Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2021

Phần V: Một số vấn đề về hải thương và các sử tích ở xứ Quảng thời Champa và thời chúa Nguyễn

Phần V: Một số vấn đề về hải thương
và các sử tích ở xứ Quảng
thời Champa và thời chúa Nguyễn

HỘI AN - CHAMPA TRONG KỶ NGUYÊN THƯƠNG MẠI SỚM CỦA ĐÔNG NAM Á (900-1300)?  

Đỗ Trường Giang
Ngày nay, Hội An được biết đến như một điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước - nơi mà du khách có thể trải nghiệm cuộc sống tại một cảng thị cổ của người Việt trong quá khứ. Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện nhằm tìm về một quá khứ huy hoàng của vùng đất này. Nhận thức chung mang tính phổ quát đó là Hội An được biết đến như là một thương cảng hưng thịnh nhất dưới thời các chúa Nguyễn Đàng Trong giai đoạn thế kỷ XVII - XVIII. Tuy nhiên, bài viết này đưa ra một nhận định khác cho thấy lịch sử phát triển của Hội An nói riêng và các cộng đồng cư dân ở lưu vực sông Thu Bồn có thể ngược về trước thời chúa Nguyễn cả ngàn năm. Dòng sông Thu Bồn, giống như sông Hồng ở phía Bắc và sông Cửu Long ở phía Nam, đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng sự triển nở và phát triển rực rỡ của các cộng đồng cư dân và các nền văn hóa nối tiếp nhau trên dải đất này từ văn hóa Sa Huỳnh đến văn hóa Champa và văn hóa của người Việt sau này. Hội An, sông Thu Bồn và xứ Quảng nói chung (từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi) luôn thể hiện đây là “vùng lõi” (core area) của tất cả các nền văn hóa nêu trên nơi luôn được coi là vùng đất thiêng, đế đô, trung tâm kinh tế, văn hóa của các cộng đồng cư dân, mà từ đó bắt đầu lan tỏa và triển nở ra khắp vùng ven biển miền Trung và xa hơn nữa. 

Bài viết này tập trung nghiên cứu về vị thế, vai trò và mô hình phát triển của Hội An nói riêng và xứ Quảng (nagara Amaravati) nói chung dưới thời vương quốc Champa trong bối cảnh của kỷ nguyên thương mại sớm ở Đông Nam Á (900 - 1300). Bài viết này sẽ chỉ ra rằng, ngoài các yếu tố ngoại sinh, thì các yếu tố sinh thái tự nhiên đã góp phần quan trọng vào sự thịnh vượng và phát triển liên tục của Hội An và mạng lưới Thu Bồn thời Champa. Ngoài ra thì bài viết cũng sẽ trao đổi các lý do dẫn đến sự suy vong của mạng lưới này vào thế kỷ XII - XIII trong đó chỉ ra rằng trước những nhu cầu mới của thị trường quốc tế, một mạng lưới trao đổi truyền thống như Thu Bồn đã bị thay thế bởi một mạng lưới cách tân với không gian mở rộng hơn là mạng lưới sông Côn. 

I. Kỷ nguyên thương mại sớm ở Đông Nam Á (900 - 1300) 

Giới nghiên cứu đã khá quen thuộc với luận điểm về một “thời đại thương mại” được đề xuất bởi giáo sư nổi tiếng Anthony Reid để nói về lịch sử khu vực Đông Nam Á trong thời kỳ từ 1400 đến 1680. 1 Theo Anthony Reid, khoảng năm 1400 sự phát triển kinh tế ở Đông Nam Á đã được thúc đẩy bởi nhu cầu về gia vị, hồ tiêu và các sản phẩm khác từ vùng quần đảo. Ông cho rằng, trong suốt thời kỳ này, các cá nhân và các nhà nước ở Đông Nam Á “đã có thể hưởng lợi lớn từ thương mại quốc tế thông qua việc thích ứng trước những nhu cầu đang thay đổi”.2 Thời gian gần đây, Geoff Wade đã sử dụng thuật ngữ kỷ nguyên thương mại sớm (an early age of commerce) để diễn tả một bối cảnh chung mang tính phổ quát của lịch sử khu vực Đông Nam Á trong thời kỳ từ năm 900 đến 1300. Geoff Wade cho rằng, trong suốt thời kỳ này, những sự thay đổi lớn lao về triều đại cũng như các chính sách khuyến khích ngoại thương ở Trung Hoa, Nam Á và vùng Trung Đông (Tây Á) cũng như những phát triển nội tại của khu vực Đông Nam Á đã dẫn tới một môi trường thuận lợi để thúc đẩy các hoạt động thương mại biển, và hệ quả là đã dẫn tới sự xuất hiện của các cảng thị ven biển mới và một số thay đổi về chính trị và xã hội ở các nước Đông Nam Á.3 Trước đó, J.W.Christie cũng chia sẻ nhiều ý kiến tương đồng với G.Wade và đã định danh thời kỳ từ thế kỷ X đến thế kỷ XIII như là thời đại bùng nổ thương mại Á châu (Boom of Asian maritime trade).4 

Theo Geoff Wade thì có ba nguyên nhân chính dẫn tới sự bùng nổ của các hoạt động hải thương trên vùng biển của Đông Nam Á trong giai đoạn này, trong đó ông đặc biệt nhấn mạnh tới những biến chuyển lớn ở các trung tâm kinh tế lớn của khu vực châu Á, bao gồm: [1] Các chính sách khuyến thương (commercial-supported policies) và các tác động của chúng ở Trung Quốc; [2] Sự phát triển của mạng lưới thương nhân Arab trên khắp các vùng biển của châu Á; và [3] Sự mở rộng của cộng đồng thương nhân Tamil ở Đông Nam Á và Nam Trung Hoa. 

1. Sự thống nhất của Trung Hoa dưới triều đại Tống (năm 960) và các chính sách được thực thi sau đó của các vương triều Tống đã có những tác động sâu sắc tới hệ thống hải thương Á châu. Triều đại Tống được thừa nhận rộng rãi như một trong những vương triều thành công nhất của Trung Hoa trong việc thúc đẩy cũng như kiểm soát các hoạt động hải thương. Geoff Wade cho rằng sự tồn tại của các triều đại Bắc và Nam Tống từ năm 960 đến 1279 đã “tạo nên một thời kỳ phát triển thương mại và công nghiệp mạnh mẽ ở Trung Hoa, lớn đến mức những thay đổi diễn ra trong giai đoạn này đã được xem như cuộc cách mạng kinh tế thời trung đại (medieval economic revolution)”.5 Một số chính sách đã được ban hành nhằm kiểm soát và thúc đẩy sự phát triển của các cảng thị miền Nam Trung Hoa, đặc biệt là cảng ở vùng Quảng Châu. Các vua nhà Tống cũng đã ban hành các chính sách khuyến khích các thương nhân ngoại quốc đến và thực hiện công việc trao đổi buôn bán ở các cảng thị miền Nam Trung Hoa. Một ví dụ điển hình là năm 987, triều đình Trung Hoa đã gửi bốn phái bộ ngoại giao với quốc thư của hoàng đế để khuyến khích “các thương nhân ngoại quốc vùng Nam Dương…”

2. Nhân tố ngoại sinh thứ hai đã có những tác động sâu sắc tới toàn bộ khu vực Đông Nam Á đó là vai trò tích cực ngày càng trở nên mạnh mẽ của các thương nhân Arab, những người nắm giữ và kiểm soát sự vận hành của các tuyến hải thương ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Từ các trung tâm ban đầu ở Konkan và Gujarat, các cư dân Ba Tư và Arab đã dần dần mở rộng lãnh thổ của họ về phía Đông và chiếm cứ các tuyến hải thương dọc theo bờ biển Ấn Độ Dương vào thế kỷ thứ IX. Các thương nhân Arab sau đó đã mở rộng mạng lưới hoạt động của mình tới khu vực Đông Nam Á và Nam Trung Hoa vào thế kỷ thứ X.6 Dựa trên các nguồn tư liệu lịch sử, Geoff Wade cho rằng “đến cuối thế kỷ XII, hoạt động hải thương ở vùng biển phương Nam trên thực tế đã nằm trong tay các thương nhân Hồi giáo”. 7 Đến thế kỷ XIII, các thương nhân Arab tiếp tục nắm giữ vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tuyến hải thương nối kết Trung Hoa với Đông Nam Á, Nam Á và Tây Á. 

3. Nhân tố thứ ba tác động tới khu vực Đông Nam Á từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV là sự mở rộng hoạt động của các mạng lưới thương nhân gốc Tamil (vùng Đông Nam Ấn Độ) cùng với sự thịnh vượng của vương quốc Chola ở bờ biển Đông Nam Ấn Độ. Nổi lên như một vương quốc biển lớn ở bờ biển Ấn Độ vào năm 985, vương quốc Chola sau đó đã mở rộng lãnh thổ sang các vùng lục địa rộng lớn cũng như trên đại dương. Các vua Chola đã khuyến khích các hoạt động giao thương trên biển và đã dự nhập tích cực vào hệ thống hải thương từ biển Địa Trung Hải và Ba Tư ở phía Tây đến vùng Đông Nam Á và Nam Trung Hoa. Hermann Kulke đã nhìn nhận sự nổi lên của vương quốc biển Chola và vai trò tích cực của các thương nhân Tamil, sự xung đột/cạnh tranh giữa vương quốc Chola và vương quốc Srivijaya vào thế kỷ thứ XI như là một “sự trỗi dậy của các cường quốc mới, sự chuyển dời của các tuyến hải thương, và, hệ quả của quá trình này, là một sự cạnh tranh để phân chia thị trường”.8 

Như thế, ba nhân tố chính đã tác động trực tiếp và sâu sắc tới toàn thể khu vực Đông Nam Á trong kỷ nguyên thương mại sớm bao gồm sự hồi sinh của thị trường Trung Hoa dưới thời nhà Tống và Nguyên, sự mở rộng các mạng lưới của thương nhân Arab/Hồi giáo và sự trỗi dậy của vương quốc biển Chola. Đây đồng thời cũng chính là các thị trường kinh tế lớn của thế giới, và hệ quả là, tuyến hải thương kết nối ba trung tâm kinh tế này đi qua vùng biển Đông Nam Á đã trở thành một trong những tuyến hải thương năng động và quan trọng nhất của thế giới đương thời. Sự thịnh vượng của mạng lưới hải thương này đã mang lại những cơ hội thuận lợi cho các chính thể của khu vực Đông Nam Á để dự nhập vào thị trường quốc tế và thu lợi từ việc trao đổi buôn bán với thế giới bên ngoài. Srivijaya, Champa - những thể chế biển điển hình của khu vực Đông Nam Á đã tận dụng môi trường thuận lợi này để tích cực dự nhập vào mạng lưới khu vực bằng việc cung cấp các nguồn hàng bản xứ, các cảng thị ven biển thuận lợi, cũng như cố gắng chiếm cứ các tuyến hải thương.

