Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2024

Giấc mơ trên đồng rau

Giấc mơ trên đồng rau

Cái đêm ấy ở phòng hồi sức cấp cứu, Hai Thơm thấy mình bị trôi đi…
Những giấc mơ thường chỉ làm người ta nhớ mang máng khi thức dậy, hoặc thể hoàn toàn không nhớ được chút gì. Nhưng cái đêm mơ màng ở bệnh viện hôm đó đến khi tỉnh dậy Hai Thơm lại nhớ rõ đến từng chi tiết…
Xã lên phường, ấp thành khu phố đã hơn chục năm mà già Tư húng lủi vẫn quen miệng: xóm rau! “Phường phố gì thì hồn cốt cái xóm này vẫn là rau. Là xóm của các loại rau thơm gia vị: diếp cá, rau răm, ngò rí, ngò gai, húng lủi, húng quế… Cánh đồng rau hóa cánh đồng cỏ đã nhiều năm mà người ta nghe già Tư suốt ngày cứ ca cẩm chuyện rau chuyện cỏ.
Cũng tại cánh đồng rau ven sông này đẹp quá mà, ngày nào gió cũng thổi vào những cơn mát rượi, chứ cái xẻo heo hút nằm bên rìa thành phố này có người dân ở xóm rau này nghĩ có ngày sẽ “được” vô qui hoạch. Viu sông hứng gió giờ đắt đỏ hơn cả mặt tiền phố nên mấy mé sông thành tầm ngắm cho mấy nhà kinh doanh đất cát làm cuộc săn lùng, thổi giá. Miễn là đất sát sông thì dù là đất trồng lúa, trồng rau, vô tay nhà đầu tư bất động sản thì kiểu gì cũng thành thổ cư, “trồng” bê tông được hết!
Quán cháo lòng bà Năm nằm bên rìa cánh đồng, “hên”, không bị dính qui hoạch. Bà Năm bán chừng nửa buổi sáng thì hết nồi cháo, từ đó đến chiều bán cà phê, nước giải khát. Hồi trước quán là chỗ cho dân xóm bàn chuyện rau cỏ, phân bón, vụ mùa. Từ ngày trụ sở Ban quản lý dự án mọc lên giữa cánh đồng, quán thành đại bản doanh của đám cò đất.
Một bữa sáng ra không còn nhìn thấy cánh đồng, đàn cò trời rủ nhau làm cuộc tản cư về phía bờ sông mé bên kia thành phố…
Bà Tư, má Hai Thơm, một bữa chiều tháng 6, bên ruộng rau về thả mình xuống võng nghỉ lưng rồi…ngủ luôn giấc ngàn thu không thức dậy! Bữa đưa má ra nghĩa trang về Hai Thơm dong xe một nước qua ruộng rau ngồi khóc rấm rứt. Bữa đó mấy cây dâu đang say trĩu quả, chôm chôm mới ra trái non, mấy thửa rau diếp cá, húng lủi đang lên xanh mởn. Từ ngày không còn má, Hai Thơm lại bắt lo xa. Sợ có bữa chiều nào đó qua đất về, ba lên võng nằm nghỉ, lên cơn hen suyễn, rồi làm mệt, rồi ngủ luôn…theo má! Lo vậy nhưng Hai Thơm không dám nói.
“Nhiều bận thấy bả lên cơn mệt, tui năn nỉ má bả nghỉ một bữa đi khám bệnh, mua thuốc uống mà bả cứ lần lựa hoài. Rồi bả đành đoạn để lại tui ba đứa con nheo nhóc vậy đó…”. Bà Năm vừa bán cháo, bán nước vừa kiêm luôn là “cái bầu” cho già Tư mỗi bận lên cơn nhớ bà Tư, thì trút. Bà Năm cháo lòng thấu cảm nổi niềm của già Tư, là phải chi hồi đó đừng để Hai Thơm nghỉ học, hoặc ráng cho Hai Thơm đi học cái nghề gì đó thì giờ ổng không có bị ray rứt. Chỉ từ sau mấy bữa đứng nhìn cảnh từng đoàn xe rầm rập đổ đất san lấp. Xe lăn, xe ủi san phẳng, chia cánh đồng ra thành nhiều mảnh, tâm tính già Tư trở nên thất thường, nói nhiều, nói nhây dữ thần vậy!
