Thứ Hai, 2 tháng 12, 2024

Đi phố chơi hè

Đi phố chơi hè

Từ miền ký ức ngọt ngào thơm hương viên kẹo tuổi thơ, hay trong màu thanh xuân rực hồng sắc nắng mới tinh khôi, cụm từ “ĐI PHỐ CHƠI HÈ” thỉnh thoảng lại như bị đánh thức giấc ngủ mơ màng, rồi chợt tỉnh để đưa tôi quay về những tháng ngày xa xưa rất cũ.
Thuở ấy, lâu lâu, vài ba bữa thì mạ tôi, hay có khi là dì Út, hoặc người chị cả, lại rủ rê… “đi phố chơi hè.”
Từ PHỐ ở đây, đối với người Huế thời ấy là thuộc khu vực đường Trần Hưng Đạo, và đường Gia Long, sau đổi tên Ngả Giữa, rồi thành Phan Bội Châu và chừ là Phan Đăng Lưu. Điều này cũng dễ hiểu, vì thời ấy, hai con đường này tập trung buôn bán gần như tất cả các mặt hàng phục vụ sinh hoạt, giải trí, học tập… của người Huế.
Nếu người Huế ở các khu vực trên Kim Long, hay nơi cận kề, thì dùng cụm từ XUỐNG PHỐ, hay VỀ PHỐ. Ở trong Thành nội lại gọi RA PHỐ, bên khu vực hữu ngạn sông Hương, thì nói là QUA PHỐ. Từ các miền quê lân cận, họ nói LÊN PHỐ. Tùy thuộc vào nơi mình đang cư ngụ mà người Huế có nhiều cách chỉ hướng khác nhau cho PHỐ của Huế mình.
Thuở còn hay “đi phố chơi hè” với mạ, có khi đi với dì Út, hay với chị lớn của tôi, thì thật là thích thú vô cùng vì biết rằng đi phố có nghĩa là mạ, hay dì, chị sẽ sắm sửa, mua cho một vài món chi đó, có khi ghé Châu Quảng Hưng mua vải may áo, hay qua tiệm vải lung linh màu sắc của một gia đình người Ấn Độ. Tiện đường, mạ tôi có khi ghé lại một vài cửa hàng quen thuộc như An Vân, Mỹ Thắng, Hoàng Hưng, Tân Hợp Mỹ, Thái Hòa Đường… để tìm mua vài món chi đó cần dùng cho cả nhà. Hoặc là đến gần cuối đường Ngả Giữa, ghé vô Thu Đông, chọn mẫu áo len, chuẩn bị cho mùa đông năm ấy, hay đến thăm gia đình bà con, một căn nhà bên cạnh tiệm Hòa Bình.
Lúc khác mạ dắt mấy chị em đến tiệm may của một gia đình người gốc Hoa, là thân quen của mạ, để chuyện trò, thăm nhau, đó là nhà may Việt Hoa. Cũng có khi chị tôi vô tiệm may Xuân An đường Ngả Giữa may cái áo dài lụa tha thướt nhẹ nhàng, Xuân An vừa có vải cho khách chọn rồi vừa may tại đây luôn.
Cũng có buổi mạ cho mấy chị em vô mấy tiệm chụp hình, khi thì Lê Viêm, lúc khác My Ly, hay La Cảnh Lưu, những tiệm ảnh nổi tiếng một thời của Huế, xa hơn, trên đọan đường ngoài cửa Thượng Tứ còn có tiệm chụp ảnh Ái Mỹ, hay là Lê Quang, nhưng vì xa nên ít khi mạ dắt chị em tôi đến.
Nếu gặp lúc ai đó trong mấy anh chị em tôi vừa qua một bậc học, chuẩn bị lên một cấp lớn hơn, thì thế nào mạ cũng cho đến tiệm Đức Hiền, để chọn một kiểu đồng hồ phù hợp, cho một ai trong gia đình.
Có khi mạ dắt tôi thẳng tới tiệm uốn tóc Tân Mỹ Hằng Nga ở Ngả Giữa, gần rạp hát bội Bà Tuần, hay là Mỹ Dung trên đường Trần Hưng Đạo để uốn tóc, điều này thường tôi không thích vì tôi chỉ muốn tóc mình dài xõa thẳng tự nhiên ngang vai, nhìn nữ tính và duyên dáng hơn, chứ không ưng “phi-dê” (mạ tôi hay nói rứa, có nghĩa là uốn tóc, cách gọi phiên âm từ tiếng Pháp “cheveux frisés”). Nếu đi cùng chị lớn, thì mấy chị em tôi hay ghé vô nhà sách Tân Hoa, nơi đây là gia đình thân bên ngoại của chúng tôi.
