Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Nghệ thuật tự sự của Nguyễn Bình Phương trong tiểu thuyết "Mình và họ"

Nghệ thuật tự sự của Nguyễn Bình Phương
trong tiểu thuyết "Mình và họ"

Vào lúc 9 giờ, ngày 18.7.2022, tại Viện Văn học sẽ diễn ra Tọa đàm Khoa học “Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong chuyển động của văn học Việt Nam đương đại”, do Viện Văn học và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức. Xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà lý luận phê bình Nguyễn Văn Hùng về tiểu thuyết Mình và họ của nhà văn Nguyễn Bình Phương vốn được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương
Mình và họ là cuốn tiểu thuyết mới của Nguyễn Bình Phương. Trước khi được xuất bản ở trong nước, bản thảo tác phẩm đã đi một chặng đường khá xa từ Hà Nội sang tận Nam California đến với cộng đồng độc giả người Việt. Sau khi được Diễn Đàn Thế Kỷ xuất bản tháng 12 năm 2011 với tên gọi Xe lên xe xuống, Nxb.Trẻ xuất bản năm 2014 với tên gọi Mình và họ, tác phẩm ngay lập tức lôi kéo sự quan tâm, chú ý của độc giả và giới nghiên cứu, phê bình trong và ngoài nước. Tiểu thuyết được đánh giá là “tiểu thuyết của các tiểu thuyết” (Đoàn Cầm Thi) (1), “cuốn sách hay quá chừng…, hoàn toàn chế ngự tôi” (Bảo Ninh) (2),… Vậy điều gì đã khiến tác phẩm này ghi dấu ấn mạnh mẽ trong cộng đồng diễn giải đến vậy? Tiểu luận của chúng tôi tập trung khám phá, luận giải những tìm tòi, thể nghiệm trong kỹ thuật tự sự của Nguyễn Bình Phương qua Mình và họ. Từ đó, khẳng định tài năng, cá tính sáng tạo cũng như vị trí của nhà văn trong dòng chảy văn học Việt Nam đương đại.
Tự sự đa chủ thể và hành trình “tìm lại thời gian đã mất”
Mình và họ bắt đầu bằng cái chết của Hiếu – nhân vật chính, khi xác đã nằm dưới vực sâu sau “cú bay thảng thốt tuyệt mỹ…, qua nhiều ngọn cây và đá” [tr.7] (3) còn linh hồn thì đang lơ lửng giữa hai cõi âm và dương, thực tại và quá khứ, ý thức và vô thức. Từ thời điểm này, câu chuyện được phân chia thành hai hướng: một là câu chuyện của linh hồn hướng về tương lai trên chuyến xe xuống và một là câu chuyện của người đang sống với những kí ức đan xen trong chuyến xe lên. Hành trình xe lên và xe xuống chỉ diễn ra trong khoảng vài ngày, nhân vật trên hai chuyến xe cũng khá ít ỏi (xe lên: bốn người, xe xuống: năm người và một linh hồn), mà bao trùm cả hai cảnh giới âm/ cõi chết và dương/ cõi sống, quá khứ và hiện tại, miền xuôi và miền ngược, văn minh và dã man, chiến tranh và hậu chiến; cùng những trạng huống phức tạp của tâm hồn, nhân tính, nhân sinh: yêu thương và lầm lạc, bạo lực và tội lỗi, ý thức và vô thức, thiện và ác…
Để bao quát, miêu tả được không gian rộng lớn, thời gian trải dài như vậy, Nguyễn Bình Phương đã khéo léo đan cài nhiều lời kể: (1) lời kể của Hiếu – xưng “mình”, (2) lời kể và ghi chép của anh trai Hiếu – xưng “tao”, (3) lời kể của các nhân vật khác lồng vào lời của “mình”. Trong lời kể của “mình”, nhà văn chủ ý chia tách thành hai trường đoạn đan xen nhau: in nghiêng và in thẳng. Phần in nghiêng là cuộc sống sau cái chết, diễn ra chỉ vỏn vẹn trong khoảng 12 tiếng đồng hồ, bắt đầu từ lúc “mặt trời chậm chậm lăn theo lưng núi” cho đến “trước ban mai” ngày hôm sau. Phần in thẳng là toàn bộ cuộc sống trước khi chết, trong khoảng hơn 30 năm, từ cái thời ấu thơ “chạy rồng rồng dọc bờ sông hò hét, bẻ cây múa kiếm, vật nhau tung tóe trên dòng nước đỏ lù phù sa” [tr.203] với anh trai và kết thúc là “mình” bay xuống vực thẳm tự vẫn.
Với cái tôi tự thuật hướng nội, Hiếu đã tái hiện câu chuyện về cuộc đời mình cùng những biến cố gắn với số phận từng thành viên trong gia đình anh. “Mình” có một gia cảnh và những mối quan hệ đặc biệt: ông ngoại là trùm phỉ có tiếng; mẹ đi tù vì “buôn hàng quốc cấm”; bố chết trong sự uất ức; anh trai đi bộ đội, bị bắt làm tù binh, trở về sau chiến tranh và chết vì điên loạn; ông chú thức thời; người tình hờ (Trang) cầm đầu băng đảng tội phạm. Đó là chưa kể mối tình vụng trộm của anh với Hằng – chị dâu, kết quả đứa con trai ra đời (tám tháng sau chết vì viêm phổi), sau đó chị dâu bỏ nhà chạy theo người đàn ông khác. Hiếu sống khép kín trong căn phòng trọ nhếch nhác, tồi tàn, ít giao du bạn bè. Thế giới của anh chỉ xoay quanh gia đình (anh cũng không mấy thiết tha, ngoài tình cảm/ mặc cảm tội lỗi với người anh trai bị điên loạn), và vài ba người bạn ít ỏi. Điều đó giải thích tại sao từ trong sâu xa bản thể, “mình” luôn có cảm giác trống trải, cô đơn, hoang hoải, vô nghĩa với mọi người, mọi thứ, mọi nơi (cảm giác này xuất hiện 14 lần).
