Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Tiểu luận Bùi Công Thuấn: "Chuyện tình ở Hầm Hinh" của Trần Thu Hằng

Tiểu luận Bùi Công Thuấn: "Chuyện tình
ở Hầm Hinh" của Trần Thu Hằng

Nhà văn Trần Thu Hằng là cây bút nữ thuộc thế hệ 7x, quê quán Hà Nam, tốt nghiệp Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM, hiện là Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Đồng Nai, Ủy viên Hội đồng Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam khóa X.
Trần Thu Hằng đã xuất bản 2 tập truyện ngắn, 5 tiểu thuyết, 5 tập truyện thiếu nhi và được nhận các giải thưởng văn học cho các tác phẩm: Phu đàn Nam Giao – Giải khuyến khích Cuộc thi Truyện ngắn Trẻ – Hội Nhà văn Việt Nam năm 1997, Đàn đáy – Tặng thưởng Cuộc thi Tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 2000 – 2005), Chuyện tình ở Hầm Hinh – Tặng thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đề tài cách mạng và kháng chiến 1930 – 1975 và Giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức lần thứ IV cùng một số giải thưởng truyện ngắn khác, mới nhất là Giải thưởng Truyện ngắn Cuộc thi Sống đẹp lần II – 2022 của Báo Thanh Niên.
Xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của nhà phê bình văn học Bùi Công Thuấn về tiểu thuyết Chuyện tình ở Hầm Hinh của Trần Thu Hằng.
Nhà văn Trần Thu Hằng
Trong các tác phẩm của Trần Thu Hằng, Chuyện tình ở Hầm Hinh (được Nhà xuất bản Đồng Nai xuất bản với tựa sách Chuyện chưa kể ở núi Chứa Chan) là tiểu thuyết nhận Tặng thưởng Cuộc vận động sáng tác đề tài kháng chiến và cách mạng (giai đoạn 1930 – 1975) của Liên hiệp Toàn quốc các Hội VHNT Việt Nam. Đây là tiểu thuyết đạt yêu cầu cao nhất của tiêu chí đề tài chiến tranh cách mạng ở Đồng Nai, Giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức lần thứ IV (2011 – 2015), và cũng là tác phẩm đạt được những phẩm chất nghệ thuật giàu sức sáng tạo.
Trong một chuyến đi công tác ở Việt Nam, Leroy (một nhà báo và nhiếp ảnh Pháp) gặp bà Mai Thùy Dobré, cô giáo cũ, nghe cô kể chuyện tình của mình với Pierre và sau đó với Ba Dương (Trần Hồng Dương). Khi về Pháp, Leroy đích thân tìm hiểu về trại tỵ nạn Grand Arènas nơi bà Thùy Mai đến đó năm 1947, và đến gặp Pierre ở đảo Corse gặp Pierre để tìm hiểu những vấn đề có liên quan đến bà Thùy Mai. Bối cảnh câu chuyện là một không gian rộng, từ mật khu Hầm Hinh dưới chân núi Chứa Chan, vùng Xuân Lộc, Sài Gòn, những ngày trước và sau cách mạng tháng Tám; mở rộng sang Lyon, Marseille, đảo Corse ở Pháp. Câu chuyện từ hiện tại (2005), lúc những người trồng rừng tìm thấy hài cốt Ba Dương quy tập về nghĩa trang liệt sĩ, ngược về năm 1943, lúc bà Thùy Mai 16 tuổi, là nữ sinh trường Gia Long Sài gòn, sau đó là những năm trước cách mạng tháng tám 1945.
Truyện ca ngợi những chiến sĩ cách mạng trung kiên như Ba Dương, Hai Huệ, và những cán bộ Việt Minh, qua cái nhìn của kẻ thù thực dân Pháp mà đại diện là Pierre. Tác giả không miêu tả trực diện cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng, mà thuật lại hành động kiên cường dũng cảm của họ qua mắt nhìn của Thùy Mai và Pierre, qua sự thú nhận thất bại của chính kẻ thù. Đây là một góc trần thuật giúp tác giả tránh được cách viết ký về “người thật việc thật” như các truyện viết về đề tài chiến tranh cách mạng trước đây, bởi cho đến nay, những “người thật việc thật” ấy đã được khai thác đến cạn kiệt theo cách viết lý tưởng hóa, trở thành tác phẩm anh hùng ca.
Sự kết hợp giữa hiện thực và hư cấu nâng tác phẩm lên thành thế giới nghệ thuật. Người đọc không thể đọc tác phẩm này như một truyện ký, mà là một tiểu thuyết. Tác giả vượt qua được sự gò bó về sử liệu, về sự chuẩn xác của những địa danh, con người, sự việc như trong truyện ký trước đây, mặc dù trong tác phẩm có miêu tả cụ thể mật khu Hầm Hinh dưới chân núi Chứa Chan, miêu tả việc quy tập hài cốt liệt sĩ Trần Hồng Dương về nghĩa trang liệt sĩ, cả chi tiết Ba Dương đưa bà Thùy Mai đến gặp tướng Huỳnh Văn Nghệ và định tháng 7/1947 sẽ đám cưới và ở lại chiến khu Đ.
