Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2021

Phần II: Dinh trấn Thanh Chiêm và sự ra đời chữ Quốc ngữ

Phần II: Dinh trấn Thanh Chiêm
và sự ra đời chữ Quốc ngữ

DINH TRẤN THANH CHIÊM MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỊCH SỬ?
Nguyễn Đức Nhuệ 

Nằm trong khu vực địa lý - văn hóa ven biển miền Trung và mang những đặc trưng tiêu biểu điển hình của vùng địa lý lịch sử này, Quảng Nam có đủ các miền địa hình núi non trùng điệp, đồng bằng ven biển và biển cả mênh mông. 

Về cơ bản, Quảng Nam là một không gian văn hóa mở: lên núi cao, ra biển rộng. Thư tịch xưa từng ghi chép nhiều về Đại Chiêm hải khẩu thời Champa cổ đại, cảng thị Hội An (Faifo) thời các chúa Nguyễn trị vì xứ Đàng Trong hay cảng Đà Nẵng (Tourane) của thời cận hiện đại. Đó không chỉ là những cửa khẩu đón nhận và trở thành một khâu trong của các luồng thông thương quốc tế từ xưa đến nay, mà còn là nơi đón nhận các luồng giao lưu văn hóa quốc tế với Ấn Độ và thế giới hải đảo Thái Bình Dương, với Trung Hoa, Nhật Bản và phương Tây, đặc biệt là trong thời trung đại. 

Thời kỳ nội chiến Nam - Bắc triều, miền đất Quảng Nam thường xuyên mất ổn định. Thổ hào địa phương theo nhà Mạc nổi lên chiếm cứ địa bàn. Từ năm 1554, Nam triều tuy đã bình định được miền đất Thuận Quảng nhưng kiểm soát không chặt chẽ. Quân Mạc thường lợi dụng gió mùa vượt biển vào cướp phá. Từ Hải Dương, Quảng Yên gặp lúc thuận gió, chỉ vài ngày là thủy quân của nhà Mạc có thể tiến được vào đất Thuận Quảng. Để phòng bị mặt đông nam bảo vệ cho miền đất căn bản Thanh - Nghệ, tháng 11.1558 Trịnh Kiểm dâng biểu xin cử Đoan Quận công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa cùng trấn thủ Quảng Nam là Trấn Quận công Bùi Tá Hán “giúp đỡ nhau, phàm công việc của địa phương không cứ lớn nhỏ và các ngạch thuế nhất thiết giao cho, hàng năm đến kỳ thu nộp”. Trong cuộc nội chiến Nam - Bắc triều kéo dài hơn 2/3 thế kỷ, hai xứ Thuận - Quảng có một vị trí rất quan trọng quyết định tới sự thành bại của sự nghiệp trung hưng nhà Lê. 

Tháng 9 năm Kỷ Tỵ (1569), Nguyễn Hoàng từ Thuận Hóa về yết kiến vua Lê và Trịnh Kiểm tại hành cung Yên Trường (Thanh Hóa). Đầu năm sau, năm Canh Ngọ (1570), “Trịnh Kiểm dâng biểu xin vua Lê sai Nguyễn Hoàng đi các xứ Thuận Hóa, Quảng Nam thống suất binh voi thuyền ghe, lại trấn phủ nhân dân địa phương để mạnh nơi biên giới”, đồng thời điều Trấn thủ Quảng Nam là Nguyễn Bá Quýnh về. Từ đây công việc ở hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam do Nguyễn Hoàng kiêm quản. 

Năm 1592, khi công cuộc trung hưng của nhà Lê cơ bản đã hoàn thành, Nguyễn Hoàng từ Thuận Hóa “thân đem tướng sĩ, voi ngựa thuyền ghe đến Kinh lạy chào, và đem sổ sách về binh lương, tiền lụa, vàng bạc, châu báu, kho tàng của hai trấn Thuận Hóa, Quảng Nam dâng nộp. Tiết chế Trịnh Tùng dâng biểu tâu cho Hoàng làm Trung quân đô đốc phủ Tả đô đốc Chưởng phủ sự Thái úy Đoan quốc công, sai tổng đốc tướng sĩ bản dinh và thống lĩnh 300 chiếc thuyền chiến lớn nhỏ của thủy quân các xứ Nam đạo đi đánh giặc biển ở các xứ Sơn Nam, Hải Dương”. 

Nguyễn Hoàng lưu lại Thăng Long trong thời gian 8 năm dưới sự kiểm soát, giam lỏng của Trịnh Tùng. Giữa năm 1600, lợi dụng sự phản loạn của Phan Ngạn, Ngô Đình Nga, Bùi Văn Khuê đem quân phụ theo họ Mạc (có sự xúi giục của Nguyễn Hoàng), ông “giả vờ xin đem quân đi đuổi đánh, rồi đốt hết doanh trại, trốn về Thuận Hóa”. Từ đây, ý đồ lập giang sơn riêng của Nguyễn Hoàng mới bộc lộ rõ và xứ Quảng Nam “đất đai phì nhiêu nhất thiên hạ”, “dân đông, sản vật giàu có… là yết hầu của miền Thuận - Quảng” đặc biệt được Nguyễn Hoàng chú ý kinh dinh. 

Với tầm nhìn chiến lược cho một kế hoạch mở mang và phát triển lâu dài, năm 1602, Nguyễn Hoàng cho xây dựng dinh trấn Quảng Nam ở “xã Cần Húc (thuộc huyện Duy Xuyên), xây kho tàng, chứa lương thực, sai hoàng tử thứ sáu (Nguyễn Phước Nguyên) trấn giữ”.1 

Cùng với việc đặt dinh trấn Quảng Nam, Nguyễn Hoàng cho tách huyện Điện Bàn của phủ Triệu Phong đổi đặt làm phủ, đổi huyện Hy Giang làm huyện Duy Xuyên, lại đặt thêm hai huyện Hòa Vang và Diên Phước lệ vào (phủ Điện Bàn), đổi huyện Lê Giang làm huyện Lễ Dương, cùng với huyện Hà Đông vẫn lệ vào phủ Thăng Hoa. 

Dinh trấn Quảng Nam ra đời là sự khởi đầu quan trọng và mang tính quyết định trong toàn bộ quá trình mở mang lãnh thổ cũng như phát triển nền kinh tế, văn hóa của xứ Đàng Trong sau này. Sứ mệnh lịch sử của dinh trấn Quảng Nam được nhìn nhận trên những bình diện sau: 

1. Vị trí chiến lược và vai trò đặc biệt quan trọng của dinh trấn Quảng Nam trong hành trình mở nước của dân tộc ta trong các thế kỷ XVII - XVIII 

Nguyễn Hoàng vào Trấn thủ Thuận Quảng đã tạo nên một luồng di dân lớn về phía Nam khoảng từ nửa sau thế kỷ XVI trở đi. Riêng trên địa bàn Quảng Nam, thực trạng ấy được phản ánh khá rõ qua gia phả một số dòng họ tiền hiền. Ví như gia phả họ Phạm ở xã Phước Đức (Quế Sơn) ghi rõ ông tổ là Phạm Đức Long người Nghi Xuân (Hà Tĩnh); gia phả họ Hoàng ở Xuân Đài (Điện Bàn) ghi tổ là người ở Nam Sách (Hải Dương); gia phả họ Lê ở phường Mân Thái (bán đảo Sơn Trà) ghi rõ tổ là Lê Lợi (Thanh Hóa)… theo Nguyễn Hoàng vào xứ Quảng lập cư. Vùng Trà Kiệu (Duy Xuyên) vốn được 13 vị tổ của các họ tiền hiền khai khẩn từ thời Lê Thánh tông. Tiếp đó đến năm Quang Hưng thứ nhất (1578) lại có thêm 4 người vào Trà Kiệu khai phá. Năm 1600, Mạc Cảnh Huống - một bộ tướng của Nguyễn Hoàng tiếp tục đưa gia tộc, binh sĩ đến Trà Kiệu mở làng lập ấp. Vùng Trà Kiệu trong các thế kỷ XVI - XVII rất rộng lớn, chiếm hơn phân nửa huyện Duy Xuyên ngày nay. 

Có thể nói đến giữa thế kỷ XVII, Quảng Nam đã trở thành một dinh lớn, “từ Thăng, Điện đến Phú Yên làng mạc liền nhau”. Kinh tế phồn thịnh đã tạo nên thế vững lực mạnh để các chúa Nguyễn hùng cứ một phương, thoát ly khỏi ảnh hưởng của chính quyền vua Lê - chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và không ngừng mở rộng lãnh thổ về phương Nam. Một số sự kiện quan trọng diễn ra trong quá trình Nam tiến ấy: 

Năm 1611, Chiêm Thành xâm lấn Quảng Nam, Nguyễn Hoàng sai Chủ sự là Văn Phong đem quân đánh dẹp, lấy đất mới chiếm được lập ra phủ Phú Yên. 

Năm 1653, vua nước Chiêm Thành là Bà Tấm xâm lấn phủ Phú Yên, Nguyễn Phúc Tần sai Cai cơ Hùng Lộc làm Thống binh và Xá sai Minh Vũ làm Tham mưu lĩnh 3.000 quân vượt đèo Hổ Dương núi Thạch Bi đánh thẳng vào thành (quân Chiêm), lấy được đất đến sông Phan Rang. Nguyễn Phúc Tần lấy đất từ phía đông sông Phan Rang đến địa đầu Phú Yên chia làm hai phủ Thái Khang và Diên Ninh, quản lĩnh 5 huyện. Phía tây sông Phan Rang vẫn do Chiêm Thành giữ, vâng chịu lệ cống. 

Tháng 9.1692, vua Chiêm Thành là Bà Tranh làm phản, họp quân đắp lũy, cướp giết cư dân ở phủ Diên Khánh, chúa Nguyễn sai Cai cơ Nguyễn Hữu Kính làm Thống binh, văn chức Nguyễn Đình Quang làm Tham mưu đem quân Chính dinh, dinh Quảng Nam và Bình Khang đi đánh. 

Tháng 3 năm 1693, Nguyễn Hữu Kính bắt được chúa Chiêm là Bà Tranh, chúa Nguyễn cho đổi nước ấy làm trấn Thuận Thành. Đến tháng 9.1693 lại đổi làm phủ Bình Thuận, lấy Tả trà viên Bà Tử làm Khám lý, ba người con Bà Ân làm Đề đốc, Đề lãnh và Cai phủ, bắt mặc quần áo theo lối người Kinh và sai về để vỗ yên lòng dân. Tháng 3.1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Thống suất Nguyễn Hữu Kính kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long, dựng dinh Trấn Biên; lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn, mỗi dinh đều đặt các chức Lưu thủ, Cai bạ, Ký lục và các cơ đội thuyền thủy bộ tinh binh và thuộc binh. Mở rộng đất được hơn nghìn dặm, được hơn 4 vạn hộ, bèn chiêu mộ những dân xiêu dạt từ Bố Chính trở về nam cho đến ở. Thiết lập xã thôn phường ấp, chia cắt giới phận, khai khẩn ruộng nương, định lệnh thuế tô dung, làm sổ đinh điền… 

Đây là sự kiện lịch sử đánh dấu một mốc rất quan trọng trong quá trình khai phá mở mang vùng đất Nam Bộ thời các chúa Nguyễn. Mặc dù trước đó gần 8 thập kỷ, lưu dân người Việt đã có mặt ở một số địa bàn nhưng việc khai phá của lớp cư dân đầu tiên này vẫn mang tính tự phát, chủ yếu là lo việc mưu sinh chứ không do chính quyền tổ chức và quản lý. Đến năm 1698 các chúa Nguyễn chính thức hoạch định miền đất Sài Gòn - Gia Định vào bản đồ của xứ Đàng Trong, xếp đặt các đơn vị hành chính và bộ máy quản lý xuống đến tận thôn, xã. Như vậy, từ thời điểm này các chúa Nguyễn đã áp đặt được quyền lực thực tế của mình trong việc quản lý ruộng đất, hộ khẩu và trưng thu các nguồn lợi tự nhiên cũng như nguồn thu thuế qua việc trao đổi giao thương với thương nhân các nước trên vùng đất mới mở. Việc nhập cư của người Việt và người Hoa vào miền đất Nam Bộ ngày càng có tổ chức và quy mô hơn. 

Trong thế kỷ XVIII, công cuộc mở đất của các chúa Nguyễn tiếp tục được đẩy mạnh. Tháng 4 năm Nhâm Tý (1732), chúa Nguyễn cho đặt châu Định Viễn và dựng dinh Long Hồ (tức Vĩnh Long ngày nay). Đầu năm Đinh Sửu (1757), Quốc vương Chân Lạp là Nặc Nhuận được lập để tạm trông coi việc nước có xin ý chỉ chúa Nguyễn. Nguyễn Phúc Khoát bắt Nặc Nhuận phải dâng hai phủ Trà Vinh, Ba Thắc rồi mới ưng thuận. Tuy nhiên, sau đó Nặc Nhuận bị Nặc Hinh giết để cướp ngôi, con Nặc Nhuận là Nặc Tôn chạy sang Hà Tiên. Quan quân Nguyễn thừa thế tiến đánh, Nặc Hinh thua chạy đến Tầm Phong Suy thì bị quan phiên là Ốc Nha Uông giết chết. Bấy giờ Mạc Thiên Tứ tâu xin giúp cho Nặc Tôn. Nguyễn Phúc Khoát bèn sắc cho Nặc Tôn làm vua Chân Lạp, sai Mạc Thiên Tứ và tướng sĩ 5 dinh hộ tống về nước. 

Để trả ơn chúa Nguyễn giúp đỡ, Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long (Đồng Tháp Mười). Thống suất Trương Phúc Du và Nguyễn Cư Trinh xin rời dinh Long Hồ đến xứ Tầm Bào, lại đặt đạo Đông Khẩu ở xứ Sa Đéc; đạo Tân Châu ở Tiền Giang; đạo Châu Đốc ở Hậu Giang, lấy quân lính dinh Long Hồ để trấn giữ. Nặc Tôn lại xin cắt 5 phủ: Hương Áo, Cần Bột, Chân Sâm, Sài Mạt và Linh Quỳnh. Nguyễn Phúc Khoát cho 5 phủ ấy lệ vào quản hạt Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ xin đặt đạo Kiên Giang ở xứ Rạch Giá (Giá Khê), đạo Long Xuyên ở xứ Cà Mau, xếp đặt quan lại, chiêu tập dân cư, lập thôn ấp làm cho địa giới Hà Tiên ngày càng thêm rộng. Đến năm 1757, về cơ bản, toàn bộ miền Nam Bộ ngày nay đã thuộc quyền quản lý của các chúa Nguyễn. 

Như vậy, trong vòng hơn một thế kỷ rưỡi, dinh trấn Quảng Nam trở thành bàn đạp quan trọng và mang tính quyết định cho sự thành công của quá trình Nam tiến. Cương vực của xứ Đàng Trong không ngừng được đẩy sâu về phía Nam. 

2. Quá trình mở cửa tiếp xúc sớm của Quảng Nam với một số nước phương Tây qua các hoạt động thương mại bằng giao thương hàng hải quốc tế 

Trong tầm nhìn chiến lược của Nguyễn Hoàng thì Quảng Nam là “yết hầu của miền Thuận - Quảng...” là nơi “đất tốt dân đông, sản vật giàu có, số thuế nộp vào nhiều hơn Thuận Hóa mà số quân thì cũng bằng quá nửa”. 

Quảng Nam có một vị thế rất quan trọng đối với xứ Đàng Trong, là cơ sở hậu cần chiến lược, đồng thời là bức thành vững chắc che chắn cho Thuận Hóa ở phía nam. Lời dặn dò của Nguyễn Hoàng cho Nguyễn Phúc Nguyên trước khi tạ thế vào mùa hạ năm 1613 càng khẳng định thêm điều ấy: 

“Đất Thuận Quảng phía bắc có núi Ngang (Hoành Sơn) và sông Gianh (Linh Giang) hiểm trở, phía nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia (Thạch Bi sơn) vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được, thì cố giữ đất đai để chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dặn của ta...”.2 

Tâm nguyện của Nguyễn Hoàng đã được Nguyễn Phúc Nguyên thực hiện một cách triệt để. Năm 1614, Nguyễn Phúc Nguyên tiến hành cải tổ bộ máy chính quyền, “đặt Tam ty: ở trong là Chính dinh thì [ba ty] là ty Xá sai coi việc văn án từ tụng, do Đô tri và Ký lục giữ, ty Tướng thần lại coi việc trưng thu tiền thóc, phát lương cho quân các đạo, do Cai bạ giữ, ty Lệnh sử coi việc tế tự, lễ tiết và chi cấp lương hướng cho quân đội Chính dinh, do Nha úy giữ. Những thuộc viên thì mỗi ty có 3 câu kê, 7 cai hợp, 10 thủ hợp, 40 ty lại. Lại đặt ty Nội lệnh sử kiêm coi các thứ thuế, hai Tả, Hữu lệnh sử chia nhau thu tiền sai dư ở 2 xứ về nộp Nội phủ. Các dinh ở ngoài, có nơi chỉ đặt một ty Lệnh sử, có nơi đặt 2 ty Xá sai và Tướng thần lại, có nơi kiêm đặt 2 ty Xá sai và Lệnh sử để coi việc từ tụng của quân dân, sổ sách đinh điền và trưng thu thuế ruộng sở tại, số nhân viên thì tùy theo công việc ít nhiều mà thêm bớt...”.3 

Với việc xây dựng tổ chức chính quyền mới ở Đàng Trong, Nguyễn Phúc Nguyên đã chính thức thoát ly hoàn toàn khỏi sự ràng buộc của chính quyền Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài. 

Song song với việc cải tổ bộ máy chính quyền, các chúa Nguyễn từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên trở về sau đặc biệt quan tâm đến việc mở mang phát triển kinh tế, khai thác những tiềm năng sẵn có của miền Thuận - Quảng (nhất là xứ Quảng Nam), triển khai các ngành nghề thủ công nghiệp truyền thống, mở rộng mối quan hệ thương mại nội địa và với các quốc gia khác trong khu vực và phương Tây. 

Quảng Nam là miền đất giàu sản vật. Ngay từ đầu thế kỷ XVI, cảnh dân khang, vật thịnh, sinh hoạt sung túc của người dân Điện Bàn xứ Quảng đã được Dương Văn An mô tả trong sách Ô châu cận lục. 4 Theo nhận xét của Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục thì: “Quảng Nam đất phì nhiêu nhất thiên hạ. Người Thăng Hoa, Điện Bàn biết dệt vải lụa, vóc đoạn, lĩnh là hoa màu khéo đẹp chẳng kém Quảng Đông, ruộng đồng rộng rãi, gạo lúa tốt đẹp, trầm hương, tốc hương, sừng tê, ngà voi, vàng bạc, đồi mồi, trai ốc, bông sáp đường mật, dầu sơn, cau, hồ tiêu, cá muối, gỗ lạt đều sản xuất ở đây...”.5 

Tiến sĩ Trần Đình Phong trong bài Quảng Nam tỉnh phú đã tổng kết khá đầy đủ về sản vật phong phú của xứ Quảng: 

Vườn có nhiều cau, ruộng có nhiều mía; đầu nguồn nhiều lợi cây gỗ, dưới bể nhiều lợi cá tôm. 

... Nói về thổ sản cũng chẳng thiếu gì: lộc nhung, sáp ong, ngà voi, tê giác. 

Tiên Giang, Trà Nô, Lỗ Thủy, đất có lẫn vàng. 

Ba Vi, Chiên Đàn, Trà My, rừng thường sinh quế. 

Cũng có mỏ đồng, mỏ chì, mỏ sắt. 

Cũng hay dệt sa, dệt lụa, dệt là. 

... Đá thì có cẩm thạch, đá cưa, đá mài. 

Gỗ thì có gỗ lim, gỗ kiền, gỗ giáng... 

Nguồn lợi tự nhiên dồi dào ấy đã tạo cho xứ Quảng có khả năng phát triển các ngành nghề và hoạt động thương mại từ rất sớm: 

Thương thì buôn bán bắc nam; phố Minh Hương, Hội An, Trà Nhiêu, Bàn Thạch. 

Công thì giữ nghề tổ phụ, lò rèn Phước Kiều, Phú Xuân, xưởng mộc Kim Bồng, chợ Phố. 

Chỉ ba canh bảy, gái giỏi dệt guồng 

Kiểu tròn mẫu vuông thợ nghề đồ gốm... 

Quá trình hình thành và phát triển của một số làng nghề thủ công nổi tiếng như làng đúc Phước Kiều, làng gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng hay dệt tơ lụa ở Đại Lộc... cùng với sự phong phú của sản vật địa phương, trong đó có nhiều mặt hàng xuất khẩu đã tạo điều kiện cho hoạt động thương mại ở Đàng Trong phát triển, mà phồn thịnh nhất là ở cảng thị Hội An trong các thế kỷ XVII - XVIII. 

Trong các mặt hàng xuất khẩu từ cảng thị Hội An thì tơ sống và các hàng dệt tơ được coi là quan trọng nhất. Thời kỳ này, ở Quảng Nam đã xuất hiện nhiều trung tâm dệt với quy mô tương đối lớn. Theo Lê Quý Đôn thì “mỗi ấp có 10 nhà, mỗi nhà có 15 thợ dệt”. Mặt hàng tơ lụa xuất khẩu từ Hội An rất được thương nhân nước ngoài ưa chuộng. Giáo sĩ Dòng Tên người Ý là Cristoforo Borri đã sống ở Đàng Trong từ năm 1618 đến năm 1622 đã nhận xét: “Người xứ Đàng Trong không những chỉ cung cấp cho nhu cầu của họ mà còn cung cấp cho Nhật Bản và gửi sang Lào để đưa sang Tây Tạng bởi vì thứ tơ này không nhỏ và mịn như tơ của Trung Hoa nhưng bền hơn”.6 Còn thương nhân Pierre Poivre đến Đàng Trong vào năm 1748 thì nhận xét: “tơ lụa ở Đàng Trong so với Trung Quốc thì hơn hẳn về phẩm chất và tinh tế. Tơ đẹp nhất là của Quảng Ngãi, người Trung Quốc mua rất nhiều và kiếm lãi từ 10 - 15%”. 

Đường là loại nông phẩm xuất cảng quan trọng ở Đàng Trong. Phủ Điện Bàn xứ Quảng Nam chuyên sản xuất loại đường phổi đóng thành từng phiến, mỗi phiến nặng 1 cân ta. Hằng năm số lượng đường ở Đàng Trong bán cho thương nhân nước ngoài khá lớn. Cũng theo ghi chép của thương nhân Pierre Poivre thì: “Đường có rất nhiều, trông đẹp, là loại hàng dễ bán. Mía trồng nhiều ở Quảng Nam, ôm theo bờ con sông chảy qua Hội An. Đây cũng là nơi đặt những cơ sở làm đường của người Hoa hết sức khuyến khích và phát triển”. Pierre Poivre cho biết xứ này có khoảng 20.000 tạ đến 60.000 tạ đường, phải cần 80 thuyền chở mới hết.7 Năm 1637 một chiếc tàu Hà Lan cập bến Hội An đã mua 1.500 cân đến 2.000 cân đường chở về Batavia. 

Yến sào là một đặc sản quý hiếm ở Đàng Trong. Yến sào có nhiều ở Cù Lao Chàm và các đảo từ phủ Thăng Hoa đến Gia Định. Dân xã Thanh Châu, huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa chuyên nghề lấy yến sào. Theo quy định của các chúa Nguyễn lệ thuế hàng năm dân xã Thanh Châu phải nộp “hạng tráng mỗi người nộp 2 cân yến sào, nếu không có thì nộp thay bằng tiền 2 quan, hạng dân mỗi người nộp 1 cân 8 lạng, hạng lão và hạng đinh mỗi người nộp 1 cân; còn cả xã nộp lễ Thường tân, Chính đán 1.500 tổ...”.8 Yến sào là mặt hàng xuất khẩu được thương nhân nước ngoài rất ưa thích. Cristoforo Borri đã từng chứng kiến việc khai thác và mua bán yến sào ở Hội An: “Chính tôi đã thấy 10 thuyền chở đầy tổ yến thu được ở các mỏ đá ngầm trong khoảng dưới một ngàn thước, đây là thứ rất quý chỉ nhà vua buôn bán nó với khách đặc biệt, nhất là vua Trung Hoa, người rất thích thứ này”. Xứ Quảng Nam là nơi sản xuất nhiều vàng, một sản phẩm xuất khẩu mang lại lợi nhuận cao. Theo Lê Quý Đôn thì: “Xứ Quảng Nam có nhiều núi sản xuất vàng. Họ Nguyễn đặt hộ đãi vàng ở các phủ gọi là thuộc Kim hộ, mỗi thuộc hơn 40 thôn phường, được miễn suất lính cho đi lấy vàng”. Nơi có nhiều vàng nhất là các núi Trà Nô, Trà Tế nguồn Thu Bồn, Trà Vân, Trà Sơn nguồn Đồng Hương. Thời chúa Nguyễn Phúc Thuần, Ngoại tả Trương Phúc Loan được ban cấp nguồn Thu Bồn làm ngụ lộc, cho người nhà là Án Điện trưng thu 20 năm được vàng nhiều không kể xiết. Người địa phương có tên là Giang Huyền là thông gia với Án Điện mua riêng một quả núi, tự khai thác lấy đem bán khắp nơi, đem đến Hội An bán cho các thương nhân Trung Hoa hàng năm đến nghìn hốt vàng. Sử cũ cho biết, nhờ khai thác vàng mà Trương Phúc Loan giàu đến nỗi “của báu chất như núi”.9 Vàng ở xứ Quảng được thương nhân nước ngoài rất ưa chuộng vì “vàng ở đây tốt đẹp nhất, tinh khiết nhất thế giới”. 

Ngoài ra, các sản vật như cau khô, hồ tiêu, trầm hương, kỳ nam, gỗ, đồ gốm, đồ mộc và gạo cũng là những mặt hàng xuất khẩu qua cảng thị Hội An trong các thế kỷ XVII - XVIII. 

Trong các mặt hàng kể trên, kỳ nam là một loại hàng hóa quý hiếm vì đây là một loại dược liệu chữa trị nhiều chứng bệnh hiểm nghèo như trúng phong, cấm khẩu, kiết lị, đàm xuyễn... Theo Cristoforo Borri thì kỳ nam là món hàng dành cho nhà vua. Mặt hàng này nếu xuất khẩu sang Nhật Bản thì có thể lãi gấp 70 - 80 lần giá gốc. 

Cristoforo Borri cho biết: “Calam bà (tức kỳ nam) trị giá 5 ducat một cân Anh (livre) tại chỗ mang đến một hải cảng ở Đàng Trong là 16 ducat. Đến Nhật người ta trả nó với giá 300 - 400 ducat một livre”.10 Việc giao lưu buôn bán trên thị trường nội địa ở Quảng Nam thông qua cảng thị Hội An trong các thế kỷ XVII - XVIII thực sự khởi sắc. Theo thống kê của Lê Quý Đôn thì năm 1768 số thuyền chuyên chở ở Đàng Trong là 447 chiếc và họ Nguyễn thu thuế vận tải được 2.639 quan. Thế kỷ XVII - XVIII, quan hệ buôn bán giữa xứ Đàng Trong với nước ngoài phát triển rất mạnh mẽ. Thương nhân các nước phương Tây như Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh... và các nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản có mặt ở Đàng Trong khá sớm. Thương thuyền các nước đến Đàng Trong buôn bán phải nộp thuế cho các chúa Nguyễn. Hàng năm các chúa Nguyễn thu được tiền thuế ước từ 1 vạn đến 3 vạn quan.11 

Sở dĩ xứ Quảng Nam thu hút được nhiều thương thuyền các nước đến buôn bán, nhất là các thương nhân Trung Quốc, bởi lẽ: “Từ Quảng Nam về thì hàng không món gì không có, các nước Phiên không kịp được. Phàm hóa vật sản xuất ở các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Bình Khang và dinh Nha Trang đường thủy, đường bộ, đi thuyền, đi ngựa đều hội tập ở phố Hội An, vì thế người khách phương Bắc đều tụ tập ở đấy để mua về nước. Trước đây hàng hóa nhiều lắm, dù trăm chiếc tàu to chở cùng một lúc cũng không hết được...”.12 

Theo thống kê của Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục thì hàng hóa xuất khẩu ra từ cảng thị Hội An bao gồm: cau khô, hồ tiêu, đậu khấu, tô mộc (gỗ vang), sa nhân, thảo quả, ô mộc (gỗ mun), hồng mộc, hoa lê mộc (gỗ trắc), tê giác, yến sào, gân hươu, vây cá, tôm khô, rau biển, ốc hương, đồi mồi, ngà voi, đường phèn, đường trắng, kỳ nam hương, vàng, tơ lụa, trầm hương, trân châu... 

Hàng hóa thương nhân Trung Quốc mang đến là các loại sa đoạn, gấm vóc, vải, các vị thuốc, giấy vàng bạc, hương vòng, các thứ đồ giấy, kim tuyến, ngân tuyến, các thứ phẩm, y phục, giày tất, nhung, kính, pha lê, quạt giấy, bút mực, kim, cúc áo, các thứ bàn ghế, các thứ đèn lồng, các thứ đồ đồng, đồ sành sứ; đồ ăn uống thì các loại như lá chè, cam chanh, lê, táo, hồng, bánh miến, bột mì, trứng muối, trám muối, tương gừng, tương ngọt, đậu phụ, mộc nhĩ, nấm hương... 

Từ cuối thế kỷ XVI sang đầu thế kỷ XVII, xứ Quảng Nam đã hình thành một mạng lưới buôn bán nội địa và trao đổi thương mại với bên ngoài khá sầm uất. Một số thị tứ ra đời ở Đàng Trong như Thanh Hà, Nước Mặn hay Tam Kỳ là nơi cung cấp hàng hóa cho cảng thị Hội An. Ở Quảng Nam có thị tứ Tam Kỳ là nơi tập trung hàng hóa chủ yếu là quế, hồ tiêu ở vùng Quế Sơn và Hà Đông để chuyển về cảng thị Hội An xuất khẩu ra nước ngoài... Trong các thế kỷ XVII - XVIII, Cảng thị Hội An, trung tâm mậu dịch hàng hải của Đàng Trong, là trung tâm quy tụ hàng hóa Đàng Trong để xuất khẩu ra nước ngoài và cũng là nơi phân bố hàng hóa nhập khẩu đi bốn phương. Đây là thương cảng tiếp đón thuyền buôn nhiều nước đến mua bán hàng hóa trực tiếp với Việt Nam và cũng là một đầu mối trung chuyển để thương nhân Nhật Bản tìm mua sản phẩm của Trung Quốc cấm nhập khẩu vào Nhật Bản hay các công ty phương Tây thực hiện phương thức buôn bán từ châu Á đến châu Âu... Những hoạt động thương mại đan xen phong phú đa dạng và mang tính quốc tế đó đã tạo nên sự phồn vinh của Hội An trong gần 2 thế kỷ. 

3. Dinh trấn Thanh Chiêm là một trong những cái nôi đầu tiên quan trọng nhất sáng tạo ra chữ Quốc ngữ 

Trong các thế kỷ XVII - XVIII, thông qua các hoạt động kinh tế, nhất là hoạt động mậu dịch hàng hải ở cảng thị Hội An, xứ Quảng có điều kiện giao lưu rộng rãi với các nước trong khu vực và phương Tây trên nhiều lĩnh vực. Về văn hóa, Hội An là một trung tâm giao tiếp văn hóa của các địa phương, các tộc người trong nước, với nhiều nền văn hóa nước ngoài... là cửa ngõ đón nhận một số ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Hoạt động truyền giáo của các giáo sĩ phương Tây trong các thế kỷ XVII - XVIII, trong đó một số người đã học thành thạo tiếng Việt và là tác giả của một số tác phẩm nổi tiếng như: Từ điển Việt - Bồ (Gaspar de Amaral); Từ điển Bồ - Việt (Antonio Barbosa); Từ điển Việt - Bồ - Latinh (A. de Rhodes) cùng hồi ký và sách miêu tả về đất nước, xã hội, con người, văn hóa xứ Đàng Trong đương thời. Đó là cơ sở và quá trình hình thành chữ Quốc ngữ mà thực chất là thành quả của quan hệ giao lưu văn hóa Việt Nam với phương Tây, cụ thể là sự du nhập hệ thống chữ cái Latinh do các giáo sĩ phương Tây đưa vào để phiên âm tiếng Việt phục vụ nhu cầu học tiếng Việt và giảng đạo của họ. Chữ Quốc ngữ còn tiếp tục quá trình cải tiến sửa đổi để tiến tới chữ Quốc ngữ hiện nay mà càng về sau người Việt càng giữ vai trò quyết định.13 

Có thể khẳng định: Một trong những thành tựu của quá trình giao lưu kinh tế, văn hóa là sự ra đời của chữ Quốc ngữ theo mẫu tự Latinh ngay trên mảnh đất Quảng Nam. Đây được coi là sự kiện văn hóa tiêu biểu nhất ở xứ Đàng Trong trong nửa đầu thế kỷ XVII. Trước đây giới nghiên cứu thường căn cứ vào năm 1651, là năm giáo sĩ Alexandre de Rhodes công bố tại Roma các tác phẩm Phép giảng tám ngày (một quyển giảng kinh bằng tiếng Latinh), tác phẩm Mô tả ngắn gọn về ngôn ngữ An Nam hay Đàng Ngoài và cuốn Từ điển Việt - Bồ - Latinh là mốc xuất hiện chữ Quốc ngữ và coi A. de Rhodes là người đi đầu trong việc tạo ra chữ Quốc ngữ. Thực ra, sự sáng tạo ra chữ Quốc ngữ là một quá trình lâu dài, là công sức của nhiều người và trước hết là vì mục đích tôn giáo. Người đi tiên phong trong quá trình này là giáo sĩ Francisco de Pina. 

Giáo sĩ Francisco de Pina đến Đàng Trong năm 1617. Trong quá trình tiếp xúc với người bản xứ, ông bắt đầu học tiếng Việt. Việc học tiếng của ông tỏ ra thuận lợi nhờ sự giúp đỡ của rất nhiều người. 

Thời gian lưu lại ở Đàng Trong, Pina đã nhiều lần qua lại Hội An và Thanh Chiêm để tìm tiếng nói chuẩn của Quảng Nam. Ông nhận thấy tiếng nói ở dinh trấn Thanh Chiêm là hay nhất và đối với việc nghiên cứu tiếng nói thì “Kẻ Chiêm (tức Thanh Chiêm) vẫn là nơi tốt nhất với tư cách là trung tâm của triều đình. Ở đây người ta nói rất hay, có sự đổ dồn những người trẻ tuổi đến mà họ là những sĩ tử và bên cạnh họ, những ai bắt đầu học tiếng có thể tìm thấy mọi sự giúp đỡ”. 

Chỉ trong một thời gian ngắn (khoảng 4, 5 tháng), Pina đã có thể giảng đạo bằng tiếng Việt. Năm 1621, Pina cùng với giáo sĩ Cristoforo Borri biên soạn một cuốn sách kinh nghĩa bằng tiếng Nam (tiếng Nôm). Năm 1623, trong một bức thư gửi Cha bề trên ở Roma là Jeronioro Rodrigue, Pina cho biết: “... Về phần tôi, tôi đã biên soạn một chuyên luận về chính tả và những âm thanh của ngôn ngữ này (tiếng Việt) và đang bắt tay làm cuốn ngữ pháp...” 

Năm 1625, Pina về ở Thanh Chiêm trong một ngôi giáo đường mới được xây cất gần dinh trấn. Tại đây, ông đã truyền thụ tiếng Việt cho hai người học trò và cũng là cấp dưới của ông: A. de Rhoes và A. de Fontes. Năm 1651, trong "Lời nói đầu" cuốn Từ điển Việt - Bồ - Latinh, A. de Rhodes cho biết: “Tuy nhiên trong công việc này, ngoài những điều mà tôi đã học được nhờ chính người bản xứ trong suốt gần 20 năm thời gian tôi lưu trú tại Đàng Trong và Đàng Ngoài thì ngay từ đầu tôi đã học với cha Pina người Bồ Đào Nha thuộc Hội dòng Giê-su rất nhỏ bé của chúng tôi là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng ngôn ngữ đó mà không dùng thông ngôn...”. 

Gần đây, TS. Rolland Jacques trong tác phẩm “Công trình của một số nhà tiên phong Bồ Đào Nha trong lĩnh vực ngôn ngữ học Việt Nam cho đến năm 1650” phát hành tại Paris năm 1995 đã khẳng định: “chính ngữ âm Bồ Đào Nha được dùng làm công cụ phân tích và tham cứu chủ yếu đầu tiên tạo ra chữ Quốc ngữ”. 

Trước khi A. de Rhodes công bố tác phẩm Từ điển Việt - Bồ - Latinh và một số công trình khác ở Roma năm 1651, thì ngoài chuyên luận về chính tả của Pina (hoàn thành năm 1623) còn có 2 tác phẩm khác đã ra đời. Đó là quyển Từ điển Bồ - Việt của Gaspar de Amaral (biên soạn khoảng năm 1636 - 1645) và Từ điển Việt - Bồ của Atonio Barbosa (biên soạn trước năm 1642). 

Các công trình của A. de Rhodes công bố sau này có sự tham bác các công trình vừa kể trên. Chính A.de Rhodes đã thừa nhận: “... Tôi cũng sử dụng công trình của nhiều cha khác trong cùng một Hội dòng, nhất là của cha Gaspar de Amaral và cha Atonio Barbosa...”. Tác phẩm của A. de Rhodes về căn bản vẫn dựa trên cơ sở tiếng Bồ Đào Nha rồi thêm vào tiếng Latinh, hoàn chỉnh theo ký hiệu tự dạng mẫu tự Latinh. Đây là cống hiến to lớn của A. de Rhodes trong việc hình thành nên chữ Quốc ngữ, nhưng người đặt nền móng cho sự ra đời của chữ Quốc ngữ chính là Francisco de Pina. Chữ Quốc ngữ ra đời trước hết xuất phát từ mục đích tôn giáo, là công cụ ngôn ngữ để các giáo sĩ truyền đạo Thiên Chúa vào nước ta một cách dễ dàng hơn. 

Chữ Quốc ngữ được dùng viết thành sách và in ra đầu tiên từ A. de Rhodes chủ yếu dùng cho các giáo sĩ. Qua nhiều lần bổ chính sửa chữa, đến thế kỷ XIX, chữ Quốc ngữ mới có được hình thức như ngày nay. Trong quá trình đó, người Việt đóng góp một phần trí tuệ không nhỏ. Trong công trình nghiên cứu của mình, TS. Rolland Jacques nhận định: “Sự sáng tạo ra chữ Quốc ngữ không phải là công trình của phòng thí nghiệm mà có rất nhiều người Việt Nam dấn thân vào với một nhiệt tình nào đó trong hành động”. 

Trong quá trình khai sinh, phát triển và hoàn thiện chữ Quốc ngữ, con người và mảnh đất Quảng Nam đóng một vai trò quan trọng. Dinh trấn Thanh Chiêm, Hội An là những chiếc nôi đầu tiên sinh thành nên chữ viết của nhân dân ta ngày nay. 

Chú thích: 

1, 2, 3, 9, 11 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập I, (Hà Nội: Giáo dục, 2007), 35-36, 37, 38-39, 170, 165. 

4. Dương Văn An, Ô châu cận lục, (Hà Nội: Khoa học Xã hội, 1997), 48-49. 

5, 8, 12 Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, (Hà Nội: Khoa học Xã hội, 1964), 252, 256, 257. 

6, 10 C. Borri, Relation de la nouvelle Mission des pères de la Compagnie de Jesus Royaume de la Conchinchine, (BAVH, 1931), 300. 

7. H. Cordier, Voyage de Pierre Poivre en Cochinchine, description de la Cochinchine, (REO, T. III, 1887). 

13. Phan Huy Lê, “Hội An - Di sản văn hóa thế giới”, Nghiên cứu lịch sử, Số 4/2004.
CÁC YẾU TỐ ĐỊA CHÍNH TRỊ TẠO ĐIỀU KIỆN 
ĐỂ DINH TRẤN THANH CHIÊM TRỞ THÀNH 
MỘT TRONG NHỮNG CHIẾC NÔI CỦA CHỮ QUỐC NGỮ?

Bùi Văn Tiếng

Khi nói Thanh Chiêm từng là một trong những chiếc nôi của chữ Quốc ngữ, rõ ràng chúng ta đã nhận thức rằng chữ Quốc ngữ không chỉ có duy nhất một chiếc nôi. Cùng nằm trên địa bàn dinh Quảng Nam ngày ấy, ngoài Thanh Chiêm còn có một số nơi khác cũng được xem là chiếc nôi của chữ Quốc ngữ như: Hội An và Nước Mặn. Đương nhiên cũng không nên có tư tưởng cào bằng, bởi trong buổi đầu hình thành chữ Quốc ngữ, có thể thấy vai trò của Thanh Chiêm nổi bật hơn cả. Đó là nhờ các yếu tố địa chính trị riêng có của Thanh Chiêm - với tư cách là một phủ chúa thứ hai/một trung tâm quyền lực chính trị không chỉ của dinh Quảng Nam mà còn của cả Đàng Trong. 

Tham luận này đi sâu phân tích các yếu tố địa chính trị đã tạo điều kiện để Thanh Chiêm trở thành một chiếc nôi quan trọng của chữ Quốc ngữ. 

1. Dinh trấn Thanh Chiêm - trung tâm quyền lực chính trị của dinh Quảng Nam và của Đàng Trong 

Trung tâm quyền lực cao nhất của Đàng Trong đầu thế kỷ XVII nằm ở dinh Ái Tử/dinh Cát/phủ chúa - nơi làm việc của chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Tuy nhiên, do xu hướng ly khai với Thăng Long/Đàng Ngoài ngày càng rõ và khó đảo ngược, sau khi đích thân đi thăm Quảng Nam vào năm 1602, Nguyễn Hoàng chủ trương hướng mạnh về phương Nam, và ngay từ thập niên đầu của thế kỷ XVII đã chủ động triển khai ý tưởng “quảng-nam-mở-cõi” của Lê Thánh Tông thông qua việc điều chỉnh địa giới hành chính giữa dinh Thuận Hóa và dinh Quảng Nam: Năm 1604, chúa Tiên cho lập phủ Điện Bàn trên cơ sở chia tách huyện Điện Bàn - vùng đất của phủ Triệu Phong từ phía nam đèo Hải Vân đến bờ bắc sông Thu Bồn đang trực thuộc dinh Thuận Hóa - và giao trực thuộc dinh Quảng Nam. Chưa dừng ở đó, chúa Tiên còn cho nâng cấp dinh Quảng Nam bằng cách hợp nhất phủ Điện Bàn mới lập với ba phủ vốn có của dinh Quảng Nam là phủ Thăng Hoa, phủ Tư Nghĩa và phủ Hoài Nhơn, phân quyền mạnh hơn cho con trai là Trấn thủ Nguyễn Phước (Phúc) Nguyên. Và, cũng trong năm 1604, chúa cho xây dựng thủ phủ dinh Quảng Nam mới - dinh trấn Quảng Nam - ở Thanh Chiêm, bên bờ bắc sông Thu Bồn. 

Tại sao phải xây dựng thủ phủ của dinh Quảng Nam mới ở Thanh Chiêm? Đó là vì khi không thể bỏ ngõ tuyến phòng thủ phía Bắc, không thể dời phủ chúa vào Quảng Nam, Nguyễn Hoàng chấp nhận phương án hai cực, nhưng muốn thu ngắn khoảng cách của trung tâm quyền lực chính trị ở phía Nam với trung tâm quyền lực ở dinh Ái Tử/dinh Cát - thời buổi thông tin liên lạc và giao thông vận tải còn chưa thuận lợi, việc thu ngắn khoảng cách như vậy cũng rất cần thiết. Trong tư duy chính trị của chúa Tiên, dinh Quảng Nam phải trở thành nơi đào tạo “cán bộ” cấp chiến lược cho Đàng Trong - người đứng đầu dinh Quảng Nam phải là một thế tử được quy hoạch cho ngôi chúa, và ngược lại ngôi chúa trong tương lai chỉ có thể trao truyền cho người đã kinh bang tế thế thành công ở dinh Quảng Nam. Chính vì thế, dinh trấn Thanh Chiêm/ Dinh Chiêm - nằm ở vị trí không quá gần cũng không quá xa Ái Tử để hai bên có thể dễ dàng hỗ trợ cho nhau trong phát triển - được xem là phương án lựa chọn tối ưu. 

Trong buổi đầu hình thành chữ Quốc ngữ, đương nhiên không thể không đề cập về vai trò của thương cảng Nước Mặn và của Khám lý phủ Hoài Nhơn/Quy Nhơn Trần Đức Hòa. Thế nhưng, nhìn từ góc độ quyền lực chính trị thì thực ra thương cảng Nước Mặn cũng là sản phẩm của tư duy mở về ngoại thương, đồng thời là sản phẩm của tư duy mở về tôn giáo ngoại lai đương thời ở Đàng Trong/dinh Quảng Nam. Rồi cách hành xử hào hiệp của Khám lý phủ Hoài Nhơn/Quy Nhơn Trần Đức Hòa - một quan chức cấp phủ người Bình Định rất thân cận với chúa Tiên Nguyễn Hoàng và chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên, suy đến cùng cũng xuất phát từ sự quán triệt sâu sắc chính sách khoan dung về văn hóa của các chúa Nguyễn và quan trọng hơn là sự thực thi kịp thời đúng lúc chính sách ấy khi Nguyễn Phước Nguyên - đã kế vị Nguyễn Hoàng trở thành chúa Sãi từ năm 1613 - vì đại cuộc an dân mà buộc phải hạ lệnh tạm thời trục xuất các giáo sĩ Dòng Tên khỏi phủ Điện Bàn. Nói khác đi, thương cảng Nước Mặn hay Khám lý phủ Hoài Nhơn/Quy Nhơn Trần Đức Hòa đều nằm trong quỹ đạo quyền lực chính trị và chính sách đối ngoại nhất quán của dinh trấn Thanh Chiêm. 

2. Dinh trấn Thanh Chiêm - địa bàn phù hợp với tư duy mở của Đàng Trong 

Như đã nêu trên, trong tiến trình Quảng Nam mở cõi, chúa Tiên nói riêng, các chúa Nguyễn nói chung đều thực hiện chính sách mở cửa thông thoáng trên nhiều lĩnh vực, nhất là hai lĩnh vực có liên quan đến yếu tố nước ngoài là ngoại thương và tôn giáo ngoại lai. Đặc biệt, với cương vị Trấn thủ dinh Quảng Nam, Nguyễn Phước Nguyên đã rất thành công trong việc thu hút thương nhân nước ngoài đến buôn bán, hình thành được những thương cảng quốc tế sôi động ở dinh Quảng Nam như Đà Nẵng - Hội An ở phủ Điện Bàn hay Nước Mặn ở phủ Hoài Nhơn. Ngồi tại dinh trấn Thanh Chiêm - một vị trí rất gần thương cảng Hội An, Nguyễn Phước Nguyên hoàn toàn có thể yên tâm theo dõi sát sao quá trình thí điểm mô hình tự quản tại Phố Nhật và Phố Tàu, cũng như toàn bộ hoạt động nhập khẩu/xuất khẩu của các thương thuyền ngoại quốc ở thương cảng này. Cho nên, dinh trấn Thanh Chiêm được xem là địa bàn phù hợp với tư duy mở về kinh tế ở Đàng Trong. 

Theo Lê Thành Khôi trong sách Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, ngày 18.1.1615, hai tu sĩ Dòng Tên: Francesco Buzomi (người Ý), Diego Carvalho (người Bồ Đào Nha) tới Đà Nẵng1 ; còn Đỗ Quang Chính trong cuốn Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 - 1659, thì lại cho rằng có ba nhà truyền giáo thuộc Dòng Tên: Francesco Buzomi (người Ý), Diego Carvalho và Antonio Dias (người Bồ Đào Nha) từ Macau/ Áo Môn đến Cửa Hàn2 vào ngày 18.1.1615. Các thừa sai này từ Cửa Hàn đến Hội An và lên tận Thanh Chiêm để làm mục vụ và truyền giáo. Họ làm nhà thờ và nhà ở tại Cửa Hàn nhưng chưa thành lập cư sở/residentia theo Hiến pháp của Dòng. Và “biến cố Cửa Hàn” năm 1617 - nhà thờ Cửa Hàn và nhà ở của các thừa sai bị dân chúng địa phương đốt sạch - đã đưa các thừa sai đến gần hơn với Nước Mặn để được sự bảo hộ trực tiếp của Khám lý phủ Hoài Nhơn/Quy Nhơn Trần Đức Hòa, và sau đó vài năm đến gần hơn với Thanh Chiêm - khi thời tiết chính trị ở phủ Điện Bàn đang ấm lại đối với đạo Thiên Chúa. 

Việc truyền giáo của các thừa sai Dòng Tên ở thời điểm 1617 phát sinh hai đòi hỏi mới: trước mắt phải học cho được tiếng Việt để có thể trực tiếp giảng đạo bằng ngôn ngữ bản địa và về lâu dài phải chế tác cho được một thứ chữ viết thuận lợi hơn chữ Hán và chữ Nôm với mục đích ban đầu “là giúp người ngoại quốc học tiếng Việt chứ không phải là phổ biến chữ Quốc ngữ cho người Việt”3 , đồng thời cũng nhằm phổ cập kinh bổn trong giáo dân bản xứ, mặc dù có khả năng “các giáo sĩ không có ý đồ dùng chữ Quốc ngữ thay chữ Nôm - thực tế là sau khi có chữ Quốc ngữ, đến suốt thế kỷ XIX, chữ Nôm và cả chữ Hán vẫn tiếp tục được dùng trong giáo hội ở Việt Nam”.4 Người có công đầu với Giáo hội Thiên Chúa giáo trong việc đáp ứng cả hai đòi hỏi này là Francisco de Pina (sinh năm 1585, tại thành phố Guarda, thuộc vùng Beira Alta của Bồ Đào Nha), đến Đàng Trong ngay sau “biến cố Cửa Hàn” năm 1617. 

Francisco de Pina đã học tiếng Việt và trở thành giáo sĩ đầu tiên giảng đạo cho tín đồ bản địa mà không cần phiên dịch. Francisco de Pina cũng đã dạy tiếng Việt cho một số giáo sĩ khác, chẳng hạn cho Alexandre de Rhodes (người Pháp), Antonio de Fonte người (Bồ Đào Nha), hay Girolarmo Majorica (người Ý)... mới được cử đến Thanh Chiêm vào cuối năm 1624. Sau này, trong lời tựa cuốn Từ điển Annam-Bồ-Latinh/ Dictionarium Annamiticum Lusitanum e Latinhum xuất bản năm 1651, Alexandre de Rhodes công khai thừa nhận vai trò số một của Francisco de Pina trong việc Latinh hóa tiếng Việt, khẳng định Francisco de Pina là “người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường thứ tiếng này, và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn”. Cũng chính tại Thanh Chiêm, Francisco de Pina đã biên soạn tài liệu về Phương pháp Latinh hóa tiếng Việt và cuốn Ngữ pháp tiếng Việt, đã lập trường đào tạo phiên dịch tiếng Bồ Đào Nha chủ yếu phục vụ hoạt động truyền giáo. Sở dĩ Francisco de Pina chọn Thanh Chiêm - chứ không phải Hội An - làm chiếc nôi chính của chữ Quốc ngữ là vì môi trường giao lưu văn hóa đa ngôn ngữ như Hội An không thật phù hợp với yêu cầu Latinh hóa tiếng Việt so với môi trường ngôn ngữ bản địa thuần nhất ở Thanh Chiêm. Đương nhiên, Francisco de Pina còn xuất phát từ một mục vụ quan trọng mà bản thân Francisco de Pina có trách nhiệm phải hoàn thành: xây dựng cư sở/residentia Thanh Chiêm trong năm 1623 và trực tiếp phụ trách cư sở/residentia này. Ưu thế của Francisco de Pina so với các giáo sĩ Dòng Tên khác đương thời ở Đàng Trong là thành thạo tiếng Nhật, do vậy với sự trợ giúp hữu hiệu của một số giáo sĩ/giáo dân người Nhật ở Hội An, Francisco de Pina có thể tận dụng kinh nghiệm Latinh hóa tiếng Nhật hồi cuối thế kỷ XVI của chính các giáo sĩ Dòng Tên - cũng xin nói thêm rằng việc Latinh hóa tiếng Nhật và cả tiếng Hoa chỉ thành công trên lý thuyết, còn sau đó vì không được người Nhật và người Trung Quốc đón nhận nên rốt cuộc cũng chỉ có thể lặng lẽ ngàn năm trong thư tịch cổ ở các bảo tàng. 

Trong thư viết từ Thanh Chiêm vào đầu năm 1623 gửi về Lisbonne tường trình về việc truyền giáo và đặc biệt là việc Latinh hóa tiếng Việt ở dinh trấn này, Francisco de Pina khẳng định: “Về việc học ngôn ngữ, thì Dinh Chiêm là nơi tốt nhất, vì dinh trấn thủ đóng nơi này; người ta nói năng rất chuẩn và có nhiều thanh niên học trò quy tụ về, nên những ai bắt đầu học ngôn ngữ thì tìm được sự giúp đỡ nơi các học trò ấy... Ngôn ngữ này có cung điệu giống như cung nhạc, cần phải biết xướng thanh đúng điệu trước đã, sau mới học các âm qua bảng chữ cái... Về phần tôi, tôi đã soạn một tập nhỏ về chữ viết và các thanh của ngôn ngữ này; tôi hiện đang bắt tay vào học ngữ pháp...”.5 Như vậy, Francisco de Pina công khai thừa nhận đóng góp của một số trí thức người Việt vào quá trình gầy dựng chữ Quốc ngữ buổi sơ khai, đồng thời khẳng định: chính vai trò trung tâm quyền lực - yếu tố địa chính trị hàng đầu - đã tạo điều kiện về môi trường văn hóa để dinh trấn Thanh Chiêm trở thành một chiếc nôi quan trọng của chữ Quốc ngữ.

Chú thích: 

1. Lê Thành Khôi, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, (Hà Nội: Thế giới, 2014), 335. 

2. Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ 1620 - 1659, (Sài Gòn: Đuốc Sáng, 1972), 24. 

3. GS.TS. Nguyễn Thiện Giáp, Báo cáo đề dẫn “Một số vấn đề về chữ Quốc ngữ”, Hội thảo quốc gia Chữ Quốc ngữ: sự hình thành, phát triển và những đóng góp vào văn hóa Việt Nam, Tháng 10.2015. 

4. Hoàng Tuệ, “Về sự sáng chế chữ Quốc ngữ”, Ngôn ngữ, Số 4 (1994), 20-24; Viện Ngôn ngữ, Hoàng Tuệ tuyển tập, (Hà Nội: Giáo dục, 2009), 214. 

5. Dẫn theo: Trần Duy Nhiên, “Công cuộc truyền giáo tại Quảng Nam năm 1632, Roland Jacques”, Công giáo và Dân tộc, Số 90, Tháng 6.2002, 95-105..
THANH CHIÊM - NƠI KHAI SINH CHỮ QUỐC NGỮ?

Châu Yến Loan

Hơn hai thế kỷ tồn tại trên đất Thanh Chiêm, huyện Điện Bàn, dinh trấn Quảng Nam không những đã giữ một vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và mở mang đất nước của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong mà còn vinh dự là nơi khai sinh ra chữ Quốc ngữ - một công cụ vô cùng quý giá cho chúng ta sử dụng và hội nhập với thế giới ngày nay. 

Chữ Quốc ngữ dùng mẫu tự Latinh để ghi âm tiếng Việt, ra đời vào đầu thế kỷ XVII, là công trình của nhiều giáo sĩ Tây phương. Người tiên phong sáng tạo ra thứ chữ này là Francisco de Pina và những người Việt Nam cộng tác với ông. 

“Francisco de Pina là người Bồ Đào Nha, sinh ở thành Guarda vào năm 1585 hay 1586”.1 Năm 19 tuổi, ông trở thành thầy tu Dòng Tên. Từ năm 1611 đến 1617, Pina theo học ngành Khoa học Xã hội và Thần học ở Ma Cao (Áo Môn). 

Những linh mục được đào tạo ở Học viện Ma Cao là để chuẩn bị đưa vào Nhật Bản truyền giáo. Nhưng từ năm 1614 có chuyện không hay xảy ra, Hoàng đế Nhật Bản ra lệnh trục xuất các thừa sai ngoại quốc, mở đầu cuộc bách hại đẫm máu kéo dài gần nửa thế kỷ. Ấy là do “để tranh thương với người Bồ và đồng thời làm cản trở hoạt động truyền giáo của giáo hội Công giáo, những lái buôn Hà Lan, theo Thệ Phản giáo, đã tìm cách ảnh hưởng Hoàng đế Nhật, gây nghi ngờ hoang mang để rồi xúi giục cấm đạo. Họ làm cho Hoàng đế Nhật tin rằng các cố đạo là tay sai của đế quốc Bồ. Nấp dưới danh nghĩa truyền giáo, các cố đạo do thám và tổ chức nội công cho việc thôn tính nước Nhật của Hoàng đế Bồ nay mai”.2 

“Một số giáo dân Nhật, để có thể bảo toàn đức tin, vịn cớ buôn bán để xin xuất ngoại. Họ tản mác đến các khu cảng vùng Đông Nam Á, họp thành những họ đạo nhỏ. Không thể truyền giáo cho người Nhật ở trong nước, một số thừa sai ở Nhật bị trục xuất trước đây cũng theo họ đến ở những nơi đó. Tại cửa Hội An cũng có một số giáo dân đến trú ngụ buôn bán. Họ trông đợi một thừa sai đến sống với họ”.3 

Pina sau những năm học tập ở Ma Cao, các bề trên của ông đã sắp đặt để đưa ông tới Nhật, nhưng ông không thể đến đó như dự kiến. Do yêu cầu tăng cường các giáo sĩ trẻ có khả năng học tiếng bản địa, Pina được cử đến Đàng Trong. Ông cập bến Đà Nẵng đầu năm 1617, sau đó vào Hội An ở tại nhà các giáo dân Nhật Bản để truyền đạo. Giữa năm 1618, do bị thiên tai hạn hán, chúa Nguyễn đổ tội cho các giáo sĩ Dòng Tên và trục xuất họ, ông cùng Francesco Buzomi và Cristoforo Borri được quan trấn thủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa đón vào Nước Mặn (Bình Định). Pina sinh sống tại đó ít lâu, sau được chuyển về giúp đỡ Nhật kiều Công giáo tại Hội An. Nhận thấy người Việt sốt sắng đón nhận Thiên Chúa, linh mục Pina quyết định chuyên tâm giúp đỡ người Việt. Khoảng năm 1621, linh mục đến ở hẳn tại Thanh Chiêm, mua nhà và học tiếng Việt. Trong thư gửi cho Khâm mạng Jeronimo Rodriguez Senior ở Ma Cao đầu năm 1623, Pina viết: “Năm vừa qua, con đã viết để báo cáo với cha, thưa cha kính mến, rằng con đã mua hai cái nhà của mẹ Jeanne ở Kẻ Chàm. Mỗi nhà có ba gian, một nhà làm nơi ở, nhà kia làm tiểu giáo đường. Mục đích của con là: chúng ta có cái gì đó cho chúng ta ở nơi đặc biệt quan trọng của vương quốc này để chúng ta có thể làm lễ Mixa ở đó, tiếp tục gieo trồng và làm cho nhóm Công giáo ở đây tăng trưởng lên”.4 

Năm 1625, trú sở Thanh Chiêm được thành lập, giáo sĩ Francisco de Pina được cử làm Cha bề trên cai quản nơi đó cho đến lúc qua đời trong một tai nạn xảy ra ở vịnh Đà Nẵng vào ngày 16.12.1625 theo Roland Jacques; còn theo Alexandre de Rhodes, thì Pina mất ở ngoài khơi cửa biển Hội An. 

Đến Việt Nam từ năm 1617, Pina đã tự nguyện lao vào việc nghiên cứu chữ Quốc ngữ và xứng đáng là nhà tiên phong đặt nền móng cho việc sáng chế chữ Quốc ngữ. Ở thời điểm đó ông là người duy nhất miệt mài nghiên cứu, một mình khai hoang một lĩnh vực mới mẻ để hoàn thiện một loại chữ viết lợi ích cho muôn đời sau. Về sự tiên phong trong việc ghi âm tiếng Việt, Pina có sẵn mô hình đã được hoàn thiện tiếng Romaji của Nhật Bản, dựa trên ngữ âm và các quy ước viết của tiếng Bồ. Theo Roland Jacques: “Chính ngữ âm tiếng Bồ đã làm công cụ phân tích và quy chiếu cho tiếng Việt”.5 Trước đó gần thế kỷ, các giáo sĩ Dòng Tên đã có những công trình nghiên cứu tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc và đã xuất bản các cuốn từ điển và ngữ pháp có phiên âm sang tiếng Latinh chứ không riêng gì ở Việt Nam. Chính Pina đã được rèn luyện một số kỹ thuật chủ yếu và ông đã dựa vào kinh nghiệm cũng như phương pháp của các công trình nghiên cứu ngôn ngữ phương Đông trước đó để thực hiện công việc nghiên cứu chữ Quốc ngữ của mình với mục đích đào tạo cho những đồng huynh trẻ hơn sử dụng tốt ngôn ngữ tiếng Việt. 

Lúc bấy giờ ở khu truyền giáo Đàng Trong, các giáo sĩ đã thiết lập được hai trú sở, một ở Hội An và một ở Nước Mặn (Bình Định), nhưng Cha bề trên cai quản các trú sở này lại không nói được tiếng Việt “tiếng như âm nhạc, nghe như chim hót”, phát âm có nhiều nhầm lẫn buồn cười khiến bổn đạo ngỡ ngàng không hiểu nói gì. Khi giảng đạo các giáo sĩ phải dùng người phiên dịch nên hiệu quả không cao vì không thể đi sâu vào lòng người như khi dùng ngôn ngữ bản xứ để trực tiếp đối thoại có sinh khí hơn. Vì vậy các giáo sĩ trẻ phải gấp rút học tiếng Việt. Thường thì họ học rất nhanh, chỉ trong vòng 4 tháng là có thể giao tiếp được, nhưng muốn thông thạo thì phải mất thời gian khá lâu. Vì thế mà đến năm 1621, Gaspar Luis mới thở phào nhẹ nhõm viết trong báo cáo: “Chúng tôi bắt đầu hái được kết quả chúng tôi mong ước trong việc thông thạo ngôn ngữ chúng tôi đã học trong mấy năm trước [Nguyễn Khắc Xuyên, Để hiểu lịch sử đạo Thiên Chúa ở Việt Nam đầu thế kỷ XVII, (Ánh Sáng xuất bản, 1994), 7]. 

Pina phải gấp rút học tiếng Việt với một nỗ lực phi thường để có thể đảm đương mọi công việc nặng nề của giáo hội. Ông phải đi giảng đạo, phải tiếp khách, phải đàm thoại chỗ này chỗ nọ, phải thăm giáo dân ở gần cũng như ở xa để hiểu rõ hoàn cảnh của họ. Tất cả những việc bề bộn đó Pina phải làm một mình không có ai giúp đỡ cho ông. “Với con trong giáo khu này, con không nhởn nhơ giữa việc học nói và việc giảng đạo. Đơn giản là con không có ai đỡ việc cho chút ít, chính con phải đi giảng đạo, phải ra gặp người đến và người đi, phải đàm thoại chỗ này chỗ nọ, chính con phải thăm giáo dân, người ở gần cũng như người ở xa, biết bệnh tật của họ, biết biến cố may hay rủi của đời họ. Khi có việc gì xảy ra nếu con không đến thì cũng không có ai đến. Các thông điệp quan trọng gửi đến giáo chức hàng nào đó, không có ai mang đi cho, và như vậy cho đến tận ngày nay, chính con là người gánh vác tất cả các công việc đó trên lưng”.6 

Ông đã nhanh chóng vượt qua rào cản ngôn ngữ, chẳng bao lâu đã nói thông thạo tiếng Việt, tự mình có thể truyền giáo không cần người thông dịch, trong khi những đồng huynh của ông như Buzomi, Fernandez không được cái may mắn đó, họ rất lúng túng khi phát âm tiếng bản xứ, có nhiều chuyện nhầm lẫn tức cười khi họ nói tiếng Việt. Chẳng hạn khi họ muốn mua cá thì lại phát âm là cà, họ nói với bà người làm “mua cho tôi một rổ cá” nhưng phát âm không chuẩn thành ra bà người làm ra chợ mang về cho cha một rổ cà. Họ bảo người làm vườn đi chặt tre thành đi chặt trẻ khiến trẻ con nghe hoảng đâm đầu chạy trốn. 

Pina là nhà khoa học, ông học tiếng Việt theo phương pháp khoa học, ông nghiên cứu ngữ âm, ngữ pháp tiếng bản xứ, hiểu được các ngõ ngách của nó, cho nên không những ông nắm bắt vững chắc cách phát âm, cách dùng từ của ngôn ngữ mới, mà cao hơn, quan thiết hơn là ông đã sáng tạo ra cách ghi âm tiếng Việt theo chữ Bồ Đào Nha, mà sau này nhiều người đã đóng góp cải thiện thành chữ Quốc ngữ ghi theo mẫu tự Latinh. 

Pina phát hiện tiếng Việt có thanh điệu như một bản xướng âm, cần phải biết xướng âm trước đã sau đó mới học các chữ. Không nắm được cốt lõi này thì không thể học được tiếng Việt. Chính vì không phân biệt được các thanh và dấu thanh nên linh mục Manoel Fernandez - Cha bề trên của trú sở Hội An - dầu rất cố gắng học nói tiếng Việt, luyện cách phát âm ròng rã một năm mà cha cứ nhầm lẫn giữa “cà” và “cá”, không nói được gì ngoài mấy chữ “chẳng phải, ông phải”. Cha đã thất vọng vì sự hiểu biết quá ít ỏi về tiếng Việt không đủ để bắt đầu giảng đạo. Mặc dầu cha đã nhờ một người Việt tên là André làm thông ngôn nhắc lại hai lần một ngày nhưng cha vẫn không biết nó là thanh nào hay dấu là đúng hay sai. 

Trước tiên Pina sử dụng ngôn ngữ làm công cụ giao tiếp với những người Việt Nam mới theo đạo Cơ Đốc, hay những người quan tâm đến một học thuyết mới. Để giảng đạo, để thuyết phục, để đảm bảo việc dạy dỗ trẻ con, cần có khả năng sử dụng tiếng Việt thuần túy hơn, gần gũi với cách nói năng quen thuộc của quần chúng ít học nên ông phải dùng “ngôn ngữ nói” mộc mạc, bình dị để truyền đạt các khái niệm sơ cấp của Cơ Đốc giáo trong các thể thức của giáo lý Cơ Đốc và cầu nguyện cả về nói và viết. 

Năm 1618, Pina cùng với một thanh niên giáo dân người Việt có tên đạo là Phêrô lần đầu tiên dịch sang tiếng Việt kinh Lạy cha và các kinh căn bản khác trong Kitô giáo (Ave Maria, Credo, Mười điều răn), có thể xem là khởi đầu của công cuộc ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latinh. Đây là bản kinh Lạy cha được viết tay năm 1632 [trích từ sách Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam của Roland Jacques]. 

Trong bức thư, Pina cũng cho biết ông đã soạn xong một tiểu luận về chính tả, về các thanh điệu của tiếng Việt và đang nghiên cứu ngữ pháp. Ông đã tập hợp những truyện thuộc các loại khác nhau để cung cấp những trích dẫn của các tác giả nhằm củng cố nghĩa của từ và các quy tắc ngữ pháp. Ông phiên âm theo chữ Bồ Đào Nha sao cho người Bồ có thể đọc và học các từ đó thuộc lòng như học Cicéron và Virgile. Ông đã có ba tập, tập hợp các văn bản có phân tích trong các văn bản hay nhất ở vương quốc này. 

Thực hiện những công trình này, ngoài những cố gắng vượt bậc của ông còn có sự hỗ trợ của các nhà thông thái người bản xứ. Đó là các thanh niên giáo dân, các nho sĩ, nhà sư, các trưởng tôn phái, quan lại nghỉ hưu... họ là những cộng tác viên đắc lực của Pina trong công trình ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latinh. 

Làm được việc khó khăn này Pina xác nhận không đâu lý tưởng hơn Dinh Chiêm, cơ quan đầu não của xứ Quảng Nam, vì chỉ có nơi này mới quy tụ nhiều người học thức cần thiết cho công trình nghiên cứu tiếng bản xứ của ông. Mặc dù Hội An là nơi đô hội sầm uất nhưng chỉ có lợi cho công việc thương mại hơn là cho việc nghiên cứu ngôn ngữ. Người ta không thể tìm thấy đáp án cho vấn đề ở những thương nhân người Tàu, người Nhật mà chỉ có ở những văn nhân nơi thủ phủ. Trong bức thư gửi cho Khâm mạng Jeronimo Rodriguez Senior ở Ma Cao đầu năm 1623, ông viết: “Về vấn đề học ngôn ngữ thì luôn luôn ở Kẻ Chàm chính là nơi tốt nhất. Đây là kinh đô của triều đình. Ở đây người ta nói rất hay. Nhiều người trẻ quy tụ về đây. Họ là sinh viên (Nho sĩ). Gần họ những người mới bắt đầu học ngôn ngữ có thể được giúp đỡ”.7 

Tiếng nói ở Thanh Chiêm hay vì nơi đây quy tụ nhiều người trí thức, quan lại, nho sĩ và không có người ngoại quốc sinh sống nên tiếng nói thuần khiết khác với Hội An là thương cảng quốc tế có nhiều người nước ngoài lui tới và định cư nên tiếng Việt bị pha tạp nhất là “cách nói hổ lốn” khó nghe của những người Hoa ở phố Khách rất xa với tiếng nói chuẩn. Ông muốn học một ngôn ngữ thuần khiết và tránh ảnh hưởng của các hiện tượng ngôn ngữ lai tạp như ở Hội An. Điều này đòi hỏi xây dựng một vốn từ chính xác, thích đáng và một cú pháp chặt chẽ không khiếm khuyết. Để tạo điều kiện cho những người ngoại quốc nói tiếng Việt, các quy tắc tập hợp được trong quá trình sáng tạo ngữ pháp phải nói lên rằng các quy tắc đó đã được sử dụng bởi những tác giả đáng tin cậy. 

Pina mong muốn được những người thầy giỏi am hiểu văn học hướng dẫn cho ông nghiên cứu nhưng ông không có tiền để trả thù lao cho họ nên ông đã tìm sự giúp đỡ ở những ông thầy đạo, những người mà ông đánh giá cao về trình độ nói năng và tình bạn của họ. Ông viết: “Nếu con cũng có tiền trả công cho thầy dạy con học ngôn ngữ và văn chương thì ngày nay con đã là người thợ đầy đủ phẩm chất. Chỉ vì lý do này con không biết văn chương. Và đây là chỗ trống rất đáng tiếc. Về ngôn ngữ con đã tự mày mò học hỏi với nỗ lực của chính mình”.8 Bức thư bộc lộ niềm say mê ngôn ngữ Việt Nam mà Pina đã nỗ lực học hỏi và khát vọng khối văn học mà không cần trung gian. Ông đã rất tiếc vì không có điều kiện học chữ Nho để hiểu biết văn chương Việt Nam và xem đó là lỗ hổng trong kiến thức của mình. Ông phiên âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latinh và soạn thảo ngữ pháp là để tạo điều kiện cho những người châu Âu mới đến học tiếng Việt Nam không phải vất vả tự mày mò như ông trước đây. 

Pina là người nói thạo tiếng Việt cho nên được giao làm Cha bề trên cai quản trú sở Thanh Chiêm. Trú sở này tuy được thành lập sau nhưng giữ một vai trò khá quan trọng vì ở ngay thủ phủ của dinh Quảng Nam được xem như triều đình thứ hai của xứ Đàng Trong do hoàng tử Nguyễn Phúc Kỳ, con cả của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên trấn thủ. Đây không chỉ là nơi đơn thuần chinh phục con chiên mà còn là nơi tranh thủ ngoại giao để tạo mọi điều kiện dễ dàng cho việc truyền giáo nên chỉ có Pina là thích hợp nhất để định cư ở nơi này. Không phải sau khi trú sở được thành lập Pina mới đến Thanh Chiêm mà trước đó ông gần như có mặt thường xuyên ở đây. 

Ở dinh trấn Thanh Chiêm, Pina đã thiết lập được mối quan hệ mật thiết với Hoàng tử Kỳ. Pina thường đến thăm quan trấn thủ, cũng có khi quan trấn thủ đến thăm Pina cùng với một số nho sĩ để nghe Pina giảng về giáo lý. Ở đây Pina cũng làm được nhiều việc lợi ích cho công cuộc truyền giáo vì đã chinh phục một số người quyền quý có thế giá ở trong dinh. Tại nhà một bà tên là Gioanna, Pina đã dạy giáo lý bằng tiếng bản xứ khiến người nghe có thể cảm nhận đích thực suối nguồn của đạo.10 

Gaspar Luis còn cho biết thêm, Pina được triều đình kính trọng là nhờ những hiểu biết về toán học và thiên văn của ông. Ông cũng đã nhận huấn luyện cho những nhà chiêm tinh của hoàng tử Kỳ thuật tính thiên văn. 

Pina quan tâm đến ngôn ngữ cũng như nền văn hóa mà ngôn ngữ này chuyển tải. Ông chọn Kẻ Chàm để học tập, nghiên cứu tiếng Việt vì ông muốn học một ngôn ngữ thuần khiết “Ở đây người ta nói rất hay” và tránh ảnh hưởng của các hiện tượng ngôn ngữ lai như đã xảy ra ở Hội An. Vì Hội An là trung tâm kinh tế, cư dân ở đây rất hỗn tạp, điều này giải thích hiện tượng pha tạp ngôn ngữ. Tiếng nói ở Hội An không đạt chất lượng, Francisco de Pina nghĩ rằng nơi này không thể là nơi học tiếng Việt được. [Roland Jacques, Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lãnh vực Việt ngữ học, (Hà Nội: Khoa học xã hội, 2007), 27]. 

Nhận xét của Pina được các công trình khoa học ngày nay khẳng định: tiếng nói ở các địa phương khác nhau hay cách nói hổ lốn ở “Phố Khách” đặc biệt rất xa với tiếng nói chuẩn [Đoàn Thiện Thuật, “Tiếng Hội An”; Hoàng Thị Châu, “Về một ngôn ngữ lai ở Hội An - Đà Nẵng vào thế kỷ 18”, Đô thị cổ Hội An, (Hà Nội: Khoa học xã hội, 1991), 151-159; 161-167]. 

Theo Nguyễn Đình Đầu, một địa điểm xa xôi được chọn làm trung tâm hành chính và trí thức vì nhiều lý do an ninh. Hội An/ Hoài Phố/ Faifo và Cửa Hàn/ Turão (Tourane)/ Đà Nẵng là các trung tâm kinh tế của tỉnh Quảng Nam, là các thành phố mở cửa, có nhiều người ngoại quốc đến đầu tiên. Những người này, trái lại, vắng mặt ở Kẻ Chàm/ Chiêm Dinh, mặc dù tên gọi như vậy nhưng là một thị trấn thuần túy Việt Nam, ở đây người ta nói thứ “ngôn ngữ đúng” như thư của Pina cho ta biết. [Nguyễn Đình Đầu, “Quá trình hình thành và phát triển phố cổ Hội An”, Đô thị cổ Hội An, (Hà Nội: Khoa học xã hội, 1991), 179-192]. Thanh Chiêm cách Hội An không xa lại là chốn kinh đô, nơi quy tụ đông đảo những người trí thức vì vậy muốn học hỏi và nghiên cứu tiếng Việt, Pina phải đến đó để nhờ sự giúp đỡ của các thầy đồ, các nho sinh, các vị sư sãi, họ là những nhân tố chính đã hỗ trợ cho ông trong công trình ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latinh. 

Cuối năm 1624, Alexandre de Rhodes được cử đến Đàng Trong, ông đã cùng giáo sĩ Antonio de Fontes về Thanh Chiêm để làm phụ giảng cho Pina, nhưng công việc khẩn thiết hơn hết là để học tiếng Việt với bậc thầy “giảng giáo lý không cần thông dịch”. Chính ông đã viết: “Ngay từ đầu tôi đã học tiếng Việt với cha F.de Pina, người Bồ Đào Nha, thuộc Hội dòng Giê-su rất nhỏ bé của chúng tôi, là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này và cũng là người thứ nhất bắt đầu thuyết giảng bằng ngôn ngữ đó mà không cần phiên dịch”.10 

Tại Thanh Chiêm ông được thừa hưởng tất cả những gì Pina đã sở hữu được về cách ghi âm tiếng Việt theo mẫu tự Latinh. Đến Thanh Chiêm trong thời điểm này, Rhodes khỏi phải trải qua thời kỳ dò dẫm buổi ban đầu, mọi sự khó khăn để vật lộn với ngôn ngữ bản xứ đã qua được 4 năm kể từ mốc giới năm 1621 khi Gaspar Luis đã reo vui trong bản báo cáo “chúng tôi đã hái được kết quả.” A.de Rhodes đã có sẵn công cụ để học tiếng Việt: chữ Quốc ngữ do Pina chế tác. 

Với hai người học trò có tầm cỡ, mà một người sau này rất được xưng tụng trong lĩnh vực Việt ngữ học là A.de Rhodes, Thanh Chiêm có vinh dự là trường dạy chữ Quốc ngữ đầu tiên của cả nước, là nơi quy tụ những nhà tiên phong khai sinh chữ Quốc ngữ. 

Tại Thanh Chiêm, Pina còn sáng lập một trường dạy ngôn ngữ phương Tây đầu tiên ở nước ta, nơi đó ông đã đào luyện những người Việt Nam học tiếng Bồ Đào Nha để làm thông dịch viên cho các giáo sĩ. 

Francisco de Pina từ chỗ đem nhiệt tâm phụng sự chúa Kitô đã trở thành cha đẻ chữ Quốc ngữ, thứ chữ mà ông chỉ khiêm tốn xem như một công cụ, một phương tiện mầu nhiệm để chinh phục người bản xứ, đưa họ đến với đạo, ông đã đem hết nhiệt huyết và tuổi thanh xuân để miệt mài nghiên cứu cho mục đích truyền giáo, lại trở thành văn tự chính thức của một quốc gia, trở thành một công cụ tuyệt hảo cho Việt Nam trên đường phát triển và hội nhập vào cộng đồng quốc tế. Francisco de Pina đã học tập, nghiên cứu, làm việc nhiều năm ở dinh trấn Thanh Chiêm để chế tác chữ Quốc ngữ và dạy chữ Quốc ngữ cho các giáo sĩ trẻ mới đến Đàng Trong. Thanh Chiêm chính là miền đất vinh hạnh làm nơi khai sinh chữ Quốc ngữ, xứng đáng là thánh địa của chữ Quốc ngữ. 

Ngày nay, chữ Quốc ngữ đã là văn tự chính thức của nước nhà, chúng ta không thể không nhớ công ơn của một người ở nơi chân trời xa lạ đã đến cống hiến cho dân tộc ta một tặng phẩm vô giá, đó là Francisco de Pina và cũng không thể nào quên mảnh đất đón nhận chữ Quốc ngữ chào đời, đó là Thanh Chiêm. Lập một tượng đài chữ Quốc ngữ ở Thanh Chiêm để kỷ niệm nơi từng cưu mang, sinh thành chữ Quốc ngữ, cũng như lập một Viện bảo tàng chữ Quốc ngữ để vinh danh chữ Quốc ngữ tại Thanh Chiêm chính là việc làm thiết thực để ghi nhớ công ơn to lớn đó. 

Chú thích: 

1, 4, 5, 6, 7 Roland Jacques, Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lãnh vực Việt ngữ học, (Hà Nội: Khoa học Xã hội, 2007), 25, 45, 57, 46, 43. 

2,3 Linh mục Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, Tập I, (Tủ sách Hiện Tại, 1959), 46, 49. 

8. Trích thư của Pina trong: Roland Jacques, Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lãnh vực Việt ngữ học, (Hà Nội: Khoa học Xã hội, 2007), 47. 

9. Nguyễn Khắc Xuyên, Để hiểu lịch sử đạo Thiên Chúa ở Việt Nam đầu thế kỷ XVII, (Ánh Sáng xuất bản, 1994), 11. 

10. Alexandre de Rhodes. Từ điển Việt - Bồ - La (Phần tiếng Việt), (TPHCM: Viện Khoa học Xã hội, 1991), 3. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

1. Roland Jacques (2007). Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lãnh vực Việt ngữ học. Hà Nội: Khoa học Xã hội. 

2. Linh mục Nguyễn Hồng (1959). Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam. Tập I. Tủ sách Hiện Tại. 

3. Nguyễn Khắc Xuyên (1994). Để hiểu lịch sử đạo Thiên Chúa ở Việt Nam đầu thế kỷ XVII. Ánh Sáng. 

4. Đoàn Thiện Thuật (1991). “Tiếng Hội An”. Đô thị cổ Hội An. Hà Nội: Khoa học Xã hội. 

5. Hoàng Thị Châu (1991). “Về một ngôn ngữ lai ở Hội An - Đà Nẵng vào thế kỷ XVIII”. Đô thị cổ Hội An. Hà Nội: Khoa học Xã hội. 

6. Nguyễn Đình Đầu (1991). “Quá trình hình thành và phát triển phố cổ Hội An”. Đô thị cổ Hội An. Hà Nội: Khoa học Xã hội 

7. Alexandre de Rhodes (1991). Từ điển Việt - Bồ - La, (Phần tiếng Việt). TPHCM: Viện Khoa học Xã hội. 

8. Châu Yến Loan (2015). Dinh trấn Thanh Chiêm - kinh đô thứ hai xứ Đàng Trong. Đà Nẵng: Đà Nẵng.

DINH QUẢNG NAM VÀ SỰ RA ĐỜI CHỮ QUỐC NGỮ?

Nguyễn Chí Trung
Trong những năm gần đây, với sự tư vấn của các nhà khoa học, nhiều địa phương đã quan tâm đầu tư kinh phí, phối hợp với các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu tổ chức hội thảo khoa học, thu hút nhiều nhà khoa học tham gia với chủ đề xoay quanh: Sự hình thành chữ Quốc ngữ; ai là người sáng lập và đâu là cái nôi cho ra sự ra đời của chữ Quốc ngữ (?). Các cuộc hội thảo thường có kết quả “tốt đẹp, mỹ mãn, vừa lòng ban tổ chức” theo từng địa phương, nơi tổ chức hội thảo. Nhưng các cuộc hội thảo khoa học hầu như vẫn chưa đi đến được thống nhất chung, nhất là về nội dung của câu hỏi: “Ai là người đầu tiên sáng lập và đâu là cái nôi?”. Kết thúc hội thảo tại Quy Nhơn đầu năm 2016, giáo sư Phan Huy Lê đã phân giải rằng: đi tìm nơi hay cội nguồn duy nhất của chữ Quốc ngữ là không thể có được và theo cách nói ví von của giáo sư: dòng sông của chữ Quốc ngữ có nhiều con suối, trong đó Nước Mặn, Thanh Chiêm hay Hội An đều là mỗi con suối chảy dồn về tạo nên dòng sông này… Theo tôi, cơ bản thống nhất với quan điểm này của giáo sư, nhưng nếu dừng lại ở đây có vẻ như dung hòa, chưa thực sự khoa học, chưa thỏa đáng, mà chúng ta cần phải làm rõ, kết luận đâu là cái nôi hay con suối, dòng sông chính/chủ đạo.
1. Trước hết, xin nói về đơn vị hành chính và dinh của Quảng Nam, như chúng ta đều biết đến tháng 6.1471 đạo Thừa tuyên Quảng Nam (Thừa tuyên thứ 13 của quốc gia Đại Việt) được thành lập (thống lĩnh 3 phủ, 9 huyện). Năm 1490, vua Lê Thánh Tông đổi đạo thành xứ, đạo Thừa tuyên Quảng Nam thành xứ Quảng Nam hay Quảng Nam Thừa tuyên sử ty. Năm 1520, đời Lê Tương Dực lại đổi xứ thành trấn, xứ Quảng Nam thành trấn Quảng Nam. Năm 1602, chúa Tiên Nguyễn Hoàng đổi thành dinh Quảng Nam - tục gọi là Dinh Ciam - dinh Chiêm và lập thủ phủ của dinh Quảng Nam đóng tại xã Cần Húc, huyện Duy Xuyên (thực ra lúc này là huyện Hy Giang, phủ Thăng Hoa). Năm 1604 dinh Quảng Nam thuộc về làng Thanh Chiêm, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn. Sau “vì loạn mà bỏ” (chắc vào thời kỳ chiến tranh Tây Sơn - Trịnh - Nguyễn), nên chuyển tạm về phố Hội An. Đến đầu triều Gia Long (1804), chuyển về lại Thanh Chiêm. Năm Minh Mạng thứ 8 (1827) lại đổi dinh thành trấn, rồi đến năm Minh Mạng thứ 13 (1832) đổi trấn thành tỉnh - tỉnh Quảng Nam. Lúc này, tỉnh thành chuyển đến xây mới ở La Qua - gọi là thành La Qua hay thành Điện Bàn, cách đó về phía bắc 4 km, cũng thuộc huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn. 

Như vậy, đơn vị/cấp hành chính Quảng Nam lúc đầu thành lập là đạo Thừa tuyên Quảng Nam, sau đổi thành xứ, trấn, dinh rồi trấn và cuối cùng là tỉnh Quảng Nam. Ở đây, theo chúng tôi lâu nay có sự nhầm lẫn giữa dinh Quảng Nam với dinh trấn Quảng Nam. Chữ dinh trong dinh Quảng Nam là đơn vị hành chính. Còn chữ dinh trong dinh trấn Quảng Nam là thủ phủ, dinh thự, nơi quan trấn thủ làm việc. Phân biệt rõ điều này sẽ không có cụm từ dinh trấn Thanh Chiêm. Bởi địa danh Thanh Chiêm là dinh (thủ phủ) của dinh/trấn/xứ Quảng Nam. Cho nên, nếu chúng ta dùng chữ dinh trấn thì là dinh trấn Quảng Nam, tức là dinh thự/thủ phủ của trấn/dinh Quảng Nam, chứ không có dinh trấn Thanh Chiêm (hội thảo lần trước vào tháng 8.2002 và cuốn sách kỷ yếu hội thảo chúng ta đã dùng cụm từ: Vai trò lịch sử dinh trấn Quảng Nam). Nếu gọi là dinh trấn Thanh Chiêm, người ta dễ lầm hiểu là ngoài trấn Quảng Nam còn có trấn Thanh Chiêm, mặc dù chúng ta trong hội thảo này không ai hiểu như vậy. Hoặc có thể gọi là dinh Thanh Chiêm/dinh Điện Bàn/dinh Diên Phước, thủ phủ của trấn Quảng Nam. Bởi nếu chúng ta thử thay chữ trấn bằng đơn vị hành chính chữ tỉnh, thành dinh tỉnh Thanh Chiêm, chúng ta sẽ thấy đúng là không thể. 

Về Cần Húc, Văn Đông hay Thanh Chiêm qua những sự kiện nêu trên và đối chiếu giữa các nguồn tư liệu thư tịch với kết quả điều tra khảo cổ học tại thôn Thanh Chiêm (của các chuyên gia Nhật Bản bằng phương pháp điều tra khai quật và điều tra bằng thiết bị địa thám để xác định quy mô, độ lớn, niên đại...) tại khu vực với các địa danh liên quan đến di tích ở thôn Thanh Chiêm hiện nay cho thấy: ngoài nhiều hiện vật gốm có niên đại thế kỷ XVI, XVII, XVIII, người ta còn phát hiện nhiều di vật, dấu vết kiến trúc, dấu vết hình rãnh có niên đại thuộc thế kỷ XVII, và dấu vết hố chôn cọc của một công trình lớn hồi thế kỷ XVIII, XIX. Do những điều này phù hợp với những ghi chép trong các bộ sử do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, và những ghi chép trong sách, thư tịch của các sử gia, nhân sĩ đương thời nên có thể kết luận: Tại thôn Thanh Chiêm hiện nay, đã tìm thấy dấu tích kiến trúc thủ phủ của dinh Quảng Nam được chúa Nguyễn xây dựng vào năm 1602, tồn tại cho đến năm 1775 và dấu vết kiến trúc của dinh trấn Quảng Nam được xây dựng từ năm 1804 đến năm 1824 vào thời Nguyễn. Vấn đề còn lại là chúng ta cần làm rõ mối liên hệ, chuyển hóa giữa Cần Húc, Văn Đông và Thanh Chiêm như thế nào (?) bằng tư liệu dân tộc học. 2. Vấn đề chữ Quốc ngữ, có thể nói nhờ có tiếng (Việt), chúng ta có chữ Quốc ngữ, thoát khỏi sự lệ thuộc vào chữ Hán (dù là chữ Nôm) và nhờ có chữ mà giữ được tiếng Việt, liên quan đến nền độc lập của quốc gia, dân tộc. Chữ Quốc ngữ ra đời cũng xuất phát từ nhiều cơ duyên, may mắn của lịch sử, liên quan đến sự tồn vong và phát triển của dân tộc Việt, tôi xin không bàn về lịch sử hình thành, phát triển và ý nghĩa tối quan trọng của chữ Quốc ngữ đối với dân tộc Việt Nam chúng ta. Chỉ xin góp, bàn thêm về vấn đề đâu là cái nôi và ai là người sáng lập? 

Chúng ta đều biết, bước vào thế kỷ XV, ở châu Âu với sự thành lập mạnh mẽ của các vương quyền thống nhất, tạo cho thị trường toàn quốc ra đời đẩy nhanh sự phát triển sản xuất tư bản chủ nghĩa, đồng thời cùng với nó, việc tìm kiếm thị trường đã trở thành vấn đề bức xúc lớn lao của các nước phương Tây. Nhưng lúc bấy giờ, con đường buôn bán nối châu Âu với Địa Trung Hải đến Cận Đông bị Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập và Ý khống chế, nên những thương nhân khát hàng phương Đông phải đi tìm con đường và những thị trường riêng cho mình. Dựa vào thành tựu rực rỡ của thời kỳ phục hưng ở châu Âu đó là những tiến bộ khoa học kỹ thuật như thiên văn học, bản đồ học, khoa học hàng hải, kỹ thuật đóng tàu buồm... cùng với tinh thần phiêu lưu mạo hiểm, sự khát khao thị trường,... đã thúc đẩy các nhà hàng hải đồng thời cũng là thương nhân phương Tây và cùng các giáo sĩ Dòng Tên đi phát hiện những vùng đất mới, những lục địa mới, thiết lập những thể chế thuộc địa và truyền giáo, đặc biệt đối với các nước ở vùng Đông bán cầu. Những sự kiện vòng quanh thế giới bằng thuyền buồm của Magellan (1519 - 1523), tìm ra châu Mỹ của Christophe Colomb (1492) hay Vasco da Gama đặt chân lên Ấn Độ (1498)... đã mở ra thời kỳ mới cho các nhà thương nhân - hàng hải Âu châu tha hồ căng buồm vùng vẫy trên sóng nước đại dương đến với các châu lục trên thế giới. Đi tiên phong đến các nước ở Đông Á, Nam Á và Đông Nam Á là người Bồ Đào Nha: Năm 1498, chiếm Calicut, rồi năm 1510 chiếm Goa của Ấn Độ, năm 1511 chiếm Malaca (Malaysia), năm 1521 lập thương điếm ở Malucu (Indonesia), năm 1542 đến Hirado (Nhật Bản), năm 1563 chiếm Áo Môn (Ma Cao - Trung Quốc). Tiếp theo là Tây Ban Nha: Năm 1568 chiếm Philippines làm thuộc địa, năm 1584 bành trước sang Nhật. Rồi người Hà Lan: Năm 1596 chiếm Java (Indonesia) làm thuộc địa, năm 1602 hợp nhất tất cả các công ty đang hoạt động thành công ty Đông Ấn - Hà Lan (VOC), năm 1641 chiếm Malucu từ tay Bồ, năm 1642 gây chiến với Bồ chiếm Malaca thiết lập quyền thống trị ở Batavia. Tiếp theo là người Anh (lập công ty Đông Ấn - EIC vào năm 1600) và người Pháp... cùng lần lượt đặt chân lên các nước Á Đông trong thế kỷ XVII vừa tiến hành buôn bán, lập thuộc địa, vừa tiến hành truyền giáo. Từ các điểm đầu mối, trung tâm thương điếm nói trên được thiết lập ở phương Đông, thuyền buôn phương Tây tìm đến hầu hết các nước ven biển Đông Á, Nam Á và Đông Nam Á, tạo cho sự hoạt động mậu dịch ở khu vực này càng trở nên sôi nổi, lần lượt lôi cuốn các nước phương Đông vào thị trường khu vực và thị trường thế giới đang hình thành mạnh mẽ. Trong đó, có Faifo - Hội An của Đàng Trong - Việt Nam. Đây là một trong những đầu mối trung tâm, một điểm dừng chân quan trọng bậc nhất ở Đàng Trong - Việt Nam trên hành trình thương mại qua lại từ phương Tây qua Ấn Độ đến Trung Quốc, Nhật Bản trên con đường hàng hải quốc tế. Theo nghiên cứu, nhìn nhận đánh giá gần đây nhất của các nhà sử học quốc tế qua phát triển của GS. Denys Lombard (ở Trường Cao đẳng nghiên cứu khoa học xã hội Paris) thì “trước khi thực dân xâm lấn vùng Đông Nam Á, ở những đất nước thuộc khu vực này đã tồn tại hai loại hình mẫu đô thị rất điển hình: Thứ nhất là các đô thị nông nghiệp ví dụ như: Angkor (Campuchia), Sukhothai (Thái Lan), Pagan (Miến Điện)... Thứ hai là kiểu các đô thị thương nghiệp như Malacca (Malaysia), Banten (Indonesia)... Kiểu mẫu tiêu biểu của thành phố này ở Việt Nam có thể chỉ ra là Hội An”. Thực tế, từ cuối thế kỷ XV, nhất là từ thế kỷ XVI, vùng Viễn Đông đã là nơi lui tới không chỉ của nhiều đoàn thám hiểm, các thương nhân mà có rất nhiều các giáo sĩ thuộc dòng thánh Đa Minh, Phanxico, Augustino từ phương Tây đến để buôn bán, truyền đạo, rồi qua đó chiếm đất đai vùng này làm thuộc địa. 

Mặc dù vậy, khác với tôn giáo khác như Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo, quá trình xâm nhập và phát triển của Thiên Chúa giáo vào Hội An - Đàng Trong nói riêng, Việt Nam nói chung rất muộn màng và gặp rất nhiều trở ngại khó khăn. Bởi, trước hết nó là tín ngưỡng của người phương Tây và nhìn một cách khái quát triều đại phong kiến Việt Nam đều nhìn thấy theo sau sự xâm nhập của Thiên Chúa giáo là nguy cơ xâm chiếm của các nước, thực dân phương Tây, nên từ thời các chúa (Nguyễn - Trịnh), đến triều Tây Sơn, rồi nhà Nguyễn (từ những năm Gia Long ở ngôi) hết thảy đều tìm cách hạn chế hoặc cấm đạo Thiên Chúa. Hơn nữa, ở đây có sự khác biệt sâu sắc giữa tín ngưỡng tôn giáo, nếp sống văn hóa, ý thức hệ của người Việt Nam đối với tôn giáo này. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như chiến tranh (Trịnh - Nguyễn); do mâu thuẫn nội tại và sự thiếu hụt về kinh tế trong bản thân các nước phương Tây, giáo hội Thiên Chúa giáo vào cuối thế kỷ XVI, đầu XVII. Và đặc biệt khó khăn lớn nhất là sự bất đồng ngôn ngữ. Để buôn bán, giao thương và đặc biệt là truyền giáo đạt được mong muốn, buộc các giáo sĩ, thương nhân khi đến Faifo - Hội An, Đàng Trong phải học tiếng Việt, đồng thời muốn học tiếng phải ký âm/tự bằng mẫu tự Latinh. Có thể khẳng định sự hình thành chữ Quốc ngữ là xuất phát trước hết từ nhu cầu học tiếng Việt để truyền giáo, buôn bán của các giáo sĩ, thương nhân phương Tây khi đến vùng đất Đàng Trong - Việt Nam. 

Theo nhiều nguồn tư liệu cho biết phải đến năm 1615 trở đi, khi trung tâm truyền giáo của Bồ Đào Nha cử hai giáo sĩ dòng Tên là Francesco Buzomi (người Ý) và Diego Carvalho (người Bồ Đào Nha) đến Faifo - Hội An, Đà Nẵng, Đàng Trong đảm nhận việc thành lập giáo hội mới gọi là giáo hội Đàng Trong thì việc truyền bá đạo Thiên Chúa vào Việt Nam mới được coi là thực sự bắt đầu. Ở Hội An lúc này đang là nơi buôn bán sầm uất của Đàng Trong với các nước trên thế giới và đang có mặt nhiều thương nhân Nhật Bản có đạo, cùng nhiều giáo dân Nhật Bản đến cư trú để tránh cuộc bắt đạo trong nước. Khi đến đây 2 giáo sĩ này đã làm thánh lễ với số dân Nhật Bản và một năm sau họ đã cải giáo được khoảng 300 người Việt xung quanh khu vực này. Tiếp tục từ Ma Cao lại cử đến Hội An - Đàng Trong 2 giáo sĩ: Franҫois Barreto và Francisco de Pina nhằm mở rộng địa bàn truyền giáo, làm cho số giáo sĩ ở đây tăng rất nhanh. Trước tình hình thuận lợi đó, năm 1624 từ Ma Cao lại gởi tiếp sang Đàng Trong thêm 6 giáo sĩ do Gabriel de Mattos cầm đầu, trong đó có giáo sĩ Alexandre de Rhodes, người đã có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng nền móng cho giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã ở Việt Nam (cả ở Đàng Trong và Đàng Ngoài vào đầu thế kỷ XVII). Lúc này, Faifo - Hội An đã thành trụ sở, nơi qua đường hay ẩn náu cho những nhà truyền giáo và các giám mục. Đồng thời, Hội An đã đóng vai trò là một trong những cái nôi của Đàng Trong - Việt Nam cho sự du nhập đạo Thiên Chúa giáo. 

Cũng cần phải nói, theo nghĩa rộng, Faifo - Hội An là danh xưng của một vùng đất, có Đô thị-thương cảng/ Phố cảng quốc tế nổi tiếng ở miền Trung Việt Nam được hình thành vào cuối thế kỷ XVI. Không gian địa lý của nó bao gồm: Cửa biển: “... Một gọi là Pullu Ciam pello (Cửa Đại - Hội An), cửa kia là Turon (Cửa Hàn - Đà Nẵng)..., chúng hợp với nhau làm một, nơi đó người ta gặp các tàu đi vào từ cửa này hay cửa khác... ở đây... gọi là Faifo... Người châu Âu cho rằng đây là hải cảng Quảng Nam “tỉnh Cacciam/ Cham”; Tiền cảng (nơi neo đậu tàu lớn, chờ làm thủ tục hải quan) như Touron, Trà Nhiêu, Trung Phường...; Các bến chợ: Đà Nẵng, Trà Nhiêu, Thăng Bình, Thanh Hà, Trà My... tất cả (Cửa biển - sông, Tiền cảng, Bến chợ...) đều trở thành vệ tinh trực tiếp của trung tâm phố chợ/thị Faifo - Hội An. Nơi “quy tụ hàng hóa sản phẩm, năm nào cũng mở hội chợ kéo dài gần 4 tháng”. Rộng hơn nữa đến dinh của dinh/trấn Quảng Nam, thượng đô thứ 2 của các chúa Nguyễn và cả xứ Quảng - Đàng Trong để làm nên cái “hải cảng tỉnh Kẻ Chiêm/Cacciam” nổi tiếng quốc tế ở vào thế kỷ XVII, XVIII. 

Xuất phát từ những vấn đề nêu trên có thể nói, thế kỷ XV - XVIII là thời kỳ của chủ nghĩa tư bản phương Tây khát khao thị trường, mở rộng khai thác thuộc địa, cùng với sự lớn mạnh của đạo Thiên Chúa, tự cho mình là tôn giáo phổ quát ở châu Âu tạo thành hai thế lực: thương nhân và giáo sĩ, bằng con đường hàng hải, vùng vẫy trên các con thuyền vượt đại dương đến các châu lục khác trên thế giới để khai chiếm thuộc địa, buôn bán và truyền giáo - đạo Thiên Chúa. Điểm đến, là các hải cảng, trung tâm mậu dịch quốc tế, trong đó có Faifo/ Hội An - Cửa Hàn - Thanh Chiêm của dinh/trấn Quảng Nam/ Dinh Chiêm/ Dinh Ciam, thứ đô của chúa Nguyễn Đàng Trong. Nơi đây có rất đông các thương nhân, giáo dân người phương Tây, Nhật Bản, Trung Quốc... Xem lại các ghi chép, báo cáo về hoạt động của các tu sĩ Dòng Tên của giáo đoàn ở Hội An và các vùng phụ cận ở Đàng Trong, chúng ta nhận thấy, khi đến đây, ở giai đoạn đầu - sơ khai, để giao tiếp truyền giáo, viết giáo lý (bằng chữ Hán, kể cả chữ Nôm), họ - các giáo sĩ phương Tây đã phải học tiếng Việt, ngoài việc nghe, tập phát âm họ đã phải ký âm bằng mẫu tự Latinh, kết hợp việc sử dụng cách ngữ và âm mượn chủ yếu từ tiếng Bồ để ghi lại. Lúc này phải nói đến sự đóng góp của giáo sĩ Francisco de Pina, đến Đàng Trong, ở tại cư sở Hội An từ năm 1617 đến 1625 (mất tại cửa biển Hội An?). Ông là người đầu tiên tự học tiếng và nghiên cứu việc Latinh hóa tiếng Việt vì lợi ích của nhiệm vụ truyền giáo, đồng thời dạy tiếng Việt cho các giáo sĩ phương Tây mới đến Đàng Trong. Đồng thời và tiếp theo giáo sĩ Pina còn có linh mục Francesco Buzomi (người Ý), Diego Carvalho (người Bồ Đào Nha), thầy Antonio Dias (người Bồ Đào Nha) tới Cửa Hàn ngày 18.1.1615. Tiếp theo, người chúng ta không thể không nhắc đến đó là giáo sĩ Cristoforo Borri (người Ý) đến Hội An năm 1618. Giai đoạn thứ hai là thời kỳ hình thành chữ có cách ngữ và dấu, viết sách giáo lý, lập các bộ từ điển như: Từ điển Việt - Bồ do Antonio Barbosa có trước (1624); Từ điển Bồ - Việt do Gaspar d’Amaral (1636 - 1645); Từ điển Việt - Bồ - Latinh do Alexandre de Rhodes (1651). Giai đoạn này phải nói đến giáo sĩ Alexandre de Rhodes người Pháp (đến Đàng Trong năm 1624), và Antonio de Fontes, người Bồ Đào Nha đến ở tại Hội An và Thanh Chiêm (1624 - 1625). Việc sáng tạo chữ Quốc ngữ, cũng phải nói đến vai trò của các thầy giảng, con chiên người Việt ở địa phương. 

Từ những nội dung khái quát nêu trên, dựa theo ý phân giải của giáo sư Phan Huy Lê, chúng tôi muốn đi đến kết luận cho rằng: Cái nôi hay dòng suối/sông chính cho sự ra đời chữ Quốc ngữ chính là ở dinh Quảng Nam, nơi có trung tâm, hạt nhân là Đô thị thương cảng quốc tế Faifo - Hội An, gắn với Thanh Chiêm dinh phủ của dinh/trấn Quảng Nam, thứ đô của chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Để đạt được mục tiêu truyền giáo, các giáo sĩ Dòng Tên vào đầu thế kỷ XVI đã có công lao sáng lập chữ Quốc ngữ. Ở giai đoạn đầu - sơ khai thuộc về giáo sĩ Francisco de Pina, cùng linh mục Francesco Buzomi (người Ý), Diego Carvalho (người Bồ Đào Nha), thầy Antonio Dias (người Bồ Đào Nha) và giáo sĩ Cristoforo Borri (người Ý). Ở giai đoạn thứ hai - giai đoạn hình thành phải nói đến công lao của giáo sĩ Alexandre de Rhodes người Pháp và Antonio de Fontes, người Bồ Đào Nha, cùng các thầy giảng, con chiên người Việt ở địa phương. TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

1. Đỗ Quang Chính SJ. (2008). Lịch sử chữ Quốc ngữ. Hà Nội: Tôn giáo. 

2. Đỗ Quang Chính SJ. 2008). Dòng Tên trong xã hội Đại Việt. Hà Nội: Tôn giáo. 

3. Kikuchi Seiichi (2010). Nghiên cứu Đô thị cổ Hội An, từ quan điểm khảo cổ học lịch sử. Hà Nội: Thế giới. 

4. Sở Văn hóa thông tin Quảng Nam (2002). Vai trò lịch sử dinh trấn Quảng Nam. Quảng Nam..
SỰ HÌNH THÀNH CHỮ QUỐC NGỮ Ở DINH TRẤN 
THANH CHIÊM XỨ QUẢNG NAM VÀO THẾ KỶ XVII?

Nguyễn Đức Hòa

1. Xứ Quảng Nam và sự hình thành dinh trấn Thanh Chiêm 

Vùng Thuận Hóa được sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt từ các thế kỷ trước. Đến năm 1471, vua Lê Thánh Tông sau khi chiếm vùng đất phía nam Thuận Hóa cho đến đèo Cù Mông đã chính thức cho lập hai đạo thừa tuyên thứ 13 là Quảng Nam.1 Đến cuối thế kỷ XVI, trên vùng đất Thuận Quảng đã có tới 1.226 thôn xã, tăng lên 882 thôn xã vào năm 1774.2 Danh xưng Quảng Nam ra đời từ 1471, về mặt ngôn ngữ Quảng () có nghĩa là mở rộng, Nam () là hướng Nam, Quảng Nam (廣南) là sự mở rộng bờ cõi về phía Nam. Đó là sự lựa chọn, một định hướng chiến lược mang tầm nhìn xa liên quan đến sự phát triển đất nước từ thời vua Lê Thánh Tông. 

Năm 1570, chúa Nguyễn Hoàng được giao cai quản luôn đất Quảng Nam và ông cho thiết lập dinh trấn Quảng Nam tại Thanh Chiêm (清占) vào năm 1602. Địa bàn dinh trấn Thanh Chiêm nay thuộc thôn Thanh Chiêm, xã Điện Phương, Điện Bàn ( ), Quảng Nam. Dinh trấn nằm bên bờ sông Sài Thị (sông Chợ Củi), một nhánh lớn của sông Thu Bồn, có bến đậu tàu và có chợ buôn bán tấp nập, đông đúc. 

Dinh trấn Thanh Chiêm nối liền miền núi với biển Đông, nằm dọc đường thiên lý Bắc - Nam, rất thuận lợi về giao thông đến các vùng miền lân cận và cảng thị Hội An. Dinh trấn Quảng Nam ra đời đã đem lại sự thuận lợi lớn lao về quản lý hành chính, lãnh thổ, tạo điều kiện phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hóa của Quảng Nam và mang tính quyết định toàn bộ quá trình mở mang lãnh thổ xứ Đàng Trong của các chúa Nguyễn sau này. 

Việc chúa Nguyễn Hoàng chọn Thanh Chiêm làm dinh trấn Quảng Nam (1602) là một quyết sách có ý nghĩa quan trọng đối với việc dựng nghiệp của nhà Nguyễn ở Đàng Trong và công cuộc mở cõi về phương Nam của dân tộc Việt Nam nói chung. Ban đầu, dinh trấn Quảng Nam đặt tại xã Cần Húc, sau dời về xã bên cạnh là Thanh Chiêm (cả hai nơi đều thuộc Điện Bàn). Việc chọn Thanh Chiêm làm dinh trấn thể hiện cái nhìn mang tầm chiến lược của Đoan Quận công Nguyễn Hoàng trên các phương diện chính trị, quân sự, văn hóa xã hội. 

Sau hai năm thiết lập dinh trấn Thanh Chiêm, vào năm 1604, chúa Nguyễn Hoàng quyết định tách huyện Điện Bàn vốn thuộc phủ Triệu Phong làm phủ cai quản cả 5 huyện (Tân Phước, An Nông, Hòa Vinh, Diên Khánh, Phước Châu) sáp nhập vào dinh Quảng Nam. Đây là vùng đất hội tụ đủ các điều kiện cho phép xây dựng cơ nghiệp lớn theo cách nhìn của tiền nhân.3 

Dinh trấn Thanh Chiêm được coi như thủ phủ thứ hai ở Đàng Trong và là nơi đào luyện các thế tử, nơi thực thi chính sách mở cửa, đường lối có tính chất thân dân dưới thời các chúa Nguyễn. Dinh trấn được thiết lập bên bờ sông lớn trong vùng, nối biển Đông với Trường Sơn theo chiều đông - tây, cách cửa Đại khoảng 10 km, nằm trên trục đường thiên lý Bắc - Nam, do đó rất thuận lợi cả hai mặt giao thông thủy và bộ. Trong thực tế, nơi đây từng được xây dựng thành một căn cứ quân sự mạnh ở Đàng Trong. Dưới thời các chúa Nguyễn, Thanh Chiêm đã từng là căn cứ thủy quân mạnh bậc nhất của xứ Đàng Trong. Năm 1644 thủy quân của thế tử Nguyễn Phúc Tần - chúa Hiền Vương sau này (1648 - 1687) đã đánh tan hạm đội Hà Lan trên biển Đông. Dinh trấn Thanh Chiêm là nơi đặt cơ sở hậu cần vững chắc giúp Chính Dinh (Thuận Hóa) đánh bại các cuộc tấn công quy mô lớn của quân Trịnh từ Đàng Ngoài. Căn cứ quân sự mạnh này đã từng cho phép lực lượng quân sự Đàng Trong đánh tan quân Trịnh liên kết với Chưởng cơ Nguyễn Phúc Anh (con thứ ba của Nguyễn Phúc Nguyên).4 

Quảng Nam còn là xứ sở giàu có, góp phần quan trọng tạo nên tài lực, cơ sở vật chất cho sự tồn tại và phát triển sự nghiệp của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Ghi chép của lái buôn phương Tây, hay tác phẩm của Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, ký sự của nhà sư kiêm thương nhân Thích Đại Sán đã ca ngợi sự giàu có, tài nguyên phong phú, sản phẩm hàng hóa đa dạng của Quảng Nam.5 

Sự giàu có và sản vật phong phú của Quảng Nam đặc biệt hấp dẫn các thương gia ngoại quốc đến Đàng Trong buôn bán. Theo một nhà buôn Trung Quốc (Trần Duy) thì “ở Sơn Nam (Đàng Ngoài) khi vào thì chỉ mua được củ nâu, ở Thuận Hóa khi về chỉ mua được hồ tiêu, còn xứ Quảng Nam thì đủ trăm thứ hóa vật, không có nơi nào sánh kịp” và khi cất hàng “có đến hàng trăm chiếc thuyền lớn chuyên chở một lúc cũng không hết”.6 

Ngay từ thế kỷ XVI, người Nhật Bản đã đến Đàng Trong và tập trung buôn bán ở xứ Quảng Nam phong phú hàng hóa, sản vật. Sau đó họ mới xin chúa Nguyễn cho lập phố thị ở cảng Hội An. Sự phát triển thịnh đạt của Hội An trong thế kỷ XVII và XVIII trở thành một cảng thị vào loại sầm uất của cả vùng Đông Nam Á thời ấy chính là được quyết định bởi những chính sách, sự điều hành của dinh trấn Thanh Chiêm - trung tâm hành chính lớn nhất của trấn Quảng Nam, như cho lập xã Minh Hương; tổ chức hội chợ quốc tế theo gió mùa hàng năm, thiết lập thương điếm của nước ngoài; thực hiện các chính sách thuế khóa xuất nhập hàng hóa... 

Từ dinh trấn Thanh Chiêm, các chúa Nguyễn mở rộng các mối quan hệ, giao lưu và ngoại thương với bên ngoài. Chúa Nguyễn Phước Nguyên cho phép các thương nhân Nhật Bản và Trung Hoa được mua đất, lập khu phố Nhật và khu phố Hoa ở Cẩm Phô, Thanh Hà (Hội An). Vào năm 1618, giáo sĩ Cristoforo Borri đã nhận xét: “Hải cảng đẹp nhất (Đàng Trong), nơi mà thương nhân ngoại quốc thường lui tới buôn bán là cảng thuộc tỉnh Cacciam (tức Quảng Nam)”.7 Ngoài người Nhật Bản và người Hoa, còn có nhiều thương nhân Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Hà Lan thường xuyên lui tới Hội An buôn bán. Theo P. Poivre, thế kỷ XVIII ở Hội An có đến 6.000 Hoa kiều vừa buôn bán, vừa làm môi giới cho các thương nhân phương Tây vào mua bán hàng hóa, hoặc giao dịch thương mại với các chúa Nguyễn. 

Dinh trấn Thanh Chiêm với vai trò là cơ quan đầu não của xứ Đàng Trong từ Quảng Nam trở vào phía Nam, có toàn quyền điều hành, giải quyết các vấn đề chính trị, điều hành giao thương với nước ngoài và là căn cứ quân sự hùng mạnh. Trong khoảng thời gian hơn 200 năm tồn tại, dinh trấn Thanh Chiêm luôn đóng vai trò cung cấp nhân lực, vật lực cho công cuộc mở rộng bờ cõi về phía Nam của các chúa Nguyễn. Vùng đất Quảng Nam được các nhà truyền giáo và các thương nhân nước ngoài gọi là Quảng Nam quốc (廣南國, nước Quảng Nam), trong khi đó, nhân dân ta vẫn luôn xem vùng đất Thuận Quảng là Đàng Trong của nước Đại Việt. Dinh trấn Thanh Chiêm có vai trò lịch sử to lớn, không chỉ góp phần trong công cuộc mở cõi phía Nam của các chúa Nguyễn ở các thế kỷ từ XVI đến XVIII, mà còn có đóng góp quan trọng về phương diện văn hóa. Hội An - Thanh Chiêm của đất Quảng Nam không chỉ là một cửa ngõ mậu dịch đối ngoại, mà còn là một trung tâm giao tiếp văn hóa qua suốt nhiều thế kỷ. Hội An - Thanh Chiêm là nơi du nhập đạo Thiên Chúa sớm nhất ở Đàng Trong. Các giáo sĩ như F. Buzomi, Francisco de Pina, C. Borri, A. de Rhodes đều đến truyền giáo ở vùng này. 

Vùng Hội An - Thanh Chiêm của xứ Quảng Nam còn nổi tiếng và tự hào là cái nôi hình thành chữ Quốc ngữ vào nửa cuối thế kỷ XVII. 

2. Dinh trấn Thanh Chiêm và sự hình thành, phát triển chữ Quốc ngữ thế kỷ XVII 

2.1. Sự truyền bá đạo Kitô và sự hình thành chữ Quốc ngữ 

Vào thế kỷ XVI - XVII, kinh tế tiền tệ hàng hóa phát triển mạnh mẽ thúc đẩy sự xác lập chủ nghĩa tư bản ở châu Âu. Sau các cuộc phát kiến địa lý, người châu Âu đua nhau vượt đại dương đi buôn bán, xâm chiếm các vùng đất mới. Các nước thực dân như Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Ý, Hà Lan… tranh giành nhau lập căn cứ, thị trường và xâm chiếm thuộc địa khắp các khu vực trên thế giới. Thiên Chúa giáo trở thành phương tiện quan trọng để người phương Tây thâm nhập vào các nước Á, Phi, Mỹ Latinh. Các nhà truyền giáo cũng là những người đồng hành cùng với những thương nhân, thực dân tới các khu vực châu Á và thế giới. 

Các giáo sĩ Thiên Chúa giáo với nhiều quốc tịch như Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha (chiếm số lượng đông đảo nhất) từ những dòng tu khác nhau như Dòng Đa Minh (Ordre des Dominicains), Dòng Phanxicô (Ordre des Franciscains), Dòng Tên (Ordre des Jesuites)… đi truyền giáo theo sự phân chia khu vực của Giáo hội La Mã. Họ thường đi theo thuyền buôn, tìm cách thâm nhập để truyền giáo các khu vực ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Họ đến Việt Nam vào thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, đất nước bị chia ra Đàng Ngoài (thuộc chúa Trịnh) và Đàng Trong (thuộc chúa Nguyễn). 

Để tránh sự can thiệp, cấm đoán của chính quyền sở tại, thông thường các giáo sĩ lén lút đến truyền bá Thiên Chúa giáo ở những vùng dân nghèo ven biển, vùng sâu, vùng xa hoang vắng. Chữ Quốc ngữ có lẽ xuất hiện phôi thai ngay từ năm 1533 khi một giáo sĩ phương Tây Ignatio đi từ đường biển lén lút vào truyền đạo ở Ninh Cường (Nam Trực, Nam Định), Trà Lũ (Thái Bình), Quần Anh (Hải Hậu, Nam Định). Muốn thâm nhập được dễ dàng, có thể truyền và giảng đạo, các nhà truyền giáo phải biết tiếng Việt. Tuy các giáo sĩ Thiên Chúa giáo như B. Ruydơ (Bồ Đào Nha), Matêô Ricci (Italia) theo những thuyền buôn vào Đại Việt rất sớm để truyền giáo, nhưng họ không thu được kết quả do thiếu kinh nghiệm giao tiếp và đặc biệt không biết tiếng Việt. 

Để thuận lợi cho việc thâm nhập vào dân chúng truyền giáo, các giáo sĩ buộc phải tìm cách học tiếng Việt. Họ phải ghi lại những cách phát âm của tiếng Việt và giảng nghĩa những chữ đó bằng tiếng Việt. Các giáo sĩ Tây phương đầu tiên đến Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp với người Việt vì lúc đó người Việt vẫn dùng chữ Nôm (喃書, chữ của người phương Nam) vay mượn từ chữ Hán (漢書) để ghi lại tiếng Việt () vẫn tồn tại từ thời các vua Hùng. 

Sang thế kỷ XVII, các giáo sĩ của Hội truyền giáo Bồ Đào Nha (đặt trung tâm tại Ma Cao) và của Dòng Tên hoạt động mạnh ở Đại Việt. Chỉ tính từ năm 1615 đến năm 1625 đã có 21 giáo sĩ vào truyền giáo ở nước ta. Học chữ Nôm quá khó, bởi vậy các các giáo sĩ Bồ Đào Nha Dòng Phanxicô; kế đến là các giáo sĩ Tây Ban Nha Dòng Đa Minh rồi Dòng Tên đã sử dụng ký tự Latinh có bổ sung thêm các dấu phụ - như chữ Bồ Đào Nha đã làm) để ghi lại phiên âm tiếng Việt - thứ chữ sau này được gọi là chữ Quốc ngữ. 

Số văn bản ghi lại loại chữ ghi âm này càng nhiều ở thế kỷ XVII và kèm theo những biến đổi hoàn chỉnh với ký hiệu thanh giọng thêm chính xác. Lâu ngày các giáo sĩ với sự cộng tác của nhiều người Việt đã tích lũy, khái quát và ghi lại trong các cuốn tự điển viết tay. Tên tuổi những giáo sĩ đã tiên phong góp công trong việc hoàn chỉnh lối chữ này gồm có: Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa và Francisco de Pina và sau này là Alexandre de Rhodes. 

Tuy nhiên, các giáo sĩ phương Tây không ở Hội An lâu trong công cuộc truyền đạo, và hình thành chữ Quốc ngữ, có lẽ nơi này có sự pha trộn của nhiều ngôn ngữ từ nhiều luồng cư dân đến trao đổi, buôn bán vì Hội An là cảng thị quốc tế quan trọng nhất của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Họ chọn dinh trấn Thanh Chiêm làm một trong các trung tâm truyền giáo, vì có lẽ nơi này được bảo hộ, yên tĩnh, kín đáo, an toàn và thuận lợi cho việc truyền, giảng đạo. 

Những giáo sĩ người Bồ Đào Nha đi tiên phong trong lĩnh vực Latinh hóa tiếng Việt. Trong thời gian lưu lại ở Đàng Trong từ năm 1617, giáo sĩ Francisco de Pina đã bắt đầu học tiếng Việt qua quá trình tiếp xúc với người Việt bản địa. Francisco de Pina đã nhiều lần qua lại Hội An và Thanh Chiêm và ông nhận thấy tiếng nói ở dinh trấn Thanh Chiêm là hay nhất, nghiên cứu tiếng nói ở đây là thuận lợi nhất: “Kẻ Chiêm (tức Thanh Chiêm - nơi đặt dinh trấn) vẫn là nơi tốt nhất với tư cách là trung tâm của triều đình. Ở đây người ta nói rất hay, có sự đổ dồn của những người trẻ tuổi đến mà họ là những sĩ tử và bên họ, những ai bắt đầu học tiếng có thể tìm thấy mọi sự giúp đỡ”.8 

Do có năng khiếu về ngôn ngữ và phương pháp làm việc khoa học, nên chỉ trong một thời gian ngắn Francisco de Pina đã có thể giảng đạo bằng tiếng Việt, cùng với giáo sĩ Cristoforo Borri biên soạn kinh sách bằng tiếng Nôm. Cuốn Nhập môn tiếng Đàng Ngoài của Francisco de Pina có lẽ là một trong những công trình Latinh hóa tiếng Việt sớm nhất. Đáng tiếc là bản viết tay của ông đã không còn lưu giữ được đến nay. Năm 1623, Francisco de Pina cho biết ông đã biên soạn một chuyên luận về chính tả và những âm của tiếng Việt và đang bắt tay vào viết cuốn ngữ pháp. 

Trong giai đoạn sơ khai hình thành chữ Quốc ngữ (từ năm 1617 - 1626), những người có vai trò quan trọng đặt nền móng cho sự hình thành ngôn ngữ này là các vị linh mục Francisco de Pina, Cristoforo Borri, Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa và sau này là Alexandre de Rhodes. Lịch sử cho thấy các vị linh mục này chủ yếu ở 3 nơi là Hội An - Thanh Chiêm (Quảng Nam), Cửa Hàn (Đà Nẵng) và Nước Mặn (Quy Nhơn), và cả 3 nơi này đều thuộc vùng đất Quảng Nam và được sự quản lý của dinh trấn Thanh Chiêm. Tiếng Quảng Nam là tiếng nói chung của Đàng Trong, trong đó tiếng Việt rất chuẩn của vùng Thanh Chiêm (trung tâm quyền lực lớn của các chúa Nguyễn) được các giáo sĩ Francisco de Pina, Cristoforo Borri và Alexandre de Rhodes chọn để hợp tác với người Việt địa phương trong các công trình Latinh hóa.9 Hai người có vai trò quan trọng nổi bật nhất trong sự hình thành, phát triển của chữ Quốc ngữ tại dinh trấn Thanh Chiêm và Hội An thuộc xứ Quảng Nam là Francisco de Pina (mở đầu) và Alexandre de Rhodes (tổng quát). Có thể thấy, so với các công trình Latinh hóa và nghiên cứu tiếng Việt sau này ở Đàng Trong và cả ở Đàng Ngoài thì trong giai đoạn 1617 - 1625 các công trình của Francisco de Pina thực hiện ở dinh trấn Thanh Chiêm và Hội An đã ra đời sớm nhất. Riêng Thanh Chiêm còn là nơi có trường học đầu tiên, tại đây Francisco de Pina đã dạy tiếng Việt cho Alexandre de Rhodes và Antonio de Fontes “với tư cách là bề trên và thầy giáo ở cơ sở này”.10 

Sự sáng tạo ra chữ Quốc ngữ là quá trình lâu dài, trong quá trình đó người Việt đóng góp công sức, trí tuệ không nhỏ, như TS. Roland Jacques nhận định: “Sự sáng tạo ra chữ Quốc ngữ không phải là công trình của phòng thí nghiệm mà có rất nhiều người Việt Nam dấn thân với sự nhiệt tình nào đó trong hành động”.11 

Được phép của thế tử Nguyễn Phúc Kỳ, Francisco de Pina sau khi trở thành Cha bề trên tại cơ sở truyền đạo ở Thanh Chiêm vào năm 1624 đã cho lập nhà đạo của các giáo sĩ Dòng Tên. Ông đã hợp tác với các thanh niên địa phương để Latinh hóa tiếng Việt. Nhiều tài liệu cho thấy những người thầy (người bản xứ dạy tiếng Việt) cho các giáo sĩ phương Tây, như: Amaral, Barbosa, Francisco de Pina, Cristoforo Borri lên tới 14 người với những cái tên như Trâm, Văn Triều, Sang, Văn Tang, Văn Nhất, Cai…12 Những người Việt cộng tác với các giáo sĩ để Latinh hóa tiếng Việt có lẽ là các trí thức, thầy đồ, các sinh đồ, tín đồ Thiên Chúa giáo. Họ là những người có hiểu biết sâu sắc về tiếng mẹ đẻ, cũng như văn hóa dân tộc và họ có nhiều khả năng hợp tác, đóng góp về tư liệu tra cứu, cũng như giúp các giáo sĩ phương pháp phiên âm tiếng Việt. 

Không có sự hợp tác giữa các giáo sĩ phương Tây với người Việt bản địa không thể có sự hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ. 

Năm 1632, cha Gaspar d’Amaral đã soạn cuốn Từ điển Việt - Bồ; rồi cha Antonio Barbosa thì soạn cuốn Từ điển Bồ - Việt. Song công lao lớn nhất trong việc củng cố, khái quát hóa, phát triển thứ chữ này thuộc về linh mục Alexandre de Rhodes (học trò của Francisco de Pina).13 Chữ Quốc ngữ được dùng viết thành sách và in ra đầu tiên từ Alexandre de Rhodes. Ông đã sưu tập, bổ sung, biên soạn và xuất bản cuốn Dictionarivm Annamiticvm Lvsitanvm, et Latinvm (thường gọi là Từ điển Việt - Bồ - La) ở Roma vào năm 1651. Đây là cuốn tự điển tương đối hoàn chỉnh phiên âm tiếng Việt. Tuy là người Pháp nhưng ông lại dùng tiếng Bồ Đào Nha trong cuốn tự điển cùng những đóng góp của tiếng Ý và tiếng Pháp. Trong chữ Quốc ngữ qu, gu là mượn của chữ Italia; ch của các chữ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp; ph, th, kh và các dấu thanh của chữ Hy Lạp cổ.14 

Năm 1651, trong Lời nói đầu cuốn Tự điển Việt - Bồ - La, Alexandre de Rhodes cho biết: “Ngay từ đầu tôi đã học với Cha Francisco de Pina người Bồ Đào Nha,... là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng ngôn ngữ đó mà không dùng thông ngôn...”. 15 Chữ Quốc ngữ rõ ràng là thành tựu sáng tạo của rất nhiều người, không phải duy nhất của ai, đặc biệt chỉ là của Alexandre de Rhodes theo quan điểm của GS. Hoàng Tuệ, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ Việt Nam16, trái ngược hẳn với phản ứng gay gắt, không thiện chí và thiếu thuyết phục về mặt khoa học của TS. Nguyễn Khắc Xuyên.17 Nhiều nhà khoa học cho rằng Alexandre de Rhodes chỉ là một trong những giáo sĩ đã góp phần vào công trình tập thể sáng tạo ra chữ Quốc ngữ mà ông đóng góp chủ yếu trong phần chỉnh lý và phổ biến nó, còn các giáo sĩ Bồ Đào Nha và nhiều người Việt Nam mới có vai trò quan trọng nhất trong giai đoạn đầu hình thành loại chữ viết này. 

Bản thân Alexandre de Rhodes thẳng thắn trình bày rằng trước ông đã có cuốn Từ điển Việt - Bồ với người soạn là Gaspar d’Amaral (mất năm 1646) và cuốn Từ điển Bồ - Việt với tác giả là Antonio Barbosa (mất năm 1647) và ông có sự kế thừa các thành tựu nghiên cứu, sáng tạo đó. Hai giáo sĩ này đã cùng với Francisco de Pina và Cristoforo Borri là một tập thể đã tìm hiểu tiếng Việt, phiên âm tiếng Việt và làm các cuốn từ điển nói trên. 

Vào năm 1651, Alexandre de Rhodes cho xuất bản tài liệu song ngữ Latinh - Việt đầu tiên là cuốn Phép giảng tám ngày (Cathechimus) và phần Tiểu lược về tiếng An Nam hay tiếng Bắc Kỳ (còn gọi là Ngữ pháp tiếng An Nam) in chung trong Từ điển và là cuốn văn phạm Việt Nam đầu tiên. Nếu Phép giảng tám ngày là cuốn sách chuyên về đạo Thiên Chúa đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ thì cuốn văn phạm này là sự sáng tạo của riêng Alexandre de Rhodes. Chính nhờ cuốn Ngữ pháp tiếng An Nam viết về văn phạm tiếng Việt một cách khái quát mà các giáo sĩ và người học chữ Quốc ngữ thêm thuận lợi, dễ dàng hơn rất nhiều. 

Một số nhà nghiên cứu cho rằng Alexandre de Rhodes mượn dấu sắc, huyền, ngã từ tiếng cổ Hy Lạp mà vẫn không đủ nên phải thêm iota subscriptum (dấu nặng) và dấu hỏi để biểu lộ thanh giọng của tiếng Việt. Cái khó của tiếng Việt không phải là sự đa dạng phương ngữ như tiếng Hán, mà là phong phú thanh điệu. Vì vậy, cũng có ý kiến cho rằng sự đóng góp của Alexandre de Rhodes còn là sự ghi thanh bằng các dấu trên các bản viết tay của d’Amaral (1632, 1636) và của chính A. de Rhodes (1637).18 

Từ điển Việt - Bồ - La (Dictionarivm Annamiticvm Lvsitanvm, et Latinvm), Ngữ pháp tiếng An Nam, và Phép giảng tám ngày (Cathechimus) là ba tác phẩm của Alexandre de Rhodes đánh dấu một quá trình phát triển rực rỡ của chữ Quốc ngữ sau nhiều năm hình thành. Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ đánh giá cao những giá trị của Từ điển Việt - Bồ - La. Ngoài tài năng, và mục đích truyền đạo, không thể không nhận thấy tấm lòng yêu mến của Alexandre de Rhodes đối với đất nước Việt Nam qua lời tự bạch trên tấm bia kỷ niệm của ông (hiện đặt tại Thư viện Quốc gia, 31 Tràng Thi, Hà Nội): “Phần xác ta rời khỏi đất Nam với đất Bắc, nhưng thực ra lòng ta vẫn quyến luyến, lòng ta không bao giờ quên được hai xứ ấy”. 

Trong Hội nghị kỷ niệm 335 năm ngày mất của Alexandre de Rhodes tại Hà Nội vào ngày 22.12.1995, các đại biểu đã nhất trí khôi phục lại tên đường Alexandre de Rhodes tại quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh và dựng lại bia kỷ niệm ông tại Thư viện Quốc gia (31 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội). 

Đó chẳng phải là sự đánh giá trân trọng những công lao to lớn của ông đối với sự phát triển chữ Quốc ngữ và văn hóa dân tộc Việt Nam hay sao? 

3. Vị trí, vai trò của chữ Quốc ngữ 

Khi thâm nhập cộng đồng cư dân bản địa để truyền đạo cho người Việt, các giáo sĩ phương Tây vấp phải khó khăn lớn nhất là sự khác biệt về ngôn ngữ và văn tự. Các giáo sĩ có thể học tiếng Việt, nhưng học chữ Nôm đối với họ là cực kỳ khó khăn. Khi học tiếng Việt, các giáo sĩ phương Tây cần làm là dùng chữ cái Latinh để phiên âm và dần hình thành chữ Quốc ngữ Latinh hóa. Mục đích ban đầu của các giáo sĩ phương Tây là sáng tạo ra chữ Quốc ngữ và sử dụng nó để giúp họ dễ dàng thâm nhập cộng đồng cư dân bản địa và truyền đạo. Trong đất nước mà người dân nói tiếng Việt, nhưng lại hầu hết không biết viết chữ Nôm và chữ Hán, thì chữ Quốc ngữ trở nên rất dễ học khi so sánh với hai ngôn ngữ trên (chữ Nôm và chữ Hán) và nó thành công cụ hữu hiệu, đắc lực giúp các giáo sĩ truyền và giảng đạo. 

Các giáo sĩ phương Tây nhanh chóng nhận thấy ý nghĩa thực tiễn của chữ Quốc ngữ trong mục đích truyền giáo. Các giáo sĩ không có ý đồ dùng chữ Quốc ngữ thay cho chữ Nôm. Thực tế cho thấy sau khi có chữ Quốc ngữ, trong suốt thế kỷ XIX chữ Nôm và chữ Hán vẫn tiếp tục được dùng trong giáo hội Thiên Chúa giáo ở Việt Nam, và còn được dùng nhiều hơn chữ Quốc ngữ.19 

Sau này ngày càng có nhiều người theo học và người ta nhanh chóng hiểu ra lợi ích của chữ Quốc ngữ trong việc phổ cập giáo dục và nâng cao dân trí, đồng thời vẫn góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc. Có nhà nghiên cứu cho rằng chữ Quốc ngữ thì ghi được một cách khá chính xác cách phát âm, còn chữ Nôm thì tuy không ghi được cách phát âm, nhưng cũng là kết tinh của mấy thế kỷ cha ông chúng ta cố gắng để tự lập về văn hóa đối với người Hán tộc.20 

Chữ Quốc ngữ trở thành công cụ của nền hành chính cai trị thời Pháp thuộc, ngay từ 22.2.1868 khi Thống đốc Nam Kỳ G.Ohier ký nghị định "Về chữ viết An Nam bằng mẫu tự châu Âu trở thành bó buộc trong giấy tờ chính thức".21 Chữ Quốc ngữ cũng trở thành phương tiện đấu tranh trong việc mở mang, nâng cao dân trí, đặt cơ sở cho công cuộc đấu tranh yêu nước để giành lại độc lập cho dân tộc Việt Nam suốt thế kỷ XX. 

