Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Tiểu luận của La Quán Miên: Miền Tây Nghệ An trước thế kỷ XV

Tiểu luận của La Quán Miên:
Miền Tây Nghệ An trước thế kỷ XV

Nhà văn, nhà nghiên cứu La Quán Miên sinh năm 1951, quê ở bản Chiêng Đôn, mường Khủn Tinh, nay là xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Ông là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học dân tộc Thái thời kỳ hiện đại. Ngoài dịch thuật, La Quán Miên còn sáng tác nhiều thể loại như thơ, truyện và ký. Về sáng tác, ông có hơn 10 đầu sách, còn về sưu tầm, nghiên cứu có gần 40 tác phẩm. Xin giới thiệu bài viết Miền Tây Nghệ An trước thế kỷ XV đến bạn đọc của tác giả La Quán Miên.
Phong cảnh Thung Mây ở miền Tây Nghệ An ngày nay
MIỀN TÂY NGHỆ AN TRƯỚC THẾ KỶ XV
(Qua sử chính thống và sử thi Thái)
1. Nhập đề
Khái niệm “Miền Tây Nghệ An” (MTNA) chúng tôi dùng ở đây không chính xác như sự phân định của chúng ta ngày nay. Nó chỉ có ý nghĩa “tương đối”, để chỉ vùng đất phía Tây Nghệ An trước khi sáp nhập vào Đại Việt – nước Việt Nam sau này. Từ “sáp nhập” là chúng tôi mượn của tác giả sách Đặc điểm thể loại sử thi Chương ở Việt Nam (Trường hợp Chương Han của người Thái Tây Bắc). Tác giả sách ấy, sau khi tham khảo những công trình nghiên cứu trước đó, đã viết: “Đến năm 1478, vua Lê Thánh Tông sau khi thu phục tiểu vương quốc Bồn Man của người Thái đã sáp nhập vùng Sơn La và các huyện phía tây Thanh Hóa, Nghệ An, tỉnh Hủa Phăn của Lào – vào đất Đại Việt” (1) (Sđd, tr. 19, phần Chú thích 2). “Bồn Man” là dịch từ danh xưng/địa danh của người Thái “Mường Bôn” hoặc “Mường Tôn, Mường Bôn” mà sách Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) gọi là “Tồn Bồn Man”. “Mường Tôn” có nghĩa là “Mường Gốc”, so với vùng Quế Phong hiện nay gọi là “Mường Nọc” = “Mường Ngoài”. Sau khi có Mường Nọc, người Thái phát triển xuống phía Đông và phía Nam, lập nên châu Quỳ Châu (cũ) bao gồm cả vùng đất của cộng đồng Thái ở MTNA, trực thuộc Tiểu vương quốc Bồn Man. Bồn Man tồn tại từ 1369-1478.
Nhà văn La Quán Miên
Về vùng đất MTNA trong lịch sử trước thế kỷ XV rất may là chúng ta có ĐVSKTT để tra cứu. Miền đất này trước mốc thời gian đó là quê hương của người Thái, Ơ Đu, Tày Poọng…, nhưng người Thái là chủ thể. Và cũng rất may là người Thái có 2 bộ sử thi để lại. Đó là “Lai lông mương” (Xuống mường/XM) và “Lai mổng mương” (Trông mường/TM) do Nxb Thời đại, H., 2014, La Quán Miên sưu tầm và dịch. Trong bài viết này chúng tôi dùng cả 2 nguồn sử liệu đó: (1) ĐVSKTT, chính sử; và (2) Văn học dân gian: XM, TM – sử thi Thái. Tác phẩm văn học dân gian bổ sung cho chính sử.
MTNA trước thế kỷ XV như thế nào? Có nhiều khía cạnh cần tìm hiểu, nhưng trong bài viết này chúng tôi chỉ xin nói về: (1) Quá trình “khai mường lập bản” của người Thái; (2) Tài nguyên thiên nhiên (một phần nào đó); và (3) Các sự kiện lịch sử đã trải qua – của vùng đất ấy – mà các tài liệu trên đề cập đến.
