Thứ Hai, 28 tháng 11, 2022

Trương Duy Toản - Ngòi bút khả kính

Trương Duy Toản
Ngòi bút khả kính

Từ giữa hạ bán thế kỷ thứ 19 ở Nam bộ, Trương Duy Toản là một ngòi bút khả kính. Ngoài viết văn xuôi, ông còn sáng tác những vở tuồng cải lương dựa theo sách truyện. Trương Duy Toản đã để lại một sự nghiệp đáng kể về văn xuôi và tuồng tích. Tác phẩm: + Văn xuôi: Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân (tiểu thuyết, 1910), Truyện Đơn Hùng Tín An Nam tục kêu Ba Tính (truyện, 1925), Phong trào cách mạng trong Nam (hồi ký, 1956); + Tuồng hát: Bùi Kiệm thi rớt trở về (ca ra bộ, 1917), Kim Kiều hạnh ngộ (ca ra bộ, 1917); Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên (1920), Trang Châu mộng hồ điệp (1923), Hạnh Nguyên cống Hồ, Trang Tử cổ bồn ca (1923), Lưu Yến Ngọc cứu cha đại hiếu (1930). Tên của Mạnh Tự Trương Duy Toản được đưa vào Tự điển Bách khoa Việt Nam, Tự điển Nhân vật lịch sử Việt Nam (1992)…
Vĩnh Long thuộc Nam kỳ Lục tỉnh ngày xưa nằm ở tả ngạn sông Tiền thuộc Đồng bằng sông Cửu Long là miền đất màu mỡ của cải lương và đàn ca tài tử. Không chỉ là quê hương của nhiều nhà cách mạng và văn nghệ sĩ như Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Ông Tây Việt Minh Paul Bastien (1930-2003), nhà thơ Song Hảo, nhà thơ – họa sĩ Đan Thanh NSND Út Trà Ôn (1919-2001), NSND Lệ Thủy, nghệ sĩ Thành Lộc,… và soạn giả tiên phong nổi tiếng Trương Duy Toản.
Nhà văn, chí sĩ Trương Duy Toản.
Trương Duy Toản (1885-1957) tự Mạnh Trạch, bút danh Đổng Hổ gốc người huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Tân An Hội, huyện Mang Thít). Xuất thân từ một gia đình Hán học, thuở nhỏ ông học chữ Quốc ngữ, chữ Hán tại quê nhà rồi sau đó lên Sài Gòn học thêm tiếng Pháp. Ra trường (1905), Trương Duy Toản bắt đầu làm Kinh lịch tại văn phòng tòa  Khâm sứ Nam Vang (Cam-pu-chia). Hai năm sau đổi về Sài Gòn, có cơ hội kết thân với ác phong trào yêu nước chống thực dân Pháp, Trương Duy Toản tham gia Hội Minh Tân do nhà văn Gilbert Trần Chánh Chiếu (1868-1919) chủ bút tờ Lục Tỉnh Tân văn khởi xướng. Để cổ động cho phong trào Minh Tân đồng thời phản đối chính quyền thực dân truất phế vua Thành Thái, ông sáng tác một bài ca theo điệu “Tứ đại cảnh” và cho đăng trên tạp chí Lục Tỉnh Tân văn số 24 ra ngày 30 tháng Tư năm 1908.
Tinh thần yêu nước nung nấu, ông quyết định sang Nhật hoạt động trong Phong trào Đông Du với vai trò thư ký cho hai nhà cách mạng – nhà thơ Phan Bội Châu (1867-1940) và Kỳ Ngoại hầu Cường Để. Với mưu toan làm tan rã phong trào yêu nước này của Phan Bội Châu, thực dân Pháp bắt tay với Nhật Bản, không cho các nhà cách mạng và lưu học sinh Việt Nam ở trên đất nước Phù Tang. Trương Duy Toản phải trở về nước trong khi những người khác phải sang Trung Quốc.
