Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Lửa đèn: Một giấc mơ bất diệt của con người

Lửa đèn: Một giấc mơ
bất diệt của con người

Bài thơ viết cách đây hơn một nửa thế kỷ và về cuộc chiến tranh. Thường những bài thơ viết về một đề tài cụ thể như thế và ít nhiều mang tính thời sự sẽ chấm dứt sự ngân vang của nó khi thời đại đó đã thay đổi. Nhưng bài thơ Lửa đèn của nhà thơ Phạm Tiến Duật mỗi khi đọc lên nó vẫn nguyên vẹn những cảm xúc khi tôi đọc cách đây hàng chục năm…
Nhà thơ Phạm Tiến Duật thời ở Trường Sơn
Lửa đèn
Thơ PHẠM TIẾN DUẬT
I – ĐÈN
Anh cùng em sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê yên ả
Nơi có những ngọn đèn thắp trong kẽ lá
Quả cây chín đỏ hoe
Trái nhót như ngọn đèn tín hiệu
Trỏ lối sang mùa hè,
Quả cà chua như cái đèn lồng nhỏ xíu
Thắp mùa đông ấm những đêm thâu,
Quả ớt như ngọn lửa đèn dầu
Chạm đầu lưỡi chạm vào sức nóng…
Mạch đất ta dồi dào sức sống
Nên nhành cây cũng thắp sáng quê hương
Chúng nó đến từ bên kia biển
Rủ nhau bay như lũ ma trơi
Từ trên trời bảy trăm mét
Thấy que diêm sáng mặt người
Một nghìn mét từ trên trời
Nhìn thấy ngọn đèn dầu nhỏ bé
Tám nghìn mét
Thấy ánh lửa đèn hàn chớp loé
Mà có cần đâu khoảng cách thấp cao
Chúng lao xuống nơi nao
Loé ánh lửa,
Gió thổi tắt đèn, bom rơi máu ứa.
Trên đất nước đêm đêm
Sáng những ngọn đèn
Mang lửa từ nghìn năm về trước,
Lấy từ thuở hoang sơ,
Giữ qua đời này đời khác
Vùi trong tro trấu nhà ta.
Ôi ngọn lửa đèn
Có nửa cuộc đời ta trong ấy!
Giặc muốn cướp đi
Giặc muốn cướp lửa tim ta đấy
II – TẮT LỬA
Anh cùng em sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê yên ả
Nơi tắt lửa đêm đêm khiến đất trời rộng quá
Không nhìn thấy gì đâu
Bóng tối che rồi
Cây trúc làm duyên phải nhờ gió thổi
Cô gái làm duyên phải dùng giọng nói
Bông hoa làm duyên phải luỵ hương bay…
Bóng tối phủ dày
Che mắt địch
Nơi tắt lửa là nơi vang rền xe xích
Kéo pháo lên trận địa đồng cao
Tiếng khẩu đội trưởng ở đâu
Đấy là đuôi khẩu pháo
Tiếng anh đo xa điểm đều
Vang ở đâu, đấy là giữa điểm đồ
Nơi tắt lửa là nơi in vết bánh ôtô,
Những đoàn xe đi như không bao giờ hết,
chiếc sau nối chiếc trước ì ầm
Như đàn con trẻ chơi u chơi âm
Đứa này nối hơi đứa khác.
Nơi tắt lửa là nơi dài tiêng hát
Đoàn thanh niên xung phong phá đá sửa đường;
Dẫu hố bom kề bên còn bay mùi khét
Tóc lá sả đâu đó vẫn bay hương
Đêm tắt lửa trên đường
Khi nghe gần xa tiếng bước chân rậm rịch
Là tiếng những đoàn quân xung kích
Đi qua.
Từ trong hốc mắt quầng đen bóng tối tràn ra
Từ dưới đáy hố bom sâu hun hút
Bóng tối dâng đầy toả ngợp bao la,
Thành những màn đen che những bào thai chiến dịch
Bóng đêm ở Việt Nam
Là khoảng tối giữa hai màn kịch
Chứa bao điều thay đổi lớn lao,
Bóng đêm che rồi không nhìn thấy gì đâu
Cứ đi, cứ đi nghe lắm âm thanh mới lạ.