2. Một vùng đất giàu đẹp và đã trải qua nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc.
2.1. Quê hương lâu đời của người Thái
“Dân tộc Thái thuộc ngành phía Tây của nhóm các dân tộc thuộc ngôn ngữ Tày-Thái (Táy, Thái, Thay, Dáy, Đài, Kađai…), trong ngữ hệ Nam-Thái (Austro-Thái) tức Thái-Kađai. Khu vực sinh sống của họ được phân bố ở các vùng thung lũng dọc theo các con sông lớn từ nam sông Dương Tử đến Mê Kông, Mê Nam, Irawady, sông Hồng, trong khu vực Bắc Đông Dương, tạo thành một ‘vành đai’ khổng lồ kéo dài từ phía đông đến phía tây vùng Assam Ấn Độ” (2).
Từ thế kỷ VIII, người Thái mở rộng mạnh mẽ về phía nam, có mặt ở Thái Lan, Lào, v.v. Thế kỷ IX-X, họ có mặt ở Tây Bắc Việt Nam. Ở Nghệ An, người Thái có mặt muộn nhất là trước thế kỷ XV, vì Mường Bôn/Bồn Man có từ 1369-1478; và Lê Lợi tiến quân vào miền núi Nghệ An cuối 1424 thì đã thấy người Thái ở đó rồi. Theo sử thi XM thì nhóm Thái đến khai phá MTNA đầu tiên thuộc họ Vi. Sau mới đến họ Lo (Lò). Lo Căm Ỳ (Ài) làm Chủ mường (Chầu mương), có nguồn gốc hoàng thân từ kinh đô Luông Pha Bang – Lạn Xạng (Ai Lao/Lào) đến (3). Ông thuộc “lớp/đợt người thứ 7”: “Then (Lò) mới bảo Tạo Lo Căm (Ỳ/Ài) xuống khai mường lập bản/ Chủ Căm Lạn (sau là thổ quan/đồng tri châu Quỳ Châu) xuống ngồi núi Pu Quai (Quế Phong)/ Bên trên Tạo Lo Căm cai quản/ Bên dưới anh em Lê, Nguyễn cầm quyền” (4). Chủ mường Lo Căm (Lò Vàng) dẫn dắt dân Thái khai phá MTNA hoang dã, mở mang về phía đông và nam, sau này thành châu Quỳ Châu (cũ). Dựa vào sử thi TM mà ta biết được điều đó.
TM đề cập đến các địa danh: (1) Các “Mường” (đơn vị hành chính xã hội Thái cấp trên “bản”): Mường Bôn (Bồn Man/Tồn Bồn Man), Quy Chú Pu Quai (Quỳ Châu-Pu Quai), Mường Nhẹ, Mường Phắt, Mường Thay, Mường Mai, Mường Chuôi, Chiêng Ngam, Mường Miêng, Mường Mùn, Mường Đán, Chơ Le, Mường Quang, Mường Chom, Mường Nhôn, Mường Hám, Mường Ken, Xân Ham, Mường Chọng, Mường Quả, Mường Lào, Mường Pắt, Mường Hay, Mường Xối, Mường Cạt…; (2) “Bản” (đơn vị hành chính cấp cơ sở): Chiêng Đài, Chiêng Bán, Chiêng Chù, Chiêng Chá, Chiêng Chạy, Chơ Vắn, Bản Có, Bản Bòn, Có Bà, Đón Cớn, Đón Cham, Bản Lằm, Bản Pỏn, Chóm Lau, Bản Mòng, Bản Lạo, Bản Xàn, Bản Tạ, Lau Tắm, Khún Đốm, Quai Loi, Chăm Hiêng, Bản Hàng, Có Cại, Piêng Căm, Bản Nhạ, Bản Nạt, Bàn Thằm, Bản Diềm, Chiêng Đôn, Bản Hạt, Bản Lòng, Na Ca, Na Cóng, Bản Pựn, Bản Mai, Bản Câng, Pả Hạ, Chiêng Đá, Chiêng Quá, Nặm Họn, Pả Phảy, Bản Mai, Bản Yềng, Chiêng Phó, Chiêng Phú…; (3) Đền thờ: Đền Tạm (sau này là đền Chín Gian (Tến Cầu Hòng), Đền Chọng…; (4) Chùa chiền: Thạt Luổng…(5). Như vậy, dõi theo các địa danh, ta thấy người Thái đến khai phá, mở mang, khai mường lập bản ở MTNA bắt đầu từ Quế Phong, xuống Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, đến Tân Kỳ, Anh Sơn, rồi ngược lên Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, và sang Lào (về Bồn Man – Lạn Xạng/Ai Lao).