Từ sự cô đơn, lạc lõng trong bản thể, Hiếu hướng sự chú ý ra bên ngoài. Anh tự nhận mình là kẻ thích đi chơi, thích nghe, thích biết, thích khám phá những điều bí ẩn xung quanh mình, mặc dù với anh, tất cả không để dùng vào việc gì. Anh có mối quan tâm đặc biệt dành cho mây và hoa quỳnh – biểu tượng của vẻ đẹp mong manh, hư ảo, phù phiếm; hứng thú, đam mê sách báo, nhất là sách viết về thế giới chính khách, và báo Công an Nhân dân (tờ báo này được nhắc đến với tần số không dưới 30 lần). Hiếu luôn bị bủa vây bởi bức tường bạo lực. Anh nhận ra nó trong câu chuyện về thế giới thổ phỉ, ở lời kể và ghi chép nhật kí của anh trai, qua trang báo đọc hàng ngày, từ lời nói, ý nghĩ cùng cách hành xử của mình và mọi người xung quanh. Ban đầu Hiếu hờ hững như kẻ ngoài cuộc, sau đó say mê, đồng lõa và cuối cùng thực thi bạo lực.
Không chỉ phơi trải cái ý thức hiện hữu, Hiếu còn khám phá, phô diễn những ám ảnh vô thức, những ý nghĩ thầm kín trong sâu thẳm tâm hồn mình. Suốt cả hành trình lên và xuống, anh vẫn day dứt, băn khoăn về tương quan giữa “mình” với thế giới xung quanh. Anh tự/ bị xác lập cho mình một vị trí và cố gắng đến tuyệt vọng để nhận diện mình giữa: lên/ xuống, mình/ họ, bên ngoài/ bên trong, cõi sống/ cõi chết, người sống/ linh hồn, thời gian đã qua/ thời gian sau đó. Để rồi, có lúc “mình” tưởng chừng như đã nhận ra: “mình với họ rất khó phân biệt” [tr.211], nhưng rốt cuộc sự hoài nghi, day dứt vẫn vây quanh nhân vật, thậm chí khi linh hồn đã kết thúc hành trình của nó: “Mà làm sao để phân biệt được lên với xuống ở cái vùng biên ải lúc nào cũng hoang hoang, bồng bênh này? Làm sao để phân biệt được mình với họ” [tr.302].
Đứng giữa lằn ranh bên trong/ bên ngoài, Hiếu luôn truy vấn câu hỏi về sự tồn tại và những bí ẩn nơi bản thể mỗi người, mỗi hiện tượng. Anh đã bảy lần nghi vấn từ bên ngoài thì làm sao biết được cái gì bên trong, dành cho ba đối tượng khác nhau (cây cối vùng biên ải – 2 lần, anh Thuận – 1 lần, và Trang – 4 lần). Cuối cùng chỉ có hai người tạm cho anh câu trả lời (anh Thuận và Trang). Riêng Trang, Hiếu “thấy” được bên trong cô là “cả một thế giới nguyên thủy, mù mịt trong ấy, nhưng hoang liêu” [tr.13], nhưng sau đó anh lại hoài nghi, “trong Trang còn là gì nữa?” [tr.193]. Chính cái nhu cầu tra vấn, niềm thôi thúc tự nhận thức này giúp cho đời sống của Hiếu trở nên cân bằng hơn. Nếu không, cuộc đời anh chỉ loanh quanh đọc những chuyện giật gân trên báo Công an Nhân dân, nghiền ngẫm những câu chuyện đẫm máu của chiến tranh, say mê những chuyện rùng rợn, man dại về thế giới thổ phỉ, và rồi thản nhiên gây tội ác.
Bên cạnh lời dẫn chuyện của “mình” là lời kể của anh trai Hiếu được ghi trong nhật kí (8 trường đoạn). Lời kể này có khi được Nguyễn Bình Phương đánh dấu bằng các tiết đoạn trong ngoặc kép, có lúc hòa vào lời của “mình”, như chính câu chuyện “mình” được chứng kiến và kể lại. Câu chuyện của người anh tái hiện sinh động cuộc chiến khốc liệt, một mất một còn trong mịt mùng rừng xanh núi thẳm vùng biên giới Việt Trung; khắc họa chân thực số phận của người lính khi bị bắt làm tù binh; lí giải sâu sắc những chấn chứng hậu chiến hằn lên thể xác và tâm trí mình. Mỗi chi tiết về cuộc chiến do chính người trong cuộc kể, trở nên thật và đời hơn bao giờ hết: “Mày biết không, thằng Tấn vừa ngắm vừa đái ra quần. Đái xong nó mới bóp cò… Mỗi khi thằng Tấn sải chân, nước văng ra từ đũng quần nó trông rất đểu” [tr.179]. Những trạng huống tâm hồn người lính như vẫn còn tươi nguyên trong mỗi kí ức về trận chiến. Bởi chiến tranh như một bộ máy nghiền nát và hủy diệt tất cả, không chừa một ai, chỉ để lại tội ác và những linh hồn oan khuất, vất vưởng nơi rừng sâu, núi thẳm.
Quyền năng tự sự của “mình” trong Mình và họ luôn bị giới hạn bởi tính chủ quan, cá nhân cùng khoảng cách không gian – thời gian không thể san lấp. Với ý hướng mở rộng biên độ khám phá, luận giải hiện thực và con người trong tính đa chiều, Nguyễn Bình Phương đã rất tinh tế khi sử dụng linh hoạt người kể chuyện gá lắp với kiểu tự sự đa chủ thể, đa tầng bậc. Với những sự kiện nằm ngoài “tầm hiểu biết”, “tầm kiểm soát” của người kể, tác giả khéo léo đan cài trong lời kể trực tiếp của Hiếu những câu chuyện do nhiều nhân vật khác kể. Bề ngoài, đây là lời của “mình” (về hình thức chấm câu, ngữ pháp) nhưng kì thực về phong cách, thái độ, tình cảm lại thuộc về các nhân vật. Đó là những câu chuyện rùng rợn, kì bí và nghĩa hiệp trong thế giới thổ phỉ được kể bởi người cậu ruột (2 tiết đoạn), ông già bạn cậu (2 tiết đoạn) và người anh họ tên Hà (1 tiết đoạn). Câu chuyện về cuộc chiến năm 1979 và 1984 bi thương, hào hùng được tái hiện từ hai nguồn: (1) câu chuyện của người cậu (1 tiết đoạn) và người anh (8 tiết đoạn); (2) lời truyền khẩu, đồn thổi về chiến công của người đàn bà dốc Lang Hạ; chuyện ăn cao bành trướng, ăn thịt người được kể bởi “hắn” – người bạn đường trong chuyến xe lên (4 tiết đoạn). Ngoài ra, đó còn là những câu chuyện “đường rừng” khắc họa hoàn cảnh sống, tập tính, bản sắc, đời sống sinh hoạt và tính cách của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số (người Mèo, người Dao, người La Chí, người Lô Lô…) trong mỗi vùng đất chuyến xe lên đã đi qua (“hắn” kể – 5 tiết đoạn, lái xe chuyến lên và xuống kể – 2 tiết đoạn).