4. Kết luận 

Quảng Nam, hay gọi âm địa phương là Quảng Nôm (廣喃), là một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam. Tên gọi Quảng Nam có nghĩa là mở rộng về phương Nam. Năm 1471, sau khi chiếm vùng đất phía Nam Thuận Hóa cho đến đèo Cù Mông, vua Lê Thánh Tông lập thêm đơn vị hành chính thứ 13 - Thừa tuyên Quảng Nam gồm 3 phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn (nay là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định). Danh xưng Quảng Nam xuất hiện từ đây. 

Quảng Nam là vùng đất giàu truyền thống văn hóa với hai di sản văn hóa thế giới là phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn. Quảng Nam còn là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sản sinh ra nhiều người con ưu tú cho đất nước như: Phạm Phú Thứ, Hoàng Diệu, Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng... Quảng Nam còn mảnh đất tự hào vì có dinh trấn Thanh Chiêm - Hội An là cái nôi hình thành chữ Quốc ngữ - một thành tựu đóng góp to lớn và vô cùng quan trọng cho sự phát triển văn hóa, giáo dục của dân tộc Việt Nam. 

Ngay từ năm 1615 và những năm sau đó, dinh trấn Thanh Chiêm vinh dự trở thành vùng đất khai sinh chữ Quốc ngữ khi Giáo đoàn Francesco Buzomi đến dinh trấn Thanh Chiêm mở đầu công cuộc truyền bá đạo Kitô. Các giáo sĩ được cử tới đây vừa để truyền giáo vừa để đáp ứng các nhu cầu cần thiết của các giáo dân từ nhiều nơi đến đây sinh sống (như thực hiện các nghi lễ rửa tội,…). Họ cần phải có một thứ ngôn ngữ riêng và thuận lợi để thực hiện các công việc truyền giáo. Đó là nguyên nhân của sự ra đời của chữ Quốc ngữ. 

Mục đích chính của các giáo sĩ Thiên Chúa giáo học tiếng Việt, phiên âm tiếng Việt để dễ dàng truyền bá đạo Thiên Chúa. Sự ra đời của chữ Quốc ngữ trên đất Quảng Nam trong những thập niên đầu thế kỷ XVII là một trong những thành tựu to lớn của quá trình giao lưu kinh tế, văn hóa với các nước trong khu vực và phương Tây. Sự hình thành, phát triển và sử dụng phổ biến của chữ Quốc ngữ đánh dấu cột mốc lớn trên tiến trình phát triển, hội nhập văn hóa, văn minh của dân tộc Việt Nam. 

Chữ Quốc ngữ một thành tựu ngôn ngữ do sự sáng tạo của nhiều giáo sĩ Bồ Đào Nha, Pháp, Ý như Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa,  Francisco de Pina, Cristoforo Borri, đặc biệt là Alexandre de Rhodes và không tách rời công lao, đóng góp to lớn của nhiều người Việt bản địa qua các hoạt động cộng tác, tham gia giúp các giáo sĩ phiên âm, Latinh hóa tiếng Việt. 

Bước ngoặt quyết định dẫn đến thành công của chữ Quốc ngữ là do chính các nhà Nho trong hàng ngũ phong trào Duy tân và Đông Kinh nghĩa thục, Minh tân.22 Các phong trào đấu tranh yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX, như: Đông Kinh nghĩa thục (Bắc Kỳ), Duy tân (Trung Kỳ), Minh tân (Nam Kỳ) đều sử dụng chữ Quốc ngữ như là phương tiện đấu tranh sắc bén chống lại ngu dân, nô dịch, xóa bỏ cổ hủ, lạc hậu, cổ xúy cho việc xây dựng văn hóa, văn minh, tiến bộ, kích động lòng yêu nước và hướng tới giành lại độc lập cho dân tộc Việt Nam. TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

1. Ngô Sĩ Liên (1993). Đại Việt sử ký toàn thư. Tập II. Hà Nội: Khoa học Xã hội, 306. 

2. Lê Quý Đôn (1977). Phủ biên tạp lục. Hà Nội: Khoa học Xã hội, 134. 

3. Quốc sử quán triều Nguyễn (1962). Đại Nam thực lục tiền biên. Tập I. Hà Nội: Sử học, 44. 

4. Quốc sử quán triều Nguyễn (1962). Đại Nam thực lục tiền biên. Quyển 3. Hà Nội: Sử học. 

5. Thích Đại Sán (1963). Hải ngoại ký sự. Quyển 1. Viện Đại học Huế, 30. 

6. Lê Quý Đôn (1977). Phủ biên tạp lục. Hà Nội: Khoa học Xã hội, 234. 7. Cristoforo Borri (2014). Xứ Đàng Trong năm 1621. TPHCM: Tổng hợp TPHCM, 91. 

8. Roland Jacques. L’oeuvre de quelques pioniers dans le domaine de la linguistique vietnamienne jusqu’a en 1650, 43. 

9. Nguyễn Phước Tương (2001). “Hội An-Thanh Chiêm và sự ra đời chữ Quốc ngữ”, Danh xưng Quảng Nam. Kỷ yếu Hội thảo khoa học, 112. 

10. Hồ Thế Vinh. “Vai trò lịch sử của Dinh trấn Thanh Chiêm”. Non Nước. Số 220. 

11. Roland Jacques. L’oeuvre de quelques pioniers dans le domaine de la linguistique vietnamienne jusqu’a en 1650, 78. 

12. Trần Nhật Vy (2013). Chữ Quốc ngữ 130 năm thăng trầm. TPHCM: Văn hóa - Văn nghệ, 20, 12. 

21. Trần Ngọc Thêm (1997). Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam. TPHCM: TPHCM, 565-366. 

22. Lê Minh Quốc (2000). Hành trình chữ viết. TPHCM: Trẻ, 72. 

23. Alexandre de Rhodes (1991). “Lời nói đầu” (Ad Lectorem). Từ điển Annam - Lusitan - Latinh thường gọi Từ điển Việt - Bồ - La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum, et Latinum). Hà Nội: Khoa học Xã hội. 

24. Hoàng Tuệ (1993). “Ai làm ra chữ Quốc ngữ”. Tuổi trẻ Chủ nhật. Ngày 31.1. 

25. Nguyễn Khắc Xuyên (1993). “Gửi Giáo sư Hoàng Tuệ bàn về chữ Quốc ngữ trên tờ Tuổi trẻ”. Ngày nay. Số 277. Ngày 1.7.1993, Houston, Texas, Hoa Kỳ. 

26. Đỗ Quang Chính (1972). Lịch sử chữ Quốc ngữ. Sài Gòn: Tủ sách Ra khơi. 

27. Lê Minh Quốc (2000). Hành trình chữ viết. TPHCM: Trẻ, 70-73. 

28. Trần Văn Toàn (2004). Tự vị Taberd và di sản văn hóa Việt Nam trong Dictionarivm Annamiticvm Lvsitanvm, et Latinvm. Hà Nội: Văn học. 

29. Nguyễn Phú Phong (2005). Việt Nam - Chữ viết, Ngôn ngữ và Xã hội. Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 85. 

CƠ SỞ CỦA SỰ RA ĐỜI SỚM
CHỮ QUỐC NGỮ Ở QUẢNG NAM?

Trương Công Huỳnh Kỳ - Dương Thanh Mừng

1. Đặt vấn đề 

Chữ Quốc ngữ là kết quả của sự lao động tìm tòi, sáng tạo của nhiều người xuất thân từ linh mục Dòng Tên với sự cộng tác của một số giáo dân và thầy giảng Việt Nam vào thế kỷ XVII. Những người này đã dùng mẫu tự Latinh, dựa vào phần nào của chữ Bồ Đào Nha, chữ Ý và mấy dấu Hy Lạp để làm thành chữ Quốc ngữ, mà chúng ta đang sử dụng trong bối cảnh lúc đó nhân dân Việt Nam dùng chữ Hán là chính, còn chữ Nôm là phụ. 

Chữ Quốc ngữ lúc đầu chỉ là công cụ truyền giáo, là phương tiện để tiếp biến văn hóa Đông - Tây, dần dần có vai trò to lớn trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân Việt Nam. Chính vì vậy, từ lâu các nhà nghiên cứu đã bỏ nhiều công sức để nghiên cứu chữ Quốc ngữ dưới góc độ lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ, đưa lại những kết quả đáng trân trọng, song còn nhiều vấn đề cần tiếp tục làm sáng tỏ, như ai là người có công lớn nhất trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Ngoài vai trò của các giáo sĩ phương Tây thuộc Dòng Tên, còn có vai trò của người Việt (là giáo dân, là thầy giảng). Từ khi thai nghén đến khi thực sự hình thành, nó đã gắn bó với những điều kiện lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa của vùng đất nào? Chữ Quốc ngữ được xây dựng theo phương thức nào? Thời gian gần đây xuất hiện xu hướng nghiên cứu chữ Quốc ngữ gắn liền với vùng miền để khẳng định sự đóng góp của địa phương đối với tài sản vô giá của dân tộc này. Trong bài viết này, chúng tôi muốn trình bày vấn đề: Vì sao chữ Quốc ngữ ra đời sớm ở Quảng Nam? Sự đóng góp của vùng đất Quảng Nam đối với sự hình thành sớm chữ Quốc ngữ dựa trên những cơ sở nào? 

2. Những cơ sở của sự hình thành sớm chữ Quốc ngữ trên đất Quảng Nam 

2.1. Quảng Nam - vùng đất “mở” của sự giao lưu và phát triển kinh tế - văn hóa Đông - Tây  

Sự ra đời của chữ Quốc ngữ gắn liền với những điều kiện địa lý, chính trị, kinh tế và văn hóa. Với vị trí địa lý và cấu trúc địa hình đặt trong mối quan hệ khu vực, Quảng Nam từ lâu đã được xem là vùng đất rộng mở về phương Nam. Điều này đã được Lê Thánh Tôn - vị minh quân số một của Việt Nam thời phong kiến nhận thức trong quá trình Nam tiến trên các phương diện địa lý, chính trị, kinh tế và văn hóa. Chính vì vậy, năm 1471, Lê Thánh Tôn đã đặt tên vùng đất từ sông Thu Bồn vào đến núi Đá Bia là Quảng Nam - Thừa tuyên thứ 13. Vai trò Quảng Nam thực sự nổi bật bắt đầu từ cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, khi Quảng Nam được xem là trung tâm quyền lực thứ hai sau Thuận Hóa của Đàng Trong, là bàn đạp trực tiếp của quá trình Nam tiến, là nơi hưng khởi bậc nhất của kinh tế hàng hóa và đô thị Việt Nam thời trung đại, đồng thời đây cũng là cái nôi của sự hình thành chữ viết hiện đại của dân tộc Việt Nam - chữ Quốc ngữ theo mẫu tự Latinh. 

Sau các cuộc phát kiến địa lý vào cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, giới thương nhân châu Âu đẩy mạnh việc tìm kiếm thị trường ở các châu lục Á, Phi, Mỹ - Latinh gắn liền với công cuộc thực dân hóa; đồng thời các giáo sĩ phương Tây, chủ yếu là người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan… cũng đẩy mạnh công cuộc truyền bá đức tin Thiên Chúa trên toàn cầu. Công cuộc này ngày càng được đẩy mạnh trong thế kỷ XVII, khi chủ nghĩa tư bản ngày càng trở thành xu thế phát triển của nhân loại, kinh tế thị trường rộng mở trên toàn cầu và giao lưu văn hóa Đông - Tây trở thành một xu thế của lịch sử. Lúc bấy giờ, nước Đại Việt bị chia cắt thành Đàng Ngoài và Đàng Trong cũng là một đích đến. Ở Đàng Trong, Thuận Hóa là nơi đặt trung tâm chính trị và quân sự để sẵn sàng đối phó với sự thôn tính của Đàng Ngoài ở phía Bắc, còn kinh tế trọng yếu thuộc dinh Quảng Nam, trong đó Thanh Chiêm là thủ phủ nhằm tạo ra bàn đạp mở cõi về phương Nam. Đây là vùng đất có nhiều ưu thế trong việc giao lưu kinh tế, văn hóa và truyền đạo Thiên Chúa lúc bấy giờ. 

Với vị trí địa lý, địa hình và nguồn tài nguyên thiên nhiên của vùng đất Quảng Nam vào thế kỷ XVII, thì đây là vùng đất “mở” trên nhiều phương diện: tụ cư, giao lưu và phát triển kinh tế, tiếp biến và giao thoa văn hóa, là bàn đạp để mở cõi về phương Nam. Chính vì vậy, ngay sau giành được quyền cai quản cả xứ Thuận Hóa và Quảng Nam (1570), chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã cho khảo sát toàn bộ vùng Quảng Nam để phục vụ cho đường lối cai trị của mình nhằm biến vùng đất này trở thành hậu phương vững chắc cùng với Thuận Hóa đảm bảo cho sự tồn tại của họ Nguyễn ở Đàng Trong. Năm 1601, trong chuyến tuần du Quảng Nam, khi vượt qua đèo Hải Vân và đứng trước quang cảnh bao la, trù phú của vùng đất này, chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã khen rằng “chỗ này là đất yết hầu của vùng Thuận Quảng”. Vì vậy, năm 1602, Nguyễn Hoàng đã cho thiết lập dinh Quảng Nam ở xã Thanh Chiêm.1 Đây là vùng đất có đầy đủ các yếu tố để xây dựng Thanh Chiêm trở thành thủ phủ của Quảng Nam với các chức năng kết hợp: chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa. Dinh trấn này tồn tại mãi đến năm Minh Mạng thứ 14 (1834) mới dời về La Qua cũng thuộc huyện Diên Phước phủ Điện Bàn. 

Để xây dựng Đàng Trong trở thành thế lực mạnh nhằm đương đầu với Đàng Ngoài, các chúa Nguyễn từ Nguyễn Hoàng trở đi, đã tìm mọi cách xây dựng vùng đất Quảng Nam - thành một vùng đất phát triển với chính sách “khai phóng” rộng mở. Bên cạnh việc đẩy mạnh quá trình Nam tiến từ năm 1611 nhằm mở cõi về phương Nam, các chúa Nguyễn còn quan tâm đến sự phát triển công thương nghiệp, thực hiện chính sách mở cửa đối với phương Tây và châu Á, trong đó vùng đất Quảng Nam có ý nghĩa chiến lược to lớn. Quá trình này diễn ra ở Đàng Trong sớm hơn ở Đàng Ngoài. 

Năm 1613, Nguyễn Hoàng mất, chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1635), người kế tục xuất sắc chúa Nguyễn Hoàng đã mở ra cho Đàng Trong một cơ hội hội nhập và phát triển với ý đồ thông qua chính sách mở cửa để đặt quan hệ hợp tác, thương mại và thu dụng nhân tài trong nước và ngoài nước nhằm phát triển kinh tế, quốc phòng để đủ sức đương đầu với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Do cần nâng cao vị thế, sức mạnh của Đàng Trong, chúa Nguyễn cũng cho phép truyền đạo Thiên Chúa, qua đó, tranh thủ lợi thế của các cường quốc để phát triển, đây là một tư duy mới ít có ở phương Đông lúc bấy giờ. 

Hoạt động đối ngoại của các chúa Nguyễn thế kỷ XVII được thiết lập trên nhiều mối bang giao, trong đó đáng chú ý nhất là mối quan hệ, buôn bán với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước phương Tây, nhất là các nước thường xuyên có thương thuyền đến buôn bán ở khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ, như: Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp… Các hải cảng, thương cảng được thiết lập dọc theo ven biển xứ Đàng Trong. Theo Cristoforo Borri, thời ấy (đầu những năm 20 thế kỷ XVII - TG) ở Đàng Trong có 60 cửa bể, sầm uất nhất là Hội An, còn hai hải cảng quan trọng thứ nhì là Cửa Hàn (Quảng Nam), Nước Mặn (Quy Nhơn)… Các thương thuyền các nước thường xuyên đến ba cửa bể đó. Trong đó, người Bồ Đào Nha được xem là một trong những người đến Đàng Trong sớm nhất để buôn bán và truyền đạo.2 

Nhờ chính sách tiến bộ của chúa Nguyễn, vùng đất Quảng Nam ngày càng phát triển, giàu có. Theo Dương Văn An, ở vùng Điện Bàn - Quảng Nam thì “giàu có vì lắm thóc, dẫm lúa phải bằng xe trâu”. Vào đầu thế kỷ XVII, giáo sĩ Cristoforo Borri đã nhận xét: “Nhờ lụt nên đất đai màu mỡ và mỗi năm người ta gặt lúa ba lần, với số lượng như thế và với sự sung túc, người ta không thấy ai muốn làm vệc ăn lương, mọi người đã tự nuôi sống một cách sung túc”.3 “Xứ Đàng Trong ...rất giàu về mọi thứ cần thiết cho việc nuôi sống con người...., người ngoại quốc bị lôi cuốn bởi sự phồn thịnh của xứ sở và bị kích thích bởi lòng yêu sự giàu có, đã có mặt dày đặc ở đây....”.4 

Sản xuất nông nghiệp trở thành hàng hóa cùng với hàng thủ công và lâm thổ sản quý hiếm, nên công thương nghiệp cũng khá phát triển. Các luồng thương mại giữa các vùng miền trong nước (Thanh Hà, Hội An, Nước Mặn,…) và giữa Đàng Trong với nước ngoài được xác lập. Các thương nhân Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp… đã đến các phố cảng Đàng Trong buôn bán với các mặt hàng đem đến là diêm sinh, cánh kiến, bạc, sắt, đồng, len, dạ, vũ khí… và mua đi các mặt hàng yến sào, tơ sống, gỗ quý, quế hương… dẫn đến sự hưng khởi các đô thị Đàng Trong. Trong đó, ra đời tương đối sớm và tồn tại khá dai dẳng là thương cảng Hội An - một mô hình “kinh tế mở” được xem là hết sức thành công của chúa Nguyễn lúc bấy giờ. 

Cùng với sự phồn thịnh về kinh tế, xã hội Quảng Nam an bình, sức mạnh quân sự đủ sức đương đầu với các thế lực phương Tây. Chúa Nguyễn đã từng tuyên bố rằng: “… ông ta không sợ bất cứ nước nào trên trái đất, điều này trái với vua Trung Hoa, người sợ tất cả thế giới đã cấm tất cả người ngoại quốc buôn bán với thần dân của ông”.5 Điều này là do một trong những nhân tố: “Kỹ thuật quân đội và nghệ thuật thực hiện chiến tranh ở Đàng Trong gần như giống ở châu Âu, cách sắp xếp hàng ngũ, chiến đấu, xung phong, đánh để rút lui đều là một”6 với hơn 100 chiến thuyền, 60 đại bác, súng hỏa mai và khả năng hải chiến rất mạnh. Chính sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, chính trị, quốc phòng là cơ sở để các chúa Nguyễn thực hiện chính sách “mở cửa”, đồng thời là nền tảng để giao lưu, phát triển văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, mà Cửa Hàn, Hội An, Thanh Chiêm, Nước Mặn là những điển hình của sự phát triển này vào nửa đầu thế kỷ XVII. 

Vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, Hội An trở thành địa điểm được các chúa Nguyễn lựa chọn để thiết lập quan hệ giao thương với bên ngoài nhằm tận dụng thời cơ thuận lợi của các luồng thương mại quốc tế để phát triển kinh tế Đàng Trong. Nhờ điều kiện địa lý thuận lợi trong việc giao thương cộng với chính sách mở cửa của chúa Nguyễn đã làm cho thương cảng Hội An nhanh chóng được hình thành từ cuối thế kỷ XVI và phát triển mạnh mẽ trong nhiều thế kỷ tiếp theo. Phan Huy Lê cho rằng, “trong nửa đầu thế kỷ XVII, Hội An đã trở thành thương cảng nổi tiếng và sầm uất bậc nhất ở Việt Nam”7 trực thuộc dinh trấn Thanh Chiêm ở cách đó chừng 10 km. Hội An lúc này không chỉ đóng vai trò là một đô thị thương cảng quan trọng ở Đàng Trong mà đã trở thành một cảng thị quốc tế, một trung tâm thương nghiệp lớn ở Đông Á và Đông Nam Á… Thương cảng Hội An còn được xem là “trung tâm trung chuyển của con đường tơ lụa và gốm sứ quốc tế xuyên đại dương trong các thế kỷ XVI, XVII, XVIII”.8 Hội An còn là trung tâm giao lưu văn hóa và chữ viết các nước phương Tây và châu Á ở Việt Nam. Một trong những nhân tố tạo nên hiện tượng này là nhờ chính sách đối ngoại rộng mở của các chúa Nguyễn. Mãi đến đầu thế kỷ XIX, khi nhà Nguyễn chính thức chọn cảng Đà Nẵng làm đầu mối quan hệ thông thương với bên ngoài, thì Hội An mới chính thức chấm dứt vai trò cảng thị quốc tế. 

Đối với Hội An, Đà Nẵng, chúa Nguyễn đã thực hiện chính sách “kinh tế mở” cho người nước ngoài đến tụ cư, buôn bán và truyền đạo. Tại Hội An, có hai khu phố riêng biệt, một dành cho người Trung Hoa, một dành cho người Nhật. Kiều dân Nhật đặt dưới sự quản lý của một người Nhật do chúa Nguyễn bổ nhiệm, Hoa kiều cũng do một người Trung Hoa cai quản tương tự. Đặc biệt, vị quan cai trị người Nhật lại được chúa Nguyễn trao cho quyền cai quản, phụ trách về người Tây phương ở Hội An. Giáo sĩ người Ý là Cristoforo Borri đến Hội An trong những năm 1618 - 1622 đã nhận xét: “Đô thị này gọi là Faifo, và nó khá lớn, chúng tôi có thể nói điều đó vì một phần là người Trung Hoa và phần kia là người Nhật, họ sống riêng biệt, mỗi nơi có một quan trấn thủ riêng, người Trung Hoa sống theo luật pháp Trung Hoa và người Nhật theo luật pháp Nhật Bản”.9 

Chúa Nguyễn Phúc Nguyên không chỉ cho Người Nhật, người Trung Hoa lập phố, buôn bán mà còn tạo điều kiện cho người Bồ Đào Nha khi họ có yêu cầu xây dựng đô thị tại Đà Nẵng và được tự do buôn bán. Chúa còn thiện chí trong việc xây dựng nhà thờ và cho các giáo sĩ tự do truyền đạo Thiên Chúa. Điều này đã được Cristoforo Borri xác nhận và đề nghị vua Bồ Đào Nha nên tận dụng chủ trương của chúa Nguyễn nhằm tạo ra một thế lực cho Bồ Đào Nha ở vùng Viễn Đông để cạnh tranh với Hà Lan đang có ưu thế về hàng hải và quân sự: “…Tôi xin nói rằng ngài cần ra lệnh cho người Bồ Đào Nha chấp nhận bất cứ cách nào sự dâng hiến hào hiệp đã đưa đến cho họ và họ xây dựng ở đó một thành phố tốt đẹp, nó chắc chắn sẽ là một nơi trú ẩn và một chỗ ghé bến cho các tàu đi Trung Hoa, vì người ta có thể lưu ở đây một đội quân sẵn sàng chống lại người Hòa Lan, người cũng đi sang Trung Hoa và Nhật Bản. Thật thế, họ phải đi qua quãng giữa eo biển trên đoạn bờ biển thuộc tỉnh Ranran (Phú Yên) và Pulucampi (Quy Nhơn) các đá ngầm ở Pulussisi (Poulo Cécir - Cù lao Thu)”. 10 

Sở dĩ có yêu cầu này, vì đến thế kỷ XVI, thực dân Bồ Đào Nha trở thành kẻ lũng đoạn lớn nhất về hương liệu và hàng hóa phương Đông ở châu Âu. Từ thế kỷ XVI đến XVII, Bồ Đào Nha khống chế cả một vùng ảnh hưởng rộng lớn các cứ điểm, thương điếm và thuộc địa ở châu Phi, Ấn Độ, Trung Quốc, Iran, Mã Lai, Indonesia, Nam Mỹ… đưa Bồ Đào Nha lên địa vị “bá chủ” thế giới. 

Để có đủ sức mạnh chống lại Đàng Ngoài, súng đại bác là mặt hàng mà các chúa Nguyễn cần nhất để phục vụ chiến tranh và súng được xem là mặt hàng quan trọng nhất trong việc trao đổi giữa chúa Nguyễn và thương nhân Bồ Đào Nha... Các tàu của Bồ Đào Nha thường chở súng từ Ma Cao đến bán cho các chúa Nguyễn và mua của Đàng Trong các mặt hàng tơ, vàng, trầm hương, kỳ nam đem về nước tiêu thụ. 

Ngoài vai trò là một hải cảng lớn nhất Đàng Trong thuận lợi cho việc đi lại, Hội An còn có đông đảo ngoại kiều là người Nhật sinh sống. Sở dĩ các giáo sĩ chọn Hội An làm một trong những nơi mở đầu việc truyền đạo vì tại đây vào thế kỷ XVII đã có rất đông cộng đồng người Nhật sinh sống, trong đó có nhiều người theo đạo Công giáo. Nhiều người Nhật ở đây qua giao lưu buôn bán cũng biết tiếng Việt. Những người Nhật này đã bị Mạc phủ cấm đạo Thiên Chúa phải lánh nạn sang Hội An, Đà Nẵng hành đạo. Họ đã làm cơ sở cho các giáo sĩ là người Nhật, lai Nhật hoặc phương Tây phát triển đạo. Hơn nữa, tại đây, những chính sách ưu đãi để thu hút thương nhân nước ngoài của các chúa Nguyễn cũng là điều kiện hết sức thuận lợi cho các giáo đoàn hoạt động. Đây là một trong những lý do để giải thích vì sao các giáo sĩ đã đến Cửa Hàn, Hội An để truyền giáo. Chính mối quan hệ này là một trong những cơ sở để tiến đến Latinh hóa tiếng Việt mà chúng tôi sẽ trình bày ở phần sau. 

Sang đầu thế kỷ XVII, một số nhà truyền giáo Dòng Tên gốc Âu châu và một ít người Trung Hoa, Nhật Bản truyền bá Phúc âm ở Việt Nam và hoạt động của họ được ghi lại rất cụ thể. Ngày 6.1.1615, Trung tâm truyền giáo của Bồ Đào Nha tại Ma Cao cử hai giáo sĩ Dòng Tên là: Francois Bujomi (Ý), Diego Carvalho (Bồ) và thầy Antonio Dias (Bồ) đến Hội An truyền đạo.11 Họ đã đáp tàu buôn Bồ Đào Nha từ Áo Môn12 đi Đàng Trong tới Cửa Hàn vào ngày 18.1.1615. Sau đó mấy tháng, các ông đến ở Hội An. Tại đây, nhờ biết tiếng Trung Hoa, Nhật, nên họ có thể giao tiếp với kiều dân Nhật, Hoa kiều. Ba nhà truyền giáo đến Hội An với mục đích đầu tiên là để giúp đỡ giáo hữu Nhật về mặt tôn giáo và nhờ người Nhật làm thông ngôn để tiếp xúc với người Việt Nam… Tiếp đó, năm 1617, do nhu cầu cần mở rộng kết quả của việc truyền bá Đức tin Thiên Chúa và các thừa sai phải tiếp xúc trực tiếp với người Việt, Trung tâm truyền giáo của Bồ Đào Nha tại Ma Cao đã cử một linh mục trẻ tuổi hơn và một sư huynh người Nhật để học tiếng Việt và sau đó họ trực tiếp thuyết giảng giáo lý mà không cần đến thông ngôn, và hai người đó chính là: Francois Barreto và Francisco de Pina sang Hội An tăng viện và mở rộng địa bàn truyền giáo. Năm 1618, Cristoforo Borri đi thương thuyền Bồ Đào Nha từ Áo Môn tới Cửa Hàn, Hội An (Đàng Trong) cùng với linh mục Pedro Marques, sau đó cùng F. de Pina vào Nước Mặn để xây dựng cơ sở truyền giáo. Công cuộc truyền giáo diễn ra thuận lợi, năm 1624, Trung tâm truyền giáo Bồ Đào Nha tại Ma Cao lại tiếp tục cử sang Đàng Trong 6 giáo sĩ nữa, trong đó có giáo sĩ Alexandre de Rhodes - “người có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng nền móng cho Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã tại Việt Nam, cả Đàng Trong và Đàng Ngoài trong nửa đầu thế kỷ XVII”.13 Alexandre de Rhodes đến Hội An tháng 12.1624, ở lại đây 18 tháng, sau đó về Ma Cao, ra Đàng Ngoài hoạt động (1627 - 1630),… rồi trở lại Đàng Trong (1640) và đến năm 1645 thì trở về hẳn châu Âu (tổng cộng có 8 năm ở Đại Việt)… 

Sở dĩ các linh mục đến truyền giáo sớm tại Quảng Nam, mà điểm đến đầu tiên là Cửa Hàn, Hội An, Thanh Chiêm, Nước Mặn, ngoài các lý do đã nói trên đây, thì quá trình truyền bá đạo Thiên Chúa gắn liền với hoạt động của thương nhân, với sự mở rộng kinh tế thị trường toàn cầu. Do yêu cầu về phương tiện đi lại, hoạt động của các giáo sĩ đi truyền bá Phúc Âm của Thiên Chúa gắn liền với hoạt động của thương nhân. Sỡ dĩ có hiện tượng này, một phần vì lý do tôn giáo (đi cùng để tổ chức hành lễ cho thương nhân), kinh tế (cần tiền để bố thí), phần khác quan trọng hơn là cần phương tiện đi lại do điều kiện giao thông trên thế giới lúc này còn rất hạn chế, nên việc đi lại chủ yếu bằng thương thuyền. Hầu hết các giáo sĩ đi truyền giáo tại Việt Nam đều đi thuyền của thương nhân (gọi là thương thuyền) của Bồ Đào Nha. Vì vậy, ở Đàng Trong là nơi các giáo sĩ Dòng Tên đến sớm nhất so với Đàng Ngoài, mà: Cửa Hàn, Hội An là cửa ngõ trước nhất cho sự du nhập. Gắn liền với Hội An là dinh trấn Thanh Chiêm - thủ phủ của Quảng Nam lúc bấy giờ, cơ quan quản lý trực tiếp đối với Hội An. 

Với chính sách tự do truyền đạo của chúa Nguyễn, ngoài Cửa Hàn (Đà Nẵng), Hội An, thì dinh trấn Thanh Chiêm cũng là địa bàn cực kỳ quan trọng đối với các giáo sĩ phương Tây. Từ đầu thế kỷ XVII, việc xây dựng giáo hội bản xứ trở thành mục đích chính của sự truyền giáo. Trước yêu cầu phải phát triển đạo Thiên Chúa thuộc Dòng Tên ở Việt Nam, tất yếu phải chọn các trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa để làm cơ sở, trong bối cảnh các chúa Nguyễn trước năm 1639 vẫn còn ưu ái với đạo Thiên Chúa. Với vị trí là trung tâm quyền lực thứ hai của xứ Đàng Trong, sau dinh Thuận Hóa, dinh trấn Thanh Chiêm là thủ phủ của dinh Quảng Nam, có đủ các điều kiện về chính trị, kinh tế, văn hóa, giao thông, để từ đây có thể phát triển trong cả xứ Đàng Trong. Trong bức thư đề ngày 5.7.1625, giám sát tu sĩ Dòng Tên ở Đàng Trong gửi bề trên cả Dòng Tên La Mã, viết bằng Bồ ngữ rằng: “Hiện nay chúng tôi có các cư sở mà hai trong số này [Hội An, Nước Mặn] đã được hoàn thành [theo giáo luật]; còn cư sở thứ ba tại “thủ phủ”quan “trấn thủ”, nơi mà lúc này tôi [đang tạm trú] có ba linh mục đang định cư: Francisco de Pina biết tiếng [Việt] khá lắm, làm bề trên và là giáo sư [dạy tiếng Việt] và các linh mục A. de Rhodes cùng Antonio de Fontes là thuộc viên và là học viên”.14 Đến năm 1639, ở Đàng Trong đã xây dựng được một số cơ sở truyền giáo và 1 vạn tín đồ. Năm 1660, ở Đàng Trong đã có 50.000 tín đồ Công giáo.15 Ngay cả một số quan lại và quý tộc họ Nguyễn cũng hâm mộ đạo này. Đó là trường hợp của Minh Đức vương thái phi (tức Nguyễn Thị Ngọc Lâu) là phi tần của Nguyễn Hoàng được cải đạo, một số quan lại đã giúp đỡ việc truyền bá,... Đây là một cơ sở để các giáo sĩ Thiên Chúa truyền đạo ở đây, sau Cửa Hàn (1615), Hội An (1615), Nước Mặn (1618), dinh trấn Thanh Chiêm (1623) cũng là một cư sở để truyền bá đạo Thiên Chúa. Tình hình trên đây cho thấy rằng từ đầu thế kỷ XVII, ở Quảng Nam nói chung, đặc biệt là vùng Cửa Hàn - Thanh Chiêm - Hội An… đã tồn tại nhiều cộng đồng cư dân với các thực thể có mối quan hệ tương tác lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực. Về kinh tế gồm nhiều bộ phận kinh tế hàng hóa: kinh tế người Việt - kinh tế thương nhân nước ngoài; văn hóa người Việt - văn hóa các nước Trung Quốc, Nhật Bản, phương Tây chủ yếu là Bồ Đào Nha, trong đó yếu tố văn hóa có ảnh hưởng lâu dài là đạo Thiên Chúa. Tại vùng đất này cùng tồn tại nhiều ngữ hệ với các thứ tiếng Việt, Hoa, Nhật, Bồ, Ý, Pháp, Latinh... dẫn đến sự bất đồng ngôn ngữ - rào cản của sự giao tiếp buôn bán, giao lưu văn hóa nhất là truyền giáo. Vì vậy, các cộng đồng cư dân đã ra sức tìm hiểu và học tập tiếng nói của nhau như là một nhu cầu tất yếu và tự nhiên. Yêu cầu tạo ra chữ viết làm cơ sở cho ngôn ngữ giao tiếp thuận lợi nhất cũng được đặt ra trong bối cảnh chữ Hán, chữ Nôm khó học, khó viết. 

Trong các mối quan hệ tương tác của các cộng đồng cư dân trên đây, người Việt đóng vai trò chủ yếu, là trục, là chủ thể của sự phát triển, chiếm đông đảo trong thành phần xã hội, do đó, tiếng nói của họ là ngôn ngữ chủ đạo được các cộng đồng khác học tập và ký âm. Lực lượng có khả năng làm việc này chính là các giáo sĩ - thành phần trí thức của đạo Thiên Chúa, do nhu cầu truyền đạo nên đã tiên phong thực hiện sứ mệnh này. 

2.2. Yêu cầu Latinh hóa ngôn ngữ bản địa để truyền đạo Thiên Chúa 

Gắn với quá trình truyền giáo Thiên Chúa là yêu cầu Latinh hóa ngôn ngữ bản địa mà họ muốn học, chí ít lúc đầu là nhằm ghi lại các địa danh trên bản đồ, những nơi mà họ đặt chân tới, cao hơn nữa là để truyền bá Đức Tin hữu hiệu hơn. 

Trước khi ra đời chữ Quốc ngữ của Việt Nam, vào khoảng trước cuối thế kỷ XVI, một giáo đồ Thiên Chúa giáo người Nhật là Yajro đã dùng bộ chữ cái Latinh để phiên âm tiếng Nhật và sáng tạo ra chữ quốc ngữ Nhật Bản gọi là Romaji (La Mã) . Xavier đã dịch sách giáo lý ra tiếng Nhật phiên âm. Từ năm 1592 đến 1596, đã có 6 cuốn sách tôn giáo tiếng Nhật phiên âm bằng chữ Latinh, trong đó có cuốn Từ điển Latinh - Bồ Đào Nha - Nhật Bản (1595). Đến năm 1632, Thánh bộ truyền giáo La Mã lại cho xuất bản một loạt sách Nhật phiên âm, trong đó, có cuốn Ngữ pháp tiếng Nhật đầu tiên. Từ cuối thế kỷ XVI, các nhà truyền giáo đã dùng kinh sách chữ Romaji này để giảng dạy giáo lý cho cộng đồng người Nhật theo đạo Thiên Chúa sống tại Hội An.16 

Tiếp đó, vào đầu thế kỷ XVII, việc phiên âm Hoa ngữ sang tiếng Latinh cũng được một số giáo sĩ Dòng Tên thực hiện nhằm phục vụ cho việc truyền giáo. Cuốn Từ điển Bồ - Trung Hoa đầu tiên cũng đã xuất hiện (biên soạn những 1585 - 1589). Cuối năm 1605, Ricci Matteo đã cho phát hành tại Bắc Kinh một cuốn sách bằng chữ Hán và tiếng Hán phiên âm… Và chính điều này đã có tác động đến Quảng Nam, nơi mà từ đầu thế kỷ XVII đã có nhiều giáo sĩ phương Tây đến truyền giáo trong bối cảnh những điều kiện đã chín muồi cho sự ra đời của chữ Quốc ngữ Việt Nam. 

Khi các linh mục Dòng Tên đến Truyền giáo tại Việt Nam (cũng như tại Nhật Bản, Trung Hoa, Ấn Độ… trước đó) thì việc đầu tiên họ phải học tiếng Việt với những điều kiện rất khó khăn, hầu mới có thể tiếp xúc trực tiếp với dân chúng và việc truyền đạo mới có hiệu quả. Riêng tiếng Việt đối với người châu Âu thật sự khó khăn. Mặc dù vậy, vào năm 1620 (sau 5 năm các nhà truyền giáo chính thức truyền bá Phúc Âm ở Đàng Trong) đã có hai linh mục nói thạo tiếng Việt, đó là các ông Francisco de Pina và Cristoforo Borri. 

Đồng thời với học tiếng bản địa (tiếng Việt), các tu sĩ cũng tìm cách ký âm bằng mẫu tự Latinh để dễ nhớ, từ đó dần dần tích lũy để viết tài liệu giảng đạo và giáo huấn rộng rãi đối với giáo dân trước thực trạng phức tạp, khó khăn của chữ Hán, Chữ Nôm lưu hành trên đất Việt, khó học và khó nhớ, khi nhìn vào không biết cách phát âm. Các nhà truyền giáo đến Đàng Trong đã dần dần áp dụng mẫu tự Latinh cho tiếng Việt. Thực ra, đây là cách bắt chước các nhà truyền giáo Dòng Tên phương Tây ở Nhật Bản, Trung Hoa, Phillipines. Vì đầu thế kỷ XVII, họ cũng đã có xuất bản số cuốn sách ngữ vựng và ngữ pháp theo mẫu tự a, b, c… như đã nêu ở trên. 

Trước yêu cầu bắt buộc phải học tiếng Việt mới có thể tiếp xúc thuận lợi với người Việt Nam và thực hiện tốt sứ mệnh truyền giáo, linh mục Francisco de Pina là người châu Âu đầu tiên đồng thời là người thành thạo tiếng Việt nhất trong nhóm các giáo sĩ sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Ông sinh năm 1585 tại Bồ Đào Nha, tới Đàng Trong từ năm 1617. Lúc đầu Francisco de Pina sống ở Hội An, năm 1618 vào xây dựng cơ sở truyền giáo tại Nước Mặn với Buzomi và Cristoforo Borri. Hai năm sau (1620) ông trở lại Hội An, rồi năm 1623, ông đến Thanh Chiêm - thủ phủ dinh Quảng Nam để xây dựng cư sở của giáo hội, mãi đến năm 1625 thì mất do tai nạn. Francisco de Pina đã dạy giáo lý mà không cần phiên dịch và điều này khác với tất cả các giáo sĩ đã đến Đàng Trong từ năm 1615. 

Để ký âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latinh tất yếu cần phải có ngôn ngữ đối chiếu, thì tiếng Quảng Nam được các giáo sĩ xem là “tiếng chuẩn” lúc bấy giờ. Gần đây, TS. Roland Jacques trong tác phẩm Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học đã chứng minh được rằng, trong thời gian lưu lại ở Đàng Trong từ năm 1617, Francisco de Pina đã bắt đầu học tiếng Việt trong quá trình tiếp xúc với người bản xứ, đã nhiều lần qua lại Hội An, Thanh Chiêm, Nước Mặn và ông nhận thấy tiếng nói ở dinh trấn Thanh Chiêm là hay nhất, nghiên cứu tiếng nói ở đây là thuận lợi nhất: “Kẻ Chiêm (tức Thanh Chiêm - nơi đặt dinh trấn) vẫn là nơi tốt nhất với tư cách là trung tâm của triều đình. Ở đây người ta nói rất hay, có sự đổ dồn của những người trẻ tuổi đến mà họ là những sĩ tử và bên họ, những ai bắt đầu học tiếng có thể tìm thấy mọi sự giúp đỡ”. “Tiếng Quảng Nam” là tiếng nói chung của Đàng Trong, mà hạt nhân là tiếng nói của vùng “kinh đô” - là tiếng nói vùng Thanh Chiêm.17 Cristoforo Borri thì cho rằng, “để nắm bắt sự khác biệt thay đổi các âm và dấu, thì tiếng người Đàng Trong dễ hơn các thứ tiếng khác”.18 Sau này, triều Nguyễn cũng nhận định về tiếng Quảng Nam là tiếng chung (trung tính) của cả nước và sử dụng tiếng Quảng Nam làm ngôn ngữ trong hoạt động giao tiếp tại triều đình: “Tiếng nói bình dị rõ ràng, so với các tỉnh thì đây vừa thích - trung, tuy ở kinh sư cũng lấy tiếng Quảng Nam làm chính”.19 Vì vậy, tiếng Quảng Nam được xem là chuẩn để đối chiếu và ký âm sang kiểu chữ Latinh. Chính yếu tố này cũng là một cơ sở quan trọng cho sự hình thành sớm của chữ Quốc ngữ ở Quảng Nam. 

Vai trò của tiếng Quảng Nam còn được xem là ngôn ngữ chính thức thể hiện trong mô thức “Rửa tội”, đây là một nghi thức rất quan trọng của đạo Thiên Chúa ở Đàng Trong lúc bấy giờ.20 Như vậy, có thể nói từ nửa đầu thế kỷ XVII, tiếng Quảng Nam - Đàng Trong là ngữ âm của các nhà truyền giáo tiên khởi Bồ Đào Nha áp dụng mẫu tự a, b, c châu Âu để thuận tiện hóa công cuộc rao giảng đạo Thiên Chúa ở phần đất Thuận Quảng của chúa Nguyễn.21 

Ở Việt Nam đến 1651, mới xuất hiện các phẩm tiếng Việt của A. de Rhodes, đó là cuốn Từ điển Việt - Bồ - La, Ngữ pháp tiếng Việt và Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội, được xem là mốc hoàn thành chữ Quốc ngữ. Nhưng trước đó, các giáo sĩ đã ra sức học tiếng Việt và có nhiều thử nghiệm trong việc phiên âm tiếng Việt bằng chữ cái Latinh. Lúc đầu thể hiện trong văn bản giáo lý tóm tắt, trong những văn kiện gửi về La Mã bằng tiếng Bồ, tiếng Ý, trong đó có một số tên riêng hoặc một số từ Việt được phiên âm. Nhờ biết tiếng Bồ - Nhật - Việt, nên vào năm 1620, các tu sĩ Dòng Tên tại Hội An, gồm những người lai Nhật, gốc Nhật và từng hoạt động truyền giáo tại Nhật Bản là linh mục Pedro Marques, thầy Jóseph, thầy Paulus Saito, linh mục Francisco de Pina22 đã soạn thảo một sách giáo lý bằng tiếng Đàng Trong và chắc chắn có sự giúp sức của thông ngôn người Việt. Điều này, cũng được phản ánh qua nhiều báo cáo, trong đó đáng kể là Bức thư của Gaspar Luis gửi cho Linh mục Mutio Vitteleschi - bề trên ở La Mã đề ngày 17.12.1621. Mở đầu bức thư ông viết: “Tạ ơn Thượng đế muôn đời. Chúng con bắt đầu gặt hái kết quả mà chúng con hy vọng về thứ ngôn ngữ chúng con học mấy năm về trước”.23 “Bản giáo lý mà người ta soạn bằng tiếng Đàng Trong đem lại nhiều lợi ích, vì không những trẻ con học nó thuộc lòng mà người lớn cũng thế”. Qua đoạn văn này, không nghi ngờ gì nữa, chứng tỏ rằng linh mục Gaspar Luis đã ghi lại bức thư từ nhiều bức thư khác của các vị thừa sai có mặt ở Đàng Trong vào thời gian này. Chính linh mục Francisco de Pina hay Pedro Marques đã cung cấp cho Gaspar Luis tin tức về hoạt động truyền giáo ở xứ Đàng Trong. Léopold Cadière cho rằng: Có thể nói, “vào thời kỳ này không có một cuốn sách, một cuốn từ vựng ngay cả chép tay, người ta cũng chưa tưởng tượng ra được một hệ thống ghi âm các tiếng Việt ngữ bằng chữ Âu châu. Chính những thừa sai đầu tiên này, Francois de Pina, những Cristofori Borri đã sáng tạo hệ thống ghi âm gọi là “Quốc ngữ”, tôi muốn nói họ đã đặt những căn bản, những phác thảo, bước những bước thử nghiệm đầu tiên. Thật là một tài sản tốt đẹp cho chúng ta nếu chúng ta có được một cuốn từ vựng chép tay đề ngày thuộc giai đoạn sơ khởi của nền ngữ học Âu châu - Việt Nam”.24 Theo Léopold Cadière, đây là “phiên bản đầu tiên của nền văn chương Công giáo ở Việt Nam mà về sau trở nên rất phong phú”.25 

Cũng theo Léopold Cadière, “về phương diện hình thức, cuốn giáo lý này được soạn bằng “ngôn ngữ Đàng Trong”, vậy là ngôn ngữ bình dân. Nó chắc chắn được viết hoặc là trong khi soạn nó, hoặc là về sau, để có thể lưu giữ nó và để phân phối nó. Nó hẳn được soạn tập thể, do các thừa sai có sự giúp đỡ của các thông ngôn giúp việc cho họ, hay là với một vài nhà Nho mà họ cải đạo, hay có tình cảm bạn bè với họ. Kết quả là, trong thời kỳ soạn thảo, nó chắc chắn được soạn thảo bằng chữ Âu châu để các linh mục dùng, và cũng có thể bằng chữ Nôm để các thông ngôn hay nhà Nho, những người giúp đỡ linh mục dùng. Về sau, khi nó đã được soạn thảo xong, người ta hẳn phải thực hiện một vài bản bằng chữ Âu châu và một số bản nhiều hơn bằng chữ Nôm để phổ biến trong dân chúng. Hiển nhiên, đó là những bản bằng chữ Âu châu rất quý giá đối với chúng ta, bởi lẽ chúng cho chúng ta giai đoạn đầu của hiện tượng Latinh hóa tiếng Việt, một thứ Quốc ngữ “Tiền - Rhodes”, có trước chữ Quốc ngữ của linh mục A. de Rhodes”.26 

Do sự thất lạc về văn bản, vấn đề hình thức thể hiện còn là giả thiết, nhưng sự ra đời của sách giáo lý tóm tắt soạn bằng ngôn ngữ xứ Đàng Trong tại Hội An là bước quá độ để tiến đến ký âm tiếng Việt bằng chữ Latinh, vì với thành tựu này, vấn đề âm tiết đã bước đầu được xác định. 

Tiếp đó từ 1621, xuất hiện nhiều bức thư là những bản tường trình. Bản tường trình hàng năm của Tỉnh Dòng Tên Nhật Bản mà linh mục Giám sát ủy cho linh mục João Roiz dựa theo các báo cáo ở Đàng Trong soạn thảo để gửi cho linh mục Mutio Vitteleschi, bề trên cả Dòng Tên ở La Mã. Tài liệu soạn bằng tiếng Bồ Đào Nha; bức thư của Gaspar Luis gửi cho linh mục Mutio Vitteleschi - bề trên ở La Mã đề ngày 17.12.1621; Đến năm 1629, Antonio Barbosa, người cùng thời với Francisco de Pina, có làm ra cuốn Tự điển Bồ - Việt (Diccionario Portugue - Anamita); Cristoforo Borri viết và xuất bản một cuốn sách khá dài về Xứ Đàng Trong vào năm 1631 với tên: Relatione della nuova mis sione delli PP de la Compagnia di Giesu elregno della Cocincina,… 

Trong các văn bản trên, các giáo sĩ trình bày về tình hình hoạt động truyền giáo ở Đàng Trong, trọng tâm là Faifo (Hội An), Pulucampi (Quy Nhơn) chủ yếu bằng tiếng Bồ và một ít văn bản bằng tiếng Ý, trong đó sự xuất hiện của một ít chữ Quốc ngữ. Đó là những thử nghiệm đầu tiên như nhận định sau đây của Léopold Cadière: “Chúng ta có một số ví dụ về các thử nghiệm Latinh hóa đầu tiên này trong bản tường trình của linh mục Cristoforo Borri. Tôi có sưu tập những thí dụ khác trong các tác phẩm có trước các xuất bản phẩm của linh mục A. de Rhodes và chính cuốn tự điển của A. de Rhodes cung cấp cho chúng ta nhiều cách viết được dùng trước ông do các đồng nghiệp của ông”.27 

Một vấn đề đặt ra là: Tại sao sách và các báo cáo thường được viết bằng tiếng Bồ Đào Nha? Do vai trò chính trị và thương mại của Bồ Đào Nha từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII tại Brazil, Ấn Độ, Mã Lai, Thái Lan, Cam Bốt, Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản. Từ cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, tiếng Bồ Đào Nha được sử dụng ở những nơi trên do các đoàn thương gia Bồ và giáo sĩ Tây phương. Vì vậy, các nhà truyền giáo dù là người Ý, Đức, Pháp… đã đến Việt Nam, Áo Môn, Nhật Bản… vào thế kỷ XVII thì cũng phải biết tiếng Bồ Đào Nha. Đó là tiếng Âu châu quan trọng hơn cả các miền trên đây. Do yêu cầu bắt buộc, tất cả các giáo sĩ trên đây đều biết tiếng Bồ Đào Nha và Latinh. Tại Việt Nam thời đó, nếu người Việt nào học tiếng phương Tây thì sự thường cũng học tiếng Bồ Đào Nha. Và cũng chính vì vai trò này của Bồ Đào Nha, mà trong hệ thống đạo Thiên Chúa, chỉ trong Dòng Tên thôi cũng đã có hệ phái Dòng Tên vùng Bồ Đào Nha (gồm các tỉnh Brazil, Ấn Độ, Tích Lan, Nhật Bản, Trung Hoa, Hồng Kông, Việt Nam, Thái Lan, Phillipines, Indonesia, Australia). 

Trong bản tường trình hàng năm của Tỉnh Dòng Tên Nhật Bản bằng tiếng Bồ, mà linh mục Giám sát ủy cho linh mục João Roiz dựa theo các báo cáo ở Đàng Trong soạn thảo để gửi cho linh mục Mutio Vitteleschi, bề trên cả Dòng Tên ở La Mã vào năm 1621 đã đề cập những hoạt động của giáo sĩ Dòng Tên tại Hội An và phụ cận với đầu đề Residencia de Faifo na Provincia de Cacham (Cư sở Hội An trong tỉnh Cacham, tức Quảng Nam), và những kết quả của việc truyền giáo ở Nước Mặn với đầu đề Residencia de Nuocman na Provincia de Pulo Cambi (Cư sở Nước Mặn trong tỉnh Pulo Cambi [tức Quy Nhơn]). Những chữ Quốc ngữ trong tài liệu chủ yếu là tên địa danh, tên gọi một số chức danh quan lại, tu sĩ như: Annam, Sinoa (xứ Hóa, tức Thuận Hóa), Unsai (Ông sãi), Cacham (Kẻ Chàm hay Thanh Chiêm là thủ phủ của Quảng Nam dinh ở về phía Tây Hội An ngày nay); Unghe (ông nghè), Ontrũ (ông Trùm), Nuocman (Nước Mặn), Bafu (bà phủ), Banco (Bàn Cổ), Oundelim (Ông Đề lĩnh)…28 

Trải qua quá trình nghiên cứu tìm tòi, giáo sĩ Dòng Tên thông thạo tiếng Việt nhất và nói sành tiếng Quảng Nam - Đàng Trong hơn cả là Francisco de Pina, vào năm 1623, đã viết một báo cáo bằng tiếng Bồ Đào Nha gửi bề trên ở Áo Môn (Ma Cau, Ma Cao): “Tôi đã soạn một tập nhỏ về chính tả và các dấu thinh (thanh) của tiếng này (tiếng Việt), tôi đang bắt tay vào việc biên soạn cuốn ngữ pháp...”.29 

Năm 1626, xuất hiện tài liệu viết tay của Gaspar Luis viết tại Nước Mặn (1.1.1626). Tài liệu là bản tường trình hàng năm viết bằng La ngữ gửi linh mục bề trên ở La Mã. Bản tường trình thuật lại những việc xảy ra ở Hội An năm 1625, ghi lại hoạt động truyền giáo ở Dinh Chàm (dinh trấn Thanh Chiêm thủ phủ Quảng Nam dinh), kể lại việc truyền giáo ở Nước Mặn. Chữ Quốc ngữ trong bản tường trình này phần nhiều là địa danh như: Dinh Cham, Cacham, Nuocman, Quang hia, Quinhin, Raran; tên chức vụ như Ondelimbay (ông đề lĩnh Bảy), Ondelim, Ondedoc (Ông đề đốc), Unghe chieu (Ông nghè Chiếu gia nhập giáo hội có tên là Y Nhã)…, Nhit la Khaum, Khaum la nhit (Nhất là không, không là nhất)…30 

Năm 1626, cũng xuất hiện một bản tường trình viết tay của linh mục Antonio de Fontes viết vào ngày 1.1.1626 tại Hội An, tường trình về hoạt động truyền giáo tại Hội An, dinh trấn Thanh Chiêm, tại Nước Mặn… 

Đến năm 1629, Antonio Barbosa, người cùng thời với Francisco de Pina, có làm ra cuốn Tự điển Bồ - Việt (Diccionario Portugue - Anamita) là công trình Âu châu ngữ âm hóa tiếng Quảng Nam - Đàng Trong, mà sau này A. de Rhodes đã dựa vào, song song với tiếng Đàng Ngoài để biên soạn từ điển Việt - Bồ - La. Ngay cuốn Từ điển Việt - Bồ - La, lúc khởi thảo Rhodes cũng biên soạn bằng hai thứ tiếng Việt - Bồ, vào khoảng những năm 1630 - 1640, phần La ngữ ông mới thêm vào do đề nghị của các Hồng y ở Roma trước khi đưa in vào năm 1651. 

Cristoforo Borri gia nhập Dòng Tên vào năm 1601. Tuy chỉ có 4 năm ở Đàng Trong, nhưng ông khá thành thạo tiếng Việt và hiểu biết nhiều về xứ này. Ông là người phương Tây đầu tiên viết và xuất bản một cuốn sách khá dài về xứ Đàng Trong vào năm 1631 với tên: Relatione della nuova mis sione delli PP de la Compagnia di Giesu elregno della Cocincina... So với các văn bản chữ Quốc ngữ trước đó, thì số lượng từ tiếng Việt có khá hơn nhiều. Vốn tiếng Việt mà Borri sử dụng ở đây có vốn liếng từ những năm 1621 - 1622, khi ông còn ở Nước Mặn. Một số từ tiếng Việt mới theo mẫu tự Latinh đã xuất hiện như: Tunchim (Đông Kinh), Lai (Lào), Ainam (Hải Nam), Kemoi (Kẻ Mọi), Quamguya (Quảng Ngãi), Quignin (Quy Nhơn), Reran (Đà Rằng), Dàđèn Lút (Đã đến lụt), Nayre (Nài, Nài voi), doij (đói), scin mocaij (xin một cái), chìa (trà), Sayc Kim (Sách Kinh), Sayc Chiu (Sách chữ), Co (có)… 

Ngoài một số từ mới so với các văn bản trước, Borri còn viết được một số câu tiếng Việt theo mẫu tự Latinh…31 Léopold Cadière đánh giá cao vai trò của Cristoforo Borri trong việc Latinh hóa chữ Quốc ngữ: “Cristoforo Borri đã cung ứng cho chúng ta một bào thai ngữ pháp (bản dịch Bonifacy, 321-322). Ông cũng cho chúng ta một số khá lớn tiếng Việt và ngay cả một vài câu phiên âm bằng chữ Âu châu. Những ai am tường các vấn đề lịch sử của hệ thống ký âm gọi là “Quốc ngữ”, hiểu rõ lợi ích của những văn tự cổ này, sớm hay muộn, chúng sẽ cung ứng chất liệu cho một thiên nghiên cứu đầy lợi ích”.32 

Tiếp đó, giáo sĩ Gaspar d' Amaral cũng là người Bồ Đào Nha, đã từng truyền giáo ở Thăng Long từ 1629 - 1630 và từ 1631 - 1638, đã soạn cuốn Tự điển Việt - Bồ, mà Alexandre de Rhodes đã nhắc tên ông trong tự điển của mình. Qua cuốn tự điển này, cho thấy ngay từ tháng 12.1632, Gaspar d’ Amaral thông thạo tiếng Việt hơn Alexandre de Rhodes vào năm 1636.33 

Những thành quả trên đây là một trong những nền tảng để A. de Rhodes hoàn thành việc Latinh hóa chữ Quốc ngữ, đặc biệt là người đầu tiên cho xuất bản ba cuốn sách chữ Quốc ngữ vào năm 1651 tại Roma, đánh dấu sự hình thành chữ Quốc ngữ. Qua đó, có thể thấy, so với các công trình Latinh hóa và nghiên cứu tiếng Việt sau này ở Đàng Trong và cả ở Đàng Ngoài thì trong giai đoạn sơ khởi 1620 - 1626, các công trình của Francisco de Pina thực hiện ở Hội An và dinh trấn Thanh Chiêm đã ra đời sớm nhất, đặt những nền tảng đầu tiên cho sự ra đời của chữ Quốc ngữ theo chữ Latinh. 

2.3. Sự năng động của cư dân Quảng Nam trong tiếp biến văn hóa 

Sự sáng tạo ra chữ Quốc ngữ là quá trình lâu dài, trong quá trình đó người Việt đóng góp một phần trí tuệ không nhỏ. TS. Roland Jacques cho rằng “sự sáng tạo ra chữ Quốc ngữ không phải là công trình của phòng thí nghiệm mà có rất nhiều người Việt Nam dấn thân với sự nhiệt tình nào đó trong hành động”.34 Đồng hành với quan điểm này, tất yếu sự ra đời của chữ Quốc ngữ có sự đóng góp của người Quảng Nam, như Francsico de Pina và Alexandre de Rhodes thừa nhận. Người Quảng Nam góp phần vào việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ nhờ những yếu tố nào? Một trong những nét nổi bật của cư dân Quảng Nam là thái độ khoan dung, khả năng tiếp biến và sáng tạo văn hóa. Điều này, đã diễn ra từ đầu thế kỷ XIV, với sự giao thoa tiếp biến văn hóa Việt - Chăm ở vùng đất từng nhiều lần được chọn làm kinh đô của Vương quốc Champa. Mặt khác, trong quá trình Nam tiến, thì Quảng Nam cũng là nơi hội tụ một thời gian dài và chuyển tiếp những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc về phía Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có ngôn ngữ. Chính vì vậy, đã hình thành nên một nét văn hóa đặc trưng ở miền Trung: văn hóa xứ Quảng, góp phần tạo nên sự sáng tạo về văn hóa và ngôn ngữ, đó là vì: “Núi sông thanh tú nên nhiều người có tư chất thông minh dễ học. Sĩ phu có khí tiết cứng cỏi bạo nói…, người … học vấn uyên thâm … không bị phong khí ràng buộc….Phủ Điện Bàn đất tốt, phong tục xa xỉ văn hoa… Tiếng nói bình dị rõ ràng, so với các tỉnh thì đây vừa thích - trung, tuy ở kinh sư cũng lấy tiếng Quảng Nam làm chính”. 35 

Theo Cristoforo Borri, người Quảng Nam: “ôn hòa và lịch thiệp trong cách đối xử với người Âu... lanh lẹ, phóng khoáng... Chính từ đặc tính đáng yêu và lịch thiệp này của người Đàng Trong mà nảy sinh sự kính mến đối với những người ngoại quốc, đối với những người này họ để cho sống theo luật pháp của mình và ăn mặc theo ý thích. Họ tán dương tập quán với nhiều lễ phép, tán thưởng các nguyên tắc của họ, đặt chúng lên trên tất cả các nguyên tắc của chính mình, trái ngược hẳn với người Trung Quốc, những người quá tôn sùng tập quán, nguyên tắc của chính xứ sở họ”.36 (379 - 382) 

Cùng với sự phát triển của vùng đất Quảng Nam là sự hội tụ nhân tài với tính cách bạo dạn, mạnh mẽ khi tiếp xúc với cái mới. Mặt khác, cư dân Quảng Nam giàu tình cảm nhưng sống theo lý tính, có khả năng phân tích và biện luận cao, tạo nên truyền thống “hay cãi” của người Quảng Nam. Trong dân gian Nam Trung Bộ còn truyền tụng bài vè nói về tính cách và tài năng của dân mỗi tỉnh: 

Hát bội Quy Nhơn 

Hầu đơn Quảng Ngãi 

Thơ lại Quảng Nam 

Hò khoan xứ Huế…37 

Hay: 

Làm đơn Quảng Ngãi 

Thơ lại Quảng Nam… 

Chính vì tài năng và tính cách này, mà ở Quảng Nam ngay dưới thời chúa Nguyễn đã xuất hiện đông đảo tầng lớp thơ lại - tầng lớp giỏi chữ nghĩa, có trình độ học vấn, có khả năng soạn thảo văn bản. Dưới thời các chúa Nguyễn lấy Sinh đồ làm quan ít mà lấy Hoa văn làm lại tủ (chức vụ ngang Chánh Văn phòng cấp phủ huyện trở xuống) rất nhiều, như Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục đã phê phán. Dân Điện Bàn ở ngay dinh Quảng Nam và lại học giỏi thì chức thơ lại được đào tạo nhiều. Về sau thơ lại Quảng Nam nổi tiếng khắp miền Nam, ra làm quan ở đất Bắc, các cụ vẫn mang theo thơ lại người Quảng, vì trong hành chính, không có thơ lại giỏi rất khó giải quyết nhiều vấn đề. Đây là thành phần căn bản của một cơ sở hành chính cấp phủ huyện, thiếu nó không thể được mà tính cách của các nhân vật này nói lên phần nào văn bản địa phương về văn học, về ngôn ngữ và pháp lý. Đây là một yếu tố quan trọng để người Quảng Nam có thể tham gia vào sáng tạo chữ Quốc ngữ. 

Sự phát triển của kinh tế hàng hàng hóa và đô thị ở Quảng Nam đã làm thay đổi nhận thức của bộ phận thị dân, họ muốn hướng đến nền văn minh mới lạ, trong đó có đạo Thiên Chúa. Sự tiếp biến mạnh mẽ với văn minh phương Tây của người Quảng Nam sau này được thể hiện mạnh mẽ vào đầu thế kỷ XX với ba “kiều tướng” của đất Quảng: là Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng, đã từ bỏ khoa cử, phê phán Nho học, hướng theo văn minh tư sản phương Tây, đề cao chữ Quốc ngữ… dẫn đến xứ Quảng Nam trở thành nơi khởi phát hai phong trào yêu nước tiêu biểu theo khuynh hướng dân chủ tư sản ở Việt Nam đầu thế kỷ XX: Phong trào Duy Tân (1903 - 1908), Duy Tân Hội (1904 - 1912) và phong trào Đông Du (1905 - 1909), trong đó nổi bật vấn đề đầu tiên là khai dân trí. 

Trở lại với vấn đề cư dân Quảng Nam tiếp nhận đạo Thiên Chúa và góp phần sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, điều này gắn liền với điều kiện lịch sử. Đạo Thiên Chúa truyền bá vào Việt Nam trong lúc xã hội phong kiến Việt Nam có nhiều biến động. Đó là các cuộc chiến tranh liên miên giữa các tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh - Mạc, Trịnh - Nguyễn, Nguyễn - Tây Sơn… trải dài từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX. Tình trạng trên đây đã làm cho một bộ phận dân chúng rơi vào tình trạng khủng hoảng về tinh thần, nhân cơ hội đó, những giáo sĩ phương Tây đã đem đến cho họ tinh thần bác ái của Thiên Chúa để xoa dịu nỗi cơ cực trong cuộc sống và niềm tin mãnh liệt về một cuộc sống hạnh phúc ở cõi Thiên Đàng. Đó là tình hình chung. Còn ở Đàng Trong, khi đạo Thiên Chúa được truyền bá vào nửa đầu thế kỷ XVII, đó là lúc Đàng Trong đang trên con đường phát triển thịnh trị dưới thời các chúa Nguyễn với sự thành lập Hội Truyền giáo Đàng Trong vào năm 1615, và đây là hội truyền giáo đầu tiên ở Việt Nam. Cư dân ở đây nhiều người vẫn tiếp nhận đạo Thiên Chúa, trong đó có cả thành phần quý tộc như trường hợp Minh Đức vương thái phi - phi tần của Nguyễn Hoàng được Alexandre de Rhodes truyền đạo, quan “trấn thủ” Pulocampu (Quy Nhơn), vợ chồng vị “đại sứ” Cam Bốt, một số sư sãi cải đạo... Vấn đề tiếp nhận ở đây diễn ra trong bối cảnh hệ tư tưởng phong kiến đã bắt đầu rơi vào tình trạng khủng hoảng, cư dân Quảng Nam nói riêng, Đàng Trong nói chung đã bước đầu nhìn thấy các giá trị văn minh phương Tây, bước đầu thấy được ở một tôn giáo mới này những giá trị nhân văn đối với cuộc sống, ở đó có những điều mới lạ có thể đáp ứng phần nào tâm tư nguyện vọng của họ. Hơn nữa, trong buổi giao thời của sự truyền giáo này, tính chất tôn nghiêm của đạo Thiên Chúa còn được giữ vững, chưa bị các thế lực thực dân lợi dụng. Nội dung và hình thức truyền bá còn mềm dẻo, ôn hòa chưa đụng chạm đến thiết chế tư tưởng và văn hóa của nhân dân Đại Việt. Nghệ thuật truyền giáo gắn chặt giữa đạo và đời cũng làm hấp dẫn đối với nhiều người. Mặt khác, giới cầm quyền ở Đàng Trong cũng tỏ rất thân thiện với tôn giáo này vì mục đích chính trị… Tất cả các yếu tố trên là cơ sở để cư dân Quảng Nam tin vào sự truyền đạo của các giáo sĩ Thiên Chúa ở Việt Nam. 

Từ niềm tin vào đạo Thiên Chúa, các giáo dân, thầy giảng người Việt đã ra sức tìm hiểu giáo lý và thực hành giáo lễ nhưng gặp phải rào cản về ngôn ngữ như tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Ý, kể cả kinh thánh bằng tiếng Latinh. Trong khi đó, các tu sĩ Thiên Chúa gặp khó khăn trong giao tiếp bằng tiếng Việt. Vì vậy, họ đã tích cực hợp tác với nhau trong việc học tiếng Việt, cùng các giáo sĩ dùng mẫu tự Latinh để ký âm tiếng Việt. Và trong quá trình đó, người đi tiên phong trong quá trình nối kết “nhiều người Việt Nam dấn thân với sự nhiệt tình nào đó trong hành động” là giáo sĩ Francisco de Pina. 38 

Alexandre de Rhodes cho biết là ông cũng học tiếng Việt với một em bé 13 tuổi. Nhờ em nhỏ này, mà sau ba tuần lễ, Alexandre de Rhodes đã biết phân biệt được các thanh tiếng Việt và cách phát âm mỗi tiếng. Có điều lạ là em nhỏ này không biết tiếng ông nói, Rhodes cũng chưa biết tiếng Việt, thế nhưng hai người vẫn hiểu nhau được. Trong ba tuần đó, em bé đã học nói và viết được các thư từ của Rhodes (có lẽ là tiếng Bồ Đào Nha) và biết phụ giúp Thánh lễ (đọc được tiếng Latinh), làm cho Rhodes phải ngạc nhiên, thán phục cho đầu óc linh hoạt và trí nhớ giai bền của em.39 

Có thể ngôn ngữ tiếp xúc đầu tiên giữa giáo sĩ, thầy giảng với dân chúng là “ngôn ngữ cơ thể” (body language), là các vật dụng, cây cỏ, động vật…
Chính vì có sự giúp sức của người dân xứ Quảng, nên trong công trình Tự điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes có ghi đậm dấu tích của tiếng Quảng và giọng Quảng. Những tiếng tui (tôi), bán mấy (bán bao nhiêu), chặp (chốc lát), tlứng uửa (trứng vữa), công uiệc (công việc)… 

3. Kết luận 

Xét về bối cảnh lịch sử xuất hiện của chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ XVII, vùng đất Quảng Nam có đủ các điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa để chữ Quốc ngữ có thể manh nha từ vùng đất này so với vùng Thuận Hóa và Đàng Ngoài. Xem xét quá trình truyền đạo gắn liền với việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, cho thấy: Quảng Nam đóng vai trò trọng yếu cho giai đoạn đầu của sự hình thành chữ Quốc ngữ vì trước hết là do có những điều kiện tự nhiên, kinh tế, chính trị, xã hội thuận lợi: “Không khí xứ này rất trong lành vì ở đây người ta không biết bệnh dịch tả là gì. Giàu có về vàng bạc, lụa trầm hương và các loại thức khác giá trị và cao giá. Hải cảng của nó dễ vào và dễ trao đổi mua bán với một cư dân hòa bình với phong cách đối xử nhẹ nhàng, dễ thương, phóng khoáng tự do”40, cộng thêm chính sách được tự do truyền đạo do chính sách “mở cửa” của chúa Nguyễn. Đây chính là một trong những cơ sở để các linh mục Dòng Tên truyền bá đạo Thiên Chúa và do yêu cầu tất yếu sống còn của sự truyền bá Đức tin đã phải tiến hành Latinh hóa nhằm tạo ra một ngôn ngữ chung thuận lợi cho cả hai bên giáo sĩ và giáo dân trong học tập Việt ngữ, truyền đạo, giao tiếp và tiếp nhận Đức tin. 

Sự hình thành của chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ XVII ở Đàng Trong diễn ra theo dòng chảy từ Bắc vào Nam, tích tụ ở những vùng, địa phương nhất định do điều kiện lịch sử quy định. Xem xét quá trình truyền giáo đầu tiên đều gắn liền với các phố thị dọc ven biển, như Cửa Hàn, Hội An, Nước Mặn, trước hết là do điều kiện giao thông, chính trị, kinh tế, văn hóa thuận lợi, có nhiều thương nhân nước ngoài đến buôn bán, ở đây xuất hiện tầng lớp thị dân có nhu cầu văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ phù hợp với điều kiện sống và kinh doanh. Tại đây, nhờ có thương cảng, các giáo sĩ có thể thực hiện sứ mệnh truyền giáo theo yêu cầu của bề trên Dòng Tên đi đến các nước khác dễ dàng. Hoạt động của các giáo sĩ thể hiện rõ vấn đề này. Trong đó, Đà Nẵng là hải cảng lớn nhất cũng đồng thời là nơi cư trú của thương nhân Bồ. Hội An là thương cảng lớn nhất ở miền Trung lúc này, ở đây có người Nhật, người Hoa, và các nước phương Tây buôn bán, Nước Mặn là hải cảng quan trọng sau Hội An, Đà Nẵng. Dinh trấn Thanh Chiêm là trung tâm chính trị, là chỗ dựa của sự truyền giáo lúc này trong bối cảnh chúa Nguyễn cho phép tự do truyền đạo. 

Sự ra đời của chữ Quốc ngữ gắn liền với quá trình truyền bá đạo Thiên Chúa. Quá trình hình thành của nó trải qua một quá trình trong khoảng gần 40 năm (1617 - 1651), kể từ khi thai nghén cho đến khi thành hình, tạo ra nền tảng cơ bản cho tiếng Việt hiện đại, nó gắn liền với nhiều giáo sĩ trong sứ mệnh truyền giáo trên nhiều vùng đất, cả Đàng Trong (từ 18.1.1615) và Đàng Ngoài (từ 19.3.1627); ngay cả ở Đàng Trong cũng gắn liền với các địa danh lớn là Cửa Hàn, Hội An, Thanh Chiêm, Nước Mặn đều thuộc dinh Quảng Nam, nằm dưới sự điều hành của trấn Thanh Chiêm, vì vậy có thể nói không gian văn hóa của sự ra đời chữ Quốc ngữ bắt đầu từ dinh Quảng Nam thế kỷ XVII. Trong giai đoạn sơ khai từ năm 1620 - 1626, các giáo sĩ đã đặt nền móng cho chữ Quốc ngữ, nổi bật nhất là các vị linh mục: Francisco de Pina, Cristoforo Borri và Alexandre de Rhodes. Lịch sử cho thấy các vị này chủ yếu ở 3 nơi sau: Hội An - Thanh Chiêm (Quảng Nam), và Nước Mặn (Quy Nhơn), cả 3 nơi này đều thuộc “xứ Quảng” và được sự quản lý của dinh trấn Thanh Chiêm. Cuối tháng 12.1624, Alexandre de Rhodes tới Đàng Trong và được cấp trên cho ở lại Thanh Chiêm để học tiếng Việt với Francisco de Pina. Alexandre de Rhodes cũng cho biết sau 4 tháng ông đã giải tội được và thêm 6 tháng nữa ông có thể giảng bằng tiếng Việt. Và chính Alexandre de Rhodes đã học tiếng Việt với cậu bé Quảng Nam 13 tuổi như đã nói ở trên. 

Do sự ra đời của chữ Quốc ngữ ở Đàng Trong gắn liền với quá trình truyền bá đạo Thiên Chúa, được thực hiện theo diễn trình: Cửa Hàn (Đà Nẵng) năm 1615, Hội An: 1615, Nước Mặn 1618, dinh trấn Thanh Chiêm: 1623. Vì vậy, sự manh nha và quá trình hình thành chữ Quốc ngữ có thể diễn ra theo diễn trình đó. Trong quá trình đó, Hội An là trung tâm đầu mối của sự tiếp xúc các ngôn ngữ được Latinh hóa. Bởi vì quá trình Latinh hóa tiếng Việt ở Quảng Nam - Đàng Trong có sự tác động của quá trình Latinh hóa chữ viết ở nhiều nước, gần nhất là Trung Hoa, Nhật Bản. Chính sự tồn tại của các thương nhân người Trung Quốc, đặc biệt là người Nhật ở Hội An có cùng “đồng văn” chủ yếu là chữ viết, cùng các cuốn sách, từ điển tiếng Nhật, tiếng Trung được Latinh hóa là tài liệu để các linh mục nhất là các thầy giảng người Nhật đối chiếu ngôn ngữ: Bồ - Nhật - Việt, Bồ - Trung - Nhật, là một trong những cơ sở để đi đến Latinh hóa tiếng Việt. Lớp giáo sĩ đầu tiên đến Đàng Trong là những người đã từng hoạt động trên đất Nhật. Mặt khác, trên đất Hội An có nhiều người Nhật Công giáo. Các giáo sĩ đã dùng sách tiếng Nhật để hoạt động giữa đám giáo dân này. Trong số giáo sĩ có cả người Bồ, người Nhật hoặc lai Nhật, như Francisco de Pina là người Bồ Đào Nha từ Nhật tới thành thạo cả tiếng Nhật lẫn tiếng Việt, là thầy dạy tiếng Việt cho Alexandre de Rhodes và Antonio de Fontes với tư cách là bề trên và thầy giáo ở Thanh Chiêm... Sự có mặt của các giáo sĩ này rất có lợi cho đoàn truyền giáo vì họ sẽ là người trung gian giữa các quan chức người Việt với các giáo sĩ, thương nhân, trước hết họ có thể bút đàm bằng chữ Hán trước khi trao đổi bằng tiếng Việt. Hiểu được tình hình này, chúng ta mới hiểu sự ra đời của chữ Quốc ngữ là tất yếu. Điều này thể hiện rõ trong sự ra đời của cuốn giáo lý đầu tiên do Pina và các đồng sự là người Nhật soạn thảo như đã trình bày ở trên. Có nhà nghiên cứu phương Tây đã có lý cho rằng từ phiên âm tiếng Nhật đến phiên âm tiếng Việt chỉ còn là một bước41, trong quá trình đó, Thanh Chiêm là “tiếng chuẩn” của sự đối chiếu ngôn ngữ để Latinh hóa tiếng Việt. Do đó, có thể nói Hội An là trung tâm môi giới tiếp xúc đầu tiên các chữ viết đã được Latinh hóa (Hoa, Nhật, Bồ) với tiếng Việt để dẫn đến sự xuất hiện của chữ Quốc ngữ sơ khai. Từ Hội An phát triển vào Nước Mặn và dinh trấn Thanh Chiêm được xem là điểm hội tụ trong giai đoạn đầu của quá trình sáng tạo ra chữ Quốc ngữ trên các phương diện: phát triển tiếng Việt cho giáo sĩ, tiếng nói Thanh Chiêm được xem là “tiếng chuẩn” để làm ngôn ngữ đối chiếu và những công cụ đầu tiên để Latinh hóa tiếng Việt đã được Francisco de Pina đề xuất vào năm 1923 với cuốn chính tả - ngữ âm tiếng Việt và ngữ pháp tiếng Việt. 

Chú thích: 

1. Theo Quốc sử quán Triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Tập II, (Huế: Thuận Hóa, 1992), thì hồi đầu bản triều (thời Nguyễn Hoàng), dinh Quảng Nam đặt tại xã Thanh Chiêm thuộc huyện Diên Phước (tr.340). Các chức trấn thủ, cai bạ, ký lục được xếp đặt để thống quản ba phủ Thăng Hoa, Quảng Nghĩa và Hoài Nhơn. Đến sau năm 1611, có thêm phủ Thái Khang. Đứng đầu chức Trấn thủ Quảng Nam hầu hết là do con cháu chúa Nguyễn nắm giữ và sau này đều trở thành chúa của xứ Đàng Trong như Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Lan, Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Chu… Trong lịch sử hay gọi là dinh trấn Thanh Chiêm hay gọi tắt là dinh trấn Chiêm. 

2. Người Bồ Đào Nha đến Đàng Trong đầu tiên vào năm 1523 là nhà hàng hải Duarte Coelho, đã đi qua Cửa Hàn và ghé Cù Lao Chàm. Nhờ phát hiện này, đã đưa các thương nhân Bồ Đào Nha đến Cửa Hàn (Đà Nẵng) và Hội An buôn bán từ 1557. 

3, 4, 5, 6, 9, 10, 18, 36, 40 Cristoforo Borri, “Bản tường trình về xứ Đàng Trong”, Những người bạn cố đô Huế (BAVH), Tập 18, 1931, (Huế: Thuận Hóa, 2003), 359, 408, 412, 404, 410-411, 413- 414, 396, 379-382, 494. 

7. Phan Huy Lê, “Phố cổ Hội An - di sản văn hóa thế giới”, Lịch sử và văn hóa Việt Nam - tiếp cận bộ phận, (Hà Nội: Giáo dục, 2007), 549. 

8. Nguyễn Phước Tương, Hội An - di sản văn hóa thế giới, (TPHCM: Văn nghệ, 2004), 94. 

11. Alexandre de Rhodes, Hành trình và truyền giáo, Hồng Nhuệ dịch, (Tủ sách UBĐK Công giáo TPHCM, 1994), 52. 

12. Trung tâm truyền giáo Dòng Tên ở Viễn Đông đặt tại Áo Môn (Ma Cau, Ma Cao - tô giới của Bồ Đào Nha). 

13. Nguyễn Văn Kiệm, Sự du nhập đạo Thiên Chúa vào Việt Nam, (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - Trung tâm UNESCO bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam, 2001), 52. 

14. Dẫn theo: Nguyễn Sinh Duy, Quảng Nam và những vấn đề về sử học, (Hà Nội: Văn hóa thông tin, 2005), 422. 

15. Dẫn theo: Đỗ Quang Hưng, Công giáo Việt Nam thời kỳ triều Nguyễn, (Hà Nội: Tôn giáo, 2007), 101. 

Sau năm 1615, nhiều tu sĩ Dòng Tên khác cũng đến truyền giáo ở Đàng Trong và Đàng Ngoài, đa số là người Bồ Đào Nha (từ năm 1615 - 1788 có 145 tu sĩ Dòng Tên thuộc 17 quốc tịch đã đến Đại Việt, trong đó có 74 Bồ đào Nha, 30 Ý, 10 Đức, 8 Nhật, 5 Pháp, 4 Tây Ban Nha, 2 Trung Hoa, 2 Áo Môn, 2 Ba Lan…). 

16. Ủy ban Quốc gia hội thảo quốc tế về Đô thị cổ Hội An, Đô thị cổ Hội An, (Hà Nội: Khoa học Xã hội, 1991), 108. 

17. Dẫn theo Hồ Thế Vinh, “Từ dinh trấn Thanh Chiêm nghĩ về chiếc nôi của chữ Quốc ngữ và vai trò đặc biệt của dinh trấn trong hành trình mở cõi về phương Nam”, Non Nước, số 220. 

19, 35 Quốc sử quán Triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Tỉnh Quảng Nam, quyển thứ 5, (1909), (Sài Gòn: Nha Văn hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục, 1964), 15. 

20, 21 Dẫn theo: Nguyễn Sinh Duy, Quảng Nam và những vấn đề về sử học, (Hà Nội: Văn hóa thông tin, 2005), 192-197, 191. 

22 Năm 1620, tại Hội An có 4 tu sĩ Dòng Tên là linh mục: Pedro Marques (1575 - 1670), sinh tại Nhật, cha là người Bồ Đào Nha, mẹ người Nhật, đã đến Đàng Trong 6 lần: 1618 - 1626, 1637 - 1639, 26.2 - 13.7.1652, 1653 - 1655, 1858 và 1670; thầy Jóseph 1568 - ? người Nhật, đến Đàng Trong hoạt động từ 1617 - 1619; thầy Paulus Saito 1577 - 1633, người Nhật đến ở Đàng Trong từ 1616 - 1627 và linh mục Pina người Bồ Đào Nha ở Đàng Trong từ 1617 - 1625. 

23, 24, 25, 26, 27, 31, 32 “Thư của Linh mục Gaspar Luis về xứ Đàng Trong”, L. Cadière chú thích, Những người bạn cố đô Huế, Tập 18, 1931, (Huế: Thuận Hóa, 2003), 502, 520-521, 533, 533, 533, 533, 521. 28, 30 Theo Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc ngữ (1620 - 1659), (Sài Gòn: Tủ sách Ra Khơi, 1972), 24, 25, 26; 33-34. 

29. Francisco de Pina, trong Bibliotecca da Ajuda, Jesuitas na Asia, Vol.49/V/7, tờ 413-416. Dẫn theo: Linh mục Đỗ Quang Chính SJ., Giáo hội Công giáo với chữ Quốc ngữ, (BTTDTVN, October 19, 2013). Chuquocngu1. 

Roland Jacques, L’oeuvre de quelques pioniers Portugais dans le domaine de la linguistique Vietnamienne jusqu’en 1650, (Paris: INALCO, 1995), 38. 

33. Dẫn theo: Linh mục Đỗ Quang Chính SJ., Giáo hội Công giáo với chữ Quốc ngữ, (BTTDTVN, October 19, 2013). Chuquocngu1. 

34, 38 Dẫn theo: Hồ Thế Vinh, “Từ dinh trấn Thanh Chiêm nghĩ về chiếc nôi của chữ Quốc ngữ và vai trò đặc biệt của dinh trấn trong hành trình mở cõi về phương Nam”, Non Nước, Số 220. 

37. Dẫn theo: Nguyễn Văn Xuân, Sức sống văn hóa xứ Quảng, (Hà Nội: Hội Nhà văn, 2011), 125. 

39. Alexandre de Rhodes, Hành trình và truyền giáo, Hồng Nhuệ dịch, (Tủ sách UBĐK Công giáo TPHCM, 1994). 

41. Xem Durand…, Connaissances du Vietnam, (Paris - Ha Noi, 1954), 52

"XỨ QUẢNG" TRONG QUÁ TRÌNH 
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH CHỮ QUỐC NGỮ?

Nguyễn Hồng Quý

Đặt vấn đề 

Từ góc nhìn của lịch sử chữ Quốc ngữ sẽ có những câu hỏi được đặt ra là: Thuở ban đầu sơ khởi, phôi thai của chữ Quốc ngữ ở nước ta diễn ra trước tiên ở đâu? ở xứ Đàng Trong hay ở xứ Đàng Ngoài? Cái nôi sinh thành chữ Quốc ngữ là ở nơi đâu? ở vùng nào cụ thể trên đất Việt Nam ta? 

Để trả lời cho câu hỏi này, trước hết cần phải thấy rõ hơn sự ra đời của chữ Quốc ngữ ở Việt Nam, và muốn như vậy, chúng ta cần phải nhìn rộng ra việc Latinh hóa chữ Nhật và chữ Hán ở thế kỷ XVI và thế kỷ XVII. Với sự nhìn nhận qua lăng kính này, chúng ta sẽ thấy sự ra đời của chữ Quốc ngữ không phải là một sự kiện ngẫu nhiên, hay do ý muốn chủ quan của một cá nhân nào đó, mà chính là kết quả của quá trình giao lưu, tiếp biến giữa nền văn hóa bản địa Việt Nam và nền văn hóa phương Tây. Đồng thời, chữ Quốc ngữ không phải là được sáng tạo hoàn toàn mới, mà có thể (và gần như chắc chắn) là đã có tham khảo những phương án chữ Latinh hóa khác như của chữ Nhật và chữ Hán đương thời. 

Nội dung nghiên cứu 

Quá trình hình thành chữ Quốc ngữ 

Việc phiên âm tiếng Nhật bằng chữ cái Latinh được bắt đầu vào khoảng năm 1548. Vào những năm 1591 - 1596, ở Nhật Bản đã có 16 cuốn sách truyền giáo được biên soạn bằng chữ Nhật phiên âm (gọi là “Romaji”), trong đó có cuốn Giáo lý đạo Kitô được phát hành năm 1592. Đến năm 1595, các giáo sĩ cho xuất bản lần đầu tiên cuốn Từ điển La - Bồ - Nhật, quan trọng nhất là năm 1632, Thánh bộ Truyền giáo Rôma cho in hai cuốn Phương pháp xưng tội và xét mình và Từ điển La - Bồ - Nhật của Didaco Goliado bằng chữ Romaji (tức chữ phiên âm Latinh), giống như sau này cho in sách Phép giảng tám ngày và Từ điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes bằng chữ Quốc ngữ. 

Cũng khoảng thời gian đó, ở Trung Hoa, các giáo sĩ cũng đã tiến hành việc dùng mẫu tự Latinh để phiên âm chữ Hán. Trong đó phải kể đến Từ điển Bồ - Hoa do hai linh mục Mateo Ricci và Michele Ruggieri biên soạn năm 1588. Trong cuốn từ điển này có ghi chú cả chữ Hán khối vuông và chữ Hán phiên âm (nhưng chưa có dấu ghi thanh). Sau đó, vào các năm 1598 - 1606, các giáo sĩ Cattanco và Ricci đã sáng chế ra các dấu ghi thanh để biên soạn ngữ vựng Bồ - Hoa và sách giáo lý. Và nhất là tới năm 1626, Nicolas Trigault cho in bộ sách Tây Nho nhĩ mục tư bằng chữ Hán phiên âm, dùng 25 chữ cái Latinh để ghi âm (20 chữ cái phụ âm và 5 chữ cái nguyên âm), đã có dùng 5 dấu để ghi các thanh tiếng Hán. 

Như vậy, khi các giáo sĩ Dòng Tên đến Việt Nam, có thể họ đã biết ít nhiều về các phương án Latinh hóa chữ Nhật và chữ Hán như đã nói ở trên. Để thấy rõ hơn nhận xét này, ta cần tìm hiểu thêm về bối cảnh hoạt động của các giáo sĩ Dòng Tên ở Việt Nam. 

Vào đầu thế kỷ XVI, công cuộc truyền giáo ở Đàng Trong và Đàng Ngoài có những điểm đáng lưu ý nếu xét từ góc độ lịch sử chữ Quốc ngữ. Nhiều linh mục Dòng Tên như Francesco Buzomi, Francisco de Pina và cả Alexandre de Rhodes… thực ra lúc đầu không phải là những người được cử đi truyền giáo ở Việt Nam, mà được phái đi Nhật Bản hoặc Trung Hoa. Nhưng vì bị ngăn trở không vào được hoặc vì những lý do khác, họ mới phải chuyển sang truyền giáo ở Việt Nam. Vì thế, trước khi vào Việt Nam, Francisco de Pina đã học 3 đến 4 năm tiếng Nhật ở Ma Cao. Cũng tại đây, Alexandre de Rhodes cũng đã học tiếng Nhật (trong hơn 1 năm ở đây). Sau này, Gaspar de Amaral (người biên soạn Từ điển Việt - Bồ trước Alexandre de Rhodes) cũng vậy, trước khi tới Đàng Ngoài, ông đã khá giỏi tiếng Nhật (có lẽ đã học tiếng Việt ít nhiều khi ở Ma Cao). Như vậy, nhiều giáo sĩ Dòng Tên (nhất là một số vị người Nhật Bản) trước khi vào Việt Nam đã có những hiểu biết nhất định về các phương án ghi âm chữ Nhật là Romaji, và có thể cả phương án phiên âm Latinh chữ Hán. 

Mặt khác, các giáo sĩ trước khi đến Việt Nam hay sau khi rời Việt Nam (hoặc Trung Hoa, Nhật Bản) thường đều ghé qua Ma Cao, vì lúc đó Ma Cao là một trung tâm đào tạo và giao lưu quan trọng của các linh mục Dòng Tên ở Đông Á, đây cũng là nơi đóng bản doanh của Cha giám sát tỉnh Dòng Tên Nhật Bản. Như vậy, có cơ sở để nghĩ rằng, khi gặp nhau ở Ma Cao, các linh mục Dòng Tên đã có những trao đổi về các chữ viết Latinh hóa của tiếng Nhật, tiếng Hán, tiếng Việt. Đặc biệt là đối với Alexandre de Rhodes, người đã từng ở Ma Cao 10 năm (1630 - 1640), chính trong thời gian này, ông đã biên soạn Từ điển Việt - Bồ - La và Phép giảng tám ngày. Đồng thời, ông cũng đã học thêm tiếng Hán (tuy không được thông thạo như tiếng Việt). Thêm nữa, ở Ma Cao rất có thể các giáo sĩ đã có điều kiện bổ sung thêm về cách ghi âm tiếng Việt, về vốn từ ngữ tiếng Việt, bởi vì từ năm 1580 ở đây đã có đường truyền giáo cho thanh niên các nước Đông Á. Bản thân Alexandre de Rhodes có kể rằng, ở Ma Cao ông đã gặp một số giáo dân Việt Nam. 

Tiến trình của chữ Quốc ngữ ở Việt Nam từ khi khởi thảo cho đến khi hoàn thiện, căn cứ vào các tài liệu còn lưu giữ lại được đến ngày nay, thì đó là cả một quãng thời gian gần hai thế kỷ. Dựa vào tư liệu hiện có, chúng ta có thể hình dung ra những chặng đường chính như sau:

Thứ nhất, thời kỳ sơ khởi, phôi thai của chữ Quốc ngữ. Thời gian này bắt đầu từ khoảng năm 1620 đến năm 1631. 

Thứ hai, thời kỳ hình thành chữ Quốc ngữ. Thời kỳ này từ khoảng năm 1631 đến 1648. 

Thứ ba, thời kỳ phát triển chữ Quốc ngữ. Thời kỳ này khoảng từ năm 1651 đến 1659. 

Thứ tư, thời kỳ hoàn tất chữ Quốc ngữ. Thời kỳ này bắt đầu từ năm 1772 đến 1838. Trong đó, đối với vấn đề chúng ta đang bàn ở đây thì thời kỳ đầu tiên là quan trọng nhất. 

Lịch sử chữ Quốc ngữ ngay từ đầu đã gắn bó chặt chẽ với lịch sử truyền bá đạo Thiên Chúa vào Việt Nam. Theo những điều được ghi lại trong bộ sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục khi “nhắc rõ lại lệnh cấm người theo tả đạo Gia tô”. Dưới triều Lê Huyền Tông năm 1663 còn ghi lại như sau “Đạo Gia Tô theo bút ký tư nhân, tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất (1553) đời Lê Trang Tông, có người Tây Dương là I-nê-khu, lén đến truyền đạo Gia Tô ở làng Ninh Cường và Quần Anh, huyện Nam Chân, làng Trà Lũ, huyện Giao Thủy”1 (thuộc tỉnh Nam Định, giáo phận Bùi Chu hiện nay). Vì thế, các sách sử Công giáo tại Việt Nam viết về lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam vẫn thường coi năm 1533 là mốc khởi đầu cho việc mở đạo. Tuy nhiên, sự kiện năm 1553 chỉ là bước dò dẫm sơ khởi, chưa có kết quả gì đáng kể trong việc truyền bá đạo Thiên Chúa ở Việt Nam. 

Ở Đàng Ngoài, theo một số sách sử Công giáo, từ năm 1583 đến 1590 có một số đoàn vào vùng nhà Mạc (thời Mạc Mậu Hợp) và nhà Lê, 1583 vào Quảng Yên, 1591 vào Thanh Hóa. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là thời kỳ này không thấy có tài liệu nào nói đến việc các giáo sĩ truyền đạo bằng tiếng Việt, phiên âm tiếng Việt ra chữ Latinh. Có lẽ là vì thời gian họ ở ngắn và họ đều không biết tiếng Việt, nhưng có một chi tiết đáng lưu ý là năm 1584, đã có một phụ nữ Việt theo đoàn của linh mục Bartolome Ruiz từ Ma Cao vào, trong vai trò là người phiên dịch. 

Ở Đàng Trong, cũng thấy có các giáo sĩ đã từng đến miền Hà Tiên (1550) và Thừa Thiên. Từ năm 1580 đến 1595 cũng có một số giáo sĩ đi theo tàu buôn Bồ Đào Nha ghé qua Quảng Nam, vào Cửa Hàn (Đà Nẵng) và cửa Hội An (Quảng Nam). Trong đó, đáng chú ý là hai vị Louis de Fonseca và Gregoire de La Motte (người Bồ Đào Nha) thuộc Dòng Đa Minh (Dominicains). Tuy nhiên, cũng như ở Đàng Ngoài, không thấy có tài liệu nào nói đến việc các vị giáo sĩ này truyền đạo bằng tiếng Việt hay soạn kinh sách bằng chữ phiên âm Latinh. 

Vì thế, khi nói đến lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam, các sách thường phân chia thành 5 thời kỳ với những biến cố quan trọng như:

Thứ nhất, thời kỳ khai sinh (1533 - 1569); 

Thứ hai, thời kỳ hình thành (1569 - 1802); 

Thứ ba, thời kỳ thử thách (1802 - 1885); 

Thứ tư, thời kỳ phát triển (1885 - 1960); 

Thứ năm, thời kỳ trưởng thành (từ 1960 - nay). 

Đối với việc nghiên cứu lịch sử chữ Quốc ngữ của chúng ta thì thời kỳ khai sinh là quan trọng nhất. Thời kỳ này thường được chia làm 2 giai đoạn nhỏ là: Giai đoạn 1, giai đoạn dò dẫm đầu tiên (1533 - 1614), giai đoạn này chủ yếu là các vị thừa sai Dòng Đa Minh và Dòng Phanxicô (Franciscains) đi theo các thương thuyền trong vai trò tuyên úy; Giai đoạn 2, giai đoạn mở đạo chính thức (1615 - 1655), được tính chậm hơn vài chục năm so với năm 1553, với các vị thừa sai Dòng Tên (dòng Jesuites) thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, trước hết vào Đàng Trong do các chúa Nguyễn cai quản và muộn hơn là ở Đàng Ngoài thuộc quyền cai quản của vua Lê - chúa Trịnh. Số lượng các giáo sĩ Dòng Tên đến Việt Nam truyền giáo rất đông, theo Đỗ Quang Chính, từ năm 1615 đến năm 1788 có tới 145 vị, trong đó có 74 vị người Bồ Đào Nha, 30 vị người Ý, 10 người Đức, 5 người Pháp, 4 người Tây Ban Nha. Thời điểm quan trọng đầu tiên trong lịch sử truyền giáo như vừa nói ở trên là năm 1615, khi giáo đoàn các tu sĩ Dòng Tên (gồm linh mục Francesco Buzomi người Ý, linh mục Diego Carvalho người Bồ Đào Nha), Antonio Diaz người Bồ Đào Nha và hai thầy người Nhật là Giuse và Phaolô đi tàu buôn của Bồ Đào Nha từ Ma Cao tới Đàng Trong (cụ thể là tới cửa Hàn, ngày 18.01.1615), để từ đó chính thức lập cơ sở truyền giáo đầu tiên ở xứ Quảng, đặt nền móng vững chắc và sâu rộng cho công cuộc truyền giáo vào Việt Nam về sau này một cách có chương trình, có tổ chức, có phương pháp. Nếu so với việc mở đạo ở Đàng Ngoài, thì sự kiện đánh dấu giai đoạn quan trọng này thường được tính là ngày 19.3.1627, khi hai linh mục Pedro Marques (người Bồ Đào Nha) và Alexandre de Rhodes (người Pháp) trên đường ra Đàng Ngoài truyền giáo đã cập bến Cửa Bạng (Thanh Hóa). Chính vì những lý do trên, Đàng Trong - Xứ Quảng (nói chung) và Quảng Nam (nói riêng) có thể được coi là nơi mở đầu trang sử khai đạo chính thức tại Đàng Trong nói riêng và cả nước nói chung. Do vậy, các học giả, các nhà nghiên cứu về lịch sử chữ Quốc ngữ cũng tính thời điểm khởi nguyên công việc sáng chế loại chữ mới này ở Việt Nam (cụ thể là Đàng Trong, là xứ Quảng) vào năm 1615, tức là khi các nhà truyền giáo Dòng Tên chính thức đến mở đạo ở Việt Nam và hoạt động của họ được ghi lại trong các tài liệu lưu trữ khá đầy đủ. Khi các vị thừa sai Dòng Tên đến Đàng Trong, họ đã có kinh nghiệm của các vị giáo sĩ truyền giáo ở Nhật Bản và Trung Hoa trước đó. Đó là để truyền giáo được thì phải học tiếng nói, phong tục tập quán của người dân ở đó và phải giảng đạo bằng ngôn ngữ của họ. 

Vì thế, khi đến Đàng Trong (1615), các giáo sĩ Dòng Tên lẽ tất nhiên phải nghĩ đến việc lấy đó làm địa bàn đầu tiên để học nói tiếng Việt, từ đó tiến đến biên soạn các sách giáo lý, sáng tác kinh nguyện, thơ văn bằng chữ Nôm và chữ Quốc ngữ, với sự trợ giúp của các thầy giảng người Việt, mà một số còn ghi lại tên tuổi trong sách sử như cụ Gioan Kim, sư cụ chùa Phao, sư cụ Manuel…, cũng như của những thanh niên Việt Nam giúp việc cho các giáo sĩ này ở các nhà đạo. Tuy nhiên, xét về phương diện lịch sử chữ Quốc ngữ, thì thời điểm quan trọng nhất phải là năm 1617, khi có thêm linh mục Francisco de Pina (người Bồ Đào Nha) từ Ma Cao được cử sang giúp thêm cho cha Francesco Buzomi. Trước Francisco de Pina, giáo đoàn của linh mục Buzomi nhờ biết tiếng Nhật (và có thể cả tiếng Trung Quốc) nên các ông có thể giao tiếp với các kiều dân người Nhật Bản và người Trung Quốc sống ở Hội An. 

Tuy nhiên, để tiếp xúc với người Việt Nam, vì không biết tiếng Việt nên các ông phải nhờ người phiên dịch. Cũng cần nói thêm rằng, khi linh mục Alexandre de Rhodes tới Đàng Trong (1624) thì ông vẫn thấy cha Buzomi phải dùng phiên dịch để giảng đạo. Chỉ có linh mục Francisco de Pina là giáo sĩ châu Âu đầu tiên nói thạo tiếng Việt, bởi vì ông đã có ý thức và nỗ lực học tiếng Việt với một nghị lực phi thường ngay từ khi ông đặt chân đến đất Quảng Nam. Những người đến sau ông như Gaspar Luis và Alexandre de Rhodes, đều xác nhận ông là “giáo sĩ đầu tiên miệt mài học nói” (tức là tiếng Quảng), là “người thứ nhất trong chúng tôi am tường tiếng này”, là “người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng ngôn ngữ đó mà không dùng phiên dịch” cho giáo dân xứ Quảng. Ông cũng đã từng ra Huế năm 1624 cùng với Alexandre de Rhodes, tuy ở đây ít ngày nhưng ông đã giảng đạo và rửa tội cho bà Minh Đức vương thái phi (vợ chúa Nguyễn Hoàng), lấy tên là Maria Mađalêna. 

Theo những tài liệu hiện có, có thể khẳng định chắc chắn rằng Francisco de Pina đã tham gia vào công việc Latinh hóa tiếng Việt ngay từ những ngày tháng đầu tiên và trong những bước đi đầu tiên của công việc này. Và cũng chắc chắn rằng, ông có tham khảo chữ Nhật phiên âm (Romaji) vì ông học tiếng Nhật khá tinh thông từ khi còn ở Ma Cao. Trong các tài liệu viết tay còn lưu giữ ở Ma Cao của João Roiz và Gaspar Luiz vào năm 1621, có nói đến việc các giáo sĩ Dòng Tên tại Đàng Trong đã soạn thảo sách giáo lý bằng chữ Nôm ngay từ năm 1620, với sự cộng tác của người Việt ở địa phương. Đây là bản tường trình hàng năm của tỉnh Dòng Tên Nhật Bản do linh mục João Roiz soạn bằng tiếng Bồ Đào Nha dựa theo các báo cáo ở Đàng Trong gửi về Ma Cao để soạn thảo báo cáo gửi về cho Bề trên Cả Dòng Tên ở La Mã. Linh mục Gaspar Luiz cũng soạn một bản tường trình tương tự về giáo đoàn Đàng Trong bằng tiếng Latinh gửi về La Mã. 

Có lẽ cuốn sách chữ Nôm này chỉ ở dạng chép tay và được người Công giáo Việt Nam sử dụng. Đối với các giáo sĩ Dòng Tên, theo học giả Đỗ Quang Chính “chắc là họ dùng bản phiên âm chữ Latinh (tức là kiểu chữ Quốc ngữ) của cuốn sách này mà người có công soạn thảo là linh mục Francisco de Pina”.2 Học giả Nguyễn Khắc Xuyên cũng nhận định rằng “công việc này phải có bàn tay tích cực của de Pina, bởi vì ngoài ông ra không có ai cáng đáng nổi”.3 Nếu những nhận định này là đúng thì như vậy tới năm 1620, ở Đàng Trong, việc học tiếng Quảng của các giáo sĩ Dòng Tên như Pina, Buzomi đã được xúc tiến rất khả quan. Việc dùng mẫu tự Latinh để viết tiếng Việt cũng đã được thực hiện, lần đầu tiên đã có một cuốn sách ở Quảng Nam sử dụng các chữ cái ABC giống như chữ Quốc ngữ về sau này. Tuy nhiên, sách giáo lý này, kể cả bản chữ Nôm lẫn bản chữ Quốc ngữ đáng tiếc đều bị thất truyền, ngày nay chúng ta không còn tìm thấy ở các trung tâm lưu trữ trên thế giới. 

Cần chú ý rằng, các tài liệu viết tay của João Roiz và Gaspar Luiz là vào năm 1621, và được viết ở Ma Cao. Điều này có nghĩa là khi đó cả hai ông đều chưa sang Việt Nam. Mặc dù vậy, trong hai tài liệu viết tay này, chúng ta cũng có thể tìm thấy một số chữ Quốc ngữ như: unsai “ông sãi”; ungue “ông nghè” Cacham “Kẻ Chàm” (tức Chiêm Thành); Nuocman “nước mặn”… Tài liệu đầu tiên mà chúng ta có được về chữ Quốc ngữ do một linh mục đã từng ở Việt Nam ghi chép lại là của Cristoforo Borri, in trong cuốn sách Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong” (còn được dịch là: Ký thuật về phái đoàn mới của các cha Dòng Tên tại Vương quốc Đàng Trong), xuất bản bằng tiếng Ý lần đầu tiên năm 1631. 

Nếu nói đến bản viết tay có chữ Quốc ngữ do các linh mục khi đang truyền giáo ở Đàng Trong viết ra, thì những tài liệu đầu tiên mà chúng ta có được là bức thư của Francisco de Pina viết năm 1623, bức thư của Alexandre de Rhodes viết năm 1625, bản tường trình của Gaspar Luiz năm 1626, bản tường trình của Antonio de Fontes viết năm 1626, bức thư của Buzomi viết năm 1626. Trong các tài liệu này, chúng ta có thể thấy các giáo sĩ Dòng Tên đã ghi lại một số từ ngữ tiếng Việt bằng chữ Quốc ngữ. 

Ở đây chúng ta cần chú ý, không phải ngẫu nhiên chúng ta lại dừng ở năm 1626 khi nói về sự ra đời của chữ Quốc ngữ trên vùng đất Quảng. Có hai lý do như sau: Một là, thời kỳ đầu tiên của sự hình thành chữ Quốc ngữ thường được chia ra làm hai giai đoạn nhỏ hơn (từ 1620 - 1626 và 1631 - 1648); Hai là, từ 1620 đến 1626 là thời kỳ mà các giáo sĩ Dòng Tên đều ở Đàng Trong, trong đó, Francisco de Pina ở từ 1617 đến 1625 (năm ông bị chết đuối ở bờ biển Quảng Nam), và Cristoforo Borri ở từ 1618 đến 1621 thì rời Đàng Trong về Ma Cao, Alexandre de Rhodes ở từ 1624 đến 1626 thì cũng rời Đàng Trong về Ma Cao. 

Việc trong thời kỳ thứ nhất của công cuộc truyền giáo ở Việt Nam các giáo sĩ Dòng Tên cư trú ở vùng đất Quảng, học tiếng Quảng rồi phiên âm tiếng đó ra chữ Latinh làm cơ sở cho việc học tiếng để từ đó giao tiếp với người dân ở địa phương, để giảng đạo, làm kinh sách… là một điều chắc chắn. Chỉ tiếc là hầu hết các tài liệu này đã bị thất truyền, trong đó đáng chú ý nhất là Cuốn giáo lý đầu tiên (1620). Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng, đó là thứ chữ Quốc ngữ ở thời kỳ sơ khởi, phôi thai, còn xa mới đạt đến sự hoàn chỉnh như thế kỷ XVIII, và nhất là chưa thành một hệ thống chữ viết như sau này. Điều này cũng dễ hiểu vì quá trình các giáo sĩ Dòng Tên sử dụng mẫu tự Latinh để ghi âm tiếng Việt có thể được hình dung một cách đơn giản như sau: Bước phiên âm đầu tiên với mục đích chỉ là ghi chú âm của một số từ ngữ tiếng Việt để cho dễ nhớ khi học tiếng Việt, một số tên đất, tên người…, để viết sách hay ghi ký sự trong báo cáo hàng năm gửi về La Mã. Điều này không có gì lạ, nó cũng giống như khi ta học một thứ ngoại ngữ hay tiếng dân tộc thiểu số; Bước tiếp theo là sáng chế ra văn tự chắc chắn là phải trải qua một quá trình gia công, tu chỉnh, hoàn thiện trong nhiều năm để có được diện mạo như ngày nay. Chỉ cần so sánh chữ Quốc ngữ của Cristoforo Borri sử dụng năm 1621 và chữ Quốc ngữ của Alexandre de Rhodes sử dụng năm 1630 - 1640 là chúng ta sẽ thấy một bước tiến nhảy vọt về chất. 

Trong số các giáo sĩ, Alexandre de Rhodes là người duy nhất ra vào nhiều thời gian ở cả hai xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài. Trong thời gian Alexandre de Rhodes ở Đàng Ngoài (1627 - 1630), ông đã dùng tiếng Quảng để giảng đạo cho người dân Đàng Ngoài và trao đổi với chúa Trịnh Tráng. Dấu ấn của tiếng Quảng trong vốn ngôn ngữ tiếng Việt của Alexandre de Rhodes sâu sắc đến mức sau này trong cuốn Từ điển Việt - Bồ - La, và cuốn Phép giảng tám ngày, chúng ta vẫn có thể tìm thấy nhiều nét đặc sắc về âm thanh, từ ngữ của tiếng Đàng Trong. Trước đây, khi nói đến vấn đề lịch sử chữ Quốc ngữ, một số học giả có ý kiến cho rằng: người có công đầu lớn nhất, “thủy tổ”, trong việc sáng chế ra chữ Quốc ngữ là giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes. Tác giả Hoàng Tiến viết: “Rõ ràng Alexandre de Rhodes xứng đáng là cha đẻ của chữ Quốc ngữ”.4 

Mặc dù không thể phủ nhận là Alexandre de Rhodes đã có những đóng góp to lớn vào việc Latinh hóa tiếng Việt, nhưng với những tư liệu có được cho đến ngày nay, cũng như ý kiến của các nhà nghiên cứu đi trước, tác giả cho rằng: Thứ nhất, xét trong toàn bộ tiến trình sáng chế và hoàn thiện chữ Quốc ngữ thì Alexandre de Rhodes không phải là người đầu tiên. Do vậy, việc sáng chế và hoàn thiện chữ Quốc ngữ không phải là công trình của riêng ông; Thứ hai, công lao to lớn của Alexandre de Rhodes là đã có công tu chỉnh, hệ thống hóa chữ Quốc ngữ đang ở thời kỳ phôi thai và có công phổ biến, in ấn sách vở đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ; Thứ ba, sáng chế ra chữ Quốc ngữ là cả một quá trình, là công việc tập thể của nhiều thế hệ giáo sĩ phương Tây. Đồng thời cũng phải kể đến sự tham gia và hợp tác của nhiều người Việt Nam mà công lao của họ đã được chính các giáo sĩ Dòng Tên thừa nhận - đặc biệt là cậu bé rất thông minh và có năng khiếu về ngoại ngữ đã dạy tiếng cho Alexandre de Rhodes, được ông rất quý trọng và đặt tên là Raphael và cho mang họ de Rhodes của mình. 

Do đó, nói đến chữ Quốc ngữ ở giai đoạn khởi đầu thì người có công lớn nhất phải kể đến là linh mục Francisco de Pina, người đã sống, truyền giáo, học tập, nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt chủ yếu ở dinh trấn Thanh Chiêm và cảng thị Hội An. Với vốn tiếng Việt đạt đến độ gần như hoàn hảo của mình, Francisco de Pina có đủ điều kiện để trở thành người đi tiên phong trong việc sáng chế ra chữ Quốc ngữ. Bên cạnh đó cũng cần phải kể đến công lao của các giáo sĩ khác như Gaspar do Amaral; Antonio Barbosa, và nhất là Alexandre de Rhodes. Với những tài liệu may mắn phát hiện được gần đây, trong bộ sưu tập “Jesuita na Asia” gồm 61 bản tập chép, với hơn 60.000 trang, trong đó có 41 tập có ghi chép về Việt Nam của Thư viện Quốc gia ở Thủ đô Lisbon (Bồ Đào Nha). Học giả người Pháp Roland Jacques đã làm rõ thêm vai trò tiên phong của linh mục Francisco de Pina qua hai tài liệu là bức thư viết dở dài hơn 7 trang vào đầu năm 1623 của Pina gửi cho Cha bề trên Khâm sai Jeronimo Rodriguez ở Ma Cao, và bản chép tay sao lại cuốn Manuduction ad linguam Tunckinensem (Sự khởi sắc của Bắc Kỳ) dày 22 trang của linh mục người Thụy Sĩ gốc Đức Onofre Borges, biên soạn trong khoảng thời gian 1645 - 1658. Theo lập luận của Roland Jacques, sau khi so sánh tài liệu này với phần viết Linguac Annamiticac seu Tunckinensis brevis Declaration (diễn giải vắn tắt về tiếng An Nam hay tiếng Đàng Ngoài) của Alexandre de Rhodes được in trong Từ điển Việt - Bồ - La (1651), Jacques cho rằng: Vì hai công trình này về nội dung có những chỗ rất giống nhau nên rất có thể chúng đều bắt nguồn từ một nguồn gốc chung là những mô tả của Francisco de Pina về chính tả, ngữ âm, ngữ pháp tiếng Đàng Trong cũng như thứ chữ Latinh hóa tiếng Việt do Pina sáng chế ra từ những năm 20 của thế kỷ XVII. Chính dựa trên cơ sở hai tài liệu này, Roland Jacques đã đi đến kết luận (mặc dù còn nhiều tranh cãi) nhưng rất có sức thuyết phục rằng: “Tác giả đầu tiên của các phiên âm có hệ thống tiếng Việt sang chữ cái Latinh là một người Bồ Đào Nha, Francisco de Pina. Chính các công trình ngôn ngữ học của ông thực hiện vào đầu những năm 1620 là nền móng cho mọi lâu đài về chữ Quốc ngữ, và đặc biệt là tạo ra cái hạt nhân trung tâm cho những tác phẩm đầu tiên được xuất bản bằng chữ Quốc ngữ bởi Alexandre de Rhodes hơn ba mươi năm sau”.5 

Thực ra, trong giai đoạn ban đầu (1620 - 1626) của chữ Quốc ngữ ở Đàng Trong, theo chúng tôi, sẽ công bằng hơn khi chúng ta nhắc đến vai trò của Cristoforo Borri, vì ông cũng ở Đàng Trong 3 năm, khá thành thạo tiếng Việt và có nhiều hiểu biết về xứ Đàng Trong. Tuy nhiên, vai trò của ông đối với chữ Quốc ngữ không được rõ nét như Francisco de Pina, vì Borri ở Quy Nhơn, hơn nữa ông không chuyên tâm lắm đến công việc của giáo đoàn vì quá mê say các môn như Toán - Thiên văn - Hàng hải, nên ông bị triệu hồi về Ma Cao năm 1621.

Xứ Quảng phải chăng là cái nôi khai sinh chữ Quốc ngữ? 

Khi nói đến vấn đề này, chúng ta không thể không bàn đến ba điểm rất quan trọng sau đây. 

Thứ nhất, vấn đề liên quan đến lịch sử mở đạo ở Đàng Trong với vai trò của các vị thừa sai Dòng Tên từ năm 1615. Chúng ta thấy các vị này chủ yếu ở ba nơi (Cửa Hàn “Đà Nẵng” - Hội An và Thanh Chiêm “Quảng Nam” - Nước Mặn “Quy Nhơn - Bình Định). Hiện nay, ba nơi này thuộc về 1 thành phố trực thuộc trung ương và 2 tỉnh khác nhau. Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ XVII, vùng đất này được gọi là Đàng Trong, là xứ Quảng, đất Quảng (gồm 3 tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi - Bình Định). 

Thứ hai, liên quan đến vấn đề xác định những giáo sĩ Dòng Tên nào đi tiên phong và có nhiều công lao hơn cả trong việc phiên âm tiếng Đàng Trong bằng mẫu tự Latinh ở giai đoạn khởi đầu của chữ Quốc ngữ. Ba vị linh mục nổi bật nhất trong giai đoạn này là Francisco de Pina, Cristoforo Borri và Alexandre de Rhodes. 

Thứ ba, các điểm ở xứ Quảng nói chung và Quảng Nam ngày nay nói riêng, nơi mà các giáo sĩ Dòng Tên học tiếng Việt và phiên âm tiếng Việt bằng chữ Latinh. 

Cần lưu ý rằng, khái niệm tiếng Việt ở đây được hiểu là “tiếng Quảng”, và không chỉ là tiếng nói của tỉnh Quảng Nam ngày nay, mà đó là tiếng nói chung của xứ Đàng Trong. Trước hết, có lẽ chúng ta nên nhắc lại ở đây một đôi lời của các vị giáo sĩ Dòng Tên nói về tiếng Đàng Trong (tiếng Quảng). Francisco de Pina viết: “Tiếng nói này là một ngôn ngữ có thanh, giống như một sự xướng âm và trước hết là phải biết xướng âm nó đã, sau đó mới học tới các chữ”.6 Cristoforo Borri nhận xét: “Tiếng Việt phong phú về nguyên âm, do đó ngọt ngào và êm ái; giàu có về giọng và thanh, do đó du dương và hài hòa. Những ai có lỗ tai âm nhạc để phân biệt sự đa dạng của các giọng và thanh thì theo tôi, tiếng Việt là ngôn ngữ dễ nhất trong tất cả các ngôn ngữ”7 ; “Do đó người ta dễ thấy là ngôn ngữ này rất dễ học, và thực ra trong sáu tháng chuyên cần, tôi đã học được đủ để có thể nói chuyện với họ và giải tội được nữa, tuy chưa được tinh thông lắm, vì thực ra muốn cho thật thành thạo thì phải học bốn năm trọn”.8 Cũng cần lưu ý thêm rằng Borri chỉ ở Đàng Trong trong khoảng 3 năm và chủ yếu là ở Nước Mặn (Quy Nhơn). Alexandre de Rhodes thì hồi tưởng: “Riêng tôi xin thú nhận rằng khi mới đến Đàng Trong nghe những người bản xứ nói chuyện với nhau, nhất là giữa nữ giới, tôi có cảm tưởng như mình đang nghe chim hót líu lo và tôi đâm mất hết hi vọng vì nghĩ rằng không bao giờ có thể học được thứ tiếng đó”.9 

Trở lại vấn đề địa điểm sinh sống và truyền đạo của các giáo sĩ Dòng Tên, ta thấy vào nửa đầu thế kỷ XVII, các giáo sĩ của Giáo đoàn Dòng Tên hoạt động ở Đàng Trong đã lập ra một số cơ sở truyền đạo chính ở Nước Mặn (Quy Nhơn), Cửa Hàn (Đà Nẵng), cảng thị Hội An và dinh trấn Thanh Chiêm (Điện Bàn - Quảng Nam). Francisco de Pina đã sống ở cảng thị Hội An, Thanh Chiêm và Nước Mặn, học tập tiếng Việt, biên soạn các công trình khảo cứu về tiếng Việt và các tài liệu phiên âm tiếng Việt bằng chữ Latinh khác. Khi mới đến Đàng Trong, Francisco de Pina ở Cửa Hàn và được chừng nửa năm thì ông chuyển về sống và hoạt động truyền giáo tại khu phố Nhật ở cảng thị Hội An. Năm 1618 ông chuyển về Nước Mặn theo yêu cầu của Cha bề trên Buzomi, ông ở đây chừng hai năm rồi quay trở lại Hội An. Năm 1624 ông đến Thanh Chiêm, tại đây ông đã dạy tiếng Việt cho Alexandre de Rhodes và Antonio de Fontes. 

Bản thân Francisco de Pina rất có cảm tình với Thanh Chiêm, mặc dù ông đã từng sống ở Hội An và Nước Mặn. Trong bức thư năm 1623 ông viết: “Chúng ta có thể làm thêm một nhà đạo mới. Theo ý kiến của con việc chọn Kẻ Chiêm là thích hợp (…) đối với việc học tiếng, Kẻ Chiêm vẫn là nơi tốt nhất vì ở đây là trung tâm của triều đình. Ở đây người ta nói rất hay…”.10 Trong bức thư này, ông cũng nói đến việc năm 1622 đã mua hai căn nhà ở Kẻ Chàm (Cacham), tức là Kẻ Chiêm - Thanh Chiêm, của bà Joanna, là một giáo dân người Việt. Francisco de Pina cũng nói tới việc một số giáo dân ở Thanh Chiêm có ý dựng một ngôi chùa bằng gỗ, hoặc tặng cho ông một ngôi chùa khác để ông về dựng lại ở khu giáo dân làm nhà nguyện. Theo tác giả Đỗ Quang Chính, trong bức thư của giám sát Gabriel de Matos viết bằng tiếng Bồ Đào Nha tại Đàng Trong ngày 05.07.1625 gửi linh mục bề trên ở La Mã cũng có viết rằng: “Hiện nay chúng tôi có ba cơ sở mà hai trong số này đã được hoàn thành, còn cơ sở thứ ba tại thủ phủ quan trấn thủ (tức Thanh Chiêm) nơi mà lúc này tôi có ba linh mục định cư: linh mục Francisco de Pina biết tiếng Việt khá lắm, làm Bề trên và là Thầy giáo, các linh mục Alexandre de Rhodes và Antonio de Fontes là thuộc viên và học viên”.11 

Như vậy, nhìn chung thời gian sống và hoạt động truyền giáo của Francisco de Pina lâu nhất là ở cảng thị Hội An và dinh trấn Thanh Chiêm. Chính ở hai nơi này, công việc học tập, nghiên cứu tiếng Việt và phiên âm tiếng Việt ra chữ Latinh của ông đã đạt được những thành tựu rực rỡ. Trong bức thư viết dở năm 1623, ông cho biết là ông đã viết xong một cuốn chuyên luận nhỏ về chính tả và về các thanh điệu của tiếng Việt, đang soạn dở một cuốn ngữ pháp tiếng Việt. Đồng thời với các công trình nghiên cứu trên, ông đã tiến hành công việc sưu tập các ngữ liệu tiếng Việt để lấy từ đó làm các cứ liệu trích dẫn. Những công việc có tính chất sưu tập này lẽ tất nhiên phải được Pina thực hiện bằng cách phiên âm tiếng Việt ra chữ Latinh để các giáo sĩ Dòng Tên khác, những đồng nghiệp của ông có thể học tập và sử dụng được chúng. Tất nhiên, trong những công việc đó có vai trò của các thanh thiếu niên, các sư sãi, các thầy đồ, quan lại ở Đàng Trong đóng vai trò cố vấn cho Pina. Đó là những nhân tố không thể thiếu vắng, góp phần làm nên thành tựu chung của chữ Quốc ngữ buổi ban đầu ở xứ Đàng Trong (xứ Quảng). 

Như vậy, nếu so sánh với các công trình Latinh hóa và nghiên cứu về tiếng Việt được thực hiện sau này ở Đàng Ngoài thì rõ ràng là trong những năm 1617 - 1625, các công trình phiên âm ra chữ Latinh và nghiên cứu tiếng Việt ở Đàng Trong do Francisco de Pina thực hiện ở dinh trấn Thanh Chiêm và cảng thị Hội An đã xuất hiện trước và sớm nhất. Do đó, có thể coi Thanh Chiêm và Hội An là cái nôi đầu tiên ra đời chữ Quốc ngữ ở xứ Quảng (Quảng Nam) nói riêng và ở nước ta nói chung trong những năm đầu thế kỷ XVII. Riêng dinh trấn Thanh Chiêm còn có trường học đầu tiên, ở đó, các giáo sĩ Dòng Tên đã dạy nhau học tiếng Việt (Đàng Trong) với thứ chữ phiên âm theo mẫu tự Latinh (tức chữ Quốc ngữ) với sự trợ giúp của những người Việt ở địa phương. 

Chú thích: 

1. Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam - Viện Sử học, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Tập 2, (Hà Nội: Giáo dục, 1998), 301. 

2, 11 Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc ngữ: 1620 - 1659, (Sài Gòn: Ra Khơi, 1972). 

3. Nguyễn Khắc Xuyên, Ngữ pháp tiếng Việt của Đắc Lộ 1651, (Thời điểm, 1993), 26. 

4. Hoàng Tiến, Chữ Quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ XX, Quyển 1, (Hà Nội: Giáo dục, 1994), 54. 

5, 7, 10 Roland Jacques, Portuguese pioneers of Vietnamese linguistics pior to 1650, (Bangkok, 2002), 79, 327. 

6, 8 Borri C., Relation de la nouvelle Mission des peres de la Compagnie de Jesus Royaume de la Conchinchine, (1931), 75-76. 

9. Alexandre de Rhodes, Hành trình và truyền giáo 1631, (Hồng Nhuệ dịch), (TPHCM: Tổng hợp TPHCM, 1994), 72. 

KHAI SINH CHỮ QUỐC NGỮ (từ 1620 đến 1659)?

Đinh Trọng Tuyên - Đinh Bá Truyền

1. Francisco de Pina hay là buổi bình minh của chữ Quốc ngữ 

Sử dụng các mẫu tự Latinh để ký âm tiếng Việt với mục đích truyền đạo Công giáo vào xứ Đàng Trong ở tiền bán thế kỷ XVII, các giáo sĩ Dòng Tên không bao giờ ngờ rằng họ đã để lại một món quà vô giá cho dân tộc Việt Nam, đó là chữ Quốc ngữ. Ngày nay, chẳng ai hoài nghi về sự tiện ích tuyệt đối của chữ Quốc ngữ đối với nền quốc học và sự nghiệp phát triển văn hóa nước nhà, nhưng mấy ai biết chữ Quốc ngữ đã được khai sinh bởi một giáo sĩ người Bồ Đào Nha, tên là Francisco de Pina, tại một làng quê dân dã ở tỉnh Quảng Nam, đó là làng Thanh Chiêm. 

Vào đầu thế kỷ XVII, một Giáo đoàn Kitô gồm hơn 20 giáo sĩ Dòng Tên, đó là các linh mục và thầy giảng người Bồ Đào Nha, Ý, Pháp mà trong đó đa phần là người Bồ Đào Nha, được phái đến xứ Đàng Trong thay vì Nhật Bản với mục đích truyền đạo Công giáo. Năm 1615, các giáo sĩ tiên phong trong Giáo đoàn đã đến Đà Nẵng để tìm cách thiết lập cơ sở truyền đạo. Cho đến năm 1623, đã có hai trú sở truyền đạo chính thức được mở, một tại Hội An (Residentia Fayfó) và một tại Nước Mặn (Residentia Nuœcman, Pulocambi) thuộc Quy Nhơn, và hai năm sau (1625) thì lập trú sở truyền đạo thứ ba tại dinh trấn Thanh Chiêm. Ban đầu, sứ mệnh gieo đức tin Thiên Chúa diễn ra một cách khó khăn do cách biệt ngôn ngữ, các giáo sĩ không thể hiểu dân địa phương nói gì bởi ngôn ngữ ở đây là một thứ “tiếng như âm nhạc, nghe như chim hót”. Vì thế, các giáo sĩ đã sử dụng những mẫu tự Latinh để ký âm tiếng Việt nhằm phục vụ cho việc học tập ngôn ngữ bản địa và quan trọng hơn là có thể trực tiếp giảng đạo mà không cần phiên dịch. 

Theo Roland Jacques (trong tác phẩm Portuguese Pioneers of Vietnamese Linguistics Prior to 1650/ L’oeuvre de quelques pionniers Portugais dans le domaine de la linguistique vietnamienne jusqu’en 1650, Bangkok, Orchid Press, 2002), giáo sĩ Francisco de Pina là người đầu tiên bắt tay vào thực hiện công trình Latinh hóa tiếng Việt đầy khó khăn nhưng cũng không kém phần vinh quang này. Cũng theo Roland Jacques thì giáo sĩ Pina đã nhận xét tiếng Việt là một ngôn ngữ “có thanh điệu như một bản xướng âm, cần phải biết xướng âm trước đã. Chỉ sau đó mới học các chữ”. 

Với niềm tin sâu sắc là di cảo của giáo sĩ Pina vẫn còn được lưu giữ ở đâu đó trên thế giới, nhà ngôn ngữ học người Pháp Roland Jacques vất vả hàng chục năm ròng đi tìm. May mắn thay, cuối cùng ông đã phát hiện ra hai tác phẩm chưa công bố của Francisco de Pina, đó là bức thư viết dở bằng Bồ ngữ dài 7 trang cho Đức cha bề trên Jerómino Rodríguez ở Ma Cao và tiểu luận dài 22 trang mang tựa đề Manuductio ad Linguam Tunkinensem (Nhập môn tiếng Đàng Ngoài) bằng La ngữ tại Thư viện Quốc gia ở cung điện Ajuda - Lisbonne, Bồ Đào Nha. Nhờ hai tư liệu quý giá này mà trong luận văn tiến sĩ của mình, L’oeuvre de quelques pionniers Portugais dans le domaine de la linguistique vietnamienne jusqu’en 1650 (Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học trước 1650), Roland Jacques đã chứng minh được với thế giới rằng giáo sĩ Francisco de Pina mới chính là người đầu tiên sáng tạo ra chữ Quốc ngữ chứ không phải là giáo sĩ Alexandre de Rhodes như mọi người vẫn đang lầm tưởng. Francisco de Pina sinh tại thành Guarda, thuộc vùng Beira Alta, Bồ Đào Nha vào năm 1585 - 1586 (theo Roland Jacques) hoặc 1588 (theo Hồng Nhuệ - Nguyễn Khắc Xuyên). Ông gia nhập vào Dòng Tên vào khoảng năm 19 tuổi, sau đó đến xứ Goa (Ấn Độ) sống ít lâu trước khi sang Trung Hoa. Năm 1611, tại Học viện Thánh Phaolô, Ma Cao, ông theo học Khoa học xã hội và tự nhiên, 4 năm về Thần học và cả tiếng Nhật. Đến năm 1617, ông thụ phong linh mục và được cử đến xứ Đàng Trong, làm việc tại trú sở Hội An. 

Trở lại với quá trình khai sinh chữ Quốc ngữ, việc La ngữ âm hóa tiếng bản địa không phải là sáng kiến của Pina, bởi việc này đã được các giáo sĩ kiêm nhà ngôn ngữ học thực hiện trước đó. Từ thế kỷ XVI, để quảng bá Kitô giáo ra khắp thế giới một cách hữu hiệu, những nhà truyền đạo đã được Giáo hội La Mã khuyến khích sử dụng mẫu tự Latinh để ký âm hóa ngôn ngữ tại địa phương nơi mà họ đang gieo Đức tin Thiên Chúa. Theo Roland Jacques, đã có các công trình La ngữ âm hóa tiếng Tamin (ở miền Nam, Ấn Độ), tiếng Nhật, tiếng Trung Hoa, tiếng Tupi-guarani (tiếng bản địa của Brazil) do các giáo sĩ người Bồ Đào Nha và Ý thực hiện trước khi Pina sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Vừa đặt chân đến Hội An, Pina lao vào học tiếng Việt với một tinh thần hăng say đáng ngưỡng mộ và nhờ thế, chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã có thể trực tiếp đàm thoại với người bản địa. Giáo sĩ Gaspar Luis đã chứng nhận điều đó: “Linh mục De Pina đến Đàng Trong năm 1617. Đó là giáo sĩ đầu tiên đã miệt mài nghiên cứu tiếng nói”. Thật vậy, khi giáo sĩ Alexandre de Rhodes đến Thanh Chiêm vào cuối năm 1624 đã thấy Pina giảng Kinh Thánh mà không cần phiên dịch. Có thể nói, vào thời điểm đó, Pina là vị giáo sĩ đầu tiên và duy nhất giảng đạo trực tiếp cho giáo dân bản địa bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Thời gian đầu Pina học tiếng Việt tại Hội An và Nước Mặn, nhưng sau đó, vào khoảng năm 1619, ông chuyển đến dinh trấn Thanh Chiêm. “Vậy ông linh mục này muốn gì với Kẻ Chàm?”. Đó là mong muốn học một ngôn ngữ thuần khiết và tránh những ảnh hưởng xấu đến quá trình học tiếng Việt có thể nảy sinh tại Hội An, vì nơi này đã có hiện tượng lai tạp ngôn ngữ, bởi Phố Khách là nơi giao thoa của các nền văn hóa Việt, Trung, Nhật, Bồ… Hơn nữa, tại Hội An, người ta chỉ quan tâm đến việc buôn bán, Pina khó có thể tiếp cận với giới trí thức trẻ ở địa phương ngõ hầu tìm kiếm sự cộng tác trong quá trình nghiên cứu và sáng tạo chữ Quốc ngữ, nên Pina quyết định đến dinh trấn Thanh Chiêm. Ông đã khẳng định điều đó: “Đối với con việc nghiên cứu tiếng nói, Kẻ Chàm vẫn là nơi tốt nhất với tư cách là trung tâm triều đình: ở đây người ta nói rất hay, có sự đổ dồn của những người trẻ tuổi đến mà họ là những sĩ tử và bên cạnh họ, những ai bắt đầu học tiếng có thể tìm thấy một sự giúp đỡ”. Roland Jacques cũng hoàn toàn xác nhận ý kiến này: “Thành phố này (Hội An) từ rất xa xưa là một thủ đô kinh tế của Champa ngay từ thiên niên kỷ thứ nhất. Ở thế kỷ XVII, nó vẫn là thành phố chợ quan trọng, một trung tâm thương mại kép gồm hai đơn vị tách rời nhau: một khu của người Nhật và một khu của người Hoa. Mỗi khu được quản lý bởi một trưởng khu theo luật quán ước riêng. Cư dân ở đây rất hỗn tạp, điều này giải thích hiện tượng lai tạp ngôn ngữ. Francisco de Pina nghĩ rằng nơi này không thể là nơi học tiếng Việt được”. 

Lập luận Pina chuyển lên ở hẳn Thanh Chiêm vào năm 1619 là có cơ sở bởi theo lời tường trình của giáo sĩ Cristoforo Borri thì nhờ vào những hiểu biết về thiên văn và toán học mà Pina đã tính toán chính xác là có nguyệt thực diễn ra tại Thanh Chiêm vào lúc 11 giờ đêm (23h) mồng 9.12.1620, điều này làm cho thế tử Kỳ rất kính trọng Pina. Qua đấy, Pina đã thiết lập mối quan hệ hết sức thân thiết với quan trấn thủ dinh trấn Thanh Chiêm. Tuy không thể thuyết phục thế tử Kỳ chịu làm lễ thánh tẩy, nhưng ông đã làm vị thế tử này có cảm tình với đạo Công giáo và các Kitô hữu. Trong bức thư viết dở vào đầu năm 1623, Pina có báo cáo cho Cha bề trên Rodriguez: “Năm vừa qua, con đã viết để báo cáo với đức cha, thưa cha kính mến, rằng con đã mua hai cái nhà của mẹ Jeanne ở Kẻ Chàm. Mỗi nhà có ba gian, một nhà làm nơi ở, nhà kia làm tiểu giáo đường”. Pina đã mua hai căn nhà đó vào năm 1619, ta có thể khẳng định điều này qua câu viết của Cristoforo Borri: “Năm 1619, một đại tăng, kẻ thù lớn của lòng tin thánh thiện của chúng ta thuyết phục nhà vua lưu đầy các cố đạo và phá hủy nhà thờ nhưng nhà thờ vẫn sừng sững ở Kẻ Chàm với tên gọi “nhà của mẹ Jeanna”. 