Với vỏ bọc của người cầm bút, Trương Duy Toản cho xuất bản cuốn tiểu thuyết Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân (1910)  đồng thời vẫn ngầm hoạt động tích cực với tư cách là một thành viên nòng cốt của Việt Nam Quang phục hội ở Nam Kỳ. Ba năm sau, ông bí mật đến Thượng Hải để cùng Cường Để sang châu Âu để gặp các nhà yêu nước bên ấy với vai trò thông dịch viên. Tại kinh đô ánh sáng Paris, Trương Duy Toản nhận nhiệm vụ gặp Phan Chu Trinh nhờ đưa thư Cường Để lên chính phủ Pháp trong đó phê phán chính sách thuộc địa ở Đông Dương. Nơi đây, Trương Duy Toản tiếp xúc với Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut nên biết được ý đồ của thực dân là muốn bắt giữ Cường Để. Nhờ đó vị hoàng thân này đã kịp trốn về Trung Quốc. Chính quyền Pháp bắt Trương Duy Toản và Đỗ Văn Y đưa đi quản thúc tại vùng núi rừng hiểm trở Pyrénées, sau đó bị giam vào ngục Santé Prison de la Sant. Mãi tới năm 1916, Trương Duy Toản bị trục xuất trở lại Việt Nam và ông liền bị nhà cầm quyền Nam Kỳ đưa xuống an trí tức là bị giam lỏng, tại làng Nhơn Ái, huyện Phong Điền, tỉnh Cần Thơ giống như trường hợp của nhà văn Kiều Thanh Quế (1914-1947). *
Thời gian bị quản chế với Trương Duy Toản là cơ hội để ông viết các bài ca cho ban nhạc tài tử Ái Nghĩa  để ca trong các thôn xóm. Tiếng lành đồn xa, nhóm Sa Đéc-Amis (Những người bạn ở Sa Đéc) của André Thận (Trần Văn Thận) nhờ soạn cho các bài: Bùi Kiệm thi rớt trở về, Kim Kiều hạnh ngộ thuộc loại ca ra bộ, phổ theo điệu Tứ đại oán (1917): Bùi Kiệm từ khi thi rớt trở về/ Bùi Ông mắng nhiếc nhún trề/ Trách Kiệm rằng ham bề ăn chơi… Đây là các kịch bản sân khấu cải lương đã chính thức ra đời từ năm 1917. Học giả Vương Hồng Sển cũng cũng khen ngợi vở hát này: Năm ấy (1920), bọn anh em học trường Mỹ Tho đổi lên trường Chasseloup-Laubat đều có trong tập bài ca những bài bất hủ của Trương Duy Toản.
Được nhiều người ái mộ, thừa thắng xông lên, Trương Duy Toản tiến tới soạn liên tiếp 3 vở cải lương: Lục Vân tiên, Kim Vân Kiều (hồi 1) và Lưu Yến Ngọc cứu cha đại hiếu. Đặc biệt Kim Vân Kiều, theo NSND Ba Vân (1908-1988), là vở tuồng ăn khách nhất soạn giả viết cho gánh hát của Thầy Năm Tú ở Mỹ Tho (1918).
Vốn là một ngòi bút có tâm huyết, giàu tinh thần dân tộc, khi thấy chính quyền thực dân ít theo dõi mình, Trương Duy Toản tìm cơ hội trở lại nghề làm báo. Nhờ sự giúp đỡ tích cực của nhà văn chủ bút Lục tỉnh Tân văn Trần Chánh Chiếu và ông Trần Văn Của, một chủ nhà in được nhà cầm quyền Pháp nể trọng, ông bắt đầu viết lại cho tờ Thời vụ báo ở Sài Gòn (1919). Trong năm năm sau (1924-1933), Trương Duy Toản làm chủ bút tờ Trung lập, đồng thời giữ luôn mục Thiên hạ đồn rất được nhiều người thích đọc. Khi tờ báo Sài Thành mà Trương Duy Toản cộng tác thêm từ năm 1930 bị đóng cửa, ông chủ trương tờ Dân Quyền do Cendcieux đứng tên thành lập (1936). Nhưng khi báo vừa ra số đầu định phát hành thì bị tịch thu ngay vì có bài vận động cho Đông Dương Đại hội.
