Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016

Tuyệt vời mùa thu trong thơ Việt

Tuyệt vời mùa thu trong thơ Việt
(Gửi bạn đang nhớ về quê hương)
Là người Việt Nam, tôi có niềm vui kép khi mùa thu tới. Đó là thiên nhiên tuyệt vời với gió, với mây, với sắc màu cây lá, với những gờn gợn se se, những rung rẩy rõ ràng vừa mơ hồ dường như biến mỗi con người thành một nghệ sĩ, khó có thể không bỗng dưng bồn chồn khác lạ. Nếu yêu thơ, thuộc thơ, tôi một lần nữa lại được giàu lên, nhân lên những rung động, những cảm xúc nghệ sĩ kia.
Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan… nếu kể hết ra đây, đều có những áng, những câu xuất sắc về mùa thu. Có lẽ, tôi nên dừng ở nhà thơ đại diện rất rõ ràng cho thơ trung đại Việt Nam, gần với thời Cận đại và Hiện đại. Có thể gọi Nguyễn Khuyến là một “chuyên gia” về thơ mùa thu với một chùm ba bài tuyệt tác: “Thu điếu” (câu cá màu thu), “Thu vịnh” (Thơ vịnh mùa thu), “Thu ẩm” (Uống rượu mùa thu). “Ống kính” thơ Nguyễn Khuyến thật hiện đại, thời kỳ ông sống ở Việt Nam đã làm gì có di chuyển bằng máy bay, thế mà từ điểm cao của tưởng tượng ông đã phóng một cái nhìn vừa toàn cảnh vừa chi tiết xuống mùa thu quê hương đồng bằng Bắc Bộ:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Với thể thơ Đường luật tám câu, mỗi câu bảy tiếng, rất chặt chẽ vần luật, nhà thơ Việt xuất chúng vẫn ứng xử nghệ thuật chẳng khác Beaudelaire của Pháp mở đầu cho thơ hiện đại qua bút pháp tương ứng (correspondance). Chen lẫn nhau, đồng hiện những hình ảnh, sắc màu của thị giác, của thính giác, tất cả hòa nhau trong cảm quan vô hình vô cùng tinh tế của nhà thơ. Màu trời xanh rất đặc biệt của mùa thu Việt Nam đã làm Nguyễn Khuyến thảng thốt cảm nhận trong cả ba bài:
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt.
(Thu điếu)
Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao.
(Thu vịnh)
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt.
(Thu ẩm)
Một ấn tượng đối lập với sắc xanh rất lạ của bầu trời là sắc vàng của cây lá mùa thu rụng rơi, có gì buồn nhưng lại vô cùng quyến rũ. Nhà thơ cận - hiện đại xuất sắc Tản Đà đã hơn một lần phối sắc vàng ấy vào thơ; đặc biệt trong bài “Cảm thu, tiễn thu”, với những câu vào hàng “đặc sản” của thơ mùa thu:
Lá thu rơi rụng đầu ghềnh
Sóng thu đưa lá bao ngành biệt ly.
Và đây nữa:
Trận gió thu phong rụng lá vàng
Lá từ hàng xóm lá bay sang.
Nhà thơ Bích Khê của thời kỳ Thơ Mới những năm bốn mươi thế kỷ XX, chỉ cần hai câu đã dựng dậy cả mùa thu, hay đến bàng hoàng:
Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông.
Một trong số “ông hoàng” của Thơ Mới - thi sĩ Xuân Diệu đã mở đầu bài “Đây mùa thu tới” bằng sắc vàng bất diệt ấy:
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
Đây mùa thu tới, mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng.
Tấm áo mơ mộng toàn cảnh của Nàng Thu được dệt bằng toàn sắc lá vàng điệu nghệ. Các nhà thơ thời kỳ ấy thường buồn đến ngậm ngùi, khí sắc mùa thu thật thích hợp với tâm hồn đa cảm của họ.
Nếu bạn biết tiếng Việt, cảm thụ được âm thanh trầm bổng của ngôn ngữ Việt, bạn sẽ cùng tôi xuýt soa hai câu vẽ mùa thu này của Huy Cận:
Vi vu gió hút nẻo vàng
Một trời thu rộng mấy hàng thu nao.
Có màu sắc, có âm thanh gợi lên từ từng từ, từng nhóm từ, từ nhạc điệu reo lên của cả câu thơ lục bát rất Việt Nam này. Trong số bài hàng đầu của mình, Huy Cận còn có “Thu rừng”:
Nai cao gót lẫn trong mù,
Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về.

Con nai xinh xắn ngây thơ ngơ ngác rất được yêu chuộng trong hội họa và thi ca đã hiện ra ở đây gắn liền với cảnh sắc mùa thu rất phương Đông, rất Việt Nam, rất đẹp: cái dáng cao cao của chú nai mà gót chân khi ẩn khi hiện trong mù sương đang chậm rãi theo lối quen từ rừng cao đi xuống nhìn mùa thu là lạ đang về. Lại không thể không nhắc đến một tuyệt bút của Lưu Trọng Lư, bài “Tiếng thu” với hình ảnh đã thành tượng trưng:
Em không nghe rừng thu
Lá thu rơi xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô.
Người ta vẫn bình luận rằng, đây là một bản nhạc bằng ngôn ngữ Việt Nam, tất cả đều run rẩy, những âm thanh khẽ khàng của lá rơi (xào xạc), của bước chân êm khẽ chú nai giẫm trên những thảm xác lá vàng.
Tôi dường như bối rối khi động đến hàng nghìn câu thơ đầy gợi cảm của mấy thế hệ thi sĩ tài năng khi viết về mùa thu đất nước và mùa thu rất riêng của họ, kể từ sau cuộc Cách mạng mùa thu 8-1945 tới nay. Nguyễn Đình Thi với xúc cảm nao nức của người dân một nước tự do độc lập đứng giữa mùa thu 1949 ở vùng cao Việt Bắc:
Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng nghe vui giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha.
Thi sĩ Thanh Quế, bạn tôi, ngay giữa những năm 70 ác liệt của chiến tranh, anh đã sững người trước vẻ đẹp của núi rừng Tây Nguyên khi:
Đặt chân lên đá sắc
Trập trùng mùa thu.
Vẫn cứ nên kể thêm hai câu này của thi sĩ Đỗ Quý Bông viết mới đây:
Thế là trời đã sang thu
Và tôi lại được trùng tu lá vàng.
Trúc Thông
Theo http://honvietquochoc.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...