Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2024

Mặt nạ - Truyện ngắn của Đặng Ngọc Hùng

Mặt nạ - Truyện ngắn
của Đặng Ngọc Hùng

Nhà văn Đặng Ngọc Hùng là cây bút văn xuôi và phê bình văn học đáng chú ý của tỉnh Bình Thuận, vừa vinh dự được nhận Giải nhất Cuộc thi Truyện ngắn Đông Nam Bộ lần II năm 2022 với truyện ngắn Vòng tay.
Ông sinh năm 1968, hiện là giảng viên Trường Cao đẳng Bình Thuận ở thành phố Phan Thiết, đã xuất bản 2 tác phẩm: Bạc đầu nghe tiếng thời gian đi (phê bình, biên khảo văn học), NXB Hội Nhà văn 2018 và Sa mạc một lần mưa (tập truyện ngắn), NXB Hội Nhà văn 2022. Ngoài Giải nhất Cuộc thi Truyện ngắn Đông Nam Bộ lần II nói trên, nhà văn Đặng Ngọc Hùng còn được trao Giải nhì Cuộc thi Thơ và truyện ngắn Bình Thuận năm 2018 với truyện ngắn Mặt nạ, Vanvn.vn trân trọng giới thiệu đến bạn đọc tác phẩm hay này.
Từ trong cái phòng thượng hạng, những gì Hữu nhìn thấy đều có vẻ không thật. Những ngôi biệt thự đời mới trông xa như những cái bát úp trong cơn mưa đêm. Bên trái là biển. Đêm qua Hữu còn thấy những ngọn đèn ẩn hiện mờ ảo. Vậy mà đêm nay chúng đã biến mất cùng với những chiếc thuyền câu. Mưa đang tuôn đổ xuống biển. Ở xứ này, mưa cứ nghiêng nghiêng.
Khói mưa giăng phủ suốt từ hôm qua đến giờ. Chính nó, chính cơn mưa không mời mà tới đã phá bĩnh cái hội nghị khách hàng mà Hữu đã dày công chuẩn bị, đạo diễn và trực tiếp “diễn xuất”. Cái tin hội nghị sẽ được tổ chức ở khu nghỉ dưỡng có cái sân golf lớn nhất Đông Nam Á khiến nhiều đại biểu cứ sướng rơn cả người khi nhận giấy mời. Vậy mà cơn mưa…Qua ánh đỏ đót của bóng đèn ngủ hiệu Italia, những dòng nước mưa trên mặt kính trông như những dòng chảy vằn vện khi bị nung ở nhiệt độ cao của thứ kim loại đã tạo dựng danh vọng cho cuộc đời Hữu suốt hai mươi năm qua.
Hữu kéo rèm cửa bên phải. Đồi. Những vạt cây dại tít tắp. Chúng sẽ kéo dài đến một sa mạc. Anh biết vì anh và mấy thằng bạn của anh đã “chết chìm” ở đó. Mấy người hùn vốn mua mấy mẫu đất. Bỗng dưng người ta bảo dưới đất có khoáng sản. Thế là dự án trường đua ngựa của một ông Việt Kiều Texas tan thành mây khói.
Tất cả đều không thật. Từ căn phòng này đi lên khoảng trăm bước chân, chỗ những hạt mưa đang nghiêng đổ kia là nơi năm trước Hữu từ Sài Gòn ra xem cuộc thi hoa hậu thế giới. Chỗ đó, phải rồi, có những hàng cây xoan và những cây nhiệt đới lạ, phần dưới được quét vôi trắng để trang trí. Những cô gái chân cao ngang vệt vôi trắng lượn qua lượn lại như mỹ nhân ngư. Nghĩa là Hữu từng ra đây nhiều lần. Lần nào anh cũng tắt nguồn cái điện thoại Iphone. Anh chuyển sang xài cái Blackbery với cái sim chỉ có vài người biết. Anh “đóng cửa” luôn cái địa chỉ email thông thường, chỉ duy trì một địa chỉ email công vụ. Hữu rào giậu đâu đó cẩn thận, bí quyết của sự thành công hơn hai mươi năm qua. Lần này cũng vậy. Thế mà hôm qua, một khách hàng địa phương bất chợt hỏi anh” “Nè, ông có người anh ruột dạy học ở trường cao đẳng tỉnh này phải không?”.