Geoff Wade cho rằng, trong bốn thế kỷ từ năm 900 đến năm 1300 sau Công nguyên đã diễn ra “một số những thay đổi về thương mại và tài chính ở Trung Hoa, Nam Á, vùng Trung Đông (Tây Á) và nội vùng Đông Nam Á, đã thúc đẩy mạnh mẽ nền hải thương, dẫn tới sự hình thành của các thương cảng và các trung tâm đô thị mới, sự chuyển dịch của các kinh đô hành chính về phía các bờ biển, sự gia tăng dân số, gia tăng các mối liên hệ trên biển giữa các cộng đồng cư dân, sự bành trướng/mở rộng của Phật giáo Theravada và Islam (Hồi giáo), gia tăng việc đúc tiền/lưu hành tiền tệ, các ngành sản xuất mới, hình thức tiêu thụ mới và các tổ chức phụ trách các hoạt động trên biển mới”. Từ đó Geoff Wade đề xuất rằng “thời kỳ từ năm 900 đến năm 1300 có thể được xem như là kỷ nguyên thương mại sớm trong lịch sử khu vực Đông Nam Á”.9 Biểu hiện chính của một kỷ nguyên thương mại sớm đó là sự đột khởi các hoạt động giao thương trên biển diễn ra tại các trung tâm kinh tế lớn, cũng như các tuyến hải thương. Bên cạnh sự gia tăng thương mại, “chúng ta còn thấy sự nổi lên của các thương cảng và/hoặc các chính thể trọng thương mới (new trade-based polities) như là các cảng thị trên đảo Sumatra, các cảng thị mới trên bán đảo [Malay], cảng Thi Nại (Quy Nhơn ngày nay) ở tiểu quốc Vijaya (Champa), thương cảng Vân Đồn của người Việt và các cảng của Java, tất cả đều diễn ra từ thế kỷ XI đến thế kỷ XII”.10 Một bằng chứng nữa cho thấy sự đa dạng của các loại hàng hóa trao đổi giữa các cảng thị ngày càng trở nên rõ ràng đó là việc khai quật các tàu đắm trên các vùng biển Đông Nam Á. Có 5 tàu đắm cung cấp cho chúng ta những thông tin về giao thương Đông Nam Á nằm trong khoảng thời gian từ thế kỷ IX đến thế kỷ XIII và theo Geoff Wade thì “tất cả đều được liên hệ với các cảng ở Đông Nam Á, và chuyên chở hàng hóa từ Đông Nam Á, Trung Quốc, Trung Đông và Nam Á: Tàu đắm Batu Hitam gần đảo Belitung của Indonesia (thế kỷ IX), tàu đắm Cirebon (thế kỷ X), tàu đắm Intan (thế kỷ X), tàu đắm Pulau Buaya (thế kỷ XII/XIII) và tàu đắm trên biển Java (thế kỷ XIII)”.11 

Geoff Wade cho rằng, sự diễn ra đồng thời của những thay đổi bên ngoài khu vực và những thay đổi nội tại của khu vực Đông Nam Á đã “mang đến một môi trường thuận lợi cho sự bùng nổ của hải thương, và sự bùng nổ của hải thương đã dẫn đến những biến chuyển về chính trị, xã hội và kinh tế trên toàn khu vực”.12 Những chuyển biến mang tính phổ quát (generic changes) mà sự bùng nổ thương mại đã mang đến cho các chính thể, các nền kinh tế và các xã hội Đông Nam Á trong thời kỳ từ thế kỷ X đến XIII bao gồm: Sự chuyển dời của các trung tâm hành chính gần hơn về phía bờ biển nhằm thu lợi và kiểm soát thương mại biển; Sự nổi lên của các cảng thị mới như là những entrepot cho sự bùng nổ về hải thương; Sự gia tăng dân số; Sự gia tăng các mối liên hệ trên biển giữa các cộng đồng cư dân; sự thâm nhập của các tôn giáo mới; sự gia tăng hoạt động đúc/lưu thông tiền tệ; sự phát triển của các trung tâm sản xuất gốm; sự phát triển của ngành sản xuất dệt; các cuộc chiến tranh có liên quan tới thương mại biển; các phương thức tiêu thụ mới; và cuối cùng là sự nổi lên của các tổ chức phụ trách các hoạt động trên biển mới...13 

II. Hội An - Champa trong kỷ nguyên thương mại sớm 

1. Triều cống và thương mại của Champa tới Trung Hoa 

Sau khi đế chế Đường sụp đổ vào đầu thế kỷ X, trong nhiều năm Champa đã không có mối liên hệ trực tiếp nào với Trung Hoa, ngoại trừ một lần được nhắc đến là năm 958.14 Đến khi triều Tống được thành lập, Champa đã sớm cử các phái đoàn triều cống tới triều đình phương Bắc để thiết lập lại quan hệ ngoại giao và kinh tế. Năm 960 được ghi nhận là năm Champa gửi đoàn triều cống đầu tiên tới nhà Tống với cống phẩm là các sản vật địa phương. Sau đó Champa lần lượt gửi các đoàn triều cống tới vào các năm: 963, 966, 967, 968, 970, 971, 972, 973, 974, 976, 977, 978 và 980. Cũng giống như giai đoạn nhà Đường trước đó, ngoài mục tiêu về mặt thiết lập quan hệ ngoại giao và tìm kiếm sự bảo trợ về mặt chính trị, Champa còn hướng tới việc xây dựng mối quan hệ kinh tế mật thiết với nhà Tống để có thể tận dụng những cơ hội mà thương mại có thể mang lại cho sự thịnh vượng của Champa. 

Các sản phẩm triều cống được Champa đưa tới Trung Hoa đã được Geoff Wade liệt kê trong nghiên cứu gần đây của mình dựa trên việc khảo sát tư liệu Tống hội yếu. Tư liệu này cho biết rằng Champa đã gửi các phẩm vật địa phương bao gồm sừng tê, ngà goi, gỗ đàn hương, tơ lụa, trầm hương… cùng nhiều phẩm vật giá trị cao khác.15 Các sản vật của Champa phần nhiều có nguồn gốc từ các vùng núi và cao nguyên của Champa, và điều này cho thấy rằng Champa đã phải thiết lập và duy trì một mối liên hệ chặt chẽ giữa các trung tâm kinh tế ở vùng miền xuôi với các cộng đồng cư dân vùng cao nguyên. Tống Sử cho biết rằng thời Tống các kho chứa của triều đình được chất đầy với sừng tê, ngà voi, trầm hương và các sản vật giá trị cao khác.16 Điều này một mặt cho thấy sự hiệu quả của việc duy trì và mở rộng mạng lưới triều cống thương mại của nhà Tống, một mặt cho thấy rằng các chính thể vùng Nam Dương, đặc biệt là Đại Việt thời Lý, Champa và Java đã tích cực dự nhập vào mạng lưới triều cống của Trung Hoa. Việc dự nhập vào mạng lưới thương mại triều cống với Trung Hoa có tầm quan trọng lớn lao đối với việc duy trì sự thịnh vượng về mặt kinh tế và ổn định chính trị đối với các tiểu quốc của Champa. Các hoạt động trao đổi buôn bán với triều đình Trung Hoa không chỉ thu hút các thương nhân của Champa, mà nó còn có một sức hút rất lớn đối với các thành viên trong triều đình Champa. Sử liệu thời Tống không ít lần đề cập tới sự có mặt của các thành viên hoàng gia Champa trong các phái đoàn triều cống tới kinh đô nhà Tống. Chẳng hạn như vua Champa, hoàng hậu, hoàng tử và thậm chí các thành viên khác trong triều đình Champa đã gửi một đoàn triều cống với số lượng lớn các cống phẩm quý giá từ Champa tới triều đình nhà Tống vào năm 963.17 Các thành viên của phái đoàn triều cống này sau đó đã được hoàng đế nhà Tống ban cho các món quà có giá trị tương đương với vị trí và danh tiếng của họ. 

2. Thương cảng Hội An và mạng lưới trao đổi ven sông Thu Bồn của Champa 

Thương cảng Hội An và mạng lưới trao đổi ven sông Thu Bồn có vai trò quan trọng đối với sự thịnh vượng trong nhiều thế kỷ của nagara Amaravati (bao gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi). Với những nguồn lợi mang đến từ thương mại, nagara Amaravati trong lịch sử luôn được ghi nhận là một trong những tiểu quốc hùng mạnh nhất của Champa và các vua của Amaravati luôn thể hiện tham vọng trở thành “vua của các vua” (rajadhiraja) thông qua việc tấn công và thu phục các tiểu quốc khác. Cùng với đó, thánh địa Mỹ Sơn luôn được coi là trung tâm tôn giáo lớn nhất và quan trọng nhất trong nhiều thế kỷ của Champa, là nơi diễn ra nhiều hoạt động tôn giáo lớn có quy mô hoàng gia và cũng là nơi để lại nhiều dấu tích đền tháp, kiến trúc và văn khắc nhất của Champa. Trà Kiệu, Đồng Dương cũng được ghi nhận như là những trung tâm chính trị lớn không chỉ của tiểu quốc Amaravati và còn là của cả mandala Champa. 

Trong suốt kỷ nguyên thương mại sớm ở Đông Nam Á, Hội An và hệ thống các thương cảng vùng Amaravati (bao gồm cả thương cảng vùng cửa sông Hàn - Đà Nẵng, bến cảng trên đảo Cù Lao Chàm và đảo Lý Sơn, cảng Cổ Lũy vùng cửa sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi) đã dự nhập một cách tích cực vào mạng lưới giao thương biển của khu vực, và được ghi nhận như là những điểm đến thường xuyên của các đoàn thuyền buôn và thương nhân Trung Hoa, Arab và Đông Nam Á. Giai đoạn từ thế kỷ IX đến XIII có thể được coi như là giai đoạn phát triển thịnh vượng nhất của nagara Amaravati cả về mặt chính trị, kinh tế và văn hóa nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của giao thương biển quốc tế với vai trò quan trọng của cảng thị Hội An. Đây chính là giai đoạn mà vương triều Đồng Dương được thành lập với sự hưng thịnh của một trung tâm Phật giáo quan trọng bậc nhất trong lịch sử Champa nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung. Cùng với đó là sự ra đời của phong cách nghệ thuật Đồng Dương. Bên cạnh đó, giai đoạn này chứng kiến sự bùng nổ chưa từng có số lượng các văn khắc cổ của Champa tại Mỹ Sơn, Đồng Dương và nhiều địa điểm quan trọng khác trên khắp vùng Amaravati, trong đó đặc biệt là các văn khắc tại những trung tâm trao đổi buôn bán như Khuê Trung, Bằng An, Chiên Đàn… Cuối cùng là sự hưng thịnh của nền ngoại thương và các cảng thị vùng Amaravati cũng là minh chứng cho một giai đoạn phát triển rực rỡ của tiểu quốc Amaravati. 

