Thứ Bảy, 28 tháng 8, 2021

Hội thảo khoa học dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ

Hội thảo khoa học dinh trấn
Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ

Lời nói đầu 

Hướng đến Kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Quảng Nam (1.1997 - 1.2017); nhằm góp phần khẳng định, làm sáng tỏ vai trò, vị trí của dinh trấn Thanh Chiêm - dinh trấn Quảng Nam hai thế kỷ XVII - XVIII trong việc mở mang bờ cõi, đẩy mạnh phát triển thương mại với bên ngoài - Cảng thị Hội An và làm sáng tỏ vai trò dinh trấn Thanh Chiêm, tiếng nói xứ Quảng là nơi đầu tiên hình thành chữ Quốc ngữ; Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo khoa học Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ. 
Bằng trí tuệ, tâm huyết và tình cảm đối với vùng “đất chưa mưa đà thấm”, chỉ trong thời gian rất ngắn, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 69 tham luận có giá trị của các nhà quản lý, nhà khoa học trong và ngoài nước và các vị linh mục,... gửi về tham dự hội thảo. 
Ban Tổ chức đã tổng hợp, biên tập và in thành Kỷ yếu phục vụ Hội thảo. Để tiện theo dõi, căn cứ vào nội dung chính, các tham luận được sắp xếp theo 5 nhóm vấn đề: 
1. Đàng Trong - Quảng Nam - Thanh Chiêm: Những vấn đề lịch sử; 
2. Dinh trấn Thanh Chiêm và sự ra đời chữ Quốc ngữ; 
3. Quá trình hoàn thiện, sử dụng và truyền bá chữ Quốc ngữ; 
4. Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa dinh trấn Thanh Chiêm và di sản chữ Quốc ngữ; 
5. Một số vấn đề về hải thương và các sử tích ở xứ Quảng thời Champa và thời chúa Nguyễn.
Do trong một bài viết, rất nhiều tác giả cùng đề cập đến cả ba nội dung liên quan xuyên suốt từ dinh trấn Thanh Chiêm đến chữ Quốc ngữ và cả vấn đề bảo tồn, phát huy, nên cách sắp xếp này chỉ là tương đối, căn cứ theo nội dung 18 chính được đề cập trong tham luận. Ban Tổ chức mong tác giả, đồng tác giả và các đại biểu chia sẻ. 
Xin chân thành cảm ơn các tác giả, các đại biểu đã có tham luận và tham dự Hội thảo. Ban Tổ chức rất mong nhận được sự góp ý chân tình của các đồng chí lãnh đạo, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các vị linh mục, các đại biểu dự Hội thảo để việc xuất bản sau Hội thảo được tốt hơn, phục vụ nghiên cứu và tham khảo. 
Trân trọng!. 
BAN TỔ CHỨC HỘI THẢO KHOA HỌC: DINH TRẤN THANH CHIÊM VÀ CHỮ QUỐC NGỮ
PHÁT BIỂU KHAI MẠC CỦA ĐỒNG CHÍ LÊ VĂN THANH - TUV, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH, TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC TẠI HỘI THẢO KHOA HỌC DINH TRẤN THANH CHIÊM VÀ CHỮ QUỐC NGỮ (Ngày 24 tháng 8 năm 2016 tại thị xã Điện Bàn)
Trước hết, cho phép tôi thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, rất vui mừng, xúc động, nhiệt liệt chào mừng và hân hạnh đón tiếp các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các cơ quan quản lý, cơ quan khoa học Trung ương và địa phương; các nhà khoa học trong và ngoài nước; các vị linh mục; các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương cùng toàn thể quý vị đại biểu đã dành thời gian về với vùng đất trù phú Điện Bàn giàu truyền thống văn hóa, anh hùng của xứ Quảng để tham dự sự kiện - Hội thảo khoa học Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ. 
Xin chúc quý vị tham dự Hội thảo mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Kính thưa quý vị đại biểu! 
Quảng Nam, theo nghĩa rộng là Đất mở rộng về phương Nam, vâng mệnh vua để tuyên dương đức hóa, rồi trở thành vùng đất rộng lớn “tiếp giáp Ai Lao ở phía Tây, biển lớn ở phía Đông, Hóa Châu ở phía Bắc và Chiêm Thành ở phía Nam; núi Ải Vân làm giới hạn ở phía Bắc, núi Thạch Bi làm địa giới ở phía Nam, núi sông vây bọc, cương vực rõ ràng. Xứ này quả là một Trấn lớn ở phương Nam vậy”. Tháng 6 năm Tân Mão (1471), vua Lê Thánh Tông lập Quảng Nam thừa tuyên đạo, là đạo thừa tuyên thứ 13 của quốc gia Đại Việt lúc bấy giờ. Danh xưng Quảng Nam bắt đầu từ đó.  
Quá trình sinh sống, các thế hệ người Quảng Nam đã để lại trên mảnh đất này những giá trị văn hóa đặc sắc, riêng biệt. Đặc biệt, có sự giao thoa, tiếp biến giữa các nền văn hóa Việt - Chăm - Hoa - Nhật - phương Tây. Nền văn hóa Chăm một thời rực rỡ với Khu đền tháp Mỹ Sơn, Kinh đô Trà Kiệu, tháp Bàng An, Chiên Đàn, Khương Mỹ, Trà Kiệu,… Nền văn hóa Nhật với biểu tượng Chùa Cầu. Nền văn hóa Hoa với các hội quán, các nhà cổ,… còn tồn tại ở Hội An. Các giá trị văn hóa đa dạng đó đã làm nên các di sản văn hóa thế giới: Khu đền tháp Mỹ Sơn và Phổ cổ Hội An. Nhân dân Quảng Nam say mê hát hò khoan, hát sắc bùa, hát bả trạo, hát bài chòi. Đây còn là mảnh đất của nghệ thuật tuồng. 
Với tầm nhìn chiến lược, chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã chọn nơi đây “là đất yết hầu của miền Thuận Quảng” và cho dựng dinh trấn Quảng Nam ở Thanh Chiêm - mở đầu cho sự phát triển thịnh vượng Đàng Trong trong suốt hai thế kỷ XVII và XVIII. Nằm trên đường thiên lý Bắc - Nam, bên bờ Sài Thị giang (sông Thu Bồn) và gần cửa biển Đại Chiêm hải khẩu, Dinh Chiêm có một vị trí chiến lược rất quan trọng. Trong lịch sử, dinh trấn Thanh Chiêm, được chúa Nguyễn xem là kinh đô thứ hai, là trung tâm chính trị sau Phú Xuân; là nơi các vị hoàng tử “tập dượt” cách trị vì đất nước trước khi kế nhiệm ngôi chúa. 
