Đọc sách là nhu cầu cần thiết cho cuộc sống
Đọc sách mà phải cưỡng ép, gò mình thì chán lắm. Đọc sách vừa là thú vui, vừa là nhu cầu cần thiết cho cuộc sống hàng ngày. Đọc
sách để biết thêm kiến thức mới, khám phá ra một thứ gì đó thấy có lợi,
có ích cho cuộc sống, công việc của mình. Đọc sách không phải là cái độc
quyền của các tao nhân, mặc khách, mà bất cứ ai, dù địa vị, tuổi tác,
giầu nghèo thế nào cũng có thể làm được. Cái thú vui ấy vừa cần thiết,
tao nhã, lại an toàn, bổ ích và thuộc loại giản dị nhất trong những cách
làm giàu tâm hồn mà loài người từng có.
Chọn
một cuốn sách hay, chọn một nơi yên tĩnh, hoặc trong quán cà phê hoặc
phòng riêng mà nhân nha thưởng thức những trang văn hay, những phân tích
sắc sảo về lịch sử, kinh tế của các chuyên gia hay tìm hiểu những kiến
thức cần thiết về y học, sức khỏe, kinhtế, chính trị… Việc đọc sách vừa
rèn luyện trí tuệ cá nhân, lại có cái thư thái của việc thưởng thức
những tinh hoa văn hóa, khoa học của nhân loại.
Có
khi cái thú đọc sách cũng không cần có những không gian, thời gian
riêng biệt vì trong xã hội hiện đại và cuồng nhiệt thế này, có thời gian
riêng cho việc đọc sách cũng khó lắm thay. Nhưng ta có thể đọc sách lúc
ngồi chờ ở sân bay, trên máy bay, trên tàu hỏa, xe bus hoặc lúc chờ đợi
ai đó mà đỡ bứt dứt chân tay. Nếu nghĩ rằng đọc sách là thú vui, là
thói quen cần thiết thì thấy nó dễ thực hiện thế nào. Không phải con
người bây giờ không có thời gian đọc sách mà chúng ta không biết đọc
sách trong thời gian của mình. Nếu bớt thời gian chơi games trên smart
phone, bớt chém gió
trên facebook hay bớt những cuộc tụ bạ rượu chè vô bổ là có thời gian
đọc sách. Thời gian dành cho sách rất nhiều, chỉ có điều đa số chưa biết
tận dụng nó mà thôi.
Người
đọc sách thường đọc sách gì, trước hết là thứ anh ta quan tâm hay cần
thiết cho nghề nghiệp của mình; bác sĩ thì đọc sách y học, nhà nghiên
cứu thì đọc sách khoa học, học sinh, sinh viên thì đọc khoa học thường
thức hoặc những sách giải trí nhẹ nhàng; các bà, các chị thì ở thể thích
đọc sách ngôn tình, làm đẹp, nấu ăn…
Ngoài
những sách chuyên ngành mà ai cũng cần cho công việc, chuyên môn của
mình thì có một như cầu rất lớn dành cho sự giải trí, sự tĩnh lặng tâm
hồn. Trước đây đã có lúc chúng ta quá coi nhẹ sự giải trí của sách vở,
coi nó là thứ tầm phào tiểu tư sản nhưng giải trí là một nhu cầu quan
trọng và thiết yếu của cuộc sống con người. Đọc sách là một cách giải
trí, có điều đó là một thứ giải trí có ích và thiết thực cho tâm hồn.
Cần gì những lời đao to búa lớn, chỉ cần một quyển sách với những điều
giản dị, vừa làm thư thái tâm hồn, vừa có những tác động ngầm lớn lao mà
nếu cứ khua chiêng, gõ mõ, làm rùm beng lên chưa chắc đã có tác dụng.
Một cuốn sách hay là một cuốn sách giản dị, cô đọng mà nói được nhiều
điều.
Người
đọc sách cũng phân ra nhiều loại, người đọc sâu, người đọc lướt, người
là bậc cao thủ, người là kẻ mới bắt đầu. Những cao thủ đọc sách là những
người đọc chậm rãi, sâu lắng, những chỗ tâm đắc có thể lấy bút gạch
chân, đánh dấu để nếu cần dễ dàng tìm đọc lại. Nhưng người thực sự quý
sách thì không bao giờ gập sách lại mà đọc sợ làm hỏng sách, xấu sách.