Các văn khắc của Champa giai đoạn này cung cấp cho chúng ta những cứ liệu vô cùng quan trọng cho thấy sự hội nhập một cách tích cực, chủ động và liên tục của Champa vào nền thương mại khu vực và quốc tế; Champa đã thiết lập và mở rộng quan hệ ngoại giao với nhiều nước trong khu vực. Bia Nhan Biều (niên đại 911 - 912) cho chúng ta biết về nhân vật Pov Klun Rajadvarah, một người cháu trai của hoàng hậu Champa đương thời, đã được vua Jayasimhavarman cử đến Java để thiết lập quan hệ ngoại giao với vùng quần đảo Nam Dương. Một nhân vật khác đó là Pilih Rajadvarah sau đó cũng được cử đi Java cho những mục đích ngoại giao. Văn khắc Bò Mưng cũng cung cấp cho chúng ta thông tin về một phái đoàn ngoại giao của Champa được cử đến Java.18 Trong khi đó, văn khắc Bằng An, một địa điểm cách không xa Hội An cho biết rằng vào thế kỷ X, đã có rất nhiều phái đoàn quốc tế đến Amaravati cho những mục đích ngoại giao và thương mại. Như thế, có thể thấy rằng vào thế kỷ X, mandala Champa nói chung và tiểu quốc Amaravati nói riêng đã tích cực mở rộng quan hệ bang giao với các quốc gia trong khu vực, và được ghi nhận trên tầm quốc tế như là một chính thể và trung tâm kinh tế quan trọng của khu vực.19 

Sự năng động và phát triển kinh tế của Champa trong giai đoạn từ thế kỷ X đến thế kỷ XIII ngoài những yếu tố khu vực và quốc tế thuận lợi, đó là sự gia tăng các hoạt động thương mại trên khắp các vùng biển, thì còn có sự đóng góp của những nhân tố nội tại trong xã hội Champa. Văn khắc Champa cho chúng ta biết về sự hình thành của một nhóm các dòng họ tinh hoa ở Champa từ thế kỷ X, những người có mối liên hệ mật thiết với triều đình Champa và cũng là những người điều hành các hoạt động kinh tế của Champa, trực tiếp trao đổi với các phái đoàn ngoại giao, thương mại quốc tế đến Champa. Các dòng họ mới này được biết đến dưới danh xưng “Sarthavaha” trong các văn khắc Champa thế kỷ X.20 Văn khắc Hóa Quê có đề cập tới một dòng họ có liên hệ mật thiết với hoàng gia Champa và đã cung cấp khá nhiều các nhân vật có vị trí cao trong triều đình Champa. Người lập nên dòng họ này được biết đến dưới tên gọi Sarthavaha, là một người cùng dòng họ với vua Rudravarman II, ông vua đầu tiên của vương triều Đồng Dương, và là anh trai của hoàng hậu vua Indravarman II. Ba người con trai của ông là Ajna Mahasamanta, Ajna Narendra nrpavitra và Ajna Jayendrapati cùng nhau nắm giữ những vị trí chủ chốt trong triều đình Champa.21 

Văn khắc ký hiệu C.64, Chiên Đàn, niên đại thế kỷ XI cho chúng ta biết rằng các tù binh Khmer và Việt đã được dâng lên thần linh của thành Tralaun Svon và nhiều điện thờ khác ở vùng Amaravarti. Văn khắc Chiên Đàn cũng cung cấp một thông tin quan trọng, đó là sự hiện diện của các cộng đồng người ngoại quốc, đặc biệt là thương nhân ở Champa, những người đã đóng góp nguồn lợi lớn cho Champa qua việc trao đổi thương mại, nộp thuế và là một cầu nối quan trọng giữa Amaravati Champa với thế giới bên ngoài. Chính sự hiện diện của cộng đồng thương nhân ngoại quốc này đã góp phần làm cho “Champa trở nên thịnh vượng thậm chí hơn cả trước đây”.22 

Những nghiên cứu trước đây, hầu hết dựa vào công trình nổi tiếng của G.Maspero, đều cho rằng vào cuối thế kỷ X, cùng với sự chấm dứt của vương triều Đồng Dương, đã diễn ra một sự “rời đô” từ vùng Quảng Nam về Bình Định với kinh đô mới đặt tại thành Đồ Bàn. Sự thay đổi trung tâm chính trị đó cũng dẫn tới sự suy tàn của thương cảng Hội An và từ đây thương cảng Thi Nại đã thay thế Hội An trở thành trung tâm ngoại thương và giao lưu văn hóa chính của Champa. Đó là cách diễn giải của các học giả người Pháp từ đầu thế kỷ XXI và được chấp nhận như là cách hiểu “chính thống” về sự ra đời của “vương triều Vijaya” được cho là kéo dài từ cuối thế kỷ X cho đến năm 1471 khi vua Lê Thánh Tông tấn công lần cuối cùng vào thành Đồ Bàn. Luận giải của G.Maspero về sự “dời đô” của Champa từ Đồng Dương về Vijaya là dựa trên quan niệm cho rằng Champa là một quốc gia thống nhất giống như Trung Hoa hay Đại Việt đương thời, và vì thế trong mỗi thời kỳ lịch sử chỉ có một trung tâm quyền lực duy nhất ở Champa, và theo đó các vua Champa đã “rời đô” từ Amaravati về Vijaya vào cuối thế kỷ X. 

Tuy nhiên, những nghiên cứu xét lại và sự xuất hiện của các tư liệu mới gần đây (bao gồm: văn khắc Champa, thư tịch Trung Hoa và tư liệu khảo cổ học), đều đưa đến những nhận thức mới khác với những gì đã được viết bởi G.Maspero về giai đoạn lịch sử nhiều biến động này của Champa. Quan điểm “dời đô” về phía Nam của G.Maspero đơn thuần chỉ đến từ một thông tin ngắn duy nhất xuất hiện trong Tống sử của Trung Hoa, trong đó ghi nhận rằng một nhân vật từ Champa tới triều đình nhà Tống và thông báo rằng trước những áp lực của người Việt từ phía Bắc, họ đã phải rời khỏi nơi cư ngụ của mình và chuyển địa bàn sinh sống xa về phía Nam. Dựa trên thông tin đó trong sử Trung Hoa, G.Maspero đã bỏ qua tất cả các tư liệu văn khắc và khảo cổ học khác của Champa. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng mandala Champa đã duy trì tình trạng tồn tại đồng thời của nhiều tiểu quốc/nagara khác nhau dựa trên việc tạo lập và kiểm soát các mạng lưới thương mại dọc theo các dòng sông lớn ở miền Trung Việt Nam ngày nay. Các tài liệu cổ sử của Trung Hoa viết về Champa trong giai đoạn này thường nhắc tới Champa như một nhà nước thống nhất ở vùng Nam Dương. Tuy thế, các tài liệu này cũng cung cấp cho chúng ta những thông tin về một số khía cạnh khác liên quan tới lịch sử của vương quốc này. Chẳng hạn như, phần viết về Chiêm Thành (Zhancheng) trong Tống sử (Song-shi) cho biết rằng phía Nam của vương quốc này là Thi Bị châu, phía Tây là Thượng Nguyên châu, và phía Bắc là Ô Lý châu. 23 Một tài liệu quan trọng khác cũng được viết dưới thời Tống là Chư phiên chí (Zhufanzhi) cũng nói rằng kinh đô của Chiêm Thành vào thời điểm đó là Tân châu (Xinzhou), và có ít nhất 10 tiểu quốc chư hầu (shuguo) dưới quyền của Chiêm Thành, bao gồm Jiuzhou, Wuli, Rii, Yue Li, Weirui, Bintonglong, Wumaba (?), Longrong hoặc Nonglong (?), Puluoganwuliang (?) và Baopiqi.24 Tống hội yếu chi cảo (Song huiyao jigao) lưu ý rằng khu vực phía Nam - Bin-tuo-luo (Panduranga) là một tiểu quốc riêng biệt, nhưng lệ thuộc vào vương quốc Champa.25 Đến thời nhà Minh, tư liệu ghi chép trong các chuyến hải trình của Trịnh Hòa cũng phân biệt rõ giữa Chan-cheng kuo (Chiêm Thành/Champa) với ít nhất là ba chính thể khác biệt là Pin-t’ung-lung kuo (Panduranga), Ling-shan (Cape Varella) và K’un-lun-shan (Pulau Condore).26 Như thế, dù luôn nhìn nhận Champa như một chính thể thống nhất ở vùng Nam Dương, các ghi chép của người Trung Hoa cũng đã cho chúng ta những nhận thức quan trọng về sự phân tách của các tiểu quốc trên bờ biển miền Trung Việt Nam ngày nay.27 Có thể hiểu là, Chiêm Thành/Champa là một vương quốc lớn nhất trên bờ biển ấy và có những mối liên hệ trực tiếp, chính thức với các vương triều Trung Hoa; trong khi đó các tiểu quốc khác được xem như là những thuộc quốc nằm dưới ảnh hưởng của vương quốc Champa.28 Bên cạnh đó, các văn khắc cổ Champa được tìm thấy trong giai đoạn từ thế kỷ X đến XIII hầu hết tập trung tại vùng Quảng Nam và xa về phía nam tại Kauthara/ Khánh Hòa và Panduranga/Ninh Thuận. Những thông tin về sự trỗi dậy của Vijaya trong văn khắc Champa chỉ xuất hiện từ cuối thế kỷ XII, đầu thế kỷ XIII (cả trong văn khắc tìm được ở Quảng Nam và Khánh Hòa, Ninh Thuận), và phải đến giai đoạn này thì các văn khắc đầu tiên mới xuất hiện ở vùng Bình Định. Dựa trên thực tế đó, M.Vickery đã đưa ra những nhận định mới về lịch sử Champa trong giai đoạn này, trong đó ông gợi ý rằng chúng ta cần từ bỏ quan điểm nêu lên bởi G.Maspero cho rằng đã có sự “dời đô” của Champa từ Amaravati về Vijaya vào cuối thế kỷ X và từ đây Amaravati mất vai trò lịch sử của mình. 