Trong suốt thời gian tồn tại của mình (1602 - 1832), dinh trấn Thanh Chiêm có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tổ chức quản lý vùng đất Quảng Nam rộng lớn. Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Phía Đông có biển bao vòng, phía Tây có núi che chở,… ải sông hiểm trở, lao đảo xây quanh, đồng nội rộng bằng, dân cư đông đúc,… cửa biển Đại Chiêm thuyền bè sum họp, chợ phố Hội An hàng hóa nhóm đầy, thực là nơi đô hội…”. Không ít nhà buôn phương Tây khi đến Hội An đều ghi lại là đến “nước Quảng Nam”. Từ sự phồn thịnh đó, chúa Tiên Nguyễn Hoàng làm bàn đạp Nam tiến, mở mang bờ cõi. 
Trong phát triển kinh tế, “Chúa không đóng cửa một quốc gia nào, ngài để cho tự do và mở cửa cho tất cả mọi người ngoại quốc”. Chính sách đó đã góp phần phát triển thương cảng Hội An - trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam và có tầm cỡ vùng Đông Nam Á, đủ khả năng cạnh tranh thương mại với các nước xung quanh. 
Từ sự phát triển thương mại, cùng với bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, như là cơ duyên để các nhà truyền giáo đến với Đàng Trong, mà cột mốc được xác định là đầu năm 1615. Tiếp đến, năm 1617, giáo sĩ Francisco de Pina được cử vào xứ Đàng Trong, giúp đỡ những Nhật kiều Công giáo ở Hội An. Sau đó, giáo sĩ chú tâm nghiên cứu, sáng tạo chữ Quốc ngữ, như chính giáo sĩ viết rằng: “Về vấn đề học ngôn ngữ thì luôn luôn ở Kẻ Chàm chính là nơi tốt nhất. Đây là kinh đô của triều đình”. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: Chữ Quốc ngữ là công trình của nhiều giáo sĩ Tây phương, nhưng người tiên phong sáng tạo ra thứ chữ này là Francisco de Pina cùng những người Việt Nam cộng tác với ông. Và, tại Thanh Chiêm đã ra đời trường dạy chữ Quốc ngữ đầu tiên. 
Nhận thức được tầm quan trọng đó, tỉnh Quảng Nam luôn quan tâm đến công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương. Sở Văn hóa Thông tin trước đây và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau này đã phối hợp với Điện Bàn tổ chức các Hội thảo khoa học về Dinh trấn Thanh Chiêm (2002), Ngày hội Dinh trấn Thanh Chiêm (2007),... Viện Ngôn ngữ học chủ trì thực hiện đề tài khoa học Những đặc trưng cơ bản của tiếng Quảng Nam và vị trí của nó trong việc hình thành chữ Quốc ngữ, Chủ nhiệm đề tài là PGS.TSKH. Lý Toàn Thắng và năm 2006 đã được in thành sách... 
Từ những nghiên cứu đó, năm 2008, dinh trấn Thanh Chiêm được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Gần đây, thị xã Điện Bàn đã xây dựng Kế hoạch tổng thể liên quan đến khảo cổ học, nhà trưng bày, bia chữ Quốc ngữ, quảng bá, lễ hội,... đến năm 2020. Những nghiên cứu của các nhà khoa học trong suốt gần 15 năm qua, đã đưa ra những kết luận khoa học có giá trị về vai trò, công lao của Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes trong sáng tạo, hoàn thiện chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ XVII. Đặc biệt, các công trình cũng đã nghiên cứu và có những kết luận về vai trò của những người Quảng Nam đã cộng tác với các giáo sĩ phương Tây trong quá trình hình thành chữ Quốc ngữ. Và, khẳng định Thanh Chiêm là nơi đầu tiên ra đời chữ Quốc ngữ. 
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, tôi đánh giá cao và cảm ơn các nhà khoa học đã dày công nghiên cứu về dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ suốt thời gian qua. 
Kính thưa quý vị đại biểu! 
Để có thêm nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước nhằm khẳng định và làm sáng tỏ vai trò, vị trí và quá trình phát triển của dinh trấn Thanh Chiêm trên các phương diện văn hóa - lịch sử và khảo cổ học; đặc biệt, xác định vai trò của dinh trấn Thanh Chiêm trong quá trình hình thành chữ Quốc ngữ, với sự giúp đỡ của các cơ quan Trung ương và tình cảm, trí tuệ của các nhà khoa học, UBND tỉnh Quảng Nam hy vọng sẽ có nhiều nghiên cứu giá trị tại Hội thảo khoa học Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ lần này. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, thay mặt chủ trì, tôi chân thành cảm ơn các vị khách quý, các nhà khoa học, các vị linh mục, các cơ quan báo chí và các bạn đã về với Quảng Nam và xin tuyên bố khai mạc Hội thảo khoa học Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ. 
Xin được chúc sức khỏe và thành công. 
Xin trân trọng cảm ơn!
BÁO CÁO ĐỀ DẪN HỘI THẢO?
Trần Đức Anh Sơn
Hội thảo khoa học Dinh trấn Thanh Chiêm và vấn đề chữ Quốc ngữ do UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Khoa học và Công nghệ đồng tổ chức tại thị xã Điện Bàn ngày 24.8.2016, đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng nhiệt tình của các học giả, các nhà sử học, nhà ngôn ngữ học, nhà quản lý di sản văn hóa, chuyên gia bảo tồn - bảo tàng ở Quảng Nam và ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước, các học giả quốc tế, các vị linh mục và giáo dân Công giáo địa phương…, vốn là những người đã dành thời gian nghiên cứu về vùng đất Quảng Nam, về dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ. 
Nhờ sự quan tâm đặc biệt này, nên Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 69 tham luận, là những bài nghiên cứu khoa học, đầy tâm huyết và giàu sức thuyết phục, đề cập nhiều vấn đề về lịch sử, kinh tế, xã hội, văn hóa, tôn giáo ở Đàng Trong và xứ Quảng thời chúa Nguyễn; đặc biệt là về dinh trấn Thanh Chiêm và sự hình thành chữ Quốc ngữ ở vùng đất Quảng Nam vào đầu thế kỷ XVII. 
Ban tổ chức rất cảm kích trước sự hưởng ứng nồng nhiệt, đầy trách nhiệm và tinh thần khoa học của các tác giả, và xin cám ơn các tác giả đã gửi những bản tham luận mang nhiều giá trị học thuật đến tham dự hội thảo. 
