Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2024

Chi hội Nhà văn Việt Nam ở Đồng Nai: Một miền văn chương trù phú

Chi hội Nhà văn Việt Nam ở Đồng Nai:
Một miền văn chương trù phú

Cũng từ những vùng miền khác nhau, các tác giả Chi hội Nhà văn Việt Nam ở Đồng Nai đã góp “giọng” rất đặc trưng của mình làm nên trang văn Đồng Nai.
Năm 1698, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đã đưa vùng đất Đồng Nai vào lãnh thổ cai quản của Chúa Nguyễn. Đồng Nai trở thành một miền quê hương trù phú (Sông Phố – Biên Hòa), một vùng dân cư đa sắc màu văn hóa, một nơi hội tụ nhiều danh nhân, và cũng là “miền Đông gian lao mà anh dũng” trong kháng chiến. Nơi đây có “Gia Định tam gia”, đặc biệt là Trịnh Hoài Đức (1765-1825); có Huỳnh Văn Nghệ (1914-1977),  một chỉ huy quân sự nổi tiếng về thi ca được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng võ trang nhân dân, và Giải thưởng Nhà nước về nghệ thuật. Đồng Nai cũng sản sinh ra nhiều nhà văn nổi tiếng như Bình Nguyên Lộc (1914-1987), Lý Văn Sâm (1921-2000), Hoàng Văn Bổn (1930-2006)…
Các nhà văn là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam – Chi hội Đồng Nai thuộc thế hệ trưởng thành từ Đổi mới (1986), sống và viết trong bối cảnh đất nước hòa bình và hội nhập toàn cầu hóa. Họ kế thừa lịch sử dân tộc và truyền thống văn học.
Một miền quê hương đa hương sắc
Chi hội Nhà văn Việt Nam ở Đồng Nai quy tụ các nhà văn trên khắp miền quê hương đất nước.
Tình yêu quê hương (tình yêu lứa đôi, tình gia đình, cuộc sống làng quê) trong sáng tác của họ trở thành một phần nội dung quan trọng làm nên một miền quê hương văn chương “đa hương sắc”. Xin đọc sáng tác của các nhà văn: Phạm Thanh Quang (Hà Nội); các nhà văn Khôi Vũ, Đàm Chu Văn, Bùi Biên Linh, Bùi Công Thuấn (Thái Bình). Minh Hạ (Hải Dương); Lê Đăng Kháng, Trần Thu Hằng (Hà Nam); Lê Thanh Xuân, Đỗ Minh Dương, Hoàng Ngọc Điệp (Thanh Hóa); Bùi Quang Tú (Hà Tĩnh); Nguyễn Trí (Quảng Bình), Nguyễn Đức Phước (Quảng Trị); Dương Đức Khánh (Thừa Thiên-Huế); Nguyễn Một (Quảng Nam), Trần Ngọc Tuấn (Quảng Ngãi); Cát Du (Bình Dương); Trần Nhã My (Tây Ninh).
Đồng Nai là quê hương thứ hai, nơi nhà văn sinh sống, chỉ là “cõi tạm”, khác với nơi “chôn nhau cắt rún”, quê hương của những nỗi nhớ thương dằng dặc, “Một phần cuộc đời có lẽ nào quên được!”(thơ Biên Linh); quê hương ruột thịt ấy đã làm nên văn chương của mỗi người(1). Riêng những nhà văn sinh trưởng ở Đồng Nai, hoặc đã sống lâu với Đồng Nai như Trần Thu Hằng (hơn 40 năm sống ở Đồng Nai-Tiểu thuyết: Truyện tình ở Hầm Hinh(2), Hoàng Ngọc Điệp (sống 40 năm ở Đồng Nai-tác phẩm Cù lao yêu dấu(3), Khôi Vũ (gần 70 năm- tiểu thuyết Sông Luộc ở Phương Nam(4); Đàn ống tre bên kia sông (5) mới viết về Đồng Nai như quê hương máu thịt của mình.