Sự thịnh vượng và danh tiếng của các cảng thị Amaravati trong kỷ nguyên thương mại sớm được ghi nhận bởi các thương nhân Trung Hoa và Arab. Vào thế kỷ XII, nhà địa lý Maroc là Edrisi đã cho biết rằng “Các đảo trong biển của Champa sản xuất gỗ lô hội và các loại nước hoa khác… Trên các bờ biển của nó là lãnh thổ của vua Maharadja (có thể là phiên âm của Maharaja - Đại vương/vua), người nắm giữ nhiều hòn đảo (sic) có đông dân cư sinh sống, màu mỡ và bao phủ bởi các cánh đồng [lúa] và đồng cỏ, và sản xuất ngà voi, long não, nhục đậu khấu, đinh hương, gỗ lô hội, thảo quả, tiêu thất và nhiều sản vật khác được tìm thấy ở đây, là hàng hóa bản địa ở đây… không một ông vua nào ở Ấn Độ có nhiều của cải hơn các hòn đảo này, nơi mà thương mại có vị thế quan trọng và rất nổi tiếng. Một trong những hòn đảo đó là Mayd. Nó bao gồm rất nhiều phố rộng lớn và màu mỡ hơn cả Mudja… Nhà vua sở hữu các nô lệ da đen và da trắng cùng các hoạn thần… Đây là nơi mà các tàu thuyền Trung Hoa đến từ các hòn đảo của Trung Hoa tụ họp lại và dạ neo; đây là nơi mà họ hướng tới và từ đó họ đi đến bất kỳ nơi đâu”.29 

Sự thịnh vượng của các thương cảng Amaravati đã giúp cho Champa thu nhận được những nguồn lợi quan trọng từ việc dự nhập vào mạng lưới giao thương biển quốc tế, Hội An trở thành một đối thủ cạnh tranh với Vân Đồn của Đại Việt và các hải cảng vùng Nam Dương khác trong việc thiết lập mối liên hệ mật thiết với các cảng thị Nam Trung Hoa vốn rất thịnh vượng thời Tống, đặc biệt thời Nam Tống từ giữa thế kỷ XII. Nhưng bên cạnh đó, chính vì vai trò nổi bật của mình, Hội An và Amaravati lại trở thành những mục tiêu tấn công của các đối thủ láng giềng, bao gồm người Việt ở phía Bắc, người Kh’mer từ phía Tây và cả người Chăm từ vùng Vijaya. Văn khắc Champa tại Mỹ Sơn vào thế kỷ XII nhắc đến sự xuất hiện thường xuyên của các “kẻ thù”, những người đã tấn công kinh đô [có lẽ là tại Trà Kiệu] và tàn phá đền đài tôn miếu của Champa. Người Kh’mer trong giai đoạn thịnh vượng nhất của đế chế Angkor đã nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc mở đường hướng ra biển Đông và thiết lập những mối liên hệ trực tiếp với các cảng thị vùng Nam Trung Hoa. Chính trong bối cảnh đó, người Khmer bắt đầu hướng tới các cảng thị Champa như một sự thay thế cho tuyến đường qua vùng Nghệ Tĩnh của Đại Việt, và bắt đầu thể hiện tham vọng chiếm cứ các cảng biển Champa một cách rõ rệt thể hiện qua cuộc chiến tranh và sau đó là thời gian thống trị lâu dài của Kh’mer ở Vijaya. Như thế có thể thấy rằng, Vijaya nổi lên trước hết và quan trọng nhất là bởi sự trợ giúp và hiện diện của người Kh’mer trong một nỗ lực biến Vijaya trở thành một tiền cảng kết nối đế quốc Angkor với thị trường Trung Hoa cũng như mạng lưới hải thương quốc tế qua vùng biển của Champa. Amaravati lúc này nằm đồng thời dưới hai gọng kìm ở phía Nam và phía Bắc: ở phía Bắc là các cuộc tấn công của người Việt, sau khi đã sáp nhập một phần lãnh thổ phía Bắc Champa vào lãnh thổ của mình, thì Amaravati bị đặt vào một bối cảnh khó khăn và dễ dàng bị tấn công, kiểm soát bởi các đội quân nước ngoài hơn bao giờ hết. Trong khi đó ở phía Nam, việc Vijaya trở thành tiền cảng của người Kh’mer và tranh giành vị thế thống trị với mạng lưới sông Thu Bồn, đã trở thành một đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Amaravati, trong đó Vijaya có lợi thế vượt trội, bởi ngoài sự hiện diện của người Kh’mer, thì Vijaya còn có cả một bệ đỡ quan trọng ở phía tây đó là nguồn hàng và nguồn nhân lực cho sản xuất và chiến trận ở vùng cao nguyên [qua đèo An Khê], điều mà Amaravati không có được. 

Giữa thế kỷ XII, xuất hiện đồng thời nhiều văn khắc quan trọng như C.17, C.101… ở nhiều khu vực địa lý khác nhau từ Amaravati, Vijaya, Kauthara, Panduranga… gắn liền với danh tiếng của vị vua nổi tiếng Jaya Harivarman, một người có nguồn gốc từ vùng (uran bhumi Vijaya) và sau đó đã trở thành vua của nagara Champa.30 Sự xuất hiện của một nhóm văn khắc của Jaya Harivarman I vào giữa thế kỷ XII cũng chính là thời điểm đánh dấu sự trỗi dậy không ngừng của nagara Vijaya, một khu vực mà hiếm khi được nhắc tới trong các văn khắc Champa trước giai đoạn này. Các văn khắc này đồng thời cũng cho biết về vai trò quan trọng của các đội quân Kh’mer trong sự trỗi dậy của Vijaya thế kỷ XII. Kể từ thời điểm này, Vijaya đã trở thành một nagara có tính tự trị cao, và rồi nhanh chóng vươn lên thoát khỏi tầm ảnh hưởng của các nagara hùng mạnh ở phía Bắc (Amaravati) và phía Nam (Kauthara). Không lâu sau đó, Vijaya đã trở thành đối thủ cạnh tranh với các nagara Champa truyền thống và vươn lên nắm vị thế thống trị của toàn thể mandala Champa từ cuối thế kỷ XII.

3. Hội An - Amaravati qua tư liệu khảo cổ học 

Những kết quả nghiên cứu mới về khảo cổ học tại Hội An và những khu vực lân cận cũng cho thấy rằng nhận định của G.Maspero cho rằng vùng Quảng Nam đã mất vai trò sau thời kỳ Đồng Dương là cần phải xem xét lại. Như đã trình bày khái quát trong phần đầu tiên, các địa điểm khảo cổ học tại Hội An, Ngũ Hành Sơn, và lưu vực sông Thu Bồn đều cho thấy sự phân bố khá phong phú của các hiện vật gốm sứ thương mại thuộc hệ thống các lò gốm Trung Hoa thời Tống - Nguyên như lò Việt Châu, Long Tuyền, Cảnh Đức Trấn. Có thể thấy rằng Hội An và lưu vực sông Thu Bồn vẫn tiếp tục duy trì vị thế là trung tâm kinh tế và trao đổi ngoại thương lớn nhất của Champa cho tới ít nhất là thế kỷ XIII. Nếu không có sự phát triển rực rỡ của nền ngoại thương với trung tâm là hệ thống cảng thị dọc sông Thu Bồn, thì không thể nào có sự phát triển rực rỡ đến đỉnh cao về số lượng văn khắc Champa tại Mỹ Sơn vào thế kỷ XII. 

Các kết quả khai quật khảo cổ học cũng cho thấy rằng “đến thế kỷ XV - XVI, những di chỉ của các thời đại văn hóa trước không thấy xuất hiện nữa” từ đó GS. Seiichi Kikuchi gợi ý rằng “sự suy giảm các di tích thời kỳ này liên quan mật thiết tới sự suy vong của quốc đô Vijaya” và “thời kỳ này Hội An đã mất đi vị trí của một thương cảng quốc tế”.31 

Địa điểm Trảng Sỏi thuộc xã Cẩm Hà (còn có tên gọi khác là Rọc Gốm). Các cuộc khảo sát và khai quật đã giúp phát lộ các hiện vật thuộc giai đoạn văn hóa Champa (tượng Garuda phong cách Khương Mỹ thế kỷ IX), đồ gốm Islam và gốm Trung Hoa từ các lò Việt Châu (thế kỷ IX), Tây Thôn (thế kỷ XII), đồ sứ men ngọc lò Long Tuyền (thế kỷ XIV).32 

Địa điểm Bàu Đá thuộc thôn 6, xã Cẩm Thanh gần cửa Đại ngày nay. Tại đây, trong đợt khảo sát năm 1993 các nhà nghiên cứu đã tìm thấy được nhiều gạch ngói kiểu Champa và đồ gốm sứ Trung Quốc trước thế kỷ XIV. Các cuộc khảo sát của các nhà khoa học Nhật Bản năm 1997 và 1999 đã tìm thấy được đồ gốm men ngọc của lò Việt Châu (thế kỷ X), đồ sứ hoa lam và sứ trắng Cảnh Đức Trấn, đồ sứ men ngọc Long Tuyền, đồ sứ hoa lam Đồng An (thế kỷ XII - XIII) và đồ sứ trắng Đức Hóa (thế kỷ XIII).33 Dựa trên sự hiện diện dày đặc của gốm sứ thương mại, GS. Seiichi Kikuchi cho rằng “có thể khẳng định rằng địa điểm Bàu Đá thuộc xã Cẩm Thanh là một khu vực quan trọng trong khoảng thời gian từ thế kỷ IX đến thế kỷ XIII. Thời kỳ đó, nhờ vị thế là một phá lớn và dải đồi cát chạy dọc bờ biển, Bàu Đá đã có những điều kiện hết sức thuận lợi để trở thành một thương cảng khu vực”.34 Dựa trên những kinh nghiệm điền dã lâu năm, GS. Seiichi Kikuchi nhận định rằng Cẩm Hà với sự phát lộ của nhiều hiện vật Champa giai đoạn sớm có thể coi là “nơi được hình thành sớm của Hội An”, trong khi đó, các hiện vật gốm sứ phát hiện ở khu vực Lăng Bà và Bầu Đá gợi ý rằng khu vực này vào khoảng thế kỷ XII - XIII với điều kiện địa lý thuận lợi “đã được tận dụng để trở thành bến đỗ cho tàu thuyền ra vào”.35 GS. Trần Quốc Vượng cũng cho biết rằng các cuộc khai quật thăm dò ở Cẩm Hà - Chùa Âm Bổn - Trung Phường - Bến Cồn Chăm - Thanh Chiêm - Trà Kiệu đã phát hiện được gốm, gạch, ngói, bệ đá hoa Champa, nhiều đồ gốm - sứ cùng tiền đồng cổ của Đại Việt thế kỷ X - XVIII cũng như đồ gốm sứ cùng tiền cổ của Trung Hoa các thời Tống - Nguyên - Minh - Thanh.36 Ông cũng nhắc lại rằng trong lần điền dã năm 1990 ở Quảng Nam, bà Roxana Brown - một trong những chuyên gia gốm sứ hàng đầu, đã nhận ra nhiều đồ sứ Quảng Đông thế kỷ XI - XVI ở Trà Kiệu và Hội An, Trung Phường.37 Địa điểm Trung Phường ở hữu ngạn sông Thu Bồn, các khảo sát trước đây của các nhà nghiên cứu Việt Nam đã cho thấy sự phân bố của các hiện vật gốm sứ Trung Quốc thời Tống, Minh cùng với hệ thống giếng cổ Champa. Tuy nhiên, cuộc khảo sát của các nhà nghiên cứu Nhật Bản năm 1998 chỉ tìm được các hiện vật gốm sứ thế kỷ XVI và gốm sứ Hizen thế kỷ XVII chứ không tìm thấy các hiện vật có niên đại thời Tống như các báo cáo trước đó.38 