Căn cứ vào nội dung nghiên cứu được thể hiện trong các tham luận, đồng thời để thuận tiện cho việc trình bày quan điểm và thảo luận tại hội thảo, Ban tổ chức đã sắp xếp các tham luận theo 5 chủ đề như sau: 
Chủ đề 1: Đàng Trong - Quảng Nam - Thanh Chiêm: Những vấn đề lịch sử. 
Chủ đề 2: Dinh trấn Thanh Chiêm và sự ra đời chữ Quốc ngữ. 
Chủ đề 3: Quá trình hoàn thiện, sử dụng và truyền bá chữ Quốc ngữ. Chủ đề 4: Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa dinh trấn Thanh Chiêm và di sản chữ Quốc ngữ. 
Chủ đề 5: Một số vấn đề về hải thương và các sử tích ở xứ Quảng thời Champa và thời chúa Nguyễn. 
Ban tổ chức hội thảo tự nhận thấy việc sắp xếp các tham luận vào 5 chủ đề nghiên cứu nói trên cũng chỉ có tính tương đối, bởi lẽ có những tham luận đề cập nhiều nội dung nghiên cứu thuộc nhiều chủ đề khác nhau, không chỉ liên quan đến Dinh trấn Thanh Chiêm và sự ra đời của chữ Quốc ngữ, mà còn liên quan đến những vấn đề lịch sử, xã hội, kinh tế, văn hóa, ngôn ngữ và con người xứ Quảng. Vì thế, Ban tổ chức mong các tác giả tham luận thông cảm và chấp nhận sự sắp xếp có tính tương đối này. 
Là người được Ban tổ chức hội thảo giao nhiệm vụ tập hợp các tham luận, xử lý hình thức và biên tập nội dung kỷ yếu hội thảo, tôi xin giới thiệu tóm lượt những nội dung quan trọng và những quan điểm chủ yếu mà các tác giả tham luận đã thể hiện trong các tham luận của mình, theo 5 chủ đề nghiên cứu nêu trên. 
Chủ đề 1: Đàng Trong - Quảng Nam - Thanh Chiêm: Những vấn đề lịch sử 
Có 10 tham luận thuộc chủ đề này, là: 
- Vị thế của dinh Quảng Nam đối với xứ Đàng Trong [Nguyễn Văn Đăng - Mai Văn Được]. 
- Vai trò của dinh trấn Thanh Chiêm trong sự nghiệp mở đất phương Nam của các chúa Nguyễn [Châu Yến Loan]. 
- Dinh trấn Thanh Chiêm với công cuộc mở cõi và mở cửa của các chúa Nguyễn [Huỳnh Văn Mỹ]. 
- Tầm nhìn chiến lược của chúa Nguyễn khi xây dựng dinh trấn Thanh Chiêm [Đoàn Anh Thái]. 
- Dinh trấn Thanh Chiêm trong mối quan hệ với các cảng thị của chính quyền Đàng Trong [Võ Thị Trang]. 
- Dinh trấn Thanh Chiêm - nguyên nhân và thời gian ra đời [Nguyễn Anh Huy]. 
- Từ sự kiện dựng dinh trấn Thanh Chiêm nhìn lại phương sách mở cõi của chúa Nguyễn Hoàng [Lê Bá Vương - Lê Thị Minh Thư]. 
- Luận giải mục tiêu của Nguyễn Hoàng trong việc lập nên dinh trấn Thanh Chiêm [Nguyễn Đình Cơ]. 
- Dấu ấn của dinh trấn Thanh Chiêm trong lịch sử [Phạm Văn Hòa]. 
- Dinh trấn Thanh Chiêm trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, chủ quyền xứ Đàng Trong của chúa Nguyễn [Trịnh Thị Hà]. 
Từ các nguồn sử liệu trong và ngoài nước, các tư liệu khảo cổ học và nghiên cứu thực địa tại Quảng Nam, đặc biệt là tại Điện Bàn và Hội An, tác giả những tham luận này đã khẳng định các vấn đề sau: 
- Với việc đặt dinh Quảng Nam vào năm 1602, sai con trai là Nguyễn Phúc Nguyên vào trấn thủ dinh này, và cắt vùng đất nam Hải Vân (vốn thuộc huyện Điện Bàn, xứ Thuận Hóa) nhập vào dinh Quảng Nam vào năm 1604, chúa Nguyễn Hoàng đã mở ra một chương mới trong lịch sử mở cõi của Đại Việt, và biến Quảng Nam từ một vùng đất trù phú “ngoài biên ải” trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế lớn, một kinh đô thứ hai của Đàng Trong (sau thủ phủ Phú Xuân) trong các thế kỷ XVII - XVIII. Đây cũng là một “trung tâm kinh tế lớn nhất, một hậu phương vững chắc cho Thuận Hóa phòng ngự ở mặt bắc với chúa Trịnh và trở thành đất trung chuyển cho dân tộc tiến về phương Nam”. [Nguyễn Văn Đăng - Mai Văn Được]. 
Đồng thời, đây cũng là một căn cứ quân sự vững mạnh của triều đình các chúa Nguyễn, góp phần cùng thủ phủ Phú Xuân giữ yên mặt Bắc, phòng thủ mặt Đông và mở cõi về phương Nam. 
- Trong các thế kỷ XVII - XVIII, Quảng Nam, thông qua cảng thị Hội An đã trở thành một cửa ngõ trọng yếu trong chính sách kinh tế đối ngoại của các chúa Nguyễn, là đầu cầu trao đổi thương mại, văn hóa với bên ngoài, du nhập Thiên Chúa giáo từ phương Tây vào Đàng Trong. 
- Việc chúa Nguyễn Hoàng lựa chọn Cần Húc và sau đó là Thanh Chiêm, với tên gọi chung là Dinh Chiêm, làm lỵ sở của dinh Quảng Nam đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của nhà chính trị kiệt xuất, cũng là một nhà kinh bang tế thế, đã tạo điều kiện để vùng đất này vươn lên trở thành một trung tâm kinh tế - chính trị - quân sự vững mạnh, là hậu phương vững chắc, giúp các chúa Nguyễn giữ yên mặt Bắc và mở cõi về phương Nam. Không chỉ quán xuyến, điều hành mọi hoạt động kinh tế ở vùng đất Quảng Nam, “Dinh Chiêm còn là nơi điều hành mọi hoạt động của Tuần ty và quan Thủ ngự cai trị vùng Sài Gòn - Chợ Lớn” [Châu Yến Loan], một trung tâm kinh tế - chính trị mới hình thành trên vùng đất phương Nam vừa kết nối vào lãnh thổ Đại Việt dưới thời các chúa Nguyễn. Các nhà nghiên cứu cũng nhận định rằng, sự ra đời và phát triển của Dinh trấn Thanh Chiêm đã “nhanh chóng nâng cao tiềm lực của vùng đất Đàng Trong” [Nguyễn Đình Cơ] và là bàn đạp cho công cuộc Nam tiến thành công của các chúa Nguyễn sau này. 