Từ thời Lý, năm 1041, Uy minh hầu Lý Nhật Quang (988 – 1057) vào làm Tri châu Nghệ An, đã mở đường “thượng đạo” giao tiếp với Bồn Man. MTNA trước thế kỷ XV thường bị Ai Lao và Xiêm La tranh chấp. Bồn Man và Ai Lao nhìn chung thần phục Đại Việt. Tiểu vương quốc và vương quốc ấy thường sang triều cống.
2.2. Một vùng đất giàu có, nhiều sản vật và kim loại quý hiếm.
Sách ĐVSKTT (Nxb KHXH, H., 2009, tập 2) chép: “Giáp Dần, Thiệu bình thứ 1, Minh Tuyên Đức thứ 9, năm 1434, tháng 6, ngày mồng 8, Mường Bồn [Bồn Man], nước Ai Lao sai người sang cống lễ vật (tr. 396). “Năm 1448, tháng 3 ngày 1, Bồn Man sai người sang cống sừng tê, vàng bạc và 1 con voi 3 ngà (?). Khi đi qua Nghệ An, được lệnh để con voi ấy ở lại quân phủ [trị sở quân đội 1 phủ, như “doanh”] (tr. 564 – 565). Mùa thu, tháng 7, châu Quy Hợp [thuộc Mường Bồn] dâng 2 voi. Trước kia Quy Hợp vốn gọi là Tồn Bồn Man, phụ thuộc Ai Lao. Từ khi Thái tổ (Lê Lợi) dựng nước mới sang tiến cống, đến đây lại dâng voi, xuống chiếu đổi thành châu Quy Hợp (tr. 456 – 457). Tháng 11, mồng 9, Mường Bồn sang cống các thứ ngà voi, sừng tê, bạc, vải. Giáp Tuất, Diên Ninh thứ 1, minh Cảnh Thái thứ 5, năm 1454, đầu mục Mường Bồn là Lang Tra hồi tháng giêng đem cống lễ vật (tr. 478). Canh Dần 1470, tháng 12, ngày mồng 7, thổ quan phủ Ngọc Ma là Cầm Lệ đến chầu, tiến cống sản vật (tr. 557) v.v...
Qua những sản vật cống nạp, có thể hình dung Bồn Man là xứ giàu có những sản vật của rừng núi; là xứ rừng núi hoang dã, mênh mông, cây cối um tùm, xanh tươi; là nơi sinh tụ của nhiều loài thú rừng quý hiếm (như tê giác, voi, v.v...). Chả thế mà có cả 1 địa danh là “Nọng Hét”, tức là “Ao/đầm tê giác” ở Xiêng Khoảng-Lào! Ngoài các loài thú quý hiếm, dưới lòng đất Bồn Man còn chứa các mỏ kim loại quý như: vàng, bạc…
MTNA còn là vùng đất đã trải qua nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc.
2.3. Trải qua nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc.
Nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc diễn ra ở vùng MTNA từ đời Lý, đến Trần, Lê (nhất là đời Lê) được ghi chép khá đầy đủ và cụ thể.
Thời Lý, năm 1044, [vua] xuống chiếu cho các tù binh [Chiêm Thành] đều được nhận người cùng bộ tộc, cho ở từ trấn Vĩnh Khang (Tương Dương-Nghệ An) đến Đăng Châu (nay là Quy Hóa, Yên Bái, Lào Cai), đặt hương ấp phỏng tên gọi cũ của Chiêm Thành (ĐVSKTT, bản khắc in năm 1697, tr. 336).