Giếng Champa cũng đã được tìm thấy tại xóm Thanh Chiêm và xóm An Bang, xã Cẩm Hà; tại Trà Quế cũng còn dấu tích của một giếng Chăm cổ; một giếng vuông cổ được xây bằng gạch được phát hiện tại Cù Lao Chàm và hiện vẫn còn được cư dân địa phương sử dụng; phía Đông bàu Trung Phường theo tác giả thì trước năm 1945 có một hệ thống giếng hơn 30 cái xây theo kỹ thuật người Chăm và hiện nay (1989) chỉ còn lại khoảng 4 - 5 cái. Các tác giả xác nhận rằng “dọc theo phía Đông của bàu này, có vô số mảnh vỡ của các loại đồ sứ Trung Hoa thời Tống, Minh, Thanh”.39 

Như vậy, dựa trên các chứng cứ khảo cổ học có thể thấy rằng, trước khi trở thành một thương cảng số một của Đàng Trong vào thế kỷ XVII - XVIII, Hội An đã từng là một trung tâm kinh tế có tầm quan trọng bậc nhất của cư dân cổ Champa. Sự hiện diện phong phú của các hiện vật khảo cổ học, đặc biệt là các hiện vật gốm sứ thương mại góp phần quan trọng cho việc phục dựng lại lịch sử thương mại của cư dân cổ Champa ở Hội An nói riêng và Champa nói chung. 

III. Kết luận 

Bài viết này dưới góc nhìn mang tính khu vực, đặc biệt nghiên cứu Hội An - Cù Lao Chàm trong bối cảnh lịch sử thương mại Champa và hệ thống hải thương Á châu thời cổ trung đại, đi tới khẳng định vị thế và vai trò của Hội An - Cù Lao Chàm trong suốt chiều dài lịch sử. Trong khi vai trò của Hội An đối với sự hưng thịnh của nền ngoại thương Đàng Trong giai đoạn từ thế kỷ XVI đến XVIII đã được các nhà sử học và khảo cổ học làm sáng tỏ, thì nhận thức chung của giới nghiên cứu về vai trò của Hội An - Cù Lao Chàm trong nền thương mại Champa và rộng hơn là nền hải thương Á châu tiền hiện đại vẫn còn là một khoảng trống cần được lấp đầy. Cố GS. Trần Quốc Vượng là người đã có những kiến giải mang tính khai mở đầu tiên về vị thế của Hội An trong suốt chiều dài lịch sử. Những kết quả nghiên cứu mới về văn khắc Champa, tư liệu Trung Hoa và Arab, kết hợp với những phát hiện quan trọng về khảo cổ học gần đây đã đưa đến những nhận thức mới mẻ và quan trọng về một giai đoạn lịch sử sôi động của Hội An thời Champa. 

Trong phạm vi nghiên cứu của bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung khảo sát vị thế lịch sử của Hội An trong giai đoạn từ thế kỷ X đến cuối thế kỷ XIII, đó chính là giai đoạn mà Hội An - Cù Lao Chàm đã đóng vai trò là trung tâm trao đổi thương mại và giao lưu văn hóa chính của nagara Amaravati nói riêng cũng như là của mandala Champa nói chung. 

Có thể nhận thấy rằng, trong suốt nhiều thế kỷ liên tục như vậy, cho dù mạng lưới giao thương Á châu đã có nhiều biến động lớn lao nhưng Hội An - Cù Lao Chàm vẫn luôn có một vị trí quan trọng trên tuyến hải thương quốc tế. Một trong những luận điểm mà chúng tôi đã nêu ra và chứng minh dựa trên các tư liệu thư tịch, văn khắc và khảo cổ học, đó là quan điểm cho rằng nagara Amaravati đã chấm dứt vai trò lịch sử từ sau thế kỷ X cần phải được thay thế. Nagara Amaravati với trung tâm ngoại thương chính ở vùng cửa sông Thu Bồn vẫn tiếp tục đóng vai trò như là tiểu quốc mang tính chi phối đối với toàn bộ lịch sử mandala Champa cho tới cuối thế kỷ XIII. Sau thế kỷ XIII, dưới tác động của một tập hợp các nhân tố gây bất lợi, bao gồm sự thay đổi của các tuyến hải thương quốc tế, sức ép từ phía Đại Việt và Angkor đã dẫn tới sự suy yếu và từng bước mất vai trò của Hội An - Amaravati, và thay vào đó là sự trỗi dậy của nagara Vijaya ở vùng Bình Định. Có thể thấy rằng các nhân tố ngoại sinh có vai trò quan trọng trong sự hưng thịnh có tính chất liên tục và kéo dài của cảng thị Hội An thời Champa. Các nhân tố ngoại sinh có thể kể tới bao gồm: [1] Nhu cầu ngày càng gia tăng đối với hàng hóa có nguồn gốc từ Đông Nam Á, chẳng hạn như trầm hương, quế, hồ tiêu, ngà voi, sừng tê… đã thúc đẩy các thương nhân quốc tế tìm tới các cảng thị lớn của Đông Nam Á để thu mua các sản vật địa phương và đáp ứng nhu cầu của các thị trường lớn, đặc biệt là thị trường Trung Hoa, Ấn Độ và Arab. Hội An - Champa nằm ở vị trí trọng yếu của tuyến đường biển nối Trung Hoa với thế giới Đông Nam Á, Nam Á và Tây Á đã được ghi nhận thường xuyên bởi các thương nhân quốc tế như một điểm dừng chân, thu mua và trao đổi hàng hóa quan trọng; [2] Trong sự thịnh vượng của nền thương mại Hội An - Champa không thể không nhắc tới sự hiện diện của mạng lưới thương nhân quốc tế, những người đã tiếp xúc trực tiếp với cư dân Champa và đồng thời đóng vai trò là cầu nối giữa Champa với thị trường quốc tế. Trong số các thương nhân quốc tế này, mạng lưới thương nhân Arab/Hồi giáo đã có vai trò tích cực nhất trong việc kết nối Hội An - Champa với thị trường Trung Hoa và thị trường Tây Á. Như đã nêu ở phần trên, các thư tịch Trung Hoa đã cho thấy sự hiện diện thường xuyên của các thương nhân Hồi giáo trong các phái đoàn triều cống và thương mại Champa tới Trung Hoa, đặc biệt là cuối thời Đường và thời Tống. Ngoài ra, các hiện vật có nguồn gốc Tây Á (bao gồm gốm sứ Islam, thủy tinh…) đã được tìm thấy tại các địa điểm khảo cổ học ở miền Trung Việt Nam cũng đã cung cấp chứng cứ vật chất cho thấy sự hiện diện và tầm quan trọng của các thương nhân Hồi giáo đối với sự phát triển của nền hải thương Champa thời tiền hiện đại. 

Cho dù các nhân tố ngoại sinh đã có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền thương mại Hội An - Champa, thì chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, những nhân tố nội sinh mới là yếu tố quyết định đến sự triển nở và hưng thịnh của nền thương mại Hội An thời Champa. Đúng như cố GS. Trần Quốc Vượng đã nhận xét, người Champa cổ đã có cái nhìn đúng đắn về biển, đã biết khai thác các nguồn lực từ biển và chủ động dự nhập vào mạng lưới giao thương biển khu vực. Các thông tin từ cả thư tịch Trung Hoa cũng như văn khắc Champa đều cho thấy rằng triều đình Champa luôn thể hiện một tinh thần cởi mở và tích cực tham gia vào việc trao đổi, buôn bán với các thương nhân quốc tế. Trên cơ sở một tinh thần cởi mở đối với ngoại thương như vậy, các thủ lĩnh Champa đã dày công kiến lập các mạng lưới giao thương nội địa/mạng lưới trao đổi ven sông để thu gom sản vật địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường quốc tế. Trong suốt chiều dài lịch sử Champa, mạng lưới trao đổi ven sông Thu Bồn luôn giữ vị thế là mạng lưới trao đổi ven sông quan trọng bậc nhất. Cảng thị Hội An nằm ở cửa sông Thu Bồn không thể tồn tại và phát triển thịnh vượng nếu không có một bệ đỡ về kinh tế nông nghiệp, khai thác lâm thổ sản và nguồn nhân lực dồi dào của mạng lưới trao đổi sông Thu Bồn. Ngược lại, với Hội An là trung tâm giao thương và giao lưu văn hóa đã góp phần quan trọng tạo nên bệ đỡ và tiềm lực kinh tế để các thủ lĩnh Amaravati có thể dày công xây dựng nên được thánh địa Mỹ Sơn và các trung tâm tôn giáo chính trị khác dọc theo sông Thu Bồn. Nằm trong bối cảnh của nagara Amaravati với trung tâm chính trị nằm ở thành Trà Kiệu và trung tâm tôn giáo ở Mỹ Sơn và Đồng Dương, vùng cửa sông và ven biển của xứ Quảng đã trở thành trung tâm giao thương quan trọng bậc nhất của nagara Amaravati nói riêng và mandala Champa nói chung. Có thể thấy rằng ba trung tâm trao đổi thương mại chính đã hình thành ở vùng duyên hải Quảng Nam - Đà Nẵng là cảng thị ở vùng cửa sông Thu Bồn (Hội An), cảng thị ở cửa sông Hàn (Đà Nẵng) và cụm đảo Cù Lao Chàm. Trong đó, Cù Lao Chàm là nơi dừng chân thường xuyên nhất và được nhắc đến nhiều nhất của các đoàn thương thuyền quốc tế, trước khi họ tiến vào cảng thị Hội An hay Đà Nẵng để tiến hành trao đổi buôn bán với cư dân Champa ở các cảng thị này. 