Phẩm chất nghệ thuật của Chuyện tình ở Hầm Hinh thể hiện ở nhiều bình diện của tác phẩm. Tôi rất thích lời văn giàu chất văn chương – trí thức của Trần Thu Hằng, nhiều câu văn chứa đựng được trọng lượng của tư tưởng. Hẳn nhà văn đã mất rất nhiều công sức tìm hiểu lịch sử, địa lý ở núi Chứa Chan, những hoạt động của Việt Minh vùng Xuân Lộc, Sài Gòn xưa. Tôi thực sự ngạc nhiên khi Trần Thu Hằng mở rộng ngòi bút của mình đến những vùng không gian thời gian rất xa, Xuân Lộc, Chiến khu Đ, Sài Gòn, Côn đảo, miền tây, sang Cambodia, về Điện Biên Phủ, đến Lyon, Marseill, trại tỵ nạn Grand Arènas, đảo Corse ở Pháp những năm từ 1943 đến 2005. Dù là tiểu thuyết hư cấu nhưng nhà văn tạo được lòng tin nơi người đọc về sự chân thật nghệ thuật. Đó là một thành công, thành công của rất nhiều mồ hôi và trí tuệ, nhưng khẳng định được sự cẩn trọng và có trách nhiệm của một ngòi bút đối với người đọc.
Chuyện tình ở Hầm Hinh – Tiểu thuyết của Trần Thu Hằng
Sự đan cài hiện tại với quá khứ trong trong nghệ thuật kể truyện trong kể truyện tạo nên cấu trúc kép, đa tầng cho không gian thời gian của tiểu thuyết, tạo nên phẩm chất hiện đại của tiểu thuyết. Có hai tuyến truyện song song đan cài vào nhau. Tuyến của nhà báo Leroy, từ một chuyến công tác ở hiện tại, gặp gỡ cô giáo cũ là bà Mai – Thùy Dobré trong đoàn công tác tại Việt Nam. Sau 10 ngày làm việc ở Hà Nội, Hạ Long, Điện Biên, đoàn đến vùng cao su lớn nhất Đông Dương. Từ đó Leroy đeo bám câu chuyện của bà Thùy Mai, từ Việt Nam về Pháp, từ hiện tại dịch chuyển về quá khứ. Chuyện tình của bà Thùy Mai được chính bà kể lại, sau đó là Pierre kể lại. Leroy là người điều tra sự việc và điều tiết việc kể truyện.
Tài năng của tác giả là ở chỗ, tuy cấu trúc truyện đa tầng, song cách kể rất mạch lạc và luôn giữ được sức hấp dẫn của từng chương, giữ được độ căng nghệ thuật từ đầu dến cuối tác phẩm, và giữ được sự bí mật của chủ đề cho đến khi người đọc gấp cuốn sách lại và ngẫm nghĩ. Cuốn sách bắt người đọc phải ngẫm nghĩ không dứt ra được về những con người của quá khứ, những vấn đề của lịch sử và chiến tranh, về những điều tưởng như đã rất cũ (sức mạnh của Việt Minh, sự thất bại của thực dân Pháp, phẩm chất anh hùng của người Việt Nam, về người phụ nữ Việt trong chiến tranh…), và cái hay của tiểu thuyết chính là ở giá trị này.
Sự pha trộn chất điều tra trinh thám, chất thời sự chính trị, chất chiến tranh cách mạng và chuyện tình tay ba, tay tư (Thùy Mai, Pierre, Ba Dương, Hai Huệ) tạo nên một thế giới nghệ thuật rất riêng, nhiều màu sắc, đáp ứng được nhiều đối tượng độc giả, đáp ứng được cả việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của người cầm bút. Nói cách khác, cách viết này đáp ứng được nhu cầu của văn chương thị trường, nhưng cũng góp phần giáo dục phẩm chất, truyền thống cách mạng của con người Đồng Nai cho công chúng. Người đọc chắc chắn dành nhiều tình cảm cho Ba Dương, Hai Huệ, Thùy Mai, những con người ở hoàn cảnh riêng của mình, thể hiện được lý tưởng, sức mạnh bản lĩnh Việt Nam. Nhân vật Thùy Mai là một nhân vật phức tạp, được xây dựng trong những hoàn cảnh phức tạp, nhưng bản lĩnh ngòi bút tác giả giữ cho ánh sáng của nhân vật này sáng hơn lên trên nền của những bóng tối…
Có nhiều điều để viết về tác phẩm này, nhưng xin dành để độc giả chia sẻ. Xin chúc mừng nhà văn Trần Thu Hằng đạt giải Trịnh Hoài Đức lần thứ IV với tác phẩm này. Giá trị của tác phẩm không chỉ ở giải thưởng mà còn ở sự vượt lên của ngòi bút nhà văn. Với Đàn đáy (2005), Rừng thiêng vẫy gọi (2006), Người đàn bà lưu vong (2008) và Chuyện tình ở Hầm Hinh, Trần Thu Hằng trở thành nhà văn trẻ viết tiểu thuyết hấp dẫn của Văn nghệ Đồng Nai. Và vì thế người đọc Đồng Nai có quyền hy vọng.
17/12/2022
Bùi Công Thuấn
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt Theo chính sử Trung Hoa thì Lưu Tử Nghiệp, tự Pháp Sư, là con trưởng của Hiếu Vũ đế...