Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2024

Đêm nguyệt quế lạc hương

Đêm nguyệt quế lạc hương

Tôi cứ cố sức vùng vẫy thoát ra khỏi ma trận ký ức thì bỗng lọt thỏm rơi xuống một cái động không đáy. Nước cuốn tôi vào vòng xoáy. Tôi cùng một mảng bèo bị xoáy vào một đường hầm hun hút sâu. Mãi lúc sau tôi mới lờ mờ nhìn thấy ánh sáng. Thì ra tôi đã lạc sang một thế giới khác. Thế giới của những người đã chết nhưng vẫn còn nhiều việc lưu luyến với trần gian nên tôi còn được lưu trú lại một thời gian để hoàn thành nốt tâm nguyện của mình.
Tôi miên man đi về phía triền cát cửa sông Luộc. Lòng chộn rộn. Dòng sông hiền hòa nhưng cũng có mùa cuộn trào mang nặng phù sa ngầu đỏ. Bãi hoang ngày xưa giờ được quy hoạch thành mô hình lúa hữu cơ và rươi: “Một lúa – một rươi”. Người dân quê tôi đã thay đổi tư duy mạnh dạn chối bỏ lối canh tác truyền thống xưa cũ được chăng hay chớ bấp bênh. Lớp trẻ được đào tạo có tay nghề thì đã đi làm ở nhà máy trong những khu công nghiệp ở xa và cũng có cả ở trong huyện do các doanh nghiệp vốn nước ngoài đầu tư. Đó là xu hướng đô thị hóa nông thôn. Huyện quê tôi cũng có mấy nhà máy. Đất nông nghiệp thu hẹp thì phải canh tác hữu cơ, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong canh tác để có năng suất và chất lượng nông sản cao. Gọi là kinh tế hàng hóa.
Nhưng đồng đất quê tôi lại ở cửa sông đổ ra biển. Đặc thù địa lý tựa như một số xã ở Thái Bình, Hải Phòng. Mỗi khi nước triều lên nước ở cửa sông bị hòa nước biển, thành nước lợ. Điều kỳ diệu quê tôi gọi là “Lộc trời”. Ấy là nước lợ tràn vào ruộng thì các ấu trùng rươi từ lòng đất sinh sôi ngoi lên. Thời cụ kỵ tôi, những vị tiền bối đã vớt rươi về làm thực phẩm. Thấy quá ngon, dần biến thành đồ ăn “đặc sản” của vùng nước lợ. Đến bây giờ nó trở thành “công nghệ” nuôi rươi. Nhưng rươi có mùa, mới có câu đồng dao “Tháng 9 đôi mươi / Tháng 10 mồng 5” Âm lịch, ấy là mùa rươi, mùa của lộc trời. Nhưng lộc trời cũng ngắn ngủi chưa tròn tháng nên phải thâm canh cho lộc trời càng nhiều càng tốt, phải cày bừa  ải cho đất tơi xốp để ấu trùng rươi có không gian sinh sôi, và mô hình canh tác mới “một lúa – một rươi” được người dân bám trụ ruộng đồng làm giàu mà không phải ly hương. Bọ trẻ có học có kiến thức nông nghiệp cũng có đứa ở lại làm nòng cốt “cầm tay chỉ việc” cho nông dân canh tác thời công nghệ. Lại xuất hiện một câu đồng dao mới “Nông nghiệp sinh thái / Nông thôn hiện đại / Nông dân thông minh”. Câu đồng dao mới ấy là phải tổ chức lại sản xuất, liên kết thành hợp tác xã, cũng hỗ trợ khuyến khích kinh tế hộ gia đình, nhưng phải ứng dụng công nghệ thâm canh hữu cơ mới mong tồn tại. Vậy lại có câu “Đi nhanh thì đi một mình. Nhưng muốn đi xa phải cùng nhau đi”.
Tôi ra đây nhân ngày cuối tuần được nghỉ, bởi bãi sông này ngày xưa mẹ vẫn dắt tôi ra ngóng cha về trên con thuyền nhỏ đầy cáy và cá tôm các loại. Mẹ bảo lũ cáy nhát lắm, thoáng thấy bóng người là chốn chạy nhanh thoăn thoắt, bởi vậy mới có câu thành ngữ “nhát như cáy”. Vậy mà vẫn mắc lừa con người câu nó. Thói ham mồi đã đưa lũ cáy vào đầy giỏ nặng trĩu trên thuyền của cha. Mỗi lần đón cha như vậy mẹ con tôi vui vô cùng. Ánh mắt cha cũng sáng lên trong ánh hoàng hôn lấp lánh loang đầy trên mặt sông trời chiều óng vàng.
