Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Dư âm sâu lắng từ "Hương mùa ký ức" của Hà Vinh Tâm

Dư âm sâu lắng từ "Hương mùa
ký ức" của Hà Vinh Tâm

Trong “Giá sách của mẹ – Thế giới kỳ diệu tuổi thơ bé”, Hà Vinh Tâm từng mơ “muốn mình là cô nhà báo, nhà nghiên cứu phê bình – nhà thơ…”. Cô sinh ra từ mảnh đất có truyền thống cách mạng tại làng đỏ Yên Xuân thuộc xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Nay vừa sang tuổi 38, là một thạc sĩ lý luận văn học cách đây 13 năm, là Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Nghệ An, giáo viên trường THPT Cửa Lò, Vinh Tâm đã xuất bản 19 cuốn sách chung và in riêng với 5 lần nhận giải thưởng về văn chương. Đang độ sung sức, cô đang ở tâm thế là một nhà giáo, nhà văn tròn vai.
Nhà phê bình Lê Đình Hòa
Đọc “Hương mùa ký ức”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2022, ta không khỏi ngỡ ngàng trước nhiều điều mới lạ với hành trang cho một tập tản văn gần 200 trang, 31 bài viết, 31 công trình nghệ thuật, 31 thông điệp mang dấu ấn Hà Vinh Tâm. Bản thảo có tới gần 40 bài với trên 300 trang. Sau đó, tác giả đã chắt lọc để gửi tới bạn đọc văn chương những bông hoa đặc sắc nhất trong những mùa ký ức cô đã chạm, đã trải nghiệm, đã rung ngân thổn thức với cuộc đời. Chỉ cần đôi điều nhìn từ góc độ thi pháp cũng gợi lên nhiều điều mới mẻ.
Là “Hương mùa kí ức” chứ không phải màu là vì kí ức ấy, tác giả từng trải qua, từng sống với nó. Tác giả cảm nhận trực tiếp giống như ngửi được mùi hương của ký ức, mỗi câu chuyện quá khứ đều có mùi vị riêng, không thể cảm nhận gián tiếp được. Cả tuyển tập với không gian thực gần mà xa nếu như không là hình tượng dù chỉ là một bông hoa. Ở Vinh Tâm “Mùa hoa khói” là nói về hoa xoan. Sao lại gọi hoa khói? Từ trực giác làn khói bếp khi bà ngoại nấu chè xanh lan tỏa lên mái nhà, khu vườn đang nở rộ hoa xoan. Màu khói giống màu hoa xoan quá! Bỗng thành ảo giác từ trí tưởng tượng rồi liên tưởng, rồi đặt tên hoa khói thay tên hoa xoan. Rồi “Mùa hoa thắp lửa” để đặt tên cho hoa gạo.
Từ những kỉ niệm gắn liền với văn hóa làng quê trong “Thương lắm chè Gay”, “Tết ở quê”, “Mo cau và thế giưới tuổi thơ”, “Mùa gấc chín”,… đến kỉ niệm về mái trường: “ Xà cừ ơi”, “Cây bàng đếm tuổi”, “Tuổi học trò trong tôi là…” đến những vùng đất mới “ Hương xuân trong lòng Thị xã”, “Loài hoa thương nhớ của biển” hay cả  tình yêu riêng trong “Đoản khúc mùa đông cho anh”, “Cái nắm tay ngày ấy” cho đến “Bức tranh thiếu phụ chiều đông” rồi với nghề “ Nắng ấm sân trường”… Tất cả đều được Vinh Tâm tạo thành những tín hiệu không gian nghệ thuật – không gian của tâm tưởng, tâm lý khác hẳn không gian vật lý, địa lý bình thường. Không gian của tâm hồn, của những cảm xúc, ấn tượng. Trong cái phông chung của không gian ta bắt gặp những mảng không gian được lắp ghép (cấu trúc không gian) mà Todorov người Pháp gốc Bulgaria nhà nghiên cứu theo hướng cấu trúc từng nói: “Chính những quan hệ không gian của các yếu tố mới tạo nên cách tổ chức tác phẩm không gian này”.