- Cùng với Hội An, Thanh Chiêm là những nơi đầu tiên ở Đàng Trong tiếp nhận các giáo sĩ phương Tây đến truyền giáo, tạo điều kiện cho họ tìm hiểu, sống chung và hội nhập với vùng đất và con người Đàng Trong. Đây chính là tiền đề và cội nguồn sâu xa cho việc ra đời chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ XVII. 
- Trong chủ đề này còn có một tham luận bàn về tác giả của bức quốc thư năm 1601 do người đứng đầu Đàng Trong gửi cho chính quyền Nhật Bản đương thời để thiết lập quan hệ bang giao và thương mại. Đây là chủ đề từng gây tranh luận trong giới học thuật ở Việt Nam và Nhật Bản trong nhiều năm qua. Trong khi phần đông ý kiến đều cho rằng tác giả bức quốc thư này là Đoan Quận công Nguyễn Hoàng, thì dựa trên các phân tích văn bản học và cách soi chiếu mới đối với các nguồn sử liệu cũ, tác giả tham luận Nguyễn Anh Huy cho rằng chính Thụy Quận công Nguyễn Phúc Nguyên, con trai Đoan Quận công Nguyễn Hoàng, mới là tác giả bức quốc thư này. Đồng thời qua đây để khẳng định rằng Nguyễn Phúc Nguyên đã vào trấn thủ Quảng Nam từ năm 1601, chứ không phải là năm 1602 như nhiều sử liệu phản ánh và được nhiều nhà nghiên cứu tin dùng. 
Chủ đề 2. Dinh trấn Thanh Chiêm và sự ra đời chữ Quốc ngữ 
Đây là chủ đề chính của cuộc hội thảo, nên có đến 30 tham luận của các tác giả từ Bắc chí Nam, cả ở địa phương lẫn trung ương, ở trong nước và hải ngoại, tham gia bàn luận nhiều nội dung liên quan chủ đề này. Đó là các tham luận: 
- Dinh trấn Thanh Chiêm - một số vấn đề lịch sử [Nguyễn Đức Nhuệ]. 
- Các yếu tố địa chính trị tạo điều kiện để dinh trấn Thanh Chiêm trở thành một trong những chiếc nôi của chữ Quốc ngữ [Bùi Văn Tiếng]. 
- Thanh Chiêm - nơi khai sinh chữ Quốc ngữ [Châu Yến Loan]. 
- Dinh Quảng Nam và sự ra đời chữ quốc ngữ [Nguyễn Chí Trung]. 
- Sự hình thành chữ Quốc ngữ ở dinh trấn Thanh Chiêm xứ Quảng Nam vào thế kỷ XVII [Nguyễn Đức Hòa]. 
- Cơ sở của sự ra đời sớm chữ Quốc ngữ ở Quảng Nam [Trương Công Huỳnh Kỳ - Dương Thanh Mừng]. 
- “Xứ Quảng” trong quá trình lịch sử hình thành chữ Quốc ngữ [Nguyễn Hồng Quý]. 
- Khai sinh chữ Quốc ngữ (từ 1620 đến 1659) [Đinh Trọng Tuyên - Đinh Bá Truyền]. 
- Chúa Nguyễn Phúc Nguyên với sự ra đời chữ Quốc ngữ ở dinh trấn Thanh Chiêm [Nguyễn Thị Hải]. 
- Dinh trấn Thanh Chiêm xứng đáng là cái nôi phát triển chữ Quốc ngữ [Antôn Nguyễn Trường Thăng]. 
- Dinh trấn Thanh Chiêm trong tiến trình lịch sử chữ Quốc ngữ [Nguyễn Văn Biểu]. 
- Mối quan hệ trục văn hóa sông Thu Bồn - Thanh Chiêm - cảng thị Hội An cho ra đời chữ Quốc ngữ [Phạm Ngọc Sinh]. 
- Tên gọi dinh trấn Thanh Chiêm [Lê Thanh Hà]. 
- Vai trò của dinh trấn Thanh Chiêm trong quá trình ra đời chữ Quốc ngữ [Thái Nguyễn Minh Quân]. 
- Thanh Chiêm, Điện Bàn, Quảng Nam - Nơi xiển dương văn hiến Việt từ thời Hán học qua thời cận hiện đại, phát minh chữ Quốc ngữ (theo mẫu tự Latinh) đến nay [Thy Hảo Trương Duy Hy].
- Vị trí, vai trò của dinh trấn Thanh Chiêm đối với sự ra đời và truyền bá chữ Quốc ngữ [Nguyễn Văn Bảo]. 
- Nghĩ về trục văn hóa Thanh Chiêm - Hội An trong lịch sử [Phùng Tấn Đông]. 
- Đất Quảng trong quá trình phổ biến chữ Quốc ngữ đầu thế kỷ XX [Phan Thị Lệ Dung]. 
- Bước đầu vai trò của Hội An - Thanh Chiêm (Quảng Nam) và Nước Mặn (Bình Định) trong giai đoạn phôi thai hình thành chữ Quốc ngữ đầu thế kỷ XVII [Trương Anh Thuận]. 
- Từ “Quảng Nam” đến “Bình Định” - Nơi phôi thai hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ [Đỗ Cao Phúc - Lê Thị Thanh Thủy]. 
- Dinh trấn Thanh Chiêm hay Kẻ Chiêm, dinh Chiêm, dinh Quảng Nam với chữ Quốc ngữ [Trần Văn An]. 
- Một cách nhìn khác về Thanh Chiêm và thời sơ khai của chữ Quốc ngữ [Nguyễn Quang Trung Tiến]. 
- Đâu là nơi ra đời chữ Quốc ngữ trên đất Quảng Nam? [Ngô Văn Minh]. 
- Quá trình truyền bá đạo Công giáo vào Quảng Nam - Tiền đề cho sự ra đời chữ Quốc ngữ [Võ Văn Hoàng]. 