Đời Trần, Giáp Tuất, Khai Hựu thứ 6, Nguyên Nguyên Thống thứ 2, năm 1334, mùa xuân, Thượng hoàng [Trần Hiến tông] tuần thú đạo Nghệ An, thân đi đánh Ai Lao. Lấy Nguyễn Trung Ngạn làm Phát vận sứ Thanh Hóa, vận tải lương thực đi trước. Xa giá tới châu Kiềm (tức Mật Châu, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An). Ai Lao nghe tin chạy trốn. Sai Trung Ngạn mài vách núi khắc chữ ghi công rồi về (bài văn ở núi Thành Nam, thôn Trầm Hương, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, nét chữ to bằng bàn tay, tạc vào đá sâu đến hơn một tấc (ĐVSKTT, Nxb KHXH, H., 2009, tập 2, tr. 153 – 154). Ất Hợi, Khai Hựu thứ 7, Nguyên Chí Nguyên thứ 1, năm 1335, mùa thu, tháng 9, Thượng hoàng thân đi đánh Ai Lao bị thua, Đoàn Nhữ Hài bị chết đuối. Bấy giờ Nhữ Hài chỉ huy quân Thần Vũ và Thần Sách, kiêm chức kinh lược đại sứ Nghệ An, mà Ai Lao xâm lấn đất Nam Nhung (tên ấp ở huyện Tương Dương), là thuộc ấp của Nghệ An, cho nên lấy Nhữ Hài làm đốc tướng, các quân đều chịu sự chỉ huy của ông… Trại nó (địch) sát ngay sông lớn Tiết La (Nặm Pao/Sông Lam), … Đến ngày giao chiến, mây mù che tối, giặc đã phục sẵn voi ngựa, hai mặt giáp công, quan quân thua to, sa xuống nước chết đuối đến quá nửa (ĐVSKTT, Sđd, tr. 154 – 155). Đinh Sửu 1337, Nhân Huệ vương đi dẹp ấp Nam Nhung khi trước… Khánh Dư đi đánh Nam Nhung, từ Nghệ An (thành Nghệ An ở Hưng Nguyên) đi bộ mấy ngày, đến sông Nam Nhung mới đục gỗ làm thuyền (ĐVSKTT, bản khắc in năm 1697, tr. 157).
Đời Lê, năm 1420, mùa đông, tháng 10, tên Đồng tri châu Quỳ Châu là Cầm Lạn dẫn bọn Lý Bân, Phương Chính đem hơn 10 vạn quân, theo đường Quỳ Châu, đến thẳng Mường Thôi (Thanh Hóa). Vua (Lê Lợi) phục kích chúng ở Thi Lang (hay Bồ Thi Lang, là một địa điểm gần căn cứ của nghĩa quân lúc ấy), Bân và Chính chỉ chạy thoát được thân mình (ĐVSKTT, Nxb KHXH, H., 2009, tập 2, tr. 308).
Giáp Thìn, Minh Vĩnh Lạc thứ 22, năm 1424, mùa thu, tháng 9, ngày 20, vua (Lê Lợi) chỉ huy quân và voi đánh úp đồn Đa Căng (có lẽ là Bất căng, thuộc xã Thọ Nguyên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa ngày nay, đồn này nằm trên hữu ngạn sông Chu), phá được đồn này. Khi qua núi Bồ Lạp (có sách chép là Bồ Cứ) thuộc Châu Quỳ (Bồ Lạp, tên núi, cũng gọi là Bồ Cứ, Bồ Đằng, là một ngọn núi ở xã Châu Nga, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Nhân dân địa phương thường gọi là Bù Đờn và phía đông-bắc có một bản nhỏ gọi là Bản Liệp. Vùng này ngày nay thuộc xã Châu Nga, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An), thì gặp tên Chỉ huy đồng tri nhà Minh là Sư Hựu cùng viên thổ quan là Tri phủ châu Trà Lân – Cầm Bành đem 5.000 quân đón ở phía trước, lại có các tướng Minh – Trần Trí, Lý An, Phương Chính, Thái Phúc đem quân tiếp đến uy hiếp mặt sau. Trời sắp tối, vua bèn phục sẵn binh trong rừng. Bọn Phương Chính đến, vua tung quân ra đánh. Quân Minh tan vỡ lớn. Ta chém được Đô ty Trần Trung và hơn 2.000 thủ cấp quân giặc, bắt được hơn 100 cỗ ngựa. Quân Minh tháo chạy. Hôm sau, quân ta tiến đến trang Trịnh Sơn (là Kẻ Trịnh, nay thuộc xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, cách thành Trà Lân [hay Trà Long] hơn 10 km), gặp Sư Hựu ở đó, lại cả phá chúng, chém được thiên hộ Trương Bản và hơn nghìn quân giặc. Hựu chỉ chạy thoát thân mình. Vua dẫn quân đến sách Mộc. Bọn Trần Trí đuổi theo đến núi Trạm Hoàng, nhưng vì đã nhiều phen bị thua đau, không dám tiến sâu, lui về giữ thành Nghệ An. Mùa đông, tháng 11, vua sai người chiêu dụ Cầm Bành. Bành cự tuyệt không theo, mình hắn cùng với hơn ngàn quân lên dựng rào lũy trên đỉnh núi để đón quân cứu viện. Vua đem quân tới bao vây.