Hương mùa ký ức – tác phẩm của Hà Vinh Tâm
Một thí dụ như “Chè Gay miền ký ức yêu thương”. Từ không gian ra chợ tìm mua bó chè ngon khi về nhà bó chè sao cho tươi được lâu, khi om chè làm những gì cho nước chè ngon… Rất tỷ mỷ, công phu… Những không gian nghệ thuật như vậy đều được kể, tả rất sinh động nhờ thi pháp tu từ chuyển tải. Nhưng có cái riêng trong khai thác tu từ tạo chiều sâu từ trí tưởng tượng, tính liên tưởng từ góc nhìn không gian thực mà có không gian nghệ thuật từ óc quan sát tỷ mỷ, thông minh, sáng tạo. Tác giả thường dùng biện pháp nhân hóa, so sánh, ẩn dụ đôi khi tạo “lạ hóa” gây bất ngờ cho cảm xúc người đọc: “Hoa xoài từng cụm, từng cụm chuỗi xuống vươn ra vừa như e thẹn, vừa như kiêu hãnh”; “Trong giá buốt gió mưa, hàng na đứng lặng lẽ như những chú lính canh gác”. Rồi “Cây bàng đỏ mắt đợi người thương” trong “Đoản khúc mùa đông cho anh”; “Gặp lại xà cừ như gặp lại cố nhân ” trong “Xà cừ ơi”.
Hầu hết các tựa đề cho đến câu văn kết bài thấy lạ, gợi tả gây cảm xúc. “Đoản khúc mùa đông cho anh” về cái thuở yêu tha thiết, nồng nàn mà đầy thao thức. Trong “Mùa na ký ức”, tác giả viết: “Con nhặt một bông hoa khô đặt giữa lòng tay xòe ra như ba chiếc kim đồng hồ… Thời gian như đứng im, bất động… Mắt na hình như rưng rưng”. Một câu kết lạ xưa nay mới thấy. Ý nghĩa hồi tưởng người bà ngoại trong cảm xúc yêu thương ví như bông hoa đã khô nên thời gian bất động. Hay câu kết cho “Sen hồng vừa nở” lời lẽ với cảm xúc chất sử thi “Những đám mây đủ hình dáng đang khiêu vũ nhảy nhót trên bầu trời… Và kìa một đám mây như con trâu mộng húcmõm vào mặt trời đang lừ đỏ!”… Cảnh không gian êm đềm pha chút lãng mạn… Chuẩn bị ra về trời ngả bóng hoàng hôn. Một cảnh tượng xuất hiện đầy men sử thi – trữ tình – lãng mãn chưa ai đã từng chấp bút.
Nổi bật lên hai chi tiết kết luận trong hai bài: “Và tôi đã lớn lên từ việc om chè ngày ấy”. Phải chăng nhớ lại người bà ngoại được hình thành tính cách nhân vật trong “Chè Gay miền ký ức yêu thương”: Tỷ mỷ, cẩn thận, chịu khó, kiên trì, nghiêm nghị và không khỏi sáng kiến để có chè ngon. Những nét nhân cách làm người. Trong câu kết của “Giá sách của mẹ – thế giới kỳ diệu thời thơ bé, Vinh Tâm đã không quên: “Đến bây giờ , tôi vẫn thấy mình thật may mắn vì có kho báu ấy – giá sách giản dị mà cao quý… Cảm ơn bố mẹ, cảm ơn giá sách thân yêu” Phải chăng giá sách đã góp phần lớn hướng nghiệp cho tác giả!