– Đâu có. Ai nói với ông?
Hữu trả lời rất điềm tĩnh dù trong anh dâng lên một cú giật thót. Một cách lão luyện, Hữu cố điều tiết lượng adrenalin đang tiết ra. Từ khu nghỉ dưỡng này đến nhà người anh ruột chưa tới hai chục cây số. Nhưng rất nhiều lần Hữu ra xứ này và trở về mà người anh không hề hay biết. Mỗi lần gặp nhau trong một dịp nào đó, Hữu dúi vào tay đứa cháu vài triệu. Vậy thôi.
Hữu kéo rèm lại. Nếu không phải chờ thư của thằng sếp người Úc thì anh đã ném mình vào giấc ngủ. Thằng này lạ thật, lạ từ cái tên: Cinono Martinson, cái tên nửa Latin nửa Anglo-Saxon. Một cái tên thế giới. Đèn hiệu ở góc trái của giao diện thư điện tử vẫn chỉ sáng rực màu xanh lá cây ở hình biểu tượng của Hữu. Không có ai online.
Cinono Martinson, cái thằng nói cái gì miệng cũng toác ra tận mang tai. Mới qua Sài Gòn vài hôm, hắn đã xộc vào đủ thứ hồ sơ. Thôi, xem phim để giết thời giờ. Mới hơn một ngày Hữu đã thuộc số thứ tự những kênh cần thiết. 48 là HBO, một trạm dừng chân ma quái, loang máu. 50 là StarMovie, chà Tom Cruise vào vai phản diện máu lạnh, dăm câu triết lý Đông Tây kết hợp đầy bí hiểm. 52 là CineMax, chiến tranh Việt Nam. Con đèo hoang rợn cây lá. Những khúc cua cùi chỏ. Đoàn người di tản nháo nhác. Ba anh em.
Ba anh em. Ủa, sao giống dữ vậy trời!
Ríu mắt vì đọc phụ đề, Hữu rơi thỏm vào giấc ngủ. Anh rơi xuống những ngày tháng cũ.
 Ba và má nó lo cái vali và bé Năm còn ẵm ngửa. Anh Hai dắt anh Ba và nó. Con đèo mang tên một loài chim huyền thoại tràn ngập tiếng kêu tao loạn. “Anh Hai, em sợ quá!”, tiếng khóc của anh Ba. Nó, thằng Tư, hơn hai mươi năm sau là Hữu, hai mắt mở thao láo, và bình thản. Tiếng pháo kích như trời gầm, tiếng tiểu liên cùng cục, máy bay quang quác đến loạn óc. Tiếng ù rền của những đoàn chiến xa. Dòng người từ cao nguyên tràn về phía biển. Mạnh hơn nước lũ. Có lúc cái dòng thác ấy nghẽn lại. Hỗn loạn. Như một tận thế. Nó, thằng Hữu, lững thững theo anh Hai, tay nắm chặt gói xôi. Nó sợ, nhưng cái đáng sợ hơn đối với nó là để cho người ta biết nó sợ. Nó không sợ chết. Bởi nó nghĩ: Nếu nó phải chết mà người xung quanh cũng chết, thì không có gì phải sợ. Bên một vạt rừng, một thằng bé ngồi khóc điếng. Chòm bằng lăng nở sớm tím đến man dại và vô nghĩa. Không ai để ý đến thằng bé lạc người thân. “Nó đói”, anh Hai nói. Thằng Hữu quay lại, dúi vào tay thằng bé kia gói xôi. Thằng bé kia chụp ngay lấy, ăn ngấu nghiến. Một lát sau, trong màn khói diesel dày đặc của đủ loại động cơ, thằng Hữu thấy thằng nhỏ kia chạy theo gia đình mình.
