Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương: Thương người như thể thương thân

Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương:
Thương người như thể thương thân

Đến giữa đời với đôi bàn tay trắng và đến cùng, Thế Tâm vẫn trắng đôi bàn tay giữa đời. Song, người thật sự là “Người lữ hành hạnh phúc”. Tha nhân nhìn thấy hạnh phúc hồng ân ở Thế Tâm cũng như đã nhận được hồng ân kia từ tấm lòng Thế Tâm mang lại. Dẫu đôi bàn tay trắng – mỗi bàn tay có năm ngón tay, thụ đắc bởi mười bốn lóng – Thế Tâm, hoàn toàn tắm mát cuộc đời mình nơi hồng ân nhiệm màu không thể nghĩ tả, không thể lý giải nổi…
GS Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương ở tuổi 97
Mai sau cát bụi hoàn nguyên thể
Nguyện lót êm chân khách vỉa hè
(Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương)
Bước đường đời trải qua thế sự, lăn trở giữa nhân tâm thời tao loạn cho đến khi thoát khỏi cảnh ngộ “Chim chiều lữ thứ cô đơn/Về đâu giữa chốn hoàng hôn quê người”(1), tài sản riêng của GS. Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương (Khoa trưởng Trường Đại học Văn khoa, Viện Đại học Đà Lạt) chỉ có chiếc radio đã cũ (mua lại của GS. Lý Chánh Trung), vài bộ quần áo nhàu nhĩ bạc thếch màu thời gian. Nhưng, người giáo sư Triết học ấy, đã gieo hạt bác ái lẫn mầm từ bi cho những môn sinh nghèo khó, cho giới lao động bình dân khốn cùng. Để rồi, “Trải qua một cuộc bể dâu”(Truyện Kiều – Nguyễn Du), hạt giống khiêm nhường bác ái lẫn mầm từ bi triển nở giữa đời thường trong cuộc sống muôn nơi. Và, có lẽ, Thế Tâm,  hạnh phúc nhất – Người gieo hạt – , theo nghĩa lý căn cơ của từ ngữ đó. Niềm lạc phước bất tận… bất tận giữa bác ái bốn phương kết quả!
Cùng giở từng trang hồi ức, người đọc sẽ nhận thấy, chất giọng ôn tồn, điềm đạm, chân tình, và cũng rất nhẹ nhàng của Thầy dạy học – vỏn vẹn ba mùa xuân nữa là bước vào cõi trăm năm – người đọc hồi ức cơ hồ như nghe lời người viết thì thầm truyền cảm hứng từng chặng đường đời khổ đau và hạnh phúc; nỗi thăng trầm, được mất; đường tu và nẻo thế tục… Dòng hồi ức hòa và quyện theo dòng thời gian tiệp màu trời Tây cùng dải đất Việt Nam ngót nghét một thế kỷ. Đời sống xô bồ, nhịp sống hối hả… sẽ giúp người đọc thú vị và sâu lắng khi có thể nhập cuộc với tâm tư Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương qua từng trang hồi ức mà trăm năm sau, chắc gì được tái hiện lại!?.
1. Tình thương với tha nhân
Từ thơ ấu, cảm nghiệm đầu đời dưới mái cổ tự khiến lòng trẻ khắc khoải nỗi niềm siêu hình. Trên đường tìm một đường tu khả dĩ, Thế Tâm đến với hồng ân và tắm mình trong tình yêu thương trọn vẹn. Tình yêu thương ấy vừa có khía cạnh “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt, vừa có tính cách từ bi với cả chúng sinh vạn vật, lại có có nét mầu nhiệm mà chính Thế Tâm cũng không cắt nghĩa được rõ ràng. Yêu thương, gồm có thương người và yêu người. Với Thế Tâm, “yêu người đây là một thái độ tương tự như thái độ với người tình duy nhất, có cái gì trìu mến, yêu thương, đằm thắm, thiết tha, làm cho người ta có cảm tưởng mình được xem như là một giá trị duy nhất vô nhị và không thể thay thế của một người yêu” (tr.45)[1]. Quả thực, tha nhân chính là “người tình duy nhất” mà lòng dạ Thế Tâm đã phụng hiến trọn đời. Yêu thương trước hết, chính là yêu thương dành cho tha nhân, sống cũng nghĩa là vì tha nhân mà trải rộng yêu thương. Nghĩa lý cuộc đời Thế Tâm phải chăng vì lòng yêu thương ấy mà thành ra hữu lý. Hiểu được quan niệm “yêu người” của Thế Tâm, bạn sẽ hiểu vì sao người sẵn lòng tương trợ, giúp đỡ tha nhân trong mọi hoàn cảnh. Có lẽ bạn đọc nên hiểu tình yêu thương này như là sự kết hợp tình yêu người của tín hữu Ki-tô và đức thương người vốn có của dân tộc Việt! “Tình yêu này là một động thái bộc phát từ tâm lý đã nhuần nhuyễn bởi một cái gì đối với mỗi một tha nhân. Còn “đức thương người” có thể nói như kết quả dày công tu tập về luân lý đạo đức và cái nhìn về loài người nói chung” (tr.48). Hóa ra, tình yêu người của Thế Tâm phát xuất từ sự gặp gỡ đối với mỗi tha nhân cụ thể, hài hòa trong đức lý tôi luyện giữa lòng xã hội, mang ý nghĩa phổ quát của nhân loại, vượt qua tính chất giới hạn vốn có của chủ thể tính. Nghĩ vậy, bạn sẽ hiểu tình yêu người, yêu tha nhân của Thế Tâm vừa có giá trị phổ biến nhưng không cứng nhắc rập khuôn, ngược lại rất thiết thực cụ thể. Có phải vậy, người vẫn nghĩ mình vừa là một người cần mẫn, siêng năng, tận tụy nhưng cũng là một người rất phóng khoáng và tài tử! Dầu gì, người đã sống với người, sống giữa những người dưng khác họ bằng cách thế của tình thương mến ruột thịt.
