Thứ Năm, 26 tháng 8, 2021

Nhớ tiếng chim quê xưa

Nhớ tiếng chim quê xưa

Nếu tính đơn giản, ba tháng là một mùa thì bây giờ gần cuối tháng 8 đã là giữa mùa Thu. Tiết lập thu đến hôm 30/7 và xử thử đã qua mười ngày nhưng cứ theo những diễn biến thời tiết nắng mưa thì vẫn như đang ở mùa hè. Sáng nay, tôi nhớ đến tiếng kêu của một loài chim ngày xưa, thời thơ ấu ở nhà quê những năm giữa thập niên 50 đến thập niên 60 thế kỷ trước.
Làng quê tôi nằm trên một thung lũng, “thung lũng Quế Sơn” là địa danh quen thuộc trên bản đồ chiến sự giai đoạn 1965 - 75. Từ QL1A lên đến nhà tôi chỉ 22 cây số, từ Hương An đi 15 cây số là đến huyện lỵ, đường nhỏ, chỉ hai xe hơi tránh được nhau. Gần đó có trường Trung học, cơ quan hành chánh và một cái chợ, chợ Đông Phú khá sầm uất cho cả vùng. Từ đây lên nhà tôi phần lớn là đường làng, hai bên là ruộng vườn, bờ rào, truông bụi, thua cả giao thông nông thôn bây giờ.
Nhà tôi có vườn rộng, nhà hàng xóm ở xa nên thường vắng vẻ, đủ để nghe tiếng đủ loài chim ca hát trong vườn. Mỗi mùa có những loài chim khác nhau. Khi tôi học tiểu học, mùa hè có cà cưởng, chốc mào, cu cườm, chèo bẻo, quạ... Ngày ấy người ta không tàn sát chúng như bây giờ. Gần trưa có thể nghe tiếng chim huýt cô hót đâu đó ngoài vườn, âm thanh kéo dài, lan ra trong không gian vắng làm nao lòng người. Tiếng hót của loài chim này để lạị trong tôi nhiều ấn tượng buồn nhất là khi nghe mẹ tôi kể lại sự tích về nó. Mẹ bảo: Ngày xưa có hai cô cháu nhà nghèo sống nương tựa vào nhau. Người cô là lao động chính, đi mót lúa, đào khoai, mò tôm, bắt ốc, vất vả kiếm thức ăn về nuôi cháu. Năm đó hạn hán, mất mùa, cô kiếm không ra thức ăn bên ngoài. Ở nhà còn một ít dự trữ cháu lấy ăn hết. Cô về, không còn gì ăn nên đói quá mà chết. Đứa cháu ân hận nhiều nhưng sau cũng chết vì đói và khi chết biến thành loài chim. Loài chim này luôn nhớ đến cô mình nên tiếng hót như một tiếc nuối, một lời trần tình nhất là vào những vụ mùa. Tiếng hót của nó là: “Ngày mùa lúa trổ, đậu chín, h. u. .ý. . .t cô.” như muốn mời gọi linh hồn cô về ăn cùng”(*)
Mùa hè, dân quê thường nghe một loài chim khác hót một hơi bốn âm: “Bắt cô trói cột”, thường thì ít nghe chúng hót khi đậu trên cây mà hót khi bay trên trời. Dân quê tôi và trẻ con thường nói trại ra nhiều cách khác nhau: “Bắt cô áo cụt”, “Bốn cô tám chục” miễn là đúng vần trắc, bằng, trắc, trắc!
Những ngày mùa đông, bầu trời xám và trập trùng mây, không gian buồn bả khi chiều về, tiếng chim tu hú kêu đơn lẻ đâu đó trong vườn làm cho cậu bé là tôi ngày ấy thấy buồn theo và cảm giác đó theo tôi mãi đến bây giờ mỗi khi có một thoáng nhắc nhớ.
Gia đình tôi rời quê ra phố khi tôi học đệ ngũ, lớp 8 bây giờ, bỏ lại tất cả nhà cửa, ruộng vườn, gia sản cha ông kiến tạo từ nhiều đời. Ra đi để mua lấy bình an, tránh bom rơi đạn lạc do chiến cuộc đem lại. Bà nội tôi lúc đó đã già, các anh chị tôi chỉ lo cho tính mạng con người nên không đem theo được gì ngoài ít vật dụng tùy thân và khế tự ruộng vườn.
Hơn nửa thế kỷ rời quê với bao nhiêu thăng trầm của thời thế, câu chuyện mẹ tôi kể và tiếng hót của những con chim ngày xưa vẫn theo tôi trong những buồn vui của đời mình. Hình ảnh quê nghèo vẫn thường tái hiện trong ký ức tôi suốt hành trình cuộc đời và luôn nuôi dưỡng trong tôi một thứ tình cảm dễ thương, tình cảm đối với quê xưa, với bà con họ hàng, bạn bè mỗi khi nhớ đến.
Chú thích: có một dị bản không giống với chuyện mẹ tôi kể về hoài chim huýt cô này đọc được ở https://truyencotich.vn/…/co…/su-tich-chim-hit-co.html.




25/8/2021
Nguyễn Hoàng Quý 
Theo https://huynhthuckhangluongvancan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt Theo chính sử Trung Hoa thì Lưu Tử Nghiệp, tự Pháp Sư, là con trưởng của Hiếu Vũ đế...