Tháng 12, Sơn Thọ nhà Minh sai Nguyễn Sĩ đưa trả Lê Trăn để cầu hòa. Bọn Phương Chính, Sơn Thọ đến Nghệ An, muốn cứu Cầm Bành nhưng không dám tiến quân, bèn sai người đem thư xin vua giải vây cho Bành. Bấy giờ, Cầm Bành cố thủ, vây đã hơn một tháng chưa lấy được, lại nghe tin quân cứu viện tới. Vua bèn viết thư để trên bè cho thuận dòng trôi xuống. Trong thư vua nói thác là vẫn muốn theo lời thỉnh cầu của họ, trở về Thanh Hóa. Nhưng lại bị Cầm Bành chặn đường, nếu có lòng thương thì xin cho một người tạm đến hòa giải để thông đường về. Bọn Chính nhận được thư, sai Trần Đức Nghị chạy đến bảo Cầm Bành hòa giải, Cầm Bành biết là viện binh không đến, mở cửa thành ra hàng, châu Trà Lân đã dẹp yên. Vua ra lệnh cho quân rằng: “Cầm Bành đã đầu hàng, chớ có mảy may xâm phạm, tha tội cho tất cả, không được giết một người nào” (Sau Cầm Bành mưu phản, vua giết chết). Vua vỗ về, an ủi bộ lạc, khao thưởng các tù trưởng. Tuyển chọn đinh tráng  bổ sung quân ngũ được 5.000 người, thế quân càng mạnh. Quân Minh nghe tin Cầm Bành đã hàng, liền quay lại đánh trại Trà Lân. Vua lại đánh phá được (ĐVSKTT, Sđd, tr. 316 – 317).
Đinh Mùi, Minh Tuyên Đức thứ 2, năm 1427, mùa hạ, tháng 4, (vua) cấm không được trao đổi mắm muối với Cầm Lạn (ĐVSKTT, Sđd, tr. 340). Mùa hạ, tháng 6, ngày 10, Phụ đạo Cầm Lạn quy thuận (ĐVSKTT, Sđd, tr. 341). Đinh Tỵ, Thiệu Bình thứ 4, Minh Chính Thống thứ 2, năm 1437, mùa đông, tháng 12, ngày mồng 1, Lấy … Trấn phủ sứ châu Phục Lễ là Lê Ngạn làm Tri châu Quỳ Châu (ĐVSKTT, Sđd, tr. 437). Kỷ Tỵ, Thái Hòa thứ 7, Minh Chính Thống thứ 4, năm 1449, tháng 8, lấy Trung Bắc vệ đồng tri Lê Trạo làm Quỳ Châu kinh lược đại sứ (ĐVSKTT, Sđd, tr. 472). Canh Thìn 1460, tháng 12, sai Thái phó Lê Liệt, Thái phó Lê Lựu, thái bảo Lê Lăng dẫn các quân chia đường đi đánh họ Cầm (tức họ Lư Cầm, tù trưởng Bồn Man) (ĐVSKTT, bản khắc in năm 1697, tr. 493). Kỷ Hợi, Hồng Đức thứ 10, Minh Thành Hóa thứ 15, năm 1479, tháng 6, ngày mồng 7, vua xuống chiếu đi đánh Bồn Man… Chia 5 cánh quân.