Lần trước, tôi đi theo đoàn công tác đến đây, tôi cùng các phóng viên  truyền hình tỉnh có tới Bãi Soi thăm mô hình rươi và lúa hữu cơ ven sông. Bãi Soi này vốn bỏ hoang, canh tác không hiệu quả sinh chán, thế rồi đâu như ông Khóa phát hiện lộc trời nhung nhúc rươi khi có nước lợ tràn vào ruộng, vậy là Bãi Soi lên “quy hoạch” vào diện canh tác hữu cơ. Và giờ đây trên con thuyền tôi ngắm bãi bờ đã không còn hoang sơ như trước. Làng quê đã thay đổi nhiều. Nông thôn mới làm cho làng quê mang dáng dấp của một cô gái nông thôn mặc chiếc váy đầm thành thị. Một cô phóng viên nói thế. Ấn tượng trong tôi khi dạo trên thị tứ, là những gian hàng bán các sản phẩm như mắm cáy, lúa hữu cơ và các sản phẩm đặc sản chế biến từ rươi. Một loài trùng đất mà nếu ai mới nhìn sẽ thấy hoảng hồn vì sợ. Nhẽo nhẹt quậy.
Tất cả quá khứ bỗng ùa về? Tôi lục tìm quá khứ, tôi nhớ mẹ, tìm những hoàng hôn vỡ vụn trong trái tim của hai bố con. Trái tim tôi tan vỡ tưởng như không thể hàn gắn. Tôi đã từng thút thít vì nhớ mẹ. Cha thì lặng lẽ không bao giờ còn thấy ánh mắt lấp lánh trên gương mặt cha khi trở về từ bãi biển trong hoàng hôn ngập sắc nắng vàng. Tôi trở thành đứa con gái lì lợm bất cần đời. Tôi vẫn muốn đi tìm bóng hình của mẹ. Đã đi tìm mẹ, cảm giác bồng bềnh hạnh phúc như đang trôi trên dòng nước mát lành, ngắm nhìn cụm bèo lục bình đang vươn những cánh lá biếc xanh đón sương đêm và gọi nắng ngày. Ký ức tôi bồng bềnh bơi trên một dòng sông, mà nước phù sa từ thượng nguồn đang cuồn cuộn đổ về. Quanh tôi, tưởng như  những bè mảng bèo lục bình ken dày đang vây chặt lấy tôi và cuốn phăng cả cây cầu phao làm tôi không thể xoay chuyển. Tôi cứ cố sức vùng vẫy thoát ra khỏi ma trận ký ức thì bỗng lọt thỏm rơi xuống một cái động không đáy. Nước cuốn tôi vào vòng xoáy. Tôi cùng một mảng bèo bị xoáy vào một đường hầm hun hút sâu. Mãi lúc sau tôi mới lờ mờ nhìn thấy ánh sáng. Thì ra tôi đã lạc sang một thế giới khác. Thế giới của những người đã chết nhưng vẫn còn nhiều việc lưu luyến với trần gian nên tôi còn được lưu trú lại một thời gian để hoàn thành nốt tâm nguyện của mình.
Việc đầu tiên là tôi đi tìm mẹ. Cha vẫn đi kiếm hải sản sớm tối. Dù không yên tâm nhưng tôi vẫn rảo bước đi nhanh khỏi phía đường hầm. Phía xa là cây săng cổ thụ đầu bến sông. Nơi đây, hai mẹ con tôi từng đứng chờ cha. Nhưng khung cảnh hôm nay khác nhiều, thân cây to lớn gấp nhiều lần khiến tôi nhìn lên ngọn cây như mình bị ảo giác. Trên ngọn cây có phát ra ánh sáng lập lòe của lũ đom đóm. Mấy bông hoa màu trắng tỏa ra thứ ánh sáng đầy mê hoặc. Tôi còn nhớ mẹ nói cây săng này lá xanh tốt quanh năm nhưng không bao giờ ra hoa. Nếu cây ra hoa chắc chắn lúc đó con người đã sang kiếp khác. Vậy mà hôm nay tôi nhìn thấy cây xăng nở hoa. Tôi tự nhủ thầm, thật kỳ diệu. Tôi cùng mẹ đi trên con đê dẫn về đồng chiều. Hương thơm chiều hạ có hương sen từ bãi ngoài đang mơn man trên tóc, trên vạt áo, quyện vào từng bước chân dẻo dai  của mẹ. Tôi lon ton chạy theo vui cùng lũ chuồn chuồn mà không biết tổ của chúng ở nơi nao.Tôi lo cho chúng nơi chúng sẽ ngủ có yên ấm không. Mẹ cười dịu dàng. Con không biết có câu: “Không ai biết được tổ con chuồn chuồn”  à? Thì ra tôi đang mơ.
