Thứ Hai, 2 tháng 12, 2024

Mơ hão

Mơ hão

Truyền người xứ Nghệ. Anh lẫn vào sỏi đá, rừng xanh, khoai sắn, suối trong, nắng lửa và cả vô vàn tiếng chim hót, tiếng bò gọi bầy ò ò ò nữa. Đói khát không ngăn được vóc dáng lực lưỡng của anh cứ lớn bổng lên. Nước suối trong anh vốc lên rửa mặt hoặc uống ừng ực khiến cho đôi mắt anh lúc nào cũng lấp lánh sáng, giọng nói của anh trầm trầm mà vang vọng. Còn đồi núi, rừng xanh lại luyện cho các gióng chân trên đôi chân săn chắc như chân ngựa của anh dài ra.
Lớn lên, Truyền trở thành một chàng trai cao, to, ngực vồng, bụng múi, mặt chữ điền, trán rộng, mắt sáng, mũi cao, cằm nở. Người ta ví anh với một nam tài tử xi nê người Hàn Quốc cũng chẳng ngoa. Dĩ nhiên, Truyền cũng có nhược điểm. Ấy là cái bàn chân vừa thô, vừa to, vừa dài lúc nào cũng đỏ ửng lên như chân người bị mắc chứng dị ứng da. Đi dép râu Trung Quốc, Truyền đã lựa tới số bốn mươi hai mà vẫn còn thiếu chín xăng ti mét. Đương nhiên là không có cỡ giầy nào, kể cả giày đóng cho Tây đi, vừa với chân Truyền.
Về sau, lúc Truyền ra Hà Nội học, anh ta mới hay cái bàn chân xấu xí kia lại chính là ưu điểm lớn nhất của mình. Chả thế mà không ít cô gái Truyền quen cứ nhìn chằm chặp vào nó, miệng tủm tỉm cười ruồi.
Về sau nữa thì Thu Ngân, vợ anh mới nói toạc ra rằng, theo giải phẫu sinh lý học tổng kết, các bộ phận cơ thể của người ta đều được tạo hoá cấu tạo theo một tỉ lệ hài hoà, cân đối. Ví như, nhìn bàn chân anh, người ta có thể biết cái của nợ đời của anh dài bao nhiêu, mạnh hay yếu, cứng hay mềm.
Lúc đi tắm, Truyền mới biết là trúng phóc! Đơn giản thế mà nào anh có biết, Truyền mím môi cười thầm, mắt liếc nhanh xuống cỗ tam sự quý hóa của mình. Tuyệt hảo! Người ngắn bắn súng dài đã là tuyệt hảo, còn anh, đúng là trên cả tuyệt hảo chứ chả chơi, bởi vì cái khác thường ấy lại nằm ngay trong cái tổng thể tự nhiên vốn đã tuyệt hảo của anh...
Và, chẳng cần phải nói dài dòng, ai cũng biết một cơ thể khỏe mạnh luôn là nơi cư trú của một trí tuệ thông thái. Truyền thông thái tới mức chính anh cũng phải ngạc nhiên về bản thân mình. Đọc Kiều ba lần, anh có thể nhắc lại đúng từng chữ một nửa cuốn truyện. Nghe các giáo sư thao thao bất tuyệt trên giảng đường, Truyền chả mấy khi ghi chép. Ghi làm gì những lời giết thì giờ ấy, sách vở có hết rồi, các vị ấy có hơn gì một cái máy nói. Ví như Trung Hoa là nước Trung Quốc, Trung là Trung Nguyên, Hoa tức là Hán tộc, người Hán cho mình là Hoa, tức là đẹp, cho nên mọi nước, mọi tộc người ngoài Trung nguyên đều là man ri mọi rợ. Hay Luật, theo Từ điển tiếng Anh là Lô, theo từ điển tiếng Pháp gọi là Loa, còn người Trung Quốc gọi là… Có lẽ vì thế mà khi thi hết các môn học, vị giáo sư nào cũng tấm tắc khen Truyền làm bài y như mình đã giảng, chỉ khác cách chấm câu. Nghe nói lại như thế, Truyền bảo anh chỉ chấm câu lại cho đúng ngữ pháp của lối văn viết thôi, bởi khi nói, các giáo sư nói loại văn nói, có ai nói chỗ này phẩy, chỗ kia chấm đâu, nói sao cho người nghe hiểu đúng được ý đã xứng là bậc thầy rồi. Do vậy, Truyền học như chơi mà vẫn tốt nghiệp á khoa. Tài tử cỡ Nguyễn Công Trứ đấy, các cô gái bảo nhau thế và đua nhau chinh phục Truyền. Chàng trai xứ Nghệ này sinh ra là để làm giảng viên đại học. Mà thành giảng viên rồi thì có hộ khẩu Hà Nội, được phân nhà ở Hà Nội, lại đi nước ngoài nước trong như đi chợ, chắc lúc đó anh sẽ trở thành người túi xoàn xoạt tiền bạc chứ không phải hạng vỗ túi mãi mới nghe thoảng qua vài ba tiếng leng keng. Tiền đồ tương lai Truyền sẽ thật sán lạn, huy hoàng, con cái Truyền mà có cái gien ấy di truyền lại, nếu gặp thời, chí ít cũng sẽ là tiến sĩ, giáo sư, vụ trưởng, bộ trưởng chứ chả chơi...