Là già Tư cứ đinh ninh Hai Thơm cắm sào với mảnh đất hương hỏa, làm nông dân đến cuối đời chứ dè đâu, hơn ba mươi tuổi đầu Hai Thơm lỡ dỡ đủ thứ. Đất cát không còn, chồng con cũng chưa có, thêm xóm giềng lời ra, tiếng vô nên già Tư càng xót gan, xót ruột. Mà Hai Thơm tỉa trồng quen tay, giờ biểu đi học nghề thì học ra làm sao, học nghề gì cho được đây?
Hồi lùm xùm vụ đất vô qui hoạch, sau nhiều bận phản đối, đòi nâng giá đền bù, ai cũng ý kiến ý cò rôm rả, vậy mà đến hồi có thông báo ra xã nhận tiền, dân xóm rau rủ nhau đi sạch. Chỉ còn mình Hai Thơm ngày nào cũng cặm cụi qua đất trồng rau, nhổ cỏ trên mảnh vườn bị cô lập giữa mê hồn trận cống xi măng, cốt thép. Hùng, cán bộ khuyến nông xuống tận ruộng rau nói chuyện với Hai Thơm, biểu không đi, tới hồi nhà đầu tư kéo xe đến ủi thì ráng chịu, chứ xã không chịu trách nhiệm. Hai Thơm cứ một câu: “Thì anh kêu người ta đổi miếng đất khác cho tui trồng rau, chứ tui không muốn đổi đất lấy tiền. Tui sống nghề nông từ đó giờ, giờ không còn đất, tui biết mần gì?”. Thiệt bụng Hai Thơm cũng muốn vậy nên nói vậy. Hùng khuyến nông về đằng xã hậm hực: “Con nhỏ Hai Thơm nói chuyện ngang ngược, hết biết!”.
Già Tư buồn quá nhưng đâu biết làm sao, đâu biết cách nào. “Thôi, mình giao đất cho người ta đi, Hai. Thủng thẳng rồi cha con mình đi tìm mua chỗ khác”. An ủi Hai Thơm vậy, chứ trong bụng già Tư cũng buồn thúi ruột. “Phải chi người ta qui hoạch đất xây bệnh viện, trường học tui cũng không buồn. Đằng này san lấp, phân lô, bán nền, biểu sao không buồn cho được hả, chị Năm?”. Già Tư lèm bèm chuyện đất cát riết mà bà Năm thì chỉ biết thở dài: “Khi khổng khi không đất người ta đang trồng rau ngon lành, hà. Cái xẻo heo hút này mà làm khu dân cư, cất nhà, có ma ở. Đất không biết nói năng chứ biết kén thứ để mọc, đâu phải trồng thứ gì lên đất cũng ưng. Để coi tui nói có đúng không nghen, ông Tư?”
Nhiều bữa chiều đứng trên mé rạch nhìn về phía cánh đồng hoang hoải, nhớ má, Hai Thơm cứ bắt ứa nước mắt! Ruộng rau không có má hơn chục năm vậy mà ngày nào qua đất đứng góc nào Hai Thơm cũng “nhìn thấy” má! Bữa Hai Thơm thấy má ngồi nhổ cỏ chỗ bờ mương, bữa thấy má lom khom cắt thửa rau húng quế, bữa thấy má bẻ củi khô bên vườn chôm chôm… Ngày hay tin đất bị vô quy hoạch, Hai Thơm càng nhớ má kinh khủng! Hai Thơm lo sợ đến ngày không còn được qua đất, sẽ không còn được “nhìn thấy” má mỗi ngày nữa. Thành thử ngày nào Hai Thơm cũng tranh thủ, sợ như không còn dịp đứng trên mảnh vườn đã gieo trồng lên đó không chỉ cỏ rau, mà còn không biết bao nhiêu là ký ức!