Cũng từ những vùng miền khác nhau, các nhà văn Chi hội Đồng Nai đã góp “giọng” rất đặc trưng của mình làm nên trang văn  Đồng Nai. Dương Đức Khánh có giọng kể “rặt” vùng Thừa Thiên – Huế (xin đọc Người Chợ Kệ(6); Giọng “Bắc”, và chất liệu văn hóa Bắc chiếm đa phần trong trang văn, thơ của Khôi Vũ, Phạm Thanh Quang, Bùi Quang Tú, Lê Đăng Kháng; Hoàng Ngọc Điệp, Lê Thanh Xuân, Đỗ Minh Dương, Đàm Chu Văn; Bùi Biện Linh. Và Đậm đặc giọng “hiện đại”, trẻ trung, nhưng sâu lắng trong thơ Nguyễn Đức Phước(7), Cát Du, Trần Nhã My.
Nối tiếp truyền thống và bước tiếp vào tương lai là bước đi của nhà văn Chi hội Đồng Nai. Các nhà thơ nhà văn Lê Đăng Kháng, Đàm Chu Văn, Bùi Quang Tú, Đỗ Minh Dương là những người từ trong khói lửa chiến trường chống Mỹ bước ra, tiếp tục viết về những tháng ngày gian khổ, hy sinh và hào hùng của người lính. Nguồn cảm hứng máu thịt này đã trở thành cốt cách văn chương của họ. Tác phẩm của họ vẫn viết theo cảm hứng của Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa trong kháng chiến, tuy giờ đây, trong đời thường, những nhà văn cầm súng có viết sâu sắc hơn về hy sinh, gian khổ và vẻ đẹp riêng của người lính. Xin đọc: tập thơ Quả ngọt của Lê Đăng Kháng(8), các bài thơ: “Nằm võng giữa rừng chiến khu”; “Hồi ức ánh trăng rừng” của Đỗ Minh Dương; bài: Tìm cậu; Vô danh của Đàm Chu Văn…
Hiện thực cuộc sống từ “đổi mới”(1986) đến nay (phần Hiện thực không Xã hội chủ nghĩa) là đối tượng phản ánh, khám phá của nhiều nhà văn Đồng Nai. Hội nhập toàn cầu hóa cùng với xâm lăng văn hóa từ bên ngoài làm đảo lộn mọi giá trị văn hóa của cha ông. Cảm hứng thế sự trở thành chủ đạo. Miêu tả cuộc đấu tranh để bảo vệ các giá trị nhân văn, các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống là nỗi trăn trở khôn nguôi của những nhà văn mà trái tim cùng một nhịp đập với nhân dân. Sáng tác của Khôi Vũ -Nguyễn Thái Hải có thể là tiêu biểu(9). Đến nay (2022), Khôi Vũ đã in 72 tác phẩm tiểu thuyết, tập truyện ngắn và truyện thiếu nhi. Truyện Khôi Vũ có tính thời sự, từ đó đặt những vấn đề thế sự, vấn đề tư tưởng(10). Hiện thực “dưới đáy” trong sáng tác của Nguyễn Trí là một hiện thực phức tạp, xô bồ, ở đó chỉ có lương tri con người mới cứu rỗi được những số phận bi đát (11). Tiểu thuyết của Nguyễn Một: Đất trời vần vũ (12) nói về sự tha hóa của một lớp cán bộ địa phương khi trong tay nắm quyền lực (nhân vật Tư Ngồng). Trong Ngược mặt trời, Nguyễn Một bày tỏ quan điểm của mình về cuộc chiến tranh trong quá khứ, về những vấn đề của lịch sử: lịch sử đạo Công Giáo bị bách hại và lịch sử thực dân Pháp xâm lược nước ta… Tiểu thuyết của Trần Thu Hằng lại mở rộng biên độ hiện thực về những chiều kích khác: chiều kích lịch sử-cách mạng (tiểu thuyết Chuyện tình ở hầm hinh), chiều kích hiện sinh (tiểu thuyết Người đàn bà lưu vong (13)…
Định vị những “khuôn mặt thơ ca”
Nói “những khuôn mặt thơ ca” là để nhận diện phong cách nghệ thuật của mỗi nhà văn. Thuật ngữ “phong cách nghệ thuật” bao hàm ý nghĩa khá rộng. Tuy vậy, để “nhận dạng” một tài năng nghệ thuật, có khi ta chỉ cần chú ý đến một đặc điểm nổi trội, bền vững trong thi pháp của nhà văn. Bởi vì, trừ những tài năng đặc biệt ngay khi xuất hiện đã khẳng định phong cách (Hồ Xuân Hương, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Bính…), còn lại, rất nhiều người cầm bút không có phong cách nghệ thuật, song họ có đặc điểm riêng về thi pháp giúp ta nhận dạng (Nam Cao, Nguyễn Huy Thiệp… chẳng hạn).