Người con gái đầu tiên chinh phục được Truyền là Hương Giang. Mới nghe tên ai cũng tưởng cô là người xứ Huế. Xinh đẹp, ngọt ngào, đằm thắm mà mãnh liệt. Song khi nghe giọng cô nói mới hay cô được sinh ra và lớn lên bên dòng sông Lam xanh biếc. Cô là đồng hương của Nguyễn Du, thơ hay, hát giỏi mà đàn địch cũng khá. Đêm biểu diễn văn nghệ của khoa, của trường mà thiếu cô dẫn chương trình thì người xem giảm hẳn đi một nửa. Cô đến với Truyền đúng vào lúc anh đang ngẩn người ra sau khi nghe cô hát một bài dân ca xứ Nghệ trong suốt. Cô nói thẳng:
- Em thích anh. Anh cũng vậy chứ?
Truyền bủn rủn cả chân tay, nói một tiếng cộc lốc:
- Phải!
- Chả văn chương một tí nào! Hương Giang nói và hôn chụt một cái vào má Truyền.
Tới đây thì chàng trai xứ Nghệ nói thêm được một câu nữa nhưng nó chả ăn nhập gì với hoàn cảnh lãng mạn lúc đó một chút nào:
- Chó hoang!
Hương Giang hiểu anh nói cô mạnh mẽ như chó hoang, bèn bảo:
- Cám ơn đã hiểu đúng em. Chúng mình sẽ là một đôi tuyệt hảo!
Truyền đưa bàn chân quá khổ ngáng ngang chân khiến Hương Giang ngã nhào vào ngực anh. Cô gái không giận mà lại ôm chầm lấy Truyền, áp bộ ngực thây lẩy nóng hổi vào ngực anh và khen:
- Giỏi!
Dĩ nhiên, tiếp theo đó là những ngày trên cả tuyệt vời như Truyền vẫn nói. Ai cũng nghĩ là đôi trai tài gái sắc này sẽ kết tóc xe tơ vĩnh viễn, ngoài cái chết ra, không gì có thể tách họ ra được nữa.
Vậy mà, trớ trêu thay, ngay sau khi nhận bằng tốt nghiệp, Hương Giang tổ chức đám cưới.
Truyền xuất hiện ở đám tiệc trong bộ com lê màu trắng, cà vạt đen, giày da đen bóng lộn, miệng cười hớn ha hớn hở, bắt tay khách tới dự lễ cưới nhiều tới mức nóng ran cả hai bàn tay.
Nhưng người đàn ông cưới Hương Giang làm vợ không phải là Truyền, mà là Quang, anh có biệt danh là Quang Ba Than, một kĩ sư xe máy chuyên về cần cẩu ở Công ty than Hà Nội. Nhà Quang ở dốc phố Hàng Than. Da anh đen như than. Miệng anh lúc nào cũng than thở đủ điều. Có tiền thì than khổ vì sướng. Hết tiền thì than cực vì nghèo. Trời nóng than sao xuân qua mau thế. Còn khi trời trở lạnh anh lại quay sang than tiếc những ngày hè. Lấy được Hương Giang, Quang cũng than. Vợ đẹp như mộng thì dễ vỡ mộng lắm đây. Rồi thì khổ vì ghen. Khổ vì vợ anh gặp ai cũng cười, cũng thân mật như thể đã quen nhau từ kiếp nảo kiếp nào vậy. Than ôi, mỡ bày ra sẵn thế, mèo nào chẳng khát thò đuôi vào ngoáy! Rồi than nhà chưa xây được, chả khác gì một cái tổ chuột. Và cuối cùng thì than, giống tốt thế, nhưng đẻ gì mà đẻ kém thế. Hai vịt giời liền, vợ ơi là vợ…
Hương Giang nghe chồng than thế thì ức lắm. Cô doạ lần tới sẽ đẻ con trai cho sáng mắt ra:
- Dĩ nhiên, tôi nói trước đấy, cái giống nhà anh làm chó gì có con trai. Đấy, người gì mà ngang phè bẩy thước, cao chỉ một mét năm tư, chân chữ bát, bàn chân chưa đầy một gang tay, lại đen nhem nhẻm, thế mà còn vẽ chuyện làm điệu làm bộ. Tôi thì tôi xin cắt đứt, tôi chả cần. Tôi đang muốn lắm đây!