Mình và họ đầy ắp sự kiện, dịch chuyển liên tục trên nhiều không gian và thời gian, thế giới nhân vật phong phú, đa dạng. Với lối kể dồn nén, chắt lọc, tinh tế trong từng chi tiết, Nguyễn Bình Phương đã chứng tỏ tài năng/ tài hoa trong việc tổ chức, sắp xếp, kết nối những câu chuyện và con người từ quá khứ đến hiện đại. Người kể chuyện ngày càng có nhiều biến hóa về hình thức, chức năng và sự vận hành dưới ngòi bút sáng tạo của nhà văn. Tác phẩm thực sự là một trò chơi văn bản được khởi sinh từ bản chất sáng tạo, tưởng tượng của văn học; được cộng hưởng, đồng hành bởi những khả thể người đọc năng động. Qua những chủ đề lớn về thế giới phỉ, chiến tranh biên giới, băng đảng tội phạm trong xã hội hiện đại, căn tính tộc người, tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương đã thật sự chạm vào những vấn đề chung của nhân loại/ nhân sinh/nhân tính.
Tiểu thuyết “Mình và họ” của Nguyễn Bình Phương
Nghệ thuật dịch chuyển điểm nhìn tự sự trên nguyên tắc luận giải, đối thoại.
Gia tăng, gấp bội và dịch chuyển điểm nhìn là biểu hiện độc đáo, sinh động trong nỗ lực khám phá, luận giải hiện thực và con người có chiều sâu của Nguyễn Bình Phương. Đó là hình thức phối hợp, đan xen nhiều điểm nhìn/ quan điểm trần thuật trên nguyên tắc đối thoại. Chính điều này đã giúp Mình và họ vượt thoát tính đơn thanh, độc thoại một chiều của mô hình tự sự truyền thống; đan cài nhiều tiếng nói, thi triển liên tục những trường đối thoại, tạo dựng tính đa âm cho tiểu thuyết. Nhiều vấn đề từ quá khứ đến hiện tại được kết nối, soi rọi và luận giải: căn nguyên và hệ lụy của bạo lực, bản chất và những di chứng của chiến tranh, căn tính và văn hóa tộc người, mình/dân tộc mình trong tương quan với họ/dân tộc họ …
Bạo lực là một trong những vấn đề trung tâm được Nguyễn Bình Phương khám phá, luận giải. Nhà văn có tham vọng truy tìm căn nguyên của nó từ các câu chuyện quá khứ, nhằm nối kết, lí giải cho cách hành xử, tâm thế của con người trong xã hội hiện đại. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả đã xây dựng hình tượng nhân vật chính – Hiếu vừa hoang mang, ghê tởm vừa thích thú, say sưa với những hình ảnh và câu chuyện về bạo lực, chết chóc. Anh thông thạo, háo hức dõi theo từng số Công an Nhân dân, đặc biệt những bài viết đăng tải các vụ giết người li kì, rùng rợn. Những câu chuyện vừa thực vừa hư, vừa quyến rũ vừa bạo liệt trong thế giới phỉ luôn làm anh phấn kích, nồng nhiệt hưởng ứng, và liên tưởng tới cái chết của Vân Ly trước đó [tr.62, tr.65].
Qua điểm nhìn của Hiếu, bạo lực nguyên thủy thoát thai từ hình thức hành xử của phỉ, bởi lẽ “xét thuần về mặt hành động thì phỉ là loại chạm tới cái cốt lõi nhất, tiêu biểu nhất của con người. Vì phỉ hay dùng hình thức chặt, thứ hình thức mang lại khoái cảm và uy quyền. Phỉ chặt đầu, chặt tay, chặt chân, chặt ngang người. Các loài khác không biết chặt, chỉ cắn, xé, móc” [tr.100]. Từ nhận thức ấy, điểm nhìn tiếp tục hướng đến giải mã căn tính và hệ lụy của bạo lực trong các sự kiện lịch sử cổ – trung đại: Lý Thường Kiệt khi triệt hạ thành Ung Châu (1075) đã cho chặt đầu tất cả những kẻ trong thành rồi xếp thành năm trăm tám mươi đống, mỗi đống một trăm cái đầu; toàn bộ gia quyến của viên quan cai quản vùng Bạch Long bị phỉ giết chết và chặt nhỏ (1886); cùng thời điểm đó, nhân viên phiên dịch người Pháp Haitce bị phỉ chặt làm sáu mảnh, lấy gan nhắm rượu; Nguyễn Ánh chặt hàng nghìn người thuộc phe Tây Sơn thất trận, vì trước đó đã chứng kiến cảnh bố mình bị anh em nhà Tây Sơn chặt đôi người (thế kỉ XVIII).
