Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Không khí Sài Gòn ăm ắp và cảm thức quê hương trĩu nặng trong Thơ 1-2-3 Hoàng Hải Phương

Không khí Sài Gòn ăm ắp và
cảm thức quê hương trĩu nặng trong
Thơ 1-2-3 Hoàng Hải Phương

Thơ 1-2-3 Hoàng Hải Phương vồn vã tự nhiên như cơm ăn nước uống hàng ngày, nên dễ cho độc giả thấy được bóng dáng mình đâu đó. Điều này vừa là thế mạnh vì nó phát huy tối đa được chất dân dã giản dị dễ tiếp cận thơ anh đồng thời nó cũng là điểm yếu nơi thơ Hoàng Hải Phương…
Nhà thơ Hoàng Hải Phương
Có thể nói cho tới thời điểm này, những ngày chuẩn bị lập xuân năm Nhâm Dần 2022, thì thơ 1-2-3 viết nhiều về mảnh đất Sài Gòn thân thương có lẽ vẫn là tác giả Hoàng Hải Phương. Chất Sài thành thấm đẫm trong chùm thơ “Mảnh đất lành ai cũng hăm hở dấn thân”.
“Hội tụ những thân phận không cần quá khứ” là một câu thơ mở đầu bài thơ như cho thấy người viết đã cảm được cái chất giang rộng vòng tay nhân ái và chấp chứa bao dung của Sài Gòn. Một sự chở che và dung nạp không hề có chút mùi vị của sự phân biệt cao thấp, sang hèn; là nơi đất lành chim đậu hội tụ trăm miền “dung thân bao con người xa xứ”, từ “kẻ cao sang trí thức đến bà mẹ gánh nhặt ve chai”. Đấy là sự quan sát, sự chiêm nghiệm đúc rút theo chuỗi những sự việc và con người theo thời gian.
Những câu thơ mở ra tả thực mà như ẩn chứa sự trân trọng và lòng cám ơn. Điều gì đã giúp Sài Gòn hoa lệ có được sự bao dung độ lượng lớn lao ấy? Ba câu thơ phía sau như là chìa khóa trả lời mở toang cánh cửa thắc mắc trên: “Bình đẳng” tự do và lối sống đậm “tình người” đã tạo ra sức mạnh tinh thần dung chứa lớn lao ấy cho Sài Gòn. Lời thơ mang màu sắc kiếm tìm và khai mở, để rồi sau cùng đọng lại ánh sáng tràn đầy năng lượng tích cực cho “ngày mai” luôn “lấp lánh”. Lời thơ tự nhiên, trong sáng pha chất tự luận làm cho bài thơ thấm chất ngợi ca mà không hề lộ liễu, nó như một sự cảm nhận chân thành tự thân vậy.
Hội tụ những thân phận không cần quá khứ
Sài Gòn dung thân bao con người xa xứ
Kẻ cao sang trí thức đến bà mẹ nghèo gánh nhặt ve chai
Bình đẳng xin việc làm hay chạm ly bia tụ bạn
Ấm áp tình người bữa ăn xã hội mở rộng vòng tay
Lầm lũi mỗi phận người cũng lấp lánh một ngày mai
Thơ 1-2-3 Hoàng Hải Phương còn là những câu thơ rất tự nhiên và cảm động về mẹ. Đôi khi mẹ là sự âm thầm hy sinh và chọn về cho mình bao nhiêu những tréo nghoe của cuộc đời “nhịp sinh học thay đổi thành khách trọ giữa nhà con” (Mẹ rón rén đi toilet khép cửa nhẹ nhàng); khi thì là một sự từng trải đến nghiêm cẩn giàu chất giáo dục quen mà lạ “cẩn thận từng miếng ăn tránh họa vô từ miệng” (Mẹ bám trụ ngôi nhà mình). Dư âm đọng lại từ hình tượng mẹ là dằng dặc một sự bùi ngùi bởi “con cháu hưởng phúc mẹ lộc bà day dứt mãi không nguôi” (Mẹ thật dũng cảm không òa lên khóc). Ở đó còn là những câu thơ đọc lên nghe rất thật, thật đến nao lòng.
Đọc “Phong hờ hơi ấm”, chúng ta còn thấy một cảm thức quê hương trìu trĩu lấp lánh đây đó trong những chùm thơ 1-2-3 của anh.
