Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Lev Tolstoi "Đi thực tế" chiến trường Borodino

Lev Tolstoi "Đi thực tế"
chiến trường Borodino

Năm nay, nước Nga kỷ niệm 210 năm cuộc Chiến tranh Vệ quốc 1812. Và 155 năm trước, Lev Tolstoy đã đến cánh đồng Borodino để phản ánh chân thực hơn trận chiến xảy ra tại đó trong cuốn tiểu thuyết “Chiến tranh và Hòa bình” của mình. Thực tế này đã được biết đến. Nhưng rất tiếc, văn hào đã không để lại những hồi ức về chuyến đi này. Tuy nhiên, những ghi chú ít được biết đến của người bạn đồng hành trẻ tuổi của văn hào – người em vợ Stepan Bers, cho phép chỗ khiếm khuyết ấy được bổ sung…
"TÔI ĐẾN BORODINO"
Vào nửa sau của tháng 9 năm 1867, 55 năm sau Trận chiến Borodino, Lev Tolstoi bắt đầu sửa lại tập thứ tư của tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình” dành riêng cho cuộc chiến năm 1812 bao gồm cả Trận chiến Borodino.
Bản thân việc mô tả về trận chiến đã không làm Tolstoi hài lòng. Để tạo ra một bức tranh thật sống động, văn hào cần phải quan sát tận mắt nơi diễn ra trận chiến lịch sử. Ông quyết định đến cánh đồng Borodino.
Đài tưởng niệm trận đánh tại Borodino
Vào ngày 22 tháng 9, Tolstoi rời Yasnaya Polyana và, trong một bức thư gửi vợ từ Matxcơva ngày 23 tháng 9, ông viết “ngày mai” ông sẽ bắt đầu “tìm một người đồng hành” cho chuyến đi này (L. Tolstoi. Toàn tập. Tập. 83. Tr.1510).
Vào ngày 25 tháng 9, Tolstoi cùng với người em trai 12 tuổi của vợ là Stepan Bers đi Borodino.Lên đường tới đó, Tolstoi mang theo bức thư của bà dì họ O.D. Anikieva gửi cho người quản lý khu đất của bà ta ở gần Borodino và viện trưởng của tu viện gần làng Semenovskoye, được thành lập bởi góa phụ của Tướng N.A. Tuchkov, người đã chết trong trận Borodino.
Cùng ngày, Lev Tolstoi cũng đã gửi một phong bì “tới Nữ bá tước Sofya Andreevna Tolstoy ở Tula”(vợ nhà văn) với những dòng sau: “Bây giờ, vào ngày 25 lúc 5 giờ chiều, tôi sẽ đến Borodino với Stepan, người đã được phép đi theo tôi theo yêu cầu của tôi. Tôi mang theo một lá thư gửi cho người quản lý điền trang của dì Anikeeva, cách Borodino khoảng 10 vecte, và một lá thư gửi cho viện trưởng tu viện gần đó. Có lẽ tôi sẽ không dừng lại ở đâu trước khi tới Borodino. Tôi sẽ ra bưu điện. Suốt một ngày rưỡi tôi vội vã với những rắc rối vụn vặt… ”(sách đã dẫn).
"BỐ MẸ ĐỂ CON ĐI"
Một số chi tiết của chuyến đi đã được ghi lại trong hồi ký của S.A. Bers: “Năm 1866 (năm được chỉ ra- rõ ràng có một sai lầm- muộn hơn một năm), vào tiết thu, Lev Tolstoi đến Moskva với mục đích đến và quan sát cánh đồng Borodino- nơi diễn ra trận đánh nổi tiếng năm 1812. Anh ấy đến một mình và ở nhà chúng tôi. Anh ấy xin bố mẹ tôi cho tôi đi cùng anh ấy. Bố mẹ tôi đã đồng ý, tôi vui mừng khôn tả. Khi đó tôi mười một tuổi. Cha tôi trao cho Lev Tostoi cỗ xe đi săn và một bàu rượu. Con đường, không kể mười vecter đi dọc theo đường lớn  từ thành phố, còn toàn là đường xuyên rừng, Lev Tolstoi rất lo lắng về chuyến đi.
