Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

Nhầm lẫn sân chơi, hay…xoa đầu quen tay

Nhầm lẫn sân chơi, hay…xoa đầu quen tay?! 
Năm trước dự cuộc tọa đàm của những cây bút trẻ về lý luận phê bình văn học, nghệ thuật, nghe một trong mấy bác chủ tọa tuổi đã thất tuần ngồi thao thao bất tuyệt lâu quá, tôi nhắn ông bạn trong ban tổ chức lưu ý bác nói ít thôi. Ông bạn đến ghé tai nói nhỏ, thấy bác gật đầu, tôi yên tâm. Hóa ra bác gật vậy nhưng chưa dừng lại, tiếp tục bất tuyệt thao thao. Nghe thêm ít phút nữa thì tôi buộc phải bấm cái micro trước mặt, mạo muội xin lỗi, đề nghị bác nói ít, vì cuộc gặp chỉ diễn ra trong một buổi sáng, mời các bạn trẻ đến tọa đàm, nghe các bạn trao đổi, đâu phải mời họ đến để dạy phải thế này, phải thế kia. Nghe tôi góp ý, có lẽ bác cũng sượng sùng, nói thêm đôi câu rồi kết thúc. Kế đó là quan chức đại diện một bộ chuyên ngành. Ông mở máy giới thiệu bộ này quan tâm lớp trẻ ra sao, đã mở các khóa đào tạo trẻ như thế nào,…Nghĩa là mấy điều ông trình bày chẳng dính dáng gì đến phê bình văn học, nghệ thuật. Chán quá, tôi lại bấm micro đề nghị nói nhanh, nhường lời các bạn trẻ. Ông ớ người nhìn sang tôi rồi vội vã kết thúc. Vậy mà vẫn chưa xong. Một nhà phê bình mỹ thuật râu tóc bạc phơ ngồi cạnh tôi đứng lên tiếp nối theo trường phái bắn súng liên thanh. Lúc đầu vì nghĩ ai phát biểu mà mình cũng đề nghị nói ít thì sẽ dễ bị xem là bất thường, phá thối, nên tôi đành ngồi chịu trận. Nhưng nghe nhà phê bình cao niên oang oang lâu quá không chịu nổi, tôi đành giật giật vạt áo để nhắc nói ít thôi. Dè đâu bác quay sang nói có vẻ bực mình nhưng cố pha tý hài hước: “Ông tưởng tôi già à, tôi vẫn còn trẻ, tôi có quyền nói!”. Tới nước này thì có nể nhau cũng bằng thừa, tôi bảo: “Bác chỉ trẻ so với ông Bành Tổ!”. Thế mà nhà phê bình già vẫn bóp cò bắn liên thanh thêm năm bảy phút nữa mới chịu thôi!.
Mấy chục năm nay, sau khi dự vô số hội nghị, hội thảo, tọa đàm,…về văn học, nghệ thuật tôi đã rút ra được một nguyên tắc phổ quát là “tinh thần kính lão đắc thọ” luôn được tuân thủ nghiêm ngặt. Bởi thường thì sau phần diễn văn khai mạc, giới thiệu đại biểu, đọc báo cáo đề dẫn là y như rằng đến lượt một số vị cao niên độc chiếm micro để phát biểu theo hai xu hướng: hoặc “ôn cố tri tân”, hoặc nghiêm khắc phê phán một số hiện tượng theo họ là tiêu cực, hết sức lo ngại, rồi yêu cầu người nghe phải làm như thế này, phải làm như thế kia. Tài tình là có vị Giáo sư cao niên, gần chục năm nay hễ phát biểu ở hội nghị, hội thảo, tọa đàm nào là say sưa giới thiệu khám phá của ông về vấn đề A, tháng trước ở hội thảo này ông hùng hồn bàn về vấn đề A, tháng sau lại thấy ông tiếp tục oang oang về vấn đề A tại cuộc họp khác. Dù khám phá không có gì là đặc sắc nhưng ông rất chịu khó quảng bá, tôi tin nếu liệt kê số bài viết, tham luận, phát biểu của ông về vấn đề A, chắc chắn tới vài chục lần. Một khả năng tái bản hiếm thấy, nhưng rất tiếc dấu ấn lại mờ nhạt! Nên mới có chuyện oái oăm là ngày nọ, sau khi lên bục chém gió, ông đi xuống rồi tiến thẳng ra cửa với vẻ hồ hởi của người vừa trình trước đồng nghiệp một phát kiến sáng ngời thì gặp tôi đang đứng cạnh cửa. Ông hỏi ý kiến thế nào, tôi bảo: “Bài này em nghe rồi, tháng trước bác vừa đọc ở hội thảo trong Đà Lạt!”. Vị Giáo sư không nói gì, xách túi đi thẳng, không thèm cảm ơn tôi đã chịu khó lắng nghe ông, chí ít cũng hai lần!