Chú thích: 

1. Anthony Reid, Southeast Asia in the Age of Commerce, 1450 - 1680: The Lands Below the Winds, (New Haven: Yale University Press, 1993); và Southeast Asia in the age of commerce: 1450 - 1680: Expansion and crisis, (New Haven: Yale University Press, 1993). Anthony Reid cho rằng kỷ nguyên thương mại có nguồn gốc từ những thay đổi đã diễn ra trong suốt thế kỷ XV. Sự bùng nổ của thương mại và sự nổi lên của các cảng thị như là những trung tâm thương mại đã thúc đẩy những thay đổi về mặt chính trị, xã hội và kinh tế đánh dấu kỷ nguyên thương mại trong khu vực, kéo dài từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII. Sự bùng nổ của hải thương dẫn đến sự trỗi dậy của thuyền mành Đông Nam Á cũng như là những kỹ thuật hàng hải mới… Một số biểu hiện về mặt xã hội khác của kỷ nguyên thương mại còn bao gồm một cuộc cách mạng về tôn giáo, với sự thâm nhập của Hồi giáo và Thiên Chúa giáo vào khu vực, một cuộc cách mạng về quân sự với các kỹ thuật chiến tranh mới hỗ trợ cho sức mạnh của các thể chế mới. 

2. Anthony Reid, “An ‘age of commerce’ in Southeast Asian History”, Modern Asian Studies 24, 1. (Great Britain, 1990), 30. 

3. Geoff Wade, “An early age of commerce in Southeast Asia, 900-1300 CE”, Journal of Southeast Asian Studies, 40 (2), (National University of Singapore, 2009). 

4. Jan Wisseman Christie, “Javanese markets and the Asian sea trade boom of the Tenth to Thirteenth centuries A.D.”, Journal of the Social and Economic History of the Orient, 41.3.1998. 

5,7,9,10,11,12,13 Geoff Wade, “An early age of commerce in Southeast Asia, 900-1300 CE”, Journal of Southeast Asian Studies, 40 (2), (National University of Singapore, 2009), 222, 234, 221, 239-240, 259, 258-262 

6. Andre Wick, Al-Hind: The making of the Indo-Islamic world. Vol.2: The slave kings and the Islamic conquest, 11th-13th centuries, (New York: Brill, 1997), 1. 

8. Hermann Kulke, “The naval expeditions of the Cholas in the context of Asian history”, Hermann Kulke, K.Kesavapany, Vijay Sakhuaja, Nagapattinam to Suvarnadwipa: Reflections on the Chola Naval expeditions to Southeast Asia, (Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, 2009), 3. 

14. Hans Bielenstein, “Continental South Asia and the Island”, Diplomacy and Trade in the Chinese World 589-1276, (Leiden: Brill, 2005), 9-98, 689-690. 

15, 25 Geoff Wade, “The account of Champa in the Song huiyao jigao”, The Cham of Vietnam, 160, 141. 

16. Momoki Shiro, Dai Viet and the South China Sea trade, 7. 

17. Geoff Wade, “Champa in the Song hui-yao: A draft translation”, ARI Working Paper No. 53. 

18. Majumdar, Ancient Indian Colonies in the Far East, Champa, 62. 

19. Suchandra Ghost. “Ministers and Nobles in the kingdom of Campa: looking through the epigraphic lens (c.909-919 CE)”. http://euraseaa14.sharpsands.com/live/session_display/ display_session_detail.php?thisID=73 

20. Suchandra Ghosh. “Ministers and Nobles in the kingdom of Campa: looking through the epigraphic lens (c.909-919 CE)”. http://euraseaa14.sharpsands.com/live/session_display/ display_session_detail.php?thisID=73 

21. Majumdar, Ancient Indian Colonies in the Far East, Champa, 64 

22. Văn khắc C.64 Chiên Đàn thế kỷ XI http://isaw.nyu.edu/publications/inscriptions/ campa/inscriptions/C0064.html 

23. Momoki Shiro, “Mandala Champa” seen from Chinese Sources”, The Cham of Vietnam, 128. 

24. GS. Momoki Shiro cho rằng “một hình ảnh vốn được thừa nhận lâu nay rằng Champa là tập hợp của bốn hay năm khu vực/tiểu quốc lớn là Indrapura, Amaravati, Vijaya, Kauthara và Panduranga cần phải được từ bỏ”. Momoki Shiro, “Mandala Champa”, The Cham of Vietnam, 131. 

26. Hsing-ch’a Sheng-lan, The overall Survey of the Star Raft by Fei Hsin. Dịch sang tiếng Anh bởi J.V.G.Mills, Harrassowitz Verlag - Wiesbaden, 1996. Phần viết về Chiêm Thành từ trang 33 đến trang 39. 27. Về tiểu quốc Panduranga có thể tham khảo công trình nghiên cứu của Po Dharma, Le Panduranga 1822-1835. Ngoài ra, có thể tham khảo chuyên khảo về Panduranga trong lịch sử Champa của Finot L. V. “Pānduranga”, Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient. Tome 3, 1903, 630-648. 

28. Chúng ta cũng có thể lưu ý tới một nhận xét của tác giả Đồ Bàn thành ký về sự đổi dời kinh đô trong lịch sử vương quốc Champa: “Ôi! Một quốc gia trải hơn ngàn năm, đất đai rộng rãi như thế, việc cai trị phức tạp như thế, mà kinh đô luôn luôn thay đổi, không kể xiết được, mà xét trong sử sách ghi lại chỉ còn 14 chỗ là Châu Ngô, Bắc Cảnh, Lư Dung, Tây Quyển… ”.“Đồ Bàn thành ký”, Tập san Sử Địa, số 19-20, Sài Gòn, 1970, 237. 

29. Edrisi’s book Livre de la recreation de l’hommederieux de connaitre les pays was written in 1154. Ferrand, Relation, 191. 

30. Văn khắc C.17 Batau Tablah/ Đá Nẻ ở Panduranga (Ninh Thuận), niên đại 1160 - 1161; Văn khắc C.101 Mỹ Sơn thế kỷ XII. 

31, 32, 33, 34, 35, 38 Seiichi Kikuchi, Nghiên cứu Đô thị cổ Hội An, 76, 73, 84, 75, 78. 

36, 37 Trần Quốc Vượng, Việt Nam cái nhìn địa văn hóa, (Hà Nội: Văn hóa dân tộc - Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật), 444, 446.

39. Vũ Hữu Minh và Trần Kỳ Phương, “Cửa Đại Chiêm thời vương quốc Champa”, Để không là người ở trọ, (Huế, 2001), 109.
NGHI VẤN VỀ NGÔI MỘ CỦA NGƯỜI
KHAI SINH RA CHỮ QUỐC NGỮ? 

Mai Thành Dũng 

Nhà thờ công giáo Phước Kiều (xã Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam) được biết đến là chứng tích khai sinh chữ Quốc ngữ. Sau lưng nhà thờ có 3 nấm mộ cổ mà nhiều người tin, một trong số đó là mộ của Francisco de Pina (1585 - 1625), người khai sinh chữ Quốc ngữ. 

Người khai sinh chữ Quốc ngữ 

Đến năm 1623, những giáo sĩ Dòng Tên đến Đàng Trong đã lập 2 trú sở truyền đạo, một tại Hội An, một tại Nước Mặn (Quy Nhơn); hai năm sau thì lập trú sở tại dinh trấn Thanh Chiêm (xã Điện Phương, Điện Bàn). Chữ Quốc ngữ được khai sinh ở địa điểm nào trong 3 địa điểm này? 

Mọi tranh luận dần sáng tỏ khi nhà nghiên cứu Pháp Roland Jacques tìm ra 2 tác phẩm của Francisco de Pina - người mà vào năm 1617 được cử đến Hội An truyền đạo. Đó là bức thư bằng Bồ ngữ dài 7 trang cho Đức cha bề trên Jerómino Rodríduez ở Ma Cao và tiểu luận dài 22 trang mang tựa đề “Manuductio ad Linguam Tunkinensem” (nhập môn tiếng Đàng Ngoài) bằng La ngữ tại Thư viện Quốc gia Bồ Đào Nha. 

Căn cứ vào hai tư liệu này cùng nhiều tư liệu thu thập được, Roland Jacques cho rằng, vì Hội An là nơi lai tạp ngôn ngữ giữa người Việt - Hoa - Nhật nên Pina đã rời Hội An đến dinh trấn Thanh Chiêm (cách Hội An 10 cây số), tuyển chọn một số thanh niên Công giáo để phụ lễ, đào tạo thông dịch và giúp đỡ sáng tạo chữ Quốc ngữ. Việc này được chính Pina xác nhận: “Con đã soạn xong một tiểu luận về chính tả và các thanh điệu của ngôn ngữ này… Con phiên âm theo chữ Bồ Đào Nha sao cho người chúng ta có thể đọc…” Roland khẳng định, Pina là người khai sinh ra chữ Quốc ngữ mà các giáo sĩ sau này, trong đó có Alexandre de Rhodes, là người tiếp nối và biên soạn thành cuốn từ điển tồn tại cho đến ngày nay. Bằng việc phân tích dấu ấn tiếng Quảng trong cuốn từ điển của Alexandre de Rhodes, dẫn nhiều nguồn tư liệu, Roland cùng nhiều nhà nghiên cứu khẳng định: Thanh Chiêm (Điện Bàn) - một ngôi làng hiền hòa nằm bên dòng Thu Bồn, chính là nơi khai sinh chữ Quốc ngữ. 

Nghi vấn mộ của Francisco de Pina 

Nhiều tư liệu chép, cuối năm 1625, vì lý do nào đó mà tàu buôn Bồ Đào Nha ở Ma Cao không đến Hội An như mọi năm, chỉ có tàu buôn từ Cao Miên về, bỏ neo ngoài khơi Cửa Đại và nhắn cho các giáo sĩ Hội An biết tin để ra tàu nhận hàng tiếp tế của tòa giám mục Ma Cao. Pina được cử ra tàu để nhận hàng và đi trên một chuyến thuyền nhỏ, khi quay vào bờ chẳng may bị một cơn gió mạnh làm lật úp thuyền, Pina vướng trong chiếc áo chùng dài nên bị chết đuối giữa biển. Đó là ngày 16.12.1625. 

Đến nay, chưa thấy tài liệu nào đề cập việc Pina được chôn cất ở đâu, cũng như chưa thấy tài liệu nào nói thi hài ông được chuyển khỏi xứ Đàng Trong. Có ý kiến cho rằng Pina đã được chôn cất tại Hội An. Nhưng, trong khu vực nhà thờ Công giáo Hội An, mộ của các giáo sĩ trong khuôn viên nhà thờ đều được xác định tên tuổi là các giáo sĩ Gulielmo Mahot, Franxico Perez và Valere Rist… mà không có ngôi mộ nào của Pina. 

Điều này khiến người dân làng Thanh Chiêm, trong đó có ông Đinh Trọng Tuyên (sinh năm 1938, Thanh Chiêm 2, Điện Phương, Điện Bàn) - người có viết cuốn sách “Dinh trấn Thanh Chiêm Quảng Nam”, nghi ngờ rằng Pina được chôn cất ở chính nơi mà vị giáo sĩ này đã lập trú sở truyền đạo, dựng một tiểu giáo đường, chính là nhà thờ Công giáo Phước Kiều bây giờ. 

