/2016
Theo http://www.dienban.gov.vn/ 

1 nhận xét:

  1. Trong sách viết của cá nhận, tất cả các giáo sĩ thừa sai Tây phương đều công nhận đây là thứ chữ và cách đọc của người Việt, tức chữ Quốc ngữ. Kể cả Pina hay Rhodes cũng thế, hai giáo sĩ này không biết chữ Hán Nôm, trong khi đó chữ Quốc ngữ là sự tích hợp trong chừng mực giữa Phiên âm Hán Nôm và Quốc ngữ thuần Việt... Nguyên lý nào sáng tạo ra từ vựng Quốc ngữ?

    Trả lờiXóa

  Những mất mát lớn của văn chương thế giới 28 Tháng Chín, 2022 Chỉ trong hai tuần vừa qua, văn chương thế giới chứng kiến những sự mất ...