Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Tiểu luận của Lê Hương: Sắc màu tình yêu trong Mùa bạch diệp

Tiểu luận của Lê Hương: Sắc màu
tình yêu trong Mùa bạch diệp

Ngôi đền thi ca luôn là chốn trú ngụ diệu kỳ nhất cho những tâm hồn yếu mềm, dễ rung cảm với đời. Trong ngôi đền ấy, nhà thơ chính là người kiến tạo, lắp ghép, gia công những ô chữ theo ý niệm, cảm hứng, nhãn quan của mình. Tập thơ Mùa bạch diệp của nhà thơ Bạch Diệp là tiếng lòng, thức cảm được dồn nén, đông kết của một người phụ nữ/ một hồn thơ trải qua bao thăng trầm, hoan hỷ, đắng ngọt trong vườn yêu. Vì thế, Mùa bạch diệp mở ra sự đồng cảm với những tâm hồn từng chịu thương tổn, va đập trong tình yêu. Cảm xúc của cái tôi trữ tình nữ tính hòa quyện với giọng thơ nhẹ nhàng, kín đáo tạo nên âm điệu vương vấn cho tập thơ.
Mùa Bạch Diệp dung chứa 50 bài thơ. Mỗi bài trong tập là một lời thủ thỉ, sẻ chia thầm kín của nhà thơ Bạch Diệp về tình yêu, về bản thể. Đi hết tập thơ, người đọc cứ ngỡ quyện vào cảm xúc của nhân vật trữ tình Em. Em là chủ thể trữ tình, và Em cũng có thể là “mặt nạ” của nhà thơ được “ngụy tạo” dưới vỏ bọc ngôn từ. Cũng như Bạch Diệp, Vi Thùy Linh thường sử dụng hình ảnh Em - Anh để giải bày cảm xúc, thể hiện khát vọng của mình trong tình yêu. Song, nếu cái tôi của Em trong thơ Vi Thùy Linh mạnh bạo, quyết liệt thì ở thơ Bạch Diệp luôn tha thiết, mãnh liệt nhưng không kém phần ý nhị, tinh tế. Tình yêu của nhân vật trữ tình Em trong Mùa bạch diệp trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Từ cái tôi cô đơn, buồn thương đến nồng nàn, da diết và sau đó là khát vọng về một tình yêu bền chặt, vĩnh cửu.
Nhà phê bình trẻ Lê Hương ở Quảng Bình
Đọc Mùa Bạch Diệp, ta bắt gặp những câu thơ ngắn, dài như nhịp thở nhưng chứa đầy tâm trạng. Đó là của nỗi nghẹn ngào, hờn tủi của Em vì mòn mỏi đợi chờ: “tất cả chừng mỏi mệt/ vì sự chờ đợi/ vì tình yêu có thể chết/ ngày rồi sẽ hết” (Một ngày tháng chín); “màu nhạt thế/ ngày anh im lặng/ đặc và vắng/ như đêm/ bóp nghẹt hơi thở/ dù là một chữ/ đi ra/ nỗi buồn/ đi vào/ nhưng em đợi/ em cần nghe tiếng anh” (Nỗi sợ). Các mã tự như: mỏi mệt, chết, bóp nghẹt, nỗi buồn… ở thi liệu trên cho ta thấy những ẩn ức, cô đơn ngập tràn Em.
Sự chờ đợi, ngóng trông lâu dần là nham thạch bào mòn, làm trái tim Em buốt nhói, tái tê: “Người đàn bà đợi trăng trên ban công/ Tiếng cười đêm đâm thẳng tim em/ Vòng ôm kí ức nhói buốt tim em/ Em mang những sẹo trên ngực/ Đứng bên bờ sâu/ Anh bao nhiêu trăng không đầy/ Em bao nhiêu mưa không trôi” (Sắp hết thì giờ rồi);  “mưa rơm rớm trên mắt/ mưa cay buốt ngực đồi/ những người đàn bà đọc kinh luân hồi/ em khâu từng sợi mưa vào bóng tối” (Lều mưa). Các tính từ, động từ giàu sức gợi như: đợi, đâm thẳng, ôm, nhói buốt, rơm rớm, cay buốt… giúp người đọc cảm nhận sâu sắc nỗi đau đớn, hờn tủi ê chề của Em.