Tại hai ngôi nhà này, Pina đã tuyển chọn một số thanh niên Công giáo để phụ lễ, đào tạo họ thành người thông dịch và chắc chắn những thanh niên này đã cộng tác với ông trong vấn đề nghiên cứu và sáng tạo chữ Quốc ngữ. Về sự cộng tác của người Việt Nam, Roland Jacques cho biết: “Trong công việc của mình, linh mục Pina nhờ đến sự giúp đỡ rất hữu hiệu của một văn nhân Việt Nam trẻ tuổi, có tên rửa tội là Phêrô, kiến thức uyên bác về chữ Hán của người trẻ tuổi này hẳn là rất hữu ích trong công việc của Pina”. Tại Thanh Chiêm, Pina cùng với Phêrô, một thanh niên địa phương, đã lần đầu tiên dịch Kinh Thánh sang chữ Quốc ngữ, sự kiện này được biết qua một bản phúc trình chính thức của Francisco Eugenio, tu sĩ Dòng Tên, người Ý ở Ma Cao: “Người ấy (một nhân sĩ thân quen với đoàn truyền giáo) có một người con trai mười sáu tuổi, là thanh niên lanh lợi và thông minh nhất trong vùng Kẻ Chàm, anh này lại viết chữ Hán rất đẹp, được dân chúng hâm mộ vô cùng… Anh có tên thánh rửa tội là Phêrô, nhờ có tài hay chữ nên giúp linh mục Pina rất nhiều trong việc dịch kinh “Pater noster”, “Ave Maria”, “Credo” và Mười Điều Răn ra tiếng địa phương, các kinh mà Kitô hữu đã thuộc lòng. Linh mục Pina cũng viết ra các điều phải tin các mầu nhiệm về Ba Ngôi, về Chúa nhập thể làm người, về chuộc tội, cũng như sự cần thiết của đức tin và các bí tích để được tham dự vào ơn tích của Chúa Kitô, Chúa chúng ta. Các Kitô hữu chép lại tất cả những điều ấy, và đã bắt đầu lần hạt mân côi y như tại xứ chúng ta”. Pina cũng có ý định học chữ Nho và chữ Nôm (nhưng chưa thực hiện được) với một giáo viên bản địa tầm cỡ như thầy giảng Augusto, người thông ngôn của cha Buzomi hiện đang ở Pulo Cambi (Quy Nhơn) khi viết: “Nếu con cũng có tiền trả công cho thầy dạy con học ngôn ngữ và văn chương, thì ngày nay con đã là người thợ đầy đủ phẩm chất. Chỉ vì chính lý do này, con không biết văn chương. Và đó là chỗ trống đáng tiếc. Về ngôn ngữ, con đã tự mày mò học hỏi với nỗ lực của chính mình”. 

Nhờ quan hệ tốt với thế tử Kỳ ở dinh trấn Thanh Chiêm, nên Pina đã lập một trú sở mới ở đây vào khoảng cuối năm 1624, đầu năm 1625 và đến tháng 5 năm 1625, Pina chính thức trở thành Cha bề trên quản nhiệm trú sở truyền giáo Thanh Chiêm (Residentia Dinh Ciam), trú sở quan trọng nhất tại Đàng Trong vì nó ở ngay cạnh dinh trấn Quảng Nam, triều đình thứ hai của xứ này do thế tử Nguyễn Phúc Kỳ đứng đầu. Không chỉ có hoạt động nghiên cứu và sáng tạo chữ Quốc ngữ, tại trú sở Thanh Chiêm, Pina vừa là thầy dạy tiếng Latinh cho các thầy giảng người Việt vừa là giáo sư Việt ngữ cho hai giáo sĩ dưới quyền mới đến hồi cuối năm 1624 là Antonio de Fontes và Alexandre de Rhodes, người mà sau này được thực dân Pháp tôn vinh, một cách có dụng ý, như là ông tổ của chữ Quốc ngữ. Nói không ngoa, trú sở Thanh Chiêm là Học viện Việt ngữ học đầu tiên trên thế giới, mà Pina có tư cách là vị giám đốc khai lập và Alexandre de Rhodes là vị giám đốc kế nhiệm. 

Đối với công việc nghiên cứu tiếng Việt, Pina cho biết: “Về phần con, con đã soạn xong một tiểu luận về chính tả và các thanh điệu của ngôn ngữ này, và con đang lao vào ngữ pháp. Tuy nhiên, dù con đã tập hợp các truyện thuộc nhiều loại khác nhau để cung cấp các trích dẫn của tác giả nhằm củng cố ngữ nghĩa của các từ và các quy tắc của ngữ pháp, cho đến bây giờ con phải nhờ ai đó đọc các từ đó cho con. Con phiên âm theo chữ Bồ Đào Nha sao cho người của chúng ta có thể đọc và học các từ đó thuộc lòng, như học Cicéron và Virgile vậy. Vả lại con đã có ba tập, tập hợp các văn bản có phân tích trong số các văn bản hay nhất ở vương quốc này”. Như vậy, vào buổi bình minh của chữ Quốc ngữ, việc La ngữ âm hóa tiếng Việt phải gọi là Bồ Đào Nha ngữ âm hóa tiếng Việt mới đúng. 

Theo Roland Jacques, cuốn ngữ pháp và ba tập, tập hợp các văn bản có phân tích trong số các văn bản hay nhất ở xứ Đàng Trong của Pina đến nay vẫn chưa được tìm thấy, hi vọng một ngày nào đó, hai tài liệu quý hơn vàng này sẽ được phát hiện để chúng ta có thể biết rõ hơn về chữ Quốc ngữ vào cái buổi bình minh của nó và qua đó công lao của Pina có thể được nhìn nhận đầy đủ và đúng đắn hơn. 

Xin nói thêm, mặc dù đã cố gắng chứng minh tiểu luận Nhập môn tiếng Đàng Ngoài là của Pina, nhưng vì tài liệu này không có người ký tên ở dưới, thế nên cho đến nay Roland Jacques vẫn bị linh mục Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên hoài nghi về tính chính xác của nó (xem Công trình nghiên cứu tiếng Việt của một người Thụy Sĩ ở Kẻ Chợ Đàng Ngoài, Onofre Borgès 1614 - 1664; Góp ý với Roland Jacques về công trình nghiên cứu tiếng Việt của mấy người Bồ tiên phong cho tới 1650, in tại Paris, năm 1996). 

Tác giả Hồng Nhuệ cho rằng chính giáo sĩ Onofre Borgès (còn được chép với tên Onófrio hay Onuhpre) mới là tác giả của cuốn Nhập môn tiếng Đàng Ngoài chứ không phải Pina. Nhưng trong luận văn của mình, Roland Jacques đã chứng minh Onofre Borgès không phải là tác giả của tác phẩm Nhập môn tiếng Đàng Ngoài: “Onofre Borgès, là tên mang âm sắc Bồ Đào Nha, nhưng dưới cái tên này ẩn giấu tên nguồn gốc hơi khác, có thể là Honufer (Onuphrius) Bỹrgin… Ông sinh ở Lucerne vào năm 1614, năm 1630 ông vào Dòng Tên miền thượng Đức. Có thể là, ông đã giảng dạy trong các lớp tiểu chủng viện Innsbruck của Dòng Tên ở Tyrol. Đi sang phương Đông năm 1638, đã kết thúc việc nghiên cứu của mình ở Học viện Ma Cao. Rồi ông dạy ngữ pháp có thể là trong ba năm. Tiếp đó, ông sang làm việc ở Tonkin (Đàng Ngoài) từ 1645; bị trục xuất năm 1663, trên một con tàu của Hà Lan. Ông chết khi đến Jakarta. Trong tài liệu lưu trữ của Dòng Tên, có bức thư ngày 30.7.1654 cũng như 3 báo cáo thường niên về giáo đoàn ở Tonkin: năm 1650, 1660 và 1661. Ông đã cộng tác chuẩn bị một vài báo cáo khác. Các hoạt động ngôn ngữ của ông không được ghi chép rõ ràng. Rõ nhất, là việc ông viết vài văn bản tiếng Việt và chữ Nôm. Có thể, là cùng một nguồn cảm hứng như các văn bản được biết rõ là của Jésuite Majorica. Những năm cuối cùng của ông, từ 1658 thật là vất vả. Phần lớn các nhà truyền giáo bị trục xuất. Borgès đã được phép của chúa Trịnh ở lại đất nước với một đồng sự duy nhất mới bước vào nghề Joseph Tissanier để đảm trách việc thờ phụng của toàn bộ các cộng đồng công giáo Thăng Long và Nghệ An. Ông kiệt sức vì công việc. Toàn bộ công trình ngôn ngữ vậy phải làm trước năm 1658. Rất có thể Tissianier đã mang đến một bản từ điển của Rhodes vừa mới in, nên nếu Borgès tiếp tục công việc về ngôn ngữ cũng là thừa”. Về vấn đề ai là tác giả của cuốn Nhập môn tiếng Đàng Ngoài, có lẽ Roland Jacques chính xác hơn Hồng Nhuệ. 

Cuốn tiểu luận của Pina về chính tả và các thanh điệu tiếng Việt, theo như Roland Jacques, được mang tên Manuductio ad Linguam Tunkinensem (Nhập môn tiếng Đàng Ngoài). Đây là một tiểu luận bằng La ngữ và Quốc ngữ dài 22 trang chép tay, có bố cục rõ ràng, gồm ba chương: Về các thanh điệu; Về các con chữ và bảng chữ cái; và Về các danh từ. Tài liệu được bổ sung thêm các phần Đối thoại, Quán ngữ, Lăng mạ… Cũng theo Roland Jacques, thì đây rõ là một tác phẩm đang viết dở dang: “Toàn bộ gây cho ta ấn tượng mạnh là công việc còn bỏ dở. Dường như tác giả lúc đầu muốn soạn một tác phẩm đầy đủ, nhưng cuối cùng do thiếu thời gian phải thu hẹp việc triển khai và kết thúc bằng cách ghi lung tung trên giấy các nhận xét khác nhau”. Trong tác phẩm này, phương pháp ký âm tiếng Việt của Pina còn siêu hơn cả cách phiên âm của các giáo sĩ Gaspar de Amaral, António Barbosa và Alexandre de Rhodes về sau, bởi nó rất giống với chữ Quốc ngữ bây giờ một cách đáng ngạc nhiên và đáng khâm phục (nếu so với cuốn Từ điển Việt - Bồ - La mà Alexandre de Rhodes cho xuất bản vào năm 1651 thì phương pháp ký âm của Pina có phần tân tiến hơn): 

Kẻ có tài thì haọc → Kẻ có tài thì học. 

Thàng nào lành thì dĕạy → Thằng nào lành thì dạy. 

Đi đàng kia làm chi → Đi đằng kia làm chi. 

Cha lo viẹc bay giờ → Cha lo việc bây giờ. 

Hôm qua tôi mạc chép thư nói chảng được → Hôm qua tôi mắc chép thư nói chẳng được. 

Francisco de Pina không may qua đời trong một tai nạn lật thuyền. Vào cuối năm 1625, có lẽ vì lý do nào đó, mà tàu buôn Bồ Đào Nha ở Ma Cao không đến Hội An như mọi năm, chỉ có tàu buôn từ Cao Miên trở về, bỏ neo ở ngoài khơi Cửa Đại và nhắn cho các giáo sĩ ở Hội An biết tin để ra tàu nhận hàng tiếp tế của tòa Giám mục Ma Cao. Pina được cử ra tàu để nhận hàng và đi trên một chiếc thuyền nhỏ, khi quay vào bờ, chẳng may bị một cơn gió mạnh làm lật úp thuyền, Pina vì vướng trong chiếc áo chùng dài nên bị chết đuối giữa biển, đó là ngày 16.12.1625. Có thể di hài Pina được an táng tại trú sở Thanh Chiêm, nay nhà thờ Phước Kiều. Sau đó, Vương quốc Bồ Đào Nha đã tiến hành lễ quốc tang cho ông. Roland Jacques cho rằng sau khi Pina mất đi, thì giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã mang công trình của thầy mình ra Đàng Ngoài vào năm 1627, rồi trao cho giáo sĩ Gaspar de Amaral. Về sau, tài liệu này rơi vào tay Onofre Borgès. Có lẽ, tiểu luận này được Borgès hiệu chỉnh đôi chút và đặt tên cho nó là Manuductio ad Linguam Tunkinensem (Nhập môn tiếng Đàng Ngoài). 

Sau Pina, các giáo sĩ Gaspar de Amaral, António de Barbosa, Girolarmo Majorica và Alexandre de Rhodes tiếp tục công việc nghiên cứu và hoàn thiện chữ Quốc ngữ. Năm 1627, giáo sĩ Alexandre de Rhodes chuyển ra một trú sở truyền giáo tại Cửa Bạng (nay là Lạch Bạng, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) và mang theo tất cả công trình dở dang của Pina rồi trao lại cho Gaspar de Amaral và António de Barbosa. Nhờ thế, Gaspar de Amaral đã hoàn thiện cuốn Từ điển Bồ - Việt và António de Barbosa soạn xong cuốn Từ điển Bồ - Việt vào khoảng năm 1635 - 1640. 

Giáo sĩ Gaspar de Amaral sinh năm 1592 tại Bồ Đào Nha, gia nhập Dòng Tên năm 1608. Ông đã làm giáo sư La văn, triết học, thần học tại các chủng viện ở Bồ Đào Nha. Năm 1923, ông rời Bồ Đào Nha đi Áo Môn hoạt động truyền giáo và đến Đàng Ngoài vào tháng 10 năm 1629. Sau 7 năm ở Đàng Ngoài, tức vào năm 1638, ông được gọi về Áo Môn giữ chức Viện trưởng Học viện Madre de Pina Deus. Ba năm sau, ông được cử làm phó Giám tỉnh Dòng Tên Nhật Bản (gồm các nước: Nhật, Xiêm, Việt Nam, Miên, Lào, đất Áo Môn và hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây). Năm 1645, ông lại đáp tàu từ Áo Môn đi Đàng Ngoài truyền giáo, nhưng tàu bị đắm ở gần đảo Hải Nam, ông chết đuối ngày 23.12.1645. 

Trong thời gian ở Đàng Ngoài, hai tài liệu viết tay quý giá có liên quan đến chữ Quốc ngữ mà Gaspar de Amaral để lại là bức thư bằng Bồ ngữ viết tại Kẻ Chợ (Thăng Long) đề ngày 31.12.1632, nhan đề Annua do reino de Annam do anno de 1632, pera o Pe André Palmeiro da Compa de Jesu, Visitador das Provincias de Japan e China (Báo cáo thường niên về nước Annam năm 1632, gởi cha Dòng Tên André Palmeiro, giám sát các tỉnh ở Nhật và Trung Hoa), tài liệu này hiện lưu trữ tại Thư khố Dòng Tên ở La Mã. Và tài liệu thứ hai là bức thư cũng bằng Bồ ngữ viết tại Kẻ Chợ (Thăng Long) đề ngày 25.3.1637, với nhan đề Relaçam dos catequistas da Christamđae de Tunkine seu modo proceder pera o Pe Manoel Dias, Vissitador de Jappão de China (Tường trình về các thầy giảng của Giáo đoàn Đàng Ngoài về các hoạt động của họ, gửi cho cha Manoel Dias, giám sát Nhật Bản và Trung Hoa), tài liệu này hiện giữ tại Thư khố Viện Hàn lâm Lịch sử Hoàng gia Madrid. Trong cả hai tài liệu, mà rõ nhất là tài liệu thứ hai, Amaral đã soạn cuốn Từ điển Việt - Bồ: Diccionário amanita- português. 

Giáo sĩ António Barbosa, sinh năm 1954 tại Bồ Đào Nha, gia nhập Dòng Tên năm 1624. Cuối tháng 4.1636, ông đến truyền giáo ở Đàng Ngoài, nhưng vì thiếu sức khỏe, nên phải trở về Áo Môn vào tháng 5.1642, rồi qua đời năm 1647 trên đường từ Áo Môn về Goa để dưỡng bệnh. Ông là tác giả cuốn Từ điển Bồ - Việt: Diccionário português - amanita. Về sau cả hai cuốn Từ điển Việt - Bồ và Bồ - Việt đầu tiên của hai giáo sĩ Amaral và Barbosa đều rơi vào tay Alexandre de Rhodes. Cũng vào khoảng thời gian đó, tại trú sở Nước Mặn (Quy Nhơn) và Cửa Bạng (huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa), giáo sĩ Girolarmo Majorica cũng cho ra đời khoảng 48 văn liệu Thiên Chúa giáo (sách dạy giáo lý) bằng chữ Nôm và chữ Quốc ngữ, như: Thiên Chúa thánh giáo hối tội kinh, Thiên Chúa thánh mẫu, Thiên Chúa thánh giáo khai mông, Kinh những mùa lễ Phục sinh… Linh mục Girolarmo Majorica sinh tại Napoli, Italia vào Dòng Tên năm 1605, sang Ấn Độ năm 1619, và từ đó ông sang Ma Cao, rồi đến Thanh Chiêm năm 1624 cùng với giáo sĩ Alexandre de Rhodes và vài giáo sĩ khác. Nhưng Girolarmo Majorica chỉ ở Thanh Chiêm một thời gian ngắn rồi chuyển vào Quy Nhơn. Trong 5 năm ở Nước Mặn, ông học được tiếng bản xứ. Năm 1629, ông bị trục xuất ra khỏi Đàng Trong và đến truyền giáo tại Đàng Ngoài (trú sở Cửa Bạng) năm 1631. Ông mất năm 1656. Trong tác phẩm Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học trước 1650, Roland Jacques có kể đến vai trò của các giáo sĩ người Ý khi viết: “Người Ý duy nhất có đóng góp đáng kể vào chữ Quốc ngữ là Girolarmo Majorica, đến Cochinchine (Đàng Trong) vào năm 1624, cùng với chuyến tàu với Alexandre de Rhores. Nhưng trong khi Rhodes là một tên tuổi trong lĩnh vực từ vựng và ngữ âm thì Girolarmo Majorica hoàn toàn dồn sức vào việc sáng tạo văn học Công giáo bằng chữ Nôm”. Chúng ta biết rằng, trước khi có chữ Quốc ngữ, thì chữ Nôm là hệ thống phiên âm duy nhất của Việt ngữ, được biết với cái tên Quốc âm hay tiếng nói của Quốc gia. Mà chữ Nôm thì dựa trên căn bản chữ Nho (Hán tự), và học chữ Nôm còn khó hơn cả học chữ Nho. Việc Girolarmo Majorica có thể sáng tạo văn học Công giáo bằng chữ Nôm rõ ràng cho thấy vị giáo sĩ này thông thạo tiếng Việt, vừa biết chữ Nho lẫn chữ Nôm, do đó đóng góp của ông vào việc sáng tạo chữ Quốc ngữ là to lớn chứ không phải là đáng kể như Jacques đã mô tả. Bởi chữ Quốc âm khó đến như thế mà ông còn có thể viết được thì hẳn phải biết cách dùng các mẫu tự Latinh để phiên âm tiếng Việt. Có một giáo sĩ người Ý nữa mà Roland Jacques cho là chỉ có vai trò thứ yếu trong việc sáng tạo chữ Quốc ngữ là Cristoforo Borri. Roland Jacques viết: “Cristoforo, thường hay được các tác giả hiện đại nhắc tới thì thời gian ở Việt Nam quá ngắn (1618 - 1621) để có thể gán cho ông một vai trò quan trọng và ông quan tâm đến những vấn đề khác khá xa với ngôn ngữ học”. Phải chăng giáo sĩ Borri không quan tâm đến ngôn ngữ học? Hãy xem Borri viết: “Tiếng Đàng Trong, theo tôi, là một tiếng dễ hơn các tiếng bởi vì không có chia động từ, không có biến cách các danh từ nhưng chỉ có một tiếng hay lời nói rồi thêm vào một phó từ hay đại từ để biết về thời quá khứ, hiện tại hay tương lai, về số ít hay số nhiều. Tóm lại, là thay thế cho tất cả những biến cách và tất cả những thì, tất cả những ngôi cũng như những sự khác liên quan tới số và biến cách. Thí dụ động từ avoir trong ngôn ngữ Đàng Trong có nghĩa là có, từ này không thay đổi gì. Người ta thêm một đại từ vào là người ta có thể thay đổi cách sử dụng và như thế chúng tôi chia động từ này như sau: tôi có, anh có, nó có. Họ chỉ cần một đại từ mà không trực tiếp thay đổi động từ. Cũng vậy, để chỉ các thì khác nhau thì họ nói, về thì hiện tại: tôi bây giờ có, về thì quá khứ: tôi đã có; về thì vị lai: tôi hoặc sau hoặc sẽ có. Ở cả hai thí dụ trên, từ có không bao giờ thay đổi. Do đó người ta dễ thấy là ngôn ngữ này rất dễ học, và thực ra trong sáu tháng chuyên cần, tôi đã học được đủ để có thể nói chuyện với họ và giải tội được nữa, tuy chưa được tinh thông lắm, vì thực ra muốn cho thật thành thạo thì phải học bốn năm trọn”. Hơn nữa, Borri đến xứ Đàng Trong gần như cùng lúc với Pina và họ đều hoạt động trong phạm vi Thanh Chiêm, Hội An, Cửa Hàn và Nước Mặn, nên chắc chắn là có mối liên hệ mật thiết, điều này đồng nghĩa với việc Borri biết công trình nghiên cứu tiếng Việt mà Pina đang đuổi theo, nên có thể Borri đã hỗ trợ Pina một tay. Để chứng minh điều này, ta có thể xem các chữ “Ciam, gno, scin” mà Borri dùng để phiên âm các từ “Chiêm, nhỏ, xin” cho thấy có dấu vết của các phụ âm ci-, gn-, sc- trong tiếng Ý. Về sau các phụ âm ci-, gn-, sc- đều được ghi theo gốc Bồ Đào Nha ngữ, ci- = ch-, gn- = nh-, sc- = x-. Như vậy, đã xuất hiện sự cạnh tranh giữa hai cách phiên âm, hoặc theo Ý ngữ hoặc theo Bồ ngữ, sau cùng trường phái Bồ ngữ đã thắng. Nhưng hai tự vị và hai phụ âm trong chữ Quốc ngữ hiện đại như ghe, ghi và gh-, gi- vẫn còn giữ nguồn gốc từ tiếng Ý. Ai trong các giáo sĩ người Ý, Borri hay Majorica, đã đưa những tự vị và phụ âm này vào chữ Quốc ngữ, đến nay vẫn chưa xác định được, nhưng điều đó cũng đủ để khẳng định vai trò của các giáo sĩ người Ý, chí ít là Borri và Majorica, vào quá trình hình thành chữ Quốc ngữ là tương đối lớn. 

Đến đây, ta có thể điểm lại những cái nôi đã khai sinh ra chữ Quốc ngữ là Thanh Chiêm, Hội An, Nước Mặn (Quy Nhơn) và Cửa Bạng (Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Trong bốn địa điểm này, rõ ràng Thanh Chiêm là cái nôi quan trọng nhất, bởi tiếng nói nơi đây là đối tượng nghiên cứu của hai vị đại diện xuất sắc nhất: Pina, người đầu tiên sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, và Alexandre de Rhodes, người mà sau này đã từng được cả Tây lẫn Ta tôn vinh như là ông tổ của chữ Quốc ngữ. 

Vào cái buổi bình minh của chữ Quốc ngữ, hay tạm gọi là thời kỳ chữ Quốc ngữ tiền Alexandre de Rhodes, sáu tên tuổi có công đặt nền móng cho công trình La ngữ âm hóa tiếng Việt đáng ghi nhớ là: Francisco de Pina, Cristoforo Borri, Gaspar de Amaral, António Barbosa, Girolarmo Majorica và Onofre Borgès, mà trong số đó người đầu tiên đáng được ghi nhớ nhất, và tất nhiên, Francisco de Pina đáng phải được tôn vinh như là người khai sinh ra chữ Quốc ngữ. 

2. Xét lại công lao của Alexandre de Rhodes 

Vào năm 1912, nhà Việt Nam học và Huế học khả kính, giáo sĩ người Pháp Léopold Michel Cadière đã khẳng định một cách không đúng trước đông đảo học giả Tây và Ta trong một cuộc hội thảo về văn hóa Việt Nam tại Paris rằng: “Công lao phát minh ra chữ Quốc ngữ chính là công lao của người Pháp, của Giám mục de Rhodes”. Có lẽ, luận điểm của một học giả có uy tín như linh mục Cadière đã được nhiều thế hệ học giả, nhà nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam mặc nhiên chấp nhận. 

Năm 1950, về quá trình phát triển chữ Quốc ngữ, sách Việt Nam Văn học Sử yếu của Dương Quảng Hàm có đoạn: “Các giáo sĩ người Âu khi đến nước ta truyền giáo vào thế kỷ thứ XVII, thấy ở xứ ta chỉ có chữ Nôm là thứ chữ dùng để viết tiếng Nam nhưng chưa có chuẩn đích và học lại mất rất nhiều công phu, nên mới mượn các mẫu tự La Mã đặt ra chữ Quốc ngữ để tiện việc dịch sách, soạn sách cho con chiên xem. Việc sáng tác chữ Quốc ngữ chắc là một công cuộc chung của nhiều người, trong đó có các giáo sĩ người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp Lan Tây. Nhưng có công nhất trong việc ấy là cố Alexandre de Rhodes, vì chính ông là người đầu tiên đem in những sách bằng chữ Quốc ngữ”. 

Tiến sĩ chuyên ngành dân tộc học, GS. Lê Văn Hảo đã từng cho rằng: “Alexandre de Rhodes tỏ ra là nhà ngôn ngữ học xuất sắc. Chính ông là người đầu tiên đã học hỏi nghiên cứu các cung giọng trong tiếng Việt để hoàn thiện sự phiên âm tiếng Việt bằng chữ cái Latinh” (năm 1985). Sau đó, nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan cũng có nhận định như thế: “Cố Alexandre de Rhodes là người thông thạo tiếng Việt Nam nhất, đã có công đầu trong việc nghiên cứu” (năm 1989). 

Cho đến đầu những năm 90 của thế kỷ XX, luận điểm của cha Cadière về công lao độc tôn của giáo sĩ Alexandre de Rhodes vẫn được tiếp tục phát huy, GS. Nguyễn Văn Hoàn đã viết: “Trong lĩnh vực học tiếng Việt và đặt chữ Quốc ngữ, Alexandre de Rhodes có một vai trò đặc biệt mà không ai có thể tranh chấp được” (năm 1991). Minh Hiền viết: “Hai trăm năm kể từ khi được sáng tạo, chữ Quốc ngữ trở thành chữ viết của nhân dân Việt Nam và là phương tiện truyền tải hữu hiệu của việc hiện đại hóa trong lòng xã hội Việt Nam. Cống hiến của Alexandre de Rhodes cho xã hội Việt Nam thật là vô cùng to lớn” (năm 1994). Gần đây nhất, năm 1994, Hoàng Tiến, chủ biên một Đề tài khoa học cấp Nhà nước, ký hiệu KX 06-17 mang tên Chữ Quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ XX đã viết: “Những giáo sĩ sang Việt Nam như các cha cố Gaspar do Amaral và António de Barbosa đều là người Bồ Đào Nha, sau một thời gian, đã làm được tự vị Bồ Đào Nha - An Nam và tự vị An Nam - Bồ Đào Nha. Và nhất là cha cố người Pháp Alexandre de Rhodes là một nhà bác học rất giỏi về khoa ngôn ngữ đã tới Việt Nam, học tiếng Việt và giảng đạo bằng tiếng Việt… Tất nhiên, việc khai sinh ra chữ Quốc ngữ này có công sức đóng góp của nhiều người ông là đại diện và giữ công đầu”. Vẫn kế thừa quan điểm của Cadière, khi cho rằng giáo sĩ Alexandre de Rhodes là đại diện và giữ công đầu, nhưng may mắn quá và cũng thật quý hóa quá, Hoàng Tiến đã có kể đến công lao của hai giáo sĩ Gaspar de Amaral và António de Barbosa. Tuy thế, trong đề tài khoa học cấp Nhà nước to tát này lại quên béng việc kể công người đầu tiên đặt nền móng cho công trình Latinh hóa tiếng Việt và cũng là ông thầy dạy tiếng Việt cho Alexandre de Rhodes, giáo sĩ Francisco de Pina. Những phát hiện mới về quá trình hình thành chữ Quốc ngữ trong Đề tài khoa học cấp Nhà nước này hầu như vắng bóng, thậm chí chất thông tin mà đề tài của Hoàng Tiến cung cấp còn lạc hậu hơn những gì mà tác giả Đỗ Quang Chính đã viết trong tác phẩm Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 - 1659 trước đó hơn 20 năm. 

Thật ra, từ những thập niên 20 của thế kỷ XX, không ít nhà nghiên cứu đã không đồng tình với luận điểm của linh mục Léopold Cadière. Trong bài báo Khảo về chữ Quốc ngữ đăng trên tạp chí Nam Phong số 122, năm 1927, học giả Phạm Quỳnh đã cho rằng: “Chữ Quốc ngữ là do các cố Tây sang giảng đạo bên Việt Nam đặt ra vào đầu thế kỷ XVII; các cố đó, người Bồ Đào Nha có, người Ý Đại Lợi có, người Pháp Lan Tây có, chắc cùng nhau nghĩ đặt, châm chước, sửa sang trong lâu năm, chứ không phải một người nào làm ra một mình vậy”. 

Đến năm 1955, cái nhìn của học giả người Pháp Georges Taboulet khi viết cuốn sách Công trạng của Pháp ở Đông Dương có phần không giống với luận điểm của Cadière: “Việc phiên âm tiếng Việt bằng chữ Latinh, điểm thêm các dấu quy ước, là một công lao tập thể mà sự đóng góp chủ yếu là linh mục De Pina, Borri, Gaspar do Amaral, António de Barbosa, nhưng linh mục De Rhodes thì có công hệ thống hóa, chỉnh lý và phổ biến văn tự này”. Như vậy, so với những gì Hoàng Tiến viết vào năm 1994, thì trước đó 40 năm Georges Taboulet đã có kể thêm de Pina và Borri. 

Năm 1972, linh mục Dòng Tên Joseph Đỗ Quang Chính cho ra đời công trình nghiên cứu có giá trị nhất về chữ Quốc Ngữ từ đó cho đến nay, đó là tác phẩm Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 - 1659. Trong cuốn sách này, Đỗ Quang Chính tỏ ra hoài nghi luận điểm của Cadière khi khẳng định trình độ tiếng Việt của Gaspar de Amaral còn giỏi hơn cả Alexandre de Rhodes. Chưa hết, theo như bài viết Trình độ chữ Quốc ngữ của linh mục Alexandre de Rhodes từ năm 1625 đến 1644, Đỗ Quang Chính có ý xét lại vai trò của Alexandre de Rhodes: “Linh mục Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) là người đã góp nhiều công lao trong việc xuất bản hai cuốn sách chữ Quốc ngữ mới đầu tiên, điều đó các nhà trí thức Việt Nam ai ai cũng biết; ngay các học sinh trung học cũng được hiểu qua sự kiện này. Dựa vào hai cuốn sách trên đây, nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam cũng như ngoại quốc, đã đề cao công trình sáng lập chữ Quốc ngữ mới của linh mục Đắc Lộ. Tuy những nhà nghiên cứu đó biết rằng, linh mục Đắc Lộ chỉ là một trong những người sáng lập ra thứ chữ này, nhưng xem ra phần đông lại đề cao quá mức sự nghiệp của ông”. Để hiểu rõ hơn câu nhận xét của linh mục Đỗ Quang Chính về công lao của Alexandre de Rhores trong đoạn trích trên, thiết tưởng cần phải điểm lại thân thế, tiểu sử và sự nghiệp của ông tổ chữ Quốc ngữ một cách nghiêm túc ngõ hầu rút ra một đánh giá thật sự khách quan về công lao của ông tổ này. 

Linh mục Alexandre de Rhodes thường được người Việt Nam gọi là Đờ-rốt hay Đắc Lộ, sinh vào ngày 15.3.1593 tại Avignon, Pháp. Theo Đỗ Quang Chính thì Alexandre de Rhodes sinh ra trong một gia đình gốc Do Thái và có quốc tịch tòa thánh La Mã. Nhưng Roland Jacques qua nghiên cứu cây phả hệ của dòng họ de Rhodes thì quyết rằng gia đình Alexandre de Rhodes không có gốc Do Thái, bởi cụ tổ ba đời của Alexandre de Rhodes theo dòng phụ hệ, Jean Chimenes de Ruedes, di cư từ Aragon tới, cụ không phải là người Do Thái, hơn nữa gia huy của dòng họ de Ruedes có hình bánh xe đã chứng tỏ họ tộc Ruedes/ Rhodes không dính dáng gì đến nguồn gốc Do Thái. Về điểm này, có lẽ Roland Jacques đúng hơn Đỗ Quang Chính. Sau khi Alexandre de Rhodes học xong bậc tiểu học rồi trung học tại quê nhà, năm 1612, vì muốn đi Đông Á truyền giáo nên ông gia nhập Dòng Tên ở La Mã để đi Lisbonne ngõ hầu đáp tàu đi Đông Á. Vì gặp nhiều cách trở, nên mãi tới ngày 29.5.1623, linh mục Alexandre de Rhodes mới đến được Áo Môn. Ý định của ông sẽ là từ Áo Môn đi Nhật truyền giáo, song không đạt được ý nguyện vì tướng quân Mạc phủ (Shogun) ở Nhật lúc bấy giờ đang cấm đạo Công giáo. Do đó, Đức Cha bề trên ở Áo Môn cử ông đi truyền giáo tại Việt Nam. 

Giáo sĩ Alexandre de Rhodes tới dinh trấn Thanh Chiêm ở xứ Đàng Trong lần thứ nhất vào cuối năm 1624, tại trú sở Thanh Chiêm, Alexandre de Rhodes bắt đầu học tiếng Việt với cha bề trên Francisco de Pina. Khi Pina qua đời vào cuối năm 1625, Alexandre de Rhodes thay Pina quản nhiệm trú sở truyền giáo Thanh Chiêm và đến đầu năm 1627, ông đi Đàng Ngoài. Đến tháng 5.1630, Alexandre de Rhodes bị chúa Trịnh Tráng trục xuất khỏi Đàng Ngoài. Ông đành trở về Ma Cao và làm giáo sư thần học tại học viện Madre De Deus (Mẹ Thiên Chúa) cho đến năm 1640. Trong thời gian này, ông biên soạn một quyển sách về xứ Bắc Hà và công trình truyền giáo ở đó (Tunchinensis Historiae libri duo). 

Từ năm 1640 đến 1645, Alexandre de Rhodes trở lại truyền giáo ở xứ Đàng Trong. Cho đến cuối năm 1645, ông bị chính quyền tại dinh Quảng Nam trục xuất vĩnh viễn khỏi Việt Nam. Cuối năm 1645, Alexandre de Rhodes bắt đầu cuộc hành trình trở về Âu châu, nhưng mãi đến năm 1649 mới về tới La Mã. Sau đó, ông được phái đi truyền giáo ở xứ Perse (Ba Tư - Cộng hòa Hồi giáo Iran bây giờ). Mặc dù đã 65 tuổi, nhưng ông vẫn theo học ngôn ngữ địa phương (thật đáng khâm phục!). Ông từ trần tại thành Isfahan, Iran ngày 5.11.1660. 

Linh mục Thanh Lãng cho biết giáo sĩ Đắc Lộ có thể nói được trôi chảy các thứ tiếng: Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ấn, Hy Lạp, Do Thái, Trung Hoa, Nhật và Việt Nam. Ngoài hai cuốn sách bằng chữ Quốc ngữ, xuất bản tại Rôma năm 1651, là cuốn Phép giảng tám ngày (Cathechismus) và cuốn tự điển bằng 3 thứ tiếng Việt - Bồ - La (Diccionário amanita - Português - Latina) mà người Việt Nam đã được biết đến (hai cuốn sách này lần đầu tiên được in tại nhà in của Thánh bộ Truyền giáo La Mã), giáo sĩ Alexandre de Rhodes còn là tác giả của các tác phẩm hết sức có giá trị, đã được xuất bản tại châu Âu như: 

- Relazione dé felici successi della fede predicate de Patri della Compagnia de Giesu del regno di Tunchino (Roma, 1650), (Hành trình và truyền giáo ở xứ Đàng Ngoài). 

- Tonchinensis Historiae libri due quorum altero status temporalis hujus Regni. Altero Mirabilis Evangelicae praedicationis progessus referuntur coeptae per Patres Societatis Jesu ab anno 1627 ad annum 1646. (Lugduni, 1652), (Lịch sử xứ Đàng Ngoài). 

- Histoire de la vie, et de la mort glorieuse de cinq Pères de la Compagnie de Jésus, qui ont suffer dans le Japon avec trois séculiers, en l’année 1643 (Paris, 1653), (Lịch sử 5 vị linh mục tử đạo tại Nhật). 

- La glorieuse mort d’André catechiste de la Cochinchine (Paris, 1653), (Cái chết vinh quang của thầy giảng Anrê của xứ Đàng Trong). 

- Relation de la Mission des Pères de la Compagnie de Jésus, établie dans le royaume de Perse (Paris, 1659), (Tường trình việc truyền giáo ở vương quốc Ba Tư). 

Điểm qua sự nghiệp truyền đạo của Alexandre de Rhodes, ta thấy có một khoảng thời gian dài 10 năm (từ năm 1630 đến năm 1640), ông đã không hề có mặt tại Việt Nam. Sở dĩ, Alexandre de Rhodes lưu lại Ma Cao một thời gian dài như thế, vì có sự bất đồng ý kiến giữa ông và các giáo sĩ khác về nhiều vấn đề liên quan đến Việt Nam, đó là cách thức tổ chức các thầy giảng, và những quan niệm về văn hóa, phong tục và nhất là ngôn ngữ Việt Nam. Trong thời gian này, ông biên soạn một quyển sách về lịch sử xứ Đàng Ngoài và công tác truyền giáo ở đó (Tunchinensis Historiae). 

Để giải quyết những bất đồng liên quan đến hệ thống thuật ngữ Kitô giáo bằng Việt ngữ, một hội nghị gồm 35 giáo sĩ, do quyền Giám sát Dòng Tên hai vùng Trung - Nhật triệu tập vào năm 1645 tại Ma Cao nhằm định chuẩn Mô thức rửa tội bằng tiếng An Nam. Căn cứ vào biên bản hội nghị do Đỗ Quang Chính sưu tầm, Mô thức rửa tội đã được chấp thuận bởi 31 giáo sĩ Dòng Tên (mà trong đó có hai chuyên gia Việt ngữ học kỳ cựu Gaspar de Amaral và António de Barbosa), hai vị giáo sĩ Asianius Ruidas và Carolus de Rocha bỏ phiếu trắng, riêng linh mục Alexandre de Rhodes và một vị giáo sĩ Dòng Tên người Sicilia (Ý) còn trẻ tên là Metellus Saccanus phản đối. Bởi đa thắng thiểu nên Mô thức rửa tội được hội nghị thông qua, điều đáng tiếc là biên bản hội nghị không cho biết lý do chấp thuận cũng như chống đối. 

Nhưng mâu thuẫn đó kỳ dư vẫn chưa được giải quyết triệt để, theo đề nghị của Alexandre de Rhodes, vấn đề Mô thức rửa tội được mang về La Mã và được đưa ra nghiên cứu lại trong những thập niên năm 1650 tại bộ Truyền bá Đức tin, và sau đó tại bộ Thánh vụ. Trong khi vấn đề Mô thức rửa tội đang được bàn luận thì giáo sĩ Dòng Tên, người Ý Giovani Filippo Marini gửi một bức thư “tố cáo” năng lực Việt ngữ của Alexandre de Rhodes lên các bề trên của mình ở La Mã. Theo Roland Jacques thì: “Với giọng văn có vẻ tranh cãi, trong thư tác giả nêu lên khả năng đáng nghi ngờ của Rhodes về ngữ học Việt Nam. Tu sĩ này đánh giá thấp Rhodes vì Rhodes nói theo tiếng Đàng Trong, “đánh giá thô kệch” so với tiếng chuẩn của kinh đô; cũng với tiếng nói phương Nam ấy mà lỗi chính tả trong cuốn Từ điển dường như thấy xuất hiện trong một vài trường hợp”. Nhưng sau cùng Alexandre de Rhodes vẫn thắng, bởi Hội Truyền giáo Hải ngoại Pháp (MEP, Missions Étrangères de Paris) do Alexandre de Rhodes thành lập đang chiếm ưu thế trước Giáo đoàn Kitô đang hoạt động tại Đông Á và Đông Nam Á. 

Trong Lời nói đầu của cuốn tự điển bằng 3 thứ tiếng Việt - Bồ - La hoàn toàn thuần túy Việt Nam (Diccionário amanita - Português - Latina), giáo sĩ Alexandre de Rhodes thừa nhận đã dùng hai cuốn tự điển của linh mục Gaspar de Amaral và António de Barbosa để soạn tác phẩm của mình: “Ngoài ra, tôi còn lợi dụng công việc của các giáo sĩ khác cũng thuộc Dòng Tên, nhất là Gaspar do Amaral và António de Barbosa. Cả hai ông này đều làm mỗi ông một cuốn từ vựng, ông Gaspar do Amaral làm cuốn Việt - Bồ, ông António de Barbosa làm cuốn Bồ - Việt, nhưng tiếc rằng cả hai ông đều chết sớm. Tôi lợi dụng công việc của hai ông viết ra cuốn từ vựng mới, có chưa thêm tiếng Latinh”. Ngoài ra, giáo sĩ Alexandre de Rhodes cũng tỏ ra biết ơn thầy Pina: “Tôi đã từng học với Francisco de Pina, một người Bồ Đào Nha thuộc Dòng Tên hèn mọn của chúng tôi. Ông là người rất giỏi tiếng bản xứ và là người đầu tiên dám tự giảng bằng tiếng bản xứ”. 

Đọc lại những lời của giáo sĩ Alexandre de Rhodes, ta có thể thấy ông chưa bao giờ tự nhận mình là người đầu tiên sáng tạo ra chữ Quốc ngữ như những gì mà linh mục Léopold Cadière về sau xưng tụng. Tuy không phải là người đầu tiên sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, nhưng Alexandre de Rhodes lại là người có công trong việc biên tập, chỉnh lý, tu sửa một thứ chữ đang thời kỳ phôi thai. Công việc biên tập ấy không hề đơn giản chút nào, mà thực sự là công trình khoa học sáng chói của Alexandre de Rhores. Có thể, Alexandre de Rhodes không giỏi chữ Quốc ngữ như các linh mục Pina, Amaral hay Barbosa, nhưng ông may mắn hơn các giáo sĩ khác là sách của ông đã được xuất bản và tồn tại cho đến ngày hôm nay. Do đó, công lao của Alexandre de Rhodes cũng đáng được tôn vinh, mặc dù ông không giữ địa vị công đầu. 

Câu nhận xét của linh mục Đỗ Quang Chính về công lao của Alexandre de Rhodes: “Linh mục Alexandre de Rhodes chỉ là một trong những người sáng lập ra thứ chữ này, nhưng xem ra phần đông lại đề cao quá mức sự nghiệp của ông” là hoàn toàn chính xác. Ngày nay, khi mà đệ tử Alexandre de Rhodes đã từng được ca tụng không tiếc lời, thiết tưởng cũng nên dành những lời tôn vinh đó cho sư phụ Francisco de Pina cho hợp với truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta. 

3. Dấu ấn “Nói Quảng” trong quá trình La ngữ âm hóa tiếng Việt 

Qua bức thư “tố cáo” của Giovani Filippo Marini, không nghi ngờ gì nữa, Alexandre de Rhodes nói tiếng Việt theo giọng Đàng Trong, tức là giọng Quảng Nam. Bởi, tiếng nói cư dân xứ Đàng Trong là Tiếng Quảng hay Nói Quảng như J.F.M Génibrel đã viết rõ trong sách Đại Việt Quốc âm Pháp thích tập thành: “Tiếng Quảng, le dialecte cochinchinois qui se parle à partir de Tourane jusqu’en Basse-Cochinchine inclusivement”, tạm dịch: Tiếng Quảng là thổ ngữ Đàng Trong kể từ Đà Nẵng cho đến Nam Kỳ hạ; “Nói Quảng, Parler le dialecte cochinchinois”, tạm dịch: Nói Quảng là nói thổ ngữ Đàng Trong. 

Những nhà thừa sai tiên phong đến xứ Đàng Trong để truyền đạo và học tiếng Việt, thổ ngữ Quảng Nam chính là âm sắc ban đầu mà các vị này dựa vào để ký âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latinh. Pina đã đến Hội An và Thanh Chiêm, Pina học tiếng Việt với một thầy phụ lễ nho sĩ trẻ tuổi tên là Phêrô. Khi Alexandre de Rhodes đến Thanh Chiêm, ngoài việc học tiếng Việt với Pina, còn học thêm ngôn ngữ này với một cậu bé giúp việc trẻ tuổi, có tên thánh là Raphael. Alexandre de Rhodes cho biết: “Người giúp tôi đắc lực là một cậu bé xứ này. Trong ba tuần lễ đã dạy tôi các dấu khác nhau và cách đọc hết các tiếng. Cậu không hiểu tiếng tôi mà tôi thì chưa biết tiếng cậu, thế nhưng, cậu có trí thông minh biết những điều tôi muốn nói. Và thực tế, cũng trong ba tuần lễ, cậu học các chữ của chúng ta, học viết và học giúp lễ nữa. Tôi sửng sốt thấy trí thông minh của cậu bé và trí nhớ chắc chắn của cậu. Từ đó, cậu đã làm thầy giảng giúp các cha. Cậu đã là một dụng cụ rất tốt để tôn thờ Chúa trong giáo đoàn và cả ở nước Lào, nơi cậu hoạt động trong nhiều năm với thành quả mỹ mãn, cậu rất mến thương tôi nên đã muốn lấy tên tôi”. Thật đáng tiếc, là bây giờ chúng ta chỉ biết tên hai người trẻ tuổi đã dạy tiếng Việt cho Pina và Alexandre de Rhodes qua cái tên rửa tội là Phêrô và Raphael, mà không biết tên Việt Nam của họ, bởi đây là một bằng chứng cho thấy đã có những người trí thức Việt Nam trẻ tuổi tham gia vào công cuộc sáng tạo chữ Quốc ngữ. Qua việc học ngôn ngữ bản địa với những thanh niên trẻ ở Thanh Chiêm, chắc chắn Pina và cả Alexandre de Rhodes đều nói tiếng Việt theo cách phát âm của cư dân Thanh Chiêm, nơi mà người ta nói tiếng Quảng một cách thuần khiết nhất. Lật lại cuốn Từ điển Việt - Bồ - La (Diccionário amanita - Português - Latina) của Alexandre de Rhodes, ta thấy trong phần nguyên âm có: 

- a, e, i, o, u, 

- ơ, ư 

- â, ê, ô 

Tuyệt nhiên, không có nguyên âm -ă như trong Việt ngữ hiện đại. Cái gì đã làm cho Alexandre de Rhodes không sử dụng nguyên âm này. Câu trả lời là người Thanh Chiêm không phát âm theo nguyên âm -ă, bởi thế Alexandre de Rhodes đã ký âm là “chảng có gì sốt” thay vì “chẳng có gì sốt”. Đó là vào thời Alexandre de Rhodes, vậy bây giờ người Thanh Chiêm có còn nói tiếng Quảng “đẹc sệt” như vậy không? Tôi tin lối nói đó vẫn không khác gì so với cách đây gần 400 năm. Do đó, nếu Alexandre de Rhodes muốn nói “ăn chắc mặc bền” thì ông ta sẽ phát âm là “en chéc mẹc bền” và sẽ ghi ký âm như sau: “an chác mạc bền”. 

Khi Cristoforo Borri đến Đàng Trong từ năm 1621, ông đã ký âm “Tui ciam biet” nghĩa là “Tui chẳng biết”. Không thể lẫn lộn vào đâu được nữa, bởi “Tui” (đại từ nhận xưng ngôi thứ nhất) rõ ràng là lối xưng hô của người xứ Quảng Nam. 

Trở lại cuộc hội nghị vào năm 1645 tại Ma Cao để định chuẩn mô thức rửa tội bằng tiếng An Nam, biên bản hội nghị viết bằng tiếng Bồ Đào Nha, mở đầu với nhan đề: Manoscitto, em que se proue, que a forma do Bauptismo pronunciada em lingoa Annamica he verdadeira (Đỗ Quang Chính dịch là Bản viết chứng minh mô thức Rửa tội phải đọc trong tiếng An Nam chính thực). 

Câu khẩu ngữ bằng tiếng An Nam dùng để đọc khi làm lễ rửa tội, mà thực sự là tiếng Quảng Nam, được hội nghị thông qua như sau: “Tau rữa mâi nhân danh Cha ùa Con, ùa spirito santo” Câu khẩu ngữ mô thức rửa tội trên đây, theo Đỗ Quang Chính, là tài liệu cổ vào bậc nhất về giai đoạn thứ hai trên lịch trình tiến hóa của chữ Quốc ngữ. Cũng theo Đỗ Quang Chính, câu khẩu ngữ trên được đọc là “Tao rửa mày nhân danh Cha và Con, và spirito santo”. 

Nghiên cứu câu khẩu ngữ bằng tiếng An Nam đã được hội nghị tại Ma Cao thông qua, ta thấy có bốn âm tiết mang khẩu âm Quảng Nam chính hiệu, đó là Tau, mâi, rữa và ùa. 

Âm tiết “Tau” (đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất), cũng giống như “Tui”, chắc chắn là một hình thái chủ âm của tiếng Quảng Nam, của người Kẻ Chiêm, nó hoàn toàn khác với cách phát âm của người Kẻ Chợ (Thăng Long) là “Tao”. Trong tiểu luận Những chặng đường của chữ Quốc ngữ, linh mục Thanh Lãng cho rằng Alexandre de Rhores chưa phân biệt vần -au với vần -ao. Có đúng như vậy không? Về điểm này, Thanh Lãng có thể không nghĩ rằng Alexandre de Rhodes đã bị tiếng Kẻ Chiêm ám ảnh, bởi nếu xét về phương diện âm ngữ học và ký âm học thì vần -au mới đích thị là lối nói chính thức của giọng Quảng Nam, hình thành khi mới giao thoa với giọng Champa. Những người Thanh Chiêm ngày nay vẫn phát âm “gạu” thay vì “gạo”, “cái au” thay vì “cái ao”, “con dau” thay vì “con dao”… 

Âm tiết “rữa” được ký âm với dấu ngã, Đỗ Quang Chính cho là “rửa” với dấu hỏi, thật ra các giáo sĩ dùng dấu ngã là chính xác bởi người Thanh Chiêm không phát âm đúng dấu hỏi và dấu ngã (hoàn toàn chỉ có dấu ngã). 

Âm tiết “mâi” trong “Tau rữa mâi”, Đỗ Quang Chính cho là “mày”, “mày” là đúng nhưng chưa chính xác, bởi “mâi” là ký âm chưa hoàn chỉnh của chữ “mi” theo giọng của người Kẻ Chiêm. Do đó, “Tau rữa mâi” phải được phát âm là “Tau rữa mi”. 

Cuối cùng, âm tiết “ùa”, theo Từ điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes, vần V, in là “ùa” với bán nguyên âm môi-môi U (âm xát môi-môi), khác với âm tiết V hiện đại là âm xát môi-răng. Như vậy, Đỗ Quang Chính cho “ùa” là “và” là đúng nhưng chưa chính xác, bởi ở Thanh Chiêm ngày nay, dân làng vẫn nói “đi uề” thay vì “đi về”, “ùa cơôm” thay vì “và cơm” và “con uịt (vịt) ”, “uén áu” (vắn áo)… Vậy đích thị âm tiết “ùa” phải được đọc là “ùa” thay vì “và”. Tóm lại, câu khẩu ngữ: “Tau rữa mâi nhân danh Cha ùa Con, ùa spirito santo” đã được ký âm theo giọng Quảng Nam như sau: “Tau rữa mi nhân danh Cha ùa Con, ùa spirito santo”. 

Gần bốn trăm năm trước đây, đã có người “tố cáo” tiếng Quảng Nam mà Alexandre de Rhores học được là “thô kệch”. Nhưng chẳng hiểu sao, vào thế kỷ XIX, vua Minh Mạng lại quyết định sử dụng thứ tiếng “thô kệch” này làm giọng nói chính thức tại triều đình Huế và còn khen tiếng Quảng rất dễ nghe. Các bản tấu chương, văn tế ở đây đều được đọc, xướng bởi các quan nói tốt tiếng Quảng Nam thay vì tiếng Huế, tiếng Nam Bộ và Bắc Bộ. Sách Đại Nam nhất thống chí, bản Tự Đức, quyển 5, mục Phong tục có đoạn chép: “Còn như tiếng nói thì bình dị, so với các tỉnh thì đây là thích trung (vừa phải); tuy Kinh sư cũng lấy tiếng Quảng làm chính”. 

Ngày nay, có lẽ vì mặc cảm tiếng nói của quê hương xứ sở là “thô kệch” quê mùa, nên có một số bạn trẻ ở Thanh Chiêm đi ra Hà Nội hay vào Sài Gòn lập nghiệp đều cố gắng nhái giọng xứ người. Nhưng khi lạc lõng ở nơi đất khách quê người, thì họ lại thèm nghe một giọng nói Quảng Nam biết bao: 

Chim sa vườn thị 

Thỏ lụy vườn trâm 

Nhớ thương tiếng nói mấy trăm năm vẫn còn. 

(Ca dao xưa) 

Nói thêm về danh xưng Thanh Chiêm, các giáo sĩ Tây phương đều ký âm địa danh này bằng từ Kẻ Chàm hay Kẻ Chiêm. Ta phân tích từ Kẻ Chàm, kẻ là một tiếng thông dụng để chỉ một vùng đất, ví dụ: Kẻ Chợ (Hà Nội), Kẻ Huế (Phú Xuân), Kẻ Hàn (Đà Nẵng), Kẻ Mọi (Trường Sơn)… và Chàm là tiếng được cư dân Việt mới gọi Champa xưa. 

Vào thế kỷ XIV - XV, vùng đất Chiêm Động là nơi giao thoa văn hóa giữa người Việt và người Champa, nên những âm tiết Champa còn rơi rớt lại trộn lẫn với giọng Thanh Hóa của người Việt mới đến mà hình thành nên tiếng Quảng Nam, một loại thổ ngữ pha trộn Thanh - Champa. Những chủ nhân của vùng đất mới phát âm từ Champa là Chăompa, về sau, cho gọn hơn, là Chăom và sau nữa thành Chàom. Chính vì thế, mà các giáo sĩ mới Bồ ngữ âm hóa âm tiết Chàom là Chão (Chàm). Trong các văn bản chính thức bằng chữ Hán, các sử quan, trước đó đã dùng từ Chiêm Bà Thành 占婆城 (về sau rút ngắn lại thành Chiêm Thành 占城) để chỉ Champapura, nên mặc nhiên âm tiết Chàom (Chàm) được viết bằng tự dạng Chiêm trong Hán tự. Do đó, vùng đất Kẻ Chàm được viết thành Kẻ Chiêm 仉占 trong các văn bản bằng Hán tự. Trong sách Ô châu cận lục, Dương Văn An chép làng Kẻ Chiêm là Nhân Chiêm 人占

Năm 1558 - 1570, sau khi chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm đất Thuận - Quảng, thì có rất nhiều lưu dân trấn Thanh Hóa, quê hương của các chúa Nguyễn đi theo chúa Tiên đến lập nghiệp ở làng Kẻ Chiêm. Do đó, dân làng quyết định đổi tên làng từ Kẻ Chiêm thành Thanh Chiêm 清占 (Thanh trong chữ Thanh Hóa 清化, Chiêm trong chữ Chiêm Động 占峒) với ý nghĩa đây là làng của những cư dân Thanh Hóa đến định cư trên đất Chiêm Động. Về sau, các sử quan có sáng kiến (hay tối kiến?) thêm một bộ thủy () vào bên trái của chữ Chiêm, để biến nó thành chữ Triêm . Trong các văn bản chính thức của Quốc sử quán triều Nguyễn, địa danh Thanh Chiêm luôn được viết dưới tự dạng (Thanh Triêm), nhưng vẫn đọc là Thanh Chiêm. Vậy cái tên gọi của vùng đất Thanh Chiêm ngày nay có nguồn gốc từ: Champa → Chăom → Chàom → Kẻ Chàm → Kẻ Chiêm (Nhân Chiêm) → Thanh Chiêm → Thanh Triêm (viết theo Hán tự). 

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

1. Roland Jacques (2002). Portuguese Pioneers of Vietnamese Linguistics Prior to 1650/ L’oeuvre de quelques pionniers Portugais dans le domaine de la linguistique vietnamienne jusqu’en 1650. Bangkok: Orchid Press. 

2. Đỗ Quang Chính (1972). Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 - 1659. Sài Gòn: Đuốc Sáng. 

3. Thanh Lãng (1961). “Những chặng đường của chữ Việt quốc ngữ”. Đại học. Số tháng 2 - Kỷ niệm giáo sĩ Alexandre de Rhodes. 

4. Georges Taboulet (1956). La geste française en Indochine: 1858 - 1912. Paris: AdrienMaisonneuve. 

5. Dương Quảng Hàm (1943). Việt Nam văn học sử yếu. Hà Nội: Nha học chính Đông Pháp. 

6. Hoàng Tiến. Chữ Quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ XX (Đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, ký hiệu KX 06-17). 

7. Hoàng Xuân Việt (2006). Tìm hiểu lịch sử chữ Quốc ngữ. Hà Nội: Văn hóa thông tin. 

8. L. Cadière (1904). “La Question du quôc-ngu/ Vấn đề quốc ngữ”. Revue indochinoise. N°1. Hanoi, Impr. d’Extrême-Orient. 

9. Alexandre de Rhodes (1991). Từ điển An Nam - Lusitan - La Tinh (Từ điển Việt - Bồ - La). Bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính. Hà Nội: Khoa học xã hội (đối chiếu nguyên bản Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum, Rome, 1651). 

10. Cristoforo Borri (1631). Relation de la nouvelle mission des Pères de la Compagnie de Jésus au royaume de la Cochinchine. Lille: Impr. de Pierre de Rache.

CHÚA NGUYỄN PHÚC NGUYÊN VỚI SỰ RA ĐỜI
CHỮ QUỐC NGỮ Ở DINH TRẤN THANH CHIÊM?

Nguyễn Thị Hải

Trong bài phát biểu tổng kết hội thảo Bình Định với chữ Quốc ngữ, GS. Phan Huy Lê có ví quá trình hình thành chữ Quốc ngữ như một dòng sông, để tạo nên con sông ấy cần phải có nhiều con suối, trong đó Quy Nhơn - Bình Định là một con suối, Thanh Chiêm, Hội An - Quảng Nam là một con suối, vai trò của nhà nước là một con suối,… Với tôi (NTH), tôi lại xem quá trình hình thành chữ Quốc ngữ như quá trình hình thành, phát triển của một con người, mà ở đó khi đã thành hình, khi đã có tâm hồn, thanh điệu và có sức phát triển của nó, thì chữ Quốc ngữ sẽ trở thành một “con người” bất tử. 

Nếu có thể ví sự hình thành chữ Quốc ngữ như là quá trình hình thành và phát triển của một con người thì Quy Nhơn - Bình Định hay Phú Yên được xem là giai đoạn phôi thai đầu tiên, trong khi đó dinh trấn Thanh Chiêm là quá trình hoàn thiện bào thai tạo thành một “hài nhi” hoàn chỉnh, là giai đoạn cuối của thai nhi cho đến khi chào đời. "Cuộc đời" của chữ Quốc ngữ sau này được "lớn lên" và phát triển là cả một quá trình dài tự hoàn thiện, điều chỉnh để có được một phiên bản hoàn chỉnh như ngày hôm nay. Trong suốt chiều dài của quá trình hình thành ấy, chữ Quốc ngữ đã nhận được công lao giáo dưỡng, dìu dắt, bao bọc và nâng đỡ từ các giáo sĩ, thương nhân, trí thức, cho đến những người dân Việt hết sức bình thường (Người Việt ở đây bao gồm cả người Chăm, người Khmer, người Kinh, người Bana, và các tộc người khác). Trong đó, vai trò bao bọc, định hướng của nhà nước được xem là yếu tố quan trọng quyết định đến sự hình thành và phát triển của chữ Quốc ngữ. Nhà nước đầu tiên có đóng góp vào quá trình ấy là chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong mà chúa Nguyễn Phúc Nguyên và Thế tử Nguyễn Phúc Kỳ là đại diện tiêu biểu của chính quyền đã làm rõ vai trò của mình đối với quá trình hình thành và ra đời chữ Quốc ngữ. Vai trò đó thể hiện ở những nội dung sau: 

Trước hết, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã xây dựng một cơ sở vững chắc ở dinh trấn Thanh Chiêm như là kinh đô thứ hai xứ Đàng Trong1 , với vai trò đảm bảo an ninh cho Hội An và toàn khu vực cũng như là trung tâm văn hóa - thương mại ở Đàng Trong. Thanh Chiêm còn là nơi tập duyệt của các Thế tử trước khi lên ngôi chúa. Đây là điều kiện thuận lợi cho các giáo sĩ xây dựng cơ sở và truyền giáo. 

Dinh trấn Thanh Chiêm được thành lập vào năm 1602 dưới thời chúa Nguyễn Hoàng. Sau khi chúa Tiên Nguyễn Hoàng kinh dinh vùng đất Quảng Nam đã nhận thấy đây là vùng đất tốt, dân đông, sản vật giàu có, số thuế nộp vào nhiều hơn Thuận Hóa. Chúa khen “Chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận Quảng”, liền vượt qua núi xem xét tình thế, dựng dinh trấn ở xã Cần Húc (huyện Duy Xuyên), xây kho tàng, chứa lương thực, sai hoàng tử thứ sáu trấn giữ. Chính sử cũng cho biết “mùa thu tháng 7 (1602), chúa Tiên Nguyễn Hoàng sai hoàng tử thứ sáu trấn giữ Quảng Nam”.2 Hoàng tử thứ sáu là chúa Nguyễn Phúc Nguyên, ông đã sống và làm việc tại dinh trấn Cần Húc từ 1602 đến 1613 và ở ngôi chúa từ 1613 đến 1635. Trong thời gian làm quan Trấn thủ Quảng Nam, Nguyễn Phúc Nguyên đã bộc lộ tài năng và ý thức xây dựng một chính quyền tự chủ đối lập với Đàng Ngoài. 

Thứ hai, chúa Nguyễn Phúc Nguyên luôn có những chính sách rộng mở và ưu ái đối với các thương nhân và các nhà truyền giáo ngoại quốc. Với vai trò là trấn thủ, và sau là chúa Phật, Nguyễn Phúc Nguyên đã hết sức khuyến khích các thương gia Nhật Bản, Trung Quốc đến Đàng Trong buôn bán. Nhiều bức thư gửi cho tướng quân Tokugawa Ieyasu do Nguyễn Phúc Nguyên viết đã cho thấy ông luôn muốn mở rộng quan hệ quốc tế, đẩy mạnh quan hệ giao thương với các nước ngoài kể cả các nước phương Tây. Nội dung chủ yếu của các bức thư là xây dựng mối quan hệ thương mại giữa hai bên, đồng thời bày tỏ nhiệt tình, sẵn sàng tiếp đãi các khách buôn ngoại quốc. Trong bức thư thứ 12 ngày 24 tháng 4 năm 1635 gửi cho thương gia Trà Ốc Tứ lang Thứ lang (Chaya Shiroujirou Kiyotsugu) và gửi cho Trung đảo thị tứ lang thứ lang (Nakajima-shiroujirou) ở Nhật Bản, chúa Phúc Nguyên đã viết “nay thấy các tàu thuyền của nước Nhật đến nước Nam, ta vui mừng khôn xiết. Có bức thư này và tín vật để tỏ lòng thành. Hằng năm xin cho thuyền đến buôn bán để thêm tốt việc giao hảo hai nước và tỏ lòng nhân trong bốn biển”. 3 Để tỏ rõ thiện chí và mong muốn thiết lập quan hệ thương mại bền vững với thương nhân Nhật Bản, năm 1619, chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả con gái của mình cho một thương nhân Nhật Bản là Araki Soutarou (Hoàng Mộc Tông Thái Lang), ban cho quốc tính và tên Việt là Nguyễn Hiển Hùng. Sự ra đời của phố Nhật ở Hội An bên cạnh phố của người Trung Quốc là do nhu cầu tất yếu của hoạt động ngoại thương, nhưng đồng thời đó cũng là kết quả phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước. Trên cơ sở đó, các giáo sĩ người Nhật cũng có cơ hội để xây dựng cơ sở của mình ở Hội An và Thanh Chiêm. Họ là những người tiên phong trong việc rao giảng đạo Thiên Chúa. Các bề trên Dòng Tên ở Ma Cao rất quan tâm đến những kiều dân Nhật này ở Hội An, và “coi đây như là một địa bàn móc nối với người Công giáo Nhật Bản đã bị đóng kín cửa”4 , từ đó mà các cha Dòng Tên từ Ma Cao được cử đến Đàng Trong. Đến năm 1620 với sự nhiệt tình và những hiểu biết của mình, 3 thầy tu Dòng Tên người Nhật đã soạn thảo một sách giáo lý bằng chữ Nôm5 và được cha Francisco de Pina sau đó (1621 - 1623) chép lại sang mẫu Latinh6, bởi vì chữ Nôm là chữ rất khó đối với các giáo sĩ phương Tây. 

Không chỉ mời gọi các thương nhân trong khu vực, chúa Nguyễn Phúc Nguyên cũng có rất nhiều chính sách ưu đãi đối với thương nhân các nước phương Tây. Nói về chính sách của các chúa Nguyễn với các thuyền buôn phương Tây, giáo sĩ Bandinoti người dẫn đường cho các thuyền buôn Bồ Đào Nha viết: “Đoàn chúng tôi vừa đến nơi thì được giáo sĩ Giulio Palani đưa vào chầu Chúa. Chúa tiếp đãi chúng tôi rất niềm nở, khoản đãi chúng tôi một bữa tiệc có nhiều món ăn, lại hứa với chúng tôi là khi cần đến, Chúa sẽ hết sức giúp đỡ...”.7 

Đặc biệt trong số các thương nhân phương Tây, chúa ưu ái cho thương nhân Bồ Đào Nha nhiều nhất “chúa Đàng Trong vẫn tỏ ra thích để cho người Bồ Đào Nha buôn bán ở nước ngài một cách lạ lùng”.8 Chúa Nguyễn Phúc Nguyên còn chủ động cấp đất cho người Bồ xây dựng thành phố với tất cả những gì cần thiết như đã làm với người Hoa và người Nhật.9 Việc chúa Nguyễn xác lập và tận dụng quan hệ với người Bồ từ đầu không nằm ngoài mục đích mua vũ khí như súng đồng của Bocarra ở Ma Cao chống lại họ Trịnh. Tuy nhiên điều đó cũng tạo cơ hội không nhỏ cho các nhà truyền giáo, như trên đã nói, khi các thương nhân phương Tây đến yết kiến chúa Nguyễn phải nhờ đến các giáo sĩ, điều đó cho thấy giáo sĩ đã được trọng dụng và lấy được lòng tin ở chúa Nguyễn cũng như là cầu nối giữa thương nhân và chính quyền phủ chúa. Do đó, không chỉ là chính sách mở cửa đối với các thương nhân mà với các giáo sĩ cũng được tạo điều kiện nhất định. Trong tác phẩm Lịch sử phát triển công giáo ở Việt Nam, linh mục Trương Bá Cần đã cho biết: ở thị trấn Quảng Nam (tức dinh trấn Thanh Chiêm), linh mục Buzomi đã được đón tiếp nồng nhiệt. Điều đó phù hợp với chính sách của chúa Nguyễn là mở cửa đón thuyền buôn của châu Âu, ngõ hầu giúp mình củng cố lực lượng, để chống lại sự đe dọa của họ Trịnh. “Cha Buzomi, Borri viết, đã gây được sự chú ý của triều đình, đến độ người ta cấp ngay cho ngài một khu đất để xây cất một ngôi thánh đường. Việc xây cất được thực hiện một cách nhanh chóng, với sự đóng góp của tất cả mọi người bằng tiền bạc và công sức, mỗi người tùy theo khả năng. Người ta cũng cho một ngôi nhà đẹp đẽ và sạch sẽ để làm chỗ trú ngụ cho ngài khi đến giảng dạy đạo Chúa cho dân chúng”.10 

Trên cơ sở những ưu ái của chúa Nguyễn Phúc Nguyên và ân đức của Thế tử Nguyễn Phúc Kỳ, đến năm 1625 cơ sở truyền đạo thứ ba là Thanh Chiêm được thành lập. Về sự việc này được giáo sĩ Gabriel de Matos trong một bức thư ghi ngày 5 tháng 7 năm 1625 gửi cho bề trên của giáo sĩ Dòng Tên ở Rôma, đã viết: “Hiện nay chúng ta đã có ba cơ sở mà hai đã được hình thành từ trước đây. Tôi đã thành lập cơ sở thứ ba ở Dinh trấn của Hoàng tử; ba linh mục đã có chỗ ở tại đó: linh mục Francisco de Pina biết rất giỏi tiếng (Việt) là bề trên và thầy dạy và các linh mục Alexandre de Rhodes và Antonio de Fontes là cấp dưới và học trò”.11 

Dinh trấn Thanh Chiêm là cơ sở ra đời sau so với Hội An và Nước Mặn nhưng lại có vị trí quan trọng vì ở đây gần thủ phủ của Quảng Nam dinh do Thế tử Nguyễn Phúc Kỳ con trưởng chúa Sãi làm trấn thủ. Vị trí này có thể thuận lợi tranh thủ ngoại giao để tạo mọi điều kiện dễ dàng cho việc truyền giáo. 

Sau khi xây dựng được cơ sở thứ ba ở Thanh Chiêm, các cha không chỉ truyền giáo mà còn thực hiện quá trình Latinh hóa tiếng Việt nhằm tăng hiệu quả của quá trình truyền giảng. Để việc rao giảng được thành công, các cha đã tích cực học ngôn ngữ tiếng Việt, trong đó cha Francisco de Pina là người đầu tiên thông thạo thứ ngôn ngữ này. Để học được chữ Việt, cha Francisco de Pina cho biết “Về vấn đề học ngôn ngữ thì luôn luôn ở Kẻ Chàm chính là nơi tốt nhất. Đây là kinh đô của triều đình. Ở đây người ta nói hay. Nhiều người trẻ quy tụ về đây. Họ là sinh viên (nho sĩ), gần họ những người mới bắt đầu học ngôn ngữ có thể được giúp đỡ”.12 Cha Francisco de Pina cũng đã chịu khó lắng nghe người Việt phát âm rồi dùng những mẫu tự Latinh để diễn tả âm tiết theo cách mà tiếng Bồ Đào Nha thường làm. Kể từ năm 1622, ông đã xây dựng một hệ thống chuyển mẫu tự Latinh cho hợp với thanh điệu và lối phát âm của tiếng Việt. Trong thời gian này ông đã biên soạn bản thảo những cuốn sách đầu tiên như “chuyên luận về từ vựng và các thanh” và hoàn thành “các sưu tập chuyện cổ tích và các bài viết hay nhất của Đàng Trong” dưới dạng chữ Quốc ngữ.13 Đây là những cuốn sách và những công trình được biết đến năm 1623 và 1625 khi ông truyền giáo ở Hội An và Thanh Chiêm. 

Ở dinh trấn Thanh Chiêm, bên cạnh cha Francisco de Pina còn có cha Alexandre de Rhodes và Antonio de Fontes là học trò và cấp dưới của cha Francisco de Pina. Tại đây khi nghe cha Francisco de Pina giảng đạo bằng ngôn ngữ bản xứ, cha Alexandre de Rhodes đã nhận thấy vai trò và lợi ích của việc truyền giảng bằng ngôn ngữ này, ngài nói: “Tôi cả quyết rằng hiệu quả của việc trình bày các màu nhiệm trong ngôn ngữ của họ thì vô cùng lớn lao hơn khi giảng bằng thông ngôn: thông ngôn chỉ nói điều mình dịch chứ không nói với hiệu lực của lời từ miệng nhà truyền đạo có Thánh thần ban sinh khí”.14 Tại đây (Thanh Chiêm) cha de Rhodes đã học tiếng Việt từ cha de Pina và từ một cậu bé người Việt. Trên cơ sở hai cuốn từ điển của giáo sĩ Gaspar d’Amaral với cuốn Tự vựng Việt - Bồ, và cuốn Tự vựng Bồ - Việt của cha Antonio Barbosa, cùng với kinh nghiệm của ngài trong thời gian truyền giáo ở Đàng Trong trong đó có Thanh Chiêm, cha đã hoàn thành cuốn Từ điển Việt - Bồ - La vào năm 1651. Cuốn sách này là một tài liệu quý giá và chắc chắn về hình thức viết chữ Quốc ngữ của thời kỳ phôi thai, đó là “tài liệu căn bản làm cơ sở cho tất cả mọi công trình về sau” và nó mang đến cho “những người thưởng thức ở trong ấy một ý thức rất tinh tế về ngữ âm học và sự tinh xảo của cách phiên âm mà tới nay chưa có sự chỉ trích nào lay chuyển nổi”.15 Mặc dù “Ngài không phải là người đầu tiên sáng chế ra Việt Ngữ, nhưng là người có công nhất trong việc tu sửa một thứ chữ đang trong thời kỳ phôi thai”16 như linh mục Phan Phát Huồn đã nhận xét. 

Như vậy, việc xây dựng một kinh đô thứ hai ở Đàng Trong là dinh trấn Thanh Chiêm do Nguyễn Phúc Nguyên cai quản từ khi còn là quan trấn thủ cho đến khi lên ngôi chúa, đã tạo điều kiện không nhỏ cho sự phát triển của Thiên Chúa giáo. Công cuộc truyền giảng phúc âm đã khiến các cha Dòng Tên nhận thấy cần phải biết ngôn ngữ bản xứ để đạt được hiệu quả cao nhất. Và trong quá trình rao giảng ấy, chữ Latinh đã được đem dùng để biểu đạt các âm An Nam từ đó hình thành nên chữ Quốc ngữ ở Việt Nam. Những chính sách mở rộng quan hệ thương mại và coi trọng các giáo sĩ của chúa Nguyễn Phúc Nguyên không chỉ trang bị cho chính quyền những vũ khí lợi hại và mang đến cho chúa những hiểu biết mới mẻ về khoa học, thiên văn học phương Tây, nó (chính sách của chúa Nguyễn) còn tạo ra môi trường thuận lợi cho sự ra đời của chữ Quốc ngữ ở Đàng Trong. Dinh trấn Thanh Chiêm là nơi chữ Quốc ngữ được hoàn thiện bước đầu, là nơi “hình hài” đầu tiên của nó được hoàn chỉnh và ra đời. Thời gian dài sau đó, cùng với sự ưu ái của các chúa Nguyễn kế tiếp và của chính quyền nhà nước sau này đã giúp cho chữ Quốc ngữ “lớn lên” và phát triển thành ngôn ngữ chính thống của nước Việt Nam độc lập.  

Chú thích: 

1. Theo tác giả Châu Yến Loan trong Dinh trấn Thanh Chiêm - kinh đô thứ hai xứ Đàng Trong, (Đà Nẵng: Đà Nẵng, 2015). 

2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, (Hà Nội: Giáo dục, 2004), 42. 

3. Nội dung 15 bức thư trao đổi giữa chúa Nguyễn và Nhật Bản cũng như 17 bức thư của chúa Trịnh gửi cho Nhật Bản được đăng trên Tạp chí Nam Phong, phần Hán Văn, quyển 9, số 54 và quyển 10 số 56 của tác giả Lê Dư với nhan đề Cổ đại Nam Nhật thông khảo. Được tác giả Nguyễn Huy Khuyến đăng trên tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á tất cả 5 kỳ (số 2/2012; số 9-2012; số 4/2013; số 2/2014; số 10/2014) với nhan đề “Văn thư thông thương giữa chúa Nguyễn ở Đàng Trong và Nhật Bản thế kỷ XVII” cả phần Hán văn và dịch nghĩa. Tác giả Phan Thanh Hải cũng đăng tải nội dung 32 bức thư này trong cuốn Việt Nam trong hệ thống thương mại châu Á thế kỷ XVI - XVII, (Hà Nội: Thế Giới, 2007) với nhan đề “Quan hệ Việt Nam và Nhật Bản thế kỷ XVI - XVII nhìn từ 35 bức thư ngoại giao”, từ trang 223 đến trang 253. 

4, 10 Trương Bá Cần, Lịch sử phát triển công giáo ở Việt Nam, Tập 1: Thời kỳ khai phá và hình thành (Từ khởi thủy cho tới cuối thế kỷ XVIII), (Hà Nội: Tôn giáo, 2008), 41, 44. 

5. Ba thầy tu đó là: Linh mục Pedro Marques (1575 - 1670) sinh tại Nhật, cha là người Bồ Đào Nha, mẹ là người Nhật, ông đến Đàng Trong từ năm 1618. Thầy Joseph người Nhật, đến Đàng Trong hoạt động từ 1617 - 1639; Thầy Paulus Saito người Nhật, đến Đàng Trong từ 1616 - 1627. 

6. Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc ngữ (1620 - 1659), (Hà Nội: Tôn giáo, 2008), 27-28 

7. Theo Nguyễn Văn Kim, “Xứ Đàng Trong trong các mối quan hệ và tương tác quyền lực khu vực”, Nghiên cứu lịch sử, Số 6/2006, 32. 

8, 9 Cristoforo Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621, (TPHCM: TPHCM, 1998), 336, 93. 

11. Roland Jacques, L’ocuvre de quelques pionniers Portugais dans le domaine de la linguistique Vietnamienne jusqu’en 1650, (Pari, 1995), 23, 77. Dẫn theo: Nguyễn Phước Tương, “Vai trò của người Việt và địa điểm đầu tiên trong việc phát minh ra chữ Quốc ngữ ở nước ta”, Nghiên cứu lịch sử, Số 5/2003, 47. 

12, 13 Roland Jacques, Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học, (Hà Nội: Khoa học xã hội, 2007), 43. 

14. Alexandre de Rhodes, Hành trình và truyền giáo, (Ủy ban đoàn kết Công giáo Thành phố Hồ Chí Minh, 1994), 56. 

15. L. Finot, Công trình nghiên cứu về Đông Dương (Les études indochinoises), BEFEO, 1908, 226. Dẫn theo: Charles B. Maybon, Những người châu Âu ở nước An Nam, (Hà Nội: Thế giới, 2006), 128. 16. Phan Phát Huồn, Việt Nam giáo sử, Quyển 1 (1553 - 1933), in lần thứ 2, (Sài Gòn: Cứu Thế tùng thư, 1965), 130. 

DINH TRẤN THANH CHIÊM XỨNG ĐÁNG 
LÀ CÁI NÔI PHÁT TRIỂN CHỮ QUỐC NGỮ?

Antôn Nguyễn Trường Thăng

I. Ma Cao, học viện thánh Phaolô, trường đại học và Á đông học đầu tiên tại Á châu 

Sau khi khám phá ra Mỹ châu năm 1492, nhiều vụ tranh chấp đã nổ ra giữa hai cường quốc hàng hải công giáo Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha buộc Tòa thánh Rôma phải làm trọng tài phân xử vào năm 1494 với hiệp ước Tordesillas. Thế giới được chia đôi cho họ. Qua các khám phá mới, thế giới phút chốc đã trở nên quá bao la. Khả năng tài chính của Giáo hội quá bé nhỏ, không thể nào đáp ứng được nhu cầu phục vụ, do vậy, Tòa thánh phải cần đến sự giúp đỡ của các cường quốc trên và đã ban cho họ Quyền Bảo Trợ gọi là Jus Patronatus theo La ngữ, tiếng Bồ là Padroado và Patronato theo tiếng Tây Ban Nha. Các nhà vua Bồ Đào Nha đã thực thi Quyền Bảo Trợ việc đạo tại Phi châu và Á châu. Giáo phận thành Goa với địa giới kéo dài từ Mũi Hảo Vọng đến Trung Quốc. Nước Việt Nam nằm trên vùng đất bao la đó, do vậy trực thuộc Giáo phận Goa. 

Người Bồ Đào Nha tiến về hướng Đông Bắc, họ vượt qua Biển Đông Đại Việt và đến Trung Quốc năm 1515. Họ chọn vùng Ma Cao và quyết tâm phát triển địa điểm này thành trung tâm thương mãi, chính trị và truyền giáo. 

Vào năm 1565, Dòng Tên được vua Bồ cho phép thiết lập nhà dòng đầu tiên tại Ma Cao. Năm 1568 Tòa Giám mục Ma Cao được thành lập. Ngày 1.12.1594, thiết lập học viện Thánh Phaolo (São Paulo) tước hiệu Mẹ Thiên Chúa (Madre de Dios), tọa lạc trong khu vực nhà dòng, chuyên việc huấn luyện các linh mục cho cánh đồng truyền giáo Đông Á.1 

Vào đầu thế kỷ XVII, Ma Cao là trung tâm đào tạo các tu sĩ Dòng Tên hoạt động khắp Á châu, nơi tích tụ các kinh nghiệm của các bậc tiền bối hoạt động tại Nhật Bản như thánh Phanxicô Xavie, Roberto Valignano, hay tại Trung Quốc như Matteo Ricci, Trigault, Michel Ruggieri, Adam Schall, giám đốc nha toán học và Khâm thiên giám Bắc Kinh. Matteo Ricci sau thời gian học ngôn ngữ phong tục tại Ma Cao, thông thạo chữ viết cổ điển Trung Quốc, lại trang bị khoa toán học, thiên văn học, bản đồ học, ông gây được thiện cảm và được coi như một tiến sĩ phương Tây. Ông mất tháng 5.1610. 

Các vị tiền bối cho thấy Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ là những dân tộc có nền văn hóa cao, có chữ viết lâu đời, phong tục tập quán tốt đẹp… muốn chinh phục, cần phải thấm nhuần văn hóa, biết nghiên cứu tìm hiểu ngôn ngữ thấu đáo và nếu cần sử dụng để dịch các từ Kitô giáo tương tự. Chưa phải là thời nói đến “hội nhập văn hóa” (inculturation) của thế kỷ XX mà trước tiên là thích nghi (adaptation), làm sao cho truyền thống cổ truyền hàng nghìn năm như Ấn giáo, Phật giáo, Lão giáo nhất là Khổng giáo có những “hạt mầm đức tin” không đối kháng, cản trở niềm tin vào Tin mừng. Tại Trung Hoa và Nhật Bản, Dòng Tên chủ tâm thuyết phục các nhà trí thức, chức cao quyền trọng và họ rất thành công khi đào tạo những nhân sự trí thức đẳng cấp. Chiếm được một thủ lãnh, tự khắc nhiều người noi gương. Linh mục Roland Jacques đã cô đọng chương trình đào tạo rất bài bản các tu sĩ Dòng Tên tại Ma Cao theo mô hình đại học danh tiếng Coimbra thủ đô Lisbon và còn nhiều môn hơn thế nữa.2 

II. Dòng Tên đến Đàng Trong năm 1615 

Đầu thế kỷ XVII, gió đã xoay chiều, Bồ Đào Nha xuống dốc vì những tranh chấp nội bộ và phải đương đầu với nhiều cường quốc hàng hải đang lên như Hà Lan, Anh Quốc. Nhật Bản quay lưng với người Bồ và bắt đầu cấm đạo, trục xuất các nhà truyền giáo và giết hại tín hữu bắt đầu từ năm 1613. 

Các linh mục Dòng Tên từ Nhật Bản, phải lui về Ma Cao, chờ đợi một ngày tươi sáng hơn. Con số đó là 73 người, khiến nhà dòng tại Ma Cao tăng lên con số 121.3 Các hiệp sĩ non tơ vừa từ Âu châu đến, được chuẩn bị gặp gỡ các samurai, bỗng hụt hẫng khi biết rằng cánh cửa vào Nhật Bản đã đóng chặt trước mặt họ. Xui xẻo! Nhưng “Niềm hi vọng bất thành này chẳng những không bất lợi mà là còn một cơ hội trời cho”.4 

Đây là khúc quanh lịch sử quan trọng đối với Giáo hội Công giáo non trẻ Đàng Trong chí Đàng Ngoài và tương lai chữ Quốc ngữ. 

Trước năm 1615, lịch sử cho thấy có một số người Việt lẻ tẻ đã gia nhập Giáo hội tại miền Bắc và Đàng Trong như trường hợp bà Gioanna và con bà Phanxica tại dinh trấn Cacciam khoảng 1595. Giáo hội Công giáo chưa có một chương trình nghiêm túc cho việc rao giảng, dù Khâm định Việt sử thông giám cương mục có nói về một dương nhân Inikhu đến giảng đạo tại Ninh Cường vào thời Nguyên Hòa nguyên niên 1533. 

Qua việc cấm đạo tại quê hương, một làn sóng Nhật kiều Công giáo, nhờ thương vụ Châu ấn thuyền đến Tourão (Cửa Hàn, Thủ Hàn?), Faifoo (Hải Phố?, Hoài Phố?, Sài phố?) càng ngày càng đông. Nhiều người quyết tâm ở lại và cưới vợ bản địa, sinh con đẻ cái. Do không nhận được các ân sủng trong đạo vì chẳng có linh mục biết tiếng Nhật nên họ tha thiết xin các giáo sĩ, trước làm việc tại Nhật Bản, nay đang tập trung tại Ma Cao đến giúp đỡ họ về “mặt thiêng liêng”.5 

Cơ may tới khi thuyền trưởng Bồ Bào Nha Fernandes de Costa, năm 1614, thuyết phục được chúa Đàng Trong là Nguyễn Phúc Nguyên cho phép người Bồ được buôn bán và giữ phong tục tập quán trong khu phố của họ tại Hội An. Ngày 15 tháng 1 năm 1615, đợt gió mùa đầu tiên đã đưa 2 linh mục Francesco Buzomi, người Napoli (Ý) và Diego Carvalho, người Bồ, cùng 3 thầy trợ sĩ, một Bồ Đào Nha, hai Nhật Bản đến Cửa Hàn và sau đó đến Hội An và Thanh Chiêm. Đây là những người biết ngôn ngữ Nhật Bản. 

Vừa đến nơi họ đã được cộng đồng người Nhật Công giáo bảo trợ và bắt tay ngay vào công việc. Cho đến tháng 4, lễ Phục sinh đã có 10 người được rửa tội (có lẽ các bà vợ bản địa đã được học giáo lý) và cuối năm 1615, con số tăng lên 300, ngoài người Nhật còn có nhiều người Việt trong đó có một số trí thức. Một định hướng được bắt đầu nhen nhóm sau một năm làm việc cho người Nhật và làm quen với người Việt dễ mến và khao khát đạo lý. Các vị bắt đầu chuyển hướng “Tích cực giới thiệu Tin mừng với người Việt là chính, còn việc phục vụ nơi tín hữu Nhật là phụ”.6 Trụ sở Hội An (residentia) chính thức được thành lập. 

Nhóm tiên phong thành công. Tin vui về với Ma Cao, và từ 1617, một số linh mục trẻ, sau khi được đào tạo tại Âu châu, hoàn tất môn Á Đông học tại Học viện Thánh Phaolô như Cristofori Borri, Francisco de Pina… được lệnh lên đường tới Đàng Trong. Công việc truyền giáo đang tiến triển tốt, họ gây được tình cảm với nhà chúa và Francesco Buzomi xông xáo giảng đạo cho người Việt qua thông ngôn. Do phiên dịch không chính xác, đã gây hiểu lầm. Câu chuyện “ông nói gà bà hiểu vịt” mà linh mục Borri kể lại trên bãi biển Hội An khi một người pha trò đóng vai người Bồ bụng phệ và đứa gái nhỏ sau câu hỏi “Con gnoo muon bao trong tlom Haoalaom chiam?” (Con nhỏ muốn vào trong lòng Hoa Lang chăng?) Nó trả lời muốn và diễn viên nắm lấy nó nhét vào bụng. Trò này diễn đi diễn lại nhiều lần khiến khán giả cười khoái trá. Buzomi hiểu ra hai chữ “vào trong lòng Hoa Lang” là vào trong chiếc bụng phệ người Bồ. Ngài tức tốc thay thế “bau dau Christiam chiam” (Vào đạo Kirixitan chăng?). Bề trên Buzomi cảm thấy cần phải có những linh mục trong giáo đoàn thông hiểu tiếng Việt hơn.7 

Càng ngày, đạo mới này được nhiều người tin theo, gây ra sự phản đối của một số người, họ tố cáo vì dân theo đạo mới nên khắp nơi xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Biết là không đúng, nhưng trước áp lực quá lớn, chúa Nguyễn buộc phải trục xuất họ khỏi Hội An, sống trên một bãi cát, đợi tàu người Bồ trở lại đem đi. Chính trong hoàn cảnh bi thương đó, họ được quan Trần Đức Hòa đưa về Nước Mặn, một cảng thị ở vùng đất mới Quy Nhơn, năm1618. Trụ sở thứ hai, Nước Mặn, được hình thành. 

Nhóm nhỏ trí thức, được đào tạo làm việc tại Nhật Bản, nay bắt đầu hoạch định cho công việc lâu dài trong tương lai tại vùng đất hứa Đàng Trong. 

Cristoforo Borri bằng nhãn quan một nhà khoa học, quan sát, ghi chép về xã hội Đàng Trong, kể về mọi thứ trông thấy ở xứ sở kỳ lạ này, từ: quốc hiệu, diện tích, khí hậu, đất đai, tính tình, phong hóa, tục lệ, hành chính, quân sự, thương mại, đời sống tinh thần,… và sau này khi về Âu châu ông cho phát hành sách bằng tiếng Ý năm 1631 với nhan đề rất dài Relatione della nuova Missione…al Regno della Cocincina mà Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch tắt là Ký sự Đàng Trong 1621. Linh mục Đỗ Quang Chính cho biết: “trong ba năm đầu đã được dịch ra tiếng Pháp, Latinh, Hà Lan, Đức, Anh, xuất bản 9 lần ở Rôma”. Sách giới thiệu xứ Đàng Trong và dự đoán công việc truyền giáo sẽ phát triển mạnh trong tương lai.8 

Bề trên Buzomi qua kinh nghiệm sống và làm việc lâu năm tại Đàng Trong chắc chắn đã khuyến khích Pina người nói giỏi tiếng Việt, chuyên tâm nghiên cứu sâu hơn về ngữ pháp. Thời gian gần đây, trụ sở (Residentia) Nước Mặn được giới nghiên cứu quan tâm vào thời kỳ phôi thai của chữ Quốc ngữ đặc biệt với sự tham gia của Francesco Buzomi, Cristoforo Borri, Pina. Linh mục Cristoforo Borri trong sách Ký sự Đàng Trong, ký âm nhiều chữ như: Quamguya (Quảng Nghĩa), Quignin (Quy Nhơn), Dà dèn Lu2t (Đã đến lụt), Scin mocaij (Xin một cái), Sayc Chiu (Sách chữ), Muon bau dao christiam chiam? (Muốn vào đạo chistiam chăng), Tuijciam Biet (tui chẳng biết), Maqui (ma quỷ). Linh mục Francesco Buzomi cũng góp phần với: xán tí (Thượng đế), thien chu (Thiên chủ), ngaoc huan (Ngọc hoàng). 

Sau khi sống ở hai cơ sở Hội An và Nước Mặn, linh mục trẻ Pina được chuẩn bị cho cánh đồng Nhật Bản nhận thấy không còn hy vọng gì trở lại chốn ấy, đã có một quyết định táo bạo, từ nay Đàng Trong là địa bàn hoạt động, phải đi hẳn với người Việt, sẽ chọn nơi này làm quê hương, phải toàn tâm toàn trí nghiên cứu ngôn ngữ như sau này thấy rõ trong lá thư lừng danh mà Roland Jacques đã phát hiện và nghiên cứu.9 

III. Dinh trấn Thanh Chiêm, một thuở thiên thời địa lợi nhân hòa 

Sau khi được phép trở lại Hội An, linh mục Francisco de Pina quyết định dành hẳn cuộc đời phục vụ giáo đoàn người Việt. Ngài thường lên Dinh Cham tức Thành Chiêm, tiếp xúc với các nhà cầm quyền trong đó có con trưởng Nguyễn Phúc Nguyên là Nguyễn Phúc Kỳ, mang biệt danh Ông Nghè, (theo Gaspar Luis và Borri). Ông Nghè thích tìm hiểu toán học, khoa học, thiên văn và rất tâm phục khi Pina báo cáo chính xác về đêm nguyệt thực ngày 9.12.1620. Thành Chiêm là thủ phủ miền Quảng Nam. Ông Nghè và các nhà trí thức sẵn sàng tham gia các buổi tranh luận giáo lý của các tôn giáo. Trụ sở Cacciam (Kẻ Chàm) tức dinh trấn Thanh Chiêm chính thức ra mắt. 

Trong bản tường trình năm 1621 về Đàng Trong, Gaspar Luis không nói rõ tên ai giỏi tiếng Việt nhưng vào thời kỳ đó không ai trong nhóm tu sĩ Dòng Tên thông thạo bằng Pina. Ông cho biết những thông tin về sự phát triển của đạo giáo về việc “rửa tội 82 người bản xứ và 27 người Nhật”, về sách giáo lý được soạn bằng tiếng Đàng Trong… không những trẻ con học thuộc lòng mà cả người lớn. Không rõ viết bằng chữ Nôm hay Quốc ngữ Latinh?10 

Qua bức thư được Roland Jacques phát hiện tại thư viện Adjuda, Bồ Đào Nha, căn cứ vào đó phân tích nhiều mặt, phải công nhận tác giả bức thư đó không ai ngoài Pina. 

Đây là bản phúc trình cho bề trên theo truyền thống Dòng Tên của Pina, nhưng qua đó cho thấy ngài nuôi những giấc mộng lớn về tương lai Giáo hội Việt Nam. Qua những tháng năm làm việc kể cả tranh luận, ngài nhận xét người Việt “ở nhiều người bản chất tự nhiên tốt, một khuynh hướng tới vĩnh phúc. Chính vì vậy mà con không mệt mỏi trong công việc giảng dạy giáo lý Kitô giáo cho họ”.11 

Phát xuất từ định hướng đó, Pina muốn hiểu sâu hơn về tiếng Việt, về những văn bản quý giá chữ Hán, chữ Nôm, mà ngài không am tường. Ngài đã vượt qua sự khó khăn này bằng cách ký âm và ghi chép theo tiếng Bồ, phương pháp mà Dòng Tên đã áp dụng nhiều nơi. Pina nhận xét: “Về vấn đề ngôn ngữ học thì luôn luôn ở Kẻ Chàm chính là nơi tốt nhất. Đây là kinh đô của triều đình. Ở đây người ta nói hay. Nhiều người trẻ đã quy tụ về đây. Họ là sinh viên. Gần họ, những người mới bắt đầu học ngôn ngữ có thể được giúp đỡ”.12 

Mặc dầu kinh phí eo hẹp, Pina cố gắng quy tụ một số bạn trẻ địa phương để giúp họ làm quen với chữ Bồ Đào Nha, Latinh… và ngược lại nhóm trên cũng hỗ trợ tiếng Việt cho ngài. Qua việc dùng mẫu tự Latinh, ghi âm tiếng Việt, nhất cử lưỡng tiện, hai nhóm sinh viên Việt cũng như các giáo sĩ không thông thạo chữ Nôm và chữ Hán cảm thấy dễ dàng hơn trong việc học tập ngôn ngữ Âu châu cũng như ký âm chữ Việt. “Về phần con, con đã soạn xong một tiểu luận về chính tả, về những thanh điệu của ngôn ngữ nầy, và con đang lao vào ngữ pháp”. Ngoài ra, “con phải nhờ ai đó đọc các từ đó cho con. Con phiên âm theo chữ Bồ Đào Nha sao cho những người của chúng ta đọc và học thuộc lòng như học Cicero và Virgile vậy”.13 

Giấc mộng của Pina thật lớn và dù thư chưa được gửi đi nhưng bề trên tại Ma Cao xem ra rất tán đồng công trình trên, chắc lọc từ kinh nghiệm sống làm việc và thành công của Pina cùng các người Việt và Nhật. Phát hiện mới cho thấy người Nhật cũng góp sức trong công việc Latinh hóa chữ Việt.14 

Các bề trên ở Ma Cao đang muốn chuyển sứ vụ bế tắc tại Nhật Bản sang Đàng Trong và Đàng Ngoài, họ là một dân tộc mới phân ly nhau “Tuy vậy từ mấy chục năm nay, hai xứ nầy chia rẽ nhau, nên ở đây, tôi chỉ nói về xứ Đàng Ngoài, biệt lập với xứ Đàng Trong…”.15 

Năm 1624 nhiều linh mục trẻ được gửi đến Đàng Trong như Alexandre de Rhodes, Antonio de Fontes, Jirolima Majorica… những vị này được bề trên tại Ma Cao cho sang Đàng Trong học tiếng Việt, chuẩn bị cho cánh đồng truyền giáo Đàng Ngoài. Hai năm đầu được thầy Pina dìu dắt và dù thầy bị tai nạn mất sớm tháng 12 năm 1625, trường dạy tiếng Việt đã trụ vững tại dinh trấn Quảng Nam. 

Ngoài ra phải kể đến Gaspar d’Amaral đến Á châu từ năm 1623… năm 1629 được gửi ra Đàng Ngoài… khoảng thời gian giữa làm gì? “Gaspar d’Amaral đến Macau năm 1625. Sau khi học chút tiếng Nhật, ông sang Hội An từ năm 1626 (hoặc 1627) đến 1628, tạm trú ở nhà một Nhật kiều để chuẩn bị truyền giáo ở Nhật. Chuyến đi bất thành nên ông trở lại Macau. Không rõ ông học tiếng Việt từ lúc nào và với ai, nhưng khi bề trên ở Macau cần người tiếp sức cho Rhodes ở Đàng Ngoài, ông được gửi đến Thăng Long tháng 10-1629 cùng với học viên Paulo Saito”.16 Có điều lạ là năm 1634, trong vụ tranh luận về công thức Rửa tội, ông được coi “peritissimus” “rất thông thạo” tiếng Việt. Suy ra, thời gian trốn ở Hội An, có lẽ ông đã học giỏi tiếng Việt, từ lò Việt ngữ Thanh Chiêm (?). 

Những con người nổi đình đám về chữ Quốc ngữ sau này, gián tiếp hay trực tiếp đều có liên hệ giáo sư Việt ngữ tiên khởi Pina. 

Cuốn Manuductio ad linguam tukinensem, Dẫn nhập vào ngôn ngữ Đàng Ngoài mà Roland Jacques công bố đã bị nhiều người nghi ngờ xuất phát từ Đàng Ngoài nhưng có dấu chỉ chứng minh là sách viết từ Đàng Trong. Trong sách: Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lãnh vực Việt Nam học của Roland Jacques vào trang 149, sao bản chính, có chữ “ghì” với chú thích Latinh là Avis quaedam turturi similis tức một loại chim giống như chim cu đất. Thế nhưng trong số chú thích 80, trang 111 lại xác nhận: nghĩa không chấp nhận trong tiếng Việt ngày nay. Sao lại không chấp nhận nếu biết đó là phương ngữ Đàng Trong, đúng là chim “gầm ghì”, một loại “cu xanh”. Không có chữ gầm nhưng “loại chim giống như cu đất”, đúng là loại chim này.17 

Trường Việt ngữ đầu tiên ở Thanh Chiêm do Pina đào tạo quả là quan trọng. Sau này dù thầy Pina chết sớm vào tháng 12 năm 1625, nhóm đệ tử đã triển khai và cả Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong và trung tâm Ma Cao, nơi có nhiều sinh viên Việt Nam, họ đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ cho việc hoàn thiện chữ Quốc ngữ trong thế kỷ XVII mà cao điểm là việc hai quyển sách Từ điển Việt Bồ La và Phép giảng tám ngày năm 1651 của Alexandre de Rhodes được nhà in đa ngữ (polyglotta) của Giáo hội tại Rôma phát hành. Alexandre de Rhodes may mắn kịp thu góp tất cả các công trình các bậc tiền bối cô đọng trong hai tác phẩm trên. 

Điểm lại các khuôn mặt đệ tử trực tiếp được Pina hướng dẫn, ta thấy có: 

- Alexandre de Rhodes, công trạng sau này quá lớn và đã có thời được coi là người sáng tạo chữ Quốc ngữ. 

- Girolimo Majorica để lại gần 40 tác phẩm chữ Nôm, chắc chắn phải quá rành chữ Quốc ngữ. 

- Các thế hệ sau như Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa… kế thừa những kinh nghiệm khai sơn phá thạch trước đó. 

Qua thế kỷ XVIII, Dòng Tên bị đại nạn, Bồ Đào Nha và nhiều nước Âu châu đàn áp, Giáo hội Công giáo cũng giải thể dòng vào năm 1773. Dòng chính thức không còn hoạt động ở Việt Nam, ngoại trừ một số đệ tử như Philipphe Bỉnh, cho đến năm 1957, mới được phép trở lại miền Nam. 

IV. Sau giai đoạn Dòng Tên, tòa thánh Roma tiếp tục quan tâm đến việc hoàn thiện chữ Quốc ngữ 

Tuy giai đoạn đặt nền móng chữ Quốc ngữ đã xong, nhưng Dòng Tên không thể tiếp tục công việc khai phá ban đầu như vừa trình bày. May thay, sinh mệnh của thứ chữ này vẫn được tiếp tục. Như đã biết, vào thế kỷ XVII, người Bồ Đào Nha có quyền bảo trợ tôn giáo tại Á châu, nước Đại Việt cũng chung hoàn cảnh. Dòng Tên truyền giáo nhưng chịu sự lãnh đạo của các vua Bồ. 

Nhận thấy hai nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha lạm dụng quyền này quá mức, chỉ lo cho quyền lợi mà quên bổn phận tôn giáo được giao. Từ đầu thế kỷ XVII, giáo hội công giáo Rôma đã dần dần hồi phục sức mạnh sau hàng thế kỷ tranh chấp đạo đời. Các vị Giáo hoàng muốn giành lại quyền hướng dẫn giáo hội. Chính vì thế Thánh bộ truyền bá Đức Tin (Sacra congregatio de Propaganda fidei) đã được thiết lập từ năm 1622, trùng thời gian tin mừng đến Đàng Trong. Tường trình năm 1628 của Thánh bộ cho biết, tại các xứ truyền giáo: 

“Các giám mục và các cha quản xứ không biết ngôn ngữ địa phương, vì các ngài không hề chú ý lo lắng cho người dân bản xứ. Ngay cả những người Âu châu lo việc cho họ, cũng không biết ngôn ngữ địa phương và cũng không muốn học cho biết nữa”. Vì thế Đức cha Ingoli đã yêu cầu: “Về học thuyết: vì phải đương đầu với giới trí thức và văn hóa các dân tộc, việc học hỏi nghiên cứu về thần học là điều quan trọng, không thể thiếu. 

Về ngôn ngữ hóa các xứ truyền giáo. Chính Đức ông thư ký đã thiết lập được bốn trung tâm ngôn ngữ tại Roma, Florence, Malta và Jêrusalem. 

Về in ấn: xây dựng một nhà in đa ngữ để ấn hành Thánh Kinh, giáo lý công giáo, sách dạy văn phạm, sinh ngữ, tự điển, v.v...”. 

Chính nhà in này đã qua linh mục Alexandre de Rhodes đúc chữ và xuất bản hai tác phẩm lừng danh đầu tiên là quyển Từ điển Annam, Bồ Đào Nha, Latinh (quen gọi là Từ điển Việt - Bồ - La) và Phép giảng tám ngày. 

Năm 1659, Giáo hội Công giáo thiết lập hai địa phận Đàng Trong và Đàng Ngoài. Trong Instructiones, các lời Huấn dụ, cùng năm 1659, rất khôn ngoan nhắc nhở các nhà truyền giáo phải lo cho giáo hội bản địa chứ không lo cho quê hương của mình: 

“Chư huynh đừng bao giờ muốn sửa đổi, đừng tìm lý lẽ nào để buộc dân chúng sửa đổi những phép xã giao, tập tục, phong hóa của họ, trừ khi nó hiển nhiên mâu thuẫn với đạo thánh và luân lý: có gì vô lý bỉ ổi hơn mang theo cả nước Pháp, Tây Ban Nha, nước Ý, hay bất cứ nước nào khác bên trời Âu sang cho dân Á đông chăng? Không phải mang thứ ấy đến cho họ, bèn là mang chân lý đức tin, một chân lý không loại trừ nghi lễ và tập tục của bất cứ một dân tộc nào, cũng không xúc phạm đến những nghi lễ ấy, miễn là chúng không xấu; ngược lại, chân lý ấy muốn cho người ta bảo tồn và duy trì chúng là đàng khác. 

...Vậy đừng bao giờ nên đem những tục lệ Âu châu đến đối lập với tục lệ của các dân tộc ấy; trái lại hãy hết lòng sống cho quen với tập tục của họ. 

Điều gì đáng khen, hãy khâm phục và ca tụng”. 

(Trích Huấn dụ năm 1659, phần thứ ba, số 1 và số 12)18 

Chính nhờ đó, cho dù xuất hiện các nhóm truyền giáo mới như Mission Etrangère de Paris, MEP, Hội Thừa sai Hải Ngoại Paris hay Dòng Đa Minh O.P., Dòng Phan Sinh OFM... việc duy trì đọc, viết và hoàn thiện chữ Quốc ngữ vẫn tiếp tục bất chấp bao xáo động, chiến tranh giữa nhà Trịnh, nhà Nguyễn và Tây Sơn. Cuối thế kỷ XVIII, đầu XIX, với từ điển Pierre Pigneau de Béhaine Bá Đa Lộc MEP và Jean Louis Taberd MEP, chữ Quốc ngữ hầu như hoàn thiện. 

Tóm lại, Giáo hội Công giáo Rôma, tuy xa xôi, nhưng qua các chỉ thị về việc đào tạo giáo sĩ bản quốc và tôn trọng tập quán, văn hóa các dân tộc từ đầu thế kỷ XVII đã góp phần vào việc học và nghiên cứu Việt ngữ viết theo mẫu tự Latinh mà các linh mục Dòng Tên đã khởi đầu. Trong thời gian dài, người Công giáo bị loại ra khỏi đời sống xã hội, không được học hành thi cử, chỉ một số ít học chữ Nho, chữ Nôm thì giới bình dân Công giáo nhờ chữ Quốc ngữ vẫn chứng tỏ không hề thua kém ai và trong lĩnh vực khoa học còn xuất sắc hơn nhóm xuất thân từ lò Khổng học. 

Từ Hội An, qua Nước Mặn, về dinh trấn Thanh Chiêm, ra Cửa Bạng, Kẻ Rum, lên Kẻ Chợ, vào Đồng Nai… cho đến thời hiện đại, con đường phát triển của chữ Quốc ngữ tuy chậm mà chắc chắn. Mỗi thời điểm có những nét độc đáo riêng nhưng sẽ không có gì cả nếu không có những ngày khai sinh khó khăn tại dinh trấn Thanh Chiêm với thầy Francisco de Pina và đám đệ tử lừng danh của ông. 

Miền đất này, dẫu trải qua bao chinh chiến điêu tàn như thời Tây Sơn, vẫn vươn lên đào tạo một lớp trí thức cho tỉnh Quảng Nam qua trường đốc học mãi đến thế kỷ XX. Trường hợp các vị anh hùng xuất thân vùng Gò Nổi như Hoàng Diệu, các sĩ phu Phạm Phú Thứ, nhà báo Phan Khôi… ít nhiều cũng ảnh hưởng từ vùng “đất học” này.

V. Kết luận 

Bốn thế kỷ qua đi, từ những tế bào non trẻ, đến những bước chân chập chững tìm tòi, rồi đến tuổi trưởng thành, kỳ diệu và bất ngờ, chữ Quốc ngữ hôm nay đi qua một đoạn đường không ai lường trước. Người đời gọi là may mắn, người sống nội tâm cho có một sự an bài của một đấng vô hình. 

Từ những ước vọng nhỏ bé của các giáo sĩ Tây phương, lạc lỏng giữa rừng tre chữ Hán, chữ Nôm, muốn tìm một lối ký âm đơn giản cho mình, học trò và đạo hữu; qua những tính toán chính trị của thực dân Pháp; đến sự khôn ngoan đồng thuận của các chiến sĩ đấu tranh cho độc lập, tự do, tiến bộ của dân tộc, chữ Quốc ngữ có một cơ may bất ngờ. 

Trong khi các nhà cựu học hoang mang giữa buổi giao thời khi thực dân Pháp áp dụng chính sách học “vất bút lông, nắm viết chì”, các nhà cựu học Quảng Nam trong phong trào Duy Tân, tuy chống đối Pháp lại hô hào học chữ Quốc ngữ như cụ Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng. Cụ Trần Quý Cáp, người con huyện Điện Bàn, trong bài ca Chiêu hồn nước hay Khuyến học đã rất sáng suốt khi viết:

Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước, 
Phải đem ra thức tỉnh dân ta... 
Một người biết, muôn người đều biết, 
Trí ta khôn muôn việc phải hay. 
Lợi quyền đã nắm vào tay, 
Có ngày tiến hóa có ngày văn minh. 19 

Chính vì thế không có gì lạ khi Quảng Nam có nhiều người tham gia vào làng báo, làng văn, viết bằng chữ Quốc ngữ rất sớm, tiêu biểu là cụ Huỳnh Thúc Kháng với báo Tiếng Dân và cụ Phan Khôi, chủ soái văn đàn. 

Vinh dự đỉnh cao của chữ Quốc ngữ là Tuyên ngôn độc lập 1945. Tuyên ngôn không viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ Pháp mà viết bằng chữ Quốc ngữ. 

Độc lập chính trị, độc lập văn hóa, dân tộc Việt Nam hiên ngang thẳng tiến. 

Từ một dân tộc đại đa số mù chữ, đến nay trên 94,5% biết đọc biết viết theo thống kê Liên hiệp quốc 2015.20 

Từ chiếc đèn dầu leo lắt giúp học để “diệt dốt” đến những chiếc máy tính, điện thoại hiện đại, chữ Quốc ngữ giúp người Việt hội nhập với đại đa số ngôn ngữ viết bằng mẫu tự Latinh của các đại cường quốc, điều mà người Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga… phải bỏ thêm công sức nếu muốn nối mạng Internet. 

Vậy mà nhiều người vẫn còn muốn lệ thuộc, tiếc nuối cái thời: “Thiên trời, địa đất, trữ cất, tồn còn, tử con, tôn cháu…” để không tiếc lời lăng mạ chữ Quốc ngữ và những người phát minh ra nó… các giáo sĩ Tây phương. Chửi chữ Quốc ngữ bằng chữ Quốc ngữ mới là lạ. 

Qua một loạt hội thảo gần đây, từ Phú Yên, đến Quy Nhơn và trên diễn đàn báo chí, hàng trăm bài nghiên cứu về chữ Quốc ngữ đã được trình làng với cái nhìn càng ngày càng tích cực về loại chữ viết này. 

Hôm nay tại diễn đàn quy tụ đông đảo các vị lãnh đạo bộ ngành, gạt qua những thành kiến, chính trị, tôn giáo, địa phương, bè phái… chúng ta hãy một lần cho tất cả xác nhận giá trị của lối chữ viết giúp chúng ta thoát Hoa (chữ Hán), thoát Pháp (tiếng Pháp), thoát Mỹ (tiếng Anh)… tiến đến độc lập, tự chủ trong mọi lĩnh vực cho dù chúng ta tiếp tục làm giàu ngôn ngữ Việt nhờ sự đóng góp không ít của các thứ ngôn ngữ trên. 

Chữ Quốc ngữ đi qua nhiều địa danh sau này như: Kẻ Chợ (Hà Nội), Tân Sài (Sài Gòn), đi qua hai cuộc phân ly đất nước thời Trịnh - Nguyễn hay Nam Bắc vừa qua; qua các xung đột, bất hòa… chẳng những không bị loại bỏ mà tất cả mọi người Việt cùng chung sức chung lòng hoàn chỉnh, nâng cao. Chữ Quốc ngữ hôm nay là mối dây đại đoàn kết, giữ gìn bản sắc dân tộc Việt trên khắp thế giới và càng ngày càng được bạn bè năm châu tìm học. Các nhà khoa học Việt dù sống ở đâu đang giúp hoàn chỉnh tiện ích mỗi ngày trên mạng Internet. Thật kỳ diệu khi gõ sai chính tả trên bàn phím, phần mềm báo lỗi ngay. Sau này có thể có những trung tâm Việt ngữ lừng lẫy hơn nhưng chúng ta không thể nào quên cái thuở ban đầu của Hội An, Cửa Hàn, Nước Mặn, nhất là dinh trấn Thanh Chiêm, với giáo sĩ Bồ Đào Nha Francisco de Pina và dàn đệ tử lừng lẫy qua các thế hệ sau này. 

Từ năm 1991, nước Nga và nhiều nước trong vùng đã tổ chức ngày tôn vinh ngôn ngữ slave và mẫu tự slave. Mẫu tự này trở thành nền tảng của các dòng ngôn ngữ slave, ấn định cuộc tiến hóa văn hóa, tinh thần tại nhiều nước. “Vào ngày nầy, không chỉ nước Nga, Ukrania, Beliorussia mà cả nước Bulgaria, Croatia, Slovaquia, Cộng hòa Tiệp Khắc tỏ lòng tri ân các vị tu sĩ Cyrillo và Metodio, đã sáng chế một điểm mốc (point de repere) thiêng liêng và văn hóa. Các đấng đã chuyển giao Kinh Thánh cho các dân tộc slave bằng chính ngôn ngữ mà người dân slave có thể hiểu được”. (Vadim Leonov) Vào ngày 24.5 thường niên, tại Moscow và nhiều tỉnh thành nước Nga, nhiều hoạt động được tổ chức như triển lãm, hội chợ, festival âm nhạc và hội thảo khoa học. 

Tôi tìm thấy thông tin này trên trang mạng điện tử Pháp ngữ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sao không tổ chức một ngày tôn vinh chữ Quốc ngữ tại Việt Nam và trên toàn thế giới nơi có người Việt sinh sống nhỉ?21 

Quốc ngữ, chữ nước ta, cần phải được đề cao là di sản văn hóa dân tộc Việt Nam và cao hơn, qua UNESCO là di sản văn hóa thế giới. Mong ngày đó không còn xa. 

Hy vọng một bảo tàng chữ Quốc ngữ sớm ra đời. Tại sao không nằm ở quanh đây, trong tỉnh Quảng Nam, thuận tiện đi lại cho cả hai miền Nam, Bắc?. 

Chú thích: 

1, 3, 5, 6, 7, 8 Đỗ Quang Chính, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt, (USA: An Tôn và Đuốc sáng, 2006), 16, 18, 17, 23, 35, 29. 

2. Về việc đào tạo tại học viện Ma Cao, Roland Jacques viết: “đào tạo học vị hàn lâm, thạc sĩ khoa học xã hội từ năm 1595, tiến sĩ thần học từ năm 1597. Giáo trình thạc sĩ trong ba năm, chủ yếu dạy về logic, vật lý và siêu hình học. Các nghiên cứu ở học viện được bổ sung một số môn tiện ích như tiếng Nhật, tôn giáo phương Đông, hội họa, âm nhạc…”. Roland Jacques, Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lãnh vực Việt Nam học, (Hà Nội: Khoa học xã hội, 2007), 64-67. 

4. Nguyên văn: “Far from being a handicap, this failed hope was a God-given piece of good fortune and opportunity”. Roland Jacques, Portuguese Pioneers of Vietnamese Linguistics Prior to 1650/ L’oeuvre de quelques pionniers Portugais dans le domaine de la linguistique vietnamienne jusqu’en 1650, (Bangkok: Orchid Press, 2002), 61. 

9, 11, 12, 13 Roland Jacques, Portuguese Pioneers of Vietnamese Linguistics Prior to 1650/ L’oeuvre de quelques pionniers Portugais dans le domaine de la linguistique vietnamienne jusqu’en 1650 (Bangkok: Orchid Press, 2002), 42-47, 42, 43, 44. 

10. Nguyễn Khắc Xuyên, Để hiểu lịch sử Đạo Thiên Chúa ở Việt Nam vào đầu thế kỷ XVII, (Ánh Sáng, 1994), phần Về thái độ mến đạo của Ông Nghè, 11. 

14. Xem Fukuda Yasuo, “Người Nhật có liên quan sâu sắc tới quá trình thiết lập phiên âm tiếng Việt bằng ký tự Latin” (福田康男,ベトナム語ローマ字表記成立に深く関わった日本人), https://anhsontranduc.wordpress.com/0 

15. Alexandre de Rhodes, Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài, Bản dịch Nguyễn Khắc Xuyên, (TPHCM: Tủ sách Đại kết, 1994), 2. 

16. Theo TS. Trần Quốc Anh, Santa Clara University, California, “Từ Nước Mặn đến Rôma. Những đóng góp của các giáo sĩ dòng Tên trong quá trình Latinh hóa Tiếng Việt ở thế kỷ 17”, Bài thuyết trình tại hội thảo khoa học Bình Định và chữ Quốc ngữ, Quy Nhơn, 13.1.2016. 17. Roland Jacques, Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lãnh vực Việt Nam học, (Hà Nội: Khoa học xã hội, 2007), 80. 

18. http://hanhkhatkito.org/

19. http://thanhnien.vn/

20. https://en.wikipedia.org/ 

21. http://fr.dangcongsan.vn/
DINH TRẤN THANH CHIÊM TRONG 
TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ CHỮ QUỐC NGỮ?

Nguyễn Văn Biểu

Sự ra đời và phát triển của chữ Quốc ngữ là sáng tạo độc đáo của các giáo sĩ Dòng Tên như: Francesco Buzomi, Francisco de Pina, Cristoforo Borri, với sự cộng tác âm thầm của một số thầy giảng Việt Nam vào thế kỷ XVII sáng tạo ra, nhưng người có công tập đại thành là thừa sai Alexandre de Rhodes và được Pigneau de Behaine, Jean Louis Taberd* sau đó kế thừa. Trong các thế kỷ XVII, XVIII, XIX, thứ chữ này chủ yếu được dùng trong giáo hội Công giáo. Nhờ tính ưu việt của nó, chữ Quốc ngữ dần dần chiếm ưu thế và qua nhiều lần cải tiến, đã được sử dụng phổ biến ở đầu thế kỷ XX. Kể từ khi ra đời ở Thanh Chiêm (Quảng Nam) tới nay đã 400 năm, để chữ Quốc ngữ được hoàn chỉnh và sử dụng như ngày nay. 

1. Địa danh lịch sử Thanh Chiêm 

Lịch sử vùng đất Quảng Nam - Thanh Chiêm gắn liền với quá trình mở cõi về phương Nam của cha ông ta. Ít nhất chính sử của Đại Việt đã chép rất rõ ràng và chi tiết về vùng đất này từ thời Hồ. Sách Đại Nam nhất thống chí chép về sự kiện này vào năm Thiệu Thành thứ 2 (1402): “lấy đất Chiêm Động và Cổ Lũy của Chiêm Thành chia làm 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa (Chiêm Động nay là tỉnh Quảng Nam, Cổ Lũy nay là tỉnh Quảng Ngãi) đặt An phủ sứ lộ Thăng Hoa để cai trị”.1 

Sách Đại Việt sử ký toàn thư có chép chi tiết hơn về sự kiện này vào tháng 7, năm Nhâm Ngọ (1402): “Hán Thương đem đại quân đi đánh Chiêm Thành… Đại quân sắp tới đất Chiêm… Chúa Chiêm Ba Đích Lại sợ, sai cậu là Bố Điền dâng một voi trắng, một voi đen và các sản vật địa phương, lại dâng đất Chiêm Động** để xin rút quân. Bố Điền tới, Quý Ly bắt ép phải sửa tờ biểu là dâng nộp cả động Cổ Lũy. Rồi chia đất ấy thành bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa. Đặt An phủ sứ và An phủ phó sứ lộ Thăng Hoa để cai trị”.2 

Thời Lê Sơ, trong Dư địa chí Nguyễn Trãi có chép về vùng đất này và gọi là đất “Nam Giới”. Nguyễn Trãi nói đến các địa danh “Tiên Nữ”, “Phú Hà” là ở Nam Giới. Những địa danh này, nay không khảo cứu được, chỉ biết rằng Tiên Nữ là tên núi, Phú, Hà là tên các cửa biển.3 Như vậy, những ghi chép trên có giá trị rất quan trọng về vùng đất Thuận Quảng. Đất Quảng Nam xưa đã được ghi chép trong chính sử triều Lê, ít nhất là từ đầu thế kỷ XV. 

Lịch sử vùng đất này còn gắn với sự kiện nổi tiếng khi vua Lê Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Nguyên do vua đi đánh Chiêm Thành là vào tháng 11 năm Canh Dần (1470), do Trà Toàn ở Thi Nại mang hơn 10 vạn quân đánh úp châu Hóa, quấy nhiễu vùng biên viễn.4 Ngày 27 tháng hai năm Tân Mão (1471), “vua tự mình đem đại quân đánh phá thành Thi Nại”5 , “Tháng 6, lấy đất Chiêm Thành đặt làm thừa Tuyên Quảng Nam”6 , “chia đất này làm 3 huyện Bồng Sơn, Phù Li và Tuy Viễn, đặt phủ Hoài Nhân, lệ vào Quảng Nam Thừa tuyên”.7 Đây là sự kiện đánh dấu rõ ràng và đầy đủ nhất Quảng Nam là một bộ phận của lãnh thổ Đại Việt. 

Theo GS. Trần Quốc Vượng: “Từ 1606, với Nguyễn Phước Nguyên và các đời chúa tiếp sau. Dinh trấn Thanh Chiêm (Điện Bàn) mới tỏ ra vững chắc và lâu bền nhất. Vì sao Thanh Chiêm? Vẫn là mô hình quy hoạch tuyến tính trên một dòng sông chính của xứ - vùng…”. 8 

Như vậy trong chính sử triều Lê và triều Nguyễn sau đó có nhắc nhiều đến địa danh lịch sử dinh trấn Quảng Nam - Thanh Chiêm. Đây là địa danh gắn liền với quá trình ra đời của chữ Quốc ngữ hồi đầu thế kỷ XVII. Thanh Chiêm là một trong những địa danh xuất hiện từ khá sớm, là một trong những nơi sầm uất được biết đến nhiều như Hội An, Cửa Hàn, Nước Mặn hồi đầu thế kỷ XVII. Tuy nhiên, cái tên “Thanh Chiêm” không được nhắc nhiều đến như “Quảng Nam”. 

Theo một ý kiến cho rằng địa danh Thanh Chiêm là miền trung châu thổ (chính xác hơn là trung - hạ) Thu Bồn… Chọn Thanh Chiêm làm dinh trấn Quảng Nam là cái nhìn đúng đắn chính xác của chúa Nguyễn về địa chính trị - địa chiến lược… Dinh trấn thủ Quảng Nam ở Thanh Chiêm ở hữu ngạn, ngược Hội An lên khoảng 15 - 20 km trên dòng Chợ Củi - Thu Bồn. Đấy là sự tách biệt trung tâm chính trị - trung tâm quân sự với trung tâm mậu dịch quốc tế mà lại vẫn liên quan hữu cơ với nhau: Chính trị quân sự quản kinh tế ngoại thương, đối ngoại, giao lưu văn hóa.9 Dinh trấn Thanh Chiêm nằm ở phía trên cảng thị Hội An. Thuyền buôn quốc tế cứ tập kết ở Hội An tại các cảng Trà Quế, Trà Nhiêu, nhưng phải ngược lên dinh trấn Thanh Chiêm trình báo quan trên, rồi mới được phép dỡ hàng buôn bán. 

Sử triều Nguyễn còn nhắc đến sự kiện năm Nhâm Dần (1602), tháng 7 chúa Nguyễn Hoàng: “Sai hoàng tử thứ sáu làm trấn thủ dinh Quảng Nam. Quảng Nam đất tốt dân đông, sản vật giàu có, số thuế nộp vào nhiều hơn Thuận Hóa mà số quân thì cũng bằng quá nửa. Chúa thường để ý kinh dinh đất này. Đến đây, đi chơi núi Hải Vân, thấy một dải núi cao dăng dài mấy trăm dặm nằm ngang đến bờ biển, chúa khen rằng: “Chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận Quảng”. Liền vượt qua núi xem xét hình thế, dựng trấn dinh ở xã Cần Húc (thuộc huyện Duy Xuyên), xây kho tàng, chứa lương thực, sai hoàng tử thứ sáu trấn giữ”.10 Theo Phan Du chép năm 1602, Tiên chúa (tức Nguyễn Hoàng) lập Dinh Trấn tại xã Cần Húc, huyện Duy Xuyên, tức thôn Thanh Chiêm, huyện Điện Bàn.11 

Tiếp đến trong Phủ biên tạp lục, sử gia Lê Quý Đôn đã nói đến Dinh Chiêm và đất Quảng Nam: “Đoan quốc công (tức chúa Nguyễn Hoàng) từng đi chơi núi Ải Vân, thấy thế núi hiểm dốc lấy làm lạ, bèn qua núi vào phủ Thăng Hoa xứ Quảng Nam, trải xem hình thể, rồi sai dựng hành dinh và kho tàng để chứa lương tiền... Năm Hoằng Định thứ 3 (1602), Nhâm Dần, sai Thụy quận công Phúc Nguyên trấn thủ Quảng Nam”12, “Từ tuần Ải Vân đi đến dinh Quảng Nam, tục gọi là Dinh Chiêm ở xã Cần Húc huyện Duy Xuyên, không quá 2 ngày, đại quân đóng đồn ở dinh Chiêm…”13, trong một đoạn khác Lê Quý Đôn lại nói: “Đến như Dinh Chiêm ở Quảng Nam thì có quan đóng giữ, gọi là dinh Quảng Nam, ở xã Cần Hào, huyện Duy Xuyên”.14 Như vậy, có thể nói những chép của Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục là rất đáng giá về đất Thanh Chiêm*** - Quảng Nam. Phan Du đã xác định vào thời điểm trước năm 1974 khi xuất bản cuốn Quảng Nam qua các thời đại xã Cần Húc ở huyện Duy Xuyên hay xã Thanh Chiêm huyện Diên Phước, nay xét ra chính là thôn Thanh Chiêm, thuộc xã Vĩnh Thọ, quận Điện Bàn… Dinh trấn Thanh Chiêm thuở đó thực đã nằm vào một vị trí vừa có lợi về mặt chiến lược, vừa thuận lợi về mặt giao thông hành chính.15 

2. Dinh trấn Thanh Chiêm trong sự ra đời của chữ Quốc ngữ 

Khi các nhà truyền giáo phương Tây đến nước ta truyền đạo để thuận lợi cho việc rao giảng, trao đổi trong cuộc sống hàng ngày, họ đã Latinh chữ viết cho đơn giản, dễ học, dễ sử dụng, với mục đích ban đầu là giúp người ngoại quốc học tiếng Việt chứ không phải là phổ biến chữ Quốc ngữ cho người Việt16, thực tế “các giáo sĩ không có ý đồ dùng chữ Quốc ngữ thay chữ Nôm… sau khi có chữ Quốc ngữ, đến suốt thế kỷ XIX, chữ Nôm và cả chữ Hán vẫn tiếp tục được dùng trong giáo hội ở Việt Nam”. 17 

Một số tài liệu ghi chép về quá trình đến Đàng Trong của các giáo sĩ phương Tây từ cuối thế kỷ XVI, như vào năm 1580, hai linh mục có tên là Luis Fonséca (người Bồ Đào Nha), và Grégoire de la Motte18, người Pháp, lại sang truyền giáo ở Cao Miên. Nhưng một vài tác giả khác lại nói: “họ truyền giáo ở Quảng Nam và trong một cuộc giao tranh giữa quân Chiêm Thành và quân chúa Nguyễn, đã bị bắt đem về Qui Nhơn, rồi Fonséca bị hạ sát, còn De la Motte thì bị thương, trốn thoát về Malacca nhưng đã chết dọc đường”.19 

Đến năm 1615, các giáo sĩ đầu tiên của Dòng Tên đã theo thuyền buôn Bồ Đào Nha từ Ma Cao cập bến Đàng Trong tại Cửa Hàn20 (Đà Nẵng). Linh mục Buzomi21 được chúa Nguyễn Phúc Nguyên (trị vì 1614 - 1635) tiếp đãi và việc truyền đạo khá thuận lợi. Các giáo sĩ xây dựng được giảng đường đầu tiên, sau đó đi tiếp vào Hội An - nơi có nhiều người Bồ buôn bán. Buzomi người đã gặt hái được những thành công trên vùng đất Quảng “không chỉ ở Turon nơi ông thường ở, nhưng còn ở những nơi khác, ông gieo rắc tiếng tốt về lòng bác ái, về nhiệt tình của ông, cố gắng ở khắp nơi để giáo dục họ, với biết bao nhiệt tâm và kết quả, và không bao ngày các giáo đồ mới xây dựng một nhà thờ lớn ở Turon… Tất cả đều có cảm tình với linh mục Francesco Buzomi, mặt khác ông là người có hiểu biết rộng và rất đạo đức, ông đã chinh phục được linh hồn của những người ngoại quốc và tất cả họ đã theo ông… Điều này đặc biệt xảy ra ở Cacciam (Quảng Nam), thành phố nơi nhà vua cư ngụ cách Turon sáu hay bảy dặm đường sông”. 22 

Các nhà truyền giáo Dòng Tên khi ở Thanh Chiêm - Quảng Nam đã có những đóng góp nhất định vào quá trình Latinh hóa tiếng Việt, đó là: Francesco Buzomi, Cristoforo Borri, Francisco de Pina. Linh mục Cristoforo Borri góp công khởi đầu chữ Quốc ngữ trong thời gian này và là người viết cuốn Xứ Đàng Trong năm 1621, trong đó có nói nhiều về Quảng Nam, “trước ông phải kể các linh mục Francesco Buzomi và Francisco de Pina, những người thật sự phụng sự ở Đàng Trong… chính ông và với những linh mục mà tôi vừa kể tên là những người đầu tiên cải đạo cho người Việt Nam theo Thiên Chúa giáo, nếu không ở Đà Nẵng, Hội An, Quảng Nam, thì ít nhất cũng ở Nước Mặn tỉnh Bình Định”.23 

Giáo sĩ Borri vào Đàng Trong sau giáo sĩ Pina một năm mà đã thấy Pina rất giỏi tiếng Đàng Trong và nói năng rất tự nhiên. Năm 1620, các nhà truyền giáo đã “soạn được sách Giáo lý bằng tiếng nói Đàng Trong rất bổ ích; vì không những trẻ con học thuộc lòng sách ấy, mà cả người lớn cũng học sách ấy”. 24 Có lẽ Pina đã phiên âm sách đó ra chữ Quốc ngữ, cùng với mấy thầy giảng khác phiên âm ra chữ Nôm. Tiếc rằng cả 2 sách này đều không còn, “khi ông trở thành cha bề trên phụ trách cơ sở truyền đạo thứ ba mới xây dựng ở dinh trấn Thanh Chiêm từ năm 1625 cho đến khi ông qua đời vào cuối năm đó, có lẽ ông tiếp tục biên soạn cuốn sách ngữ pháp tiếng Việt và tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về phương pháp Latinh hóa tiếng Việt. Ông thường đi lại giữa Hội An và Thanh Chiêm, một trung tâm chính trị - văn hóa - kinh tế của Đàng Trong…".25 Francisco de Pina đã viết: Đối với tôi việc nghiên cứu tiếng Kẻ Chiêm (tức Thanh Chiêm) vẫn là nơi tốt nhất với tư cách là trung tâm của triều đình: ở đây, người ta nói rất hay, có sự đổ dồn những người trẻ tuổi. 

Trong Lời tựa cho tác phẩm Bản tường trình về Xứ Đàng Trong của Cristoforo Borri đăng trong Những người bạn cố đô Huế, (tập XVIII), L.Cadière có nói đến nội dung một bức thư nhắc đến địa danh Cacciam: “Bức đầu tiên nói về các sự kiện xảy ra ở Cacciam26, không xa thành Quảng Nam…”.27 Về những đóng góp của Cristoforo Borri cho sự ra đời của chữ Quốc ngữ, Cadière nói: “Ông đã kể cho chúng ta trong bản tường trình của ông những tiêu bản quý báu về các phác thảo đầu tiên của chữ Quốc ngữ, một thứ quốc ngữ - tiền A.De Rhodes. Khi người ta dò tìm đến việc nghiên cứu sự hình thành chữ quốc ngữ, những phác thảo của linh mục Christofo Borri sẽ là một lợi ích lớn lao”. 28 

Trong bản tường trình về xứ Đàng Trong Cristoforo Borri cũng cho biết: Về những hải cảng khác, một chuyện đáng ngạc nhiên là một bãi biển chỉ hơn một dặm một chút mà người ta đếm được hơn 60 nơi có thể đậu thuyền, điều này do nhiều bờ và eo biển lớn. Tuy nhiên hải cảng chính là cảng của tỉnh Cacciam (Quảng Nam). Như vậy, rõ ràng sự sầm uất cảng chính ở Quảng Nam đã chứng tỏ đây là nơi lui tới của các linh mục và việc sáng chế ra chữ Quốc ngữ cũng được thuận lợi, do sự phong phú và giao thoa của ngôn ngữ ở đây. 