Tha nhân là gia đình ruột thịt. Hình như Thế Tâm đã đặt lòng mình vào tha nhân. Sự đặt lòng này, người vẫn nói: “yêu người”! Và, người mong muốn thế nhân sống với nhau trong tình thân ái gia đình. Người với người hãy sống với nhau như cha mẹ với con cái, như anh em ruột thịt, như thân bằng quyến thuộc. Tình thân ái giữa người với người như gia đình ruột thịt, vừa là điều mà Thế Tâm tìm kiếm để sưởi ấm nỗi hiu quạnh trong cõi lòng, nỗi bơ vơ từ tiềm thức; vừa là đường hướng người vẫn hằng đem ra chia sớt với mọi người. Niềm mong mỏi và phong cách sống ấy, Thế Tâm vẫn gìn giữ suốt cuộc đời. Dầu ở đâu, hoàn cảnh nào, thời đại nào, người vẫn sống với tha nhân bằng tình gia đình ấm áp. Có lẽ vậy, người nhận thấy sau khi chuyển sang học Triết tại Trường Trung học Khải Định, có vẻ gì đó hơi lạnh lẽo thờ ơ chứ không ấm áp trong tình thương mến của mái gia đình Thiên Hựu (tr.78). Từ đó, Thế Tâm nhận ra “tương quan liên-ngã-vị (relation intersubjective, interpersonnelle) cũng đậm đà hơn” (tr.78), và cố nhiên điều này cũng có “nghĩa là dù tốt hay xấu đều có nhau, đều có tương quan liên-ngã-vị, hữu ngã và hữu tha với nhau” (tr.79). Quả thực, đây là nhận thức sâu sắc, ảnh hưởng mạnh mẽ quan niệm sống của Thế Tâm. Hẳn nhiên, phép lập thành tương quan liên ngã-vị không không phải phép cộng/sự gán ghép đơn thuần, mà hơn thế, tương quan liên ngã vị lập thành bởi bác ái đại đồng và sau khi lập thành thì sản tạo thêm lượng tính yêu thương trong sáng thuần khiết, cũng tức là siêu vượt trên phép cộng chủ thể tính đơn thuần. Quả thực, quan niệm sống Thế Tâm khởi nguồn từ một vấn đề hết sức căn cơ: Hữu Thể! Và, ““Hữu thể là gì?” thì phải thưa “Hữu thể là cái tương quan lập hữu (relation subsistante)” (tr.79). Vậy người có thể thành ra như là hữu thể xét như duy chỉ ngã vị? Bất khả! Người thành người khi người sống với người, sống vì người, sống yêu người và chan hòa ngã vị vào tha thể, lập thành liên ngã vị! Bạn có nhận thấy mình chợt hiểu ra tầm vóc tâm hồn Thế Tâm không!
Một khi sống không vì người, sống thờ ơ, cạn cợt hoặc ngăn cách với tha thể, Thế Tâm thấy mình chẳng khác gì con cá mắc cạn. “Đối với tôi, bao giờ bị rơi vào một môi trường thiếu cái khí quyển tương giao liên ngã vị ấy, tôi có cảm tưởng như cá bị lên cạn…. Tôi sợ nhất là cái hờ hững lãnh đạm quay cuồng của những cơ chế quay như guồng máy một cách phi nhân tính (inhumain). Thậm chí tôi còn cho rằng thà còn có tương quan vô nhân đạo còn hơn là phi nhân tính một cách hoàn toàn, hoặc còn hơn là phi ngã vị một cách có thể nói là trừu tượng mông lung” (tr.79-80). Từ hơn nửa thế kỷ trước, Thế Tâm đã ưu tư về tính cách “phi nhân” của con người trong xã hội. Hôm nay, những vấn đề ấy vẫn được giới học giả quan tâm, tìm hiểu[2]. Có lẽ đó là những ưu tư rất căn bản về nhân tính trong cõi người. Thế Tâm còn lưu ý người yêu người trong giây phút hiện tại, qua từ “cận nhân” (người bên cạnh – le prochain) trong câu “Hãy yêu thương người bên cạnh như chính mình” (tr.80). Quan niệm yêu người thể như “cận nhân” của Thế Tâm dường như có nét gần gũi với “chánh niệm” của dòng Tiếp Hiện[3]. Bởi tình thương yêu con người gần gũi ấy, cũng tức là ý thức/thức/chánh niệm trong giây phút hiện tại. Ý thức một cách sâu sắc về sự hiện diện trong giây phút hiện tại của chính mình, của tha nhân và tương liên ngã vị ấy trong khoảnh khắc tại hiện. Khi ấy, liên ngã vị này đã thực sự triển nở như là “tại thế thể” (Dasein). Hẳn là, những ai từng gặp gỡ gần gũi với Thế Tâm đều cảm nhận mình là “cận nhân” thụ hưởng hồng ân mà trước đó chính Thế Tâm đã cảm thọ sự mầu nhiệm ấy. Lời nhắc nhở của Thế Tâm cũng khiến ta nhận ra bao nhiêu con người bằng xương bằng thịt cụ thể đã phải hy sinh vì những danh từ trừu tượng: nhân danh!