Từ góc nhìn của mình tôi thấy, ngay cả tại hội nghị, hội thảo, tọa đàm,…dành cho người trẻ thì “tinh thần kính lão đắc thọ” vẫn rất được đề cao, đến mức có lần dự hội nghị dành cho người trẻ, tôi lại ngỡ là đang có mặt tại sân chơi của người già, và có ấn tượng là người trẻ ngồi đó để được vinh dự nghe người già chỉ dẫn, dạy bảo, nhắc nhở,… cứ như là người già ở nhà chơi với con cháu trong thời gian dài nên “xoa đầu quen tay”, thậm chí để nghe người già kể khổ, khoe thành tích. Từ phát biểu của một số vị, tôi dự cảm đối với họ, thời chiến tranh, thời bao cấp mọi người đều sung sướng chỉ văn nghệ sĩ là khổ sở, vất vả, không có tự do sáng tác,…Nhưng tôi đoan chắc không mẩu chữ nào của mấy người đã nói điều này lại chưa được in, tôi cũng đoan chắc tác phẩm của họ chẳng lấy gì xuất sắc cho lắm. Đến với tác giả trẻ, một số văn nhân nổi tiếng thường chỉ tâm sự nghề nghiệp, trình bày kinh nghiệm sáng tác, đưa ra vài lời khuyên thiết thực, hầu như ít nói về tác phẩm của mình, còn thì hình như một số vị lại coi việc dự hội nghị, hội thảo, tọa đàm với người trẻ là cơ hội “ôn cố tri tân” về chính mình để dạy dỗ. Mà muốn dạy dỗ phải có cơ sở, và muốn có cơ sở phải khoe. Nên hễ phát biểu là một số vị khoe đã viết tác phẩm này, viết tác phẩm kia, được anh A đánh giá cao như thế này, được anh B ca ngợi như thế nọ. Tôi đồ rằng có vị đã chuẩn bị sẵn từ nhà, vì tôi thấy họ đứng trên bục giơ cao tác phẩm của mình như để chứng minh không nói suông.
Tài tình hơn, chắc là để tăng thêm sức nặng, có vị hùng hồn kể đã nói với anh C thế này, từng khuyên anh D thế nọ… mà C, D toàn là lãnh đạo cấp cao! Và hình như để bổ sung, làm sáng giá cái “gia tài” chỉ mình thấy đồ sộ, có vị còn khoe từng đọc cả dãy kiệt tác của các danh gia! Buồn cười nhất là tại một hội nghị dành cho người viết trẻ, với phong thái tự tin, một Giáo sư Tiến sĩ đã khuyên người viết trẻ phải tự rèn giũa khả năng đọc xong một tác phẩm là có thể khái quát chỉ bằng một câu, một chữ. Tôi không thấy ông dẫn ra thí dụ chứng minh sau khi đọc xong tác phẩm nào ông chỉ khái quát bằng một chữ, nhưng thấy ông dẫn ra thí dụ ông khái quát bằng một câu thì tôi buồn cười, và ngờ ông nói phét!? Ấy là ông kể đại loại sau khi đã đọc toàn bộ tác phẩm của K. Marx, ông chỉ khái quát bằng một câu về tiền công lao động, giá trị hàng hóa sức lao động và giá cả hàng hóa sức lao động, thế là xong. Tôi ngờ ông nói phét vì theo tôi ở Việt Nam hiện nay, mấy ai bảo đảm đã đọc toàn bộ tác phẩm của K. Marx? Hơn nữa, khái quát của ông nếu có đúng cũng chỉ liên quan Kinh tế chính trị, tác phẩm của K. Marx còn có nội dung Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, vậy một câu của ông có khái quát nội dung Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học trong toàn bộ tác phẩm của K. Marx? Khôi hài không kém là trong lúc sang sảng dạy dỗ con cháu phải viết ra sao, có vị cao niên lại dẫn chứng theo lối “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Tức là thơ của ông E bảo là thơ của ông G, tác phẩm của H lại bảo tác phẩm của K,… thậm chí dẫn sai câu thơ! Bi kịch nữa là có vị hùng hồn yêu cầu người viết trẻ phải dấn thân với cuộc sống, phải trăn trở về nỗi oan khiên, phải đau nỗi đau của nhân quần, phải chỉ rõ bất công, không được nịnh nhà cầm quyền,…song tôi biết tác phẩm của nhà văn này lại tuyệt nhiên không chứa đựng những phẩm chất ông yêu cầu ở nhà văn trẻ. Thực sự tôi cũng không mấy hào hứng với lãnh đạo văn nghệ hoặc nhà lý luận, nghiên cứu, phê bình yêu cầu nhà văn trẻ phải thế này thế nọ, nhưng dẫu sao thì từ tính chất công việc của họ cũng nên thể tất; đằng này đường đường là nhà văn, lẽ ra tác giả nọ phải xông pha hàng đầu trong sáng tác để nêu gương sáng cho hậu thế, sao lại đi yêu cầu nhà văn trẻ phải làm công việc mà chính ông không làm nổi, phải chăng chỉ đến khi về già ông mới “đốn ngộ” ra điều ông yêu cầu?   