Là một cây bút có tư tưởng tiến bộ, trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp (19446-1954), Trương Duy Toản luôn thể hiện lập trường yêu nước trong những trang văn ở tuồng hát và trên báo chí. Những năm cuối đời, Trương Duy Toản vẫn đem hết tâm huyết để thể hiện hồn cốt mình với bút danh Đổng Hổ trong tập Hồi ký Phong trào cách mạng trong Nam Kỳ (1955), đăng liên tục trên tuần báo Tiến Thủ của Lê Văn Thử. Sau khi qua đời tại khu an dưỡng Thanh Đa, Sài Gòn (1957), nhà báo-soạn giả Trương Duy Toản được đưa về yên nghỉ vĩnh viễn tại quê nhà  ở Tam Bình, Vĩnh Long.
Sự nghiệp văn chương của Mạnh Tự - Trương Duy Toản có thể khách quan tóm tắt trong mấy điểm chủ yếu.
Về văn, vị trí ngòi bút Trương Duy Toản nổi bật ở những trang văn mô tả nhân vật nghĩa hiệp bên những bóng giai nhân với lối kết thúc câu chuyện có hậu theo mô típ sáng tác của những tác giả thời trung đại. Nhưng cái điểm sáng lóe lên từ trong đó là ông muốn ký thác tấm lòng yêu nước và ý chí khôi phục lại độc lập tự do cho quê hương mình. Ở tiểu thuyết lịch sử Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân, Trương Duy Toản, dựa vào cốt truyện ly kỳ xây dựng trên cuộc đời lưu lạc của chàng con trai nhà gia thế Vương Thế Trân và nàng Nhan Khả Ái. Chàng giỏi võ nghệ, trọng nghĩa khinh tài hay giúp đỡ người khốn đốn luôn có cuộc sống – cái chết gần kề nhau như sợi tơ mành. Nhưng sau cùng trai anh hùng gái thuyền quyên cũng được sum họp hạnh phúc nhau trong mối lương duyên Tần – Tấn…
Về sân khấu, trong buổi bình minh của cải lương, cùng với Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền (1875-1953), Mạnh Tự Trương Duy Toản đã dặt nền móng vững vàng cho sân khấu dân tộc với những vở tuồng nổi tiếng: Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều, Trang Châu mộng hồ điệp… Trong đó, qua cốt truyện éo hấp dẫn, người đọc còn tìm được cái giá trị luân lý, dạo đức vốn được coi là nền tảng của con người và gia đình trong xã hội.
Trên tất cả trong cuộc đời và sự nghiệp của Trương Duy Toản là tấm lòng, là sự bôn ba ra nước ngoài bên cạnh những nhà cách mạng, những con người yêu nước để tìm con đường giải thoát ách nô lệ, đem lại độc lập tự do cho dân tộc.
Tóm lại, ta có thể coi trong buổi rạng đông của nền văn học quốc ngữ và sân khấu cải lương nước nhà vào cuối thập niên thứ hai của thế kỷ 20, Trương Duy Toản là một ngòi bút khả kính có tinh thần yêu nước rõ nét. Ông đã đem tâm huyết lưu lại những dấu son văn hóa tốt đẹp cho nước nhà không chỉ riêng miền đất mới phương Nam. Nêu ý kiến về vị trí của Trương Duy Toản trong xã hội văn chương, tiểu thuyết gia tiên phong Hồ Biểu Chánh đã nhận xét chính xác: “Mạnh dạn bước vào con đường tiểu thuyết của Nguyễn Trọng Quản, Trần Chánh Chiếu, Trương Duy Toản có ý để ‘cảm hóa và thuyết phục quần chúng'”.
15/12/2021
Nguyễn Thanh
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầ...