Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

Cảm xúc về tình yêu con người và cuộc sống

Cảm xúc về tình yêu con người và cuộc sống
Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên lần thứ 20 năm nay diễn ra tại TP Đà Nẵng. Dịp này, một lần nữa, các nghệ sĩ nhiếp ảnh trên khu vực lại có cơ hội gặp gỡ giao lưu, công bố các tác phẩm sáng tác mới nhất của mình với công chúng bên dòng sông Hàn trẻ trung, thơ mộng. Đồng thời cũng là dịp thúc đẩy, liên kết chặt chẽ các hoạt động nhiếp ảnh, đưa phong trào nhiếp ảnh nghệ thuật Nam miền Trung - Tây Nguyên phát triển lên một tầm cao mới.
Trước đó, hồi năm ngoái, Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên lần thứ XIX đã diễn ra tại Bình Định, với 1606 tác phẩm (trong đó có 1417 ảnh màu và 189 ảnh đen trắng) của 242 tác giả từ 10 tỉnh, thành phố trong khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên gửi đến tham dự. Hội đồng giám khảo đã thẩm định, tuyển chọn được 150 tác phẩm có chất lượng cao để dự treo triển lãm và chọn 15 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải và 4 giải đồng đội.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, các tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên những năm gần đây đã thể hiện khá đầy đủ các lĩnh vực đời sống xã hội cũng như sinh hoạt mang đậm bản sắc văn hóa của vùng miền. Ông Lê Minh Trường (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam) cho rằng, điểm nổi bật của nhiếp ảnh miền Trung - Tây Nguyên hiện nay,  chính là các tác giả đã vận dụng tốt những thành tựu khoa học, cụ thể là photoshop để nâng cao giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật cho tác phẩm. Tuy nhiên, điều này có nguy cơ sẽ thành phản tác dụng nếu các tác giả không nắm vững kiến thức về cuộc sống, kiến thức về luật vi cảnh. Vì vậy, muốn có được một tác phẩm tốt, các nghệ sĩ nhiếp ảnh phải cố gắng đi sâu hơn nữa vào cuộc sống, bởi thực tế cuộc sống luôn là đề tài vô tận của nghệ thuật. Chỉ có đi sâu vào cuộc sống thì người cầm máy mới có được nền tảng vững chắc để sử dụng những công cụ hỗ trợ một cách hợp lý. Nếu không, quá trình sáng tạo sẽ dần đi vào lối mòn và bế tắc.
Tại thành phố Đà Nẵng, có lẽ hơn bao giờ hết, những năm gần đây, hoạt động nhiếp ảnh Đà Nẵng càng đa dạng và khởi sắc với những cuộc triển lãm của những nghệ sĩ nhiếp ảnh dày dạn như Ông Văn Sinh, Ngọc Hợi, Trần Phước Chính, Mỹ Dũng… đã để lại những ấn tượng tốt cho những công chúng yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh. Đáng chú ý, cuộc thi ảnh “Đà Nẵng toàn cảnh” trong năm vừa qua, dù phát động trong một thời gian ngắn nhưng đã nhận được trên 2000 tác phẩm dự thi: 11 tác phẩm đoạt giải và gần 80 ảnh chọn treo lại rơi vào tay những tay máy ảnh trưởng thành từ kỷ nguyên số như: Võ Triều Hải, Huỳnh Nam Đông, Vũ Hoàng, Trịnh Thu Nguyệt, Nguyễn Đăng Đệ... Liên tiếp 3, 4 năm liền, các nghệ sĩ nhiếp ảnh của
Đà Nẵng đã đoạt được những giải cao ở cuộc thi khu vực, trong nước và quốc tế như : Công Hưng (Huy Chương Vàng khu vực 2012 với tác phẩm Bơi lội), Thân Nguyên (Huy Chương Vàng Fiap với tác phẩm Em bé Cơ Tu 2013), Đặng Văn Nở (Huy Chương Vàng khu vực với tác phẩm Quyết tâm bám biển 2014), Phùng Đức Dũng (Huy Chương Vàng Việt Nam với tác phẩm Xuất phát 2014), Thân Nguyên lại tiếp tục nhận Huy Chương Vàng tại Ai Cập với tác phẩm đã từng được giải, tác phẩm Nương Tựa. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thân Nguyên đã được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam xét phong tước hiệu EFIAP vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong sáng tác. Đây là người đầu tiên của Đà Nẵng được phong tặng tước hiệu này.
Trong một buổi Tọa đàm “Nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng - 40 năm một chặng đường” do Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật, Hội đồng Lý luận phê bình Văn học - Nghệ thuật thuộc Liên hiệp Hội, Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật, Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tại Đà Nẵng phối hợp tổ chức vào tháng 3/2015, NSNA Đặng Đăng Khoa nhấn mạnh: “Có thể nói đây là khởi đầu của kỷ nguyên kỹ thuật số. Nhiều người chơi ảnh còn thờ ơ và hoài nghi và đánh giá ảnh số còn lâu mới đạt được chất lượng của máy phim nhưng trước những cải tiến không ngừng của công nghệ số mới những máy ảnh ngày càng tốt hơn, độ phân giải ngày càng cao hơn cộng thêm các phần mềm xử lý ảnh ngày càng đa dạng và hiệu quả hơn. Ngày nay không còn ai nghi ngờ về tính hữu hiệu và tiện ích của nó. Hầu như không còn ai sử dụng máy phim để sáng tác ảnh. Nhiếp ảnh càng ngày càng được xã hội hóa, phần lớn ai cũng sở hữu một phương tiện để ghi lại những hình ảnh mà mình yêu thích; từ những bức ảnh Selfie (tự sướng) đến những bức ảnh chụp thiên nhiên hữu tình đến những ảnh đời thường ghi lại bằng những chiếc điện thoại, máy tính bảng, máy du lịch hay bằng những máy ảnh với giàn ống kính khủng giá không dưới 100 triệu đồng”.
Tại Quảng Nam, Chi hội NSNA Việt Nam tỉnh hiện có 9 hội viên, trong đó có 1 nữ. Tất cả NSNA là hội viên của Chi hội đều là những nhân tố tích cực trong xây dựng phong trào Nhiếp ảnh Quảng Nam, góp phần mang về nhiều thành tích chuyên môn, 5 năm liền Nhiếp ảnh Quảng Nam luôn được xếp vào nhóm các đơn vị dẫn đầu trong các kỳ Liên hoan ảnh Nghệ thuật Nam miền Trung - Tây Nguyên; đoạt nhiều Huy chương, giải thưởng và thường xuyên có ảnh triển lãm trong các cuộc thi ảnh cấp Bộ, ngành; Toàn quốc; Quốc tế tổ chức tại Việt Nam... Cụ thể: năm 2010, NSNA Thái Tuấn Kiệt đoạt giải B ảnh xuất sắc của Hội NSNA Việt Nam; năm 2013, NSNA Thái Bích Thuận đoạt giải A xuất sắc của Hội NSNA Việt Nam. NSNA Trần Tấn Vịnh phát huy thế mạnh chuyên môn nghiên cứu văn hóa, đã xuất bản được các tập sách ảnh “Tam Kỳ làng và phố”, đặc biệt tập sách ảnh “Người CơTu ở Việt Nam” đã đoạt giải B sách hay, giải C sách đẹp do Hội xuất bản tổ chức. NSNA Dương Phú Tâm là người tham gia đều ở các cuộc thi Quốc tế, thường xuyên có ảnh được chọn triển lãm ở nhiều nước (năm 2013 nhận bằng Danh dự tại cuộc thi ở Rumani, năm 2014 đoạt HCV ISF thể loại trẻ em tại Maccedonia với tác phẩm “Tuổi thơ trên dòng sông”. Trong nhiệm kỳ qua, NSNA Đặng Kế Đông được phong tước hiệu E.VAPA; NSNA Dương Phú Tâm được nhận tước hiệu A.FIAP. Có thể nói, thành tích của Chi hội trong nhiệm kỳ qua đã là niềm khích lệ tinh thần rất lớn cho Đại hội.