Hồi dân xóm rau rủ rỉ, rù rì bày nhau phân bón lá, thuốc trừ sâu, Hai Thơm vẫn cặm cụi bắt sâu, nhổ cỏ. Dạo đó, thương lái vô vườn Hai Thơm coi rau, chục người thì hết chín người trề môi: “Rau nhỏ Thơm không xanh, không mướt, lá sâu lõm chõm. Thời buổi này mà nó còn tỉa trồng kiểu truyền thống, dầm mưa, dãi nắng, ngồi vạch lá bắt sâu…”. Chê đã rồi trả giá rẻ bèo.
Vùng nào không biết, chứ xóm rau này đời trước truyền lại cho đời sau chỉ một cách tỉa trồng thuận theo tự nhiên. Tự hồi nhỏ, Hai Thơm đã thấy má trồng rau kiểu vừa nhổ cỏ vừa bắt sâu vậy rồi. Má dạy, trồng rau bán cũng như trồng mình ăn, sức khỏe của người ta cũng là sức khỏe mình. Lời má lúc nào cũng in trong đầu Hai Thơm vậy. Cho nên Hai Thơm trồng thứ gì bán thì hái về ăn thứ đó, biệt có chuyện trồng riêng một khoảnh để ăn giống như những người trồng rau vùng khác.
Cái gì lâu sẽ ngày thành thói quen, mà thói quen thì không dễ dàng thay đổi. Hai Thơm vừa tỉa trồng vừa thám thính xung quanh, nghe ruộng nhà ai có hơi hướm phun xịt là lội đến khuyến cáo. Có người nghe Hai Thơm mà có cũng người không ưng bụng. Mưa dầm thấm lâu, nói nhây cũng thấm nhĩ. Hai Thơm cứ mặt chai, mặt lì. Dù không đoạn tuyệt hẳn, nhưng dạo sau này, trong những lần chẳng đặng đừng do thời tiết ẩm ương, sâu bệnh hoành hành, dân xóm rau mới phải can thiệp thuốc trừ sâu, phân bón lá nhưng cân nhắc liều lượng và cách nhiều ngày cho loãng thuốc mới thu hoạch.
Duy nhất một người trong đám thương lái không chê rau của Hai Thơm là Tư tía tô. Tư tía tô chừng hơn Hai Thơm hai, ba tuổi, tên gì Hai Thơm cũng không biết, chỉ nghe nói thương lái Tư thích mùi thơm đặc biệt của loại rau màu tím tía, lá viền răng cưa nên dân xóm kêu luôn thành Tư tía tô. Dân xóm rau ưa kêu tên người khác bằng cách gắn thêm một loại rau sau một cái tên người đó cho dễ nhớ. Ngoại trừ tên Thơm của Hai Thơm cũng là tên khai sanh do má đặt. “Thơm, là gom hết mùi thơm của các loại rau gia vị ở xóm rau này” – Hai Thơm nhớ hồi má kể vậy!
Bạn hàng bên chợ dặn Tư tía tô tìm mua dùm rau xấu xấu, rau có lá sâu sâu lõm chõm. “Họ biểu tui rau xấu xấu mới là rau sạch. Rau có lá vừa vừa, không lớn quá, mới là rau không có xịt phân bón lá. Mới là rau sạch, vừa nghĩa bóng, lẫn nghĩa đen”. Hai Thơm nghe Tư tía tô thuật lại câu đó bắt thắt cười. Thời buổi bệnh ung thư nhiều quá nên giờ mua gì, ăn gì người đi chợ cũng sợ. Mà người ta sợ đúng. Không ít người tỉa trồng giờ ham lời quá nên bất chấp, không bận tâm nổi sợ, nổi lo của người mua rau, mua trái ngoài chợ. Là dân trồng trọt, Hai Thơm rành mấy chuyện này quá.