Bạo lực còn phủ đầy những đoạn viết về chiến tranh qua lời kể và điểm nhìn của anh trai Hiếu, ông cậu, “hắn”. Chiến tranh là một kiểu bạo lực, nhưng đó không phải là thứ bạo lực bất kỳ, mà đó là thứ bạo lực không có giới hạn.(4) Trong thời chiến, những người tham chiến có quyền giết kẻ thù bằng mọi cách nhằm buộc đối phương chịu khuất phục ý chí của mình. Những người lính có thể dùng súng, hoặc trực diện hơn, bằng dao; có thể chọn cách chôn sống, thiêu chết đối thủ của mình. Bất kể chuyện gì cũng có thể xảy ra trong chiến tranh, kể cả những chuyện mông muội, kì quái, rùng rợn, không tưởng nhất của loài người: chuyện ăn “cao Bành trướng” [tr.209, tr.211], chuyện ăn thịt người [tr.120-121], chuyện “khai thác” tù binh [tr.268]…
Từ câu chuyện của quá khứ, điểm nhìn dịch chuyển, kết nối, liên tưởng, nhằm giải thích căn nguyên cho những hiện tượng và hình thức bạo lực trong xã hội hiện đại. Qua điểm nhìn của các nhân vật, bạo lực lúc này hiện hữu bằng hành động: giết/ bị giết, kết quả: chết/ bị chết, không giới hạn đối tượng, lí do, phương tiện. Có những cái chết bất đắc kì tử vì những lí do lãng nhách (bố mẹ và người yêu cô Kiều, ông lão ở bản La Sin, thằng Quých), lại có những cái chết trong vô thức (tài xế ngủ quên gây tai nạn); có cái chết thảm khốc (người phụ nữ bị xe cán), cái chết cô độc (người anh trai), lại có cái chết “thảng thốt tuyệt mỹ” (Hiếu). Người ta cũng có thể giết bất kể ai, thậm chí vứt một đứa trẻ vừa lọt lòng vào thùng rác như ném một món đồ không còn giá trị.
Chưa bao giờ bạo lực và những hình thức của nó thôi ám ảnh, đe dọa sự tồn vong của con người. Hiếu cũng như những người sống xung quanh anh luôn bị bủa vây bởi bạo lực không thể cưỡng lại nổi. Họ bối rối, hoang mang, hoài nghi bởi bạo lực không chỉ trong chiến tranh mà còn cả trong cuộc sống hòa bình; không chỉ diễn ra ở thế giới thổ phỉ dã man, mà còn hiện diện đầy rẫy ở cuộc sống hiện đại văn minh; không chỉ diễn ra trong lời ăn tiếng nói, cung cách sinh hoạt hàng ngày mà còn nhuộm lên bầu sinh quyển, vũ trụ, thiên nhiên – không gian sinh tồn của con người. Bạo lực cũng không phân biệt anh hùng/ thợ săn/ thổ phỉ, bên mình/ bên họ, phe chính nghĩa/ phe phi nghĩa, người thiện/kẻ ác, lực lượng chính thống/ phi chính thống…
Bao quanh bởi bức tường bạo lực, mỗi cá nhân buộc phải lựa chọn một cách ứng xử (chối bỏ hay đồng lõa), một thái độ (ghê tởm hay say sưa), một hành động (chống lại hay thực thi) và một tâm thế (bị động hay chủ động). Nếu bạo lực trong thế giới phỉ được lí giải bởi tình trạng hoang dã, mông muội, bản năng nguyên thủy; bạo lực trong chiến tranh được khoác lên mình chiếc áo choàng của lí tưởng, nghĩa vụ bảo vệ xứ sở, thống nhất đất nước; thì bạo lực hiện đại hiện hữu không lí do như nhu cầu hằng ngày của con người. Cái chết của Vân Ly chẳng qua là sự nối dài hệ lụy của bạo lực từ quá khứ đến hiện đại, có khác là ở hình thức bạo lực, không “chặt xác” mà “đốt xác”.
Với ý thức đòi quyền bình đẳng giữa kinh nghiệm cá nhân bên cạnh kinh nghiệm cộng đồng, Nguyễn Bình Phương đã cung cấp cho độc giả thêm nhiều điểm nhìn mới về chiến tranh cũng như thân phận con người trong và sau cuộc chiến. Từ điểm nhìn hướng nội của người trong cuộc, anh trai Hiếu đã lột tả chân thực gương mặt man dại, bạo liệt, và sức hủy diệt đáng sợ của chiến tranh. Nó không chỉ gieo những cái chết từ hai phía mà còn âm thầm phá hủy niềm tin, tâm hồn và nhân tính con người. Cuộc chiến này đã để lại trong anh những chấn thương thể xác và bi kịch tinh thần, là nguyên do của căn bệnh trầm uất và điên loạn, cuối cùng là cái chết thảm thương trong cô độc.
Để luận giải về tính chất của cuộc chiến biên giới, mối quan hệ đầy duyên nợ giữa hai nước láng giếng, bản chất trong hành động cách mạng và thổ phỉ, bên cạnh điểm nhìn của người anh Hiếu, Nguyễn Bình Phương đã tổ chức tinh tế thêm nhiều điểm nhìn trên nguyên tắc đối thoại. Trong Mình và họ, tác giả đã xây dựng ba tiết đoạn gặp gỡ/ đối thoại, ẩn chứa nhiều dụng ý nghệ thuật: (1) ông cậu và “mình” [tr.52], (2) Chu Chồ Sền – trùm phỉ và Chu Văn Tấn – Việt Minh [tr.53], (3) “mình” và “hắn” [tr.211-212]. Ở đó không đơn giản là cái nhìn/ cách nhìn mà sâu xa hơn là quan điểm/nhãn quan giá trị trong tầm nhìn của người trong cuộc và ngoài cuộc, lực lượng chính thống và phi chính thống.
Qua điểm nhìn của ông cậu, người sống ở vùng biên ải và đã từng trực tiếp tham chiến, cuộc chiến này “chẳng khác gì việc xích mích với hàng xóm. Thi thoảng đụng nhau vậy rồi lại quên đi, buồn buồn thì gọi nhau sang uống chén rượu” [tr.52]. Hiếu lại có một cái nhìn khác, không hẳn là “ngược sáng” hay “giải thiêng”: “cuộc chiến này là bãi nước bọt nhổ vào mặt người anh hùng. Mình đã mất mấy chục năm xương máu để tạo dựng uy danh nhưng chỉ cần có vài tuần họ đã cướp cái uy danh ấy” [tr.52]. Ạnh đối thoại lại với cái nhìn bình thản, nhẹ nhàng của ông cậu về mối quan hệ giữa hai nước láng giềng: “làm chó gì có sự tử tế giữa hai quốc gia. Toàn thổ phỉ cả” [tr.52], bởi ở đó là hận thù xuyên nòi giống, sự giao tranh không khoan nhượng, là sự rình rập, giam hãm, giăng bẫy bất cứ lúc nào.