- Giáo đoàn Thanh Chiêm thời sơ khai 1623 - 1626 [Nguyễn Hai Tính - Nguyễn Huy Hoàng]. 
- Tác giả và nơi xuất phát chữ Quốc ngữ, nhìn từ lịch sử hoạt động của các nhà truyền giáo [Lê Duy]. 
- Giáo sĩ Francisco de Pina với quá trình hình thành chữ Quốc ngữ tại dinh trấn Thanh Chiêm đầu thế kỷ XVII [Trịnh Thị Hà]. 
- Các giáo sĩ dòng Jésuites (Bồ Đào Nha) với việc hình thành cư sở Thanh Chiêm (Quảng Nam) và chữ Quốc ngữ thế kỷ XVII [Hoàng Thị Anh Đào]. 
- Tiếp xúc học với việc hình thành chữ Quốc ngữ [Đỗ Công Trung]. 
- Quảng Nam - Trung tâm dạy, học tiếng Việt và ngôn ngữ các nước phương Tây đầu tiên ở nước ta thời chúa Nguyễn [Lưu Trang]. 
Các tham luận này đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ, thể hiện ở các nội dung sau: 
- Lý giải về các thời điểm ra đời của tên gọi Thanh Chiêm, ý nghĩa lịch sử của tên gọi Thanh Chiêm và dinh trấn Thanh Chiêm [Lê Thanh Hà]; mối liên hệ giữa danh xưng Thanh Chiêm với các tên gọi được phản ánh trong các nguồn sử liệu cổ ở trong và ngoài nước như: Kẻ Chiêm, Kẻ Chàm, Dinh Chiêm, Cacciam Ciam, Dinh Cham, Dinhciam, Digcham, Cacciam, Cachao, Cáchão, Cacham, Cachàm. 
- Khẳng định “vị trí chiến lược và vai trò đặc biệt quan trọng của dinh trấn Quảng Nam (Thanh Chiêm) trong hành trình mở nước của dân tộc ta trong các thế kỷ XVII - XVIII”. [Nguyễn Đức Nhuệ]. 
- Phân tích các yếu tố địa chính trị của Thanh Chiêm, coi đây là lý do để Thanh Chiêm được chúa Nguyễn lựa chọn thay thế cho Cần Húc và phát triển thành một dinh trấn vững chãi, đóng vai trò yết hầu về chính trị, quân sự và kinh tế cho xứ Đàng Trong vào các thế kỷ XVII - XVIII [Bùi Văn Tiếng]. 
- Khẳng định vai trò quan trọng của dinh trấn Thanh Chiêm trong việc hình thành và truyền bá chữ Quốc ngữ. Trong số 30 tham luận thuộc chủ đề 2, có 22 tham luận xác quyết Thanh Chiêm là cái nơi khai sinh ra chữ Quốc ngữ; có 4 tham luận ghi nhận “Thanh Chiêm là một trong những cái nôi đầu tiên quan trọng nhất sáng tạo ra chữ Quốc ngữ” và 1 tham luận cho rằng nơi khai sinh ra chữ Quốc ngữ không phải là Thanh Chiêm mà là Cần Húc, vì đó mới là nơi đặt dinh trấn Quảng Nam và “chúng ta chưa tìm ra được một tài liệu nào nói rõ Thanh Chiêm là nơi đặt lỵ sở dinh Quảng Nam, hay là nơi ra đời chữ Quốc ngữ” [Ngô Văn Minh]. 
- Nghiên cứu về quá trình truyền giáo của các giáo sĩ phương Tây và sự du nhập và phát triển của Thiên Chúa giáo ở Đàng Trong. Trong đó, Quảng Nam nói chung, Thanh Chiêm nói riêng, giữ một vai trò quan trọng. Nhiều tham luận chứng minh rằng chính nhu cầu truyền giáo và giảng đạo bằng tiếng bản xứ là tiền đề thúc đẩy sự ra đời của chữ Quốc ngữ, từ đó khẳng định các giáo sĩ Thiên Chúa giáo phương Tây, đặc biệt là các tu sĩ Dòng Tên, là những người có công khai sinh chữ Quốc ngữ, và Thanh Chiêm là nơi mà các giáo sĩ bắt đầu công việc sáng tạo chữ Quốc ngữ. 
- Khẳng định giáo sĩ Francisco de Pina (người Bồ Đào Nha), Cha bề trên ở cư sở Thanh Chiêm, là người thạo tiếng Việt nhất trong số các giáo sĩ phương Tây có mặt ở Quảng Nam và Đàng Trong vào đầu thế kỷ XVII, chính là người đã đặt nền tảng cho việc ra đời của chữ Quốc ngữ ở dinh trấn Thanh Chiêm [Đinh Trọng Tuyên và Đinh Bá Truyền]. 
- Tuy nhiên, ngoài những ý kiến khá thống nhất về vai trò của dinh trấn Thanh Chiêm đối với sự ra đời chữ Quốc ngữ, thì cũng có ý kiến cho rằng các danh xưng: Kẻ Chiêm, Kẻ Chàm, Dinh Chiêm, Cacciam Ciam, Dinh Cham, Dinhciam, Digcham, Cacciam, Cachao, Cáchão, Cacham, Cachàm… trong các nguồn sử liệu Việt Nam và sử liệu phương Tây vào các thế kỷ XVII - XIX chỉ khẳng định đó là lỵ sở của dinh trấn Quảng Nam mà không chỉ rõ đó là Thanh Chiêm như cách hiểu của nhiều người. Hơn nữa “chữ Quốc ngữ lại ra đời vào những năm 20 của thế kỷ XVII nên không thể kết luận Thanh Chiêm là nơi ra đời của chữ Quốc ngữ được”. [Ngô Văn Minh]. 