Cảm thụ hồng ân và chia sớt hồng ân với tha nhân, trong cách thế người Thầy! Từ bóng hình những người Thầy đáng kính, Thế Tâm cũng đã trở thành người Thầy đáng kính trong tâm tưởng nhiều thế hệ người học về sau. Thế Tâm nhớ lại và cho rằng điều quý giá nhất mà người đã học được từ lớp cử nhân và quá trình làm luận án Triết ở Sorbonne không chỉ có kiến thức về lịch sử triết học Tây phương, hơn hết chính là cung cách giảng dạy của các thầy. Ở đó, Thế Tâm học được cách thế sống rất chân thành, hòa ái với tha nhân. “Gần 30 năm xa cách, dáng dấp các vị thầy ấy như vẫn còn in rõ trong tâm trí tôi. Và tôi tự hỏi, thái độ khiêm nhường ấy phải chăng bắt nguồn từ sự khiêm nhường của vị đã tự xưng mình là chân lý, nhưng lại cúi xuống rửa chân cho môn đệ trong một bữa tiệc thân tình mà điều san sẻ lại là chính “bản thân mình” sắp hiến tế để nuôi sống tâm hồn môn đệ mình. Ngoài ra, thái độ hướng về chân lý như đáp lại một lời mời gọi đòi hỏi sự quên mình hiến thân cho chân lý, chứ không phải là tranh đua chiếm hữu độc quyền khai thác và phân phối, cũng bắt nguồn từ cái thái độ đối với chân lý tuyệt đối đã thể hiện nơi một con người vốn là chân lý, là đường, là sự sáng: Giêsu Kitô”(tr.190-191). Chẳng đã có câu ngạn ngữ, “bông lúa chín là bông lúa cúi đầu”! Tấm lòng từ ái chân thành khiến lòng người đặt mình xuống thấp để cùng nâng vớt tha nhân, đưa tha nhân cùng trọn vẹn tắm mình trong tình bác ái rộng mở.
Nhiều thế hệ sinh viên từng theo học với Thầy Thế Tâm có thể thấy cung cách các Thầy Triết ở Sorbonne đã ảnh hưởng đến phương pháp giảng dạy và quan niệm sư phạm của Thế Tâm những năm dạy học ở một nơi được gọi là Thụ Nhân, tức Viện Đại học Đà Lạt.
“Ngoài giờ học, thầy trò quay quần quanh quán phở, cà phê cũng là thường, không tổ chức thường xuyên, nhưng tôi cố gắng thực hiện cái cung cách của con người cùng với anh em trẻ đi tìm Chân Lý, như tôi đã học được nơi các thầy ở Sorbonne, chứ giáo trình của tôi thì cũng xoàng thôi. Tôi có quan niệm rằng, không có ai dạy triết cho ai, không có ai học triết với ai được cả! Chỉ là kẻ trước người sau lên đường đi tìm triết lý cho mình, do mình; gặp nhau thì giúp đỡ nhau, khuyến khích nhau, nâng đỡ trao đổi kinh nghiệm với nhau mà thôi. Do đó, thi cử tôi cho là phản triết học, chỉ là chuyện vạn bất đắc dĩ!” (tr.205).
Có lẽ, Thế Tâm quan niệm, triết học phải vươn đến chỗ triết lý, và học triết nên chăng chính là quá tình tự bản thân mỗi con người tự mình đi trên con đường tìm kiếm chân lý. Và, đó phải là cuộc tìm kiếm tự thân đối diện với chính những truy vấn, thúc bách trong tâm tưởng giữa đời sống xã hội muôn vàn trắc diện, may ra ở quá trình đó có thể tìm thấy cho mình chân lý. Chân lý ấy do đó, có lẽ chính là chân lý cho mình, vì mình mà có vậy! Triết tức là sống vậy! Không thể có cách thế triết như là triết học thuần túy, mà nên chăng phải là cách thế triết lý giữa đời sống vận hội triển nở từng phút từng giây.
Bằng cách sống, học tập, giảng dạy, tìm kiếm một nếp tu, một con đường, Thế Tâm đã thực hiện hành động “triết lý” của đời mình. Có lẽ, chính cuộc sống, phong cách đối đãi, cách nghĩ và nói năng, ấy đã là quyển giáo trình triết lý sống động đối với mỗi sinh viên Viện Đại học Đà Lạt năm nào!
2. Tình thương với kiếp nhân sinh
Thời niên thiếu, dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn Thế Tâm: Truyện Kiều! Nhân sinh quan bạc mệnh: cõi người ta! Nhưng, Thế Tâm đã lấy Bác Ái đáp lại bạc mệnh nhân sinh, lấy Từ Bi hóa giải hận thù muôn kiếp!
Trong số các môn học, Thế Tâm yêu thích và bộc lộ thiên tư hơn cả, chính là sử và luận (văn) (tr.32). Trong văn chương, Thế Tâm nhận ra nỗi bi thương đoạn trường của kiếp nhân sinh. Có lẽ vậy, người yêu thích hơn cả là tác phẩm “Đoạn trường tân thanh” của cụ Nguyễn Du. Cảm nghiệm từ buổi thiếu thời về sự bi thương kiếp người (tr.32) ngược lại đã góp phần hình thành lòng từ ái của Thế Tâm trong suốt chặng đường đời. Bởi nhận thấy khổ ải của nhân sinh, và có chăng, lòng bác ái có thể cứu rỗi, nâng vớt tâm hồn con người khỏi nỗi đoạn trường bao vây. Thế Tâm nhìn thấy ở đời: nhân sinh quan bi thương! Nhưng người đã hồi đáp cõi thế bi thương bằng lòng yêu thương quảng đại. Chính ở đấy, Thế Tâm nhận lại quảng đại yêu thương. Niềm lạc phước tưới mát tâm hồn, thanh tẩy và làm phong phú thêm nghĩa lý của kiếp người.
Đọc từng trang hồi ức, bạn sẽ bất ngờ nhận thấy: những ưu tư của Thế Tâm ngay từ tuổi 12 đã bộc lộ khuynh hướng khởi dựng từ vấn đề xã hội lịch sử đi tới vấn đề giải thoát cho tâm hồn người, nghĩa là vươn đến nghĩa lý đời sống căn cơ của kiếp người. Người ưu tư không phải chỉ vấn đề cá nhân, (chắc chắn là không) người ưu tư vấn đề sống của con người nói chung. Ngay từ tuổi vị thành niên, Thế Tâm đã băn khoăn và có thiên hướng tìm kiếm một giải thoát triệt để cho kiếp nhân sinh (tr.33). Bởi vậy, lòng bác ái của Thế Tâm không không chỉ một đối tượng nào, lòng bác ái quả thực quảng đại bởi hướng đến con người nói chung. Ngay khi học tập ở Paris, Thế Tâm đã nhận thấy cuộc khủng khoảng tận gốc rễ của văn minh Tây phương. Tình thương đối với cuộc nhân sinh, khiến Thế Tâm không thể không băn khoăn về nguy cơ ấy của xã hội Tây phương. “Quả như nhà bác học Alexis Carrel đã nói “Rồi chúng ta sẽ phải trả giá (và đã bắt đầu trả rồi) với cái giá đắt cho những sai lầm nghiêm trọng của phong trào Phục hưng”. Một thứ man rợ mới (trạng bị bom hạt nhân!) đang ra đời và sẽ phá vỡ hủy hoại những giá trị văn minh chân chính, nếu không có gì ngăn chận lại” (tr.323). Tuy nhiên, Thế Tâm không dừng lại ở nhân sinh quan bi thảm như thế. Bởi lẽ, người vẫn giữ niềm tin về khả năng/cơ hội/liều thần dược có thể cứu chuộc tội nạn này. Sự “dị ứng” với căn bệnh thâm căn của quan niệm “văn minh duy khoa học kỹ thuật cực đoan, phi nhân bản” phải chăng càng làm rõ tình thương yêu trong sáng dành cho nhân loại, đứng về phía những điều tốt đẹp, thiện lành trong nhân tâm và nhân tính.
Lắng nghe thời thì thầm hồi ức vọng lại, bạn sẽ rút ra nhiều bài học nhân sinh cho chính mình. Cảm nghiệm đời sống của Thế Tâm sẽ gieo vào lòng bạn ý hướng sống tích cực, lạc quan, tươi sáng. Chẳng hạn, Thế Tâm nhận ra “thất bại ở đời này, chưa hẳn là vô phúc! Và nếu không phải tội mình gây ra thì chắc chắn là ĐẠI HỒNG PHÚC” (tr.40). Vô phúc/Hồng phúc, có lẽ bắt nguồn từ chính nhận thức của mình. Bấy giờ, người sẽ lấy vô phúc/hồng phúc lồng vào đôi mắt, lấy đôi mắt ấy nhìn đời để soi ra vô phúc/hồng phúc ở thế gian. “Cũng xin nói ngay rằng trong những ngày bi đát nhất của đời tôi sau này, chính chân lý ấy là ánh sáng soi đường cho tôi, khuyến khích nâng đỡ tôi, làm cho tôi không bao giờ tuyệt vọng” (tr.41). Với Thế Tâm, người đã nhìn đời bằng lòng kính mộ hồng ơn, cho nên người nhìn thấy ở đời hồng ơn rộng lớn. Nhận hồng ơn để mang lấy hồng ơn chia sớt cho cõi thế gian.
Nghĩ về danh và lợi giữa kiếp nhân sinh, nhiều lần Thế Tâm nhắc đến tình thế “lạc bước miền Nam”, “trật đường rầy’, “bị ném ra cuộc đời thế tục”, dường như có chút tâm thế “lỡ bước sang ngang” kiểu như thi sĩ Nguyễn Bính (“Đã đành máu trở về tim/ Nhưng khôn buộc nổi cánh chim giang hồ). Chìm nổi Tây phương rồi “đất Việt trời Nam”, Thế Tâm đã hết mình với tha nhân, vượt lên trên cả danh lợi và tình duyên. Một cách thế sống cho người, sống vì người, hoàn toàn không vẩn mùi vụ lợi. Chẳng có gì, chẳng đòi hỏi gì cho sinh hoạt cá nhân, dẫu vậy Thế Tâm vẫn sẵn sàng cho và cho nhiều hơn nữa.
“Cuộc sống của tôi có chăng như là một ký túc viên cao cấp: chẳng sắm sửa gì, chẳng có ý định gây dựng gì. Ai giao việc gì thì làm việc ấy, lương bổng đưa bao nhiêu nhận bấy nhiêu, tiêu bấy nhiêu. Ai cần thì cho mượn, có thì trả, không cũng chẳng đòi (nhất là một số sinh viên nghèo), chẳng dành dụm gì cả. Có khi còn phải vay mượn thêm để cho những người cần túng tìm đến. Tôi không chủ trương giúp đỡ ai lâu dài, vì không buốn ràng buộc ơn nghĩa với ai” (tr.204).
Đôi dòng tâm sự có khiến bạn nhớ đến câu thơ người xưa. “Làm ơn há dễ trông người trả ơn”. Tự nhận việc giúp đỡ kẻ khác chẳng có gì đáng kể, “chẳng có gì là cao thượng cả, mà xét lại còn thiếu đức cẩn trọng (prudence) nữa! Về mặt giúp người túng ngặt cũng tương tự như vậy”(tr.210). Với bản tính tự nhiên vốn không dính bén danh lợi, vốn từ tâm thương cảm kẻ khó, thì quả thực, sự giúp đỡ tha nhân với Thế Tâm không có gì đáng đề cao. Giúp đỡ người khác hầu như là việc rất thường tình, rất dễ hiểu, rất tự nhiên trong tâm hồn Thế Tâm. Không chức phận gì trong trong sinh hoạt tôn giáo, không danh phận gì trong đời sống xã hội, nhưng với hạt giống ơn phước, Thế Tâm để lại dấu ấn sâu đậm giữa đời sống, chí ít đã để lại vết son không bao giờ phai nhạt trong tâm hồn “cận nhân”. Nhưng nói tới ơn nghĩa, có lẽ ít nhiều không đúng với tâm ý Thế Tâm. Bởi người đã hoàn toàn không còn nghĩ ngợi gì sau khi dang tay nâng đỡ người khó. Với Thế Tâm, danh và lợi mang vào dáng dấp cuộc đời thế tục. Nói như cách Thế Tâm vẫn nghĩ, đời sống là dòng sông, con người bằng niềm tin nào đó thể như người ngồi trên thuyền, chèo chống giữa những khúc sông đời. Thế Tâm đã vượt qua nhiều khúc sông và trên chuyến hành trình, người cũng nhiều lần trợ giúp những kẻ chẳng may thắt ngặt đắm đuối giữa dòng. Lòng tương trợ hoàn toàn trong sáng, bởi chính người chẳng mong gì đáp lại. Ơn nghĩa có khác gì ràng buộc mà người muốn quên đi sau khi đã cứu giúp tha nhân. Để giữ lòng trong sạch, chí ít đừng để mình dính bén đến những danh lợi đời sống. Quan niệm về danh lợi của Thế Tâm trong tập Hồi ức rất đáng để chúng ta suy ngẫm.
“Bề ngoài tôi được nhiều người lầm tưởng tôi đi khá xa trên đường nhân đức! Không phải thế! Tôi không dính bén danh lợi chẳng qua vì bản tính tự nhiên không ham cái ấy, có lẽ rằng nếu không biết Chúa, tự nhiên tôi cũng thế mà thôi. Hơn nữa, tình hình bất ổn của xã hội càng làm tôi không dính bén, vì tự nhiên biết đó chẳng ra gì và cũng chẳng vững chắc gì”(tr.209).
Triết lý sống như thế đã hun đúc từ chính cuộc sống và trải nghiệm trực tiếp của Thế Tâm. Đúng như quan niệm triết lý tức là cuộc hành trình tự thân mỗi người đối diện và tìm kiếm, không thể ai dạy ai, ai truyền cho ai triết lý được! Nhận diện danh lợi phù phiếm “không vững chắc” nên chẳng có lý nào lại dính bén vào danh lợi. Đó là thái độ sống triệt để bởi nhận thức triệt để về bản chất thực sự của danh lợi (vừa không vững chắc, lại ẩn chứa biết bao nhiêu khổ nạn cạm bẫy).
“Làm cho khốc hạ, chẳng qua vì tiền!”
Cảm nghiệm thấu đáo nghĩa lý kim tiền, Thế Tâm hình thành nhân sinh quan tẩy trừ cấu uế kim tiền! Có lẽ, nhân sinh quan Thế Tâm ít nhiều gần gũi với những nho sĩ ẩn dật đời xưa!”
3. Tình thương đối với quê hương đất nước
Đặt ra câu hỏi giải thoát từ thời niên thiếu, bạn đọc dõi theo từng bước đường đời, sẽ thấy Thế Tâm nhiều lần nhắc đến “tình tự dân tộc” (tr.32-35). Người trình bày một cách thành thực những “tầng địa chất tâm lý”. Trong đó, mục đích hướng đến là “tình tự dân tộc”. Bối cảnh gia đình, thực trạng đất nước, câu hỏi thuở thiếu thời của cụ Phan Bội Châu, và người bạn Đinh Nho Liêm (khiến ông cảm mộ), tất cả góp phần “làm cho tình tự dân tộc càng thêm sâu đậm trong tâm hồn tôi” (tr.35). Bằng các nguồn ảnh hưởng, tác động khác nhau, nhưng hơn hết là tình thương vốn có trong tâm hồn, Thế Tâm đã nhận ra “bản diện tâm hồn” mình. Bấy giờ, từ chỗ thương thân, Thế Tâm biết thương người, sau nữa biến thành tình yêu quê hương Nghệ Tĩnh, tình yêu đối với đất nước Việt Nam.
Mối cảm tình với dòng Cát Minh và những ưu tư khác nhau trong việc tìm kiếm nếp tu khả dĩ, bạn nhận ra phong khí Á Đông còn rất đậm nét trong tâm hồn Thế Tâm. Ở người có cái gì đó sầu mộng, bôn ba lãng tử, trầm mặc, ẩn dật, hơn là kẻ sống thù thuộc nền nếp luật tắc nghiêm nhặt! Thường trực, Thế Tâm vẫn băn khoăn: “Một câu hỏi luôn lởn vởn trong đầu óc tôi: tinh thần duy lý trí Hy Lạp và duy luật Roma, cũng như cái hiếu động và duy xã hội tập thể của Tây phương có phù hợp với con người Đông phương hay không?”(tr.162). Tận sâu thẳm tâm hồn Thế Tâm, người vẫn nặng tình quê hương. Hồn cốt quê hướng xứ sở, phong khí nước Việt vẫn in hằn sâu sắc trong tâm hồn người. Dù đã sống ở Paris hoa lệ, thụ hưởng nền học vấn Tây phương, nhưng dấu ấn Việt vẫn không thể phai mờ trong tâm hồn người.
“Các sinh hoạt văn hóa như ca nhạc kịch cũng vậy thôi, tôi chỉ đi xem gọi là cho biết vậy thôi, chứ tôi cũng chỉ thích và nhớ tiếng đàn bầu, đàn nguyệt dưới ánh trăng bên bờ sông Hương. Những bức tranh ở Le Louvre vẫn không làm tôi quên những bức tranh thủy mạc, chỉ trừ vài bức của Rembrandt và của Rouault! Versailles, các lâu đài sông Loire chỉ làm cho tôi càng thêm nhớ nhung đến những chùa cũ rêu phong khiêm tốn âm thầm nấp dưới cỏ cây. Phương tiện giao thông hối hả chen chúc làm cho tôi nhớ những chuyến đò ngang đò dọc thời thơ ấu về thăm quê ngoại. Ở Paris cũng có quán Việt Nam, nhưng ăn tiết canh hay bánh xèo thì phải là trong quán gió bờ đê mới thật là ngon, canh rau muống phải ngồi chõng tre dưới mái tranh mới là tuyệt diệu, đôi khi tôi thèm đến quay quắt được ăn một củ khoai lang bở với dưa cải hoặc với quả cà thật mặn rồi uống một ngụm chè xanh rót ra từ cái gáo dừa khô đổ vào cái bát “đàn” thô kệch, dưới gốc cây đa một buổi trưa hè gay gắt. Và hoa! Mùi thơm hoa lý, hoa bưởi, hoa mộc, hoa sói và nhất là hoa ngâu” (tr.196-197).
Dù ở phương trời nào trong cuộc rong ruổi tìm kiếm nếp tu phù hợp, Thế Tâm vẫn không nguôi nhớ quê, không phút giây nào không vọng ngóng về quê hương nước Việt. Trái tim, khối óc và đôi mắt Thế Tâm vẫn mang bản sắc Việt từ trong cốt tủy. Đoạn hồi ức vừa rồi là một trong những đoạn giàu cảm xúc nhất trong tập hồi ức. Nói đúng hơn, hễ nhắc tới quê hương và dân tộc, Thế Tâm vẫn luôn có chất giọng tâm tình, ngọt ngào, sâu nặng và xúc động như thế! Văn phong chợt lóe sáng lên niềm vui hớn hở!
Trang hồi ức có nhiều đoạn dạt dào cảm xúc thương mến, nhưng có lẽ tình thương dạt dào nhất, chính là khi Thế Tâm nói về quê hương. Tình cảm nồng nàn, chân chất của người nhà quê sinh ra và lớn trên dải dất Việt Nam, khiến Thế Tâm có điểm tựa vững chắc trong tâm hồn. Quá trình tìm kiếm nếp tu khả dĩ, Thế Tâm vẫn đặt lòng mình trên nền tảng quê hương, lấy đó làm nơi nương tựa cũng là nơi ngóng về. Và, vốn liếng văn hóa dân tộc cũng được Thế Tâm nhắc đến với lòng trân quý thiết tha.
“Giữa tiếng xe cộ đinh tai nhức óc, tôi thèm được nghe tiếng chuông chùa lúc thu không hay lúc rạng động “Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền!”. Và những lúc quá bận không có dịp đi trên các con đường không tráng nhựa ở ngoại ô Paris mà phải suốt tuần suốt tháng mà chỉ toàn là đường tráng nhựa, tôi nhớ da diết những ngày thuở bé đi học, đội một chiếc nón lá, quần xắn tới tận đầu gối, bám chặt trên những con đường lầy lội giữa hai làng Thịnh Xá và Gôi Mỹ đưa tôi đến trường tiểu học, miệng bỏm bẻm nhai trầu cho ấm. Ôi mùi thơm trầu từ thuở bé cảm được khi mẹ, bà ngoại, các dì, các cô hôn âu yếm: chẳng có nước hoa nào bằng được! Và vành tóc đen trên gáy các bà mẹ quấn khăn nhung, cũng như khăn vải nâu có đuôi gà, chẳng có mái tóc “frisé” nào đẹp bằng cả! Chẳng có son phấn nào địch nổi làn môi cắn chỉ của các cô gái nhà quê hết! Các mốt quần áo trưng bày ở Champs-Élysées vẫn thua áo tứ thân và khăn mỏ quạ! Các kiểu mũ đính lông cò, lông hạc vẫn không bằng nón thượng quai thao! Thật, tâm tình tôi quả là lạc hậu, quá quê mùa! Mặc dù theo học chương trình Pháp từ thuở 12 vẫn như một em bé chưa bao giờ ra khỏi lũy tre xanh! Mặc dù rửa tội đã trên hai năm mà vẫn nhớ tiếng chuông chùa, vẫn thương cửa tam quan rêu phủ, vẫn thích các bức hoành phi câu đối sơn son, thếp vàng, cẩn xà cừ với những chữ Hán rồng bay phượng múa!” (tr.197-198)
Vì yêu quê hương, Thế Tâm một lòng mong muốn hòa bình cho quê hương đất nước. Dù làm việc gì, rơi vào hoàn cảnh nào, Thế Tâm vẫn canh cánh liệu có mang tội với quốc gia dân tộc hay không? Hơn hết, dù thời cuộc ra sao, người vẫn mang một niềm hy vọng. Nhất là hy vọng hòa bình cho dân tộc Việt Nam. Người lấy đó làm nguồn an ủi, tự động viên tinh thần. “Công việc của tôi là công việc mang sắc thái “hòa bình”: một số lớn hồ sơ là giải ngũ, phục viên, trợ cấp thương binh liệt sĩ! Kể ra không có việc gì là có mùi khói lửa cả, mà chỉ là những việc mang hy vọng “hòa bình””(tr.170). Nghe đài loan tin “đình chiến”. “Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người Việt Nam trong giờ phút ấy đều vui mừng hớn hở, chờ đợi một ngày mai tươi sáng sẽ đến sau hai năm tạm phân chia. Cũng như 10 năm kháng chiến chống giặc Minh, chắc hẳn 9 năm chống Pháp cũng sẽ đem lại hòa bình cho một nước Việt Nam độc lập và thống nhất”(tr.169). Cho nên, giữa được và mất, giữa thành và bại, Thế Tâm đã trọn vẹn niềm vui khi đất nước hòa bình. Được-mất, thành-bại, dường như không còn nghĩa lý nữa. Cơ hồ chỉ còn niềm vui thống nhất cho quê hương. Và dù sau này có ở phương trời nào, cảm thức quê hương liền một dải khiến Thế Tâm vẫn cảm thấy gần gũi, nối liền với nơi chôn nhau cắt rốn từ thời thơ ấu. “Do đó từ năm 1975 đến nay dưới cái nhìn của một số anh em thì tôi mất rất nhiều cái (mà cái mất cuối cùng là mấy trăm cuốn sách bị trộm cách đây 3 năm), nhưng riêng tôi thì như cả một cuộc hồi sinh về cả hai mặt tự nhiên và siêu nhiên” (tr.219). Đó là mối cảm xúc hiếm có, chẳng khác gì một người lấy lại được phần máu thịt, một phần thân thể do hoàn cảnh thời cuộc buộc phải chia cắt. “Từ sau 1975, tôi được giải tỏa khỏi mọi u hoài gia đình ly tán, đất nước phân ly, cho nên, hình như mới được thanh thản mà cất cánh bay lên, lặn sâu vào đời sống siêu nhiên” (tr.220). Ở một đoạn khác, Thế Tâm chia sẻ: “Từ sau năm 1975, tình tự gia đình và tình tự dân tộc được giải tỏa, và điều tôi suy nghĩ trên đây về Hội Thánh là liều thần dược Chúa Ban cho tôi được thực sự và vĩnh viễn hồi sinh” (tr.221). Từ quê hương ra đi rốt cuộc trở về với quê hương Nghệ Tĩnh- mãi là đứa hài nhi của quê nhà Nghệ Tĩnh. ““Lá rụng về cội”, hình ảnh Lão Lai! Thực sự chỉ là biểu lượng của một thiên đàng không phải đã mất mà là sẽ đến. Về mặt trần thế, thời thơ ấu của tôi là đất Nghệ Tĩnh (Hồng Lam, Tiêu Phố, Bút Giang)”(tr.221).
Hòa bình khác gì môi trường cần thiết cho tâm hồn Thế Tâm, như dòng nước mát cho đời cá bơi lội thỏa thích trong niềm hân hoan đất nước thống nhất, gia đình đoàn tụ. Hiểu vậy, bạn sẽ thấy niềm mong mỏi hòa bình thống nhất cho quê hương đất nước trong lòng Thế Tâm đâu có chi lạ! Bởi, đó là niềm mong mỏi chung của mỗi người con nước Việt, sinh ra và lớn lên bằng mối thâm ân của mẹ Việt.
Tạm kết
Thế Tâm: tim đời, hay trái tim gửi yêu thương về phía những đồng loại cùng khổ trong cõi nhân gian!
Đến giữa đời với đôi bàn tay trắng và đến cùng, Thế Tâm vẫn trắng đôi bàn tay giữa đời. Song, người thật sự là “Người lữ hành hạnh phúc”. Tha nhân nhìn thấy hạnh phúc hồng ân ở Thế Tâm cũng như đã nhận được hồng ân kia từ tấm lòng Thế Tâm mang lại. Dẫu đôi bàn tay trắng – mỗi bàn tay có năm ngón tay, thụ đắc bởi mười bốn lóng – Thế Tâm, hoàn toàn tắm mát cuộc đời mình nơi hồng ân nhiệm màu không thể nghĩ tả, không thể lý giải nổi. Ngay cả những người có thể “ghét” nhưng Thế Tâm, vẫn có thể tìm ra được khía cạnh để mà thương những người như vậy. Thế Tâm thương những người đáng thương; và thương cả những người vốn không thể thương, – rất khó thương, Thế Tâm vẫn luôn “giảm khinh” để mà thương vì Tình Yêu Người (cận nhân) không phân biệt, không giới hạn!
Ở tuổi 97, tính đến hôm nay,  Thế Tâm vẫn đặt tâm mình giữa cuộc đời, giữa lòng người với con người và Người, mãi là kẻ hành khất lang thang trên đường nơi cõi thế, mang theo hạt giống hòa ái rộng khắp gieo trồng chốn nhân gian. Người vẫn mãi như cánh chim rong ruổi và phiêu bạt về phía gió bụi để nghiệm xét ơn phước nhiệm mầu bất khả luận giải. Như Thế Tâm từng nghĩ, triết lý không ai dạy ai, mà tự thân mỗi người phải cảm nghiệm và tìm thấy! “Sau này khi trở về Việt Nam năm 1965, Lm. P. Nguyễn Bình An nói với tôi: “E có lẽ cậu có ơn kêu gọi như Benedict Joseph Labre – vị thánh hành khất”? Tôi nhớ lại lúc bé, đôi khi mẹ tôi vừa giận vừa mắng yêu: “Lơ đãng như con rồi thì chỉ có bị gậy ăn mày!”/ Phải chăng lời mắng yêu của bà mẹ và lời nhận xét của cha linh hồn có tầm mức một trực giác tiên tri? Từ năm 1975-1986, tôi đổi nơi cư trú trên 10 lần, mà đến nay cũng không nhà, không cửa, không tài sản, không vị trí gì, cả trong Giáo hội cũng như trong gia đình và ngoài xã hội, cũng chẳng biết mai đây tôi từ trần, ai sẽ là kẻ lo việc vùi cái thân xác này vào lòng Đất mẹ để linh hồn về với Chúa Cha trên trời?” (tr.195). Tâm ý cánh chim lãng tử chưa mỏi vì “Thương người như thể thương thân” chìm đắm giữa bầu trời xanh đậm tình bác ái, nghĩa từ bi từ trái tim Người gieo Hạt Hòa Ái!
 “Hồng sơn cao ngất mấy trùng
Lam Giang mấy trượng thì lòng mấy nhiêu”
(Ca dao)
Chú thích:
[1] Chiều Mimosa, tập thơ Thầy tôi, Trần Bảo Định, Nxb Văn hóa – Văn nghệ, 2013
[2] Nguyễn Khắc Dương (2020). Hồi ức Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương. TPHCM: Nxb. Tổng hợp.
[3] Xem thêm:
– Jean-Michel Besnier (2012). Demain, les posthumains. Le futur a-t-il encore besoin de nous ?. Paris: Fayard/Pluriel.
– Milam, E. L. (2020). “Theorizing the Inhumanity of Human Nature, 1955–1985.” In The Routledge Handbook of Dehumanization (edited by M. Kronfeldner) London and New York: Routledge, pp.112–124.
[4] Nhất Hạnh (chú giải). Giới tiếp hiện. Đạo tràng Mai Thôn: Lá Bối lưu hành, tr. 4-7.
Tài liệu tham khảo:
– Besnier, J-M. (2012). Demain, les posthumains. Le futur a-t-il encore besoin de nous ?. Paris: Fayard/Pluriel.
– Nguyễn Khắc Dương (2020). Hồi ức Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương. TPHCM: Nxb. Tổng hợp.
– Nhất Hạnh (chú giải). Giới tiếp hiện. Đạo tràng Mai Thôn: Lá Bối lưu hành.
– Milam, E. L. (2020). “Theorizing the Inhumanity of Human Nature, 1955–1985.” In The Routledge Handbook of Dehumanization (edited by M. Kronfeldner) London and New York: Routledge, pp.112–124.
20/11/2022
Trần Bảo Định
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà văn miền Bắc và sự hiện hữu trong văn học miền Nam 1954 -1975 22 Tháng Sáu, 2022 Với một thể chế chính trị đa nguyên, chấp nhận mọ...