Vấn đề tương quan, bản sắc giữa mình/ dân tộc mình và họ/ dân tộc họ, Việt Minh và thổ phỉ tiếp tục được khơi dậy trong cuộc đối thoại giữa Hiếu và “hắn”, Chu Chồ Sển và Chu Văn Tấn. Qua câu chuyện ăn “cao bành trướng” lạ kỳ, rùng rợn, “hắn” nhận thức: “mình là mình, họ là họ, chẳng dính dáng gì đến nhau”, “vì giỏi cười xòa cho nên mình trở thành ẩn ức của họ”; còn Hiếu thì xác quyết “mình với họ rất khó phân biệt”. Bản chất của hành động làm cách mạng của Việt Minh và hành động đi ăn cướp của thổ phỉ được lí giải thú vị qua cái nhìn ngây ngô, đơn giản của Chu Chồ Sển và nhận thức non nớt trong giai đoạn “nhận đường” của Chu Văn Tấn. Sự khác biệt hay giống nhau giữa “mình”/Việt Minh và “họ”/ thổ phỉ nằm ở đâu thì cả bốn nhân vật không thể lí giải, nhưng rõ ràng đó không đơn thuần là những cách so sánh mà còn có biết bao sự bất trắc, quanh co, phức tạp, bí ẩn tiềm tàng trong sự so sánh ấy.
Nguyễn Bình Phương đã tạo dựng, dịch chuyển linh hoạt các điểm nhìn trên nguyên tắc đối thoại, luận giải: điểm nhìn bên trong/ bên ngoài, điểm nhìn quá khứ/ thực tại, điểm nhìn cá nhân/ cộng đồng, điểm nhìn chứng nhân/ nếm trải… Đó là cách nhà văn khai phóng và kết nối những vấn đề riêng và chung, cá nhân và dân tộc, nhân sinh và nhân loại, từ quá khứ đến hiện tại. Và đó cũng chính là lúc người đọc phiêu lưu, thám hiểm vào thế giới nghệ thuật vô cùng sinh động và thú vị này.
Nghệ thuật tổ chức kết cấu tự sự
Mình và họ có sự phân mảnh, lắp ghép nhiều câu chuyện; lồng ghép, đồng hiện nhiều mảng không gian, thời gian, tâm lí khác nhau. Bốn mảng hiện thực xảy ra trong những thời điểm khác nhau được cài cắm một cách tinh vi, phức tạp: (1) thế giới thổ phỉ kì bí, huyền hoặc trên vùng biên ải; (2) cuộc chiến đấu khốc liệt, ngoan cường của chiến sĩ và đồng bào nơi biên giới năm 1979 và 1984; (3) cảnh sắc thiên nhiên mịt mùng, hoang dã cùng đời sống, tập tính của đồng bào miền núi; (4) xã hội hiện đại bề bộn, phức tạp với chân dung chân thực, đa chiều về các băng đảng tội phạm.
Ở Mình và họ, các câu chuyện được kể tuy không xa rời chủ đề chính của văn bản, nhưng lại được gắn kết với nhau một cách lỏng lẻo, thậm chí là lộn xộn, ngẫu nhiên. Sự phá vỡ nguyên tắc thống nhất, xuyên suốt của hành động trung tâm là nỗ lực cách tân truyền thống từ tâm thức, cái nhìn hiện đại/ hậu hiện đại, gắn với nguyên tắc đối thoại của tiểu thuyết. Điều đó không những giúp tác phẩm mở rộng khung, tạo ra một không gian truyện kể đa tầng, nhiều cấp độ, mà còn là cách để nhà văn thể hiện được quan niệm của mình về cuộc sống, một cuộc sống không khép kín, không bất biến mà luôn vận động, tiếp diễn từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.
Hành trình của “mình” – linh hồn trên chuyến xe xuống  và “mình” – lúc còn sống trên chuyến xe lên được đan cài, lắp ghép tài tình với nhiều câu chuyện của các nhân vật khác. Lúc này, lối kết cấu đa tầng biến hóa phát huy hết hiệu quả tự sự và giá trị thẩm mĩ của nó. Một mặt, các hình ảnh, chi tiết, sự kiện trên hai chuyến xe được nối kết chặt chẽ: hiện tại gợi nhắc quá khứ, quá khứ lấp đầy hiện tại. Mặt khác, trên chuyến xe xuống, nhân vật đã làm một cuộc hành trình trở về quá khứ, tìm lại thời gian đã mất, nhưng quá khứ này lại được khoác lên mình hình hài của hiện tại. Hình thức hồi cố lớn và hồi cố nhỏ, hồi cố bên trong và hồi cố bên ngoài được sử dụng dày đặc và vô cùng đắc địa. Nó không chỉ kết nối các sự kiện trong quá khứ và hiện tại, mà quan trọng hơn, đó là cách thức tiếp cận, miêu tả hiện thực cuộc sống và thế giới nội tâm trong tính đa chiều, đa diện, phức hợp.