Ký ức tươi đẹp, đong đầy yêu thương khi ở bên Anh khiến lòng Em thêm nhức nhối, xót xa. Những con chữ của Bạch Diệp tràn đầy cảm xúc như cơn mưa không nặng hạt nhưng khiến người ta phải run rẩy bật khóc. Bởi chạm vào đó, chúng ta - những phận người phụ nữ vốn dĩ mong manh, yếu ớt càng thấy mình bé nhỏ và cần xiết bao suối nguồn yêu thương, chở che để dựa dẫm, “cựa quậy” trong những tháng ngày giông gió của cuộc đời. Vì thế, đọc Mùa bạch diệp ta càng thấy thương Em - như thương chính bản thân mình. Những thương tổn, va vấp trong tình yêu như “vết sẹo” hằn sâu trong Em, chúng làm tim em loang chảy. Câu thơ dưới đây như mũi kim cứa vào lòng khiến bất kỳ ai cũng phải ngậm ngùi, xa xót: “dấu vết thành sẹo/ vết sẹo trong tim em lớn hơn mây trên trời/ loang ra như những hố bê tông/ đóng đinh mặt đường thinh lặng” (Dấu vết).
Tập thơ “Mùa bạch diệp” của Trần Bạch Diệp
Hòa chung dòng chảy thi ca, thơ Bạch Diệp bắt nhịp xu hướng thơ ca đương đại. Đó là sự phá bỏ những quy ước, luật thơ cũ, câu từ hàm súc nhưng gợi mở, tạo sức liên tưởng qua lớp ngôn từ ẩn dụ, giàu hình ảnh. Nhưng, điểm khác biệt của Bạch Diệp so với nhiều cây bút nữ có lẽ là chị không cố công nhào nặn ngôn từ, mà để nó trôi tự nhiên theo mạch cảm xúc của mình. Bởi, soi xét các thi liệu thi ảnh trong Mùa bạch diệp, chúng ta hình dung đang đọc những lời tự tình miên man: em muốn chạm vào ngày/ chỉ để biết/ anh vẫn luôn ở đó/ tồn tại/ mà không cần hiện diện” (một ngày trôi không từ biệt); “màu gì cho ngày im trôi không trở lại/ cho ta hiểu/ tình yêu/ sự ngộ nhận/ đồng nghĩa/ sự chết” (Bốn mươi độ chú giải). Những ngôn từ trên giản dị mà chất chứa bao xúc cảm chân thành, thê thiết của chủ thể trữ tình; bởi tác giả chẳng cần phải sắp xếp, trau chuốt từ ngữ một cách hoa mỹ, mà nó xuất phát từ thứ tình cảm đã chín muồi.
Hình ảnh Em trong Mùa bạch diệp là điển hình cho cảm xúc, trạng huống của người phụ nữ khi yêu. Lúc yêu Em như thấm men say, chẳng còn đủ tỉnh táo để nhận diện về Anh. Em rơi vào vực thẳm của sự ngộ nhận. Phân tâm học của Freud cho rằng, đó là khi phần bản năng/ vô thức trong Em lấn át phần lý tính/ ý thức. Do vậy, Em trong Mùa bạch diệp chẳng thể giấu diếm, kìm nén được cảm xúc, tâm trạng của mình. Chủ thể trữ tình Em dù trải qua nhiều va vấp, thương tổn nhưng vẫn tha thiết chờ đợi, tha thiết nhớ mong: “đừng thức tỉnh em/ em luôn mất ngủ vì nỗi ám ảnh anh/ mưa đã đến đây rồi/ trốn vào đâu cũng ướt” (Hạt sương); “nền nhà bóng như thể trong giấc mơ đêm/ không hề có sự náo loạn/ nàng đã nhớ anh gần chết/ và sau đó khi không còn nhớ nữa/ là cái chết thật” (Bất ổn). Nỗi nhớ chẳng phải là một đơn vị để đo đếm, nhưng nó là  “mật mã” chẳng thể thiếu được trong tình yêu. Nếu như nỗi nhớ trong em cứ vơi dần thì trái tim đã gần hóa thạch. Và, khi Em không còn nhớ anh nữa thì cuộc sống của em chẳng khác nào “dấu chấm hết”.