Tại Quảng Ngãi, trong 5 năm gần đây đã có những bước tiến mới rõ rệt. Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức nhiều đợt sáng tác từ vùng hải đảo, ven biển, các làng nghề, các nhà máy, đến các huyện miền núi để các hội viên sáng tác được nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật. Những tác phẩm này được triển lãm, quảng bá rộng rãi cho công chúng trong và ngoài tỉnh, trong đó có nhiều tác phẩm đoạt giải cấp quốc gia, khu vực và trong tỉnh. Hiện toàn tỉnh có gần 20 hội viên Hội VHNT - chuyên ngành nhiếp ảnh. Nhiều hội viên có ảnh đoạt giải thưởng cấp quốc gia, khu vực và cấp tỉnh. Trong đó, Nguyễn Văn Xuân, với tác phẩm về Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã đoạt giải Nhất tại cuộc thi do Tạp chí Thế giới ảnh tổ chức, 1 giải Nhất cuộc thi ảnh nghệ thuật Quảng Ngãi và đoạt 2 giải ảnh đẹp về Quảng Ngãi; Nguyễn Đăng Lâm đã đoạt liên tiếp 2 giải Nhì về cuộc thi “Khoảnh khắc vàng” do TTXVN và Hội NSNA Việt Nam phối hợp tổ chức hằng năm và đoạt HCĐ tại Liên hoan ảnh khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên năm 2011; Lê Minh Thể, tại cuộc Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên 2011 đã đoạt 2 giải (1 giải Nhì và một giải KK), 1 giải khuyến khích của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và 2 giải Nhì của tỉnh tổ chức; Bảo Anh, đoạt 1 giải Nhì, 1 giải khuyến khích tại cuộc Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên 2011 và 1 giải Nhì ảnh đẹp Quảng Ngãi; Nguyễn Tấn Khâm đoạt giải Nhất ảnh về biển đảo do Báo Tuổi Trẻ tổ chức năm 2013, với giải này ngoài tiền thưởng “đậm” Tấn Khâm còn được Báo thưởng cho đi một chuyến sáng tác tại Trường Sa hơn 10 ngày giá trị trên 60 triệu đồng…
Chi hội NSNAVN tỉnh Phú Yên trong 5 năm qua, phối hợp với Hội VHNT tỉnh Phú Yên tổ chức nhiều phong trào sáng tác, triển lãm tại tỉnh và trong khu vực, góp phần đẩy mạnh phong trào nhiếp ảnh tại tỉnh Phú Yên.  Chi hội NSNAVN tỉnh Phú Yên đã đạt được một số thành tích đáng tự hào gồm: 26 Huy chương Vàng tại các cuộc thi ảnh của FIAP; 07 Cúp Vàng và Cúp Bạc FIAP, 45 Huy chương Bạc và Đồng của FIAP; 130 Bằng Danh dự của FIAP; 01 bộ ảnh được giải Nhất cấp quốc gia ở cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc Vàng”; 1 giải C giải báo chí Quốc gia thể loại ảnh báo chí; 941 tác phẩm được triển lãm trong nước và quốc tế; 2 triển lãm ảnh cá nhân được Hội NSNAVN bảo trợ; 15 cuộc triển lãm ảnh phục vụ các nhiệm vụ chính trị tại các huyện trong tỉnh; 6 bộ bưu ảnh phong cảnh Phú Yên với số lượng trên 20.000 tập và 2 bộ lịch phong cảnh Phú Yên; các hội viên trong Chi hội đều đạt các giải A, B, C chuyên ngành nhiếp ảnh của Giải thưởng VHNT tỉnh Phú Yên 5 năm giai đoạn 2006 - 2010 và nhiều giải thưởng tại các cuộc thi ảnh trong tỉnh, xứng đáng là vai trò nòng cốt của phong trào nhiếp ảnh tại tỉnh Phú Yên.
Ở khu vực Tây Nguyên mà tựu trung là 4 tỉnh Dak Nông, DakLak, Gia Lai và Kon Tum (riêng Lâm Đồng sinh hoạt với khu vực Đông Nam bộ), phong trào nhiếp ảnh khá sôi động, nhưng thực ra số hội viên chuyên ngành mới có trên 40 người, trong đó 13 người là hội viên Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Đa phần các tác phẩm của họ đã phản ảnh được phần nào về vùng đất con người Tây Nguyên giàu truyền thống, nhiều tiềm năng, được thiên nhiên ưu đãi, cũng như sự lao động cần cù của đồng bào các dân tộc anh em để làm nên những sản phẩm vật chất cho đời. Với lòng say mê nghề nghiệp của mình, năm nào các hội viên nhiếp ảnh Tây Nguyên cũng có nhiều tác phẩm tham gia triển lãm trong nước và quốc tế và giành được những giải thưởng có chất lượng cao, được anh em bè bạn khắp nơi yêu mến.   
Tính từ đầu những năm 2000 đến nay, năm nào các tỉnh trong khu vực cũng đều tổ chức các cuộc thi hoặc liên hoan ảnh thường xuyên để lực lượng nhiếp ảnh có dịp phát huy năng lực, sở trường của mình nhằm cống hiến cho công chúng một phần đóng góp trong lĩnh vực VHNT ở Tây Nguyên, cụ thể như: DakLak và GiaLai đã tổ chức được nhiều cuộc triển lãm khá quy mô, hoành tráng để lại nhiều ấn tượng tốt trong công chúng yêu mến nghệ thuật nhiếp ảnh! Dak Nông, là tỉnh mới còn có nhiều khó khăn, nhưng năm vừa qua đã tổ chức được trại sáng tác cho 26 người (có tài trợ của Liên Hiệp), và mở triển lãm mỹ thuật - nhiếp ảnh vào dịp cuối năm; Kon Tum vinh dự đăng cai trại sáng tác khu vực có gần 50 người tham dự - gần đây, đang chuẩn bị tập hợp những tác phẩm có giá trị để ra mắt công chúng tập sách ảnh về “Kon Tum xây dựng và phát triển”.
