Thứ Hai, 3 tháng 10, 2016

Một mình sóng cả

 Một mình sóng cả
Bệnh viện nằm khuất sau một khu dân cư khá yên tĩnh rợp bóng cây xanh. Khác hẳn cái cảnh chen lấn xô đẩy để vô ra cửa ở bệnh viện đa khoa tỉnh. Càng khác xa cái cảnh vạ vật khắp hành lang lẫn cầu thang dễ nhận ra ở khá nhiều bệnh viện khác. Trông có vẻ giống một khu nghỉ dưỡng hơn là bệnh viện.
Phòng bệnh có năm người. Người họa sĩ già nằm ở ngay phía cửa sổ, kéo cửa ra là gặp hành lang nhưng ông cứ đóng cửa cả ngày lẫn đêm. Thi thoảng mới mở he hé, chẳng biết để làm gì. Ông bị cao huyết áp, hay mệt về đêm. Ông cựu thuyền trưởng nằm ở chiếc giường ngay lối ra vào. Một bữa, tôi bất ngờ thức giữa đêm và thấy ông đang ngồi khóc. Ông họa sĩ già cũng thức giấc, bước tới ngồi phía cuối giường, nói với ông cựu thuyền trưởng, giọng vỗ về: “Thôi ông ạ, người ta ai cũng có số cả, làm sao thay đổi được”. Ông cựu thuyền trưởng sụt sịt một lúc rồi nằm xuống, nghiêng người ngó trân trân ra phía cửa, chẳng hiểu đang nghĩ gì. Sau đó tôi mới biết vợ ông vừa mới qua đời mấy hôm, vừa tang ma xong thì ông phải nhập viện. Nhà đang làm mộ cho bà. Ông có hai đứa con gái, một đứa định cư ở Mỹ, cô thứ hai từng làm giám đốc một công ty thủy sản. Đang ăn nên làm ra thì cô phải xin nghỉ một lần để lo việc gia đình. Cô đang ở cùng đứa con gái bị tâm thần, phải có người canh chừng mỗi ngày. Căn nhà năm tầng từng một thời rộn rã tiếng nói cười, bây giờ chỉ còn lại hai mẹ con. Không nghe nói gì về chồng của cô ta. Mấy hôm trước, tôi tưởng ông không có con cái hóa ra là vậy. Năm bảy bữa cô ghé thăm ông một lần. Vừa ngồi chưa nóng đít đã nghe ông hối về, bảo sợ cháu ở một mình lỡ có việc gì không hay thì khốn! Mọi chuyện xây mả mồ giao lại cho đứa em trai ở tít ngoài Huế. Thỉnh thoảng nó đảo về kiểm tra rồi lại đi.
Một ông đại tá già về hưu nhưng sức vóc còn rất oai vệ. Ông dân Quảng Bình có đứa con gái làm việc tại thành phố này. Ông vào thăm con, lại đang rảnh rang nên đứa con gái bảo ghé bệnh viện kiểm tra xem sức khỏe thế nào. Và rồi nghe lời con gái ông nằm lại mấy ngày. Nằm dưỡng bệnh nhưng cứ một hai, mai tao về! Bởi, để bả một mình ngoài quê không ổn, gió máy không chừng! Có lần tôi bảo, sao không đưa bà vào ở luôn với chị thì ông lại bảo sao được, sao được, tao mà ở thành phố giỏi lắm được dăm ngày, rồi cũng nhập viện thôi!