Ngồi thẳng lưng, đọc điềm đạm, bình tĩnh, đọc chưa xong thì lấy một cái
bookmark (kẹp trang) mà đánh dấu lại, không gập góc mà làm quăn sách.
Những người đọc tốt có thể đọc ba, bốn quyển sách một lúc, chán quyển
này chuyển sang đọc quyển khác, đọc đến lúc xong cả mấy quyển mới thôi.
Có
những người chỉ đọc lướt, đọc rất nhanh, đọc chỉ lấy thông tin hữu ích
hoặc xem sách viết cái gì, họ có thể đọc theo hàng dọc từ trên tỏa
xuống, chứ không dõi theo hàng ngang thông thường. Cách đọc này thường
rất nhanh nhưng chỉ thích hợp với kiểu lọc lấy thông tin trong các báo
cáo, còn để nhân nha thưởng thức thì khó thích hợp với các cuốn sách
viết về văn hóa, nghệ thuật hoặc một cách viết phức tạp.
Đọc
sách là một thú vui thầm lặng mà tao nhã, có khi tìm được quyển sách
hay mà sướng run lên, ngấu nghiến đọc. Không tìm được sách thì mượn bạn
bè, vào thư viện, photocopy hay lên trên mạng Internet
tải về đọc cho kì được. Một quyển sách hay là một người bạn quý, ta
nâng niu gìn giữ nó, đôi lúc giở ra tra cứu hoặc đọc lại. Sách là một
người bạn không lời và không bao giờ phản trắc. Tìm được cuốn sách hay
thì vui mừng giới thiệu cho bạn bè, người thân cùng đọc, hoặc định hướng
cho giới trẻ tìm đọc giữa một biển sách bao la ngút trời, như vậy ý
nghĩa của một cuốn sách hay được nhân ra nhiều hơn.
Đọc
sách sẽ là cái thói quen khó bỏ nếu ta chăm bón, dành thời gian cho nó.
Rất nhiều người ngưỡng mộ trí tuệ và sự thành công của người Do Thái mà
không biết rằng người Do Thái đã luôn xây dựng, bồi dưỡng thói quen đọc
sách cho con cái từ rất sớm. Hầu hết các các gia đình người Do Thái đều
có các tủ sách riêng, có những thư viện gia đình đã tồn tại hàng trăm
năm và lưu trữ hàng nghìn quyển sách quý và đó cũng là một ví dụ nhỏ,
một lí do để thấy rằng những người chăm đọc sách thường là những người
thành công hơn những người khác.
Giáo
dục thói quen đọc sách cho trẻ nhỏ là một việc làm hữu ích cho tương
lai của đứa trẻ sau này. Nói cho trẻ cái hay, lợi ích của việc đọc sách,
đọc những sách gì, ban đầu có thể bỡ ngỡ nhưng sau thành thói quen,
niềm yêu thích của trẻ được nuôi dưỡng mà duy trì đến khi trưởng thành
và suốt cả cuộc đời. Giáo dục thói quen đọc sách là giáo dục sự yêu tri
thức, tính cần mẫn, chịu khó, kỉ luật trong học tập và lao động, là
những nền tảng quan trọng để trẻ bước vào cuộc đời một cách tự tin.
Không
chỉ trẻ nhỏ cần đọc sách mà học sinh, sinh viên, người lao động, trí
thức và bất kì ai cũng nên đọc sách. Đọc sách để biết thêm những cuộc
đời mới, kiến thức mới, biết thêm về thế giới bên ngoài, những người
xung quanh và cách ứng xử, chiếm lĩnh với thời cuộc. Tôi từng rất cảm
động khi đọc những cuốn sách viết về gia đình, ví dụ như Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, Không gia đình của Hector Malot hay cuốn Hãy chăm sóc mẹ của Shin Kyung-sook...
Khi đọc xong những cuốn sách đó bỗng thấy hình như ta có lỗi với cha
mẹ, những người thân của mình nhiều lắm mà tự điều chỉnh để làm cho cuộc
sống thân ái và tình người hơn. Hoặc khi đọc bộ sử Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái, hay các tiểu thuyết lịch sử như Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Nguyễn Huy Tưởng, Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh… mà thêm yêu quý, tự hào về lịch sử nước nhà.