Mùi rươi rán thơm xộc vào mũi kích thích vị giác đến nôn nao cồn cào khiến tôi quay về thực tại. Món rươi rán quyện mùi cơm mới tháng mười đang lan vào. Quái nhỉ, sao vừa mới thấy hương sen cuối hè mà giờ lại đã thấy heo may với món rươi đầu mùa quyện mùi cơm mới? Đúng là tôi mắc chứng ảo giác. Cái cảm giác vui mừng xốn xang của lũ trẻ nhà nghèo được ăn món ăn mình thích thật hạnh phúc. Ngày xưa lại hiện về. Ngày con nước rươi cả người lớn, trẻ con đổ ra đồng vui như trảy hội. Những người đi vớt rươi sắm một cái vợt vải màn nhỏ bằng cái bàn tay và cái bơ, cái bát mang theo. Người lớn, trẻ con cứ một tay cầm bơ, một tay cầm vợt, đi lướt trên mặt ruộng, nhìn thấy con rươi bơi trên mặt nước là vớt, rồi đổ vào cái bơ, cái bát. Cho đến lúc nước rút xuống cạn đồng là không thấy con rươi nữa. Trẻ con cho là rươi đã biến đi đâu một cách bí hiểm. Người lớn còn tranh cãi nhau, có người cho là rươi theo con  nước ra sông, có người cho là rươi chui xuống đất.
Thế rồi, như hội đồng đã tàn, những người vớt rươi quay về làng. Nhà nào nhà ấy xôn xao, nào là: “Con vớt ở xa bờ, toàn rươi béo vàng ươm – Mẹ vớt ở gần bờ rươi gầy xanh rớt…”. Những bơ, bát đựng rươi, những con xanh ở bát mẹ, con vàng ở bơ con được dồn lại. Người mẹ rắc vào bát những hạt muối là những con rươi vỡ tan, bỗng hóa thân thành bát bột rươi màu vàng đậm sắc. Rồi nhà này chạy sang nhà kia xin nắm lá lốt, vỏ quýt làm gia vị. Có nhà băm thêm thịt lợn nạc, đập thêm vài quả trứng gà quấy lẫn. Rồi bếp nhà nào cũng đỏ lửa. Mùi rươi rán từ trong bếp thoảng bay ra sân, ra ngõ. Đi trong làng quê ngập tràn mùi thơm rươi chiên mỡ. Đúng là buổi chiều như hội ngoài đồng, buổi tối đầm ấm mọi nhà quanh mâm cơm với những miếng chả rươi thơm ngon đậm đà. Còn gì hạnh phúc hơn người nông dân quê tôi với những ngày lên con nước rươi.
Không phải vùng cửa sông nước lợ nào cũng có rươi. Nhưng rươi từ quê tôi được đóng đá lạnh, làm đông mang đến các miền cả nước. Bạn đã từng ăn món rươi chưa? Có thể có và cũng có thể không. Bởi ăn rươi làm chả thì ngon, nhưng nhiều người nhìn rươi tươi sống thì sợ, bởi nó như loài sâu nhuyễn thể. Yên tâm đi, rươi sống sạch, ưa nước sạch.
Với tôi rươi và làng An Hà là những gì tôi nhớ suốt cuộc đời. Cứ đến mùa gió heo may là quê tôi lại nao nức vớt rươi, và vào chiều tối cả làng thơm lừng mùi rươi nướng chả. Cả nhà tôi cùng người người ai cũng vớt được rươi không nhiều thì ít. Cha tôi thì đi thuyền ra ngoài bãi sông, vớt về cả thúng rươi béo mòng. Tôi và mẹ thì vớt bên bờ sông. Chiều về cả làng đỏ lửa nấu món rươi đặc sản, chạy lung tung xin nhau rau răm, lá lốt, lá gấc non, quả khế, ớt tươi, lá gừng tươi và không thể thiếu gia vị quan trọng là vỏ quýt. Làng xóm nhộn nhịp vui như ngày Tết, mùi rươi thơm lừng khắp làng trên xóm dưới.
Món đặc biệt nữa mà mẹ hay làm cho cả nhà và thường sai tôi mang biếu ông bà nội là rươi nấu măng tươi: Rươi cũng rửa sạch đánh nhuyễn, các loại rau gia vị kể trên thái nhỏ trộn đều. Nếu có măng tươi là măng tay có vị đắng được thái chỉ. Mẹ bảo măng đắng mới khử được vị tanh của rươi. Và khi thưởng thức thì vị đắng không còn nữa, sau đó cho khế thái hình ngôi sao hoặc giã dập  lọc lấy nước bỏ bã, xúc từng muôi rươi tròn thành bánh thả nhẹ vào nồi nấu. Mẹ khéo léo đun nhỏ lửa để bánh rươi không bị vỡ. Bánh rươi trôi trong nước gia vịngấm vào, ăn chỉ còn thấy vị béo bùi của các gia vị hòa quyện cùng vị rươi thơm ngọt mang trọn hương vị đất trời lan tỏa.
Gia đình bé nhỏ của tôi ấm áp là thế. Vậy mà mẹ bỏ cha con tôi đi khi tôi  còn nhỏ. Cuộc nhân duyên của cha và mẹ cũng bắt đầu qua những mùa rươi như thế. Cuộc tình chân thật ấm áp tình thân.  Không có lãng mạn nhưng thấm đẫm tình quê trên bãi sông sóng mềm từ ban mai đến chiều muộn.  Dù không đủ đầy nhưng cha luôn chăm sóc mẹ bằng cả tấm chân tình. Có lần mẹ đau cha đã lo chở me đi bệnh viện. Ai cũng khen cha chăm chỉ, hiền lành, nhưng dường như trong thẳm sâu mẹ vẫn không vừa lòng về cha. Mẹ tinh tế, xinh đẹp được dân làng khen “mỏng mày-hay hạt”, còn cha thì hiền lành cục mịch. Mẹ vất vả là thế trong vạt áo đậm màu phù sa, quần xắn cao vẫn lộ rõ bắp chân trắng ngần, cổ cao ba ngấn lộ rõ lơ thơ tóc mai phía sau gáy đầy quyến rũ.
Tình yêu đơn sơ và cám dỗ của cuộc đời đã không cùng tồn tại. Mẹ bỏ dòng sông gió mềm mát lịm mỗi chiều hè loang khắp mặt sông. Để tôi bao chiều ngóng đợi mong dáng mẹ về phía bờ đê xanh ngát uốn lượn sau hàng tre làng rì rào trong gió.
Người đàn ông mẹ theo đó khen chưa ăn món rươi ở đâu ngon như mẹ làm. Ông ta có mở một cửa hàng ăn trên thị trấn, mời mẹ làm đầu bếp chuyên món rươi. Mẹ đã lọt vào lưới tình của ông ta. Tôi thì không hiểu tại sao mẹ lại bỏ nhà  đi. Chỉ cha là hiểu nhưng ông chỉ im lặng. Mẹ đã lựa chọn lìa xa hai bố con. Tôi mới 9 tuổi. Mẹ đã đi trong một đêm heo may đúng vào mùa rươi. Cánh cổng khẽ mở vào một đêm trăng suông. Chắc mẹ đi theo tiếng gọi của tình yêu. Chắc cha biết nhưng cha không cản. Sau này cha nói: “Trái tim cha không thuộc về mẹ”.  Nước mắt cha nhỏ xuống mặt sàn như cháy sém một mảng. Sáng hôm sau cha chỉ im lặng nhìn về phía dòng sông. Nhìn về phía ấy cha lướt qua ngọn cây nguyệt quế đang nở rộ trắng màu hoa loang mùi hương đêm qua còn sót lại. Phía xa, mảng bè bèo lục bình dập dềnh đang trôi theo dòng nước. Hơi lạnh heo may xoáy tận vào khe cửa, luồn vào từng ngóc ngách của ngôi nhà tôi ở.
Thời gian đã qua lâu rồi. Quê tôi đã đổi mới khác xa những ngày ấy. Những con đường đất lầy lội hai bên bờ tre úp sát nhau giờ đã là con đường bê tông cứng hóa đường liên thôn liên xã trong 19 tiêu chí Nông thôn mới có hạ tầng cơ sở tiện nghi điện – đường – trường – trạm. Xe cộ vun vút đi lại. Hai bên đường được trồng cỏ lạc và hoa mười giờ nở rộ. Sắc vàng sắc tím rực rỡ đua chen. Nhưng những con đường bê tông nóng bỏng vì không có bóng cây to che mát. Sẽ có trong dự án một triệu cây xanh cả nước. Con đường được mở rộng, nhà nào xây cũng đẹp hơn và khang trang hơn. Nhiều nhà mở cửa hàng dịch vụ thương mại cung ứng nhu cầu nông nghiệp, dời sống dân sinh, và có cả những “gia vị” bán cho việc chế biến rươi.
Quê tôi mới đón bằng “Nông thôn mới”. Lại là ngày hội vui. Thế nhưng trong tôi vẫn phảng phất buồn. Cha không còn đi thuyền vớt rươi nữa nhưng mỗi khi gió heo may về cha đều ra phía dòng sông, ra bãi rươi ngắm những bầy rươi nổi lên theo con nước và hy vọng sẽ gặp lại mẹ. Biết đâu mẹ sẽ bình tâm lại, hồi tâm lại để trở về với cha con tôi!
Nhưng. Chiều chiều heo may khi bầy rươi nổi lên mà mãi mẹ vẫn chưa về. Đã bao mùa heo may chỉ có những hạt mưa lắc rắc vô tình nhỏ xuống đậu trên  mi mắt báo gọi mùa rươi đã về. Tôi và cha đợi mãi mà mẹ vẫn không trở lại. Tôi đã học xong đại học và đi làm. Trước lễ vu quy của tôi cha gọi tôi lại, hỏi: “- Con có ngại khi trong lễ vu quy không có mặt của mẹ con không?”. Cha đã thu xếp để dì kế của tôi, tức em của mẹ sẽ đại diện đứng vào chỗ khuyết của mẹ. Dì cũng đã ưng thuận rồi. Đã bao năm cha không nhắc đến mẹ tôi tưởng cha đã quên. Cha bảo mẹ đang ung thư và điều trị trên bệnh viện. Cha còn biết bà ấy mới đi xạ trị về, mới chuyển nhà về sống ở thành phố. Cha biết hết về mẹ vậy mà cha chỉ để trong lòng!
Chiều, tôi đi dọc bờ sông Luộc. Tôi nhớ mùa rươi cùng mẹ và cha thưởng thức món ăn đặc sản dồng quê. Hiện nay rươi không còn nổi lên trên tự do như trước nữa mà người dân quê tôi đã khoanh vùng vào thành bãi và nuôi theo phương thức tự nhiên. Một vụ lúa hữu cơ, sau gặt là vụ rươi đem lại thu nhập cao cho người dân. Giá thành của lúa và rươi đều cao và chủ yếu được xuất đi bán trên các thành phố lớn.
Tôi đã đi tìm nhà của mẹ. Chiều ngả dần về tôi. Cây nguyệt quế nơi góc sân nhà vẫn đang nở hoa thơm ngọt ngào da diết. Hỏi thăm, được chỉ dẫn, tôi đã đến một ngôi nhà trong một ngõ nhỏ. Trước cửa ngôi nhà ấy là cây nguyệt quế cũng đang nở hoa trắng muốt. Người hàng xóm nhanh nhảu kể cho tôi nghe sau một thời gian theo ông chủ quán ăn mẹ có bầu và sinh ra một đứa bé mặt mũi khôi ngô nhưng không thể nói được. Ba năm sau thì người chồng mới của mẹ gặp tai nạn rất nặng. Mẹ phải bán cả gia sản để chạy chữa  nhưng chỉ được ba năm thì người chồng mới của mẹ cũng từ giã mẹ ra đi. Mẹ phải làm việc cật lực vất vả để nuôi đứa con tật nguyền không thể cất tiếng gọi mẹ. Mẹ đã phải trả món nợ để lại do chạy chữa cho chồng.