Ông cựu thuyền trưởng sinh ra ở một làng chài heo hút. Học chưa hết tiểu học đã theo cha, theo chú đi biển. Lúc đầu ra lộng, sau đó ra khơi. Cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, ông theo đám trai làng rủ nhau đầu quân. Ông bảo từng theo mấy cậu bạn cùng làng vô tận Thăng Bình đầu quân. Hồi ấy là đầu năm 1953. Theo mô tả của ông thì đâu như vùng ấy nằm giữa quốc lộ I và biển Ngang. Tập đâu hơn tháng thì theo bộ đội Liên khu V vào đóng quân tận Bình Định chi đó. Hỏi, đã đánh đấm trận mô chưa, ông cười, cứ hành quân miết nào đã giáp mặt thằng Tây nào đâu. Rồi đơn vị của ông được lệnh sang Lào ém quân một thời gian. Rồi nghe tin đình chiến. Lại được lệnh hành quân xuống Quy Nhơn theo tàu ra Bắc. Ông đi học bổ túc mấy năm rồi về làm ở một xưởng đóng tàu tại cảng Hải Phòng. Khi Mỹ phong tỏa vịnh Bắc Bộ ông được điều bổ sung vào một đội thuyền đánh cá. Vậy là trở lại nghề chính của mình! Đội đánh cá từ khu Bốn ngược lên đến vịnh Hạ Long, đảo Hải Nam. Vừa đánh cá, vừa tham gia bảo vệ vùng biển ngoài khơi vịnh Bắc Bộ. Cả đời ông gắn liền với biển. Sau giải phóng, về lại quê cha đất tổ không được bao lâu ông lại được điều vào tận Minh Hải, phụ trách công tác đánh bắt và thu mua hải sản cả một vùng biển rộng lớn cực Nam Tổ quốc. Từ miền Trung, ngược ra cực Bắc rồi về cực Nam, hình như ít người có được sự trải nghiệm như ông. Hồi ấy, tàu bè lẫn ngư lưới cụ phần đông là tài sản của các đại gia hải sản Nam Bộ. Tuy mang tiếng nhập vào nhà nước nhưng lại chia phần sản phẩm riêng lẻ theo đầu tàu. Tuy vậy, tất cả đều phải theo kế hoạch. Ông bảo, tàu thuyền thì xuất phát từ các bến bãi gắn liền với biển khơi mênh mông. Hải sản đánh bắt được một phần nhập ngay ở cảng để chuyển về các chợ trong khu vực, một phần gom về các công ty để xuất khẩu. Nên không dễ gì quản lý hết. Các công ty hải sản do ông phụ trách cơ chừng chỉ nắm được phần lưỡi, phần chuôi nằm gọn trong tay các chủ tàu hoặc các thuyền trưởng. Trước tình hình ấy, trên lại nhìn vào ông. Một trong hai cô con gái tài giỏi của ông được phái đi theo các tàu - vừa để thu mua hải sản, vừa để giám sát. Một công việc tợ như “đội đá vá trời” như vậy không hiểu sao lại ấn vào một cô gái chân yếu tay mềm là con gái ông? Thời gian ấy, người ta vượt biên như đi chợ. Lâu lâu lại rộ lên một vài vụ. Ồn lên một lúc rồi đâu hoàn đấy. Bởi, có trời mới quản hết! Người từ thành phố đi theo các tàu chở hàng hóa, bảo rằng đi buôn bán, nửa đêm thì tập trung ở một bến bãi vắng vẻ tối hù nào đó. Có khi lại chuyển lên tàu lớn ngay trên sông. Rồi, chỉ vài tiếng đồng hồ sau là đã ra đến hải phận quốc tế! Đâu dễ gì quản hết tàu? Con gái ông thuyền trưởng đi theo một con tàu khá lớn mà thuyền trưởng là con trai cả của một đại gia hải sản trên Cần Thơ. Đại gia có mấy chục chiếc tàu công suất lớn đánh bắt hải sản cả biển Đông lẫn biển Tây. Một chàng trai thứ thiệt, cao lớn, vạm vỡ. Ăn sóng, nói gió. Hệt như ông hồi trẻ, hồi chiến tranh chưa nổ ra. Cô con gái nhận nhiệm vụ “áp tải hàng” nhưng thật ra cứ như một hành khách đi nhờ! Đi nhờ một tàu cả sông lẫn biển tận mấy ngày đêm! Ngày này qua tháng khác. Đâu chừng nửa năm thì vừa đủ để cô ngả vào vòng tay rắn chắc của anh chàng thuyền trưởng đẹp trai. Một bữa, cô đột nhiên có cảm giác vùng trời, vùng biển tàu cô đang xé sóng lướt đi có cái gì đó khang khác mọi bữa. Cô đập cửa cabin thuyền trưởng, hét trong tiếng sóng ầm ào: “Anh ơi! Hình như tàu mình bị lạc rồi!”. Đáp lời cô cùng với tiếng sóng là tiếng anh lạc giọng: “Lạc sao được mà lạc! Anh đang chạy tránh cơn gió đảo!”. Cô gào lên: “Sao em thấy lạ hoắc hà! Quay tàu lại đi anh!”. Đáp lời cô chỉ có tiếng sóng. Mỗi lúc một dữ dội thêm. Và rồi, con tàu chở cô ghé vào một trại tỵ nạn…
Cô khóc nức nở rồi lả người trong vòng tay anh thuyền trưởng. Ông già bảo, sau vụ ấy tôi phải giải trình lên giải trình xuống mất nửa năm mới xong, anh ạ. Thấy tôi cả đời ra Bắc vào Nam không một lần va vấp nên cấp trên cũng tin tưởng do đó mới bỏ qua chuyện này. Tôi lạc mất đứa con gái mấy chục năm ròng. Và rồi công việc cũng không còn ổn nữa. Tôi xin về hưu sớm, quay lại quê nhà. Đón thêm bà xã đang ở tận ngoài Hải Phòng về cùng… Đâu chừng một năm sau thì sức khỏe tôi giảm sút thấy rõ, tưởng đâu sẽ đi sớm. Ai dè người đi trước lại là bà nhà tôi… Chỉ tội cho đứa con  gái lớn, đang làm giám đốc một công ty hải sản lớn ăn nên làm ra mà phải xin nghỉ nửa chừng để về chăm con, chăm cả hai ông bà già lẩm cẩm này, anh ạ! Con người ta ai cũng có số phải không?