“Phong hờ hơi ấm” – Tập thơ 1-2-3 của Hoàng Hải Phương
Đầu tiên là kí ức cố hương sống dậy trong tâm trí nhân vật trữ tình. Nó là “hồn quê” biết “thương kẻ đi hoang”. Trong kí ức đó, quê hương là con “đường vẫn nhỏ” có lẫn “cây bắp cọ má ướt mèm”; đó là những lần “bước bồi hồi về ngoại hút theo dáng mẹ” lẫn trong con đường “cát nhấp nhô”; đó là cảm thức hiện sinh xăm soi kí ức trong suy nghĩ chơi vơi tìm lại một thời nao nao tuổi vụng “soi tóc bạc bến sông hằn lên mây trời tiếc nuối”. Một câu thơ siêu thực hay đến ám ảnh. Bởi trong câu thơ ấy thấy có đủ cả thời gian, không gian và thi ảnh để có thể đứng riêng độc lập mà diễn tả hết cái sâu nặng tình quê, cái hun hút một thời hoa niên vụng dại. Tiếc năm tháng tuổi thơ đã vùn vụt trôi qua làm giật mình “tiếng trẻ gọi nhau giật thốt tuổi thơ về”. Để rồi nhân vật trữ tình như òa vỡ “vang vọng đâu đây tháng năm biền biệt hồn quê”. Thành thử, kí ức cứ rõ mồn một, sống động bao nhiêu thì cảm thức tha hương lại dường như day dứt bấy nhiêu.
Hồn quê thương kẻ đi hoang
Đường vẫn nhỏ cây bắp còn cọ má ướt mèm
Cát nhấp nhô bước bồi hồi về ngoại hút theo dáng mẹ
Soi tóc bạc bến sông hằn lên mây trời tiếc nuối
Tiếng trẻ gọi nhau giật thốt tuổi thơ về
Vang vọng đâu đây tháng năm biền biệt hồn quê
Hoàng Hải Phương có ý tưởng đặt tên cho chùm thơ in chung cùng chủ đề, hốt nhiên khi đó, mỗi một bài thơ như là một nhánh của cành cây thơ chung kia. Ý tưởng mới nhưng vô tình lại làm mất đi tính độc lập ở từng bài, bởi nói gì nói mỗi một bài thơ 1-2-3 là một chỉnh thể độc lập, nếu nó có cùng chung chủ đề đi nữa thì sự độc lập kia vẫn là sự ưu tiên và hiện hữu cần phải có cho thơ, bởi cấu trúc thi pháp đặt ra cho mỗi bài thơ 1-2-3 buộc nó phải độc lập. Dẫu sao, ý tưởng trên của thi nhân cũng là một cái nhìn riêng, rất cần được chúng ta trân trọng.
Trong tập “Phong hờ hơi ấm”, đôi khi những bài thơ 1-2-3 của Hoàng Hải Phương chỉ đơn giản như là những câu nói trao đổi đơn giản hàng ngày nhưng lại chứa đựng cả một bài học như được chắt lọc ra từ lòng kiên nhẫn, của sự dám nói dám làm dám dấn thân trong cuộc đời mà để lại một bài học nhân sinh tròn trịa tựu thành:
Cô đơn do đặc biệt khác người
Thói quen ganh ghét lo sợ luôn hiển hiện
Phản đối ý tưởng tiên phong nảy lộc đâm chồi
Ta chọn lọc lắng nghe từng chữ từng lời
Chồi xanh sẽ thành cây thử nghiệm từng dự án
Ghi chép kết quả hoàn thành cho hoa trái sinh sôi
Có khi bài thơ của anh chỉ như một bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc đẫm đặc tình người và chớp lóe tính nhân văn cao quý. Điều ấy chúng tôi tìm thấy trong bài thơ “Cô gái mở đường bị thương chỗ kín”. Chỉ cần một chi tiết “tấm vải dù mát rượi từ anh thương binh chuyền sang” cũng đã có thể làm hạnh phúc tình người nở hoa ngay “cô chớp mi miệng máy môi thỏa nguyện” để rồi cô mãn nguyện “nhẹ nhàng ra đi kiêu hãnh mãi lưu truyền”.
Nhà thơ – nhà phê bình Khang Quốc Ngọc
Cố hương Quảng Đà lấp lánh vui và trĩu nặng tâm tư trong thơ 1-2-3 Hoàng Hải Phương. Cố hương ấy khi ẩn trong khúc tráng ca của lịch sử như còn âm vang “Lịch sử chọn thành Thái Phiên bao lần xuất trận”, khi là nét vẽ nên tính cách quyết liệt đã làm là làm đến cùng của con người vùng đất ấy “tính khí người Quảng không chấp nhận nửa vời” trong bài “Vẻ đẹp âm thầm chịu đựng Đà Nẵng thời hậu chiến”, có khi lại là hiện thực vụt qua như những bài học dựng xây sao cho hài hòa và chinh phục nhân tâm “bỗng nhói đau nóng ran vết tự thương đang chữa toày hoày” (Đà Nẵng đổi thay tiếc nuối đường dài về chạm đích), cố hương đôi khi là cái nhìn chứa đầy sự trái khoáy và ám tượng “chú nhân viên tiếp dân hút cigar thơm lộng óc”, hình ảnh ấy đối lập hoàn toàn với hình ảnh xa xưa gợi ra nhiều góc khuất rêm người “cha chú thuở bí mật nằm trong phên đôi nhà má/ Hút thuốc nhứt quấn sâu kèn tàn trắng rất ngon/ Có đêm mơ má thấy khuôn mặt người khuất khói thuốc chập chờn”.
Có những phát hiện giàu chiêm nghiệm “sự vô tâm đôi khi ân hận giết chết một tấm lòng” (Bất hạnh vá chằm cảm xúc chai lì). Có những yêu thương tự tạo tưởng giản dị nhưng không dễ làm “Lung linh à yêu thương nở trên môi” (Không dám đụng vào cây thay lá). Ở đó còn là cảm thức tự hào cho một tâm hồn nhân ái giàu nữ tính “Em cổ võ mọi người dũng khí vươn lên/ Hoa hậu hòa bình quốc tế tôn vinh” (Hai cánh tay đưa lên hô Việt Nam vang vọng). Ở đó có sự phảng phất tiếc nuối một quá khứ tốt đẹp và êm đềm pha chút sắc màu triết lí cuộc sống “Quả ngọt hơn đôi khi từ gốc cây cằn cỗi/ Tiếc quá thời mua trái cây đếm chục Miền Nam” (Chọn lựa lạnh lùng cảm tính). Đôi khi những mơ hồ tình ái được tác giả làm sống lại sống động và tha thiết “Ngọt rét nhớ quê dậy ra đồng sương quệt/ Hẹn với chợ mai hối hả má em hồng” (Chút gió lạnh lách qua khe cửa hẹp).
Có thể nói thơ 1-2-3 Hoàng Hải Phương vồn vã tự nhiên như cơm ăn nước uống hàng ngày, nên dễ cho độc giả thấy được bóng dáng mình đâu đó. Điều này vừa là thế mạnh vì nó phát huy tối đa được chất dân dã giản dị dễ tiếp cận thơ anh đồng thời nó cũng là điểm yếu nơi thơ Hoàng Hải Phương vì nếu cứ đi men theo sự vồn vã tự nhiên ấy mà không chú ý đến sự thay đổi giọng điệu và gọt giũa khi cần thì e sẽ dễ rơi vào con đường nhàm chán. Hy vọng ở những tập thơ sau, tác giả sẽ tránh được sự trượt chân này.
Tóm lại, thơ 1-2-3 Hoàng Hải Phương cho dù anh viết về chủ đề nào đi nữa thì chúng tôi vẫn thấy câu chữ anh lấp lánh kết quả một chuỗi những trải nghiệm sống đáng quý. Lời thơ Hoàng Hải Phương giang rộng với mọi chủ đề. Bởi thế, dường như với thơ 1-2-3 anh như tìm thấy được ngôi nhà của mình, anh tung tẩy hết mình với 1-2-3 bằng một thứ ngôn ngữ giàu có, giọng điệu tự nhiên, đôi khi có chút quá đà nên có lúc câu chữ anh còn dễ dãi, song dẫu sao đó cũng là sự yêu quý và gắn bó hết mình với thể thơ mới này. Rất mong, sự quý yêu đó sẽ luôn duy trì được ngọn lửa đam mê sáng tác trong anh! Trân trọng!.
Sài Gòn, 9/2/2022
Khang Quốc Ngọc
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt Theo chính sử Trung Hoa thì Lưu Tử Nghiệp, tự Pháp Sư, là con trưởng của Hiếu Vũ đế...