Biển. Trại tiếp cư. Mới tháng Tư mà sóng ràn rạt. Dòng người từ cao nguyên ùa ra. Chờ đợi. Chửi rủa số phận. Một chấm đen hiện ra bên kia bọt sóng. Trên bờ, một chiếc Jeep trờ tới. Thằng Hữu quay lại, thằng bé kia cũng quay lại. Một người đàn ông mặc quân phục nhảy xuống, ôm ghì lấy thằng bé kia: “Trời đất ơi, con tôi, suýt tí nữa…”. Chấm đen cưỡi trên bọt sóng. Một chiếc tàu thuỷ. Dòng người cao nguyên bùng vỡ. Có tiếng tiểu liên. Va, đẩy, xô, chen, hích. Cả nhà thằng Hữu bị bật lại. Trong ranh giới của sống chết, may rủi, chiến thắng luôn thuộc về kẻ mạnh. Nhóm người trên chiếc Jeep có súng, cả lựu đạn da láng M26. Họ là kẻ mạnh. Vì thế đám đông xung quanh dạt ra. Riêng “thằng bé gói xôi” được một binh sĩ cấp dưới của cha nó bồng lên tàu. Sóng tháng Tư ngơ ngác lênh loang.
Mấy tràng tiểu liên.
Trái đất xem ra cũng hẹp, quá hẹp. Sau này, trong một lần làm việc với đối tác, Hữu gặp một đại diện thương mại gốc Việt nói tiếng mẹ đẻ giọng lơ lớ. Trong bữa ăn với câu chuyện tròng trành theo mấy chai Chivas, vị đại diện thương mại bỗng đứng dậy, vỗ vai Hữu: “Gần đây, có chỗ nào bán xôi không”. Câu hỏi quá đột ngột. Giữa cái đời thành đạt của Hữu và xôi cuộn gói lá là một khoảng cách mấy vòng trái đất.
“Chịu, để tôi hỏi con bé receptionist ngoài kia”, Hữu phẩy tay.
Ở một góc phố Tây Sài Gòn có chỗ bán xôi. Trái đất quá hẹp. Ông đại diện thương mại chính là “thằng bé gói xôi”. Ngoài Chúa ra, ai tin nổi sự thật này?
“Một tay gạc đờ co của cha tôi đưa mẹ tôi và tôi đi trước. Tôi bị đám đông suýt nghiền nát, bị lạc”, thằng bé gói xôi nhắc lại chuyện cũ.
Nhiều năm về sau, thằng bé tên Hữu biết nó từng là thành viên trong dòng người di tản thất bại. Lúc ấy nó bảy tuổi, lê lết cho đến khi lả đi trong tuyệt vọng. Một trong những ông chú ruột của thằng Hữu nhăn mặt ực một ngụm rượu, thứ rượu đế thời bao cấp nấu bằng khoai mì: “Đời nào cũng vậy thôi. Sa trường chỉ dành cho những thằng tay trắng. Còn tụi kia nó có tài khoản ở ngoai quốc, ở Thuỵ Sĩ. Đụng chuyện một phát nó quất ngựa dzọt mất tiêu, tụi mình không có ngựa”.
Một ngụm nữa. Cựu binh nhất phế binh rên: “Tôi thường đi đó đây, bùn đen in dấu giày…”. Những câu ca hoen rỉ chìm trong cơn mưa dai nhách ở chân đèo.
Gia đình thằng Hữu ở lại quê ngoại bên này đèo. Ba nó cũng là hạ sĩ. “Hạ sĩ nhất”, ông chỉnh lại, “Cái gì cũng phải chính danh”. Mẹ nó khuyên chồng ở lại bên này đèo để khỏi đi cải tạo, chỉ cần khai với chính quyền là trước 1975 làm ruộng. Nhưng ba nó chính danh, khai tuốt. May, hạ sĩ nhất chỉ phải tập trung nghe giảng huấn vài ngày.