Có hôm Tư tía tô ghé ruộng sớm, cà kê dê ngỗng phụ Hai Thơm bó rau. Ngồi trên bờ mương, nhìn Hai Thơm lom khom cắt rau dưới ruộng, Tư tía tô kiếm chuyện: “Anh thấy xóm nhiều loại rau thơm, nhưng có ba loại rau không có ai trồng, mà ngoài chợ người ta nhờ anh đặt mấy thứ đó. Hỏng ấy Hai bớt lại một thửa diếp cá trồng cho anh Tư loại rau đó, để anh giao cho bạn hàng, được hông Hai?”. Hai Thơm thiệt tình, kêu dạ được, muốn rau gì anh Tư cứ nói, cắt hết đợt rau này, Hai xuống giống rau mới cho anh Tư. Tư tía tô ngập ngừng một hồi rồi ngữa mặt nhìn trời, tủm tỉm: “Là rau cần… rau muống… với rau om…đó, Hai”. Rau cần, rau om trong danh mục các loại rau thơm thì đúng rồi, nhưng còn rau muống…Hai Thơm nheo mày, nhíu trán một hồi thì ngẩn ra, là: cần – muống – om! “Anh Tư này, đồ quỉ…ghẹo Hai hoài…”!
Chuyện đất cát nhà Hai Thơm mà bà Năm cháo lòng cứ bắt sốt ruột. Hễ thấy mặt Hai Thơm là bà Năm biểu: “Con coi tính sao đi, Hai. Chứ vài bữa người ta đổ đất san lấp không có chống được đâu con ơi!”. Chú Bảy rau răm bàn, chắc Hai Thơm làm eo, làm sách để kiếm thêm chút đỉnh tiền đền bù. Thím Sáu diếp cá thì tính, đất của Hai Thơm, đền nhắm cũng gần tỉ bạc, nhiêu đó dư sức về bển cất cái nhà đàng hoàng cho già Tư dưỡng già, còn Hai Thơm thì kiếm cái nghề gì đó học, chứ không lẽ cặm mặt vô đám rau cỏ suốt đời?
Công trình cho xe đổ những đống đất cao ngút quanh mảnh vườn Hai Thơm. Có bữa sáng qua, khúc cây làm cầu bắc qua con mương vô đất bị người ta gỡ mất. Có bữa qua, mấy thửa rau diếp cá, húng quế chuyển sang màu vàng chạch. Có bữa qua, vườn cây ăn trái bị người ta vặt sạch từ trái non đến trái già thả đầy gốc. Có bữa qua, mấy cây sầu riêng, măng cụt lá rụng trơ cành…
Hai Thơm đứng nhìn mấy thửa rau, mảnh vườn mỗi ngày mỗi xơ xác quặn thắt lòng. Người ta làm đủ mọi cách để Hai Thơm bỏ đất mà đi. Người ta đâu có tỉa trồng, đâu có chăm sóc cỏ cây đâu mà biết thương, biết xót? Cỏ cây đâu có tội tình mà bị chết oan, chết ức vậy! Con người có linh hồn, thì cây cối cũng có linh hồn. Hai thơm đau lòng quá nhưng biết thở than, biết khóc với ai? Cây cối đang tốt tươi vậy mà người ta nhẫn tâm “thuốc” cho chết đứng. Hai Thơm tức tưởi, hết khóc cây, đến khóc rau. Khóc như hồi cái năm Hai Thơm khóc má…
Từ ngày cánh đồng rau bị san phẳng, mấy vựa phân tro mé đằng bến đò cũng khốn đốn tìm phương cách chuyển đổi bán buôn. Ruộng đất bị qui hoạch còn ai trồng trọt nữa đâu mà bán phân, bán trấu? Phường ghe thương hồ mấy chục năm ngược xuôi chở xơ dừa, tro trấu, phân bò từ miền Tây lên rồi thồ gốm sứ, khạp, lu, chén, chậu ngược về cũng mất mối. Đám thương lái cũng tản mác những cánh đồng xa hơn để tìm rau chạy chợ.