Linh mục Cristoforo Borri, người đã hoạt động ở Quảng Nam - Quy Nhơn29 (trong những năm 1618 - 1622), viết: “Trước khi các linh mục Dòng Tên chúng tôi tới Đàng Trong, thói quen của người Bồ Đào Nha từ Malacca và Macao, của người Tây Ban Nha từ Manila, tới đây buôn bán là đem theo họ một vài tuyên úy để dâng thánh lễ và cử hành các bí tích cho họ… Những người thông ngôn của các tuyên úy thường chỉ biết một vài tiếng Bồ Đào Nha để mua bán và một vài câu, vài lời để hỏi xem người bản xứ là người có muốn theo đạo không. Do đó mà họ có làm được cho một vài người theo đạo, nhưng chỉ là mang danh có đạo, chứ không biết gì về đạo…”.30 Đây là thông tin quan trọng mà Cristoforo Borri cho chúng ta biết là trước ông và các linh mục Dòng Tên tới việc truyền đạo cho người bản xứ gặp khó khăn và chưa có người theo, họ cũng gặp phải khó khăn về ngôn ngữ. 

Cuối năm 1624 đầu năm 1625, Alexandre de Rhodes**** đến Đàng Trong cùng với linh mục Gabriel de Mattos, người Bồ Đào Nha, với 5 giáo sĩ Dòng Tên khác, trong đó có một người Nhật giỏi chữ Hán, “…Các ngài gặp cha Pina ở Hải Phố, cha này rất thạo tiếng Việt, đang lúc các giáo sĩ khác luôn luôn cần đến thông ngôn…”.31 Ngoài khả năng thông minh, am hiểu về ngôn ngữ tiếng Quảng, Alexandre de Rhodes còn được thừa hưởng từ người đi trước và cũng là học trò xuất sắc nhất của Pina, trong cuốn Từ điển Việt - Bồ - La (1651), ông đã viết: “Trong công việc này ngoài những điều mà tôi đã học được nhờ chính người bản xứ trong suốt gần mười hai năm thời gian tôi lưu trú tại hai xứ Đàng Trong (Cô-sinh) và Đàng Ngoài (Đông Kinh), thì ngay từ đầu tôi đã học với cha Francisco de Pina người Bồ Đào Nha, là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường thứ tiếng này, và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn”.32 

Tới Đàng Trong, sau 6 tháng Alexandre de Rhodes đã thạo tiếng bản xứ để giảng kinh… Ông nhiều lần bị trục xuất khỏi cả Đàng Trong và Đàng Ngoài, vì có những lúc cấm đạo, tới lần thứ 4 thì ông bị trục xuất hoàn toàn khỏi Việt Nam (1645), “Trong suốt 17 năm ở Đàng Trong và Đàng Ngoài, giáo sỹ Alexandre de Rhodes tìm hiểu ngôn ngữ, phong tục và lịch sử nước ta và tỏ ra rất thông suốt”33, “Ông là người có công làm giàu cho chữ Quốc ngữ của chúng ta, sau các Linh Mục Francisco de Pina và Cristoforo Borri là những người đã La Mã (La-tinh) hóa cuốn kinh đầu tiên bằng tiếng Việt vào năm 1621 - trước ngày Alexandre de Rhodes đến nước ta 4 năm. Rất tiếc cuốn kinh nói trên hiện thất lạc chưa tìm ra, mà chỉ còn lại nhiều kinh sách của Alexandre de Rhodes nên người ta cho rằng Alexandre de Rhodes là “thủy tổ chữ Quốc ngữ”, trong khi ông chỉ có công kế tục tu chỉnh và phong phú hóa chữ Quốc ngữ mà thôi”. 34 Như vậy có thể nói việc Nhà xuất bản của Thánh Bộ Truyền giáo cho in các tác phẩm đầu tiên của Alexandre de Rhodes: một Relazioze de’felici successi della fede nel regno di Tunchino (1650), một cuốn giáo lý bằng tiếng La Tinh và tiếng Việt (chữ Quốc ngữ)35 và nhất là cuốn Dictionarium annamiticum, lusitanum et latinum (Từ điển Việt-Bồ-La, 1651). Lần đầu tiên, chữ cái La Tinh được sử dụng một cách có hệ thống chuyển tải âm ngữ của người Việt. Thời điểm này đánh dấu sự khởi đầu chính thức của chữ Quốc ngữ”.36 

Trong khoảng thời gian ở Đàng Trong, Alexandre de Rhodes đã đi nhiều tỉnh: Huế, Quảng Ngãi, Quy Nhơn… cho tới khi bị trục xuất, vì có các lệnh cấm đạo, và có một số rắc rối. Alexandre de Rhodes nhiều lần lui tới Quảng Nam - Thanh Chiêm: “…Trấn thủ Quảng Nam bắt ép các ngài phải ra khỏi nước… tàu của ngài bị bão nên ngài phải ghé lại cửa Hàn và ở đó 4 tháng… Từ Cửa Hàn cha Đắc Lộ đi thăm tất cả tỉnh Quảng Nam, nhiều người được trở lại công giáo…”.37 Như vậy, trong thời gian hoạt động truyền giáo ở Đàng Trong, nhất là thời kỳ ở Thanh Chiêm - Quảng Nam, Alexandre de Rhodes đã học được ngôn ngữ ở đây và có công tập đại thành khi ông xuất bản cuốn từ điển đã nêu ở trên. Rõ ràng, dù gặp một số khó khăn, nhưng Quảng Nam là nơi có điều kiện thuận lợi (sự sầm uất các thương cảng như Hội An và Quảng Nam là đơn vị hành chính - của vương quốc Đàng Trong,…) để các giáo sĩ Dòng Tên sáng chế ra chữ Quốc ngữ trong nửa đầu thế kỷ XVII. 

3. Một vài nhận xét 

Dinh trấn Thanh Chiêm, mà nói rộng ra là Quảng Nam dinh là nơi chứng kiến sự ra đời của chữ Quốc ngữ thời kỳ phôi thai, hình thành, phát triển và hoàn tất. Có thể xem địa danh Thanh Chiêm hồi đầu thế kỷ XVII là một trong những nơi đầu tiên ra đời chữ Quốc ngữ. Thanh Chiêm hồi thế kỷ XVII là đơn vị hành chính thuộc dinh Quảng Nam. Đây là những nơi có điều kiện thuận lợi cho sự ra đời của chữ Quốc ngữ, và cùng với đó là sự du nhập của đạo Công giáo vào Việt Nam. Theo GS.VS Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam) tại Hội thảo “Bình Định với chữ Quốc ngữ” nói: “… Có thể nói Nước Mặn (Bình Định) là một trong những trung tâm hình thành vào loại sớm nhất chữ Quốc ngữ, nhưng không phải là trung tâm duy nhất, mà theo tôi còn có nhiều trung tâm khác nữa, còn có Thanh Chiêm, còn có Hội An, đều là những nơi có mặt của nhiều giáo sĩ nước ngoài, trong đó có giáo sĩ Dòng Tên, họ đã lui tới, họ đã học tiếng Việt, họ đã góp phần sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Cho nên có người coi chữ Quốc ngữ như là một dòng sông,… đây là một dòng sông, mà cái nguồn của nó do nhiều con suối tạo nên, cho nên có nhiều con suối, chứ không phải chỉ có một con suối duy nhất”.38 Chúng ta có thể xác nhận rằng Thanh Chiêm là một trong những con suối sớm nhất và quan trọng để tạo lập nên chữ Quốc ngữ. 

Về mặt lịch sử, cả Cửa Hàn, Hội An, Thanh Chiêm, Nước Mặn, cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII đều thuộc Thừa tuyên Quảng Nam - Quảng Nam dinh. Xét trên nhiều yếu tố chúng ta có thể phần nào đi đến kết luận Thanh Chiêm - Quảng Nam là một trong những cái nôi đầu tiên của sự ra đời chữ Quốc ngữ. Trước cả Nước Mặn - Bình Định và Phú Yên. Điều đó được thể hiện qua việc các linh mục Dòng Tên đến nước ta hồi nửa đầu thế kỷ XVII đã có thời gian lâu dài ở lại dinh trấn Quảng Nam, am hiểu tình hình xã hội và sáng chế ra chữ Quốc ngữ, để cho người nước ngoài có thể học tiếng Việt, mà trước tiên là các giáo sĩ không cần qua thông ngôn có thể nói chuyện và giảng đạo được. 

Việc chữ Quốc ngữ ngày càng được phổ biến và thông dụng, trở thành chữ viết chính thống của Việt Nam sau này, nằm ngoài ý muốn ban đầu của các linh mục Dòng Tên, vì chữ viết phổ biến lúc bấy giờ là chữ Hán và chữ Nôm. Qua lớp bụi thời gian, địa danh Thanh Chiêm đã lùi xa chúng ta 400 năm lịch sử chữ Quốc ngữ, “tiếng Quảng Nam trong việc hình thành chữ Quốc ngữ”39 đã được ghi nhận từ khi ra đời. Và đặc biệt tới đầu thế kỷ XX, Quảng Nam là cái nôi của Duy Tân, đổi mới, là đỉnh cao của phong trào chống thuế Trung Kỳ 1908, chữ Quốc ngữ đã được các văn thân, sĩ phu tiếp nhận để xóa bỏ cái cũ, tiếp nhận cái mới. 

Từ chỗ kỳ thị khinh miệt thứ chữ của bọn Tây dương, tới công nhận nó, lại còn nhận là chữ của mình - chữ Quốc ngữ thì cũng thật là sự biến chuyển rất lớn.40 Đó là công lao, đóng góp thuộc về nhiều người, ít nhiều đã làm cho xã hội Việt Nam có những biến chuyển, diện mạo mới. Nói tóm lại, sự ra đời của chữ Quốc ngữ được sử dụng như ngày nay đã góp phần vào sự phát triển văn hóa Việt Nam và Quảng Nam là một trong những nơi góp phần to lớn vào văn hiến, văn minh ấy.  

Chú thích: 

* Pigneau de Behaine (1741 - 1799) còn được gọi là Bá Đa Lộc, Jean Louis Taberd (1794 - 1840). 

** Chiêm Động: được chia làm hai châu Thăng và Hoa, là đất các huyện Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên của tỉnh Quảng Nam.  

*** Theo khảo sát của Nguyễn Q. Thắng nói về lỵ sở của Thanh Chiêm thuộc làng Thanh Chiêm “nay là thôn Thanh Chiêm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn… Đó chính là di tích một trong bốn mặt thành của Dinh trấn Quảng Nam xưa”. [Nguyễn Q. Thắng, Quảng Nam trong hành trình mở cõi và giữ nước, nhìn từ góc độ văn hóa, (TPHCM: Tổng hợp TPHCM), 53]. **** Alexandre de Rhodes (tên tiếng Việt là A-Lịch-Sơn Đắc-Lộ hay Cha Đắc Lộ; 1591 - 1660) là một nhà truyền giáo Dòng Tên và được xem là nhà ngôn ngữ học, được gọi là “ông tổ của chữ Quốc ngữ”. Alexandre de Rhodes là một con người rất giỏi, thông minh và tài năng. 

1 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Tập 2, (Thuận Hóa, 2006), 386. 

2, 4, 5, 6 Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, (Khoa học xã hội, 1998), 202-203, 440-441, 449, 452 

3. Nguyễn Trãi toàn tập, Hoàng Khôi biên dịch, (Văn hóa Thông tin, 2001), 816. 

7. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Tập 3, (Thuận Hóa, 2006), 6. 

8, 9 Trần Quốc Vượng, “Dinh trấn Thanh Chiêm và mô hình địa - chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội xứ Quảng” trong cuốn Vai trò lịch sử của dinh trấn Quảng Nam, (Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam, 2002), 36, 38-40. 

10. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập 1, (Hà Nội: Giáo dục, 2002), 35. 

11, 15 Phan Du, Quảng Nam qua các thời đại, Quyển thượng, (Cổ học Tùng thư, 1974), 54, 59. 

12, 13, 14 Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, (Hà Nội: Văn hóa thông tin, 2007), 63, 152, 185. 

16. GS.TS Nguyễn Thiện Giáp, “Báo cáo đề dẫn “Một số vấn đề về chữ Quốc ngữ”” trong Hội thảo Quốc gia Chữ Quốc ngữ: sự hình thành, phát triển và những đóng góp vào văn hóa Việt Nam, tổ chức tại Phú Yên 3.10.2015. 

17. Hoàng Tuệ, “Về sự sáng chế chữ Quốc ngữ”, Ngôn ngữ, số 4 (1994), 20-24. Viện Ngôn ngữ, Hoàng Tuệ tuyển tập, (Giáo dục, 2009), 214. 

18. Louvet, Cochinchine Religieuse, Saigon, 1885, 2 tomes, 226; Hồng Lam, Lịch sử đạo Thiên Chúa ở Việt Nam, (Huế, 1944), 106; Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, (Sài Gòn, 1959), 39. Dẫn theo Trương Bá Cần, Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam, tập I, (Tôn giáo, 2008), 26. 

19. Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, (Sài Gòn, 1959), 39. Marcos Gispert Op, Historia de las Misiones Dominicanas en TungKin, (Avila 1928), 13, còn nói: “Đây là hai vị tử đạo công giáo đầu tiên trên đất nước Việt Nam”. 

20. Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc ngữ (1620 - 1659), (Sài Gòn: Tủ sách Ra Khơi, 1972), 21. 

21. Busomi (Buzomi, Buzome, Buzoma) là linh mục đầu tiên của phái đoàn đã đặt chân lên bờ ở Đà Nẵng ngày 18.1.1615. Francesco Buzomi đến nước ta từ năm 1615 đến năm 1639. 

22, 23, 25, 28 “Những người Âu đã thấy Huế xưa: Cristoforo Borri”, Tựa của L.Cadière, trong cuốn Những người bạn cố đô Huế, tập XVIII, năm 1931 (Nguyễn Cửu Sà dịch), (Thuận Hóa, 2003), 419-420, 333, 335, 332. 

24, Cristoforo Borri, Relation de la Cochinchine, (Lelle, 1631), 152, 98. Dẫn theo: Nguyễn Đình Đầu, “Dinh trấn Quảng Nam với sự sáng tạo chữ Quốc ngữ”, Xưa Nay, Số 124 (9/2002). 

25. Sở VHTT Quảng Nam, Danh xưng Quảng Nam, Kỷ yếu Hội thảo, Tam Kỳ 9.2001, 112. 

Xem thêm: Nguyễn Phước Tương, Hội An - Thanh Chiêm và sự ra đời chữ Quốc ngữ. 

26. Tức Quảng Nam. Quảng Nam hay Thanh Chiêm còn được người ngoại quốc thời đó gọi là Cac-ciam hay Dinh Ciam. 

29. Xem thêm: Nguyễn Văn Biểu, “Đất Bình Định trong tiến trình lịch sử chữ Quốc ngữ”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Bình Định với chữ Quốc ngữ do Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định tổ chức ngày 13.01.2016, 220-226. 

30. Cristoforo Borri, Relation de la Cochinchine, (Lelle, 1631), 152, 98; L.Bonifacy, Bulletin des Amis du Vieux Huế (BAVH), 1931, 338. Dẫn theo Trương Bá Cần, Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam, tập I, (Tôn giáo, 2008), 37. 

31, 37 Phan Phát Huồn, Việt Nam giáo sử, quyển I (1533-1933), In lần thứ hai, (Sài Gòn: Cứu thế tùng thư, 1965), 57, 59-60. 

32. Alexandre de Rhodes, Từ điển Annam - Lusitan - Latinh (Từ điển Việt - Bồ - La), Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính dịch, (Hà Nội: Khoa học Xã hội, 1991), 3. 

33, 34 Phạm Văn Sơn (chủ biên), Lê Văn Bân, Quân dân Việt Nam chống Tây xâm (1847- 1945), (Sài Gòn, 1971), 26. 

35. Được Chappoulie dịch sang tiếng Pháp. Nhan đề tiếng Việt là Phép giảng tám ngày. 

36. Lê Thành Khôi, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, (Nguyễn Nghị dịch, Nguyễn Thừa Hỷ hiệu đính), (Thế giới, 2014), 337-338. 

38. GS. Phan Huy Lê, Tổng kết hội thảo khoa học Bình Định với chữ Quốc ngữ, do Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định tổ chức ngày 13.01.2016. 

39. PGS.TSKH. Lý Toàn Thắng, “Mấy suy nghĩ bước đầu về vai trò của tiếng Quảng Nam” trong việc hình thành chữ Quốc ngữ trong cuốn Vai trò lịch sử dinh trấn Quảng Nam, 328. 

40. Xem thêm: Nguyễn Văn Biểu, “Vài nét về quá trình hình thành và phổ biến chữ Quốc ngữ ở Việt Nam”, tham luận Hội thảo khoa học Quốc gia Chữ Quốc ngữ: Quá trình hình thành, phát triển và những đóng góp vào văn hóa Việt Nam, Tổ chức tại Phú Yên ngày 3.10.2015.

MỐI QUAN HỆ TRỤC VĂN HÓA SÔNG THU BỒN
THANH CHIÊM - CẢNG THỊ HỘI AN 
CHO RA ĐỜI CHỮ QUỐC NGỮ?

Phạm Ngọc Sinh

Có thể ví von rằng: chữ Quốc ngữ ra đời bởi sự “bén duyên lịch sử” của trục văn hóa dòng sông Thu và cũng là sản phẩm của miền yết hầu Thuận - Quảng tại Thanh Chiêm; hay có thể nói là tổng của phép cộng: sông Thu Bồn, dinh trấn Thanh Chiêm và cảng thị Hội An trong thế kỷ XVII và XVIII. 

* Khởi nguồn là dòng sông văn hóa Thu Bồn 

Văn minh người Việt là văn minh lúa nước. Việc quần cư, tụ cư, phát triển thành thị đều mang dấu ấn sông nước - khởi nguồn của sự sống và phát triển. Lần theo dấu vết cha ông xưa, cố GS. Trần Quốc Vượng cho rằng: Việt Trì (và vùng chung quanh, ta gọi là Đất Tổ) là đô thị cổ nhất ở Bắc Việt Nam, nó xuất hiện khoảng thế kỷ thứ VII trước Công nguyên (TCN) với thời đại các vua Hùng, thời đại mở nước của Việt Nam. Với thời đại Đông Sơn (đồng thau và sắt sớm) phát triển rực rỡ trong suốt thiên niên kỷ I TCN, văn hóa lúa nước đã phát triển mạnh nhất và sớm nhất Đông Nam Á xuống miền châu thổ sông Hồng, cho tới tận miền ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.1 Tương truyền Hùng Vương ngay từ ngày đầu dựng nước đã chọn ngã ba sông Bạch Hạc (khu vực thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ ngày nay) làm địa điểm xây dựng kinh đô Văn Lang.2 

Thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của Đông Hán, chiếm thành Cổ Loa làm bàn đạp tấn công giải phóng Luy Lâu, giành lại nền độc lập, chọn Mê Linh, ngay bên bờ sông Hồng làm đất đóng đô. Và, thời kỳ dài sau đó, kể cả kinh đô của Vạn Xuân cho đến thời kỳ độc lập cũng đều liên quan đến sông/nước. 

Thời Ngô Quyền, sau chiến thắng Bạch Đằng đã ra sức nâng tầm Cổ Loa thành kinh đô của một quốc gia độc lập. Sau nhà Ngô, nhà Đinh lên lập quốc, do thế chưa mạnh, miền châu thổ sông Hồng phức tạp, lại bị nhà Tống lăm le xâm lấn, nên chọn Hoa Lư (nay thuộc địa phận xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), được bao bọc bởi hệ thống núi đá vôi khá hiểm trở làm kinh đô. Nơi đây là một tụ điểm cư dân ở vào vị trí yết hầu trên trục đường Nam - Bắc, liền sông và không xa biển. 

Lý Công Uẩn, người sáng lập triều Lý, đã thể hiện một cách tuyệt vời tầm nhìn xuyên thấu không gian, xuyên suốt thời gian khi giải thích: “Thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng đất này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh”, nên đã dời đô từ Hoa Lư về Đại La bên bờ sông Hồng và đổi tên kinh đô là Thăng Long (1010). 

Các kinh đô/đô thị xưa của người Việt đều chọn xây dựng dọc theo vùng đất ven sông, mà dấu tích của nó phát triển đến tận bây giờ. Với sông Thu Bồn cũng vậy, chúa Tiên Nguyễn Hoàng chọn để tính nghiệp lâu dài, vạn đại dung thân, nên xây dựng dinh trấn Thanh Chiêm. 

Sông Thu Bồn, trong sách xưa gọi là Bồn Khúc.3 Danh xưng Thu Bồn có nhiều lý giải khác nhau. Tác giả Nguyễn Sinh Duy cho rằng Thu Bồn (秋湓) có nghĩa “sông nước mùa thu” hay “nước mùa thu sông Bồn” với dẫn dụng bài thơ Thu Bồn dạ bạc ( 湓夜泊) của vua Lê Thánh Tông khi đến vùng đất này và ắt hẳn ngự bên bờ sông Thu Bồn, tại Thanh Chiêm, mà phóng bút: 

遠別神京憶去年 

湓江今有載吟船 

(Viễn biệt thần kinh ức khứ niên 

Bồn giang kim hữu tải ngâm thuyền) 

Dịch thơ: 

Một năm xa cách kinh đô 

Thu Bồn nay đón khách thơ đậu thuyền. 

(Đinh Bá Truyền dịch - 2010) 

Đây là bài thơ cổ hay về Thu Bồn. Tuy nhiên, trong bộ Đồng Khánh địa dư chí biên soạn vào cuối thời Nguyễn, tên sông Thu Bồn và xã Thu Bồn viết bằng chữ Hán đều chép là 秋盆, chữ (Bồn) không có bộ (thủy). Quyển 13 bộ Giá Viên toàn tập của Phạm Phú Thứ có 3 lần viết tên Thu Bồn và 1 lần viết tên Bồn Giang, đều viết chữ (Bồn) không có bộ (thủy). Phải chăng, dòng sông này xa xưa có tên khác, mà người đời sau đã ký tự lại? 

Lần theo các bài thơ của nhà vua (Lê Thánh Tôn) trong đợt thân chinh nói trên, mà suy địa danh Thu Bồn có thể là ký âm từ chữ “sumut drak” của ngôn ngữ Chăm, viết bằng tiếng Sanskrit là “samudra”, “sumut drak”, hay “sumutdrak”, có nghĩa là “biển”, “bờ biển”. Từ ngữ này từ sớm đã có mặt trong tác phẩm sử thi của người Chăm còn lưu giữ đến ngày nay. Xét địa hình của vùng sông Thu Bồn từ thế kỷ XV về trước, nơi đây có lẽ cũng là một vùng sông nước mênh mông như “biển”. Chỉ có hiểu “Thu Bồn” với nghĩa tiếng Chăm “sumut drak” là “cửa biển”, là “đại dương” thì mới thấy hết được vẻ như Nguyễn Sinh Duy viết: “hùng vĩ, đẹp đẽ, uyên áo thay một danh xưng sông nước làng xã quê hương Quảng Nam”. 

Khởi nguyên sông Thu Bồn là từ những dòng suối nhỏ chảy qua các cánh rừng ngào ngạt hương quế, hương cau và loài sâm quý Ngọc Linh trên đỉnh núi Ngọc Linh cao hơn 2.500 m, giữa đại ngàn Trường Sơn, giáp ranh Quảng Nam - Kon Tum. Qua chặng đường dài gần 200 km, sau nhiều lần thay đổi tên gọi, khi ôm lấy vùng đất Điện Bàn, qua Cầu Mống, xuôi cửa Đại, có tên gọi Thu Bồn. 

Trong lịch sử, sông Thu Bồn là con đường giao thương, trao đổi buôn bán giữa miền xuôi và miền ngược Quảng Nam. Trong cuốn Vương quốc Champa (1828) của nhà sử học người Pháp G.Maspero thì: Thu Bồn có vị trí quan trọng của xứ Amaravati, là con đường muối, con đường tiêu, hương quế,… tuyến giao thông huyết mạch trong vùng. Chính sự giao thương này mà hình thành nhiều làng chài, xóm vạn, chợ nằm dọc các vùng quê sông nước. Một trong những nơi sầm uất một thời là Chợ Củi. 

Sông Thu Bồn là dòng chảy lịch sử, văn hóa, tâm linh. 

Khởi nguồn là sông Thu Bồn, yếu tố tự nhiên quan trọng, quyết định để chúa Tiên Nguyễn Hoàng cho xây dựng dinh trấn tại Thanh Chiêm. Một yếu tố rất quan trọng nữa là: sông Thu Bồn là nơi cung cấp nguồn hàng quyết định cho sự thịnh vượng cho cảng thị Hội An. 

* Dinh trấn Thanh Chiêm - “Cựu đô” bên dòng sông Thu 

Văn bia làng Thanh Chiêm (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) khắc ghi: 

“Xứ Thanh Chiêm xưa là dinh trấn 

Hậu cần cho chúa Nguyễn khai cơ 

Đất Phương Nam cò bay thẳng cánh 

Phố sông Hoài thuyền đậu buồm giăng 

Cũng do từ Thanh Chiêm khởi phát,…” 

Từ trong lịch sử, nhà nước Lâm Ấp, hay còn gọi là Hoàn Vương, tồn tại đến vương triều thứ 5 - vương triều Panduranga (758 - 854). Sau khi Vikrantavarman II mất vào năm 854, vương triều lục đục, xảy ra tranh chấp. Năm 859, vương tôn là Laksmindra Bhumisvara Gramasvamin do “dày công tu luyện, do sức mạnh của trí tuệ trong sáng” lên ngôi, lấy niên hiệu là Indravarman II. Nhà vua sử dụng quốc hiệu là Campapura, hay Campa4 để tôn vinh đất nước. Campa là một loại cây cổ có hoa trắng, nhụy vàng, hương rất thơm.5 Phải chăng, đó là ý định của nhà vua để đặt cho vùng đất trù phú này. 

Nhà nước Lâm Ấp và Champa sau này đều chọn không gian phát triển theo mô hình tam giác tâm linh - chính trị - kinh tế dọc hạ lưu sông Kraun Sinhapura - sông Thiêng Thu Bồn. Trong tam giác ấy, thành Campapura (Thanh Chiêm) - nơi mà thế kỷ thứ IV, trong sách Thủy kinh chú tác giả Lịch Đạo Nguyên (? - 527) gọi nó bằng cái tên Điểm Xung - nằm khúc cuối tả ngạn dòng sông.6 Có lẽ đó là điểm quan trọng, tương tác của sự phát triển thời kỳ này, hay nói cách khác, chính điểm nó có ý nghĩa quyết định phát triển. 

Từ năm 1471, quá trình di dân của người Việt vào xứ Quảng ngày càng đông đảo. Thời kỳ nội chiến Nam (Lê - Trịnh) - Bắc (Mạc) triều, miền đất Quảng Nam thường mất ổn định, là địa bản giành đi, giật lại của thế lực này. Tháng 11 năm 1558, Trịnh Kiểm dâng sớ cử Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa và Đô đốc Trấn Quận công Bùi Tá Hán (1544 - 1568), rồi sau là Nguyên Quận công Nguyễn Bá Quỳnh (1568 - 1569) làm trấn thủ Quảng Nam. Năm Canh Ngọ (1570), Trịnh Kiểm dâng sớ vua Lê cho Nguyễn Hoàng trấn Thuận Hóa, Quảng Nam; rút Nguyễn Bá Quỳnh về. 

Sự kiện chúa Tiên vào Quảng Nam được sử chép rằng: Sau khi Trịnh Kiểm sát hại anh ruột Long Quốc công Nguyễn Uông để thâu tóm quyền lực, Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng sợ mình cũng có thể bị hãm hại nên đã sai người tâm phúc đến tìm Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm, thường được gọi là Trạng Trình, lúc đó đã về an trí ở Hải Dương, để hỏi kế giữ thân. Trạng Trình chỉ viết tám chữ “Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân’ (một dải núi Đèo Ngang, muôn đời nương thân) gửi cho Nguyễn Hoàng, khuyên ông rời Đàng Ngoài để tránh họ Trịnh. 

Với tầm nhìn chiến lược cho muôn đời sau, năm 1602, Nguyễn Hoàng mới có điều kiện đi thị sát, tuy lần đầu nhưng cũng là lần cuối trước khi đưa ra quyết định chính thức về vị thế lịch sử của mảnh đất mà từ lâu “Chúa đã để ý đến”. Đứng trước Hải Vân quan hùng vĩ, chúa khen rằng ‘chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận - Quảng” và còn “khen mãi, cho là nơi cảnh đẹp núi kỳ”. Từ đó, chúa Nguyễn Hoàng quyết định lập Hành Điện tại xã Cần Húc (Duy Xuyên), sau dời về Thanh Chiêm (Điện Bàn), tiến hành xây dựng doanh trại, thiết lập kho tàng, chứa lương thực, quân trang... thường gọi là dinh trấn Thanh Chiêm, giao cho con trai thứ sáu là Công tử Nguyễn Phúc Nguyên trấn giữ. Cùng với việc lập dinh trấn Quảng Nam, năm 1604, tách huyện Điện Bàn ra khỏi trấn Thuận Hóa, thăng lên thành phủ và nhập về Quảng Nam. 

Năm 1612, trước ngày lâm chung, chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã để lại lời trăn trối, có đoạn viết: “Đất Thuận Quảng phía Bắc có núi Hoành Sơn, sông Linh Giang hiểm trở, phía Nam có núi Hải Vân, núi Thạch Bi vững bền, núi sinh vàng sắt, bể có cá, muối, thật là đất dụng võ của những kẻ tranh hùng. Nếu biết dạy dân, luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng sự nghiệp muôn đời. Nếu thế lực không địch được thì cố giữ đất đai để đợi thời cơ, chứ đừng bỏ hỏng lời dặn của ta”. 7 

Dinh trấn Thanh Chiêm ra đời là sự khởi đầu quan trọng và mang tính quyết định trong toàn bộ quá trình mở mang lãnh thổ cũng như phát triển hưng thịnh về kinh tế, văn hóa, xã hội, đô thị, quân sự, ngoại giao của xứ Đàng Trong, nhất là trong hơn hai thế kỷ (XVII - XVIII) của 9 đời chúa. Nơi đây, đã chứng tỏ là một vị trí chiến lược quan trọng, gánh vác sứ mệnh lịch sử của Quảng Nam. 

Dinh trấn Thanh Chiêm được coi là thủ phủ thứ hai ở Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn. Vua Gia Long nhận định Thanh Chiêm là “cựu đô” (kinh đô xưa). Dưới thời các chúa Nguyễn, Thanh Chiêm là nơi thực tập, tập sự việc quản lý, điều hành đất nước của các “thế tử”; nơi thực thi chính sách mở cửa, đường lối có tính chất thân dân. Về đối ngoại, chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho phép các thương nhân Nhật Bản và Trung Hoa được mua đất, lập khu phố Nhật và khu phố Hoa ở Cẩm Phô, Thanh Hà (Hội An), mở rộng giao lưu với bên ngoài. Nói như ngôn ngữ ngày nay, chúa Nguyễn đã có tư duy mở, kinh tế mở - nhằm hội nhập sâu rộng đến phát triển đất nước - như là chính sách mở cửa lần thứ nhất của Việt Nam ở miền Nam ngày nay. 

Dinh trấn được thiết lập bên bờ sông lớn nhất trong vùng, nối biển Đông với Trường Sơn theo chiều Đông - Tây, cách cửa Đại 6 dặm, khoảng 9 km, lại nằm trên trục đường thiên lý Bắc - Nam, do đó rất thuận lợi cả hai mặt giao thông thủy và bộ. Trong thực tế, nơi đây từng là một căn cứ thủy quân hùng mạnh. Lực lượng hải quân ở đây đã góp phần vào trận chiến thắng hạm đội Hà Lan năm 1644, do Dũng Lễ hầu Nguyễn Phúc Tần (sau này là Hiền vương) chỉ huy. Dinh trấn Thanh Chiêm cũng là nơi đặt cơ sở hậu cần vững chãi nhất của quân lực Đàng Trong, nhờ đó mà đánh bại được 7 cuộc tấn công quy mô của quân Trịnh (vào các năm 1627, 1633, 1643, 1648, 1660, 1661 và 1672). 

Dinh trấn Quảng Nam, hay còn gọi là Thanh Chiêm, người phương Tây gọi là Cac-ciam, hay Dinh ciam - Dinh Chiêm, Kẻ Chiêm, Kẻ Chàm - nằm bờ bắc sông Thu Bồn, hội đủ các điều kiện về giao thông quyết định đến sự phát triển hưng thịnh của Hội An. 

* Cảng thị Hội An - Khu kinh tế mở đầu tiên của Đàng Trong 

Cảng thị Hội An là cảng thị ngã ba sông, nơi gặp nhau của sông Thu, sông Trường Giang và Lộ Cảnh Giang (Cổ Cò) trước khi đổ ra Đại Chiêm Hải Khẩu/ cửa Đại, với bức bình phong án ngữ làm tiền đồn là Chiêm Bất Lao/ Tiêm Bích La/ Cù Lao Chàm mà các nhà truyền giáo, được ghi theo mẫu tự Latinh là Pulociam, Pulaucham hay Polochiam - điểm dừng chân trên “con đường tơ lụa”, “con đường gốm sứ” của biển Đông. Nói rộng ra, vùng Hội An xưa (bao gồm cả Thanh Chiêm) là vùng đất ngã ba sông - yếu tố có tính chất truyền thống về phát triển kinh đô/đô thị của người Việt. 

Nhìn rộng hơn, cảng thị Hội An phát triển trong bối cảnh toàn cầu là chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ, muốn vươn ra tìm kiếm thị trường phương Đông. Đó là lý do, từ giữa thế kỷ XVI, thương nhân Bồ Đào Nha đã đến Hội An.8 Từ đó, Hội An trở thành địa chỉ thương mại hấp dẫn thời bấy giờ. 

Sự phát triển thịnh đạt, thăng hoa của Hội An phố (Faifo) trong các thế kỷ XVII và XVIII - trở thành một cảng thị vào loại sầm uất của cả vùng Đông Nam Á thời ấy chính là được quyết định bởi những chính sách, sự điều hành của dinh trấn Thanh Chiêm - trung tâm hành chính lớn nhất của trấn Quảng Nam, như: chính sách “trú đông”, “lưu đông” hay cho thương nhân nước ngoài cư trú vô thời hạn, được dựng làng, lập phố có chế độ “tự quản riêng”, như trường hợp “Phố Hoa”, “Phố Nhật” ở Hội An. Tất cả xuất phát từ trung tâm hành chính tại dinh trấn Thanh Chiêm với cơ chế đặc biệt. 

Trong khoảng thời gian từ 1604 đến 1634, số thương thuyền Nhật đến Hội An chiếm tới một phần tư số thương thuyền Nhật cập bến các nước Đông Nam Á; tổ chức hội chợ quốc tế theo gió mùa hàng năm, thiết lập thương điếm của nước ngoài; chính sách thuế khóa trong xuất nhập hàng hóa. 

Trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn đã ca ngợi xứ Quảng là nơi sản vật hết sức dồi dào vào loại bậc nhất cả nước: “Thuận Hóa không có nhiều của cải, đều lấy từ Quảng Nam, vì xứ Quảng Nam là đất phì nhiêu nhất thiên hạ. Người Thăng Hoa, Điện Bàn biết dệt vải, lụa vóc đoạn lĩnh là, hoa màu khéo đẹp chẳng kém Quảng Đông, ruộng đồng rộng rãi, gạo lúa tốt đẹp, trầm hương, tốc hương, sừng tê, ngà voi, vàng bạc, đồi mồi, trai ốc, bông, sáp, đường, mật, dầu sơn, cau, hồ tiêu, cá, muối, gỗ lạt đều sản xuất ở đấy”. Những ý kiến ca ngợi về sự giàu có, tài nguyên phong phú, sản phẩm hàng hóa đa dạng của Quảng Nam trong các tác phẩm của Thích Đại Sán, Phan Huy Chú,… hay trong các ký sự của lái buôn phương Tây chủ yếu là nói về giai đoạn này. 

Chẳng phải ngẫu nhiên mà vùng đất Quảng Nam được các nhà truyền giáo và thương nhân nước ngoài gọi là “Quảng Nam quốc” (nước Quảng Nam). Sự phát triển rực rỡ chính sách kinh tế mở, thu hút các nhà buôn, nhà truyền giáo phương Tây đến Hội An - đến nước Quảng Nam. 

* Và sự hình thành chữ Quốc ngữ 

Sự hội tụ các yếu tố tự nhiên là nguồn gốc để phát triển cả về văn hóa. Theo cố GS. Trần Quốc Vượng - nhà Quảng Nam học, thì vai trò của cửa Đại Chiêm là một trong những thành tố hình thành tiểu quốc Amaravati gồm Núi Thiêng (Mahaparvata) - Hòn Đền (Mỹ Sơn), Đất Thiêng (Mỹ Sơn), Sông Thiêng (Thu Bồn), Thành phố Thiêng (Simhapura), Cửa biển Thiêng (Đại Chiêm) và Cù lao Thiêng (Cù Lao Chàm). Sông Thu Bồn còn được biết đến như hiện thân của nữ thần Ganga, vợ thần Siva. 

Lẽ thường tình, trong giao tiếp về kinh tế, Hội An không những đóng vai trò là cửa ngõ mậu dịch đối ngoại, mà còn là một trung tâm giao tiếp văn hóa qua suốt nhiều thế kỷ. Sau sự xuất hiện thương nhân là sự xuất hiện các giáo sĩ Dòng Tên (Jesnites). 

Hội An - Thanh Chiêm là nơi du nhập đạo Thiên Chúa sớm nhất Đàng Trong, vào đầu thế kỷ XVII. Các giáo sĩ như Francesco Buzomi, Francisco de Pina, Cristoforo Borri, Alexandre de Rhodes đều đến truyền giáo ở vùng này. Tại Hội An và Thanh Chiêm, từ năm 1621 đến 1625, linh mục Francisco de Pina đã học tiếng Việt, truyền đạo bằng tiếng Việt và dạy cho hai giáo sĩ là Alexandre de Rhodes, người Pháp và Antonio de Fontes, người Bồ Đào Nha. Đến 1625, gần dinh trấn Thanh Chiêm mới xây dựng nhà thờ và giáo sĩ Francisco de Pina là Bề trên và là thầy dạy cùng các giáo sĩ và học trò đã sống, truyền giáo ở đây khoảng một năm. Giáo sĩ Francisco de Pina là người được các đồng nghiệp đánh giá là người bắt tay vào học tiếng Việt sớm nhất, say mê nhất và cũng là người tinh thông tiếng Việt nhất, bởi vì theo ông, chỉ khi nào nắm vững được ngôn ngữ địa phương thì việc thuyết giảng giáo lý cho người bản địa mới thu được kết quả tốt nhất. Do đó, ông đã dùng tiếng nói của người dân vùng dinh trấn Thanh Chiêm làm đối tượng nghiên cứu về ngữ âm để Latinh hóa tiếng Việt trong phát minh chữ Quốc ngữ đầu tiên tại đây. Francisco de Pina cũng đồng thời viết hai tài liệu giảng dạy Phương pháp Latinh hóa tiếng Việt và Ngữ pháp tiếng Việt. 

Năm 2006, PGS.TSKH. Lý Toàn Thắng và nhóm nghiên cứu tại Viện Ngôn ngữ học đã khẳng định: Ngày 18.01.1615, một giáo đoàn Dòng Tên gồm: linh mục Francesco Buzomi (người Ý) và linh mục Diego Carvalho (người Bồ Đào Nha) đến cửa Hàn (Đà Nẵng), sau đó đến Hội An truyền giáo và năm ấy rửa tội cho 10 tín đồ đầu tiên tại đây. Vì thế, năm 1615 được xem là năm đầu tiên của giai đoạn mở đạo chính thức của giáo hội Công giáo ở Đàng Trong nói riêng và Việt Nam nói chung. Đến năm 1617, có thêm linh mục Francisco Barreto và Francisco de Pina; rồi năm 1618, có linh mục Pedro Marquez (người Bồ Đào Nha) và Cristoforo Borri (người Ý) vào Đàng Trong. Vào khoảng 1623, giáo đoàn xây một nhà thờ Hội An. Sau đó, năm 1625, xây thêm một nhà thờ tại Thanh Chiêm. Như vậy, đến năm 1625, có ba trung tâm truyền giáo ở Đàng Trong là Hội An, Thanh Chiêm và Nước Mặn. Ở Thanh Chiêm, có “linh mục F. de Pina, người rất giỏi tiếng Việt, là Cha bề trên và thầy dạy, và A. de Rhodes và A. de Fontes là cấp dưới và là học trò”. 9 

Trước đó, tháng 9.2001, tại diễn đàn khoa học về Danh xưng Quảng Nam, nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương nhấn mạnh rằng: Francisco de Pina mới là nhà tiên phong sáng tạo chữ Quốc ngữ. Tự bạch của giáo sĩ Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) trong “Ad Lectorem” (Cùng độc giả) cuốn Từ điển Việt - Bồ - La, ghi rằng: ông học tiếng Việt lúc đầu với giáo sĩ F. de Pina. Bên cạnh đó, tác giả dẫn luận các nghiên cứu của nhà ngôn ngữ học Pháp Roland Jacques cho nhận định của mình: “Qua sự so sánh có hệ thống việc mô tả bộ chữ cái Việt Nam thực hiện bởi văn bản này và văn bản kia, như vậy sẽ trở nên có thể nhận định được rõ ràng hơn rằng Alexandre de Rhodes đã chịu ơn các vị tiền bối của mình và ngược lại, có sự đóng góp tài năng của bản thân ông”. 

Đồng quan điểm trên, trong cuốn sách về Công trạng của nước Pháp ở Đông Dương (năm 1955), tác giả người Pháp Georges Taboulet cũng khẳng định: “Việc phiên âm tiếng Việt bằng chữ Latinh điểm thêm các dấu quy ước, là một công lao tập thể mà sự đóng góp chủ yếu của các linh mục Francisco de Pina, Cristoforo Borri, Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa, còn linh mục Alexandre de Rhodes thì có công hệ thống hóa, chỉnh lý và phổ biến văn tự này...”. 

Với những nghiên cứu như vậy, có thể kết luận: sâu xa từ nền văn hóa lúa nước, chúa Tiên Nguyễn Hoàng chọn vùng đất Thanh Chiêm - Hội An, ngay ngã ba sông Thu Bồn, Trường Giang và Lộ Cảnh Giang (Cổ Cò) của miền yết hầu Thuận Quảng để vạn đại dung thân. Rồi từ đó, thực thi chính sách kinh tế mở cửa, làm nên một đô hội cảng thị sầm uất bậc nhất lúc bấy giờ. Đó là cơ sở và cũng là yếu tố quyết định đến hội nhập về kinh tế, kéo theo là văn hóa, mà điều kỳ diệu nhất là việc hình thành chữ Quốc ngữ, bởi các linh mục Dòng Tên. 

Chính vì thế, mà Thanh Chiêm là nơi đầu tiên sáng tạo chữ Quốc ngữ - tiếng Việt của chúng ta, bởi linh mục Francisco de Pina và các học trò của linh mục. Sau khi linh mục bị tai nạn chết ở biển Cửa Đại vào tháng 12.162510, linh mục bị Đàng Ngoài trục xuất là Alexandre de Rhodes đã vào đến Thanh Chiêm và tiếp tục công trình của linh mục Francisco de Pina, biên soạn thành Từ điển Việt - Bồ - La. 

Alexandre de Rhodes không phải là cha đẻ tiếng Việt, mà chính là linh mục Cha bề trên Francisco de Pina. Điều này, được chính Alexandre de Rhodes công khai thừa nhận trong trong “Ad Lectorem” (Cùng độc giả) của cuốn tự điển bằng 3 thứ tiếng Việt - Bồ - La, in năm 1651, được các linh mục Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính dịch ra Quốc ngữ (Nxb Khoa học xã hội ấn hành). Trong đó có đoạn viết: “Ngay từ đầu tôi đã học với cha Francisco de Pina người Bồ Đào Nha, thuộc Hội dòng Giê-su nhỏ bé chúng tôi, là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn…”. 

Có thể khẳng định: Không có sông Thu Bồn để làm nên dinh trấn Thanh Chiêm theo truyền thống đô thị/kinh đô văn hóa Việt và cảng thị Hội An với những điều kiện riêng có để làm nên một thời kỳ phồn thịnh với cơ chế mở cửa, mà ngày nay gọi là hội nhập về kinh tế, thì sẽ chẳng có con thuyền của các quốc gia phương Tây, Nhật Bản, Trung Quốc đến với Đàng Trong; và cũng chẳng có vị linh mục Dòng Tên nào đến vùng đất này.
Cội nguồn đó cho chúng ta lời giải về Thanh Chiêm (mà thời kỳ đó, nói rộng ra là cả Hội An) là nơi đầu tiên làm nên chữ Quốc ngữ. 

Thiết nghĩ, tiếng Việt là di sản văn hóa rất to lớn của Việt Nam, cần ghi nhận và vinh danh những công lao sáng tạo nên nó. Dựng bia cấp Quốc gia tại Thanh Chiêm với sự ra đời chữ Quốc ngữ, tổ chức lễ hội chữ Quốc ngữ như là hình thức để quảng bá, vinh danh. 

Chợt nhớ câu thơ trong bài thơ Tiếng Việt xao lòng, rung rinh nhịp đập trái tim người của nhà thơ Lưu Quang Vũ: Ôi tiếng Việt, suốt đời tôi mắc nợ. 

Chú thích: 

1. GS. Trần Quốc Vượng, “Đô thị cổ Việt Nam”, http://www.vanhoahoc.vn/ 

2. GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, “Quá trình chọn kinh đô muôn đời của đất nước”, http:// quehuongonline.vn/ 

3. Dương Văn An, Ô châu cận lục, Hiệu đính, dịch chú Trần Đại Vinh, (Huế: Thuận Hóa và Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Bình, 2015), 66. 

4. Sử sách Trung Hoa phiên âm là Chang Cheng (phiên âm từ chữ Campapura, hay Campa), tiếng Việt là Chiêm Thành, hay Chiêm Bà, phương Tây gọi là Champa. 

5. Đề tài khoa học Những đặc trưng cơ bản của tiếng Quảng và vị trí của nó trong việc hình thành chữ Quốc ngữ, (Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam - Viện Ngôn ngữ học, 2006) 22-23. 

6. Dẫn theo: Đinh Bá Truyền, “Sông Thu Bồn”, https://m.facebook.com/

7. Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng Trong 1558 - 1777, (Sài Gòn: Khai Trí, 1969), 164. 

8. Dẫn theo PGS.TS. Đỗ Bang, Huế. 

9. Trích thư của linh mục Babird Matos gửi Cha bề trên ở Roma ngày 5.7.1625. Dẫn theo đề tài khoa học Những đặc trưng cơ bản của tiếng Quảng và vị trí của nó trong việc hình thành chữ Quốc ngữ, (Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam - Viện Ngôn ngữ học, 2006), 333. 

10. B. Thuyên, C.Bính, “Thăm nhà thờ công giáo đầu tiên tại Việt Nam”, Báo Dân Trí điện tử, 18.3.2014. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

1. Dương Văn An (2015). Ô châu cận lục. Hiệu đính - dịch chú Trần Đại Vinh. Huế: Thuận Hóa và Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Bình. 2. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam (2000). Từ Cảng thị Hội An xưa đến Khu kinh tế mở Chu Lai hôm nay. 

3. Đề tài khoa học Những đặc trưng cơ bản của tiếng Quảng và vị trí của nó trong việc hình thành chữ Quốc ngữ (2006). Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam - Viện Ngôn ngữ học.  

TÊN GỌI DINH TRẤN THANH CHIÊM?

Lê Thanh Hà

Vùng đất Quảng Nam trước đây được các nhà truyền giáo và các thương nhân nước ngoài gọi là “Quảng Nam quốc” (nước Quảng Nam), mà trong đó vai trò lịch sử của dinh trấn Thanh Chiêm đã góp phần quan trọng cho công cuộc mở cõi và giữ nước của tiền nhân trong thế kỷ XVII - XVIII. Dinh trấn Thanh Chiêm đã thật sự trở thành kinh đô thứ hai của xứ Đàng Trong. Tuy nhiên tên gọi dinh trấn Thanh Chiêm có từ bao giờ, ý nghĩa của tên gọi đó như thế nào, sự biến đổi qua các thời kỳ lịch sử như thế nào và tính chất lịch sử của dinh trấn Thanh Chiêm là những vấn đề cần được quan tâm, tìm hiểu nhiều hơn nữa. Bài viết này thông qua các cứ liệu lịch sử sẽ phần nào nghiên cứu các vấn đề trên. 

1. Tên gọi dinh trấn Thanh Chiêm xuất hiện từ khi nào? 

Dinh trấn Thanh Chiêm, nay ở làng Thanh Chiêm thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thanh Chiêm trước đây vốn là vùng đất thuộc Chiêm Động. Thanh Chiêm còn có nhiều tên gọi khác như là: Đại Chiêm, Kẻ Chiêm, Kẻ Chàm, Dinh Chiêm, Dinh Chàm hay Chiêm Thượng. Theo những cứ liệu lịch sử, vùng đất này là địa giới cuối của nước Đại Việt thời Lý - Trần. Đến thời nhà Hồ, tiếp tục cuộc mở đất, sách Đại Nam nhất thống chí cho biết: “Đời Hồ niêu hiệu Thiệu Thành thứ hai (1402) lấy đất Chiêm Động của người Chiêm chia làm châu Thăng và châu Hoa di dân đến ở, lập ra Thăng Hoa lộ An phủ”; sách Đại Nam nhất thống chí cũng có nói: “Sau chiến thắng Trà Bàn của vua Lê Thánh Tông năm 1471, đem đất Đại Chiêm đặt làm Quảng Nam Thừa Tuyên, biên giới nước Việt kéo dài đến núi Thạch Bi (Phú Yên)”. Đến năm 1558, Đoan Quận công Nguyễn Hoàng - con thứ hai của Nguyễn Kim được vua Lê cho vào trấn thủ trấn Thuận Hóa. Năm 1570, Nguyễn Hoàng được nhà vua cho kiêm lãnh trấn Quảng Nam. Năm 1602, chúa Tiên Nguyễn Hoàng thành lập dinh trấn Quảng Nam ban đầu tại xã Cần Húc, huyện Duy Xuyên sau dời về Thanh Chiêm huyện Điện Bàn. Việc này đã được Lê Quý Đôn ghi trong sách Phủ biên tạp lục: “Từ tuần Ải Vân đi đến dinh Quảng Nam, tục gọi là dinh Chiêm ở xã Cần Húc, huyện Duy Xuyên, không quá hai ngày…”. Còn trong sách Đại Nam thực lục thì chép: “Chúa Nguyễn Hoàng khen rằng nơi này là đất yết hầu của miền Thuận Quảng, liền vượt núi xem xét tình thế, dựng trấn dinh ở xã Cần Húc (thuộc huyện Duy Xuyên), xây kho tàng, chứa lương thực, lại sai Hoàng tử thứ sáu trấn giữ…”. Về địa danh Cần Húc thì ta có thể nhận định nó chỉ là lỵ sở tạm ban đầu, hành dinh tạm thời ban đầu để chúa Nguyễn Hoàng ở khi đến dinh Quảng Nam, sau đó lỵ sở chính dời về Thanh chiêm nên các nhà chép sử thời Nguyễn không nhắc nhiều đến Cần Húc nữa mà chỉ viết nhiều tới Thanh Chiêm thôi. 

Năm 1605, chúa Nguyễn Hoàng cho tách huyện Điện Bàn, lúc đó thuộc trấn Thuận Hóa, ra khỏi trấn này để nhập vào dinh Quảng Nam, thăng làm phủ Điện Bàn, gồm 5 huyện: Tân Phúc, An Nông, Hòa Vang, Diên Khánh và Phúc Châu. Cũng vào năm này, phủ Hoài Nhơn được đổi thành phủ Quy Nhơn, cũng trực thuộc Quảng Nam. Đây là một quyết định sáng suốt, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của chúa Nguyễn Hoàng. Chúa Nguyễn đã quan tâm tới vùng đất Quảng Nam nhiều tiềm năng mở rộng hơn, giao toàn quyền quyết định mọi việc cho dinh trấn Quảng Nam, tạo cho nó những điều kiện tốt nhất để phát triển thành một vùng đệm chiến lược cho Thuận Hóa, và đã chọn được một dinh trấn phù hợp để làm đại bản doanh cho cả vùng Đàng Trong, làm bàn đạp cho các vị chúa kế tiếp mở rộng cương vực lãnh thổ hơn nữa. Quyết định này không chỉ đem lại những thuận lợi lớn cho việc quản lý hành chính lãnh thổ, mà còn tạo những điều kiện quan trọng để kinh tế, xã hội, văn hóa của Đàng Trong phát triển vượt bậc, tạo nên một vùng đất thống nhất, phát triển từ đèo Hải Vân đến đèo Cù Mông và tiến xa hơn xuống phía Nam sau này. 

Từ năm 1771 đến năm 1802, các cuộc binh đao giữa chúa Nguyễn và Tây Sơn; Tây Sơn và Nguyễn Ánh, kéo dài khoảng 30 năm, khiến cho dinh trấn Thanh Chiêm bị hư hại nặng. Vì thế sau khi lên ngôi, Nguyễn Ánh - Gia Long đã tạm thời đặt lỵ sở của dinh Quảng Nam tại cảng thị Hội An. Tuy nhiên vùng đất Thanh Chiêm vẫn rất được các vua Nguyễn coi trọng. 

Năm 1803, vua Gia Long lại cho dời lỵ sở dinh Quảng Nam về Thanh Chiêm. Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (1806) có chép: “Dinh Quảng Nam phía Đông là biển lớn, phía Tây là dãy núi cao, phía Nam giáp với Quảng Ngãi ở Trì Bình, phía Bắc giáp với Quảng Đức ở Vân quan, là vùng núi non hiểm trở, đảo nhỏ bao quanh, đồng bằng rộng thoáng, xe thuyền quần tụ. Lỵ sở đóng trên đất Thanh Chiêm, huyện Diên Khánh thuộc phủ Điện Bàn. Dinh Quảng Nam quản lĩnh hai phủ, năm huyện… ”. Như vậy dưới triều Gia Long (1802 - 1820), dinh Quảng Nam đã bị thu hẹp diện tích, và chức năng hành chính chỉ có quyền của một tỉnh Quảng Nam, và lỵ sở của nó vẫn đặt tại Thanh Chiêm. 

Sách Đại Nam nhất thống chí có viết: “Khi mới dựng nghiệp, Chúa đã cho xây dinh trấn tại xã Thanh Chiêm, huyện Diên Phước, sau có loạn nên bỏ, đến buổi trung hưng, lại thu phục Quảng Nam, tạm lập dinh trấn tại phố Hội An. Đến năm Gia Long thứ 2 mới dời vào xây tại chỗ đất cũ Thanh Chiêm, đắp thành bằng đất. Đến năm Minh Mạng thứ 14 (1833) mới dời qua thành La Qua, huyện Diên Phước, Quảng Nam”. Lỵ sở mới này cách Thanh Chiêm khoảng 3 km về phía tây bắc, và thành La Qua này được xây bằng gạch. 

Như vậy, dinh trấn Thanh Chiêm, lỵ sở chính của dinh Quảng Nam tại xã Thanh Chiêm ngày nay chính là nơi mà các chúa Nguyễn cai quản từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, đã trở thành dinh trấn của vùng Quảng Nam. Sau đó, nó tiếp tục được duy trì với tư cách là dinh trấn Quảng Nam của triều Nguyễn, từ năm Gia Long thứ 2 đến năm Minh Mạng thứ 14 (1833). 

Dựa vào các tư liệu hiện còn tuy ta chưa biết chính xác năm ra đời của dinh trấn Thanh Chiêm nhưng ta có thể nhận định rằng sau khi đặt hành dinh tại Cần Húc không lâu sau đó do dinh trấn nằm gần bờ sông, có thể bị lụt, lún, lở đất nên Hoàng tử Nguyễn Phúc Nguyên đã dời lỵ sở vào xã Thanh Chiêm, gần hành dinh Cồn Húc, và kể từ việc đó Thanh Chiêm đã trở thành dinh trấn của cả vùng Quảng Nam và cả xứ Đàng Trong. 

2. Ý nghĩa tên gọi Thanh Chiêm và dinh trấn Thanh Chiêm 

Qua các thư tịch Hán Nôm còn lại, thì thời kỳ đầu, Thanh Chiêm chữ Hán là , trong đó Thanh là chữ trong từ 清平 (thanh bình) và Chiêm là chữ trong (Chiêm Thành), để chỉ người Chiêm, nước Chiêm hay Chàm (Champa). Và ý nghĩa của Thanh Chiêm (清占) khi đó là vùng đất Chiêm thanh bình, yên ổn. Về sau đến thời vua Nguyễn thì chữ (Chiêm) được thêm bộ (thủy) để trở thành (Triêm), tức là: nhuần, thấm, được nhờ sự tốt đẹp. Lúc này ý nghĩa của Thanh Triêm (清沾) đã trở thành vùng đất thanh bình yên ổn nhờ sự tốt đẹp nhuần thấm, cũng chính là nói lên công lao của vua Nguyễn với vùng đất này. 

Tuy sử sách, địa bạ, và văn bản từ thời Gia Long ghi là清沾 (Thanh Triêm), nhưng tập quán dân gian vẫn gọi là Thanh Chiêm. Điều này có thể hiểu như sau: Trên các văn bản hành chính, của triều đình thì tên Thanh Chiêm thời chúa Nguyễn khai mở vùng đất này thì ý nghĩa tên gọi của nó mang tính chất hành chính để nhắc đến sự việc khai mở đất đai của Đại Việt đối với Chiêm Thành, để tuyên dương công trạng, để giảm bớt sự đối kháng của Chiêm Thành đối với Đại Việt, ngăn ngừa mối nguy từ Chiêm Thành. Còn sang đến thời vua Nguyễn, mối lo từ Chiêm Thành không còn nữa, xứ Chiêm đã thay đổi, người Chiêm hoặc là di dời hoặc là đã hòa vào cuộc sống của người Việt nên chữ (Chiêm) trở thành (Triêm) mang ý nghĩa nhờ sự tốt đẹp nhuần thấm. Còn trong đời sống sinh hoạt người Thanh Chiêm vốn đã thành nếp sống lâu năm đã quen gọi là Thanh Chiêm thì tiếp tục gọi là Thanh Chiêm chứ không để ý nhiều đến vấn vương với việc mở cõi giữa Chiêm Thành và Đại Việt nữa nên tên gọi Thanh Chiêm vẫn được dùng thường xuyên cho đến tận ngày nay. 

3. Ý nghĩa lịch sử của dinh trấn Thanh Chiêm 

Dinh trấn Thanh Chiêm nằm bên bờ sông Sài Thị (sông Chợ Củi), một nhánh lớn của sông Thu Bồn. Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì: “nhánh sông này khi trước là nơi hợp lưu của cả ba nguồn: sông Thu Bồn, Chiên Đàn và Ô Du, chảy gần bên dinh trấn, vì thế dinh trấn có bến đậu tàu và có chợ buôn bán tấp nập, đông đúc…”. 

Về vị trí địa lý, dinh trấn Thanh Chiêm, nằm dọc đường thiên lý Bắc - Nam, rất thuận lợi về giao thông đến các miền vùng lân cận và cảng thị Hội An. Dinh trấn Thanh Chiêm trở thành dinh trấn của cả vùng Quảng Nam ra đời đã đem lại sự thuận lợi to lớn về quản lý hành chính, lãnh thổ, tạo điều kiện phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hóa của Quảng Nam và mang tính quyết định toàn bộ quá trình mở mang lãnh thổ của xứ Đàng Trong sau này. Dinh trấn Thanh Chiêm được coi là thủ phủ thứ hai của Đàng Trong, được chúa Nguyễn Hoàng cho cơ chế toàn quyền định đoạt mọi việc của dinh trấn, là nơi thực tập, đào luyện các thế tử, là nơi thực thi chính sách mở cửa với các điều kiện tối ưu nhằm xây dựng một hậu phương vững chắc làm bàn đạp mở rộng bờ cõi về phương Nam. Việc chọn Thanh Chiêm làm dinh trấn thể hiện cái nhìn chiến lược trên nhiều phương diện. 

Về chính trị, dinh trấn Thanh Chiêm được coi là thủ phủ thứ hai ở Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn; là nơi thực tập, đào luyện các thế tử, nơi thực thi chính sách mở cửa, đường lối có tính chất thân dân. Về mặt đối ngoại, chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho phép các thương nhân tự do buôn bán, mở rộng giao lưu với bên ngoài. 

Về quân sự, dinh trấn được thiết lập bên bờ sông lớn nhất trong vùng, cách Cửa Đại khoảng 10 km. Trong thực tế, nơi đây từng là một căn cứ thủy quân hùng mạnh; lực lượng ở đây đã góp phần vào trận chiến thắng hạm đội Hà Lan năm 1644 do Dũng Lễ hầu (sau này là Hiền Vương) chỉ huy. Dinh trấn Thanh Chiêm cũng là nơi đặt cơ sở hậu cần vững chãi nhất của quân đội Đàng Trong, nhờ đó mà đánh bại được 7 cuộc tấn công quy mô của quân Trịnh (vào các năm 1627, 1633, 1643, 1648, 1660, 1661, 1672). 

Về kinh tế, sự phát triển thịnh đạt của Hội An trong thế kỷ XVII và XVIII trở thành một cảng thị vào loại sầm uất của cả vùng Đông Nam Á thời ấy chính là được quyết định bởi những chính sách, sự điều hành của dinh trấn Thanh Chiêm - trung tâm hành chính lớn nhất của trấn Quảng Nam - như việc cho phép mua đất lập phố của ngoại kiều; lập xã Minh Hương; tổ chức hội chợ quốc tế theo gió mùa hàng năm, thiết lập thương điếm của nước ngoài; chính sách thuế khóa trong xuất nhập hàng hóa… 

Về văn hóa, vùng Thanh Chiêm không chỉ là một cửa ngõ mậu dịch đối ngoại, mà còn là một trung tâm giao tiếp văn hóa qua suốt nhiều thế kỷ. Thanh Chiêm là nơi du nhập đạo Thiên Chúa sớm nhất ở Đàng Trong. Các giáo sĩ như F. Buzomi, Francisco de Pina, Cristoforo Borri, Alexandre de Rhodes đều đến truyền giáo ở vùng này. Vùng Thanh Chiêm cũng là một trong những nơi khởi nguồn và hình thành chữ Quốc ngữ vào nửa cuối thế kỷ XVII. Đối với lịch sử mở đạo ở Đàng Trong với vai trò của các vị thừa sai Dòng Tên từ năm 1615, chúng ta thấy các vị truyền đạo này chủ yếu ở ba nơi là: Cửa Hàn (Đà Nẵng), Hội An - Thanh Chiêm (Quảng Nam) và Nước Mặn (Bình Định), theo cách nhìn hiện nay thì ba nơi này thuộc các tỉnh khác nhau, nhưng vào đầu thế kỷ XVII thì các địa danh này đều nằm trên một vùng đất chung, mà tạm gọi là xứ Đàng Trong, hay xứ Quảng bao gồm các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Trong đó tại Hội An và Thanh Chiêm, từ năm 1621 đến 1625, linh mục Francisco de Pina đã học tiếng Việt, truyền đạo bằng tiếng Việt và dạy cho hai giáo sĩ là Alexandre de Rhodes (người Pháp) và Antonio de Fontes (người Bồ Đào Nha). Francisco de Pina cũng đồng thời viết hai tài liệu giảng dạy Phương pháp Latinh hóa tiếng Việt và Ngữ pháp tiếng Việt. Francisco de Pina đã nhiều lần qua lại Hội An và Thanh Chiêm và ông nhận thấy tiếng nói ở dinh trấn Thanh Chiêm là hay nhất, nghiên cứu tiếng nói ở đây là thuận lợi nhất: “Kẻ Chiêm (tức Thanh Chiêm - nơi đặt dinh trấn) vẫn là nơi tốt nhất với tư cách là trung tâm của triều đình. Ở đây người ta nói rất hay, có sự đổ dồn của những người trẻ tuổi đến mà họ là những sĩ tử và bên họ, những ai bắt đầu học tiếng có thể tìm thấy mọi sự giúp đỡ”. Riêng Thanh Chiêm còn là nơi có trường học chữ Quốc ngữ đầu tiên, tại đây Francisco de Pina đã dạy tiếng Việt cho Alexandre de Rhodes và Antonio de Fontes với tư cách là bề trên và thầy giáo ở cư sở này. 

Với các cứ liệu lịch sử để lại thì Francisco de Pina là người Bồ Đào Nha đầu tiên tạo ra chữ Quốc ngữ tại Hội An và dinh Trấn Thanh Chiêm, Quảng Nam. Bởi lẽ giáo sĩ Francisco de Pina từ năm 1621 đến khi mất do tai nạn lật thuyền tại vùng biển Hội An (?) vào năm 1625, trong suốt bốn năm tại đây ông đã học, truyền đạo thông thạo bằng tiếng Việt và có những công trình sơ khai, đặt những viên gạch đầu tiên cho công trình văn hóa - chữ Quốc ngữ được Latinh hóa sau này. 4. Kết luận 

Qua những điều trình bày ở trên ta hoàn toàn kết luận được dinh trấn Thanh Chiêm đã thật sự trở thành lỵ sở hành chính trung tâm của cả vùng Quảng Nam và xứ Đàng Trong. Dinh trấn được toàn quyền điều hành, giải quyết các vấn đề trong xứ Đàng Trong (từ Quảng Nam trở vào phía Nam), là cơ sở đào luyện các đời chúa Nguyễn làm trấn thủ và điều hành chính sách; điều hành giao thương với nước ngoài phát triển phồn thịnh; là căn cứ quân sự hùng mạnh. Trong khoảng thời gian hơn 200 năm tồn tại, dinh trấn Thanh Chiêm luôn đóng vai trò chủ động lãnh đạo, cung cấp nhân lực, vật lực cho việc Nam tiến, mở rộng bờ cõi, để cho nước ta có được hình hài chữ S như đến ngày nay. 434 Xin được lấy các câu văn bia về dinh trấn Thanh Chiêm đã được dân làng dựng khắc nhân kỷ niệm 405 năm dinh trấn Thanh Chiêm để làm lời kết cho bài viết này: “Xứ Thanh Chiêm xưa là dinh trấn. Hậu cần cho chúa Nguyễn khai cơ. Đất phương Nam cò bay thẳng cánh. Phố sông Hoài thuyền đậu buồm giăng. Cũng do từ Thanh Chiêm khởi phát…”. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

1. Quốc sử quán triều Nguyễn (1962). Đại Nam thực lục tiền biên. Hà Nội: Sử học. 

2. Quốc sử quán triều Nguyễn (1964). Đại Nam nhất thống chí. Bản in đời Duy Tân, Nguyễn Tạo dịch. Sài Gòn: Nha Văn hóa - Bộ Quốc gia giáo dục. 

3. Lê Quý Đôn (1977). Lê Quý Đôn toàn tập. Tập I: Phủ biên tạp lục. Hà Nội: Khoa học xã hội. 

4. Phạm Đình Khiêm (1960). “Đi tìm địa điểm và di tích hai thành cổ Quảng Nam và Phú Yên đầu thế kỷ XVII”. Việt Nam khảo cổ tập san, Số 1. Sài Gòn: Bộ Quốc gia giáo dục. 

5. Phan Khoang (1970). Việt sử xứ Đàng Trong (1558 - 1777). Sài Gòn: Khai Trí. 

6. Phan Du (1974). Quảng Nam qua các thời đại. Quyển thượng. Đà Nẵng: Cổ học tùng thư. 

7. Vũ Lang (1973). Đây Quảng Nam. Đà Nẵng: Thời Mới. 

8. Li Tana (1999). Xứ Đàng Trong - Lịch sử kinh tế, xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII. Bản dịch của Nguyễn Nghị. Sài Gòn: Trẻ. 

9. Lý Toàn Thắng (Chủ nhiệm đề tài) (2006). Những đặc trưng cơ bản của tiếng Quảng Nam và vị trí của nó trong việc hình thành nên chữ Quốc ngữ. Quảng Nam. 

10. Roland Jacques (2007). Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học cho đến 1650. Hà Nội: Khoa học xã hội. VAI TRÒ CỦA DINH TRẤN THANH CHIÊM 
TRONG QUÁ TRÌNH RA ĐỜI CHỮ QUỐC NGỮ?

Thái Nguyễn Minh Quân

Mở đầu 

Trong lịch sử hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ ở nước ta, việc xác định nơi xuất phát, nơi khai sinh ra chữ Quốc ngữ ở đâu trên đất nước ta là điều rất cần thiết. Chúng ta học lịch sử, dù đi đâu hay về đâu cũng luôn nhớ về nguồn gốc của mình. Chữ Quốc ngữ cũng vậy. Tuy nhiên tại các buổi hội thảo gần đây (đầu năm 2016, ở Bình Định), các nhà khoa học tạm thống nhất rằng Nước Mặn là nơi khai sinh ra chữ Quốc ngữ. Đến giữa năm nay, một thông tin khác đã xác định: dinh trấn Thanh Chiêm là nơi ra đời của chữ Quốc ngữ. Vậy dinh trấn Thanh Chiêm ở đâu và nó có vị trí như thế nào ở vùng đất Đàng Trong thời chúa Nguyễn? Thanh Chiêm có vai trò như thế nào đối với quá trình ra đời của chữ Quốc ngữ - loại chữ thông dụng, phổ biến đối với nhân dân ta hiện nay? Đó là vấn đề, nhiệm vụ của người viết đặt ra trong bài viết này. 

Nội dung 

1. Dinh trấn Thanh Chiêm trong sự phát triển của Đàng Trong, sự hình thành chữ Quốc ngữ thời chúa Nguyễn 

Ngay sau khi người anh của mình là Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm giết chết, Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng theo lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (Một dãy Hoành Sơn có thể dung thân được muôn đời), quyết định xin vào trấn thủ vùng đất Thuận Hóa vào mùa đông, tháng 11.1558. Đến năm 1570, một cơ hội mới lại mở ra cho Nguyễn Hoàng - ông được vua Lê sắc phong làm Tổng trấn Thuận - Quảng, điều đó khẳng định sự làm chủ phương Nam của họ Nguyễn. Và rồi, đến năm 1600 khi đang dẹp quân Mạc ở ngoài Bắc thì Nguyễn Hoàng lại bỏ vào Nam. Năm 1602, Nguyễn Hoàng sai người con thứ 6 của ông là Nguyễn Phước Nguyên vào trấn thủ Quảng Nam vì đây là nơi “đất tốt dân đông, sản vật phong phú - yết hầu của Thuận Quảng”.1 Trấn thủ Quảng Nam ít lâu, Nguyễn Phước Nguyên cho xây dựng kho tàng, chùa Long Hưng và dinh thự… lập thành dinh trấn và dinh này lấy tên Thanh Chiêm. 

Thành lập vào đầu thế kỷ XVII, dinh trấn này được nhiều tài liệu gọi là Dinh Chiêm vì nó đóng trên địa bàn Thanh Chiêm. Trấn sở của dinh đặt ở sông Chợ Củi, hợp lưu của ba con sông Chiên Đàn, Ô Da và Thu Bồn. Từ sông Chợ Củi về hạ lưu vài chục mét thì chia thành 2 nhánh: một nhánh về Đà Nẵng (cửa Hàn), nhánh còn lại ra Hội An (cửa Đại Chiêm); rất tiện lợi cho giao thông đường thủy. Về tên gọi “Thanh Chiêm”, nó xuất hiện vào cùng thời điểm với dinh trấn được thành lập, được các nhà truyền giáo phương Tây gọi với nhiều tên khác nhau: Cacham (J. Ruiz, G. Luis - 1621), Cacciam (C. Borri, 1621), Dinh Cham (Gaspar Luis, 1626)… Mỗi giáo sĩ có một cách ghi khác nhau, chứng tỏ được vị trí quan trọng của dinh Thanh Chiêm trong sinh hoạt của họ; hơn nữa những cách ghi này là dấu hiệu, hình thức của chữ Quốc ngữ thời sơ khai. Do vị trí đặc biệt thuận lợi là nằm ở nơi giao nhau giữa các con sông lớn, dinh trấn Thanh Chiêm trở thành đầu mối phát triển kinh tế, văn hóa ở vùng Thuận - Quảng. Về kinh tế, vị trí thuận lợi đã tạo điều kiện để cư dân trao đổi, buôn bán với trong và ngoài nước. Tất cả các khách du lịch, thương nhân, giáo sĩ hay chính khách, muốn vào Thanh Chiêm phải qua cảng thị Đà Nẵng hoặc Hội An để vào, chịu sự giám sát của trấn thủ Quảng Nam. Giáo sĩ Cristoforo Borri đã viết: “người ta cập bến bằng hai cửa biển, một gọi là Turon (Đà Nẵng) và một gọi Pulluciambello (Hội An). Các cửa biển cách nhau chừng 3 hay 4 dặm, kế đó biển chia làm hai nhánh đi sâu vào đất liền chừng bảy tám dặm, làm thành như hai con sông như tách rời nhau để rồi cuối cùng gặp nhau và đổ vào một con sông lớn. Tàu bè từ hai phía tới cũng đi vào con sông này”. 2 Ghi chép này của Borri cho thấy vị trí độc đáo và thuận lợi của dinh trấn Thanh Chiêm với hệ thống giao thông đường thủy vốn thịnh hành ở nước ta khi đó. Với tư duy phương Tây vốn “thẳng”, họ chọn đường ngắn nhất để đi mà tốn ít nhiên liệu, được lợi nhiều. Nghiên cứu bản đồ, ta thấy Hội An rất gần dinh trấn (chỉ khoảng 4 km), thủ tục ra vào thuận tiện nên việc tiếp xúc với các nhà chức trách về lĩnh vực thương mại, các liên lạc chính trị, ngoại giao cho phép Hội An sớm phồn thịnh hơn Đà Nẵng thời bấy giờ.3 Hơn nữa, tác động của chính quyền cho phép dinh trấn Thanh Chiêm được phát triển. Với lý do “lượng người ra vào (Phú Xuân) quá đông và tính tình một số người dữ dằn”4 , nên chính quyền cấm họ ra vào Phú Xuân, chỉ cho vào Hội An và Đà Nẵng. Nhận thức được vị trí quan trọng của dinh trấn Thanh Chiêm, chúa Nguyễn có những quyết sách phát triển dinh trấn này. Một quyết định quan trọng, có tầm nhìn sáng suốt của chúa Nguyễn Hoàng là cử con trai thứ 6 của mình là Nguyễn Phước Nguyên vào làm trấn thủ đầu tiên của dinh trấn. Mục đích của ông không khác hơn, là tập dượt cho con trai cách trị dân ở vùng đất có vị trí quan trọng để con trai (làm thế tử) lên ngôi chúa cai trị thuận lợi hơn. Hơn nữa, trấn thủ dinh trấn Thanh Chiêm được chúa Nguyễn trao toàn quyền kiểm soát ngoại thương và giao thiệp với người nước ngoài; tạo điều kiện cho các quan trấn thủ này mở rộng tầm mắt, “hướng ngoại” để phục vụ cho việc cai trị về sau. Một quyết định tiếp theo, chúa Nguyễn viết thư mời thương nhân các nước đến buôn bán, trao cho họ những quyền lợi rất ưu đãi. Năm 1617, chúa Nguyễn viết thư mời Công ty Đông Ấn Hà Lan đến buôn bán. Kế đó năm 1624, chúa Nguyễn gửi thư và tặng phẩm cho Toàn quyền Hà Lan ở Indonesia là P. de Carpentier, ngỏ lời mời các thương nhân Hà Lan đến buôn bán ở Đàng Trong qua hai cảng thị Đà Nẵng và Hội An. Năm 1633, hai tàu của Hà Lan được phép của chúa Nguyễn đã mở một tiệm buôn bán ở Hội An. Năm 1634, thương nhân Hà Lan Duijcker chở hàng vào Đàng Trong buôn bán. Năm 1635, có 3 tàu Hà Lan vào Hội An buôn bán… Các tàu buôn Hà Lan vào buôn bán được hưởng một mức thuế quan rất ưu đãi hơn các tàu buôn của các nước khác qua lại buôn bán trong thời gian sau. Năm 1729, L. de Barbinais trong chuyến thăm và buôn bán ở Thanh Chiêm đã nhận xét: “xứ Conchichina thuế đến thuế đi đều rất thấp, chỉ khoảng 4% mà thôi”.5 Mỗi thuyền buôn đều có một giấy thông hành, khi đến sẽ đóng tiền thuế vào cảng thị, mỗi năm là 2.000 đến 3.000 quan tiền. Về sau do các nhu cầu khác nhau, số tiền thuế ngoại thương lại tăng lên vùn vụt chóng mặt. Thương nhân Bồ Đào Nha mỗi năm nộp 3.000 quan, Trung Quốc nộp 2.000 quan; nhưng về sau do chính quyền họ Nguyễn tăng mức thuế lên tới 12%, nên nhiều tàu của Pháp và Hà Lan khi cập cảng đã phải đóng tới 8.000 quan tiền thuế mới được ra vào cảng thị.6 

Vấn đề giữ vững an ninh để các thương nhân nước ngoài yên tâm buôn bán cũng được chúa Nguyễn rất quan tâm. Sau khi dinh trấn được thành lập không lâu, chúa Nguyễn tăng cường một lực lượng quân đội mạnh để bảo vệ. Trong suốt thời gian tồn tại của dinh trấn Thanh Chiêm, đội quân hùng mạnh này đã phát huy sức mạnh của mình, đánh tan cuộc phản loạn của trấn thủ Nguyễn Phước Anh chống chúa Nguyễn năm 1635, cuộc xâm lăng của quân Hà Lan năm 1644 bảo vệ hòa bình cho dinh trấn. Đạo quân đó từng giúp chúa ổn định, bảo vệ người nước ngoài khỏi mọi sự đe dọa từ bên ngoài. Cụ thể, dinh trấn Thanh Chiêm bảo vệ tốt những người Nhật Bản di cư vào Đàng Trong tránh sự truy bức của bên ngoài, trong khi phố người Nhật ở Phnom Penh và Ayutthaya bị xua đuổi, tàn sát. Chúa Nguyễn trọng dụng những người Hoa, Nhật có tài, phong cho họ chức quan thay mặt chúa Nguyễn cùng trấn thủ sở tại quản lý Thanh Chiêm dinh.7 Hơn nữa, trấn thủ dinh trấn Thanh Chiêm còn có quyền ban “Châu ấn” (goshuin) cho các thương nhân khi đến buôn bán mà nhiều tài liệu có đề cập rõ.8 

Sự phát triển cực thịnh của dinh trấn ở Đàng Trong tạo tiền đề thuận lợi cho sự ra đời chữ Quốc ngữ. Vậy tại sao dinh trấn Thanh Chiêm là cái nôi khai sinh chữ Quốc ngữ? Chúng ta thấy câu trả lời nằm ngay trong tên gọi “Thanh Chiêm” của dinh trấn. Trước thế kỷ XVII, nơi đây chưa có tên gọi “Thanh Chiêm”. Các giáo sĩ vào đây để truyền đạo, đọc tài liệu để phiên âm. Do xưa kia nơi đây thuộc vương quốc Chàm, nên các giáo sĩ căn cứ vào đặc điểm của tên gọi mà phiên âm khác nhau: Cacham (J. Ruiz, G. Luis - 1621), Cacciam (C. Borri, 1621), Dinh Cham (Gaspar Luis, 1626). Cách ghi âm này cho thấy tiếng Việt là đơn âm và chưa có dấu, nên họ viết liền nhau. Trở ngại này được Gaspar d’Amaral khắc phục ngay. Năm 1632, ông phiên âm thành từ “Kẻ Chàm” và người Việt đọc trại thành “làng Chàm”, hay làng Chăm, tên gọi này tồn tại đến tận ngày nay. 

Việc thương nhân nước ngoài buôn bán mạnh mẽ khuyến khích các giáo sĩ vào truyền đạo và sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Nhân việc bị Shogun Nhật Bản trục xuất, các giáo sĩ chuyển hướng sang Hội An vì ở đây có nhiều con chiên người Nhật muốn họ làm thông ngôn để giao tiếp với người Việt. Ngày 6.1.1615, 3 linh mục là Francesco Buzomi (Ý), Diego Carvalho và Antonio Dias (thuộc Bồ Đào Nha) theo tàu buôn về Cửa Hàn, rồi sang Hội An.9 Mặc dù ở khá lâu, nhưng các linh mục này không thể nói được tiếng Việt. Linh mục Manuel Fernandez làm bề trên của cư sở Hội An, ngày ngày luyện cách phát âm với người Việt mà vẫn không giao tiếp được; bổn đạo Hội An, Thanh Chiêm chẳng hiểu ông nói gì cả. 10 Nhưng người đóng vai trò tạo lập chữ Quốc ngữ đầu tiên phải kể đến là Francisco de Pina, Cha bề trên ở Thanh Chiêm từ năm 1617. Sinh ra tại thành phố Guarda (Bồ Đào Nha) năm 1585, Pina học thần học ở Ma Cao và đến Đàng Trong năm 1617. Tại Đàng Trong, cha Pina đến ở Nước Mặn (Quy Nhơn) và một thời gian sau đi sang Thanh Chiêm (Quảng Nam). Ở hai nơi này, Pina nhận thấy các giáo sĩ gặp rất nhiều khó khăn khi nói tiếng Việt: giáo sĩ Fernandez phát âm lẫn lộn chữ “cà” với “cá” làm các cha bề trên không hiểu ông nói gì. Một số người khác thì dùng thông ngôn và hiệu quả đi vào lòng người không cao. Vì vậy, Pina quyết định học tiếng Việt. Nhờ đầu óc thông minh, nắm bắt nhạy bén và ham mê nghiên cứu mà ông dần dần thông thạo tiếng Việt rất nhanh. Ông nghiên cứu các cấu trúc chữ Quốc ngữ và đã soạn riêng một quyển sách về chính tả, dấu thanh tiếng Việt. Kế đó, Pina tìm lục các văn bản và các mẩu truyện, trích dẫn các câu mẫu cho ngữ pháp11 và kết quả là ông đã biên soạn hai tài liệu giảng dạy là “Phương pháp Latinh hóa tiếng Việt” và “Ngữ pháp tiếng Việt”. Những nỗ lực này của ông đều có sự giúp sức nhiều của các nhà thông thạo người bản xứ. Ở Thanh Chiêm phát triển mạnh về kinh tế, tập trung nhiều nhà trí thức mà Nước Mặn, Hội An không thể đáp ứng đòi hỏi này. 

Như vậy đến năm 1622, Pina hoàn thành một tập ghi chép về ngữ pháp, các dấu và thanh âm, một phần ngữ pháp và chữ Quốc ngữ chính thức được khai sinh. Ông cũng đã giảng đạo cho con chiên, quan hệ với chính quyền sở tại và mở một trường để dạy thông ngôn. Đó là những bước đầu tiên của Pina để chuẩn bị cho sự phát triển của chữ Quốc ngữ về sau này. 

Năm 1624, tức là hai năm sau khi cha Pina sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, hai linh mục là Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) và Antonio de Fontes tới Dinh Chiêm. De Rhodes kể lại: Tại đây, ông (Rhodes) đã “gặp cha Pina rất thông thạo tiếng bản xứ, nói rất thạo không cần thông ngôn. Tôi liền để hết tâm huyết học tập: mỗi ngày người ta (Pina?) cho bài tôi phải học và tôi đã chuyên chú học hỏi như xưa kia học thần học ở Roma vậy”12; còn Fontes nói thêm: “Nơi tôi tạm trú đây là Dinh Chiêm “có ba linh mục định cư: LM Pina biết tiếng Việt khá lắm, làm bề trên và thầy dạy tiếng Việt, cùng Đắc Lộ và Fontes là thuộc viên và học viên”.13 Ở trú sở Thanh Chiêm, A. de Rhodes học với bạn theo thầy Pina và một cậu bé người bản xứ. Ông vùi đầu vào học “mỗi ngày học một bài và siêng năng như khi xưa vùi đầu vào các khoa thần học ở Roma. Chúa đã cho tôi trong bốn tháng tôi đủ khả năng để ngồi tòa giải tội và trong sáu tháng tôi giảng được bằng ngôn ngữ Đàng Trong”.14 Trong Từ điển Việt - Bồ - Latinh, học trò xuất sắc của ông là A. de Rhodes kể rằng: “Ngoài những điều mà tôi học được từ chính người bản xứ mà tôi lưu trú tại xứ Cô-sanh và Đông kinh, thì ngay từ đầu đã học với cha Francisco de Pina thuộc Hội đồng Giê-su nhỏ bé chúng tôi, là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này, và cũng là người thứ nhất bắt đầu thuyết giảng bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn”. 15 

Như vậy với sự cố gắng không mệt mỏi của các giáo sĩ ở Thanh Chiêm - khởi đầu là cha Pina, dinh trấn Thanh Chiêm xứng đáng có vai trò quan trọng trong việc hình thành chữ Quốc ngữ. Vậy vai trò đó là gì? 

2. Vai trò của dinh trấn Thanh Chiêm với sự ra đời chữ Quốc ngữ (so sánh với Nước Mặn) 

a. Đầu tàu tiếp nhận hầu hết các thông tin và luồng văn hóa từ bên ngoài, dẫn tới hình thành chữ Quốc ngữ 

Vai trò đầu tiên của dinh trấn Thanh Chiêm phải kể đến là nơi tiếp nhận luồng văn hóa bên ngoài và điều đó giúp hình thành chữ Quốc ngữ. Vậy thì, vì sao các giáo sĩ lui tới Thanh Chiêm nhiều hơn, và sáng tạo ra chữ Quốc ngữ sớm hơn các cảng thị cùng thời, như Nước Mặn (Bình Định). Để trả lời, chúng ta xét vị trí địa lý của Thanh Chiêm và Nước Mặn. Khi vào khai khẩn Nam Bộ, chúa Nguyễn nhận thức vị trí chiến lược của vùng Thuận - Quảng nên lập Thanh Chiêm làm lỵ sở đầu tiên của đạo thừa tuyên Quảng Nam (lập từ thời Lê Thánh Tông). Dinh trấn Thanh Chiêm lập ở gần bờ sông (chỗ ngã ba sông, từ Thanh Chiêm đi khoảng 4 km theo 2 cửa Hội An và Đại Chiêm là ra biển). Khoảng thập niên 1620, chúa Nguyễn lập tiếp cảng thị Nước Mặn (Bình Định), cách Thanh Chiêm khá xa (hơn 400 km theo đường bộ). Điểm đặc biệt của Nước Mặn khác Thanh Chiêm ở chỗ, cảng thị được lập vào sâu trong đất liền, cách thành Đồ Bàn của Champa cũ và cả vịnh biển Quy Nhơn khá xa, cho nên “không thuận tiện vì quá xa kinh thành mà các thuyền trưởng thì nhất thiết phải đến kinh thành nhiều lần, và muốn thế phải đi ròng rã sáu ngày đường”.16 So với Nước Mặn vốn cũng gần biển, Thanh Chiêm có lợi thế hơn do gần biển, sát kinh thành của chúa Nguyễn. Tư duy của người phương Tây rất thẳng, giải quyết thẳng vào vấn đề và một điều nữa, đến bất cứ nơi nào họ cũng phải xin phép và tạo quan hệ với chính quyền sở tại; nên họ ưu tiên chọn dinh trấn Thanh Chiêm hơn là chọn cảng thị Nước Mặn. Chọn dinh trấn Thanh Chiêm, các thương nhân và giáo sĩ có cơ hội buôn bán hàng hóa nhiều và phong phú; hơn nữa họ có dịp quan hệ mạnh mẽ với chính quyền sở tại để thúc đẩy chính quyền có những chính sách có lợi cho sự phát triển của đôi bên. Hơn nữa, vị trí địa lý thuận lợi của dinh trấn cũng giúp Thanh Chiêm có thể tiếp nhận hầu hết các luồng văn hóa bên ngoài - nhất là văn hóa phương Tây vào. 

Do vị trí rất thuận lợi hơn so với cảng thị Nước Mặn, các nhà buôn và thương nhân phương Tây khi đến Thanh Chiêm đã nhận được sự tiếp đón nồng hậu của quan trấn thủ Thanh Chiêm và người dân sở tại. Ở dinh trấn Thanh Chiêm, họ được tự do buôn bán và truyền bá tôn giáo mà không vấp phải sự cản trở nào của chính quyền sở tại. Các giáo sĩ theo chân nhà buôn vào dinh trấn cũng được tự do truyền đạo và văn hóa phương Tây. Ở cảng thị Nước Mặn, các giáo sĩ được quan trấn thủ ưu đãi và ông đồng ý cho Borri được mở một nhà thờ Kitô giáo đầu tiên ở Nước Mặn, nơi đó tập trung hầu hết các giáo sĩ về đó và họ bắt đầu truyền đạo. 

Để truyền đạo được, các giáo sĩ phải học chữ bản xứ rồi mới sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Nhiều tài liệu khẳng định, Borri ở Nước Mặn lần đầu tiên cho công bố những ký tự Quốc ngữ đầu tiên trong một bản viết tay được công bố năm 1618 - 1619. Nhưng các chữ Quốc ngữ này có chắc là của Borri không? Theo tác giả là không, vì chữ Quốc ngữ này thực chất là sáng tạo của những giáo sĩ có học thức rất uyên thâm, mà Pina, Buzomi là tiền bối. Pina lần đầu tiên ông không tới Nước Mặn, mà tới Thanh Chiêm, sau đó qua Nước Mặn rồi lại trở về Thanh Chiêm. Trước sau như một, ông ở Thanh Chiêm tới hai lần (1615 - 1617) và (1621 - 1625). Ông qua Nước Mặn một lần duy nhất (1617 - 1620), học tiếng Việt đến mức thành thạo. Có lẽ, Pina ở Thanh Chiêm nhiều hơn Nước Mặn do chính sách cởi mở của quan cai trị, vị trí thuận lợi và hơn nữa, người dân Thanh Chiêm rất nhiệt tình với chữ cái mới. Pina ở Thanh Chiêm 2 lần, học chữ Quốc ngữ với người bản xứ có tên thánh là Phero, và là người thạo chữ Quốc ngữ tốt nhất. Điều này, được các cha Gaspard Luis và A. de Rhodes xác nhận. Việc làm của cha Pina góp phần tìm tòi và sáng tạo ra chữ Quốc ngữ - loại chữ thông dụng với người dân nước Việt ta hiện nay. 

b. Chính sách cai trị cởi mở của các quan trấn thủ Thanh Chiêm có vai trò giúp chữ Quốc ngữ ra đời sớm ở nơi này 

Nhận thức được vị trí địa lý thuận lợi của dinh trấn Thanh Chiêm, chúa Nguyễn có quyết sách thích hợp để quản lý nơi này. Về người quản lý dinh trấn, chúa Nguyễn ưu tiên đề cử những người có tài thao lược về mọi mặt, nhất là “kinh bang tế thế” (quản lý kinh tế). Quan trọng hơn, những vị quan này phải thức thời trước thời cuộc, gần dân để dễ quản lý một vùng đất được xem là “địa đầu” của cõi phương Nam rộng lớn. Với suy nghĩ đó, chúa Nguyễn đầu tiên là Nguyễn Hoàng cử người con thứ sáu là Nguyễn Phước Nguyên sang quản lý dinh trấn. Cử con trai sang cai trị một địa điểm chiến lược như vậy, hẳn chúa Nguyễn có cách nhìn toàn diện về Phước Nguyên: con người văn võ toàn tài, một lần đánh tan giặc Hà Lan xâm lấn Đàng Trong năm 1585, nên được chúa tin dùng. Cử con trai sang cai trị để chúa Nguyễn hiểu chính xác năng lực của người mình đã tín nhiệm làm trấn thủ, tạo điều kiện cho con trai quản lý Thanh Chiêm - một nơi rất gần 2 cảng thị là Đà Nẵng và Hội An, để con có cơ hội tiếp xúc với bên ngoài, làm nền tảng cho chính sách “hướng ngoại” của mình về sau này. Ở Nước Mặn, quan cai trị phủ Quy Nhơn là “quan võ”17 (chữ dùng của Borri) được chúa Nguyễn cử vào cai trị Quy Nhơn. Vị quan võ này tỏ ra rất cởi mở với các giáo sĩ khi hỗ trợ họ xây dựng một nhà thờ. C. Borri kể lại: “Rồi quay về phía chúng tôi, ông giục chúng tôi quyết định về nơi chúng tôi thấy thuận tiện để dựng một nhà thờ. Chúng tôi liền cho ông thấy một địa điểm chúng tôi thấy là rất hợp và rất tiện để làm việc đó. Ông chấp nhận ngay (…..)”.18 Theo yêu cầu của Borri, quan trấn thủ sai quân mang vật liệu đến, xây trong 1 ngày là xong. Như vậy có thể thấy, là một quan võ, đáng lẽ với các giáo sĩ phương xa này thì ông có thể đem quân đánh đuổi họ đi, nhưng ông không làm thế. Truyền thống hiếu khách của người Việt xưa cho phép ông tiếp đón trọng thị các giáo sĩ này, còn xây nhà thờ và chở các giáo sĩ trên một con thuyền rất đẹp, sang trọng cho họ, đối đãi rất lịch sự. Với các thương nhân, quan trấn thủ tiếp đón có áp đặt mức thuế bình dân. 

Dù so sánh như thế nào, ta cũng khẳng định Thanh Chiêm là nơi đầu tiên khai sinh ra chữ Quốc ngữ. Thật vậy, quan trấn thủ Thanh Chiêm áp một mức thuế rất nhẹ: 3 - 4%, và có ưu đãi đối với thương nhân nước ngoài nào đến buôn bán. Hơn nữa, quan trấn thủ Thanh Chiêm lại là người văn võ toàn tài, điều này khác hẳn với Nước Mặn - quan võ cai trị bằng lý trí (lòng hiếu khách và nhân văn của ông cũng là tùy lúc; hơn nữa quan võ cũng đề phòng sự bất trắc, nhất là họa giặc Chiêm Thành và Chân Lạp ở phía Nam xâm lấn; nên có thể ông đối đãi thiện cảm một phần nào đó thôi, phần còn lại là lo giữ an ninh lãnh thổ). Người phương Tây, chủ yếu là thương buôn và giáo sĩ thì có học thức, biết tính toán trong trao đổi buôn bán thì rất hợp với người cai trị văn võ toàn tài - mà trấn thủ Thanh Chiêm hội tụ đủ các điều kiện đó. Thời các trấn thủ đầu tiên là Nguyễn Phước Nguyên, Nguyễn Phước Kỳ, các ông đã có tư duy “mở”, tiếp đón niềm nở và tạo điều kiện tốt cho các giáo sĩ đến học tập văn hóa bản xứ và truyền bá đạo Công giáo. Lúc Nguyễn Phước Kỳ còn làm quan trấn thủ Thanh Chiêm, ông đã tiếp xúc với cha Pina và cùng trò chuyện huyên thuyên về văn hóa phương Tây. Có thể trước những lời kể hay và lạ về phương Tây của Pina, quan trấn thủ rất thích thú và đã nghe Pina đàm đạo suốt ngày. Khi Pina sáng tạo ra được chữ Quốc ngữ, quan trấn thủ cũng thường xuyên thăm hỏi Pina và tạo điều kiện tối đa cho Pina dùng chữ Quốc ngữ để truyền đạo, truyền bá văn hóa phương Tây. 

c. Có nền tảng văn hóa chữ viết từ lâu đời, Thanh Chiêm là nơi được các giáo sĩ phương Tây tiếp nhận loại chữ viết cũ và cải tiến thành chữ Quốc ngữ 

Nhân dân Việt Nam có truyền thống hiếu học, luôn đổi mới và sáng tạo trên cơ sở nền tảng văn hóa từ lâu đời. Truyền thống hiếu học đó trải qua nhiều đời, theo chân các người dân mở cõi phương Nam vào đầu thế kỷ XVII - XVIII. Biết được truyền thống đó, các giáo sĩ phương Tây khi đến đây đã ra sức tìm hiểu văn hóa bản xứ để dễ hòa nhập và sinh sống trên một vùng đất xa lạ. Ở hầu hết các nơi khác nhau như châu Phi, châu Mỹ; khi bị thực dân xâm chiếm vào các thế kỷ XVI và thế kỷ XVIII - XIX, các giáo sĩ chỉ đem Kinh Thánh ra truyền đạo, đổi lấy ruộng đất của người dân bản địa - thực chất là cướp đất làm của riêng và đánh thuế rất cao. Nhưng ở Việt Nam, thì có lẽ ngược lại. Các giáo sĩ vào truyền đạo là chính, nhưng do chính quyền phong kiến còn mạnh và người dân có nền văn hóa cao, lâu đời nên họ không thể làm được như các vùng đất khác ở cùng thời điểm, khi chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh và hoạt động xâm lăng thuộc địa ngày càng gia tăng. 

Để thích nghi với nơi ở vốn rất xa lạ với chính quốc, các giáo sĩ đã nhiều lần tìm cách giao tiếp với chính quyền và người dân sở tại. Qua tiếp xúc, thấy người dân còn sử dụng chữ Hán - một loại chữ mà về sau lại lỗi thời, không sử dụng nhiều, các giáo sĩ mà mở đầu là Pina đã đưa chữ cái Latinh (vốn khá thông dụng ở các nước phương Tây, đọc dễ hiểu) vào để cải tiến hệ thống chữ cái nước ta. Lúc đầu, các giáo sĩ gặp rất nhiều khó khăn: họ nói bằng tiếng Latinh mà người dân không hiểu gì cả. Giáo sĩ Fernandez dùng tiếng Latinh nói mà các cha bề trên không hiểu ông đang nói cái gì. Khắc phục khó khăn đó, nổi lên vai trò của các giáo sĩ tiên phong trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ ở Việt Nam - cha Francisco de Pina. Không thể phủ nhận rằng, Pina là người có học thức rất uyên thâm. Giỏi tiếng Latinh ngay từ khi còn học trường dòng thời thanh niên, Pina có lợi thế trong công việc trao đổi tri thức, chữ viết với quan trấn thủ Thanh Chiêm và người bản xứ; kết hợp với việc tìm kiếm các tài liệu về chữ viết của người Việt, nghiên cứu và sáng tạo chữ viết mới cho người Việt. Tuy nhiên, công việc của ông bị gặp trở ngại do chúa Nguyễn ra lệnh cấm đạo (1617), nên ông không có điều kiện học được tiếng Việt. 

Không nản lòng, ông tìm mọi cách làm việc, thậm chí nhờ cả sự giúp đỡ của một văn nhân trẻ tuổi có tên thánh là Phero, người này rất giỏi chữ Hán và giúp rất nhiều trong công việc vốn là đầy vất vả đối với ông. Bản phúc trình chính thức của cơ sở truyền giáo ghi: “Người ấy (một nhân sĩ thân quen với đoàn truyền giáo) có một người con trai mười sáu tuổi, là thanh niên lanh lợi và thông minh nhất trong vùng; anh này lại viết chữ Hán rất đẹp, được dân chúng hâm mộ vô cùng… Anh tên thánh rửa tội là Phê-rô, nhờ có tài hay chữ nên giúp linh mục rất nhiều trong việc dịch kinh Pater noster, Ave Maria, Credo và Mười Điều Răn ra tiếng địa phương…”.19 

Rất tiếc là bản viết tay đầu tiên về ngữ pháp chữ Quốc ngữ, viết bằng chữ Quốc ngữ của cha Pina, Buzomi bị thất lạc. Mới đây không lâu, Roland Jacques tìm ra một bức thư viết bằng chữ Quốc ngữ của cha Francisco de Pina gửi Hội truyền giáo khoảng năm 1622 - 1623.20 Bức thư trên cho thấy, ông dùng rất thành thạo chữ Quốc ngữ mà theo ý kiến của Jacques, bức thư có một sự “dung hòa giữa chữ Nho với chữ viết theo mẫu tự Latinh, mà không cần phiên dịch nào”. Người viết bài này tìm trong các lời nhận xét tản mạn về bức thư của Pina, thấy có vài chữ Quốc ngữ như: pagode (chùa, tiếng Bồ Đào Nha), bonzo (ông sãi)… Với câu của Pina: “Chà phải, ou phai, ou phai” (dịch là “chẳng phải, không phải” - do người sao chép viết), nhà nghiên cứu Jacques cho rằng, Pina dùng dấu mũ ngược để biểu đạt nguyên âm mũi: gồm: "-aoÊ" (= "-ong" trong cách viết hiện nay); "-ouÊ" (= "-ông "), và "-uÊ" (= "-ung "). Với chữ thứ ba, Jacques cho rằng, cách viết ‘ou’, đúng ra là “ouê” (thay vì ‘ông’ hiện nay), được xác nhận lại ở nơi khác: đây là giả thuyết mà chúng tôi chọn. Chữ thứ nhất có thể là chữ ‘cha’ hiện nay (tiếng gọi cung kính dành cho linh mục), vì người ta cũng tìm thấy ở nơi khác chữ này được viết là ‘chà’, ít ra là trong một văn bản xưa hơn, mà hiện nay chưa được phổ biến. Chữ thứ ba cũng có thể là liên từ ‘ou’ trong tiếng Bồ Đào Nha, có nghĩa là ‘hoặc, hay’. Nếu ta chấp nhận cách đọc hai chữ như thế (= chà phải, hay phai), thì câu trích dẫn này có thể là một lời chế nhạo đối với người ngoại quốc kia, một người không thể phân biệt được cung điệu nên nói ‘chà’ thay vì ‘cha’ và nói ‘phai’ thay vì ‘phải’ (xem trong bài viết của Roland Jacques, Tài liệu đã dẫn). 

Trong lời giới thiệu quyển Xứ Đàng Trong năm 1621 của C. Borri, Hồng Nhuệ viết: “Có một vài câu chữ Quốc ngữ trong bản tường thuật của ông cho chúng ta biết: ngay từ những năm 1618 - 1620 đã có một khởi đầu hình thành thứ chữ này. Cái đặc biệt ở nơi ông, cái làm khác với Rhodes sau này, đó là ông phiên âm tiếng Việt theo tiếng của người Ý chứ không phải người Bồ. Rõ ràng là ông phiên âm và viết chữ gn chứ không phải nh như nho (trái nho) ông viết là gnoo, nhỏ (trẻ nhỏ) ông viết là gno. Cũng vậy ông viết scin, bởi vì theo tiếng Ý nếu viết cin thì đọc uốn lưỡi còn nếu viết sc thì đọc cũng như x”.21 

Song theo ý kiến phác họa của các linh mục Nguyễn Hồng và Trương Bá Cần, công việc làm sách giáo lý của các giáo sĩ mà đầu tiên là Pina là như thế này: “Đầu tiên, các thừa sai soạn thảo một cuốn giáo lý bằng chữ Quốc ngữ để các thầy giảng viết ra chữ Nôm. Để cho trẻ em dễ học như linh mục Gaspar nói, có lẽ cuốn giáo lý phải làm gọn lại…”. 22 Các tài liệu viết tay của các thừa sai Gaspar và Ruiz, kế thừa từ chữ Quốc ngữ của Pina, có thể tìm thấy một số chữ Quốc ngữ như: Unsai “ông sãi”, ungue “ông nghè”, Cacham “Kẻ Chàm”, Nuocman “Nước Mặn”… Theo một số nhà nghiên cứu cho rằng: có lẽ cuốn sách chữ Nôm này chỉ ở dạng chép tay và được những người Công giáo Việt Nam sử dụng, còn đối với các giáo sĩ Dòng Tên thì họ dùng bản phiên âm chữ Latinh (tức là như kiểu chữ Quốc ngữ) của cuốn sách này mà người có công soạn thảo là linh mục Pina. Linh mục Trương Bá Cần khẳng định cuốn giáo lý trên là “công trình của tập thể, trong đó có sự đóng góp chủ yếu của các thừa sai Buzomi và Pina, nhưng nếu không có những giáo hữu thông nho thì không làm sao có thể có được một cuốn giáo lý như vậy vào thời điểm này”.23 

Kết luận 

Với việc là nơi đầu tiên mà các giáo sĩ phương Tây sáng tạo ra chữ Quốc ngữ - chữ viết dùng chính thức ở người dân nước ta hiện nay, dinh trấn Thanh Chiêm thực sự là một di tích lịch sử đáng phải trân trọng. Trân trọng không phải vì hình dáng, kích thước của dinh trấn, mà trân trọng cái hoạt động của Thanh Chiêm. Dinh trấn hoạt động mạnh về thương nghiệp, và chính nó tạo nguồn hứng khởi cho sự ra đời của chữ Quốc ngữ. Thiết nghĩ, dinh trấn Thanh Chiêm nếu được sửa chữa và tôn tạo lại thì nó trở thành một di tích lịch sử. Gắn liền với “báu vật quốc gia” là chữ Quốc ngữ, dinh trấn xứng đáng là một Di tích lịch sử quốc gia. Ngoài ra, việc tuyên truyền cho nhân dân về dinh trấn cũng rất cần thiết, để họ hiểu và tôn trọng di tích lịch sử tại quê hương mình. Hơn nữa, để phục vụ cho việc quảng bá hình ảnh dinh trấn, có thể tổ chức một “lễ hội chữ Quốc ngữ” nhằm quảng bá, tôn vinh nơi khai sinh chữ Quốc ngữ, giúp người dân trong nước và khách du lịch nước ngoài hiểu rõ về đất nước ta. Với những đóng góp vô cùng thiết thực vào lịch sử chữ viết của Việt Nam, dinh trấn Thanh Chiêm thực sự đã và đang làm tốt vai trò của mình như là nơi khai sinh ra chữ Quốc ngữ. Thế hệ thanh niên Việt Nam hôm nay và tương lai về sau, ra sức xây dựng và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa bên ngoài để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. 

Chú thích: 

1. Đại Nam thực lục tiền biên. (Hà Nội: Sử học, 1962), tr. 42. 

2, 7, 17, 18 Cristoforo Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621, (TPHCM: TPHCM, 1998), 91, 94, 110, 101. 

3. Phan Du, Quảng Nam qua các thời đại, (Cổ học tùng thư, 1974), 62 4. Trần Đình Hằng, “Vai trò của dinh trấn Quảng Nam trong việc họ Nguyễn định đô ở Huế” (kỷ yếu hội thảo khoa học), (Quảng Nam, 2002), 64. 

5. Trần Kinh Hòa, Phố người Đường và hoạt động thương mại của họ tại Hội An thế kỷ XVII - XVII, 101. 

6. Các số liệu tổng hợp dựa trên tài liệu của Trần Kinh Hòa (Sđd) và Li Tana, Xứ Đàng Trong - Lịch sử kinh tế, xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, (Trẻ, 1999), 127-128. 

8. Để xem rõ việc trấn thủ Thanh Chiêm ban Châu ấn cho các thương nhân (nhất là thương nhân Nhật Bản) như thế nào, xin xem: Li Tana (Sách đã dẫn, 221) và Đông Tây Dương khảo, (Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1981), 20 

9, 13 Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc ngữ, (Tủ sách Ra khơi, 1972), 20, 35 

10. Nhiều tác giả, Một số vấn đề văn hóa Công giáo Việt Nam, (Hà Nội), 10 

11. Trần Duy Nhiên, “Công cuộc truyền giáo tại Quảng Nam năm 1632”, Roland Jacques, Công Giáo và Dân tộc số 90 tháng 6. 2002, 92-105. 

12. A. de Rhodes, Voyages et Mission, Nouvelle edition, (Paris, 1854), 87. 

14. De Rhodes, Hành trình và truyền giáo, (TPHCM: Tủ sách Đại kết, 1994), 55 - 56. 

15. A. de Rhodes, Từ điển Việt-Bồ- La, Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính biên dịch, (Khoa học Xã hội, 1993), 3 (phần dịch thuật). 

16. H. Cordier, Voyage Pierre Poivre en Cochinchine, description de la Cochinchine, ReO, T.III, 1887 

19. Nhiều tác giả, Rực sáng một vì sao, (Hà Nội: Tôn giáo, 2006), 74-75. 

20. Toàn văn bức thư, xem: http://ttntt.free.fr

21. Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị, Xứ Đàng Trong năm 1621 (bản dịch của C. Borri), (TPHCM), 9. 

22, 23 Trương Bá Cần, “Công cuộc truyền giáo ở Đàng Trong thời linh mục Buzomi (1615 - 1639)", Công giáo số 50, tháng 2/1999, 110, 110; Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, (Sài Gòn, 1959), 294-295.
THANH CHIÊM, ĐIỆN BÀN, QUẢNG NAM Nơi xiển dương văn hiến Việt từ thời Hán học qua thời cận hiện đại, phát minh 
chữ Quốc ngữ (theo mẫu tự Latinh) đến nay?

Thy Hảo Trương Duy Hy

Danh xưng Thanh Chiêm (Điện Bàn) gắn liền từ khi có Quảng Nam thừa tuyên đạo và là thủ phủ của tỉnh Quảng Nam. 

1. Vai trò của Thanh Chiêm 

Suốt thời gian Thanh Chiêm xuất hiện, tự nó đã nảy sinh nhiều dự tính thành công trên nhiều lĩnh vực: phát triển giáo dục, kinh tế, an sinh xã hội, an ninh quốc gia... mà ta có thể thấy rõ trong đúc kết “Quảng Nam tỉnh phú” của Đốc học Trần Đình Phong sáng tác lúc tại chức ở Quảng Nam (do cụ Hồ Ngận tạm dịch ra Quốc ngữ trong tác phẩm Quảng Nam Xưa và Nay của cụ Ngận và con cụ, anh Hồ Hoàng Thanh ấn hành). 

Về thi thơ, có Phan Khôi khởi xướng làm thơ mới qua bài Tình già ảnh hưởng sâu rộng trong giới thi nhân Việt Nam và lối thơ này được hưởng ứng khắp nước cho đến bây giờ. Về lĩnh vực văn nghệ, hát cải lương là bộ môn riêng của Nam Bộ, nhưng ít ai biết bộ môn này do cụ Lương Khắc Ninh bạn đồng hương với Phan Khôi - Quảng Nam khởi xướng tại Sài Gòn, sau lan ra các tỉnh. 

Thanh Chiêm (Điện Bàn) mới thực sự là nơi sinh trưởng vị triết gia đầu tiên của nước ta - Đó là cụ Trần Cao Vân với triết thuyết “Trung Thiên dịch - Trung Thiên đạo”, ra đời từ năm 1889 (trước Trần Đức Thảo - 1945). 

Riêng lĩnh vực bảo vệ tổ quốc lúc lâm nguy, thì Thanh Chiêm - Quảng Nam là cái lò đúc ra những nhân vật lãnh đạo, đứng trước đầu tên mũi đạn chống quân thù, như: Phó bảng Hoàng Diệu; hay đầu tiên tổ chức các phong trào yêu nước, như: Phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh khởi xướng, Phong trào Duy Tân hội, Phong trào Đông Du do Tiểu La Nguyễn Thành khởi xướng. 

2. Thanh Chiêm - Cái nôi ra đời chữ Quốc ngữ 

Thanh Chiêm là nơi xiển dương Nho học với chữ Hán hàng ngàn năm. Riêng đầu thế kỷ XX đến năm l9l9, kể cả Thanh Chiêm và các phủ/huyện thuộc tỉnh Quảng Nam đỗ 15 tiến sĩ (trong số này, có l hoàng giáp là Phạm Như Xương), 24 phó bảng và 224 cử nhân. 

Thanh Chiêm là nơi phát minh chữ Quốc ngữ trong thời cận, hiện đại cho đến nay, khiến văn hiến Việt mãi phát triển không ngừng nghỉ, gián đoạn. Cho đến nay, Thanh Chiêm vẫn còn vang vọng là trung tâm của một vùng kiên cường bất khuất trước mọi an nguy của dân tộc, 

Chỉ riêng Thanh Chiêm, cái nôi phát minh ra chữ Quốc ngữ thực sự là đề tài bàn cãi từ khá lâu, giữa các nhà nghiên cứu trong nước cũng như nước ngoài một cách khá căng thẳng. Mãi đến nay, nhờ có bút tích chính xác, mà ta có thể hóa giải được trọn vẹn những điều tranh cãi này, để khẳng định chữ Quốc ngữ mà ta dùng ngày nay được sinh ra tại thủ phủ Thanh Chiêm thừa khả năng sử dụng trong mọi lĩnh vực thuộc các thể văn học nghệ thuật, khoa học thực nghiệm không cần vay mượn ngôn từ ngoại lai. 

Nội dung bài này, tôi xin xoáy vào chính điểm “Thanh Chiêm, cái nôi phát minh ra chữ Quốc ngữ” và thuật rõ chính kiến của hai phái để bạn đọc cảm nhận đầy đủ vấn đề tìm ra xuất xứ cũng như tìm ra nhân vật phát minh ra chữ Quốc ngữ quả không đơn giản. 

Nhớ lại cách đây hơn nửa thế kỷ, khi còn học ở các lớp tiểu học trường Nam Tiểu học Hội An, tôi được các thầy cô dạy rằng: “Chữ Quốc ngữ mà các con đang học đây là nhờ công của Cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes)”. Với đầu óc thơ ngây hồi đó, tôi cũng như các bạn tiếp nhận và ghi vào trí nhớ như sự đương nhiên, chẳng có gì phải thắc mắc. 

Đến lúc học cao hơn, tiếp xúc được nhiều thông tin hơn, tôi thấy vấn đề “đi tìm nguồn gốc phát minh ra chữ Quốc ngữ” không phải đơn giản như tôi đã nghe, đã học hồi ở bậc tiểu học nữa - nhất là những thập niên cuối thế kỷ XX của đệ nhị thiên niên kỷ - có những công trình nghiên cứu trong và ngoài nước - đáng kể là ngoài nước, do những vị làm luận án tiến sĩ chuyên nghiên cứu sâu về lĩnh vực này đã phát hiện được thủ bút của những vị tiên khởi tạo ra chữ Quốc ngữ tại Quảng Nam, cụ thể như: Năm 1995, luận án tiến sĩ của linh mục Roland Jacques, (người Pháp) với nhan đề L’œuvre de quelques pionniers portugais dans le domaine de la linguistique vietnamienne jusqu’en 1650 và đến năm 2002, ông ấn hành tiếp tác phẩm Portuguese pionneers of Vietnamese Linguistics - Pionniers portugais de la linguistique vietnamienne cho ta những chứng minh giàu sức thuyết phục. 

Ta có thể kể ra một số các nhà nghiên cứu về lĩnh vực này, gồm có linh mục, các học giả, các nhà nghiên cứu từ trước đến nay, đã có những ý kiến, có khi là giống nhau, như: Josepph Buttinger với The Smaller Dragon ấn hành tại Hoa Kỳ, là một sử gia có uy tín viết về lịch sử Việt Nam, cho rằng không phải Rhodes là người đầu tiên nghĩ ra chữ Quốc ngữ; Phan Phát Huồn với Việt Nam giáo sử (Quyển l, Sài Gòn, 1965) cho rằng: Alexandre de Rhodes (A.de Rhodes) chỉ là người cải biên thêm chữ Quốc ngữ, chứ không cho là người sáng tạo ra chữ Quốc ngữ; Hoàng Cơ Thụy với Việt sử khảo luận (Tập 4, Paris, 1989) nhận định: A.de Rhodes chỉ có công phổ biến rộng rãi chữ Quốc ngữ với sự giúp đỡ rất đầy đủ của Bộ Truyền giáo La Mã về vật chất năm 1651; Vũ Ngọc Phan với Nhà văn hiện đại cũng cùng quan điểm với nhà sử học Hoàng Cơ Thụy cho rằng chữ Quốc ngữ không phải là do một người đặt ra, mà do nhiều người góp sức và A.de Rhodes có công đầu trong việc nghiên cứu. Trong bài viết Ai làm ra chữ Quốc ngữ (báo Tuổi trẻ ngày 31.1.1993), Hoàng Tuệ cho rằng: chữ Quốc ngữ là công trình của nhiều người. Đào Duy Anh với Việt Nam văn hóa sử cương (Nxb Sống Mới, Sài Gòn), xác nhận: A.de Rhodes không phải là thủy tổ của chữ Quốc ngữ. Phạm Quỳnh trước kia cũng cùng quan điểm Đào Duy Anh. 

Các nhà nghiên cứu nhận định chữ Quốc ngữ do nhiều người tạo thành, không phải do một người duy nhất là A. de Rhodes sáng tạo ra (được nhiều người nhất trí). Tuy nhiên, tìm cho được văn bản của người sáng tạo ra nó mới là khó, vì chỉ có tư liệu như thế mới thuyết phục được. Trong lúc đó, linh mục Nguyễn Khắc Xuyên và một số ít nhà nghiên cứu vẫn giữ quan điểm của mình là Rhodes, linh mục gốc Pháp mới chính là người sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Việc tranh luận này chỉ xảy ra gay gắt nhất vào những năm cuối thế kỷ XX của đệ nhị thiên niên kỷ vừa qua! 

Tiêu biểu cho việc tranh luận này, có những nhà nghiên cứu sống tại hải ngoại, như: các ông Trần Chung Ngọc, Nguyễn Kha (Hoa Kỳ)... Trong các bài tranh luận - theo Nguyễn Kha có nhận xét về linh mục Nguyễn Khắc Xuyên (Hồng Nhuệ) với GS. Hoàng Tuệ không mấy thuận tai đối với người làm văn học, nghiên cứu văn học: “.... Tiến sĩ nầy có những lời lẽ thiếu văn hóa lúc viết một vấn đề văn hóa, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Xuyên có vẻ chỉ muốn “đối đầu” một cách phỉ báng, chứ không muốn “đối đầu” một cách nghiêm túc...” (trong Góp ý với giáo sư Chương Thâu về vai trò của linh mục A.de Rhodes, người đầu tiên vận động Pháp chiếm Việt Nam và chữ Quốc ngữ (1998)). Còn ông Bùi Phước thì thẳng thắn lên án: [... Nguyễn Khắc Xuyên lớn tiếng mạt sát GS. Hoàng Tuệ là “ngu ngốc, ngu dốt, ngu xuẩn, dốt...!” đến những 15 lần trong bài viết] - (Gởi Giáo sư Hoàng Tuệ bàn về chữ quốc ngữ trên tờ Tuổi trẻ, 1994). Trong lúc đó, thì linh mục Roland Jacques cho rằng: “Ở đây, không phải là vấn đề đi sâu vào cuộc bút chiến, nhưng người ta có thể nêu lên rằng vấn đề mà giáo sư Hoàng Tuệ xới lên, xứng đáng được đặt ra”. Phải chăng, ý kiến của Roland Jacques là sự đồng tình thừa nhận hành động của linh mục Nguyễn Khắc Xuyên là chưa nghiêm túc? 

Và, đồng thời tranh luận chủ đề trên, không ít ý kiến cho rằng nguyên nhân tạo chữ Quốc ngữ nhằm phục vụ mưu đồ chính trị (bành trướng chính sách thực dân của Tây phương lúc chủ nghĩa đế quốc đang thời kỳ phát triển tại Âu châu) mà một số các nhà nghiên cứu như: GS. Trần Quang Ngọc, tiến sĩ vật lý Hoa Kỳ đăng trong Vietnet và Nguyễn Kha đặt tiêu đề là Mục đích sử dụng chữ Quốc ngữ của Giám mục Puginier, cho rằng Puginier có tư tưởng sử dụng Quốc ngữ làm công cụ chiếm lấy Việt Nam mà ưu tiên là thôn tính Bắc Kỳ trước đã, hoặc Cao Huy Thuần với Luận án tiến sĩ quốc gia (Khoa học chính trị, Đại học Paris) Đạo Thiên Chúa và chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam 1857 - 1914, xuất bản tại Paris 1958 (với công trình trên, Cao Huy Thuần được Hội đồng khảo thí chấm hạng ƯU)... 

Trong bài này, người viết xin được xoáy vào nội dung chính là tìm địa danh mà ở đó, chữ Quốc ngữ viết theo mẫu tự Latinh được hình thành đầu tiên và xác định vai trò đích thực của vị Tổ khai sinh chữ Quốc ngữ này, còn những nguyên nhân, những lý do cấu thành việc sáng tạo này, người viết xin giới hạn - trước hết - do nhu cầu truyền giáo, tức nhu cầu truyền đạt thánh ý của đức Chúa Jésus đến với con chiên người Việt tân tòng mà các cha đạo thuở ban sơ không thuyết giảng được bằng tiếng Việt - một trở ngại vô cùng lớn đối với sứ mệnh rao giảng của các vị đảm nhận chức vụ truyền bá đạo Chúa bấy giờ. 

Và như giáo sử đã ghi, thời điểm các nhà truyền giáo Tây phương đến xứ Đàng Trong (Quảng Nam), sớm nhất là năm 1615. Một trong các nguyên nhân chính là do các vị thừa sai ở Nhật Bản bị chính phủ Nhật - thời Mạc phủ - không cho phép giảng đạo (Thiên) Chúa tại xứ sở của họ và chính phủ Nhật ra nghiêm lệnh cấm dân Nhật không được theo đạo Chúa. Lệnh này rất nghiêm, nên các vị thừa sai, các thầy dòng bị trục xuất một cách nghiêm ngặt phải rời Nhật, một số qua Ma Cao và một số đến Việt Nam. 

Tại Quảng Nam, kể từ 1615 trở về sau, lần lượt các vị thừa sai đến Quảng Nam, tiêu biểu như: 

- Năm 1615: Francesco Buzomi (Ý Đại Lợi) Diego Carvalho (Bồ Đào Nha) Antonio Dias (Bồ Đào Nha) 

- Năm 1617: Francisco de Pina (Bồ Đào Nha) 

- Năm 1618: Manoel Fernandes (Bồ Đào Nha) Cristoforo Borri (Ý Đại Lợi) 

- Năm 1624: Gaspar Louis (Bồ Đào Nha) 

Antonio de Fontes (Bồ Đào Nha) 

Alexandre de Rhodes (gốc Avignon, sau thuộc Pháp) 

Đấy là những vị đến Quảng Nam hoạt động giáo vụ có thời gian lâu hơn đối với một số khác có thể cư trú thời gian ngắn rồi lại chuyển nơi hoạt động. Có điều đông đảo những nhà nghiên cứu cho rằng, vì đột xuất bị chính phủ Nhật trục xuất, trong lúc chúa Nguyễn đang hùng cứ tại xứ Đàng Trong có chính sách nhân hậu, mềm dẻo đối với thần dân của Minh triều khi nhà Minh bị Mãn Thanh thôn tính - sự kiện này họ quá biết - do đó, việc các thừa sai lúc bấy giờ vào xứ Đàng Trong cũng có phần nào yên tâm. Nhưng rõ ràng là đến xứ hoàn toàn xa lạ này, họ chưa hề biết tiếng nói để giao thiệp, vậy mà họ vẫn đến! Điều này có thể giải thích là tại Quảng Nam, nhất là phố thị Hội An, nơi có khá nhiều thương nhân Nhật và thương nhân Trung Hoa có cuộc sống ổn định và cơ sở thương mãi hoàn chỉnh với hai dãy phố - Phố Nhật và phố người Hoa. Chính những thương nhân Nhật và Hoa này không ít người là con chiên của Chúa, trước ngày họ định cư tại Hội An, do đó các thừa sai sở cậy ở họ trong việc phiên dịch khi cần thiết tiếp xúc với dân Việt tại địa phương này rồi dần dần sẽ học thông tiếng nói của người Việt sử dụng cho việc giảng đạo sau này... 

Và không cần phải suy luận, bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được rằng: tất cả người nước ngoài, không luận chi người phương Tây, ngay những thương nhân vùng Nam Á, khi cho thuyền vào cửa Đại cũng phải xin phép nhà chức trách ở đấy. Vì vậy, khi Francisco de Pina đến cửa Hàn rồi vào Hội An, chắc chắn ông ta phải lên khai báo việc cư trú với chính quyền địa phương tại Thanh Chiêm - thủ phủ của tỉnh Quảng Nam với hình thức như đến đó để xuất trình “visa” làm thủ tục nhập cảnh (mà ngày nay, vẫn duy trì thủ tục này). 

Theo giáo sử, thì Francisco de Pina lúc đó đang còn là thầy giảng nên ông phải tuân thủ sự cắt đặt của Cha bề trên trong việc phục vụ giáo quyền ở địa phương này - có nghĩa là ông phải thực thi chương trình hoạt động do phần hành giáo vụ phân công - chưa có cơ sở làm việc cố định, năng đi lại, khi thì Đà Nẵng, khi thì Hội An, lúc thì Thanh Chiêm, lúc thì Nước Mặn (Quy Nhơn). Chính trong thời điểm này, Pina vừa thực hiện việc học hỏi tiếng Việt ở các nơi ấy qua những con chiên gốc người Nhật, người Hoa và tất nhiên phải có cả người Việt, các Nho gia người bản xứ. Đặc biệt Francisco de Pina thông minh, có trí nhớ tốt, học tiếng Việt rất nhanh, chỉ trong vòng mấy tháng ông đã giảng Kinh Thánh bằng tiếng Việt, không cần người thông dịch. 

Có mấy sự kiện dưới đây xác minh Francisco de Pina chính thức được phong linh mục, có trách nhiệm cai quản sở đạo Thanh Chiêm (Kẻ Chàm), rất giỏi tiếng Việt: 

1. Theo ghi chép của Antonio de Fontes: “Aõ presente temos ja tres residencias, as duas estavão formadas; a 3a assẽtis (?) eu agora corte do principe, onde ficão tres Pes dassento o Pe Franco de Pina qua muito bem a lingoa por superior, e mestre, e os Pex Alexandre de Rhodes e Anto de Fontes por supditos, e discipulos” (dịch: Hiện nay chúng tôi có 3 cư sở mà trong hai số này [Hội An - Nước Mặn] đã được hoàn thành [theo giáo luật] còn cơ sở thứ ba tại “thủ phủ” quan “trấn thủ”, nơi lúc này tôi [đang tạm trú], có 3 linh mục định cư: linh mục Fancisco de Pina biết tiếng [Việt] khá lắm, làm bề trên và là giáo sư [dạy tiếng Việt], và các linh mục Đắc Lộ cùng Antonio de Fontes là thuộc viên và học viên) [Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc ngữ (Sài Gòn: Tủ sách Ra Khơi, 1972), tr. 33]. 

2. Theo nghiên cứu của linh mục Đỗ Quang Chính ghi lại trong Lịch sử chữ Quốc ngữ: “Khi vừa tới Đàng Trong, Đắc Lộ thấy hai linh mục Francisco Busomi và Emanuel Fernandes còn phải dùng thông ngôn để giảng, tuy nhiên ông sung sướng thấy một linh mục khác, tức là Francisco de Pina đã nói thành thạo tiếng Việt. Đắc Lộ được bề trên cho ở cùng nhà với Pina tại Thanh Chiêm để Pina dạy tiếng Việt cho ông”. [Đỗ Quang Chính, Sách đã dẫn, tr. 79]. 

3. Năm 1651, khi in ấn Từ điển Annam - Lusitan - Latinh, chính Alexandre de Rhodes đã khẳng định ngay trong lời nói đầu “Ad Lectorem” (Cùng độc giả) và quý linh mục Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính dịch ra Quốc ngữ, (Nxb Khoa học xã hội ấn hành), có đoạn: “Ngay từ đầu tôi đã học với cha Francisco de Pina người Bồ Đào Nha, thuộc Hội dòng Giê-Su nhỏ bé chúng tôi, là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng nầy và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn...”. Và Rhodes tiếp: “... Tôi cũng sử dụng những công trình của nhiều cha khác cùng một Hội dòng, nhất là của cha Gaspar de Amaral và cha Antonio Barbosa, cả hai ông đều đã biên soạn mỗi ông một cuốn từ điển: ông trước bắt đầu bằng tiếng Annam, ông sau bằng tiếng Bồ Đào Nha, nhưng cả hai ông đều đã chết sớm. Sử dụng công khó của hai ông, tôi còn thêm tiếng Latinh theo lệnh các Hồng y đáng tôn, vì ngoài những tiện lợi khác, nó còn giúp ích cho những người bản xứ học tiếng Latinh,...” (Sách đã dẫn, tr. 3). 

4. Trong bài tham luận tại Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ II tại Thành phố Hồ Chí Minh (14 - 16.7.2004), nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương, sau khi tổng kết các tư liệu từ trước đến nay, rút ra được một nhận định về khả năng sử dụng tiếng Việt của A.de Rhodes và các nhà truyền giáo hồi ấy như sau: “... Trong khoảng 30 giáo sĩ Dòng Tên thay nhau đến truyền đạo ở Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài của Đại Việt vào đầu thế kỷ XVII, chỉ có 7, 8 người biết tiếng Việt ở trình độ khác nhau, trong đó chính Alexandre de Rhodes là người bị đồng nghiệp dị nghị về sự hiểu biết tiếng Việt (trích dẫn trong Roland Jacques, Portuguese pionneers of Vietnamese linguistics - Pionniers Portugais de la linguistique Vietnamienne, Orchid Press, 2002), đồng thời ông Tương xếp một số giáo sĩ phương Tây thông tiếng Việt, đáng kể ở thời điểm ấy ngoài Francisco de Pina, là người đã biên soạn sách Từ vựng và các thanh tiếng An Nam, Ngữ pháp tiếng An Nam trước ngày A.de Rhodes đến Quảng Nam. Và những vị đó là: 

- Gaspar doe Amaral (1594 - 1645) người Bồ biên soạn Từ điển Việt - Bồ (khoảng 1631 - 1645). 

- Antonio Barbosa (1594 - 1647), người Bồ biên soạn Từ điển Bồ - Việt (tái bản khoảng 1936 - 1945). 

- Girolarmo Maiorica (1591 - 1656), người Ý có nhiều công trình phiên âm giáo lý bằng chữ Nôm. 

- Cristoforo Borri (1583 - 1632), người Ý, có công trình nghiên cứu phôi thai về ngữ pháp tiếng Việt. 

- Onofre Borges (1614 - 1663), người Thụy Sĩ, gốc Đức, biên soạn Nhập môn tiếng Đàng Ngoài từ 1645 - 1658. 

Và Alexandre de Rhodes (1645 - 1660) in ấn tác phẩm Tự điển Annam - Lusitan - Latinh năm 1651. 

5. Hoạt động của Francisco de Pina từ 1617 đến 1623 (trước khi A.de Rhodes đến Hội An, Thanh Chiêm) được xác nhận: “Các nhà truyền giáo đến Việt Nam thời ấy, đều phải học tiếng Việt mới có thể tiếp xúc với người Việt Nam. Theo chúng tôi biết thì linh mục Francisco de Pina là người Âu Châu đầu tiên nói thạo tiếng Việt. Pina sinh 1585 ở Bồ Đào Nha. Ông tới Đàng Trong năm 1617. Lúc đầu, Pina sống ở Hội An, sang năm 1618 ông ở tại Nước Mặn với Buzomi và Borri. Hai năm sau ông trở lại Hội An, rồi năm 1623, Pina đến ở tại Thanh Chiêm, thủ phủ Quảng Nam dinh. Pina chết đuối ở bờ bể Quảng Nam ngày 15.12.1625... Sau đó người ta vớt được xác Pina đem về Hội An làm lễ trọng thế”. [Đỗ Quang Chính dịch trong “Annua da Missam de Annam” của Antonio de Fontes viết tại Hội An ngày 1.1.1626. Dẫn theo: Đỗ Quang Chính, Sách đã dẫn, tr. 22]. 

Qua 5 sự kiện vừa nêu, có mấy điều đáng để chúng ta lưu ý: 

1. Tuy Francisco de Pina đặt chân đến Quảng Nam từ năm 1617, nhưng đến năm 1923 ông mới ổn định cư sở làm việc tại Thanh Chiêm, thủ phủ tỉnh Quảng Nam thời đó. Điều này, cho ta xác định việc ông được thụ phong linh mục cũng là vào thời điểm này, tức là năm 1623 như linh mục Đỗ Quang Chính nhận định. Nếu vậy, thì chính thời điểm này, Francisco de Pina mới có đủ điều kiện và thời gian hệ thống hóa, biên soạn lại những gì mà ông đã thu thập được trước đó để sáng tạo ra chữ Quốc ngữ tại cư sở Thanh Chiêm, và cũng tại Thanh Chiêm, Francisco de Pina viết bức thư gửi cho Cha bề trên ở Ma Cao là Jéromino Rodriguez báo cáo việc ông đã biên soạn được một chuyên luận nhỏ về từ vựng và các thanh của ngôn ngữ này (tiếng Việt) và ông đang bắt tay viết về ngữ pháp... Dĩ nhiên, lá thư ấy chỉ được gửi đi theo con đường duy nhất là từ Hội An, theo các thương thuyền về Ma Cao, chứ không hẳn Francisco de Pina viết tại Hội An. 

2. Theo nghiên cứu của Roland Jacques, cũng như một số nhà nghiên cứu khác, cho rằng: chính các vị giáo sư người Bồ Đào Nha hồi ấy trong Hội Dòng Tên hoạt động sớm và tích cực có sự hỗ trợ của con chiên người Nhật và người Hoa tại Quảng Nam, nên trong giao thiệp, tiếng Bồ Đào Nha rất có ảnh hưởng đối với việc sáng tạo chữ Quốc ngữ (lúc ban đầu chưa tiếp xúc với giáo sĩ Pháp, chưa có sự liên hệ nào với chữ Latinh). Và trên thực tế, chữ Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam hồi đó có nhiều chữ viết dùng theo chữ viết của Bồ, mà ta có thể nghiệm thấy rõ trong chứng minh của nhiều nhà nghiên cứu như tác phẩm của linh mục Đỗ Quang Chính... (chẳng hạn, trong mẫu tự Latinh không có dấu “~” (dấu ngã), trong chữ Bồ và chữ Việt có dùng dấu đó). 3. Sau ngày bị nạn tại biển Hội An (15.12.1625) tất cả công trình nghiên cứu chữ Quốc ngữ của linh mục Francisco de Pina, không thể để ngoài cư sở Thanh Chiêm, nơi đó cũng là nơi ăn ở và làm việc của A. de Rhodes (như tài liệu của linh mục Đỗ Quang Chính đã ghi lại trước) thì không còn nghi ngờ gì là những tài liệu đó được tập trung vào tay A. de Rhodes, giúp cho Rhodes sử dụng cùng với những tài liệu của các giáo sĩ Dòng Tên khác của thời đó viết nên Từ điển Annam - Lusitan - Latinh năm 1651. 

