Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Nhà văn Lê Lựu: Người theo đuổi một nguyên tắc là "Thật"

Nhà văn Lê Lựu: Người theo đuổi
một nguyên tắc là "Thật"

Nhà văn Lê Lựu sinh ngày 12.12.1938 tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, là thành viên của Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1974. Những tác phẩm tiêu biểu: Truyện ngắn Người cầm súng (1970), các tiểu thuyết Mở rừng (1976) Thời xa vắng (1986), Chuyện làng Cuội (1991), Sóng ở đáy sông (1994). Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học  nghệ thuật đợt 1 (năm 2001). Nhà văn qua đời vào chiều 9.11.2022 tại nhà riêng, sau một thời gian lâm bệnh nặng.
Nhà văn Lê Lựu (1938 – 2022)
Tôi biết nhà văn Lê Lựu qua hai tập truyện ngắn Người cầm súng và Phía mặt trời khi đang dạy văn ở một trường cấp III gần quê ông. Học trò nông thôn mà ham đọc, rất quý. Có mấy em hỏi: Thầy đưa chúng em sang nhà bác Lê Lựu được không? Nghe tôi kể (theo tưởng tượng hơn là do thực tế tiếp xúc) rằng Lê Lựu là một chú bộ đội đang chiến đấu ở chiến trường B… rồi nói tiếp: Chú ấy viết thế, là sự thực cả đấy… Mắt học trò long lanh, mắt tôi dân dấn nước.
1. Sau này biết và quen nhau, tôi kể cho tác giả Ranh giới và Thời xa vắng nghe chuyện thầy trò tôi, Lê Lựu hồ hởi sôi nổi hẳn lên, nói và kể liên miên lan man. Nhà thơ Vũ Cao bảo: Lạ nhỉ, sao hôm ấy Lê Lựu lại nói lắm thế không biết! Mà nói hay nữa ấy chứ!
Tôi còn nhớ hôm ấy nhà văn Lê Lựu đập đập tay vào đầu gối tôi, bảo: Nhất định tôi với Nguyên An có thể có chuyện lâu lâu rồi.
Được nghe thế, từ Lê Lựu, vào những năm 1978 – 1989, chắc cánh viết trẻ ai cũng thích. Riêng tôi hơi hoang mang. Sự hoang mang ấy về sau thành chuyện thật.
Số là, khoảng cuối năm 1979, tôi đọc kĩ tiểu thuyết Ranh giới của Lê Lựu rồi viết một bài ngắn in trên Tuần báo Văn nghệ, có câu đại ý:
“Lê Lựu giỏi viết truyện người lính xuất thân nông dân, nay viết Ranh giới, là chuyện thanh niên học sinh vùng đô thị miền Nam, thế là anh đã tự đặt cho mình một ranh giới xem ra khó vượt qua vượt lên được”.
Tưởng viết thế là phải, ai dè tác giả Ranh giới không vui, tôi đâm ra lúng túng. Biết chuyện, nhà thơ Vũ Cao bảo:
– Làm phê bình văn học thì đừng sợ bị kẹt. Cứ viết cho đúng ý nghĩ và cảm nhận của mình, việc gì phải uốn éo chiều lụy. Nhà văn đích thực người ta không chấp nhặt đâu, tôi ở với cánh lính viết văn làm báo đã lâu, tôi biết mà.
Đấy là ông nói với tôi, còn với Lê Lựu, thì có người kể lại là ông bảo: “Này, ông viết cả vạn trang, có vài trăm trang người ta đọc kĩ, gợi ra đôi ý chưa khen cũng chẳng chê, có gì đâu mà bồn chồn quá làm gì…” rồi vỗ vỗ vai tác giả Ranh giới, lại cười.
Thế là xong, anh em vui vẻ cả.
Tiểu thuyết “Thời xa vắng” của Lê Lựu
2. Cuốn Thời xa vắng của Lê Lựu ra mắt không chỉ một lần, mà nếu nói là mấy trăm lần cũng có thể là nghe được. Vì sao? Vì mấy năm tiếp theo, hễ gặp nhau, giới cầm bút vẫn cứ hỏi và trò chuyện về tác phẩm này; vì có khá nhiều ông/ bà bạn tôi – hơi giống các em các cháu học trò tôi thủa nào – lại bảo: Thôi thì, ông không đưa chúng tôi đến làm quen, làm bạn với tác giả Thời xa vắng được, thì ông nói/ kể về tác phẩm ấy cho bọn tôi nghe đi; nhớ kể và cho biết ý kiến của riêng ông nữa đấy nhé!