Trần Ngọc Tuấn là người thơ đứng “riêng một góc trời” với những tập thơ Thiền (14). Anh kế tục dòng thơ Thiền bàng bạc trong văn chương Việt Nam từ thơ Thiền Lý-Trần, Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều… đến hiện đại (Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư). Thơ Trần Ngọc Tuấn chủ yếu là Tứ tuyệt thất ngôn và Tứ tuyệt-Lục bát.
Nhiều nhà thơ Chi Hội Đồng Nai tiếp tục các thể thơ truyền thống, đặc biệt là lục bát và thơ 7, 8 chữ Lãng mạn. Lê Thanh Xuân rất giàu có những tứ thơ phóng khoáng, mới mẻ; Đỗ Minh Dương miệt mài với lục bát đậm chất ca dao, Lê Đăng Kháng ghi dấu ấn ở những tứ thơ mộc, chân chất nhưng hồn thơ giàu nặng nghĩa tình. Hồn thơ Minh Hạ trong veo.
Thơ của Nguyễn Đức Phước, Cát Du, Trần Nhã My nằm trong dòng “Thơ Trẻ” cách tân đầu thế kỷ XXI với những cảm thức và thấp thoáng bóng dáng nghệ thuật Hậu Hiện đại. Nguyễn Đức Phước khám phá được những hình tượng tư tưởng mới (15). Thơ Cát Du thơ tự tình, tự tra vấn, tự bứt phá. Hoàng Thụy Anh cho rằng phong cách thơ Cát Du là: “phong cách viết vừa đằm thắm vừa ngẫu hứng, táo bạo” (16). Thực ra, điều mà Hoàng Thụy Anh gọi là “ngẫu hứng, táo bạo” (cả khi Cát Du viết về sex), trong thơ Cát Du xuất phát từ cảm thức và cách viết Hậu Hiện đại (Giải Cấu trúc các đại tự sự). Nhưng thơ Cát Du chưa phải là thơ được viết bằng  tư tưởng và thủ pháp Hậu Hiện đại (như thơ Hậu hiện đại của Lê Thị Thấm Vân, hoặc Văn Cầm Hải). Vanvn nhận xét về thơ Trần Nhã My: “Mỗi bài thơ của Trần Nhã My thường là câu chuyện được chắt lọc từ những lát cắt đời sống, mang tính ẩn dụ, tinh tế và sâu lắng, đằm thắm và gợi mở thông điệp”(17). Đó là nhận xét về nội dung. Về hình thức thể hiện và kiểu tư duy thơ, Thơ Trần Nhã My là thơ tự tình, được viết bằng kiểu ngôn ngữ “Thơ Trẻ” đầu thế kỷ XXI, một dòng thơ có ý thức cách tân trong trào lưu thơ Việt đương đại(18).
Đàm Chu Văn có nhiều bài thơ sâu nặng ân tình về người lính, thơ của anh cũng nằm trong dòng thơ truyền thống, nhưng tôi đặc biệt quan tâm đến những nỗ lực cách tân thơ của anh: xin đọc bài: “Đàm Chu Văn và con đường đổi mới thơ ca”(19). Nỗ lực đổi mới thơ ca Việt đương đại là một nỗ lực liên tục của nhiều thế hệ nhà thơ suốt từ những năm 1930 đến nay (từ bài Tình già của Phan Khôi năm 1932). Thơ Việt đã vượt lên, từ thơ lãng mạn đến thơ siêu thực, thơ Kháng chiến, thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa, thơ “dòng ý thức”, thơ tân hình thức, thơ hậu hiện đại…Cũng đã có những cực đoan, kiểu “thơ không thơ”, nhưng đến nay, thơ Việt đã dung nạp được hầu như tất xả các xu hướng thơ hiện đại để cách tân, trên nền của thi ca truyền thống. Mỗi thế hệ nhà thơ đóng góp phần của riêng mình mà “Thơ Trè” đầu thế kỷ XXI là một khoảnh khắc rất lạ của ánh sáng thơ Việt. Đàm Chu Văn âm thầm 15 năm tìm tòi con đường cách tân thơ mình, và tôi thấy, con đường của anh có những đóng góp vào nỗ lực chung.