Vượt qua được vài trạm, chúng tôi định ăn thì nhận ra bàu rượu và thức ăn dự trữ đã bị bỏ quên, chỉ còn một giỏ nhỏ quả nho được giao cho tôi. Lev Tolstoi nói: “Anh tiếc không phải vì chúng ta đã quên bàu rượu và thức ăn mang theo, mà vì cha của em sẽ buồn và tức giận với người xà ích vì chuyện bỏ quên này”. Tiếp tới trên những chuyến xe ngựa đưa thư, chúng tôi đi thêm vào một ngày nữa và dừng lại gần chiến trường tại một tu viện được thành lập để tưởng nhớ chiến tranh.
Trong hai ngày, Lev Tolstoi đã đi bộ, đi xe ngựa tại nơi mà hơn một trăm nghìn người đã ngã xuống từ nửa thế kỷ trước, và bây giờ có một tượng đài tráng lệ với những dòng chữ vàng. Anh ấy ghi chép, phác vẽ ra bản đồ chiến trận, mà sau này bản đồ ấy được in trong cuốn tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình”. Mặc dù anh ấy đã nói với tôi điều gì đó và giải thích nơi Napoleon đã đứng trong trận chiến, còn danh tướng Kutuzov thì đứng ở đâu, nhưng vào thời điểm ấy tôi chưa có ý thức về tầm quan trọng trong công việc làm của Lev Tolstoi mà chỉ say mê chơi với chú chó của người bảo vệ tượng đài. Tôi nhớ rằng tại nơi đó và trên đường đi chúng tôi gắng gỏi tìm những ông cụ bà cụ đã từng trải qua thời kỳ Chiến tranh Vệ quốc hay chính họ là chứng nhân của những trận đánh.
Trên đường đến Borodino, chúng tôi được biết rằng người canh giữ tượng đài trên cánh đồng Borodino là một người đã tham gia Trận chiến Borodino, với tư cách là một người lính ông cụ đã vinh dự được giao công việc canh giữ tượng đài. Hóa ra ông già đã chết vài tháng trước khi chúng tôi đến. Lev Tolstoi tỏ ra khó chịu. Nói chung, các cuộc tìm kiếm của chúng tôi không thành công. Trên đường trở về, ở trạm cuối, chúng tôi bắt gặp một người lái xe ngựa già vui vẻ với những con ngựa to lớn. Khi chúng tôi lên đường lớn, anh ta phóng nhanh chúng tôi đến mỏ đá, trong một đêm có trăng nhưng sương mù dày đặc nên một chuyến đi như thế khá mạo hiểm.
Tôi đang ở trong trạng thái phấn khích, có lẽ là từ chuyến đi này, và Lev Tolstoi, nhận ra điều đó, đã hỏi tôi rằng tôi muốn gì trong cuộc sống của mình? Tôi trả lời: “Tôi rất lấy làm tiếc vì tôi không phải là con của anh”. Tolstoi hoàn toàn không ngạc nhiên về điều này, có lẽ vì anh ấy đã quen với việc tất cả lũ trẻ đều yêu anh ấy, và nói: “Anh cũng muốn như thế…” – và sau đó tôi mơ hồ nhớ lại rằng mong muốn của anh ấy là được người khác hiểu, bởi vì anh ấy lên án tất cả các sử gia về sự mô tả không chính xác, hời hợt các sự kiện và cho rằng anh ấy mô tả những sự kiện này một cách công bằng, bởi vì anh ấy đoán được mặt bên trong của chúng… ”(S.A. Bers. Hồi ký về L. Tolstoi. – Smolensk, 1894. – tr.49-50).