Nhà thơ – nhà giáo Hà Vinh Tâm
Một vấn đề đang đòi hỏi, thách thức nhà văn về tư duy tự sự. Ở Việt Nam hầu hết văn phong tự sự tuy có đổi mới song vẫn nằm trong khuôn mẫu tự sự truyền thống chưa bắt kịp văn chương với thời đại và đi trước thời đại. Đọc mấy tùy bút trong tản văn ta vui mừng khi Vinh Tâm đã có những chi tiết hoặc có cả một không gian nghệ thuật theo dòng kỹ thuật ý thức. Ấn tượng nhất là áng văn: “Bức tranh thiếu phụ chiều đông”. Độc đáo khi nhân vật trần thuật lại có vai trò tác giả khi cho ông già họa sĩ đường phố vẽ mình và bức tranh đã là tựa đề cho tùy bút “Bức tranh thiếu phụ chiều đông”. Đọc nhiều lần ta bắt gặp những độc thoại nội tâm tiêu biểu cho kỹ thuật dòng ý thức. Khi đang vẽ bức tranh bỗng ông liên tưởng về người vợ mình và nói với tác giả người được vẽ bức tranh. Sau khi ông đã cảm hứng và thốt lên khen: “Đôi mắt thật đẹp, phúc hậu và nghiêm nghị và bao chông gai, khó khăn… sẵn sàng vượt qua… gương mặt dễ thương… làn da ngọc ngà”. Đây là độc thoại tâm lý nghề nghiệp cần lúc này.
Rồi ông kể về người vợ mình rất đẹp. Nhưng tôi thích vẽ… bà ấy rời xa”. Sự liên tưởng về người vợ ít nhiều cũng xúc động cho tác giả. Ông còn liên tưởng đến những văn nghệ sĩ nổi tiếng mà số phận nghiệt ngã hư Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ,… Sự liên tưởng đan xen làm tăng chiều sâu nhân văn của tùy bút. Lão đã phát biểu như tự an ủi cái nghề họa sĩ đường phố và vô tình như khái quát một xã hội mưu sinh: “Mỗi người lựa chọn một cách sống” Khi ông họa sĩ rời khỏi quán ta còn được chị chủ quán bộc lộ nội tâm: “ Như anh nhà chị thì tai biến nằm một chỗ …” và “Chị phải vững vàng làm chỗ dựa gia đình chứ!”. Chỉ một việc làm chịu ngồi cho ông họa sĩ già vẽ vả xong trả công cho ông cũng đem lại ý nghĩa tình người. Nhưng sâu sắc hơn và lạ hơn khi người thiếu phụ trong bức tranh nghiêm nghị: “Đấy mùa đông cuộc đời mỗi người một khác hãy tìm cách đối mặt và vượt qua, sau mùa đông là mùa xuân đó”.  Đó chính là ý tưởng lớn mà ẩn ý, là thông điệp , là quy luật về cuộc sống mưu sinh của mọi người! Chuyện không có cốt và rất bình thường mà dòng chảy tâm tư lại sâu sắc, mới lạ. Bỗng ta nhớ đến cây bút tiêu biểu cho dòng ý thức Nguyễn Minh Châu với những truyện ngắn “Lá thư vui, Phiên chợ Giát, Người quê ra phố …”. Một vấn đề Văn chương Việt Nam đang cổ vũ!
Không gian nghệ thuật luôn gắn bó với thời gian nghệ thuật là đương nhiên. Nhưng với Vinh Tâm có cách diễn tả riêng. Tác giả đã đánh thức thời gian theo cảm hứng cho kết cấu thời gian nhạy cảm, độc đáo rất riêng như Nam Cao từng mong: “Nguồn chưa ai khơii và sáng tạo những gì chưa ai có”. Từ tựa đề đến mọi không gian kể và tả từ quá khứ đến hiện tại, chuyện hôm qua đến hôm nay…tác gả đã bộc lộ được sự sâu sắc, đầy triết lý và tinh tế của mình. Trong “Chè Gay miền ký ức yêu thuơng” khi tác giả như nhập vai bà ngoại ta như thấy mọi việc làm, lời dạy bảo của ngoại như đang trước mắt ta. Khi cảm hứng về tình yêu: “bất chợt giật mình khi có bàn tay ai nắm chặt mà thì thầm gọi ta “Mùa đông của anh” (Đoản khúc mùa đông cho anh);  “Thu cọ vào lòng tôi ngổn ngang bao nỗi niềm” (Trò chơi đố lá với thế giới tuổi thơ), “Tôi lần mò tìm trong ký ức tuổi thơ để sống trọn vẹn từng ngày “ (Cây đào tiên trong vườn)… đều đầy xúc cảm.