Các lớp không gian và thời gian trong Mình và họ bị xáo trộn liên tục. Tác phẩm được coi như là bản tường trình của trí nhớ “trong cái vùng ẩm ướt thoang thoảng”, nơi đó hiện diện cấu trúc và sự vận hành kì diệu của nó. Các cụm từ “mình nhớ”, “mình còn nhớ”, “mình sực nhớ”, “mình bâng khuâng nhớ”, “mình nhớ láng máng”… xuất hiện với tần số đáng ngạc nhiên – 39 lần. Đằng sau các cụm từ ấy là vô vàn những kí ức ùa về ken chặt trong tâm trí nhân vật. Nguyễn Bình Phương không những miêu tả, khám phá tinh tế các trạng thái “đỏng đảnh” của trí nhớ, mà còn khắc họa sinh động sự vận hành phức tạp, quanh co của nó. Ở đó, không chỉ có quá khứ của thực tại mà còn là quá khứ của quá khứ: “Mình nhớ lúc ấy mình nhớ cậu nói với mình rằng cuộc Bảy chín sông Bằng cũng đỏ lừ máu” [tr.131]; không chỉ là quá khứ gần, mà còn là quá khứ xa – thuở hồng hoang, nguyên thủy của loài người: “chỉ với một trận mưa, hai giờ hai mươi nhăm của hiện tại trở về ngay tức khắc thuở hồng hoang” [tr.70].
Trong nỗ lực làm mới thể loại, Nguyễn Bình Phương còn sáng tạo và thể nghiệm lối kết cấu đồng hiện. Khi mà lối kết cấu theo trình tự thời gian tuyến tính tỏ ra chật hẹp trong việc tổ chức cấu trúc truyện kể, thì phương thức đồng hiện góp phần mở rộng biên độ hiện thực cuộc sống và con người. Nhà văn đã xếp chồng nhiều bình diện không gian: không gian núi rừng hoang dã, không gian chiến trận khốc liệt, không gian tâm linh huyền bí, không gian kì ảo, ma quái, không gian đời tư thầm kín, không gian xã hội hiện đại xô bồ, đa tạp… Cùng với đó là sự xóa nhoà ngăn cách của các lớp thời gian quá khứ – hiện tại – tương lai. Đó cũng chính là cơ sở để tác giả đồng hiện các trạng thái/trạng huống tâm lí, tâm hồn, tạo nên cái nhìn đa chiều về bản chất cuộc sống và con người.
Sự đan cài các yếu tố hữu thức và vô thức, logic và phi logic, trật tự và hỗn độn, tất yếu và ngẫu nhiên, giấc mơ và thực tại… khiến câu chuyện như màn sương nhạt nhoà lúc ẩn lúc hiện trong cõi tâm linh đầy bí mật của nhân vật. Trong Mình và họ, xuất hiện liên tục những ám ảnh, giấc mơ vô thức của Hiếu. Đó là những giấc mơ – điềm báo, dự cảm: giấc mơ mạng nhện giăng quanh người anh trai (2 lần), giấc mơ bị bắt trên đỉnh Tà Vần (1 lần), giấc mơ anh trai đòi “mình” gặp bạn anh ở đền Ngũ Nhân (1 lần); giấc mơ – ám ảnh: giấc mơ bị săn đuổi (1 lần), giấc mơ về cái chết đau đớn của Vân Ly (2 lần), giấc mơ chở anh trai lên đỉnh núi Tà Vần (1 lần). Hầu như lúc nào nhân vật chính cũng có những giây phút đối diện với lòng mình, để sám hối, tra vấn, để giãi bày, tâm sự, để đối thoại, thức nhận. Chính sự đồng hiện các bình diện tâm lí, tâm linh đã lí giải sâu sắc những ý nghĩ hiện sinh, những động cơ thầm kín trong cách hành xử của nhân vật.
Mình và họ là một trò chơi kết cấu, được thăng hoa cùng nỗ lực vượt thoát, làm mới, làm khác của người nghệ sĩ. Thông qua trò chơi ấy, Nguyễn Bình Phương đã biểu đạt tinh thần dân chủ, sự khai phóng ý tưởng trong khí quyển hiện đại/ hậu hiện đại. Nhà văn mở ra những lớp/ trường nghĩa đa dạng, “vẫy gọi” sự thụ hưởng, đồng sáng tạo của người đọc trên tâm thế mới bằng góc nhìn nhân bản và triết học đạo đức, lịch sử. Bước vào thế giới đầy mê hoặc ấy cũng là lúc độc giả chính thức dự phần vào cuộc đối thoại bất tận với tác giả về các vấn đề của hôm qua và hôm nay, của cá nhân và nhân loại.
Nghệ thuật kiến tạo cấu trúc diễn ngôn tự sự
Diễn ngôn tự sự trong Mình và họ được tổ chức bởi hai thành phần: diễn ngôn người kể chuyện (lời kể, lời tả, lời bình luận) và diễn ngôn nhân vật (đối thoại, độc thoại nội tâm). Nhằm gia tăng hiệu quả tự sự, tạo nên tính đa thanh, phức điệu cho tác phẩm, Nguyễn Bình Phương đã đổi mới cấu trúc diễn ngôn bằng nhiều sách lược độc đáo như đan cài lời kể và lời tả, lời kể và lời bình luận; phối kết lời kể và lời đối thoại, lời kể và lời độc thoại nội tâm, hay hòa trộn nhiều dạng phát ngôn trong lời người kể chuyện…
Lời kể không tuân theo trình tự logic tự nhiên của các sự kiện, trật tự tuyến tính về thời gian, mà men theo dòng suy tưởng, kí ức, trí nhớ. Lúc này, văn bản có sự đan cài nhiều sắc thái trong giọng kể. Chúng ta có thể nhận diện được những sắc thái biến ảo, tinh vi trong cảm xúc, tâm trạng của nhân vật thông qua lời kể của người kể chuyện xưng “mình” (Hiếu), xưng “tao” (anh Hiếu). Nhờ vậy, người đọc như được trải nghiệm đến tận cùng những trạng huống tâm hồn, những cảm xúc đa chiều, những ám ảnh vô thức, và cả những bấn loạn tinh thần của nhân vật.