Trong thư gửi Đức cha bền trên, Pina ghi: “thưa cha kính mến con đã mua hai cái nhà của mẹ Jeane ở kẻ Chàm. Mỗi nhà có ba gian, một nhà làm nơi ở, nhà kia làm tiểu giáo đường.” Tiểu giáo đường này được Pina mua vào năm 1619, đặt tên là “nhà của mẹ Jeane”, với mục đích làm chỗ trú chân ở Thanh Chiêm. Trong một tư liệu khác, giáo sĩ Cristoforo Borris có chép về tiểu giáo đường này: “một đại tăng, kẻ thù lớn của lòng tin thánh thiện của chúng ta thuyết phục nhà vua lưu đày các cố đạo và phá hủy ngôi nhà thờ nhưng nhà thờ vẫn sừng sững ở Kẻ Chàm với tên gọi nhà của mẹ Jeane”. 

Năm 1930, trên nền đất của tiểu giáo đường, linh mục Pierre Auguste Gallioz (cố Thiết) dựng nên nhà thờ Phước Kiều. Năm 1946, nhà thờ phá hủy. Năm 2000, được trùng tu; đến năm 2007, nhà thờ được nâng cấp thành đền thánh Andre Phú Yên. 

Bây giờ, sau lưng đền Thánh này (người dân vẫn quen gọi là nhà thờ Phước Kiều), gần sát hàng rào nhà dân, có 3 ngôi mộ chia thành 2 khu vực cách nhau khoảng 10 mét. Một nấm mộ nằm riêng lẻ còn 2 cái kia thì nằm cạnh nhau, đều xây theo kiểu “mộ rùa”, phía trước có trồng cây thánh giá bằng xi măng mới làm nhưng không hề thấy ghi chú tên tuổi ai cả. Theo những giáo dân sinh sống cạnh nhà thờ, 3 ngôi mộ này vốn bị lấp dưới lòng đất, cách chừng 30 năm trước, người dân trong vùng xới cỏ và phát hiện ra 3 ngôi mộ, mới đào đất xung quanh trũng xuống để 3 ngôi mộ lộ ra như bây giờ. 

Ông Đinh Trọng Tuyên lập luận: “kiểu mộ rùa thịnh hành vào thế kỷ XVII, XVIII, trùng với thời của Pina. Người dưới mộ không phải là người địa phương, bởi đây là đất của nhà thờ, chỉ dành cho các giáo sĩ. Từ năm Pina mất (1625) không thấy cha đạo nào ở đây mất nữa. Nên rất có thể, một trong 3 ngôi mộ kia có mộ của Pina, sau khi Pina mất, người ta đã chôn cất ông ở nơi tiểu giáo đường do chính ông lập nên”. 

Đấy cũng là lập luận chung của người dân quanh vùng. Tất cả chỉ là suy đoán. Tuy nhiên 3 ngôi mộ cổ ở nhà thờ Phước Kiều tồn tại đã rất lâu mà không nhà nghiên cứu nào đề cập, tìm hiểu. Trao đổi với báo chí, ông Hồ Xuân Tịnh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam nói rằng để xác định đó có phải là mộ của giáo sĩ Francisco de Pina hay không cần phải có cứ liệu khoa học chứng thực. Tháng 5.2015, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam đã lập hồ sơ đề nghị Bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia cho dinh trấn Thanh Chiêm - nơi được coi là bàn đạp để các chúa Nguyễn mở cõi về phương Nam và cũng là nơi khai sinh ra chữ Quốc ngữ. Ông Đinh Trọng Tuyên mong mỏi: “Rất mong các nhà nghiên cứu đến tìm hiểu về 3 ngôi mộ này để giải tỏa thắc mắc của người dân; và theo tôi, dù 3 ngôi mộ không phải là mộ của Pina, thì với tư cách là kiến trúc có liên quan đến dinh trấn, được người khai sinh ra chữ Quốc ngữ lập ra, nhà thờ Phước Kiều cũng cần được công nhận là di tích”. 
HỘI AN, DINH TRẤN QUẢNG NAM VÀ PHỦ PHÚ XUÂN
TRÊN HAI TRANH CUỘN NHẬT BẢN THỜI EDO?

Trần Đức Anh Sơn

Năm 2013, trong khi thực hiện đề tài nghiên cứu Quan hệ giữa miền Trung Việt Nam với Nhật Bản từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XVIII do Sumitomo Foundation tài trợ, tôi có cơ hội khảo cứu hai tranh cuộn (emaki) Nhật Bản, vẽ vào thời Edo (1603 - 1868), miêu tả cảnh thương thuyền Nhật Bản vượt biển đến buôn bán với xứ Đàng Trong, mà người Nhật đương thời gọi là Kochi koku (Giao Chỉ quốc). Đó là tranh Chaya Shinroku Kochi toko zukan (Trà Ốc Tân Lục Giao Chỉ độ hàng đồ quyển) và tranh Shuin-sen Kochi toko zukan (Châu ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng đồ quyển). 

Hai tranh cuộn này không chỉ là những họa phẩm đặc sắc mà còn là những tư liệu quý về mối quan hệ hải thương giữa Nhật Bản với Việt Nam trong các thế kỷ XVII - XVIII và được chính quyền các địa phương ở Nhật Bản công nhận là Yuzou bunkazai (Tài sản văn hóa quan trọng). Đặc biệt, hai bức tranh cuộn này có hé mở những thông tin quý liên quan đến các địa danh, sử tích ở hai xứ Thuận - Quảng, trong đó có thương cảng Hội An, dinh trấn Thanh Chiêm, sông Cổ Cò, cửa Hàn, và cả dinh phủ của chúa Nguyễn ở Phú Xuân (?). 

Trong bài viết này, tôi xin giới thiệu tổng quát về hai bức tranh cuộn nói trên và đưa ra những kiến giải cá nhân về vị trí, tên gọi của một số kiến trúc và cảnh quan được thể hiện trên hai bức tranh cuộn này. 

1. Tranh Chaya Shinroku Kochi toko zukan (Trà Ốc Tân Lục Giao Chỉ độ hàng đồ quyển) 

Bức tranh có kích thước 71,8 x 511,8 cm chứng minh, được vẽ vào thế kỷ XVII, hiện đang lưu trữ tại chùa Jomyo-ji (Tình Diệu tự) ở thành phố Nagoya, Nhật Bản (ảnh 1). 

Hình vẽ trên tranh miêu tả hành trình của thương thuyền của thương nhân Chaya Shinroku (Trà Ốc Tân Lục) từ Nhật Bản vượt biển đến Hội An (ảnh 2); cảnh sinh hoạt tại phố người Nhật ở Hội An, cảnh phái đoàn của thương nhân Chaya Shinroku đến yết kiến Tổng trấn Quảng Nam tại dinh trấn Thanh Chiêm, cảnh thuyền Chaya đi theo một dòng sông nhỏ, tới một cửa biển lớn, rồi theo một dòng sông khác đi đến một dinh phủ có lũy tre bao bọc và dãy súng thần công bảo vệ; bên ngoài dinh phủ là cảnh dòng sông, đồng ruộng và làng mạc trù phú; trên bờ sông có ba con voi với quản tượng ở trên lưng (ảnh 3). Những hình vẽ biển đảo, núi sông, phố xá… từ Nhật Bản đến Hội An thể hiện ở phần đầu bức tranh đều có chú dẫn bằng tiếng Nhật, nhưng những hình vẽ núi sông, làng mạc, dinh thự… ở phần sau bức tranh lại không chú thích đây là những nơi nào?

Ảnh 1: Sư Hayashi, trú trì chùa Jomyo-ji, đang mở bức tranh Chaya Shinroku Kochi toko zukan. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn.

Ảnh 2: Phần đầu bức tranh Chaya Shinroku Kochi toko zukan vẽ cảnh thương thuyền Chaya vượt biển đến Hội An. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn.

Ảnh 3: Phần sau bức tranh Chaya Shinroku Kochi toko zukan vẽ cảnh thương thuyền Chaya vượt biển đến Hội An. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn. 2. Tranh Chaya Shinroku Kochi toko zukan (Châu ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng đồ quyển)

Bức tranh có kích thước 32,8 x 1.100,7 cm chứng minh, được vẽ vào cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII, hiện đang lưu trữ tại Bảo tàng Quốc gia Kyushu ở tỉnh Fukuoka (ảnh 4). 

Hình vẽ trên tranh miêu tả hải trình của thuyền Châu ấn (shuin-sen) vượt biển đến buôn bán ở Hội An. Thuyền Châu ấn là những thuyền buôn Nhật Bản được chính quyền Mạc phủ cấp Châu ấn trạng (shuin-jo) cho phép đi ra nước ngoài để buôn bán. Tranh miêu tả cảnh một phố cảng mà một số học giả người Nhật cho là cảng Nagasaki ở Nhật Bản (ảnh 5). Từ đây, thuyền Châu ấn vượt trùng khơi, đi qua những hòn đảo giữa biển và cập cảng Hội An (ảnh 6); tiếp đến là cảnh sinh hoạt tại phố người Nhật ở Hội An và thương nhân Nhật Bản dâng quà cho Tổng trấn Quảng Nam tại dinh trấn Thanh Chiêm (ảnh 7); sau cùng là cảnh một chiếc thuyền theo dòng sông nhỏ ra cửa biển lớn, đi đến một dinh phủ nguy nga ở ven sông, có lũy tre cùng các dãy súng thần công bảo vệ, có quan binh và voi chầu ở bên ngoài (ảnh 8). Trên tranh này không có chú thích bằng tiếng Nhật như trên tranh cuộn ở chùa Jomyo-ji.

Ảnh 4: Bức tranh Shuin-sen Kochi toko zukan ở Bảo tàng Quốc gia Kyushu. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn. 

Ảnh 5: Phần đầu bức tranh Shuin-sen Kochi toko zukan vẽ cảnh thương cảng Nagasaki ở Nhật Bản. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn. 

Ảnh 6: Phần thứ hai bức tranh Shuin-sen Kochi toko zukan vẽ cảnh thuyền Châu ấn từ Nhật Bản vượt biển đến Hội An. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn. 

Ảnh 7: Phần thứ ba bức tranh Shuin-sen Kochi toko zukan vẽ cảnh phố người Nhật ở Hội An và dinh trấn Quảng Nam. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn. 

Ảnh 8: Phần cuối bức tranh Shuin-sen Kochi toko zukan vẽ cảnh phủ Phú Xuân ở Huế. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn. 