Hai Thơm cầm cục tiền đền bù về thảy vô tủ, không dám đụng vô một đồng. Hễ nghe Tư tía tô chỉ chỗ nào có đất vườn, đất ruộng kêu bán thì tìm đến. Khổ nổi chỗ nào người ta cũng kêu giá cao gấp mấy chục lần so giá đất được đền bù. Hai Thơm nhẩm: “Tiền đền bù, tính ra mua được miếng đất chỉ bằng một phần mười so với diện tích đất bị qui hoạch”. Nhiều bữa nhớ đất quá, Hai Thơm dong xe qua cánh đồng. Đứng nhìn cái nền đất khô cằn trên vị trí mảnh vườn cũ lại ứa nước mắt. Hai Thơm thèm có miếng đất để tỉa trồng quá, mà đất qui hoạch xong giờ người ta lại để không đó…
Nguyện vọng được hoán đổi đất của Hai Thơm tất nhiên chẳng được ai đoái hoài. Rốt cuộc cũng đến ngày phải rời đi. Bữa ra xã nhận tiền đền bù về Hai Thơm như người mất hồn cứ thơ thơ thẩn thẩn. Nửa đêm đang ngủ Hai Thơm bật dậy, lọ mọ xuống bếp nấu cơm, xúc vô cà mèn. Già Tư nhìn con đứt ruột: “Mình nhận tiền đền bù, giao đất cho người ta rồi mà qua bển chi nữa, Hai…”. Là Hai Thơm bị quán tính. Sáng nào cũng bốn rưỡi thức dậy nấu cơm dở qua ruộng. Tại Hai Thơm nhớ cánh đồng rau quá! Những cơn nhớ cứ âm ỉ ngày này sang tháng khác, thành những cơn rối loạn tiền đình, vật Hai Thơm từ giường xuống đất, từ nhà đến bệnh viện…
Tư tía tô bữa nọ chở tới mấy bao phân trộn với mớ chậu nhựa. Hai Thơm đang héo rũ như cọng rau thiếu nước nhìn thấy thì mừng húm, tỉnh tươi tức khắc. Tư tía tô lui cui sắp xếp hàng chậu dọc theo bờ tường khoảnh sân hẹp trước nhà. “Anh Tư biết ý Hai ghê ta…”! Hồi còn đất mênh mông, tỉa trồng sướng tay, chiều nào về trong giỏ cũng có rau, có trái. Giờ mỗi lần thèm trái ớt, cọng hành phải xách xe chạy ra chợ. Tư tía tô nghĩ, chút đỉnh vậy cho Hai Thơm có chỗ trồng ít rau, ít cải, cho đỡ buồn tay, mà cũng là cho Hai Thơm bớt nhớ đất! Người ta đi đô thị hóa nông thôn rầm rầm, còn Tư tía tô làm chuyện ngược đời đi…nông thôn hóa đô thị!
Dở khóc, dở cười!
Bà Năm cháo lòng không phải nhà tiên tri nhưng dự đoán đã có phần trúng. Sau một thời gian ầm ào san lấp, phân lô, làm đường, đám công trình hè nhau kéo máy móc đi sạch. Để lại những nền đất san lấp dở dang, nham nhở, chỗ lồi cỏ mọc, chỗ lõm nước đọng ao tù. Cánh đồng rau thơm ngát mùi thơm mỗi chiều ngang qua giờ mùa nắng khô cằn, mùa mưa um tùm cỏ, lau sậy cứ chen nhau hồn nhiên cao lớn thành rừng.