Những tìm tòi đổi mới của văn xuôi
Lê Đăng Kháng và Phạm Thanh Quang là những người lính viết văn, họ từ chiến trường chống Mỹ đi ra và đem vào trang văn nguyên vẹn tâm hồn và đời sống của người lính. Truyện của Lê Đăng Kháng giàu tình yêu thương con người(20). Phạm Thanh Quang trăn trở nhiều về những vấn đề xã hội khi người lính trở về đời thường sống trong giai đoạn trước và sau “đổi mới” 21)
Nhà văn Khôi Vũ-Nguyễn Thái Hải là “Nhà văn Đồng Nai” tiếp bước các nhà văn tiền bối Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn. Nhưng Khôi Vũ tiếp bước ở giai đọan đất nước “Đổi mới”. Đến nay ông đã in 72 tác phẩm và 2 lần đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn: năm 1990 với tiểu thuyết Lời nguyền hai trăm năm và năm 2000 với tiểu thuyết Sông Luộc ở phương Nam. Hiện thực trong văn chương Khôi Vũ rất rộng, nhưng bối cảnh, con người, vùng đất làm nên văn chương của ông là Đồng Nai. Ông là nhà văn thời sự, thế sự. Ngòi bút của ông hướng đến kiểu tác phẩm tư tưởng. Nếu gọi đúng tên, Khôi Vũ-Nguyễn Thái Hải là nhà văn đa diện. Ông vừa thực hiện vụ nhiệm vụ chính trị của người cầm bút, vừa viết những tác phẩm tư tưởng, lại vừa hướng đến công chúng thị trường. Tôi cũng đặc biệt quan tâm đến những nỗ lực cách tân tiểu thuyết của ông. Lời nguyền hai trăm năm là một đóng góp rất mới có ý nghĩa cách tân lúc bấy giờ. Từ tiểu thuyết Lời nguyền hai trăm năm đến tiểu thuyết Vỡ dần trong mắt và tiểu thuyết Sông Luộc ở phương Nam là nỗ lực tìm tòi liên tục để cách tân tiểu thuyết của Khôi Vũ(22). Những người viết trẻ đi sau Khôi Vũ ở Đồng Nai có thể học được ở ông nhiều điều công việc viết văn. Chẳng hạn về cách tìm vốn sống, và làm cách nào chỉ một tình huống thời sự có thể kể thành một truyện ngắn thế sự; nghệ thuật viết truyện thiếu nhi.
Chi Hội-HNV Đồng Nai có nhiều nhà văn, nhà thơ viết cho thiếu nhi khá đặc sắc: Nguyễn Thái Hải, Hoàng Ngọc Điệp, Trần Thu Hằng, Phạm Thanh Quang. Tính đến năm 2022 Nguyễn Thái Hải (Khôi Vũ) đã in 40 tập truyện cho thiếu nhi (truyện ngắn và truyện dài). Nhà thơ Đàm Chu Văn có thơ được chọn trong sách giáo khoa Tiếng Việt 3, bộ Chân trời sáng tạo (NXB Giáo dục Việt Nam, 2022): bài Thả diều bên dòng sông quê hương.
Hai nhà văn từng là những “nhà văn trẻ” tài năng, đầy nội lực của Chi Hội HNV Đồng Nai là Nguyễn Một và Trần Thu Hằng. Nguyễn Một nổi tiếng với tiểu thuyết Đất trời vần vũ (2009 – Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010) và tiểu thuyết Ngược mặt trời (2012)(23). Anh gây được ấn tượng trên văn đàn nhờ ở những đóng góp cách tân tiểu thuyết đương đại Việt Nam. Anh gọi Ngược Mặt trời là kiểu “tiểu thuyết rời rạc”. Ở tác phẩm này, anh đưa vào trang văn nhiều kỹ thuật của tiểu thuyết hiện đại, anh cũng không ngại đề cập đến vấn để “nóng” của hiện thực đương thời. Trang văn của anh chứa đựng một năng lượng sáng tạo dồi dào.
Tôi thích văn của Trần Thu Hằng ở sự sang trọng lịch lãm. Nói thực, văn chương Việt Nam có không nhiều những nhà văn viết được những trang văn giàu phẩm chất trí thức (có lẽ vì quen viết cho “Công, Nông, Binh” nên nhà văn Việt Nam sử dụng ngôn ngữ bình dân chăng?). Trái lại, tiểu thuyết Người đàn bà lưu vong (2008) và tiểu thuyết Chuyện tình ở hầm Hinh (2015) của Trần Thuy Hằng (24), ngoàisức hấp dẫn của nghệ thuật kể chuyện, ở cấu trúc tác phẩm, ở xây dựng nhân vật, tình huống, thì chất văn chương trí thức vẫn là đặc điểm nổi trội. Trần Thu Hằng có thiên hướng viết truyện lịch sử (tiểu thuyết Đàn Đáy, Chuyện tình ở Hầm Hinh) và tôi hy vọng Trần Thu Hằng sẽ tiếp bước nhà văn Hoàng Văn Bổn viết những bộ tiểu thuyết sử thi về lịch sử, đất nước và con người Đồng Nai.
Nhà thơ Phan Hoàng – Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam phụ trách miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên trao quyết định cho Ban Chấp hành lâm thời Chi hội Nhà văn Đồng Nai: Nhà thơ Đàm Chu Văn – Chi hội trưởng, nhà thơ Trần Ngọc Tuấn – Chi hội phó, nhà văn Trần Thu Hằng – Ủy viên.
Lý luận phê bình và yêu cầu của tính chuyên nghiệp
Mặt mạnh của nhà văn Bùi Quang Tú là viết chân dung các nhà văn (xin đọc: Viên phấn và cây bút(25). Thân phụ ông là nhà văn Bùi Hiển, sinh thời, giao tiếp với nhiều nhà văn, nên Bùi Quang Tú có dịp tiếp xúc rộng rãi trong giới văn chương. Những bài viết về chân dung các nhà văn của ông có nhiều tư liệu quý cho thầy cô dạy văn.
Các nhà văn nhà thơ Nguyễn Đức Phước, Hoàng Ngọc Điệp, Trần Thu Hằng cũng có tài viết phê bình văn học. Những bài đọc tác phẩm, giới thiệu nhà văn của các cây bút phê bình trên tạo được không khí sôi nổi trong đời sống văn chương tại Đồng Nai. Riêng ngòi bút phê bình văn học của Trần Thu Hằng có nhiều khám phá đặc sắc về cốt cách của các nhà văn. Xin đọc bài: “Bộ ba hồi ký và tiểu thuyết “Nước mắt giã biệt” của Hoàng Văn Bổn”(26). Đây là bài tiêu biểu cho cách viết phê bình văn học của Trần Thu Hằng, một cách đọc sâu sắc, một cách trình bày khoa học và một tấm lòng với văn chương (Xin đọc thêm các bài Trần Thu Hằng viết về thơ Lê Thanh Xuân, Nguyễn Đức Phước, Phan Hoàng… (27)).
Tác giả bài viết này cũng là một người viết lý luận phê bình văn học trong Chi Hội NVVN – Đồng Nai. Tôi đã viết về văn chương Đồng Nai trong hai cuốn: Hoa đỏ bên sông (Nxb HNV 2014) và Nhà văn Đồng Nai (Nxb HNV 2018). Trong khi chờ một bộ lịch sử văn học Việt Nam, tôi viết cuốn Văn chương Việt Nam – Những gì còn với mai sau (Nxb HNV 2016) nhận định văn học Việt Nam từ sau 1975 đến nay theo 3 dòng văn học: Văn học Cách mạng và kháng chiến, Văn học Dân chủ và Nhân văn và Văn chương thị trường. Trong các cuốn sách khác, tôi đã viết về các nhà thơ Nguyễn Du, Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng, Nguyễn Quang Thiều, Lê Thành Nghị, Trần Quang Quý, Lê Quang Trang, 10 khuôn mặt Thơ trẻ đầu thề kỷ XXI, Đỗ Quyên, Lưu Diệu Vân…; các nhà văn Hoàng Văn Bổn, Lý Văn Sâm, Bích Ngân, Trầm