Không kịp xin phép Lê Lựu, tôi cứ kể và bình về tiểu thuyết Thời xa vắng. Rồi thì cũng có bạn tôi tìm gặp được Lê Lựu về khoe với tôi, chị chép miệng: Sao cái ông này hồ hởi chân thành mà đời lại truân chuyên thế không biết?! Cảm rồi à? Một bạn hỏi vậy, chúng tôi được nghe chị bạn băn khoăn về sự khổ của anh Sài nói nhẹ nhàng: Là cái ông Lê Lựu ấy, chứ anh Sài kia thì cảm cũng là chuyện gió mây thôi!
Lê Lựu nghe tôi thuật lại chuyện này thì đờ đẫn đến cả phút rồi đứng dậy, quên cả chào, ra về. Lần sau gặp lại, ông gọi tôi ra nói nhỏ, như hỏi: Đám các cô, các bà thương thằng Sài hay thương tôi hả ông? Anh có muốn gặp một ai không? Lê Lựu: Muốn… Nhưng thôi ông ạ. Cứ thế lại quý nhau mãi, phải không?
3. Lê Lựu là nhà văn lớn hay “vừa vừa” mà bật sáng?
Câu hỏi này xin để ta bàn thêm.
Tôi chỉ biết: Trong cả trăm tác giả thường được nhắc tên khi ta bàn đến lịch sử văn chương hiện đại Việt Nam, Lê Lựu thuộc về số ít. Ông được người đọc thương cảm mà đọc rồi bình hơn là khâm phục hay tò mò mà bình.
Đầu năm 1994, Hội Nhà văn Việt Nam có kế hoạch làm tập sách gọi là Kỷ yếu nhà văn Việt Nam…, sau thống nhất lại, đặt tên là Nhà văn Việt Nam hiện đại. Tôi đề nghị: Ngoài phần Trích yếu lý lịch công tác rồi Danh mục tác phẩm chính với Các giải thưởng… mỗi nhà văn hội viên trong sách nên tự viết chừng 100 chữ trình bày vắn tắt quan niệm văn chương của mình. Được đồng ý, tôi tìm gặp Lê Lựu. Ông chăm chú nghe tôi, đoạn hỏi lại: Đấy là ý cậu, cũng hay, nhưng ý Hữu Thỉnh thế nào? Tôi đùa: Ông Hữu Thỉnh bảo là nếu ông Lê Lựu không viết 100 chữ này, thì sách không ra được. Lê Lựu thầm thì: Chả có nhẽ, cậu lại đùa chứ gì? Thì không đùa được sao? Nhà văn Lê Lựu buông hai từ: Được rồi!
Tôi về, tưởng thế là xong, ai dè mấy hôm sau ông bảo: Tôi kể lan man, toàn sự thật cả, Nguyên An viết hộ tôi nhé.
Tôi không viết, mà theo lời Lê Lựu kể, thì nói/ đọc lại để ông viết, có bút tích của ông mà trình cho ban biên soạn thì vẫn hơn. Nhà văn Ma Văn Kháng và nhà phê bình Ngô Vĩnh Bình đọc 100 chữ của Lê Lựu thì gật gù: Ờ nhỉ, ờ nhỉ… rồi đồng thuận ngay.
Sách này xuất bản vào tháng 4 năm 1997.
Tháng 10 năm 2020, sách tái bản – bổ sung lần thứ năm. Ở trang 506 của Lê Lựu, thì chỉ bổ sung phần Tác phẩm chính đã xuất bản và phần Giải thưởng văn học, còn phần Suy nghĩ về nghề văn có khoảng 100 chữ ấy, chỉ giữ lại đoạn Lê Lựu đã viết từ năm 1997 như sau:
“Tôi là người ít học, ít đọc, vì lười nghĩ ngợi. Toàn bộ những trang viết của tôi chỉ theo đuổi một nguyên tắc là Thật. Tôi không thể viết được nếu không bám vào sự thật. Tôi chỉ là người chép truyện, “có gì viết nấy”.
Tôi – người viết những dòng này về Lê Lựu – và những bạn văn bạn đọc yêu quý ông đều có thể hiểu là tại sao ông lại chỉ đồng ý giữ lại bốn câu ngắn gọn, rõ ý này.
Là văn gia có vị trí như một cột mốc trên tiến trình đổi mới văn học những năm cuối thế kỷ XX ở nước ta, văn và đời của Lê Lựu (cũng như Nguyễn Huy Thiệp…), hẳn sẽ còn là đề tài nghiên cứu đối với các nhà viết sử văn chương - văn hóa nước nhà.
9/11/2022
Nguyên An
Nguồn: Báo Thể Thao và Văn Hóa
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tác phẩm mới, cái nhìn riêng của Huỳnh Như Phương

Tác phẩm mới, cái nhìn riêng của Huỳnh Như Phương Có một “gia tài” gồm nhiều tác phẩm (giáo trình, chuyên khảo, bài báo khoa học, tản văn…...