Đói. Trước đây, cả nhà gần sống nhờ lương cha, anh em Hữu là “dân cày khu gia binh”. Không ai biết làm ruộng. Cũng chẳng có ruộng để làm. Tất cả đều là hàng quốc cấm. Mấy anh em chờ những chuyến tàu để bán những thứ quà quê theo mùa. Những trái xoài, cốc, ổi teo cằn. Từ xa, tiếng còi tàu đã luồn vào thị trấn, len qua những khu gia binh bỏ hoang, nghe như tiếng khóc. Ga xép, tàu dừng trong chốc lát, những đứa trẻ biểu diễn thế bích hổ du …tàu. Một cú tung cước của anh Hai, mấy đứa khác dạt cả ra. Đó là cú đảo sơn cước của ông chú binh nhất biệt động quân truyền lại cho thằng cháu đích tôn. Ngày hôm đó, anh em thằng Hữu được một bữa cơm trắng. Thời gian sau, xóm quân trường xuất hiện thằng Nguyên với cú kim tiêu cước, xuất chiêu nhanh như điện. Anh Hai trúng đòn, về ói ra máu ba ngày. Thằng Nguyên độc chiếm “xí nghiệp” xoài, cốc, ổi. Ông chú thứ Sáu từ Nha Thành hay tin đạp xe về thăm. Cựu thiếu uý không lưu truyền cho cháu cú bàn long cước học được từ một đồng ngũ người Tây Sơn. Thằng Nguyên vừa dợm chân để tung kim tiêu cước thì anh Hai đã lạng người qua, cạnh bàn chân của anh thốc vào chấn thuỷ của đối phương. Thằng Nguyên bị “giáng chức”, làm “phó chưởng môn” phái bích hổ du tàu.
Anh Hai ngày ngày phi thân lên tàu suốt bắc nam mà vẫn học giỏi. Ba nó chỉ tập trung nghe giảng huấn vài ngày nhưng “vị thứ” lý lịch hạng “ưu” đã biến giấc mơ kỹ sư của anh Hai thành hư ảo. Trầy trật như cuộc vượt đèo chạy ra biển mấy năm trước, cuối cùng anh Hai vào trường sư phạm. Giấc mơ trở thành bác sĩ của anh Ba rồi cũng đau yếu, tàn rã. Lý lịch hạng 11. Như một cái barie. Không chỉ sở hữu cú đảo sơn cước, dòng họ bên nội còn có món gia truyền khác: thợ mộc. Từ đó, tiếng đục đẽo của người anh “bác sĩ hụt” trong tổ hợp gỗ gần nhà âm vang trong cái ký ức đầy cáu ghét của thằng Hữu. Gió phơ phất qua cái quân trường bị bỏ quên cũ kỹ, mốc lở, cọt kẹt tiếng người dỡ sắt đem bán đổi gạo.
“Trường đẹp lắm, gần biển…”, sau lá thư đó, anh Hai đổ bệnh. Cơn đau dữ dội đến tắt thở, trường đánh điện cho chính quyền báo gia đình ra, kẻo có gì “hối hận suốt đời”. Má Hữu đứt ruột bán con heo làm lộ phí đi thăm con. Thằng Hữu được má cho đi theo. Vượt qua hai con đèo, má con nó đến một thị xã của tỉnh khác. Thì ra anh Hai nó bị đau ruột thừa. Mặt nhăn như giẻ rách vì chỗ khâu bị nhiễm trùng, anh Hai dắt thằng em nhà quê đi dạo. Qua Eo Nín Thở, lên núi Quy Hợp. “Ê Hữu, dám vô trại phong chơi không?”, mắt anh Hai bỗng sáng lên. “Đi anh”, Hữu hăng hái. Ngày hôm đó nắng nhạt. “Bệnh nhân phong đâu anh?”, Hữu hồi hộp. “Từ từ, đó, đó”, anh Hải chỉ tay về phía khu rừng thưa. Những bóng người che mặt bằng mảnh vải lặng lẽ đi quét lá khô, nhổ cỏ. Ngày hôm đó nắng nhạt. Nhưng nó không bao giờ phai trong cuốn ký ức đầy nếp nhăn của Hữu. Những bóng người che mặt lặng lẽ. Như một thế giới khác. Một chiêm bao không tên. “Họ che mặt chi vậy anh?”, Hữu hỏi để xả bớt hơi trong lồng ngực. “Chắc là để không ai biết mặt thật của họ, họ bị bệnh đặc biệt mà”, anh Hai tự thưởng cho sự suy đoán của mình bằng một cú hít thật sâu mùi hương bạch đàn nồng nàn cả khu rừng trong một ngày đẹp trời. Nhanh như một cú kim tiêu cước, thằng Hữu lao tới bên một cây bạch đàn, giật miếng vải che mặt của một bệnh nhân nữ. Ối, tiếng kêu thảng thốt của nạn nhân. Ối, tiếng kêu lần này là của anh Hai. Đẹp, quá đẹp! Đôi mắt, khi không còn miếng khăn che mặt, như muốn nói tôi bị trời bắt tội. Rất lâu sau này, Hữu không bao giờ quên đôi mắt ấy. Có lần ở Đà Lạt, nó suýt ngất khi nhìn thấy một ni cô có đôi mắt giống hệt đôi mắt trong rừng bạch đàn ngày nào. Hữu thét tài xế riêng quành xe lại, ni cô đã tan vào ráng chiều màu da cam bên kia ngọn đồi không tên.
Chú Sáu của Hữu đi cải tạo nhưng nhất quyết giữ lại cái mũ phòng độc được cấp thời quân ngũ. Nhiều năm sau, những người đàn ông phun thuốc sâu trên những cánh đồng quê Hữu dần dần biến mất. Đời họ đã bốc hơi theo thứ thuốc độc mà họ hít mỗi ngày. Chú Sáu sống sót nhờ chiếc mặt nạ phòng độc. “Khi tao trùm cái mũ này, ai cũng cười. Cái thứ chống độc này, có gì ghê gớm đâu, nó làm bằng thứ sơ như sơ dừa xứ mình”, cựu thiếu uý không lưu cười nhe mấy chiếc răng còn lại.
Đến thời của Hữu, lý lịch không còn là thứ barie. Cũng không ai buồn phân hạng cho tờ giấy 4 trang từng quyết định bao thân phận con người. Nhưng miếng vải che mặt của cô gái bệnh phong và cái mũ phòng độc của chú Sáu, cựu sĩ quan không lưu nói tiếng Anh giọng Mỹ nghèn ngẹt, đã trở thành chiêu thức sống của nó: Muốn sống sót và thành công, đừng để ai biết mặt thật của mình. Hữu vào đại học vào cái thời mà thành phần “dân nghèo thị trấn” trong lý lịch bắt đầu khiến nhiều người tủi thân. Nó sống lay lắt mấy năm đại học nhờ tiền lương thầy giáo của anh Hai gửi về từ một tỉnh miền trong. Không biết có phải do cú kim tiêu cước ngày nào hay do lao lực, thỉnh thoảng anh Hai nôn ra máu. Rồi nó ra trường. Tiếng Nga không còn mấy ích dụng, cử nhân kinh tế Lê Văn Hữu phải đi tiếp thị bia, rồi lặng lẽ đi học thêm tiếng Anh để một ngày kia, một yếu nhân nói tiếng Anh giọng đặc phù sa vùng Mississippi tuyên bố một câu có cánh: “Today I am announcing the normalization of diplomatic relationships with Vietnam”. Thỉnh thoảng, trong những đêm thâu Sài Thơ đô hội, một mảnh trí nhớ nào đó từ dưới đáy ký ức trào lên, như miếng chanh bé tí trong li đá chanh hiếm hoi thời sinh viên. Phải rồi, Nguyên, anh hùng tàu lửa ngày nào, tình nguyện đi bộ đội đánh Pol Pot. Từ Previhia trở về, Nguyên chỉ còn một chân. “Đù má, tụi này thâm hiểm thiệt, không tan xác mà chỉ bị cứa đứt chỗ này, giờ thì kim tiêu cước mẹ gì nữa”, Nguyên cười kha kha, “Thiệt ra, đời sống còn nhiều cách tung cước ghê gớm hơn nhiều. Tụi nó toàn ra đòn phía sau lưng mình”.