Bên cạnh lời dẫn chuyện của người kể chuyện ngôi thứ nhất nếm trải, chứng nhân, là lời trung tính, khách quan của các nhân vật khác lồng vào lời kể của “mình” (ông cậu, bạn cậu, hắn, lái xe…). Với giọng điệu bình thản, mang đậm chất du ký, “đường rừng”, các mảnh ghép đa màu của quá khứ và thực tại hiện ra một cách sắc nét, chân thực. Không dài dòng kể lể, câu văn ngắn gọn, trạng từ chỉ cảm xúc trong lời kể được tối giản, ngôn ngữ thiên về kể và tả hơn là biểu hiện cảm xúc. Dù là câu chuyện của mình hay của người khác, từ quá khứ hay thực tại, mang nội dung vui hay buồn, lời kể vẫn giữ được sắc thái thản nhiên đến kì lạ. Phong thái ấy cũng là cách thức bày tỏ cách nhìn, thái độ của nhà văn đối với hiện thực cuộc sống và con người do mình tạo dựng.
Trong Mình và họ, ngoài lời kể còn có lời tả, hỗ trợ cho việc kể, khiến câu chuyện được kể trở nên sinh động, có hồn hơn. Có thể nói mỗi tiết đoạn miêu tả thiên nhiên là những trang phục bút tuyệt diệu của Nguyễn Bình Phương. Tác giả không chỉ “vẽ” hình hài cho thiên nhiên, tạo dựng không gian đặc trưng của núi rừng biên ải; khắc họa tính cách, trạng huống tâm hồn con người; mà còn thể hiện sâu sắc ý đồ, cảm quan nghệ thuật của mình. Nhiều hình ảnh, biểu tượng được nhà văn xây dựng độc đáo, đầy sức ám gợi:
Hình ảnh/ biểu tượng/ tần số xuất hiện: mây (14 lần), núi, thung lũng, đá, cây (65 lần), sương, sông, suối, nước, mưa (30 lần), trăng (5 lần), lửa, máu, màu đỏ(15 lần), Tà Vần(12 lần),hoa quỳnh( 3 lần ), tượng Phật (6 lần).
Mỗi hình ảnh, biểu tượng luôn hàm chứa hai mặt ý nghĩa: nguồn sống và hủy diệt (nước/ sông, lửa), yêu thương và dục vọng (hoa quỳnh), thơ mộng/ cái đẹp và bạo liệt/ cái ác (mây, đá, cây cối), sự sống và cái chết (máu, đỉnh Tà Vần, hoa quỳnh), hi vọng và tuyệt vọng (đỉnh Tà Vần), quá khứ và thực tại (mưa, dòng sông), thực và ảo (sương, trăng), nhân – quả, kiếp nạn và sự hoài nghi phép màu giải thoát, cứu độ (tượng Phật)…
Đặc biệt, mây, đá, núi, cây cối, nước là những biểu tượng mang đậm dấu ấn sáng tạo của Nguyễn Bình Phương, tạo nên tính đa nghĩa, sức ám ảnh, độ sâu, độ ngân cho Mình và họ. Nó không chỉ tạo nên chất thơ bởi sự bồng bềnh, biến ảo của mây; sự sum sê, xanh mướt của cây; sự hùng vĩ, uy nghi của núi; sự mờ ảo, dịu nhẹ của sương; mà còn mang đến cảm giác bất an, hiểm nguy rình rập. Những cái cây mang hình dáng méo mó, khuyết tật, “dãy núi gầm gừ đối diện nhau”, “con sông quắc lên gay gắt”, và đám mây hình con ngựa “lồng lộn phi trên một rừng gươm nhọn hoắt”, được đặt bên cạnh tính cách dữ dội và bất thường, hung dữ và tàn ác của con người càng tô đậm thêm căn tính bạo lực, man dại trong thế giới nhân quần.
So với các tác phẩm khác, thủ pháp so sánh được Nguyễn Bình Phương sử dụng tiết chế hơn, nhưng lại cực kì hiệu quả. Tác giả đã sáu lần sử dụng biện pháp này chạm khắc trạng thái của gương mặt, dáng người (so sánh với đá, núi), ba lần khi xuất hiện hình ảnh loài trăn (so sánh với hai cánh tay, con đường, tảng đá). Với cách thức này, nhà văn không chỉ “bắt” được cái hình/ hồn của đối tượng, mà còn giúp độc giả kết nối, liên tưởng để “gọi” về các ý nghĩa biểu tượng: sự im lìm, xa cách – sự bí ẩn, hiểm nguy (núi, đá); sự cân bằng, cặp đôi – sự đe dọa, hủy diệt (trăn).
Ngoài ra, Nguyễn Bình Phương sử dụng rất thành công thủ pháp tổ chức ánh sáng và tạo dựng âm thanh của nghệ thuật điện ảnh và sân khấu trong việc khắc họa, miêu tả thiên nhiên và trạng thái cảm xúc con người. Âm thanh “cừ rừm” xuất hiện 35 lần trong ngôn ngữ của ba cha con Hiếu, lúc cảm xúc bị đẩy lên cao trào. Hai âm này không có nghĩa trong từ điển tiếng Việt, sự xuất hiện của nó trong ngôn ngữ nhân vật có nguy cơ phá vỡ cấu trúc ngữ pháp của câu, gây rối trí người đọc; nhưng nó “không thể không gợi đến tiếng gầm gừ của loài thú dại. Nó như tiếng vọng về từ một chốn hoang liêu”.(5)
Trong Mình và họ luôn có sự xung đột, giao tranh giữa bóng tối và ánh sáng (xuất hiện 30 lần). Bao phủ không gian là bóng tối “âm ẩm và mịt mùng”, “một thứ bóng tối vẩn đục”, “đêm rộng ra gấp bội”, kéo “mọi thứ chìm sâu” vào “sự tăm tối thẳm sâu của vực”. Ánh sáng xuất hiện rất nhiều, song chỉ càng làm cho không gian thêm mịt mùng, tịch mịch, u ám, “hoang hoang bồng bênh”. Tác giả đã sáng tạo một trường từ vựng để biểu đạt những trạng thái biến thiên của ánh sáng: “vệt sáng nhạt”, “ánh sáng xanh lét”, “sắc màu nhàn nhạt”, “ánh sáng lờ mờ”, “quầng sáng”, “ánh sáng loe lóe”, “ánh sáng lờ đờ”, “luồng sáng xanh lịm”, “chấm sáng xanh mờ mờ”, “các nguồn sáng mà không nguồn nào trong trẻo nguyên chất”, “ánh sáng xanh lìm lịm, nhòa nhạt và lạnh”, “ánh sáng già nua, lù khù”, “dải sáng nhạt”, “vài chấm xanh nhợt loi thoi”… Đó không chỉ là sự tranh giành của thế giới tự nhiên để tồn tại trong từng dải đất, góc núi, lùm cây; mà nó còn gợi về lằn ranh mong manh, khó phân định trong tâm hồn, nhân tính con người.