- Ngoài ra, trong khi phần lớn các tham luận đều cho rằng thời điểm “Latinh hóa” các tên gọi, địa danh trong tiếng Việt là vào đầu thế kỷ XVII, chính là thời điểm ra đời chữ Quốc ngữ, thì có tham luận của Nguyễn Quang Trung Tiến cho rằng việc “Latinh hóa” các địa danh ở những vùng đất không sử dụng hệ ký tự Latinh, đã có từ “thế kỷ II trở đi, gắn với bản đồ thế giới của Claudius Ptolemaeus (Ptolemy) khoảng năm 140” và đã phổ biến mạnh mẽ ở phương Đông từ đầu thế kỷ XVI. Do đó, nhiều địa danh của Việt Nam đã được Latinh hóa trên các bản đồ hàng hải, các hồi ký, ghi chép của các nhà hàng hải, nhà buôn, nhà truyền giáo từ đầu thế kỷ XVI. Từ đó, tác giả Nguyễn Quang Trung Tiến khuyến nghị: “không nên lấy năm 1615 hay năm 1620 làm mốc khởi đầu thời sơ khai của chữ Quốc ngữ, vì thực tế trước đó chữ này đã xuất hiện; cũng không nên xem giáo sĩ Dòng Tên là tập thể duy nhất có công sáng tạo chữ Quốc ngữ, vì trước đó các nhà hàng hải, thương nhân hay địa dư học cùng giáo sĩ các dòng tu khác cũng có đóng góp, dù không lớn bằng…”; “không nên xem sản phẩm chữ Quốc ngữ mang dấu ấn của một hoặc một vài cá nhân, mà đó là công sức đóng góp của nhiều người, nhiều đời…, và có sự đóng góp công sức không hề nhỏ của các tu sĩ Nhật Bản làm thông ngôn giai đoạn đầu, của những thầy giảng người Việt tham gia trong tất cả mọi khâu nghiên cứu và giảng dạy chữ Quốc ngữ, là tấm lòng và sự hậu thuẫn của quan phủ Quy Nhơn cùng sự hợp tác của nhiều người Việt khác ở khắp nơi”. Từ đó tác giả Nguyễn Quang Trung Tiến cho rằng “không nên quan niệm chiếc nôi của chữ Quốc ngữ nằm trong một địa bàn nhỏ hẹp, gắn liền một địa phương duy nhất, vì ngay ở thời điểm khai sinh, nó đã mang tính quá trình và diễn ra trong một không gian mở”. Chủ đề 3. Quá trình hoàn thiện, sử dụng và truyền bá chữ Quốc ngữ. Có 17 tham luận thuộc chủ đề này, là: 
- Sự phát minh chữ Quốc ngữ: Vai trò tiên phong của Francisco de Pina và vị trí quan trọng của người Việt [Nguyễn Phước Tương]. 
- Đóng góp của các giáo sĩ phương Tây và nhân sĩ trí thức Việt Nam trong việc sáng tạo, hoàn thiện và phổ biến chữ Quốc ngữ [Nguyễn Hồng Quý]. 
- Người Nhật có liên quan sâu sắc tới quá trình thiết lập phiên âm tiếng Việt bằng ký tự Latinh [Fukuda Yasuo]. 
- Người Nhật hỗ trợ thiết lập hệ thống phiên âm tiếng Việt bằng chữ Latin tại xứ Quảng [Fukuda Yasuo]. 
- Cristoforo Borri có tham dự vào công cuộc sáng tạo chữ Quốc ngữ không? [Nguyễn Thiếu Dũng]. 
- Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước [Phạm Ngọc Sinh]. 
- Sự hình thành chữ Quốc ngữ ở Việt Nam - Những điều còn bàn luận [Nguyễn Văn Mạnh - Nguyễn Thị Mỹ Lộc]. 
- Công tác nghiên cứu những đặc trưng cơ bản của tiếng Quảng Nam và vị trí của nó trong sự hình thành chữ Quốc ngữ [Trần Kim Thu, Trần Thị Hạnh và Võ Hường Trang]. 
- Về hai chữ d trong từ điển của Alexandre de Rhodes [Tạ Thành Tấn]. - Đặc điểm lớp từ cổ tiếng Việt trong “Phép giảng tám ngày” của Alexandre de Rhodes [Trần Văn Sáng]. 
- Sự hình thành cách ghi thanh điệu chữ Quốc ngữ [Nguyễn Văn Lợi]. 
- Từ chữ đến văn chương Quốc ngữ cuối thế kỷ XIX [Trần Nhật Vy]. 
- Tìm hiểu vài nét về phong trào truyền bá và phát triển chữ Quốc ngữ ở Bắc Kỳ đầu thế kỷ XX [Nguyễn Thị Lệ Hà]. 
- Vấn đề phổ quát chữ Quốc ngữ trong phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung (1932 - 1945) [Dương Thanh Mừng]. 
- Từ tiến trình của chữ Quốc ngữ, nghĩ về chữ viết các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam [Tạ Văn Thông]. 
- Dấu vết tiếng Quảng trong từ điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes [Phạm Văn Hảo - Huỳnh Thị Thúy]. 
- Vì sao chữ Quốc ngữ thành công ở Việt Nam? [Nguyễn Văn Hiệp]. Các tham luận thuộc chủ đề này đã phản ánh quá trình khai sinh, hoàn thiện, phát triển và truyền bá chữ Quốc ngữ ở nước ta từ đầu thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX; làm rõ vai trò của các giáo sĩ phương Tây, đặc biệt là các tu sĩ Dòng Tên trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ; chứng minh sự tham gia của người Nhật và người Việt trong quá trình hình thành chữ Quốc ngữ; sử dụng các tri thức thuộc lĩnh vực ngôn ngữ học để phân tích nghiên cứu tiếng Việt và chữ Quốc ngữ trong quá trình hình thành và phát triển; sự truyền bá chữ Quốc ngữ qua các phong trào vận động xã hội, chấn hưng dân tộc và trào lưu tôn giáo ở Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XX; sự trưởng thành của văn chương Quốc ngữ ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX. 
Từ những nội dung nghiên cứu trên, nhóm tham luận này đã trình bày một số kết quả nghiên cứu như sau: 
- Khẳng định vai trò tiên phong của giáo sĩ Dòng Tên người Bồ Đào Nha là Francisco de Pina trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, và giáo sĩ người Pháp là Alexandre de Rhodes là người có công hoàn thiện chữ Quốc ngữ thông qua việc tu chỉnh, biên soạn và xuất bản hai cuốn sách quan trọng: Từ điển Việt - Bồ - Latinh và Phép giảng tám ngày vào năm 1651. Phần lớn ý kiến trong các tham luận tại hội thảo này không cho rằng giáo sĩ Alexandre de Rhodes là “cha đẻ” của chữ Quốc ngữ như quan điểm của nhiều học giả kỳ cựu trước đây. Ngoài ra còn có ý kiến cho rằng giáo sĩ người Ý Cristoforo Borri, dù là người rất thạo tiếng Việt nhưng không có công sáng tạo ra chữ Quốc ngữ [Nguyễn Thiếu Dũng]. 