4. Từ những sưu khảo cẩn trọng với các chứng cứ thuyết phục trên, Roland Jacques thẳng thắn cho rằng: “... Ngay cả, mặc dù mọi nhận xét cho là do sự nghiệp của cá nhân Alexandre de Rhodes, người duy nhất của nền văn minh Pháp tham gia vào công việc này thì cũng phải nói rằng chữ Quốc ngữ không hàm ơn gì hết đối với tiếng Pháp, vả lại Alexandre de Rhodes không hề làm một tham cứu nào từ tiếng mẹ đẻ của mình trong sự mô tả ngữ âm mà ông đã xuất bản”. (Có nghĩa, A.d Rhodes không có một tham cứu nào từ tiếng mẹ đẻ của mình... thì ông đâu có cái công sáng tạo mà chỉ là hệ thống hóa những công trình của người đi trước mà thôi). 

Vậy là đã quá rõ để ngày nay chúng ta tôn vinh: “cái nôi” khai sinh ra chữ Quốc ngữ là thủ phủ Thanh Chiêm (tỉnh Quảng Nam) và tôn vinh vị thủy tổ phát minh ra chữ Quốc ngữ là người Bồ Đào Nha có tên là Francisco de Pina. 

Lại cũng cần thêm một thông tin gắn liền với hai sự kiện này là Thanh Chiêm (Điện Bàn, Quảng Nam) còn là nơi có trường dạy chữ Quốc ngữ Việt Nam đầu tiên với duy nhất hai học trò là Alexandre de Rhodes và Antonio de Fontes gốc người phương Tây do một giáo viên người Bồ Đào Nha là Francisco de Pina giảng dạy. 

Đêm 2.8.2005, người viết bài này cùng vài anh, chị nghiên cứu địa phương Nguyễn Phước Tương, Nguyễn Thiếu Dũng và Châu Yến Loan, được linh mục Nguyễn Trường Thăng (Cha nhà thờ Giáo xứ Thanh Bình, 24 Cao Thắng, Đà Nẵng) giới thiệu và chúng tôi có buổi trao đổi non ba tiếng tiếng đồng hồ quanh đề tài “Phát minh chữ Quốc ngữ” với tiến sĩ linh mục Roland Jacques nhân lúc linh mục ghé Đà Nẵng. 

Thật là một cuộc gặp gỡ bổ ích cho việc nghiên cứu của chúng tôi. Chúng tôi có thêm một số tin tức nghi vấn mà theo ý linh mục Jacques và linh mục Nguyễn Trường Thăng thì chỉ có thể linh mục Francisco de Pina chết tại biển Đà Nẵng và chôn tại Đà Nẵng hoặc được chôn tại giáo xứ Hội Yên (ngược dòng sông Cu Đê về phía thượng nguồn). Linh mục Jacques tự nhận mình rất trân trọng tổ quốc Việt Nam và tự xem mình là người bạn tốt của Việt Nam. Chính ông đã từng cư trú tại thủ đô Hà Nội đến mấy năm (1995) học tiếng Việt và lấy tên Việt là Dương Hữu Nhân. Do vậy, ông nói tiếng Việt theo giọng Bắc. 

Ông tâm sự công trình chữ Quốc ngữ của ông từ lúc thực hiện cho đến lúc hoàn thành gặp rất nhiều khó khăn - kể cả khó khăn đối với người Pháp đồng hương với ông - nhưng ông vẫn luôn giữ lập trường “sự thật là sự thật, đã là sự thật thì không thể nói khác được...”. 

Nhân đấy, ông có cho biết là ông cũng từng tìm đầy đủ tài liệu về Andre Phú Yên bị tử vì đạo tại Thanh Chiêm, thủ phủ của tỉnh Quảng Nam, hồi ấy ở phía bắc sông Thu Bồn... Nhân buổi gặp gỡ này, linh mục Jacques có cho chúng tôi hai tài liệu, một bằng chữ Pháp và một bằng chữ Quốc ngữ do chính ông trực tiếp viết ra, đó là bài Gặp gỡ người Việt qua lịch sử và giữa lòng cuộc sống. Bài này, ông viết rất trung thực mà bạn đọc đọc đến sẽ thấy ngay tình cảm của ông đã dành cho người Việt Nam, ngôn ngữ Việt Nam. 

Có điều đặc biệt người viết bài này ghi nhận được trong câu chuyện trao đổi với linh mục Roland Jacques đêm đó, có đến mấy lần ông nhấn mạnh rằng: chữ Quốc ngữ của ta có được là nhờ công đầu tiên của giáo sĩ Francisco de Pina, người Bồ Đào Nha sáng tạo, còn Alexandre de Rhodes có công bồi đắp, hoàn thiện - đó cũng là công đáng kể. Ông cho biết, chuyến đi này, ông đến Việt Nam để trao đổi với Bộ Văn hóa Việt Nam, ấn hành luận án của ông năm 1995 và tác phẩm ông viết sau đó, dịch ra Quốc ngữ... 

Roland Jacques - một tiến sĩ, một linh mục người Pháp nhưng nhất quyết không cho rằng người Pháp có công đầu trong việc tạo ra chữ Quốc ngữ, dù bị dư luận người trong nước ông chống đối - chỉ vì ông muốn trung thực với lịch sử - đây là trường hợp đặc biệt chưa từng xảy ra trong phạm trù “đi tìm nguồn gốc chữ Quốc ngữ” vậy. 

Tài liệu tham khảo: 

1. Roland Jacques (2002). Portuguese pionneers of Vietnamese linguistics - Ponniers Portugais de la linguistique Vietnaminne. Bangkok: Orchid Press. 

2. Dương Quảng Hàm (1950). Việt Nam Văn học sử yếu. Hà Nội. 

3. Vũ Ngọc Phan (1989). Nhà văn hiện đại. Tập I. Hà Nội: Khoa học Xã hội. 

4. Nguyễn Phước Tương. “Sự phát minh chữ quốc ngữ - Vai trò tiên phong của Francisco de Pina và vị trí quan trọng của người Việt”. Tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ II (14 - 16.7.2004) tại Thành phố Hồ Chí Minh. 

VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA DINH TRẤN THANH CHIÊM 
ĐỐI VỚI SỰ RA ĐỜI VÀ TRUYỀN BÁ CHỮ QUỐC NGỮ?

Nguyễn Văn Bảo

1. Vị trí, vai trò của dinh trấn Thanh Chiêm 

Quảng Nam một vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, trước khi trở thành một bộ phận lãnh thổ của Đại Việt đây từng là đất đóng đô của một vương quốc cổ, cùng với quá trình đấu tranh, mở rộng và sáp nhập lãnh thổ của Đại Việt trải qua nhiều thế kỷ. Đến thế kỷ thứ XV vùng đất Quảng Nam mới chính thức trở thành một bộ phận trong lãnh thổ Đại Việt, dưới thời vua Lê Nhân Tông vào năm 1446 đã cho đặt các Ty, Sở ở các Đạo để cai trị. Năm Hồng Đức thứ 2 (1470), sau sự kiện vua Chiêm là Bàn La Trà Toàn đem hơn 10 vạn quân đánh vào châu Hóa, tháng 8 năm Canh Dần (1470), triều đình nhà Lê quyết định mở cuộc tấn công lớn vào vùng đất phía Nam với chủ trương giải quyết nạn giặc Chiêm. Đến tháng 2 năm 1471 vua Lê Thánh Tông thân chinh dẫn hơn 1.000 chiến thuyền, 70 vạn tinh binh ra hai cửa biển Tân Áp và Cựu Tọa (tức là vùng cửa Lở và cửa Hiệp Hòa, thuộc tỉnh Quảng Nam ngày nay), tiến vào cửa Thị Nại, hạ được thành Chà Bàn, bắt sống hơn 3 vạn người, chém được hơn 4 vạn thủ cấp, bắt sống Trà Toàn rồi đem quân về.1 

Sau khi lấy được đất Chiêm Thành triều đình nhà Lê cho đặt làm Đạo thừa tuyên Quảng Nam, sách Đại Việt sử ký toàn thư chép về sự kiện này như sau: “Tháng 6 lấy đất Chiêm Thành đặt làm thừa tuyên Quảng Nam và vệ Thăng Hoa. Đặt chức án sát ở 12 thừa tuyên và đặt 3 ty2 ở Quảng Nam”.3 Như vậy, đến năm 1471 thì vùng đất 4 châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa (dưới thời nhà Hồ) được khôi phục, không những thế mà cương vực lãnh thổ của nhà nước Đại Việt còn được mở rộng hơn xuống phía Nam đến tận vùng Vijaya (tức Bình Định ngày nay), vua Lê Thánh Tông cho đặt đạo Thừa tuyên Quảng Nam, đây là đạo thứ 13 của Đại Việt4, thống lĩnh 3 phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhân (Nhơn) (tức là một phần đất tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định hiện nay). Như vậy, kể từ năm 1471, tên gọi địa danh Quảng Nam bắt đầu xuất hiện trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, bao gồm 1 vùng rộng lớn kéo dài từ phía nam Thuận Hóa vào sát núi Thạch Bi ở Phú Yên. Về tên gọi, qua các giai đoạn lịch sử đạo Thừa tuyên Quảng Nam có những tên gọi khác nhau như: năm 1490 đổi gọi là xứ Quảng Nam, năm 1520 gọi là trấn Quảng Nam, năm 1602 (đời chúa Nguyễn Hoàng) gọi là dinh Quảng Nam. 

Việc xây dựng dinh trấn Quảng Nam trở thành một thủ phủ, bức phên dậu để bảo vệ cho chính quyền của chúa Nguyễn, được bắt đầu từ sau khi chúa Nguyễn Hoàng từ phía Bắc trở về Thuận Hóa năm 1600 và cho dời dinh sang phía đông dinh Ái Tử trước kia, bấy giờ gọi là dinh Cát. Năm 1602, chúa Nguyễn Hoàng nhân chuyến đi tuần du ở vùng núi Hải Vân, chúa đã nhận thấy đây là vùng núi non hiểm trở, đất tốt, dân đông, sản vật giàu có mà lại là chỗ đất yết hầu của miền Thuận - Quảng, chúa Nguyễn mới sai lập dinh ở xã Cần Húc, xây kho tàng, chứa lương thực, rồi sai công tử thứ sáu là Nguyễn Phúc Nguyên trấn giữ.5 Như vậy, có thể thấy được rằng việc xây dựng dinh trấn Quảng Nam của chúa Nguyễn gắn với nhiều mục đích vừa là quân sự để bảo vệ vùng Thuận - Quảng đồng thời đây lại là vị trí quan trọng để có thể phát triển kinh tế và từng bước mở rộng lãnh thổ về phía Nam. Chính vì vậy, chúa Nguyễn Hoàng mới sai con là Nguyễn Phúc Nguyên vào trấn thủ. Sách Phủ biên tạp lục chép: “Năm Hoàng Đinh thứ 3 (1602), Nhân Dần, sai Thụy Quận công Phúc Nguyên trấn thủ Quảng Nam”.6 Vị trí dinh trấn Quảng Nam ban đầu được đặt ở xã Cần Húc, huyện Duy Xuyên. Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết vị trí của dinh trấn như sau: “Lỵ sở cũ của Dinh Chiêm ở xã Cần Húc, huyện Duy Xuyên. Hồi đầu bản triều, dựng dinh ở đây, dựng hành cung phủ khố, để phòng khi chúa đi tuần du, sau trải qua loạn lạc, bị bỏ hư. Xét sách Phủ biên tạp lục chép: Dinh Quảng Nam ở xã Cần Húc tục gọi là Dinh Chiêm, đi từ dinh sở qua đò đến con sông nhỏ Kẻ Thế và Bao Nghĩa (xã Cần Húc nay là xã Văn Đông huyện Diên Phước, tiếp giáp xã Thanh Chiêm)”.7 

Đến năm 1604, chúa Nguyễn mới cho đổi tên các đơn vị hành chính ở hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam lúc này lỵ sở của dinh trấn Quảng Nam được chuyển từ xã Cần Húc, huyện Duy Xuyên đến làng Thanh Chiêm, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn. Sách Đại Nam thực lục chép về sự kiện này như sau: “Dời dinh lỵ Quảng Nam đến xã Thanh Chiêm (thuộc huyện Diên Phúc). Dinh lỵ Quảng Nam cũ ở Hội An chật hẹp, vua sai đình thần tìm nơi địa thế cao ráo sáng sủa, vẽ đồ dâng lên. Đình thần tấu xin đặt ở xã Thanh Chiêm. Bèn hạ lệnh dời dựng ở chỗ ấy”.8 

Như vậy, các nguồn sử liệu đều cho biết lỵ sở dinh trấn Quảng Nam đầu tiên được chúa Nguyễn cho xây dựng vào năm 1602, nằm ở vị trí tại xã Cần Húc - nay là xã Văn Đông, huyện Diên Phước, tiếp giáp xã Thanh Chiêm. Nhưng do vị trí ở xã Cần Húc “chật hẹp, hư hại phải bỏ” như Đại Nam thực lục cho biết thì triều đình đã chọn vùng đất mới và cho dời dinh trấn xuống đặt ở xã Thanh Chiêm. Dinh trấn Quảng Nam hay Thanh Chiêm (người ngoại quốc thường gọi là Ca-ciam hay Dinh Ciam), được thiết lập trên bờ sông Sài Giang hay Sài Thị Giang (sông Củi hay sông Chợ Củi), một nhánh của con sông Thu Bồn. Nhánh sông này thủa đó vốn là một con sông lớn, do sự hợp lưu của cả ba ngã nguồn: Thu Bồn, Chiên Đàn và Ô Da và chảy vào bên dinh trấn, vì thế dinh trấn có bến tàu đậu và có chợ buôn bán đông đảo, tấp nập. Dinh trấn lại chỉ cách Hải Phố hay Hội An Phố có sáu dặm, tức là khoảng 9 km nên thuận lợi cho việc kiểm soát xuất, nhập khẩu và ngoại thương thời đó cũng như việc tiếp xúc, giao thiệp giữa chính quyền với người ngoại quốc.9 

Như vậy, chúa Nguyễn cho xây dựng dinh trấn Thanh Chiêm nằm ở một vị trí có nhiều chức năng. Đối với sự phát triển kinh tế đây là vị trí vô cùng thuận lợi có thể thông thương trong vùng và khu vực theo các tuyến giao thông đường thủy và đường bộ. Về quân sự, với vị trí trên dinh trấn Thanh Chiêm vừa có thể xem như một bức “phên dậu” phía nam để bảo vệ vùng đất Thuận - Quảng trước sự xâm lược của bên ngoài mà trước mắt là mối lo đối phó với chúa Trịnh ở phía Bắc, mặt khác, dinh trấn Thanh Chiêm còn được xem như là một bàn đạp để các chúa Nguyễn thực hiện các cuộc Nam tiến. 

Nhận xét về vai trò, vị trí của dinh trấn Quảng Nam, tác giả Phạm Đình Khiêm đã nhận định: “Về mặt chính trị, dinh trấn Quảng Nam phải được coi như một thượng đô thứ hai của chúa Nguyễn, một thí điểm tập sự cho các chúa trong tương lai, một trung tâm chính trị, hành chính quan trọng. Xét về mặt quân sự, nó có những ưu điểm sau đây: thiết lập trên một con sông lớn nối liền sơn cước với đại dương theo chiều tây - đông, lại nằm chính giữa ở trục giao thông quan trọng nhất là đường quan lộ Nam - Bắc, không quá thế thủ bằng cách tựa vào núi non như quan niệm Chiêm Thành, cũng không chênh vênh ở ngoài bãi bể để hứng lấy những cuộc tấn công của bọn giang hồ quốc tế. Dinh trấn còn là một căn cứ thủy lục quân hùng mạnh... để yểm hộ một cách đắc lực cho kinh đô và tiếp cứu Quảng Bình để chặn đứng các cuộc tấn công của họ Trịnh, đồng thời tạo nên một vùng an ninh để phòng có chỗ lui khi cần thiết... Dinh trấn cũng là một bàn đạp cho cuộc Nam tiến: phát động rầm rộ hai cuộc bình định đất Phú Yên”.10 

Dinh trấn Thanh Chiếm được thiết lập vì những mục đích quan trọng như đã trình bày, chính vì vậy chúa Nguyễn luôn quan tâm đến việc xây dựng dinh trấn và thường sai những người con tài giỏi đến trấn giữ và xây dựng vùng đất này. Người đầu tiên được vào trấn giữ vùng đất này là chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1563 - 1635), con thứ sáu của chúa Nguyễn Hoàng được dân chúng tôn gọi là chúa Sãi, chúa Bụt, hay Phật chúa. Sau Nguyễn Phúc Nguyên là Nguyễn Phúc Kỳ (? - 1631), công tử cả của chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Đến khi công tử Nguyễn Phúc Kỳ mất thì Chưởng cơ Nguyễn Phúc Anh, con thứ ba được cử thay thế và công tử thứ tám Nguyễn Phúc Tứ được cử làm Phó tướng. 

Với chủ trương xây dựng vùng đất Thuận - Quảng trở thành miền thường đô của chúa Nguyễn và tách dần sự ảnh hưởng của chúa Trịnh ở phía Bắc, cùng với đó là chủ trương mở rộng lãnh thổ về phía Nam. Do đó, chúa Nguyễn đã cho xây dựng dinh trấn Thanh Chiêm, Quảng Nam phải như một thượng đô thứ hai và có đủ các điều kiện để chống đỡ các cuộc tấn công của chúa Trịnh, đồng thời đây sẽ là bàn đạp cho quá trình Nam tiến. Điều này được thể hiện rõ trong lời trăn trối của chúa Nguyễn Hoàng trước khi lâm chung: “Đất Thuận - Quảng phía bắc có núi Hoành Sơn, sông Linh Giang hiểm trở, phía nam có núi Hải Vân, núi Thạch Bi vững bền, núi sinh vàng sắt, bể có cá muối, thật là đất dụng võ của kẻ anh hùng. Nếu biết dạy dân, luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng sự nghiệp muôn đời. Nếu lực không địch được thì cố giữ đất đai để đợi thời cơ, chứ đừng bỏ hỏng lời dặn của ta”. 11 

Đúng như sự kỳ vọng của chúa Nguyễn Hoàng căn dặn, các chúa Nguyễn tiếp theo đã cho xây dựng dinh trấn Thanh Chiêm trở thành một thủ phủ thứ hai, có đầy đủ tiềm lực về kinh tế, quân sự để đẩy lùi các cuộc tấn công của chúa Trịnh như vào các năm 1627, 1648, 1672, cùng với đó còn đánh thắng đội quân hùng mạnh Hà Lan vào các năm 1641 và 1644, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền của Đại Việt. Không chỉ vậy các đời chúa Nguyễn đã nối tiếp nhau mở rộng lãnh thổ đất nước về phía Nam, góp phần hoàn thiện cương vực lãnh thổ của nước ta hiện nay. 

2. Dinh trấn Thanh Chiêm với sự ra đời và truyền bá chữ Quốc ngữ 

Trong lịch sử, dinh trấn Thanh Chiêm không chỉ là thủ phủ thứ hai của chúa Nguyễn, trung tâm kinh tế, chính trị của vùng Quảng Nam mà còn là nơi khởi nguyên cho sự ra đời của chữ Quốc ngữ, một sản phẩm văn hóa quý giá của dân tộc mà đến nay chúng ta đang được thừa hưởng. Như đã trình bày về vị trí, vai trò của dinh trấn Thanh Chiêm trên các mặt kinh tế, chính trị quân sự cũng như là bước đà quan trọng để các chúa Nguyễn từng bước mở rộng lãnh thổ về phía Nam. Tuy nhiên, chính nằm ở vị trí trên, dinh trấn Thanh Chiêm vừa là thủ phủ của Quảng Nam đồng thời lại là nơi thuận lợi cho việc giao thương, trong lịch sử Thanh Chiêm đã trở thành cái nôi cho sự ra đời chữ Quốc ngữ. 

Theo cách nghĩ của Đỗ Quang Chính SJ, thì: “chữ Việt ngày nay là một thứ chữ đã được nhiều linh mục Dòng Tên ở Việt Nam (với sự công tác âm thầm của một số thầy giảng Việt Nam) vào thế kỷ XVII sáng tạo ra. Nói một cách tổng quát thì họ đã dùng mẫu tự Latinh, rồi dựa vào phần nào của chữ Bồ Đào Nha, Ý và mấy dấu Hy Lạp, để làm thành chữ mà chúng ta đang dùng”.12 Sự ra đời của chữ Quốc ngữ ở nước ta thế kỷ thứ XVII gắn liền với tên tuổi của các nhà truyền giáo và sự hợp tác của một số thầy giảng Việt Nam, căn cứ vào các nguồn sử liệu để lại thì vào khoảng giữa thế kỷ thứ XVI các nhà truyền giáo từ Âu châu, như I Ni Khu, Gaspar da Santa Cruz, Louis da Fonseca, G. de la Motte, Diego Advarte đã đến miền Hà Tiên và Thừa Thiên, nhưng những hoạt động thời kỳ này của các ông chưa được ghi lại rõ rệt và phải đến đầu thế kỷ thứ XVII những nhà truyền giáo từ Âu châu và các nước như Nhật Bản, Trung Hoa mới chính thức đến Việt Nam và để lại dấu ấn đậm nét. 

Đến đầu thế kỷ XVII các nhà truyền giáo đến Việt Nam sớm nhất là vào ngày 6.1.1615, với ba tu sĩ Dòng Tên là linh mục Francesco Buzomi (Ý), Diego Carvalho (Bồ Đào Nha) và thầy Antonio Dias (Bồ Đào Nha), các nhà truyền giáo này đi tàu buôn Bồ Đào Nha từ Áo Môn vào Đàng Trong và tới cửa Hàn ngày 18.1.1615. Sau đó, mấy tháng các ông đến Hội An.13 Những nhà truyền giáo trên đến Hội An ban đầu với mục đích là giúp đỡ giáo hữu người Nhật về mặt tôn giáo và nhờ người Nhật làm thông ngôn để tiếp xúc với người Việt Nam, tuy nhiên để có thể hoạt động được lâu dài và thuận tiện khi tiếp xúc với người Việt Nam các nhà truyền giáo này cũng đã học tiếng Việt. Cụ thể như linh mục Francisco de Pina14 nói khá thạo tiếng Việt, ông tới Đàng Trong vào năm 1617 và sống tại Hội An, sang năm 1618 ông ở tại Nước Mặn với hai nhà truyền giáo là Buzomi và Borri, năm sau ông lại trở lại Hội An vào năm 1623 đến sống tại dinh trấn Thanh Chiêm. Để thuận lợi cho việc truyền giáo và giao tiếp với các giáo dân thì những người truyền giáo cần phải có một thứ tiếng riêng và chữ Quốc ngữ đã từng bước được ra đời trong hoàn cảnh như vậy. Một điều rất đặc biệt là hầu hết các nhà truyền giáo khi đến Đàng Trong đều đặt chân lên Hội An trước, tuy nhiên họ lại không chọn làm nơi truyền bá đầu tiên và cũng có thể họ thấy Hội An là nơi hỗn tạp của nhiều ngôn ngữ, là nơi sinh sống khá đông của người Nhật, người Hoa,... và những người Việt ở đây cũng bị ảnh hưởng bởi ngôn ngữ của những người ngoại quốc này. Chính vì vậy, họ đã chọn dinh trấn Thanh Chiêm để thực hiện việc truyền bá, mặt khác ở dinh trấn, thủ phủ của Quảng Nam họ cảm thấy được an toàn hơn, được che chở, bảo hộ bởi chính quyền chúa Nguyễn. 

Các nguồn tư liệu đều cho thấy rằng nhờ mối quan hệ tốt với Tổng trấn Nguyễn Phúc Kỳ cho nên Francisco de Pina đã có thể thiết lập được trụ sở mới ở dinh trấn Thanh Chiêm vào cuối năm 1624 và đến năm 1625 Pina chính thức trở thành Cha bề trên quản nhiệm trú sở truyền giáo Thanh Chiêm (Résidentia Dinh Ciam). Không chỉ có hoạt động truyền giáo, tại đây cũng là nơi nghiên cứu và sáng tạo ra chữ Quốc ngữ của các nhà truyền giáo. Tại trú sở Thanh Chiêm, Pina vừa dạy tiếng Latinh cho các thầy giảng người Việt vừa là giáo sư Việt ngữ cho hai giáo sĩ dưới quyền mới đến hồi cuối năm 1624 là Antonio de Fontes và Alexandre de Rhodes. Pina được xem là ông tổ của chữ Quốc ngữ và trú sở tại dinh trấn Thanh Chiêm và là người góp phần quan trọng trong việc thành lập “Học viện Việt ngữ học” đầu tiên, mà Pina có tư cách là vị giám đốc khai lập ngôi trường này và chính ông là người đã dạy tiếng Việt cho Alexandre de Rhodes - người sau này trở thành vị giám đốc nhiệm. Cho nên có thể thấy ngoài công lao to lớn của các nhà truyền giáo từ nước ngoài đối với sự ra đời của chữ Quốc ngữ, và dĩ nhiên có sự góp công rất lớn của người Việt như các quan tổng trấn Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Kỳ,… qua chính sách thân thiện với các giáo sĩ. 

Mặc dù là người học tiếng Việt từ người thầy Pina nhưng người đầu tiên dùng chữ Quốc ngữ để viết thành sách và in sách lại là Alexandre de Rhodes (năm 1651). Trong lời nói đầu cuốn Tự điển Việt - Bồ - Latinh, A. de Rhodes cho biết: “ngay từ đầu tôi đã học với Cha F. de Pina người Bồ Đào Nha là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng ngôn ngữ đó mà không cần dùng thông ngôn”. Các nguồn tư liệu đều cho thấy trong giai đoạn sơ khai hình thành chữ Quốc ngữ (1617 - 1626) có sự đóng góp lớn của các vị linh mục F. de Pina, Cristoforo Borri và Alexandre de Rhodes, các nhà truyền giáo này hoạt động chủ yếu ở 3 cư sở: Hội An - Thanh Chiêm (Quảng Nam), Cửa Hàn (Đà Nẵng) và Nước Mặn (Quy Nhơn), vào thời điểm trên các nơi này đều thuộc xứ Quảng và được sự quản lý của dinh trấn Thanh Chiêm. 

Căn cứ vào những tài liệu viết tay của các nhà truyền giáo chúng ta cũng có thể biết được hoạt động của các nhà truyền giáo ở Thanh Chiêm như thế nào.15 Như năm 1621, khi João Roiz viết bản tường trình gửi về cho Cả Dòng Tên ở La Mã, gồm 15 tờ 30 trang, trong đó, ông đã nhắc đến cư sở truyền giáo ở Hội An thuộc Cacham (Quảng Nam).16 Năm 1626 trong bản viết tay của Gaspar Luis gửi cho Dòng Tên Mutio Villeschi ở La Mã, bức thư dài 15 tờ 30 trang, ông cũng nhắc đến hoạt động truyền giáo ở Kẻ Chàm, tức thủ phủ dinh Quảng Nam vùng Thanh Chiêm. Tương tự như vậy, Antonio de Fontes người Bồ Đào Nha đến Đàng Trong cùng với Gaspar vào tháng 12.1624, sau đó ông định cư ở Kẻ Chàm để học tiếng Việt. Năm 1626, Antonio de Fontes có viết bản tường trình hàng năm gửi về bề trên Cả Dòng Tên ở La Mã ông cũng đã nhắc đến hoạt động truyền giáo ở cư sở Dinh Chàm trong đó có đoạn viết: “Hiện nay chúng tôi có ba cư sở mà hai cư sở trong số này (Hội An, Nước Mặn) đã được hoàn thành theo giáo luật, còn cư sở thứ ba tại thủ phủ (tức dinh trấn Thanh Chiêm), nơi mà chúng tôi đang tạm trú có ba linh mục đang tạm cư: linh mục Fransico de Pina biết tiếng Việt khá lắm, là bề trên, là giáo sư dạy tiếng Việt, và các linh mục Đắc Lộ cùng Antoni de Fontes là thành viên và học viên”. 17 Ngoài những bản tư liệu trên thì nhiều nguồn tư liệu khác cũng nhắc đến những hoạt động truyền giáo ở dinh trấn Thanh Chiêm như: tài liệu của Đắc Lộ viết năm 1636, 1644, 164718,… Điều đó cho thấy hoạt động truyền giáo ở dinh trấn Thanh Chiêm gắn liền với sự xuất hiện chữ Quốc ngữ ngay từ những năm đầu thế kỷ thứ XVII là khá rõ nét và liên tục. 

3. Một vài nhận xét 

Sự ra đời chữ Quốc ngữ ở nước ta là một tạo phẩm văn hóa gắn liền với các nhà truyền giáo và cũng chính các nhà truyền giáo đã đem đến cho dân tộc Việt Nam một thứ ngôn ngữ tiếng Việt mà đến nay là thứ chữ chính thống của dân tộc. Để hoàn thành tạo phẩm đó trước hết chúng ta phải biết ơn đến những người truyền giáo đầu tiên như: F. de Pina, Cristoforo Borri và Alexandre de Rhodes, linh mục Francesco Buzomi, Diego Carvalho và thầy Antonio Dias,... và dĩ nhiên cũng phải ghi nhận những đóng góp của người Việt đã góp phần tạo nên như chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Kỳ,… 

Quá trình ra đời và phát triển của chữ Quốc ngữ ở Đàng Trong chúng ta phải kể đến các cư sở truyền giáo như: Bình Định (Nước Mặn), Quy Nhơn, Phú Yên,... Nhưng cơ sở dinh trấn Thanh Chiêm phải được xem là quan trọng nhất và là cư sở chính cho sự ra đời chữ Quốc ngữ, bởi chính tại dinh trấn này các nhà truyền giáo đã làm việc và từng bước hoàn thiện chữ Quốc ngữ. Một điểm khác nữa đó là các nhà truyền giáo trong thời gian hoạt động ở Đàng Trong thường lưu lại cư sở truyền bá tại dinh trấn Thanh Chiêm, qua các nguồn tư liệu thì những dấu ấn đó còn lại khá đậm nét. Dinh trấn Thanh Chiêm còn là nơi cho ra đời “Học viện Việt ngữ học” là học viện đầu tiên trên thế giới, nhiều giáo sĩ khi đến Đàng Trong thì đều lưu lại dinh trấn Thanh Chiêm để học tiếng Việt. 

Có thể thấy, đến nay lịch sử đã lùi xa hơn 4 thế kỷ, tuy nhiên những đóng góp của các nhà truyền giáo đối với sự ra đời chữ Quốc ngữ vẫn còn nguyên giá trị và đang góp một phần quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. Để tạo ra sản phẩm đó thì vai trò của cư sở truyền bá ở dinh trấn Thanh Chiêm trong lịch sử quả là không nhỏ. Tuy nhiên, đến nay nhiều giá trị văn hóa, lịch sử của dinh trấn Thanh Chiêm một thời vẫn chưa được đặt đúng vị trí của nó, trước những biến động của lịch sử, trải qua thời gian thì hiện nay đang trước nguy cơ bị lãng quên. Chính vì vậy, thiết nghĩ các cấp có thẩm quyển, những người làm công tác quản lý cũng cần phải có những biện pháp kịp thời để gìn giữ địa danh vừa có giá trị văn hóa, vừa có giá trị lịch sử của dân tộc này và để dinh trấn Thanh Chiêm có được một vị trí xứng tầm với nó và khi nhắc đến dinh trấn Thanh Chiêm trong lịch sử thì mỗi người đều hiểu được đó là quê hương của sự ra đời chữ Quốc ngữ. 

Chú thích: 

1, 3 Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, (Hà Nội: Khoa học Xã hội, 1968), 235, 239. 

2. Ba ty: Tức Đô ty, Thừa ty và Hiến ty. 

4. Trước đây 12 đạo thừa tuyên của Đại Việt bao gồm: Sơn Nam, Kinh Bắc, Sơn Tây, Hải Dương, Yên Bang, Lạng Sơn, Ninh Sóc, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Thanh Hóa, Nghệ An và Thuận Hóa. 

5, 11 Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng Trong 1558 - 1777, (Sài Gòn: Khai Trí, 1969), 161, 164. 

6. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, (Hà Nội: Văn hóa Thông tin, 2007), 63. 

7. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Tập 2, (Huế: Thuận Hóa, 2006), 431. 

8. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập 1, (Huế: Thuận Hóa, 2007), 714. 

9. Phan Du, Quảng Nam qua các thời đại, Quyển thượng, (Sài Gòn: Cổ học tùng thư, 1974), 99. 

10. Phạm Đình Khiêm, “Đi tìm địa điểm và di tích hai thành cổ Quảng Nam và Phú Yên đầu thế kỷ XVII”, Việt Nam khảo cổ tập san, Số 1, 1960. Dẫn theo: Phan Du, Quảng Nam qua các thời đại, Quyển thượng, (Sài Gòn: Cổ học tùng thư, 1974). 

12, 13, 16, 17, 18 Đỗ Quang Chính SJ, Lịch sử chữ quốc ngữ 1620 - 1659, (Hà Nội: Tôn giáo, 2008), 22, 24-25; 29; 44-45; 53, 63, 64. 

14. Linh mục Francisco de Pina sinh năm 1585 ở Bồ Đào Nha. 

15. Đây là những bản trường trình hàng năm của Tỉnh Dòng Tên gửi cho bề trên Cả Dòng Tên ở La Mã.

NGHĨ VỀ TRỤC VĂN HÓA THANH CHIÊM
HỘI AN TRONG LỊCH SỬ?

Phùng Tấn Đông

Bình sinh, nhà nghiên cứu hát bội - GS. Hoàng Châu Ký (1921 - 2008) đã đề xuất cụm từ “trục văn hóa Thanh Chiêm - Hội An” và sau này là “trục văn hóa Hội An - La Qua” khi suy ngẫm về mối quan hệ giữa dinh trấn Thanh Chiêm và thương cảng Hội An vào đầu thế kỷ XVII đến những năm đầu thế kỷ XX nhất là mối quan hệ về văn hóa, lịch sử. 

1. Những điểm tương đồng về địa lý, lịch sử hình thành 

Dưới góc nhìn địa - văn hóa, hai địa danh Thanh Chiêm, Hội An cùng nằm dọc sông Chợ Củi (Sài Giang) chảy về cửa Đại (Đại Chiêm hải khẩu), cách nhau không quá 8 km cả đường bộ lẫn đường sông và đều là vùng đất chưa thực sự được “khai mở” để trực thuộc Đại Việt sau đám cưới Huyền Trân với vua Chiêm Chế Mân năm 1306. Theo học giả Nguyễn Văn Xuân, sau thời điểm 1306 “nhà Trần đổi tên Châu Ô, Châu Lý (Rí) ra Thuận Châu, Hóa Châu, lập huyện “Điện Bàn miền núi” lệ thuộc phủ Triệu Phong (thuộc Quảng Trị, Châu Hóa). Nhiều người nghĩ như thế là Đại Việt đã mở rộng qua đèo Hải Vân dọc theo bờ biển còn ở nội địa thì đã mở rộng đến bờ sông Thu Bồn. Sự thật ta lệ thuộc vào Triệu Phong, Quảng Trị và nhiều lắm là được nằm theo rìa của huyện Đại Lộc và huyện Hòa Vang ngày nay, muốn tiến vào Thu Bồn còn phải vượt qua muôn nghìn dặm rừng nguyên sinh. Còn đối với Hải Vân thì phải đến một thời gian khá lâu, sau khi lấy được Thăng Hoa bao hàm Đà Nẵng, Đại Chiêm thì lịch sử mới nói chuyện đến Phủ Điện Bàn (tức vùng đất thuộc huyện Điện Bàn ở phủ Triệu Phong đã nhờ hoạt động của quân dân và chính trị mới đạt được danh vị này). Các bản đồ nhà Lê trong bản đồ Hồng Đức đều trình bày Thăng Hoa như Nguyễn Trãi đã xác định trong Dư địa chí. Nay xét Thuận Hóa về mặt đường bộ qua Hải Vân đã tới Thăng Hoa”.1 Sau 1471 - sau thời nhà Hồ chiếm Chiêm Động, Cổ Lũy - vua Lê Thánh Tông chiếm thêm Trà Bàn (Bình Định, Hoài Nhân) - mới đặt thêm đạo thừa tuyên thứ 13. Lúc đó, “Điện Bàn vẫn còn thuộc phủ Triệu Phong, Quảng Trị, đến khi Chúa Nguyễn, năm 1602 - rút Điện Bàn ra khỏi phủ Triệu Phong nhập vào xứ Quảng Nam thì hai tên đất Điện Bàn, Thăng Hoa - thường được gọi chung là đất ‘Thăng Điện’”2 - để chỉ vùng đất mới. 

Ngược dòng lịch sử, năm 1558, Đoan Quận công Nguyễn Hoàng - con thứ hai của Nguyễn Kim được vua Lê cho vào trấn thủ trấn Thuận Hóa theo kế sách “Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân” của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhằm tránh thế lực nhà Trịnh. Năm 1570, Nguyễn Hoàng được nhà vua cho kiêm lãnh trấn Quảng Nam. Tháng 7 năm Nhâm Dần (1602), chúa Tiên Nguyễn Hoàng thành lập dinh trấn Quảng Nam, ban đầu tại xã Cần Húc, huyện Duy Xuyên sau dời về Thanh Chiêm, huyện Điện Bàn. Ba năm sau, chúa cho tách huyện Điện Bàn lúc đó thuộc trấn Thuận Hóa ra khỏi Thuận Hóa, thăng làm phủ lãnh 5 huyện: Tân Phước, An Nông, Hòa Vang, Diên Khánh và Phú Châu. Cũng vào năm này, phủ Hoài Nhân được đổi thành phủ Quy Nhơn, cũng trực thuộc dinh Quảng Nam. 

Nhà nghiên cứu Phan Khoang nói về sự ra đời của dinh Thanh Chiêm như sau: “…Sau khi ở Đông Đô về (1600), Đoan quận công dời Dinh sang phía đông dinh Ái Tử trước kia, bấy giờ gọi là Dinh Cát, rồi nhân nhận thấy trấn Quảng Nam đất tốt, dân đông, sản vật giàu có, số thuế thu vào nhiều hơn đất Thuận Hóa mà số quân thì cung bằng quá nửa, nên có ý kinh doanh đất này. Hoằng Định năm thứ ba (1602) chúa đi chơi núi Hải Vân, thấy núi non hiểm trở, phán rằng “Chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận Quảng”, Chúa lại vượt qua núi xem xét hình thế, sai lập dinh ở xã Cần Húc (sau này là làng Vân Đông kề làng Thanh Chiêm - PTĐ), xây kho tàng, chứa lương thực, rồi sai công tử thứ sáu là Nguyễn Phước Nguyên trấn giữ”.3 

Cũng theo học giả Nguyễn Văn Xuân: “Nhưng tên Quảng Nam rồi sẽ xuất hiện với tư cách Xứ. Đặc biệt để thống lãnh hết các phủ huyện của Xứ, trấn sở của Quảng Nam, tức khu vực coi cả quân, dân, chính đặt tại làng Thanh Chiêm, phủ Điện Bàn, nên cả khu vực này được gọi là dinh trấn Quảng Nam. Những tên gọi dinh Chàm, tỉnh Chàm - trong ký ức người Tây phương gọi là ‘Chăm’ (Tôi đến Chăm, tôi rời Chăm)… - nguyên do đất Quảng Nam xưa được gọi Chiêm Động. Dinh Chàm - chữ Hán ghi âm ‘Chiêm’, rồi hóa ‘Thanh Chiêm’ mở rộng về phía biển ‘bao gồm Hội An’ theo hướng tây - đông với các làng Phú Chiêm (trong giấy tờ cũ tôi còn thấy Hội An là thành phố Phú Chiêm)”.4 

Các địa danh Thanh Chiếm xứ (nay thuộc phường Thanh Hà - Hội An), các địa danh ở vùng đông Thanh Chiêm có ‘âm gốc Chăm’ như Trà Quế (Cẩm Hà - Hội An), Trà Nhiêu (Duy Nghĩa - Duy Xuyên), Cù Lao Chàm (Hội An)… chắc chắn có quan hệ với vùng đất Chiêm Động xưa. Mối quan hệ giữa hai địa phương khá gần gũi như sách Ô châu cận lục do Dương Văn An nhuận sắc (1553) thì trong số 66 xã của huyện Điện Bàn có ghi chép một số xã hiệu nằm ở phía bắc làng Thanh Chiêm như Phong Hồ (nay là phường Điện Nam Bắc - thị xã Điện Bàn), phía đông làng Thanh Chiêm như Lai Nghi (nay thuộc phường Điện Nam Đông - thị xã Điện Bàn) và hai làng thuộc Hội An ngày nay như Hoài Phô, Cẩm Phô…5 

Như vậy dinh trấn Quảng Nam hay Thanh Chiêm, người phương Tây thời đó gọi là Cac-ciam hay Dinh ciam - Dinh Chiêm, Kẻ Chiêm, Kẻ Chàm. Thanh Chiêm chỉ cách Hội An 6 dặm (hơn 8 km) nên rất thuận tiện cho việc kiểm soát xuất nhập khẩu hàng hóa và ngoại thương, cũng như tiện việc giao tiếp với thương nhân nước ngoài thời đó. Thanh Chiêm nằm ngay trên đường thiên lý Bắc Nam và ngoài thủy lộ chính Thu Bồn, Cổ Cò (Lộ Cảnh Giang), về sau (vào thời các vua Nguyễn) Thanh Chiêm còn nối với Touron (Tourane, Đà Nẵng) qua sông đào Vĩnh Điện. 

Dinh trấn Thanh Chiêm có vai trò hết sức quan trọng với sự thăng hoa của Hội An phố (Faifo) - nơi có Đại Chiêm hải khẩu - với chính sách ngoại thương thoáng mở của các chúa Nguyễn như chính sách “trú đông”, “lưu đông” hay cho thương nhân nước ngoài cư trú vô thời hạn, được dựng làng, lập phố có chế độ “tự quản riêng” như trường hợp “Phố Hoa”, “Phố Nhật” ở Hội An. Trong khoảng thời gian từ 1604 đến 1634, số thương thuyền Nhật đến Hội An chiếm tới một phần tư số thương thuyền Nhật cập bến các nước Đông Nam Á. 

Dinh trấn Thanh Chiêm được coi là thủ phủ thứ hai ở Đàng Trong sau Thuận Hóa. Vua Gia Long nhận định Thanh Chiêm là “cựu đô” (kinh đô xưa). Dưới thời các chúa Nguyễn, Thanh Chiêm là nơi thực tập, tập sự việc quản lý, điều hành đất nước của các “thế tử”. Về quân sự, do nằm bên bờ sông lớn, vị trí giao thông thuận lợi giữa miền ngược với miền xuôi, Nam với Bắc, đất liền và biển nên Thanh Chiêm từng là căn cứ thủy quân lớn mạnh từng làm nên chiến thắng khi đánh với hạm đội Hà Lan năm 1644 và với hệ thống kho chứa lớn Thanh Chiêm là cơ sở hậu cần vững chãi của quân Đàng Trong nhờ đó các chúa Nguyễn đánh bại 7 cuộc tấn công lớn của quân Trịnh vào các năm 1627, 1633, 1643, 1648, 1660, 1661, 1672. Thanh Chiêm thực sự là bàn đạp để quân dân người Việt tiến hành cuộc Nam tiến, mở cõi về phương Nam. 2. Thanh Chiêm - Hội An với sự du nhập đạo Thiên Chúa vào Việt Nam 

Trên cơ sở những tư liệu lịch sử đề cập đến sự du nhập của Thiên Chúa giáo vào Việt Nam như: Khâm định Việt sử thông giám cương mục (giữa thế kỷ XIX, quyển 33, tờ 6b) của các sử gia triều Nguyễn; Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim (Quyển hạ, Hà Nội, Imprimerie Vĩnh và Thành, 1928); Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam (Quyển I) của linh mục Nguyễn Hồng (Sài Gòn: Hiện Tại xb, 1959); Hai giám mục đầu tiên tại Việt Nam của Đỗ Quang Chính S.J. (Hà Nội: Tôn giáo, 2008); Sự du nhập của Thiên Chúa giáo vào Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX của Nguyễn Văn Kiệm (Hà Nội: Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Trung tâm UNESCO Bảo tồn và Phát triển Văn hóa Dân tộc Việt Nam, 2001)… tựu trung có mấy sự kiện đáng nhớ: “Năm 1523, ông Duarte Coelho, người Bồ Đào Nha cho khắc cây Thánh giá trên một phiến đá ở Cù Lao Chàm. Trên cây Thánh giá khắc chữ INRI, tên ông COELHO và năm 1523. Năm 1556, Fernam Mendez Pinto (1515 - 1583), người Bồ Đào Nha, đã nhìn thấy cây Thánh giá này, rồi sau khi ông qua đời 8.7.1583 thì trong cuốn sách Perigrinacam de Fernam Mendez Pinto do ông viết, in tại Lisbõa năm 1614, có ghi sự việc này. Chúng ta biết, năm 1554 sau nhiều lần vượt đại dương, Pinto vào tu trong Dòng Tên ở Goa, nhưng năm 1556 ông xuất tu khi chưa hoàn thành hai năm Tập sinh và ngay năm đó trong cuộc hành trình từ Goa qua Malacca trên đường đi Nhật Bản, tàu chở ông đã ghé Cù Lao Chàm, nhân dịp này Pinto đã thấy cây Thánh giá trên đây. (Sở dĩ Coelho có dịp dừng tại Cù Lao Chàm là vì ông được Phó vương Bồ Đào Nha tại Goa phái đến Thăng Long Việt Nam để lập quan hệ thương mại với nhà cầm quyền Việt Nam, nhưng không thể tiếp xúc được vì lúc ấy tình hình Việt Nam rối loạn do Mạc Đăng Dung nổi dậy chống lại vua Lê Chiêu Thống. Hình như Coelho chỉ mới tới bờ biển Bắc bộ thì phải quay đầu về, và trên đường về, Coelho đã cho khắc cây Thánh giá kỷ niệm chuyến đi hụt này)”. 6 

Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì vào năm 1533, Nguyên Hòa thứ nhất, đời Lê Trang Tông “đã ra một chỉ dụ cấm đạo Thiên Chúa, chỉ dụ ấy cho biết, có một giáo sĩ tên I-ni-khu, theo đường biển vào giảng đạo tại làng Ninh Cường, làng Quần Anh thuộc huyện Nam Chân và làng Trà Lũ thuộc huyện Giao Thủy tỉnh Nam Định”. Còn theo cuốn Sử ký Hội Thánh của cha Huân (xuất bản ở Bùi Chu năm 1940) thì “nói rõ hơn là rất lâu trước khi các giáo sĩ Dòng Tên (Jésuites) đến truyền giáo ở Bắc Kỳ thì đã có mấy dòng Dominicains, có trụ sở ở Manila đến giảng đạo tại các xã Ninh Cường, Quần Anh, Trà Lũ, Bích Câu thuộc tỉnh Nam Định…”.7 

Địa điểm kế đến là Thanh Hóa với việc tòng đạo của công tử Đỗ Hưng Viễn, con quan đại thần triều Lê Trung Hưng vào khoảng những năm 1560 - 1570, dưới thời Lê Anh Tông (1556 - 1573) - vị vua đã “biên thơ xin đức cha Carneiro ở Áo Môn gởi thừa sai đến Việt Nam. Đến thời Lê Thế Tông (1573 - 1599), lên ngôi còn nhỏ tuổi, được chị là công chúa Chèm làm nhiếp chính. Bà đã sai sứ giả sang Áo Môn nhiều lần xin đức cha Carneiro gởi thừa sai đến Việt Nam. Năm 1588 - 1589 đức cha gởi hai cha triều Alphonso de Costa và Juan Gonsaves đến Việt Nam. Năm 1590, cha Perdro Ordonez de Cevallos bị giạt bão vào Việt Nam, được đưa về kinh đô vua Lê ở An Trường (Thanh Hóa). Nhờ sự giảng dạy của cha bà chúa Chèm đã trở lại đạo, lãnh phép rửa tội cùng với nhiều nàng hầu, cung nữ ngày 22.5.1591. Bà lấy tên thánh là Maria, nên gọi là Mai Hoa, bà lập một tu viện lấy tên Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, trong đó ngày 26.6.1591, cha Ordonez đã dâng lễ và 51 nữ tu đầu tiên đã làm lễ khấn tạm. Nhiều người dân cũng đã trở lại đạo, sống thành làng Gia tô, đông đến 400 nhân danh. Cuối năm 1591, bà Hoàng Thái Hậu - mẹ công chúa Mai Hoa, cũng đã trở lại đạo, trước khi chết”.8 

Cũng trong thế kỷ XVI, Quảng Nam và Thuận Hóa đã đón hai linh mục Dòng Đa Minh là cha Luis de Fonseca và Gresgoire de la Motte đến Quảng Nam năm 1580 - 1586 và sau đó, ba nhà truyền giáo khác Dòng Đa Minh, là cha Alfonso Jimenez, cha Diego và thầy trợ sĩ Juan Deza đến Cửa Hàn vào năm 1595 và đã khuyên được hai tù nhân bị án tử hình ở Thuận Hóa theo đạo và an táng theo nghi lễ Công giáo. Cuối thế kỷ XVI, theo lời mời của Mạc Mậu Hợp, một phái đoàn các cha Dòng Fancisco gồm 4 linh mục là D.Operosa, B. Ruiz,P. Ortis, Fr.Motila và 4 thầy trợ sĩ cập bến An Quảng (Quảng Yên) ngày 1.5.1583. Nhưng khi vừa tới bến để lên Thăng Long, thì tàu bị bão đánh dạt sang Hải Nam. “Hai năm sau, cha Ruiz, đã 61 tuổi, trở lại được Thăng Long, được vua tôi nhà Mạc đối xử tử tế, được tự do giảng đạo, nhưng không có ai theo đạo. Ngài chỉ rửa tội được cho một em bé sắp chết”.9 

Công cuộc truyền giáo ở xứ Đàng Trong nửa cuối thế kỷ XVI được các nhà nghiên cứu nhận định: “Ở vùng Quảng Nam, Thuận Hóa của Nguyễn Hoàng, từ sau khi người Bồ lập trụ sở thương mại ở Áo Môn, liên lạc thương mại giữa Áo Môn và Cửa Hàn, Cửa Hội An tiến triển đều đều. Thường thường các tàu buôn người Bồ đến buôn bán ở đó đều có mang theo một vài thừa sai. Trong thời kỳ người Bồ ở lại buôn bán, các cha cũng tìm dịp truyền giáo cho người Việt ở khu cảng. Nhưng vì thiếu tổ chức bền bỉ nên không đi đến kết quả khả quan”.10 Cuộc bách hại tôn giáo ở Nhật Bản năm 1614 đã có ảnh hưởng lớn đến công cuộc truyền giáo ở Đàng Trong. Năm 1614, Nhật hoàng ra chỉ trục xuất tất cả các thừa sai ngoại quốc (có nguyên do bởi sự cạnh tranh của thương nhân Hòa Lan với thương nhân người Bồ, họ tác động lên Nhật hoàng). Theo một số sử liệu Công giáo thì cuộc cấm đạo do Tướng quân Toyotomi Hideyoshi từ 9.12.1596 và nhất là của Tướng quân Tokugawa Hidetada từ 4.2.1614. Việc cấm đạo đã dẫn đến hệ lụy là hàng nghìn giáo dân Nhật Bản bắt đầu cuộc sống lưu vong. 

Sách Lịch sử giáo hội Nhật Bản - từ những buổi sơ khai đến bắt đầu kỷ nguyên Minh Trị ghi nhận sự kiện liên quan đến Cochine-China (Đàng Trong) như sau: “Mậu dịch phát đạt với Đàng Trong bắt nguồn từ những khu định cư của người Nhật ở Tourane (Đà Nẵng) và Faifo (Hải Phố). Những thừa sai Dòng Tên tiên khởi được phái từ Macao đến các cảng này là Diego Carvalho bị trục xuất khỏi Nhật Bản năm 1614 và Francesco Busomi. Cả hai đến đây vào tháng 1.1615. Carvalho coi sóc các Kitô hữu Nhật Bản tại Faifo. Tuy nhiên một năm sau đó ngài quay lại Macao, rồi đi Nhật Bản và chịu tử đạo tại Sendai năm 1624. Busomi có cơ sở chính tại Tourane nơi ngài xây được một nhà thờ. Khi ngôi nhà thờ bị người bản xứ thiêu rụi, vài tháng sau đó, ngài tìm được nơi trú ngụ trong nhà một Kitô hữu Nhật Bản tại Faifo”.11 

Ngày 18.1.1615, Thiên Chúa giáo ghi nhận sự kiện trọng đại: ba tu sĩ Dòng Tên là cha Francesco Buzomi (người Ý), cha Diego Carvalho và tu huynh Antonio Dias (người Bồ Đào Nha), từ Áo Môn (Ma Cao) đến Cửa Hàn, Hội An: “xem ra mục đích cụ thể nhất là làm việc mục vụ cho những Nhật kiều Công giáo tại Hội An, một phần là thương gia, phần kia là người Công giáo Nhật phải chạy trốn khỏi quê hương… Tiếp xúc với người Việt, dù các ông chưa biết tiếng Việt, chưa hiểu hết hoàn cảnh chính trị, văn hóa, xã hội xứ này, nhưng các ông cũng nhận ra rằng người Đàng Trong có thể sẽ tiếp nhận Tin Mừng. Vì thế ngay từ cuối năm 1615 trở đi, các ông coi việc truyền giáo cho người Việt là mục đích chính, còn việc mục vụ cho Nhật kiều là phụ. Từ đó các giáo sĩ Dòng Tên ở Áo Môn tiếp tục vào Đàng Trong rao giảng Tin Mừng suốt từ sông Gianh đến Phú Yên”.12 

Từ năm 1615 đến năm 1625 (năm cha de Pina mất do chết đuối vì bão tại Cửa Hàn), công cuộc truyền giáo ở Đàng Trong được khởi phát quanh vùng Quảng Nam - Quy Nhơn với các địa điểm quan trọng: Hội An, trấn Quảng Nam (Thanh Chiêm), Nước Mặn (Quy Nhơn). Như vậy, Đà Nẵng, Hội An, Thanh Chiêm, Nước Mặn… là những địa danh Thiên Chúa giáo vào Đàng Trong sớm nhất. 

Hai địa danh Cửa Hàn và Hội An được ghi danh trong lịch sử truyền giáo Việt Nam. Ngày 18.1.1615 được Tòa thánh Vatican chọn là “ngày bắt đầu công cuộc truyền giáo vào Việt Nam”.13 Những sự kiện lịch sử đáng nhớ của Giáo hội còn là: 

“Cuộc họp lần I giữa các vị thừa sai Dòng Tên tại Hội An năm 1619 để phân chia trách nhiệm mục vụ; Cái chết của cha Francesco de Pina tại Cửa Hàn năm 1625; Hội Thầy Giảng được cha Alexandre de Rhodes thành lập năm 1640 tại Hội An, nhận lời khấn giữ luật độc thân, phục vụ dân Chúa của hơn mười Thầy Giảng đầu tiên vào năm 1642, và cái chết oai hùng của vị Tử Đạo tiên khởi tại Đàng Trong: Thầy Giảng Anrê Phú Yên vào ngày 26.7.1644 tại Phước Kiều, Quảng Nam…”. 

Cũng theo sách Lịch Công giáo - Giáo phận Đà Nẵng - Năm phụng vụ 2013 thì “Đặc biệt, về phương diện văn hóa xã hội, địa danh Hội An - Thanh Chiêm đã gắn liền với một công trình lớn về văn hóa: nơi khởi đầu các nghiên cứu và áp dụng chữ Quốc ngữ được khởi xướng do cha F. Pina, có mặt tại Hội An từ những năm 1622 - 1623, và được hoàn bị với những nỗ lực không mệt mỏi của cha Alexandre de Rhodes, có mặt tại Hội An vào những năm 1624, 1640 và từ năm 1642 đến khi bị trục xuất vĩnh viễn khỏi Việt Nam ngày 3.7.1645”.14 

3. Thanh Chiêm - Hội An với chữ Quốc ngữ 

Sáng tạo chữ Quốc ngữ với mục đích ban đầu - theo các giáo sĩ là để truyền đạo. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xuyên: “chữ Việt manh nha xuất hiện từ năm 1625 - 1626 trong một bức thư của giáo sĩ F.Buzomi, người Ý. Năm 1627, giáo sĩ Baldnotti đã xuất bản một bản “Điều trần về xứ Đàng Ngoài” có ghi một vài chữ quốc ngữ. Năm 1631, trong quyển “Điều trần về xứ Đàng Trong” của giáo sĩ Christoforo Bori, người Ý, đã xuất hiện nhiều câu quốc ngữ như: scin (xin), ciàm (chẳng), gnoo (nhỏ), chiam (chăng) tlom (trong), bua (vua)…”.15 

Các nhà nghiên cứu lịch sử chữ Quốc ngữ gần như đều chung một quan điểm coi chữ Quốc ngữ là công trình tập thể của các giáo sĩ Bồ Đào Nha, Ý, Pháp - trong đó công lớn thuộc về “bậc thầy tiếng Việt” là Francisco de Pina. “Pina đến Hội An năm 1617, năm sau (1618) ông sang Nước Mặn ở hai năm rồi trở lại Hội An. Năm 1623, ông đến Thanh Chiêm và ngày 15.12.1625, ông bị chết đuối tại bờ biển Quảng Nam. Dịp đó có tàu Bồ Đào Nha từ Cam Bốt về Áo Môn (Macao), bỏ neo ở hải phận Quảng Nam, Pina cùng một người Việt chèo ghe ra tàu để lấy các đồ phụng tự. Khi ghé vào bị gió bão bất chợt, lật ghe. Vì mặc áo dài nên Pina không bơi vô được nên chết đuối”.16 

Pina có hai học trò là giáo sĩ Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa. Hai giáo sĩ này là người đầu tiên viết Từ điển Việt - Bồ - La (Diccionário An Namita português - latim) và Từ điển Bồ - Việt (Diccionário portugueess - An Namita) mà sau này Alexandre de Rhodes kế thừa để làm nên cuốn Từ điển Việt - Bồ - La năm 1651. 

Cha Đắc Lộ (A. de Rhodes) cho biết sở dĩ ngài soạn được cuốn từ điển này là vì: “thứ nhất, ngài đã lưu trú 12 năm cả ở Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài. Thứ hai ngài đã học tiếng Việt, nhất là về thanh và âm với một cậu bé Việt Nam chừng 12 - 13 tuổi. Thứ ba ngài cũng đã học tiếng Việt với cha Francois de Pina người Bồ, là người ngoại quốc thứ nhất rất thông thạo tiếng Đàng Trong, người thứ nhất giảng mà không cần thông dịch viên. Thứ bốn ngài đã sử dụng từ điển Việt - Bồ của cha Gaspad d’Amaral và từ điển Bồ - Việt của cha Antonio Barbosa, cả hai đều người Bồ”.17 

Những tài liệu khác cũng cho thấy “thầy” của các giáo sĩ Amaral và Barbosa có tới 14 người. Những cái tên như Trâm, Văn Triều, Sang, Văn Tang, Cai, Văn Nhất… xuất hiện trong một tài liệu của Dòng Tên mang tên Chung quanh mô thức rửa tội bằng thổ ngữ An Nam. 18 

Tại Hội An và Thanh Chiêm, từ năm 1621 đến 1625, linh mục Francisco de Pina đã học tiếng Việt, truyền đạo bằng tiếng Việt và dạy cho hai giáo sĩ là Alexandre de Rhodes, người Pháp và Antonio de Fontes, người Bồ Đào Nha. Francisco de Pina cũng đồng thời viết hai tài liệu giảng dạy Phương pháp Latinh hóa tiếng Việt và Ngữ pháp tiếng Việt. 

Trong lời giới thiệu cuốn Phép giảng tám ngày, các nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xuyên, Phạm Đình Khiêm đã đánh giá công lao của Alexandre de Rhodes một cách xác đáng: “Vẫn hay rằng việc sáng chế ra chữ quốc ngữ là một công trình tập thể của một số giáo sĩ người Âu, đa số là người Bồ Đào Nha, với sự tham gia trực tiếp của một số người Việt dạy tiếng mẹ đẻ cho các giáo sĩ. Nhưng giáo sĩ Đắc Lộ chính là người đã tổng hợp các nỗ lực kia để làm cho lối phiên âm đó có một hình thức và một quy pháp nhất định - ngoại trừ một ít thay đổi nhỏ về sau - và cuốn “Phép giảng tám ngày” của người là bản khai sinh chính thức của “chữ quốc ngữ” vậy”.19 

Chữ Quốc ngữ ngay từ thời thực dân Pháp vừa mới chiếm Nam Kỳ đã nằm trong kế sách “Quốc ngữ hóa” Nam Kỳ của thực dân Pháp bằng việc cho phép ra tờ Gia Định báo (15.4.1865) và Nghị định của Thống đốc Nam Kỳ ngày 22.2.1868: “chữ viết của tiếng An Nam bằng mẫu tự Âu Châu trở thành bó buộc trong giấy tờ chính thức”. Vì là chữ của “giặc Tây”, của cố đạo nên chữ Quốc ngữ đến với người Việt gặp bao nỗi khó khăn. 

Ở Quảng Nam mãi đến khi phong trào Duy Tân khởi xướng (1906), nhận thấy việc học chữ Quốc ngữ khá tiện ích trong đời sống, dễ học nên các nhà lãnh đạo phong trào đã khuyển dương việc học chữ Quốc ngữ để “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” như chí sĩ người Điện Bàn Trần Quý Cáp đã viết: “Chữ quốc ngữ là hồn trong nước/ Phải đem ra trình trước dân ta/ Sách Âu Mỹ, sách Chi-na/Chữ kia, nghĩa nọ dịch ra tỏ tường”. 

Hội An - Thanh Chiêm (La Qua) còn là nơi sản sinh ra nhà soạn tuồng hát bội Nguyễn Hiển Dĩnh, nghệ sĩ tuồng Nguyễn Lai và cùng với tầng lớp thị dân của Chợ Củi - với rạp An Quán, Vĩnh Điện, thị dân của Hội An phố - với rạp Bang Chầu, Đồng Lạc - đã tạo nên một lớp công chúng có tri thức, ham mê, nuôi sống và bảo tồn nghệ thuật hát bội thế kỷ XIX, XX. Và dòng họ Nguyễn Tường Hội An với những nhà văn như: Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam… đã cùng với nhóm Tự lực văn đoàn đã đưa văn học chữ Quốc ngữ “hội nhập” với văn chương Âu Tây vào những năm 30 thế kỷ XX. 

Thanh Chiêm từng được các vua nhà Nguyễn quan tâm phục hồi, tái thiết nhưng bất thành. Ngày nay thành cũ không còn do bao biến cố, dâu bể, chiến tranh. Thành cổ chỉ còn những vết tích nền móng như tường thành, tàu tượng, kho súng, kho lương, phường đúc, gò sứ… tản mác đó đây. Thanh Chiêm còn đó ngôi nhà thờ Phước Kiều, tương truyền xây lại trên nền xưa (nhà thờ Thiên Chúa giáo xây năm 1625, do Francisco de Pina làm Cha bề trên quản nhiệm trú), làng nghề đúc đồng Phước Kiều, đình làng An Nhơn, chùa Nhơn An, Nhà thờ Bà chúa Tằm tang Đoàn Thị Ngọc và đặc biệt chính diện nhà thờ Tiền hiền, trước trường THCS Nguyễn Du, năm 2007 - kỷ niệm 405 năm dinh trấn Thanh Chiêm - văn bia dinh trấn Thanh Chiêm đã được dân làng dựng khắc. Văn bia có câu: “Xứ Thanh Chiêm xưa là dinh trấn/ Hậu cần cho chúa Nguyễn khai cơ/ Đất phương Nam cò bay thẳng cánh/ Phố sông Hoài thuyền đậu buồm giăng/ Cũng do từ Thanh Chiêm khởi phát…” 

Với những người ham mê học thuật, những người yêu văn hóa, lịch sử - Thanh Chiêm chính là quê hương của nhà “Quảng học” quá cố (chữ của nhà sử học Dương Trung Quốc) Nguyễn Văn Xuân.  

Chú thích: 

1, 2, 4 Nguyễn Văn Xuân, “Danh xưng Quảng Nam”, Kỷ yếu hội thảo, (Tam Kỳ: Sở VHTT Quảng Nam, 9/2001), 50-58, 52, 52. 

3. Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng Trong 1558-1777, (Sài Gòn: Khai Trí, 1969), 161. 

5. Dương Văn An (nhuận sắc), Ô châu cận lục, Nguyễn Khắc Thuần dịch, hiệu đính, chú giải, (Hà Nội: Giáo dục, 2009), 38-39. 

6, 12 Đỗ Quang Chính SJ., Hai giám mục đầu tiên tại Việt Nam, (Hà Nội: Tôn giáo, 2008), 5-6, 7. 

7. Nguyễn Văn Kiệm, Sự du nhập của Thiên Chúa giáo vào Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, 2001), tr.50 

8, 9 Trần Văn Cảnh, “Đạo Công giáo vào Việt Nam (1533 - 1659)”, van chuongviet.org, 2014. 

10. Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam quyển I, (Sài Gòn: Hiện tại, 1959), 41. 

11. Joseph Jennes Cicm, Lịch sử Công giáo Nhật Bản, (Hà Nội: Tôn giáo, 2008), 235. 

13, 14 Lịch Công giáo - Giáo phận Đà Nẵng, (Hà Nội: Tôn giáo, 2013), 99, 135-136. 

15, 18 Trần Nhật Vy, Chữ Quốc ngữ, 130 năm thăng trầm, (TPHCM: Văn hóa - Văn nghệ, 2013), 17, 20. 

16. Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 - 1659, (Sài Gòn: Tủ sách Ra Khơi, 1972), 26. 

17. Trần Văn Cảnh, “Chữ quốc ngữ đã được Công giáo khai sinh năm 1651”, vanchuongviet. org, 2014. 

19. Nguyễn Khắc Xuyên, Phạm Đình Khiêm, Giáo sĩ Đắc Lộ (A.de Rhodes) và tác phẩm quốc ngữ đầu tiên (tái bản trọn cuốn Phép giảng tám ngày), (Sài Gòn: Tinh Việt văn đoàn, 1961), 5.
ĐẤT QUẢNG TRONG QUÁ TRÌNH PHỔ BIẾN 
CHỮ QUỐC NGỮ ĐẦU THẾ KỶ XX?

Phan Thị Lệ Dung

Từ khi ra đời cho đến khi chữ Quốc ngữ được phổ biến rộng rãi, Quảng Nam đều được cái vinh dự là một trong những cái nôi - nơi khởi phát đầu tiên của chữ Quốc ngữ. Mặc dù được chế tác, sáng tạo ra từ rất sớm (đầu thế kỷ XVII), dần dần được hoàn chỉnh, trong suốt quá trình mấy trăm năm đó, chữ Quốc ngữ ít được biết đến, và không được phổ biến trong dân. Thời gian đầu, chỉ được sử dụng trong giáo hội, các giáo sĩ người Âu dùng để học tiếng Việt, hiểu ngôn ngữ bản địa, để ghi chép thư chung, giáo lý, tường trình về tòa thánh ở Roma… “Khi các nhà truyền giáo phương Tây đến nước ta truyền đạo để thuận lợi cho việc rao giảng, trao đổi trong cuộc sống hàng ngày, họ đã Latinh chữ viết cho đơn giản, dễ học, dễ sử dụng, với mục đích ban đầu là giúp người ngoại quốc học tiếng Việt chứ không phải là phổ biến chữ Quốc ngữ cho người Việt”.1 

Sau đó, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, chiếm được lục tỉnh Nam Kỳ chúng đã đưa chữ Quốc ngữ, chữ Pháp vào hệ thống giáo dục, chữ Hán được đẩy xuống hàng thứ yếu ở các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Khi chiếm và bình định được cả Bắc Kỳ, Trung Kỳ, thực dân Pháp đã phổ biến chữ Quốc ngữ rộng ra cả nước, với mục đích đào tạo tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ cho đội ngũ tay sai, thông ngôn, giúp việc, phục vụ cho mục đích thống trị của chúng. Phong trào yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ XX đã lấy chữ Quốc ngữ như là một công cụ, phương tiện để duy tân đất nước. Quảng Nam là một trong cái nôi đầu tiên của phong trào đó và chữ Quốc ngữ được phổ biến mạnh mẽ đến nhân dân. 

Bài viết nhỏ này bước đầu nghiên cứu về quá trình phổ biến chữ Quốc ngữ đầu thế kỷ XX ở Quảng Nam. Qua đó, thấy được Quảng Nam là nơi khởi phát của nhiều phong trào yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ XX, là trung tâm của phong trào yêu nước ở Trung Kỳ vào đầu thế kỷ XX. 

1. Lược khảo về dinh trấn Thanh Chiêm trong lịch sử đất Quảng Nam 

Lịch sử ra đời dinh trấn Thanh Chiêm gắn liền những biến loạn trong nội bộ chính quyền Đại Việt vào thế kỷ XVI, có công trung hưng nhà Lê nhưng họ Trịnh tìm cách thâu tóm quyền lực vào tay mình, thanh trừng nội bộ, nhất là con của Nguyễn Kim, với mong muốn tìm một mảnh đất “dung thân” khỏi những tranh chấp về quyền bính và nghi kỵ lẫn nhau, vùng đất Thuận Quảng được xem là điểm đến mang lại nhiều kỳ vọng cho chúa Nguyễn. Năm 1558, Nguyễn Hoàng theo gợi ý của Nguyễn Bỉnh Khiêm, đã nhờ chị gái là Ngọc Bảo (vợ Trịnh Kiểm) xin cho được vào trấn thủ đất Thuận Hóa, từ đấy cơ nghiệp của họ Nguyễn làm chủ một phương, suốt mấy thế kỷ ở cõi phương Nam. 

Dinh trấn Thanh Chiêm ra đời gắn liền với sự kiện năm Nhâm Dần (1602). Sách Đại Nam thực lục, do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, chép: “Chúa thường để ý kinh dinh đất này. Đến đấy, đi chơi núi Hải Vân, thấy một dải núi cao giăng dài mấy trăm dặm nằm ngang đến bờ biển. Chúa khen rằng: Chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận Quảng. Liền vượt qua núi, xem xét hình thể dựng trấn dinh ở xã Cần Húc (thuộc huyện Duy Xuyên), xây kho tàng, chứa lương thực, sai hoàng tử thứ sáu trấn giữ”.2 Trong sách Đại Nam nhất thống chí chép “Năm Nhâm Dần thứ 45, Lê Hoằng Định năm thứ 3 (1602) đặt dinh Quảng Nam, đặt trấn thủ, cai bạ và ký lục ba phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhân vẫn lệ thuộc vào dinh này”.3 

Sử gia Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục nói: “Năm Hoằng Định thứ 3 (1602), Nhâm Dần, sai Thụy quận công Phúc Nguyên trấn thủ Quảng Nam”4 “Từ tuần Ải Vân đi đến dinh Quảng Nam, tục gọi là Dinh Chiêm ở xã Cần Húc huyện Duy Xuyên, không quá 2 ngày, đại quân đóng đồn ở dinh Chiêm…”5 , trong một đoạn khác Lê Quý Đôn lại nói: “Đến như Dinh Chiêm ở Quảng Nam thì có quan đóng giữ, gọi là dinh Quảng Nam, ở xã Cần Hào, huyện Duy Xuyên”.6 Rõ ràng có thể nói những ghi chép của Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục là rất đắt giá về đất Thanh Chiêm. 

Dinh trấn Thanh Chiêm được coi là thủ phủ thứ hai của Đàng Trong (bên cạnh dinh trấn Thuận Hóa), được chúa Nguyễn Hoàng cho “cơ chế” toàn quyền định đoạt mọi việc của dinh trấn, là nơi thực tập, đào luyện các thế tử, là nơi thực thi chính sách mở cửa với các điều kiện tối ưu nhằm xây dựng một hậu phương vững chắc làm bàn đạp mở rộng bờ cõi về phương Nam. Về tên gọi Thanh Chiêm, các giáo sĩ Tây phương đều ký âm địa danh này bằng Kẻ Chàm hay Kẻ Chiêm. Kẻ Chàm, kẻ là một tiếng thông dụng để chỉ một vùng đất, ví dụ: Kẻ Chợ (Hà Nội), Kẻ Huế (Phú Xuân), Kẻ Hàn (Đà Nẵng), Kẻ Mọi (Trường Sơn)… và Chàm là tiếng được cư dân Việt mới gọi Champa xưa. 

2. Dinh trấn Thanh Chiêm nơi ra đời chữ Quốc ngữ đầu thế kỷ XVII 

Khi các nhà truyền giáo phương Tây đến nước ta truyền đạo để thuận lợi cho việc rao giảng, trao đổi trong cuộc sống hàng ngày, họ đã Latinh chữ viết cho đơn giản, dễ học, dễ sử dụng, với mục đích ban đầu là giúp người ngoại quốc học tiếng Việt chứ không phải là phổ biến chữ Quốc ngữ cho người Việt7 , “Các giáo sĩ không có ý đồ dùng chữ Quốc ngữ thay chữ Nôm. Thực tế là sau khi có chữ Quốc ngữ, đến suốt thế kỷ XIX, chữ Nôm và cả chữ Hán vẫn tiếp tục được dùng trong giáo hội ở Việt Nam”.8 

Đối với các giáo sĩ Dòng Tên khi đến truyền đạo, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1635) đã cho phép họ đến Hội An, đến Thanh Chiêm, Đà Nẵng, Nước Mặn những trung tâm thương mại sầm uất để giảng đạo và buôn bán, cho phép họ có thể “xây cất một thành phố với tất cả những gì cần thiết, cũng như người Tàu và người Nhật đã làm”.9 Năm 1615, các tu sĩ đầu tiên của Dòng Tên đã theo thuyền buôn Bồ Đào Nha từ Ma Cao cập bến Đàng Trong tại cửa Hàn (Đà Nẵng). Linh mục Busomi10 được chúa Nguyễn Phúc Nguyên (trị vì 1614 - 1635) tiếp đãi và việc truyền đạo khá thuận lợi. Các giáo sĩ xây dựng được giảng đường đầu tiên, sau đó đi tiếp vào Hội An - nơi có nhiều người Bồ buôn bán. 

Năm 1617, các nhà truyền giáo Dòng Tên theo đường biển đến đặt cơ sở truyền giáo ở Nước Mặn theo lời mời của Trần Đức Hòa11 Khám lý phủ Hoài Nhơn, “Năm 1618, Khám lý Trần Đức Hòa mời giáo sĩ Borri đến lập giáo xứ ở phố Nước Mặn để truyền đạo và cho xây dựng “một ngôi nhà thờ bằng gỗ khá tiện nghi tại thành phố Nước Mặn”.12 Tháng 7 năm 1618, các giáo sĩ khác như: Buzomi, Pina, Augustin cũng được Trần Đức Hòa mời từ  Hội An vào Nước Mặn để truyền giáo. Các giáo sĩ này cho biết:“Quan trấn thủ cho xây một ngôi nhà bằng gỗ rộng rãi ở Nước Mặn. Ông dùng voi đưa các linh mục tới nhà mới, từ đó các linh mục có cơ sở hoạt động và được dân chúng kính nể. Cũng năm đó Thánh đường làm sẵn dựng lên ở phố Nước Mặn và ráp trong vòng 1 ngày trước sự bỡ ngỡ và thán phục của những nhà truyền giáo”.13 Thời điểm các giáo sĩ Dòng Tên tới truyền đạo, ngoài việc một số quan lại tạo điều kiện thuận lợi, họ còn được cả chúa Nguyễn cho phép “Chúa Sãi tiếp các linh mục rất tử tế và việc truyền đạo được triển khai khả quan, vì vậy tới giữa năm 1616, có thêm Linh Mục Andrea Fernadez, người Bồ Đào Nha sang thay Linh Mục Diego Carvalho, được gọi về, để tìm đường sang Nhật, làm phụ tá cho Busomi. Đến năm 1617, lại có hai linh mục nữa là Francesco Barreto, người Bồ Đào Nha và Francisco de Pina người Ý, cùng đến đất thuộc quyền chúa Nguyễn - Linh mục Francisco de Pina là người duy nhất trước linh mục Alexandre de Rhodes, giảng cho dân chúng mà không cần thông ngôn, đồng thời là thầy dạy tiếng Việt Nam cho linh mục de Rhodes sau này”.14 

Linh mục Cristoforo Borri góp công khởi đầu chữ Quốc ngữ trong thời gian này và là người viết cuốn Xứ Đàng Trong năm 1621, trong đó có giới thiệu nhiều về Quảng Nam và Thanh Chiêm, Kẻ Chàm, “trước ông phải kể các linh mục Francesco Buzomi và Francisco de Pina, những người thật sự phụng sự ở Đàng Trong… chính ông và với những linh mục mà tôi vừa kể tên là những người đầu tiên cải đạo cho người Việt Nam theo Thiên Chúa giáo, nếu không ở Đà Nẵng, Hội An, Quảng Nam”.15 

Cristoforo Borri, người đã hoạt động ở Quảng Nam (trong những năm 1618 - 1622), viết tiếp: “Trước khi các linh mục Dòng Tên chúng tôi tới Đàng Trong, thói quen của người Bồ Đào Nha từ Malacca và Ma Cao, của người Tây Ban Nha từ Manila, tới đây buôn bán và đem theo họ một vài tuyên úy để dâng thánh lễ và cử hành các bí tích cho họ trong suốt thời gian họ ở đó, thường là ba, bốn tháng. Các linh mục tuyên úy này không có trách nhiệm nào khác ngoài việc phục vụ người Bồ Đào Nha nên không quan tâm đến việc lo lợi ích thiêng liêng của dân địa phương, do đó không tìm cách học tiếng của người bản xứ… Những người thông ngôn của các tuyên úy thường chỉ biết một vài tiếng Bồ Đào Nha để mua bán và một vài câu vài lời để hỏi xem người bản xứ là người có muốn theo đạo không. Do đó mà họ có làm được cho một vài người theo đạo, nhưng chỉ là mang danh có đạo, chứ không biết gì về đạo…”.16 

Nhờ quan hệ tốt với thế tử Kỳ ở dinh trấn Thanh Chiêm nên Pina đã lập một trú sở mới ở đây vào khoảng cuối năm 1624, đầu năm 1625 và đến tháng 5 năm 1625, Pina chính thức trở thành Cha bề trên quản nhiệm trú sở truyền giáo Thanh Chiêm (Dinh Ciam), trú sở quan trọng nhất tại Đàng Trong vì nó ở ngay cạnh dinh trấn Quảng Nam, triều đình thứ hai của xứ này do thế tử Nguyễn Phúc Kỳ đứng đầu. Không chỉ có hoạt động nghiên cứu và sáng tạo chữ Quốc ngữ, tại trú sở Thanh Chiêm, Pina là thầy dạy tiếng Latinh cho các thầy giảng người Việt, vừa dạy tiếng Việt cho hai giáo sĩ dưới quyền mới đến hồi cuối năm 1624 là Antônio de Fontes và Alexandre de Rhodes, người mà sau này được thực dân Pháp tôn vinh, một cách có dụng ý, như là ông tổ của chữ Quốc ngữ. Có thế nói trú sở Thanh Chiêm là nơi đào tạo tiếng Việt bài bản theo cách thức mới từ phương Tây, mà Pina là người có công khai phá và Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) là người kế nhiệm, hoàn chỉnh. 

Khi giáo sĩ Alexandre de Rhodes đến Thanh Chiêm vào cuối năm 1624 đã thấy Pina giảng Kinh Thánh mà không cần phiên dịch. Có thể nói, vào thời điểm đó, Pina là người đầu tiên và duy nhất giảng đạo trực tiếp cho giáo dân bản địa bằng tiếng mẹ đẻ của họ. 17 Thời gian đầu, Pina học tiếng Việt tại Hội An, nhưng sau đó, vào khoảng năm 1619, ông chuyển đến dinh trấn Thanh Chiêm. Đó là mong muốn học một ngôn ngữ thuần khiết và tránh những ảnh hưởng xấu đến quá trình học tiếng Việt có thể nảy sinh tại Hội An vì nơi này đã có hiện tượng lai tạp ngôn ngữ, bởi Phố Khách là nơi giao thoa của các nền văn hóa Việt, Trung, Nhật, Bồ… hơn nữa, tại Hội An, người ta chỉ quan tâm đến việt buôn bán nên Pina khó có thể tiếp cận với tri thức giới trẻ ở địa phương ngõ hầu tìm kiếm sự cộng tác trong quá trình nghiên cứu và sáng tạo chữ Quốc ngữ nên Pina quyết định đến dinh trấn Thanh Chiêm. 

Những tư liệu về Thanh Chiêm trong quá trình các giáo sĩ Dòng Tên chế tác ra chữ Quốc ngữ hiện nay khá hiếm hoi, chủ yếu chúng ta biết được qua các công trình của họ còn lưu trữ lại được như của Borri, Alexandre de Rhodes… Pina biên soạn một cuốn sách tiếng Việt, mà hiện nay chúng ta mới tìm thấy Cuốn sách dạy cho người bắt đầu học tiếng Việt của F. de Pina biên soạn trong thời kỳ truyền đạo ở Hội An (và có thể là ở Thanh Chiêm nữa) về sau được gọi là Nhập môn tiếng Đàng Ngoài… được Roland Jacques tìm lại được trong hàng ngàn trang tài liệu lưu trữ ở thư viện… và được công bố cùng bức thư viết dở vào năm 1623 của cha Pina (Nxb Pari, 1995).18 Trong quá trình nghiên cứu Latinh hóa tiếng Việt để phát minh ra chữ Quốc ngữ, giáo sĩ F.de Pina đã đi lại giữa cảng thị Hội An và dinh trấn Thanh Chiêm để tìm ra tiếng nói chuẩn của Quảng Nam dinh và ông nhận thấy tiếng nói ở dinh trấn Thanh Chiêm là hay nhất và do đó… năm 1623 ông viết: “Đối với tôi việc nghiên cứu tiếng nói, Kẻ Chiêm (tức Thanh Chiêm) vẫn là nơi tốt nhất với tư cách là trung tâm của triều đình, ở đây người ta nói rất hay…”.19 

A. de Rhodes là người tới sau, và có thời gian ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài lâu nhất so với những người khác. Vì vậy mà ông kế thừa được thành tựu của những người đi trước, và đã có những tập đại thành về chữ Quốc ngữ, do thế mà người ta cứ coi ông là ông tổ của chữ Quốc ngữ. 

Như vậy, bằng những chứng minh, dẫn chứng nêu trên, chúng ta thấy địa danh Thanh Chiêm có những điều kiện thuận lợi, hội tụ đầy đủ các yếu tố từ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, gần các thương cảng lớn Hội An, Cửa Hàn. Chính vì vậy, mà các giáo sĩ từ Pina, Borri, Buzomi, A. de Rhodes khi đi qua, tới và ở lại đây, cùng với người địa phương đã sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Công lao lớn thuộc về một số người, nhưng không thể không kể đến những người cộng tác mà tên tuổi của họ không được nhắc tới. Từ đó cho thấy cùng với Hội An, Quảng Nam, Thanh Chiêm là nơi ra đời sớm nhất của chữ Quốc ngữ ở nước ta. 

3. Quảng Nam nơi khởi đầu của phong trào Duy Tân phổ biến chữ Quốc ngữ đầu thế kỷ XX 

Tác động bởi những tư tưởng dân chủ tư sản đầu thế kỷ XX, Phan Châu Trinh đã hô hào “khai dân trí, chấn dân khí”, mà Quảng Nam là cái nôi của xu hướng yêu nước Duy Tân (Quảng Nam là nơi khởi phát của hai phong trào: Phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh khởi xướng và thành lập Duy Tân hội), và cũng là cái nôi của phong trào yêu nước diễn ra mạnh mẽ trong 20 năm đầu thế kỷ XX. 

Từ ảnh hưởng của tình hình thế giới và sự vận động tìm đường cứu nước của các sĩ phu yêu nước, năm 1904, Duy Tân hội được thành lập. Giữa tháng 5 năm 1904, tại nhà Tiểu La Nguyễn Thành (thuộc huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đã diễn ra hội nghị thành lập một Hội đảng bí mật, lấy tên là Duy Tân hội, Cường Để được cử làm Hội chủ. Tham gia Duy Tân hội có nhiều người là con em của Quảng Nam như: Phan Châu Trinh (Tam Kỳ), Đỗ Đăng Tuyển (Đại Lộc), Châu Thượng Văn (Hội An), Trần Quý Cáp (Điện Bàn), Thái Phiên20... Chính sử triều Nguyễn có đoạn chép: “Năm Bính ngọ Thành Thái thứ 18 (1906), tháng hai: Nguyên Kỳ Ngoại hầu Cường Để trốn đi… cùng nguyên Cử nhân sinh viên học trường Giám Phan Bội Châu người Nghệ An đồng mưu trốn ra nước ngoài… hai tỉnh Khánh Hòa, Bình Định tư nói Đốc học Đàm Liêm, Giáo thụ An Nhơn Nguyễn Liêu đều nhận được một phong thư của Bội Châu muốn khuyên người trong nước du học, ba tỉnh Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Sở Điện báo ở kinh điều đệ một phong thư kính cáo của Cường Để, cùng đóng triện riêng là kiềm nhỏ khắc hai chữ “Duy tân”, đều dùng mực son…”.21 

Phong trào Duy Tân là một cuộc vận động dân chủ lớn đầu thế kỷ XX do nhà yêu nước Phan Chu Trinh và các chí sĩ đồng hương Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp khởi xướng từ Quảng Nam và các tỉnh Trung Kỳ rồi lan ra tới Bắc Kỳ. Sau đó lan vào tới cả Nam Kỳ và các tỉnh lân cận những năm 1906 - 1908 với khẩu hiệu hành động đầy sức tập hợp để vận động cuộc duy tân. Khẩu hiệu của phong trào lúc bấy giờ là: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Để khai dân trí, cần phê phán lối học cũ, các sĩ phu duy tân chủ trương “Quảng học vấn” bằng cách mở trường dạy chữ Quốc ngữ và những kiến thức mới về các môn khoa học thực dụng. Lại kêu gọi bài trừ hủ tục, lối sống xa hoa, tuyên truyền lối sống tiết kiệm, văn minh như cắt tóc ngắn, mặc đồ ngắn, ăn ở hợp vệ sinh.22 

Lê Cơ một người con yêu nước của Quảng Nam, đã có những tư tưởng tiến bộ, khi đưa ra những chủ trương lập trường học và rất hiệu quả tức thời, “Chủ trương của Lê Cơ không phải chỉ là mở một trường tư như bao trường tư dạy theo lối cũ của những ông giáo làng khác, mà là một trường dạy học theo lối mới. Việc lập trường học theo lý do ông trình bày với quan phủ là dạy chữ Quốc ngữ. Nhưng kế hoạch dự tính riêng là để dạy thêm nhiều kiến thức mới nằm trong chủ trương chung của các sĩ phu duy tân lúc bấy giờ. Sở dĩ ông nhấn mạnh lý do mở trường dạy chữ Quốc ngữ trong đơn như vậy là vì ông cũng như các sĩ phu duy tân đều nhận thấy tầm quan trọng của việc học thứ chữ này, chỉ có như vậy mới nhanh chóng xóa được nạn mù chữ và thuận lợi trong việc tiếp nhận các tri thức của phương Tây qua việc dịch sách”.23 

Ngược lại với ý đồ của giới thực dân muốn dùng Quốc ngữ và chữ Pháp để “chinh phục tinh thần” những người có học nhằm đào tạo họ trở thành đội ngũ phục vụ cho mình, các sĩ phu duy tân lại muốn nhân đó cổ động học Quốc ngữ để làm phương tiện cho việc mở mang kiến thức, nhất là tiếp thu tư tưởng tiến bộ của các nước phương Tây. Phong trào Duy Tân và đỉnh cao của nó là Đông Kinh nghĩa thục những năm đầu của thế kỷ XX đã đánh dấu một bước ngoặt lớn: thứ chữ của “ngoại đạo”, của “người Tây”, của chính quyền đô hộ đã được các nhà yêu nước Việt Nam coi như một thứ vũ khí hữu hiệu để đấu tranh giành độc lập tự do dân chủ, canh tân đất nước và tìm cách phổ cập nó trong dân chúng. 

Ngược lại với ý đồ của giới thực dân muốn dùng Quốc ngữ và chữ Pháp để “chinh phục tinh thần” những người có học nhằm đào tạo họ trở thành đội ngũ phục vụ cho mình, các sĩ phu duy tân lại muốn nhân đó cổ động học Quốc ngữ để làm phương tiện cho việc mở mang kiến thức, nhất là tiếp thu tư tưởng tiến bộ của các nước phương Tây. Trong bài Học để tự cường, Trần Quý Cáp24 cổ xúy: 

“Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước, 
Phải đem ra tính trước dân ta, 
Sách Âu Mỹ, sách Chi-na, 
Chữ kia nghĩa nọ dịch ra tỏ tường”.25 

Để thực hiện hai mục tiêu Khai dân trí và Chấn dân khí, trung tâm chú ý của phong trào Duy Tân là lĩnh vực giáo dục với chủ trương vận động các hào phú doanh nhân kết hợp với đội ngũ trí thức tiến bộ mở trường dạy chữ cho dân để mở mang dân trí và tuyên truyền lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và ý chí tự lực tự cường. Các trường do phong trào Duy Tân vận động thành lập được gọi là nghĩa thục. Trong năm 1906 - 1907, đã có tới 40 trường kiểu đó đã mở ra ở Quảng Nam, tiêu biểu là các trường Diên Phong do Trần Quý Cáp tổ chức, trường Phú Lâm (có một lớp dành riêng cho nữ sinh), trường do Lê Cơ (anh em họ với Phan Châu Trinh) thành lập. Nhìn chung hoạt động của nghĩa thục, hay các trường ở Quảng Nam đều đạt được thực chất, hiệu quả, nhân dân hưởng ứng. Sách giáo khoa Văn minh tân học sách, được xem là cương lĩnh hoạt động của Đông Kinh nghĩa thục đã khẳng định: “Người trong nước đi học lấy chữ Quốc ngữ làm phương tiện để trong một thời gian vài tháng, đàn bà, trẻ em đều biết chữ, và người ta có thể dùng chữ Quốc ngữ để ghi việc đời xưa và chép việc đời nay… Đó thực là bước đầu mở mang trí khôn vậy…”. 

Quảng Nam là nơi khởi đầu của phong trào Duy Tân, phong trào chống thuế, do sự hoạt động mạnh mẽ của của các văn thân, sĩ phu, nhất là những người quê Quảng Nam. Trong đó một phần không nhỏ là do tác động của một phong trào phổ biến chữ Quốc ngữ, đã đưa Tân thư, Tân văn tới Quảng Nam, như một luồng gió mới dội vào thay đổi diện mạo xứ sở. Triều đình nhà Nguyễn đã gọi những phong trào diễn ra tại Quảng Nam là do hiểu sai Tân thư “... bọn hiếu sự ở Quảng Nam Quảng Ngãi hiểu sai Tân thư, đem những từ “dân quyền”, “đồng bào” đi khắp nơi mở trường diễn thuyết, ngầm tới hạt khác sách động dụ dỗ, bắt dân cúp tóc thay đổi quần áo…”.26 Từ đó đã diễn ra một phong trào quần chúng rộng lớn thu hút cả hàng vạn người dân Quảng Nam tham gia - Phong trào chống thuế 1908. Nhà Nguyễn đã phải phái “Phụ chính đại thần Trương Như Cương, Lê Trinh tới Quảng Nam khám xét tình hình (lúc bấy giờ dân hạt Quảng Nam tụ họp xin sưu, tình hình không yên nên có mệnh ấy)”.27 

Sự vận động mạnh mẽ của xã hội, đã dẫn đến tình hình xã hội cũng có những biến đổi. Đã tác động tới cả triều đình phong kiến Nguyễn, phải cải tổ theo cái tốt đẹp của văn minh, sự ưu việt của chữ Quốc ngữ, sự việc này được Sử quan triều Nguyễn chép trong một đề nghị tâu lên vua đề nghị cho quan viên trong kinh ngoài tỉnh học chữ Quốc ngữ, như sau: “Bộ Binh tâu nói hiện nay văn minh dần tiến hóa, chính trị đang cải lương, việc học chữ quốc ngữ rất cần thiết mà vũ viên trong kinh ngoài tỉnh và quân nhân các vệ đội rất ít người biết chữ quốc ngữ, lâm thời sai phái có khi có việc cẩn mật cần kiểm soát thư từ biên nhận ký tên rất cần chữ quốc ngữ mà không biết thì việc công khó mau lẹ ổn thỏa, xin trở đi phàm quan quân các cơ vệ trong kinh ngoài tỉnh nên sức cho đều nên học chữ Quốc ngữ. Tới như những kỳ thăng bổ vũ viên thì vẫn theo lệ trước xét niên hạn phẩm hàm, làm việc chăm chỉ, nhưng học chữ Quốc ngữ cũng nên là một điều để xem xét khen thưởng. Lại phàm Phó đội Lệ mục và thừa mục các dịch trạm vừa bổ đều chiểu lệ biện lý, ai am hiểu chữ Quốc ngữ thì bổ dụng trước để khích lệ, vua chuẩn y lời tâu”.28 

Xét những sự kiện nêu trên, có thể thấy phong trào phổ biến chữ Quốc ngữ tiêu biểu nhất ở Quảng Nam, và được phổ biến rộng khắp Trung Kỳ, Bắc Kỳ. Chữ Quốc ngữ đã có một vai trò vị trí quan trọng trong cải cách, khai dân trí xã hội, đóng góp thêm vào sự văn minh biến chuyển của xã hội đương thời. Từ đó nó góp phần loại bỏ “lối học khoa cử, đoạn tuyệt với các hủ tục, theo đòi tân học và mở mang công thương”.29 (Châu Bản triều Nguyễn). 

4. Một vài nhận định 

Sử dụng các mẫu tự Latinh để ký âm tiếng Việt, mà ngày nay chúng ta gọi là chữ Quốc ngữ với mục đích truyền đạo Công giáo vào Việt Nam hồi đầu thế kỷ XVII, các giáo sĩ Dòng Tên không bao giờ ngờ rằng họ đã để lại một món quà vô giá, báu vật cho dân tộc Việt Nam, đó là chữ Quốc ngữ. Ngày nay, chẳng ai hoài nghi về sự tiện ích tuyệt đối của chữ Quốc ngữ đối với nền quốc học và sự nghiệp phát triển văn hóa nước nhà, nhưng mấy ai biết chữ Quốc ngữ đã được khai sinh do những đóng góp to lớn của các giáo sĩ Dòng Tên, tên là Francisco de Pina, A. de Rhodes, và sự cộng tác âm thầm của những người Việt, các thầy giảng, có sự góp sức của các linh mục Buzomi, C. Borri, tại những làng quê dân dã ở tỉnh Quảng Nam, tiêu biểu Thanh Chiêm. Thực tế lịch sử đã chứng minh chính các sĩ phu, trí thức của Việt Nam là người có công đầu trong việc phổ biến chữ Quốc ngữ. Nếu như ở Nam Kỳ công ấy thuộc về các trí thức công giáo, ở Trung Kỳ thuộc về các sĩ phu yêu nước tiến bộ thì ở Bắc Kỳ là sự hợp tác giữa hai lực lượng trí thức tân học, cựu học, và cao hơn cả là sự chấp nhận và ủng hộ của quần chúng nhân dân lao động. Quá trình phổ biến chữ Quốc ngữ chính là cuộc cách mạng chữ viết ở Việt Nam. Cuộc cách mạng này luôn gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Khi phong trào yêu nước, phong trào dân tộc và cách mạng phát triển lên cao thì phong trào phổ biến chữ Quốc ngữ cũng phát triển theo và chính nó lại góp phần làm cho phong trào cách mạng đi lên. Cách mạng giải phóng dân tộc thành công cũng chính là lúc chữ Quốc ngữ trở thành Quốc tự của dân tộc Việt Nam. 

Nói tóm lại, vùng đất Quảng Nam đã chứng kiến suốt 400 năm qua của tiến trình lịch sử chữ Quốc ngữ.31 Xét trên nhiều khía cạnh đóng góp có thể nói Quảng Nam nói chung, dinh trấn Thanh Chiêm nói riêng, là cái nôi ra đời sớm nhất của chữ Quốc ngữ. Theo GS. Phan Huy Lê, “có thể coi chữ Quốc ngữ như một dòng sông. Do nhiều con suối tạo nên, cho nên có nhiều con suối chứ không chỉ có một con suối duy nhất”.32 Theo chúng tôi, thì Thanh Chiêm - Quảng Nam là con suối sớm nhất, rồi đến Hội An, Nước Mặn, Phú Yên. 

Chú thích: 

1. UBND tỉnh Bình Định, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Bình Định với chữ Quốc ngữ (tại Bình Định 12.1 - 13.1.2016), tham khảo bài “Đất Bình Định trong tiến trình lịch sử chữ Quốc ngữ” của Nguyễn Văn Biểu, UBND Bình Định xuất bản, 218. 

2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập I, (Hà Nội: Giáo dục, 2002), 35. 

3. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Tập 2, (Huế: Thuận Hóa, 2006), 388. 

4, 5, 6 Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, (Hà Nội: Văn hóa thông tin, 2007), 63, 152, 185. 

7. GS.TS Nguyễn Thiện Giáp, Báo cáo đề dẫn “Một số vấn đề về chữ Quốc ngữ” trong Hội thảo Quốc gia Chữ quốc ngữ: Sự hình thành, phát triển và những đóng góp vào văn hóa Việt Nam, 10.2015. 

8. Hoàng Tuệ, “Về sự sáng chế chữ Quốc ngữ”, Ngôn ngữ, Số 4/1994, 20-24. Viện Ngôn ngữ, Hoàng Tuệ tuyển tập, (Hà Nội: Giáo dục, 2009), 214. 

9. Cristofoto Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621, (TPHCM: Tổng hợp TPHCM, 2014), 93. 

10. Francesco Buzomi là linh mục Dòng Tên thứ nhất được cử đến nước ta. Từ năm 1615 đến năm 1639. 

11. Sách Đại Nam thực lục chép: Trần Đức Hòa làm khám lý phủ Hoài Nhân (nay thuộc Bình Định), bấy giờ gọi là Cống quận công, là con Dương Đàm hầu Trần Ngọc Phân, phó tướng dinh Quảng Nam. Cuối năm 1602 đến yết kiến chúa đãi rất hậu. 

12. Bastali, Istons della compogne de Jesus, Magoli 1859 (Tài liệu của Chủng viện Quy Nhơn), dẫn lại trong Phố cảng vùng Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII của Đỗ Bang, (Huế: Thuận Hóa - Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, 1996), 57. 

13. UBND tỉnh Bình Định, Địa chí Bình Định, Tập: Lịch sử, (Đà Nẵng: Đà Nẵng, 2006), 67. 

14. Phạm Văn Sơn (Chủ biên), Quân dân Việt Nam chống Tây xâm (1847 - 1945), Quân sử III, (Bộ Tổng tham mưu (Sài Gòn), 1971), 24. 15. “Những người Âu đã thấy Huế xưa: Cristoforo Borri”, Tựa của L.Cadière, trong cuốn Những người bạn cố đô Huế, tập XVIII, năm 1931 (Nguyễn Cửu Sà dịch), (Huế: Thuận Hóa, 2003), 333. 

16. Cristoforo Borri, Relation de la nouvelle mission des pères de la Compagnie de Jésus au Royaume de la Cochinchine, Lille, 1631, 98; L.Bonifacy, Bulletin des Amis du Vieux Huế (BAVH), 1931, 338. Dẫn theo : Trương Bá Cần, Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam, Tập I, (Hà Nội: Tôn giáo, 2008), 37. 

17. Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc ngữ, (Sài Gòn: Tủ sách Ra khơi, 1972), 79. 

18. Nguyễn Phước Tương, “Vai trò dinh trấn Thanh Chiêm trong việc phát triển xứ Đàng Trong của các chúa Nguyễn”, in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Vai trò lịch sử dinh trấn Quảng Nam, 8.2002, 97. 

19. Roland Jacques, L’ocuvre de quelques pionniers portufais dans le domaine de la linguistique Vietnamienne jusqúen 1650, (Paris, 1995). Dẫn theo Nguyễn Phước Tương, “Bài đã dẫn”, 97-98. 

20. Nguyễn Q. Thắng, Quảng Nam đất nước và nhân vật, (Hà Nội: Văn hóa Thông tin, 2001), 585. 

21, 26, 27, 28 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên Đệ lục kỷ phụ biên, Người dịch: Cao Tự Thanh, (TPHCM: Văn hóa - Văn nghệ TPHCM, 2011), 455, 499, 497, 604. 

22, 23 Ngô Văn Minh, Chí sĩ Lê Cơ trong phong trào yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ XX, (Đà Nẵng: Đà Nẵng, 2012), 57, 66. 

24. Trần Quý Cáp (1870 - 1908), ông là người xã Bất Nhị, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam. Nay là thôn Nhị Dinh 1, xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Quê ông cũng là địa danh dinh trấn Thanh Chiêm ngày trước. Năm 35, tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thìn niên hiệu Thành Thái 16 (1904). Năm 1908, Trần Quý Cáp đến Ninh Hòa chưa được bao lâu, phong trào chống thuế nổ ra ở Đại Lộc, Quảng Nam lan nhanh đi nhiều nơi từ Nam Ngãi đến Hà Tĩnh. Thực dân Pháp rất dã man, bắt bớ hàng loạt người biểu tình. Tuy không có bằng cớ nhưng chúng vẫn bắt giam Trần Quý Cáp, tạo ngụy chứng vu cho ông tội mưu phản rồi tuyên án “trảm quyết’. 

25. Phòng Văn hóa Thông tin Điện Bàn, Trần Quý Cáp chí sĩ Duy Tân Việt Nam đầu thế kỷ XX, (Đà Nẵng: Đà Nẵng, 1995), 45. 

29. Nguyễn Thế Anh, Phong trào kháng thuế ở miền Trung năm 1908 qua các Châu bản triều vua Duy Tân, (Hà Nội: Văn học, 2008), 14-15, 28, 49. 

30. Xem thêm Lý Toàn Thắng, “Đất Quảng trong tiến trình lịch sử chữ Quốc ngữ”, Nghiên cứu lịch sử, 2004, Số 12 (343), 7-17. 

31. GS. Phan Huy Lê, Phát biểu tổng kết hội thảo tại Hội thảo khoa học Bình Định với chữ Quốc ngữ, ngày 12-13.01.2016. 

BƯỚC ĐẦU ĐỊNH VỊ VAI TRÒ CỦA HỘI AN
THANH CHIÊM (QUẢNG NAM) VÀ NƯỚC MẶN 
(BÌNH ĐỊNH) TRONG GIAI ĐOẠN PHÔI THAI 
HÌNH THÀNH CHỮ QUỐC NGỮ ĐẦU THẾ KỶ XVII?

Trương Anh Thuận

Trước đây, cũng như hiện nay, khi nghiên cứu về quá trình ra đời, phát triển và hoàn thiện chữ Quốc ngữ, đặc biệt là vấn đề “phát nguyên địa” đầu tiên của loại văn tự này, giới học giả trong và ngoài nước vẫn luôn tồn tại hai luồng ý kiến tranh luận về vai trò của Hội An - Thanh Chiêm (Quảng Nam) và Nước Mặn (Bình Định). Trong đó, dù theo quan điểm nào thì các nhà nghiên cứu cũng đều dựa trên cơ sở tư liệu tương đối vững chắc và những lập luận mang tính khoa học. Trên thực tế, quá trình ra đời chữ Quốc ngữ trong giai đoạn đầu thế kỷ XVII có mối quan hệ mật thiết với cả hai địa phương trên. Vì vậy, trong bài viết này, thay vì dùng sự suy luận chủ quan để tìm kiếm lời giải đáp cho câu hỏi Hội An - Thanh Chiêm và Nước Mặn, đâu mới đích thực là cái nôi đầu tiên khai sinh chữ Quốc ngữ, với quan điểm biện chứng và từ góc nhìn lịch sử, chúng tôi tiến hành nghiên cứu để làm rõ mối quan hệ và bước đầu định vị vai trò của hai vùng đất Bình Định và Quảng Nam trong quá trình hình thành chữ Quốc ngữ ở giai đoạn phôi thai. 

1. Quảng Nam và chữ Quốc ngữ 

Khi nghiên cứu về vai trò của Hội An - Thanh Chiêm (Quảng Nam) đối với việc hình thành chữ Quốc ngữ, một số học giả nhấn mạnh, đây chính là trung tâm học tiếng Việt và cũng là vùng đất đầu tiên khai sinh loại văn tự này ở giai đoạn sơ khởi. “Cảng thị Hội An - Dinh trấn Thanh Chiêm là cái nôi ra đời sớm nhất của chữ Quốc ngữ”.1 Trên thực tế, đầu thế kỷ XVII, đã có không ít giáo sĩ Dòng Tên đặt chân đến vùng đất Quảng Nam. Chính vì vậy, quá trình Latinh hóa tiếng Việt được bắt đầu ở địa phương này không phải là không có cơ sở. Trong đó, ba trường hợp tiêu biểu được các nhà nghiên cứu thường xuyên nhắc nhở đến, khi chứng minh vai trò “phát nguyên địa” và “trường dạy Quốc ngữ” đầu tiên tại xứ Đàng Trong của Hội An - Thanh Chiêm, đó chính là Francisco de Pina và hai người học trò của ông: Alexandre de Rhodes và Antonio de Fontes. 

Khảo cứu quá trình truyền giáo của thừa sai Francisco de Pina từ lúc ông đặt chân tới Đàng Trong (1617) cho đến khi ông mất (1625), có thể thấy rằng, hai khoảng thời gian mà quá trình học tập và sáng tạo chữ Quốc ngữ của vị giáo sĩ này gắn liền với vùng đất Quảng Nam đó chính là 1617 - 1618 và 1620 - 1625. 

Tiếp nối bước chân của đoàn truyền giáo đầu tiên do Francesco Buzomi dẫn đầu tới Đàng Trong hai năm trước đó (1615), đầu năm 1617, giáo sĩ Francisco de Pina đặt chân đến xứ truyền giáo này. Cần nhấn mạnh rằng, tại thời điểm 1617, khi được phái đến Đàng Trong, Pina chưa hề được học qua tiếng Việt. Vì theo thừa sai Borri, lúc bấy giờ Áo Môn muốn cử một nhà truyền giáo trẻ như Pina đến với mục đích trước tiên là học ngôn ngữ bản địa để phục vụ cho công cuộc tuyên giảng Phúc Âm ở đây: “Bề trên giám tỉnh thấy là cần phải sai đến một cha trẻ hơn với một thầy trợ sĩ người Nhật Bản để sau khi học tiếng xong có thể giảng đạo mà không cần thông dịch viên. Đó là cha Francisco de Pina, người Italia, là học trò trước đây của cha Buzomi về môn thần học”.2 

Đến thương cảng Đà Nẵng chưa được bao lâu, thì giữa năm 1617, việc truy bắt các giáo sĩ ngoại quốc tiến hành quyết liệt, thừa sai Pina được các giáo hữu Nhật Bản ở Hội An đem về che giấu. Từ đó cho đến đầu năm 1618 khi rời Quảng Nam đi Bình Định, không có tư liệu ghi chép về quá trình học tiếng Việt của Pina diễn ra như thế nào và ông có trực tiếp học ngôn ngữ này với người bản xứ hay không. Nhưng trong thời gian này, thông qua các trợ sĩ [Nhật], giáo dân [Nhật] và đặc biệt là lực lượng thông ngôn người Nhật, ông đã ít nhiều tiếp xúc với Việt ngữ (tiếng Quảng - TG).3 Tuy nhiên, trong bối cảnh phải trốn tránh sự truy bắt của chính quyền Đàng Trong và chỉ lưu lại ở đây trong một thời gian ngắn (khoảng hơn nửa năm), việc tiếp nhận vốn tiếng Quảng của ông có lẽ đã không diễn ra thuận lợi và chưa thể đạt được sự tiến bộ vượt bậc. Mặc dù vậy, nhưng không thể phủ nhận tầm quan trọng của sự tiếp xúc sơ khởi cũng như dấu ấn đầu tiên mà tiếng Quảng để lại đối với sự trau dồi, hoàn thiện vốn ngôn ngữ bản địa và sáng tạo ra chữ Quốc ngữ của Pina sau này. 

Sau khoảng thời gian gần hai năm truyền giáo và học tiếng Việt ở Nước Mặn (Bình Định), năm 1620 (hiện nay có ý kiến cho rằng năm 16194 , tức là thời gian ở Bình Định của Pina chỉ là một năm), Pina trở lại cư sở Hội An. Trên thực tế, giới nghiên cứu không đủ tư liệu để phục dựng lại toàn bộ quá trình học tiếng Việt của Pina và các giáo sĩ khác tại Nước Mặn. Tuy nhiên, ở thời điểm trở lại Quảng Nam, theo ghi chép của Borri và xác nhận của Alexandre de Rhodes đến đây năm 1624 thì Pina đã rất thông thạo tiếng Việt, có thể trực tiếp giảng đạo cho người bản xứ mà không cần thông ngôn. 

Vậy có phải chăng cùng với sự tiếp xúc với Việt ngữ đầu tiên thông qua người Nhật ở Hội An năm 1617, thời gian truyền đạo và học ngôn ngữ bản xứ ở Bình Định đã giúp cho vốn tiếng Việt của Pina tiến bộ nhanh chóng? Bên cạnh đó, có một vấn đề đặt ra đó là vì sao năm 1620, Pina trở lại Quảng Nam? Điều này đã được Borri giải thích là do sau khi quan trấn thủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa qua đời (cuối 1618 hoặc đầu 1619), việc truyền giáo gặp nhiều khó khăn, dân chúng không còn quan tâm đến đạo Chúa.5 Tuy nhiên, lúc bấy giờ ở Nước Mặn, ngoài Pina, còn có các giáo sĩ khác, vậy tại sao lại phải là Pina? Thứ nhất, ông là người biết tiếng Nhật, vì vậy việc cử ông trở lại Hội An một mặt là để chăm lo đời sống tinh thần của cộng đồng giáo hữu Nhật Bản ở đây. Tuy nhiên, quan trọng hơn đó là có lẽ vì lúc bấy giờ ông là người tinh thông tiếng Việt nhất trong số các thừa sai ở Nước Mặn, nên đã được lựa chọn với mục đích đẩy mạnh việc truyền bá Thiên Chúa giáo cho dân chúng vùng Quảng Nam.6 

Việc trở lại Quảng Nam năm 1620 của Francisco de Pina bên cạnh phục vụ mục đích tôn giáo còn mở ra một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp Latinh hóa tiếng Việt của ông. Trong thời gian này, Pina thường xuyên đi lại giữa Hội An và Thanh Chiêm và sau đó (1623) quyết định chọn Thanh Chiêm làm “đất đứng chân” lâu dài, đưa đến sự ra đời của cư sở truyền giáo thứ ba trên vùng đất Đàng Trong vào năm 1625 - Cư sở Thanh Chiêm (Residentia Dinh Ciam). Vậy vì sao Pina lại lựa chọn Thanh Chiêm? Điều này xuất phát từ mong muốn tiếp nhận một ngôn ngữ thuần khiết và cũng là vì mục đích truyền giáo nữa. Lúc bấy giờ, có lẽ Pina đã nhận thấy rõ Hội An với tư cách là cảng thị sầm uất, nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa, ngôn ngữ bị lai tạp không thích hợp cho việc học tiếng bản địa.7 Trong khi đó, như chính ông khẳng định: “Về việc học ngôn ngữ, thì Kẻ Chàm vẫn là nơi tốt nhất, vì Triều đình được đặt nơi đây; người ta nói năng rất chuẩn…”.8 Điều đó có nghĩa là đương thời ông đã ý thức sâu sắc về việc học tập “tiếng kinh đô” (Ở đây có thể hiểu rộng ra là tiếng nói ở thủ phủ của một vùng đất rộng lớn hoặc trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa đương thời - TG). Đặc biệt, lúc bấy giờ Thanh Chiêm với tư cách là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa và trên hết là trung tâm chính trị quan trọng nhất của cả vùng Đàng Trong, nơi có nhiều cơ hội tiếp xúc giao lưu với giai tầng thống trị và giới trí thức Nho học, vì vậy, nhằm hiện thực hóa phương châm dựa vào lực lượng thống trị xứ truyền giáo để mở rộng việc loan báo Tin Mừng và thông qua phương pháp “học thuật truyền giáo”9 , tức sử dụng các hiện vật và thành tựu khoa học phương Tây để lôi kéo tầng lớp thượng lưu, hoàng thân quý tộc, quan lại trí thức trong xã hội tin theo Thiên Chúa giáo thì Thanh Chiêm là một sự lựa chọn hoàn toàn đúng đắn của Pina. 

Không những tinh thông tiếng Việt, Pina còn là người sớm nhất trong số các thừa sai Dòng Tên ở Đàng Trong thời bấy giờ chú trọng nghiên cứu một cách bài bản âm vận và cách phiên âm tiếng Việt. Trong bức thư gửi Bề trên Jerónimo Rodrigues Senior, phụ trách các miền truyền giáo Nhật Bản và Trung Hoa, tại Ma Cao đầu năm 1623, ông viết: “Ngôn ngữ này (tiếng Việt [âm hưởng Quảng Nam] - TG) là một ngôn ngữ có cung điệu, giống như cung nhạc, và cần phải biết xướng cho đúng thanh điệu trước đã, sau đó mới học các âm qua bảng chữ cái... Về phần con, con đã soạn một tập nhỏ về chữ viết và về các cung điệu của ngôn ngữ này; con hiện đang bắt tay vào ngữ pháp. Tuy nhiên, mặc dù con cũng đã tập hợp những câu chuyện thuộc nhiều thể loại khác nhau để ghi trích dẫn của các tác giả, hầu xác định ý nghĩa của các từ ngữ và các mẹo luật ngữ pháp, thì cho đến giờ này con vẫn còn phải nhờ một người đọc để con ghi ra bằng mẫu tự Bồ Đào Nha, hầu cho những người của chúng ta sau này có thể đọc và học thuộc lòng, như từng học Cicéron và Virgile. Ngoài ra, con đã tuyển được ba tập các bản văn có lý giải trong số những tác phẩm hay nhất mà con tìm thấy tại Vương quốc này”.10 Từ dẫn chứng trên, có thể khẳng định, Francisco de Pina chính là người đầu tiên đặt nền móng cho việc Latinh hóa tiếng Việt thông qua những khảo cứu hết sức có giá trị về từ vựng, các thanh, ngữ pháp và cách phiên âm ngôn ngữ này. 

Bên cạnh đó, Pina còn là người rất chú trọng đến việc đào tạo ngôn ngữ bản địa cho các thừa sai đến sau. Đặc biệt, với vốn tiếng Việt dồi dào của mình, ông chắc chắn phải là người tiên phong trong công việc này. Trên thực tế, ngay từ khi chọn Thanh Chiêm làm địa sở truyền giáo, ông đã bộc lộ ý định sử dụng tầng lớp trí thức ở đây để giúp đỡ cho việc học tiếng bản địa của các thừa sai sắp đến: “[Kẻ Chàm] có nhiều thanh niên học trò quy tụ về, nên những ai bắt đầu học ngôn ngữ có thể tìm được sự giúp đỡ nơi các học trò ấy”.11 Trong bức thư gửi Bề trên Dòng Tên ở Ma Cao trong những năm 1622 - 1623, ông tỏ ra lo lắng và không hài lòng về việc đào tạo một số thanh niên người Việt ở Thanh Chiêm để họ giúp việc mục vụ và hỗ trợ các giáo sĩ học tiếng Việt, đồng thời ông cũng nhận thấy tầm quan trọng của công việc này: “Đối với con, những thanh niên này không thực sự cần thiết, bởi vì con đã biết tiếng nói; nhưng đối với những người chân ướt chân ráo đến đây, và trong tương lai, thì các thanh niên ấy sẽ có việc để làm”.12 Tất cả dự định và sự chuẩn bị của Pina đều đã phát huy tác dụng. Năm 1624, hai thừa sai Alexandre de Rhodes và Antonio de Fontes đến Hội An, sau đó là Thanh Chiêm dưới sự hướng dẫn và giúp đỡ trực tiếp của ông đã tiến hành học Việt ngữ. Trong bức thư của linh mục Gabriel de Matos viết năm 1625 cũng xác nhận điều này: “Hiện nay chúng tôi có ba cư sở mà hai trong số này [Hội An, Nước Mặn] đã được hoàn thành [theo giáo luật]; còn cư sở thứ ba tại “thủ phủ” quan “trấn thủ”, nơi mà lúc này tôi [đang tạm trú] có ba linh mục định cư: linh mục Francisco de Pina biết tiếng [Việt] khá lắm, làm bề trên và làm giáo sư [dạy tiếng Việt] và các linh mục Đắc Lộ cùng Antonio de Fontes là thuộc viên và học viên”.13 Tuy nhiên, quá trình tiếp nhận và lĩnh hội Việt ngữ của hai giáo sĩ này so với Pina lại có sự khác biệt. Nếu như việc học tiếng Việt của Francisco de Pina ít nhiều đều có liên quan đến cả Hội An - Thanh Chiêm (Quảng Nam) và Nước Mặn (Bình Định) thì ngược lại, ngay từ khi đặt chân đến Đàng Trong (1624), giáo sĩ Alexandre de Rhodes và Antonio de Fontes đã được trực tiếp tiếp xúc và hòa mình vào môi trường tiếng Quảng. Nhận thấy hạn chế từ việc sử dụng thông ngôn (người Nhật, người Hoa hoặc người Việt) trong quá trình truyền giáo, vì “thông ngôn chỉ nói điều mình dịch chứ không sao nói với hiệu lực của lời từ miệng nhà truyền đạo có Thánh Thần ban sinh khí”14, chính vì vậy, muốn gặt hái những mùa vàng bội thu từ công cuộc truyền giáo trên vùng đất Đàng Trong, Alexandre de Rhodes và Antonio de Fontes buộc phải nhanh chóng thông thạo ngôn ngữ của người bản xứ. Trong Hành trình và truyền giáo, Alexandre de Rhodes cho biết ngoài sự hướng dẫn và giúp đỡ của người thầy Pina, ông còn trực tiếp học tiếng Việt với một cậu bé người Quảng: “Người giúp tôi đắc lực là một cậu bé người xứ này. Trong ba tuần lễ đã dạy tôi các dấu khác nhau và cách đọc hết các tiếng”.15 Mục đích trực tiếp tuyên giảng Phúc Âm cho người bản xứ càng thôi thúc ông nỗ lực học tiếng Việt hơn. “Tôi liền chuyên chú vào việc. Mỗi ngày tôi học một bài và siêng năng như khi xưa vùi đầu vào khoa thần học ở Rôma. Chúa đã cho tôi trong bốn tháng tôi đủ khả năng để ngồi tòa giải tội và trong sáu tháng tôi đã giảng được bằng ngôn ngữ Đàng Trong và cứ thế tôi tiếp tục trong nhiều năm”.16 Ghi chép này cho thấy, chính trên vùng đất Quảng Nam, giáo sĩ Alexandre de Rhodes lĩnh hội vốn Việt ngữ đầu tiên. Đối với việc học tiếng Việt của giáo sĩ Antonio de Fontes ở Quảng Nam, tư liệu của các giáo sĩ đương thời không ghi chép cụ thể. Tuy nhiên, đến năm 1626, trong bản tường trình bằng La ngữ gửi cho linh mục Bề trên của Dòng Tên Mutio Vitelleschi ở La Mã được viết tại Hội An của ông, các nhà nghiên cứu đã tìm thầy 16 từ và cụm từ tiếng Việt.17 Như vậy, không còn nghi ngờ gì nữa, chính thời gian học tiếng bản xứ ở Quảng Nam hơn một năm trước đó đã tạo tiền đề cho việc bước đầu Latinh hóa Việt ngữ của vị giáo sĩ này. 

Tóm lại, từ những phân tích trên đây, có thể thấy rằng, đối với quá trình ra đời chữ Quốc ngữ đầu thế kỷ XVII, Hội An - Thanh Chiêm (Quảng Nam) đã để lại một dấu ấn tương đối sâu đậm, gắn liền với việc tiếp nhận và Latinh hóa tiếng Việt của các thừa sai Francisco de Pina, Alexandre de Rhodes, Antonio de Fontes… trên vùng đất này. Tuy nhiên, ghi chép của các giáo sĩ đương thời cũng cho thấy, dấu vết công cuộc học tập tiếng Việt và Latinh hóa ngôn ngữ này cũng được tìm thấy ở cư sở truyền giáo Nước Mặn (Bình Định). Chính vì vậy, để làm rõ mối quan hệ, cũng như đánh giá đúng vị trí, vai trò và đóng góp của mỗi địa phương trong giai đoạn phôi thai hình thành chữ Quốc ngữ, chúng tôi thiết nghĩ việc nghiên cứu đối sánh để có cái nhìn tổng thể, xuyên suốt là thực sự cần thiết. 

2. Bình Định và chữ Quốc ngữ 

Mặc dù không phải là nơi các thừa sai Dòng Tên đặt chân đến sớm nhất ở khu vực Đàng Trong, nhưng vùng đất Nước Mặn (Bình Định) cũng ít nhiều để lại dấu ấn đối với quá trình học tập, lĩnh hội ngôn ngữ bản địa và Latinh hóa tiếng Việt của các giáo sĩ Dòng Tên tiên khởi trong thời gian từ 1618 đến 1620 và cả giai đoạn sau đó. 

Ngược dòng lịch sử, từ năm 1615 đến đầu năm 1618, Buzomi và các giáo sĩ khác như Pina, Borri... lần lượt đến Đàng Trong truyền giáo. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc học tiếng Việt tại Hội An đã không thể diễn ra thuận lợi, hoặc nếu có việc Buzomi, Pina học tiếng Việt ở Hội An từ thông ngôn (người Nhật, người Việt, người Hoa) và các giáo dân (Nhật Bản và và có thể là Đàng Trong) thì chắn chắn vốn tiếng Việt đó cũng không đủ để các ông có thể tiến hành các hoạt động mục vụ. Vì theo ghi chép của thừa sai Borri, tại thời điểm theo quan phủ Quy Nhơn về Nước Mặn (1618), trong đoàn ngoài các giáo sĩ còn có một thông dịch viên.18 Điều đó có nghĩa là lúc bấy giờ chưa một vị thừa sai nào có thể trực tiếp giao tiếp với người dân bản xứ mà không cần thông ngôn. Và có lẽ phải đến khi vào Quy Nhơn, với sự hậu đãi và tạo điều kiện của quan trấn thủ Trần Đức Hòa, Buzomi, Pina và các giáo sĩ khác mới yên ổn bắt tay vào công việc học tập tiếng Việt hoặc tiếp tục bồi đắp, khắc sâu và làm phong phú thêm vốn ngôn ngữ bản địa vừa mới tiếp xúc và manh nha hình thành ở Hội An - Thanh Chiêm (Quảng Nam). Chính vì vậy, quá trình này ở một mức độ nhất định có dấu ấn của vùng đất Bình Định, góp phần định hình và ảnh hưởng đến việc chế tác chữ Quốc ngữ sau này. 

Việc học tiếng Việt của các thừa sai Dòng Tên tiên khởi của Thiên Chúa giáo Đàng Trong trên vùng đất Bình Định được bắt đầu từ năm 161819 - Thời điểm giáo sĩ “Francesco Buzomi, Francisco de Pina, Cristoforo Borri và một trợ sỹ người Bồ theo quan phủ Qui Nhơn (Trần Đức Hòa - TG) về địa sở Nước Mặn”.20 Trên thực tế, không có nhiều tư liệu lịch sử nói về điều này. Tuy nhiên, góp nhặt từ trong một số ghi chép của các thừa sai đương thời, đặc biệt thông qua tài liệu của giáo sĩ Cristoforo Borri, giới nghiên cứu hoàn toàn có đủ cơ sở khoa học để khẳng định luận điểm trên. 

Ghi chép về giai đoạn sau khi đến Nước Mặn, Bình Định, giáo sĩ Borri trong tường trình của mình đề cập tới sự kiện có lẽ xảy ra cuối năm 1618 hoặc đầu năm 161921, đó là quan trấn thủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa mất và những thiệt hại mà sự việc này mang tới cho công cuộc truyền giáo. Tuy nhiên, qua chi tiết này, giới nghiên cứu lại có được một tư liệu thành văn dù là ít ỏi để khẳng định chắc chắn các thừa sai Buzomi, Pina, Dias và chính Borri đã học tiếng Việt ở Nước Mặn, Bình Định. “Không có một ai tới với chúng tôi nữa. Chúng tôi không còn uy tín như trước. Mặc dầu chúng tôi đã học tiếng bản xứ, họ vẫn không để ý gì đến lời nói của ba người khốn nạn, sống đơn độc giữa dân ngoại. Họ khinh rẻ giáo lý của chúng tôi như là một sự mới lạ do chúng tôi bày đặt và đem vào đây để đánh đổ học thuyết và giáo phái cổ truyền của họ”.22 Trên thực tế, tài liệu của các nhà truyền giáo đương thời, đặc biệt ngay cả trong tường trình của thừa sai Borri cũng không thấy đề cập cụ thể đến quá trình các giáo sĩ Dòng Tên học tiếng Việt ở Nước Mặn (Bình Định) đã diễn ra như thế nào. Họ đã sử dụng những phương thức nào để học ngôn ngữ từ cư dân bản địa vùng Bình Định vẫn còn là một ẩn số. Tuy nhiên, thông qua việc khảo cứu những ghi chép của giáo sĩ Borri, có thể thấy được việc học Việt ngữ của các thừa sai tại cư sở Nước Mặn trong khoảng thời gian từ 1618 đến 1620 đã đạt được những kết quả khả quan với sự tiến bộ nhanh chóng của các giáo sĩ về tiếng bản xứ. Nếu như thừa sai Francisco de Pina - người mà năm 1617 khi đến Đàng Trong chưa từng học qua tiếng Việt và có lẽ sự tiếp xúc ban đầu với tiếng Quảng ở Hội An trong một khoảng thời gian ngắn chưa thể trang bị cho ông một nền tảng Việt ngữ phong phú, thì chỉ sau gần hai năm ở Nước Mặn, Bình Định (1618 - 1620), vốn tiếng Việt của ông đã có những tiến bộ vượt bậc. Để đến năm 1620, khi trở lại Hội An phục vụ cho cộng đồng Công giáo Nhật Bản và phát triển công cuộc truyền giáo cho người Việt ở cảng thị này, “Ngài đã biết thành thạo tiếng bản xứ, nên Ngài vẫn tiếp tục giảng đạo cho người bản xứ”23 như thừa nhận của thừa sai Borri. Điều này cũng đã được giáo sĩ Alexandre de Rhodes khẳng định khi ông đến Đàng Trong năm 1624: “Cha Francisco de Pina không cần thông ngôn vì nói (tiếng Việt - TG) rất thạo”.24 Thừa sai Pina cũng chính là thầy dạy tiếng Việt của Alexandre de Rhodes25 - một trong những người có vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển chữ Quốc ngữ giai đoạn sau. Vì vậy, vốn tiếng Việt mà ông truyền dạy lại cho Alexandre de Rhodes trong thời gian này, nếu không phải là tất cả thì cũng là một phần mang âm hưởng Bình Định mà ông đã học qua trên vùng đất này từ năm 1618 đến năm 1620. 

Đối với các thừa sai khác, mặc dù không quá xuất sắc như giáo sĩ Francisco de Pina, tuy nhiên, khoảng thời gian học tiếng Việt ở Nước Mặn, Bình Định cũng đã giúp cho trình độ Việt ngữ của họ có những bước tiến rõ rệt. Trong đó, trường hợp thừa sai Cristoforo Borri là một dẫn chứng điển hình. Trong cuốn “Tường trình về sứ mạng mới của các linh mục dòng Jésus tại Vương Quốc An Nam”, ông cho biết đầu năm 1618, khi đến Đàng Trong và cùng các thừa sai Francesco Buzomi, Francisco de Pina... đi Nước Mặn, Bình Định, qua sáu tháng học tập, vốn tiếng Việt của ông đã “khá đủ để nói và cũng đủ để nghe xưng tội, mặc dù không được hoàn hảo bởi vì để được thông suốt ngôn ngữ này thì cần học tập trong bốn năm liên tiếp”.26 Năm 1622, sau khi thừa sai Borri trở về Ma Cao, hai trong ba giáo sĩ được Áo Môn gửi đến Đàng Trong là “Emmanuel Borges và Louis Leira đã vào Quyi Nhơn để học tiếng với linh mục Buzomi”.27 Năm 1624, thừa sai Gaspar Luis - một trong những người đầu tiên trong tường trình gửi về La Mã (1621 và 1626) đã dùng Latinh tự phiên âm một số từ tiếng Việt28 và Girolamo Majorica sau khi đặt chân đến Đàng Trong cũng “liền xuống Nước Mặn để học tiếng Việt”.29 Điều đó cho thấy, lúc bấy giờ Nước Mặn, Bình Định đã trở thành một trong những trung tâm đào tạo tiếng Việt quan trọng bậc nhất của các thừa sai Dòng Tên trên cả vùng đất Đàng Trong. 

Không những là nơi đào tạo tiếng Việt cho lớp thừa sai tiên khởi của Thiên Chúa giáo Đàng Trong như Francesco Buzomi, Francisco de Pina, Cristoforo Borri, António Dias… và các giáo sĩ đến sau như Emmanuel Borges, Louis Leira, Gaspar Luis, Girolamo Majorica…, Nước Mặn, Bình Định còn là nơi ghi dấu công cuộc Latinh hóa tiếng Việt của một số nhà truyền giáo kể trên ở các mức độ khác nhau. Trong số bảy tài liệu chép tay có chữ Quốc ngữ giai đoạn 1621 - 1626 thì có đến ba tư liệu thuộc về ba giáo sĩ trực tiếp học tiếng Việt trên vùng đất này, đó là Francesco Buzomi, Cristoforo Borri và Gaspar Luis. Đặc biệt, có những văn bản được ra đời ngay trên vùng đất Nước Mặn, Bình Định, như tài liệu chép tay năm 1626 của Gaspar Luis, hoặc chữ Quốc ngữ trong các tài liệu đó được viết ra ở thời điểm tác giả hoạt động tại đây, điển hình là bản tường trình năm 1621 của Cristoforo Borri. Từ tất cả các phân tích trên, có thể thấy rằng, đầu thế kỷ XVII, cùng với Hội An - Thanh Chiêm (Quảng Nam), vùng đất Nước Mặn (Bình Định) đã trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến quá trình tiếp xúc, lĩnh hội tiếng Việt của các thừa sai Dòng Tên, từ đó tạo tiền đề quan trọng cho việc chế tác chữ Quốc ngữ ngay tại thời điểm bấy giờ và cả giai đoạn sau đó. 

3. Định vị vai trò của Quảng Nam và Bình Định trong giai đoạn phôi thai hình thành chữ Quốc ngữ đầu thế kỷ XVII 

Từ những nghiên cứu trên đây, có thể thấy rằng, giai đoạn đầu thế kỷ XVII, Hội An - Thanh Chiêm (Quảng Nam) và Nước Mặn (Bình Định) ở một mức độ nhất định đều có quan hệ mật thiết với quá trình học tập, lĩnh hội và Latinh hóa tiếng Việt của các thừa sai Dòng Tên. Trên thực tế, trong quá trình tuyên giảng Phúc Âm, các giáo sĩ có thể đi qua nhiều vùng đất khác nhau trong xứ truyền giáo. Mục đích đẩy mạnh “Thiên Chúa giáo hóa” dân chúng bản địa cùng với điều kiện chính trị lúc bấy giờ, đặc biệt là sự phản ứng của các giai tầng xã hội đối với đạo Thiên Chúa và chính sách Thiên Chúa giáo của nhà cầm quyền đương thời đã khiến cho các thừa sai không thể chủ quan đưa ra ý định dừng chân lâu dài ở bất kỳ một địa phương nào. Chính vì vậy, việc học tập tiếng Việt và sáng tạo ra chữ Quốc ngữ ở đâu, không phải do các thừa sai lựa chọn bằng ý nghĩ chủ quan của mình, mà chính bối cảnh lịch sử đương thời đã “lựa chọn” giúp họ. Điều này lý giải về sự có mặt của các giáo sĩ Dòng Tên trên cả hai vùng đất Quảng Nam và Bình Định và từ đó đã “ngẫu nhiên” mang đến cơ duyên là nơi học tập và Latinh hóa tiếng Việt cho cả hai địa phương này. Ở đây, cần phải thấy rằng, sự ra đời chữ Quốc ngữ là một quá trình lâu dài, là “một dòng chảy lớn”, mà hòa vào dòng đại hà ấy là “những con suối nhỏ”, mang âm hưởng của nhiều vùng đất khác nhau, trong đó, giai đoạn đầu thế kỷ XVII, nổi bật nhất chính là Hội An - Thanh Chiêm (Quảng Nam) và Nước Mặn (Bình Định). 

Hơn nữa, cùng với hành trình truyền giáo, việc học tiếng Việt và Latinh hóa ngôn ngữ này của một số thừa sai đều có liên quan đến cả hai vùng đất Quảng Nam và Bình Định. Điều này khiến cho giới học giả ngày nay nên chú trọng hơn đến việc nghiên cứu mối quan hệ tương hỗ của hai địa phương này trong toàn bộ quá trình khai sinh chữ Quốc ngữ, hơn là dùng lập luận chủ quan để cố chứng minh vị trí, vai trò và mức độ ảnh hưởng của từng địa phương (thực tế với cơ sở tư liệu hiện nay có lẽ cũng không dễ dàng làm rõ được điều này) đối với việc hun đúc vốn ngôn ngữ bản địa và công cuộc Latinh hóa tiếng Việt của họ. Tiêu biểu như trường hợp thừa sai Francisco de Pina. Sự hình thành vốn tiếng Việt của ông mang đậm dấu ấn của cả hai vùng đất Quảng Nam và Bình Định: năm 1617, đặt chân đến Hội An và có sự tiếp xúc đầu tiên với Việt ngữ thông qua người Nhật (cũng có thể là người Việt); năm 1618, đến Nước Mặn truyền giáo, tiếp tục học và đạt được tiến bộ nhanh chóng về ngôn ngữ bản địa trên vùng đất này; năm 1620, trở lại Hội An và sau đó là Thanh Chiêm, đưa việc tiếp thu ngôn ngữ bản địa lên một tầm cao mới khi là người đầu tiên trong số các thừa sai Dòng Tên truyền giáo tại Đàng Trong thời bấy giờ mở đầu cho công cuộc Latinh hóa tiếng Việt. Ở đây, chúng tôi không thể chứng minh bằng phương pháp định lượng “yếu tố Bình Định” và “yếu tố Quảng Nam” chiếm bao nhiêu phần trăm trong toàn bộ vốn tiếng Việt của thừa sai Pina. Tuy nhiên, giới nghiên cứu hoàn toàn có cơ sở để đặt ra giả thuyết: Có phải chăng từ việc tiếp xúc đầu tiên với tiếng Việt ở Hội An (1617) đã tạo tiền đề để Pina lĩnh hội nhanh chóng ngôn ngữ này trên vùng đất Bình Định và cũng chính cái vốn ngôn ngữ dồi dào và phong phú được tiếp nhận tại Nước Mặn đã trở thành nền tảng cho công cuộc Latinh hóa Việt ngữ do ông khởi đầu ở Thanh Chiêm trong giai đoạn 1620 - 1625? 

