Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Tiếng lá yêu thương trong thi tập "Tiếng mưa"

Tiếng lá yêu thương
trong thi tập "Tiếng mưa"

Tiếng mưa là tập thơ đầu tay, vừa mới xuất bản tháng 9.2022 của nữ tác giả Vũ Trần Anh Thư. Tập thơ “có đến hơn mười lần thi ảnh mưa với những biến thể khác nhau tìm cách khởi lên giữa các dòng thơ. À, mà không chỉ gói vào hình ảnh mưa, dần dần mưa được nới rộng ra làm thành một biểu tượng của thiên nhiên, cao hơn là của thế giới tự nhiên mà bằng cách này hay cách khác đã đậu rất ngọt trong thơ Vũ Trần Anh Thư” [1]. Tuy nhiên, bên cạnh “mưa”, các biểu tượng thiên nhiên như gió, mây, dòng sông, bầu trời… trong tập thơ cũng khá ấn tượng. Có thể thấy hình tượng “lá” là một ví dụ.
Nhà thơ Vũ Trần Anh Thư
Trong Tiếng mưa, “lá” phủ đầy ở cả hai hình thức: trực tiếp- hiển hiện và gián tiếp- hàm ẩn trong ý thơ. Ở hình thức trực tiếp, có đến 15/56 bài thơ trong thi tập (chiếm 27%) xuất hiện từ “lá”. Trong đó, có 2 bài, Vũ Trần Anh Thư dùng “lá” để đặt tên cho nhan đề: “Trò chuyện cùng chiếc lá”, “Ru lá”. Ở hình thức gián tiếp- hàm ẩn, lá “ngầm” trong những liên tưởng hình tượng thơ. Lá gợi hình trong cánh võng quê hương, trong hương đồng nội, trong rặng tre, cánh diều:
“À ơi vách đất nhà tre
nâng niu con những giấc hè ban trưa
à ơi liếp mỏng giậu thưa
đong hương đồng nội mẹ đưa gió về”
(Cánh võng đưa hương – Tr.19)
Trong sự liên tưởng mai sau “vỏ hạt tách mầm trỗi dậy” nở thành cây lá:
“Hạt giống nhân văn
mẹ gieo trên cánh đồng con
hồi hộp chờ vỏ hạt tách mầm trỗi dậy”
(Cánh đồng của mẹ – Tr.58)
Không chỉ xuất hiện nhiều, “lá” trong thơ Vũ Trần Anh Thư còn “đậm”. Ngay trong những bài về “mưa” mà tác giả lấy làm nhan đề thì “lá” vẫn ánh rạng xúc cảm:
“Một chút mưa
nghe đông về trong phố
phố thở dài ngóng chiếc lá vàng bay
ai hờ hững quàng khăn chờ gió lạnh
một chút tháng Mười rưng rưng heo may”
(Mưa về trong phố – Tr.62)
Thêm nữa, Vũ Trần Anh Thư để “lá” biểu đạt nhiều mảnh tâm trạng khác nhau. Có lúc, cây lá như reo lên sung sướng cùng cô con gái khi người cha bị ốm đã khỏe lại:
“Vườn xanh mướt mưa bóng mây vừa dứt
cây lá hân hoan, cha khoẻ lại rồi
chợt thấy bình yên bình yên quá đỗi
thế giới của con trong bóng cha ngồi”
(Sứ giả của mùa vui – Tr.17)
Khi là niềm hạnh phúc ngọt ngào của người mẹ trẻ với kết quả chăm sóc nuôi dạy con cái:
“Cánh đồng của mẹ ơi
hạt giống mẹ gieo năm xưa
đã lên xanh đến thế
mùa này con mười tuổi
mẹ lặng im nghe
những ngọt ngào thơm thảo rót vào trong.”