- Nêu ra và chứng minh vai trò tích cực của người Nhật trong quá trình tham gia sáng tạo nên chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ XVII, khẳng định rằng chính sư huynh và kiều dân người Nhật ở Hội An là những người có công lớn trong việc hỗ trợ giáo sĩ Francisco de Pina sáng tạo ra chữ Quốc ngữ trong thời kỳ sơ khai vào đầu thế kỷ XVIII [Fukuda Yasuo]. 
- Nghiên cứu những đặc trưng cơ bản của tiếng Quảng Nam và dấu vết của tiếng Quảng trong chữ Quốc ngữ thời kỳ đầu thể hiện trong Từ điển Việt - Bồ - Latinh của Alexandre de Rhodes [Phạm Văn Hảo - Huỳnh Thị Thúy] 
- Khẳng định những đóng góp tích cực của người Quảng Nam trong việc phổ cập và truyền bá chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ XX thông qua phong trào Duy Tân và vai trò của các chí sĩ đương thời như Phan Tây Hồ, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Cơ, Phan Thành Tài, Nguyễn Thành, Phan Thúc Duyện, Châu Thượng Văn, Mai Dị, Lê Đình Dương… [Phạm Ngọc Sinh]. 
- Ghi nhận vai trò tích cực của Đông Kinh Nghĩa Thục, Hội Trí Tri và đặc biệt là vai trò của Nguyễn Văn Vĩnh và tờ Đông Dương tạp chí do ông chủ biên, trong nỗ lực truyền bá và vận động sử dụng chữ Quốc ngữ để thay thế cho văn tự Hán Nôm trong hành chính, giáo dục và văn chương nước nhà vào đầu thế kỷ XX [Lê Thị Lệ Hà]. 
- Phân tích và trình bày về quá trình phổ quát chữ Quốc ngữ trong phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung (1932 - 1945), góp phần bổ sung nguồn tư liệu nhằm làm sáng tỏ thêm tiến trình phát triển của chữ Quốc ngữ ở Việt Nam [Dương Thanh Mừng]. 
- Lý giải nguyên nhân thành công của chữ Quốc ngữ ở Việt Nam, nhờ vào hai nguyên nhân chính là: “Chữ Quốc ngữ là một bộ chữ viết ghi âm khoa học; và bối cảnh chính trị - xã hội của Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho thành công của chữ Quốc ngữ” [Nguyễn Văn Hiệp]. - Ngoài ra còn có các tham luận đáng chú ý của các tác giả: Trần Văn Sáng, Nguyễn Văn Lợi, Tạ Văn Thông, Nguyễn Văn Mạnh và Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Phạm Văn Hảo và Huỳnh Thị Thúy… đã đưa ra những thông tin, kiến giải mới về sự hình thành, bản chất, cấu trúc của chữ Quốc ngữ dưới góc độ ngôn ngữ học. 
Chủ đề 4. Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa dinh trấn Thanh Chiêm và di sản chữ Quốc ngữ 
Có 9 tham luận của đại diện chính quyền địa phương, của các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực bảo tồn - bảo tàng và nhà quản lý trong lĩnh vực di sản văn hóa tham gia vào chủ đề này, là: 
- Điện Bàn với dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ [Nguyễn Xuân Hà]. 
- Bảo tồn khu di tích Thanh Chiêm tỉnh Quảng Nam [Trương Quốc Bình]. - Bảo tồn và phát huy giá trị di tích dinh trấn Thanh Chiêm [Hồ Xuân Tịnh]. 
- Bảo tồn và phát huy di tích dinh trấn Thanh Chiêm [Đinh Thị Hiệp].  
- Dinh trấn Thanh Chiêm - Biểu tượng văn hóa xứ Quảng cần được tôn vinh [Đông Phương]. 
- Nhà thờ Bà chúa tàm tang Đoàn Quý phi bên dòng Chợ Củi [Lương Mỹ Linh]. 
- Nhà thờ Phước Kiều trong khu vực dinh trấn Thanh Chiêm [Đinh Trọng Tuyên]. 
- Dinh trấn Thanh Chiêm - Một tiềm năng văn hóa trong định hướng phát triển du lịch bền vững Quảng Nam [Nguyễn Thị Thanh Tùng]. 
- Nghiên cứu về dinh trấn Quảng Nam (tiếng Nhật) [Kikuchi Seiichi]. Những tham luận này đã giới thiệu những di tích liên quan đến dinh trấn Thanh Chiêm thông qua các hoạt động điều tra, thám sát, khai quật khảo cổ học tại địa phương; đặc biệt là quá trình thám sát, thăm dò và khai quật một số địa điểm ở Thanh Chiêm do GS. Kikuchi Seiichi và các đồng nghiệp Nhật - Việt thực hiện trong nhiều năm qua đã xuất lộ những vết tích kiến trúc của dinh trấn Thanh Chiêm xưa. 
Đánh giá hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa ở và các di sản văn hóa phi vật thể ở Thanh Chiêm nói riêng, Điện Bàn nói chung đồng thời đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị Dinh trấn Thanh Chiêm và di sản chữ Quốc ngữ trong thời gian tới. Các ý kiến, quan điểm bày tỏ trong các tham luận thuộc chủ đề này đều khẳng định dinh trấn Thanh Chiêm xứng đáng được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia và đề nghị xây dựng tượng đài giáo sĩ Francisco de Pina và tượng đài chữ Quốc ngữ ở Thanh Chiêm để tôn vinh, coi đây là những biểu tượng văn hóa của xứ Quảng và cũng là biểu tượng văn hóa và của quốc gia đặt ở xứ Quảng. 
Ngoài việc giới thiệu, đề cao giá trị và đề xuất các phương án bảo tồn và phát huy giá trị di tích dinh trấn Thanh Chiêm, các tham luận thuộc chủ đề này còn giới thiệu các di tích liên quan như Nhà thờ Bà chúa tàm tang Đoàn Quý phi [Lương Mỹ Linh]; giới thiệu lịch sử hình thành và giá trị lịch sử văn hóa của nhà thờ Phước Kiều ở khu vực dinh trấn Thanh Chiêm, coi đây là một địa điểm đặc biệt cần phải khôi phục, bảo tồn và xếp hạng di tích quốc gia [Đinh Trọng Tuyên]. 
Chủ đề 5. Một số vấn đề về hải thương và các sử tích ở xứ Quảng thời Champa và thời chúa Nguyễn 
Ngoài những tham luận liên quan trực tiếp đến chủ đề dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ, Ban tổ chức hội thảo còn nhận được 3 tham luận khác, tuy không trực tiếp bàn về dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ, nhưng nội dung nghiên cứu ít nhiều liên quan đến lịch sử, văn hóa và kinh tế xứ Quảng các thời kỳ trước và vùng đất Thanh Chiêm, là: 
- Hội An - Champa trong kỷ nguyên thương mại sớm của Đông Nam Á (900 - 1300) [Đỗ Trường Giang]. 