Che giấu mặt thật và khi cần không ngần ngại tung cước, Hữu thành công và đậu lại với nghề thép. Anh phụ trách kinh doanh được đánh giá là năng động và nhã nhặn đến mức kín đáo. Kín đáo, đó là thứ “sơ” vừa vô hình vừa hữu hình đã bảo vệ Hữu trước những cú kim tiêu cước thời kinh tế thị trường.
Trong những giấc mơ hiếm hoi về làng quê của Hữu, những người đàn ông phun thuốc trừ sâu lần lượt ngã xuống ràn rạt như bị những phát đạn vô hình. Chỉ có chú Sáu, với chiếc mặt nạ phòng độc phai phơ, vẫn đủng đỉnh bước tới trên những cánh đồng không một cánh cò.
Bỗng dưng, chú Sáu chạy vụt về phía Hữu như có ai đó bấm nút REWIND, chiếc mặt nạ phòng độc teo dần lại và mất hút. Chú Sáu vọt ra khỏi màn hình giấc mơ, ôm ghì hai vai Hữu, hơi thở hổn hển.
“Ủa, cái mặt nạ chống độc của chú đâu?”.
“Nó cũ quá, tạo liệng rồi. Đời ăn mòn dữ quá. Nhanh lên….Thằng Sương anh mày…”.
Hữu vùng dậy, kênh CineMax đang chiếu Huyền thoại mùa thu của Mỹ.
Sáng hôm sau, một số tờ báo phía nam đăng đồng loạt tin về một vụ tai nạn giao thông. Trên một tờ báo nọ có cái tin:
Vụ tai nạn hi hữu.
Khuya 15/9, một vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra trên đường Hải Thượng Lãn Ông, thành phố Phan Thanh. Chiếc Audi 4 chỗ ngồi đã tông vào hông chiếc tắc xi đang chở một bệnh nhân bị tắc nghẽn mãn tính đi cấp cứu ở bệnh viện Tâm An. Cú va mạnh, làm bẹp một bên chiếc tắc xi và phần mũi chiếc Audi. Điều hy hữu ở chỗ người trên cả hai xe đều chỉ bị xây xát nhẹ và người điều khiển chiếc Audi chính là em ruột của bệnh nhân nằm trên chiếc xe cấp cứu. Theo thông tin ban đầu, chủ nhân chiếc Audi từ Sài Thơ ra Phan Thanh để dự một hội nghị khách hàng toàn quốc ngành thép. Do công việc bận rộn, ông chưa tới thăm anh đang là giảng viên một trường cao đẳng ở thành phố này.
Một tờ báo khác có thêm mấy dòng bằng thứ ngôn ngữ phi truyền thông: Theo nhận định ban đầu, người em có thể bị mộng du thể nhẹ. Ông khai ông đi thăm anh đang nằm viện, không ngờ tông xe giữa đường. Người báo tin cho ông là ông chú ruột ở quê. Được biết, người chú được nói đến ở đây đã qua đời hồi năm trước. Có một điều lạ là khi vào thăm người anh trong trạng thái hôn mê sâu, người em cứ lặp đi lặp lại một câu không ai hiểu: Mặt nạ của tôi đâu rồi?.
2/12/2022
Đặng Ngọc Hùng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vòng tròn máu

Vòng tròn máu Tiếng vỗ tay ào ào nổi lên, vang dội cả hý viện khi người nam ca sĩ lai da đen vừa xuất hiện trên sân khấu. Mọi người đứng b...