Đối với trường hợp thừa sai Bozumi, ông đến Quảng Nam năm 1615, hoạt động mục vụ ở Hội An - Thanh Chiêm hơn hai năm trước khi vào Nước Mặn lãnh đạo giáo đoàn ở đây trong khoảng chín năm (1618 - 1626). Ghi nhận về kết quả học tập tiếng bản xứ của vị thừa sai này, nhà nghiên cứu Trương Bá Cần cho rằng, “sau khi linh mục Pina từ trần (15.12.1625) và linh mục Marquez với linh mục Rhodes trở về Ma Cao (6.1626), Buzomi là người duy nhất còn lại ít nhiều thông thạo tiếng Việt”.30 Cùng năm 1626, trong tường trình gửi về La Mã của ông xuất hiện một số từ ngữ phiên âm tiếng Việt.31 Vậy ai có thể dám chắc vốn tiếng Việt mà Buzomi tích lũy được từ 1615 đến 1626 và những chữ Quốc ngữ sơ khai do ông viết ra chỉ là kết quả của những ngày tháng tuyên giảng Phúc Âm và miệt mài học tập ngôn ngữ bản địa của ông ở Nước Mặn mà hoàn toàn không có liên quan gì đến Hội An - Thanh Chiêm - nơi ông đặt chân đến đầu tiên trên vùng đất Đàng Trong và cũng từng có một thời gian truyền giáo và học tiếng tại đây. Trong khi đó, chúng ta đều biết rằng, vốn tiếng Việt của các giáo sĩ đương thời là “tổng hòa” tiếng nói của nhiều địa phương khác nhau, nó không phải chỉ được hình thành tại nơi khởi đầu cho việc học tập ngôn ngữ bản địa, mà còn được tích lũy, bồi đắp ngày càng phong phú và dồi dào thêm trong quá trình đi truyền giáo trên các vùng đất khác nhau tại xứ Đàng Trong. 

Như vậy, quan hệ giữa hai vùng đất Quảng Nam và Bình Định trong toàn bộ tiến trình khai sinh chữ Quốc ngữ ở giai đoạn sơ khai là không thể phủ nhận được. Chính vì vậy, khi nghiên cứu lịch sử ra đời chữ Quốc ngữ ở giai đoạn đầu thế kỷ XVII, thiết nghĩ cần phải đặt vấn đề này trong một chỉnh thể toàn diện các mối quan hệ giữa hai vùng đất trên, để thấy được tính thống nhất và kế thừa trong việc tiếp nhận và Latinh hóa tiếng Việt của các giáo sĩ Dòng Tên đương thời ở hai địa phương khác nhau trên vùng đất Đàng Trong. 

Bên cạnh đó, nếu như giới nghiên cứu có đầy đủ tư liệu và cơ sở khoa học để định vị một cách rõ ràng vai trò, vị trí của từng địa phương trong toàn bộ quá trình ra đời chữ Quốc ngữ, thì việc này rất có ý nghĩa và vô cùng cần thiết trong lĩnh vực học thuật, nghiên cứu. Ở đây, cần phải xem xét trên hai phương diện: 

Thứ nhất, Hội An - Thanh Chiêm (Quảng Nam) và Nước Mặn (Bình Định), đâu là trung tâm học tiếng Việt đầu tiên của các giáo sĩ Dòng Tên trên vùng đất Đàng Trong? Một số nhà nghiên cứu cho rằng, Quảng Nam là nơi các thừa sai Dòng Tên tiên khởi đặt chân đến đầu tiên (1615) và có thời gian ít nhất là hai năm hoạt động ở đây trước khi vào Bình Định (1618). Đặc biệt là dựa vào sự kiện Pina thành lập trường học tiếng Việt ở Thanh Chiêm năm 1624, truyền dạy ngôn ngữ bản địa cho Alexandre de Rhodes và Antonio de Fontes, từ đó, họ khẳng định vai trò trung tâm học Việt ngữ đầu tiên của vùng đất Quảng Nam. Trên thực tế, tư liệu do các thừa sai đương thời để lại không đủ để cho phép giới nghiên cứu chứng minh một cách rõ ràng việc học tiếng Việt của các giáo sĩ trước năm 1618 tại Hội An mang lại kết quả to lớn. Chỉ có thể suy đoán một điều đó là với thời gian tương đối dài, việc tiếp xúc, học tập tiếng Việt của các thừa sai có lẽ đã được tiến hành. Tuy nhiên, biến động trong chính sách Thiên Chúa giáo của nhà đương cục đã khiến cho quá trình ấy diễn ra không thuận lợi, chưa một thừa sai nào có thể tích lũy đủ vốn ngôn ngữ bản địa để trực tiếp giao tiếp và thực hiện hoạt động mục vụ đối với người dân bản xứ. Điều đó cũng lý giải sự có mặt của một thông ngôn trong đoàn thừa sai đến Nước Mặn năm 1618. Trong khi đó, ghi chép trong tường trình của Borri dù là ít ỏi nhưng lại cho thấy, quá trình học tiếng Việt của các thừa sai tiên khởi Thiên Chúa giáo Đàng Trong đã diễn ra ở cư sở Nước Mặn và đạt được kết quả khả quan với sự tiến bộ nhanh chóng về vốn ngôn ngữ bản địa, đặc biệt là trường hợp Francisco de Pina. Bên cạnh đó, Nước Mặn có thể cũng là nơi sớm nhất đảm nhận vinh dự đào tạo tiếng Việt cho các giáo sĩ đến sau. Ngay từ năm 1622, Emmanuel Borges, Louis Leira đã đến Nước Mặn học tiếng Việt với thừa sai Bozumi.32 Năm 1624, Nước Mặn tiếp tục đón hai giáo sĩ khác là Gaspar Luis và Girolamo Majorica. Trong khi đó, mặc dù được tổ chức chặt chẽ hơn với việc thành lập “trường học tiếng Việt”33, nhưng phải đến năm 1624, hoạt động đào tạo tiếng bản xứ cho các thừa sai dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Pina mới được chính thức bắt đầu ở Thanh Chiêm với hai học trò đầu tiên là Alexandre de Rhodes và Antonio de Fontes. Vậy ở đây có một vấn đề đặt ra đó là tại sao từ năm 1620 đến năm 1625, số lượng giáo sĩ được cử đến Nước Mặn học tiếng Việt lại nhiều hơn ở Thanh Chiêm? Sở dĩ như vậy có lẽ là vì trước năm 1625, tức là trước thời điểm Thanh Chiêm được chính thức thừa nhận là cư sở truyền giáo theo giáo luật và Pina trở thành người lãnh đạo của cư sở này, thừa sai Buzomi là Cha bề trên của cả vùng truyền giáo Đàng Trong. Trong thời gian này, ông chủ yếu hoạt động ở Nước Mặn, Bình Định, vì vậy, ở đây các điều kiện về tài chính và nhân lực phục vụ cho việc đào tạo tiếng bản xứ được chuẩn bị tốt hơn. Trong bức thư gửi Bề trên Jerónimo Rodrigues Senior, phụ trách các miền truyền giáo Nhật Bản và Trung Hoa, tại Ma Cao đầu năm 1623, thừa sai Pina cho biết giúp đỡ giáo sĩ Buzomi trong vấn đề ngôn ngữ và mục vụ ở Nước Mặn, ngoài hai thông ngôn (jurubaça) Anrê và Augusto, còn có hai hay ba ông sãi - bonzo. 34 Đây chắc chắn cũng sẽ là lực lượng đắc lực hỗ trợ các thừa sai mới đến học tiếng. Vì vậy, việc có nhiều giáo sĩ được cử đến đây học ngôn ngữ cũng là điều dễ hiểu. Trong khi đó, sự thiếu thốn về tài chính và nhân lực trong những năm 1620 - 1623 như thừa sai Pina thừa nhận: “Vì vấn đề chi phí, Cha Bề trên không cho phép có sự hiện diện của những ông sãi trong nhà chúng con”35, cùng với sự mệt mỏi và bận rộn vì công việc mục vụ ở Hội An và Thanh Chiêm trong thời gian này đã khiến cho việc dạy tiếng Việt cho các thừa sai ở đây chưa đạt được kết quả. Phải đến năm 1624, khi các điều kiện đã được chuẩn bị tương đối chu đáo, Pina mới bắt đầu khởi động việc học ngôn ngữ bản địa ở Thanh Chiêm với hai học trò đầu tiên là Alexandre de Rhodes và Antonio de Fontes. Như vậy, xem xét trên phương diện số lượng thừa sai đến học tiếng và những điều kiện chuẩn bị cho quá trình đào tạo ngôn ngữ bản địa trong giai đoạn 1621 - 1625 thì vai trò trung tâm dạy tiếng Việt ở một mức độ nhất định có phần nghiêng về Nước Mặn (Bình Định), tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của Hội An - Thanh Chiêm (Quảng Nam). 

Thứ hai, Hội An - Thanh Chiêm (Quảng Nam) và Nước Mặn (Bình Định), đâu là cái nôi sớm nhất Latinh hóa tiếng Việt? Xét về mặt thời gian, trong giai đoạn 1620 - 1626, quá trình Latinh hóa tiếng Việt ở địa sở Nước Mặn (Bình Định) được đánh dấu bằng sự xuất hiện ba tài liệu chép tay của ba thừa sai mà quá trình truyền giáo và học ngôn ngữ bản xứ của họ luôn gắn liền với vùng đất này, đó chính mà Cristoforo Borri, Gaspar Luis và Francesco Buzomi. Trong số đó, Tường trình về sứ mạng mới của các linh mục dòng Jésus tại Vương Quốc An Nam của Borri là văn bản ra đời sớm nhất (1621). Theo tác giả Đỗ Quang Chính, “tuy cuốn sách của Borri được in lần đầu tiên bằng tiếng Ý năm 1631, nhưng phải hiểu là những chữ Quốc ngữ trong đó là thứ chữ mà ông viết vào năm 1620 - 1621. Bởi vì Borri bỏ Đàng Trong hoàn toàn năm 1621, và khi ông về Âu châu chắc không sửa lại những chữ Việt trước khi đem xuất bản. Vậy chúng ta phải coi thứ chữ Quốc ngữ này là vào năm 1621”.36 Trong khi đó, trong bức thư gửi Bề trên Jerónimo Rodrigues Senior, phụ trách các miền truyền giáo Nhật Bản và Trung Hoa, thừa sai Pina có đề cập đến việc ông “đã soạn một tập nhỏ về chữ viết và các cung điệu của ngôn ngữ này” và “hiện đang bắt tay vào ngữ pháp”.37 Ngoài ra, ông còn “tuyển được ba tập các văn bản có lý giải trong số các tác phẩm hay nhất... ở vương quốc này”.38 Tuy nhiên, ông lại không nói rõ thời gian hoàn thành hai công trình trên. Mặc dù vậy, nhưng căn cứ vào thời gian ra đời của bức thư được người sao chép và một số nhà nghiên cứu lịch sử - ngôn ngữ phỏng đoán là khoảng cuối năm 1622 hoặc đầu năm 1623, có thể thấy rằng, các công trình về tiếng Việt của Pina chỉ có thể ra đời từ thời điểm bức thư được viết trở về trước. Hơn nữa, với quy mô hai tác phẩm trên, không phải trong một thời gian ngắn có thể biên soạn xong. Vì vậy, có phải chăng ngay từ khi trở lại Quảng Nam truyền giáo năm 1620, ông đã chú ý nghiên cứu và bắt đầu biên soạn hai công trình này? Xong tất cả cũng chỉ là giả thuyết, suy đoán, vì hiện tại chúng ta không có đủ tư liệu để chứng minh cho điều này. 

Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn bàn thêm vấn đề chữ Quốc ngữ trong hai tài liệu chép tay của João Roiz và Gaspar Luis được viết cuối năm 1621. Tại thời điểm viết tường trình gửi về Cha Bề trên ở La Mã, cả hai giáo sĩ này đều không có mặt ở Đàng Trong mà dựa vào báo cáo của các thừa sai đang hoạt động tại khu vực truyền giáo này gửi về để soạn thảo.39 Vậy những bản báo cáo từ Đàng Trong lúc bấy giờ là của giáo sĩ nào? Theo thống kê của GS. Fukuda Yasuo, từ năm 1615 đến năm 1621, trước sau có 14 nhà truyền giáo nước ngoài đến Đàng Trong40, trong đó, ngoài những giáo sĩ đến đây trong một thời gian ngắn rồi trở về Áo Môn hoặc đi nhận nhiệm vụ tại các xứ truyền giáo khác, thì đến trước năm 1621, có 4 giáo sĩ gồm Francesco Buzomi, Francisco de Pina, Cristoforo Borri, Pedro Marques và ba thầy trợ sĩ: một người Bồ (António Dias) và hai người Nhật (José Tsuchimochi, Paulo Saito) hoạt động lâu dài tại xứ Đàng Trong.41 Đối với các thầy trợ sĩ, với thân phận là người trợ giúp công việc mục vụ cho các giáo sĩ, vì vậy, việc đại diện cho các thừa sai báo cáo tình hình truyền giáo đối với Cha bề trên ở Ma Cao là việc rất ít có khả năng xảy ra và họ cũng không có quyền hạn để làm điều đó. Về trường hợp Cristoforo Borri, ông rời Đàng Trong năm 1621, tuy nhiên, chúng ta không biết thời gian cụ thể. Vì vậy, khả năng hai linh mục João Roiz và Gaspar Luis đã dựa vào phần hai thứ hai bản tường trình của Borri “Bàn về tình trạng tâm linh” để soạn thảo báo cáo của mình không phải là không thể xảy ra. Tuy nhiên, trong tường trình của João Roiz, bên cạnh một số từ tiếng Việt giống với trong bản tường trình của Borri (cách phiên âm có chút khác biệt, có lẽ do chịu ảnh hưởng từ hai loại văn phạm khác nhau là tiếng Ý và tiếng Bồ), thì có một số chữ giáo sĩ João Roiz viết ra mà trong tường trình của Borri hoàn toàn không có. Điều đó cho thấy, có lẽ bên cạnh việc kế thừa một số chữ Quốc ngữ trong văn bản của Borri và viết lại theo văn phạm tiếng Bồ, ông còn tham khảo báo cáo của các thừa sai khác. Đặc biệt, thông qua việc so sánh nội dung bức thư của Gaspar Luis với tường trình của Borri, học giả Cadière khẳng định “không phải Cristoforo Borri cung cấp thông tin cho linh mục Gaspar Luis. Qua lá thư, chúng ta có một phiên bản khác do các linh mục khác cung cấp”.42 Vậy tại thời điểm năm 1621 và trước đó, trong số các thừa sai còn lại (Francesco Buzomi, Francisco de Pina, Pedro Marques), vị giáo sĩ nào đã viết tường trình gửi về Ma Cao báo cáo về tình hình truyền giáo, trong đó bắt đầu phiên âm một số từ tiếng Việt? Cũng theo Cadière, có lẽ hai tường trình gửi về La Mã của João Roiz và Gaspar Luis là sự tổng hợp từ hai bức thư hoặc bản báo cáo khác nhau được gửi về từ Đàng Trong trong thời điểm 1620 - 1621 hoặc sớm hơn. “Báo cáo thứ nhất có vết tích các sự kiện đã xảy ra ở Kẻ Chiêm (không xa thành nội hiện nay là Quảng Nam), tại Hội An, tại Đà Nẵng và tại các khu vực xung quanh. Tác giả lá thư [bản báo cáo], hoặc là linh mục Francisco de Pina, hoặc là linh mục Pierre Marques, dường như là Cha Bề trên của vùng này. Nhưng trong mọi trường hợp, đa số sự kiện mà báo cáo đề cập đều liên quan đến linh mục Francisco de Pina (Điều đó có nghĩa là chính thừa sai Pina viết bản báo cáo này - TG). Báo cáo thứ hai kể những gì đã xảy ra vào cùng thời gian đó - nghĩa là chủ yếu từ cuối năm 1620 đến năm 1621 - tại Nước Mặn thuộc tỉnh Qui Nhơn, sau đó được gọi là Polo Cambi, tác giả là Linh mục Bozumi, bạn đồng hành và cùng giáo xứ với linh mục Cristoforo Borri”.43 Nếu như suy luận trên là chính xác và được làm sáng tỏ, chắc chắn việc nghiên cứu thời gian khởi đầu của công cuộc Latinh hóa tiếng Việt, những người tiên phong cũng như phát nguyên địa của quá trình này sẽ có nhiều nhận thức mới. 

Xét về mức độ quan tâm của các thừa sai cũng như quy mô quá trình khảo cứu và Latinh hóa tiếng Việt, có thể thấy rằng, nếu như trong tài liệu chép tay của ba thừa sai từng có thời gian khá lâu học tiếng và truyền giáo ở Nước Mặn (Bình Định) là Cristoforo Borri, Gaspar Luis và Francesco Buzomi, những chữ Quốc ngữ sơ khai được tìm thấy một cách rải rác, chủ yếu là những từ phiên âm các địa danh ở khu vực Đàng Trong, danh xưng của người Việt và một số từ ngữ tôn giáo, thì đối với những công trình của Pina biên soạn tại Thanh Chiêm (Quảng Nam) trong những năm 1620 - 1623, đó đã là những biên khảo bài bản, chuyên sâu, hoàn chỉnh và mang tính hệ thống về từ vựng, các thanh, ngữ pháp và cách phiên âm tiếng Việt, thể hiện niềm đam mê và sự quan tâm đặc biệt của Pina đối với ngôn ngữ này, đúng như nhà nghiên cứu Roland Jacques đã nhận xét: “Điều toát lên ngay tức khắc từ bức thư của Pina, ấy là mối quan tâm đặc biệt của tác giả đối với tiếng Việt, cùng với niềm đam mê mà ông dành cho tiếng này”.44 Xét trên phương diện này, có thể khẳng định, không ai khác mà chính Francisco de Pina đã là người đầu tiên trong số các thừa sai Dòng Tên ở Đàng Trong thời bấy giờ chú trọng ghi chép, khảo cứu và Latinh hóa Việt ngữ với một thái độ hết sức nghiêm túc và ở một trình độ cao. Và cũng không còn nghi ngờ gì nữa, chính vùng đất Thanh Chiêm (Quảng Nam) đã là nơi khởi đầu và hun đúc nên những công trình khảo cứu và Latinh hóa ngôn ngữ bản địa của vị thừa sai này, tạo tiền đề hết sức quan trọng cho việc tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện chữ Quốc ngữ của các giáo sĩ Gaspar do Amaral, António de Pina Barbosa, Girolarmo Majorica và Alexandre de Rhodes ở giai đoạn sau. Đáng tiếc là hiện tại, những công trình nghiên cứu này vẫn chưa được tìm thấy. Hi vọng trong thời gian không xa, những biên khảo về tiếng Việt này sẽ được phát hiện ra, giúp giới nghiên cứu càng có thêm cơ sở vững chắc để chứng minh một cách thuyết phục hơn công lao của thừa sai Pina ở buổi bình minh của chữ Quốc ngữ cũng như vai trò phát nguyên địa loại chữ viết này của Thanh Chiêm (Quảng Nam). 

Chú thích: 

1. Nguyễn Phước Tương, “Sự phát minh ra chữ Quốc ngữ: Vai trò tiên phong của Francisco de Pina và vị trí quan trọng của người Việt”, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ hai, (Hà Nội, 2004), 47; 

2, 5, 6, 18, 22, 26, 42, 43 Cristoforo Borri, Tường trình về sứ mạng mới của các linh mục dòng Jésus tại Vương Quốc An Nam, Phạm Văn Bân dịch từ bản tiếng Pháp của Bonifacy in trong Bulletin des Amis du Vieux Huế, (năm thứ 18, số tháng 7 và tháng 12.1931), 60, 77, 77, 67, 76, 77, 46, 7, 7; Xem thêm: Trương Bá Cần, “Lịch sử phát triển Công giáo Việt Nam”, Nguyệt san Công giáo và Dân tộc, số 50, tháng 2/1999, 99-100, 104, 105-106, 106. 

3, 40 GS. Fukuda Yasuo, “Người Nhật có liên quan sâu sắc tới quá trình thiết lập phiên âm tiếng Việt bằng ký tự Latinh”, trích từ sách Lịch sử và triển vọng mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Nhìn từ miền Trung Việt Nam, (Hà Nội: Thông tin Truyền thông, 2016), toàn văn bài viết đăng tải tại website: https://anhsontranduc.wordpress.com/ (truy cập ngày 07.06.2016). 

4, 7 Đinh Trọng Tuyên, Đinh Bá Truyền, “Khai sinh chữ Quốc ngữ (1620 - 1659)”, Dinh trấn Thanh Chiêm Quảng Nam, (Quảng Nam, 2011). 

8, 10, 11, 12, 34, 35, 37, 38, 44 Roland Jacques, “Công cuộc truyền giáo tại Quảng Nam năm 1623 và vấn đề ngôn ngữ bức thư của Francisco de Pina”, Trần Duy Nhiên chuyển ngữ, Tập san Định Hướng, Số 42, 2005. 

9. 史靜寰:《談明清之際入華耶穌會士的學術傳教》,《內蒙古師大學報(哲學社會科學版)》,198303期,74. 

13, 17, 25, 28, 29, 31, 36, 39 Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc ngữ (1620 - 1659), (Sài Gòn: Tủ sách Ra Khơi, 1972), 44-45, 45-48, 108, 41-44, 22, 22, 37, 37. 

14, 15, 16, 24 Alexandre de Rhodes, Bản dịch Việt ngữ của Hồng Nhuệ, Hành trình và truyền giáo, (TPHCM: Ủy ban Đoàn kết Công giáo TPHCM, Tủ sách Đại Kết, 1994), 56, 56, 55-56, 55. 

19. Hiện nay, hầu hết các nhà nghiên cứu về lịch sử Thiên Chúa giáo Việt Nam đều cho rằng thời điểm Francesco Buzomi, Francisco de Pina, Cristoforo Borri và António Dias đến Nước Mặn, Bình Định là năm 1618. Tuy nhiên, ông Trương Bá Cần trong Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam lại cho rằng thời điểm bốn thừa sai trên theo quan Khám lý phủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa về địa sở Nước Mặn là đầu năm 1617. Trên thực tế, quan điểm này rất đáng được quan tâm bởi một số sử liệu mà tác giả đưa ra. 

Khác với một số nhà nghiên cứu cho rằng năm 1617, ở Đàng Trong xảy ra hạn hán, mất mùa, các “Onsaij” (Ông Sãi) và dân chúng tố cáo chính các thừa sai phương Tây đã làm cho thần linh nổi giận và trừng phạt họ, vì vậy, họ gây áp lực buộc chúa Nguyễn phải truy bắt và trục xuất giáo sĩ, ông đưa ra hai tài liệu chứng minh sự kiện này xảy ra đầu năm 1616. Thứ nhất, trong Tường trình về sứ mạng mới của các linh mục dòng Jésus tại Vương Quốc An Nam, Cristoforo Borri viết: “Chúa đã làm tất cả những sự đó (ý nói về sự tiến triển của công cuộc truyền giáo - TG) trong khoảng một năm (tức 1615 - TG), qua trung gian của tôi tớ người là Francesco Buzomi. Tiếng tăm của công cuộc truyền giáo ở Đàng Trong đã thấu tới Ma Cao, nên là bề trên giám tỉnh thấy là cần phải sai đến một cha trẻ hơn với một thầy trợ sĩ người Nhật Bản để sau khi học tiếng xong có thể giảng đạo mà không cần thông dịch viên. Đó là cha Francisco de Pina, người Italia, là học trò trước đây của cha Buzomi về môn thần học. Nếu những thành quả thu lượm trong năm sau không dồi dào như ở năm đầu (1615 - TG), xét về số những người theo đạo, nhưng xét về những khổ nhọc do một cuộc bách hại tàn nhẫn thì lại rất lớn”. Từ sử liệu này, có thể suy ra sự kiện hạn hán, mất mùa dẫn đến việc trục xuất giáo sĩ xảy ra năm thứ hai (tức 1616) giáo đoàn của thừa sai Buzomi đến Đàng Trong. Thứ hai, ông dẫn ra nội dung bức thư của Francisco de Pina viết cho Bề trên ở Áo Môn ngày 7 tháng 6 năm 1616, trong đó có đề cập đến các biến cố xảy ra với mình và Buzomi do sự kiện truy bắt, trục xuất thừa sai năm 1616 gây ra. Điều đó có nghĩa là sự kiện này chắc chắn không thể xảy ra sau thời điểm Pina viết thư. Bức thư trên kết hợp với những ghi chép của thừa sai Borri cũng cho thấy thời gian Pina đến Đàng Trong là 1616 chứ không phải 1617. Ông cũng cho rằng, Borri đến Đàng Trong đầu năm 1617 (chứ không phải là năm 1618) và cùng Buzomi, Pina và Dias theo quan phủ Quy Nhơn về Nước Mặn trong thời gian đó. Chúng tôi đã khảo cứu, kiểm tra các sử liệu trong tường trình của Borri, nhưng đối với bức thư của Pina thì chưa được tiếp cận văn bản gốc, vì vậy, vấn đề nêu trên được đưa vào bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo và gợi mở để giới học giả tiếp tục nghiên cứu, tìm ra chân lý lịch sử. (Xem Trương Bá Cần, “Lịch sử phát triển Công giáo Việt Nam”, Nguyệt san Công giáo và Dân tộc, số 50, tháng 2/1999, tr. 92-110; Tác giả Cristoforo Borri, dịch giả Phạm Văn Bân, Tường trình về sứ mạng mới của các linh mục dòng Jésus tại Vương Quốc An Nam, dịch từ bản tiếng Pháp của Bonifacy in trong Bulletin des Amis du Vieux Huế, năm thứ 18, số tháng 7 và tháng 12 năm 1931, 60-61). 20, 27, 30, 32, 41 Trương Bá Cần, “Lịch sử phát triển Công giáo Việt Nam”, Nguyệt san Công giáo và Dân tộc, số 50, tháng 2/1999, 104, 108, 119, 108, 94. 

21. Trong bản tường trình của mình, thừa sai Cristoforo Borri không đề cập cụ thể thời gian quan Khám lý phủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa qua đời, tuy nhiên, nói về những tổn thất đối với công cuộc truyền giáo ở Pulo Cambi sau khi quan phủ Quy Nhơn mất, ông viết: “Ba năm trôi qua theo cách này, và chúng tôi chắc chắn ít bị thử thách qua sự khốn khổ về khía cạnh nuôi dưỡng thân xác của chúng tôi, bởi vì chỉ có Đức Chúa Trời mới biết tình trạng mà trong đó chúng tôi bị khổ sở, đó là tâm trạng suy nghĩ thấy thiếu tất cả hi vọng để chúng tôi dự kiến mở rộng sự phục vụ Thiên Chúa ở giữa những người khác đạo này, bởi vì chúng tôi chỉ thành công cải đạo cho một ít người so với cái giá phải bỏ ra nhiều nỗ lực và công việc không thể giải thích được”. Chúng ta biết rằng, Borri rời Đàng Trong vào năm 1621, vì vậy, từ thời điểm này đi ngược lại ba năm về trước, có thể suy đoán thời gian quan phủ Quy Nhơn mất, dẫn đến những khó khăn trong công cuộc truyền giáo được ông đề cập trong các dòng ghi chép trên có lẽ là cuối 1618 hoặc đầu năm 1619. [Xem: Cristoforo Borri, Tường trình về sứ mạng mới của các linh mục dòng Jésus tại Vương Quốc An Nam, dịch từ bản tiếng Pháp của Bonifacy in trong Bulletin des Amis du Vieux Huế, (Năm thứ 18, số tháng 7 và tháng 12.1931), 76; Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc ngữ (1620 - 1659), (Sài Gòn: Tủ sách Ra Khơi), 34]. 

33. Xem thư của Fernandes gửi Nuno Mascarenhas, đề ngày 2.7.1625 tại Phe-phô: ARSI, JAP.-SIN. 68, 11-12: “... Một nhà [dòng] đã được tổ chức tại Cachão, thủ phủ của chúa [Nguyễn]; cho đến nay, nhà đó không thuộc về số các nhà của Hội Dòng, mặc dầu có một cha luôn cư ngụ đó với một người bạn dòng. Bây giờ, cha Francisco de Pina ở đấy và dạy tiếng nói cho các cha Alexandre de Rhodes và António de Fontes”. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

1. Alexandre de Rhodes (1994). Hành trình và truyền giáo. Bản dịch Việt ngữ của Hồng Nhuệ. TPHCM: Ủy ban Đoàn kết Công giáo Thành phố Hồ Chí Minh. Tủ sách Đại Kết. 

2. Trương Bá Cần (1999). “Lịch sử phát triển Công giáo Việt Nam”. Nguyệt san Công giáo và Dân tộc. Số 50. Tháng 2/1999. Số 56. Tháng 8/1999. 

3. Cristoforo Borri (2011). Tường trình về sứ mạng mới của các linh mục dòng Jésus tại vương quốc An Nam, dịch từ bản tiếng Pháp của Bonifacy in trong Bulletin des Amis du Vieux Huế, năm thứ 18. Số tháng 7 và tháng 12.1931. 

4. Đỗ Quang Chính (1972). Lịch sử chữ Quốc ngữ (1620 - 1659). Sài Gòn: Tủ sách Ra Khơi. 

5. GS. Fukuda Yasuo (2016). “Người Nhật có liên quan sâu sắc tới quá trình thiết lập phiên âm tiếng Việt bằng ký tự Latinh”, trích từ sách Lịch sử và triển vọng mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Nhìn từ miền Trung Việt Nam, Hà Nội: Thông tin truyền thông, toàn văn bài viết đăng tải tại website: https://anhsontranduc.wordpress.com/ (truy cập ngày 07/06/2016). 

6. 史靜寰. 1983. “談明清之際入華耶穌會士的學術傳教”. 內蒙古師大學報 (哲學社會科學版) 03

7. Roland Jacques (2005). “Công cuộc truyền giáo tại Quảng Nam năm 1623 và vấn đề ngôn ngữ bức thư của Francisco de Pina”. Trần Duy Nhiên chuyển ngữ. Tạp san Định Hướng, Số 42, toàn văn bài viết đăng tải tại website: http://ttntt.free.fr/archive/R.Jacques%201.html (truy cập ngày 07.6.2016). 

8. Lý Toàn Thắng (2004). “Đất Quảng trong tiến trình lịch sử chữ Quốc ngữ”. Nghiên cứu Lịch sử. Số 12. 

9. Đinh Trọng Tuyên, Đinh Bá Truyền (2011). “Khai sinh chữ Quốc ngữ (1620 - 1659)”, Dinh trấn Thanh Chiêm Quảng Nam. Quảng Nam. 

10. Nguyễn Phước Tương (2004). “Sự phát minh ra chữ Quốc ngữ: Vai trò tiên phong của Francisco de Pina và vị trí quan trọng của người Việt”. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ hai, Hà Nội.

TỪ "QUẢNG NAM" ĐẾN "BÌNH ĐỊNH" NƠI PHÔI THAI HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CHỮ QUỐC NGỮ?

Đỗ Cao Phúc - Lê Thị Thanh Thủy

Chữ Quốc ngữ được xem là chữ viết do các giáo sĩ Bồ Đào Nha khai sinh trong quá trình truyền giáo ở vùng đất Đàng Trong từ thế kỷ XVII. Trong đó, phải thừa nhận rằng giáo sĩ Pina là người có công trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Ngược lại vấn đề giai đoạn phôi thai đến lúc hình thành và phát triển của chữ viết này diễn ra từ đâu, ở Nước Mặn (Bình Định) hay Thanh Chiêm (Quảng Nam) còn gây nhiều tranh cãi, hay cả tên gọi Thanh Chiêm vẫn còn nhiều học giả không đồng tình. Tuy nhiên, dù chữ Quốc ngữ ra đời ở đâu đi nữa, nó đã đánh dấu một bước ngoặt mới trong đời sống văn hóa của người dân Việt, vùng đất Quảng Nam hay Bình Định đều đáng tự hào nơi đây từng là nguồn gốc, lưu giữ những giá trị tinh thần của người dân Việt. 

1. Địa danh dinh trấn “Quảng Nam” ở thế kỷ XVI - XVII trong vấn đề du nhập chữ Quốc ngữ của giáo sĩ phương Tây 

Từ thế kỷ XV, dưới triều đại Lê sơ, sự hưng thịnh của quốc gia phong kiến Đại Việt đã tạo điều kiện thuận lợi để nhà nước củng cố biên thùy và mở rộng lãnh thổ về phương Nam. Sự kiện ngày 3.7.1470, quân Champa đánh ra châu Hóa, Lê Thánh Tông đã xuống chiếu và đích thân mang đại binh vào đánh Champa, đến tháng 4.1471 Lê Thánh Tông chiếm được kinh đô Trà Bàn, bắt sống được vua Champa là Trà Toàn. Khi chiến tranh chấm dứt, nhà vua đã ra lệnh khắc vào núi Thạch Bi, gần đèo Cả, một thông tri để khẳng định rằng đây là vùng đất cố định và là ranh giới cuối cùng giữa người Chăm và người Việt. Ông quyết định sáp nhập vùng đất từ Nam Hóa châu ranh giới giữa Thừa Thiên Huế đến đèo Cù Mông (cả Đại Chiêm và Cổ Lũy) vào lãnh thổ Đại Việt, lập thành thừa tuyên thứ 13 và đặt tên là Quảng Nam. Phần còn lại của Champa chia làm ba: Chiêm Thành (vùng đất thuộc Quảng Ngãi, Bình Định), Hoa Anh (Phú Yên, Khánh Hòa), Nam Bàn (trước đây gọi là Hỏa Xá, Thủy Xá nay thuộc các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông), giao cho ba vị vương người Chăm cai quản để dễ ràng buộc. Từ đây, danh xưng Quảng Nam bắt đầu được chính thức khai sinh.1 

Năm 1558, Nguyễn Hoàng từ vùng đất Tống Sơn (Thanh Hóa) đưa toàn bộ gia quyến cùng trung thần ở Thanh Hóa, Nghệ An theo đường biển vào trấn thủ vùng đất Thuận Hóa, nuôi ý đồ xây dựng cơ nghiệp lâu dài. Từ khi vào trấn thủ vùng đất Thuận Hóa, trước mắt bề ngoài Nguyễn Hoàng vẫn tỏ ra thần phục vua Lê - chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, việc cống nạp được duy trì đều đặn. Nhưng, bên trong Nguyễn Hoàng ngấm ngầm tìm cách nhanh chóng khai phá dải đất “Đàng Trong”, tạo thực lực để đối chọi với tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh về sau này. 

Dưới thời kỳ các chúa Nguyễn (thế kỷ XVII - XVIII), vùng đất Thuận Quảng (Thuận Hóa và Quảng Nam) đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ với việc cởi mở thông thương buôn bán với thương nhân nước ngoài, địa danh Thuận Quảng tương ứng với các tỉnh ngày nay: vùng Thuận Hóa (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế), vùng Quảng Nam (Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên). Như vậy, tên gọi vùng đất Quảng Nam thay đổi qua nhiều thời kỳ, cụ thể như: năm 1490 đổi lại gọi là xứ Quảng Nam; năm 1520 gọi là trấn Quảng Nam, năm 1602 gọi là dinh Quảng Nam bao gồm cả 03 phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn phía Bắc là phủ Điện Bàn; năm 1604 cải đặt và đổi tên các khu vực hành chính hai xứ Thuận Hóa - Quảng Nam lập ra các huyện Lệ Giang thuộc phủ Thăng Hoa (nay là các huyện Thăng Bình, Quế Sơn, Tam Kỳ), huyện Lễ Dương, Hi Giang làm huyện Duy Xuyên…2 Kể từ đó, dinh Quảng Nam là đất các thế tử (con trai được quyền kế nghiệp chúa) thực sự cầm quyền ở một vùng đất mà chúa xem là quan trọng bậc nhất. Thái tử Nguyễn Phước Nguyên trấn thủ từ năm 1602 - 1613; sau khi kế nghiệp chúa Tiên, Phước Nguyên trao dinh Quảng Nam lại cho thái tử Nguyễn Phước Kỳ, tiếp theo là Nguyễn Phước Lan… cho đến thế kỷ XVIII khi vương quyền chúa Nguyễn tan rã mới chấm dứt. 

Như vậy, có thể thấy rằng danh xưng Quảng Nam, với phạm vi rộng, bắt đầu từ thời Lê Thánh Tông (1471) cho đến năm 1803. Lúc đầu có tên là đạo thừa tuyên Quảng Nam, sau đổi thành xứ Quảng Nam (1490), rồi sang trấn Quảng Nam (1520), lại đổi sang doanh (hay dinh) Quảng Nam (1602). Dù mang tên gọi đơn vị hành chính khác nhau, nhưng khái niệm Quảng Nam thời kỳ này bao gồm đất của 3 phủ Thăng Hoa (nam Quảng Nam), Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) và Hoài Nhơn (Bình Định), trải dài từ bờ nam sông Thu Bồn đến phía bắc đèo Cù Mông. Xứ Quảng Nam đúng là “đất yết hầu của miền đất Thuận - Quảng”. Và lỵ sở châu Thăng Hoa ban đầu (thế kỷ XV) đặt tại làng Chiên Đàn, huyện Lễ Dương, sau dời ra làng Cần Húc (thế kỷ XVI) huyện Duy Xuyên. Đến đời Nguyễn (1802) dời về làng Thanh Chiêm, rồi La Qua (gần Vĩnh Điện) thuộc huyện Điện Bàn ngày nay. 

2. Từ “Hội An - Nước Mặn - Kẻ Chiêm - Cửa Hàn” trong việc phôi thai, hình thành và phát triển chữ Quốc Ngữ 

Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVII, là giai đoạn thai nghén cho quá trình truyền giáo cũng đồng nghĩa với manh nha cho sự ra đời chữ Quốc ngữ. Danh từ “Đàng Trong”, “Đàng Ngoài” có lẽ bắt đầu có trong thập niên 1620, hoặc trước hoặc ngay sau khi nổ ra xung đột Trịnh Nguyễn. Từ điển của Alexandre de Rhodes, xuất bản năm 1651 có chứa đựng cả hai từ này.3 Sự ra đời của chữ Quốc ngữ gắn với quá trình truyền giáo của các giáo sĩ phương Tây vào Việt Nam. 

Thế kỷ XVI, quá trình tiếp xúc của người Việt với phương Tây đã được manh nha. Mục đích đầu tiên của người châu Âu đầu tiên xuất hiện thời đó từ bờ biển Việt Nam nhằm để tìm đồ gia vị và tìm người học đạo. Đến đầu thế kỷ XVII, các phái bộ đầu tiên được dựng ở Việt Nam bởi các tu sĩ Dòng Tên bị đuổi khỏi Nhật do lệnh trục xuất của Tokugawa (khoảng giữa 1612 và 1614).4 Còn ở Đàng Ngoài thì hình như muộn hơn nhiều và đến từ Ma Cao (Trung Quốc) mà trước đó họ cũng đã chiếm làm thuộc địa. Từ 1516 đã diễn ra cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa người Bồ Đào Nha với cảng Champa và Việt Nam; chính thức đầu tiên với bờ biển Champa diễn ra vào năm 1523.5 Khoảng năm 1510 người Bồ bắt đầu đến Faifo một cách đều đặn, do đó người Bồ chắc chắn là người phương Tây đến Đàng Trong sớm nhất. Từ năm 1557, người Bồ Đào Nha thường hay đến Hội An để tìm hiểu và chuẩn bị tiền đề cho chặng đường truyền đạo. Sở dĩ, họ đến Hội An vì nơi đây là một trong những cảng thị nổi tiếng, sầm uất với sự buôn bán của các thương nhân người Nhật và Hoa. 

Về vị trí và vai trò của địa danh cảng thị Hội An và Nước Mặn thì theo nhà nghiên cứu Nguyên Phước Tương trong bài đăng Hội thảo “Danh xưng Quảng Nam” năm 2002, về Hội An - Thanh Chiêm và sự ra đời chữ Quốc ngữ có đề cập đến hai cơ sở truyền đạo chính: một là ở cảng thị Hội An (Quảng Nam) và một là ở Nước Mặn (Bình Định), ngoài ra còn hai nơi nghỉ chân ở Kẻ Chiêm và Cửa Hàn (Đà Nẵng) nhưng không thường xuyên ở đó. Có thể thấy rằng, cảng thị Hội An và Nước Mặn là hai trung tâm giao lưu thông thương qua ngoại thương với các nước phương Tây. Hội An là cảng đẹp nhất nơi mọi người nước ngoài đặt chân đến. Cảng tiếp nhận tàu bè đến từ Trung Hoa, Nhật Bản, Cao Miên, Xiêm, Manila, Batavia và châu Âu. Các thương gia Trung Hoa và Nhật Bản vốn qua lại đây từ lâu, đã để lại những đơn vị cố định.6 Đối với cảng thị Nước Mặn, từ thế kỷ XVII, nơi đây đã thu hút nhiều tàu bè phương Tây đến giao lưu buôn bán nhờ với vị trí thuận lợi, như khi C. Borri đến Nước Mặn, dưới con mắt của vị giáo sĩ này Nước Mặn đã là một thành phố. Ông viết: “Chúng tôi lại leo lên lưng voi và lên đường với một đoàn tùy tùng đông đảo để đi đến thành phố Nước Mặn”.7 

Nhìn chung, trước khi các giáo sĩ phương Tây truyền đạo đã có một khoảng thời gian tìm tòi, nghiên cứu các địa danh ở Đàng Trong mà tiêu biểu là cảng thị Hội An và Nước Mặn để thiết lập các cơ sở truyền bá. Chính những nơi tập trung dân cư đông đúc, buôn bán sầm uất là điều kiện thuận lợi để các giáo sĩ dễ dàng truyền bá đạo lý. Bằng chứng từ năm 1615 trở về sau đã liên tiếp diễn ra nhiều cuộc du nhập của các giáo sĩ vào vùng đất Quảng Nam để thực hiện ý đồ của mình. Tài liệu của Lê Thành Khôi (Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX) và Cao Huy Thuần (luận án Đạo Thiên chúa và chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam) đều có đề cập đến sự kiện ngày 18 tháng 1 năm 1615, hai tu sĩ Dòng Tên: Buzomi (người Ý), Carvalho (người Bồ Đào Nha) tới Đà Nẵng8 , họ dựng lên tại Hội An phái bộ Nam Kỳ, lúc đầu gồm nhiều nhất là tu sĩ Dòng Tên người Ý và người Bồ. Nguồn tư liệu của Đỗ Quang Chính viết về Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 -1659, thì cho rằng thời điểm này có các nhà truyền đạo thuộc Dòng Tên gồm: Francesco Buzomi (Ý), Diego Carvalho (Bồ Đào Nha) và thầy Antonio Dias (Bồ Đào Nha), từ Áo Môn đến Cửa Hàn (Đàng Trong) ngày 18 tháng 1 năm 1615.9 Tiếp đó là tác phẩm của Olga Dror, Keith Weller Taylor (2006) với tựa đề “Views of Seventeenth-century Vietnam: Cristoforo Borri on Cochinchina and Samuel Baron on Tonkin” đề cập có thêm hai giáo sĩ người Nhật cùng đến Hội An10 (năm 1616 Carvalho trở lại Nhật và mất tại đó năm 1624). Sự kiện năm 1615, đánh dấu mốc quan trọng cho hoạt động truyền giáo của các giáo sĩ Dòng Tên, ở đó họ đã từng bước thiết lập cho mình những cơ sở để hoạt động truyền giáo tại Đàng Trong như cơ sở Cửa Hàn (1615), cơ sở Nước Mặn (1618), cơ sở Hội An (1619) và cơ sở Thanh Chiêm (1623). 

Trong các giáo sĩ sang Đàng Trong truyền đạo, Pina được xem là một trong những nhân vật thể hiện vai trò tích cực trong việc xây dựng mối liên kết giao tiếp với cư dân bản địa người Việt. Pina (1585 - 1625) sinh tại thành phố Guarda, Bồ Đào Nha, vào tu Dòng Tên năm 1605, là người đầu tiên nói thạo tiếng Việt. Năm 1617, ông đến Đàng Trong truyền giáo và bắt đầu dịch một số văn bản của Kitô giáo ra tiếng Nôm, một thứ chữ Hán được bản địa hóa. Thế nhưng Pina nhận thấy các nhà truyền giáo đồng nghiệp có một khó khăn đó là họ không sao học được chữ Nôm. Pina thấy chữ Nôm không thể là phương tiện giao lưu với người bản xứ, ông nghĩ ra một cách đơn giản. Ông lắng nghe người Việt phát âm ra sao rồi dùng mẫu tự Latinh để diễn tả âm tiết theo cách mà tiếng Bồ Đào Nha thường làm. 

Chặng đường từ khi Pina vào vùng đất Đàng Trong năm 1617 đã gặp một số khó khăn nhất định. Ông được cử vào vùng đất này để hỗ trợ cho các đồng nghiệp nhưng tại thời điểm này các thừa sai đang bị người Việt săn đuổi, chúa Nguyễn lệnh trục xuất, do đó Pina được sự giúp đỡ các giáo dân Nhật ở Hội An bí mật nuôi dấu, bảo vệ. Khoảng thời gian ở Hội An (1617 - 1618), Pina khó có điều kiện tiếp xúc với người Việt và học tiếng Việt, mà phải đến nửa năm sau (1618) khi quan trấn thủ Quy Nhơn là Trần Đức Hòa cùng linh mục Buzomi ra Hội An đón ông cùng linh mục Borri và hai thầy Diaz, Augustino về ở tại Nước Mặn thì ông mới có điều kiện tự do học tiếng Việt. Tại Nước Mặn, ông được quan Trần Đức Hòa tận tình giúp đỡ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ông truyền đạo và gặp gỡ cư dân Việt từ năm 1618 đến 1620, sau đó đi về giữa Nước Mặn và Hội An được thông thoáng, đến năm 1623 ông tiếp tục lập cơ sở ở Thanh Chiêm. Được đánh giá là người học tiếng Việt nhanh nhất, có lẽ trong hai năm ở Nước Mặn, Pina nói thạo tiếng Việt và giảng đạo không cần phiên dịch trước khi về lập cơ sở ở Thanh Chiêm. Khi Cristoforo Borri ở Nước Mặn được 4 năm cùng với Pina (1618 đến 1622), Borri và Pina đã gặp và quen biết nhau khi ở Ma Cao vào năm 1605, Borri là tác giả của bản tường thuật được in đầu tiên ca ngợi sự giàu có của đất nước này và những đức tính của người dân ở đây, mà theo ông là “vượt trội hơn người Trung Quốc về tinh thần và lòng dũng cảm”, bản tính dễ mến và lòng hiếu khách của họ. 

Năm 1620, các nhà truyền giáo đã soạn được sách giáo lý bằng tiếng nói Đàng Trong. Do Francisco de Pina được xem là người nói thạo được tiếng Việt và đã phiên âm những sách đó ra chữ Quốc ngữ và các thầy giảng khác phiên âm ra chữ Nôm. Andrew of Phú Yên (1624 - 1644)11 được nhắc đến trong tài liệu của các nhà truyền giáo như là người thông dịch cho cha Marques ở Dinh Chiêm Quảng Nam sau khi được Alexandre de Rhodes làm lễ xưng tội tại quê nhà. 

Thời gian từ 1621 đến 1625, Pina đã sống liên tục ở Hội An và giảng dạy giáo lý tại đây. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, năm 1622 Francisco de Pina đã soạn được một tập nhỏ ghi âm tiếng nói Việt Nam bằng mẫu tự Latinh với các dấu để phân biệt thanh âm. Trong một bức thư gửi cho cha Khâm sai ở Ma Cao Jeromino Rodriguez vào đầu năm 1623 từ Hội An, F. Pina đã viết: “Đối với tôi, ở dinh này (dinh Quảng Nam), tôi không thể nhởn nhơ giữa việc bắt đầu rèn luyện tiếng nói với việc dạy giáo lý, đơn giản là chẳng ai để đỡ bớt gánh nặng cho tôi… Còn về tiếng nói, tôi biết nó bằng những nỗ lực của bản thân mình”.12 

Vào năm 1624, với hệ thống các chữ Latinh đã thiết lập, Francisco de Pina mở trường dạy tiếng Việt cho các nhà truyền giáo khác. Trong số những người đến học có hai vị quan trọng, một người đã lớn tuổi là António de Fontes, sau đó là Alexandre de Rhodes (1591 - 1660), người Avignon, Pháp. Hai vị này lãnh hai trọng trách, de Fontes là trụ cột cho giáo xứ truyền giáo ở Đàng Trong, còn de Rhodes sẽ ra Đàng Ngoài vào năm 1626, lúc đó trong thời kỳ của chúa Trịnh Tráng. Một ngày nọ trong tháng 12 năm 1625, một chiếc tàu của Bồ Đào Nha bỏ neo ở vịnh Đà Nẵng, Pina lên tàu để mang hàng hóa vào bờ. Khi đến bờ chẳng may thuyền chìm, Pina chết tại đó, ông chỉ sống được 40 tuổi. 

Sau cái chết của Pina (15.12.1925) tại bờ biển Đà Nẵng, các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha vẫn tiếp tục xây dựng chữ Quốc ngữ mà hai nhân vật có công nhất chính là hai người Bồ, Gaspar de Amaral (1549 - 1646) và Antonio Barbosa (1594 - 1647). Còn Alexandre de Rhodes thì bị chúa Trịnh Tráng trục xuất năm 1630, phải đi Ma Cao. Mười năm sau, năm 1640 de Rhodes trở lại Đàng Trong và đến năm 1645 bị chúa Nguyễn vĩnh viễn trục xuất khỏi Việt Nam. De Rhodes trở về La Mã và năm 1651 ông cho xuất bản tập Tự điển Việt - Bồ - La (Dictionarium annamiticum seu tunquinense lusitanum et latinum). Trong các đời sau, nhiều người tôn Alexandre de Rhodes là người sáng tạo chữ Quốc ngữ nhưng thực ra đó là công của các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha, mà người đầu tiên phải là Francisco de Pina. 

Như chúng ta đã biết, Alexandre de Rhodes không phải là người châu Âu học tiếng Việt, cũng không phải là người đầu tiên, sáng tác chữ Quốc ngữ, cũng không phải là người ghi chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên, trong giai đoạn sơ khai chữ Quốc ngữ, Alexandre de Rhodes chỉ góp phần biên soạn sưu tập sách chữ Quốc ngữ và cho xuất bản đầu tiên. Vì trước đó, đã có nhiều thừa sai nghiên cứu và viết bằng bản viết tay trong việc định hình chữ Quốc ngữ như: João Roiz; Gaspar Luis, Cristoforo Borri, Antonio de Fontes, Francesco Buzomi. Trên nền tảng của những công trình có trước, Alexandre de Rhodes đã chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện đến năm 1651 thì ông đã cho xuất bản hai cuốn sách: Dictionarium và Cathechismus tại Roma. 

Tuy vậy, ngay sau khi đã được định hình một cách tương đối có hệ thống, chữ Quốc ngữ vẫn chỉ quanh quẩn trong phạm vi nhà thờ Thiên Chúa giáo. Phải đợi đến ngày Gia Định báo, tờ báo đầu tiên in bằng chữ Quốc ngữ ra mắt bạn đọc (năm 1865) thì nó mới đi vào công chúng tương đối rộng; và thời gian sau đó, các trường dạy chữ Quốc ngữ lần lượt mở cửa, chữ Quốc ngữ thật sự vào cuộc sống của xã hội Việt Nam.13 

Như vậy, Cửa Hàn - Hội An là điểm xuất phát truyền giáo buổi đầu, năm 1618 lập giáo đoàn ở Nước Mặn và Nước Mặn là cơ sở truyền giáo tiên khởi do các linh mục Buzomi, Pina, Borri đảm nhiệm. Còn vùng đất Hội An - Thanh Chiêm được xem là nơi nuôi dưỡng, môi trường tốt để thúc đẩy sự phát triển của phôi thai này. 

Hiện nay, ở các công trình nghiên cứu đều minh chứng và xác định rằng chính Pina là người sáng tạo ra chữ Quốc ngữ đầu tiên. Tuy nhiên, các học giả vẫn có nhiều quan điểm tranh cãi về vấn đề Pina đã khai sinh chữ Việt ở Nước Mặn (Bình Định) hay Kẻ Chiêm (Quảng Nam). Tại Hội thảo “Bình Định với chữ Quốc ngữ” tại Bình Định vào ngày 12 - 13.1.2016, đa số các học giả đều đồng tình và cho rằng thời gian khi Pina ở Nước Mặn từ 1618 thì chữ Quốc ngữ đã phôi thai từ đây, đồng thời dần dần phát triển trong quá trình đi lại giữa Hội An - Nước Mặn và được định hình ở vùng Hội An, Thanh Chiêm. 

3. Kết luận 

Bình Định hay Quảng Nam là những địa danh xa xưa, vốn lưu truyền được những giá trị lịch sử văn hóa trong nhân loại. Sự du nhập của thương nhân và giáo sĩ phương Tây đã mở ra thời kỳ phát triển đất nước dưới thời các chúa Nguyễn. Nước Mặn (Bình Định) là nơi phôi thai, còn Kẻ Chiêm (Quảng Nam) là nơi nuôi dưỡng, môi trường tốt để phôi thai đó phát triển và từ đây, chữ Quốc ngữ có những điều kiện thuận lợi để lan tỏa theo đúng quy luật của tự nhiên và sau này trở thành văn tự chính thống của người dân Việt Nam.  

Chú thích: 

1. Nguyễn Khắc Thuần, “Quảng Nam một danh xưng 530 tuổi và một lịch sử trọn 600 năm”, tham luận tại Hội thảo Danh xưng Quảng Nam, (Quảng Nam), 36. 

2. Nguyễn Quang Thắng, “Những chủ trương, biện pháp của các triều đại Việt Nam - Lê, chúa Nguyễn trong việc xây dựng, củng cố vùng đất Quảng Nam”, tham luận Hội thảo Danh xưng Quảng Nam, (Quảng Nam), 62. 

3. Dictionarivm Annamiticvm, Lvsitanvm, et Latinvmope, (Rome: Typis & Sumptibus eiusdem Sacr. Congreg, 1651), 201. 

4. Cao Huy Thuần, Đạo Thiên chúa và chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Quốc gia Khoa học chính trị, (Đại học Paris, 1988), 46. 

5. Litana, Xứ Đàng Trong: Lịch sử kinh tế xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, bản dịch của Nguyễn Nghị, (TPHCM: Trẻ, 2014), 20. 

6. Nguyễn Thanh Nhã, Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỉ XVII và XVIII, bản dịch Nguyễn Nghị, (TPHCM: Trẻ, 2013), 238. 

7. Cristoforo Borri, Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Nghị (dịch), Xứ Đàng Trong năm 1621, (TPHCM, 1998), 95 

8. Lê Thành Khôi, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, (Hà Nội: Thế giới, 2014), 335. 

9. Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 - 1659, (Sài Gòn: Đuốc Sáng, 1972), 24. 

10. Olga Dror, Keith Weller Taylor, Views of Seventeenth-century Vietnam: Cristoforo Borri on Cochinchina and Samuel Baron on Tonkin, (New York: Southeast Asia Program Publications, Cornell University, 2006), page 32. 

11. Một tu sĩ công giáo, sinh tại Phú Yên, được phong Chân phước ngày 5.3.2000 bởi giáo hoàng Gioan Phaolô II. 

12. Roland Jacques, L’oeuvre de quelques pionniers portugais dans le domaine de la linguis vietnamienne jusqu’en 1650, (Paris, 1995), 45. 13. http://nld.com.vn/

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

1. Đỗ Quang Chính (1972). Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 - 1659. Sài Gòn: Đuốc Sáng,. 

2. Lê Thành Khôi (2014). Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX. Hà Nội: Thế giới. 

3. Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh (2005). Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Hà Nội: Giáo dục. 550 

4. Nguyễn Thanh Nhã (2013). Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII, bản dịch Nguyễn Nghị. TPHCM: Trẻ. 

5. Cao Huy Thuần (2014). Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam (1857 - 1914). Hà Nội: Hồng Đức. 

6. Nguyễn Văn Trung (2015). Hồ sơ về lục châu học - Tìm hiểu con người ở vùng đất mới. TPHCM: Trẻ. 

7. Cristoforo Borri, Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Nghị (dịch) (1998). Xứ Đàng Trong năm 1621. TPHCM: TPHCM

8. Litana (2014). Xứ Đàng Trong: Lịch sử kinh tế xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, bản dịch của Nguyễn Nghị. TPHCM: Trẻ. 

9. Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam (2002). Kỷ yếu Hội thảo khoa học Danh xưng Quảng Nam. 

10. Olga Dror, Keith Weller Taylor (2006). Views of Seventeenth-century Vietnam: Cristoforo Borri on Cochinchina and Samuel Baron on Tonkin. New York: Southeast Asia Program Publications, Cornell University. 

11. Donald F.Lach and Edwin J.Van Kley (1993). Asia in the Making of Europe, Volume III: A Century of Advance. Book 3. Chicago and London: University of Chicago Press. 

12. Jonh Pinkerton (1811). A general collection of the best and most interesting voyages and travels. Strand, London: Printed for Longman, Hurt, Rees, Orme, and Brown, Paternoster-row: and Cadell and Davies. 

13. Pierre-Yves Manguin (1972). Les Portuguese sur les côtes du Việt-Namet du Campa. Paris: Ecole Francaise d’Extrême-Orient. 

DINH TRẤN THANH CHIÊM HAY KẺ CHIÊM, 
DINH CHIÊM, DINH QUẢNG NAM VỚI CHỮ QUỐC NGỮ?

Trần Văn An

Cho đến nay không còn nghi ngờ gì nữa về vai trò của xứ Quảng Nam/ dinh Quảng Nam trong sự nghiệp củng cố lực lượng, mở mang bờ cõi, phát triển kinh tế của các chúa Nguyễn, mà khởi đầu là chúa Tiên Nguyễn Hoàng với việc vào trấn nhậm Quảng Nam năm 1570 và chọn lập hành dinh Quảng Nam (dinh Chiêm) ở xã Cần Húc, huyện Duy Xuyên năm 1602. Những công trình nghiên cứu về vai trò của xứ Quảng Nam trong quá trình mở cõi về phương Nam trước đây của các vương triều phong kiến Việt Nam đã được tiến hành khá chi tiết và cung cấp lượng thông tin rất phong phú, đa dạng. 

Ở bài tham luận này, chúng tôi muốn đặt lại một vấn đề về danh xưng “dinh trấn Thanh Chiêm” cũng như vai trò của Kẻ Chiêm - xứ Quảng trong việc hình thành chữ Quốc ngữ. 

1. Dinh Chiêm/dinh Chàm hay dinh trấn Thanh Chiêm 

Lâu nay, các nhà nghiên cứu địa phương và Trung ương thường dùng danh xưng “dinh trấn Thanh Chiêm” để chỉ hành dinh/lỵ sở Quảng Nam. Việc dùng như vậy diễn ra như một quán tính để đến nay, tên gọi này trở thành danh xưng phổ biến trên các công trình nghiên cứu và trong ngôn ngữ thường ngày. 

Truy nguyên về danh xưng “dinh trấn Thanh Chiêm”, mặc dù đã cố gắng lục lọi các nguồn tư liệu thư tịch, nhưng đến nay chúng tôi vẫn không tìm thấy tên gọi này. Có chăng, là những ghi chép trong Phủ biên tạp lục, Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam nhất thống chí về việc chúa Tiên Nguyễn Hoàng cho lập trấn dinh (dinh Chiêm/ dinh Chàm) ở xã Cần Húc, huyện Duy Xuyên, sau dời về xã Thanh Chiêm…1 Ở các ghi chép này, ta có thể xác định được một điều: xã Cần Húc hoặc xã Thanh Chiêm, hoặc sau này là xã La Qua, là các địa phương nơi đặt trấn sở và các tên gọi này không trùng với tên gọi dinh Chiêm/dinh Chàm hoặc dinh Quảng Nam. 

Trong các văn bản của các chúa Nguyễn và triều Nguyễn, ghi chép của các giáo sĩ phương Tây, các nhà buôn, nhà sư Trung Hoa, chúng tôi không thấy xuất hiện danh xưng “dinh trấn Thanh Chiêm” ở bất cứ tài liệu nào mà chỉ có danh xưng Caciam (Kẻ Chiêm), dinh Chiêm/dinh Chàm hoặc Chiêm. Những danh xưng này sử dụng phổ biến trong các hồi ký, các ghi chép của nhiều cá nhân trong giai đoạn từ thế kỷ XVII đến XVIII. Thậm chí, nó được dùng phổ biến hơn tên gọi “dinh Quảng Nam” mặc dù vào giai đoạn này trên các văn bản hành chính của Đàng Trong đều ghi là “Quảng Nam dinh Công đường quan”.2 

Trong tư liệu của các giáo sĩ Kitô giáo Dòng Tên đến truyền giáo ở Đàng Trong vào nửa đầu thế kỷ XVII, có hai cuốn hồi ký đã được dịch ra tiếng Việt và xuất bản gần đây, đó là cuốn Xứ Đàng Trong năm 1621 của Cristoforo Borri và cuốn Hành trình và truyền giáo của Alexandre de Rhodes. Trong hai cuốn sách này, chúng tôi hoàn toàn không tìm thấy danh xưng “dinh trấn Thanh Chiêm” như một số bài viết đã sử dụng, trích dẫn. 

Về các dinh phủ ở Đàng Trong, vào năm 1621, Cristoforo Borri cho biết: “… Xứ Đàng Trong chia làm 5 tỉnh. Tỉnh thứ nhất là nơi Chúa ở ngay sát Đàng Ngoài gọi là Thuận Hóa. Tỉnh thứ hai là Cacciam, nơi hoàng tử làm trấn thủ. Tỉnh thứ ba là Quamguia, thứ tư là Quignim, người Bồ đặt tên là Pulucambis và tỉnh thứ năm là Renran…”.3 (Tỉnh là cách dùng của các giáo sĩ chứ lúc bấy giờ gọi là dinh hoặc phủ). 

Ở đây, dịch giả Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị giữ nguyên tên gọi “Cacciam” chứ không dịch thành Quảng Nam như một số trường hợp khác và nhờ vậy, ta biết được tên tiếng Việt phổ biến lúc bấy giờ của Quảng Nam, xứ Quảng là Kẻ Chiêm hoặc Kẻ Chàm. Liên quan đến từ Chàm/Chiêm trong Hành trình và truyền giáo của Alexandre de Rhodes xuất hiện 3 tên gọi4: 

- Province de Cham: tỉnh Chàm đúng hơn là dinh Chàm/dinh Chiêm; Hồng Nhuệ dịch là Quảng Nam. 5 

- Ville de Cham: Thành Chàm hoặc Thành Chiêm, phố Chiêm; Hồng Nhuệ dịch tỉnh Quảng Nam. 6 

- Port de Cham: bến Chàm, có lẽ là bến/cửa Đại Chiêm; Hồng Nhuệ dịch là bến Hội An. 7 

Ở cuốn sách này, chúng tôi cũng không tìm thấy tên gọi Thanh Chiêm, ngay cả trong đoạn mô tả về cái chết vì đạo của thầy Anrê Phú Yên. Vả lại trong lời vinh danh việc tử vì đạo của Anrê Phú Yên, tòa thánh La Mã đã ghi: “…caixão esta o corpo do martir Andre catequista de Cochinchina que em CaCham foi alancecado edegolado pella condesão de nostra santa feé por mandado do mandarin Oughebo a os 26 Juglio 1644”. (Tác giả sách Dinh trấn Thanh Chiêm Quảng Nam dịch là: Đây là thi hài vị tử đạo An-rê, thầy giảng xứ Đàng Trong đã bị trảm quyết tại Kẻ-Chàm (Thanh Chiêm) vì xưng tụng đức tin, do lệnh của ông quan gọi là Ông Nghè Bộ vào ngày 26 tháng 7 năm 1644).8 Rõ ràng, Tòa Thánh đã dùng danh xưng CaCham và danh xưng này phải dịch là Kẻ Chàm, chứ không thể là Thanh Chiêm như nhiều người dịch.9 Kẻ Chàm ở đây là tương đương với Quảng Nam. 

Trong bản đồ về Đàng Trong và Đàng Ngoài do Alexandre de Rhodes vẽ năm 1651 đã ghi một địa danh “Dinh Ciam” nằm bên cạnh Haifo về phía Tây. “Dinh Ciam” là từ Latinh hóa, có gốc tiếng Việt là Dinh Chiêm hoặc Dinh Chàm. Đây là tên gọi phổ biến của trấn sở Quảng Nam thời bấy giờ. Bổ sung cho danh xưng Dinh Chiêm với vai trò là một trấn sở của Quảng Nam, một số bản đồ cổ của Việt Nam cũng đã vẽ lại một tòa thành lớn nằm cạnh phố Hội An về phía tây và ghi là: , (Chiêm dinh). 

Địa danh Dinh Ciam trong bản đồ 
do Alexandre de Rhodes vẽ năm 1651
 

Trích Giáp Ngọ Bình Nam Đồ, 1774, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, 
Cộng hòa Pháp, KH:A2499 (1: Hội An phố; 7: Chiêm dinh) 
Trích Giao Châu địa dư đồ, biên soạn thời Lê, sao lục thời Nguyễn, 
Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Cộng hòa Pháp, 
KH:A1716 (4: Hội An phố; 8: Chiêm dinh) 

Thực tế, về sự có mặt của dinh Chiêm này đã được khẳng định trong Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, bản năm Tự Đức: “Lỵ sở cũ của Dinh Chiêm: ở xã Cần Húc huyện Duy Xuyên. Hồi đầu bản triều dựng dinh trấn ở đây, dựng hành cung phủ khố để phòng khi chúa đi tuần du, sau khi trải qua loạn lạc, bỏ hư. Xét sách Phủ biên tạp lục chép: “Dinh Quảng Nam ở xã Cần Húc, tục gọi Dinh Chiêm…”.10 

Một số tư liệu cũng cho thấy, đôi khi người ta dùng chỉ một từ Chiêm () để chỉ trấn sở Quảng Nam. Trong các bảng kê ngân lễ của làng Minh Hương các năm 1744, 1746, 1747 xuất hiện cách ghi: Bổn xã thượng Chiêm trình kiếu; truyền bổn xã thượng Chiêm truyền mại hỏa tiêu (Bổn xã lên Chiêm trình xét, truyền bổn xã lên Chiêm sai mua hỏa tiêu (thuốc pháo).11 

Chu Thuấn Thủy trong An Nam cung dịch kỷ sự viết năm 1657, cũng đã ghi lại việc ông lên Chiêm hoặc Chiêm thượng để diện kiến Ông Nghè Bộ. Bản gốc ghi: Vãng Chiêm thượng kiến Ông Nghè Bộ (往占上見翁儀簿), ở đây ta có thể hiểu là lên Chiêm thượng để gặp Ông Nghè Bộ hoặc lên Chiêm để thượng kiến (gặp có tính tôn trọng) Ông Nghè Bộ.12 Như vậy, đôi khi danh xưng Chiêm (), chữ Chiêm với cách ghi như trong từ Chiêm Thành được dùng để chỉ trấn sở Quảng Nam, mặc dù lúc này trong các văn bản hành chính đã dùng tên gọi dinh Quảng Nam một cách chính thức. Nói như vậy, để chúng ta thấy rằng trong một số trường hợp đã xuất hiện danh xưng Chiêm để chỉ trấn sở Quảng Nam chứ chưa bao giờ có danh xưng Thanh Chiêm được dùng với trường hợp tương tự (dinh trấn/trấn sở). 

Về danh xưng xã Thanh Chiêm: Trong Ô châu cận lục của Dương Văn An soạn vào năm 1553, phần ghi 66 xã của huyện Điện Bàn không thấy tên xã Thanh Chiêm hoặc xã Phú Chiêm. 

Trong bia Phổ Đà sơn linh trung Phật niên đại 1640 ở động Hoa Nghiêm, Non Nước xuất hiện các tên người ở các xã: Cẩm Phô, Hội An, Phước Châu, Trà Lộ, Bồ Mưng, Quá Gián, Trà Đông, Phú Chiêm… nhưng không thấy tên xã Thanh Chiêm. 

Tên gọi Thanh Chiêm cho đến nay chúng tôi mới tìm thấy sớm nhất ở Sổ kê ngân lễ của làng Minh Hương năm Cảnh Hưng thứ 5 (1744). Trong sổ kê này ghi là Thanh Chiêm/Triêm Phố (清霑痡). Ở đây, có một vấn đề cần lưu ý là ở các trang trước thì ghi là Phú Chiêm phố (富霑痡) nhưng phần cuối tổng kết số tiền nộp lại ghi là Thanh Chiêm phố. Các sổ ngân lễ năm 1746, 1747 đều ghi Phú Chiêm phố không thấy tên Thanh Chiêm phố hoặc Thanh Chiêm xã, mặc dù trong các bản kê này ghi hàng trăm địa danh ở Quảng Nam nơi có người làng Minh Hương sinh sống. Lúc bấy giờ, nhân số người làng Minh Hương sinh sống ở phố Phú Chiêm rất đông đúc, chỉ sau phố Hội An và Trà Nhiêu, chứng tỏ nơi đây từng là một chợ phố lớn cần lưu ý. 

Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục viết vào khoảng năm 1776 - 1777 cũng đã ghi lại các địa danh xã Thanh Triêm/Chiêm, đò Thanh Triêm/Chiêm. 13 

Trong sổ đinh của làng Minh Hương năm Thái Đức thứ 11 (1788) ghi tên 3 người ở xã Thanh Chiêm (清霑社) thuộc huyện Diên Khánh.14 Địa bộ Gia Long năm 11 (1812) ghi xã Thanh Chiêm thuộc tổng An Nhơn Trung, huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn. 

Quốc sử quán triều Nguyễn trong Đại Nam nhất thống chí, năm Tự Đức ghi: “Chợ Thanh Chiêm: ở xã Thanh Chiêm huyện Diên Phước, tục gọi chợ Củi”.15 

Như vậy, chúng ta thấy rằng Thanh Chiêm với đơn vị hành chính là một xã xuất hiện khá phổ biến trong nhiều tư liệu và do vậy nó không thể trùng với Kẻ Chiêm là đơn vị hành chính cấp dinh của Đàng Trong hoặc trùng với dinh Chàm là một dinh trấn/lỵ sở lớn thứ 2 của các chúa Nguyễn thời bấy giờ. 

Tiểu kết

 - Kaciam, Caciam, KeCham, Cachão, Prouince de Cham # Tỉnh Chàm, xứ, dinh Quảng Nam = Thanh Chiêm (là đơn vị hành chính). 

- Dinh Ciam, Dinh Chiêm, Ville de Cham # dinh trấn Quảng Nam = dinh trấn Thanh Chiêm (là địa danh trấn sở). 

2. Kẻ Chiêm, dinh Chiêm với chữ Quốc ngữ 

Với việc phát hiện các tư liệu mới về chữ Quốc ngữ, đến nay đã có sự thay đổi trong cách nhìn nhận theo hướng cho rằng chữ Quốc ngữ là công trình tập thể của một số giáo sĩ Kitô giáo Dòng Tên người Bồ, Ý, Pháp… cộng với sự tham gia của một số Nho sĩ, tu sĩ, các chức sắc Kitô giáo, con chiên người Việt ở những nơi mà các giáo sĩ cư trú, truyền đạo. Cách nhìn nhận này có điểm mới so với trước đây khi tôn vinh Alexandre de Rhodes là người sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. 

Về điều này, chúng tôi cho rằng cách đánh giá của học giả Gieorges Taboulet là khá chính xác: “Việc phiên âm tiếng Việt bằng chữ Latinh, điểm thêm các dấu quy ước, là một công lao tập thể mà sự đóng góp chủ yếu là linh mục de Pina, Borri, Gaspar de Amaral, António de Barosa, nhưng linh mục de Rhodes thì có công hệ thống hóa, chỉnh lý và phổ biến văn tự này”.16 

Về các địa điểm giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp ngữ liệu để thực hiện việc Latinh hóa tiếng Việt có thể kể ra các địa phương như: Kẻ Chàm, Hội An, Nước Mặn, Kẻ Chợ (Thăng Long - Hà Nội). Ngoài ra, cũng phải kể đến một số địa phương khác nơi các giáo sĩ Kitô giáo thường lui tới vào thế kỷ XVII, như: Cửa Hàn, Turan (Đà Nẵng), Cửa Bạng (Thanh Hóa), Bố Chính. Sự phối hợp tiếng nói của các vùng này trong quá trình Latinh hóa có thể thấy được trong Từ điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes17 với việc xuất hiện các từ thuần Quảng, như: lạc đàng, tố, gió Nam, gió Nồm, ghế cơm, sớt cơm… Từ ở Đàng Ngoài, như: lợn, rau ghém, sẻ cơm, cây nến, con me… Ngoài ra, còn có một số từ có nguồn gốc từ tiếng lai Hoa - Việt như thiên, địa, thập, ngũ… Qua cuốn tự điển này, ta cũng thấy giọng Quảng, cách nói Quảng đã được Alexandre de Rhodes sử dụng với tần số rất cao, kể cả về ngữ âm và từ vựng. Kết hợp với các nguồn tư liệu khác có thể xác định rằng Kẻ Chàm/Kẻ Chiêm - Quảng Nam là một chiếc nôi quan trọng của chữ Quốc ngữ. 

Trở lại với danh xưng Thanh Chiêm với vai trò là một trú sở Kitô giáo quan trọng vào thế kỷ XVII - XVIII, như nhiều công trình nghiên cứu đề cập nhưng trong bảng kê của Launay năm 1747 về các địa sở của các nhóm thừa sai Kitô giáo ở Đàng Trong, phần tỉnh Chàm có 49 địa sở, nhưng không có tên địa sở Thanh Chiêm.18 Điều này càng minh xác rằng Kaciam, Caciam, Cachão là Kẻ Chàm, Kẻ Chiêm, tỉnh Chàm - Quảng Nam chứ không thể dịch thành Thanh Chiêm. 

Tiểu kết 

- Chữ Quốc ngữ là sáng tạo tập thể của một số giáo sĩ Kitô giáo Dòng Tên người Bồ, Ý, Pháp… cùng các cá nhân, con chiên người Việt trong vai trò là những người cung cấp ngữ liệu, bổ sung, hoàn chỉnh việc Latinh hóa tiếng Việt. 

- Các địa phương/trú sở có vai trò quan trọng trong việc Latinh hóa tiếng Việt là Kẻ Chàm/Kẻ Chiêm (trong đó có 2 trú sở/địa sở trọng yếu là Hội An và Cửa Hàn), Nước Mặn (Quy Nhơn), Kẻ Chợ (Thăng Long - Hà Nội), Cửa Bạng (Thanh Hóa), Bố Chính. Trong đó, địa phương có tầm ảnh hưởng sâu sắc nhất và là nơi khởi đầu của việc Latinh hóa tiếng Việt là Kẻ Chàm, xứ Quảng. 

Chú thích:

1. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, (Hà Nội: Khoa học xã hội, 1977), trang 117 ghi: “Từ tuần Ải Vân đến dinh Quảng Nam, tục gọi là Dinh Chiêm ở xã Cần Húc, huyện Duy Xuyên không quá 2 ngày. Như đại quân đóng đồn ở dinh Chiêm mà đi vào kinh lược thì qua sông đến Kẻ Thí (cầu có ván nhỏ) trên sông nhỏ Bảo Toán qua quán Lang Châu xã Vân Quất (cầu có ván), sông Bà Rén…”. Trang 145 ghi: “Đến như Dinh Chiêm ở Quảng Nam thì có quan đóng giữ, gọi là dinh Quảng Nam ở xã Cần Hào (?) huyện Duy Xuyên. Sở thuộc có ty xá sai, câu kê 3 người, cai hợp 7 người… do một viên cai bạ đứng đầu”. 

- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên, Tập 1, (Hà Nội: Sử học, 1962), trang 42 ghi: “Liền vượt qua núi xem xét hình thế, dựng dinh trấn ở xã Cần Húc huyện Duy Xuyên, xây kho tàng chứa lương thực, sai hoàng tử thứ 6 trấn giữ…”. 

- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Tập 2, (Huế: Thuận Hóa, 1997), trang 369 ghi: “Lỵ sở cũ của Dinh Chiêm: ở xã Cần Húc huyện Duy Xuyên. Hồi đầu bản triều dựng dinh trấn ở đây, dựng hành cung, phủ khố để phòng khi Chúa đi tuần du, sau trải qua loạn lạc bỏ hư”. Xét sách Phủ biên tạp lục chép “Dinh Quảng Nam ở xã Cần Húc tục gọi là dinh Chiêm, đi từ dinh sở qua đò đến con sông nhỏ Kẻ Thế và Bao Nghĩa (có lẽ là Bàu Nghi?)”. Trang 340 ghi: “Thành tỉnh Quảng Nam: …đầu bản triều dựng dinh trấn ở xã Thanh Chiêm thuộc huyện Diên Phúc sau vì loạn mà bỏ, năm Tân Hợi (1801) lúc bắt đầu thời Trung Hưng lấy lại Quảng Nam, đặt tạm ở phố Hội An, năm Gia Long thứ 2 dời đến lỵ sở cũ ở xã Thanh Chiêm, thành đắp bằng đất, năm Minh Mạng thứ 14 dời trụ sở đến xã La Qua…”. 

2. Các tài liệu này hiện lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An. 

3. Cristoforo Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621, Hồng Nhuệ dịch (TPHCM: TPHCM, 1998), 13. 

4. Alexandre de Rhodes, Hành trình và truyền giáo, Hồng Nhuệ dịch, (Ủy ban Đoàn kết Công giáo Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản, 1994). 

5. Alexandre de Rhodes, Hành trình và truyền giáo, bản gốc trang 128, bản dịch trang 96. 

6. Alexandre de Rhodes, Hành trình và truyền giáo, bản gốc trang 250, bản dịch trang 183. 

7. Alexandre de Rhodes, Hành trình và truyền giáo, bản gốc trang 76, bản dịch trang 58. 

8. Dẫn lại Đinh Trọng Tuyên, Đinh Bá Truyền, Dinh trấn Thanh Chiêm Quảng Nam, (Công ty in - PHS và TBTH Quảng Nam, 2011), 98-99. 

9. Đỗ Quang Chính ST., Dòng Tên trong xã hội Đại Việt, (Hà Nội: Tôn giáo, 2008), ở trang 47 tác giả đã giới thuyết rằng: “Trong tư liệu của các Giêsu hữu ở Đàng Trong thế kỷ 17, dùng các tự dạng khác nhau như Dinhciam, Caciam, Kecham, Dinh Cham, CaCham để chỉ cơ sở Thành Chiêm (Thanh Chiêm) phía Tây Hội An. Tất cả những kiểu ký âm ở trên đều chỉ địa danh Thanh Chiêm thời đó. Trong sách này, chúng tôi dùng Thành Chiêm, thay vì Thanh Chiêm, Dinh Chàm, Kẻ Chàm”. Ngay tác giả sách Dinh trấn Thanh Chiêm Quảng Nam cũng đã ngoặc đơn: Kẻ Chàm (Thanh Chiêm) như chúng ta đã thấy. Chúng tôi cho rằng đó là sự xác định khiên cưỡng, không chính xác. 

10. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 2, (Huế: Thuận Hóa, 1997), 369, 340. 

11. Các tư liệu này hiện lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An. 

12. Chu Thuấn Thủy, Ký sự đến Việt Nam năm 1657 (An Nam cung dịch kỷ sự), Vĩnh Sính dịch, (Hà Nội: Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, 1999). 

13. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, trang 93 ghi: Nội phủ Thanh Triêm xã; trang 218 ghi: đò Thanh Chiêm tiền thuế 214 quan 5 tiền. 

14. Tài liệu Hán Nôm lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An. 

15. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Tập 2, (Huế: Thuận Hóa, 1997), 376. 

16. Gieorges Taboulet, “Công trạng của Pháp ở Đông Dương”, Dẫn theo: Đinh Trọng Tuyên, Đinh Bá Truyền, Dinh trấn Thanh Chiêm Quảng Nam, (Công ty in - PHSTBTH Quảng Nam, 2011), 65-66. 

17. Alexandre de Rhodes, Từ điển Việt - Bồ - La, Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính dịch, (Hà Nội: Khoa học xã hội, 1991). 

18. Launay, Histoire de Pa Mission de Cochinchina. Dẫn theo: Đỗ Quang Chính, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615 - 1773, 271, 276, 277. Trong bảng kê này ở tỉnh Chàm có 49 địa sở từ miền núi cho đến miền biển như Dùi Chiêng, Trà Kiệu, Chiêm Sơn, Phiếm Ái, Cẩm Đăng, Cu Đê, Hội An, Trà Sơn, Kẻ Tha (Kẻ Thí, Mỹ Xuyên), Cồn Úc… TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

1. Cristoforo Borri (1998). Xứ Đàng Trong năm 1621. Hồng Nhuệ dịch. TPHCM: TPHCM. 

2. Đỗ Quang Chính SJ. (2008). Dòng Tên trong xã hội Đại Việt. Hà Nội: Tôn giáo. 

3. Đỗ Quang Chính SJ. (2008). Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 - 1659. Hà Nội: Tôn giáo. 

4. Lê Quý Đôn (1977). Phủ biên tạp lục. Hà Nội: Khoa học xã hội. 

5. Quốc sử quán triều Nguyễn (1962). Đại Nam thực lục tiền biên. Tập 1. Hà Nội: Sử học. 

6. Quốc sử quán triều Nguyễn. 1997. Đại Nam nhất thống chí, Tập 2. Huế: Thuận Hóa. 

7. Alexandre de Rhodes. 1991. Từ điển Việt - Bồ - La. Hà Nội: Khoa học xã hội; Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính dịch. 

8. Alexandre de Rhodes (1994). Hành trình và truyền giáo. Hồng Nhuệ dịch TPHCM: Ủy ban đoàn kết Công giáo. 

9. Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam (2002). Vai trò lịch sử dinh trấn Quảng Nam. Kỷ yếu Hội thảo khoa học. 565 

10. Chu Thuấn Thủy (1999). Ký sự đến Việt Nam năm 1657 (An Nam cung dịch kỷ sự). Vĩnh Sính dịch. Hà Nội: Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. 

11. Đinh Trọng Tuyên, Đinh Bá Truyền (2011). Dinh trấn Thanh Chiêm Quảng Nam. Công ty in - PHSTBTH Quảng Nam.

MỘT CÁCH NHÌN KHÁC VỀ THANH CHIÊM 
VÀ THỜI SƠ KHAI CỦA CHỮ QUỐC NGỮ?

Nguyễn Quang Trung Tiến

1. Đặt vấn đề 

Xưa nay, khi đề cập đến sự hình thành chữ Quốc ngữ ở Việt Nam, người ta thường nhấn mạnh đến mục đích truyền đạo và vai trò của các giáo sĩ Cơ Đốc giáo (Kitô giáo), các linh mục Dòng Tên (Jésuite) cùng một hay một số cá nhân có đóng góp nổi bật (cả người nước ngoài lẫn người trong nước), gắn liền với không gian của một hoặc một vài địa danh, như: Hội An, Thanh Chiêm hay Nước Mặn đầu thế kỷ XVII với tư cách là chiếc nôi sản sinh thứ chữ viết này. Nhận thức đó hoàn toàn dựa trên những căn cứ khoa học và thực tiễn của lịch sử, rất đáng trân trọng. 

Trong bài viết này, chúng tôi tạm đứng ngoài những quan điểm đã được củng cố ngày càng vững chắc đó, để dựng lại bức tranh chân thực thời sơ khai của chữ Quốc ngữ bằng cách tự trả lời một số câu hỏi: ai là người khai sinh chữ Quốc ngữ, mục đích và thời điểm khởi đầu chữ Quốc ngữ, ai là người có công lớn, địa bàn nào là chiếc nôi của chữ Quốc ngữ?... Từ đó, thử xây dựng một cách nhìn khác về buổi đầu của chữ Quốc ngữ và chiếc nôi sản sinh ra nó, với mong muốn nhận thức thực tế lịch sử ngày càng chân xác hơn. 

2. Những câu hỏi cần được trả lời 

Nếu quan niệm chữ Quốc ngữ là hệ thống gồm những chữ viết lấy mẫu tự Latinh để ký âm tiếng Việt sao cho đồng âm, đồng thanh điệu và đúng cấu trúc ngữ pháp giữa ngôn ngữ nói và âm đọc từ chữ viết cấu thành, thì con đường sáng tạo chữ Quốc ngữ không đợi đến đầu thế kỷ XVII, gắn với công cuộc truyền đạo của các giáo sĩ Dòng Tên ở Việt Nam từ năm 1615, mới bắt đầu. 

Trên thực tế, cha đẻ của việc dùng mẫu tự Latinh để ký âm tiếng Việt thành “dạng chữ Quốc ngữ” đầu tiên trên thế giới là một tập thể từ nhiều ngành nghề, nhiều đời, gồm những nhà thám hiểm/du hành, các nhà hàng hải, các thương nhân, các giáo sĩ và được lan truyền, củng cố bởi các nhà địa dư học thông qua việc vẽ và phát hành bản đồ thế giới, khu vực, vùng đất... ở thời kỳ sơ khai đến nửa đầu thế kỷ XVII. Từ rất sớm, có thể thế kỷ II trở đi, gắn với bản đồ thế giới của Claudius Ptolemaeus (Ptolemy) khoảng năm 140 và suốt chặng đường dài 1.500 năm sau đó, rải rác trong sổ tay, nhật ký hành trình, báo cáo nhiệm vụ hay bản đồ của các chủ thể vừa nêu đã sử dụng các chữ cái Latinh để ký âm “dạng chữ Quốc ngữ”, tập trung nhất là về địa danh. Cho đến thế kỷ XVI, “dạng chữ Quốc ngữ” ngày càng được dùng phổ biến và liên quan rõ hơn đến địa danh ở Việt Nam và phụ cận, thể hiện qua một số bản đồ của Cantino (1502), Johann Ruysch (1507), Martin Waldseemuller (1513), Tomé Pires (1515), Lorenz Fries (1522), Giacomo Gastaldi (1548), Giovanni Battista Ramusio (1554)1 , Bartholomen Velho (1560), Fernão Vaz Dourado (1571 và 1590), Barthlomen Lasso (1590 và 1592 - 1594), Van Langren (1595), Linschoten (1599),... 

Chúng ta có thể tìm thấy trên các bản đồ những chữ như: Cauchychina (1515), Comche China (1548), Cochinchina (1554): Giao Chỉ 2 ; Aynam (1515): Hải Nam; Camboja (1548), Camboya (1554): Campuchia; Syam (1554): Xiêm; Ciamba (1507), Cianba (1522), Campa (1554): Champa/ Chiêm Thành; Mécon (1554): Mêkông; Pulo Condor (1554): Côn Sơn; Pulo Ceciss (1560), Polo Cecir (1599): Cù lao Thu; Varella (1594): Mũi Nạy; Pulo Cabe”(1560), P. Cambiz (1571), P. Gambir (1590), Polu Canbi (1592), Pulo Cambi (1594), Polo Cambir (1599): Cù lao Xanh; P. Cotao (1571), Pulo Cantão (1594): Cù lao Ré; fulicandoia (1502), fulucandoia (1513), pulocanpola (1554), P. Champello (1571), Pulo Ampelo (1599): Cù lao Chàm; I. des baixos Cachina (1571): Bãi ngầm Giao Chỉ 3; Sinoa (1594)4: Thuận Hóa;... Như vậy, đến thế kỷ XVI, đã có một hệ thống “dạng chữ Quốc ngữ” ký âm bằng mẫu tự Latin được sử dụng khá phổ biến rộng khắp, mà mục đích là để thỏa mãn nhu cầu nắm bắt địa danh và hiểu biết thế giới của các nhà thám hiểm, nhà hàng hải, thương nhân, giáo sĩ hay nhà địa dư học. Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa thể đáp ứng mục đích của các nhà truyền giáo với mong muốn được giao tiếp và truyền bá phúc âm trực tiếp bằng chính ngôn ngữ của người bản địa để phát triển đạo tốt hơn. Vì vậy, công cuộc “Latinh hóa” ngôn ngữ viết của các dân tộc nhận phúc âm từ việc rao giảng Kinh Thánh của các giáo sĩ là chủ trương chung của Dòng Tên từ khá sớm, mà kết quả bước đầu ở Trung Hoa và Nhật Bản trong thế kỷ XVI là những minh chứng. 

Như ở Nhật, các giáo sĩ ghi âm tiếng Nhật bằng mẫu tự Latinh, gọi là Romaji (La Mã tự). Năm 1564 hoặc 1567, Duarte da Silva đã soạn một cuốn ngữ pháp và từ điển Nhật - Bồ, Bồ - Nhật. Alessandro Valignano tiếp tục cải cách phương pháp học tiếng bản địa và cho ra đời cuốn Từ điển Bồ - Nhật năm 1585 bằng văn bản viết tay. Năm 1595, cuốn Từ điển La - Bồ - Nhật (Dictionarium Latino- Lusitaneum ac Japonicam) ra đời. Năm 1603, phát hành cuốn Từ điển Nhật - Bồ (Nippo Jisho, Vocabulario da lingoa de Iapam). Năm 1604, quyển Ngữ pháp Nhật ngữ (Arte grammaticae Japonicae Linguae) của Joaõ Rodrigues cũng được xuất bản. 

Cùng tinh thần đó, các giáo sĩ Michele Ruggieri và Matteo Ricci ở Ma Cao đã soạn thảo cuốn Từ vựng Bồ - Hoa trong những năm 1585 - 1589. Năm 1626, giáo sĩ Nicholas Trigault ra mắt cuốn phương pháp học tiếng Trung (Xĩrú ẽrmù 2ĩ: Tây nho Nhĩ mục Tư), còn gọi là Âm vận kinh, là từ điển sắp âm vận Hoa ngữ theo chữ cái Latinh. Các cuốn từ điển này được các nhà truyền giáo ở Trung Hoa chép lại và chuyền tay nhau sử dụng cho đến thế kỷ XIX.5 

Đối với Việt Nam, dựa trên tiền đề có sẵn từ “dạng chữ Quốc ngữ” chỉ địa danh đã hình thành và được sử dụng sớm, cộng thêm những kinh nghiệm ký âm có ở Nhật Bản và Trung Hoa, thì sự nghiệp “Latinh hóa tiếng Việt” là một nhiệm vụ được kế thừa, tiếp nối, mở rộng ở mức cao hơn và cụ thể hơn của các giáo sĩ truyền đạo tại xứ sở này, chứ không phải là một ý tưởng sáng tạo hoàn toàn mới lạ mang tính khởi đầu! Nếu không tính những hoạt động truyền đạo đơn lẻ trước đó, thì từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII, làn sóng truyền đạo mới được giáo sĩ nhiều dòng tu đẩy mạnh ở Việt Nam, khởi đầu là các thừa sai Dòng Phan Sinh (Francisco) người Tây Ban Nha tới Quảng Nam năm 1583. Những năm 1584 - 1586, thêm một linh mục thừa sai Dòng Phan Sinh người Tây Ban Nha là Bartolomeu Ruiz đã đến giảng đạo tại Kẻ Chàm. Tại đây, tuy ông chưa giáo hóa được nhiều người, nhưng một “bà lớn” có họ hàng với chúa Nguyễn, chưa rõ tên tục là gì, đã theo đạo, được làm lễ rửa tội và mang tên thánh là Phanxica. Bà Phanxica được sử gia Dòng Tên của thế kỷ XVII, Daniello Bartoli, nhắc đến khi nghiên cứu các tài liệu và chứng từ6 , và một tường thuật về thời gian cư ngụ của Bartolomeu Ruiz tại Việt Nam cũng có nhắc đến tên bà.7 Năm 1593, ba giáo sĩ Dòng Đa Minh (Dominicain) người Tây Ban Nha là Alfonso Ximénez, Diego Aduarte và huynh Juan Bautista Deza theo 3 chiếc tàu Tây Ban Nha trên đường đến Cam Bốt đã ghé lại Cửa Hàn và đến Cachan (Kẻ Chàm). Do người Tây Ban Nha có vài va chạm với kiều dân Nhật đang được chính quyền Quảng Nam cho phép sinh sống tại Hội An, dẫn đến xung đột, khiến một tàu Tây Ban Nha bị đốt cháy, hai chiếc còn lại chạy ra biển.8 Các linh mục Alfonso Ximénez, Diego Aduarte lưu lại truyền đạo một thời gian khá dài cả ở Quảng Nam và Thuận Hóa, đến khoảng mùa đông 1595 - 1596 mới rời khỏi đó.9 

Trong thời gian các giáo sĩ Dòng Đa Minh người Tây Ban Nha đang có mặt ở Quảng Nam, năm 1595 hai linh mục Dòng Âu Tinh (Augustino) người Bồ Đào Nha ở Ma Cao là Miguel dos Santos và Rafael da Madre de Deus cũng đến đây và có sự gặp gỡ nhau. Họ được chính quyền và dân chúng trong vùng tiếp đãi nồng hậu, giúp họ dựng lên một nhà thờ (có thể là ở Cửa Hàn) để hành lễ. Công việc của các tu sĩ Dòng Âu Tinh lúc đầu hết sức thuận lợi, nhưng hơn một năm sau thì phải rời đi vì các sư sãi phản đối việc chính quyền ở Quảng Nam che chở họ. 

Khoảng đầu năm 1598, nhận được tín hiệu mời gọi trở lại của “nhà Chúa”, linh mục Rafael da Madre de Deus cùng với huynh Mateus de S. José, một tu sĩ Dòng Âu Tinh người Bồ Đào Nha của tu viện Macao, quay trở lại Quảng Nam. Họ được người đứng đầu chính quyền Quảng Nam tại Sima do Paquira (Simhapura, tức Trà Kiệu) tiếp đón tử tế, cho hàm “đại sứ” để được tự do hơn trong việc giảng đạo, xây dựng nhà thờ và rửa tội cho những người tự nguyện. Hai giáo sĩ tích cực truyền đạo, giúp được một số dân địa phương ở Kẻ Chàm cũng như người Nhật đến buôn bán tại Hội An được trở lại đạo. Tại Kẻ Chàm, lần này cha Rafael da Madre de Deus đã làm lễ rửa tội cho con gái bà Phanxica (người được cha Bartolomeu Ruiz rửa tội và đặt tên thánh từ năm 1584 - 1586). Cô gái con của bà Phanxica được đặt tên thánh là Gioanna, còn bà Phanxica từ đó thường được gọi là mẹ cô Gioanna.10 

Do huynh Mateus de S. Joséqua qua đời sớm, nên linh mục Rafael da Madre de Deusđơn độc rất khó hoạt động, đành rời Quảng Nam đi Malacca năm 1601 để tìm kiếm người trợ thủ, nhưng bị hải tặc Hòa Lan bắt làm tù binh và bị giết ở xứ Hồi giáo Johore (Mã Lai) năm 1606.11 

Trong khoảng thời gian giữa năm 1606 và năm 1612, một tu sĩ Dòng Âu Tinh người Bồ Đào Nha khác là cha Jerónimo de Matos cũng từ Macao tiếp bước đến truyền giáo ở xứ Đàng Trong, để lại dấu ấn với nhiều cuộc trở lại cùng một nhà thờ mang tên thánh nữ Monica.12 Nhìn chung, trong hai thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII cho đến trước năm 1615, khi giáo sĩ Dòng Tên xuất hiện, giáo sĩ các dòng tu: Phan Sinh, Đa Minh, Âu Tinh người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã lần lượt đến Quảng Nam, Thuận Hóa, nhưng tập trung nhất là trung tâm Kẻ Chàm - Hội An. Hoạt động truyền đạo đòi hỏi các giáo sĩ không chỉ phải học cách phát âm các địa danh đã có từ trước dưới “dạng chữ Quốc ngữ”, mà còn phải tập dùng mẫu tự Latin ký âm mới các địa danh chưa được ghi chép, hoặc các câu, từ cần thiết trong giao tiếp hoặc giảng đạo. Nhờ vậy, vốn từ “dạng chữ Quốc ngữ” dĩ nhiên được bổ sung và đa dạng hơn so với trước. Nhưng do giai đoạn đầu này có nhiều khó khăn cả từ phía giáo sĩ các dòng tu lẫn sự khác biệt về văn hóa và phản ứng có phần gay gắt của người Việt, khu vực hoạt động giảng đạo của các giáo sĩ còn hạn chế, hiệu quả truyền đạo thấp, nên việc Latin hóa tiếng Việt chưa tiến triển mạnh, song cũng có đóng góp thêm một số chữ như Tunquim: Đông Kinh; Guanel: Quảng Nôm/Quảng Nam?; Cachão, Cachan, Cacciam: 13 Kẻ Chàm, tức Thanh Chiêm; Faifo: Hoài Phố, tức Hội An, Sima do Paquira: Simhapura, tức Trà Kiệu14; Picipuri: Simhapura, tức Trà Kiệu?; Turão: Cửa Hàn, tức Đà Nẵng; Quibelhu: (?)... 

Bước nhảy vọt của quá trình Latin hóa tiếng Việt chỉ xảy ra khi các giáo sĩ Dòng Tên đặt chân đến Việt Nam một cách tập trung và kéo dài liên tục trong suốt hơn 170 năm, kể từ khi Tỉnh Dòng Tên Nhật Bản thuộc Giáo phận Ma Cao gánh chịu hậu quả của sắc lệnh cấm đạo ở Nhật ban hành đầu năm 1614, khiến tất cả thừa sai bị trục xuất và thừa sai Dòng Tên ở Nhật phải trở về Ma Cao khá đông đảo. Việc chuyển hướng của các thừa sai Dòng Tên tại Ma Cao sang Đàng Trong lúc này vừa để bù đắp vào việc vừa bị trục xuất khỏi đất Nhật, vừa hướng đến phục vụ nhu cầu giữ đạo của số lớn Nhật kiều đang sinh sống ở Hội An và mở rộng công cuộc truyền giáo cho người Việt. 

Ngày 18.01.1615, thương thuyền của thương nhân Bồ Đào Nha Ferdinand Costa cập bến Cửa Hàn, mang theo đoàn thừa sai Dòng Tên gồm linh mục bề trên Buzomi người Ý, linh mục Carvalho và huynh Antonio Diaz người Bồ Đào Nha. Liên tục những năm sau đó, lực lượng truyền giáo tại Hội An - Thanh Chiêm được tăng cường thêm các linh mục Francisco de Pina người Bồ Đào Nha (1617), Cristoforo Borri người Ý (1618), Pedro Marquez người Bồ mẹ Nhật (1618). Các thừa sai lập trú sở ban đầu để làm việc tại Cửa Hàn, rồi vào lập cư sở ở Hội An (1615) và hoạt động cả ở Thanh Chiêm. Đến năm 1618, do bị khó khăn nhất thời ở Hội An - Thanh Chiêm, các linh mục Buzomi, Francisco de Pina và Cristoforo Borri được sự bảo bọc của quan phủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa vào lập thêm cư sở ở Nước Mặn, nơi cha bề trên cư trú lâu dài. Sau đó, từ năm 1620 các giáo sĩ tăng cường hoạt động mạnh ở Thanh Chiêm và tiến tới chính thức thiết lập cư sở ở đó năm 1623. 

Trong quá trình hoạt động tại Hội An, Thanh Chiêm, Nước Mặn từ năm 1615 đến năm 1625, dù một số thừa sai Dòng Tên phải sớm rời khỏi Đàng Trong, như: Carvalho (1616), Cristoforo Borri (1622), nhưng sự phát triển của sự nghiệp truyền đạo ở đây với số người Việt và người Nhật chịu lễ rửa tội ngày càng lớn đã thúc đẩy việc tăng cường nhân lực thường xuyên từ Ma Cao, với sự có mặt của nhiều linh mục khác, như: Emmanuel Borgès, Giovanni di Leira (1622), Gaspar Luis, Girolamo Majorica, Alexandre de Rhodes, Antonio de Fontes (1624)... Qua 3 năm đầu hoạt động (1615 - 1618), nhu cầu tiếp xúc và giảng đạo cho người bản địa đã thúc đẩy sự nghiệp Latinh hóa tiếng Việt tiến lên một quy mô lớn hơn, với việc mở rộng ký âm các từ về địa danh trên nền vốn liếng đã có, xây dựng mới các từ nhân xưng, sự vật, hiện tượng, giao tiếp, nhận thức... Điều đó khiến khối lượng và chủng loại từ vựng “dạng chữ Quốc ngữ” tăng đột biến và giúp cho nhiều giáo sĩ nhanh chóng nói giỏi tiếng Việt, nổi bật là các linh mục Francisco de Pina và Cristoforo Borri. Chính sự tiến bộ vượt bật đã thúc đẩy các thừa sai Dòng Tên soạn một cuốn giáo lý bằng chữ Nôm ngay thời gian vừa đến xây dựng cư sở ở Nước Mặn năm 161815, với công sức hàng đầu của các linh mục Francisco de Pina và Cristoforo Borri, đặt dưới sự chỉ đạo của cha Buzomi và sự giúp sức của thầy giảng André người Việt. 

Nước Mặn trở thành trụ sở của cha bề trên cai quản giáo phận, điều hành công việc, là nơi tập trung nhân lực nghiên cứu giáo lý và trau dồi ngôn ngữ các loại để phụng sự việc đạo. Tuy nhiên, Thanh Chiêm mới là môi trường lý tưởng để tiếp xúc, học hỏi từ vựng tiếng Việt và nghiên cứu quy luật thanh điệu trong phát âm để nâng chúng lên thành một ngôn ngữ viết riêng biệt của tiếng Việt. Đó là lý do khiến giáo sĩ Francisco de Pina rời Nước Mặn ra Hội An năm 1620 để được thường xuyên đến Thanh Chiêm hơn, và cuối cùng tiến tới biến Thanh Chiêm thành cư sở chính thức từ năm 1623. Chính linh mục Francisco de Pina đã khẳng định: “Về việc học ngôn ngữ, thì Kẻ Chàm vẫn là nơi tốt nhất, vì Triều đình được đặt nơi đây; người ta nói năng rất chuẩn và có nhiều thanh niên học trò quy tụ về, nên những ai bắt đầu học ngôn ngữ có thể tìm được sự giúp đỡ nơi các học trò ấy”.16 

Hệ thống chữ viết không đơn giản chỉ là tổ hợp các từ vựng rời rạc, mà còn đòi hỏi phải có sự liên kết về cấu trúc ngữ pháp, và đặc biệt là trong tiếng Việt còn có thêm cả thanh điệu. Vì vậy, con đường hình thành chữ Quốc ngữ dĩ nhiên hết sức gian nan, nên tại Thanh Chiêm vào năm 1623, khi đã rất sành sỏi tiếng Việt và đang bắt tay vào việc nghiên cứu thanh điệu và cấu trúc của chúng, linh mục Francisco de Pina vẫn còn tỏ ra hết sức băn khoăn. Trong báo cáo gửi cho bề trên, ông viết: “Con đã soạn một tập nhỏ về chữ viết và về các cung điệu của ngôn ngữ này; con hiện đang bắt tay vào ngữ pháp. Tuy nhiên, mặc dù con cũng đã tập hợp những câu chuyện thuộc nhiều thể loại khác nhau để ghi trích dẫn của các tác giả, hầu xác định ý nghĩa của các từ ngữ và các mẹo luật ngữ pháp, thì cho đến giờ này con vẫn còn phải nhờ một người đọc để con ghi ra bằng mẫu tự Bồ Đào Nha, hầu cho những người của chúng ta sau này có thể đọc và học thuộc lòng”.17 

Trong cùng một thời đoạn và cùng đóng góp công sức với nhau, cư sở Nước Mặn do linh mục Buzomi cai quản, với sự hiện diện của các linh mục Francisco de Pina và Cristoforo Borri những năm đầu, là nơi góp phần vào con đường hình thành chữ Quốc ngữ thông qua nghiên cứu và dạy học, thì Thanh Chiêm trở nên nổi tiếng hơn nhờ linh mục Francisco de Pina. Với việc chuyên tâm giảng đạo và say mê học hỏi, nghiên cứu để xây dựng bộ chữ tiếng Việt bằng mẫu tự Latinh trên đất Thanh Chiêm, linh mục Francisco de Pina đã biến nơi đây thành trường dạy tiếng Việt cho các giáo sĩ thừa sai đến Đàng Trong làm nhiệm vụ, mà tiêu biểu là các giáo sĩ Alexandre de Rhodes và Antonio de Fontes. 

Từ các trung tâm nghiên cứu và dạy học ở Nước Mặn và Thanh Chiêm, chữ Quốc ngữ ngày càng được định hình rõ nét, để rồi cộng hưởng với những thành tựu nghiên cứu chữ Quốc ngữ của nhiều giáo sĩ truyền đạo ở Đàng Ngoài trong giai đoạn “hậu Francisco de Pina” do giáo sĩ Alexandre de Rhodes tiếp nối, nổi bật là hai giáo sĩ người Bồ Đào Nha gồm Gaspar de Amaral và Antonio Barbosa, để kết thúc thời sơ khai. Sự kết thúc đó được đánh dấu bằng hai công trình mang tính tổng hợp thành quả của nhiều đời, nhiều người tham gia quá trình hình thành chữ Quốc ngữ, thông qua hai ấn phẩm do giáo sĩ Alexandre de Rhodes đứng tên khi xuất bản tại Roma năm 1651: Từ điển Annam, Bồ và Latinh (Dictionarivm annamiticvm, Lvsitanvm, et Latinvm) và Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội (Cathechismvs pro iis, qui volunt suscipere Baptismvm). 

Ngoài ra, còn có thể kể đến một thành quả khác của thời sơ khai chữ Quốc ngữ, đó là bản đồ sớm cho riêng Việt Nam đầu thế kỷ XVII, lúc lãnh thổ Đàng Trong chỉ mới đến Phú Yên, mang tên Vương quốc An Nam (Regnũ Annam), nằm cuối phần mục lục quyển sách Relazione de’ felici successi della santa fede predicata da’ padri della Compagnia di Giesù nel regno di Tunchino, alla santità di N.S.PP. Innocenzio Decimo của Alexandre de Rhodes, xuất bản tại Roma năm 165018, cũng thể hiện đa số địa danh được ghi bằng chữ Quốc ngữ. 

3. Thay lời kết 

Dựa vào con đường hình thành của chữ Quốc ngữ đến năm 1651 và những vấn đề đã được đặt ra, chúng tôi thử đưa ra một cách nhìn khác chung quanh thời sơ khai của chữ Quốc ngữ như sau: 

- Thứ nhất, để hình thành hệ thống chữ viết cho một cộng đồng dân tộc/quốc gia bao giờ cũng đòi hỏi phải trải qua cả quá trình dài hơi, đồng thời bao gồm từ việc nảy sinh ý tưởng đến nhận thức, cách thức, phương pháp, kỹ năng ngôn ngữ học, năng lực vận động, tập hợp nhân lực, trải nghiệm, chọn lọc và điều chỉnh thường xuyên. Do vậy, việc dùng mẫu tự Latinh để ký âm các địa danh của tập thể những nhà thám hiểm/ du hành, hàng hải, địa dư học, thương nhân và giáo sĩ qua nhiều đời là ý tưởng có từ trước năm 1615, còn chủ trương Latinh hóa tiếng Việt của Dòng Tên ở Ma Cao để đi đến hình thành chữ Quốc ngữ là sự vận dụng ý tưởng có sẵn (và phần nào là tiếp nối) nhằm tiến lên xây dựng một thứ chữ riêng, phù hợp với ngôn ngữ Việt (1). 

- Thứ hai, từ (1), có lẽ không nên lấy năm 1615 hay năm 1620 làm mốc khởi đầu thời sơ khai của chữ Quốc ngữ, vì thực tế trước đó chữ này đã xuất hiện; cũng không nên xem giáo sĩ Dòng Tên là tập thể duy nhất có công sáng tạo chữ Quốc ngữ, vì trước đó các nhà hàng hải, thương nhân hay địa dư học cùng giáo sĩ các dòng tu khác cũng có đóng góp, dù không lớn bằng; đồng thời không nên xem sự ra đời chữ Quốc ngữ chỉ vì mục đích truyền đạo của các giáo sĩ, bởi từ sớm nó đã là nhu cầu của giới dân sự, quân sự, địa dư học và của cả dân sinh sau đó. Có lẽ nên xem thế kỷ XVI là mốc khởi đầu thời sơ khai của chữ Quốc ngữ, vì đây là thế kỷ bùng nổ địa danh phiên âm trên bản đồ gắn với chữ Quốc ngữ về sau; và nên xem tập thể các nhà hàng hải, thương nhân, địa dư học cùng giáo sĩ các dòng tu đều có góp công hình thành chữ Quốc ngữ để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống tinh thần lẫn vật chất, trong đó nổi bật nhất, có vai trò và công lao lớn nhất là giáo sĩ Dòng Tên (2). 

- Thứ ba, từ (1) và (2), không nên xem sản phẩm chữ Quốc ngữ mang dấu ấn của một hoặc một vài cá nhân, mà đó là công sức đóng góp của nhiều người, nhiều đời, trong đó bao gồm nhiều cá nhân có công lớn, như: Francisco de Pina, Cristoforo Borri, Francesco Buzomi, Gaspar de Amaral, Antonio Barbosa, Alexandre de Rhodes... Bên cạnh đó, còn có sự đóng góp công sức không hề nhỏ của các tu sĩ Nhật Bản làm thông ngôn giai đoạn đầu, của những thầy giảng người Việt tham gia trong tất cả mọi khâu nghiên cứu và giảng dạy chữ Quốc ngữ, là tấm lòng và sự hậu thuẫn của quan phủ Quy Nhơn cùng sự hợp tác của nhiều người Việt khác ở khắp nơi (3). 

- Thứ tư, từ cả ba ý nêu trên, không nên quan niệm chiếc nôi của chữ Quốc ngữ nằm trong một địa bàn nhỏ hẹp, gắn liền một địa phương duy nhất, vì ngay ở thời điểm khai sinh, nó đã mang tính quá trình và diễn ra trong một không gian mở. Trong thực tế, chiếc nôi của chữ Quốc ngữ được mở rộng cả xứ Quảng Nam thời đó (bao gồm Bình Định), trung tâm là trục Cửa Hàn - Hội An - Thanh Chiêm - Nước Mặn, trong đó nổi bật hơn hết là Thanh Chiêm và Nước Mặn. 

Đặc biệt đối với dinh trấn Thanh Chiêm, đây là đầu mối giao tiếp với chính quyền Quảng Nam của các giáo sĩ, là địa bàn hoạt động thường xuyên của giáo sĩ các dòng tu: Phan Sinh, Đa Minh, Âu Tinh kể từ hai thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XVI trở đi, gồm những cơ sở và con người gắn kết chặt chẽ từ sớm; điển hình sự gắn kết của hai mẹ con bà Phanxica và cô Gioanna, mà hơn 30 năm sau đó, ở thế kỷ XVII các giáo sĩ Dòng Tên còn nhận lãnh được hậu thuẫn lớn lao của họ khi hoạt động và phát triển cư sở tại Thanh Chiêm, nghiên cứu ngôn ngữ, góp phần rất quan trọng trong buổi đầu khai sinh chữ Quốc ngữ. 

Trên đây là những ý tưởng về một cách nhìn khác so với những tri thức thường gặp đã được định hình về chiếc nôi của chữ Quốc ngữ và vai trò của dinh trấn Thanh Chiêm trong quá trình hình thành chữ Quốc ngữ. 

Rất mong nhận được sự trao đổi, góp ý của độc giả và các nhà nghiên cứu. 

Chú thích: 

1. Thomas Suárez, Early Mapping of Southeast Asia, (Singapore: Periplus Editions (HK) Ltd, 1999), 103, 110, 115, 132, 133, 135. 

2. Ở thế kỷ XVI trở về trước, cụm danh từ Cochinchina, tức Giao Chỉ, đang còn được dùng để chỉ vùng lãnh thổ của Đại Việt kiểm soát, chưa mang nghĩa Đàng Trong như sau khi Trịnh - Nguyễn phân tranh, đồng thời cũng chưa mang nghĩa Nam Kỳ như khi Pháp cai trị. 

3. Bãi ngầm Giao Chỉ tức là quần đảo Hoàng Sa. 

4. Chúng tôi chú thích năm vào sau các cụm từ được phiên âm “dạng chữ Quốc ngữ” căn cứ theo niên đại bản đồ, còn thực tế có thể chúng ra đời sớm hơn bản đồ. 

5. Trần Quốc Anh, “Các giáo sĩ Dòng Tên và công cuộc Latinh hóa tiếng Việt ở thế kỷ 17- 18”, Kỷ yếu hội thảo khoa học: Chữ Quốc ngữ tại Bình Định, Quy Nhơn, 2016, 518. 

6. Dell’Historia della Compagnia di Giesù, (Naples, 1859), Tome IV, 181. Được dẫn bởi: Roland Jacques, “Công cuộc truyền giáo tại Quảng Nam năm 1623 và vấn đề ngôn ngữ: Bức thư của Francisco de Pina”, Trần Duy Nhiên dịch, http://www.chungnhanduckito.net/

7. Thư viện Quốc gia Lisbonne, Codex 11098, tờ 247-349. Được dẫn bởi: Roland Jacques,“Công cuộc truyền giáo tại Quảng Nam năm 1623 và vấn đề ngôn ngữ: Bức thư của Francisco de Pina”, Tài liệu đã dẫn. 8. Charles B. Maybon, Histoire moderne du pay d’Annam (1592 - 1820), (1919), op. cit., p. 28. 

9. “Huynh Rafael da Madre de Deus (1571 - 1606): Nhà truyền giáo Dòng Augustinô ở Quảng Nam vào khoảng năm 1595 - 1605”. Bản văn rút ra từ Teófilo Aparicio López, O.S.A., La Orden de San Agustïn en la India (1572 - 1622), Centro de Estudos históricos ultramarinos, Lisbon, Studia No. 40, 6.1974 - 12.1978, p. 322-327. Roland Jacques phỏng thuật và ghi chú từ tiếng Tây Ban Nha, Trần Văn Mầu dịch, http://ttntt.free.fr/archive/R.Jacques3.html. 

10. Biblioteca da Ajuda, Jesuítas na Ásia, Tome 49/IV/66, p. 81-82. Được dẫn bởi: Roland Jacques, “Công cuộc truyền giáo tại Quảng Nam năm 1623 và vấn đề ngôn ngữ: Bức thư của Francisco de Pina”, Tài liệu đã dẫn. 

11. “Huynh Rafael da Madre de Deus (1571 - 1606): Nhà truyền giáo Dòng Augustinô ở Quảng Nam vào khoảng năm 1595 - 1605”. Bản văn rút ra từ Teófilo Aparicio López, O.S.A., La Orden de San Agustïn en la India (1572 - 1622), Tài liệu đã dẫn. 

12. Itinerário de Sebastião Manrique (1639), Luís Silveira, Lisbon và Agência geral das Colónias (1947), Tome 2, p. 141. Chú thích của Roland Jacques trong “Huynh Rafael da Madre de Deus (1571-1606): Nhà truyền giáo Dòng Augustinô ở Quảng Namvào khoảng năm 1595- 1605”, Tài liệu đã dẫn. 

13. Charles B. Maybon, Histoire moderne du pay d’Annam (1592-1820), (Paris: Librairie Plon, 1919), 28. 

14. “Huynh Rafael da Madre de Deus (1571 - 1606): Nhà truyền giáo Dòng Augustinô ở Quảng Nam vào khoảng năm 1595 - 1605”. Bản văn rút ra từ Teófilo Aparicio López, O.S.A., La Orden de San Agustïn en la India (1572 - 1622), Tài liệu đã dẫn. 

15. Francesco Eugenio, “Lettera Annuale del Colegio di Macao… l’anno 1618”, Lettere annue del Giappone, China, Goa, et Ethiopia. Scritte. Al M.R.P. generale della Compagnia di Giesù. Da Padri dell’istessa Compagnia ne gli anni 1615. 1616. 1617. 1618. 1619., (Napoli: Lazaro Scoriggio, 1621), 400-401. 

16, 17 Roland Jacques, “Công cuộc truyền giáo tại Quảng Nam năm 1623 và vấn đề ngôn ngữ: Bức thư của Francisco de Pina”, Tài liệu đã dẫn. 

18. Alexandre de Rhodes, Relazione de’ felici successi della santa fede predicata da’ padri della Compagnia di Giesù nel regno di Tunchino, alla santità di N.S.PP. Innocenzio Decimo, (Roma: Per Giuseppe Luna, 1650). 

ĐÂU LÀ NƠI RA ĐỜI CHỮ QUỐC NGỮ
TRÊN ĐẤT QUẢNG NAM?

Ngô Văn Minh

Sự khác biệt về ngôn ngữ, văn tự là một rào cản rất lớn đối với việc truyền giáo vào Việt Nam ở thế kỷ XVII của các giáo sĩ đạo Công giáo từ phương Tây sang. Giáo sĩ người Ý thuộc Dòng Tên là Cristoforo Borri đến truyền đạo ở Quảng Nam những năm 1618 - 1622 cho rằng: “Mặc dầu ngôn ngữ của người Đàng Trong cũng giống như ngôn ngữ của người Trung Hoa, họ chỉ dùng những từ có một vần nhưng đọc và xướng lên với nhiều cung và giọng khác nhau, nhưng có sự khác biệt vì tiếng Đàng Trong phong phú hơn và dồi dào hơn về nguyên âm, vì thế dịu dàng và êm ái hơn. Họ có tai sành âm nhạc và có khả năng phân biệt các cung giọng và các dấu khác nhau”.1 Ông cũng nhận thấy ở đây “tiếng nói thông thường thì khác với chữ viết”, và tuy người Đàng Trong chỉ dùng chừng ba ngàn chữ để viết văn bài, thư tín, đơn từ, ký sự thông thường so với tám ngàn chữ Hán của người Trung Hoa, nhưng như thế cũng đã khiến cho các giáo sĩ phải mất đến sáu tháng chuyên cần mới có thể sử dụng được những từ thông dụng, còn “muốn cho thật thành thạo thì phải học bốn năm trọn”.2 Một giáo sĩ Dòng Tên khác là Francisco de Pina đến Đàng Trong truyền đạo, đã ở Hội An từ năm 1617 đến năm 1624 thì cho rằng, ngôn ngữ của người Đàng Trong “có thanh điệu như một bản xướng âm, cần phải xướng âm trước đã. Chỉ sau đó mới học các chữ”, khiến cho Cha bề trên của ông tuy đã ở tại đây suốt một năm mà vẫn “không nói được gì ngoài mấy chữ “chẳng phải, ông phải”.3 Với giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes đến Đàng Trong vào năm 1624, việc học tiếng Việt được ông kể lại: “Khi mới tới, nghe người địa phương nói, đặc biệt nữ giới, thì nghe như chim hót, tôi không hy vọng đến bao giờ mới học nói được”.4 Chính vì rào cản ngôn ngữ như vậy nên một số giáo sĩ đã cố gắng dùng mẫu tự Latinh để ghi cách phát âm mà học tiếng bản địa. Tuy ban đầu chỉ nhằm mục đích làm công cụ cho việc truyền đạo Công giáo, nhưng sự ra đời của nó lại là một bước ngoặt về mặt ngôn ngữ, văn tự Việt Nam. Nếu như trước đây giới nghiên cứu căn cứ vào các tác phẩm Phép giảng tám ngày, Mô tả ngắn gọn về ngôn ngữ An Nam hay Đàng Ngoài và cuốn Từ điển Việt - Bồ - La của giáo sĩ Alexandre de Rhodes đều được in năm 1651 ở Rome, tại nhà in của Thánh bộ truyền giáo để xem vị giáo sĩ này có vai trò đi đầu trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ thì những kết quả nghiên cứu sau này lại cho thấy giáo sĩ Dòng Tên Francisco de Pina mới là người đi tiên phong trong lĩnh vực này, khi ông đến truyền đạo tại Quảng Nam, sau đó mới là sự hoàn thiện của nhiều giáo sĩ khác, trong đó có phần đóng góp của giáo sĩ Alexandre de Rhodes, và trong công việc này có sự hợp tác tích cực và hiệu quả của các thầy giảng người Việt giúp việc cho các linh mục người Âu. Chính trong lời nói đầu cuốn Từ điển Annam - Lusitan - Latin (thường gọi Từ điển Việt - Bồ - La), Alexandre de Rhodes cho biết: “Tuy nhiên trong công việc này, ngoài những điều tôi đã học được nhờ chính người bản xứ trong suốt gần 20 năm thời gian mà tôi lưu trú tại hai xứ Cô-sinh và Đông Kinh thì ngay từ đầu tôi đã học với cha Francisco de Pina người Bồ-đào, thuộc Hội dòng Giê-su rất nhỏ bé chúng tôi, là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn. Tôi cũng sử dụng công trình của nhiều cha khác cùng một Hội dòng, nhất là của cha Gaspar de Amaral và cha Antonio Barbosa, cả hai ông đều đã biên soạn mỗi ông một cuốn từ điển: ông trước bắt đầu bằng tiếng An Nam, ông sau bằng tiếng Bồ-đào, nhưng cả hai ông đều đã chết sớm. Sử dụng công khó của hai ông tôi còn thêm tiếng La-tinh, theo lệnh các Hồng y rất đáng tôn, vì ngoài những tiện lợi khác, nó còn giúp ích cho chính người bản xứ học tiếng La-tinh. Đó là chủ ý của chúng tôi…”.5 Alexandre de Rhodes cũng ghi công một người Việt đã giúp ông: “Một thiếu niên trong xứ, chỉ trong ba tuần lễ đã dạy tôi đủ hết các cung giọng của tiếng Việt, và cách đọc của tất cả các tiếng”.6 Gần đây, TS. Roland Jacques (tên Việt là Dương Hữu Nhân) trong tác phẩm Portuguese Pioneers of Vietnamese Linguistics Prior to 16507 , đã công bố bản chép tay bản nháp một bức thư dài 7 trang chữ Bồ Đào Nha, được cho là của giáo sĩ Pina viết vào năm 1623 cho Đức Cha bề trên Jerómino Rodríguez, Khâm mạng các đoàn truyền giáo ở Nhật Bản và ở Trung Quốc, tại Ma Cao, nằm trong một bộ sưu tập được lưu trữ tại Hàn lâm viện Hoàng gia về lịch sử Bồ Đào Nha ở Lisbonne, trong đó có nói rằng: “Về vấn đề ngôn ngữ thì luôn luôn ở Kẻ Chàm chính là nơi tốt nhất”, và “Về phần con, con đã soạn xong một tiểu luận về chính tả, về các thanh điệu của ngôn ngữ này, và con đang lao vào ngữ pháp”.8 Trong bức thư này, chỉ có các chữ Cachão, còn viết Cacham, cũng có lần viết có dấu là Cachàm, và ông Roland Jacques đã 9 lần dùng chữ Kẻ Chàm trong bản dịch của mình. Cả giáo sĩ Cristoforo Borri, trong cuốn tường trình về xứ Đàng Trong cũng chỉ viết: “Xứ Đàng Trong chia thành năm tỉnh. Tỉnh thứ nhất là nơi chúa ở ngay sát xứ Đàng Ngoài gọi là Thuận Hóa. Tỉnh thứ hai là Cacciam, nơi hoàng tử làm trấn thủ. Tỉnh thứ ba là Quamguia. Thứ tư là Quingnim, người Bồ đặt tên là Pulucambis và tỉnh thứ năm là Reran”9 , chứ không hề có một chữ Thanh Chiêm nào. 

Vậy mà, rất nhiều nhà nghiên cứu trong nước lại mặc định Cachão, Cacham, Cacciam là Thanh Chiêm, để rồi xem Thanh Chiêm là nơi ra đời dinh trấn đầu tiên của Quảng Nam dưới thời chúa Nguyễn.10 Tại thôn Thanh Chiêm (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn) nhân dân còn lập bia di tích tự xác định: “Chữ quốc ngữ khai sinh, Thanh Chiêm thánh địa, công đầu giáo sĩ Pina”. Ngay cả công trình nghiên cứu khoa học Những đặc trưng cơ bản của tiếng Quảng Nam và vị trí của nó trong việc hình thành chữ quốc ngữ do PGS.TSKH. Lý Toàn Thắng làm chủ nhiệm đề tài cũng viết: “Thời gian lưu lại ở Đàng Trong, de Pina đã nhiều lần qua lại Hội An và Thanh Chiêm để tìm tiếng nói chuẩn của Quảng Nam, và ông nhận thấy tiếng nói ở dinh trấn Thanh Chiêm là hay nhất”.11 

Bấy giờ, do chưa tiếp cận được bản thủ cảo lá thư của Pina và bản dịch của ông Roland Jacques, nên tôi đã điện hỏi PGS. Lý Toàn Thắng về hai chữ Thanh Chiêm trong công trình vừa nói, và ngay cả trong bài viết của ông đăng trên Nghiên cứu lịch sử, số 12 (343)/2004, được ông cho biết các giáo sĩ phương Tây hồi thế kỷ XVII - XVIII không viết từ này. Việc ông dùng từ Thanh Chiêm chỉ là căn cứ theo sự đoán định của một số nhà nghiên cứu về sau này. Chính vì vậy, trong bài viết của mình tôi từng đề nghị “hãy cứ dịch đúng Cacciam là Kẻ Chiêm, Dinh Ciam là Dinh Chiêm để tránh ngộ nhận”12, hoặc tốt nhất là cứ để nguyên các từ Ciam/ Dinhciam/ Cacciam/ Cachao/ Cachàm để tránh sự mặc định những từ này là Thanh Chiêm. 

Trước hết, cần xác định về Ciam/ Dinh Cham/ Dinhciam/ Digcham/ Cacciam/ Cachao/ Cáchão/ Cacham/ Cachàm. 13 Những tên gọi này, có lúc được giáo sĩ đương thời dùng với ý nói về tên của tỉnh Quảng Nam, như đoạn văn của Cristoforo Borri trong bản tường trình về xứ Đàng Trong chúng tôi vừa mới trích dẫn. Nhưng cũng có trường hợp nó được chỉ địa điểm hay một tên gọi cụ thể cho lỵ sở của dinh Quảng Nam thời chúa Nguyễn. Chính Borri cũng có khi dùng từ Cacciam với ý nghĩa như vậy, khi ông viết rằng: “Cacciam là thị trấn có chúa** đóng ở đó, cách xa Tourron độ 6 hay 7 dặm nếu theo đường sông”14, hoặc Antonius Mendez Goan cho biết lỵ sở dinh Quảng Nam có tên gọi là Cachao cách Faifo khoảng 6 dặm Anh.15 Còn như những đoạn văn trong thư của Pina thì có thể hiểu Cachão, Cacham là tên gọi dinh Quảng Nam hay tên gọi lỵ sở của dinh Quảng Nam cũng có thể được. Vẫn biết rằng, xét về sự ra đời của chữ Quốc ngữ, dù các giáo sĩ phương Tây có nói đến những tên gọi vừa kể trên với ý chỉ lỵ sở của một dinh hay là chỉ tên của một dinh/ tỉnh là Quảng Nam đi nữa, thì chung quy lại Quảng Nam vẫn là nơi ra đời của chữ Quốc ngữ/hay là một trong những cái nôi ra đời của chữ Quốc ngữ theo ký tự Latinh. Nhưng, nếu đã quyết tìm một nơi cụ thể trên đất Quảng Nam nhằm đi đến lập hồ sơ di tích, dựng bia di tích thì việc xác định phải đảm bảo tính hợp lý của nó. 

Theo tôi, qua các nguồn sử liệu có thể rút ra hai kết luận sau đây: Một là, về phía các giáo sĩ phương Tây đến truyền đạo ở Đàng Trong, chúng ta chưa tìm ra được 590 một tài liệu nào do chính họ viết nói rõ Thanh Chiêm là nơi đặt lỵ sở dinh Quảng Nam, hay là nơi ra đời chữ Quốc ngữ. Hai là, căn cứ vào sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn thì ở vào thời điểm tác giả viết cuốn sách này (1776), Thanh Chiêm chỉ được ông nhắc tới là một bến đò, khi ông viết: “đò Thanh Chiêm tiền thuế 244 quan 5 tiền”16, và căn cứ vào chính sử triều Nguyễn thì cho đến năm 1807, Thanh Chiêm mới được chọn làm nơi đặt lỵ sở dinh Quảng Nam. Sách Đại Nam thực lục cho biết đến tháng 3 năm Tân Dậu (1801), tức là khi Nguyễn Ánh đánh lấy lại được dinh Quảng Nam bèn đặt tạm lỵ sở ở Hội An, và đến tháng 12 năm Gia Long thứ 6 (1807) “dời dinh lỵ Quảng Nam đến xã Thanh Chiêm (thuộc huyện Diên Phước). Dinh lỵ Quảng Nam cũ (ở xã Hội An) chật hẹp, vua sai đình thần tìm địa thế cao ráo sáng sủa, vẽ đồ dâng lên. Đình thần tâu xin đặt ở xã Thanh Chiêm. Bèn hạ lệnh dời dựng ở đấy”.17 

Trong khi đó, chữ Quốc ngữ lại ra đời vào những năm 20 của thế kỷ XVII nên không thể kết luận Thanh Chiêm là nơi ra đời của chữ Quốc ngữ được. Cũng xin nói thêm là có nhà nghiên cứu lấy các địa danh, di tích như: hành cung, văn miếu, tịch điền, mô súng, tàu tượng, nhà lao… ở Thanh Chiêm để khẳng định Thanh Chiêm là lỵ sở dinh Quảng Nam thời chúa Nguyễn. Chứng minh như vậy là khập khiễng, bởi Nội các triều Nguyễn và Quốc sử quán triều Nguyễn đã ghi rõ trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ và Đại Nam nhất thống chí thời điểm xây dựng các công trình này đều vào những năm 1820: chuồng voi ở Thanh Chiêm xây dựng năm 1823; nhà ngục và văn miếu xây dựng ở đây năm 1825; tịch điền gắn với đàn Tiên Nông dựng vào năm 1833, trường Đốc xây dựng tại đây năm 1835.18 

Vậy, đâu là nơi ra đời của chữ Quốc ngữ trên đất Quảng Nam? Nếu cho rằng những từ Cachão, Cacham trong lá thư của Pina mà ông Roland Jacques dịch ra Kẻ Chàm giống như từ Cacciam của Borri hay từ Cachao như Antonius Mendez Goan đã dùng với ý chỉ nơi đóng lỵ sở của quan trấn thủ thì chính lỵ sở dinh Quảng Nam là nơi ra đời của chữ Quốc ngữ. Như vậy, muốn tìm nơi ra đời của chữ Quốc ngữ, phải tìm nơi đặt lỵ sở dinh Quảng Nam thời các chúa Nguyễn. 

Trước hết, các nguồn sử liệu sau đây đều khẳng định lỵ sở ban đầu của dinh Quảng Nam nằm trên đất phủ Thăng Hoa, hoặc nói cụ thể là trên đất huyện Duy Xuyên, chứ không phải trên đất Thanh Chiêm phủ Điện Bàn: 

1. Bản đồ An Nam đồ do Đặng Chung, Phó tổng binh Quảng Đông vẽ năm 1608, tức là chỉ cách 6 năm sau khi Nguyễn Hoàng cho lập lỵ sở mới của dinh Quảng Nam (1602) nhằm chuẩn bị chinh phạt nước Nam, xác định “vị trí của lỵ sở thừa chánh Quảng Nam nằm ở phủ Thăng Hoa”19 (phủ Thăng Hoa bao gồm cả huyện Duy Xuyên). 