Hương, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Ngọc Tư, Dương Thụy…; các nhà phê bình Đặng Tiến, Đỗ Lai Thúy, Chu Văn Sơn, Trần Đình Sử và các nhà phê bình hải ngoại: Nguyễn Vy Khanh, Bùi Vĩnh Phúc, Thụy Khuê, Nguyễn Hưng Quốc…Tôi sử dụng phương pháp phê bình Cấu trúc luận và Giải Cấu trúc, kết hợp với Phê bình mới (Anh Mỹ) và dùng phương pháp đọc gần (Close reading) để thẩm thấu tác phẩm. Đôi khi sử dụng phê bình Phân Tâm học, phê bình Ký hiệu học, Thi pháp học và cả các lý thuyết văn hóa trên nền tảng phê bình Marxist để soi chiếu tác phẩm. Gần đây tôi đã dùng Lý thuyết trò chơi (Game Theory)(28) để đọc Chuyện ngõ nghèo và Miền hoang tưởng của Nguyễn Xuân Khánh. Ở Việt Nam có các kiểu nhà phê bình văn học: Nhà phê bình chính trị, Nhà phê bình lý thuyết, Nhà phê bình phong trào, nhà phê bình chuyên nghiệp. Tôi viết phê bình chuyên nghiệp nhưng tham gia vào sinh hoạt văn chương đương đại Việt Nam (đặc biệt là các trào lưu, thí dụ: trào lưu Thơ Trẻ, trào lưu tiểu thuyết lịch sử, trào lưu văn học Hậu hiện đại, trào lưu cách tân thơ…).(29)
Thử định vị
Những trình bày sơ lược trên đủ giúp bạn đọc hình dung một miền quê văn chương trù phú, đa dạng về thể loại và phong cách; nội dung trải rất rộng khắp các miền hiện thực và đặc biệt văn chương của các nhà văn Chi Hội HNVVN Đồng Nai góp phần tích cực vào cách tân văn chương Việt Nam đương đại: Cách tân về tiểu thuyết (Khôi Vũ, Nguyễn Một, Trần Thu Hằng), cách tân thơ (Trần Ngọc Tuấn, Nguyễn Đức Phước, Cát Du, Trần Nhã My) và đóng góp đổi mới phương pháp phê bình văn học (Bùi Công Thuấn). Chi Hội NVVN – Đồng Nai có nhiều khuôn mặt sáng giá trên văn đàn, tài năng được khẳng định qua nhiều giải thưởng của HNV, chẳng hạn: Khôi Vũ, Nguyễn Một, Nguyễn Trí…
Con đường tương lai của Chi hội NVVN – Đồng Nai còn mở rộng…
Chú thích:
(1) Xin đọc: Bùi Công Thuấn-Thơ Lê Thanh Xuân: (đã đăng trên tạp chí Thơ, số 4 năm 2016)  Bùi Công Thuấn: Chuyện tình ở Hầm Hinh:
(2) Bùi Công Thuấn: Chuyện tình ở Hầm Hinh: http://buicongthuan.vn102.space/.
(3) Bùi Công Thuấn-Cù lao yêu dấu-Bài tình ca quê hương dào dạt: http://hvhnt.dongnai.gov.vn/.
(4) Bùi Công Thuấn-Sông Luộc ở phương Nam: https://vanvn.vn/.
(5) Bùi Công Thuấn: Đàn ống tre của Khôi Vũ:    https://buicongthuan.wordpress.com/.
(6) Bùi Công Thuấn: Người Chợ Kệ và Cá tình sáng tạo:   http://hvhnt.dongnai.gov.vn/.
(7) Bùi Công Thuấn-Trái tim biết khóc-thơ Nguyễn Đức Phước: Văn Nghệ trẻ số 32 ngày 10.8.2008
(8) Bùi Công Thuấn-Thơ Lê Đăng Kháng: Quả ngọt –Khúc tráng ca của lửa:
http://buicongthuan.vn102.space/
(9 Bùi Công Thuấn-Khôi Vũ-Nguyễn Thái Hải, nhà văn dấn thân vì văn chương:   http://hvhnt.dongnai.gov.vn/.
(10) Bùi Công Thuấn-Khôi Vũ, nhà văn thế sự: https://vanchuongphuongnam.vn/.
(11) Bùi Công Thuấn-Bụi đời và thục nữ-Nguyễn Trí: https://buicongthuan.wordpress.com/.
Bùi Công Thuấn-Tiểu thuyết Ăn Bay của Nguyễn Trí- Báo Văn Nghệ số 48 (01.12.2018)
(12) Bùi Công Thuấn-Câu chuyện kẻ chơi dao (đọc Đất trời vần vũ của Nguyễn Một):
https://vanchuongviet.org/.