Nhà thơ Bạch Diệp đã mượn hình ảnh Em để bày tỏ ý niệm của mình trong tình yêu. Nhìn vào chị, chúng ta chẳng thể ngờ đằng sau dáng vẻ mong manh ấy là một tâm hồn da diết và nồng cháy yêu thương. Có lẽ vì thế, cảm xúc bao trùm trong Mùa bạch diệp là khát vọng về một tình yêu đẹp đẽ, vĩnh cửu: “em muốn khóc lúc anh ngồi lặng/ cô độc xoay lưng như con sói trong chiều/ muốn ôm anh khi nghe anh hát/ muốn chạm tay thật khẽ viền môi” (Điên); “hay là chúng ta ra biển/ đi anh/ hãy ôm em như sóng ôm đêm/ đến tận cùng đại dương/ đến tận cùng yêu thương/ tận cùng/ tận cùng…” (Hay là chúng ta ra biển). Điệp từ “muốn” và “đến tận cùng” lặp lại ở hai bài thơ giúp chúng ta thấu hiểu được nỗi khát khao tận hiến và hòa hợp của Em. Dù từng trải qua những “cơn địa chấn” trong tình yêu nhưng em không bi quan, tuyệt vọng, mà vẫn luôn tin rằng sự hy sinh của mình sẽ được anh thấu hiểu và trân trọng: “hãy nghiêng xuống thật gần/ hãy chạm vào em/ tiếng vỡ những váng băng/ và bài ca của những ngón tay/ trên bậc thềm nắng mới” (Mùa hoa xuyên tuyết); “Em nhận nụ cười anh/ Sự hào phóng của mặt trời mùa xuân ban tặng/ Rồi thu mình thật khẽ/ Ngủ một giấc êm dưới luống cà chua trĩu quả…” (Dưới luống cà chua trĩu quả).
Xuyên suốt tập thơ Mùa bạch diệp, dễ dàng nhận thấy tứ thơ vận động từ phía bóng tối về phía ánh sáng. Có không ít lời thơ khiến lòng người nhức nhối, rưng rưng, nhưng có những bài vẫn lấp lánh niềm tin về sự bất diệt, vĩnh hằng của tình yêu. Đó là sự dịch chuyển phù hợp với mạch cảm xúc trong thơ cũng như mạch chảy của nguồn yêu. Bởi suy cho cùng, tình yêu phải là lớp phù sa bồi đắp cho cuộc sống của con người trở nên tươi đẹp và ý nghĩa hơn. Vì thế, Em trong Mùa bạch diệp vẫn không thôi đợi anh, để được hiện hữu giữa ngọt ngào yêu thương “em vẫn đợi như ngàn năm trước/ trong một ngày lạc bước/ tỉnh giấc giữa cánh đồng thơm tho” (Mùa hè Georgelthal). Trái tim của Em vẫn luôn vẹn toàn tin yêu, thủy chung. Em luôn hướng về anh, chỉ mình anh mà thôi: “mưa vẽ khuôn mặt anh nơi đó dịu dàng/ thêm một chiều thêm một đời/ chỉ một người/ một lời thôi.” (Mưa rồi anh nghe em không). Điệp từ “một” (lặp lại) lần nữa khẳng định tình cảm bền bỉ, cao thượng của Em. Đó là một tình yêu bất diệt, vĩnh hằng, không gì có thể cản trở, làm phai mờ được.
Nếu như bốn mùa trong năm là sắc màu của thời tiết, thì Mùa bạch diệp là kết tinh những cảm xúc, trạng huống tinh tế, phức hợp của nữ sĩ Bạch Diệp về tình yêu, về bản thể. Nhan đề Mùa bạch diệp có lẽ đã gói ghém phần nào nội dung của tập thơ. Thâu tóm từng mã tự trong Mùa bạch diệp, chúng ta thấy đồng cảm với giọng thơ buồn, sâu lắng nhưng luôn khát khao, cháy bỏng yêu thương. Điều đó giúp người đọc hiểu và trân quý hơn thế giới tinh thần của nhà thơ.
28/11/2022
Lê Hương
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi… Nói đến làng quê Việt Nam là chúng ta nhắc đến những dòng sông, bến nước, con đò đã gắn bó từ xa xưa...