Nhóm đại từ nhân xưng (họ/ bọn họ, nó) cũng là một sáng tạo độc đáo của Nguyễn Bình Phương. “Bọn họ”/ “họ” là lính Trung Quốc trong cuộc chiến tranh biên giới (22 lần), nhóm công an truy bắt Hiếu và Trang (19 lần), là đám người dân tộc (7 lần), đám cựu binh (1 lần), chính khách (1 lần). Đặc biệt, “bọn họ” là đám người vô hình vô ảnh đeo bám bên ngoài chuyến xe xuống (13 lần), chỉ linh hồn Hiếu mới có thể nhìn và cảm nhận thấy sự hiện diện. “Bọn họ” lặng lẽ, kiên trì chờ đợi cho đến khi linh hồn Hiếu nhập hẳn về cõi âm để “đón mình đi”, biến “mình” thành/ giống “họ”. “Nó” xuất hiện sáu lần, gắn với sự phấp phỏng, chờ đợi của Hiếu. “Nó” trong cảm nhận của “mình”, ban đầu là cái ảo ảnh “muốt trắng, ru ru giữa không trung vắng lặng”, là “sự di chuyển qua làn không khí tê dại”, đến kết thúc câu chuyện, nó hiện rõ hơn ở “khuôn mặt yếu ớt, cái miệng xinh xinh bợt bạt tỏa hương quỳnh thơm dịu thuở nào” [tr.302]. “Nó” – linh hồn đứa con, kết quả mối tình vụng trộm của Hiếu và Hằng, gắn với kỉ niệm về hoa quỳnh và người anh (hoa quỳnh nở – “nó” sinh, người anh lên đường nhập ngũ; đám quỳnh lụi tàn và chết – “nó” chết lúc tám tháng tuổi và người anh bị bắt trên đỉnh Tà Vần).
Kết nối các thành tố trong tư duy nghệ thuật của Nguyễn Bình Phương, mỗi đại từ nhân xưng không đơn thuần mang chức năng gọi tên, định danh cho đối tượng. Nhà văn dường như từ chối sự phân biệt, nhằm tạo ra sự mờ hóa, đa nghĩa cho/ về đối tượng. Với tác giả, trong cái mịt mùng, bí ẩn của tự nhiên; cái bề bộn, đa tạp của hiện thực cuộc sống; cái phức tạp, nhiều chiều của tâm hồn con người; mọi sự xác quyết cả trong lẫn ngoài văn bản đều hết sức nguy hiểm (và dại dột), vì tầng nghĩa của nó là vô tận. Chính sự hoài nghi sẽ thôi thúc con người suy ngẫm, tra vấn, tự nhận thức về bản thể, hòng tìm ra câu trả lời: làm thế nào sống “người hơn”, nhân bản hơn. Đó cũng chính là ý nghĩa nhân văn, giá trị tồn tại muôn đời của văn chương mà Nguyễn Bình Phương gợi mở qua tác phẩm của mình.
Quả thật, không riêng gì Mình và họ, tác phẩm của Nguyễn Bình Phương từ Bả giời (1991), Những đứa trẻ chết già (1994), Người đi vắng (1999), Trí nhớ suy tàn (2000), đến Thoạt kỳ thủy (2004), Ngồi (2006) vừa cuốn hút, vừa thách thức với cộng đồng diễn giải vốn quen xu hướng chọn những gì dễ dãi, giản đơn trên tâm thế thụ động – đọc như một hành vi tự vệ. Những thể nghiệm, sáng tạo trong hệ hình tư duy, phương thức tự sự, khẳng định tham vọng của nhà văn khắc phục/ vượt qua mô hình truyền thống nhằm đưa tiểu thuyết tiệm cận/ hòa nhập vào quỹ đạo chung của văn học thế giới. Nguyễn Bình Phương đã đột phá vào tầng sâu cấu trúc truyện kể, khai phóng trong ý tưởng, phiêu lưu trong bút pháp, thể nghiệm trong nghệ thuật tự sự, góp phần tạo nên một sinh thể nghệ thuật độc đáo. Với tất cả những điều đó, Mình và họ xứng đáng là dấu ấn và thành tựu quan trọng của văn xuôi Việt Nam đương đại.
Chú thích:
(1) Đoàn Cầm Thi, “Bạo lực và Mỹ cảm: đọc Mình và họ của Nguyễn Bình Phương”, 2015, nguồn website: http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do;jsessionid=1D2C598881D09C9F7A6DBEE2E4549636?action=viewArtwork&artworkId=18968.
(2) Bảo Ninh (2014), “Còn trên cả hay!”, nguồn website: http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/van-hoc-sach/20140925/khong-the-tay-xoa-lich-su-giu-nuoc/650128.html
(3) Từ đây, những trích dẫn không ghi rõ nguồn trích được lấy từ tiểu thuyết Mình và họ của Nguyễn Bình Phương, Nxb. Trẻ, 2014.
(4) Myriam Revault d’Allonnes, Tại sao con người gây ra chiến tranh?, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2010, tr.8-9.
(5) Đoàn Cầm Thi, “Bạo lực và Mỹ cảm: đọc Mình và họ của Nguyễn Bình Phương”, 2015, nguồn website: http://www.tienve.org/.
An Hòa, 18/12/2015
Nguyễn Văn Hùng
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học, 3.2016
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tác phẩm mới, cái nhìn riêng của Huỳnh Như Phương

Tác phẩm mới, cái nhìn riêng của Huỳnh Như Phương Có một “gia tài” gồm nhiều tác phẩm (giáo trình, chuyên khảo, bài báo khoa học, tản văn…...