Một bữa đang lơ mơ giấc trưa, tôi bị ông họa sĩ già lay khẽ: “Anh à!”. Tôi giật mình thức giấc, ngơ ngác nhìn ông: “Có gì không bác?”. Giọng ông già trầm xuống: “Ừ không có chi, tôi chỉ chào anh thôi. Chiều ni tôi xuất viện!”. Tôi ngạc nhiên: “Ủa, bệnh bác đâu có thuyên giảm gì mà?”. Ông họa sĩ lắc đầu: “Tôi cũng hiểu mình lắm, anh à! Cái bịnh huyết áp cao lẫn trái tim èo uột này nó vậy, có chữa được đâu. Thôi thì về nhà, được ngày nào hay ngày ấy. Chí ít cũng được ở cái nhà của mình chứ cả hai vợ chồng cứ lăn lóc ở đây hoài cũng không ổn!”. Là họ, hai vợ chồng một già một trẻ hơn tí chút, không con không cái. Một cái nhà to đùng trên con đường to nhất một quận bên kia sông, đang cho người ta thuê buôn bán tầng trệt, những tầng còn lại không ai chăm sóc. Ông già nghĩ cũng đúng, tưởng đâu nằm viện dăm bữa nửa tháng tình hình sức khỏe sẽ cải thiện nhưng đâu có được. Đã đến lúc sức khỏe ông không chịu nghe theo ông rồi mà. Nhưng cái kiểu ông ra về với những dự báo u ám và buồn bã thế này thì ai mà cam lòng! Cái dáng xiêu vẹo của đôi vợ chồng già dìu nhau rời bệnh viện ám ảnh khiến tôi mất ngủ mấy đêm liền. Đủ để đi đến một kết luận: rằng sẽ có những thứ không thể nào sửa được nữa!
Một bữa tôi đi làm thuốc về thì không thấy ông cựu thuyền trưởng nằm ở chiếc giường cũ nữa. Thằng cu nằm giường kế tôi, bảo, ông cụ đi cấp cứu rồi! Nghe nói nặng lắm! Tôi nhào xuống phòng cấp cứu. Người bệnh đã bị cách ly. Chỉ thấy cô con gái của ông đang ngồi sụt sùi trên chiếc ghế nhựa đặt dọc hành lang. “Bác bị sao vậy chị?”. Cô con gái nói trong nước mắt: “Ba tôi bị hôn mê bất ngờ. Vẫn chưa tỉnh, anh à!”. “Bác sĩ bảo sao?”. “Chưa rõ. Họ vẫn đang theo dõi!”. Tôi về phòng, mang theo câu nói của cô con gái ông thuyền trưởng: Không biết có mệnh hệ gì không, ba tôi như ngọn đèn sắp hết dầu rồi!
Chiều ấy, ông đại tá già cũng xuất viện. Ông bảo, chú mày ở lại mạnh giỏi, tau về đây! Nom ông có vẻ nhanh nhẹn hơn lúc nhập viện nhiều. Hai ngày sau tôi cũng xuất viện về nhà điều trị ngoại trú. Ông thuyền trưởng thì vẫn chìm trong cơn mê sâu. Gia đình cô con gái út đã bay về từ Mỹ. Thỉnh thoảng đứa con gái của cô con gái lớn cũng ghé thăm ông, một đứa trẻ đầy xung động và có lẽ chẳng bao giờ lớn nổi. Gia đình đứa em trai cũng thay nhau tới chăm sóc ông. Ông thì vẫn mê man, cứ như là cuộc ra khơi lần này chỉ có độc mình ông trên chiếc thuyền to lớn. Và sóng gió ngày một thêm dữ dội! Không dứt.
LÊ TRÂM
Theo http://baoquangnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...