Văn hào Nga Lev Tolstoi
"TÔI HÀI LÒNG Ở BORODINO"
Trong một từ những cuốn sổ tay của Tolstoi đã được liệt kê số trạm đưa thư trên đường từ Moskva đến Borodino và chỉ ra khoảng cách giữa chúng (L. Tolstoi. Toàn bộ tác phẩm. – T. 48. – Tr. 165). Các ghi chép đó được Tolstoi thực hiện trên đường đến Borodino. Ba trong số những tên trạm được mô tả chuyến đi tới Brodino và lượt về sau trận đánh ở Mozaisk. Hơn hết, về việc Tolstoi ở lại trên cánh đồng Borodino được kể lại bằng một tờ giấy lưu trữ trong các bản thảo của cuốn tiểu thuyết, chứa các chú tích và một bản vẽ sơ đồ về các khu vực mà chính Tolstoi đã thực hiện (L.Tolstoi. Toàn tập – T. 13. – tr. 39-40).
Thoạt nhìn, tưởng như một gò đồi được vẽ, nhưng thực chất đó là hình vẽ một phần của cánh đồng. Tolstoi đã lưu tâm đến đường chân trời với các cánh rừng,vị trí của các làng Gorki, Borodino, Semenovskoye, Tatarinovo và Psarevo, lòng sông Klocha và Voyna, cả chuyển động của mặt trời trong thời gian diễn ra trận chiến. Văn hào thậm chí còn lưu ý đến cả bản thân rằng “chỉ nhìn rõ trong vòng 25 vecter”, rằng khi mặt trời mọc từ phía sau những cánh rừng, trên các gò đồi có những bóng đen, “ mặt trời mọc lên từ bên trái, phía sau”, tức là ở phía sau lưng quân đội Nga, và “chiếu thẳng vào mắt lính Pháp”. Tất cả những phác vẽ đó  Tolstoi đã sử dụng trong bản thảo lần cuối cùng khi mô tả về trận chiến Borodino.
Trước khi ra về,vào một buổi sáng Tolstoi còn thăm lại cánh đồng Borodino một lần nữa, để có cái nhìn toàn cảnh khi chiến trận bắt đầu.Trở lại Moskva, ngày 27 tháng 9 năm 1867, Tolstoi viết cho bà vợ: “Tôi vừa từ Borodino đến đây. Tôi rất hài lòng… hài lòng rất nhiều với chuyến đi của mình và thậm chí kể cả việc tôi đã phải chịu đựng những gì như thiếu ngủ, ăn uống không đầy đủ. Nếu như Chúa ban cho sức khỏe và sự yên tĩnh,tôi sẽ dựng lại một trận Borodino như chưa từng một ai đã miêu tả. Tôi không viết cho bà chi tiết về chuyến đi – Tôi sẽ kể cho bà nghe (thật đáng tiếc, nếu chúng ta không thể biết nhiều hơn). Đêm đầu tiên tôi vượt qua hơn 100 vecter đến Mozhaisk và ngủ quên vào buổi sáng tại nhà ga. Đêm thứ hai chúng tôi nghỉ đêm tại khách sạn của tu viện. Tôi thức dậy vào lúc bình minh, lại đi vòng quanh cánh đồng và phóng xe ngựa suốt cả ngày để đến Moskva… Ở Borodino, tôi thấy hài lòng, và có một ý thức về những gì tôi đang làm”. ”(L.Tolstoi. Toàn tập. Quyển 83.Tr 152-153).
Có lẽ Tolstoy đã về Yasnaya Polyana vào ngày 30 tháng 9, và công việc căng thẳng của văn hào dành cho cuốn tiểu thuyết được tiếp tục ở đây…
24/11/2022
Tô Hoàng dịch
Nguồn: Báo Văn Học - Nga, 8.2022
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Giải thưởng Văn học nghệ thuật mang tên Cụ Ðồ 5 Tháng Bảy, 2022 Thành lập năm 2009, Giải thưởng Văn học nghệ thuật (VHNT) Nguyễn Đình ...