3. Kiến giải của GS. Kikuchi Seiichi về các cảnh vật, địa danh trong hai bức tranh cuộn 

Tại hội thảo quốc tế Nhà Nguyễn ở Việt Nam: 1558 - 1885 do Viện HarvardYenching (thuộc Đại học Harvard, Hoa Kỳ) và Viện Nghiên cứu Xã hội và Nhân văn Hong Kong (thuộc Đại học Trung văn Hong Kong, Trung Quốc) phối hợp tổ chức tại Hong Kong vào tháng 5.2012, GS. Kikuchi Seiichi (Đại học Nữ Showa, Nhật Bản) đã trình bày một tham luận rất thú vị về hai tranh cuộn này. 

Theo GS. Kikuchi Seiichi, những người vẽ hai tranh “vượt biển” này là những người rất am hiểu Hội An và vùng đất Thuận - Quảng lúc bấy giờ. Họ đã theo các thuyền buôn Nhật Bản đến đây, lưu trú khá lâu và quan sát thực địa rất tỉ mỉ để vẽ các tranh này. GS. Kikuchi Seiichi cũng cho hay, từ hình vẽ và vị trí của dinh trấn Quảng Nam ở trên hai tranh cuộn này, ông và các đồng nghiệp ở Đại học Nữ Showa đã khảo sát đối chứng trên thực địa và xác định vị trí của dinh trấn Quảng Nam, nay thuộc làng Thanh Chiêm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông cũng làm rõ thân thế một số nhân vật xuất hiện trong tranh như: thế tử Nguyễn Phúc Nguyên (1563 - 1635) bấy giờ đang giữ chức Tổng trấn Quảng Nam, con gái của thế tử, một thương gia người Nhật tên là Araki Sotaro và người vợ Việt Nam của thương gia này… 

Tuy nhiên, GS. Kikuchi Seichi đã không xác định tòa dinh phủ được vẽ ở phần cuối của hai tranh cuộn này là nơi nào (ảnh 9 và ảnh 10)? ở Thuận Hóa hay Quảng Nam?.

Ảnh 9: Hình vẽ tòa dinh thự chưa xác định trên bức tranh Chaya Shinroku Kochi toko zukan. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn. 

Ảnh 10: Hình vẽ tòa dinh thự chưa xác định trên bức tranh Shuin-sen Kochi toko zukan. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn. 

4. Kiến giải cá nhân về tòa dinh phủ ở phần cuối hai bức tranh cuộn 

Sau khi nghiên cứu hai tranh cuộn này, đối chiếu với các nguồn sử liệu viết về vùng đất Thuận - Quảng và thủ phủ Phú Xuân dưới thời chúa Nguyễn, tôi cho rằng tòa dinh phủ nói trên chính là phủ Phú Xuân ở Huế vào thế kỷ XVII. 

Theo miêu tả trong các tài liệu của người đương thời về phủ Phú Xuân như: Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán (viết năm 1695)1; hồi ký của Jean Koffer2, giáo sĩ người Pháp và là thầy thuốc của chúa Nguyễn Phúc Khoát (viết vào nửa sau thế kỷ XVIII); Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn3 (viết trong các năm 1776 - 1777)… thì phủ Phú Xuân của chúa Nguyễn nằm ven sông Hương, có đồng ruộng và làng mạc trù phú vây quanh; bên ngoài phủ có hàng trại lợp bằng cỏ tranh, với các dãy súng thần công bằng đồng “nặng từ vài trăm cân đến vài nghìn cân” bảo vệ; sau trại súng có hàng rào tre gai bao bọc tòa dinh phủ nguy nga tráng lệ… Những tài liệu này cũng cho biết ở phủ chúa có nhiều voi và lính hầu bảo vệ. Điều này hoàn toàn phù hợp với những miêu tả ở phần cuối của hai tranh cuộn. Ngoài ra, trên các tranh cuộn có vẽ hình cây liễu và cây thiên tuế ở trong khuôn viên tòa dinh phủ chưa định danh này. Đây là những loại cây “quý tộc”, theo sử sách triều Nguyễn, chỉ được trồng nơi phủ chúa, cung vua, dân gian không được trồng. 

Người viết bài này cũng tham khảo phần chú dẫn của tấm bản đồ Vịnh Tourane và bờ biển Annam - Từ Hội An đến Huế do Le Floch de la Carrière vẽ vào năm 17874 để củng cố thêm quan điểm nêu trên của mình. Những chú dẫn của tấm bản đồ này cho biết: vào giữa thế kỷ XVIII, từ sông Faifo (sông Hội An) muốn đi thuyền đến đến sông Vua (sông Hương) ở Huế, thì đi theo thủy trình sau: thuyền từ sông Faifo đi ra Cửa Đại, theo đường biển đi lên phía bắc, ngang qua Cap Nord (mũi Tourane/Đà Nẵng), 

Ảnh 11: Ảnh vùng duyên hải từ Hội An đến Đà Nẵng. 

mỏm đất xa nhất về phía bắc của vịnh Tourane; tiếp tục đi thuyền đến một cửa sông (cửa Tư Hiền) để vào Lac de Coua (đầm Cầu Hai). Từ đây giong thuyền đi dọc theo đầm nước này lên phía bắc, xuyên qua các con kênh thiên nhiên (vùng đầm phá) để vào cửa sông Vua ở phía hạ lưu. Từ đó đi ngược lên trên sẽ gặp vương phủ của chúa Nguyễn. Trên thực tế, bấy giờ còn có một con đường thủy khác từ Hội An đi đến Đà Nẵng mà không phải đi ra Cửa Đại. Đó là đi theo dòng sông Cổ Cò, thời đó chưa bị bồi lấp, thuyền bè đi lên hướng bắc, gặp sông Hàn, rồi theo sông này xuôi ra cửa biển, đi vòng qua mũi Sơn Trà, để vào đầm Cầu Hai qua lối cửa Tư Hiền. Từ đó đi dọc theo vùng đầm phá đến cửa sông Hương, rồi ngược về phía thượng nguồn để đến phủ Phú Xuân. 

Một tư liệu khác là cuốn hồi ký Souvenir de Hué (xuất bản ở Paris năm 1867) của Michel Đức Chaigneau, con trai của Jean Baptiste Chaigneau (1769 - 1832), sĩ quan người Pháp phục vụ trong triều Gia Long, thì vào thế kỷ XVII - XVIII, người Nhật thường xuyên đến Huế để buôn bán ở phố cảng Thanh Hà - Bao Vinh.5 

Ngoài ra, theo GS. Mochizuki Sincho (ĐH Minobusan, Nhật Bản) trong tham luận Quan hệ giao lưu giữa dòng họ chúa Nguyễn với dòng họ Chaya trình bày tại hội thảo Lịch sử và triển vọng mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Nhìn từ miền Trung.

Ảnh 12: Bản đồ vùng duyên hải từ Hội An đến Huế. 

Việt Nam, tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 11.2013, thì ngoài việc giao thương với Đàng Trong, thương nhân dòng họ Chaya còn vâng lệnh Mạc phủ Tokugawa tìm hiểu thái độ của chính quyền Đàng Trong đối với Nhật Bản. Để làm việc này, theo tôi, các thương nhân Chaya không chỉ đến Hội An mà còn đến Huế để yết kiến chúa Nguyễn và trao đổi thông thư do Mạc phủ ủy nhiệm. 

Từ đó tôi cho rằng sau khi cập cảng Hội An, thuyền buôn Nhật Bản tiếp tục đến Huế để yết kiến chúa Nguyễn, và hình vẽ tòa dinh thự nguy nga trong hai tranh cuộn nói trên chính là vương phủ Phú Xuân thời bấy giờ. 

Chú thích: 

1. Phủ Phú Xuân được Thích Đại Sán mô tả trong sách Hải ngoại kỷ sự như sau: “Sắp đến vương phủ, mênh mông không có thành quách, chung quanh trồng tre gai làm rào, trong (lũy) tre cất một hàng trại lợp bằng cỏ tranh; mỗi trại đều có đặt súng đồng, nặng từ vài trăm cân đến vài nghìn cân, đúc rất tinh xảo, khảm châu sa phỉ thúy, văn vẽ sáng ngời, nhờ công chùi đánh lâu năm mới được như thế, nếu đem số đồng này đúc lư, đúc bình, làm đồ gia dụng, quý giá chẳng biết bao nhiêu mà kể. Sau trại súng lại có hàng rào tre gai, phía trong có vòng tường thấp, rộng chừng một hai dặm, vương phủ ở trong ấy”. 

2. Jean Koffer mô tả phủ Phú Xuân trong hồi ký của ông như sau: “Khuôn viên của vương phủ hình vuông, có ba lớp thành bao bọc, có bảy cửa thành ra vào, cửa chính thông thẳng ra sông có xây vọng lầu. Một trăm năm chục đại bác cỡ nhỏ đặt rải rác quanh thành, ba khẩu thần công rộng lớn đặt cách Vương phủ không xa, về phía tả, làm tăng thêm vẻ uy nghiêm, đường bệ”. 

3. Lê Quý Đôn mô tả phủ Phú Xuân trong sách Phủ biên tạp lục như sau: “Đất bằng phẳng như bàn tay, rộng hơn 10 dặm, ở giữa là chính dinh, đất cao bốn bên đều thấp, tức là chỗ nổi bật ở giữa đất bằng, ở vị trí Càn trông về hướng Tốn, dựa ngang sống đất, trông xuống bến sông, đằng trước là quần sơn chầu về la liệt”, “có năm lần hổ thủy ôm đằng trước,... có ba lần long sa ngăn bên tả”. 

4. Xem: Paul Boudet et André Masson, Iconographie historique de l’Indochine Francaise, (Paris: Les éditions G. Van Oest, MCM XXXI), p. 23, pl. 26. 

5. Michel Đức Chaigneau trong cuốn hồi ký Souvenir de Hué xuất bản ở Paris năm 1867, cho biết: “Ở Bao Vinh (phía đông Kinh Thành Huế - TĐAS) người Tàu và người Nhật buôn bán rất đông, phần đông hàng hóa lấy xa xỉ phẩm làm chủ yếu. Phần lớn phố xá đô thị khách trú choán ở, các phố đều đầy những hàng hóa Trung Quốc chở đến những vải vóc, đồ sứ, trà, thuốc Bắc, trái cây ướp muối, trái cây ướp đường và đồ chơi… và mua chở về Tàu các thổ sản Việt Nam như cau khô, tơ sống, gỗ sơn, sừng tê, ngà voi…”.
 Quảng Nam, tháng 8/2016
Theo http://www.dienban.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận thơ Nguyễn Hồng Linh

Cảm nhận thơ Nguyễn Hồng Linh Kể từ thi hào Nguyễn Du thắp ngọn đuốc lục bát soi sáng linh hồn thi ca Việt đầy chất triết lý của đời sống ...