Đặc biệt, trong những năm đầu thế kỷ 21, nhiếp ảnh Tây Nguyên có những tác phẩm ảnh nghệ thuật được chọn treo hoặc đạt được những giải thưởng cao, đó là hàng trăm các huy chương Vàng, Bạc, Đồng của FIAP - quốc gia hay quốc tế tại Việt Nam tổ chức. Đội ngũ nhiếp ảnh ở Tây Nguyên đều gặt hái thành công; cũng tại triển lãm mỹ thuật - nhiếp ảnh Tây Nguyên lần thứ nhất (tổ chức tại Hà Nội) anh em đều sốt sắng tham gia đóng góp tác phẩm để giới thiệu với công chúng yêu nghệ thuật Thủ Đô bản sắc độc đáo về vùng đất và con người Tây Nguyên. Có thể điểm qua một số cá nhân tiêu biểu như: Trần Phong, Phạm Dực, Ngô Huy Tịnh của Gia Lai; Vương Quốc Kim, Đào Thọ, Chính Hữu, Phạm Huỳnh, Bảo Hưng… của DakLak; Nguyễn Hùng, Trần Thành, Quang Ngọc ở Dak Nông; Nguyễn Đang, Cao Khương của Kon Tum v.v.. đã có nhiều đóng góp thiết thực cho phong trào khu vực. Năm 2005 Bộ trưởng Bộ Văn hóa thông tin đã khen thưởng 5 nghệ sĩ nhiếp ảnh Tây Nguyên (trên tổng số 18 cá nhân và tập thể cả nước được khen thưởng).
Trong đó, đáng chú ý, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Dực có tác phẩm Hồn Tây Nguyên được tặng huy chương vàng Liên hoan ảnh nghệ thuật miền Trung và Tây Nguyên do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai tổ chức. Theo Phạm Dực: “Tôi muốn Tây Nguyên đẹp hơn trong mỗi tác phẩm của mình, vì thế luôn cố gắng thể hiện làm sao cho rực rỡ hơn lên cái hay, cái đẹp, cái tinh túy của vùng đất và con người huyền diệu nơi đây… Bởi vậy, trong mỗi khoảnh khắc bấm máy, tôi luôn cố gắng khắc họa cho được chân dung cuộc sống mang đậm chất nhân văn. Với sở thích chụp ảnh đời thường và chủ đề riêng biệt, các sáng tác của tôi luôn bám sát với cuộc sống”.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Phong với sách ảnh Lễ hội Tây Nguyên (Nxb Thế giới, 2008) là một tập sách đặc sắc, với nhiều tác phẩm phản ảnh về các mặt đời sống, sinh hoạt và lễ hội của người Tây Nguyên. Theo nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét: "Đây không phải là một tập ảnh thông thường. Cho tôi nói điều này: Đây là di chúc của một nền văn hóa đang đứng trước nguy cơ biến mất. Trên con đường đi tới xăm xăm của chúng ta. Cho nên, đây cũng là một câu hỏi lớn, về một vấn đề không hề nhỏ: Sẽ đi đến đâu đây, để làm gì đây, khi cuộc đi tới phải trả giá bằng sự biến mất của những giá trị vĩnh cửu này?".
Tại Liên hoan ảnh nghệ thuật lần này, sự  thành công không chỉ thể hiện qua số lượng tác giả, tác phẩm tham gia, mà còn khẳng định bởi những nỗ lực sáng tạo qua nhiều đề tài phong phú, qua sự tìm tòi, thể nghiệm kỹ thuật mới lạ. Dù vậy, điều quan trọng hơn cả, những tác phẩm thật sự thu hút, chinh phục được công chúng và giới chuyên môn vẫn là những tác phẩm gắn liền cảm xúc về tình yêu  con người và cuộc sống, thể  hiện đậm đà bản sắc độc đáo của vùng đất miền Trung - Tây Nguyên đầy thơ mộng, đang không ngừng vươn lên tầm cao, hòa nhập cùng sự phát triển của đất nước.
Trần Trung Sáng
Theo http://vannghedanang.org.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết về mong con – Chùm thơ Nguyễn Đức Tình 30 Tháng Một, 2024 Hoa đào bung nở bên rào/ Rêu phong bờ đá đón chào xuân sang/ Mẹ ngồi khơ...