Nghe vợ doạ, Quang phát hoảng:
- Xin lỗi, xin lỗi em, em cứ đẻ một thằng con trai cho tôi nhờ. Hay là, nếu thích, em cứ đẻ liền tù tì hai đứa cũng được. Còn li dị ấy à, có nướng trên lửa than kíp lê, dìm sâu xuống cống bãi than ngoài mé sông Hồng thằng Quang này cũng không chịu kí vào giấy đâu. Đừng có mơ hão cho hao mỡ, nhé!
Ba tháng sau, Truyền kết hôn với Thu Ngân.
Ngân nói cô đẻ trước anh tám tuổi, đã chờ đợi anh từ ba mươi hai năm rồi.
Đám cưới rềnh rang, ngựa xe như nước, tiền mừng phải đựng trong mấy bao tải.
Cưới xong, ông bố vợ cho vợ chồng anh sang Nhật hưởng tuần trăng mật.
Lúc về, xe đưa thẳng hai người từ sân bay về một căn biệt thự sang trọng toạ lạc trên đường Thái Hà.
Ba hôm sau thì Truyền nhận công tác ở Bộ ngoại giao.
Thu Ngân khoe với bố cô:
- Anh Truyền hơn hẳn những thằng con đã gặp bố ạ! Thật xứng đồng tiền bát gạo bố bỏ ra vì con gái rượu!
Truyền nín thinh. Làm chồng trong cái nhà này phải biết câm, biết điếc, nếu mù được càng tốt. Rồi một ngày kia, ta sẽ...
Này, bọn người hợm của kia ơi, các người chớ có hí hửng vội, thằng này đầy một đầu óc chứ không phải bùn đâu nghe! Hãy đợi đấy!
Và Thu Ngân lần lượt sinh cho Truyền ba đứa con gái. Vợ Truyền xấu dây nhưng tốt củ, đứa con gái nào cô ta sinh ra cũng mũm mĩm như búp bê, da trắng hồng như trứng gà bóc, mắt sáng như mắt chim ưng, nói cười líu lo như chim sáo hót ngày xuân.
Điều đáng nói là tới đứa con gái thứ ba, ông bố được mua một căn nhà mới. Vợ chồng Truyền bỏ tiền ra mua, tiêu chuẩn của ông bố, nên ông đứng luôn sở hữu chủ. Biết chuyện, Truyền giận quá, kiếm cớ đòi li dị vợ. Thu Ngân cười:
- Không được, chúng ta phải có thêm một đứa nữa em mới kí giấy thuận. Lúc ấy, ai cũng có hai đứa cho công bằng...
Truyền tặc lưỡi, thế là thêm một bé gái xinh như một bông huệ trắng.
Hơn mười năm sau, Truyền gọi điện rủ Hương Giang tới cùng ngồi trên một cái ghế đá đặt bên bờ Hồ Tây thơ mộng. Anh hỏi:
- Chuyện li hôn của em tới đâu rồi?
- Không được! Căn nhà em và Quang bỏ tiền ra xây vẫn mang tên bố anh ấy. Mà ông cụ thì năm nay mới năm tư, tối nào cũng còn đi đánh ten nít ba tiếng liền. Còn anh?
Truyền thở dài:
- Tiếng là anh có tới hai cái biệt thự, nhưng một cái mang tên ông bố vợ, cái kia thì là tài sản riêng của vợ trước lúc kết hôn.
Hương Giang thẫn thờ:
- Giả sử anh đòi li hôn cô ta có đồng ý không?
- Chắc chắn là đồng ý. Vì cô ấy biết rằng, ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng, anh sẽ chẳng dám đem theo một đứa bé nào.
Hương Giang nghẹn ngào nói trong nước mắt:
- Vậy là bài toán năm xưa của hai ta không thành rồi. Cái giá ở lại Hà Nội đắt quá anh ơi!
Truyền an ủi:
- Không, thực ra thì chúng ta đã hi sinh đời bố mẹ để củng cố đời các con ta. Con chúng ta sẽ ở Hà Nội. Vì chúng là người Hà Nội, sinh ra ở Hà Nội!
Hương Giang lau nước mắt, hỏi:
- Vậy giấc mơ được sung sướng ở bên nhau thì sao đây?
Truyền chém tay vào khoảng không trước mặt, giọng dứt khoát:
- Chúng ta sẽ là thông gia. Em có tới hai thằng con trai, chúng sẽ cưới con gái anh!
Hương Giang nhìn lên trời, sụt sịt hỏi:
- Nhưng anh ơi, liệu những đứa con gái trắng như bột nhà anh có chịu để mắt tới hai thằng quỷ lùn đen hơn than nhà em không?.
Nguyễn Quốc Văn
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vòng tròn máu

Vòng tròn máu Tiếng vỗ tay ào ào nổi lên, vang dội cả hý viện khi người nam ca sĩ lai da đen vừa xuất hiện trên sân khấu. Mọi người đứng b...