Cuối cùng, trước khi kết thúc buổi “đi phố chơi hè” thì chi mạ cũng cho ghé trạm chót: là tiệm bánh ngọt Thuận Hưng, để mua một vài món bánh ngọt, hay ô mai, chanh cam thảo… để về nhà mấy chị em nhâm nhi. Cũng có khi không ghé tiệm bánh mà có thể qua bên Huỳnh Thúc Kháng, trước là tìm ngồi cho đỡ mỏi chân, sau là ngắm nghía chọn mỗi người một ly kem đẹp mắt, mát rượi của một trong mấy tiệm kem hồi nớ: tiệm kem Huế, Sơn Ca, Đào Nguyên. Ly kem tráí cây nhiều màu luôn là lựa chọn số một của tôi, vì vừa đẹp mắt, vừa… nhiều viên kem, mỗi viên một màu, thiệt dễ thương, ngậm một muỗng là tan ngay trong miệng, ăn mà tiếc vì sợ… hết.
Đi phố chơi cũng là một cách thư giãn của người Huế, nhất là vào dịp cuối tuần, sau một thời gian làm việc hay học hành căng thẳng, thanh niên thiếu nữ Huế sẽ rủ nhau đi phố chơi.
Các anh thì đi “bát phố” để mua vài món cần thiết, như sách vở, truyện đọc, hay vô tiệm giày Đồng Tân chọn một đôi giày thật là “à la mode”, cũng có lúc là tạt vô tiệm may Liên ' s, nhà may dành cho phái nam, đường Trần Hưng Đạo, may cái áo, chiếc quần Tây, cũng để diện mà đi phố “nghễ” các chị. Hay có khi các anh đến các quán cà phê trên đường Trần Hưng Đạo như Lạc Sơn, cà phê Phấn, cà phê Asia, vừa thưởng thức ly cà phê thơm lừng, nhìn phố phường đông vui, cũng vừa để ngắm nghía các chị ra phố dạo chơi, một thời thật là bình yên chi lạ.
Hồi đó nam thanh nữ tú chúng tôi hay mặc trang phục áo sơ mi, áo kiểu, với quần Tây ống loe, còn gọi là quần patte, hay quần ống chân voi, là kiểu quần Tây thắt ngang gối, xong từ đó xòe rộng ra tận gót chân. Các anh hồi nớ cũng có anh diện áo sơ mi màu nhạt như các thiếu nữ, ví dụ màu vàng mơ, tím hoa cà, hồng phấn. Các chị đa số xõa tóc thề kín tràn vai, cũng có chị phù hợp với kiểu tóc ngắn tóm gọn gọi là “demi-garçon”. Trang phục thiếu nữ lúc này cũng là quần ống patte, hay váy, đầm gọn gàng, kín đáo, tà áo dài dịu dàng cũng là hình ảnh xuất hiện khá nhiều trên các lối phố phường.
Với riêng tuổi thanh xuân của tôi, có những “chiều một mình qua phố”, tôi hay lang thang trên mấy con đường quen thuộc này, khi thì ghé nhà sách Ưng Hạ, Văn Minh, hay Gia Long, Lê Thanh Tuân tìm cho mình một vài cuốn sách học ở trường, đôi cuốn truyện để đọc khi rảnh rỗi. Đôi khi là vô mấy tiệm tạp hóa, tìm, chọn mấy cái kẹp tóc nho nhỏ vừa ý có gắn bông hoa to đùng so với kích cỡ nhỏ bé của chiếc kẹp, hồi nớ gọi là phong trào “hippy”, hay một đôi guốc, đôi giày nhỏ gọn để hàng ngày đến lớp, cũng là mang lúc “đi phố chơi’. Khi khác ghé vô Bảo Thạnh, hồi đó còn là một tiệm vải, mua một khúc vải về tự tìm cho mình một kiểu áo thích hợp…
Chừ, có những lúc ngồi một mình trong bóng xế chiều tà, tôi hay vu vơ nghiền ngẫm ca từ của cố nhạc sĩ:
“Chiều nay em ra phố về,
“Thấy đời mình là những chuyến xe…”.
rồi tự nhủ thầm… cũng phải, đời người là những chuyến xe, trong đó có chuyến xe về “miền quá khứ”, luôn để lại trong lòng từng người nỗi niềm nuối tiếc không nguôi, dù chỉ là lúc ẩn lúc hiện nhưng mãi mãi khó phai trong miền ký ức.
Lương Thúy Anh
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vòng tròn máu

Vòng tròn máu Tiếng vỗ tay ào ào nổi lên, vang dội cả hý viện khi người nam ca sĩ lai da đen vừa xuất hiện trên sân khấu. Mọi người đứng b...