Tháng 8, ngày 23, sai tướng thần đem 18 vạn quân, chia 5 đường đi đánh Ai Lao, Bồn Man, Lão Qua, đều phá tan cả (ĐVSKTT, Sđd, tr. 590 – 596)… Sai chinh Tây tướng quân Sùng quận công Lê Thọ Vực đem quân đi theo đường chính Trà Lân, chỉ huy các doanh du kích, đánh Ai Lao và Bồn Man. Sai Trấn Lỗ tướng quân Lê Đình Ngạn chỉ huy các doanh hoành dã từ đường Ngọc Ma tiến sang để đón chặn đường giặc chạy. Du kỵ phó tướng quân là bọn Lê Lộng tiến theo đường châu Thuận Mỗi để chẹn yết hầu giặc. Thảo tặc phó tướng quân là bọn Lê Nhân Hiếu thì theo đường Phủ Thành Đô mà đánh vào chỗ sơ hở của giặc. Năm đạo quân cùng hợp đồng mà đánh Ai Lao, phá tan bọn chúng, vào thành Lão Qua (Luông Pha Bang, tục gọi Mường Luông), tịch thu của cải châu báu. Quốc vương nước ấy chạy trốn. Ta bắt sống dân chúng, chiếm lấy đất đai, đến tận sông Trường Sa (sông Kim Sa, tức là Irawadi ở Miến Điện), giáp biên giới Miến Điện, thắng trận trở về…
Tháng 12 ngày 28, lại đánh Bồn Man. Sai tướng quân Kỳ quận công Lê Niệm đeo ấn tướng quân, mang 30 vạn quân đánh Bồn Man, Chinh Tây quân doanh đánh nước Lão Qua bị giặc Bồn (Man) đón đánh chặn làm mất. Quân vào cửa ải, Cầm Công bỏ chạy rồi chết. Quân ta đốt thành, đánh phá các thành khác, đốt các kho tàng. Trước đây dân chúng Bồn Man có đến 9 vạn hộ, nhưng bị chết đói gần hết, chỉ còn hơn 2.000 người, mới sai người tới xưng thần xin hàng. Bèn phong cho người giống nòi đó là Cầm Đông làm Tuyên úy đại sứ, lại đặt quan lại trấn giữ các huyện để cai trị. Sau Cầm Đông lại làm phản (ĐVSKTT, Sđd, tr. 738 – 748). V.v.
3. Kết luận
MTNA, quê hương lâu đời của người Thái và các dân tộc anh em, ngay từ khởi nguồn đến trước thế kỷ XV, đã là vùng đất giàu có những sản vật và khoáng vật quý hiếm; là mảnh đất đã từng ghi dấu những sự kiện lịch sử oai hùng của dân tộc chống ngoại xâm, giữ yên bờ cõi và đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Đó là di sản vật chất và tinh thần quý báu để lại cho hôm nay và mai sau; nhắc nhở chúng ta phải bảo vệ môi trường sinh thái đa dạng và giữ lấy truyền thống yêu nước, xây dựng và bảo vệ MTNA của Tổ quốc phát triển, bình yên.
Chú thích:
(1) Phạm Đặng Xuân Hương, Đặc điểm thể loại sử thi Chương ở Việt Nam (Trường hợp Chương Han của người Thái Tây Bắc), Nxb VHDT, H., 2016, tr. 19.
(2) Phạm Đặng Xuân Hương, Sđd, tr. 13.
(3) Lê Sỹ Giáo, Vài nét về quan hệ xã hội của người Thái ở mường Ca Gia (Thanh Hóa), Tạp chí Dân tộc học, H., số 2/1979, tr.63- 69.
(4) La Quán Miên, “Lai lông mương” (Xuống mường) và “Lai mổng mương” (Trông mường), Nxb Thời đại, H., 2014, tr. 75.
(5) La Quán Miên, Sđd, tr. 93-137.
Tài liệu tham khảo:
(1) Lương Ninh (chủ biên), Nghiêm Đình Vì, Đinh Ngọc Bảo, Lịch sử Lào (giáo trình chuyên về lịch sử Đông Nam Á), Trường ĐHSP HN, 1991.
(2) Chu Thái Sơn, Cầm Trọng, Người Thái, Nxb Trẻ, 2005.
(3) Nguyễn Duy Thiệu chủ biên, Các dân tộc ở Đông Nam Á, Nxb VHDT, H., 1997.
(4) Cầm Trọng, Phan Hữu Dật, Văn hóa Thái Việt Nam, Nxb VHDT, H., 1995.
(5) Đặng Nghiêm Vạn, Dân tộc Văn hóa Tôn giáo, Nxb KHXH, H., 2001.
18/11/2022
La Quán Miên
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Những bí ẩn vẫn chưa có lời giải của văn học Anh 31 Tháng Tám, 2022 Nhà văn nào cũng lấy tư liệu từ chính cuộc sống của mình. Chính vì...