2. Nguyễn Khoa Chiêm viết sách Nam triều công nghiệp diễn chí vào năm 1719 khi ông đang làm Cai bạ phó đoán sự thời chúa Nguyễn Phúc Chu cũng cho biết chúa Tiên Nguyễn Hoàng đặt lỵ sở dinh Quảng Nam tại phủ Thăng Hoa. 20 

3. Năm 1776, Lê Quý Đôn viết sách Phủ biên tạp lục khi đang làm Hiệp trấn tham tán quân cơ tại Thuận Hóa, nói rõ: “dinh Quảng Nam, tục gọi là Dinh Chiêm ở xã Cần Húc, huyện Duy Xuyên”.21

4. Trong sách Đại Nam thực lục tiền biên, Quốc sử quán triều Nguyễn viết: “năm Nhâm Dần (1602), mùa thu, tháng 7, chúa Tiên Nguyễn Hoàng đi chơi núi Hải Vân… liền vượt qua núi xem xét hình thế, dựng trấn dinh ở xã Cần Húc (thuộc huyện Duy Xuyên), xây kho tàng, chứa lương thực, sai hoàng tử thứ sáu trấn giữ. Lại dựng chùa Long Hưng ở phía Đông trấn”.22 

5. Cũng Quốc sử quán triều Nguyễn viết trong sách Đại Nam nhất thống chí (bản thời Tự Đức): “Lỵ sở cũ của Dinh Chiêm ở xã Cần Húc huyện Duy Xuyên. Hồi đầu bản triều dựng trấn dinh ở đây, dựng hành cung phủ khố, để phòng khi chúa đi tuần du, sau trải qua loạn lạc, bỏ hư”.23 

6. Trong Hồi ký về xứ Cochine viết vào năm 1774, Piere Poivre cho biết: “viên quan tỉnh đóng trị sở tại Kéta, dọc bờ sông”24 và trong Phủ biên tạp lục Lê Quý Đôn có viết: “Như đại quân đóng đồn ở Dinh Chiêm mà đi vào kinh lược thì qua sông đến Kẻ Thế”.25 Tôi cố tìm địa danh mà Piere Poivre phiên âm là Kéta, cùng với địa danh Kẻ Thế mà Lê Quý Đôn nói đến ở đâu, và đã bắt gặp những thông tin thú vị. Một là, trong sách Đại Nam nhất thống chí (bản thời Tự Đức) có viết rằng nguồn Thu Bồn khi chảy đến làng Văn Ly “nước chia ra hai dòng Nam Bắc: dòng Nam là sông cái, chảy qua bãi Thi Lai huyện Duy Xuyên, tự cửa bến lại chia ra một nhánh riêng làm sông Dưỡng Chân, lại chảy về phía đông qua xã Mỹ Xuyên, tục gọi là sông Kẻ Thí”26; bản thời Duy Tân ghi rõ là “tục danh sông Kẻ Thế (hay Kỷ Thế)”.27 Hai là, trong cuốn Linh địa Trà Kiệu có đăng lại tư liệu của ông Cao Đức Phong (ông Câu Kinh) viết về ông tổ khai sinh giáo xứ này như sau: “Ông bà Tiền Danh Quỳnh là người Công giáo nguyên quán Hà Nội, miền Bắc. Vào Quảng Nam ở Kẻ Tả, sau cải lại là Kẻ Thá (Mỹ Xuyên). Ông bà đến Kẻ Thá một tháng, rồi lên Trà Kiệu làm nhà giữ đạo Chúa. Vậy, ông bà Tiền Danh Quỳnh là những giáo dân đầu tiên của giáo xứ Trà Kiệu…”.28 

Tôi cho rằng, chữ Kéta mà Piere Poivre phiên âm chính là Kẻ Tả/ Kẻ Thá, hay Kẻ Thế/ Kỷ Thế, đó là tên một đoạn sông và cũng là một vùng đất ở hữu ngạn sông thuộc xã Mỹ Xuyên của huyện Duy Xuyên, nay thuộc thị trấn Nam Phước của huyện này. Về con sông Kẻ Thế, Đại Nam nhất thống chí (bản thời Duy Tân) cho biết, trước kia nó là sông lớn, nhưng đến đầu niên hiệu Minh Mạng do đào sông Vĩnh Điện khiến cho dòng nước chảy về phía sông Chợ Củi [tức sông chảy qua cầu Câu Lâu], sông Kẻ Thế chảy qua xã Mỹ Xuyên bị cát bồi đoạn giữa, giáp bờ phía Nam.29 Do bị bồi lấp qua hơn một thế kỷ nên đến năm 1965, nhìn vào tờ Bản đồ Tin tức (Map information as of 1965) do Nha Địa dư Quốc gia Việt Nam ấn hành (series L697) ta thấy con sông này chỉ còn là một con suối có tên gọi mới là suối Cống Ba. Hiện nay nó chỉ còn lại vết tích là những vệt trũng kéo dài từ Ba Bến đến vùng Chợ Chùa, xuống tận Bàn Thạch. Những vệt trũng đó, chỗ sâu là các bàu nước, như đứng tại cầu Bàu Vân trên Quốc lộ 1A (theo hướng Đà Nẵng vào Duy Xuyên, cầu này cách ngã ba Nam Phước khoảng 300 m) chúng ta nhận thấy ngay một đoạn bàu khá dài; còn đoạn nào bị bồi lấp nhiều thì người dân địa phương khai thác thành ruộng lúa hay ruộng rau muống. 

Và, sau cuộc hội thảo về vai trò của dinh trấn Quảng Nam 3 tháng (2002), tôi đã có một chuyến đi thực tế tại làng Mỹ Xuyên xưa, nay thuộc thị trấn Nam Phước (có anh Dương Đức Quý, bấy giờ là Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện, chị Ngô Thị Lan là cán bộ của Phòng này và ông Nguyễn Xuân Lan, Hội trưởng Hội Người cao tuổi đi cùng). Tại thôn Tiệm Rượu, ở đoạn đối diện với cây số chỉ khoảng cách đi Hội An 17 km, đi Gò Nổi 8 km có một gò đất người địa phương gọi là Cồn Chùa, cạnh đấy có địa danh Nhà Quạt Trấn Thủ và một bàu nước rộng gọi là Bàu Tượng. Cách Cồn Chùa khoảng 500 m có hai địa danh Kho Lương (một nằm trong vườn nhà bà Huỳnh Thị Hòa, một nằm trong vườn ông Nguyễn Đình Toàn) và một địa danh nữa là Mả Voi. Ở địa phận thôn Xuyên Đông, cạnh đấy có một địa danh là Cồn Chiêm. Sự giải thích của người dân địa phương về các địa danh này đều liên quan đến thời chúa Nguyễn, như gọi là Kho Lương vì vốn ngày xưa có hai kho lương ở đấy. Gọi là Bàu Tượng vì ngày xưa voi của phủ chúa khi lấy lương tại kho lương thường xuống tắm. Gọi là Mả Voi vì ngày xưa có một con voi đến chở lương bị bệnh chết, người ta chôn gần kho lương. Riêng địa danh Nhà Quạt Trấn Thủ người địa phương không rõ vì sao lại gọi như vậy. Tôi đoán rằng có thể trước kia ở đó có nhà quan trấn thủ, về sau đọc chệch ra là nhà quạt trấn thủ chăng? Chếch về phía đông các địa danh này là chùa Hưng Phước (chùa có một số pho tượng cổ). Theo sư trụ trì Thích Huệ Thới, bấy giờ đã 84 tuổi cho biết thì xưa nó có tên là chùa Long Hưng. Cách chùa Hưng Phước chưa đến 1 km là chùa Long Phước. Cũng có ý kiến cho rằng: xưa kia xã Mỹ Xuyên vốn chỉ có một chùa là Long Hưng, nhưng về sau dân số đông đúc, Mỹ Xuyên phải chia tách hành chính thành hai xã mà chùa cũ đã đổ nát từ lâu nên mỗi xã khi dựng chùa đều lấy một chữ của chùa cũ làm kỷ niệm đặt cho chùa mới của xã mình. Nếu cách giải thích này là đúng thì cũng sẽ đúng với câu “dựng chùa Long Hưng ở phía đông trấn” trong sách Đại Nam thực lục. Và tại vùng Xuyên Đông này còn nhiều vệt bàu, ruộng trũng, dấu tích còn lại của sông Kẻ Thế/ suối Cống Ba như đã nói. Nó ở về phía nam của các địa danh Kho Lương, Mả Voi, Nhà Quạt Trấn Thủ hơn 500 m. Như vậy, đúng với chỉ dẫn của Lê Quý Đôn là từ Dinh Chiêm mà đi kinh lược vào phía nam thì phải qua sông Kẻ Thế.30 (xem đoạn trích bản đồ đính kèm). Những tài liệu chính sử và những dấu tích, địa danh trên thực địa như đã dẫn, cho thấy lỵ sở ban đầu của dinh Quảng Nam ở thời chúa Nguyễn được đặt tại phần đất huyện Duy Xuyên, cụ thể là các thôn Tiệm Rượu, Mỹ Hạt thuộc xã Mỹ Xuyên, nay thuộc địa bàn thị trấn Nam Phước cũng của huyện này. Còn với Thanh Chiêm, nó chỉ được chọn làm nơi đặt lỵ sở mới của dinh Quảng Nam ở thời triều Nguyễn, cụ thể là vào tháng 12 năm Gia Long thứ 6 (1807), không liên quan đến Cachão/ Cacham/ Cachàm gắn với việc ra đời của chữ Quốc ngữ ở thời các chúa Nguyễn. 

Chú thích: 

1, 2 Cristoforo Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621, Hồng Nhuệ - Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch, chú thích. (TPHCM: TPHCM, 1998), 74, 75-76. 

3. Văn bản bản nháp bức thư được cho là của Francisco de Pina gửi cho Cha Bề trên Jerómino Rodríguez, Khâm mạng các đoàn truyền giáo ở Nhật Bản và ở Trung Quốc, tại Ma Cao. Bản dịch của Roland Jacques, in trong tác phẩm Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học (cho đến năm 1650), (Hà Nội: Khoa học xã hội, 2007), 43-44. 

4. Dẫn theo: Nguyễn Thiện Giáp (chủ biên), Lược sử Việt ngữ học, Tập 1, (Hà Nội: Giáo dục, 2005), 114. 

5. Viện Khoa học Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, Alexandre de Rhodes: Từ điển Annam - Lusitan - Latinh (thường gọi Từ điển Việt - Bồ - La). (Hà Nội: Khoa học Xã hội, 1991), 3 (phần bản dịch). 

6. Dẫn theo Giáo sĩ Đắc Lộ và tác phẩm quốc ngữ đầu tiên, (Sài Gòn: Tinh Việt Văn Đoàn, 1961), XVIII. 

7, 8 Roland Jacques, Portuguese Pioneers of Vietnamese Linguistics Prior to 1650, (Bangkok: Orchid Press, 2002). 43, 44. 

9. Cristoforo Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621, Hồng Nhuệ - Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch, chú thích. (TPHCM: TPHCM, 1998), 13 Tên các đơn vị hành chính mà Borri phiên âm chính là Thuận Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên. 

10. Trong bài khảo cứu Đi tìm địa điểm và di tích của hai thành cổ Quảng Nam và Phú Yên đầu thế kỷ 17 đăng trong tập 1 Việt Nam khảo cổ tập san (Sài Gòn: Bộ Quốc gia Giáo dục, 1960), ông Phạm Đình Khiêm một mặt thận trọng mở ngoặc “chỉ luận thôi”, rằng làng Thanh Chiêm của huyện Điện Bàn chính là Cần Húc của huyện Duy Xuyên, để rồi đi đến xác định Thanh Chiêm chính là nơi đặt lỵ sở dinh Quảng Nam ở thế kỷ XVII, và chữ “Che Caim” Alexandre de Rhodes đã viết có nghĩa là người làng Thanh Chiêm, chữ “Cachao” Antonius Goan dùng là Thanh Chiêm, nhưng mặt khác ông cũng nói thêm là “dè dặt vì chưa giải thích được hai chữ Cần Húc, chưa tìm được chùa Long Hưng và ngay trên bản đồ của Alexandre de Rhodes cũng còn có nghi vấn”, cũng như tự nhận thấy “ghép Đại Nam thực lục với Đại Nam nhất thống chí, rồi để quyết làng Cần Húc, huyện Duy Xuyên, là làng Thanh Chiêm, huyện Diên Phước, đó là một quyết đoán chủ quan không có bằng cớ”. Thế nhưng, nhiều nhà nghiên cứu về sau không còn “luận” nữa, mà đã đi đến mặc định. 

11. PGS.TSKH. Lý Toàn Thắng (Chủ nhiệm đề tài), Những đặc trưng cơ bản của tiếng Quảng Nam và vị trí của nó trong việc hình thành chữ Quốc ngữ, 69. 

12. Ngô Văn Minh, “Về vị trí lỵ sở dinh Quảng Nam năm 1602”, Nghiên cứu lịch sử, Số 1 (332)/2004. Nhân đây tôi cũng xin tự đính chính là trong bài gửi tòa soạn tôi viết rằng tại cuộc Hội thảo khoa học về dinh trấn Quảng Nam tổ chức ngày 27.8.2002, về vị trí địa lỵ sở của dinh trấn này thì “hãy còn những ý kiến khác nhau. Nhưng tạm đi đến thống nhất là lúc đầu đặt tại địa bàn thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên hiện nay, sau mới chuyển sang địa phận Thanh Chiêm, xã Điện Phương thuộc huyện Điện Bàn (Tổng kết Hội thảo của GS. Trần Quốc Vượng)”. Thế nhưng, chẳng hiểu sao tòa soạn lại biên tập thành “đa số cho rằng lúc đầu dinh trấn Quảng Nam đặt tại địa bàn thị trấn Nam Phước huyện Duy Xuyên hiện nay, sau mới chuyển sang địa phận Thanh Chiêm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn”. (khổ đầu trang 67). Trong bài in còn bị mất một đoạn khi viết về sự thay đổi của con sông Kẻ Thế (khổ đầu trang 69) khiến cho đoạn văn khó hiểu. Khi nhận được tạp chí, tôi đã điện báo với Phó Tổng biên tập Nguyễn Thị Phương Chi, đề nghị cần đính chính. 

13. Trong cuốn sách Nguồn gốc chữ Quốc ngữ, tác giả Huỳnh Ái Tông đã dẫn ra các cách phiên âm danh từ Chàm, Kẻ Chàm của các giáo sĩ phương Tây vào thế kỷ XVII như sau: Trong bản tường trình đã dẫn Borri dùng chữ: Cacciam; trong bản phúc trình viết bằng chữ Bồ Đào Nha tại Áo Môn ngày 20.11.1621 để gửi về La Mã, linh mục João Roig dùng chữ Ca Cham. Trong lá thư cũng bằng tiếng Bồ Đào Nha gửi cho linh mục Nuno Mascarenhas ngày 16.6.1625, giáo sĩ Alexandre de Rhodes dùng chữ Cacham và chữ Dinh Cham; trong tài liệu viết bằng chữ Latinh tại Macassar ngày 4.6.1647 Alexandre de Rhode lại dùng chữ Ciam. Linh mục Antonio de Fontes người Bồ Đào Nha đến ở Đàng Trong năm 1624; trong bản tường trình bằng chữ Bồ gửi cho linh mục Mutio Vitelleschi là bề trên cả Dòng Tên ở La Mã vào ngày 1.1.1626 cũng dùng chữ Dinh Cham, có khi dùng chữ Digcham. 

Dẫn theo: http://vietsciences.free.fr/ Như vậy, các nhà truyền giáo phương Tây ở thế kỷ XVII không hề dùng chữ “Thanh Chiêm”. 

** Lẽ ra phải dịch là nơi hoàng tử làm trấn thủ như trong bản dịch của Hồng Nhuệ mới đúng. 

14. Dẫn theo Nguyễn Đình Đầu trong bài “Trấn Quảng Nam và công cuộc phát triển dân tộc về phương Nam”, Xưa và Nay, Số 100, Tháng 9/2001. 

15. Dẫn theo Phạm Đình Khiêm trong bài “Đi tìm địa điểm và di tích hai thành cổ Quảng Nam và Phú Yên đầu thế kỷ 17”, Việt Nam khảo cổ tập san, Tập 1, (Sài Gòn: Bộ Quốc gia Giáo dục, 1960), 83. 

16, 25 Lê Quý Đôn toàn tập, Tập I: Phủ biên tạp lục, (Hà Nội: Khoa học xã hội, 1977), 218, 116, 117. 

17. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên, Tập 1, (Hà Nội: Sử học, 1962), 714. Đoạn viết ở trên cho thấy trong thời các chúa Nguyễn không hề có chuyển lỵ sở từ Cần Húc sang Văn Đông hay Thanh Chiêm, bởi nếu có như vậy thì các tác giả Đại Nam thực lục đã viết là đến thời vua Gia Long “dời dinh lỵ Quảng Nam trở lại [chứ không phải tìm địa thế và dời đến] xã Thanh Chiêm. 

18. Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 13, (Huế: Thuận Hóa, 1993), 198, 199; Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Tập 2, (Huế: Thuận Hóa, 1992), 341, 383-384, 384. 

19. Đinh Khắc Thuân, “Địa danh hành chính Quảng Nam thế kỷ XV - XVII qua thư tịch cổ Trung Hoa và Việt Nam”, Tham luận tại Hội thảo khoa học Về vai trò lịch sử của dinh trấn Quảng Nam, tổ chức tại Tam Kỳ, ngày 27.8.2002. 

20. Nguyễn Khoa Chiêm, N am triều công nghiệp diễn chí, (Hà Nội: Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, 1977), 117. 

22. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên, Tập 1, (Hà Nội: Sử học, 1962), 42. 

23, 26 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (bản thời Tự Đức), 369-370, 360. 

24. Piere Poivre, Hồi ký về xứ Cochine, Nguyễn Phan Quang trích dịch và giới thiệu trên Nghiên cứu lịch sử, số 1 (254)/1991, 77. 

27, 29 Cao Xuân Dục, Lưu Đức Xưng, Trần Xáng, Đại Nam nhất thống chí, Quyển 5, (Quảng Nam: Nha Văn hóa - Bộ Quốc gia Giáo dục, Việt Nam Cộng hòa, 1964), 38, 39. 

28. Tài liệu đã dẫn, do Jos. M. PCĐ, Matheo LVT viết, 69-70. 

30. Lê Quý Đôn viết “qua sông đến Kẻ Thế” cũng có nghĩa là qua sông Kẻ Thế, vì tên đoạn sông cũng là tên vùng đất ở phía nam sông này. Và vì Lê Quý Đôn chỉ nói từ Dinh Chiêm đi vào phía nam nên ông không nhắc đến con sông ở phía bắc Dinh Chiêm (là sông Chợ Củi, tức sông chảy qua cầu Câu Lâu) nữa.

QUÁ TRÌNH TRUYỀN BÁ ĐẠO CÔNG GIÁO VÀO 
QUẢNG NAM TIỀN ĐỀ CHO SỰ RA ĐỜI CHỮ QUỐC NGỮ?

Võ Văn Hoàng 

Đạo Công giáo được truyền bá vào mảnh đất Quảng Nam khoảng 400 năm trước do những giáo sĩ người châu Âu phụ trách. Trong tư liệu truyền giáo của họ phần lớn đã ghi rõ những ngày tháng đi rao giảng đức tin. Điều này thuận lợi cho chúng ta khi khảo cứu quá trình hình thành của tôn giáo này ở Quảng Nam. Và cũng chính quá trình truyền giáo này đã cho ra đời một ngôn ngữ theo mẫu tự Latinh mà người ta gọi là chữ Quốc ngữ. Ngày nay, các nhà nghiên cứu chia sự hình thành và phát triển của chữ Quốc ngữ bắt nguồn từ ba nguyên nhân: [1] Do nhu cầu truyền đạo, các giáo sĩ phương Tây đã dùng mẫu tự Latinh để phiên âm tiếng Việt và sử dụng thứ chữ mới trong khuôn viên giáo đường; [2] Do nhu cầu cai trị nước ta, thực dân Pháp đã ứng dụng thứ chữ mới này trong quần chúng; [3] Do nhu cầu phổ cập giáo dục căn bản cho trẻ em Việt Nam, thực dân Pháp đưa chữ Quốc ngữ vào chương trình tiểu học từ năm 1924. 

Trong tham luận này, chúng tôi chọn “Quá trình truyền bá đạo Công giáo vào Quảng Nam - Tiền đề cho sự ra đời chữ Quốc ngữ” để làm đề tài nghiên cứu của mình. 

1. Đôi nét về vùng đất Quảng Nam 

Trong tiến trình lịch sử, vùng đất Quảng Nam ngày nay được tạo lập trên con đường phát triển về phía Nam của nhiều thế hệ người Việt. Quảng Nam là nơi còn lưu giữ nhiều dấu tích của nền văn hóa Sa Huỳnh và sau này là Champa (từ thế kỷ I đến thế kỷ IX). 

Đến năm 1306, sau sự kiện vua Chăm là Chế Mân đã dâng cho nhà Trần hai châu Ô, Lý làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân (Đại Việt) thì một năm sau, nhà Trần đổi tên hai châu Ô, Lý thành Thuận Châu và Hóa Châu. Từ đây mảnh đất Quảng Nam thuộc về Hóa Châu của Đại Việt. 

Bước sang thế kỷ XV, nhà Hồ lên ngôi thay cho nhà Trần. Năm 1402, Hồ Hán Thương sau khi đánh thắng Chiêm Thành đã sáp nhập vùng đất mang tên Chiêm Động (tức Quảng Nam ngày nay) vào bản đồ Đại Việt một cách hợp pháp. Dưới thời Hồng Đức, vua Lê Thánh Tông có ý định khôi phục lại bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa đã bị người Chăm chiếm lại dưới thời thuộc Minh (1407 - 1427). Ngày 7 tháng giêng năm Tân Mão (1471), nhà vua thân chinh dẫn hơn 1.000 chiến thuyền, 70 vạn tinh binh tiến đánh Chiêm Thành. Quân Chiêm tan vỡ, vua Chiêm là Trà Bàn cùng hơn 50 người trong hoàng cung và 3 vạn tù binh bị bắt sống. Tháng 6.1471, nhà vua lấy phần đất chiếm được, lập Thừa tuyên Quảng Nam đạo, tức thừa tuyên thứ 13 của quốc gia Đại Việt. Danh xưng Quảng Nam1 xuất hiện từ đây và tồn tại cho đến ngày nay. 

Năm 1558, Nguyễn Hoàng được vua Lê cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa. Năm 1570, ông kiêm lãnh Tổng trấn Thuận Hóa và Quảng Nam. Để củng cố thế lực chính trị và phát triển kinh tế trên vùng đất mới, Nguyễn Hoàng và những vị chúa sau ông đã ban hành nhiều chính sách nhằm thu hút thương nhân ngoại quốc đến Đàng Trong buôn bán. Thương thuyền các nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Trung Hoa, Nhật Bản,… đã đến Quảng Nam để giao thương, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa của cả xứ Đàng Trong. 

Trong khi đó, tình hình trên thế giới cũng có những chuyển biến tích cực, nhất là sau phát kiến địa lý vào cuối thế kỷ XV, các quốc gia ở phương Tây với nhiều đoàn thuyền khổng lồ ồ ạt tràn sang phương Đông để tìm kiếm thị trường, làm cho các hoạt động thương mại trên biển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng trở nên sôi động, lôi cuốn các nước phương Đông tham gia vào thị trường khu vực và thị trường thế giới đang hình thành, mà Việt Nam là một trong những nước nằm bên con đường thương mại quốc tế. Lúc này ở Đàng Trong, dưới sự dẫn dắt của các chúa Nguyễn, người Việt đã kế thừa những thành quả khai phá Chiêm cảng xưa của người Chăm và xây dựng Hội An (Quảng Nam) trở thành một đô thị thương cảng sầm uất, phát triển mạnh mẽ trong các thế kỷ XVII - XVIII. 

Đặc biệt năm 1567, chính quyền Trung Hoa đã bãi bỏ chính sách “bế quan tỏa cảng”, cho phép thuyền buôn vượt biển đến các quốc gia ở Đông Nam Á để buôn bán, nhưng cấm giao dịch với Nhật Bản. Vì cần một số mặt hàng của Trung Hoa như: tơ lụa, đồ sứ, chì, kali-nitrat,… nên chính phủ Nhật đã cử thương thuyền đến Đàng Ngoài, Đàng Trong (Việt Nam), Phnom Penh và Pinhalu (Campuchia), Ayutthaya (Siam) và Manila (Philippines),… nơi các thương nhân Trung Hoa thường đến mua bán để trao đổi hàng hóa. 

Để thuận tiện trong việc mua bán, được sự đồng ý của chúa Nguyễn, người Nhật tiến hành chọn đất và xây dựng khu phố của mình gọi là “Nhật Bản phố” cùng với “Đường Nhân phố” của thương nhân Trung Hoa. Năm 1618, giáo sĩ Dòng Tên người Ý là Cristoforo Borri đến Hội An, ông nhận thấy: “Thành phố ấy gọi là Faifo (Hội An), một thành phố lớn đến độ có thể nói là có đến hai thành phố, một phố của người Tàu, một phố của người Nhật. Mỗi phố có khu vực riêng, có quan cai trị riêng và sống theo tập tục riêng. Người Tàu có luật lệ và phong tục của người Tàu, người Nhật cũng vậy”.2 

Chính sự phát triển mạnh mẽ của cảng thị Hội An đã trở thành mảnh đất “màu mỡ” cho các nhà truyền giáo như Cristoforo Borri nhận xét: “Tất cả các nước phương Đông đều cho người châu Âu là những kẻ xa lạ và dĩ nhiên họ ghét mặt đến nỗi khi chúng ta vào lãnh thổ họ thì tất cả đều bỏ trốn. Thế nhưng trái lại ở xứ Đàng Trong, họ đua nhau đến gần chúng ta, trao đổi với chúng ta trăm nghìn thứ, họ mời chúng ta vào dùng cơm với họ. Tóm lại họ rất xã giao, lịch sự và thân mật đối với chúng ta. Điều này đã xảy ra với tôi và các đồng sự của tôi khi lần đầu tiên chúng tôi vào xứ này, người ta đã coi chúng tôi như những người bạn rất thân và như thể người ta đã quen biết chúng tôi từ lâu. Đó là một cánh cửa rất tốt đẹp mở ra cho các nhà truyền giáo của Chúa Kitô đến giảng Phúc âm”.3 

2. Quá trình truyền bá đạo Công giáo vào mảnh đất Quảng Nam 

Nhiều tư liệu hiện tồn cho biết, từ cuối thế kỷ XV, nhất là từ thế kỷ XVI, vùng Viễn Đông đã là nơi lui tới của nhiều đoàn thám hiểm, các thương nhân và giáo sĩ thuộc các dòng: Đa Minh, Phanxico, Augustino… đến từ phương Tây để buôn bán, truyền đạo. 

Quá trình truyền bá đạo Công giáo vào vùng đất Quảng Nam khởi đầu vào khoảng đầu thế kỷ XVII, nhưng đầu thế kỷ XVI đã có dấu vết của những nhà truyền giáo còn lưu lại ở Quảng Nam. Điển hình như năm 1523, ông Duarte Coelho (người Bồ Đào Nha) được sai làm sứ giả sang Đại Việt để điều đình một cuộc liên lạc thương mại giữa người Việt và người Bồ. Nhưng khi ông đến Thanh Hóa thì gặp lúc trong nước nội chiến, loạn lạc diễn ra khắp nơi, ông không còn hy vọng có thể gặp nhà vua để điều đình bèn rút lui và đã cho khắc cây thánh giá trên một phiến đá ở quần đảo Cù Lao Chàm (Hội An). Trên cây thánh giá có khắc chữ INRI (là những ký tự viết tắt cho câu viết tiếng Latinh: Iẽsus Nazarẽnus Rẽx Iũdaeõrum, nghĩa là: “Giêsu người Nazareth, Vua dân Do Thái”), tên của ông là COELHO và năm ông đến là 1523. Năm 1556, linh mục Fernam Mendez Pinto (1515 - 1583)4 đã nhìn thấy cây thánh giá này. Khi ông qua đời vào ngày 8.7.1583, trong cuốn sách Perigrinaçam de Mendez Pinto do ông viết in tại Lisböa năm 1614 có ghi lại sự kiện này. Sau này, trong tác phẩm Lịch sử Giáo hội Công giáo của Bùi Đức Sinh, khi nhắc đến chuyến đi của một số giáo sĩ tại Philippines năm 1596 đã cho biết: “… Đoàn tàu rút lui dọc theo bờ biển ra Quảng Nam thuộc quyền chúa Nguyễn. Từ đàng xa trông lên ngọn đồi gần Cửa Hàn, một thánh giá to lớn dựng trên”. 5 Đến nay, trải qua nhiều thế kỷ, cây thánh giá này không còn nữa. 

Có thể thấy rằng, qua hình tượng cây thánh giá được dựng lên ở quần đảo Cù Lao Chàm phần nào cho chúng ta thấy, đạo Công giáo đã xuất hiện trên vùng đất Quảng Nam. Sau đó, Công giáo xuất hiện ngày càng rõ ràng hơn.  

Linh mục Philipphê Bỉnh trong Truyện nước Nam, Đàng Ngoài chí Đàng Trong viết: “Ngày 24.6.1549, Thánh Phanxicô Xaviê từ Malacca (thủ phủ Mã Lai) xuống tàu của người Đại Minh (Trung Hoa), cùng đem đi với mình hai thầy dòng và một người giúp việc,… Khi ngang qua Quảng Nam, gặp phong ba bão táp một ngày một đêm, các hàng hóa phải ném xuống biển, tàu thì dạt vào đất Quảng, không chạy được nữa, vì dập gãy giống nọ giống kia nên phải sửa chữa lâu ngày,… ấy vậy, Thánh Phanxicô Xaviê đã đến đất An Nam Đàng Trong, dù chẳng có giảng vì có ý sang Nhật, song đã đến nước ta”.6 

Việc các nhà truyền giáo nước ngoài đôi khi dừng chân giảng đạo tại Đàng Trong hoặc là ngẫu nhiên, hoặc chỉ có tính chất thăm dò mà chưa đạt được kết quả gì đáng kể. Tuy nhiên, đó cũng là những cột mốc đáng nhớ và có thể có những ảnh hưởng nhất định đối với quá trình truyền giáo của các thừa sai thời kỳ sau này.7 

Ở Quảng Nam dưới thời Nguyễn Hoàng, từ sau khi người Bồ Đào Nha lập trụ sở thương mại ở Áo Môn (Ma Cao)8 thì liên lạc thương mại giữa Áo Môn và cửa Hàn, cửa Hội An tiến triển đều đều. Thường các thương nhân người Bồ đến Quảng Nam buôn bán đều có mang theo một vài vị thừa sai. Trong thời gian người Bồ ở lại buôn bán, các linh mục cũng tìm dịp truyền giáo cho người Việt ở khu cảng. Nhưng vì thiếu tổ chức nên công cuộc truyền giáo đã không đạt được kết quả như mong muốn. 

Đến năm 1580, hoạt động truyền giáo ở Quảng Nam được miêu tả: “Năm 1580, hai nhà truyền giáo Đa Minh khác: Grégoire de Motte người Pháp và Luis de Fonséca người Bồ Đào Nha cũng từ Ma Cao vào Chân Lạp. Hai cha đã giảng đạo không những cho dân Miên mà còn cho cả dân Chiêm và Việt ở Quảng Nam nữa”.9 

Từ những cứ liệu trên bước đầu cho phép chúng ta khẳng định, Công giáo bằng nhiều cách đã có mặt tại vùng đất Quảng Nam từ những năm cuối của thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Nhưng phải đến ngày 18.01.1615, khi trung tâm truyền giáo của Bồ Đào Nha cử ba tu sĩ Dòng Tên là linh mục Francesco Buzomi10, linh mục Diego Carvalho11 và tu huynh António Dias12 từ Áo Môn đến Đàng Trong đảm nhận việc thành lập giáo hội mới gọi là Giáo hội Đàng Trong thì việc truyền bá đạo Công giáo vào Quảng Nam mới được coi là thực sự bắt đầu. Linh mục Đỗ Quang Chính cho rằng, đây “có lẽ là một nhóm nhỏ, công việc mới chỉ là khởi đầu, gần như là thăm dò, thử nghiệm”.13 

Việc trung tâm truyền giáo của Bồ Đào Nha cử ba giáo sĩ đến Đàng Trong không thể không liên quan đến một sự kiện xảy ra tại Nhật Bản vào tháng 01.1614. Đó là Nhật hoàng ban sắc lệnh trục xuất các nhà truyền giáo châu Âu và cấm thần dân của mình theo Công giáo. Đây là lần cấm đạo thứ ba của Nhật hoàng (hai lần trước là vào ngày 25.7.1587 và 19.10.1596), và cũng là lần cấm đạo gay gắt, dữ dội nhất. Nguyên nhân là để tranh thương với người Bồ, đồng thời làm cản trở hoạt động truyền giáo của Giáo hội Công giáo, những lái buôn người Hòa Lan, theo Thệ phản giáo, đã tìm cách ảnh hưởng đến Nhật hoàng, gây nghi ngờ hoang mang để rồi xúi giục cấm đạo. Họ làm cho Nhật hoàng tin rằng các cố đạo là tay sai của đế quốc Bồ, nấp dưới danh nghĩa truyền giáo, các cố đạo do thám và tổ chức nội công cho việc thôn tính nước Nhật của hoàng đế Bồ trong nay mai. Tin lời, Nhật hoàng liền ra lệnh trục xuất tất cả thừa sai ngoại quốc, mở đầu một cuộc bách hại đẫm máu kéo dài gần nửa thế kỷ. Hàng ngàn Kitô hữu Nhật Bản bị giết và cho đến cuối năm 1614, hầu như các nhà thờ Kitô giáo của Nhật Bản đều bị đóng cửa và phá hủy hoàn toàn. Trước tình hình đó, các nhà truyền giáo châu Âu cùng với nhiều giáo dân Nhật một số trở về trung tâm truyền giáo ở Áo Môn, số khác phải rời khỏi Nhật tìm nơi lánh nạn. Trong Lịch sử Giáo hội Công giáo Nhật Bản còn ghi rõ về những cuộc ra đi này: “Ngày 7 và 8.11, cha Tổng đại diện Carvanho cùng với 62 thừa sai Dòng Tên (33 linh mục và 29 tu huynh), một linh mục triều người Nhật và một nhóm gồm chủng sinh lẫn dojiuku lên một chiếc tàu rất lớn của Bồ Đào Nha và một chiếc thuyền buồm để đi Ma Cao. Hai thuyền buồm khác chở 23 thừa sai Dòng Tên, 4 thừa sai Dòng Phanxicô, 2 thừa sai Dòng Đa Minh, 2 thừa sai Dòng Augustinô và một linh mục người Nhật đi Manila”. Hai điểm đến chủ yếu đối với các giáo sĩ lúc bấy giờ là Ma Cao và Manila, tuy nhiên các trụ sở ở hai nơi này nhất thời không thể dung nạp hết những nhà truyền giáo cùng với cộng đồng các tín đồ Công giáo người Nhật rời bỏ quê hương, họ bèn phải tìm đến lánh nạn ở những nơi gọi là Nihon-machi (tức những đô thị Nhật Bản ở Đông Nam Á)14 - có giáo sĩ phương Tây cư trú Pinhalu và Phnom Penh ở Campuchia (1618); Ayutthaya ở Siam (1622), Dilao và Samiguel ở Philippines (1603),… nơi đó họ được an ủi phần hồn của mình. 

Trước tình hình đó, ông Ferdinand Costa - Thuyền trưởng có tên tuổi vùng Đông Ấn, đến gặp các cha ở Áo Môn. Ông vừa ở xứ Đàng Trong về, trình bày những hy vọng đầy phấn khởi của một cuộc truyền giáo rất có thể ở xứ đó. Ông cũng không quên nhấn mạnh về tính tình dễ dãi của người dân xứ Nam: “họ đối xử tử tế và nhã nhặn với tất cả các ngoại kiều đến buôn bán ở đó, để cho ai nấy được tự do theo lối sống riêng của nước mình”. Chính vua xứ đó cũng ủy nhiệm cho ông khi trở về Áo Môn tìm cách dẫn dụ các thừa sai đến ở xứ Nam và ông yêu cầu các cha “đừng từ chối lời yêu cầu chính đáng đó và lợi dụng thời cơ thuận tiện làm ích cho giáo hội”.15 

Khi hay tin đó, trung tâm truyền giáo rất vui mừng bèn cử ba vị thừa sai đến Việt Nam. Ngày 6.01.1615, tàu nhổ neo từ Áo Môn hướng đến Đàng Trong. 12 ngày sau tàu cập Cửa Hàn (Đà Nẵng: 18.01.1615).16 Tại đây, do ngôn ngữ bất đồng, khi nói chuyện phải thông qua phiên dịch, nhưng cha Buzomi bằng nhiều cách cũng cho dựng lên ở Cửa Hàn một nhà nguyện. Sau đó, họ đến dinh trấn Quảng Nam, nơi đây do hoàng tử Nguyễn Phúc Kỳ làm trấn thủ. Tại Hội An, cha làm thánh lễ với 10 người tân tòng và được chúa Sãi ban cho một tờ chiếu đóng dấu đỏ của triều đình cho phép cha được tự do truyền giáo trong khắp xứ Đàng Trong, lại còn nhượng đất cho cha làm nhà ở và nơi cư trú. Hàng ngày cha ra chỗ công chúng, giảng tin lành cho dân chúng. Công cuộc truyền giáo của cha đạt kết quả, chỉ trong năm 1615, số người theo đạo đã lên đến 300. 

Đầu năm 1616, bề trên tỉnh dòng ở Áo Môn sai cha Andrea Fernandez (người Bồ Đào Nha) sang thay thế cho cha Diego Carvalho được gọi về để tìm đường sang Nhật. Được biết công cuộc truyền giáo ở Quảng Nam thu được nhiều kết quả và hứa hẹn nên năm 1616, Áo Môn lại tiếp tục cử đến Hội An linh mục Manuel Barreto và năm 1617 là linh mục Francisco de Pina17 để giúp cha Buzomi mở rộng địa bàn truyền giáo. Với tư cách là một nhà truyền giáo, Alexandre de Rhodes đã từng sinh sống ở Hội An (1624 - 1627), sau đó được chuyển ra Bắc để thiết lập giáo đoàn Đàng Ngoài (1627 - 1630) đã nhận xét về hai cha: “Cả hai đều là những thợ làm việc không bao giờ biết mệt mỏi. Sau ít lâu đã thu được kết quả rất đặc biệt nơi các dân ở đây”.18 

Trước tình hình thuận lợi đó, từ Ma Cao lại gửi tiếp sang Đàng Trong thêm nhiều giáo sĩ khác. Chỉ trong năm 1618 có đến bốn linh mục là Cristoforo Borri (người Ý), António Fernandez (Bồ Đào Nha), Miguel Maki (Nhật) và Pedro Marques (Bồ Đào Nha). Trong đó, Cristoforo Borri là người học tiếng Việt rất nhanh chóng. 

Lúc này ở Hội An, số người Nhật đến buôn bán mỗi ngày một đông, nhiều khi tới hàng ngàn người. Năm 1619, Áo Môn cũng sai một phái đoàn sứ giả sang Đàng Trong để thắt chặt thêm tình liên lạc, yêu cầu chúa Nguyễn bảo vệ tự do truyền giáo của các thừa sai. Sứ giả được chúa Nguyễn tiếp đón niềm nở, ban cho các cha một tờ chiếu đóng dấu son đỏ do chính tay chúa phê để các cha tự do đi lại truyền giáo, nếu ai cản trở sẽ bị nghiêm phạt.19 

Đến năm 1620, Áo Môn lại tiếp tục cử hai tu huynh: José Tsuchimochi và Paulo Säito (người Nhật) đến Đàng Trong. Năm sau, Áo Môn lại cử tiếp hai linh mục là Manoel Fernandez (Bồ Đào Nha), Romäo Nishi (Nhật) và tu huynh Domingos Mendes (Áo Môn). Đến năm 1622 lại cử linh mục Emmanuel Borges (Bồ Đào Nha). Đặc biệt năm 1624, Áo Môn cử đến Đàng Trong bảy linh mục, trong đó có giáo sĩ Alexandre de Rhodes20, người đã có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng nền móng cho Giáo hội Công giáo La Mã ở Việt Nam và cả sự hình thành chữ Quốc ngữ Việt Nam sau này. Khi đến Đàng Trong, Alexandre de Rhodes đã chú ý đến hiện tượng có rất nhiều tín đồ Công giáo Nhật Bản di cư đến Hội An. Theo ông: “Hoàng đế Nhật đã cấm hết công dân phải bỏ việc thương mại vì biết có rất nhiều giáo dân, kể từ năm 1614 bắt đầu có sắc lệnh cấm đạo, người Nhật đã kéo nhau đi lũ lượt, nhất là vào mùa chay và cả ngoài mùa này nữa, mỗi năm ba hay bốn lần, để được xưng tội với các Cha dòng biết tiếng Nhật và nhận lễ ban thánh thể và mỗi lần ba hay bốn chiếc thuyền. Họ đi tự do, lấy cớ buôn bán. Và cứ thế gần mười năm nay họ vẫn tiếp tục ra đi và rất mãn nguyện vì được an ủi về phần hồn”. 21 

Từ năm 1625 đến năm 1773, Áo Môn cử đến Đàng Trong thêm 55 vị thừa sai, thuộc các quốc tịch khác nhau. Như vậy, kể từ năm 1615 đến 1773, trong vòng 158 năm, không kể người Việt thì tổng số giáo sĩ Dòng Tên người nước ngoài đến truyền giáo ở Đàng Trong là 77 người.22 

Mặc dù vậy, khác với các tôn giáo khác như Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo, quá trình xâm nhập và phát triển của Công giáo vào Quảng Nam gặp rất nhiều trở ngại, khó khăn. Bởi trước hết nó là tín ngưỡng của người phương Tây, hơn nữa ở đây có sự khác biệt sâu sắc giữa tín ngưỡng tôn giáo, nếp sống văn hóa, ý thức hệ của người Việt Nam đối với tôn giáo này. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác nên việc truyền bá Công giáo ở Quảng Nam gặp không ít khó khăn do chính sách cấm đạo, diệt đạo của các chúa Nguyễn. Tuy nhiên, quá trình truyền đạo Công giáo buổi ban đầu cũng đã để lại dấu ấn đậm nét, đó là tiền đề cho sự ra đời chữ Quốc ngữ của người Việt Nam. 

3. Tiền đề cho sự ra đời chữ Quốc ngữ 

Từ thế kỷ XVI, các giáo sĩ phương Tây bắt đầu đến truyền giáo tại nước ta. Lúc đầu, họ thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, theo các dòng tu khác nhau cũng như thuộc nhiều giáo phận khác nhau, trong đó đông nhất là các giáo sĩ Dòng Tên. 

Các nhà truyền giáo muốn đến Đại Việt họ phải đi bằng thuyền, và mảnh đất Đàng Trong là nơi họ đặt chân lên đầu tiên. Muốn giảng đạo, họ không đến rồi đi liền mà phải ở lại sống chung với dân chúng. Muốn thế đầu tiên các giáo sĩ phải học nói tiếng Việt để giao tiếp hằng ngày. Tập nói để hiểu được người Việt và làm sao nói cho người Việt hiểu được mình, các giáo sĩ mới có thể bắt đầu truyền đạo. Khi truyền đạo, họ không phải chỉ nói, mà còn dùng kinh sách để giảng giải. Ngoài kinh sách bằng chữ Latinh, các giáo sĩ có thể sẵn có Thánh kinh bằng chữ Hán do các cơ sở ở Ma Cao cung cấp. Tuy nhiên ít người trong dân chúng biết chữ Hán, nhất là ở các vùng nông thôn vốn nghèo khổ, ít học. Vì vậy, để truyền đạo cho người Việt, các giáo sĩ phải viết kinh sách bằng tiếng Việt. 

Buổi ban đầu, do ngôn ngữ bất đồng, nhờ biết tiếng Trung Hoa và Nhật Bản nên các giáo sĩ có thể giao thiệp với người Trung Hoa và Nhật Bản, đồng thời phải nhờ các thông dịch viên - có thể là những người Nhật ở Hội An - để giao tiếp với người Việt? Trong khi đó, những thương nhân người Nhật đến Đàng Trong buôn bán, đi theo mùa nên vốn tiếng Việt cũng còn khá hạn chế. Do đó, dịch những từ ngữ của Kitô giáo lại rất khó khăn, đòi hỏi những nhà truyền giáo phải tự mày mò học tiếng Việt. 

Theo linh mục Cristoforo Borri, khi ông đến Đàng Trong năm 1618. Trong quá trình ở lại Đàng Trong, ông tiếp xúc với người dân nơi đây và ông nhận xét rằng, ngôn ngữ của người Đàng Trong cũng giống ngôn ngữ người Trung Hoa, họ chỉ dùng những từ có một vần nhưng đọc và xướng lên với nhiều cung và giọng khác nhau, nhưng có sự khác biệt vì tiếng Đàng Trong phong phú hơn và dồi dào hơn về nguyên âm, vì thế dịu dàng và êm ái hơn. Họ có tai sành âm nhạc và có khả năng phân biệt các cung giọng và các dấu khác nhau. Đặc biệt tiếng Việt dễ hơn các tiếng khác vì không có chia động từ, không có biến cách các danh từ nhưng chỉ có một tiếng hay lời rồi thêm vào một phó từ hay đại từ để biết về thời quá khứ, hiện tại hay vị lai, về số ít hay số nhiều. Tóm lại là thay thế cho tất cả những biến cách và cho tất cả các thì, tất cả những ngôi và những sự khác liên quan tới số và biến cách. Và trong sáu tháng chuyên cần học hỏi, ông có thể học được đủ để nói chuyện với họ và giải tội được nữa tuy chưa được tinh thông lắm, vì thực ra muốn học cho thành thạo thì phải mất bốn năm.23 Không biết chữ Quốc ngữ được các giáo sĩ sử dụng từ khi nào, nhưng vào cuối tháng 12 năm 1624, khi Alexandre de Rhodes tới Đàng Trong ông đã có nhận định: “Tôi thấy cha Fernandez và cha Buzomi phải dùng thông ngôn để giảng, chỉ có cha Francisco de Pina không cần thông ngôn vì nói rất thạo. Tôi nhận thấy bài ngài giảng có ích nhiều hơn bài của các vị khác”.24 

Theo bức thư bằng tiếng Bồ Đào Nha của cha Francisco de Pina viết tại Đàng Trong vào năm 1622 - 1623 gửi cha Giám sát Dòng Tên hai Tỉnh dòng Nhật - Hoa là Jerónimo Rodrigues “senior” thì vào năm đó, linh mục Buzomi còn phải dùng thông dịch viên: “Tại Pulo Cambi (đúng ra là Nước Mặn), cha Buzomi có ba ông sãi làm thay cha hết mọi việc. Vì thế, nếu xảy ra chuyện gì hoặc có công việc phải điều hành hay phải chuyển tin tức quan trọng, cha phái một thông dịch viên hay một trong ba ông sãi; giờ dạy giáo lý xong là cha rút lui và những người trên đây thì còn ở lại, để ôn bài học cho các dự tòng, hoặc để nói chuyện với họ. Nhưng còn về phần con (Pina), con phải làm hết mọi công việc và bởi vậy con cảm thấy mình khá mòn mỏi, kiệt lực, kiệt sức và tàn tạ trong mọi sự”.25 

Cũng theo bức thư trên của Pina, khoảng năm 1622, cha bề trên ở Hội An là Manoel Fernandez (người Bồ Đào Nha, đến Đàng Trong năm 1621) tập trung cho việc học tiếng Việt, nhưng ngay từ đầu cha Fernandez đã tỏ ra thất vọng vì tiếng Việt là tiếng âm giọng như âm nhạc, do đó cần phải biết xướng âm thì mới học được. Cha Fernandez phải nhờ một người Việt tên thánh là Anrê tập cho phát âm mỗi ngày hai lần nhưng xem ra cha cũng khó mà phân biệt nổi các dấu thanh trong tiếng Việt. Cha Fernandez cũng không nhờ Pina chỉ dẫn, chỉ khi nào người thanh niên giúp việc trong nhà cha không hiểu một từ thì cha bảo đi hỏi cha Pina. Cha Fernandez cũng không phân biệt được dấu thanh trong tiếng Việt cho nên khi cha nói lên một tiếng hay không nói thì cũng như nhau. Bởi vậy, bổn đạo ở Kẻ Chiêm (Thanh Chiêm) lấy làm bỡ ngỡ vì cha Fernandez học một năm rồi mà chẳng biết gì hơn.26 Còn linh mục Francisco de Pina đến Đàng Trong năm 1617, đến năm 1620 đã thông thạo tiếng Việt, và từ đầu năm 1625 ông là thầy dạy tiếng Việt cho linh mục Alexandre de Rhodes và António de Fontes ở dinh trấn Thanh Chiêm. Đồng thời ông còn mò mẫm soạn sách chữ Quốc ngữ a b c: “Phần con đã soạn thành một tập nhỏ về chính tả và các dấu thanh của tiếng này (Việt), và con đang bắt tay vào việc soạn ngữ pháp. Dù con đã thu tập được nhiều truyện thuộc các loại khác nhau giúp cho những trích dẫn thêm giá trị, hầu xác quyết được ý nghĩa của từ ngữ và quy luật ngữ pháp; tuy nhiên, cho đến nay con vẫn phải nhờ người ta đọc cho con những truyện đó để con viết sang chữ Bồ Đào Nha, ngõ hầu anh em chúng ta (Giêsu hữu) có thể đọc và học thuộc lòng như học Cicero hay Virgilio. Đàng khác, con đã có ba bộ sách gồm nhiều văn bản thích hợp, đó là những bộ sách trong các sách tốt hơn cả con thấy trong vương quốc này”.27 

Có thể thấy, vào năm 1620 chỉ có cha Pina là người thông thạo, soạn sách giáo lý và dạy giáo lý bằng tiếng Việt ở nhà thờ Hội An mỗi khi cha ở đó, bởi cha thường đi đi về về giữa Hội An và Nước Mặn (Bình Định). Chẳng hạn khoảng giữa năm 1618, cha Pina đi Nước Mặn, rồi khoảng đầu năm 1620 cha trở về Hội An, rồi đầu năm 1621 cha lại đi Nước Mặn, đến cuối năm 1621 cha lại về Hội An. Đến năm 1623, cha đi lập cư sở ở Thanh Chiêm (Điện Bàn, Quảng Nam). Trong bản tường trình hàng năm do linh mục João Roiz soạn bằng tiếng Bồ Đào Nha gửi về cho Bề trên của Dòng Tên ở La Mã cho biết: “Cha (Pina) là người biết tiếng (Việt), nên mỗi khi ở tại Faifo (Hải Phố: Hội An), hàng ngày cha đều dạy giáo lý cho các em bé trong nhà thờ của chúng ta”.28 

Nhờ biết tiếng Việt nên ngay từ năm 1620, các tu sĩ Dòng Tên ở Hội An đã soạn thảo một sách giáo lý bằng “chữ Đàng Trong” (tức là chữ Nôm). Cuốn sách này vì soạn bằng chữ Nôm nên chắc phải có sự cộng tác của người Việt. Linh mục Đỗ Quang Chính trong Lịch sử chữ Quốc ngữ cho rằng: “Chúng tôi tưởng cuốn này cũng được viết bằng chữ Việt mới nữa (chữ Quốc ngữ ngày nay) mà người có công soạn thảo là linh mục Francisco de Pina vì lúc đó chỉ có ông là người Âu châu thạo tiếng Việt nhất. Chúng tôi đoán rằng cuốn sách này không được in (in theo kiểu Việt Nam thời đó), mà chỉ chép tay. Có lẽ lúc ấy người Công giáo ở Hội An, Quảng Nam,… chép tay bản chữ Nôm để dùng, còn các nhà truyền giáo lại chép sang mẫu tự a, b, c. Nếu đúng thế thì đây là cuốn sách Việt Nam đầu tiên bằng mẫu tự La tinh. Tiếc rằng ngày nay không còn thấy cuốn giáo lý trên dầu là bản chữ Nôm hay chữ Quốc ngữ”.29 

Cuối tháng 12.1624, Alexandre de Rhodes tới Đàng Trong và ở tại Thanh Chiêm để học tiếng Việt. Sau hơn một năm ở Đàng Trong, ông đã học tiếng Việt rất nhanh và có thể giải tội được. Ông thú nhận rằng: “Đối với tôi, thú thật vừa tới Đàng Trong và nghe dân xứ này nói, nhất là phụ nữ, tôi tưởng như nghe chim hót và tôi không bao giờ mong có thể học được. Hết các tiếng đều độc vận và chỉ phân biệt ý do nhiều giọng nói khác nhau. Một chữ như ‘đại’ chẳng hạn, có tới hai mươi ba nghĩa hoàn toàn khác nhau, do cách đọc khác nhau, vì thế khi nói thì như ca như hát... Căn cứ vào đó thì thấy học thứ ngôn ngữ này không phải là dễ”.30 Dù vậy, ông vẫn cố gắng học vì theo quan niệm của đường lối truyền giáo thích ứng và nhập thể của ông, mà các linh mục như Ruggieri và Ricci là những người mở đường thì học hỏi tiếng nói là một điều kiện tối cần để truyền giáo có kết quả và giúp hiểu sâu xa phong tục văn hóa của người dân, mong sau này có thể dùng làm bánh xe truyền giáo. Ông được cha Pina dạy và ông còn cho biết, ông còn học tiếng Việt với một em bé 13 tuổi tên là Raphaël Rhodes. Nhờ em nhỏ này mà sau ba tuần lễ ông đã biết phân biệt các thứ thanh của tiếng Việt và cách phát âm mỗi tiếng. Sở dĩ ông làm chủ được tiếng Việt mau chóng vì ông có tài về ngôn ngữ, chuyên chăm học tiếng Việt như trước kia cũng đã chăm chỉ với môn Thần học ở Roma; và vì thấy cha Pina nói được tiếng Việt nên lời giảng mới có hiệu lực hơn hẳn các cha kia. 

Alexandre de Rhodes không phải là người châu Âu đầu tiên học tiếng Việt, cũng không phải là người đầu tiên sáng tác chữ Quốc ngữ. Thật ra trong giai đoạn hình thành chữ Quốc ngữ, ông chỉ góp một phần trong công việc quan trọng này, mà rõ rệt nhất là soạn sách chữ Quốc ngữ và cho xuất bản đầu tiên cuốn Dictionarium Annamitcum Lusitanum et Latinum31 (Từ điển Việt - Bồ - La) và cuốn Catechismus pro ijs, qui volunt suscipere Baptismum, in octo dies divisua32 (Giáo lý dành cho những ai muốn chịu Phép rửa, chia ra tám ngày - Phép giảng tám ngày). 

Nếu như học nói thì không cần chữ nghĩa, nhưng kinh sách thì phải có chữ nghĩa. Không thể dùng chữ Nôm để viết tiếng Việt, các giáo sĩ ký âm thẳng tiếng Việt bằng mẫu tự Latinh, rồi mới dùng thứ chữ mới ký âm này để viết sách giáo lý bằng tiếng Việt. Mẫu tự Latinh chỉ gồm 24 chữ cái, có thể dùng để lắp ghép thành các từ ngữ trong tiếng Việt, nên thứ chữ mới này giản dị, dễ học, dễ viết, dễ sử dụng, dễ truyền bá. 

Có thể nói, chữ Quốc ngữ ngày nay là một thứ chữ đã được nhiều giáo sĩ Dòng Tên ở Việt Nam, với sự trợ giúp “âm thầm” của một số thầy giảng người Việt đã sáng tạo ra vào thế kỷ XVII. Sự hình thành Quốc ngữ không phải do công sức cá nhân của một giáo sĩ, mà là công sức tập thể của nhiều giáo sĩ thuộc nhiều quốc gia khác nhau, nhiều thế hệ khác nhau, đã đến truyền đạo Công giáo tại Việt Nam. Nói một cách tổng quát thì trong quá trình học hỏi trực tiếp với người Việt, họ đã dùng mẫu tự Latinh rồi dựa vào phần nào của chữ Bồ Đào Nha, Ý và mấy dấu Hy Lạp để làm thành chữ mà chúng ta đang dùng. Chú thích: 

1. Về phương diện ngữ nghĩa, Quảng: mở rộng; Nam là về phương nam, hướng nam, một sự lựa chọn, một định hướng mang tính chiến lược về tầm nhìn xa, xu thế phát triển, mang ý nghĩa quyết định vận mệnh sống còn của quốc gia Đại Việt trên vị trí địa lý một bên là núi non cao ngất, hiểm trở, một bên là đại dương mênh mông. Hai tiếng Quảng Nam hàm chứa một ý nghĩa lịch sử trong quá trình khai mở đất đai về phương Nam, đó là một khái niệm thường được dùng tương đối phổ biến là “cuộc Nam tiến của dân tộc”. 

2, 3, 22 Cristoforo Borri. Xứ Đàng Trong năm 1621 (Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch và chú thích). (TPHCM: TPHCM, 1998), 92, 49, 74-76. 

4. Fernam Mendez Pinto (1515 - 1583), người Bồ Đào Nha. Năm 1554, sau nhiều lần vượt đại dương, Pinto vào tu trong Dòng Tên ở Goa, nhưng năm 1556, ông xuất tu khi chưa hoàn thành hai năm tập sinh và ngay trong năm đó, trong cuộc hành trình từ Goa qua Malacca trên đường đi Nhật Bản, tàu ông đã ghé lại Cù Lao Chàm. Sở dĩ Coelho có dịp ngừng tại Cù Lao Chàm là vì ông được Phó vương Bồ Đào Nha tại Goa phái đến Thăng Long để lập quan hệ thương mại với nhà cầm quyền Việt Nam, nhưng không thể tiếp xúc được, vì lúc ấy tình hình Việt Nam rối loạn do Mạc Đăng Dung nổi dậy chống lại vua Lê Chiêu Tông. Hình như Coelho chỉ mới tới bờ biển Bắc Bộ thì phải quay đầu về, và trên đường về, Coelho đã cho khắc cây Thánh giá kỷ niệm chuyến đi hụt này [Đỗ Quang Chính, Hai giám mục đầu tiên tại Việt Nam, (Hà Nội: Tôn giáo, 2008), 6]. 

5, 9 Bùi Đức Sinh, Lịch sử Giáo hội Công giáo. (Sài Gòn, 1972), 354-355, 358. 

6. Philipphê Bỉnh, Truyện nước Nam, Đàng Ngoài chí Đàng Trong, Quyển II, (Bản viết tay). Kẻ Chợ, 1822), 31. 

7, 14 TS. Đoàn Triệu Long, Giáo phận Đà Nẵng và những vấn đề hiện tại, (Hà Nội: Chính trị quốc gia, 2011), 18, 19-20. 

8. Áo Môn là một trung tâm truyền giáo của các thừa sai Dòng Tên, nhưng trước hết Áo Môn là một khu cảng, trung tâm thương mại của người Bồ Đào Nha. Hàng hóa từ Bồ Đào Nha được chở sang Goa (Ấn Độ) rồi chuyển qua Áo Môn để rồi phân phát đi Nhật, Việt Nam, Cao Miên, Philippines và nội địa Trung Hoa. 

10. Francesco Buzomi (1575 - 1639) sinh năm 1575 hoặc 1576 tại Napoli (Ý). Gia nhập Dòng Tên ngày 2.9.1592. Lên tàu đi Goa năm 1609, từ đó đến Áo Môn. Ở Đàng Trong từ năm 1615 đến năm 1639. Qua đời tại Áo Môn vì bệnh ngày 01.7.1639. 

11. Diego Carvalho (1578 - 1624), sinh năm 1578 tại Coїmbra (Bồ Đào Nha). Gia nhập Dòng Tên hồi 19 tuổi. Năm 1600 đi Goa, năm sau tới Áo Môn. Tại đây bắt đầu học Latinh, triết và thần học. Năm 1609 đến Nhật truyền giáo cho tới khi bị trục xuất vào tháng 11.1614. Ở Đàng Trong được 1 năm (1615 - 1616). Sau đó lại bí mật vào Nhật, tử đạo tại Sendai (Nhật) ngày 22.2.1624. 

12. António Dias (1585 - ?), sinh năm 1585 tại Ega (Bồ Đào Nha). Gia nhập Dòng Tên tại Áo Môn năm 1607. Đến Đàng Trong năm 1615. Rời Đàng Trong có lẽ năm 1639 để về lại Áo Môn. Không biết qua đời năm nào, ở đâu? 

13. Đỗ Quang Chính SJ., Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615 - 1773, (Hà Nội: Tôn giáo, 2008), 20. 

15, 19 Linh mục Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, Quyển I, (Sài Gòn: Hiện Tại, 1959), 49-50, 68. 

16. Đây là ngày Giáo hội Việt Nam coi cuộc truyền giáo “chính thức” mở ra ở Việt Nam (18.01.1615), mặc dù trước đó đã có những “dấu vết” Tin Mừng ở vùng đất Quảng Nam. 

17. Francisco de Pina (1585 - 1625), sinh năm 1585 tại Guarda (Bồ Đào Nha). Tháng 2 hoặc 3.1605 gia nhập Dòng Tên. Năm 1608 đi Goa học tiếp. Đến Đàng Trong năm 1617. Pina là Giêsu hữu đầu tiên thông thạo tiếng Việt. Chết đuối ở hải phận Hội An ngày 15.12.1625. 

18, 24, 30 Alexandre de Rhodes, Hành trình và truyền giáo, (TPHCM: Ủy ban Đoàn kết Công giáo TPHCM, 1994), 52, 55, 55. 

20. Alexandre de Rhodes (1593 - 1660), sinh ngày 15.3.1593 tại Avignon trong một gia đình gốc Do Thái có quốc tịch Tòa Thánh La Mã. Ông mất năm 1660. 

21. Alexandre de Rhodes, Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài. (TPHCM: Ủy ban Đoàn kết Công giáo TPHCM, 1994), 36-37. 

22, 25, 26, 27, 28, 29 Đỗ Quang Chính SJ., Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615 - 1773, (Hà Nội: Tôn giáo, 2008), 555, 36, 37, 45-46, 45, 22-23. 

31. Cuốn Dictionarium Annamitcum Lusitanum et Latinum được linh mục F. Piccolomineus - Bề trên của Dòng Tên cho phép xuất bản ngày 5.2.1651, tức là một năm rưỡi sau khi Alexandre de Rhodes về tới La Mã (27.6.1649). 

32. Cuốn Catechismus pro ijs, qui volunt suscipere Baptismum, in octo dies divisua được linh mục Gosswinus Nickel lúc đó là quyền Bề trên Cả, cho phép xuất bản ngày 8.7.1651. Ngày 2.10.1651, trong một phiên họp, các hồng y và giáo chủ đã ra lệnh cho nhà in của Bộ Truyền giáo ngừng mọi công việc để in cho xong cuốn Cathechismus. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

1. Cristoforo Borri (1998). Xứ Đàng Trong năm 1621 (Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch và chú thích). TPHCM: TPHCM. 

2. Philipphê Bỉnh (1822). Truyện nước Nam, Đàng Ngoài chí Đàng Trong. Quyển II. (Bản viết tay). Kẻ Chợ. 

3. Đỗ Quang Chính SJ. (2008). Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615 - 1773. Hà Nội: Tôn giáo. 

4. Đỗ Quang Chính (1972). Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 - 1659. Sài Gòn: Ra Khơi. 

5. Đỗ Quang Chính (2008). Hai giám mục đầu tiên tại Việt Nam. Hà Nội: Tôn giáo. 

6. Cao Thế Dung (2003). Việt Nam Công giáo sử tân biên (1553 - 2000). (3 tập). Cơ sở Dân Chúa xuất bản. 

7. Bùi Đức Sinh (1972). Lịch sử giáo hội Công giáo. Sài Gòn. 

8. Cao Huy Thuần (2014). Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam (1857 - 1914). Hà Nội: Hồng Đức. 

9. Lê Ngọc Trụ (1961). “Chữ Quốc ngữ từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX”. Việt Nam khảo cổ tập san. Số 2. Saigon. 

10. Thanh Lãng (1961). “Những chặng đường của chữ viết Quốc ngữ”. Đại học. Năm thứ IV. Số 1. Tháng 2. 

11. TS. Đoàn Triệu Long (2011). Giáo phận Đà Nẵng và những vấn đề hiện tại. Hà Nội: Chính trị quốc gia. 

12. Linh mục Nguyễn Hồng (1959). Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam. Quyển I. Saigon: Hiện Tại. 

13. Alexandre de Rhodes (1994). Hành trình và truyền giáo. TPHCM: Ủy ban Đoàn kết Công giáo TPHCM

14. Alexandre de Rhodes (1994). Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài. Ủy ban Đoàn kết Công giáo TPHCM

15. Hoàng Sóc Sơn (2007). Đôi nét lịch sử Dòng Tên: Thời kỳ khai sinh và phát triển. An Tôn và Đuốc sáng. 

16. Nguyễn Khắc Xuyên (1960). “Chung quanh vấn đề thành lập chữ Quốc ngữ vào năm 1645”. Văn hóa nguyệt san. Số 48, tháng 1-2.
GIÁO ĐOÀN THANH CHIÊM THỜI SƠ KHAI 1623 - 1626?

- Nguyễn Hai Tính, S.J. - Nguyễn Huy Hoàng, S.J.

Lời dẫn: Bài viết này không đề cập trực tiếp đến vai trò của Thanh Chiêm đối với sự hình thành chữ Quốc ngữ, nhưng dựa vào những tư liệu viết tay1 mà tái cấu lại bối cảnh lịch sử của cộng đoàn và sứ vụ của các thừa sai Dòng Tên ở đó trong những năm đầu, khi họ bắt đầu Latinh hóa tiếng nói người Đàng Trong. Chúng tôi hi vọng đây là một đóng góp nhỏ bé nhưng hữu ích, cung cấp một khởi điểm cho các nhà sử học và ngữ học nghiên cứu sâu rộng hơn. 

Thanh Chiêm hay Dinhciam, Cacciam, Kecham, Dinhcham, Cacham là thủ phủ của trấn Quảng Nam, cách Hội An 7 km về phía tây, được xây dựng từ khoảng 1610 đến 1612 và tồn tại đến thế kỷ XIX. Các thừa sai Dòng Tên đã thiết lập cư sở ở đây từ năm 16232 , tức 5 năm sau khi thiết lập cư sở ở Nước Mặn (Quy Nhơn). Cha Pina là bề trên tiên khởi của cộng đoàn ở đây. 

Có thể nói so với các vùng khác ở Đàng Trong, Thanh Chiêm là nơi các vị thừa sai đến hoạt động khá sớm. Trong quá trình truyền giáo, cha Pina nhắm đến giới quần chúng bình dân nhưng cũng không bỏ quên người trí thức. Đối với tầng lớp trí thức, ngài đã mang đạo Chúa đến với những người tiêu biểu sau đây: 

1. Về các giáo dân tiên khởi tại vùng Thanh Chiêm (hay Dinh Chiêm) 

Ông Giuse là người được kính nể trong trấn Quảng Nam, vì là thành viên chính của một giáo phái (seita) ở đây nên ông có nhiều môn sinh.3 Cha Pina đã trao đổi, bàn thảo rất nhiều với ông về những câu chuyện tôn giáo và con đường truy tầm chân lý. Vì nghi ngờ cha Pina, ông đã đến tận Nước Mặn để gặp cha Buzomi nhằm đối chiếu giáo thuyết. Cuối cùng, ông được cha Pina rửa tội với tên thánh là Giuse. Sau khi trở lại, ông đã giữ đạo cách chân thành, khiêm nhường, nêu gương sáng cho mọi người. 

Việc ông trở lại đã lôi cuốn được nhiều người, trong đó có những người nổi tiếng như: cụ Phê-rô, cụ Manuêlê và nhất là cụ Phaolô4 (cố vấn hình luật của quan trấn thủ Quảng Nam). 

Cụ Phê-rô vốn là một viên quan5, từ khi cáo lão về hưu đã dành quãng đời còn lại để tu trì nhiệm nhặt, truy tầm chân lý. Chính ông Giuse là người đã chia sẻ nhiều với cụ về đạo mới và cụ đã xin chịu phép rửa. Cha Pina đã rửa tội cho cụ với tên thánh là Phê-rô.6 Điều đặc biệt ở đây là ông cụ Phê-rô vốn là người thạo chữ nghĩa, vì ông sống chung nhà với các thừa sai nên đã dạy chữ và ngôn ngữ bản địa cho các thừa sai, đồng thời cũng dạy cho những người bản xứ ở trong nhà các cha.7 Mặc dù già yếu, ông không từ nan bất cứ điều gì chỉ với mong ước được phụng sự Chúa nhiều hơn. 

Cụ Manuêlê là một thầy sãi (bonzo) có tiếng ở Quảng Nam và cũng là một thầy dạy trong xứ này8, vốn cũng là người quen biết với hai cụ Giuse và Phê-rô. Ban đầu, cụ Manuêlê đã hết lòng can ngăn cụ Phê-rô về việc trở lại, nhưng không thành, ngược lại còn được cụ Phê-rô giảng giải cho về đạo mới. Cụ đã được cha Pina rửa tội với tên thánh là Manuêlê. Sau khi trở lại, cụ Manuêlê trở thành một người tông đồ hết sức nhiệt thành, cụ đi giảng đạo cho các gia đình quan liêu lẫn thứ dân, và rất nhiều người đã tin theo. 

Theo nhận định của cha Fontes, hai cụ Phê-rô và Manuêlê sau khi trở lại đạo đã sống chung với các cha trong cộng đoàn nơi đây với vai trò là các giáo lý viên (người dạy giáo lý). Họ rất nhiệt tình với đạo, họ đã tham gia vào việc rao giảng Lời Chúa cho lương dân chứ không chỉ là những người giúp việc trong cộng đoàn. Đặc biệt, họ đã làm linh thao 8 ngày và sau đó, ông Manuêlê thể hiện sự quyết tâm dấn thân của mình qua lời khấn vâng phục, đồng thời ông cũng đã giữ hai lời khấn khiết tịnh và khó nghèo trước đó.9 Như thế, có thể thấy từ rất sớm, tiền đề của hội “thầy giảng” đã xuất hiện - tức những người dấn thân phục vụ Chúa qua các lời khấn (không mang tính chất bó buộc bởi Giáo luật) dưới sự hướng dẫn sát sao của các thừa sai Dòng Tên. Cuộc trở lại của cụ Phao-lô (ông nghè Bảo Lộc Rin hay ông Xabin Paolo10). Ông Xabin Paolo biết đạo Chúa trước tiên không phải do các thừa sai rao giảng nhưng qua tác phẩm Thiên Chủ thực nghĩa do cha Ricci biên soạn bằng Hán văn ở Trung Hoa, sau đó, ông đã được cha Pina rửa tội năm 1622.11 

Ông là một người trí thức, từng cầm đầu sứ bộ của chúa Nguyễn sang Xiêm. Trong chuyến đi này, trên những chặng dừng khi cập cảng, ông không làm lễ tế các thần như thói quen người ta vẫn thường làm. Trái lại, ông biến hẳn một căn phòng trên tàu để làm nơi cầu nguyện và dùng hai người biết tiếng Thái và tiếng Trung để cầu nguyện với các tín hữu biết hai thứ tiếng này.12 Tại Xiêm, ông đã gặp cha đại diện giám mục (Vigajro), đưa thư của các cha gởi từ Đàng Trong và đã được chúc lành.13 

Sau chuyến đi sứ thành công, ông đã được cất nhắc làm đầu các quan văn ở Sinoa (xứ Hóa, xứ Huế). Tuy nhiên, vì nhiệt tình rao giảng đạo Chúa, ông đã bị chúa Nguyễn cách chức, cạo đầu, đánh 100 roi và đuổi về. Sự việc này xảy ra năm 1633.14 

Ông Xabin Phaolô, cùng với Phê-rô và Manuêlê, là những người Việt đầu tiên làm linh thao 8 ngày (một tiến trình cầu nguyện 8 ngày theo phương pháp của thánh I-nhã Loyola) với các cha Dòng Tên ngay tại cư sở Thanh Chiêm. Cuộc linh thao đã thành công mỹ mãn, ông rất sốt sắng, được nhiều ơn an ủi, khóc đến độ sưng mắt, cũng như ước ao làm nhiều việc hãm mình và ăn chay.15 

Ông Đavid, không rõ tên Việt là gì, là người thông thái, vốn là một lương y, từng đi Trung Hoa tầm đạo mà không đạt. Khi quay về, ông nghe nói ở Thanh Chiêm có thừa sai truyền Đạo Thật, nên ông đến tầm đạo và được rửa tội bởi cha Buzomi năm 1616.16 

Bà Lớn Gioanna vốn là người chị (em) của chúa Nguyễn Phước Nguyên. Bà không ở kinh đô Đàng Trong nhưng lại ngụ tại Thanh Chiêm. Bà được cha Pina rửa tội khoảng năm 1620. Khi đã trở lại, bà rất hăng say và nhiệt thành với đạo Chúa; chính bà đã đưa ra nhận định: “đạo Hoa lang hơn hẳn các đạo trong nước”. Nhà của bà trở thành nhà nguyện và nơi các thừa sai ở cũng như Pina tập hợp dân chúng để giảng đạo. Chính bà cũng khuyên người anh của mình lúc đó đang ở cách Hội An một ngày đi đàng (đã 74 tuổi) chịu phép thánh tẩy.17 

Ngọc Liên công chúa là công chúa của Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên, kết hôn với tướng Nguyễn Phước Vinh. Bà được rửa tội khoảng năm 1636 tại Phú Yên. Từ năm 1643, bà theo chồng về Dinh Chiêm và hăng say hoạt động rao giảng đạo Chúa. Bà lập nhà thương cho người nghèo khổ, neo đơn, cung cấp lương thực cho các thầy giảng. Khi đạo bị bách hại dữ dội, bà không chịu được cảnh tra tấn nên đã chối đạo, tuy nhiên sau đó đã hối cải trở lại và vẫn là một tín hữu nhiệt thành.18 

Bà Minh Đức vương thái phi19: Trong báo cáo thường niên của mình, cha Fontes ghi như sau: “Trong số tất cả những người này [đã chịu phép Thánh tẩy] có một nhân vật quan trọng nhất là một bà Orancaya, hay là vợ bé của Tiên Vương đã từ trần, cha của vua đương trị, ở Huế, bà được một cha rửa tội cho, bà rất sốt sắng và sùng kính đạo Chúa Trời… Bà lấy tên thánh là Maria”. 20Ta hiểu rằng, bà đã được rửa tội ở Huế, như lời cha Alexandre de Rhodes kể: “Từ đó chúng tôi vào trong phủ và khi đi qua chúng tôi ở lại ít bữa ở Huế nơi có một bà hoàng, họ gần với chúa và rất sùng thần ngoại…, bà liền bỏ sai lầm và xin chịu phép rửa tội, lấy tên là Maria Madalena”.21 

Làm sao bà ở Huế mà lại được nhắc đến khi bản tường trình đề cập đến cư sở và sứ vụ ở Dinh Chàm hay Thanh Chiêm? Linh mục Trương Bá Cần dựa vào bản tường trình của linh mục Cadim, trong đó có nói rằng: “Cha Buzomi đã nhiều lần tranh cãi với các nhà sư và đã dùng lý lẽ thuyết phục họ, làm cho nhiều người quay về với Thiên Chúa, trong đó có bà thứ phi của nhà vương đã băng hà”. Cuộc tranh luận này diễn ra ở Quảng Nam, do thế cha Trương Bá Cần khẳng định bà Orancaya đã có lần ghé Quảng Nam. Điều này giải thích vì sao Pina và Alexandre de Rhodes trên đường lên kinh đô lại dễ dàng ghé nhà bà (bởi có quen biết trước) chứ dễ gì các thừa sai lại được tiếp xúc bà vương phi.22 

Cho nên, có thể hiểu lời cha Fontes kể bà Orancaya là một “trong số những người chịu rửa tội ở nhà này (DinhCham) và các sứ vụ xung quanh”23 là giữa bà và giáo đoàn Thanh Chiêm có mối liên hệ khăng khít qua mối dây các thừa sai, và cũng vì bà đã từng đặt chân đến vùng đất này. Như thế, bà cũng được kể là thuộc về cộng đoàn tín hữu, hoa trái của sứ vụ ở Thanh Chiêm. 

Bên cạnh những người có tên tuổi được nêu đích danh cũng như địa vị xã hội và nguồn gốc gia đình, trong bản tường trình của mình, linh mục Fontes còn đề cập đến những người khác đã theo đạo hoặc có cảm tình với đạo, sống theo sự hướng dẫn của các thừa sai nhưng chưa vào đạo vì còn vướng một vài ngăn trở gia đình. Những người này thuộc nhiều giới và có địa vị xã hội khác nhau: có người là cận thần của vua (chúa), có người thuộc giới bình dân, có người già, trẻ em… Cách chung, các cha tích cực dạy giáo lý, tuy nhiên không ép mà để họ tự do xin chịu rửa tội hay không. Thông thường, họ tự nguyện trở lại đạo, một số trường hợp trở lại đạo sau những kinh nghiệm thiêng liêng đặc thù (thấy Chúa cứu mình khỏi tay ma quỷ, hay thấy các phép lạ). Và một khi trở lại, họ sống đạo rất sốt sắng.24 

2. Một cái nhìn tổng quát về cộng đoàn Kitô hữu ở Thanh Chiêm 

Như đã đề cập, cộng đoàn Dòng Tên tại Thanh Chiêm được thành lập 5 năm sau cộng đoàn ở Nước Mặn (Bình Định), cha Pina là người đã chủ động đề xướng việc thành lập này. Hẳn nhiên việc lập cộng đoàn không diễn ra một sáng một chiều ngay trong năm 1623 bởi trước đó cha Pina đã hiện diện và truyền giáo tại đây. Trong quá trình hoạt động ở Hội An năm 1620 - 1623, cha Pina đã nhiều lần đến vùng Thanh Chiêm (Dinhcham) để giảng đạo. 

Thừa sai João Roiz ghi lại trong bản tường trình của năm 1620, viết ngày 20.11.1621 tại Ma Cao như sau: “Công cuộc dạy giáo lý thứ hai của cha này (Pina) là ở Cacham, nơi dinh của hoàng tử, trong nhà của một bà Kitô hữu tốt bụng… Họ rất vui khi được nghe giảng về đạo Chúa bằng tiếng của họ và được chính miệng cha đó giải thích tường tận”.25 Họ nói trước đây khi nghe các cha giảng qua thông ngôn, họ không chắc những gì thông ngôn nói đều chính xác. Bây giờ nghe cha giảng bằng tiếng địa phương, giải thích rất rõ ràng, họ hiểu được gốc rễ của giáo lý. Họ nhận thấy rằng đây là đạo tốt, tốt hơn những đạo trong nước họ.26 

Tại đây, nhờ lòng hảo tâm của bà lớn Gioana, các cha đã mua được hai căn nhà: một nơi để xây dựng nhà nguyện và một nơi để xây dựng nhà cộng đoàn cho các cha, nơi các cha ở cũng là nơi để tập trung dạy đạo cho dân chúng.27 Bước đầu, việc truyền giáo đã diễn ra khả quan, cha Pina đã rửa tội được cho 275 người ngay trong năm đầu tiên.28 

Sang năm sau (tức 1625), số người rửa tội là 306 người.29 Riêng về phía các thừa sai, ngay khi thành lập cộng đoàn hẳn là có Pina, và có lẽ thêm thầy António Dias. Có thêm ai nữa không, điều này không rõ. Hai năm sau, tức năm 1625, cộng đoàn Dòng Tên ở đây gồm có 4 thành viên: cha Francisco de Pina (bề trên), thầy António Dias, cha António de Fontes, và cha Alexandre de Rhodes. Bên cạnh đó còn có hai giáo lý viên.30 Cha Fontes và de Rhodes vốn vừa đến Đàng Trong (12.1624) và được gửi đến sống với cha Pina, chủ yếu là để học ngôn ngữ.31 Thống kê nho nhỏ này thực ra chỉ là xét về phương diện “biên chế”, còn thực tế chúng ta có thể suy đoán rằng số thừa sai đã đặt chân đến Thanh Chiêm hẳn là nhiều bởi đây là trụ sở của Quảng Nam dinh, là nơi đồn trú của thái tử nhà chúa (lúc này là Nguyễn Phúc Kỳ) mà theo lẽ thường các thừa sai khi mới đến Đàng Trong (Cửa Hàn) phải đi yết kiến nhà chúa, thay vì phải ra tận Quảng Bình (Trà Bát), họ sẽ đi đến Quảng Nam.32 

Cộng đoàn tăng số, hoạt động của các thừa sai cũng có phần được thuận lợi nhờ có “những người thế giá” đã trở lại đạo như bà lớn Gioana, hay bà Minh Đức Vương thái phi (sống ở Huế chứ không phải Quảng Nam), và đặc biệt là được sự che chở của quan trấn thủ Quảng Nam - Nguyễn Phúc Kỳ, con của Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên. Nhờ sự che chở này mà giáo đoàn đã vẫn được bình yên trong lệnh bắt đạo năm 1625.33 

3. Suy đoán về vai trò của giáo đoàn Thanh Chiêm trong việc hình thành chữ Quốc ngữ 

Như chúng ta đã biết, chữ Quốc ngữ là thành quả của một công trình tập thể của các thừa sai Dòng Tên thế hệ đầu tiên đến Đàng Trong của Đại Việt. Tất nhiên, sẽ chẳng thể có thứ chữ này nếu các thừa sai không nhờ đến sự giúp đỡ của những người bản xứ. Các thừa sai khi vào Đàng Trong đầu tiên ngụ ở Hội An (Faifo) sau đó đã nhanh chóng hoạt động tại Quy Nhơn (Nước Mặn từ năm 1618), và năm năm sau tiếp tục thành lập cư sở ở Thanh Chiêm (1623). Trong khoảng thời gian này (1620) tại Hội An, các thừa sai đã viết một quyển sách giáo lý bằng “chữ Đàng Trong”, tức chữ Nôm. Tuy nhiên, theo suy đoán của tác giả Đỗ Quang Chính, quyển sách này hẳn cũng được viết bằng thứ chữ Việt mới (chữ Quốc ngữ) và người có công là linh mục Pina bởi ở thời điểm này, ông là vị thừa sai châu Âu thạo tiếng Việt nhất.34 Tuy nhiên, quyển sách này đã thất lạc nên chúng ta không biết được gì hơn về chữ Quốc ngữ giai đoạn ấy. Nhắc lại sự kiện này như là một tiền đề cho điều chúng ta sẽ bàn luận: đâu là cái nôi của chữ Quốc ngữ? Hội An? Nước Mặn? hay Thanh Chiêm? 

Vấn đề hệ ở chỗ đa số dư luận ngày nay đồng thuận linh mục Pina là cha đẻ của chữ Quốc ngữ, việc ông sống và hoạt động ở đâu sẽ góp phần quyết định cho cho việc khẳng định vùng đất ấy là cái nôi của chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên, lược lại lịch sử truyền giáo của Pina ở Đàng Trong, ta thấy ông chỉ hiện diện được một khoảng thời gian ngắn ngủi và không cố định ở một địa điểm. Vừa khi đặt chân đến Đàng Trong năm 1617, cha Pina sống một năm ở Hội An, sau đó vào Nước Mặn hoạt động hai năm (1618 - 1620), rồi trở lại Hội An hoạt động ba năm (1620 - 1623), và sau cùng hoạt động ở vùng Dinh Chiêm hai năm còn lại của đời (1623 - 1625). Phân chia căn bản là vậy, nhưng có vị thừa sai nào lại “ở yên một chỗ”, nhất là khi Thanh Chiêm và Hội An chỉ có cách nhau 7 km. Thật vậy, từ khoảng năm 1621 - 1622, cha Pina đã bắt đầu hiện diện ở Thanh Chiêm35 cho đến khi thành lập cộng đoàn (1623). Trong nhãn quan của cha Pina thì Thanh Chiêm là nơi tốt nhất để học tiếng bởi đây là vùng đất thủ phủ của trấn Quảng Nam, người ở đó nói giọng chuẩn hơn và đặc biệt tầng lớp trí thức ở đây nhiều hơn trong khi nếu ở Hội An, việc học tiếng Việt sẽ khó khăn bởi đây là vùng đất thương mại, người ta chỉ nói tiếng Nhật hoặc tiếng Bồ.36 

Ta thử nhìn ở một góc độ khác: phương pháp truyền giáo của các thừa sai có giúp gì trong việc hình thành chữ Quốc ngữ hay không? Các cha luôn dạy giáo lý một thời gian, rồi tùy vào người học giáo lý có muốn và xin chịu rửa tội hay không thì các cha mới rửa, chứ không ép người ta chịu rửa tội, hay rửa tội ngay tức khắc. Thực tế có nhiều người tới nghe giảng đạo mà không hay chưa quyết định chịu rửa tội. Điều này nói lên sự đối thoại, cởi mở, tôn trọng tự do,... Bên cạnh việc thuyết giáo, cha Pina còn có các cuộc tranh luận (disputas) về lẽ đạo với các ông sãi, ông nghè. Các ông này sau này theo đạo và chịu rửa tội vì đã nhận thấy lẽ đạo sâu xa, cao đẹp. Điểm đặc biệt ở đây, ta thấy dường như có một mối liên hệ nào đó giữa ba yếu tố: Pina và Các cuộc tranh luận về tôn giáo và chữ Quốc ngữ. Thật vậy, chính Pina đã khẳng định Thanh Chiêm là nơi tốt nhất để học tiếng Việt; và cũng rất ngẫu nhiên, các cuộc tranh luận về tôn giáo của cha cũng diễn ra ở Thanh Chiêm, cha Pina viết lại: “Tại kẻ Chàm (Thanh Chiêm), tôi đã thu hoạch mọi hoa trái mà tôi đã gieo năm ngoái qua biết bao cuộc tranh luận, và thậm chí hơn thế nữa”.37 

Chính các cuộc tranh luận này đã đưa vào đạo những người có học. Nói rộng hơn, qua các cuộc tranh luận này, cha Pina có cơ hội tiếp xúc và làm việc nhiều hơn với giới trí thức ở đây. Đây là con đường để các thừa sai có thể đi sâu vào tâm thức, não trạng tôn giáo và văn hóa của dân bản xứ. Hơn nữa, một khi đối thoại với những người có học thức, các thừa sai cũng hiểu biết nhiều hơn về phong hóa và ngôn ngữ bản địa. Các cuộc đối thoại có thể là cầu nối để các thừa sai tiếp cận được với lối ngôn ngữ “học thuật” hơn, để có thể khởi động tốt quá trình phiên âm, ký âm. Đồng thời, một khi thuyết phục được những người có học như thế, các thừa sai lại có thêm những trợ thủ đắc lực cho quá trình sáng tạo thứ chữ mới này, mà quyển giáo lý năm 1620 có thể xem là một ví dụ. Cũng trong thời gian này, cha Pina đã biên soạn một khảo luận nhỏ về cách đánh vần (spelling), về các thanh (tones), và ngài tiếp tục viết một khảo luận khác về ngữ pháp của tiếng Việt.38 Những động thái này phải chăng cho phép chúng ta tái cấu một bức tranh tổng quát như sau: sau khi vào Đàng Trong năm 1617, cha Pina đã trải qua một năm ở Hội An chủ yếu là tiếp xúc và học tiếng, sau đó trải qua hai năm ở Nước Mặn cũng tiếp tục quá trình này, và có thể thai nghén quá trình dùng ký tự Latinh để ký âm tiếng Việt, tuy nhiên điều này không rõ ràng bởi chúng ta không có cứ liệu. Sau đó, cha trở lại hoạt động ở Hội An (từ năm 1620) và bắt đầu đến truyền giáo ở Thanh Chiêm. Một trong những khía cạnh thú vị nhất trong việc truyền giáo có thể là những cuộc tranh luận tôn giáo như cha đã ghi lại trong bức thư của mình hoặc như đã được đề cập bởi các thừa sai khác. Qua hoạt động truyền giáo và đối thoại như thế, dần dần cha tiến đến việc biên soạn các tài liệu về ngôn ngữ địa phương, và bắt đầu quá trình ký âm Việt bằng mẫu tự Latinh như đã thấy. Gia sản của cha về phương diện ngôn ngữ hiện nay không còn, nhưng dấu ấn của nó thì lại rất rõ qua lời các thừa sai khác kể lại; chính cha Alexandre de Rhodes trong lời tựa quyển Từ điển Việt - Bồ - La đã thừa nhận rằng mình đã học rất nhiều từ cha Pina, và hẳn là những tài liệu về ngôn ngữ mà cha đã biên soạn phải được biết đến bởi các thừa sai cùng thời bởi một trong những việc quan trọng của họ là học ngôn ngữ bản địa để có thể giảng đạo được cho quần chúng. 

Cho nên, rõ ràng hoàn toàn có cơ sở để nhận định rằng cha Pina là một nhân tố quan trọng trong việc hình thành thứ chữ mới, và rằng ngài có mối liên hệ đặc biệt với Thanh Chiêm. Mặt khác, tuy cha Pina rất xuất sắc trong quá trình học tiếng Việt và ký âm Việt bằng mẫu tự Latinh, nhưng đây là một xu thế chung mà nhiều thừa sai khác cũng bắt tay vào thực hiện. Hơn nữa, hoạt động của Pina phủ rộng nhiều vùng ở trấn Quảng Nam, thậm chí lên tận xứ Hóa (xứ Huế). Như thế, nếu có thể kết luận về vai trò của một vùng đất gắn liền với sự ra đời của chữ Quốc ngữ, thiết tưởng chúng ta hãy đặt chữ Quốc ngữ vào một bối cảnh địa lý rộng hơn, vượt xa Thanh Chiêm hay Hội An (Faifo). Chữ Quốc ngữ đã ra đời trên vùng đất Quảng Nam dinh.39 

Chú thích: 

1. Chúng tôi chủ yếu dựa vào các bản tường trình của các linh mục Antonio de Fontes và Gaspar Luis (trong Archivum Romanum Societatis Iesu, Jap.Sin. 71-72; từ đây sẽ được viết ngắn gọn là JS.) và bức thư được cho là của linh mục Francisco de Pina in trong: Roland Jacques, Portuguese Pioneers of Vietnamese Longuistics Prior to 1650, (Orchid Press: Bangkok, 2002). 

2. Cư sở tức là một nhà được thiết lập theo đúng các quy định của Giáo luật. Theo A. Fontes, sứ vụ này đã bắt đầu từ năm 1616, nhưng không hình thành cư sở được do một cuộc bách hại (X. JS. 72, tờ 75a: “… e ja no anno d. 616. se principiou, mas nao pode fixar por hua perseguicao que [entam] tivemos…”). 

3. JS. 72, tờ 76b. Thực ra, theo A. Fontes, ông Giuse người có vai vế trong một giáo phái được rửa tội theo tên của một ông Giuse khác là người thành lập giáo phái, vốn rất nhiệt thành và khao khát truyền giảng kho tàng chân lý đạo thật cho tất cả những người đồng bào của mình (“…chamouse no bautismo Joseph em memoria de outro Joseph fundidor, que este anno passou a melhor vida, como esperamos, o qual era tam fervoroso, e zeloso, que parece ardia em continuos desejos de communicar a todos seus naturaes o thesouro da verdadra Lij…”). Chúng tôi không rõ linh mục Nguyễn Hồng nói về ông Giuse nào. 

4. Daniello Bartoli, Istoria della Compagnia di Gesù, Volume V, (Napoli, 1859), 207-222. Được trích bởi linh mục Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo tại Việt Nam, Tập 1, (Hà Nội: Từ điển bách khoa, 2009), 74. 

5. Theo A. Fontes thì cụ Phê-rô là một vị thẩm phán trong xứ này (JS. 72, tờ 75a: “P.o [eomem] ja de dias, oqual quando gentio foj desembargador do paco deste rejno, e depois de o nao ser, ouvindo as cousas de Ds foj tam bom concijto dellas”). 

6, 28 Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo tại Việt Nam, Tập 1, (Hà Nội: Từ điển bách khoa, 2009), 72, 71. 

7. X. JS. 72, tờ 75a: “e poristo, e juntamte por ser bom letrado, e poder ensinar as letras, e lingoa aos nossos, e aos seus naturaes que [tomos em casa]”. 

8. X. JS. 72, tờ 75a: “Manoel bonzo muy conhecido, e mestre de mtos neste rejno, o qual com sua conversao e exemplo trouxe a algunos no santo bautismo; e agora mtos mais por ser bom pregador, zeloso, e andar grande parte do anno em missao com os nossos”. 

9. X. JS. 72, tờ 79a: “Manoel sayo com resolucao de estar toda a vida em nossa casa, e com voto de obedecer em tudo o que lhe mandasse; [a lem] do da castidade e pobreza que tinha fijto antes”. 

10. JS. 72, tờ 78a: “Ja oanno passado se escreveo como Xabin Paulo pessoa bem conhecida na Corte do principe, fora escolhido, e mandado por embaixador a Sião”. (Năm ngoái, chúng con đã viết về ông Xabin Paulo là người nổi tiếng trong dinh của hoàng tử thế nào và đã được chọn gởi đi sứ ở Xiêm thế nào). 

11, 16, 18, 73-74, 29 Đỗ Quang Chính, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615 - 1773, (Hà Nội: Tôn giáo, 2008), 70, 69, 68. 

12. X. JS. 72, tờ 78a: “Nao arreceou por sua grande fee (fé)o castigo que mtos de seus natruaes lhe esperanao por nao fazer aos deosas das barras sua accustumada reverencia. No junco tinha hu camarote a modo de capella, e dentro seu oratorio, em que con certas horas se encomendava a N. Sor, e rezasse suas devacoas (devocaos). Aos passagejros praticava das cousas de Deos tomando dous que lhe serviao de lingoa, hu que sabia a sua e ada china, e por elle pregava aos chinas; e outro que sabia a lingoa de Cochimchina e de Siao, e por elle praticava aos Siames”. 

13. X. JS. 72, tờ 78a-b: “como tambem pa conhecer e tratar o Pe Vigajro que ali esta, e os portugueses: pore os Siames lho nao deixarao fayer [pondo] lhe guardas; e chegou a cousa a tanto, que ne ainda alguas cartas que [levava] dos Pes desta missao pa o Vigro podia entregar, ne dar noticia de sy, ate que vindo hua vez do paco em embarcacao, e vendo ao Vigro e alguas protugeses a hua janella [poense] de joelhos na barca em que sia, faz o sinal da cruz, e deitalhe sua bencao, como bispo, dizendo Padre Padre por nao saber outras palansas (palavras) portuguesas”. 

14. Felippe do Rosario BỈNH, Truyện nc Anam Đàng Trão, Cuyền nhị, bản viết tay của cha F. Bỉnh tại Lisbõa, 1822, 540-548, 566-583 (Biblioteca Apostólica Vaticana, Borg. Tonch. 2). Được trích bởi Đỗ Quang Chính, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, (Hà Nội: Tôn giáo, 2008), 70. 

15X. JS. 72, tờ 79a: “Elle stava muy bem apparelhado pa ir, por que tomou ojto dias de exercicios nesta casa juntamte com Po e Manoel de que acima se fez mencao. Estes forao os primejros que desta nacao tomarao os exercicios spirituaes de Nosso Santo Pe Ignacio, que em o discurso delles tiverao, das lagramas continuas, particularmte Paulo, que sayo delles com os olhos inchados do mto chorar; do grande desejo de fazer penitencia e jejuar, como outro fizerao, e agora faze”. 17. Gaspar Luis, Cocincinensis missionis annuae Litterae, anni 1620, JS. 71, tờ 24-25. Được trích bởi Đỗ Quang Chính, Sách đã dẫn, 70-71. 19. Tên thật của bà là gì không rõ, sau này khi Gia Long lên ngôi, truy phong cho bà là Minh Đức vương thái phi. Bà có một người con với Nguyễn Hoàng, tức ông hoàng (Nguyễn) Phúc Khuê. Được trích trong Trương Bá Cần, Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam, Tập I: Thời kỳ khai phá và hình thành (từ khởi thủy cho đến cuối thế kỷ XVIII), (Hà Nội: Tôn giáo, 2008), 61, chú thích số 81. 

20. JS.72, tờ 75a: “Entre todas estas pessoas a principal foj hua Orancaya, ou molher pequena do Rej velho ja defunto pais do que agora rejna, a qual vido hu pe a Sinua onde reside, se bautizou com bom concijto de Lej de D’s…Chamouse no bautismo Maria”. 

21. Alexandre de Rhodes, Hành trình và truyền giáo, Bản dịch của Hồng Nhuệ (TPHCM: UBĐKCG TPHCM, 1994), 57. 

22, 32 Trương Bá Cần, Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam, Tập I: Thời kỳ khai phá và hình thành (từ khởi thủy cho đến cuối thế kỷ XVIII), (Hà Nội: Tôn giáo, 2008), 61-62, 60. 

23. JS. 72, tờ 75a: “Bautizaranse na quella casa e polas aldeas em varias missoes…foj hua Orancaya”. 

24. X. JS. 72, tờ 75-77. 

Một cận thần (privado) của vua có thiện cảm với đạo, ao ước được rửa tội, nhưng có nhiều vợ, nên chưa. Bà vợ cả và con muốn được rửa tội, khao khát mang tên Ina (tên rút gọn của thánh Ignatio). 

Ông Joachim đã lớn tuổi; có một giấc mơ thấy nhiều quỷ trên cánh đồng, kêu cứu các chùa, mà chùa không cứu được. Chỉ có Thiên Chúa trời đất mới cứu được. Ông thấy mình được đưa lên trời, thoát khỏi lũ quỷ, thấy nhiều sự tốt đẹp. Ông đã trở lại đạo, trở thành Kitô hữu. 

Một bé gái, đi học giáo lý nhưng chưa muốn rửa tội. Một hôm mơ thấy Bà đẹp đẽ đáng kính hiện ra, la nó rằng sao nó không chịu rửa tội chung với những người học giáo lý với nó. Nó sợ quá, ngay hôm đó đến xin rửa tội, và nhận được nhiều sự an ủi, hăng hái sống đời Kito hữu tốt đẹp. 

Một bé gái từ 3 năm nay đã tới học giáo lý, xin phép cha mẹ cho được rửa tội. Từ sau khi rửa tội, bé tới nhà thờ dự lễ mỗi ngày Chúa Nhật và lễ trọng, dù sống ở xa. Cô bé có lòng sùng kính đặc biệt đối với cỗ tràng hạt (dùng để đọc kinh thường ngày). 

Một fijticejro (fisticeiro?) ông trùm (mestre) của những trò mê tín ở các chùa chiền, khi nghe giảng đã có thiện ý về lẽ phải của đạo. Sau khi chịu rửa tội, ông lập tức phá hủy các bàn thờ mê tín. Con gái ông chỉ trích ông về điều đó, liền bị Thiên Chúa phạt. Trong đêm đó, cô bị quỷ nhập và hành hạ đau đớn. Cha bề trên (Pina) đã đến, làm dấu thánh giá, rảy nước thánh và đẩy quỷ ra. Mọi người kinh ngạc. 

Một ông học giáo lý nhiều lần, nhưng chưa theo đạo, vì vợ ông nói theo đạo sẽ bỏ không thờ ông bà. Vợ ông bị quỷ ám, hành hạ. Một Kitô hữu biết chuyện, đến đặt tràng hạt lên bà, bà trở lại bình thường, nhưng khi rút tràng hạt ra, bà lại bị quỷ hành hạ. Hai ông bà quyết định theo đạo. Phải đến khi cha (Pina?) trừ quỷ cho bà thì bà mới trở lại khỏe mạnh, bình an. 

25. JS. 72, tờ 7a: “O segundo catecismo fez o Pe em Cacham corte do Principe em casa de hua boa christoa… Alegraraose pois grandemente, e satisfizerao muito por ouvire as cousas de lez de Deos em sua lingoa explicadas pola boca do Pe ”. 

26. X. JS. 72, tờ 7a: “E assi agora q o Pe lhas hia explicando miuda e chramte ficavao pasmados, dizendo, Agora si, q serao os Cochinchinas verdadros Christaos, que dantes onao eramos, quando os Pes nos ensinavao por interpretes, dizendo elles dez cousas, e os interpretes duas, asges ainda, por cuidarmos, q nem tudo oque diziao era do Pe nao davamos credito. Jo nos parecia que era lez boa, e melhor q as de nossa terra”. 

27. Phan Phát Huồn, C.S.S.R, Việt Nam giáo sử, Quyển I (1533-1933), In lần thứ 2 (Sài Gòn: Khai Trí, 1965), 48. 

30. X. JS. 72, tờ 75a: “…em que desdo principio do mez de marco morarao tres Pes e hu Irmao com dous catequistas hu por nome Po , e outro Manoel”. 

31. Cha de Rhodes chỉ ở đây một thời gian ngắn bởi đến giữa năm 1626 thì cha đã phải trở về Ma Cao để chuẩn bị đi truyền giáo ở Đàng Ngoài. Tương tự, cha Fontes cũng vậy, chỉ ở đây một thời gian ngắn, không rõ cha đã rời Đàng Trong về Ma Cao thời điểm nào, chỉ biết đến năm 1631 thì đã thấy cha ở Đàng Ngoài. Xem: Đỗ Quang Chính, Sđd, 25, 57. 

33. Năm này nhà vương ra lệnh bắt đạo vì hai lý do: thuyền buôn Bồ Đào Nha không đến buôn bán, và lương dân vu khống người tín hữu rằng họ không thờ kính tổ tiên, vứt bỏ tâm tình thờ kính đối với tổ tiên. Xem: Alexandre de Rhode, Hành trình và truyền giáo, Bản dịch của Hồng Nhuệ, 58-59. 

34. Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 - 1659, (Hà Nội: Tôn giáo, 2008), 26. 

35. Lập trường này hợp lý nếu chúng ta chấp nhận (như nhiều người đã chấp nhận) bản chép tay có tựa đề Parte de 22, e 23, declaro de seis centos; esta me parece de Pe Pinna trong volume số 49/V/7 của Jesuítas na Ásia đích thực là bản chép tay lại một bức thư của cha Pina. Xem: Roland Jacques, Portuguese Pioneers of Vietnamese Longuistics Prior to 1650 (Orchid Press: Bangkok, 2002), 20-24. 

36, 37, 38 Portuguese Pioneers of Vietnamese Longuistics Prior to 1650 (Orchid Press: Bangkok, 2002), 42, 41, 43. 

39. Nguyễn Đình Đầu, “Hành trình của một trí thức dấn thân”, Xưa và Nay, 2010, 161. 

TÁC GIẢ VÀ NƠI XUẤT PHÁT CHỮ QUỐC NGỮ,
 NHÌN TỪ LỊCH SỬ HOẠT ĐỘNG 
CỦA CÁC NHÀ TRUYỀN GIÁO?

Lê Duy

Việc hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ là một quá trình trong suốt 4 thế kỷ qua, được bắt đầu từ thế kỷ XVII, khi các nhà truyền giáo đến hoạt động tại Việt Nam thời bấy giờ. Đó là một quá trình chuyển từ ngôn ngữ Hán - Nôm sang tiếng Việt bằng ký tự Latinh, mà nghĩa của nó về cơ bản vẫn là nghĩa của ngôn ngữ Hán - Nôm. 

Điều đó, có nghĩa là vai trò của các linh mục được xác định là người đầu tiên sáng tạo ra một di sản văn hóa to lớn: chữ Quốc ngữ. Gần đây, vào đầu năm 2016, tại diễn đàn Hội thảo Khoa học Bình Định với chữ Quốc ngữ, GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã phát triển so sánh thú vị của linh mục Võ Đình Đệ, mà rằng: Chữ Quốc ngữ như một dòng sông, mà có nhiều con suối tạo thành. 

Ai cũng biết suối đổ về sông. Sông đổ ra biển cả. Nhưng để hình thành một con sông, thì phải có một nguồn suối chính; rồi xuôi theo dòng chảy, nó sẽ tích hợp nhiều nhánh suối khác để tạo nên dòng sông. Ví von hình ảnh thân thương, thú vị mà GS. Phan Huy Lê dẫn tới, theo tôi, có lẽ hiểu chữ Quốc ngữ cũng vậy - phải bắt đầu từ một sáng tạo chính, của một tác giả cụ thể. Đối với ý tưởng khoa học, ai cũng hiểu, nó phải là ý tưởng chớp lóe từ một ai đó. Đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, nó phải có người chỉ huy chính; kể cả đồng tác giả, thì yếu tố quyết định cũng thuộc về ai đó trong nhóm đồng tác giả. 

Với suy nghĩ như vậy, chúng tôi bắt đầu từ lịch sử hoạt động truyền giáo của các linh mục, với mong muốn đi tìm nơi con suối chính khởi nguồn cho một dòng sông. Nói cụ thể ra là: con suối Thanh Chiêm - Hội An (Quảng Nam) hay con suối Nước Mặn (Bình Định) (?). Và, linh mục Francisco de Pina, Cristoforo Bori và Alexandre de Rhodes, ai trong họ là tác giả chính, công đầu dùng tiếng nói bản địa để truyền đạo. 

1. Lịch sử truyền đạo Chúa ở Đàng Trong bắt đầu vào năm 1615 

Theo PGS.TS. Tạ Văn Thông, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam và nhà nghiên cứu Thy Hảo Trương Duy Hy (Đà Nẵng) thì lịch sử mở đạo ở Đàng Trong bắt đầu từ năm 1615, khi chính phủ Nhật bấy giờ không cho phép truyền đạo, nên các vị thừa sai, các thầy dòng bị trục xuất một cách nghiêm ngặt. Và, họ tiếp bước con đường mở đạo của mình, đến Đàng Trong - mà chúng ta ai cũng biết, nước Quảng Nam lúc này thịnh vượng và mở cửa đến cỡ nào. 

1.1. Xa hơn, đời Lê Trung Hưng, năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533), người Tây Dương là YNê xu (Ignatilo) ngấm ngầm truyền tả đạo Gia Tô tại các xã Ninh Cường, Quân Anh huyện Nam Chân và xã Trà Lũ, huyện Giao Thủy (nay đều thuộc Nam Định). 

Sang thế kỷ XV, XVI trở đi, chủ nghĩa tư bản phương Tây lan rộng sang vùng Viễn Đông mạnh mẽ. Giáo hoàng Alexandre VI đã giao đặc quyền hành giáo một nửa trái đất ở châu Á cho người Bồ Đào Nha, vì thương nhân Bồ đã lập được thuộc địa ở Goa (Ấn Độ) và Ma Cao. Các giáo sĩ Dòng Tên (Jésniter) Bồ Đào Nha đã xây dựng nhà thờ, tu viện, lập cơ sở truyền giáo ở Ma Cao. 

Từ 1549 đến 1552, giáo sĩ Fransois de Xavier thuộc Dòng Tên Bồ Đào Nha đã truyền giáo vào Nhật Bản. 

Cũng cần nói rõ thêm là thương nhân Nhật Bản đến Đàng Trong sớm nhất là vào năm 1585. Từ 1604 đến năm 1635, khi Nhật Bản ban hành lệnh cấm thuyền xuất dương, thuyền thương nhân Nhật Bản được cấp phép tại Hội An là 86 chiếc, bằng 2/3 số thuyền nước ngoài đến buôn bán tại Đàng Trong. Theo đó, tại Hội An đã hình thành Đô thị Nhật Bản.1 

Đồng thời và sau thương nhân Nhật Bản là thương nhân người Hoa, có phố Khách, mà giáo sĩ Cristoforo Borri đã mô tả Hội An “là thành phố rất lớn, mà người ta có thể nói có hai thành phố, một của người Trung Quốc, một của người Nhật Bản”.2 

1.2. Chính sự mở cửa và con đường buôn bán thịnh hành đó đã trở thành con đường dẫn lối, bắt đầu từ 16153 trở về sau, lần lượt các vị thừa sai đến Quảng Nam (Hội An, dinh trấn Thanh Chiêm), tiêu biểu như: 

- Năm 1615: Francesco Buzomi (gốc Ý Đại Lợi) Diego Carvalho (Bồ Đào Nha) Antonio Dias (Bồ Đào Nha) 

- Năm 1617: Francisco de Pina (Bồ Đào Nha) 

- Năm 1618: Perdro Marquez (Bồ Đào Nha lai Nhật) Cristoforo Borri (Ý Đại Lợi) 639 

- Năm 1622: Manoel Fernandez (Bồ Đào Nha) 

- Năm 1624: Gaspar Luis (Bồ Đào Nha) Antonio de Fontes (Bồ Đào Nha) Alexandre de Rhodes (gốc Avignon, sau thuộc Pháp) 

Nếu tính trong vòng 10 năm (1615 - 1625), có 21 nhà truyền giáo, gồm 17 cha, 4 thầy cả; trong đó: 10 người Bồ, 5 người Ý, 5 người Nhật và 1 người Pháp.4 

1.3. Để mở đạo, thời gian ở Đàng Trong, cha Pina và Borri đã học và giảng đạo bằng tiếng Việt, không qua phiên dịch. 

Trong lịch sử chữ Quốc ngữ, thời kỳ sơ khởi (1620 - 1631): các tài liệu viết tay của Joao Roiz (1621), Gaspar Luis (1621), Francisco de Pina (1623), Alexandre de Rhodes (1625), Francesco Buzomi (1626), Cristoforo Borri (1631),…5 

Trong đó, ba nhà truyền giáo có công lao với công việc sáng tạo chữ Quốc ngữ, được ghi nhận trong các tài liệu hiện có là: Francisco de Pina, Cristoforo Bori và Alexandre de Rhodes.6 

- Với cha Francisco de Pina, ông ở Hội An 7 năm (từ 1617 - 1624). Năm 1625, một ngôi nhà thờ xây dựng tại dinh trấn Thanh Chiêm, giáo sĩ Francisco de Pina là Cha bề trên và là thầy dạy các giáo sĩ Alexandre de Rhodes (người Pháp) và Antonio de Fontes (người Bồ Đào Nha) mới đến Đàng Trong năm 1624. 

- Với cha Alexandre de Rhodes, ông chỉ đến Đàng Trong vào năm 1624 và được học tiếng Việt với Francisco de Pina tại Thanh Chiêm. Như vậy, với Alexandre de Rhodes, Francisco de Pina là thầy tiếng Việt đầu tiên và duy nhất, Thanh Chiêm là trường học tiếng Việt đầu tiên và duy nhất Đàng Trong. 

Năm 1627, Alexandre de Rhodes ra Đàng Ngoài, đến năm 1630, ông bị trục xuất khỏi Đàng Ngoài. Đến năm 1640, Alexandre de Rhodes mới đến lại Đàng Trong và sống lén lút ở khu phố Nhật. Sau đó, nhờ người Nhật, ông được đưa đến yết kiến chúa Nguyễn ở Phú Xuân. (Đây là thời gian sau rất nhiều, nên chúng tôi không bàn nhiều liên quan đến vấn đề đặt ra) 

- Với cha Cristoforo Borri (người Ý), ông đến Đàng Trong sau cha Francisco de Pina một năm (1618), cập bến Cửa Hàn (Đà Nẵng) rồi vào ở cư sở truyền giáo Nước Mặn. Borri đã viết: “Ông ở Đàng Trong 5 năm, và năm 1622 bỏ xứ này hoàn toàn”.7 

Trong thời gian truyền giáo tại Nước Mặn, ông cùng 2 linh mục Francesco Buzomi và Francisco de Pina, viết tác phẩm Tường trình về Khu Truyền giáo Đàng Trong bằng tiếng Ý, đây là tài liệu in đầu tiên có một số chữ Quốc ngữ thời kỳ phôi thai. 8 Tác phẩm này được viết trong thời gian ông sống 5 năm tại Đàng Trong. 

Cũng cần nói thêm rằng: Năm 1621, hai cha (Pina và Borri) biên soạn một cuốn sách Kinh nghĩa bằng tiếng Nam ngữ - tiếng Nôm.9 

Tóm lại, trong số các nhà truyền giáo liên quan đến sáng tạo chữ Quốc ngữ, cha Francisco de Pina đến Đàng Trong sớm nhất. 

2. Nhìn từ góc độ lịch sử: các cha nói về các cha 

2.1. Chỉ trong thời gian ngắn (khoảng 4, 5 tháng), giáo sĩ Francisco de Pina đã giảng đạo bằng tiếng Việt.10 Nghĩa là, F. de Pina đã biết tiếng Việt trong năm 1617, hoặc chậm nhất là đầu năm 1618. 

Năm 1623, trong thư gửi Cha bề trên ở Roma là Jeronioro Rogrigue, F. de Pina cho biết: “Về phần tôi, tôi đã biên soạn một chuyên luận về chính tả và những âm thanh của ngôn ngữ này (tiếng Việt) và đang bắt tay làm cuốn ngữ pháp….”.11 Điều đó, cho thấy công việc của F. de Pina làm ngay từ khi đặt chân đến Hội An và là công việc lựa chọn rất khó khăn. Chính F. de Pina đã phải rất phân vân chọn nơi gốc bản địa để nghiên cứu và cuối cùng ông quyết định: “Kẻ Chiêm vẫn là nơi tốt nhất với tư cách là trung tâm của triều đình. Ở đây người ta nói rất hay, có sự đổ dồn của người trẻ tuổi đến mà họ là những sĩ tử và bên cạnh họ, những ai bắt đầu học tiếng có thể tìm thấy mọi sự giúp đỡ”.12 Có lẽ, những khó khăn ban đầu ấy cũng đủ để khẳng định rằng: F. de Pina là người đầu tiên chuyên tâm nghiên cứu tiếng Việt, mà chưa thấy bất cứ giáo sĩ nào bận tâm nghiên cứu và báo về Roma. 

2.2. Theo ghi chép của Antonio de Fontes: Nguyên văn: “Aõ presente temos ja tres residencias, as duas estavão formadas; a 3a assẽtis (?) eu agora corte do principe, onde ficão tres Pes dassento o Pe Franco de Pina qua muito bem a lingoa por superior, e mestre, e os Pex Alexandre de Rhodes e Anto de Fontes por supditos, e discipulos” (dịch: Hiện nay chúng tôi có 3 cư sở mà trong hai số này [Hội An - Nước Mặn] đã được hoàn thành [theo giáo luật] còn cơ sở thứ ba tại “thủ phủ” quan “trấn thủ”, nơi lúc này tôi [đang tạm trú], có 3 linh mục định cư: Linh mục Fancisco de Pina biết tiếng [Việt] khá lắm, làm bề trên và là giáo sư [dạy tiếng Việt], và linh mục Alexandre de Rhodes cùng Antonio de Fontes là thuộc viên và học viên).13 

2.3. Điều đó, đã được chính giáo sĩ Alexandre de Rhodes “tự thú” trong phần Lời nói đầu của cuốn Từ điển Việt - Bồ - La xuất bản năm 1651 rằng: “Tuy nhiên, trong công việc này, ngoài những điều mà tôi đã học được nhờ chính người bản xứ trong suốt 20 năm thời gian tôi lưu trú tại Đàng Trong và Đàng Ngoài, thì ngay từ đầu, tôi đã học với Cha de Pina, người Bồ Đào Nha thuộc Hội đồng Giê-su rất nhỏ bé của chúng tôi là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng ngôn ngữ đó mà không dùng thông ngôn…”. 14 (Những chữ in đậm là nhấn mạnh của tác giả bài viết này)  

Thật lòng, mà nói: Nếu không có lời “tự thú” đó của Alexandre de Rhodes thì lịch sử sẽ luôn gọi ông là “đạo văn”. Ông nói được điều đó, đủ biết ông luôn dành sự kính trọng biết dường nào về công lao Cha bề trên và là thầy của mình: cha de Pina. 

Trong đoạn văn của Alexandre de Rhodes, ta thấy mấy vấn đề quan tâm: 

- Ông thừa nhận thành quả của ông là lâu dài suốt 20 năm, cũng có nghĩa là việc nghiên cứu ngôn ngữ là rất khó khăn. 

- Nếu chỉ tính Đàng Trong, thì ông nhờ chính dân bản địa (như ông nói) Thanh Chiêm, vì ông được học ở đây. 

- Người thứ nhất am tường tiếng này (tiếng Việt) (dùng để chỉ F. de Pina) trong chúng tôi (chỉ tất cả giáo sĩ cùng thời điểm với ông sang Đàng Trong). Tương tự như vậy, người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng ngôn ngữ đó. Nghĩa là, trước F. de Pina chưa có giáo sĩ nào am tường và giảng thuyết bằng tiếng Việt. 

Từ phân tích như vậy, chúng ta có thể kết luận: Francisco de Pina là người đầu tiên nghiên cứu, sáng tạo chữ Quốc ngữ. 

2.4. Tiếng Bồ hay tiếng Ý là cơ sở để hình thành chữ Quốc ngữ? Đây còn là một công việc tiếp tục nghiên cứu. 

Năm 1995, cách đây hơn 20 năm, trong tác phẩm Công trình của một số nhà tiên phong Bồ Đào Nha trong lĩnh vực ngôn ngữ học Việt Nam cho đến năm 1650, xuất bản tại Paris, TS. linh mục Roland Jacques khẳng định: chính ngữ âm Bồ Đào Nha được dùng làm công cụ phân tích và tham cứu chủ yếu đầu tiên tạo ra chữ Quốc ngữ. 

Cũng xin mở ngoặc: TS. linh mục Roland Jacques là người Pháp. Trước năm xuất bản Từ điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes tại Roma vào năm 1651, đã có chuyên luận chính tả của F. de Pina (năm 1623). Rồi, có cuốn Từ điển Bồ - Việt của Gaspar de Amaral, biên soạn khoảng 1636 - 1645 và cuốn Từ điển Việt - Bồ của Atonio Barbosa, biên soạn trước năm 1642.15 

Như vậy, chúng ta có thể khẳng định: ngôn ngữ Bồ là cơ sở đầu tiên và quyết định để làm cơ sở sáng tạo chữ Quốc ngữ. Cho đến nay, chưa phát hiện tác phẩm nào liên quan đến nghiên cứu, sáng tạo chữ Quốc ngữ một cách bài bản, hệ thống trên cơ sở các ngôn ngữ khác, mà bấy giờ chỉ có các giáo sĩ người Bồ, Ý, Nhật, Pháp. 

Có thể khẳng định rằng, Từ điển Việt - Bồ - La là thành quả kế thừa các tác phẩm trước đó. Chính Alexandre de Rhodes đã cho rằng: “Tôi cũng sử dụng nhiều công trình của cha khác trong cùng một Hội đồng, nhất là của Cha Gaspar de Amaral và Cha Atonio Barbosa”.16 

3. Vậy, nơi phát tích đầu tiên - ngọn nguồn chính của con sông Quốc ngữ là bắt nguồn từ con suối nào? 

3.1. Mục đích ra đời của chữ Quốc ngữ là vì tôn giáo - mở và truyền đạo. Nó là công cụ ngôn ngữ để các giáo sĩ truyền đạo Thiên Chúa vào nước ta. Nhưng nếu không có người bản địa thì các giáo sĩ rất khó khăn, thậm chí không thể nào nghiên cứu, sáng tạo được. TS. linh mục Roland Jacques khẳng định: “Sự sáng tạo chữ Quốc ngữ không phải là công trình của phòng thí nghiệm, mà có rất nhiều người Việt Nam dấn thân vào với một nhiệt thành nào đó trong hành động”.17 

Trở lại những đánh giá nhận định của các cha, chúng ta thấy Cha bề trên và thầy dạy thứ nhất viết: “Kẻ Chiêm vẫn là nơi tốt nhất với tư cách là trung tâm của triều đình”. Kẻ Chiêm chỉ cách Hội An chưa đến 10 km, mà thời đó là trấn/tỉnh thành, có dinh, có nơi đóng của hải quân, có sông Chợ Củi (Sài Thị Giang),… là một trung tâm hành chính của tỉnh. Theo Linh mục Babrird Matos, ở cơ sở Thanh Chiêm có “linh mục F. de Pina, người rất giỏi tiếng Việt, là Cha Bề Trên và thầy dạy, và A. de Rhodes và A. de Fontes là cấp dưới và là học trò” (Thư gửi Cha bề trên ở Roma ngày 5.7.1625). 

Thực tế, việc truyền đạo là không suôn sẻ, nhưng hai trung tâm được nhắc đến nhiều nhất là Hội An và Thanh Chiêm (hay nói gọn lại là Thanh Chiêm - với vai trò là tỉnh thành) và có hai giáo sĩ có công lớn hơn cả, lại gắn bó đặc biệt tại đây là F. de Pina (1617 - 1625) và A. de Rhodes (1624 - 1627). 

3.2. Chính các cha cũng đã có lần thừa nhận, người bản địa trẻ tuổi có tên thánh là Phêrô ở Thanh Chiêm rất thông minh, lanh lợi, có công lớn và cũng là thầy dạy tiếng nói cho các Cha. 

3.3. Và, cũng chính các cha nói rất rõ về tiếng nói Đàng Trong19: 

- Cha Francisco de Pina: “Tiếng nói này là một ngôn ngữ có thanh, giống như một sự xướng âm và trước hết là phải biết xướng âm nó đã, sau đó mới học tới các chữ”,… Kẻ Chiêm “ở đây người ta nói rất hay”. 

- Cha Cristoforo Borri thì khẳng định rằng, tiếng Việt phong phú về nguyên âm, giàu có về giọng và thanh, họ để nói chuyện thông thường thì được, nhưng “muốn học cho thành thạo thì phải mất bốn năm trọn”. Chú ý: Cha Borri ở Đàng Trong rất ít, chủ yếu ở Nước Mặn. 

- Cha Alexandre de Rhodes lại cho rằng mình “sẽ không bao giờ có thể học được thứ tiếng đó”. Nhưng được Cha bề trên và thầy dạy F. de Pina và cậu bé tên thánh là Raphael dạy cho mà thành. 

Vậy, chúng ta có thể khẳng định: Con suối chính tạo nên chữ Quốc ngữ là Thanh Chiêm (nói rộng ra là Hội An)  

4. Thay lời kết 

4.1. Thời Đàng Trong, cảng thị Hội An sầm uất vào bậc nhất Đông Nam Á. Thương nhân các nước Nhật, Hoa, Bồ Đào Nha, Hà Lan,… làm ăn buôn bán. Đó là xứ gần như không thiếu thứ gì, các nhà buôn phương Tây thốt lên rằng: Nước Quảng Nam. Theo chân thương nhân, các nhà truyền đạo vào Đàng Trong. Thương nhân đến đâu, họ đến đó. Và, đương nhiên, họ xin phép Thanh Chiêm để được trú ngụ. 4.2. Tiếng nói Đàng Trong xưa là tiếng nói của cả xứ Quảng (bao gồm cả Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay). Như một lẽ thường tình, tiếng nói tại trung tâm tỉnh thành là tiếng nói chuẩn cho xứ ấy. Mà, Thanh Chiêm là trấn trung tâm. 

Nói như cha F. de Pina, vì nó là trung tâm triều đình, “ở đây người ta nói rất hay”. Cha A. de Rhodes thì bảo không thể học, mà nhờ thầy quá giỏi nên mới học được. Còn cha Cr. Borri thì bảo phải 4 năm trọn mới xong, trong lúc ông ở thời gian ngắn, chủ yếu ở Nước Mặn. Cũng cần nói thêm là cha F. de Pina có chuyển vào sống ở Nước Mặn theo yêu cầu của Cha bề trên Buzomi và ở khoảng gần 2 năm, từ năm 1618. Vậy, tính theo thời gian cơ học, ông ở đến cuối năm 1620, hoặc đầu năm 1621 và năm 1622, Borri bỏ xứ này đi hoàn toàn. 

Vì mục đích mở đạo, chắc chắn rằng, F. de Pina rất giỏi tiếng Việt, giảng không cần thông ngôn lại không trao đổi, hợp tác, thậm chí chỉ dạy cho Borri mới chỉ biết nói chuyện, chưa tinh thông, cho rằng phải 4 năm trọn mới học xong (tiếng Việt). 

4.3. Đất và người Quảng Nam đóng vai trò quan trọng.20 Và, dinh trấn Quảng Nam (dinh trấn Thanh Chiêm) và mở rộng ra là Hội An là dòng suối lớn, suối chính hình thành nên con sông Quốc ngữ - thuở ban đầu của chữ viết tiếng Việt ngày nay. 

5. Vài đề nghị 

Việc nghiên cứu quá trình hình thành, “phát tích” chữ Quốc ngữ cũng như việc xác định vai trò chủ đạo, tiên phong và những đóng góp to lớn cho thuở ban đầu hình thành chữ Quốc ngữ, tuy đã được nghiên cứu khá nhiều, cả trong và ngoài nước, cả trước và sau năm 1975, song vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. 

Để tìm câu trả lời chính thống, hay nói như TS. linh mục Roland Jacques sự thật vẫn là sự thật, chúng tôi xin kiến nghị: 

5.1. Bộ Khoa học và Công nghệ, trong chương trình đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cần nhanh chóng triển khai đề tài nghiên cứu xác lập cơ sở khoa học quá trình hình thành chữ Quốc ngữ thế kỷ XVII - XVIII; trên cơ sở vào cuộc mạnh mẽ của Ủy ban Văn hóa Hội đồng Giám mục Việt Nam, các nhà khoa học, các linh mục trong và ngoài nước để thống nhất đưa ra kết luận khoa học chính thức. 

Đây vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng với chữ Quốc ngữ. 

5.2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần xây dựng Tượng đài chữ Quốc ngữ và tiến hành xác lập Hồ sơ khoa học để vinh danh di sản văn hóa to lớn của dân tộc, tổ chức Lễ hội chữ Quốc ngữ - như là cách bảo vệ, giữ gìn và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt. 

5.3. Các cơ quan chức năng Trung ương, tỉnh Quảng Nam, thị xã Điện Bàn cần phục dựng (bằng thực tế) dinh trấn Thanh Chiêm (có thể là cổng dinh và nhà chính của dinh) vừa để làm di tích, vừa là trung tâm trưng bày, giới thiệu chữ Quốc ngữ. 

Bên cạnh đó, cần ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng “dinh trấn Quảng Nam (Thanh Chiêm)” phục vụ cho bảo tồn, nghiên cứu và giáo dục truyền thống. 

Chú thích: 

1, 2, 4, 8, 9, 10, 11, 12, 14, 15, 16, 17, 18, 19 Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam - Viện Ngôn ngữ học, Những đặc trưng cơ bản của tiếng Quảng Nam và vị trí của nó trong việc hình thành chữ Quốc ngữ, 2006, 45, 47, 61, 69, 69, 69-70, 70, 70, 71, 319-321, 71 

3. Theo Những đặc trưng cơ bản của tiếng Quảng Nam, 61, thì ghi cụ thể: Ngày 18.01.1615, một phái đoàn Dòng Tên gồm: Francesco Buzomi, người Ý và Diego Carvalho, người Bồ cùng với ba thầy cả (một người Bồ và hai người Nhật) đến Tourane (Đà Nẵng). Sau đó, họ vào Hội An theo chân các thương nhân Nhật, Bồ bằng đường sông Lộ Cảnh giang (Cổ Cò, nối Hội An với Đà Nẵng. Đầu thế kỷ XIX, con sông này bị bồi lấp). 

5, 6 Tạ Văn Thông, tham luận khoa học: Từ tiến trình chữ Quốc ngữ nghĩ về chữ viết các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam. 

7. Cristoforo Borri, Relatione, 219, 221. Dẫn theo bài viết “Chữ Quốc ngữ phôi thai ở Nước Mặn nhân đọc bản Tường trình của Borri” của Nguyễn Thanh Quang, http://www.baobinhdinh. com.vn/

8. “Chữ Quốc ngữ phôi thai ở Nước Mặn nhân đọc bản Tường trình của Borri” của Nguyễn Thanh Quang, http://www.baobinhdinh.com.vn/

13. Theo Thy Hảo Trương Duy Hy. Dẫn theo Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc ngữ, (Sài Gòn: Tủ sách Ra Khơi, 1972), 33. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

1. UBND tỉnh Quảng Nam (2000). Quảng Nam - Xưa và Nay. Đà Nẵng: Đà Nẵng. 

2. Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam - Viện Ngôn ngữ học (2006). Những đặc trưng cơ bản của tiếng Quảng Nam và vị trí của nó trong việc hình thành chữ Quốc ngữ. 

CÁC GIÁO SĨ DÒNG JÉSUITES (BỒ ĐÀO NHA) 
VỚI VIỆC HÌNH THÀNH CƯ SỞ THANH CHIÊM 
(QUẢNG NAM) VÀ CHỮ QUỐC NGỮ THẾ KỶ XVII?

Hoàng Thị Anh Đào

1. Những nhân tố thúc đẩy việc truyền giáo của các giáo sĩ Dòng Jésuites ở Đàng Trong 

1.1. Bối cảnh lịch sử Tây Âu trước thế kỷ XV và việc Bồ Đào Nha tiên phong trong việc tìm kiếm những vùng đất mới 

Vào thế kỷ XIII, mối quan hệ mậu dịch giữa châu Âu và phương Đông đã có sự phát triển rất lớn. Hàng hóa quý giá ở phương Đông, như hương liệu (gia vị), đồ trang sức bằng đá quý, mỹ phẩm và hàng tơ lụa… ngày càng được sử dụng rộng rãi trong giới thượng lưu và quý tộc Tây Âu. Giữa thế kỷ thứ XV trở về trước, các thương gia thường theo ba con đường chủ yếu để vận chuyển hàng hóa từ Đông sang Tây. Thứ nhất là con đường bộ xuất phát từ vùng biển tiểu Á, men theo Biển Đen (Hắc Hải), biển Caspian (Lý Hải) để đi đến Trung Quốc và Ấn Độ. Hai con đường còn lại chủ yếu là đi trên biển nhưng cũng có đoạn đi bằng đường bộ. Một trong hai con đường này xuất phát từ Syria, đến lưu vực Lưỡng Hà, rồi tiếp tục xuống vịnh Ba Tư. Từ đó, theo con đường biển đến Ấn Độ và Trung Quốc. Con đường biển thứ hai là từ thành phố Alexandria (Ai Cập) ra Biển Đỏ, rồi vượt Ấn Độ Dương đến Ấn Độ và Trung Quốc. 

Thời bấy giờ, hoạt động mậu dịch tại vùng phía Đông của Biển Đỏ và Địa Trung Hải chủ yếu do người Ả Rập và người Ý lũng đoạn. Một bộ phận tầng lớp trên của xã hội Tây Âu từng xem những loại hàng xa xỉ phẩm của phương Đông là nhu cầu cần thiết trong đời sống của họ, nhưng châu Âu phải mua chúng với giá quá đắt, khiến cán cân mậu dịch giữa Tây Âu và phương Đông luôn có sự chênh lệch lớn, hệ quả là vàng của Tây Âu phải đưa ra quá nhiều để đổi lấy những sản phẩm mà họ cần. Các đại thương gia, nhất là các nước như Ý và các nước trên bờ Đại Tây Dương muốn xúc tiến tìm ra một con đường khác để tránh sự khống chế của người Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập bằng cách đi vòng phía Đông của Địa Trung Hải, rồi tìm đường biển đi thẳng đến phương Đông. Những thương gia người Bồ Đào Nha cho rằng: “một khi tìm được đường hàng hải mới, không cần đi ngang qua Địa Trung Hải, thì số thuế cần phải nộp cho hàng hóa từ phương Đông chỉ nộp là 1/80” [3, 513]. Sự khai thác những con đường hàng hải mới, bắt đầu từ những nhu cầu bức xúc của người Tây Âu muốn tìm cho được nhiều vàng. 

Từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XV, kinh tế hàng hóa tiền tệ ở các nước Tây Âu phát triển, thúc đẩy chế độ phong kiến đi tới tan rã và mầm mống quan hệ tư bản chủ nghĩa bắt đầu manh nha, do lưu lượng hàng hóa được mở rộng, phương tiện dùng để trao đổi tiền tệ cũng có nhu cầu lớn hơn. Trong thời Trung cổ, tiền tệ Tây Âu thường dùng bạc để đo lường, đến thế kỷ thứ XV, vàng dần dần thay thế cho bạc để làm đo lường trong giao dịch giữa các nước. Các thương gia châu Âu, cũng như những lãnh chúa phong kiến, tha thiết muốn tìm ra thứ kim loại quý để đúc tiền tệ - vàng. Giai cấp tư sản mới vươn lên cũng rất cần vàng để mở những công trường thủ công, giới quý tộc cần vàng để muốn thỏa mãn đời sống xa xỉ của họ. Thế nhưng, thời bấy giờ, việc khai thác thứ kim loại quý này ở Tây Âu chỉ đạt được một số lượng ít ỏi. Thêm vào đó, do Tây Âu trong mậu dịch với phương Đông thường rơi vào tình trạng nhập siêu. Chính vì vậy, cơn khát vàng bao trùm Tây Âu lúc bấy giờ. 

Qua hiểu biết, người châu Âu cho rằng phương Đông là nơi hết sức trù phú, hoa lệ. Ở Trung Quốc và Ấn Độ, “khắp mặt đất đều là vàng, còn các loại hương liệu thì ngoài đồng nội đâu đâu cũng có” [3, 513]. Điều đó, tạo nên sức hấp dẫn lớn đối với tầng lớp trên của xã hội Tây Âu lúc bấy giờ. Họ quyết tâm ủng hộ một số người có tinh thần mạo hiểm muốn vượt biển đi xa, để qua đó sẽ cướp đoạt được nhiều vàng. Các lãnh chúa thuộc người tôn giáo hoặc người bình thường, các kỵ sĩ, các giáo sĩ và các nhà hàng hải, ai ai cũng ôm ấp “giấc mộng vàng. 

Nhân tố tôn giáo trong việc “phát hiện” những vùng đất mới cũng là mục đích lớn thứ hai trong việc tìm kiếm những vùng đất Rao giảng Phúc âm mới.

Sự thất bại của các cuộc Thập tự chinh trong những cuộc đông chinh đã khiến Tòa thánh mất dần những nơi trước đây thuộc đặc quyền của Tòa thánh. Hồi giáo phát triển nhanh chóng, nên Kitô giáo cũng muốn nhanh chóng chiếm lại những vùng đất trước đó và mở rộng hơn quá trình truyền bá rộng rãi đạo Kitô trên toàn thế giới. 

Hai quốc gia Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha có sự quan tâm rất lớn đến việc tìm kiếm những con đường hàng hải mới. Hai nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã có những thành thị rất phát triển về mặt thương nghiệp, như: Barcelona, Lisbon… đang cố tìm cách trực tiếp buôn bán với phương Đông. Suốt trong những thế kỷ khôi phục đất đai đã mất, hai quốc gia này đã xuất hiện một số quý tộc chuyên đi đánh giặc. Sau khi chiến tranh kết thúc, những người này vẫn hăng hái đối với hoạt động quân sự và mở rộng đất thực dân. Hai nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha lại có nghề đóng tàu biển phát triển, một số hải cảng của họ đã trở thành điểm dừng chân trên con đường hàng hải từ Ý đến Netherland. Có rất nhiều thủy thủ từ thành phố Genoa (thành phố phía Bắc nước Ý) di cư sang Bồ Đào Nha. Chính vì vậy, hai nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha có đủ điều kiện để cung ứng tất cả những trang thiết bị về hàng hải và những nhu cầu về vật tư, nhân lực cho các thuyền bè. Do vậy, họ đã trở thành những quốc gia tổ chức các cuộc thám hiểm trên biển và mở những cuộc xâm lược thực dân sớm nhất ở Tây Âu. 

Bên cạnh đó, sức sản xuất trong xã hội phát triển, tri thức địa lý được mở rộng1, kỹ thuật đóng tàu tiến bộ, họ đã đóng được nhiều tàu bè, nhiều kiểu tàu mới gọn nhẹ, nhiều cột buồm lớn, tốc độ nhanh, khoang thuyền rộng để đi biển dài ngày. Kim chỉ nam do người Trung Quốc phát minh được người Ả Rập truyền vào châu Âu thế kỷ XIV nay được ứng dụng rộng rãi vào kỹ thuật đi biển. 