Đọc  tản văn Hà Vinh Tâm nhất là những trang tùy bút, tự nhiên mình nhớ Nhà văn Nguyễn Tuân với lối hành văn liên tưởng mang tính tạo hình. Nhưng ở thời 4.0, Vinh Tâm còn cách tân bứt phá. Đó là điểm nhìn cho ta tìm dấu ấn tác giả. Phải nói nhãn quan nhà văn vừa sắc vừa bén, vừa sâu vừa xa tầm nhìn. Ta hãy cùng nhau đọc những đoạn văn chưa thấy có bao giờ để ý nghĩa cho đạo lý làm người qua diễn biến của cảnh vật để nêu lên một chân lý.  Những cảm nhận vừa lạ và có hậu cũng không ít trong không gian và thời gian nghệ thuật của “Hương muà ký ức”. Có những chân lý cho cuộc đời âu cũng phải đạo. Trong “Những mùa na ký ức” Vinh Tâm đã nhắc lại: “Ngoại thường nói với tôi:  “Đấy con nhá lá rứt cành thì cây đau, xong đời lá trên cây, lá lại biến thành chất mùn nuôi cây lớn đó. Sống được như lá mới gọi là cuộc đời đáng sống”. Khi nhắc đến: “Hoa đào tiên không đẹp màu sắc nhưng vỏ cứng chắc”, tác giả đã thốt lên “Có những thứ trong cuộc đời tưởng mong manh, dễ vỡ nhưng lại cứng cáp vô cùng”. Hay! Với hoa cúc biển “Khi hoa đã héo hon, khô quắt… hoa và lá nó không chịu lìa cành là biểu tượng của lòng chung thủy, người quân tử” cũng là một liên hệ sâu sắc về nhân cách sống, đạo lý sống.
Trong “Sen hồng vừa nở”: “Câu thơ của Nguyễn Du chợt vang lên trong đầu cô: “Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”! Ờ mà dễ gì dứt được những điều liên quan thân thiết một thuở dẫu là trong đời sống thiên nhiên, cây cỏ… huống chi là con người, khi chia xa một vùng đất nào đó, một người nào đó, một thứ gì đó… lòng không khỏi lưu luyến, bâng khuâng”; trong “Hương xuân trong lòng thị xã”:  “Cái giọng nói như hát đặc sệt tiếng Nghi Hương, ngày trước tôi nghe nhiều lúc không hiểu, không đoán ra… Giờ thì chỉ cần thoáng nghe thôi… Hóa ra để thấu hiểu không gì bằng sự gắn bó một cách tự nhiên, chân thành và nhất định là phải có thời gian!”; Trong “Xốn xang Mùa vươn lôc”: “Hoá ra thiên nhiên cũng không ngừng làm mới mình, không ngừng phát triển, không ngừng cống hiến toả hương sắc, kết bao ngọt lành dâng cho đời. Mỗi khi ta buồn, ta nhìn vào cây sẽ thấy động lực sống. Tự cây đã cho ta những bài học quý báu của cuộc đời. Chắc hẳn có lúc cây buồn, cây đau nhưng cây luôn lặng im và nỗ lực. Phải chăng vì thế mà nơi nào có cây ta tìm được niềm vui, sự tin cậy, chở che”. Rất hay! Nhiều hình tượng trong trần thuật tản văn như đã vượt tầm sát bờ chen chân tiểu thuyết.
Cứ như thế với gần 200 trang tản văn ký ức ngọt ngào, da diết, thương mến, sâu sắc cứ chảy vào lòng độc giả những dư âm sâu lắng.
4/10/2022
Lê Đình Hòa
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Một thị trường văn học sôi động 14 Tháng Tám, 2022 Vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nền văn học Việt Nam bắt đầu chuyển từ t...