(Cánh đồng của mẹ – Tr.59)
Khi là khúc điệu da diết yêu thương mà tác giả thay nhân vật trữ tình “Anh” tấu lên:
“Em nghe không
lá và lá
đang ngân lên khúc điệu…”
“Mình dìu nhau tới khu vườn vàng lên màu lá
mùa thu ngân khúc điệu ngày yêu”
(Khu vườn – Tr.77, 78)
Có lúc, lá hô ứng giao cảm với đôi tay và rung ngân phím dương cầm cùng nhạc sĩ trong “Khúc giao mùa”:
“lao xao lá sấu rụng
 nao nao sắc đỏ lộc vừng
 búp bàng tơ nõn
ngoài kia nắng đang lên”
(Khúc giao mùa –  Tr.36)
Khi mượn thi ảnh “lá” để độc thoại nội tâm:
“Mơ ngày cúc quỳ vàng ruộm
lại gặp một miền xanh mơ
lòng như lá hoa tươi lại
sau mùa bão lũ tơi bời”
(Ngày rừng mơ tiếng cúc quỳ – Tr.39, 40)
Và nhiều hơn cả là “lá” với tình yêu:
“Mắt em đằm như lá lúa
anh ấp vào có say không”
(Bài thơ nhỏ – Tr.54)
“Gió mùa cuốn sợi heo may
lá bùa miết mải mê say cuốn tình”
(Cuốn – Tr.21)
“Như chiếc lá cuối cùng nán lại trên cây
bởi biết em ngắm hàng giờ sau ô cửa”
(Chỉ còn anh ở lại – Tr.22)
Còn nhiều nữa… Đủ thấy, “lá” trong thơ của một người con gái “mang đậm vẻ đẹp nữ tính về nhiên nhiên, con người, tình yêu và tình mẫu tử”[2] khá đa dạng, phong phú. Điều đáng nói hơn là Vũ Trần Anh Thư viết về lá rất hay. Có lúc, tưởng như cô “kế thừa” cách nói “lá rơi rất nhẹ, như là rơi nghiêng” của thần đồng thơ Trần Đăng Khoa:
“Có một ngày em đi qua tôi
nhẹ như hơi thở
trời cuối thu ráng chiều bảng lảng
chiếc lá rơi nghiêng”
(Thu xưa – Tr. 69)
Nhưng thực ra, ý thơ của Vũ Trần Anh Thư  có thi vị riêng. Không phải là ẩn dụ chuyển đổi cảm giác (đưa hình ảnh từ thị giác “nghiêng” sang cảm nhận bằng thính giác “nghe”) như  Trần Đăng Khoa, Vũ Trần Anh Thư để chiếc lá rơi qua ánh mắt trong “trời cuối thu ráng chiều bảng lảng”. Vậy là, “chiếc lá” vừa là hình ảnh thực qua ánh nhìn, vừa là hình ảnh ẩn dụ cho cảm xúc trong lòng chàng trai khi “em đi qua tôi/ nhẹ như hơi thở”. “Rơi nghiêng”- chiếc lá chao trong gió- gợi đến sự chông chênh, xao xuyến khi nhớ thu xưa – người xưa! Chiếc lá cũng nhẹ như bước chân em, thoảng như hơi thở em. Chút thôi, nhưng hình như làm nghiêng cả bầu trời nỗi nhớ?
Có lúc, Anh Thư dùng “lá” để triết lý:
“Âu yếm hôn đôi chân mỏi
ta về thương lấy ta thôi
lại thêm một mùa lá đổ
chớp mắt là thời gian trôi…”
(Phút dừng chân – Tr. 57)
Biểu đạt thời gian, nữ thi sĩ dùng hình ảnh “mùa lá đổ”. Đó là cách nói thường thấy để chỉ mùa thu đến, chỉ năm tháng trôi. Lá đổ - ấy là sự biến đổi, vô thường của thiên nhiên. Con người cũng vô thường, biến đổi như chiếc lá - như tự nhiên quanh ta.“Thêm một mùa lá đổ” là thêm một tuổi cho con người. Nhưng đó không phải tuổi lớn lên, trưởng thành của bé thơ. Mà đó là tuổi “đổ” - lão hóa, già đi, về chiều. Trong chớp mắt của cõi nhân sinh, nữ thi sĩ có phút dừng chân để yêu thương, chăm sóc chính bản thân mình: “Âu yếm hôn đôi chân mỏi/ ta về thương lấy ta thôi”. Chính hình ảnh của lá đã tạo nên nhận thức và hành động rất đỗi tự nhiên. Đó cũng như lời nhắc nhở thiết tha với mỗi con người trong cõi nhân sinh - hãy biết trân quý bản thân mình, dành cho bản thân sự chăm chút như dành cho người yêu: “hôn đôi chân mỏi”.