III – THẮP ĐÈN
Anh cùng em sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê yên ả
Nơi đêm ngày giặc điên cuồng bắn phá
Những ngọn đèn vẫn cứ thắp lên
Chiếc đèn chui vào ống nứa
Cho em thơ đi học ban đêm,
chiếc đèn chui vao lòng trái núi
Cho xưởng máy thay ca vời vợi,
Chiếc đèn chui vào chiếu vào chăn
Cho những tốp trai làng đọc lá thư thăm
Ta Thắp đèn lên trên đỉnh núi
Gọi quân thù đem bom đến dội
Cho đá lở đá lăn
Lấy đá xây cầu, lấy đá sửa đường tàu
Ta bật đèn pha ôtô trong chớp loè ánh đạn
Rồi tắt đèn quay xe
Đánh lạc hướng giặc rồi ta lại lái xe đi…
Ngày mai, ngày mai hoàn toàn chiến thắng
Anh dắt tay em, trời chi chit sao giăng
“Thắp đèn ta sẽ chơi trăng ngoài thềm”
Ta thắp đèn lồng, thắp cả đèn sao năm cánh
Ta dẫn nhau đến ngôi nhà đèn hoa lấp lánh
Nơi ấy là phòng cưới chúng mình
Ta sẽ làm cây đèn kéo quân thật đẹp
Mang hình những người những cảnh hôm nay
Cho những cuộc hành quân nào còn trong bóng tối
Sẽ hiện muôn đời trên mặt ngọn đèn xoay.
1967
(Thơ Phạm Tiến Duật, NXB Hội Nhà văn, 2007)
Bài thơ viết cách đây hơn một nửa thế kỷ và về cuộc chiến tranh. Thường những bài thơ viết về một đề tài cụ thể như thế và ít nhiều mang tính thời sự sẽ chấm dứt sự ngân vang của nó khi thời đại đó đã thay đổi. Nhưng bài thơ Lửa đèn của nhà thơ Phạm Tiến Duật mỗi khi đọc lên nó vẫn nguyên vẹn những cảm xúc khi tôi đọc cách đây hàng chục năm.
“Anh cùng em sang bên kia cầu/ Nơi có những miền quê yên ả”. Cả ba khúc của bài thơ đều mở đầu bằng hai câu thơ như thế. Điệp khúc trong thơ là một kỹ thuật thường được các nhà thơ sử dụng. Nhưng trong bài thơ này nó tạo một cảm xúc lớn, dựng lên một thế giới và một giấc mơ bền bỉ và lộng lẫy. Cái bên kia cầu kia thực sự là một “thiên đường” trên mặt đất. Giấc mơ lớn nhất và đẹp nhất của nhân loại là được sống trong một thế giới bình an với cây cỏ hoa lá, với tình yêu của con người với con người. Hai câu thơ đó quả thực là một bài ca muôn thuở của con người trên thế gian này: đẹp đẽ, bình an và thơ mộng. Khi chiến tranh tràn đến, tất cả bị nhấn chìm trong bóng tối của chết chóc. Nhưng trong bóng tối của chết chóc ấy là một sự sống đang vươn lên đến phi thường. Đấy là tư tưởng của bài thơ và chính vì tư tưởng đó mà bài thơ có sức sống bền lâu.
Hình ảnh nhà thơ dựng lên trong toàn bộ bài thơ là sự tương phản giữa bóng tối và ánh sáng, giữa sự sống và cái chết, giữa sự hủy diệt và cái bất diệt. Chính những điều này đã làm cho bài thơ trở thành một bản tráng ca mà con người có thể đọc ở mọi cuộc chiến tranh trên thế gian này trong toàn bộ lịch sử loài người. Bài thơ đã chứa mẫu số chung của các dân tộc trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. Thực tế, có hàng vạn và hơn thế những bài thơ viết về cuộc chiến tranh Việt Nam ở thế kỷ XX. Nhưng khi cuộc chiến tranh chấm dứt thì những bài thơ đó cũng kết thúc “công việc’’ và độ dư vang của nó. Nhưng Lửa đèn thì còn lại.
Một thực tế là có lẽ những cuộc chiến tranh của con người không bao giờ chấm dứt. Mỗi cuộc chiến tranh đi qua, con người mang cảm giác sẽ không còn phải đương đầu với một cuộc chiến tranh khác nữa. Nhưng Đại chiến thế giới thứ nhất  nổ ra, rồi đến Đại chiến thế giới thứ hai, rồi tiếp tục những chuộc chiến tranh như chiến tranh Việt Nam, chiến tranh Vùng Vịnh…Mới đây là cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine.
Với bất cứ lý do nào dẫn tới các cuộc chiến tranh đó thì bản chất của mọi cuộc chiến tranh vẫn vậy: máu chảy và cái chết. Và ở bất cứ cuộc chiến tranh nào, từ máu chảy và cái chết lại vang lên bài ca hòa bình. Lửa đèn thực ra không phải là một bài ca về chiến tranh. Đấy là một bài ca lớn về hòa bình. Nó tàn khốc, đau đớn nhưng đẹp và vang lên trong nhịp điệu da diết đến bất diệt.
11/10/2022
Nguyễn Quang Thiều
Nguồn: Viết và Đọc - Chuyên đề Mùa thu 2022
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi… Nói đến làng quê Việt Nam là chúng ta nhắc đến những dòng sông, bến nước, con đò đã gắn bó từ xa xưa...