Âm thanh dòng sông và tiếng reo hò của những người vớt rươi đầy phấn khởi như còn vang đâu đây. Tôi ngồi bên mẹ, ngoài trời đang lắc rắc những hạt mưa báo hiệu một mùa rươi mới. “Tháng chín đôi mươi / Tháng mười mồng năm”. Mẹ nhẩm tính, rồi lẩm bẩm “- Vậy là đã đầu tháng mười, có rươi và cơm mới rồi đấy nhỉ?”. Đôi tay mẹ sần gân và gầy guộc. Mái tóc lơ thơ vì hóa trị. Đứa con trai của mẹ, em cùng mẹ khác cha với tôi, nó đứng lặng im nhìn tôi, tay làm cử chỉ ngôn ngữ ký hiệu. Mẹ làm lại trả lời nó. Chắc là mẹ giới thiệu tôi với nó. Nó mỉm cười với tôi vỗ hai bàn tay vào nhau rồi đặt một bàn tay lên ngực trái như muốn nói “nó vui”.
Mẹ đã bỏ hai cha con  tôi từ cái đêm hôm ấy. Cái đêm mà cây nguyệt quế cũng tỏa hương thơm ngát như lúc này ngồi bên mẹ trong ngôi nhà của mẹ. Đã có bao đêm tôi khóc gọi mẹ, rồi mệt lả tôi lại mơ thấy mẹ với hơi ấm nồng nàn, làn da trắng hồng, đôi mắt ấm áp và những sợi tóc mai sau gáy đầy quyến rũ cứ như quyện lấy tôi. Mẹ cười thật hiền vỗ về tôi.  Giờ đây lại là tôi vẫn ngồi bên mẹ ở một quãng thời khác, nắm đôi tay gầy xương, nước mắt tôi chảy tràn rơi xuống thềm nhà nóng bỏng. Nước mắt mẹ thì khẽ lăn xuống gò má khô gầy. Mẹ hỏi:
– Con có còn trách mẹ nhiều không?
Tôi không nói nổi lời nào. Nấc lên.
Mẹ thều thào:
– Nói ra với con mẹ cũng thấy xấu hổ. Khi con sáu tuổi, cha con ngã bên bậc thềm khi đi biển về. Cột sống cha tổn thương nặng. Đã ảnh hưởng tới thận. Cha bị suy thận. Ảnh hưởng xấu trầm trọng tới cuộc sống hôn nhân. Mẹ buồn lắm, khi ấy mẹ mới 28 tuổi…
– Con biết rồi – tôi lấy bàn tay đặt nhẹ lên miệng mẹ – mẹ đừng nói nữa. Con là bác sỹ y khoa nên thấu hiểu lòng mẹ rồi.
Tôi ôm mẹ siết vào lòng mình. Thì ra cha bị liệt dương. Ôi. Mẹ vừa đáng trách cũng vừa đáng thương. Tổn thương thận của cha đã làm rối loạn hoóc môn testosteron dẫn tới cha gặp khó trong cuộc sống vợ chồng. Cha biết nhưng giữ trong lòng không nói, nhưng lại vẫn yêu mẹ, dõi theo cuộc sống mẹ. Nhưng thà cầm đau riêng mình để mẹ đi tìm hạnh phúc còn hơn làm đau mẹ cả đời.
Nghĩ đi nghĩ lại cho cùng cũng không thể trách mẹ. Người ta không thể nắm tay từ chiều đến sáng hôm sau. Còn đời tôi. Tôi sắp lấy chồng….
Bỗng tôi khóc òa lên, ôm chặt mẹ, nức nở:
– Ôi! Con không trách giận mẹ đâu!
Đứa em trai cùng mẹ khác cha nhìn chúng tôi gương mặt vui sướng như tìm thấy một hạnh phúc gia đình vốn bấy nay xa ngái.
Vâng. Ngoài sân đêm nguyệt quế lạc hương từ lâu đã tha thứ cho mẹ tự bao giờ mà đêm nay dâng hương ngào ngạt đến vô cùng!.
30/11/2022
Vũ Lệ Hương
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vòng tròn máu

Vòng tròn máu Tiếng vỗ tay ào ào nổi lên, vang dội cả hý viện khi người nam ca sĩ lai da đen vừa xuất hiện trên sân khấu. Mọi người đứng b...