Khi người châu Âu có bốn phát kiến lớn về địa lý thế kỷ thứ XV, thì trước đó người Trung Quốc, Ấn Độ, Ả Rập… đã tìm được những con đường hàng hải đi từ Trung Quốc, Ấn Độ đến vịnh Ba Tư từ những năm 1403, theo con đường duyên hải Đông Phi. Từ năm 1497 đến năm 1499, với các cuộc hành trình lớn của Vasco de Gama, các nhà hàng hải Bồ Đào Nha mở ra những con đường biển giữa châu Âu và châu Á. Từ năm 1519 đến năm 1521, Ferdinand Magalhães đã đi vòng quanh thế giới bằng đường biển. Đến đầu thế kỷ XVI, công cuộc bành trướng đã đưa Bồ Đào Nha đến trung tâm châu Phi và cả phía Nam châu Mỹ, các hạm đội của Bồ Đào Nha cũng thám hiểm tới châu Á và châu Đại Dương, tới Malacca (1511), tới Trung Quốc (1513) và tới Nhật Bản (1542 - 1543). 

Người Bồ Đào Nha không chỉ giong thuyền đi biển và lập ra hải đồ, họ còn buôn bán và chinh phục những vùng đất mới. Sự đô hộ của Bồ Đào Nha tại các vùng ven biển châu Phi và châu Á, đặc biệt liên quan đến những bước đầu của thời kỳ bành trướng hàng hải của châu Âu và đạo Kitô, đánh dấu rõ rệt việc lịch sử loài người bước sang trang mới. 

Những động cơ chính của Bồ Đào Nha là “lòng nhiệt thành tôn giáo”, “buôn bán hương liệu” và “chinh phục những vùng đất mới”. Như vậy, động cơ của các cuộc bành trướng này là tìm kiếm lợi nhuận thương mại nhiều hơn là tham vọng chính trị hoặc quân sự. Nhưng, còn một lý do nữa là lòng nhiệt thành tôn giáo, vì thế mà ta có thể xem “thánh giá và hương liệu” là động cơ chính của Bồ Đào Nha trong bước đầu sang phương Đông. 

1.2. Sự phát triển của Thiên Chúa giáo và nhu cầu mở rộng phạm vi truyền giáo của Giáo hội thế kỷ XV 

Vào thế kỷ thứ III - II trước Công nguyên, ở Đông đế quốc La Mã cổ đại, Thiên Chúa giáo ra đời. Đến thế kỷ II sau Công nguyên, La Mã trở thành đế quốc rộng lớn trải dài từ Tây sang Đông bao gồm bán đảo Italia và các nước vùng Địa Trung Hải. Mặc dù là đế quốc hùng mạnh, nhưng trong nội bộ La Mã có nhiều mâu thuẫn do đế quốc này được hình thành và phát triển dựa trên chiến tranh và sức lao động của người nô lệ. Vì thế, mâu thuẫn giữa chủ nô và nô lệ hết sức gay gắt, và nhiều cuộc khởi nghĩa của nô lệ đã diễn ra. Vào lúc đó, đế quốc La Mã còn mạnh, đã nhanh chóng đàn áp dã man và tàn bạo các cuộc khởi nghĩa của nô lệ. Cuối cùng, người nô lệ không còn cách nào khác là cam chịu cuộc sống cơ cực và chỉ biết trông chờ vào lực lượng siêu nhiên bảo vệ cho cuộc sống tinh thần của họ. Thiên Chúa giáo ra đời, vừa là sản phẩm tinh thần của quần chúng trước tính trạng bi đát và thất vọng trong cuộc sống, vừa là phản ứng của họ trước chính sách áp bức bóc lột của giai cấp chủ nô thống trị. 

Sự ra đời của Thiên Chúa giáo dựa trên tư tưởng của thần học đạo Do Thái và Triết học Hy Lạp, La Mã; về sau kết hợp với nhiều yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán của các dân tộc vùng Trung cận Đông. Và một điều nữa, qua quá trình tồn tại và phát triển, mặc dù sử dụng nhiều yếu tố triết học, thần học, phong tục tập quán, nhưng Thiên Chúa giáo đã biết chọn lọc, cải biên, gạt bỏ những chi tiết địa phương không thích hợp, cố gắng tạo ra những nét chung, mang tính phổ cập, đáp ứng xu hướng thờ nhất thần và phù hợp với lòng mong đợi của các dân tộc khác nhau về một Đấng cứu thế. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến Thiên Chúa giáo có số lượng con chiên đông đảo. 

Quá trình phát triển của Thiên Chúa giáo trải qua nhiều giai đoạn lịch sử thì càng thêm biến đổi, khi mới thành lập, Thiên Chúa giáo là tiếng nói của những người nô lệ cùng khổ, xuất hiện dưới hình thức các cộng đồng nhỏ, bao gồm nô lệ, nô lệ được giải phóng, dân nghèo thành thị. Họ lập thành những công xã nhỏ, mọi thành viên của cộng đồng đều bình đẳng, giúp đỡ lẫn nhau và làm việc từ thiện. Do thái độ chống lại chính quyền Roma, nên sau đó, Thiên Chúa giáo bị chính quyền Roma đàn áp.2 

Tuy bị đàn áp, nhưng Thiên Chúa giáo vẫn phát triển, nhiều người thuộc giai cấp chủ nô đã trở thành tín đồ của Kitô giáo. Sau khi đế quốc Roma bị diệt vong, Thiên Chúa giáo cần phải mở rộng ảnh hưởng, trước hết là bộ tộc France. Đến thời Trung đại, nhất là từ thế kỷ VIII đến thế kỷ IX, Giáo hội ủng hộ các vua của bộ tộc France, vì thế vương quốc France đã đánh chiếm hầu hết các nước Tây Âu, lập nên Thánh quốc La Mã. Kể từ đây, Thiên Chúa giáo như công cụ của vương quyền, Giáo hội ngày càng chiếm lấy vị trí chủ đạo trong đời sống chính trị châu Âu. 

Tuy nhiên, do mưu đồ của Giáo hoàng muốn ngự trị trên toàn bộ Giáo hội, đồng thời do sự bất đồng về cách giải thích thuyết “Tam vị nhất thể”, nhưng bản chất là sự tranh giành giữa Giáo hội phương Tây (Catholique) và Giáo hội phương Đông (Othhodoxe). Từ đó, hai Giáo hội hoàn toàn độc lập với nhau và ra sức công kích nhau, thậm chí coi nhau như thù địch. 

Từ cuối thế kỷ XI, lợi dụng tính tham lam và hiếu chiến của quý tộc phong kiến, lòng mê tín của các tín đồ, đồng thời để mở rộng thế lực của Giáo hội Thiên Chúa sang phương Đông, Giáo hoàng Roma đã liên kết với các vua chúa phong kiến phương Tây phát động các cuộc Thánh chiến (Thập tự chinh).

Các cuộc Thập tự chinh kéo dài gần 200 năm (1096 - 1270), với nhiều cuộc viễn chinh và cuối cùng thất bại. Các cuộc Thập tự chinh đã chẳng mang lại kết quả gì, mà còn tàn phá các nền văn minh ở Trung cận Đông. Hệ quả đã làm cho uy tín cũng như quyền lực của Giáo hoàng Roma suy giảm. Để bù lại, Giáo hoàng đã nghĩ ra nhiều cách để vơ vét, thu tiền án phí, thuế bổ nhiệm, bán thẻ xá tội… tạo nên sự bất bình và phản kháng của các vua chúa nước Anh, Pháp, Tây Ban Nha. Điều này làm cho thế lực của Giáo hội Thiên Chúa càng bị suy giảm nhanh chóng. 

Đến thời kỳ cận đại, do sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế hàng hóa - tiền tệ ở Tây Âu, giai cấp tư sản ra đời, cùng với đó là sự ngày càng rõ ràng của quá trình tích lũy nguyên thủy tư bản. Trong tình hình đó, thế giới quan, hệ tư tưởng cũ của chế độ phong kiến và Giáo hội trở nên lỗi thời và là trở ngại lớn cho sự phát triển của quan hệ tư bản chủ nghĩa, nên các cuộc cải cách tôn giáo đã diễn ra để phù hợp với quan hệ sản xuất mới đang dần hình thành. 

Chính điều đó mà đầu thời cận đại, phạm vi và thế lực của Giáo hội Thiên Chúa bị thu hẹp do sự phát triển cũng như tấn công của tư bản chủ nghĩa ở Tây Âu. Khác với trước đây, Thiên Chúa giáo là tinh thần chính của toàn bộ châu Âu. Giờ đây, các tôn giáo mới tách ra từ Thiên Chúa giáo đã dần chiếm vị trí quan trọng trong hệ tư tưởng châu Âu thời bấy giờ, chia sẻ quyền lực với Giáo hội. Chính điều đó, làm cho Giáo hội nhận thấy rằng việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo ra ngoài châu Âu mang ý nghĩa sống còn. Và lẽ dĩ nhiên, những vùng đất mới phát kiến là địa bàn màu mỡ cho những gieo mầm mới của Thiên Chúa. 

1.3. Sự thừa nhận của Giáo hội Rome về Quyền Bảo trợ (Jus Patronatus) của Bồ Đào Nha 

Quyền Bảo trợ mà Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha có được là một quá trình từ lâu trong lịch sử. Mãi đến năm 1558, nhất là dưới hai triều đại Charles Quint và Philippe II, Tây Ban Nha trở thành đế quốc thương mại và bá chủ châu Âu, các nước Bồ Đào Nha, Anh, Ý, Hà Lan… đều lệ thuộc Tây Ban Nha. Nhưng từ ngày tìm ra những vùng đất mới, buôn bán và chiếm thuộc địa như đã nêu trên, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha sinh ra cạnh tranh đố kỵ nhau, chính vì quyền lợi va chạm, nhiều cuộc tranh giành, xung đột ngày càng gay cấn, là hai cường quốc toàn tòng Công giáo, nên họ đem nhau đến xin Giáo hoàng làm trọng tài phân xử. Kết quả là, Giáo hoàng Aleaxandre VI (1492 - 1503), với Sắc chỉ Inter Caetera ngày 4.5.1493 đã chia thế giới ra làm hai cho Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha: ranh giới từ một đảo góc phía Tây quần đảo Acores (Đại Tây Dương), gần vĩ tuyến 30 phía Nam, kéo dài một đường tưởng tượng lên Bắc Cực và xuống Nam Cực. Đường này chia ranh giới phía Đông - Tây. Phía Tây thuộc lãnh vực của Tây Ban Nha gồm châu Mỹ. Phía Đông thuộc Bồ Đào Nha gồm châu Phi và châu Á. Năm 3.11.1534, Giáo hoàng Paolo III (1534 - 1549) ban hành Sắc lệnh Aequum Reputamus thành lập địa phận Goa, ranh giới từ Mũi Hảo vọng đến Trung Quốc. Việt Nam thuộc giáo phận này. Năm 4.2.1557, Giáo hoàng Paolo IV (1555 - 1559) ban hành Sắc lệnh Pro Excellenti praeeminentia, thành lập Tòa giám mục Malacca, thuộc Tổng giám mục Goa, có quyền từ hải khẩu Tây Ban Nha đảo này đến Nhật Bản, và quần đảo Indonesia ngày nay. Năm 01.3.1575, Giáo hoàng Grégoire XVIII (1572 - 1585) ban Sắc lệnh Super Specula, tách địa phận Ma Cao ra khỏi địa phận Malacca, thành địa phận mới. 

Quyền Bảo trợ trên thực tế, có nghĩa là từ thế kỷ XVI, chế độ Bảo trợ này thực hiện trên tất cả các lãnh thổ chiếm hữu của Bồ Đào Nha ở phía Đông Ấn Độ, bao gồm quyền bổ nhiệm, quyền chinh phục, quyền thương mại, quyền hàng hải. Nhờ quyền Bảo trợ mà Bồ Đào Nha được toàn quyền truyền giáo ở những vùng đất mới sang phương Đông. Đàng Trong (Việt Nam) lúc đầu thuộc khu vực truyền giáo của Malacca, sau đó thuộc Ma Cao. Chính những thư từ truyền đi giữa Ma Cao sang Đàng Trong đã trở thành nhân tố quan trọng trong việc định hình chữ Quốc ngữ. 

2. Sự hình thành cư sở Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ 

Những nhân tố trên đã thúc đẩy Bồ Đào Nha sang phương Đông, Đàng Trong (Việt Nam) trở thành vị trí quan trọng trong hành trình truyền giáo của dòng Jésuites. 

2.1. Những dấu mốc đầu tiên của các nhà truyền giáo có mặt ở Việt Nam 

Mốc thời gian để xác định sự có mặt của Bồ Đào Nha ở Việt Nam để tiến hành hoạt động truyền giáo đến nay vẫn còn nghi sử. Nhiều giả thuyết được đưa ra là vào năm 1513, giáo sĩ Bồ Đào Nha đã có mặt ở Việt Nam. 

Nhưng trong một biên niên sử của Việt Nam cho rằng Bồ Đào Nha đến Việt Nam năm 1533. Cụ thể, trong Khâm định Việt sử thông giám cương giám mục thì “vào khoảng tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533), đời Lê Trang Tông, có người Tây Dương tên là I-nê-xu lẻn đến xã Ninh Cường, xã Quần Anh huyện Nam Chân và xã Trà Lũ huyện Giao Thủy truyền bá đọa Gia-tô” [1, 24]. Trong Đại Việt sử ký toàn thư không cho biết là người Tây Dương đến giảng đạo năm nào và bị đuổi đi năm nào? Nhưng các sử gia nhà Nguyễn sau đó đã dựa vào nguồn dã sử để chỉ rõ năm “Nguyên Hòa thứ nhất”, tức năm 1533. 

Theo các nguồn sử liệu nước ngoài, Pierre-Yves Manguin trong Les Portugais sur les côtes du Viet-Nam et du Champa (Người Bồ Đào Nha thâm nhập bờ biển Việt Nam và Champa) đã viết rằng: “Sau lần tiếp xúc đầu tiên với người Chăm và người Việt vào năm 1516, một ‘sự khám phá’ chính thức với Đàng Trong đã được tiến hành vào năm 1523”.3 

Vậy là có 3 mốc đánh dấu việc các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha đến Việt Nam là 1513, 1523, 1533. Theo chúng tôi, sau khi chiếm được Malacca (1511), viên chỉ huy người Bồ Đào Nha của bán đảo này đã gửi một chiếc thuyền, dưới quyền chỉ huy của thuyền trưởng Alvarez, đi thám hiểm dọc bờ biển Đông, năm 1516, đoàn thuyền của Bồ Đào Nha tới Quảng Đông để ký kết thương ước với Trung Quốc [1, 24]. Như vậy, nếu Bồ Đào Nhà đến Việt Nam năm 1513 thì đó là mốc quá sớm. Vì mục tiêu của Bồ Đào Nha là đến Ấn Độ và Trung Quốc. Thêm vào đó, hoạt động truyền giáo của Việt Nam dưới thời Bồ Đào Nha đều phụ thuộc vào Ma Cao (Trung Quốc), nên năm 1513 là không hợp lý. Còn mốc năm 1533 lại quá xa sau khi Bồ Đào Nha ký kết thương ước với Trung Quốc. Trong khi đó, trong Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam của Nguyên Hồng, tác giả cho biết Bồ Đào Nha đến Việt Nam năm 1523 với sự kiện “vào năm 1523, thuyền trưởng Duarte Coelho được sai làm sứ giả vào nước Việt [4, 18]”4 , “vào năm 1523, khi Duarte Coelho đến thì vào lúc Mạc Đăng Dung đem quân đánh Trịnh Tuy ở Thanh Hóa” [4, 19]. Tác giả Nguyễn Văn Trinh trong Lịch sử giáo hội Việt Nam có ghi: “Đang đời này, nhà Lê cai trị Đàng Ngoài. Năm 1523, nước Buttughê sai quan Duarte Coelho sang qua Annam làm tờ giao kết cùng vua, song việc không thành. Dầu vậy, quan ấy muốn để tích làm chứng, đời ấy đã có người có đạo thấu đến nước Annam, nên đã đậu tàu lại nơi Cù Lao Chàm, kêu là Poulo Champeilo, mà dựng một bia lớn đã chạm hình thánh giá, có khắc bốn chữ INRI, để số năm, 1523 và sáu chữ tắt chỉ tên ông Duarte Coelho” [8, 163]. Trong Giáo hội Công giáo ở Việt Nam của Bùi Đức Sinh cũng có ghi nhận: “Năm 1523, Duarte Coelho được sai làm sứ giả đến điều đình một cuộc liên lạc thương mại giữa người Việt và Bồ Đào Nha. Gặp lúc trong nước đang rối loạn, không hy vọng có thể gặp nhà vua… Tháng 6.1556, tức 33 năm sau, Fenão Mendes Pinto, một giáo sĩ Dòng Tên qua ven biển Việt Nam gặp hình Thánh giá được khắc trên một tảng đá lớn, ngoài bốn chữ INRI, còn ghi năm và tên tác giả” [6, 33]. 

Như vậy, với những cứ liệu trên cho thấy năm 1523 được nhiều tác giả ghi nhận và xem là năm đặt dấu tích đầu tiên Bồ Đào Nha đến truyền giáo ở Việt Nam. Trong nhiều tài liệu khác chúng tôi tiếp cận được, đều ghi nhận năm 1523 với sự kiện Duarte Coelho có mặt ở Cù Lao Chàm là năm Bồ Đào Nha bắt đầu có mặt truyền giáo tại Việt Nam. 

Sau khi có mặt ở Đàng Trong đầu thế kỷ XVI, các nhà truyền giáo đã có nhiều cố gắng truyền giáo ở đây nhưng đều không thu lại nhiều kết quả đáng kể. Bước sang đầu thế kỷ XVII, với sự thiết lập mạnh mẽ hoạt động truyền giáo của Dòng Jésuité ở Macao, công cuộc truyền giáo bước sang giai đoạn mới là việc thành lập các cư sở đầu tiên ở Đàng Trong là Hội An, Nước Mặn và đặc biệt là Cư sở Thành Chiêm (Quảng Nam). 

2.2. Sự thành lập cư sở Thanh Chiêm 

Về danh từ cư sở (residentia), dòng Jésuites không dùng danh từ tu viện (conventus), đan viện (monasterium) cho những nơi ở của tu sĩ, mà sử dụng từ cư sở (residentia) và nhà ở (domus) để chỉ nơi ở của các tu sĩ và nơi tiến hành các thánh lễ.5 

Cư sở Thanh Chiêm (Thành Chiêm, Quảng Nam dinh, Dinhciam, Kecham…) thành lập năm 1623, là vùng đất nằm phía tây Hội An, tả ngạn sông Thu Bồn, cách Hội An phía Đông 7 km, là thủ phủ của dinh trấn Quảng Nam. Người đứng ra thành lập cư sở này là Francisco de Pina6 , điều đó được nêu trong thư gửi về Ma Cao năm 1623: “Năm ngoái [năm 1622], con [Pina] đã biên thư cho cha [người quản hạt ở Ma Cao], thưa cha đáng kính, con đã mua nhà của mẹ bà Gioanna tại Cacham [Thanh Chiêm], mỗi nhà gồm ba gian, một nhà dành cho chúng ta ở, nhà kia làm nhà nguyện. Mục đích của con là cần có cái gì đó [nhà] thuộc quyền chúng ta tại một nơi rất quan trọng của Vương quốc này, để có thể chúng ta sẽ dâng lễ misa [lễ thánh tẩy trong Thiên Chúa giáo] tại đó, và tiếp tục vun trồng cùng phát triển nhóm bổn đạo ở đây [Thanh Chiêm]… Tại mỗi nhà phải có ít nhất ba [thanh niên] giúp chúng ta công việc trong nhà, và cũng phải dành thời giờ cho những người đó vừa học chữ của họ [tiếng Việt], vừa học chữ chúng ta [tiếng Bồ]” [12, 195 - 196]. Đến năm 1625, số giáo hữu ở Thanh Chiêm là 306 [2, 68].

2.3. Quá trình tiếp cận ngôn ngữ Việt của các giáo sĩ dòng Jésuites và bước đầu của sự hình thành chữ Quốc ngữ 

Khi những giáo sĩ dòng Jésuites đầu tiên đến Đàng Trong, họ không học tiếng Việt trước khi đến nên phải nhờ đến những người thông ngôn, đa số là những Nhật kiều định cư ở Hội An sau lệnh “cấm đạo” của Nhật Bản năm 1614. Những người này đến Việt Nam do phải tỵ nạn tôn giáo hay theo giấy phép Châu ấn thuyền của Nhật đến buôn bán, vì thế vốn tiếng Việt của họ cũng hạn chế, họ chỉ thông ngôn những vấn đề đơn giản, thông thường. Để tiến hành được công cuộc truyền giáo, các giáo sĩ phải tiến hành học tiếng Việt. 

Giáo sĩ Francesco Buzomi đến Cửa Hàn năm 1615 và học tiếng Việt nhưng ông chỉ biết rất ít, mỗi lần truyền giảng ông đều sử dụng thông dịch viên, vì thế cũng có những hiểu nhầm trong ý nghĩa, ví dụ trong tường trình của Borri khi đến Đàng Trong: “Con gnoo muon bau tlom laom Hoalaom chiam? [Con nhỏ muốn vào trong lòng đạo Hoa lang chăng?] (cioè figlio piccolo volete entrar dẽ tro ls pãza de Portoghesi ò nò?)”, [10, 107 - 109], ở đây ý của Buzomi là đạo Christiana (Thiên Chúa) không phải là đạo Hoa lang. Đó chính là hạn chế của Buzomi trong hoạt động truyền giáo của ông. Chính trong tường trình của Rhodes, ông cũng thừa nhận: “Tại đây (Đàng Trong), chúng tôi (đoàn của Rhodes) được thấy cha Emanuel Fernandez và cha Buzomi luôn luôn phải giảng thuyết qua thông dịch viên, chỉ có cha Francois Pina (Francisco de Pina) nghe và nói thành thạo tiếng Việt” [14, 72]. Như vậy, trong số những giáo sĩ dòng Jésuites đầu tiên đến Việt Nam, Pina được xem là người biết khá thành thạo tiếng Việt, điều này không chỉ được thừa nhận bởi Rhodes như chúng tôi dẫn chứng ở trên mà cả trong báo cáo của Gaspar Luis: “tại cư sở Hội An có một cha đến triều đình (Thành Chiêm, thủ phủ của Nguyễn Phước Kỳ, là con trai của Nguyễn Phúc Nguyên) dạy giáo lý tại nhà bà Gioanna bằng tiếng xứ này (xứ Đàng Trong)” [11, 122] và cả trong thư chính Pina gửi Cha bề trên: “Tại Pulo Cambi (cư sở Nước Mặn), cha Buzomi có ba ông sãi làm thay cha hết mọi việc. Vì thế, nếu xảy ra chuyện gì, hoặc có công việc gì phải điều hành hay phải chuyển tin tức quan trọng, cha phái một thông dịch viên, hay một trong ba ông sãi; giờ dạy giáo lý xong là cha rút lui, và những gì trên đây thì còn ở lại, để ôn bài học cho các dự tòng, hoặc để nói chuyện với họ. Nhưng về phần con [Pina], con phải làm hết mọi công việc và bởi vậy con cảm thấy mình khá mòn mỏi, kiệt lực, kiệt sức và tàn tạ trong mọi sự”. Điều đó, có nghĩa là Pina đã biết tiếng Việt để nói chuyện với những dự tòng. Thêm vào đó, trong thư Pina viết năm 1622 - 1623, có nói rằng: “Phần con [Pina], đã soạn thành một tập nhỏ về chính tả và các dấu thinh của tiếng này [Việt], và con đang bắt tay vào soạn ngữ pháp. Dù con đã thu tập được nhiều truyện thuộc các loại khác nhau giúp cho những trích dẫn thêm giá trị, hầu xác quyết được ý nghĩa của từ ngữ và quy luật ngữ pháp, tuy nhiên, cho đến nay, con vẫn phải nhờ người ta đọc cho con những truyện đó để con viết sang chữ Bồ Đào Nha” [2, 45 - 46]. 

Chính những gì Pina nói, viết bằng tiếng Việt, là nền tảng để sau này, với năng lực ngôn ngữ của mình, Rhodes đã kế thừa và cho xuất bản những tác phẩm bằng chữ Quốc ngữ mang tên Alexandre de Rhodes. Quả thật, Rhodes rất thành thạo tiếng Việt và học rất mau lẹ, tới mức sau 4 tháng, Rhodes đã có thể giải tội được bằng tiếng Việt. Lúc mới đến xứ Đàng Trong, Rhodes cũng cảm nhận tiếng Việt là ngôn ngữ khó học, Rhodes viết: “Riêng tôi, xin thú thực khi vừa tới Đàng Trong, và nghe người xứ này nói, đặc biệt là phụ nữ, tôi tưởng như nghe chim hót, và tôi mất cả hy vọng vì sẽ chẳng bao giờ học được. Tất cả mọi từ đều là đơn âm […]. Cùng một âm, ví dụ âm Dai, có tới hai mươi ba nghĩa khác nhau, do nhiều cách phát âm: rõ là nói bằng cách hát” [14, 72]. 

Kết quả của việc học và hiểu tiếng Việt, kế thừa những người đi trước như Francisco de Pina, Alexandre de Rhodes đã cho xuất bản ba tác phẩm tiêu biểu và sau này là nền tảng của chữ Quốc ngữ. Thứ nhất, vào năm 1651, de Rhodes cho in cuốn Từ Điển Việt - Bồ - La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) dựa trên các ký tự tiếng Việt của những giáo sĩ người Bồ Đào Nha và Ý trước đó. Có thể coi đây là sự kiện đánh dấu sự ra đời của chữ Quốc ngữ. Thứ hai, tác phẩm Phép giảng tám ngày (tên Latinh: Catechismus) cũng được in cùng năm với Từ điển trên, được viết bản thảo lúc Rhodes đang truyền giáo ở Đàng Ngoài. Khác với phần tự điển ghi từ vựng, Phép giảng tám ngày là tác phẩm văn xuôi, phản ảnh văn ngữ và ghi lại cách phát âm của tiếng Việt vào thế kỷ XVII. Thứ ba, cuốn văn phạm Việt Nam nhan đề Linguae Annamiticae seu Tunchinensis brevis declartio, viết về văn phạm Việt Nam lúc bấy giờ. 

Cả ba tác phẩm trên được đánh giá là những viên gạch đầu tiên của Quốc ngữ Việt Nam. Những tác phẩm trên đã được dịch ra tiếng Đức, tiếng Thái và tiếng Pháp, tiếng Ý. 

3. Tác động của việc hình thành Quốc ngữ đối với văn hóa Việt Nam 

3.1. Đặt nền móng cho sự hình thành chữ Quốc ngữ, đóng góp này nằm ngoài ý thức chủ quan của các nhà truyền đạo khi sáng tạo ra Quốc ngữ, động cơ chủ yếu và trước hết của các giáo sĩ khi sáng tạo ra Quốc ngữ là để phục vụ cho công cuộc truyền giáo. 

Đây không phải là sáng kiến riêng của các thừa sai dòng Jésuites ở Việt Nam. Các thừa sai dòng Jésuites ở Nhật Bản và Trung Quốc, trước đó cũng đã tiến hành. Năm 1591, nhiều cuốn sách Nhật ngữ Latinh hóa được ra đời trong đó có cuốn Từ điển Latinh - Bồ Đào Nha - Nhật Bản, ở Trung Quốc năm 1585 xuất hiện cuốn Từ vựng Bồ Đào Nha - Trung Quốc, nhưng việc Latinh hóa ở Nhật Bản và Trung Quốc không thành công như ở Việt Nam. 

Trước Alexandre Rhodes, thừa sai Gaspard Amiral làm tự vị Bồ Đào Nha - Annam, Antoine Barbore làm tự vị Annam - Bồ Đào Nha và Francisco de Pina đã dùng mẫu tự Latinh để ghi âm tiếng Việt [7, 15]. Về sau, Alexandre de Rhodes vừa học hỏi vừa kế thừa những thành quả của những người đi trước, nghiên cứu thêm cách phát âm của người Đàng Ngoài (Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ) để đặt ra vần Quốc ngữ có đủ được hết mọi giọng trong tiếng Việt, cho xuất bản cuốn Từ điển Việt - Bồ - Latinh (Dictionnaire Annamite Latin Portugais) và cuốn Phép giảng tám ngày hay còn gọi là Giáo lý cương yếu bằng tiếng Latinh và tiếng Annam (Catéchisme en Latin et en Annamite). Cả hai cuốn đều được đúc chữ và ấn hành tại Roma vào năm 1651. 

Cuốn Giáo lý cương yếu của Rhodes có nhan đề Phép giảng tám ngày cho kẻ muấn (muốn) chịu phép rửa toi (tội) mà beao (vào) đạo thánh đức Chúa Blời (trời)”. Trong sách viết nguyên văn như sau: “Phép giảng tám ngày. Ngày thứ nhít. Ta cãu cũ đức Chúa Blời giúp fức cho ta bíet tó tuãng đạo Chúa là nhưãng nào vì bậy ta phải hay ở thế nầy chảng có ai fóu lâu; vì chưng kẻ đến bảy tám mươi tuỡi chảng cò nhẽo. Vì bậy ta nên tìm đàng nào cho ta được fòu lâu, là kièm hàng fòu bậy: thật là viẹ người cuên tử. Khác phép thế gian nầy, dù mà làm cho người được phú quý: fau le chảng làm được cho ta ngày fau…” [5,5] chuyển sang cách viết ngày nay: “Phép giảng tám ngày. Ngày thứ nhất. Ta cầu cúng đức Chúa trời giúp cho ta biết tỏ tường đạo Chúa là nhường nào, vì vậy ta phải hay ở thế gian này chẳng có ai sống lâu; vì chưng kẻ đến bảy tám mươi tuổi chẳng có nhiều, vì vậy ta nên tìm đàng nào cho ta được sống lâu là kiếm hằng sống vậy, thật là việc người quân tử, khác phép thế gian này, dù mà làm cho người được phú quý: song le chẳng làm được cho ta ngày sau…” [9, 4]. Trong Phép giảng tám ngày, Rhodes viết bằng hai thứ tiếng Bồ - Việt trên cùng một trang giấy phân làm hai bên, cách ghi tiếng Việt có khác chút ít so với chữ chúng ta ngày nay, nội dung của tác phẩm là mô tả toàn bộ quá trình tiến hành giảng giải cho một người mới vào đạo, vì thế, mục đích đầu tiên vẫn là mục đích truyền giáo. Nhưng người Việt đã tiếp nhận được và xây dựng chữ Quốc ngữ ngày nay. 

Cho đến cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, cuốn Từ điển Việt - Bồ - La và Phép giảng tám ngày của Alexandre de Rhodes vẫn được coi là những tài liệu cơ bản để học tập và nghiên cứu tiếng Việt qua chữ Quốc ngữ. Đây chính là công lao lớn của Rhodes đối với văn hóa Việt Nam trong quá trình giao lưu Đông - Tây thời cận đại. 

3.2. Du nhập công nghệ in và sự phát triển của báo chí 

Cùng với việc truyền bá Thiên Chúa giáo, các giáo sĩ đã du nhập rất nhiều thành tựu kỹ thuật hiện đại phương Tây, trong đó ngành công nghệ có tầm quan trọng đặc biệt là công nghệ in. Trước khi kỹ thuật in chữ rời được du nhập vào Việt Nam, thì Việt Nam in phổ biến trên ván khắc. Sau khi du nhập kỹ thuật in rời, các nhà in đã được ra đời đầu thế kỷ XIX, như: nhà in ở Kẻ Sở (Thăng Long), nhà in Tân Định (Nam Kỳ)…. Mặc dù các xưởng in ban đầu chỉ phục vụ cho giáo hội, nhưng điều quan trọng là sự du nhập kỹ thuật in tiên tiến vào Việt Nam, đã giúp cho sự phát triển rầm rộ của báo chí về sau. 

Như vậy là, với mục tiêu chính là học và biết tiếng Việt để truyền bá đạo Thiên Chúa vào Việt Nam, các giáo sĩ dòng Jésuites đã vô tình đặt nền móng cho việc hình thành chữ Quốc ngữ của Việt Nam. Đây là tài sản quý giá mà chúng ta có được trong quá trình giao lưu văn hóa Đông - Tây thời cận đại. 

Chú thích: 

1. Quyển sách Địa lý học do Ptolemacus thời cổ viết, được dịch sang tiếng Latinh, nên đã phổ biến rộng rãi học thuyết trái đất tròn ở châu Âu. Năm 1410, quyển Diện mạo thế giới do một tổng giám mục người Pháp viết đã nói rõ thêm quan điểm trái đất tròn như trên và phán đoán nếu đi từ biển Tây Ban Nha vượt qua Đại Tây Dương sẽ tới Ấn Độ Dương. Riêng quyển Địa đồ thế giới của Toscanelli người Fireze (Ý) cho rằng hai nước Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia ở bên kia bờ Đại Tây Dương và cũng phán đoán là nếu đi theo đường biển thì từ Tây Âu có thể trực tiếp tới phương Đông. Đây là quyển sách chính mà Columbus đã sử dụng trong chuyến vượt Đại Tây Dương của ông. 

2. Vào năm 64 sau Công nguyên, dưới thời hoàng đế Néron (54 - 68), Néron đã vu cho các tín đồ Thiên Chúa giáo là thủ phạm nên ông đã tiến hành một cuộc thảm sát đẫm máu. Tiếp sau thời Néron, là cuộc tàn sát đẫm máu dưới thời Điôclêtianuxơ (81 - 96), các giáo đường bị tiêu hủy, kinh thánh bị đốt, các tín đồ bị ép buộc bỏ đạo bằng cực hình. 3. Nguyên văn: “Après des premiers contacts fortuits avec les côtes cam et vietnamiennes en 1516, la ‘découverte’ officielle de la Cochinchine se fera en 1523”. Manguin, Pierre-Yves, Les Portugais sur les cotes du Viet-Nam et du Champa, (Paris: L’école Française d’ExtrêmeOrient, 1972), 3. 

4. Năm 1524, Duarte Coelho được sai làm sứ giả để điều đình một cuộc liên lạc thương mại giữa người Việt và người Bồ. Nguyên tháng 9.1516 một đoàn tàu do Fernão Perez d’Andrade chỉ huy, tiến lên vùng Quảng Đông, giữa đường gặp bão dạt vào vùng biển Chiêm Thành rồi phải trở về đảo Poulo Condore [4, 18]. 

5. Hiến pháp dòng Jésuites quy định các loại nhà ở của tu sĩ như sau: Nhà tập (Domus probationis) dành cho người bắt đầu gia nhập dòng Jésuites; Nhà thệ sĩ (Domus Professa) dành cho những linh mục tuyên thệ 4 lời khấn; Nhà linh thao (Domus exercitiorum) để hướng dẫn những ai muốn cầu nguyện, tĩnh tâm; Nhà trước tác (Domus scriptorum) dành cho các tu sĩ chuyên môn viết sách; Học viện (Collegia nostrorum) nơi huấn luyện các tu sĩ sau khi họ đã qua giai đoạn Nhà tập; Cư sở (Residentia) là khu nhà lớn có nhiều tu sĩ ở và có nhiều loại hoạt động tông đồ khác nhau; Trường học (Collegia alumnorum) gồm các loại tiểu học, trung học, cao đẳng, đại học. 

6. Giáo sĩ dòng Jésuites đầu tiên và cũng là người đầu tiên của Bồ Đào Nha biết tiếng Việt, sau này Alexandre de Rhodes đã kế thừa và xuất bản Từ điển Việt - Bồ - La. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

1. Trương Bá Cần (2008). Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam. Tập 1: Thời kỳ khai phá và hình thành. Hà Nội: Tôn giáo. 

2. Đỗ Quang Chính, S.J (2008). Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615 - 1773. Hà Nội: Tôn giáo. 

3. Lưu Minh Hàn (2002). Lịch sử thế giới thời Trung cổ. Tập 2. TPHCM: TPHCM. 

4. L.M. Nguyên Hồng (1959). Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam (Quyển I: Các thừa sai Dòng Tên 1615 - 1666). Sài Gòn: Hiện Tại. 

5. Alexandre Rhodes (1651). Phép giảng tám ngày (Cathechismvs). Rome. 

6. Bùi Đức Sinh (2000). Giáo hội Công giáo ở Việt Nam. Quyển I. Canada: Calgary. 

7. Hoàng Tiến (2003). Chữ Quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ 20. Thanh niên. 

8. Augustinô Nguyễn Văn Trinh (1994). Lịch sử giáo hội Việt Nam. Quyển 1, Quyển 2, Quyển 3. Đại chủng viện thánh Giuse. 

9. Nguyễn Khắc Xuyên, Phạm Đình Khiêm (1961). Giáo sĩ Đắc Lộ và tác phẩm Quốc ngữ đầu tiên, Tái bản trọn cuốn Phép giảng tám ngày của Alexandre de Rhodes. Sài Gòn: Tinh Việt Văn Đoàn. 

10. Cristoforo Borri (1631). Relation de la novelle Mission des Peres de la Compagnie de Jesus, au Royaume de la Cochinchine. Lille: De la mesme Compagnie. 

11. Gaspard, Lovys (1628). Histoire de ce qui s’est passé en Ethiopie, Malabar. Paris: Brasil, et és Indes Orientales. 

12. Jacques, Roland (1995). L’œuvre de quelques pionniers portugais dans le domaine de la linggustique vietnamienne. Paris. 

13. Manguin, Pierre-Yves (1972). Les Portugais sur les côtes du Viet-Nam et du Champa. Paris: L’école Française d’Extrême-Orient. 

14. Rhodes, Alexandre de (1854) . Les voyages et missions. Paris.
GIÁO SĨ FRANCISCO DE PINA VỚI QUÁ TRÌNH 
HÌNH THÀNH CHỮ QUỐC NGỮ TẠI DINH TRẤN 
THANH CHIÊM ĐẦU THẾ KỶ XVII?

Trịnh Thị Hà

Tại vùng đất Đàng Trong trong hai thế kỷ XVII, XVIII, dinh trấn Thanh Chiêm không chỉ là lỵ sở chính của chính quyền chúa Nguyễn, có những đóng góp đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển xứ Đàng Trong trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng. Thanh Chiêm còn là vùng đất gắn liền với tên tuổi của nhiều giáo sĩ phương Tây (chủ yếu là giáo sĩ người Bồ Đào Nha), những người khi đến thực hiện sứ mệnh truyền giáo đã đồng thời có công rất lớn trong việc phát minh ra chữ Quốc ngữ tại Việt Nam, trở thành một trong những nơi được coi là “cái nôi” cho sự xuất hiện của chữ Quốc ngữ sớm nhất tại Việt Nam hồi đầu thế kỷ XVII. Trong số các gương mặt giáo sĩ phương Tây đó phải kể đến giáo sĩ người Bồ Đào Nha Francisco de Pina (1585 - 1625), vị giáo sĩ với ý thức, sự nỗ lực cố gắng của bản thân đã có những đóng góp đặc biệt quan trọng trong buổi đầu khai sinh ra chữ Quốc ngữ. 

1. Chúa Nguyễn với việc xây dựng dinh trấn Thanh Chiêm 

Trong hai thế kỷ XVII và XVIII, dinh trấn Thanh Chiêm là lỵ sở chính của dinh Quảng Nam, một trong các dinh quan trọng có ý nghĩa về mặt chiến lược kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa của xứ Đàng Trong. Trấn Thanh Chiêm được đóng trên đất Thanh Chiêm, huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn (nay là thôn Thanh Chiêm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Theo nguồn thư tịch cổ và bút ký, ghi chép của các giáo sĩ phương Tây đến Đàng Trong trong thế kỷ XVII còn lưu giữ lại, đặc biệt là các phát hiện khảo cổ quanh di tích Thanh Chiêm trong thời gian gần đây đều cho biết: chúa Nguyễn Hoàng cho đặt dinh trấn tại Thanh Chiêm vào năm 1604, sau khi dời hành cung từ Cần Húc về Thanh Chiêm. Chúng ta biết rằng, vào năm 1600 sau khi giúp chính quyền vua Lê chúa Trịnh đánh thắng tàn quân họ Mạc, Đoan Quận công Nguyễn Hoàng (1558 - 1613) tự ý trở về Đàng Trong và bắt đầu quan tâm đến việc xây dựng vùng đất Quảng Nam ở phía nam đèo Hải Vân đông dân và giàu có thành một hậu phương vững chắc để hỗ trợ cho vùng tiền tiêu Thuận Hóa nhằm mưu toan công việc chính sự lâu dài. Vì vậy, vào năm 1602 Nguyễn Hoàng đã thực hiện chuyến tuần du phương Nam ở bên kia đèo Hải Vân cho đến tận phủ Thăng Hoa nhằm thị sát địa lý và kinh tế của vùng này để quản lý và phát huy tiềm năng của vùng đất giàu có và đông dân. Sách Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm viết năm 1719 dưới thời Minh vương Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725) đề cập: “Chúa Nguyễn Hoàng lại đi thăm đến xứ Quảng Nam, thấy núi Ải Vân hiểm trở sừng sững vươn cao, đáng ví tựa núi Ma Thiên Lĩnh ở đất Ba Thục, Đoan Vương Nguyễn Hoàng khen mãi, cho là nơi cảnh đẹp núi kỳ. Rồi đó Nguyễn Hoàng vượt đèo đi vào địa phận phủ Thăng Hoa, Quảng Nam xem xét tình hình núi non các nơi trong xứ. Thấy xứ này đầy nguồn hiểm yếu, cửa biển vững chắc, bèn sai dựng hành điện, kho tàng để chứa trữ thóc tiền, mưu toan công việc lâu dài. Lại để công tử Thụy Quận công Nguyễn Phúc Nguyên ở lại trấn thủ để bảo vệ cho dân lành”.1 

Như vậy, hành điện đầu tiên của chúa Nguyễn đã được xây dựng vào năm 1602, tọa lạc trên một cồn cát cao và rộng ở ven bờ sông Chợ Củi (nay là sông Thu Bồn) tại xã Cần Húc (nay là xã Văn Đông), huyện Diên Phước, tiếp giáp xã Thanh Chiêm. Cần Húc là một xã phía nam của phủ Điện Bàn nằm ở gần sông Sài Thị (sông Chợ Củi), liền kề với Thanh Chiêm, là một xã vạn chài, có bến cá tấp nập. Vì nó nằm về phía đông của dinh trấn Thanh Chiêm nên gọi là xã Vạn Đông, về sau cải thành Văn Đông đều có ý nghĩa là hướng mặt trời mọc.2 Do vị trí gần sông, về mùa mưa lũ hay bị sụt lở không an toàn làm cho hành điện bị hư hại phải bỏ, vì thế sau đó chúa Nguyễn Hoàng đã chuyển và xây dựng dinh trấn mới thay thế hành điện tại Thanh Chiêm. Vậy vì sao Đoan Quận công Nguyễn Hoàng lại chọn vùng đất Thanh Chiêm làm nơi di chuyển hành điện cũ, xây dựng dinh trấn mới mà không phải là vùng đất khác? 

Thanh Chiêm xưa thuộc đất Chiêm Động của Chiêm Thành được sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt từ năm 1402 khi Hồ Hán Thương đích thân đem đại quân đi đánh Chiêm Thành. Vua Chiêm Thành là Ba Đích Lại hoảng sợ phải dâng lễ vật và đất Chiêm Động để xin nhà Hồ rút quân nhưng Hồ Hán Thương ép phải dâng luôn đất Cổ Lũy. Hồ Hán Thương chia đất Chiêm Động thành châu Thăng và châu Hoa, chia đất Cổ Lũy thành châu Tư và châu Nghĩa. Tất cả bốn châu được hợp lại làm một lộ là Thăng Hoa. Cuối năm 1406, quân Minh sang xâm lược và thiết lập chính quyền đô hộ trên toàn cõi nước ta, Chiêm Thành nhân cơ hội này chiếm lại Chiêm Động và Cổ Lũy. Năm 1470 vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497) đem 26 vạn tinh binh đi đánh Chiêm Thành, đến năm 1471 lần lượt chiếm được Trà Bàn, Chiêm Thành, Cổ Lũy đồng thời đặt đơn vị hành chính Thừa tuyên Quảng Nam, xác lập biên giới Đại Việt kéo dài đến núi Thạch Bi (Phú Yên). Năm 1558, Đoan Quận công Nguyễn Hoàng - con thứ hai của Nguyễn Kim được vua Lê cho vào trấn thủ trấn Thuận Hóa theo kế sách “Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân” của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhằm tránh thế lực nhà Trịnh. Năm 1570, Nguyễn Hoàng được nhà vua cho kiêm lãnh trấn Quảng Nam. Tháng 7 năm Nhâm Dần (1602), chúa Tiên Nguyễn Hoàng thành lập dinh trấn Quảng Nam ban đầu tại xã Cần Húc, huyện Duy Xuyên sau dời về Thanh Chiêm huyện Điện Bàn. 

Về vị trí: Dinh trấn Thanh Chiêm nằm trên bờ sông Sài Thị (sông Chợ Củi), một nhánh sông Thu Bồn. Nhánh sông này thuở đó vốn là một con sông lớn do sự hợp lưu của cả ba ngã nguồn: Thu Bồn, Chiên Đàn và Ô Da3 và chảy gần bên thành dinh trấn, vì thế Thanh Chiêm có điều kiện để phát triển kinh tế đánh bắt thủy sản. Mặt khác dinh trấn Thanh Chiêm nối liền miền núi với biển Đông theo hướng Tây - Đông và nằm trên trục giao thông quan trọng nhất là đường thiên lý Bắc - Nam tại cây số 92 rất thuận lợi về giao thông, vận tải đường thủy cũng như đường bộ.4 Phía nam và phía đông của dinh trấn có sông Chợ Củi bao bọc, nối liền với cảng thị Hội An thông ra biển Đông. Phía tây - bắc tiếp giáp một nhánh sông Điện Bình. Về đường bộ Thanh Chiêm cũng nối với Hội An dài khoảng 9 km và thông với trục đường Bắc Nam đi qua Vĩnh Điện (Điện Bàn) chạy tới trạm Nam Giản (Miếu Bông) ở phía bắc để đi ra đèo Hải Vân và với trạm Nam Phước (nay thị trấn Nam Phước) ở phía nam để đi vào Quảng Ngãi. 

Như vậy, Thanh Chiêm là vùng đất không chỉ có bề dày lịch sử, mà có lợi thế về địa lý rất lớn, rất quan trọng vì vậy việc chúa Nguyễn Hoàng cho đặt khu dinh trấn ở đây cũng chính là nó đã nằm đúng vị trí trọng yếu của hệ thống giao thông thủy bộ. Đồng thời với vị trí này, Thanh Chiêm là địa điểm hội tụ các đầu mối giao lưu và nguồn cung cấp lâm sản phong phú, nơi tập trung hương liệu từ vùng thượng lưu, từ đó tham gia quản lý được các cảng mậu dịch quốc tế ở hạ lưu. Quan trọng hơn, vị trí của dinh trấn Thanh Chiêm còn tham gia vào việc kiểm soát được con đường giao thông quan trọng nối liền Nam - Bắc. Mặt khác, do Thanh Chiêm nằm phía bắc con sông Sài Thị sẽ tạo nên vị trí chiến lược quan trọng trong việc dùng sông Chợ Củi làm chiến hào tự nhiên để bảo vệ dinh trấn trước các cuộc tấn công của quân Chiêm Thành. 

Nắm bắt được vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng đó, vào năm 1604 chúa Nguyễn Hoàng đã tách phủ Điện Bàn ở bắc sông Chợ Củi khỏi Thuận Hóa, sáp nhập với phủ Thăng Hoa ở bờ nam sông Thu Bồn để lập dinh Quảng Nam, xây dựng dinh trấn trên địa phận xã Thanh Chiêm. Do vậy mà dinh trấn Quảng Nam còn được gọi là dinh trấn Thanh Chiêm (thường gọi là Dinh Chiêm hay Kẻ Chiêm, Kẻ Chàm). Đồng thời chúa Nguyễn đã cử các quan (chủ yếu các con của mình) ra trấn thủ tại dinh Quảng Nam đến dinh trấn Thanh Chiêm, đồng thời cho đặt tại đây chế độ Tam ty để tự quản thúc công việc của dinh.5 

Qua cuộc “kinh lý” năm 1602, việc thành lập Thừa tuyên Quảng Nam năm 1604 gắn liền với việc di chuyển hành điện từ Cần Húc, xây dựng dinh trấn mới tại Thanh Chiêm đã thể hiện cái nhìn chiến lược của Nguyễn Hoàng đối với Quảng Nam trong sự nghiệp dựng nước và mở nước. Nó không chỉ đem lại những thuận lợi lớn lao trong công tác quản lý hành chính, lãnh thổ, mà còn tạo điều kiện dẫn đến những phát triển vượt bậc về kinh tế và văn hóa, có vị trí chiến lược về mặt quân sự của Quảng Nam, một vùng đất rộng lớn của xứ Đàng Trong kéo dài từ đèo Hải Vân đến tận đèo Cù Mông - biên giới Chiêm Thành.6 

2. Giáo sĩ Francisco de Pina với quá trình xác lập chữ Quốc ngữ tại dinh trấn Thanh Chiêm 

Dưới thời trị vì của chúa Nguyễn, dinh trấn Thanh Chiêm có vị thế rất quan trọng cả về chính trị, kinh tế và văn hóa, được coi là thủ phủ thứ hai ở Đàng Trong sau Thuận Hóa khi vua Gia Long nhận định Thanh Chiêm là “Cựu đô” tức là kinh đô xưa. Đặc biệt trục văn hóa Hội An - Thanh Chiêm trong thế kỷ XVII là nơi du nhập đạo Thiên chúa sớm nhất ở Đàng Trong. Đây là thời điểm các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha lại đến Việt Nam7 , trong đó có giáo đoàn Dòng Tên (Ordes dé Jésuites) có trung tâm truyền giáo tại Áo Môn (Trung Quốc), khi đến Đại Việt đã cho thành lập một giáo đoàn Đàng Trong (Mission de la Cochinchine) vào năm 1615 do giáo sĩ Francesco Buzomi đứng đầu và đến năm 1627 giáo sĩ Alexandre de Rhodes thiết lập giáo đoàn Đàng Ngoài (Mission du Tonkin). Trong giới giáo sĩ Dòng Tên có một linh mục xuất sắc, đóng vai trò lịch sử trong việc tạo dựng chữ Quốc ngữ đó là Francisco de Pina (1585 - 1625). Trong giai đoạn đầu quá trình hình thành chữ Quốc ngữ Việt Nam, Francisco de Pina đã có vai trò rất quan trọng trong việc phiên âm tiếng Việt bằng chữ cái La Mã (còn gọi là giai đoạn chữ Việt không dấu). 8 

Giáo sĩ Francisco de Pina là người Bồ Đồ Nha, sinh năm 1585 tại Guardo - Bồ Đào Nha, ông gia nhập vào Dòng Tên vào khoảng năm 19 tuổi (năm 1605), sau đó đến xứ Goa (Ấn Độ) sống ít lâu trước khi sang Trung Hoa. Từ năm 1611 đến năm 1617, Francisco de Pina tham gia học tại Đại học Thánh Phaolô (Ma Cao). Tại đây, ông gặp giáo sĩ João Rodrigues, nhà ngữ học tiếng Nhật tiên phong, tác giả quyển văn phạm tiếng Nhật chuyển tựa sang chữ cái La Mã dựa vào cách phát âm tiếng Bồ, nay gọi là Romaji. Theo lời dẫn của Trần Bích San thì chính từ quyển văn phạm này có thể Pina đã theo phép chuyển tự này để ghi chép âm tiếng Việt.9 

Năm 1617, ông được thụ phong linh mục, được cử đến xứ Đàng Trong làm việc tại cảng thị Hội An - Thanh Chiêm trong khoảng thời gian 8 năm. Khi đến Đàng Trong để giảng đạo, địa bàn mục vụ của ông trải dài từ Hội An (Faifo) vào đến Quy Nhơn. Theo các nguồn tư liệu lịch sử cho biết, khi đến Đàng Trong năm 1617, lúc đầu Francisco de Pina sống ở Hội An, đến năm 1618 ông chuyển sang Nước Mặn (Quy Nhơn) với hai giáo sĩ khác là Francesco Buzomi và Borri. Sau đó ông trở về Hội An và đến ở Thanh Chiêm - thủ phủ của dinh Quảng Nam, đây là khoảng thời gian chính ông thực hiện việc học tập và nghiên cứu tiếng Việt của mình. Trên con đường giảng đạo, điều đặc biệt nhất của giáo sĩ Francisco de Pina là ông đã tự học tiếng bản địa (tiếng xứ Quảng trong thế kỷ XVII) thông qua các con chiên gốc người Nhật, người Hoa, người Việt cũng như các nho sĩ người Việt tại vùng đất Đàng Trong. Nhờ có trí thông minh, trí nhớ tốt, ông học tiếng Việt rất nhanh và chỉ trong vòng mấy tháng ông đã giảng kinh Thánh bằng tiếng Việt mà không cần thông dịch, đồng thời ông bắt đầu dịch một số văn bản của đạo Thiên Chúa ra tiếng Nôm (chữ Hán được Việt hóa). Tuy nhiên, về sau Pina ý thức được rằng chữ Nôm không thể là phương tiện giao tiếp với người bản xứ nên ông tìm một phương pháp đơn giản khác là lắng nghe người Việt phát âm rồi dùng mẫu tự La Mã để diễn tả âm điệu theo chữ Bồ Đào Nha mà sau này nhiều người đã đóng góp cải thiện để thành chữ Quốc ngữ ghi theo mẫu tự Latinh. Vậy một vấn đề đặt ra là tại sao ông lại chọn ngôn ngữ tại vùng đất Thanh Chiêm để thực hiện Latinh hóa Tiếng Việt mà không phải là Hội An - trung tâm thương cảng giao thoa của nhiều nền văn hóa thời bấy giờ? Chúng ta biết rằng đầu thế kỷ XVII, Hội An là một thương cảng sầm uất, nơi đây trở thành điểm đến của nhiều quốc gia gắn liền với nhiều ngôn ngữ khác nhau từ ngôn ngữ người Việt, người Hoa, Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Hà Lan... Sự đan xen của nhiều loại ngôn ngữ tất yếu dẫn đến sự lai tạp ngôn ngữ, điều này rất không thuận lợi khi học ngôn ngữ, trong khi giáo sĩ Pina mong muốn được học một ngôn ngữ thuần khiết không bị pha tạp. Trong khi đó, tại Hội An, người ta chỉ quan tâm đến việc buôn bán, lập các thương điếm mà ít chú ý đến các vấn đề khác do vậy giáo sĩ sẽ khó có thể tiếp cận được với giới trí thức trẻ ở địa phương nhằm tìm kiếm sự cộng tác trong quá trình nghiên cứu và sáng tạo chữ Quốc ngữ. Có thể thấy rõ điều này qua ghi nhận sau đây của Roland Jacques: “Thành phố này (Hội An) từ rất xa xưa là một thủ đô kinh tế của Champa ngay từ thiên niên kỷ thứ nhất. Ở thế kỷ XVII, nó vẫn là thành phố chợ quan trọng, một trung tâm thương mại kép gồm hai đơn vị tách rời nhau: một khu của người Nhật và một khu của người Hoa. Mỗi khu được quản lý bởi một trưởng khu theo luật quán ước riêng. Cư dân ở đây rất hỗn tạp, điều này giải thích hiện tượng lai tạp ngôn ngữ. Francisco de Pina nghĩ rằng nơi này không thể là nơi học tiếng Việt được”, do vậy ông đã quyết định chọn đến Thanh Chiêm. Chính trong lá thư của Pina mà Roland Jacques - nhà ngôn ngữ học người Pháp đã trích dẫn giới thiệu trong công trình luận án: “L’oeuvre de quelques pionniers Portugais dans le domaine de la linguistique vietnamienne jusqu’en 1650” (Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học cho đến năm 1650) tại Học viện Quốc gia các ngôn ngữ và văn minh phương Đông của Pháp, Pina cũng đã giải thích lý do vì sao ông lại chọn phương ngữ Thanh Chiêm mà không phải nơi khác: “Đối với việc nghiên cứu tiếng nói, Kẻ Chiêm vẫn là nơi tốt nhất với tư cách là trung tâm của triều đình; ở đây người ta nói rất hay và có sự đổ dồn những người trẻ tuổi đến mà họ là những sĩ tử và bên cạnh họ, những ai bắt đầu học tiếng có thể tìm thấy một sự giúp đỡ”.10 Như vậy, Pina chọn tiếng nói Thanh Chiêm để học bởi đây là phương ngữ có lối nói “rất hay”, nơi đây quy tụ nhiều người tri thức, quan lại, nho sĩ và không có người ngoại quốc sinh sống nên tiếng nói thuần khiết hơn Hội An. Cái hay của tiếng nói Thanh Chiêm cũng như cái hay trong ngôn ngữ xứ Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn có lẽ như hồi tưởng của giáo sĩ Alexandre de Rhodes thánh thót như tiếng chim hót: “Riêng tôi xin thú nhận rằng khi mới đến Đàng Trong nghe những người bản xứ nói chuyện với nhau, nhất là giữa nữ giới, tôi có cảm tưởng như mình nghe chim hót líu lo và tôi đâm mất hết hy vọng vì nghĩ rằng không bao giờ có thể học được thứ tiếng đó”. 11 

Để thực hiện được việc học ngôn ngữ, cũng như nghiên cứu ngôn ngữ và văn học, Francisco de Pina rất mong muốn có sự giúp đỡ của những người thầy xuất thân từ chốn “cửa Khổng sân Trình”, am hiểu đạo sách thánh hiền nhưng như ông bày tỏ vì ông không có đủ tiền trả thù lao cho họ nên ông đã tìm đến sự giúp đỡ của những thầy đạo, những người mà ông đánh giá cao về trình độ nói năng và sự nhiệt tình của họ. Ông viết: “Nếu con cũng có tiền trả công cho thầy dạy con học ngôn ngữ và văn chương thì ngày nay con đã là người thợ đầy đủ phẩm chất. Chỉ vì lý do này con không biết văn chương và đây là chỗ trống rất đáng tiếc. Về ngôn ngữ con đã tự mày mò học hỏi với nỗ lực của chính mình”.12 Nhờ quyết tâm học tập, sự giúp đỡ của các thầy đạo, nhà sư, thầy đồ theo đạo Khổng Tử, thanh niên giáo dân mà đến năm 1618 Pina đã cùng với một thanh niên giáo dân người Việt có tên đạo là Phêrô lần đầu tiên dịch sang tiếng Việt kinh Lạy cha và các kinh căn bản khác trong Kitô giáo, đây có thể xem là khởi đầu của công cuộc ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latinh. Tiếp đó vào năm 1622, Pina đã dùng những công trình của các giáo sĩ đi trước gồm các chữ Việt La Mã không dấu xây dựng cho hợp với thanh điệu và lối phát âm tiếng nói của người Việt. Kết quả là giáo sĩ Pina đã biên soạn được một chuyên luận nhỏ về từ vựng và các thanh của tiếng Việt cũng như đang bắt tay viết về ngữ pháp tiếng Việt. Không những thế, ông cũng đã sưu tầm được những truyện cổ tích thuộc nhiều loại khác nhau để cung cấp các trích dẫn của các tác giả nhằm xác minh nghĩa của các từ và các quy tắc của ngữ pháp tiếng Việt. Trong bức thư của Pina mà Roland giới thiệu, chính Francisco de Pina đã kể về công việc của mình như sau: “Về phần con, con đã soạn xong một tiểu luận về chính tả và các thanh điệu của ngôn ngữ này, và con đang lao vào ngữ pháp. Tuy nhiên, dù con đã tập hợp các truyện thuộc nhiều loại khác nhau để cung cấp các trích dẫn của tác giả nhằm củng cố ngữ nghĩa của các từ và các quy tắc của ngữ pháp, cho đến bây giờ con phải nhờ ai đó đọc các từ đó cho con. Con phiên âm theo chữ Bồ Đào Nha sao cho người của chúng ta có thể đọc và học các từ đó thuộc lòng như học Cicéron và Virgile vậy. Vả lại con đã có ba tập, tập hợp các văn bản có phân tích trong số các văn bản hay nhất ở vương quốc này”. 13 

Chính nhờ hiểu biết tiếng Việt thông thạo nên giáo sĩ Francisco de Pina là giáo sĩ Dòng Tên đầu tiên của giáo đoàn Kitô Đàng Trong truyền giáo tại cảng thị Hội An cho giáo dân người Việt mà không cần đến phiên dịch. Khi giáo sĩ Alexandre de Rhodes đến Hội An năm 1624 ông nhận thấy rằng các giáo sĩ Manoel Fernander và Buzomi giảng thuyết thông qua phiên dịch còn giáo sĩ Francisco de Pina giảng thuyết bằng tiếng Việt. Trong lời tựa cuốn Từ điển An Nam - Bồ Đào Nha - La Tinh được xuất bản về sau tại Roma năm 1651, Alexandre de Rhodes đã viết: “Ngay từ đầu, tôi đã học với Cha Francisco de Pina, người Bồ Đào Nha thuộc Hội Dòng Giê Su rất nhỏ bé của chúng tôi, là thầy dạy tiếng người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng phiên dịch”.14 Giáo sĩ Antonio de Fontes cũng khẳng định điều này qua ghi chép của mình: “Hiện nay chúng tôi có 3 cơ sở mà trong hai số này (Hội An - Nước Mặn) đã hoàn thành (theo giáo luật) còn cơ sở thứ ba tại “thủ phủ” quan “trấn thủ”, nơi lúc này tôi (đang tạm trú), có 3 Linh mục định cư: L.m Francisco de Pina biết tiếng (Việt) khá lắm, làm bề trên và là giáo sư (dạy tiếng Việt), và các L.m Alexandre de Rhodes cùng Antonio de Fontes là thuộc viên và học viên”.15 

Tại dinh trấn Thanh Chiêm, giáo sĩ Francisco de Pina đã thiết lập được mối quan hệ và chiếm được sự cảm mến của trấn thủ Thanh Chiêm lúc bấy giờ là thế tử Nguyễn Phúc Kỳ, con trai của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, khi Nguyễn Phúc Kỳ mời Pina vào cung để giảng dạy cho những nhà chiêm tinh của ông thuật tính thiên văn và thông qua việc tính toán chính xác có nguyệt thực diễn ra tại Thanh Chiêm lúc 11 giờ đêm ngày 9.12.1620 mà Cristoforo Borri đã tường trình trong tác phẩm Xứ Đàng Trong năm 1621. Mặc dù không thể thuyết phục thế tử Kỳ chịu làm lễ thánh tẩy nhưng giáo sĩ Francisco de Pina đã làm cho vị thế tử này có cảm tình với đạo Kitô, thậm chí còn cho ông xây dựng nhà thờ để truyền giáo vào năm 1619 như ghi chép sau đây của Cristoforo Borri: “Năm 1619, một đại tăng, kẻ thù lớn của lòng tin thánh thiện của chúng ta thuyết phục nhà vua lưu đầy các cố đạo và phá hủy nhà thờ nhưng nhà thờ vẫn sừng sững ở Kẻ Chàm với tên gọi “nhà của mẹ Jeanna”.16 

Ngoài lập nhà thờ, cũng nhờ mối quan hệ tốt với thế tử Kỳ, vào khoảng cuối năm 1624 đầu năm 1625, giáo sĩ Francisco de Pina đã lập tại dinh trấn Thanh Chiêm một trú sở mới. Đến tháng 5 năm 1625 ông chính thức trở thành Cha bề trên quản nhiệm trụ sở mới truyền giáo Thanh Chiêm, trụ sở quan trọng nhất tại Đàng Trong vì nó ở ngay cạnh dinh trấn Quảng Nam, triều đình thứ hai của chúa Nguyễn tại vùng đất Đàng Trong (sau Phú Xuân). Tại trụ sở mới, giáo sĩ Francisco de Pina không chỉ có hoạt động nghiên cứu và sáng tạo chữ Quốc ngữ mà đây còn là cơ sở để giáo sĩ thực hiện chức năng giáo dục của mình, khi Pina vừa là người thuyết pháp, đồng thời là thầy dạy tiếng Latinh cho các thầy giảng người Việt và giảng Việt ngữ cho hai giáo sĩ dưới quyền mới đến Đàng Trong cuối năm 1624 là Antonio de Fontes (1569 - ?), người Bồ Đào Nha và Alexandre de Rhodes người Pháp. 

Cuối năm 1625, giáo sĩ Francisco de Pina qua đời, Alexandre de Rhodes thay Pina quản nhiệm trụ sở truyền giáo Thanh Chiêm đồng thời được thừa hưởng tất cả những gì Pina đã sở hữu về cách ghi âm tiếng Việt theo mẫu tự Latinh, đây là điều kiện rất thuận lợi để Alexandre de Rhodes học tiếng Việt - chữ Quốc ngữ một cách nhanh chóng hơn và tiếp tục biên tập tập, chỉnh lý, tu sửa một thứ chữ đang thời kỳ phô thai. Như vậy, giáo sĩ Francisco de Pina khi đến Thanh Chiêm không chỉ có công lớn trong việc học tập, nghiên cứu ngôn ngữ và văn học của xứ bản địa mà thông qua việc giảng dạy tiếng Việt cho hai giáo sĩ phương Tây là de Fontes và Alexandre de Rhodes tại trụ sở truyền giáo mà cả hai người này về sau đều trở thành trụ cột của các giáo đoàn Đàng Trong (do de Fontes đứng đầu) và de Rhodes trụ cột của giáo đoàn ở Đàng Ngoài, những việc làm của Francisco de Pina đã minh chứng một thực tế rằng đến đầu thế kỷ XVII, Thanh Chiêm là vùng đất có trường dạy chữ Quốc ngữ đầu tiên của quốc gia Đại Việt, là nơi quy tụ những nhà tiên phong khai sinh chữ Quốc ngữ. Sau cái chết của Pina, các nhà truyền giáo vẫn tiếp tục xây dựng, hoàn thiện bổ sung để có được chữ Quốc ngữ như ngày nay mà các giáo sĩ có công lớn là Gaspar de Amaral (1592 - 1646), Antonio de Barbosa (1594 - 1647) và Alexandre de Rhodes (1591 - 1660). 

3. Thay kết luận 

Mặc dù thời gian hoạt động tại Đàng Trong chỉ có 8 năm (1617 - 1625), trong đó thời gian sống và hoạt động truyền giáo của Francisco de Pina lâu nhất là ở cảng thị Hội An và dinh trấn Thanh Chiêm. Chính ở hai nơi này bằng ý thức, sự thông minh, nỗ lực cố gắng của bản thân, công việc học tập, nghiên cứu tiếng Việt và phiên âm tiếng Việt ra chữ Latinh của Francisco de Pina đã đạt được những thành tựu rực rỡ nhất. Giáo sĩ Francisco de Pina không chỉ học tiếng của người Việt, ông còn trực tiếp truyền giảng cho người Việt bằng chính thứ ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ của họ mà ông đã say mê học tập, đồng thời từng bước Latinh hóa tiếng Việt trên cơ sở viết xong một cuốn chuyên luận nhỏ về chính tả và các thanh điệu của tiếng Việt. Bên cạnh đó, Francisco de Pina đã tiến hành công việc sưu tầm các ngữ liệu tiếng Việt như tập hợp các truyện cổ tích để lấy từ đó các trích dẫn, thí dụ và sưu tập các văn bản có bình luận hay chú giải hay nhất ở Đàng Trong. Những việc làm trên đây của Francisco de Pina đã chứng tỏ ông không chỉ là người đi tiên phong trong công cuộc phát minh ra chữ Quốc ngữ tại Đàng Trong Việt Nam, là người có công đầu tiên sử dụng ngữ âm của Bồ Đào Nha để sáng tạo ra chữ Quốc ngữ tại cảng thị Hội An - Thanh Chiêm trong buổi đầu “phôi thai” của những thập niên đầu thế kỷ XVII, trước khi Alexandre de Rhodes đến Đàng Trong vào cuối năm 1624, mà ông còn có đóng góp đặc biệt quan trọng vào việc sáng tạo, đặt nền tảng vững chắc để sau này Alexandre de Rhodes tiếp tục phát triển, hoàn thiện sự phát triển của chữ Quốc ngữ. 

Nếu so với các công trình Latinh hóa và nghiên cứu tiếng Việt được thực hiện về sau này ở Đàng Ngoài, thì rõ ràng trong những năm 1617 - 1625, các công trình phiên âm ra tiếng Latinh và nghiên cứu tiếng Việt Đàng Trong do giáo sĩ Francisco de Pina thực hiện ở dinh trấn Thanh Chiêm và cảng thị Hội An đã xuất hiện trước hơn và sớm nhất. Điều đó chứng tỏ rằng dinh trấn Thanh Chiêm là một trong 4 địa điểm (cùng với Hội An (Quảng Nam), Nước Mặn (Quy Nhơn - do Cristoforo Borri đảm trách từ năm 1618 - 1621), Cửa Bạng (Thanh Hóa) được coi là cái nôi đầu tiên ra đời chữ Quốc ngữ ở Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XVII, trong đó Thanh Chiêm trở thành cái nôi quan trọng nhất gắn liền với tên tuổi và cuộc đời hoạt động của Francisco de Pina - người giáo sĩ nhưng đồng thời cũng là người tiên phong hàng đầu trong nhóm giáo sĩ Bồ Đào Nha có công sáng tạo ra chữ Quốc ngữ Việt Nam. 

Chú thích: 

1. Nguyễn Khoa Chiêm, Nam triều công nghiệp diễn chí, (Tái bản), (Hà Nội: Hội Nhà văn, 2003) (Bản dịch, chú thích của Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga), 83. 

2, 4 Châu Yến Loan, Dinh trấn Thanh Chiêm - kinh đô thứ hai xứ Đàng Trong, (Đà Nẵng: Đà Nẵng, 2015), 43, 56 

3. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Tập 1, (In lần thứ nhất), (Hà Nội: Lao động - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2012), 347. 

5. Chế độ Tam ty gồm 3 cơ quan: 

- Ty Xá sai do quan Đô tri đứng đầu, có các quan Ký lục giúp việc, lo công việc tố tụng, văn án. 

- Ty Lệnh sử do quan Nha úy đảm nhiệm, lo việc tế tự, khánh tiết và cấp lương thực cho các quan lại trong dinh trấn 

- Ty Tướng thần lại do quan Cai bạ điều hành, lo việc thu thuế và chu cấp lương thực cho các quan lại ở địa phương. 

6. Vùng xứ Quảng thời kỳ chúa Nguyễn gồm bốn phủ: Điện Bàn, Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Hoài Nhơn (nay thuộc các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên). 

7. Tại Quảng Nam kể từ năm 1615 trở về sau đã có rất nhiều các vị thừa sai đi đến vùng đất này, cụ thể như năm 1615 là Francesco Buzomi (Ý); Diego Carvalho (Bồ Đào Nha); Antonio Dias (Bồ Đào Nha); Năm 1617: Francisco de Pina (Bồ Đào Nha); Năm 1618: Manoel Fernandes (Bồ Đào Nha); Cristoforo Borri (Ý); Năm 1624: Gaspar Luis (Bồ Đào Nha); Antonio de Fontes (Bồ Đào Nha); Alexandre de Rhodes (gốc Avignon, sau thuộc Pháp). Trong đó, sự kiện vào ngày 18 tháng 1 năm 1615 khi giáo đoàn các tu sĩ Dòng Tên gồm linh mục Francesco Buzomi (người Ý), linh mục Diego Carvalho (người Bồ Đào Nha), thầy Antonio Dias (Bồ Đào Nha) và hai người thầy Nhật là Giuse và Phaolo đi tàu buôn của Bồ Đào Nha từ Ma Cao tới Cửa Hàn. Sự kiện này đã chính thức lập cơ sở truyền giáo đầu tiên ở xứ Quảng, đặt nền móng vững chắc và sâu rộng cho công cuộc truyền giáo ở Việt Nam về sau này một cách có tổ chức, chương trình và phương pháp cụ thể.  

8. Thời kỳ sáng tạo chữ Quốc ngữ Việt Nam, các nhà nghiên cứu thường chia làm 2 giai đoạn: phiên âm tiếng Việt bằng chữ cái La Mã (chữ Việt không dấu) và phiên âm tiếng Việt bằng chữ Quốc ngữ có dấu. 

9. Trần Bích San, Chữ Quốc ngữ, bản pdf, 4. 

10, 11 Roland Jacques, Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học (cho đến 1650), (Hà Nội: Khoa học xã hội, 2007), 56 

11. Alexandre de Rhodes, Hành trình và truyền giáo 1631, (Hồng Nhuệ dịch), (TPHCM: TPHCM, 1994), 72. 

13. Đinh Trọng Tuyên, Đinh Bá Truyền, “Khai sinh chữ Quốc ngữ (1620 - 1659)”, nghiencuuxuquang.com (đăng ngày 17.03.2016). 

14. Dẫn theo: Nguyễn Phước Tương, Hội An di sản thế giới, (TPHCM: Văn nghệ TPHCM, 2002), 278. 

15. Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc ngữ, (Sài Gòn: Tủ sách Ra Khơi, 1972), 33. 

16. Cristoforo Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621, (TPHCM: TPHCM, 1998), 43. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

1. Alexandre de Rhodes (1994). Hành trình và truyền giáo 1631. (Hồng Nhuệ dịch). TPHCM: TPHCM. 

2. Nguyễn Khoa Chiêm (2003). Nam triều công nghiệp diễn chí. (Bản dịch, chú thích của Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga) (Tái bản). Hà Nội: Hội Nhà văn. 

3. Đỗ Quang Chính (1972). Lịch sử chữ Quốc ngữ. Sài Gòn: Tủ sách Ra Khơi. 

4. Cristoforo Borri (1998). Xứ Đàng Trong năm 1621. TPHCM: TPHCM. 

5. Roland Jacques (2007). Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học (cho đến 1650). Hà Nội: Khoa học xã hội. 

6. Châu Yến Loan (2015). Dinh trấn Thanh Chiêm - kinh đô thứ hai xứ Đàng Trong. Đà Nẵng: Đà Nẵng. 

7. Quốc sử quán triều Nguyễn (2012). Đại Nam nhất thống chí. Tập 1. Hà Nội: Lao động - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây. 

8. Quốc sử quán triều Nguyễn (2002). Đại Nam thực lục. Tập 1. Hà Nội: Giáo dục. 

9. Đinh Trọng Tuyên, Đinh Bá Truyền. “Khai sinh chữ Quốc ngữ (1620-1659)”, website: nghiencuuxuquang.com đăng 17.03.2016 

10. Nguyễn Phước Tương (2002). Hội An di sản thế giới. TPHCM: Văn nghệ TPHCM.
TIẾP XÚC HỌC VỚI VIỆC HÌNH THÀNH CHỮ QUỐC NGỮ?

Đỗ Công Trung

Cùng với lịch sử hào hùng của dân tộc trong công cuộc dựng nước và giữ nước, xây dựng bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, giao lưu và hội nhập quốc tế, sự ra đời của chữ Quốc ngữ không chỉ là một thành tựu khoa học vĩ đại mà còn là một thắng lợi to lớn, trở thành biểu trưng văn hóa dân tộc, là công cụ hữu hiệu góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc, tạo điều kiện cho chúng ta dễ dàng tiếp cận văn minh thế giới. Nghiên cứu về chữ Quốc ngữ nói riêng và chữ viết nói chung là nhìn lại chặng đường lịch sử phát triển, trên mọi phương diện của mọi mặt đời sống xã hội. 

Cho đến nay vấn đề về nguồn gốc chữ Quốc ngữ đã có nhiều quan điểm khác nhau, trong đó đáng chú ý là: Nguồn gốc xuất xứ phát sinh ở đâu? Việc định danh xuất xứ dựa trên cơ sở căn cứ nào? Ai là tác giả? Cá nhân hay tập thể đặt nền móng cho chữ Quốc ngữ? Những công trình sáng tạo đầu tiên của họ là gì? Quá trình lập nên chữ Quốc ngữ kéo dài bao lâu? Việc soạn chữ Quốc ngữ đầu tiên là để cho người nước ngoài học tiếng Việt hay để người Việt Nam hiểu được người phương Tây? Việc sử dụng chữ Quốc ngữ là lựa chọn hay bị ép buộc? Để nghiên cứu và làm sáng tỏ vấn đề, cần xem xét dấu vết lịch đại và phân tích những quan điểm cơ bản, đánh giá khách quan, khoa học. 

1. Bối cảnh 

Việt Nam nằm ở Đông Nam châu Á, tiếp giáp với Trung Quốc ở phía Bắc, có bờ biển dài, lắm sông ngòi nên nghề đánh bắt thủy sản rất phát triển, lại nằm ở ngã tư đường thông thương hàng hải quốc tế, có nguồn tài nguyên thiên nhiên rất phong phú, từ gỗ cho tới nguồn cung khoáng sản với trữ lượng lớn. Trong số đó có than đá, vàng, kim cương, quặng sắt, đồng, dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên. Nông nghiệp phát triển, bốn mùa cây trái. Tuy nhiên, chiến tranh và sự tiếp cận muộn màng với văn minh công nghiệp đã làm cho nền kinh tế chậm phát triển và quá trình đô thị hóa đi sau nhiều nước khác. 

Việt Nam là quốc gia có lịch sử dựng nước và giữ nước đã 4000 năm. Trong lịch sử, trước sự xâm lược của phong kiến phương Bắc, những đế chế Tần, Hán, Đường đã nhiều lần xâm lược và muốn đồng hóa dân tộc Việt, muốn biến dân tộc này thành chư hầu và là một bộ phận của nền văn hóa Trung Hoa, nhưng dân tộc ta không những đã giữ vững được bản sắc của mình mà còn biết thâu hóa được nhiều thành tựu của họ để trau dồi thêm cho bản sắc riêng. Nhiều triều đại phong kiến Việt Nam, từ Triệu, Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn... đều không ngừng xưng nền văn hiến và cách tân văn hóa, trau dồi ngôn ngữ. Đất nước có 54 dân tộc với khoảng 90 ngôn ngữ riêng biệt, tiếp xúc và đan xen lẫn nhau, trong đó 24 dân tộc có chữ viết của mình như: Tày, Thái, Mông, Gia rai, Ê đê, Khmer, Chăm, Hoa... Tôn giáo trước đây chủ yếu là đạo Phật và đặc biệt Phật giáo phát triển nhất từ khi Phật hoàng Trần Nhân Tông xây dựng kinh đô Phật giáo tại Yên Tử. Đạo Phật gắn liền với văn hóa chữ Hán Nôm. Cả chữ Hán hay chữ Nôm đều rất phức tạp, người có thể tiếp cận và hiểu chỉ là thiểu số, không phổ cập được đến đại đa số quần chúng nhân dân, đã phần nào kìm hãm sự phát triển của đất nước. 

Kitô giáo xuất hiện kể từ khi có sự tiếp xúc văn hóa với người phương Tây. Người châu Âu đã tìm đường truyền giáo và giao lưu buôn bán với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Thế kỷ XVII Hội An đã là một thương cảng lớn ở miền Trung, cửa ngõ thông thương với hai miền Nam Bắc và vào sâu lục địa Đông Dương và Tây Á, thường xuyên có những đội thương thuyền Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nhật Bản ghé vào. Cũng chính nơi đây nhiều thánh đường tôn giáo được xây dựng. 

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng vào cửa biển Đà Nẵng, mở đường xâm lược Việt Nam và cai trị suốt 80 năm. Tiếng Pháp dần dần thay thế vị trí của chữ Nho và là ngôn ngữ chính thức trong giáo dục, hành chính và ngoại giao. Trước Cách mạng tháng Tám, các dân tộc Việt Nam bị chia rẽ sâu sắc, chưa có tiếng nói chung. Người Kinh chiếm tới gần 90% dân số, lực lượng lao động dồi dào. Những năm đầu tiên cai trị, chính quyền thực dân tiếp tục nền giáo dục theo đạo Khổng đang hiện hành theo mục đích của chúng, giữ các kỳ thi hương, thi hội. Nhưng vào năm 1903, chính quyền đã tổ chức học và thi cử bằng tiếng Pháp. Tiếng Pháp giữ vai trò chủ đạo trong hành chính, giáo dục và khoa học. Hệ thống trường học rất ít ỏi, cứ 100 thôn làng mới có một trường học, cả nước chỉ có ba trường phổ thông cho người Việt. Thực dân Pháp sử dụng song song tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ thành công cụ cai trị. Do chính sách ngôn ngữ và giáo dục như vậy nên có đến 95% dân số Việt Nam mù chữ. Chỉ đến khi cuộc cách mạng chữ viết vào đầu thế kỷ XX thắng lợi, lần đầu tiên nước ta có một thứ chữ ghi lại đúng âm chuẩn của người Việt, trong đó có vai trò quan trọng của đất và người Bình Định, Quảng Nam, những địa phương được cho là nơi phôi thai, điểm khởi nguyên hình thành chữ Quốc ngữ trong giai đoạn đầu. Tiếng Việt trở thành ngôn ngữ chung, ngôn ngữ phổ thông cho tất cả các dân tộc Việt Nam. 

2. Thanh Chiêm với chữ Quốc ngữ 

2.1. Đặc điểm địa lý và kinh tế - xã hội của Thanh Chiêm 

Thanh Chiêm là trung tâm hành chính lớn nhất của tỉnh Quảng Nam từ năm 1602, được thiết lập bên bờ sông Thu Bồn, nối biển Đông với Trường Sơn theo chiều Đông - Tây, cách cửa Đại khoảng 10 km, lại nằm trên trục đường thiên lý Bắc - Nam, nên rất thuận lợi cả hai mặt giao thông thủy và bộ. Thanh Chiêm vốn giàu có với sản phẩm hàng hóa đa dạng và phong phú. Thanh Chiêm được thành lập cùng với việc dựng nghiệp của họ Nguyễn ở Đàng Trong nói chung, của chúa Nguyễn Hoàng nói riêng và công cuộc Nam tiến của dân tộc. Điều không thể không lưu ý khi đề cập đến lịch sử Quảng Nam (theo sử sách ghi lại) là cần phân biệt địa danh này ở hai giai đoạn lịch sử khác nhau: 

1) Giai đoạn danh xưng Quảng Nam với phạm vi rộng: Bắt đầu từ Lê Thánh Tông (1471) cho đến năm 1803, kéo dài 332 năm. Lúc đầu có tên là đạo Thừa Tuyên - Quảng Nam, sau đổi thành xứ Quảng Nam (1490), rồi sang trấn Quảng Nam (1520), lại đổi sang doanh (hay dinh) Quảng Nam (1602). Dù mang tên gọi đơn vị hành chính khác nhau, nhưng khái niệm Quảng Nam thời kỳ này bao gồm đất của 3 phủ Thăng Hoa (Nam Quảng Nam), Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) và Hoài Nhơn (Bình Định), trải dài từ bờ nam sông Thu Bồn đến phía bắc đèo Cù Mông. 

2) Giai đoạn danh xưng Quảng Nam với phạm vi hẹp: Một năm sau khi lên ngôi vua, Gia Long tiến hành cải cách hành chính trong cả nước (1803). Dinh Quảng Nam (lớn) chia thành 3 dinh (nhỏ). Hai phủ Điện Bàn và Thăng Hoa được tách ra thành một dinh lấy tên là dinh Quảng Nam. Phủ Tư Nghĩa được đặt làm dinh Quảng Ngãi. Phủ Quy Nhơn được đặt làm dinh Bình Định. Tuy mang những tên gọi đơn vị hành chính khác nhau, từ dinh đổi sang trấn thời Gia Long; đến trấn rồi tỉnh thời Minh Mạng; nhưng địa giới Quảng Nam cho đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 không thay đổi.1 

Điều này giải thích tại sao lại có sự trùng lặp trong cách giải thích về nguồn gốc xuất xứ hình thành chữ Quốc ngữ vừa ở Nước Mặn (Bình Định) lại vừa ở Thanh Chiêm - Hội An (Quảng Nam). Hội An không chỉ là một cửa ngõ mậu dịch đối ngoại, mà còn là một trung tâm giao tiếp văn hóa qua suốt nhiều thế kỷ. 

Hội An - Thanh Chiêm là nơi du nhập đạo Thiên Chúa sớm nhất ở Đàng Trong. Các giáo sĩ như F. Buzomi, F. de Pina, C. Borri, A. de Rhodes đều đến truyền giáo ở vùng này. Vùng Hội An - Thanh Chiêm cũng là cái nôi hình thành chữ Quốc ngữ vào nửa cuối thế kỷ XVII. Đặc điểm của phương ngữ Thanh Chiêm - Hội An kế thừa với nhiều tiếng địa phương đi kèm, là trung gian giữa tiếng miền Bắc và miền Nam, đa dạng về nguồn gốc hình thành. 

2.2. Những nhân tố tác động đến việc hình thành chữ Quốc ngữ ở Thanh Chiêm 

Thanh Chiêm từng là nơi thực tập, đào luyện các thế tử, thực thi chính sách mở cửa, cho phép các thương nhân Nhật và Trung Hoa được mua đất, lập khu phố Nhật và khu phố Hoa ở Cẩm Phô, Thanh Hà (Hội An), mở rộng giao lưu với bên ngoài. Hội An trong thế kỷ XVII và XVIII trở thành một cảng thị vào loại sầm uất của cả vùng Đông Nam Á thời ấy thông qua việc tổ chức hội chợ quốc tế, trao đổi buôn bán, thu thuế xuất nhập khẩu hàng hóa… 

Các giáo sĩ Dòng Tên đến truyền giáo đầu tiên ở Đàng Trong từ 1615 chủ yếu tại Đà Nẵng và Hội An. Tại Đà Nẵng, giáo sĩ Francisco Buzomi, người Italia và Diego Carvalho, người Bồ Đào Nha lập giáo xứ đầu tiên (18.1.1615). Kinh Thánh được đọc bằng tiếng Bồ Đào Nha, Ý và Latinh và chỉ một số ít người có thể hiểu. Kitô giáo tích cực hoạt động, xây dựng nhà thờ và con người Thanh Chiêm đã có nhiều chuyển đổi. 

Đầu năm 1617, tòa thánh La Mã cử thêm một giáo sĩ người Bồ Đào Nha là Francisco de Pina. Lúc này, tại Hội An đã có một số giáo hữu người Nhật đến tị nạn, và trong số đó có 3 linh mục Dòng Tên người Nhật Bản. Francisco de Pina vì biết tiếng Nhật, nên đã đến Hội An sống và giảng đạo cho số giáo hữu người Nhật sống tại đây. Vốn giỏi tiếng Nhật, Francisco de Pina đã miệt mài học tiếng Việt và trở thành giáo sĩ đầu tiên giảng đạo cho tín đồ bản địa mà không cần phiên dịch. Cũng tại Hội An và dinh trấn Thanh Chiêm, Francisco de Pina đã dạy tiếng Việt cho hai giáo sĩ mới được cử đến vào cuối năm 1624 là Alexandre de Rhodes, người Pháp và Antonio de Fontes, người Bồ Đào Nha. Trong thời gian hoạt động truyền giáo tại Hội An và Thanh Chiêm từ 1621 đến 1625, Francisco de Pina đã biên soạn tài liệu đầu tiên về Phương pháp Latinh hóa tiếng Việt (cần nói thêm rằng, cẩm nang để sáng tạo chữ viết chính là phương pháp phiên âm) và cuốn Ngữ pháp tiếng Việt. 

Góp phần Latinh hóa tiếng Việt còn phải kể đến cuốn Từ điển Annam - Bồ Đào Nha của giáo sĩ Gaspar de Amaral biên soạn vào khoảng năm 1631 - 1645 tại Ma Cao và cuốn Từ điển Bồ Đào Nha - Annam do giáo sĩ Bồ Đào Nha Antonio Barbosa soạn thảo vào khoảng những năm 1636 - 1645. 

3. Một số vấn đề lý luận 

- Tiếng nói đã có từ lâu do nhu cầu giao tiếp của con người, trong đó có nhu cầu tiếp nhận và nhu cầu truyền đạt thông tin. Tiếng nói đầu tiên trong lịch sử là gì thì không ai giải thích được. Tiếng nói có trước, chữ viết có sau, tiếng nói là cái vỏ âm thanh để tạo nên chữ viết, tiếng nói và chữ viết tạo nên ngôn ngữ. Ngôn ngữ tồn tại và phát triển trên nền tảng xã hội, trong những điều kiện lịch sử nhất định qua quá trình tiếp xúc. 

- Chức năng của ngôn ngữ là chức năng làm công cụ giao tiếp, trong đó nhu cầu giao tiếp là động lực cơ bản để con người hình thành và phát triển tiếng nói và chữ viết. Bản thân ngôn ngữ chỉ là công cụ nhưng khi phát ngôn và diễn đạt thành lời là thể hiện quan điểm, nhân sinh quan, ý đồ, vị trí, phạm vi giao tiếp của người nói. Ngôn ngữ luôn song hành với xu thế phát triển thời đại. Thông qua ngôn ngữ, con người thể hiện cảm xúc, tâm tư, nguyện vọng, đồng cảm và chia sẻ thông tin mọi mặt trong đời sống xã hội. 

- Ngôn ngữ là biểu tượng sinh động của một dân tộc và phản ảnh rõ nét dấu ấn của thời đại sản sinh ra nó. Cũng như thuật ngữ Quốc ca, Quốc kỳ, Quốc hiệu, Quốc huy, Quốc hoa, Quốc phục, Quốc tế ngữ, thuật ngữ Quốc ngữ mang tính thời đại, được quy ước, quy định bởi thể chế và thiết chế xã hội đương thời (trước đây đã từng gọi chữ Nôm là chữ Quốc ngữ hay Quốc âm) và được phát triển trên một chặng đường dài lịch sử. 

- Tất cả các ngôn ngữ trong nhóm ngôn ngữ Rôman đều có nguồn gốc từ tiếng Latinh, và nhiều từ trong các ngôn ngữ hiện đại ngày nay như tiếng Anh đều dựa trên tiếng Latinh. Hơn nữa, ở phương Tây, tiếng Latinh là một ngôn ngữ quốc tế, thứ tiếng dùng trong khoa học và chính trị trong suốt hơn một nghìn năm, và cuối cùng bị thay thế bởi tiếng Pháp vào thế kỷ thứ XVIII và tiếng Anh vào cuối thế kỷ thứ XIX. Tương tự, nhóm ngôn ngữ Slavơ bao gồm nhiều quốc gia Đông Âu như Nga, Ucraina, Belarus, Ba Lan, Tiệp Khắc, Bungari, Nam Tư, Slovakia, Croatia... cũng bắt nguồn từ ngôn ngữ Latinh. Do đó, tiếp thu ngôn ngữ Latinh là tiếp thu nền văn minh lâu đời của thế giới. 

- Chữ Quốc ngữ có lịch sử hình thành và phát triển đến nay gần 400 năm. Tôn giáo với tư cách là hiện tượng văn hóa nên quá trình truyền giáo vào Việt Nam, xét về mặt văn hóa, chính những hoạt động của các giáo sĩ phương Tây nổi bật lên vai trò của các giáo sĩ Bồ Đào Nha, Ý, Pháp như: Francisco de Pina, Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa, đã đóng góp một phần trong việc truyền bá những thành tựu và văn minh, kỹ thuật. Trong những thành tựu văn hóa đặc biệt phải kể đến việc đưa hệ thống chữ cái Latinh vào Việt Nam, góp phần tạo ra chữ Quốc ngữ, Latinh hóa chữ Việt, trong đó người có công lớn nhất là Alexandre de Rhodes mà rất nhiều bút tích và sử gia đều ghi nhận một cách thống nhất. Bên cạnh khẳng định công đầu của các nhà truyền giáo phương Tây trong việc xây dựng một thứ chữ Việt Latinh hóa, chúng ta cũng không quên vai trò của chính các thế hệ người Việt Nam đã đóng góp công sức, trí tuệ cho việc phát triển và hiện đại hóa hóa chữ Quốc ngữ. 

- Quá trình đặt nền móng cho hình thành chữ Quốc ngữ kéo dài hai thế kỷ. Tuy nhiên, khẳng định hoàn thiện là chưa đúng, bởi vì ngôn ngữ không có điểm đầu và cũng không có điểm cuối, vì quá trình phát triển luôn gắn liền với việc cải tiến và hoàn thiện. Chữ viết luôn song hành với tiến bộ thời đại và tồn tại trên nền những biến cố xã hội đương thời. Ngày nay, dưới tác động của những tiến bộ trong tin học và viễn thông, sự giao lưu rộng rãi diễn ra trên toàn cầu trong mọi lĩnh vực. Từ toàn cầu hóa trong kinh tế, nó kéo theo toàn cầu hóa trong văn hóa, ngôn ngữ, xã hội... 

- Bản thân từ tiếng Việt đã bao hàm nghĩa ước định bởi vì về mặt nghĩa thì từ “tiếng” là âm phát chứ chưa thể hiện chữ viết. Do quy ước nên tiếng Việt bao gồm âm và chữ. Tiếng là âm (ngôn bản), chữ viết là hệ thống ký tự được chuyển thể thành ngữ văn (văn bản). Sự thống nhất trong tên gọi được khẳng định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (Khoản 3, Điều 5, Chương I): “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt”. Tiếng Việt ở đây được hiểu là phát âm và chữ Quốc ngữ hiện nay. 

- Trong quá trình hình thành và phát triển ngôn ngữ luôn song hành và thể hiện bản chất văn hóa một dân tộc. 

4. Một vài nhận xét 

4.1. Những đóng góp quan trọng của chữ Quốc ngữ vào phát triển văn hóa 

Người Việt Nam có một chữ viết rất hiện đại, rất thuận tiện, đó là chữ Quốc ngữ từ mẫu tự Latinh: ghép âm, ghép vần (dễ đọc, dễ viết, dễ thuộc, dễ nhớ), học nhanh, viết nhanh so với chữ Hán, chữ Nôm và phổ cập hơn một số Quốc ngữ của nhiều nước ở phương Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Chính việc tiếp nhận và chọn chữ Quốc ngữ của quảng đại quần chúng nhân dân là do nhu cầu giao tiếp; nhu cầu tiếp nhận thông tin; nhu cầu về tiếp thu tiến bộ khoa học, kỹ thuật... 

Chữ Quốc ngữ ra đời đã kéo theo hàng loạt sự đổi mới trong lĩnh vực hoạt động xã hội như: 

Về xã hội: Phong trào Duy Tân khởi phát từ chính quê hương Quảng Nam kêu gọi sử dụng chữ Quốc ngữ và cách tân văn hóa, sau đó là phong trào Đông Du ở Trung Kỳ, phong trào Đông kinh nghĩa thục ở Hà Nội... Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng chữ Quốc ngữ dịch “Luận cương Lê Nin”, viết bản “Tuyên ngôn độc lập”. Cũng chính từ thành tựu của chữ Quốc ngữ mà ở Việt Nam, trong đời sống xã hội đã xuất hiện lối mua bán, trao đổi hàng hóa, mua sắm đất đai, làm ăn, cầm cố tài sản, trong sản xuất nông nghiệp đã xuất hiện các điền trang, trang trại, nông lâm trường nhờ có hệ thống cơ cấu, đồng thời đưa các giống cây công nghiệp như cà phê, ca cao, cao su, khoai tây, hoa lay ơn, tulip, mimosa... vào trồng. Lần đầu tiên những từ giao tiếp xã hội như: “bẩm, thưa, dạ, quan lớn, cụ lớn, vạn tuế, tam tòng tứ đức, công dung ngôn hạnh” đã dần được thay thế bằng khái niệm: “tự do, bình đẳng, bác ái, nhân sinh quan, thế giới quan, dân tộc, khoa học, đại chúng”. Con người đã biết nhìn nhận thế giới một cách tiến bộ hơn, đây là mầm mống cho cuộc cách mạng tư sản dân quyền và tiến tới cách mạng dân tộc dân chủ ở một nước phong kiến và thuộc địa.  

Về văn học, nghệ thuật, xuất bản: Các nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, nhà lý luận phê bình như được chắp thêm bút và tự do phóng khoáng hơn, đáng kể là: các nhà báo, nhà văn tiền phong như Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của (miền Nam); Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp... (miền Trung); Nhóm Tự Lực văn đoàn với rất nhiều tác gia nổi tiếng như: Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ, Xuân Diệu... và dòng thơ văn cách mạng như: Tố Hữu, Huy Cận, Tế Hanh, Chế Lan Viên, Lưu Quang Vũ.... (sáng tác ở miền Bắc). Họ là những nhà cách tân, tiên phong về các lĩnh vực: báo chí, dịch thuật, viết tiểu thuyết và thơ mới. Đặc biệt không thể không nhắc tới các nhà phê bình và lý luận ngôn ngữ và văn học như: Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoài Thanh, Thanh Tịnh, Đào Duy Anh, Nguyễn Tài Cẩn, Hoàng Phê, Cao Xuân Hạo... Họ sáng tác vì sự nghiệp, đồng thời đẩy mạnh việc truyền bá và phát triển chữ Quốc ngữ, làm giàu sự trong sáng của tiếng Việt. 

Về giáo dục: Sau khi chữ Quốc ngữ thống nhất thì hệ thống giáo dục nước ta được cải tiến một bước. Ngoài việc dạy chữ Hán Nôm của các văn sĩ, nho sĩ ra, thì các giáo sĩ còn mở trường dạy chữ Quốc ngữ và các môn học về tự nhiên như toán học, địa lý địa chất, thiên văn học, y học... Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và hòa bình lập lại, Hồ Chủ tịch kêu gọi xóa nạn mù chữ, tổ chức các lớp bình dân học vụ phổ cập chữ Quốc ngữ và giúp người ngoại quốc học tiếng Việt. 

Làm giàu sự trong sáng của tiếng Việt: Ngôn ngữ luôn có sự vay mượn và chuyển hóa lẫn nhau qua quá trình tiếp xúc ngôn ngữ. Chữ Nôm là mượn âm Hán Việt để ghi âm tiếng Việt. Tương tự chữ Quốc ngữ hình thành từ việc dùng mẫu tự Latinh để phiên âm tiếng Việt. Tiếng Việt nhiều từ tượng hình, tượng thanh, nhiều thanh điệu, âm trầm bổng, giàu tính nhạc điệu, khi vui, khi buồn xướng âm lên đều thành giai điệu, khi thì hùng hồn, khi êm ái: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa...” (Thơ Hồ Chủ tịch); “Cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha” (Tiếng đàn bầu). Cũng chính nhờ chữ Quốc ngữ mà người Việt Nam có thể thể hiện quan điểm, lập trường, lối tư duy logic, biện chứng, ngôn và ngữ luôn song hành và thống nhất. 

“Về mặt từ vựng, chữ Quốc ngữ đã giúp tạo ra những từ mới nhằm hỗ trợ việc diễn đạt tư duy trong chiều sâu và đỉnh cao của nó. Về ngữ pháp, dấu chấm câu mà chữ quốc ngữ du nhập vào Việt Nam đã góp phần tích cực vào việc sáng tạo các câu văn viết một cách sáng sủa, mạch lạc…, điều mà chữ Nôm trước đây không có. Chữ quốc ngữ đã giúp diễn đạt tư duy logic, thể hiện những tư tưởng khoa học một cách trọn vẹn hoàn hảo. Về mặt âm, chữ quốc ngữ giúp xác định chính âm cho tiếng Việt, tạo sự thống nhất chữ viết trong toàn lãnh thổ Việt Nam, cho dẫu Việt Nam có nhiều phương ngữ và nhiều dân tộc thiểu số”. 2 Tiếng Việt có đầy đủ nguyên âm, phụ âm, các thanh điệu. Tiếng Việt giàu âm thanh, nhạc điệu, giàu tính tượng thanh, tượng hình. Tiếng Việt mang đầy đủ bản sắc văn hóa và tâm hồn Việt: “Tiếng Việt như đất cày và như lụa...” (Tiếng Việt - Lưu Quang Vũ), vừa có nét khỏe khoắn mạnh mẽ như ngôn ngữ Slavơ (Nga): “Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền” (Là thi sĩ - Sóng Hồng), vừa mềm mại uyển chuyển như tiếng Roman (Pháp): “Những ngày không gặp nhau, biển bạc đầu thương nhớ” (Thuyền và biển - Xuân Quỳnh). Chữ Latinh đã góp phần hình thành nên nhiều thuật ngữ mới trong kho tàng ngôn ngữ Việt Nam trải qua quá trình giao lưu, hội nhập và tiếp xúc ngôn ngữ, làm giàu và chuẩn hóa rất nhiều nhược điểm của tiếng địa phương, đặc biệt ở vùng từng khai sinh ra chữ Quốc ngữ. Chữ Quốc ngữ có thể sử dụng nhiều ký hiệu và viết tắt nên tốc độ viết nhanh và chuẩn xác về mặt nghĩa hơn nhiều so với chữ Hán Nôm. 

Đối với Thanh Chiêm: Chính từ điểm khởi phát là dùng từ ngữ và cách phát âm Quảng Nam, nơi có quá nhiều từ ngữ và cách phát âm lệch chuẩn như: giọng nói, âm phát khó nghe, vốn từ vựng có quá nhiều phương ngữ, chẳng hạn: “Chữ Quấc ngữ”, “tiếng Việc”, “eng thì eng, không eng téc đèng đi ngủ”, “đi lồm - đi làm”, “Quảng Nôm - Quảng Nam”, “côm gộ - cơm gạo”; về từ ngữ: “Tô - tao, mi - mày, đi mô - đi đâu, ni, mô, tê, răng, rứa, siêng, nhác, rành, sành, ngó (nhìn), ốm (gầy), vá (muôi), muỗng (thìa), chén (bát con), dĩa (đĩa)... Quá trình chuẩn hóa ngôn ngữ đã được thực hiện trong phạm vi cả nước. Phép chính âm, chính tả đã làm cho giọng phát âm và cách viết của người Quảng Nam và Bình Định ngày càng chuẩn hơn, điều này càng thể hiện rõ nét hơn khi tiếp xúc với người gốc Quảng Nam đang sống tại trung tâm thành phố Đà Nẵng hay Hà Nội, Sài Gòn, ví dụ cách phát âm các từ: Ăn - ăng - eng; ếch - ất - ết; sao - răng - reng... Ngôn ngữ văn minh kéo theo hành vi ứng xử cũng văn minh lịch thiệp hơn. 

4.2. Mặt hạn chế 

- Sự ra đời của chữ Quốc ngữ làm cho di sản chữ Nôm về mặt kiến thức cũng như văn tịch cổ ngày càng bị đe dọa, có nguy cơ mất hẳn. Ngày nay, ở Việt Nam và cả thế giới số người còn đọc được văn bản chữ Nôm từ nguyên tác nay không còn nhiều. Hậu quả là một phần quan trọng của lịch sử và văn học Việt Nam đã xa lạ với nhiều người nói tiếng Việt. Trên sân khấu nhạc kịch, một số thể loại như: ca trù, dân ca, chèo, tuồng, hát xẩm... không còn được ưa chuộng và phổ biến nhiều như trước. 

- Thơ ca đặc biệt là thơ phú, thơ vịnh, hò vè, châm biếm, trào phúng được viết bằng chữ Nôm đọc lên nghe có vẻ hay hơn khi đọc bằng chữ Quốc ngữ vì giàu tính hình tượng hơn, cách gieo vần, luật bằng trắc, tính niêm luật cao, điều này thể hiện rất rõ ở thể thơ Hàn luật bát cú hoặc tứ tuyệt như: “Quốc âm thi tập” (Nguyễn Trãi), “Hồng đức quốc âm thi tập” (Lê Thánh Tông); lối dùng chữ hóm hỉnh như thơ Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan; thể thơ song thất lục bát trong “Chinh phụ ngâm” (Đoàn Thị Điểm) hay thể lục bát qua tác phẩm thơ “Kiều” của Nguyễn Du... Tuy nhiên hiện nay thể thơ tự do đang chiếm vị trí cơ bản trong văn hóa nghệ thuật đương đại. 

- Trong ngôn ngữ Việt, nhiều từ nước ngoài còn chưa được Việt hóa, chưa theo kịp (về vấn đề này cũng có một số ý kiến cho rằng nên để nguyên từ quốc tế, ngoại lai chứ không nên Việt hóa hoàn toàn theo nghĩa hoặc cách phát âm); trong khi đó một bộ phận lớn dân cư nông thôn và vùng sâu, vùng xa chưa thể bắt kịp với ngôn ngữ ngoại lai. 

- Do ảnh hưởng của giọng và tiếng địa phương nên còn không ít từ nói ngọng, viết ngọng, đặc biệt là các hợp âm: ch, tr, ng, gh, nh, oo..., các phụ âm: x - s, l - n, z - d - r, k - c (đặc biệt ở một số vùng miền Bắc) hay cách chuyển hóa âm v - d ở vùng Nam Bộ, nguyên âm: ă - e, a - ô (Quảng Nam), ê - ơ (Bình Định). Do ngôn ngữ được tự do phóng khoáng hơn nên khi giao tiếp qua mạng người viết thường mắc rất nhiều lỗi về chính tả, viết tắt, tiếng lóng, sử dụng tiếng nước ngoài tùy tiện... 

- Trong số những điểm chưa hoàn thiện trong tiếng Việt có vấn đề xác định và phân loại văn phong, thể loại, kiểu thể loại, biến thể thể loại trong tu từ học. 

4.3. Ý kiến tác giả 

- Cho tới nay mỗi địa phương đều khẳng định địa phương mình là cái nôi của chữ Quốc ngữ: Linh mục Võ Đình Đệ (Bình Định) có so sánh chữ Quốc ngữ như một dòng sông có nguồn cội và muốn ám chỉ nguồn cội là Nước Mặn, còn các nhà nghiên cứu Đà Nẵng - Quảng Nam khẳng định nguồn cội chữ Quốc ngữ là Thanh Chiêm - Hội An. Về vấn đề này theo chúng tôi thì một trong những giải pháp là cần tiếp tục sưu tập lại nhiều tập từ điển gốc của nhiều tác giả đương thời khác nhau và so sánh dấu ấn của tiếng địa phương (về mặt phát âm và từ vựng) trong biên soạn từ điển (chẳng hạn dấu ấn tiếng Quảng Nam khá rõ trong Từ điển Việt - Bồ - La (1651) của A. de Rhodes hay các tác giả khác đã từng ở những vùng, miền khác nhau) để xác định nguồn gốc biên soạn từ điển). 

- Chúng tôi đồng tình với ý kiến kết luận của GS. Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tại Hội thảo “Bình Định với chữ Quốc ngữ” cho rằng: “Không nên coi sự ra đời của chữ Quốc ngữ là một sự kiện gắn liền với một con người, với một địa điểm quá chật hẹp mà phải có quá trình của nó, phải có sự tham gia của cộng đồng…”, “Không thể nói rằng, Nước Mặn - Bình Định là nơi đầu tiên hình thành nên chữ Quốc ngữ mà Bình Định là một trong ba nơi cùng với Hội An và Thanh Chiêm đặt dấu ấn phôi thai cho sự xuất hiện của chữ Quốc ngữ”. 

- Không phải chỉ có Linh mục Alexandre de Rhodes, là người có công sáng chế ra chữ Quốc ngữ, mà trước đó còn có nhiều người khác, gồm các giáo sĩ Tây phương và người Việt Nam. Từ khi manh nha cho đến khi được dùng làm văn tự chính thức, chữ Quốc ngữ phải trải qua một thời gian trên hai thế kỷ để hoàn thiện cấu trúc tự dạng. Quá trình hình thành chữ Quốc ngữ là một sự lựa chọn và phát triển chứ không phải bị ép buộc. 

- Người nơi khác đến, ban đầu thường gặp khó khăn để hiểu hết phương ngữ Thanh Chiêm - Hội An, kể cả Nước Mặn (Bình Định), nên quá trình tiếp xúc là điều kiện tốt để địa phương dần thay thế một số từ vựng, giọng nói cho ngôn ngữ trở nên dễ hiểu hơn và sát với chuẩn Quốc ngữ hiện đại. 

- Cần có ngày văn hóa và chữ viết tiếng Việt trên lãnh thổ Việt Nam, đặt tên đường, công trình văn hóa mang tên tác giả, nhằm tôn vinh những giá trị và sáng tạo vĩ đại. 

5. Kết luận 

Quảng Nam - Đà Nẵng và Bình Định là nơi tiếp nhận chữ Quốc ngữ sớm nhất. Quá trình chuẩn hóa ngôn ngữ được nhiều thế hệ tác giả người Việt và đặc biệt thủ đô Hà Nội và một số địa phương khác đã góp phần làm cho ngôn ngữ Việt phát triển và được chuẩn hóa. Cần gìn giữ và phát huy các giá trị tốt đẹp của chữ Quốc ngữ trong hiện tại và tương lai, phấn đấu đưa tiếng Việt - chữ Quốc ngữ có được một vị trí xứng đáng trong tương quan với các ngôn ngữ - văn tự khác trên thế giới. Ngôn ngữ thể hiện văn minh, văn hóa của một dân tộc, nên cần không ngừng trau dồi ngôn ngữ, xây dựng nền văn hóa tiến bộ và con người mới trong quá trình phát triển. Dù chữ Quốc ngữ có phát triển đến đâu thì văn hóa chữ Nôm vẫn là di sản, mang hồn lịch sử và hồn thi ca của dân tộc. 

Chú thích: 

1. Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng, “Về sự ra đời của danh xưng Quảng Nam (1471)”. http://www.danang.gov.vn/

2. GS.TS. Nguyễn Thiện Giáp, Báo cáo tại Hội thảo khoa học Bình Định với chữ quốc ngữ, Ngày 13.1.2016. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

1. Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng. “Về sự ra đời của danh xưng Quảng Nam (1471)”. http://www.danang.gov.vn/

2. GS.TS. Nguyễn Thiện Giáp (2016). Báo cáo tại Hội thảo khoa học Bình Định với chữ quốc ngữ. Ngày 13.1. 

3. TS. Nguyễn Văn Thạc (2000). “Một số bình diện về tiếp xúc ngôn ngữ Việt - Pháp”. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Русистика - 2000. Matxcơva: Sáng tạo. 

QUẢNG NAM - TRUNG TÂM DẠY, HỌC TIẾNG VIỆT 
VÀ NGÔN NGỮ CÁC NƯỚC PHƯƠNG TÂY 
ĐẦU TIÊN Ở NƯỚC TA THỜI CHÚA NGUYỄN?

Lưu Trang 

1. Đặt vấn đề 

Thời đại ngày nay, xu thế giao lưu hợp tác giữa các nước theo hướng khu vực hóa và toàn cầu hóa trở thành xu hướng chủ đạo. Với xu hướng đó, để phát triển đòi hỏi các quốc gia dân tộc phải hiểu biết lẫn nhau, và cầu nối cho sự quan hệ giữa các dân tộc không gì quan trọng hơn là ngôn ngữ. Do đó, việc học và dạy ngôn ngữ của nhau là yêu cầu cần thiết và thường xuyên. Quảng Nam (bao gồm thành phố Đà Nẵng ngày nay) thời các chúa Nguyễn từ lâu đã được giới nghiên cứu khẳng định là một trong những quê hương của chữ Quốc ngữ - chữ viết được sáng tạo bởi tập thể giáo sĩ phương Tây và các thế hệ người Việt Nam, rất tiện ích nên được dùng chính thức và phổ biến ở nước ta lâu nay. Nhưng việc học và dạy tiếng Việt và ngôn ngữ các nước phương Tây tại đây thì chưa được nghiên cứu đúng mức. 

Xuất phát từ mục đích “ôn cố tri tân”, viết bài này chúng tôi không có tham vọng nghiên cứu đầy đủ quá trình hình thành và phát triển việc học và dạy các loại ngôn ngữ ở Quảng Nam trong lịch sử, mà chỉ phát họa những nét cơ bản về buổi đầu tiếp xúc, học tập và giảng dạy tiếng Việt và các thứ tiếng châu Âu, trước tiên là tiếng Bồ Đào Nha và Latinh ở Đà Nẵng, Hội An và dinh trấn Quảng Nam. Qua đó, nhằm đề xuất một vài vấn đề cho việc học và dạy ngoại ngữ ngày nay. 

2. Nội dung 

2.1. Buôn bán và truyền đạo là mục đích của việc học - dạy tiếng Việt và ngôn ngữ các nước phương Tây ở Quảng Nam trong lịch sử 

Từ sau năm 1558, vào buổi đầu xây dựng cơ nghiệp ở vùng Thuận Hóa - Quảng Nam, các chúa Nguyễn đã thực thi nhiều chính sách ưu đãi thương nhân các nước đến Đàng Trong làm ăn buôn bán. Và “Chúa Đàng Trong không đóng cửa trước một quốc gia nào, ngài để cho tự do và mở cửa cho tất cả người ngoại quốc”.1 Đà Nẵng và Hội An là hai phố cảng có nhiều thuận lợi về địa lý tự nhiên, ra đời sớm và phát triển sầm uất nhất Đàng Trong, được chúa Nguyễn chọn làm nơi tiếp xúc và buôn bán với thương nhân các nước. Thương nhân phương Tây đến Quảng Nam đầu tiên là người Bồ Đào Nha, lần lượt thương nhân các nước Hà Lan, Anh, Pháp... cũng tìm đến buôn bán. Từ đây, một thời đại mới trong quan hệ giao thương giữa nước ta với Bồ Đào Nha nói riêng và các nước phương Tây nói chung được mở ra. 

Năm 1535, ngay sau khi phát hiện ra Đà Nẵng, người Bồ Đào Nha liền tiến hành việc buôn bán với Đà Nẵng - Quảng Nam. Đây là mối quan hệ buôn bán giữa phương Tây với nước ta sớm và phát triển tốt đẹp. Nhất là “khi người Bồ lập trụ sở thương mại ở Áo Môn (Ma Cao), liên lạc (buôn bán) giữa Áo Môn và Cửa Hàn, cửa Hội An tiến triển đều đều”.2 “Từ đó thường mỗi năm, một hoặc hai chuyến tàu rời Áo Môn vào quãng cuối chạp sang giêng đem hàng hóa: súng ống, đạn dược, sinh diêm, đồ kim khí, tơ lụa, vải vóc, giấy, nho... đến bán ở cửa Hội An hay cửa Hàn”.3 Về phía Đàng Trong: “Chúa Đàng Trong vẫn tỏ ra thích để người Bồ đến buôn bán ở nước ngài một cách lạ lùng. Và đã mấy lần ngài đã cho họ ba hay bốn địa điểm ở nơi phì nhiêu nhất và phong phú nhất trong vùng hải cảng Đà Nẵng, để họ xây cất một thành phố, với tất cả những gì cần thiết, cũng như người Tàu và người Nhật đã làm”.4 Kế tiếp người Bồ, năm 1615, Hà Lan đặt quan hệ buôn bán với Đàng Trong. Đến năm 1636, người Hà Lan được chúa Nguyễn cho phép lập thương điếm ở Hội An. Năm 1613, nước Anh cử phái viên Peacock đến Đàng Trong xin thiết lập quan hệ giao thương. Thương nhân Pháp, Mỹ... đến buôn bán với Đàng Trong muộn hơn, từ giữa thế kỷ XVIII trở đi. 

Tuy nhiên, vào thời kỳ đầu buôn bán ở Quảng Nam thương nhân Bồ Đào Nha chiếm vị trí quan trọng. Việc giao thương giữa người Việt với người Bồ, một mặt qua trung gian thông ngôn người Nhật hay người Hoa, mặt khác thương nhân hai nước Bồ - Việt tự quan hệ lẫn nhau, nhờ một lượng ngôn ngữ khiêm tốn mới học được trong quá trình giao tiếp. Tuy việc quan hệ đó của hai bên chỉ thông qua một số từ ngữ về thương mại, nhưng nhờ đó không chỉ việc buôn bán giữa Đàng Trong với thương nhân phương Tây phát triển, mà còn đặt cơ sở thuận lợi cho dạy và học tiếng Việt và các ngôn ngữ phương Tây ở Quảng Nam. Buôn bán gắn với truyền đạo Thiên Chúa là đặc điểm chung trong giai đoạn đầu các nước phương Tây đến nước ta. Cùng lúc với thương nhân, các giáo sĩ Dòng Tên quốc tịch Bồ Đào Nha cũng tìm đến nước ta để truyền đạo Thiên Chúa. “Thường thường các tàu buôn người Bồ đến buôn bán ở đó (Đà Nẵng - Quảng Nam) đều có mang theo một vài Thừa sai. Trong thời kỳ người Bồ ở buôn bán, các cha cũng tìm dịp truyền giáo cho người Việt ở khu cảng”.5 Tuy nhiên, việc truyền Thiên Chúa giáo vào Đà Nẵng - Quảng Nam chính thức bắt đầu từ tháng giêng năm 1615, theo lệnh bề trên, đoàn truyền giáo gồm 5 người từ Áo Môn theo thuyền buôn, trong đó 3 giáo sĩ Dòng Tên, dẫn đầu là Buzomi người Ý, Diego Carvalho và Antonio Dias người Bồ và 2 thầy giảng Giuse và Paulo người Nhật đến Cửa Hàn - Đà Nẵng. Nhờ chuẩn bị chu đáo, ngay từ đầu công việc truyền giáo của các giáo sĩ ở Đà Nẵng - Quảng Nam đạt kết quả quan trọng: một nhà thờ được lập tạm và Lễ Phục Sinh năm ấy, nhà thờ tạm này đã làm lễ thọ giáo cho 10 người bản xứ gia nhập đạo. Năm sau số tín đồ tăng lên nhanh chóng, với 300 người và nhà thờ thứ hai được lập.6 Khoảng nửa thế kỷ sau số tín đồ tăng lên nhiều lần: “Giáo hội Đàng Trong... tính ra có được 70.000 giáo dân, vào năm 1675, giáo hội Đàng Ngoài thành lập năm 1627, gồm hơn 150.000 giáo dân vào năm 1647 và hơn 300.000 giáo dân vào năm 1661”.7 Thiên Chúa giáo đã thâm nhập nhanh chóng và ngày càng sâu rộng vào đời sống tâm linh của người Quảng Nam nói riêng, người dân Việt chúng ta nói chung. 

Việc truyền bá đạo Thiên Chúa vào nước ta nhanh chóng như thế do nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân quan trọng là nhờ ở sự nỗ lực học tiếng Việt của các giáo sĩ truyền đạo. Bởi, “muốn truyền giáo cho một dân tộc, trước hết các cha cần phải nhận định tính tình phong tục, tình trạng chính trị, xã hội, tôn giáo của dân đó, đồng thời phải lo học tiếng nói để truyền giáo cho họ”.8 Và để dễ học, dễ truyền giáo lúc đầu các giáo sĩ còn nghiên cứu cách dùng tiếng Latinh để phiên âm tiếng Việt. Nhờ đó, không chỉ việc học và dạy tiếng Việt và các thứ tiếng phương Tây ở nước ta phát triển nhanh chóng, mà còn thúc đẩy nhanh sự ra đời của chữ Quốc ngữ. 

2.2. Quảng Nam trong thời kỳ đầu học và dạy tiếng Việt và tiếng các nước phương Tây 

Thương nhân và giáo sĩ phương Tây, trước hết là người Bồ Đào Nha đến Quảng Nam buôn bán và truyền đạo đã sớm quan tâm đến việc học tập và nghiên cứu tiếng Việt, đồng thời đẩy mạnh việc giảng dạy tiếng Bồ Đào Nha và Latinh ra cộng đồng cư dân người Việt. Tuy nhiên, do mục đích và điều kiện thời gian hạn chế, thương nhân người Bồ chỉ cần biết đủ một số tiếng về thương mại nên họ ít đầu tư học tập tiếng Việt. Trong khi đó, để đảm bảo việc truyền giáo hiệu quả và lâu dài, các giáo sĩ phải học tập tiếng Việt. Mặc dù đối với họ, tiếng Việt là thứ tiếng khó học, “làm cho tôi phát sợ, vì thấy nó khác các ngôn ngữ Âu châu quá, nên hầu như tôi thất vọng trong việc học tiếng này”.9 Giáo sĩ Joseph Tissanier (đến Đàng Ngoài trong những năm 1658 - 1663) đã phải thốt lên như vậy. Thế nhưng, các thế hệ giáo sĩ đầu tiên đến truyền đạo ở Quảng Nam đã có nhiều cố gắng và một số người rất xuất sắc trong học tập tiếng Việt. 

Như ở trên chúng ta biết, giáo sĩ Francesco Buzomi là một trong những người đầu tiên truyền giáo ở Quảng Nam, cũng là người tiên phong học tiếng Việt. Nhờ sự cố gắng, biết tranh thủ qua thông ngôn của người Nhật hay người Hoa đang định cư buôn bán ở Đà Nẵng - Hội An và nhất là học tập trực tiếp với người Việt trong quá trình giảng đạo và tiếp xúc trong đời sống, việc học tiếng Việt của Buzomi tiến triển nhanh chóng. Trong thời gian bốn tháng, Buzomi có thể truyền đạo trực tiếp bằng tiếng Việt, và “dân Quảng Nam rất thích nghe cha Buzomi giảng bằng tiếng Việt, 10 người xin chịu phép Rửa (tội) dịp Lễ Phục Sinh năm 1615”.10 Giáo sĩ Francisco de Pina đến Quảng Nam năm 1617, cũng bằng phương pháp như Buzomi cộng với năng khiếu riêng đã sớm trở thành người phương Tây giỏi tiếng Việt nhất lúc bấy giờ. Ông không chỉ giao tiếp giảng đạo bằng tiếng Việt, mà còn có nhiệm vụ giảng dạy tiếng Việt cho các giáo sĩ đến sau và là người có công đầu trong nghiên cứu Latinh hóa tiếng Việt ở nước ta. Các giáo sĩ Antonio de Fontes và Alexandre de Rhodes... là những học trò học tiếng Việt xuất sắc của ông, có công trong việc hoàn thiện chữ Quốc ngữ. Pina còn là người đầu tiên biên soạn chuyên luận về chính tả, ngữ âm tiếng Việt và quan trọng là tác phẩm Nhập môn tiếng Đàng Ngoài. 11 

Học tiếng Việt trực tiếp từ người Việt, mà những ngày đầu học của người Quảng Nam là chính yếu đối với các giáo sĩ phương Tây. Lúc bấy giờ, các địa bàn này, “trường học” và “thầy dạy” tiếng Việt cho các giáo sĩ rất đa dạng và rộng khắp, từ Cửa Hàn - Đà Nẵng đến Hội An - Thanh Chiêm, sau mở rộng dần vào Nước Mặn (Quy Nhơn) ra Nghệ An - Bắc Hà... Và các tư gia, đình làng, nhà thờ, phố chợ... đều có thể là cơ sở học tiếng Việt của giáo sĩ. Tiểu thương buôn bán ở phố, chợ, nông dân các làng mạc, tín đồ theo đạo, đến các sư sãi, quan lại, sinh đồ... đều có thể là “thầy” dạy tiếng Việt của các giáo sĩ. “Thầy” người Việt đông đảo và đa dạng như thế, nhưng quan trọng vẫn là những thầy có trình độ tri thức, nhất là những trí thức có thiện cảm, hay tin theo đạo Thiên Chúa. Những giáo sĩ học tiếng Việt giỏi đa số là được “thầy” có tri thức người Việt trực tiếp giúp đỡ. Chẳng hạn như giáo sĩ Francisco de Pina được một thanh niên người Việt theo đạo và sau trở thành Thầy giảng có tên Thánh là Augustin giúp phiên dịch tiếng Việt; hay Alexandre de Rhodes được cậu bé rất thông minh có tên Thánh là Raphael, trong ba tuần lễ đã dạy cho ông các dấu khác nhau và cách đọc hầu hết các tiếng Việt.12 Trong công trình Lịch sử giáo hội Việt Nam, giai đoạn Giáo hội Việt Nam thời phôi thai, linh mục Bùi Đức Sinh viết: “Cha Pina đã đạt được cụ nghè Guise. Cụ là người được kính nể khắp trấn Quảng Nam, môn sinh của cụ rất nhiều... Cụ Guise trở thành một tông đồ giáo dân; theo gương cụ nhiều nho gia khác trở lại, như cụ Pherô, cụ Emmanuel, quan cố vấn Phaolô,... sư cụ Đamian... Quan nghè Pherô chuyên dạy tiếng cho các Thừa sai mới đến và cụ Emmanuel rất nhiệt tình truyền giáo”.13 

Do quá khó hoặc bất lực trong học chữ Nôm và chữ Hán, các giáo sĩ phương Tây đến truyền đạo ở Quảng Nam chỉ học hai kỹ năng nghe và nói của tiếng Việt. Điều đó gây khó khăn cho việc truyền bá Phúc Âm, các giáo sĩ đã tích cực hợp tác với các phiên dịch ngoại kiều biết tiếng Latinh và nhất là với những trí thức người Việt nghiên cứu sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Hẳn nhiên, trước hết là hợp tác với những trí thức đã và đang là người dạy tiếng Việt cho các giáo sĩ. Giới trí thức người Việt lúc đó bao gồm: ông nghè, sư sãi, thầy đồ, sinh đồ, các quan lại... Đa số họ rất thông minh và có “những người có trình độ tương đối cao, có khả năng sử dụng các tài liệu tham cứu viết”.14 Và họ không chỉ là người đọc và phát âm để các giáo sĩ phiên âm các bài viết bằng chữ của bộ chữ Latinh, mà còn “giỏi hơn người khác, giúp giáo sĩ nắm được những liên quan văn hóa và tư tưởng của bài viết và rút ra từ những bài viết đó những bài học về hệ tư tưởng và phương pháp luận được nghiên cứu”.15 

Cũng giống như các giáo sĩ, người Việt học ngôn ngữ các nước phương Tây để quan hệ, buôn bán và học đạo với người phương Tây khi đến nước ta. Tiếng Bồ Đào Nha và Latinh được dạy ở Quảng Nam đầu tiên trong cả nước, do các giáo sĩ trực tiếp giảng dạy. Đối tượng học ngôn ngữ phương Tây gồm nhiều loại: người tham gia buôn bán, học đạo, tầng lớp có học và quan lại... Người buôn bán học tiếng chỉ để bán mua nên thường học ở thương trường những từ ngữ thương mại. Quan lại và tầng lớp có học thì vì mục đích quan hệ hoặc muốn hiểu biết. Nhưng giáo dân là đối tượng quan tâm học ngoại ngữ phương Tây nhiều nhất. 

Kỹ năng dạy - học ngôn ngữ phương Tây trong những ngày đầu đã khá hoàn chỉnh: nghe, nói, đọc, viết. Và thầy giáo là trực tiếp người bản ngữ nên việc học các ngôn ngữ phương Tây khá dễ dàng và hiệu quả đối với các đối tượng người học. Cụ nghè Guise, sau một thời gian ngắn học tiếng Bồ đã có thể tranh luận với các giáo sĩ truyền đạo. Những thanh thiếu niên như Augustin và Raphael trong một vài tháng học đã trở thành phiên dịch cho các giáo sĩ giảng đạo.16 Thậm chí có người học được cùng lúc cả tiếng Bồ và Latinh như thầy giảng Bento Thiện,... chúng tôi sẽ trình bày dưới đây. 

Quan trọng hơn, trong quá trình học tập tiếng Bồ và Latinh, nhiều trí thức người Việt cùng nghiên cứu sáng tạo chữ Quốc ngữ với các giáo sĩ phương Tây. Tiêu biểu là hai thầy giảng Igesico Văn Tín và Bento Thiện, đã viết được những bức thư dài, thậm chí còn viết lịch sử nước ta bằng chữ Quốc ngữ ngay từ giữa thế kỷ XVII, tương đương thời kỳ ra đời của hai cuốn sách chữ Quốc ngữ do giáo sĩ Alexandre de Rhodes xuất bản ở La Mã năm 1651. Có thể nói rằng, đây là những bản chữ viết Quốc ngữ khá hoàn chỉnh đầu tiên do chính người Việt viết. Chúng không chỉ được viết cách nhau rõ ràng giữa các chữ, mà còn được viết tương đối đúng các dấu: huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã (không còn viết các chữ dính liền và không có dấu như của Buzomi, Pina, hay kể cả Alexandre de Rhodes... trước đó không lâu) và nhiều chữ còn dùng phổ biến ngày nay. Chúng ta có thể xem một vài dòng trong bức thư của Igesico Văn Tín viết ngày 12.9.1659 sau đây: “Lậy ơn Đức Chúa Trời phù hộ Thầy (muốn nói đến Linh mục Marini) bằng an lành linh hồn và thể xác. Từ năm thầy trẩy về khỏi thì hai thầy ở lại chịu nhiều khó lắm, thì rằng (dầu hai thầy) chẳng có trẩy về (Áo Môn) song le cũng như vậy,...”.17 Hay thư của Bento Thiện viết ngày 25.10.1659 gửi cho linh mục Marini, dòng mở đầu viết bằng chữ Bồ Đào Nha, dòng thứ hai bằng tiếng Latinh, dòng thứ ba trở đi mới viết chữ Quốc ngữ như sau: 

“Ao Pe Philipe Marino (Gửi cho Cha Philip Marini) 

Pax Christi (Bằng an Chúa Kitô) 

Rày là ngày lễ Bà thánh Daria đồng trinh tử vì đạo, tôi xin vì công nghiệp Bà thánh nầy cho đến nơi thầy. Tôi lạy ơn thầy vì Đức Chúa Trời mà chịu khó nhọc làm vậy. Tôi đã làm được thư gưởi sang Ma Cao cho thầy, song le chẳng biết là có ai gưởi đến cho thầy hay chăng”.18 

3. Kết luận và đề xuất 

Do nhu cầu lịch sử và thời đại, Quảng Nam là một trong những quê hương đầu tiên của việc học và dạy tiếng Việt và các thứ tiếng phương Tây ở nước ta. Trong đó, tiếng Việt, tiếng Bồ và Latinh được học và dạy trước tiên và song song nhau. Tuy tiếng Việt khó học, nhưng người phương Tây đã học giỏi và có một số người rất giỏi. Trên cơ sở mượn bộ chữ cái tiếng Latinh và phối hợp chặt chẽ với những trí thức người Việt, các giáo sĩ phương Tây có công đầu trong việc dùng chữ Latinh phiên âm tiếng Việt soạn ra chữ Quốc ngữ. Tiếng Bồ và Latinh là những ngôn ngữ phương Tây đầu tiên được người Việt học tập. Có thể nói rằng, người Việt chúng ta rất có năng lực trong việc học tập và nghiên cứu các ngôn ngữ phương Tây. Đa số học rất nhanh và khá chắc chắn các ngôn ngữ này, đồng thời có khả năng tham gia cùng giáo sĩ phương Tây nghiên cứu sáng tạo và hoàn chỉnh chữ Quốc ngữ. Nhờ những năng lực này mà trong suốt 3, 4 thế kỷ qua tiếng Việt chúng ta đã được bảo tồn, không ngừng hoàn thiện và tiếp tục phát triển đến hôm nay và ngày mai. 

Như vậy, lịch sử đã chứng minh người Việt có đủ tư duy và năng khiếu trong việc học ngôn ngữ phương Tây. Tuy nhiên vài thập niên gần đây việc học và dạy ngoại ngữ của chúng ta chưa hiệu quả. Đó là do việc tổ chức học tập với phương pháp và nội dung còn nhiều sai lệch. Học và dạy ngoại ngữ chỉ tập trung chủ yếu về lý thuyết và nghiên cứu, ít chú ý đến các kỹ năng thực hành nghe, nói, hay ứng dụng giao tiếp. Đối với giáo viên chuyên dạy ngoại ngữ cũng không được chú ý bồi dưỡng và nhất là không có môi trường giao tiếp... 

Do vậy, theo chúng tôi, để việc dạy và học ngoại ngữ hiện nay sớm được cải thiện phải tiến hành đổi mới đồng bộ, khẩn trương, có hệ thống và khoa học về mọi mặt: từ quan điểm, mục đích, đến nội dung, phương pháp dạy và học ngoại ngữ... Trong đó, chú trọng nhiều đến các kỹ năng, thực hành tiếng cho học viên và tăng cường giao lưu trao đổi, thực tập thực tế với người bản ngữ cho giáo viên. Và giáo viên dạy ngoại ngữ phải được thực hành tiếng ở nước ngoài... 

Với một vài kinh nghiệm từ thực tế lịch sử trên, hy vọng các nhà quản lý, nhà giáo giảng dạy các ngôn ngữ ở nước ta, mà trước hết ở Quảng Nam - chiếc nôi học và dạy ngôn ngữ phương Tây, có thể tham khảo để rút ra được những bài học bổ ích trong mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học ngoại ngữ để vùng đất truyền thống này tiếp tục đi đầu trong học và dạy các ngôn ngữ phương Tây.  

Chú thích: 

1,4 Cristoforo Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621, Bản dịch của Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị, (TPHCM: TPHCM, 1998), 92-93. 

2, 3, 5, 6, 8 Nguyên Hồng, Lịch sử Thiên Chúa giáo ở Việt Nam, (Sài Gòn: Hiện Tại, 1959), 41, 50, 41-42, 62, 51. 

7. Georg Schuhammer, “Nền văn chương Công giáo về Phanxico Xaviê tại Việt Nam”, Bản dịch của Đỗ Văn Anh và Trương Bửu Lâm, Việt Nam khảo cổ tập san, Sài Gòn. Số 2/1960, 143-177. 

9, 17, 18 Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 - 1659, (Sài Gòn: Ra Khơi, 1972), 12- 13, 92, 100. 

10, 13, 16 Bùi Đức Sinh, Lịch sử giáo hội Công giáo, phần nhì, (Sài Gòn: Công Lý, 1972), 317, 319, 319 - 320. 

11. Nguyễn Phước Tương, “Giáo sĩ Bồ Đào Nha Francisco de Pina người tiên phong sáng tạo ra chữ Quốc ngữ”, Nghiên cứu lịch sử, Số 5/2001, 24-29. 

12. Châu Yến Loan, “Hội An - Đà Nẵng - Thanh Chiêm miền đất khai sinh chữ Quốc ngữ”, Xưa và Nay, Số 49/2005, 8-10. 

14, 15 Nguyễn Phước Tương, “Vai trò của người Việt và địa điểm đầu tiên phát minh ra chữ Quốc ngữ ở nước ta”, Nghiên cứu lịch sử, Số 5/2003, 47-52.
 Quảng Nam, tháng 8/2016
Theo http://www.dienban.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt 2 Tháng Chín, 2022 Theo chính sử Trung Hoa thì Lưu Tử Nghiệp, tự Pháp Sư, là co...