Thiết tha với bản thân, với cuộc sống, Anh Thư nhìn chiếc lá như nhìn thấy sinh thể một con người. Cô trò chuyện cùng chiếc lá:
“lúc dịu êm như sương
khi nồng nàn như lửa
qua bao ngọt ngào
sau bao đắng đót
ướp nỗi mình thành sắc mùa thu”
(Trò chuyện cùng chiếc lá – Tr.14)
Người ta thường nói: nhiều như lá, mỏng như lá, “xanh như lá, bạc như vôi”… Nhưng chiếc lá qua thơ Anh Thư trở nên rất đỗi huyền diệu. Anh Thư đã sử dụng thủ pháp nghệ thuật tương phản để diễn tả lá: “lúc dịu êm như sương/ khi nồng nàn như lửa”, “qua bao ngọt ngào/ sau bao đắng đót”. Như thế, chiếc lá cũng có cả một cuộc đời thăng trầm, ngọt bùi, đắng cay… Nhưng tất cả đều hướng đến một cái đích: “ướp nỗi mình thành sắc mùa thu”! Câu thơ thật hay về đời lá – đời cây – đời người! Chiếc lá thành hình ảnh đại diện cho cả một mùa. “Sắc mùa thu”– đó là vẻ đẹp, là sự tỏa sáng. Không kêu than, dày vò, uất ức…, chiếc lá lặng lẽ “ướp” dần vẻ đẹp để rồi thắm sắc vàng đỏ, tạo nên vẻ đẹp cho bức tranh thiên nhiên. Chiếc lá như mỗi người khát khao sống tốt đẹp, thiện lương, cao quý vậy. Có thể bình dị trong cuộc đời, vô danh trong lịch sử, nhưng đi qua  nhân gian là để lại sắc màu đẹp “cho nhân gian đầy lưu luyến”.
Yêu thương, nhân hậu với từng chiếc lá, Anh Thư ru:
“Ngủ ngoan
nào cánh lá rơi             
Bây giờ
thu đã hát lời heo may
Xin đừng
thức giấc đêm nay
kẻo vô tình lá làm lay động mùa…!”
(Ru lá – Tr.53)
Qua lời thơ ngọt ngào thân thương, “lá rơi” mà không hề bi lụy, mà như nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ. Thi sĩ còn xin lá đừng thức giấc, “kẻo vô tình lá làm lay động mùa”. Hay quá! Không nói: lá đã làm tròn phận sự, lá đã hết một cuộc đời. Không phải chấm hết, kết thúc. Mà ngay cả khi đã về với đất mẹ, lá vẫn tràn đầy khả năng tác động đến cả mùa – tháng năm và vũ trụ bao la. “Lá” hay là một kỷ vật vàng ngọc cất đi, chỉ cần lấy ra trông thấy là xốn xang cảm xúc? “Lá” hay là một kỷ niệm nhớ đến là như “chạm vào ký ức” để rồi tràn những sóng sánh, hối tiếc, bâng khuâng trong hiện tại? “Lá” hay là một vị thần thiêng để tưởng là nhỏ nhoi mà có thể làm những điều không thể ngờ?… Có thể là tất cả. Anh Thư đã thành công khi tạo cho “lá” một ý thơ đa nghĩa, một hình tượng thơ dồi dào sự liên tưởng.
Tập thơ Tiếng mưa rõ ràng có rất nhiều hình ảnh lá và những biểu đạt rất hay về lá. Với hình tượng “Lá” chạm đến miền cảm xúc đẹp, những người viết bài này muốn được gọi lên “Tiếng lá” như những giai điệu trong bản hòa âm Tiếng mưa!.
Chú thích:
[1] Những vầng thơ xanh mát (Thay lời giới thiệu) của nhà NCPB Văn Giá, in trong “Tiếng mưa” của Vũ Trần Anh Thư, trang 5-6.
[2] Đánh giá của nhà thơ Đinh Tiến Hải.
Hà Nội, 28/10/2022
Đỗ Mạnh Hùng - Nguyễn Thị Tính
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tác phẩm mới, cái nhìn riêng của Huỳnh Như Phương

Tác phẩm mới, cái nhìn riêng của Huỳnh Như Phương Có một “gia tài” gồm nhiều tác phẩm (giáo trình, chuyên khảo, bài báo khoa học, tản văn…...