- Nghi vấn về ngôi mộ của người khai sinh ra chữ Quốc ngữ [Mai Thành Dũng] 
- Hội An, dinh trấn Quảng Nam và phủ Phú Xuân trên hai tranh cuộn Nhật Bản thời Edo [Trần Đức Anh Sơn]. 
Dựa trên các nguồn sử liệu nước ngoài viết về mạng lưới hải thương ở vùng biển Đông Nam Á trong các thế kỷ X - XIV và những kiểm chứng từ các dấu tích và hiện vật khảo cổ học ở thực địa, tham luận của Đỗ Trường Giang tập trung nghiên cứu về vị thế, vai trò và mô hình phát triển của Hội An nói riêng và xứ Quảng nói chung dưới thời vương quốc Champa trong bối cảnh của kỷ nguyên thương mại sớm ở Đông Nam Á (900 - 1300). Theo tác giả tham luận này, thì ngoài các yếu tố ngoại sinh, thì các yếu tố sinh thái tự nhiên đã góp phần quan trọng vào sự thịnh vượng và phát triển liên tục của Hội An và mạng lưới trao đổi dọc sông Thu Bồn thời Champa. Đồng thời tác giả cũng phân tích các lý do dẫn đến sự suy vong của mạng lưới này vào thế kỷ XII - XIII trước những nhu cầu mới của thị trường quốc tế, chấm dứt kỷ nguyên hưng thịnh của mạng lưới giao thương dọc sông Thu Bồn của những cư dân Champa cổ, trước khi được phục hưng bởi cộng đồng người Việt - Hoa - Nhật và phương Tây dưới thời chúa Nguyễn trong các thế kỷ XVII - XVIII. 
Trong khi đó tham luận của Mai Thành Dũng lại đặt nghi vấn về chủ nhân của ba ngôi mộ nằm trong khuôn viên nhà thờ Phước Kiều ở bên trong dinh trấn Thanh Chiêm, mà theo tác giả, có thể có một ngôi mộ là của giáo sĩ Francisco de Pina, người tiên phong trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ ở dinh trấn Thanh Chiêm. 
Tham luận của Trần Đức Anh Sơn giới thiệu hai bức tranh cuộn của Nhật Bản vẽ vào thời Edo (1603 - 1868), miêu tả cảnh thương thuyền Nhật Bản vượt biển đến buôn bán với xứ Đàng Trong. Đó là tranh Chaya Shinroku Kochi toko zukan (Trà Ốc Tân Lục Giao Chỉ độ hàng đồ quyển) và tranh Shuin-sen Kochi toko zukan (Châu ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng đồ quyển), hiện đang lưu trữ ở Nhật Bản. Ngoài những vị trí xuất hiện trên hai bức tranh này đã được nhiều nhà nghiên cứu Nhật Bản, tiêu biểu là GS. Kikuchi Seiichi, xác quyết là hình vẽ về thương cảng Hội An, Phố người Nhật, dinh trấn Thanh Chiêm, sông Cổ Cò…, tác giả tham luận đã chứng minh hình vẽ tòa vương phủ nguy nga ở phần cuối hai bức tranh này chính là thủ phủ Phú Xuân vào thế kỷ XVII - XVIII. 
Với 69 tham luận có nội dung nghiên cứu bao quát những vấn đề lịch sử, chính trị, văn hóa, kinh tế, ngôn ngữ, tôn giáo… của vùng đất Quảng Nam - Hội An - Thanh Chiêm từ thế kỷ X đến thế kỷ XX, đặt biệt là trong các thế kỷ XVII - XVIII, có thể nói hội thảo khoa học Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ đã tạo một dấu ấn sâu sắc bởi số lượng và chất lượng các tham luận khoa học. 
Trong thời gian một ngày diễn ra hội thảo, Ban tổ chức hội thảo không thể sắp xếp để tất cả các tác giả có cơ hội trình bày tham luận của mình. Thay vào đó, Ban tổ chức sẽ lựa chọn một số tham luận tiêu biểu, đại diện cho 5 chủ đề nói trên để giới thiệu tại hội thảo, đồng thời đề nghị quý vị đại biểu, các nhà nghiên cứu tập trung thảo luận sâu hơn về các vấn đề sau: 
1. Vai trò và vị trí của dinh trấn Thanh Chiêm đối với chính trị, xã hội, quốc phòng và kinh tế của vùng đất Quảng Nam và xứ Đàng Trong trong các thế kỷ XVII - XVII. 
2. Xác định dinh trấn Quảng Nam có phải là nơi đầu tiên khai sinh ra chữ Quốc ngữ hay không? 
3. Xác định ai là cha đẻ thực sự của chữ Quốc ngữ và vai trò của các vị giáo sĩ: Francisco de Pina, Cristoforo, Alexandre de Rhodes… trong việc sáng tạo và hoàn thiện chữ Quốc ngữ. 
4. Đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích dinh trấn Thanh Chiêm và di sản chữ Quốc ngữ để tôn vinh, phục vụ phát triển du lịch ở Thanh Chiêm và Điện Bàn. 
Qua thảo luận, chúng tôi hy vọng nhiều vấn đề về lịch sử, văn hóa liên quan đến dinh trấn Thanh Chiêm và di sản chữ Quốc ngữ mà chúng ta quan tâm bấy lâu nay sẽ được làm sáng tỏ. 
Thay mặt ban tổ chức, tôi xin chân thành cám ơn các học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã nhiệt tình hưởng ứng hội thảo với những tham luận công phu, tâm huyết và khoa học để có những đóng góp giá trị về học thuật và thực tiễn cho cuộc hội thảo này. 
Xin cám ơn lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo sát sao và đã tạo mọi điều kiện để hội thảo diễn ra thuận lợi. 
Xin cám ơn sự hiện diện của tác giả các tham luận và quý vị đại biểu và quý vị khách quý đã tham dự hội thảo hôm nay. 
Kính chúc hội thảo thành công tốt đẹp.

Quảng Nam, tháng 8/2016
Theo http://www.dienban.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận thơ Nguyễn Hồng Linh

Cảm nhận thơ Nguyễn Hồng Linh Kể từ thi hào Nguyễn Du thắp ngọn đuốc lục bát soi sáng linh hồn thi ca Việt đầy chất triết lý của đời sống ...