Bữa chiều qua thăm cánh đồng rau Hai Thơm tưởng như đang lạc giữa vùng thảo nguyên xa xăm. Thông tin từ người đàn ông chăn bò thuê, rằng: “Chủ đàn bò là…ông chủ dự án! Tui chỉ chăn mướn…”. Cỏ ở đây tốt tươi quá mà! Bà Năm cháo lòng phán đâu có sai, đất ưng rau cỏ chứ đâu chịu… bê tông mọc! Thêm một thông tin tốt lành từ người chăn bò rằng: “Nghe đâu chính quyền đang lên phương án, kế hoạch để hồi sinh những làng nghề, trong đó có làng trồng rau ven sông này…”. Hồi sinh làng trồng rau trên những nền đất cỏ mọc hoang hoải gần hai chục năm vì không thể biến thành…khu đô thị!?
Đời, đôi lúc có những chuyện miệng cười mà nước mắt cứ trào ra…
“Con nghĩ lại thấy có lỗi với nhỏ Hai Thơm quá dì Năm. Con nhỏ mê trồng trọt thiệt, vậy mà hồi con cứ nghĩ nó làm eo làm sách để đòi thêm tiền đền bù”, Hùng khuyến nông một bữa ghé quán cháo lòng bà Năm trút nổi niềm vậy. Từ ngày cánh đồng rau được san phẳng, chứng kiến cảnh dân xóm rau tản mác đi tìm việc khác rồi lại tan tác trở về loay hoay xoay sở với đủ thứ công việc dù địa phương cũng tổ chức nhiều buổi hội thảo, tập huấn, hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu nghề này, công việc nọ nhưng vẫn không ổn định, khiến anh thấm thía. Nhớ lại cái lần xuống ruộng rau quyết “bứng” Hai Thơm ra khỏi miếng đất, để giờ mỗi lần gặp, anh không dám nhìn mặt con nhỏ…
Quán cháo lòng bà Năm sáng đó xôn xao. Không có một tay cò đất nào trong quán mà chỉ toàn người xóm rau: già Tư húng lủi, chú Bảy rau răm, thím Sáu diếp cá, Tư tía tô… Bà Năm cháo lòng đang cầm tờ báo phe phẩy. Dòng chữ nhòe đi trước mắt Hai Thơm: “Địa phương đang rà soát và xử lý lại các dự án. Dự kiến sẽ thu hồi các dự án kém hiệu quả trả lại đất, hoặc cho thuê đất, hổ trợ cho nông dân vay vốn phục hồi nghề trồng rau.
– Giờ tui có chết cũng mãn nguyện rồi nghe, chị Năm –  già Tư tuyên bố!
Hai Thơm thả tờ báo, hai tay bưng tim hú hồn! Đúng là mơ. Nhưng Hai Thơm không thể ngờ giấc mơ lại là điềm báo tốt lành! Cánh đồng rau hóa những nền đất hoang hoải, khô cằn mới đó đã gần hai chục năm, không cần dự đoán Hai Thơm tin chắc sẽ có tên trong danh sách các dự án kém hiệu quả…
Đêm ở phòng hồi sức cấp cứu Hai Thơm thấy mình bị trôi đi… trôi đi…
Trong giấc mơ, Hai Thơm nhìn thấy đàn cò mé bên kia sông rủ nhau bay về lại cánh đồng rau sực mùi thơm ngát…
28/11/2022
Lê Ngọc Hạnh
Nguồn: Tạp chí Văn Nghệ TPHCM
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vòng tròn máu

Vòng tròn máu Tiếng vỗ tay ào ào nổi lên, vang dội cả hý viện khi người nam ca sĩ lai da đen vừa xuất hiện trên sân khấu. Mọi người đứng b...