Một mỹ tục của văn hóa truyền thống được trao truyền tới hôm nay là thái độ kính trọng người cao tuổi, như ngày trước có câu “làng nước trọng xỉ”. Trọng xỉ là “trọng răng”, và người ít răng là người già. Xưa kia kinh nghiệm sống, kinh nghiệm lao động sản xuất, đức mục, công ơn người đi trước,… được tổng hòa qua hình ảnh của người già, nên người già được kính trọng. Ngày nay cũng vậy, người già vẫn được kính trọng nhưng cần lưu ý xã hội đã phát triển tới trình độ cao hơn, điều kiện sống đã khác trước. Tuy nhiên, dù sự cao hơn, khác trước đưa đến khả năng giúp người già có thể tự “trẻ hóa” bản thân như nhuộm tóc đen, trồng răng giả, mặc quần áo như thanh niên, tay lăm lăm smartphone hoặc tablet lướt web như gió,.… thì cũng không có nghĩa người già đã theo kịp với mọi biến chuyển của thời đại. Xã hội phát triển, mỗi thế hệ có quan niệm riêng, nhu cầu riêng, chức phận riêng, chuẩn mực sống và chuẩn mực sáng tạo đã có bước phát triển mới phù hợp với nhu cầu… Vì thế không chỉ trong văn học, nghệ thuật mà trong mọi lĩnh vực hoạt động xã hội, ngoài các vấn đề có tính nguyên lý, có tính cách nguyên tắc chung thì thành tựu và kinh nghiệm của người đi trước thường chỉ có ý nghĩa tham vấn, không phải là khuôn mẫu buộc người trẻ phải sáng tạo như người già mong muốn. Nên người già cần tự ý thức về mình để có hành xử tương xứng với sự kính trọng. Bởi không có gì bảo đảm khi thấy người trẻ im lặng nghe người già nói là đang cố gắng lĩnh hội “lời vàng, ý ngọc”, và không ai có thể biết trong thâm tâm họ đang kính trọng hay đang thấy khôi hài?
Ngày nọ, sau khi nghe một số người già phát biểu tại một số hội nghị, hội thảo, tọa đàm,… tôi đã dặn các con: “Lúc bố về già, hễ thấy bố hăm hở đi họp ở đâu đó là các con phải nhắc bố phát ngôn cho đàng hoàng, không được nhầm lẫn sân chơi, không được đến chỉ để dạy bảo người khác. Nếu phát hiện bố nói năng linh tinh, các con buộc bố phải ở nhà”. Nhưng tôi lại được biết nữ nhà văn nọ còn quyết liệt hơn nhiều. Chị dặn con không chỉ thể hiện bằng thái độ, mà còn yêu cầu phải có hành động kiên quyết là lấy dây buộc chân giữ mẹ ở nhà, không cho đi họp. Hóa ra là không chỉ có mình tôi mới nghĩ thế!.
NH - 10.2016    
Nguyễn Hòa
Nguồn Bài  đăng Tinh hoa Việt 
số 37, ra ngày 10.10.2016
Theo http://www.phongdiep.net/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cung bậc - Chùm thơ Hữu Dũng

Cung bậc - Chùm thơ Hữu Dũng Cũng là/ cung bậc ấy thôi/ Mà sao/ cảm xúc/ xa xôi ùa về… Cung bậc Cũng là cung bậc ấy thôi Mà sao cảm xúc xa...