Bùi Công Thuấn-Nghĩ rời rạc về tiểu thuyết Ngược mặt trời của Nguyễn Một:    http://buicongthuan.vn102.space/.
(13) Bùi Công Thuấn-Người đàn bà lưu vong–tiểu thuyết của Trần Thu Hằng https://www.vanchuongviet.org/.
(14) Bùi Công Thuấn đọc tập Suối reo của Trần Ngọc Tuấn: http://buicongthuan.vn102.space/.
Bùi Công Thuấn-đọc tập thơ Chân thân của Trần Ngọc Tuấn:   http://hvhnt.dongnai.gov.vn/.
Bùi Công Thuấn-Đọc tập thơ Hiện hữu của Trần Ngọc Tuấn: https:/vanvn.vn/.
(15) Bùi Công Thuấn-Đêm khát của Nguyễn Đức Phước: https://vanchuongviet.org/.
(16) Hoàng Thụy Anh-“Nàng”-Người đàn bà tự thú trong thơ Cá Du:
https://vnexpress.net/.
(17) Vanvn-Chùm thơ Trần Nhã My: https://vanvn.vn/.
(18) Bùi Công Thuấn-Nhìn lại “Thơ Trẻ” đầu thế kỷ XXI:
http://trannhuong.top/.
(19) Bùi Công Thuấn-“Đàm Chu Văn và con đường đổi mới thơ ca”:
(20) Bùi Công Thuấn-Triết lý người hiền (Đọc Sương sớm của Lê Đăng Kháng). Nguồn: Hoa đỏ bên sông-Nxb HNv 2014:
http://nvledangkhang.blogspot.com/.
(21) Bùi Công Thuấn-“Phạm Thanh Quang-Một tấm lòng người lính”:
http://buicongthuan.vn102.space/.
(22) Mời đọc bài viết của Bùi Công Thuấn về nhà văn Khôi Vũ:
Khôi vũ-Nguyễn Thái Hải và sự dấn thân của văn chương:           http://hvhnt.dongnai.gov.vn/.
Khôi Vũ-Nhà văn thế sự: https://vanchuongphuongnam.vn/. Sông Luộc ở phương Nam và những mã nghệ thuật: https://vanvn.vn/
Truyện ngắn Khôi Vũ. Nguồn: Bùi Công Thuấn-Nhà Đồng Nai-Nxb HNV 2018
Tiểu thuyết Khôi Vũ. Nguồn: Bùi Công Thuấn-Nhà văn Đồng Nai. Nxb HNV 2018
Bùi Công Thuấn-“Phạm Thanh Quang-Một tấm lòng người lính”:
(23) Bùi Công Thuấn-Đọc Đất trời vần vũ của Nguyễn Một:
https://vanchuongviet.org/.
Bùi Công Thuấn-Nghĩ rời rạc về tiểu thuyết Ngược mặt trời của Nguyễn Một:   http://buicongthuan.vn102.space/.
 Mời đọc bài viết của Bùi Công Thuấn về nhà văn Khôi Vũ:
(24) Bùi Công Thuấn-Thân phận lưu vong:
https://www.vanchuongviet.org/.
Bùi Công Thuấn-Chuyện tình ở Hầm Hinh:    http://buicongthuan.vn102.space/.
Bùi Công Thuấn-Đọc Đất trời vần vũ của Nguyễn Một:
(25) Bùi Công Thuấn-Viên phấn và cây bút: http://buicongthuan.vn102.space/?
Bùi Công Thuấn-Thân phận lưu vong:
(26) Trần Thu Hằng-Bộ ba hồi ký và tiểu thuyết Nước mắt giã biệt của Hoàng Văn Bổn”:
Bùi Công Thuấn-Viên phấn và cây bút: http://buicongthuan.vn102.space/?
(27) Trần Thu Hằng viết về thơ Trần Đức Phước: Nhà thơ trong trận tuyến mới Trần Thu Hằng-Bộ ba hồi ký và tiểu thuyết Nước mắt giã biệt của Hoàng Văn Bổn”.
30/11/2022
Bùi Công Thuấn
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vòng tròn máu

Vòng tròn máu Tiếng vỗ tay ào ào nổi lên, vang dội cả hý viện khi người nam ca sĩ lai da đen vừa xuất hiện trên sân khấu. Mọi người đứng b...