Những
cuốn sách giáo dục về kĩ năng sống, kĩ năng làm việc ngày càng trở lên
quan trọng. Có hàng triệu triệu bản sách như vậy đã được bán ra và cũng
có hàng triệu người say mê đọc nó và rất nhiều người nhờ đọc sách mà đã
thay đổi cuộc đời mình. Một trong những cuốn sách nổi tiếng như vậy là Đắc nhân tâm và Quẳng gánh lo đi mà vui sống của Dale Carnegie, hay gần đây là cuốn Cuộc sống không giới hạn của Nick Vujicic…
Thế
nên, việc đọc sách bắt đầu càng sớm càng tốt, khi đứa trẻ bắt đầu có ý
thức là có thể đọc sách cho trẻ nghe, cha mẹ, người lớn định hướng những
cuốn sách cần đọc, phù hợp với lứa tuổi. Sự bắt đầu càng sớm, càng xây
dựng một thói quen có ý thức và dần dần thói quen ấy trở thành một thú
vui có ích, tự nhiên và thiết thực.
Những
người bắt đầu muộn, hoặc để trống một thời gian quá dài thì bắt đầu từ
đâu. Cả một kho sách mênh mông của loài người nhưng không phải cuốn sách
nào cũng đáng đọc. Hãy hỏi những người ở quanh ta, những thầy cô, bạn
bè, những người hay đọc sách và nhờ họ tư vấn cho những quyển sách thú
vị và phù hợp. Sách rất có ích và thiết thực nhưng cũng giống như thuốc
bổ, cần phải có liều lượng và thời gian phù hợp. Vào lứa tuổi nào thì
đọc sách gì, đọc trong thời gian bao lâu, có thể bắt đầu bằng những cuốn
đơn giản và độ khó tăng dần lên. Chẳng hạn người mới đọc sách thì không
nên đọc ngay những cuốn như: Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust hay Âm thanh và cuồng nộ của William Faulkner… Hãy bắt đầu bằng những cuốn “dễ chịu” hơn như Cát bụi chân ai của Tô Hoài, Thời xa vắng của Lê Lựu, Nhà giả kim của Paulo Coelho hay các tiểu thuyết của Mạc Ngôn, H. Murakami…
Đừng tưởng việc đọc sách là một việc
dễ dàng, nó giống như một kĩ năng và phải được rèn luyện. Có người sẽ
không bao giờ đọc nổi quá vài trang sách nếu như không có sự chuẩn bị
nào đó. Đọc sách cũng giống như tập võ, chăm chỉ và từ từ, cân đối thời
gian và phương pháp cho phù hợp và nếu kiên trì trở thành một cao thủ
đọc sách thì cái niềm vui ấy sẽ được nhân lên gấp bội. Người sành đọc
thì cần nhìn qua cái mục lục, lướt thư thả vài trang, nhìn tên người
biên tập, nhà xuất bản, xem cách hành văn là biết ngay cuốn sách ấy hay
dở thế nào để quyết định mua và đọc tiếp, để trở thành một chuyên gia về
sách cũng không phải việc dễ dàng gì.
Nhưng
mà khoan nói đến thành chuyên gia, ông nọ bà kia. Tôi nhấn mạnh lại
rằng việc đọc sách cần trở thành một thú vui hữu ích và thiết thực. Đọc
sách không vì cưỡng ép, thúc bách, không vì áp lực mà bởi một nhu cầu tự
thân, thấy yêu thích và cần thiết cho công việc và cuộc sống thường
ngày. Đọc một quyển sách hay để có những phút tĩnh lặng cho riêng mình,
để có những trải nghiệm về cuộc sống, những thông tin hữu ích cho công
việc và cũng là để điều chỉnh các mối quan hệ ngoài xã hội, mà thông qua
những cuốn sách, người viết đã trải nghiệm, nghiên cứu mà nhờ đó việc
lĩnh hội, chiếm lĩnh tri thức bớt đi những nhọc nhằn, mò mẫm.
Đọc
sách, đó là một niềm vui lớn lao mà chỉ loài người mới có được.
Uông
Triều
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét